Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 6518|Trả lời: 88
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử] Ngày Dài Nhất | Cornelius Ryan (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 6-8-2013 19:42:04 | Xem tất |Chế độ đọc

Tên tác phẩm: Ngày Dài Nhất (The Longest Day)
Tác giả: Cornelius Ryan
Dịch giả: chiangshan
Thể loại: khác, lịch sử, chiến tranh, tài liệu
Tình trạng sáng tác: đã hoàn thành
Nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=11836.0

Mục lục



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 19:46:55 | Xem tất
VỀ TÁC GIẢ


Cố tác giả Cornelius Ryan là một trong những phóng viên chiến trường xuất sắc vào thời của ông. C. Ryan đã bay 14 phi vụ ném bom với Tập đoàn Không quân 8 và 9 Mỹ, theo dõi cuộc đổ bộ D-Day và bước tiến của Tập đoàn quân 3 dưới quyền tướng Patton vào Pháp và Đức. Ngoài “The Longest Day”, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo và nhiều vở kịch, kịch bản phim, chương trình TV và phát thanh. Ryan sinh ra và học tập ở Dublin, Ireland.

Tác phẩm:

- Ngày dài nhất - The Longest Day, 1959.

- Trận đánh cuối cùng - The Last Battle, 1966.

- Một cây cầu quá xa - A Bridge Too Far, 1974.


LỜI GIỚI THIỆU
D-DAY, THỨ BA, NGÀY 6 THÁNG 6 NĂM 1944


Chiến dịch Overlord – cuộc tiến công của quân Đồng minh vào châu Âu mở màn ngày 6 tháng 6, 1944, đúng 15 phút sau nửa đêm, trong giờ đầu tiên của cái ngày sẽ mãi mãi được biết đến với tên gọi D-Day. Chính lúc ấy, một toán được lựa chọn đặc biệt của Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 và 101 Mỹ rời máy bay lao vào đêm trăng trên vùng Normandy. Năm phút sau và cách đó 80km, một nhóm nhỏ của Sư đoàn Đổ bộ đường không số 6 Anh nhảy khỏi máy bay. Họ là các lính tiền trạm, những người có nhiệm vụ đánh dấu bãi đáp cho lính dù và bộ binh vận chuyển bằng tàu lượn sẽ tới sau đó.

Lực lượng đổ bộ đường không Đồng minh đánh dấu một cách rõ ràng giới hạn của chiến trường Normandy. Nằm giữa họ và dọc theo bờ biển nước Pháp là 5 bãi đổ bộ: Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword. Suốt những giờ trước bình minh, trong khi lính dù đang chiến đấu trong những rặng cây tối tăm ở Normandy, hạm đội lớn nhất mà thế giới từng biết đến bắt đầu tập hợp ngoài khơi: gần 5.000 tàu chở theo hơn 200.000 binh sĩ, thủy thủ và phòng vệ bờ biển. Mở màn lúc 6:30 sáng bằng cuộc bắn phá dữ dội của hải quân và không quân, vài nghìn người trong số đó tiến vào bờ trong đợt đầu tiên của cuộc đổ bộ.

Những gì xảy ra tiếp theo không phải là lịch sử quân sự. Đó là những câu chuyện của con người: những binh sĩ Đồng minh, kẻ thù họ chống lại và những thường dân bị kẹt trong sự hỗn loạn đẫm máu của D-Day – ngày mở màn trận đánh chấm dứt canh bạc điên rồ của Hitler nhằm thống trị thế giới.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 19:51:21 | Xem tất
PHẦN MỘT: CHỜ ĐỢI


Ngôi làng yên ắng trong buổi sáng tháng 6 ẩm ướt. Làng La Roche-Guyon đã nằm đó không xáo trộn suốt gần 12 thế kỷ bên nhánh lớn chảy hiền hoà của sông Seine, gần như ở chính giữa Paris và Normandy. Qua nhiều năm, nó chỉ là chỗ mà người ta đi qua để đến những nơi khác. Điểm khác biệt duy nhất là toà lâu đài, nơi ở của dòng họ Công tước de La Rochefoucauld. Chính toà lâu đài nhô ra trên đỉnh đồi sau làng đó là nguyên nhân chấm dứt sự yên bình của La Roche-Guyon.

Trong buổi sáng xám xịt, toà lâu đài hiện ra với vẻ đồ sộ, những tảng đá lớn của nó lấp lánh do hơi ẩm. Đã gần 8:00, nhưng chưa có hoạt động gì trên hai khoảnh sân lớn lát đá. Bên ngoài cánh cổng, con đường chính trải rộng, vắng tanh và trong làng cửa sổ của những căn nhà mái đỏ vẫn đóng. La Roche-Guyon yên tĩnh đến mức tưởng như đã bị bỏ hoang. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên trong những cánh cửa khép kín, người ta đang đợi tiếng chuông.

Vào 6:00 sáng, ngôi nhà thờ tuổi đời 15 thế kỷ St. Samson nằm kế bên lâu đài sẽ kéo hồi chuông cầu kinh (Angelus). Trong những ngày hoà bình nó từng mang một ý nghĩa đơn giản – dân làng La Roche-Guyon sẽ dừng lại một chút để làm dấu thánh và cầu nguyện. Nhưng bây giờ hồi chuông có nhiều ý nghĩa hơn là sự tưởng niệm. Sáng hôm nay, chuông kêu đánh dấu kết thúc lệnh giới nghiêm ban đêm và bắt đầu ngày thứ 1.451 dưới ách chiếm đóng cuả quân Đức.

Lính canh có mặt khắp nơi ở La Roche-Guyon. Khoác áo ngụy trang, chúng đứng sau cổng lâu đài, ở các chốt gác đường hai đầu làng, trong các lô cốt xây trên những mỏm đá phấn và trên tàn tích của toà tháp cổ ở ngọn đồi cao nhất nhìn xuống lâu đài. Từ đó những xạ thủ súng máy có thể quan sát mọi sự chuyển động trong khu vực, ngôi làng canh phòng ngặt nghèo nhất của nước Pháp bị chiếm đóng.

Đằng sau khung cảnh đồng quê La Roche-Guyon thực sự là một nhà tù; tính cho mỗi người trong số 543 dân làng, trong và xung quanh khu vực có nhiều hơn 3 lính Đức. Một trong số đó là Thống chế Erwin Rommel, Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân B - lực lượng mạnh nhất của quân đội Đức ở mặt trận phía Tây. Tổng hành dinh của ông đặt tại lâu đài La Roche-Guyon.



Thống chế Erwin Johannes Eugen Rommel - Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân B Đức.


Ở đây, vào năm thứ năm quyết định của Thế chiến II, một Rommel quả quyết và căng thẳng đang chuẩn bị cho trận chiến ác liệt nhất trong sự nghiệp của mình. Dưới quyền ông, hơn nửa triệu người bố trí phòng ngự dọc theo bờ biển bao la trải dài gần 1.300km, từ những con đê ở Hà Lan tới bán đảo Brittany bên bờ đại dương. Đạo quân chủ lực của ông - Tập đoàn quân 15 tập trung trên hướng Pas-de-Calais, điểm hẹp nhất của Eo biển giữa Pháp và Anh.

Đêm này qua đêm khác, máy bay ném bom Đồng minh đánh phá khu vực này. Những cựu binh mệt mỏi vì bom đạn của Tập đoàn quân 15 nói đùa chua chát rằng chỗ dành cho nghỉ ngơi điều dưỡng là khu vực của Tập đoàn quân 7 ở Normandy. Nơi đây hầu như không bị oanh tạc.

Đã hàng tháng, phía sau rừng chướng ngại vật và bãi mìn dày đặc, quân của Rommel chờ đợi trong những công sự bằng bê tông. Nhưng mặt nước xanh xám của Eo biển Anh vẫn không có bóng dáng tàu thuyền. Không có gì xảy ra. Từ La Roche-Guyon trong buổi sáng Chủ nhật buồn tẻ và yên ắng, chưa có dấu hiệu nào về một cuộc đổ bộ của Đồng minh. Đó là ngày 4 tháng 6, 1944.

Trong căn phòng ở tầng trệt được dùng làm trụ sở, Rommel chỉ có một mình. Ông ngồi sau chiếc bàn lớn Renaissance được chiếu sáng bởi ngọn đèn bàn duy nhất. Căn phòng rộng và cao. Dọc theo một bên tường là tấm thảm thêu Gobelin bạc màu. Ở bên kia là gương mặt kiêu kỳ của Công tước Franecois de La Rochefoucauld – nhà văn châm ngôn thế kỷ 17 và ông tổ của dòng họ – nhìn xuống từ khung tranh nặng bằng vàng. Có mấy chiếc ghế được đặt trên sàn gỗ bóng loáng và vài tấm màn cửa sổ dày, ngoài ra chẳng còn gì.

Riêng ở đây, trong phòng không có gì liên quan đến Rommel trừ chính bản thân ông. Không có ảnh của vợ ông, Lucie Maria hay cậu con trai 15 tuổi Manfred. Không có vật lưu niệm về chiến thắng vĩ đại của ông trên sa mạc Bắc Phi những ngày đầu chiến tranh – còn không có cả chiếc quyền trượng thống chế mà Hitler đã hồ hởi trao tặng cho ông năm 1942 (chỉ có một lần Rommel mang cây trượng bằng vàng dài 46cm, nặng 1,4kg, bọc nhung đỏ với những khuy trang trí hình con đại bàng bằng vàng và chữ thập ngoặc màu đen: đó là ngày ông được nhận nó). Thậm chí cũng không có tấm bản đồ bố trí quân đội nào. “Con cáo sa mạc” huyền thoại vẫn khó nắm bắt như trước đây, ông có thể rời phòng mà không để ai biết.

Mặc dù trông già hơn so với tuổi 51, Rommel vẫn tỏ ra không biết mệt. Không người nào ở Cụm quân B nhớ ra đêm nào ông ngủ nhiều hơn 5 tiếng. Sáng nay, như thường lệ, ông dậy trước 4 giờ. Lúc này Rommel đang sốt ruột chờ đến 6 giờ. Đó là lúc ông dùng bữa sáng với đồng sự và sau đó lên đường về Đức.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:16:18 | Xem tất
Đây là lần đầu tiên Rommel về thăm nhà sau nhiều tháng. Ông sẽ đi xe; Hitler đã khiến các sĩ quan cao cấp hầu như không thể đi máy bay khi ông ta khăng khăng rằng họ sử dụng “máy bay 3 động cơ… và luôn luôn có tiêm kích hộ tống”. Dù sao, Rommel cũng không thích đi máy bay, ông sẽ vượt qua hành trình dài 8 giờ về nhà ở Herrlingen, Ulm trên chiếc Horch lớn có thể bỏ mui.

Ông mong đợi chuyến đi, nhưng đây không phải là một quyết định dễ dàng. Trên vai Rommel gánh trọng trách nặng nề phải đẩy lui cuộc tiến công của quân Đồng minh ngay khi nó bắt đầu. Đế chế thứ ba của Hitler đang bị cuốn vào hết tai hoạ này đến tai hoạ khác; suốt đêm ngày, hàng nghìn máy bay ném bom Đồng minh đánh phá nước Đức, lực lượng quân Nga hùng hậu đã tiến vào Ba Lan, quân Đồng minh đã ở trước ngưỡng cửa Rome - khắp mọi nơi, các đạo quân lớn của Wehrmacht đang bị đẩy lui và tiêu diệt. Nước Đức vẫn còn xa mới có thể bị đánh bại, nhưng cuộc đổ bộ của Đồng minh sẽ là trận đánh quyết định. Không còn gì ngoài việc tương lai nước Đức đang nằm trên thớt, và không ai rõ điều này hơn Rommel.

Bây giờ Rommel sẽ về nhà. Đã hàng tháng ông hy vọng sẽ được nghỉ vài ngày ở Đức vào đầu tháng 6. Có nhiều lí do để bây giờ ông tin mình có thể đi và mặc dù chưa bao giờ thừa nhận, ông cần nghỉ ngơi khủng khiếp. Chỉ mấy hôm trước ông đã gọi điện xin phép cấp trên, vị Thống chế lớn tuổi Gerd Von Rundstedt, Tư lệnh Mặt trận phía Tây; đề nghị ngay lập tức được chấp nhận. Tiếp đó ông ghé thăm xã giao tổng hành dinh của Von Rundstedt ở St-Germain-en-Laye ngoại ô Paris để chính thức hoá chuyến đi. Cả Von Rundstedt và tham mưu trưởng của ông, Thiếu tướng Geunther Blumentritt, đều bị sốc vì vẻ ngoài hốc hác của Rommel. Blumentritt luôn nhớ rằng trông Rommel “mệt mỏi và căng thẳng... một người cần về nhà nghỉ vài ngày với gia đình”.

Rommel đang lo âu và bực bội. Ngay từ khi đến Pháp cuối năm 1943, việc nơi nào và khi nào sẽ phải đương đầu với cuộc tấn công của Đồng minh đã gây cho ông áp lực gần như không thể chịu đựng được. Giống như những người ở mặt trận này, ông đã trải qua những cơn ác mộng chờ đợi. Vấn đề luôn treo lơ lửng trên đầu ông là phải đoán chính xác ý đồ của Đồng minh – họ sẽ tấn công như thế nào, họ định đổ bộ vào đâu, và trên tất cả, vào thời điểm nào.




Thống chế Rommel kiểm tra tình hình phòng thủ bờ biển của quân Đức ở Normandy, 3/3/1944.

Chỉ một người thực sự biết sự căng thẳng mà Rommel phải chịu. Ông kể tất cả với vợ mình, Lucie-Maria. Trong không đầy 4 tháng ông đã viết cho bà hơn 40 lá thư và hầu như trong thư nào ông cũng có một nhận định mới.

Ngày 30 tháng 3 ông viết: “Lúc này đã là cuối tháng 3 và Anh – Mỹ vẫn chưa tấn công … Tôi bắt đầu tin rằng họ đã mất tin tưởng vào mục tiêu của mình”.

Ngày 6 tháng 4: “Ở đây, sự căng thẳng gia tăng từng ngày … Có thể chỉ trong vài tuần, chúng ta sẽ bị đặt giữa những sự kiện quyết định…”

Ngày 26 tháng 4: “Ở Anh tinh thần đang xuống … liên tiếp có những cuộc công kích, khẩu hiệu “Đả đảo Churchill và lũ Do Thái” và kêu gọi cho hoà bình đang lớn dần... điềm xấu cho một cuộc tấn công mạo hiểm”.

Ngày 27 tháng 4: “Bây giờ xem ra Anh - Mỹ chưa sẵn sàng để tấn công ngay”.

Ngày 6 tháng 5: “Vẫn không có dấu hiệu nào của Anh - Mỹ… Từng ngày, từng tuần… chúng ta trở nên mạnh hơn… Tôi đang chờ đợi trận đánh với sự tin tưởng… có thể nó sẽ đến vào ngày 15 tháng 5, có thể vào cuối tháng”.

Ngày 15 tháng 5: “Tôi không thể đi những chuyến [kiểm tra] lớn nữa… vì sẽ không bao giờ biết khi nào thì cuộc đổ bộ bắt đầu. Tôi tin rằng nó sẽ diễn ra trên mặt trận phía Tây chỉ trong vài tuần nữa”.

Ngày 19 tháng 5: “Tôi hy vọng có thể làm các kế hoạch tiến triển nhanh hơn trước [nhưng] tôi đang tự hỏi có thể rời chỗ này vài ngày trong tháng 6 không. Hiện tại thì không có cách nào”.

Nhưng luôn có cách. Một trong những lí do để Rommel quyết định đi vào thời điểm này là đánh giá của riêng ông về dự định của Đồng minh. Trên bàn ông hiện giờ là báo cáo hàng tuần của Cụm quân B. Bản báo cáo tỉ mỉ này sẽ được gửi cho sở chỉ huy của Thống chế Von Rundstedt, hay vẫn thường được biết đến bằng thuật ngữ OB West (oberbefehlshaber West – Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Tây) vào trưa hôm sau. Sau khi được bổ sung, nó sẽ trở thành một phần của báo cáo toàn bộ các chiến trường và sẽ được chuyển tới tổng hành dinh của Hitler, OKW (oberkommando der Wehrmacht - Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang).

Một phần đánh giá của Rommel cho rằng Đồng minh đã đạt tới mức “sẵn sàng cao độ” và có sự “gia tăng các thông điệp chuyển tới lực lượng kháng chiến Pháp”. Nhưng, “dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, không có vẻ là sẽ diễn ra cuộc đổ bộ…”.

Lần này Rommel đã đoán sai.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:17:45 | Xem tất
Trong trụ sở Bộ Tư lệnh, Đại úy Hellmuth Lang, viên phụ tá 36 tuổi của Rommel đi dọc hành lang tới văn phòng của thống chế, mang theo báo cáo buổi sáng. Đây luôn là việc đầu tiên mà anh ta làm cho cấp trên. Rommel thích nhận được báo cáo sớm để có thể thảo luận với các đồng sự trong bữa sáng. Nhưng sáng nay không có gì nhiều; khu vực tuyến đầu vẫn yên tĩnh trừ Pas-de-Calais tiếp tục bị ném bom. Dường như không còn nghi ngờ gì: ngoài những dấu hiệu khác, cuộc ném bom kéo dài này cho thấy Pas-de-Calais là nơi Đồng minh đã chọn để tấn công. Nếu họ đổ bộ, sẽ là ở đó, hầu như tất cả đều nghĩ như vậy.

Lang xem đồng hồ; vài phút nữa là tới 6:00 sáng. Họ sẽ đi vào 7 giờ đúng và sẽ có một khoảng thời gian dễ chịu. Sẽ không có hộ tống, chỉ có hai xe, một của Rommel và một của Đại tá Hans George Von Tempelhof, sĩ quan Tác chiến Cụm quân B đi cùng. Như thường lệ, các chỉ huy nơi họ sẽ đi qua sẽ không được biết về kế hoạch của thống chế. Rommel thích vậy; ông ghét bị trì hoãn do sự ồn ào và những nghi thức tiếp đón của các vị chỉ huy và những đội môtô hộ tống chờ sẵn ở cửa ngõ mỗi thành phố. Như thế, với một chút may mắn, họ có thể tới Ulm lúc 3 giờ chiều.

Có một vấn đề thường trực: nên mang gì theo cho bữa trưa của thống chế. Rommel không hút thuốc, hiếm khi uống rượu và ít quan tâm tới đồ ăn tới mức đôi khi ông quên cả việc dùng bữa. Thông thường, khi cùng với Lang sắp xếp một chuyến đi dài, Rommel vẫn dùng bút chì gạch chéo qua thực đơn được đề xuất cho bữa trưa và viết đậm những chữ to sau “Khẩu phần dã chiến đơn giản”. Đôi khi, ông còn làm Lang bối rối hơn khi nói rằng, “Tất nhiên, nếu cậu muốn vứt cho tôi một hai miếng sườn, tôi cũng không thấy phiền”. Viên sĩ quan chu đáo Lang không bao giờ biết là nên đặt món gì. Sáng nay, ngoài một bình nước, anh yêu cầu nhà bếp làm thêm ít sandwich. Anh ta đoán rằng, cũng như mọi khi Rommel sẽ quên luôn bữa trưa.

Lang rời văn phòng và bước dọc theo hành lang lát gỗ sồi. Từ những gian phòng hai bên vang lên tiếng trao đổi và tiếng máy chữ lách cách; sở chỉ huy Cụm quân B hiện giờ là nơi khá bận rộn. Lang vẫn thường tự hỏi làm sao mà gia đình de La Rochefoucauld sống ở tầng trên có thể ngủ được trong tiếng ồn như thế này.

Tới cuối hành lang, Lang dừng lại trước một cánh cửa lớn. Anh lịch sự gõ cửa, xoay nắm đấm và bước vào. Rommel không nhìn anh. Ông đang chăm chú vào những giấy tờ trước mặt đến mức hình như không để ý người phụ tá, nhưng Lang biết tốt hơn là không cắt ngang. Anh đứng chờ.

Rommel liếc nhìn lên. “Chào buổi sáng, Lang”, ông nói.

“Chào buổi sáng, thưa Thống chế. Đây là báo cáo”. Lang đưa bản tài liệu. Sau đó anh rời phòng và đợi để tháp tùng Rommel xuống dùng bữa. Sáng nay thống chế có vẻ rất bận. Lang, người hiểu rõ Rommel bốc đồng và dễ thay đổi thế nào, tự hỏi liệu cuối cùng họ có thật sự sẽ lên đường không.

Rommel không có ý định huỷ bỏ chuyến đi. Mặc dù chưa được sắp xếp chắc chắn, ông hy vọng có thể gặp Hitler. Các thống chế đều có quyền được gặp Quốc trưởng và Rommel đã gọi điện cho người bạn cũ, Thiếu tướng Rudolf Schmundt - sĩ quan quản trị của Hitler để đề nghị. Schmundt nghĩ có thể bố trí vào khoảng từ ngày 6 đến 9. Ý định riêng của Rommel là sẽ không ai ngoài bộ tham mưu biết ông định gặp Hitler. Nhật ký chính thức của tổng hành dinh Rundstedt chỉ đơn giản ghi lại là Rommel về nhà nghỉ mấy ngày.

Rommel khá tin tưởng vào việc có thể rời sở chỉ huy vào lúc này. Hiện giờ tháng 5 đã trôi qua – và đó là tháng có thời tiết đẹp nhất để Đồng minh tấn công – ông đã kết luận cuộc đổ bộ sẽ không tới trong nhiều tuần nữa. Rommel chắc chắn tới mức còn đặt ra hạn chót cho việc hoàn tất các công trình chống đổ bộ. Trên bàn ông là chỉ thị cho Tập đoàn quân 7 và 15: “Mọi nỗ lực có thể phải được thực hiện nhằm hoàn thành các bãi vật cản để khi thủy triều xuống thấp kẻ địch chỉ có thể đổ bộ được với giá đắt… công việc phải được xúc tiến... phải báo cáo hoàn tất cho sở chỉ huy vào ngày 20 tháng 6”.

Ông – cũng như Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao Đức – suy luận rằng cuộc đổ bộ sẽ được tiến hành đồng thời với chiến dịch mùa hè của Hồng quân hoặc chậm hơn chút ít. Như họ đã biết, cuộc tiến công của quân Nga chưa thể bắt đầu tới khi tuyết tan hết ở Ba Lan, và do đó họ không nghĩ rằng cuộc đổ bộ có thể được triển khai trước cuối tháng 6.

Ở phía Tây thời tiết xấu suốt nhiều ngày và hứa hẹn là sẽ còn tệ hơn. Báo cáo lúc 5:00 sáng do Đại tá Giáo sư Walter Steobe, trưởng bộ phận Khí tượng của Luftwaffe (Không quân Đức) chuẩn bị dự đoán trời nhiều mây, có gió mạnh và mưa. Hiện tại, vận tốc gió trên Eo biển đạt 20 tới 45km/h. Đối với Rommel, dường như không thể có chuyện Đồng minh dám tấn công trong mấy ngày tới.

Thậm chí ở La Roche-Guyon, trong đêm thời tiết đã thay đổi. Hai cửa sổ cao đối diện bàn Rommel hướng ra một vườn hoa hồng. Sáng nay nó không còn là vườn hoa nữa – cánh hoa, cành lá gãy nát vương vãi khắp nơi. Ngay trước bình minh một cơn bão mùa hè ngắn ngủi đã vượt qua Eo biển Anh, quét suốt dải bờ biển Pháp và đi tiếp.

Rommel mở cửa và bước ra. “Chào buổi sáng, Lang”, ông nói, mặc dù đến lúc này vẫn không nhìn người phụ tá. “Ta sẵn sàng đi chưa?”. Họ cùng xuống ăn sáng.

Bên ngoài La Roche-Guyon, nhà thờ St Samson kéo chuông. Tiếng chuông bị gió làm chìm lấp đi. Lúc đó là 6:00 sáng.

Giữa Rommel và Lang đang tồn tại một mối quan hệ đơn giản, thân mật. Họ đã là bạn đồng hành suốt nhiều tháng. Lang làm việc cho Rommel từ tháng 2 và hầu như không ngày nào trôi qua mà không có một chuyến đi kiểm tra ở đâu đó. Thông thường lúc 4:30 sáng họ đã ở trên đường, phóng hết tốc lực tới vài địa điểm xa xôi dưới quyền chỉ huy của Rommel. Hôm này là Hà Lan, hôm khác Bỉ, ngày tiếp theo Normandy hoặc Brittany. Thống chế quả quyết tranh thủ từng thời khắc. “Giờ tôi chỉ có một kẻ thù rõ rệt”, ông bảo Lang, “và đó là thời gian”. Để tận dụng nó, Rommel không để mình hay cấp dưới có thời gian rỗi; mọi việc đã diễn ra như thế từ thời điểm ông được cử đến Pháp tháng 11 năm 1943.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:19:23 | Xem tất
Von Rundstedt, mang trách nhiệm phòng thủ toàn Tây Âu, đã đề nghị Hitler gửi thêm quân chi viện. Thay vào đó, ông nhận được Rommel cứng đầu, liều lĩnh và tham vọng. Làm bẽ mặt vị tư lệnh 68 tuổi mang dòng dõi quý tộc, Rommel tới với một Gummiberfehl, một “chỉ thị mềm dẻo”, lệnh cho ông kiểm tra hệ thống công sự bờ biển – “bức tường Đại Tây Dương” được quảng cáo rùm beng của Hitler – và sau đó báo cáo trực tiếp cho tổng hành dinh của Quốc trưởng, OKW. Vị thống chế bối rối và thất vọng Von Rundstedt đã khó chịu vì sự có mặt của Thống chế Rommel trẻ hơn mình - ông thường gọi Rommel là "Marschall Bubi" (tạm dịch, "Thống chế nhóc con") tới mức đã hỏi Thống chế Wilhelm Keitel, Tư lệnh OKW rằng Rommel có được coi là người thay thế mình không. Rundstedt nhận được câu trả lời là “không nên có những kết luận sai”, rằng với “tất cả khả năng của mình Rommel chưa tới được vị trí ấy”.


Thống chế Karl Rudolf Gerd von Rundstedt, Tư lệnh Mặt trận phía Tây.

Ngay sau khi tới nhậm chức, Rommel có cuộc kiểm tra chớp nhoáng Bức tường Đại Tây Dương và những gì chứng kiến làm ông hoảng hồn. Chỉ ở vài địa điểm các công sự lớn bằng bê tông và sắt thép dọc bờ biển đã được hoàn thành: tại những cảng quan trọng, cửa sông, trên những cao điểm nhìn ra biển, nói chung là từ phía trên Le Havre tới Hà Lan. Ở những chỗ khác công trình phòng thủ được xây dựng với mức độ khác nhau. Ở vài nơi thậm chí công việc còn chưa bắt đầu. Sự thật thì Bức tường Đại Tây Dương là một chướng ngại vật đáng gờm ngay cả ở thời điểm này. Tại những chỗ đã hoàn thành, nó được củng cố khá tốt với trọng pháo. Nhưng như thế chưa thoả mãn Rommel. Không có thứ gì đủ để ngăn cản cuộc tấn công dữ dội như kiểu mà Rommel – vẫn luôn ghi nhớ thất bại nặng nề dưới tay Montgomery ở Bắc Phi năm trước – biết chắc sẽ xảy ra. Trong con mắt phê phán của ông, Bức tường Đại Tây Dương là một trò hề. Sử dụng một trong những từ ngữ biểu cảm nhất đối với bất kỳ ngôn ngữ nào, ông đã lên án nó là một “điều tưởng tượng ở Wolkenkuckucksheim [xứ sở mộng mơ] của Hitler”.

Chỉ 2 năm trước, bức tường hầu như không tồn tại.

Tới năm 1942, chiến thắng dường như quá chắc chắn đối với Quốc trưởng và chế độ Quốc xã tự tin đến mức không cần phải phòng thủ bờ biển. Chữ thập ngoặc tung bay khắp nơi. Áo và Tiệp Khắc thậm chí bị thôn tính trước khi chiến tranh bắt đầu. Ba Lan bị Đức và Nga chia cắt từ 1939. Chiến tranh không kéo dài đến một năm khi các quốc gia Tây Âu gục ngã như táo rụng. Đan Mạch thua trong một ngày. Na Uy bị xâm nhập từ bên trong mất thêm ít thời gian: 6 tuần. Sau đó trong tháng 5 và 6, chỉ trong 27 ngày mà không cần thương lượng gì, các đạo quân thần tốc của Hitler đã tràn vào Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp và trước sự chứng kiến ngờ vực của thế giới đã đẩy quân Anh xuống biển ở Dunkirk. Sau khi Pháp sụp đổ chỉ còn lại nước Anh đứng đơn độc. Hitler cần gì tới một “bức tường”?

Nhưng Hitler không xâm lược Anh. Các tướng lĩnh muốn ông ta làm thế, nhưng Hitler chờ đợi, nghĩ rằng người Anh sẽ phải cầu xin hoà bình. Khi thời gian trôi qua, tình thế nhanh chóng thay đổi. Với viện trợ của Mỹ nước Anh bắt đầu hồi phục, chậm chạp nhưng chắc chắn. Hitler giờ sa lầy ở Nga – ông ta đã cho tấn công Liên Xô vào tháng 6, 1941 – thấy rằng bờ biển nước Pháp không còn là bàn đạp để tấn công. Hiện nó là điểm yếu trong dải phòng ngự. Cuối năm 1941 ông ta bắt đầu trao đổi với các tướng lĩnh về việc biến châu Âu thành một “pháo đài không thể công phá”. Và trong tháng 12, sau khi nước Mỹ tham chiến, Quốc trưởng huênh hoang trước thế giới rằng “một chuỗi các cứ điểm và pháo đài kiên cố chạy từ Kirkenes [biên giới Na Uy – Phần Lan] … tới dãy Pyrenees [biên giới Pháp – Tây Ban Nha] … và đó là quyết định không thể lay chuyển của tôi, biến mặt trận này trở nên bất khả xâm phạm trước mọi kẻ thù”.

Đó là sự khoác lác điên rồ không thể thực hiện được. Trừ đi những điểm lõm, bờ biển kéo dài từ Bắc Băng Dương ở phía bắc tới vịnh Biscat ở phía nam gần 4.800km.

Ngay cả ở nơi Eo biển ngăn cách với nước Anh hẹp nhất, hệ thống công sự cũng không tồn tại. Nhưng Hitler đã trở nên bị ám ảnh bởi ý tưởng pháo đài phòng thủ. Chuẩn thống chế ** Franz Halder khi ấy là Tổng tham mưu trưởng nhớ rõ lần đầu tiên Hitler vẽ ra viễn cảnh này. Halder, người sẽ không bao giờ tha thứ cho Hitler vì đã từ chối xâm lược Anh, tỏ ra lạnh nhạt trước ý tưởng đó.

** Trong nguyên bản tiếng Anh: Colonel General, quân hàm cao thứ 2 trong quân đội Đức quốc xã, trên Đại tướng (General) và dưới Thống chế (Field Marshal) – chiangshan.

Ông đánh bạo nêu ý kiến rằng các công sự phòng thủ “nếu chúng là cần thiết” phải được xây dựng “lùi sâu so với bờ biển, ngoài tầm pháo của chiến hạm”, nếu không binh lính sẽ không ngóc đầu lên được. Hitler lao tới chiếc bàn đặt tấm bản đồ lớn và xả ra một cơn thịnh nộ đáng nhớ trong suốt 5 phút. Đấm mạnh xuống bàn, ông ta gào lên, “Bom đạn sẽ trút xuống đây… đây… đây… và đây… phía trước tuyến phòng thủ, phía sau và trên đầu nó… nhưng binh lính sẽ an toàn trong tuyến phòng thủ! Và họ sẽ tiến ra chiến đấu!”.

Halder im lặng, nhưng ông cũng như các tướng lĩnh khác trong Bộ Tư lệnh tối cao biết rằng mặc dù Đế chế đang say sưa với thắng lợi, Quốc trưởng vẫn lo sợ một mặt trận thứ hai – một cuộc đổ bộ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:35:42 | Xem tất
Dù vậy, rất ít công việc được tiến hành. Năm 1942, ngọn sóng chiến tranh bắt đầu quật trở lại Hitler, đặc công Anh bắt đầu đột kích vào pháo đài châu Âu “bất khả xâm phạm”. Tiếp theo là cuộc tập kích đẫm máu nhất trong chiến tranh khi hơn 5.000 lính Canada dũng cảm đổ bộ lên Dieppe. Đó là sự mở màn khốc liệt cho cuộc tấn công. Những gì mà các nhà hoạch định kế hoạch phía Đồng minh biết được chỉ là quân Đức đã phòng thủ các cảng biển chặt chẽ tới mức nào. Quân Canada có 3.369 thương vong, trong đó 900 người chết. Cuộc tập kích thất bại nặng nề, nhưng nó đã làm Hitler choáng váng. Ông ta gầm lên với các tướng lĩnh, Bức tường Đại Tây Dương phải được hoàn thành với tốc độ nhanh nhất. Công việc xây dựng phải được đẩy lên “một cách hăng hái”.


Quân Canada đổ bộ lên Dieppe trong Chiến dịch Jubilee, ngày 18/8/1942.

Nó đã được thực hiện. Hàng nghìn nhân công cưỡng bức làm việc cả ngày và đêm để xây dựng các hệ thống phòng thủ. Hàng triệu tấn bê tông được trút xuống, nhiều đến mức khắp châu Âu dưới chân Hitler không thể kiếm được bê tông cho việc gì khác. Một lượng sắt thép kinh ngạc được yêu cầu, nhưng nguồn cung cấp hạn chế nên các kĩ sư phải làm việc mà không có nó. Kết quả là chỉ một số boong ke hay lô cốt có vòm xoay – những chỗ đòi hỏi phải có thép để làm tháp pháo – và do đó làm xạ giới của pháo bị hạn chế. Nhu cầu vật liệu và trang thiết bị cao đến mức một phần phòng tuyến Maginot cũ của Pháp và phòng tuyến biên giới của Đức (phòng tuyến Siegfried) đã được dỡ bỏ để tập trung cho Bức tường Đại Tây Dương. Đến cuối năm 1943, mặc dù còn xa mới hoàn thành, trên nửa triệu người đã đang làm việc ở đó và các hệ thống phòng thủ đã trở thành mối đe doạ hiện hữu.

Hitler biết cuộc đổ bộ là không thể tránh khỏi, và bây giờ ông ta gặp phải một vấn đề lớn nữa: chọn những đơn vị nào để triển khai. Ở Nga, hết sư đoàn này đến sư đoàn khác đang bị nghiền nát khi Wehrmacht cố giữ chiến tuyến dài 3.200km trước những cuộc tiến công không ngừng của quân đội Liên Xô. Ở Italy, bị loại ra khỏi vòng chiến sau cuộc đổ bộ Sicily, hàng nghìn quân vẫn chưa ngóc đầu lên được. Do đó, đến 1944, Hitler buộc phải đệm vào phòng tuyến phía tây một đám hổ lốn quân bổ sung – ông già và trẻ con, tàn binh của những sư đoàn bị xoá sổ ở mặt trận Nga, những “lính tình nguyện” cưỡng bức từ các quốc gia bị chiếm đóng (có thể kể ra những đơn vị người Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Romania và Nam Tư) và thậm chí 2 sư đoàn người Nga gồm những kẻ muốn chiến đấu cho phát xít hơn là ở lại trong trại tù binh. Mặc dù chất lượng còn đáng ngờ, những đơn vị này đã lấp vào chỗ trống. Ông ta vẫn còn nòng cốt là các đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu và các đơn vị xe tăng. Đến D-Day, lực lượng của Hitler trên mặt trận phía Tây lên đến khoảng 60 sư đoàn.

Không phải sư đoàn nào cũng có đủ quân số, nhưng Hitler vẫn trông đợi vào Bức tường Đại Tây Dương; nó sẽ làm nên sự khác biệt. Kể cả những người đã chiến đấu – và thất bại – trên những mặt trận khác như Rommel cũng phải kinh ngạc khi thấy các hệ thống phòng thủ. Rommel không ở Pháp kể từ năm 1941. Và ông cũng như các tướng lĩnh Đức khác tin vào sự tuyên truyền của Hitler, nghĩ rằng phòng tuyến đã gần hoàn thành.

Sự chỉ trích gay gắt của ông về “bức tường” ở OB West không làm Von Rundstedt ngạc nhiên. Ông chân thành bày tỏ sự đồng tình; quả thực, đó có lẽ là lần duy nhất ông hoàn toàn tán thành với Rommel về một vấn đề. Vị Thống chế già dặn Von Rundstedt chưa bao giờ tin tưởng vào cách phòng thủ cố định. Ông đã đề ra và điều khiển cuộc tiến công thọc sườn phòng tuyến Maginot năm 1940 dẫn tới sự sụp đổ của nước Pháp. Đối với ông Bức tường Đại Tây Dương chẳng là gì ngoài một “sự bịp bợm to tát… cho người Đức nhiều hơn là cho kẻ thù… và kẻ thù qua những điệp viên của họ còn biết rõ điều đó hơn cả chúng ta”. Nó có thể “cầm chân tạm thời” cuộc tấn công của Đồng minh, nhưng sẽ không ngăn chặn được. Von Rundstedt tin chắc chẳng có gì cản được cuộc đổ bộ thành công bước đầu. Kế hoạch của ông là giữ những lực lượng lớn cách xa bờ biển và tấn công sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ. Đó là thời điểm để công kích, ông tin tưởng – khi kẻ địch vẫn còn yếu, chưa có hậu cần đầy đủ, và vẫn đang loay hoay củng cố lực lượng trong các khu đầu cầu cách biệt.



Thống chế Rundstedt (trái) và Thống chế Rommel (phải) tại Paris năm 1943.

Rommel hoàn toàn không đồng ý với phương án này. Ông khẳng định chỉ có một cách để đẩy lui cuộc tấn công: đương đầu với nó. Sẽ không có thời gian để đưa lực lượng tăng viện từ tuyến sau lên, ông chắc chắn chúng sẽ bị tiêu diệt sau những đợt không kích liên tục hay bắn phá dữ dội của hải quân và pháo binh. Trong cách nhìn của Rommel, mọi thứ từ bộ binh đến các sư đoàn xe tăng phải sẵn sàng ngay ở bờ biển hay sát phía sau. Người phụ tá nhớ rõ ngày Rommel tóm tắt chiến thuật của mình. Họ đứng bên bờ biển hoang vắng và Rommel, người thấp, chắc nịch trong chiếc áo choàng dày cùng khăn quàng cổ bước tới bước lui một cách oai vệ, vung vẩy chiếc trượng thường của thống chế - một chiếc gậy đen đầu bạc dài 60cm với những tua đỏ, đen và trắng. Ông trỏ trượng xuống bãi cát và nói, “Cuộc chiến thắng hay bại là ở trên bãi biển. Chúng ta sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để ngăn chặn kẻ thù và đó là khi chúng còn ở dưới nước… đang tìm cách tiến vào bờ. Lực lượng dự bị sẽ không bao giờ tới được khu xuất phát tấn công và thậm chí còn là ngu xuẩn nếu nghĩ đến họ. Hauptkampflinie [tuyến phòng thủ chính] sẽ ở đây… tất cả những gì chúng ta có sẽ phải nằm ở bờ biển. Tin tôi đi, Lang, 24 giờ đầu tiên của cuộc đổ bộ sẽ mang tính quyết định… đối với Đồng minh cũng như nước Đức, đó sẽ là ngày dài nhất”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 11:30:16 | Xem tất
Hitler chấp nhận kế hoạch của Rommel về cơ bản, và từ đó Von Rundstedt trở nên đơn thuần là một bù nhìn. Rommel chỉ thực hiện các mệnh lệnh của Von Rundstedt nếu chúng trùng với ý tưởng của ông. Để làm được như vậy ông thường xuyên sử dụng một câu đơn giản nhưng đầy sức nặng. “Quốc trưởng”, Rommel thường nhấn mạnh, “ra lệnh trực tiếp cho tôi”. Ông không bao giờ nói thẳng như thế trước Von Rundstedt cao quý, mà trước Tham mưu trưởng OB West, Thiếu tướng Blumentritt.

Với sự chống lưng của Hitler và sự miễn cưỡng chấp thuận của Von Rundstedt (“Gã cai Bohem Hitler ấy”, vị Tư lệnh Mặt trận phía Tây cáu kỉnh nói, “thường xuyên ra quyết định chống lại chính hắn”), Rommel quả quyết đã bắt tay vào xem xét toàn bộ các kế hoạch chống đổ bộ đã có.

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, nỗ lực không ngừng của Rommel đã thay đổi toàn bộ bức tranh. Trên mỗi bãi biển được đánh giá có thể đổ bộ được, ông lệnh cho binh lính cùng với các tiểu đoàn lao công cưỡng bức ở địa phương dựng lên các vật cản đơn giản. Những vật chướng ngại đó – có 3 cạnh thép lởm chởm, những cấu trúc cổng sắt hình răng cá mập, cọc gỗ bịt sắt và các khối bê tông hình chóp – được bố trí ngay dưới mực thuỷ triều cao và thấp. Chúng được gắn thêm những quả mìn chết chóc. Ở nơi nào không đủ mìn, đầu đạn pháo được sử dụng, quay mũi ra phía biển. Một sự va chạm sẽ khiến chúng nổ ngay lập tức.

Những sáng chế lạ mắt của Rommel (ông đã tự mình thiết kế phần lớn) vừa đơn giản vừa hiệu quả. Nhiệm vụ của chúng là chọc thủng và phá huỷ hay cầm chân các tàu đổ bộ chở đầy quân tới khi các khẩu đội pháo nhắm được mục tiêu. Trong trường hợp nào, ông lập luận, quân địch cũng sẽ bị tiêu hao dài dài trước khi vào được bờ. Giờ hơn nửa triệu vật cản ngầm gây sát thương đó được bố trí dọc theo bờ biển.



Sơ đồ bố trí chướng ngại vật của quân Đức ở bãi biển Omaha - Normandy.

Dù vậy Rommel, vốn là người cầu toàn, vẫn chưa hài lòng. Trên các bãi cát, trên các con dốc, trên các con mương và đường mòn từ bờ biển, ông ra lệnh đặt mìn – đủ các loại, từ những quả mìn dẹt lớn đủ để phá tung xích xe tăng, tới những quả mìn S (mìn nhảy) nhỏ sẽ nhảy lên và nổ ngang tầm ngực. Hơn 5 triệu mìn rải khắp vùng bờ biển. Trước khi cuộc đổ bộ xảy ra, Rommel hy vọng có thể đặt thêm 6 triệu quả nữa. Tổng cộng, ông định củng cố vùng bờ biển với 60 triệu quả mìn *.

* Rommel bị mê hoặc trong việc dùng mìn làm vũ khí phòng ngự. Trong một chuyến đi kiểm tra cùng với thống chế, Thiếu tướng Alfred Gause (Tham mưu trưởng tiền nhiệm của Rommel, trước Thiếu tướng Dr. Hans Speidel) chỉ những cánh đồng hoa dại mùa xuân và nói, “Cảnh này không đẹp sao?”. Rommel gật đầu và nói, “Ông nên chú ý, Gause – chỗ này sẽ được bố trí 1.000 quả mìn”. Và một dịp khác  trên đường tới Paris, Gause gợi ý ghé thăm nhà máy làm đồ sứ nổi tiếng ở Seevres. Ông ngạc nhiên khi Rommel đồng ý. Nhưng Rommel không quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật được xem. Ông bước nhanh ra khỏi phòng trưng bày và quay lại nói với Gause: “Hãy xem thử xem họ có làm được vỏ bọc không thấm nước cho mìn của tôi không” – Chú thích của tác giả (TG).

Nhìn ra biển, sau rừng mìn và vật cản, binh lính của Rommel chờ đợi trong những lô cốt, hầm ngầm bê tông và giao thông hào, tất cả được bao bọc bởi bẫy hay rào thép gai. Từ những vị trí đó, mọi khẩu pháo mà thống chế có thể huy động nhìn xuống bãi cát và ra biển, ngắm sẵn phần tử để có thể dựng lên bức tường lửa chính xác. Một số nằm ngay bên bờ biển. Chúng được giấu trong những công sự bê tông, trong những vị trí nhìn bên ngoài có vẻ vô hại, nòng không hướng ra biển mà chĩa thẳng xuống bãi để bắn thẳng vào các làn sóng xung phong.



Công sự phòng thủ bờ biển của quân Đức ở Longues-sur-Mer, Normandy.

Rommel tranh thủ tất cả những kỹ thuật và sáng chế tiên tiến. Ở những nơi thiếu pháo, ông bố trí các khẩu đội pháo phản lực hoặc súng cối nhiều nòng. Ở vài chỗ ông có cả xe tăng robot mini mang tên “Goliaths”. Những thiết bị này mang theo nửa tấn thuốc nổ, có thể được điều khiển từ các công sự đi xuống bãi biển và phát nổ giữa đám lính cùng tàu đổ bộ.

Thứ vẫn còn chưa được nhắc đến trong kho vũ khí trung cổ của Rommel là những nồi chì nấu chảy để đổ xuống đầu quân tấn công – nói cách khác, ông có một thứ tương tự nhưng hiện đại hơn: hệ thống phun lửa tự động. Ở vài nơi, mạng lưới các ống dẫn từ những bể chứa dầu được giấu kín chạy xuống những lối đi đầy cỏ dẫn từ bờ biển. Chỉ một cái nhấn nút đối phương sẽ bị nhấn chìm trong lửa.

Rommel không quên mối đe doạ đến từ lính dù và bộ binh đổ bộ bằng tàu lượn. Phía sau tuyến phòng thủ, những khu đất thấp đã được làm ngập nước, và những bãi trống trong phạm vi cách bờ biển 11 tới 13km được cắm cọc và bố trí bẫy. Dây gài treo giữa những thứ đó. Khi bị động vào, chúng sẽ kích nổ mìn hay đạn pháo tức thì.

Rommel đã bố trí một cuộc tiếp đón đẫm máu cho quân Đồng minh. Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh hiện đại, một hệ thống phòng thủ vững chắc và chết chóc như vậy được chuẩn bị. Dù thế Rommel vẫn chưa bằng lòng. Ông muốn thêm nhiều công sự, thêm nhiều vật cản, thêm nhiều mìn, thêm nhiều pháo và quân. Trên hết, ông muốn có các sư đoàn xe tăng hùng hậu đang được bố trí cách xa bờ biển làm dự bị. Ông đã thắng những trận đáng nhớ bằng xe tăng trên sa mạc Bắc Phi. Giờ đây, ở thời điểm then chốt này, cả ông lẫn Rundstedt không thể điều động các đơn vị thiết giáp mà không có sự cho phép của Hitler. Quốc trưởng khăng khăng giữ chúng dưới sự chỉ huy của cá nhân mình. Rommel cần ít nhất 5 sư đoàn xe tăng ở bờ biển, sẵn sàng phản công trong những giờ đầu tiên Đồng minh đổ bộ. Chỉ có một cách để đạt được điều đó – ông sẽ gặp Hitler. Trong buổi sáng âm u này ở La Roche-Guyon, khi chuẩn bị cho hành trình dài về thăm nhà, Rommel kiên quyết giành chiến thắng hơn bao giờ hết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 11:34:26 | Xem tất
Tại sở chỉ huy Tập đoàn quân 15 cách đó 200km gần biên giới Bỉ, một người đang vui mừng khi buổi sáng ngày 4 tháng 6 tới. Trung tá Hellmuth Meyer ngồi trong văn phòng, hốc hác và đôi mắt mỏi nhừ. Ông không thể có một giấc ngủ ngon kể từ ngày 1 tháng 6. Nhưng cái đêm vừa trôi qua là tệ nhất, ông sẽ không bao giờ quên nó.

Meyer đảm nhiệm công việc căng thẳng thần kinh và dễ gây nản lòng. Bên cạnh vai trò sĩ quan Tình báo của Tập đoàn quân 15, ông còn chỉ huy đội phản gián mặt trận. Trái tim của mạng lưới là 30 nhân viên vô tuyến điện luân phiên làm việc trong một hầm ngầm bê tông chất đầy những thiết bị vô tuyến tinh vi. Nhiệm vụ của họ là nghe, không gì khác. Nhưng mỗi người là một chuyên gia lão luyện giỏi 3 ngoại ngữ, và hầu như không một từ, không một tín hiệu Morse nào trong không gian từ phía Đồng minh mà họ không nghe thấy.

Người của Meyer có nhiều kinh nghiệm và thiết bị nhạy đến mức họ bắt được các cuộc gọi từ máy truyền tin trên xe jeep của quân cảnh ở Anh cách đó 160km. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho Meyer. Quân cảnh Anh và Mỹ trao đổi qua điện đài khi điều hành các đoàn xe đã không ngừng giúp ông tổng kết danh sách hàng loạt sư đoàn đóng quân ở Anh. Nhưng hiện giờ nhiều lúc các nhân viên của Meyer không bắt được cuộc liên lạc nào. Điều này cũng có ý nghĩa với Meyer, nó cho thấy lệnh ngừng liên lạc vô tuyến tuyệt đối đã được áp dụng. Đó chỉ là một bổ sung vào rất nhiều bằng chứng mà ông có cho thấy cuộc đổ bộ đã đến gần.

Cùng với tất cả các báo cáo tình báo, những dữ kiện như vậy giúp Meyer phác thảo ra bức tranh về kế hoạch của Đồng minh. Và ông đang làm rất tốt công việc của mình. Suốt nhiều ngày ông chọn lọc trong hàng mớ các băng ghi âm, luôn luôn tìm kiếm những thứ đáng ngờ, những thứ bất thường – và cả những thứ khó tin.

Đêm qua người của ông đã bắt được thứ khó tin. Thông điệp, được truyền gấp qua đường cáp tốc độ cao, đã được ghi lại ngay sau khi trời tối. Nó viết: “KHẨN PRESS ASSOCIATED NYK TIN NÓNG SỞ CHỈ HUY CỦA EISENHOWER THÔNG BÁO VỀ CUỘC ĐỔ BỘ CỦA ĐỒNG MINH LÊN PHÁP” (URGENT PRESS ASSOCIATED NYK FLASH EISENHOWER'S HQ ANNOUNCES ALLIED LANDINGS IN FRANCE).

Meyer lặng người. Thoạt đầu ông định báo động cho toàn sở chỉ huy. Nhưng ông đã cho dừng và bình tĩnh trở lại, vì biết thông điệp trên là giả.

Có hai lí do. Thứ nhất, hoàn toàn không có hoạt động nào trên toàn mặt trận – ông sẽ phải biết ngay nếu nó có thực. Thứ hai, hồi tháng 1 Đô đốc Wilhelm Canaris, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức, đã cho Meyer biết chi tiết về một tín hiệu kì lạ gồm 2 phần mà ông ta nói rằng Đồng minh sẽ sử dụng để báo động cho lực lượng kháng chiến ngầm ngay trước cuộc đổ bộ.



Đô đốc Wilhelm Canaris.

Canaris cảnh báo rằng Đồng minh sẽ phát đi hàng trăm thông điệp trong những tháng trước khi tấn công. Chỉ một vài trong số đó thực sự liên quan tới D-Day; số còn lại là giả, được chủ định tạo ra để đánh lạc hướng và gây lúng túng. Canaris đã nói thẳng: Meyer phải ghi lại toàn bộ các thông điệp để không lỡ mất thứ tối quan trọng.

Thoạt đầu Meyer hoài nghi. Có vẻ điên rồ khi chỉ dựa trên một thông điệp duy nhất. Ngoài ra, ông cũng có kinh nghiệm là 90 phần trăm các nguồn tin của Berlin không chính xác. Ông có cả một tập những báo cáo sai để chứng minh điều đó; Đồng minh dường như đã nhồi cho mỗi điệp viên Đức từ Stockholm cho tới Ankara thông tin về địa điểm và thời gian “chính xác” của cuộc đổ bộ - và không cái nào thống nhất với cái nào.

Nhưng lần này Meyer biết Berlin đã đúng. Đêm 1 tháng 6, sau nhiều tháng theo dõi người của Meyer đã bắt được phần thứ nhất của bức thông điệp Đồng minh – chính xác như Canaris nói. Nó không giống hàng trăm thông điệp gồm những câu mật ngữ mà người của Meyer đã thu được suốt nhiều tháng trước. Hàng ngày sau chương trình tin tức thường lệ, BBC phát các mật ngữ bằng tiếng Pháp, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy cho lực lượng kháng chiến. Phần lớn vô nghĩa với Meyer, và thật bực mình là không thể giải mã được những mẩu tin kiểu như “Cuộc chiến Troy sẽ không được theo đuổi”, “Mật đường ngày mai sẽ chảy vào cognac”, “John để ria dài” hay “Sabine vừa mới cằn nhằn và ghen tức”. Nhưng thông điệp ngay sau chương trình tin tức 9:00 tối của BBC tối 1 tháng 6 là cái mà Meyer hiểu rõ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 11:36:30 | Xem tất
“Vui lòng lắng nghe một vài thông điệp cá nhân”, phát thanh viên nói bằng tiếng Pháp. Lập tức Hạ sĩ Walter Reichling bật máy ghi âm. Một khoảng chờ, và sau đó: “Les sanglots longs des violins de l'automne [Những tiếng nức nở dài của vĩ cầm mùa thu].

Đột nhiên Reichling đập tay vào tai nghe. Rồi anh giật phăng nó ra và chạy tới trụ sở của Meyer. Viên hạ sĩ lao vào phòng và nói đầy kích động: “Thưa ngài, phần thứ nhất của thông điệp – nó đây rồi”.

Họ cùng nhau quay về hầm, tại đó Meyer nghe lại băng ghi âm. Chính là nó – thông điệp mà Canaris đã báo trước. Đó là dòng đầu tiên của “Chanson d’Automne” [Bài ca mùa thu] của nhà thơ Pháp thế kỷ 19 Paul Verlaine. Theo thông tin từ Canaris, dòng thơ này sẽ được truyền đi trong khoảng “ngày 1 hoặc 15 trong tháng … và sẽ là phần đầu của thông điệp báo về cuộc đổ bộ của Anh – Mỹ”.

Nửa cuối của thông điệp là dòng thứ hai trong bài thơ của Verlaine, "Blessent mon coeur d'une langueur monotone” [Làm tổn thương trái tim tôi với nhịp điệu buồn tẻ]. Theo Canaris, khi nó được phát đi nghĩa là “cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu trong vòng 48 giờ … bắt đầu tính từ 0 giờ ngày hôm sau”.

Ngay khi nghe dòng thơ Verlaine được ghi âm lại, Meyer báo cho Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 15, Thiếu tướng Rudolf Hofmann: “Thông điệp thứ nhất đã tới”, ông nói với Hofmann, “Giờ điều gì đó sẽ xảy ra”.

“Ông chắc chắn không?” Hofmann hỏi.

“Chúng tôi đã ghi lại”, Meyer trả lời.

Trong lúc ấy Meyer gửi điện cho OKW. Sau đó ông gọi đến sở chỉ huy của Rundstedt (OB West) và Rommel (Cụm quân B).

Tại OKW, tin được chuyển cho Chuẩn thống chế Alfred Jodl, Cục trưởng Tác chiến. Bức điện nằm nguyên trên bàn của Jodl. Ông không ra lệnh báo động. Jodl cho rằng Rundstedt đã làm việc đó; nhưng Rundstedt lại nghĩ sở chỉ huy của Rommel đã ra lệnh. *

* Rommel phải biết về tin này, nhưng từ dự đoán của ông về ý đồ của Đồng minh, dễ thấy là ông đã xem thường nó – TG



Chuẩn thống chế Alfred Jodl, Cục trưởng Tác chiến Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang (OKW).

Trên toàn mặt trận chỉ có một tập đoàn quân được đặt trong trạng thái sẵn sàng: Tập đoàn quân 15. Tập đoàn quân 7 bảo vệ duyên hải Normandy không biết gì và không được báo động.

Trong đêm 2 và 3 tháng 6 phần đầu của thông điệp đã được phát lại. Điều này làm Meyer lo lắng, theo tin ông có thì nó sẽ chỉ được phát một lần. Ông chỉ có thể đoán Đồng minh lặp lại để đảm bảo lực lượng kháng chiến nhận được.

Trong một giờ sau khi thông điệp được phát lại đêm 3 tháng 6, hãng AP đưa tin nhanh nói rằng cuộc đổ bộ của Đồng minh lên đất Pháp đang được triển khai. Nếu cảnh báo của Canaris là đúng, tin của AP phải là sai. Sau những phút đầu hoang mang, Meyer đặt cược vào Canaris. Giờ ông mệt phờ nhưng hoan hỉ. Bình minh đến và sự yên bình tiếp tục duy trì trên phòng tuyến đã chứng minh ông đúng.

Hiện tại không còn điều gì để làm ngoài chờ nửa cuối của bức thông điệp sinh tử có thể tới bất cứ lúc nào. Tầm quan trọng ghê gớm của nó xâm chiếm tâm trí Meyer. Việc đánh bại cuộc đổ bộ của Đồng minh, sinh mạng hàng trăm nghìn người đồng hương của ông, sự tồn tại của quốc gia phụ thuộc vào việc ông cùng nhân viên nhanh chóng ghi lại thông điệp và báo động cho mặt trận. Meyer chỉ hy vọng rằng cấp trên cũng nhận ra tầm quan trọng của nó.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách