Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: .Ran.
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Ngọc Trong Đá | Nguyễn Đông Thức

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 2-2-2012 09:40:45 | Chỉ xem của tác giả
Đêm xuống. Trăng non hình lưỡi liềm vừa nhô lên, lại bị mắc trong đám mây, mù mờ. Điện chưa bắt được. Chân người chạy đi chạy lại. Chỉ trong chốc lát đã thấy hai hàng đuốc cắm dọc trên tuyến kinh, hắt xuống lòng kinh, hắt lên thân người một thứ ánh sáng nóng. Nhưng khó mà biết được là lửa thôi thúc người, hay những thao tác say sưa của con người đã giục lửa bùng lên, cao ngọn. Cúp quật xuống, xẻng ủi tới, hắt đất vào những chiếc bao đay đang há miệng, bao ngốn đầy đất nhảy lên một bờ vai lực lưỡng vừa cúi xuống, vượt qua các bậc cấp, biến vào bóng đêm. Lòng kinh ngày càng sâu xuống. Và con kinh khoét sâu vào đêm một vệt sáng khổng lồ lô nhô ngàn đốm lửa đỏ rực. Máy bơm chạy xình xịch hút nước. Đất hiện ra bên dưới tới đâu, lưỡi leng tua tủa cắm ngập xuống tới đó...

Càng về khuya, tiến độ thi công càng khẩn trương. Đêm nay phải là đêm dứt điểm. Loa phóng thanh lúc thì động viên: “Chiến thắng sát nách rồi, các đồng chí ơi!”. Lúc lại vang vang bài ca “Con kinh ta đào” quen thuộc. Rồi một câu khẩu hiệu bật lên:

- Vì công trình Trần Quang Cơ, vì danh dự của đội ngũ, các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!

- Tiến lên!

Từ dưới lòng kinh sâu, tiếng hô đáp lại đồng loạt như một cơn gió xoáy thổi lên, chạy dài trên mặt kinh, mất hút.

Đất chuyển lên hai bên thân kinh đã cao như những ngọn núi nhỏ. Lớp đất sét trắng lẫn với bùn non và nước bít kín những bậc tam cấp trơn như mỡ. Bức tranh bốn màu: đen của bùn, vàng của cát, trắng của đất sét và đỏ của đá ong, giờ trộn vào nhau thành một bức tranh sơn dầu nóng rực.

Đạo trợt té ở bậc cấp thứ năm. Anh đứng dậy bằng hai đầu gối, xốc lại bao đất 50 kí, một tay giữ bao, một tay chống, đứng hẳn dậy, tiếp tục leo lên. Nước lẫn máu đá ong chảy dài xuống tấm lưng trần của anh, đỏ như một dòng máu. Gió thổi mạnh buốt. Thế mà không có người nào trong số họ khô được một phân vuông trên da.

Lên tới giữa ngọn “núi” đất, Đạo lắc vai một cái cho bao đất rơi xuống. Anh chạy ngay xuống lòng kinh để vác một bao khác. Một giờ đều đặn 50 bao. Mỗi bao xấp xỉ 50 kí. Liên tục như thế trong 12 giờ, tám ban ngày và bốn ban đêm. Đó là những con số để Sáng tính. Đạo không cần biết giờ giấc, ngày đêm. Đồng đội còn làm thì anh còn cố gắng.

Đạo đã khỏe lại. Sau vụ trộm thuốc lần đó, dù tỉnh ngộ kịp thời, anh vẫn cảm thấy mình khó mà chuộc tội. Hơn cả Mạnh, nét mặt ủ dột của Hương từ sau ngày lên lại đơn vị, đã làm Đạo mất ăn mất ngủ. Anh mơ hồ cảm thấy chính vì mình mà Hương đã phải chịu đựng một điều gì đó rất nặng nề. Nhưng Hương không nói chuyện nhiều với Đạo như trước. Một phần cũng vì anh đã được biên chế trở lại đội, cũng chẳng có mấy dịp để gặp cô. Mà gặp thì thậm chí có lần Hương đã nhìn đi nơi khác.
Hôm qua, Hương ngất ngay trên bờ kinh. Đạo có nhìn thấy. Anh đang ở bên bờ đối diện, đã buông cuốc xuống nhưng rồi thấy Mạnh chạy tới, và anh mơ hồ hiểu sự quan tâm của Mạnh dành cho Hương có gì đó khác hơn sự quan tâm thông thường Mạnh vẫn dành cho mọi người. Đạo lặng lẽ quay lại với công việc. Những nhát cuốc của anh bập mạnh vào đá, tóe lửa...

Tiếng loa vẫn vang vang, giục giã:

- Bây giờ là 0 giờ. Giờ quyết định đã điểm. Chỉ còn 5 tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa, chúng ta phải dứt điểm đoạn kinh đã nhận. Phải dứt điểm, bằng bất cứ giá nào. Trong giờ phút này, chúng ta không đi nữa, mà là chạy. Cũng không phải chạy nữa, mà là bay...

Lời kêu gọi dội vào lòng mọi người những nhịp điệu thôi thúc mãnh liệt. Tiếng hò, tiếng hét động viên nhau vang trong lòng kinh. Hầu như mọi người đã quên bẵng giờ giấc, không còn để ý ngày hay là đêm. Họ đang đào, đang xúc, đang khiêng đất dưới ánh sáng của lòng họ. Cúp, xẻng... không còn là những vật dụng vô tri. Họ đã thắp tâm hồn mình và truyền tình yêu của mình vào đó. Đất chuyển lên bờ thành núi. Đất lõm xuống thành biển. Đất sợ hãi. Đất đầu hàng. Đá ong phơi cạnh sắc truy cản bước tiến con người. Nhưng vô ích, khi mà hầu như không ai hay máu đang chảy dưới chân. Phải dứt điểm! Lời kêu gọi phát đi trên loa, bay vút lên, lan rộng ra, làm chao đi các ngọn đuốc đang hổn hển cháy. Con kinh mở ra như một thung lũng nở đầy hoa hướng dương vàng rực.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

52#
 Tác giả| Đăng lúc 2-2-2012 09:50:44 | Chỉ xem của tác giả
Đến 2 giờ sáng thì đoạn kinh của Tổng đội 4 đã xuống đến bậc cấp thứ 15. Chỉ còn một bậc nữa, cũng là công đoạn cuối cùng, gai góc nhất. Tổng đội quyết định cho tất cả anh em dừng tay, tổ chức lễ kết nạp Đoàn ngay tại hiện trường cho 16 đoàn viên mới. Trên một sợi dây điện bắc ngang hai cây cột tre cắm ngay trên bờ kinh, lá cờ nước và cờ Đoàn được treo ngang, với lá cờ Đoàn hơi thấp hơn một chút. Một tấm panô bằng vải tăng xanh căng thẳng có dán hai dòng chữ cắt bằng giấy trắng: “Tổng đội 4 Thanh niên xung phong – Lễ kết nạp đoàn viên mới” được dựng đứng bên dưới.

Đứng bên bờ kinh, phía dưới hai lá cờ và trước tấm panô là các đồng chí Trí, tổng đội phó chính trị cũng là bí thư đoàn ủy, hai liên đội trưởng Mạnh và Hải và một số cán bộ khác. Mười sáu đoàn viên mới đứng thành hai hàng dọc, ngay trên thành con kinh đang đào dở, mỗi người trên một bậc cấp, mặt hướng về cờ. Ngoài sáu ngọn đuốc lớn cắm trên bờ kinh, còn hai mươi ngọn đuốc khác được hai mươi đoàn viên cũ đứng cầm, rất trang nghiêm. Ánh lửa lấp lánh trên những tấm huy hiệu Đoàn ở trước ngực áo họ. Mấy trăm đội viên còn lại chia đều đứng làm hai bên, mặt quay vào hai dãy đoàn viên mới. Tất cả mấy trăm con người đứng đó, dù là tổng đội phó, liên đội trưởng hay một đội viên bình thường, đều mới buông dụng cụ lao động xuống, lội dưới nước lên, người còn bê bết bùn, thậm chí có người trên mặt còn in những vệt đất sét ngang dọc như vừa chạy xuống từ một vở kịch chưa kịp tẩy trang.

Hương cũng có mặt trong số 16 sáu người được kết nạp Đoàn lúc 2 giờ sáng. Cô đứng gần hàng cuối đăm đăm nhìn lá cờ Đoàn trước mặt. Dưới ánh đuốc, nền cờ rực rỡ một màu đỏ tươi lộng lẫy.

Tối qua, tuy đã biết loáng thoáng trong đêm sẽ có tổ chức lễ kết nạp Đoàn tại hiện trường, Hương vẫn bất ngờ khi Mai đến báo cho cô biết trong danh sách 16 đoàn viên mới có tên cô. Thực ra, khoảng 5 tháng sau khi trở lại đơn vị, Hương đã được Mai hướng dẫn việc làm đơn và lý lịch. Nhưng cô làm mà không tin mình sẽ được kết nạp. Mặc cảm về gia đình, về bản thân, càng đè nặng lên Hương hơn, từ ngày ấy...

Hương bắt đầu được biết về Đoàn khi cô vào học trường Y tế. Đoàn viên trong trường lúc đó chỉ có mấy người. Đó là những người rất nghiêm trang, không hề biết đùa giỡn, thái độ cử chỉ lúc nào cũng như có một vẻ gì đó quan trọng khó hiểu. Họ lên án tóc dài của con trai, quần loe của con gái, đề nghị không được trang điểm khi vào lớp. Họ thầm thì gọi nhau đi họp, những phiên họp hết sức bí mật. Và điều quan trọng nhất là họ làm lớp trưởng, lớp phó, họ có quyền nhận xét về đạo đức, tác phong, tư cách, về ưu khuyết điểm của mọi người trong lớp, kể cả chính họ.

Từ những ngày đó, Hương và những người cùng hoàn cảnh với cô, nghĩa là  “một gia đình dính dáng đến nguỵ quân, nguỵ quyền" và một bản thân "chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hoá đồi truỵ phản động" đã có hai ấn tượng khá nặng: một là những người như họ sẽ không bao giờ được vào Đoàn, hai là vào Đoàn để trở thành những người như các "đồng chí" trong lớp họ, họ cũng chẳng thấy ham thích chút nào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

53#
 Tác giả| Đăng lúc 2-2-2012 10:14:44 | Chỉ xem của tác giả
Một năm rưỡi ở Thanh niên xung phong đã giúp Hương xoá được cái ấn tượng thứ hai. Đoàn viên ở đây cũng đảm nhận nhiều việc quan trọng, nhưng không được hưởng một đặc quyền đặc lợi nào cả, thậm chí chỉ thấy họ cực nhọc hơn. Họ sống như mọi người và sống với mọi người, Dù rất vất vả, nhưng ở họ luôn toát lên một sự tự tin, và chính bằng sự tự tin đó, họ đã thuyết phục được những người khác làm việc theo mình.

Những Mạnh, Mai, Nghĩa, Sáng, Cúc,... Những con người Hương đã thấy rất tốt, và không ngạc nhiên khi sau đó biết họ đều là đoàn viên - trừ trường hợp Tuấn vẫn chưa thuyết phục được Hương. Rồi những người tốt khác lần lượt trở thành đoàn viên trước mắt Hương, Cô không hề cảm thấy ganh tị, mà còn coi như đó là điều đương nhiên. Những đoàn viên... Họ chỉ là những người chấp nhận cuộc sống mới, lao vào cống hiên cho nó và được công nhận lại bằng một danh hiệu. Đơn giản có vậy thôi.

Nhưng còn Hương? Cô cũng đã chấp nhận cuộc sống mới này. Đã cố gắng rất nhiều để cống hiến cho nó, nhưng có được nó công nhận chưa, công nhận với tư cách bình đẳng như những người khác chưa?

Tuấn đã trả lời là chưa. Lúc đó Tuấn còn là liên đội phó chính trị kiêm bí thư liên chi đoàn. Anh có quyền xét hồ sơ kết nạp từ các chi đoàn gửi lên, trước khi chuyển lên đoàn uỷ đề nghị cấp quyết nghị. Lẽ ra Hương đã được kết nạp sớm hơn chứ không phải đợi đến hôm nay. Chính Tuấn đã quyết định "ém" hồ sợ của Hương lại trong ngăn tủ lúc nào cũng khoá kín cả mình. Anh luôn tỏ ra trung thành với một nguyên tắc: tự coi mình như một rào chắn đáng tin cập trong việc tinh lọc những người muốn đến gần hơn với Cách mạng, trong phạm vi thẩm quyền của mình. Đôi mắt sắc của anh luôn nhìn một cách đa nghi vào động cơ phấn đấu của người khác, làm như cái danh hiệu đoàn viên có nghĩa là một chiếc chìa khoá giúp con người có thể luồn lách sâu hơn. Ba Hương là cán bộ viên chức chế độ cũ, ông anh ruột lại là sĩ quan, chỉ hai yếu tố đó đã khiến Tuấn phải xét Hương kĩ hơn, huống hồ gì Hương chưa bao giờ tỏ vẻ ưa thích Tuấn, thậm chí dù có cố gắng nhưng cô vẫn không che giấu được sự khinh ghét. Biết lý lịch Hương không mấy tốt, nhưng Tuấn vẫn tự cho phép mình thỉnh thoảng được tán tỉnh Hương, cô gái có thể coi như đẹp nhất đơn vị, "cho nhẹ nhàng bớt cuộc sống cực khổ ở đây". Nhưng sau đôi lần tán tỉnh, Tuấn thấy rõ Hương không hề dành cho mình chút thiện cảm nào, trong khi Mạnh lại là người được Hương quan tâm hơn. Điều đó lại càng làm Tuấn thêm khó chịu để ngấm ngầm chứng tỏ "quyền lực" của mình với cô bé bướng bỉnh kia.

Có lý lịch tốt và là một con người luôn tính toán, đang làm cán bộ phường đoàn, Tuấn quyết định vào Thanh niên xung phong ngay trong đợt ra quân đầu tiên, biết chắc mình sẽ được vào ngay dàn chỉ huy đại đội, có lẽ sẽ chẳng mấy cực nhọc. Chịu khó chừng một, hai năm, với cái "bằng tốt nghiệp" ở một đơn vị lao động hạng nặng, anh sẽ trở về thành phố với những cánh cửa mở rộng chờ đón. Nhưng thực tế đã diễn ra quá sức tưởng tượng và chịu đựng của Tuấn. Ban chỉ huy lại phải làm việc bằng hai, bằng ba, mỗi chút biếng nhác đều bị tập thể phát hiện và cạo đến tận da. Tuấn vốn không quen lao động chân tay cực khổ, giờ phải ép lòng làm việc với mọi người mà không lúc nào không tự rủa thầm về cái quyết định dại dột của mình. Chính từ đó còn nảy sinh trong anh một ác cảm ngấm ngầm với những người lao động tích cực, trong đó phải nói đặc biết với Mạnh, một thái cực khác hẳn anh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

54#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 10:32:31 | Chỉ xem của tác giả
Việc chuyển từ Lê Minh Xuân về Tam Tân thoạt đầu có làm Tuấn rất vui. Xem như anh được thăng cấp. Liên đội phó chắc là phải khoẻ hơn đại đội phó rồi. Thế nhưng công thức làm việc của Mạnh vẫn không thay đổi, và là một công thức được tổng đội nhất trí, Ban chỉ huy liên đội vẫn phải tham gia lao động như mọi người! Tuấn cố tìm nhiều lý do để lẩn tránh lao động, nhưng anh hoàn toàn thất bại. Kể cả Hương, một cô gái rõ ràng rất "tiểu thư", cũng có ánh mắt thoáng vẻ coi thường mỗi khi anh qua khai bệnh để được nghỉ hoặc xin giấy về thành phố "chữa mấy cái răng hư hành cả tuần nay đau nhức không ngủ được"…

Thấy việc đầu tư cho tương lai bằng con đường Thanh niên xung phong coi bộ “khó ăn” quá, Tuấn chặc lưỡi “Chẳng tội gì!” và lập tức tìm cách nhất nút biến khỏi môi trường ác liệt này khi họ vừa rời Tam Tân về Ba Gia. Nắng ở vùng An Nhơn Tây và Phạm Văn Cội còn khủng khiếp hơn ở Tam Tân, tuy cùng ở Củ Chi. Đây từng là vùng trắng cho Mỹ tự do bắn phá. Hàng vạn tấn bom đạn dội vào đây đã huỷ diệt mọi biểu hiện của sự sống. Đất đai ở đây khô cằn, không một bóng cây, trắng loa loá dưới nắng. Ở xa, nhìn những đám cỏ xơ xác khô đét bốc khói dưới nắng, cứ tưởng chúng đang ngún cháy. Thỉnh thoảng cũng có vài cơn gió liều lĩnh kéo tới, để rồi lập tức bị nắng luộc chín, rớt xuống thành những làn hơi nóng hầm hập… Giữa trời nắng đó mà đứng đào kinh suốt ngày thì… không có Tuấn. Trước khi có chiến dịch Trần Quang Cơ, cậu của Tuấn, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, đã can thiệp xin cho anh được về làm bí thư Đoàn. Thế là Tuấn được yên ổn về thành phố, với chiếc xe gắn máy và những con đường nhựa thênh thang, cùng bao nhiêu chuyện kể với bạn bè, bằng một giọng hết sức khiêm tốn cố tình, về những ngày ác liệt ở Thanh niên xung phong đã làm đến liên đội phó chính trị của mình.

Việt, người thay Tuấn, khi mở ra xem lại những hồ sơ sổ sách của kẻ “đào ngũ hợp pháp” này, đã thấy hồ sơ của Hương nằm yên trong một góc…

Giờ thì Hương đang đứng đối diện với hai lá cờ đỏ rực trên kia. Những ý kiến ngắn gọn, sâu sắc chân thành. Quyết nghị kết nạp của từng người được đọc. Các cán bộ của công trình, của Tổng đội và Liên đội, toả xuống các bậc cấp đến gắn huy hiệu cho từng người. Hương thấy choáng ngợp một nỗi xúc động khi Mạnh tới, thận trọng cài chiếc huy hiệu lên ngực áo trái của cô, trao cho cô tờ quyết nghị và mỉm cười đưa tay ra:

- Xin chúc mừng đồng chí.

Hương đưa tay bắt bàn tay vững chãi của Mạnh, cảm thấy rất rõ một sức mạnh, một niềm tin không gì lay chuyển nổi của anh đang truyền thẳng vào mình.Bàn tay đã nâng Hương đứng dậy lần cô ngã xuống bùn ngày đầu tiên đến với Thanh niên xung phong. Bàn tay đã ký vào tờ giấy bảo lãnh cho cô được trở về đơn vị. Bàn tay chưa hề đầu hàng trước trở ngại ấy, lại vừa trao cho Hương nguồn gốc của niềm tin và sức mạnh của mình. Mạnh nhìn sâu vào đôi mắt mờ lệ của Hương. Anh xiết chặt tay cô trước khi bước đến người kế cận…

Đột nhiên tất cả chợt im ắng lạ thường, có thể nghe được cả tiếng lách tách của những cây đuốc cháy. Rồi những lời thề lồng lộng vang lên. Những bàn tay nắm chặt đưa cao lên đầu. Một chùm pháo sáng màu da cam được bắn lên không, rạng rỡ trong những đôi mắt sáng rực đang nhìn thẳng về phía trước. Năm Hùng, Tổng đội trưởng Tổng đội 4, nãy giờ vẫn đứng lặng lẽ ở một góc, nhớ về bao nhiêu lễ kết nạp Đoàn mà mình từng được tham dự trước đây: những buổi lễ được tổ chức ngay trên chiến trường bốc lửa, trong chiến hào sau chiến thắng một trận công đồn, dưới hầm địa đạo leo lét ánh đèn dầu, trong nhà tù ác nghiệt… trong đó có cả buổi lễ kết nạp cho một đồng chí đang hấp hối. Anh nhìn những đồng đội rất mới của anh hôm nay, Trước đây họ có thể là một tay anh chị, một cô gái con nhà giàu, một anh lính nguỵ, một cậu sinh viên, một chị làm công… Chỉ có Đảng mới có đủ sức mạnh thuyết phục được họ cùng đến với mình. Nhìn những chiếc huy hiệu Đoàn mới tinh, lấp lánh trên những chiếc áo thun bê bết bùn, những chiếc áo Thanh niên xung phong rách nát, Năm Hùng càng chiêm nghiệm được một điều: Cách mạng ở giai đoạn nào cũng luôn luôn có một lớp người sẵn sàng kế tục và rất xứng đáng được tin cậy.

Anh bước ra hàng quân im phăng phắc và xúc động nói:

- Giờ thì các đồng chí đã được trang bị một sức mạnh mới, một sức mạnh vô địch! Các đồng chí có nhất trí là chúng ta sẽ dứt điểm đoạn kinh còn lại trong vòng một tiếng nữa không?

Tiếng hô “Nhất trí!” vỡ toang ra từ lồng ngực của mấy trăm còn người. Mặt đất rung lên dưới những bước chân rầm rập trở lại hiện trường. Bài ca lao động hùng tráng lại vang lên một nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

***


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

55#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 11:31:09 | Chỉ xem của tác giả
Nồi chè đã sạch, đống lửa ở giữa sân cũng đã ngưng cháy, chỉ còn thoi thóp trên những thỏi than rực đỏ. Đám đông chung quanh giãn dần. Những bài ca tập thể với những tiếng vỗ tay sôi động, những trò chơi cười chảy cả nước mắt… đã ngưng. Giờ là thời gian dành cho những ai chưa muốn về ngủ ngay, muốn ở lại tận hưởng cái không khí ngồi với nhau một buổi tối cuối năm âm lịch, sau khi đã góp phần hoàn thành một công trình lớn và trở về lại đơn vị.

Trong số ít còn lại đó có Mạnh, Hương, Mai… Họ đang lắng nghe Tùng, “ca sĩ” của Liên đội, vừa đàn vừa hát một bài hát mới của Lã Văn Cường. Tiếng ghita rải trong đêm bao giờ cũng khơi dậy trong ta một điều gì đó, có thể là một nỗi nhớ mơ hồ về một kỷ niệm nào, một gương mặt nào của một thời xưa cũ, cũng có thể là một nỗi buồn bất chợt nhưng êm ái, nhẹ nhàng, có khi hơi ngây ngất một chút. Tùng hát chậm rãi:

… Vạt áo xanh em ơi
Biên đen dòng điểm khuyết
Màu nắng lên tha thiết
Đưa ta đi vào đời.
Con đường nào chông gai
Chân trần ta lấm đất
Dẫu trăm năm đường dài
Có lòng ta son sắt
Tìm đâu ra giòng suối
Gột sạch vết áo em
Có chăng tình đồng đội
Và đời ta hướng lên…


Hương không hiểu hết nội dung bài ca. Chỉ thấy rung động vì giai điệu êm như thơ của nó. Như hiểu được suy nghĩ của cô, Mạnh quay qua nói nhỏ:

-        Bài này phổ thơ của Ông Văn Chiến ở Tổng đội 1. Hương biết xuất xứ của nó không?

Hương lắc đầu. Mái tóc mới gội của cô thoảng nhẹ hương chanh nồng nàn trong tối. Mạnh nói như để mình Hương nghe:

-        Trong đơn vị của anh Chiến có một cô đội viên trước là một nạn nhận tệ nạn xã hội, giờ quyết tâm làm lại cuộc đời. Mỗi lần được phê bình về một khuyết điểm nào đó, cô lại lấy viết đen ghi lên vạt áo mình, để mỗi ngày nhìn thấy mà sửa. Chiến muốn nói với cô ấy rằng tình đồng đội và ý chí vươn lên trong cuộc đời sẽ giúp cô ấy gột sạch mọi vết mức đen đã ghi trên áo cũng như đã thấm vào đời cô…

Hương lặng lẽ nhìn Mạnh. Họ nhìn nhau và thấy chưa bao giờ mình gần nhau như vậy. Bóng tối chỉ làm sáng thêm ánh nồng nàn trong ánh mắt Mạnh. Đôi mắt ấy còn muốn nói một điều. Rằng bên cạnh tình đồng đội và ý chí vươn lên của bản thân, tình yêu của anh sẽ giúp cô thêm rất nhiều sức mạnh để vượt qua được tất cả, kể cả một hoàn cảnh éo le đến thế nào đi nữa. Hương sợ hãi không dám nhìn đôi mắt ấy. Cô quay mặt nhìn ra đám than hồng đang tàn ngoài sân. Với cô, tất cả rồi cũng sẽ lụi tàn, không trông mong gì sẽ giữ được mãi ánh lửa kia trong mắt Mạnh. Lòng cô rưng rừng buồn vì nỗi bất hạnh của đời mình.

Mai len lén bỏ đi. Tùng cũng ôm đàn rút lui. Chỉ còn Mạnh và Hương ngồi bên nhau. Hương nhìn trộm Mạnh qua mấy kẽ tay. Chiếc cổ áo bạc trắng, tưa sờn, sắp rách rồi. Đôi mắt và cặp chân mày đẹp quá. Gương mặt Mạnh có một vẻ gì đó căng thẳng và giọng anh nhẹ như một hơi thở:

-        Hương ơi, anh muốn nói với Hương điều này…

Hương sợ hãi đến tội nghiệp. Cô co người lại, cúi mặt, hai tay che lấy tai mình:

-        Đừng, anh đừng nói, đừng bao giờ nói!

Mạnh đưa tay chụp lấy một bàn tay Hương, thật chặt:

-        Không, anh phải nói! Anh… anh yêu Hương.

Sau lời tỏ tình dữ dội, gấp gáp, Mạnh đã bình tĩnh lại. Anh nhìn ra ánh lửa, nói đều đều giọng nhẹ nhàng trở lại:

-        Anh yêu Hương lắm, Hương biết không? Từ lâu rồi, nhưng đến gần đây, anh mới thấy rõ đời mình không thể thiếu Hương. Anh biết Hương đã gặp phải một chuyện gì đau khổ lắm, và anh xót xa vì không chia sẻ được với Hương niềm đau đó. Anh muốn nói với Hương rằng dù Hương có gặp chuyện gì khó khăn lắm, dù mọi hoàn cảnh, anh vẫn yêu Hương. Anh muốn, vô cùng muốn, được đem đến niềm vui mãi mãi cho Hương. Hương có bằng lòng không?

Hương lặng nghe không sót một lời của Mạnh. Trái tim cô hân hoan đập trong lồng ngực nhưng lý trí lại buộc ngay vào đó một tảng đá nghìn cân. Trong một thoáng, Hương đã định kể hết Mạnh nghe những gì xảy ra với mình trong cái đêm ấy. Rằng cô không còn xứng đáng với tình yêu của anh. Nhưng cuối cùng cô đã không đủ can đảm để nói được gì cả…

Mạnh hốt hoảng nhìn hai dòng nước mắt âm thầm chảy ràn rụa trên má Hương. Anh cuống quýt ôm chầm lấy cô, hôn lên đôi má mặn ấm những nụ hôn vụng về đầu đời. Người Hương mềm đi như không còn chút hơi sức. Cô giấu mặt vào vai Mạnh, nghe hơi ấm và mùi mồ hôi khen khét từ ngực anh toả ra hết sức dễ chịu. Hương nhắm mắt, thở một hơi dài. Một cơn gió chợt lướt qua, làm đám lửa ngoài kia rực sáng lên, reo lách tách. Những bông hoa lửa màu cam đỏ bung ra, đuổi nhau bay mất trong gió...

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

56#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 20:45:21 | Chỉ xem của tác giả
8.


Trung tuần tháng 3-1978, Đại hội Thanh niên tiên tiến thành phố HCM năm 1977 được tổ chức, chuẩn bị lấy khí thế cho một chiến dịch lớn. Từ khắp các mặt trận chiến đấu, lao động và học tập, đại biểu trẻ của những bông hoa tiên tiến lại về họp mặt, kể cho nhau nghe những thành tích của nhau và càng xác định rõ hơn niềm tin vững chắc vào tương lai. Hương vinh dự được đơn vị chọn đi, trong số hai người của liên đội.

Ở trước cửa hội trường Câu lạc bộ Thanh niên, vào giờ giải lao, Hương gặp một người mà cô không bao giờ tưởng tượng là có lúc mình sẽ được gặp lại trong đời: Oanh. Người bạn thân nhất trước đây của Hương, giờ đang đứng trước mặt cô, nước da đen hơn, nhưng rất gọn gàng, khoẻ mạnh, cũng trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong màu cỏ úa. Hai cô gái nghẹn ngào nhìn nhau. Hương là người xổ vào ôm lấy bạn trước. Họ khóc mùi mẫn trước đôi mắt ngạc nhiên của nhiều người.

Ở căng-tin, Oanh kể hết cho bạn nghe những gì đã xảy đến cho mình. Chuyến tàu vượt biên của cô bị bắt khi vừa ra tới cửa biển. Sau một thời gian ở trại quản chế của Công an tỉnh, mẹ Oanh được thả về, còn Oanh, như những người trẻ tuổi khác, được trả về Công an thành phố, rồi được đưa đi lao động cải tạo ở trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới Xuyên Mộc, mà khung cán bộ là người của Lực lượng thanh niên xung phong thành phố.

Trước khi chia tay, Oanh đã nhờ mẹ nhắn tin giúp về nhà Hương, nhưng sau đó, khi được thư cô ở Xuyên Mộc gửi về hỏi lại lần nữa, bà Hoàng đã viết trả lời cho Oanh là cả nhà Hương đã đi mất rồi. Giờ Oanh mới biết sự thật, chắc là bà Hoàng muốn tránh mặt nhà Hương, và không thích cho Oanh quan hệ với Hương nữa. Cũng như trước đây, trong chuyến đi bị bắt, bà Hoàng đã biết trước ngày đi khá lâu, nhưng không cho Oanh hay, vì Oanh đã để lộ ý định muốn tiếp tục rủ Hương cùng đi.

Thế rồi, trong cái doanh trại nằm giữa vùng rừng già đất đỏ Bàu Lâm đó, hằng ngày Oanh đã được học tập, lao động cùng với hàng ngàn thanh niên khác, trước đây gần như đã đánh mất tuổi trẻ của mình trong cái vũng lầy xã hội cũ. Ở nơi đó, lần đầu tiên Oanh đã được biết một cây bắp mọc lên và cho trái như thế nào, cây khoai mì được trồng từ một đoạn thân ngắn ra sao, tại sao người ta lại không để mạ mọc thẳng lên thẳng lên thành cây lúa, mà lại phải nhổ lên rồi đi cấy lại, mất công như vậy. Ở trước phòng của Oanh, có trồng hai bụi ớt tía, mấy chồi non mềm mại mọc lên, rồi lớn dần, nở hoa, kết trái, ban đầu bằng mút đũa, rồi to dần, to dần, từ màu xanh bắt đầu ngả sang màu đỏ, rồi tím bầm. Oanh thích thú theo dõi những cây trái ấy từng ngày. Nhưng rồi một bàn tay xấu tính nào đó đã ngắt trộm mấy trái ớt lớn nhất đầu tiên, công trình bao ngày chăm chút của Oanh. Oanh khóc vì tức, vì tiếc, khóc chỉ vì mất mấy trái ớt mà trước đây hoàn toàn vô nghĩa với mình.

Ở hai thung lũng đã được bàn tay những người Thanh niên xung phong và học viên dọn sạch chồi cây và cỏ tranh, mắc cỡ, Oanh và các bạn gái đã nhận trồng những liếp cà tím và dưa leo, trong khi các bạn trai đảm trách những công việc nặng nhọc hơn, như phá trừng, hạ cây, xẻ gỗ, xây dựng doanh trại... Chẳng bao lâu hai thung lũng ấy đã trở nên xanh tươi, mát mẻ. Các cô đặt tên hai nơi này là thung lũng Cà tím và thung lũng Dưa leo. Mỗi thung lũng đều có một khu vườn nhỏ, bàn ghế bằng mây rừng. Oanh rất thích vào buổi chiều rảnh rỗi, đi tắm về, ra vườn ngồi một mình ngắm cảnh chiều xuống trên đồi Hoàng hôn. Ngọn đồi phía Đông đó được mang tên của buổi chiều tàn, vì từ doanh trại nhìn ra, khi mặt trời xuống vừa thấp sẽ tráng một lớp men nắng cuối cùng lên những lá cỏ tranh dầy kín trên đồi, làm cả ngọn đồi rực lên sắc vàng óng ánh. Những cơn gió cuối ngày luyến tiếc lướt qua, xô nhẹ những thân cỏ, làm cả sườn đồi chập chờn rung động, dào dạt một biển sông vàng. Hoàng hôn như nằm cả trên ngọn đồi ấy.

Oanh còn biết đánh cỏ tranh thành từng tấm để lợp mái những căn nhà mới. Bàn tay cô đã bị lá tranh và gai mắc cỡ cứa nát, nhưng tấm lòng cô ngày càng lành lặn hơn. Buổi chiều, cũng như các bạn trai, các cô gái, cả cán bộ khung – cũng chỉ là những cô Thanh niên xung phong rất trẻ, hồn nhiên – sau giờ lao động đều đổ ra đánh cầu lông, chơi bóng chuyền, rồi đi tắm ở đoạn sông Ray dành riêng cho nữ, nước trong veo và mát lạnh. Chủ nhật họ đi sâu vào rừng, tìm những giò lan quí về trang hoàng doanh trại. Những đêm mưa đông, trời lạnh cắt da, không ngủ được, họ đốt lửa, quấn chăn, ngồi bên nhau nghe đọc thơ, đọc truyện, ca hát chờ nồi bắp luộc, nồi khoai mì hấp hay nồi cháo cheo… sôi trên bếp lửa. Hôm nào nghèo nhất thì cũng có một ấm hà thủ ô nấu đặc đắng ngắt, nhưng nuốt xuống rồi thì lại nghe có vị ngọt đọng lại ở đầu lưỡi.

Dần dần, sự phân biệt giữa cán bộ và học viên ngày càng thu hẹp. Mà thực ra, có gì gọi là phân biệt? Họ ăn uống cùng tiêu chuẩn như nhau, cùng lao động, cùng ngủ trên một kiểu giường tre… Nếu có khác biệt là ở chỗ phòng ngủ của học viên được xây dựng chắc chắn hơn, và giấc ngủ của họ được những người Thanh niên xung phong thay nhau canh giữ. Còn bữa ăn, thực tình nhiều học viên có gia đình khá giả tiếp tế thường xuyên còn sung sướng hơn những cán bộ Thanh niên xung phong.

Cũng như Hương, Oanh đã biết được bao nhiêu điều mới lạ, ngỡ như quá đỗi tầm thường, đơn giản, vậy mà trước giờ cô lại chưa từng biết. Cuộc sống mở ra trước mắt Oanh bao hình ảnh khác hẳn cuộc đời chật hẹp ngày xưa: những chiều quanh quẩn trên phố xá, khoe nhau những bộ áo quần lạ mắt, nối tiếp là những tối chạy lòng vòng chẳng biết tấp vào đâu, vì trò giải trí nào rồi thì cũng quá chán chường, tiền bạc thì cứ xài mà không hề thắc mắc ở đâu mình có… Không hiểu làm sao có được hạt gạo cho mình ăn đã đành, thậm chí Oanh còn không biết làm sao biến hạt gạo thành cơm nữa. Từ nhỏ, cô đã chẳng phải làm gì đụng đến móng tay. Lớn lên, theo “mốt” lúc bấy giờ, cô đi học và có thể làm được mấy chục loại bánh ngọt rất cầu kỳ bằng máy đánh trứng và lò điện, nhưng nấu một nồi cơm, lặt một mớ rau, đánh vảy một con cá… thì cô hoàn toàn không biết. Bữa ăn bao giờ cũng sẵn sàng mời mọc cô, trên một mặt bàn phủ khăn trắng, chẳng khác nào trong truyện thần tiên Nghìn lẻ một đêm, mà thuở nhỏ cô đã được đọc, có một chiếc bàn thì chỉ việc vỗ vào là có thức ăn ngon hiện lên, bốc khói.

Bản tính dạn dĩ và lạc quan, những đau khổ bước đầu cũng dần nguôi ngoai, và Oanh đi vào cuộc sống tập thể cũng đã thoải mái hơn. Lại cũng như Hương, Oanh rất ngạc nhiên khi biết những người bằng tuổi quanh mình trước đây hoàn toàn không được đi học, không phải vì lười, mà vì không đủ điều kiện. Từ bé, họ đã phải lăn vào đời để kiếm sống, và những bài học mà cuộc đời lúc đó dành cho họ thường chỉ mang một hương vị cay đắng.

Với chính bản thân mình, Oanh còn chưa tự lý giải được về nguyên nhân của những đổi thay trong thời gian ở trường, huống hồ gì về sự thay đổi nhanh chóng của từng người chung quanh. Những học viên, trước đây, có người từng cầm đầu một băng cướp khét tiếng, có người tự xưng là du đãng trí thức, có người là gái điếm, chủ bar lừng lẫy… Những con người chịu chơi, cô đơn, đi hoang, sống hippy, hiện sinh, xả láng cuộc đời ấy, cuối cùng đã gặp nhau ở đây. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ phần nào giúp tâm hồn con người rộng mở và để cảm thông nhau hơn. Những ánh mắt đã dịu đi về nghi ngại hằn học buổi đầu, những gương mặt lầm lì như thách đố, nhường chỗ cho nét cởi mở, gần gũi. Chiếc hố đau thương trong quá khứ mỗi con người được lấp dần, và trên mặt đất thật bằng phẳng ấy, một cuộc sống mới đang đâm chồi nẩy lộc.

Không khí doanh trại ngày càng sinh động hẳn lên. Từ 5 giờ sáng, khắp các đội đã vang lên những tiếng hô tập thể dục đều đặn. Những trận bóng chuyền chuẩn bị cho đợt tranh giải sắp tới. Khí thế lao động lên cao. Mỗi chiều, trên những nương rẫy mới mở, những đám lửa từ những cây cỏ được dọn sạch gom lại lặng lẽ cháy, phía sau những bàn chân cùng nhau trở về doanh trại với bữa cơm chiều đang dọn sẵn. Buổi tối là kiểm điểm công việc trong ngày, là học bổ túc văn hoá, là sinh hoạt văn nghệ, làm báo tường… Cứ thế mà Oanh thay đổi tự lúc nào cô không hay.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

57#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 20:46:58 | Chỉ xem của tác giả
Nơi đó, Oanh gặp Toàn.

Ngày giải phóng, Toàn là một sinh viên Văn Khoa năm thứ nhất. Anh đến sinh hoạt ở Lực lượng thanh niên – sinh viên – học sinh tại khu nhà số 4 Duy Tân, trước kia là Trung tâm sinh hoạt thanh niên, từ những ngày đầu tháng 5-1975. Lực lượng này được giải thể hồi tháng 7, và một số trong đó đã tình nguyện ở lại, thoát ly gia đình, gia nhập các đội Thanh niên xung phong đầu tiên của thành phố. Đội của Toàn được đưa lên Xuyên Mộc đầu tiên, lúc vùng này còn là một khu rừng già hoang vu, rải rác mới có một trảng tranh; đêm nằm còn nghe mễnh tác, sáng dậy có hôm ra suối còn thấy vết chân cọp rành rành…

Khi Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới ở Xuyên Mộc được thành lập, đội của Toàn được đưa sang và bố trí vào khung cán bộ. Toàn trở thành đội trưởng một đội sản xuất. Trung đội trưởng cũng là các Thanh niên xung phong, còn tiểu đội trưởng thì do chính các học viên tự chọn lên. Trong đội Toàn có một trung đội nữ, mà Oanh được bầu làm một trong ba tiểu đội trưởng.

Sinh viên Sài Gòn, gia đình trung lưu, thông minh, hoạt bát, tiếp thu lý luận cách mạng nhanh, tích cực công tác, sống thoải mái trong tập thể, biết tin tưởng người khác và phát huy được sự đóng góp của mọi người, yêu thích các hoạt động văn nghệ và thể thao…

Toàn đến đâu cũng nhanh chóng được tập thể ở đó yêu mến, và tin tưởng. Có thể nói anh là một đội trưởng có năng lực. Đội của anh lao động tốt, tư tưởng ổn định, có sinh hoạt tinh thần phong phú, ít người đào trại nhất. Chỉ sau một năm, chính Toàn còn đứng ra đề nghị cho một số học viên được chuyển thành Thanh niên xung phong và ở lại trường làm cán bộ khung tiếp tục, vì số học viên được nhận vào đã đông hơn. Anh tin là những người trưởng thành đó sẽ gần gũi anh em học viên hơn, và sẽ biết cách hướng dẫn, thuyết phục được những người khó tính, bi quan nhất. Trong số những người đầu tiên được Toàn đề nghị đó, có Oanh.

Đề nghị đó đã được chấp thuận.

Cái ngày mà Oanh được trả bộ quần áo học viên, để mặc vào bộ đồng phục Thanh niên xung phong, cô đã xúc động đến chảy nước mắt. Không hẳn chỉ vì cảm thấy rằng từ này mình đã được hoàn toàn tự do. Oanh còn xúc động vì sau một thời gian vào trường, từ cái tâm trạng bi quan hoảng loạn, không biết mình sẽ bị hành hạ, dày vò, cải tạo, tẩy não... như thế nào, giờ đây hầu như cô đã trở thành một con người khác hẳn, một con người đang chờ mong được nhận bộ quần áo lao động để được cống hiến bình đẳng như mọi người.

Lúc trao bộ đồng phục còn thơm mùi vải mới cho Oanh, Toàn nói nhỏ:

- Từ nay mình là đồng chí rồi nhé bạn!

Oanh rất thích tiếng “bạn” của Toàn. Anh không gọi học viên là “anh”, “chị” như nhiều cán bộ khung khác, nếu học viên đó bằng hoặc nhỏ tuổi hơn anh. Toàn gọi “bạn” và xưng “tôi”, rất thân tình tự nhiên. Anh thực sự coi các học viên như những người bạn, vấp phải những lầm lỡ mà không do chính mình gây nên.

Hùng, chàng phi công hào hoa, người yêu đầu tiên của Oanh, có lúc yêu Oanh tưởng có thể chết vì cô được, giờ đã bặt hẳn thư từ. Trong cái lần duy nhất lên thăm Oanh, bà Hoàng đã báo cho cô tin Hùng làm đám cưới ở Texas, với con gái một đại tá không quân nguỵ, cũng chạy sang bên ấy, qua lá thư một cô bạn từ Mỹ gửi về. Oanh đọc thư, ngạc nhiên nhận ra lòng mình chỉ thoáng buồn như một người bị cháy hết nhà cửa, vừa nhớ ra trong đó có một món rất quý giá. Cô ngẩn ngơ một chút rồi đưa hai tay vuốt mặt như muốn xoá đi cái cảm giác tê tái, tự an ủi: “Chuyện đó là bình thường, nhất là với Hùng. Không có gì bất ngờ cả, phải vậy thôi!” Với Oanh bây giờ, cô sẽ đi tìm lại căn nhà đã cháy, hay sẽ tự xây lại cho mình một căn nhà khác? Một mình cô có đủ sức làm công việc đó hay không?

Oanh đã báo tin cho mẹ biết cô xin ra Thanh niên xung phong một thời gian. Thực ra nếu Oanh không đồng ý như vậy, cô cũng chưa thể được giải quyết cho về với gia đình, nhưng bà Hoàng đã giẫy nẫy:

- Sao con dại vậy? Ráng xin về thôi. Nếu biết chỗ nào lo tiền để được về sớm thì chỉ má. Má đợi con về là mình đi nữa. Lần này má biết được đường dây của mấy ông linh mục tổ chức. Bảo đảm một trăm phần trăm, khỏi cần đem vàng hay tiền theo, cứ gởi lại đây, qua đó sẽ có người đưa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

58#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 20:48:18 | Chỉ xem của tác giả
Khoẻ, cùng đi với bà Hoàng để vác mấy bao thực phẩm cho Oanh, cũng hạ giọng nói:

- Oanh xin về đi. Cứ giả đò bệnh lên, bệnh xuống riết, rồi người ta phải cho về thôi. Tụi này nó ngu lắm, đâu biết mẹ gì! Cần giấy chứng nhận có bệnh mãn tính gì từ nhỏ thì tôi chạy cho.

Oanh quắc mắt nhìn Khoẻ. Anh lính tài xế này sao giờ dám gọi tên Oanh trống không và nói năng thô lỗ như vậy? Khoẻ vẫn giương giương mắt nhìn Oanh. Oanh liếc sang mẹ. Bà Hoàng cúi mặt xuống. Và cô gái chợt hiểu tất cả. Người cô run bật lên vì một nỗi căm giận bất ngờ. Ông Hoàng bỏ chạy với một cô vợ bé chỉ hơn Oanh vài tuổi, bỏ mẹ con Oanh ở lại tự lo lấy thân. Hùng qua đó chưa được một năm đã làm đám cưới với một cô gái khác. Và bây giờ là mẹ mình dan díu với Khoẻ... Căn nhà đã đổ sụp đến tận viên gạch cuối cùng!

Mặt Oanh tái ngắt. Cô đứng dậy, nói không ra tiếng:

- Măng (1) về đi! Và đừng bao giờ lên thăm con nữa.

Cô lảo đảo quay mặt vào doanh trại, bỏ bà Hoàng và Khoẻ giữa mấy bao vải ngổn ngang trong phòng thăm nuôi.

Đêm đó, Oanh đã khóc vùi, khọc nghẹn lặng, tức tưởi, nhưng sáng hôm sau, mọi người lại thấy cô lao động hết mình hơn bao giờ hết.

Người yêu tuyệt vời nhất, là người đến với mình đúng lúc nhất. Với Oanh, người đó là Toàn. Từ ngày gọi nhau là đồng chí, họ đã gần gũi nhau hơn, và ngày càng nhận ra, giữa họ có nhiều điểm phù hợp nhau. Oanh còn lờ mờ về lý tưởng, về chủ nghĩa xã hội, về con đường đẹp nhất mà mọi người trẻ tuổi như cô nên đi theo... nhưng chính những tương đồng về tánh tình, sở thích, rồi sau đó là tình yêu với Toàn, đã giúp cô nhanh nhẹn tiếp nhận cuộc sống mới, một cách nhẹ nhàng. Cô đã yêu cách mạng bắt đầu từ tình yêu riêng tư của mình. Điều đó cũng bình thường, dễ hiểu.

Oanh nói với Hương:

- Tối qua tao được về thăm nhà, lần đầu tiên từ khi lên trường. Tao thấy thằng Khoẻ đầu chải tém, mặc bộ pyjama của ba tao, ngồi dựa ngửa xa-lông coi tivi, tay cầm điếu 555, bên cạnh lại có chai cô-nhắc, tao chịu không nổi, phải bỏ lên chỗ ở tập thể mà Thành đoàn bố trí cho anh em trên trường về dự Đại hội ở tạm, trong mấy ngày. Má tao còn kêu tao nhân dịp này đào ngũ luôn đi, bả giấu trong nhà, chờ ngày đi theo bả. Tao nói: “Măng đi làm gì, ở đây con thấy măng cũng hạnh phúc chán!” Xong tao lấy ít đồ dùng rồi bỏ đi. Bả nhìn tao và khóc. Kỳ ghê, sao tao thấy dửng dưng như không, thậm chí tao còn có cảm tưởng bả đang đóng kịch nữa!...

... Oanh lại tiếp tục kể về mình, về Toàn, nối dài câu chuyện tưởng không bao giờ dứt giữa hai đứa. Hương cầm tay Oanh, siết vai Oanh. Bàn tay cứng cáp đã có vết chai sần, và đôi vai chắc nịch. Mắt Oanh vẫn giữ ánh vui tươi hồn nhiên, nhưng thấp thoáng bên trong là một nỗi buồn kín đáo. Có thể đó chỉ là cảm giác của Hương suy từ tâm trạng chính mình chăng! Như đã thành thói quen, suy nghĩ Hương lại hướng về phía Mạnh. Oanh và Toàn có nhiều điểm tương đồng đến không ngờ; họ hiểu nhau cặn kẽ, sâu sắc và sẵn sàng chấp nhận quá khứ của nhau. Còn Hương, khoảng cách giữa Hương và Mạnh đã thật sự được xoá bỏ chưa? Lúc sau này, Mạnh thường kéo Hương vào những cuộc tranh luận, bàn bạc về thời sự, chính trị. Hương hiểu Mạnh muốn giúp cô trang bị nhận thức vững vàng để tự mình có thể lý giải được những vấn đề nảy sinh trong cuốc sống một cách đứng đắn, thích hợp. Một lần, Hương hỏi Mạnh:

- Mỹ đã thua rồi. Bây giờ, lẽ ra chỉ những người từng làm việc, từng cộng tác với Mỹ mới thấy khó sống. Vậy sao mọi người từ anh hớt tóc, anh đạp xích lô, thậm chí đến anh công nhân cũng thấy cuộc sống cực khổ? Sao vậy? Họ là người lao động mà. Xã hội này là của người lao động, sao người lao động vẫn không thấy sung sướng?

Lúc đó hai người đang ngồi ở căng-tin. Mạnh lấy ngón tay chấm vào nước và vẽ trên mặt bàn những vòng tròn đồng tâm, từ nhỏ đến lớn. Anh tô đậm nét cái tâm vòng tròn, rồi bắt đầu giải thích:

- Hương hãy coi đây là những tấm giấy hình tròn, được gắn với nhau bằng một cái chốt đóng ngay trung tâm này. Không tâm nào bằng tâm nào, và có vẻ chúng chẳng quan hệ gì với nhau cả. Nhưng nếu chúng ta rút đi cái chốt, tất cả sẽ cùng rơi lả tả. Bọn Mỹ, hay nói đúng hơn là tiền viện trợ của bọn Mỹ, trước ngày giải phóng, chính là cái chốt ấy, đối với nhiều thành phần xã hội, ở miền Nam. Những vòng tròn ở sát cái chốt, cảm thấy rất rõ sự mất mát của mình, khi mất cái chốt. Còn những vòng tròn tít ngoài cùng, nhiều khi vì ở xa quá, mà không hiểu. Một xã hội chủ yếu sống dựa trên đồng đô-la của Mỹ, thì dĩ nhiên làm sao không thấy túng thiếu, thậm chí “sụp đổ” theo cái ngày sụp đổ của nguỵ quyền Sài Gòn? Cái hệ thống này, tiếng Mỹ gọi là “Concentric System of I.O.Y”, viết tắt của ba chữ I Own You, tạm gọi là “hệ thống đồng tâm Tôi Mắc Nợ Anh”. Với người Mỹ là chủ nợ trung tâm, và cứ thế, lần lượt lan rộng ra anh lái tắc-xi hay chị giặt ủi, nhiều khi đâu có phục vụ trực tiếp cho bọn Mỹ, nhưng Mỹ đi rồi, lập tức thấy đời sống bỗng dưng khó khăn hơn, không hiểu hết nguyên do lại đổ cho cách mạng là chính vì vậy...

Hương nhìn Mạnh thán phục. Càng ngày cô càng bất ngờ trước kiến thức phong phú và nhận định sâu sắc, nhạy bén của Mạnh, khác hẳn ấn tượng ngày đầu về một anh chàng đại đội trưởng vạm vỡ, đen đúa, có vẻ chỉ quen với những công việc của bắp thịt. Hương chấp nhận những buổi trò chuyện đó, còn với mong muốn hai người ngày một gần gũi nhau hơn, để cho cô có đủ tự tin mà nói thật với Mạnh tất cả...

Hương không nén được tiếng thở dài. Cuộc sống mở ra trước mắt cô nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng ở một góc sâu thẳm của tâm hồn, vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Cả hạnh phúc cô đang có trong tay cũng quá đỗi mong manh.



---


1) Gọi tắt của chữ “maman”, tiếng trẻ em Pháp gọi mẹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

59#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 20:59:20 | Chỉ xem của tác giả
9.


Hương về đơn vị, quyết định sẽ kể hết với Mạnh chuyện của mình với Dũng bằng một lá thư. Cô thức trắng đêm, cứ viết nửa chừng rồi lại xé bỏ. Lá thư còn dở dang, Hương lại được huy động vào một công tác đột xuất.

Ngày 23-3-1978, thành phố mở đợt cải tạo tư sản thương nghiệp quy mô lớn nhất từ sau giải phóng. Cùng lúc, hàng vạn hộ thuộc diện này được kiểm kê hàng hóa, trưng mua những mặt hàng đã được liệt vào diện Nhà nước thống nhất quản lý, sau đó đăng ký chuyển sang sản xuất. Công việc này đòi hỏi một số lượng lớn cán bộ nhân viên tham gia, trong đó có lực lượng đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản là nòng cốt. Lực lượng Thanh niên xung phong cũng được huy động vào chiến dịch, với hai tổng đội 4 và 7 đang ở gần thành phố. Các đoàn viên được chọn ra, bí mật đưa về tập trung tại trường Lý Tự Trọng, nghe tập huấn công tác rồi đồng loạt ra quân với toàn thành. Cuộc hành quân được giữ bí mật cho đến giờ chót, nên sáng hôm ấy, khi đội công tác được đổ xuống và đến trấn từng nhà, những đối tượng được kiểm kê đều ngạc nhiên, không kịp trở tay.

Hương nằm trong một tổ ba người với Mai là tổ trưởng, đến chốt tại một căn hộ ở quận 5, hoạt động chính thức đã đăng ký là kinh doanh vật tư cơ giới nông nghiệp. Thật khá lạ. Căn nhà này, ngoài mặt tiền trông lụp xụp, cũ kỹ, tối tăm, vậy mà chỉ bước qua hai căn phòng ngoài là một bộ mặt khác hẳn đã mở ra: ba tầng lầu được xây nghiêng mất về một phía khác, đứng ngoài đường nhìn vào, người không biết sẽ không thể nghĩ đây là một căn nhà.

Sau khi gặp chủ hộ, một Hoa kiều khoảng sáu chục tuổi, to béo, để đưa lệnh công tác, Mai đứng đọc cho ông ta nghe thông cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc xóa bỏ kinh doanh thương nghiệp của các nhà tư sản và chuyển các nhà tư sản thương nghiệp sang sản xuất, sau đó triển khai cho ông ta nắm những biện pháp cụ thể để làm theo thông cáo này, mà chủ yếu vẫn dựa vào sự tự giác của các chủ hộ trong việc kê khai tài sản của mình. Trong khi đó, Hiều và Hương đi một vòng khắp nhà, an tâm thấy không có cửa sau. Cả ba tầng lầu cũng vậy. Toàn căn nhà chỉ có một lối ra duy nhất: hai lớp cửa sắt ở mặt tiền.

Khoảng 8 giờ sáng, một thanh niên chạy “Sprint” hộc tốc dừng trước nhà. Anh ta nói:

- Tôi ở nhà này, mới đi uống cà phê đằng kia. Tôi về để giúp ba tôi kê khai cho nhanh. Lúc sau này, việc buôn bán ổng giao cho tôi hết.

Hương sửng sốt nhận ra gã người Hoa cô đã mấy lần gặp tại nhà Dũng trước đây dù không nhớ tên. Nhìn thấy Hương, gã mừng rỡ bước tới:

- Ủa, cô Hương! Mạnh giỏi hả? Lâu quá mới gặp lại cô.

Hương cố làm mặt tỉnh:

- Chào anh. Anh ở đây à?

Gã thanh niên cười toét miệng:

- Dạ, tôi tên Tân. Chắc cô Hương quên rồi. Đây là tiệm buôn của ba tôi, tên Huê Tân, ghép tên tôi và chị tôi. Mấy năm nay có buôn bán gì đâu. Toàn đồ cũ còn lại. Từ lâu chúng tôi cũng đã muốn nghỉ để chuyển sang sản xuất, nhưng kẹt mớ đồ cũ phải đợi bán cho hết, lấy vốn, nay nếu nhà nước trưng mua giùm thì cũng đỡ.

Sau khi hỏi qua thủ tục, Tân sốt sắng nói:

- Bây giờ về hàng trong kho thì tôi đã có sẵn phiếu tồn kho đây, mới cập nhật chiều qua. Hàng hóa tôi xếp rất thứ tự trong hai cái kho để dưới nhà. Để đỡ mất công, sáng nay, trong khi ông già đi kê khai các tài sản khác trong nhà, hai cô cứ đi theo tôi kiểm kê hết hàng trong kho. Sau đó, tôi sẽ chép lại cả phiếu kho ấy vào bản kiểm kê là xong phần hàng hóa kinh doanh.

Mai đồng ý. Cô cử Hiếu ngồi canh cửa, rồi cùng Hương đi theo Tân. Gã nói toàn đồ cũ nhưng mãi đến trưa, Mai và Hương mới chỉ kiểm kê xong một phòng dùng làm kho ấy. Chứng kiến niêm phong cửa phòng xong, Tân xoa xoa hai bàn tay:

- Sẵn các bạn đến đây công tác và tôi cũng đã quen Hương trước, ba má tôi xin mời Hương và hai bạn trưa nay dùng bữa cơm gia đình với chúng tôi cho vui.

Các tổ công tác đều nhận được chỉ thị tuyệt đối không được nhận bất cứ cái gì của các hộ được kiểm kê, kể cả một món ăn thức uống. Mai sợ bạn khó xử, tế nhị nói:

- Cảm ơn anh, chúng tôi đã có phần ăn mang theo. Còn chị Hương, nếu đây là nhà quen thì... tùy chị.

Mai là tổ trưởng. Cô nói như thế là để cho Hương tự quyết định. Nhưng Hương dứt khoát không nhận lời. Tổ công tác bắc ghế ra ngồi trước cửa gặm bánh mì qua bữa. Đường phố có vẻ vắng hơn mọi ngày. Lực lượng công an và thanh niên xung kích thỉnh thoảng tới lui từng tốp trên đường phố.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

60#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2012 21:02:14 | Chỉ xem của tác giả
Hiếu có tật nói năng rất chậm rãi, lại bằng một cái giọng nhừa nhựa nghe phát chán. Anh ta tiết lộ một cái tin đáng chú ý trong bữa ăn:

- Khi nãy, lúc hai đồng chí bận lo kiểm kê, bà già xuống dẫn theo cô con gái, xin cho cổ được đem đi trả một bộ máy cát-xét mượn của người ta. Ngày mai bên nhà đó có đám cưới, họ đã nhắn đem trả mấy hôm nay.

Mai hốt hoảng:

- Rồi ông có cho họ đem đi không?

Giọng Hiếu vẫn nhừa nhựa, đều đều:

- Tôi nói không được. Họ nói có gì đâu, đồ mượn thì phải trả, lại là tư liệu sinh hoạt thôi. Tôi nói không được là không được, muốn gì đợi chị ra làm biên bản...

Mai hỏi tới:

- Rồi sao?

Hiếu nhướng mắt:

- Rồi thôi, chớ sao!

Hương và Mai phải phì cười. Bữa ăn qua loa của họ chấm dứt rất nhanh. Rảnh rang, họ nói với nhau đủ thứ chuyện ở chỗ cánh cửa sắt. Cả ba đều đã được học và hiểu vì sao có những người quá giàu và những kẻ quá nghèo trong cái xã hội trước đây. Nhưng vì đây là lần đầu tiên Mai và Hiếu được vào tận bên trong một căn nhà giàu cỡ này, nên cả hai cùng bỡ ngỡ đến tội nghiệp. Nhà Hiếu ở trong một khu ổ chuột ở quận 4, dựng bằng các thứ vật liệu phế thải góp nhặt được, từ một tấm tôn rỉ, một miếng các-tông thùng hàng cho đến những vỉ thiếc đồ hộp Mỹ, mấy tàu dừa nước, vài tấm ván mỏng... mùa nắng thì sợ cháy mà mùa mưa thì không sao tránh được dột. Mai thì mồ côi cha mẹ, ở dưới quên lên trọ nhà người dì, theo bà buôn gánh bán bưng kiếm sống qua ngày. Sau ngày giải phóng, dượng Mai đi tập kết trở về. Ông dượng cách mạng này đã khuyên Mai đi Thanh niên xung phong ngay từ đợt vận động đầu tiên ở phường.

Những tấm hoành phi đại tự bằng gỗ quí sơn son thếp vàng, bức bình phong bằng gỗ giáng hương cẩn xà cừ mai lan cúc trúc, tấm thảm len đỏ rực kiêu kỳ, bộ xa-lông bọc da ngồi lún ngập người, những chiếc giường nệm mút trải “ra” trắng tinh rộng thênh thang trong những căn phòng ngủ có đủ các hệ thống đèn thích nghi, tivi, tủ lạnh... phòng nào cũng thấy có những tủ quần áo đồ sộ với hàng trăm bộ đủ kiểu đủ màu... Mỗi thứ đều làm Mai và Hiếu ngẩn ngơ. Giờ thì cả hai mới hình dung được phần nào cái khoảng cách quá xa giữa đời sống cực nhục của họ và cảnh sống phủ phê ngập mặt của những kẻ giàu sang trước đây. Một khoảng cách không thể lý giải, hay đúng hơn, mọi cách giải thích đều có gì đó khó hiểu. Giờ đây, cùng với bao người trẻ khác, họ đang đi làm công việc xóa cái khoảng cách biệt vô lý ấy.

Tân xuống nhà, lại cười, lại xoa tay, nói:

- Xin phép các bạn cho tôi đến nhà một ông anh bà con chút xíu. Má tôi nói hồi nãy anh gì đây không cho em gái tôi đi trả bộ cát-xét nhà tôi mượn của một người bà con. Anh gì đây nói là trong lúc này thì không được đem đồ gì ra khỏi nhà, đó là tư liệu sinh hoạt thì cứ việc giữ mà xài, không sao đâu. Cứ đợi qua đợt rồi trả. Kẹt cái là người ba con đang cần gấp bộ máy để chạy nhạc cho đám cưới trong gia đình ngày mai. Tôi xin đi rước anh ấy lại đây, mang theo phắc-tuya(1) có số máy và tên chủ hẳn hoi để các bạn thông cảm trả cho người ta.

Sau khi bàn bạc, Mai quyết định cho Tân đi. Gã dắt chiếc Sprint ra, đi ngang còn kín đáo liếc Hương một cái.

Hơn một tiếng sau, Tân mới trở lại, lần này đi xe hơi. “Người bà con” đi theo anh ta, không ai khác hơn là Dũng! Hương choáng váng cả mặt mày khi thấy Dũng bước xuống xe, nhếch mép cười với cô. Lúc này hắn để ria mép, người ốm hơn, da mặt tái xanh, mặc áo pull nâu và quần jean bạc phếch, trông “bụi” hơn trước. Rõ ràng Tân đã âm mưu gì đó khi đi chở Dũng tới. Hơn ai hết, Hương biết rất rõ Dũng chẳng có bà con gì với Tân cả. Vậy hắn đến đây với ý định gì? Lần đó, chẳng lẽ hắn không đi mà chỉ dàn cảnh như vậy để hại Hương sao? Đầu óc Hương rối bời, cô lúng túng gần như thất thần khi Dũng tiến đến trước mặt, rất chủ động nói trước bằng một giọng vẫn trầm ấm:

- Chào Hương. Em vẫn khỏe? Anh nhớ em lắm, tìm em mấy lần mà cứ bị nhà em xua đuổi. Sao thù ghét anh quá vậy? Kỳ đó, ông già mua bãi rồi mà giờ chót còn bị phản phé, chạy thuốc muốn sạt nghiệp mới ra được. Hương không thương gì anh sao?
Lúc đó chỉ có mình Hương đang giữ cửa. Nghỉ trưa xong, Mai quyết định cùng Hiếu vào kiểm kê kho thứ hai theo chỉ dẫn của chủ nhà. Hương cố trấn tĩnh, lạnh lùng:

- Giữa tôi và anh không còn gì nữa đâu, tìm mà làm gì?

Dũng vẫn tỉnh bơ, giọng đầy vẻ đểu cáng:

- Ơ kìa, sao lại không còn gì? Còn nhiều thứ lắm chứ, mà nếu cần thì em sẽ biết. Lúc này em làm đến cán bộ đánh tư sản nên gặp bạn cũ làm lơ sao? Đâu có được!

Và hắn lại đổi giọng:

- Chắc đâu phải vậy hả em? “Hương hiền như ma xơ” mà, anh đâu quên bạn bè ngày trước vấn gọi em như vậy. Nè sẵn có mình em đây thì dễ quá. Bộ cát-xét trong nhà này là của anh gởi, anh có đem theo phắc-tuya đây. Em cho anh lấy liền đi, để giấy tờ lại cũng được. Em sẽ không bị việc gì đâu mà sợ.

Hương lắc đầu:

- Chị tổ trưởng đã biết và có dặn là việc lấy máy đi phải được đích thân chị ấy kiểm tra kỹ và xin ý kiến cấp trên xem có cho phép hay không...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách