Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: [T]uenhi
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Yêu Anh Đã Hai Mươi Năm | Bạch Tiểu Đoạn ( Chương 4 )

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 14-7-2013 21:37:18 | Xem tất
Chương 3

***




Triển Tường, vào năm em bảy tuổi, anh đã cứu sinh mệnh của em, anh trở thành ân nhân cứu mạng của em. Nhưng, anh hãy nói cho em biết, khi em rơi xuống vòng xoáy tình yêu mạnh mẽ như cỏ cây sinh trưởng sau cơn mưa, liệu anh sẽ cứu em nữa hay không?


Tôi ngủ đến tận giữa trưa ngày hôm sau mới thức giấc. Vừa mở mắt ra tôi đã phát hiện nơi này khác xa quê hương của tôi đến thế. Nhà của người Trung Nguyên có ngói đỏ gạch xanh, ở đây thì lại không thấy, nhà ở đây được xây dựng bằng những tảng đá lớn. Có một cái sân thật rộng, có hai ngôi nhà hai tầng song song nhau, mỗi một căn nhà trên dưới đều có ba phòng, (sau này tôi mới biết vốn dĩ đó là hai cái sân, vách ngăn giữa bị vỡ đi, cho nên nó mới trở thành một cái sân thật lớn).

Tôi thức dậy, rồi đi ra ngoài với hai bím tóc rối bù như sừng dê, mẹ thấy tôi như thế nên lập tức lại kéo tôi về phòng, lau sạch mặt của tôi, chải tóc lại cho tôi, cột dây giày sandal cho tôi, thay cho tôi một bộ váy mới tinh tươm rồi dẫn tôi ra ngoài.

Trong sân đã có rất nhiều người đang đứng, tôi nghe theo lời mẹ dặn gọi dượng, bác gái, bác trai, anh họ, chị họ, cuối cùng, tôi đi đến chỗ cạnh thiếu niên đó, một tay mẹ kéo tôi, tay còn lại vuốt đầu anh, bà mỉm cười nói: “Theo thứ bậc trong nhà, con gọi Triển Tường là chú đi!” Thiếu niên đó lại đỏ mặt, đó là dáng vẻ ngượng ngùng, mẹ luôn nói tôi không hề biết ngượng ngùng là gì, không ra dáng của một cô gái. Thấy anh như vậy tôi trái ngược lại có ý nghĩ trêu chọc anh: “Chú! Chú! Chú!” Tôi gọi rất lớn và rõ ràng. Khiến ai nấy đều bật cười, chàng thiếu niên đó — Chú của tôi — Chàng thiếu niên Triển Tường mặt càng đỏ hơn, đứng ở bên đó không biết làm thế nào, đón nhận ánh mắt hơi mang vẻ khiêu khích trêu chọc của tôi.

Cô hai kéo tôi vào lòng, nói: “Linh Hội đã cao lên nhiều rồi đấy!”

Tôi nói: “Cô ơi, con đã bảy tuổi rồi, như thế này chỉ cao hơi có một tí thôi, vẫn còn thấp đấy!”

Tất cả mọi người đều cười, cô hai lại nói: “Vậy con nói xem, cao đến đâu mới tính là cao?”

Tôi ra dáng đang suy nghĩ nghiêm túc, ngón tay bỗng nhiên chỉ đến hướng Triển Tường, nói: “Cao như chú ấy vậy!”

Chú lại nói: “Tiểu Tường năm nay mười bốn tuổi rồi đấy! Tiểu Linh Tử chỉ mới có bảy tuổi đã muốn cao như vậy rồi à?!”

Tôi lại xoay về phía cô hai hỏi: “Tại sao lại gọi con là Tiểu Linh Tử?”

Mọi người lại cười ồ lên, cô hai nói: “Thương con đấy, thương con cho nên mới gọi con là Tiểu Linh Tử!”

Chung sống cùng những ngày sau đó, tôi có mới có thể hiểu rõ ở đây Tiểu X Tử là cách gọi mà những người lớn nơi đây thể hiện sự yêu thương.

Ăn cơm xong, những đứa trẻ tối hôm qua đều đi học hết, trong sân bỗng chốc vẳng vẻ đi rất nhiều. Mọi người trong nhà kéo nhau nói chuyện gia đình, nói về bố mẹ trong nhà, trong thôn lại có thêm vài miệng ăn nữa, thu hoạch ruộng đất, nuôi trâu dê gà vịt. Nói một lúc, cô hai và cô ba lại khóc, sau đó là một màn khuyên nhủ. Hai người phụ nữ nấu cơm đều nói: “Bây giờ thì tốt rồi, biết nơi ở, nhận người quen, sau này xem như là thân thích, thường xuyên qua lại, lui tới nhiều hơn, đây là chuyện tốt, chuyện tốt!”

Tôi không hiểu vì sao họ lại khóc, cũng không hiếu kỳ xem bọn họ nói gì, tôi đi thẳng ra sân lớn dạo quanh. Hoàn cảnh xa lạ mang đến cho tôi một cảm giác mới mẻ to lớn, tôi bước vào từng căn phòng, nhìn hình vẽ trên tường, lối bài trí trong nhà, mấy đồ vật gì đó trong. Tất cả những thứ này, tôi chưa từng gặp qua, tôi cũng tràn trề sức lực đi tìm hiểu từng cái một.

Lúc chạng vạng, tôi lại thấy thiếu niên mà tôi gọi là chú kia, trên lưng anh đeo cặp, dắt theo một con trâu về. Anh cột trâu lại, để cặp sách xuống rồi liền bước đến nhà bếp châm củi nhóm lửa, anh ngồi xếp bằng rửa chén, rồi lại mang cơm và thức ăn lên. Tôi ngồi vào vị trí ngày hôm qua, lại thấy rõ cơm trắng tinh, chỉ khác là hôm nay không đặt đũa lên mặt trên của chén nữa mà thay vào đó lại một chiếc muỗng nhỏ. So với ngày hôm qua, thì thức ăn hôm nay thịnh soạn hơn rất nhiều, trên bàn được bày biện rất nhiều đĩa. Những đứa trẻ khác không bước đến. Kể cả Triển Tường. Tôi là khách, cho nên là đứa nhóc duy nhất được ngồi vào bàn ăn cơm.

Bọn họ nói rất nhiều câu tôi nghe mà không tài nào hiểu được, bởi vì quá khác biệt so với thứ ngôn ngữ quen thuộc của tôi, một lý do khác là có những lời nói quá sâu xa. Nhưng đôi lúc tôi cũng hiểu được đại khái, tôi biết hai người đàn ông đối diện là anh cả và anh hai của dượng, hai người phụ nữ nấu cơm là chị dâu cả và chị dâu thứ hai của dượng, Triển Tường là em trai của họ, bố mẹ của họ đều đã không còn. Cho nên, tôi phải gọi anh là chú. Cho nên, tôi không phải là em họ của anh.

Hôm thứ ba ở đó là vào cuối tuần, buổi chiều không cần đến trường, cô hai cho tôi đi chơi với mấy nhóm trẻ con trong nhà, nhưng bọn chúng lại không có ý hòa nhập với tôi nên nói bằng thứ “Tiếng phổ thông” cứng nhắc. Bọn chúng chơi trò mà tôi nhìn không hiểu được, ngay cả mẹ cũng không chú ý đến tôi. Tôi lén đi ra cửa chính, bên ngoài cửa chính là một bờ đê dọc theo một cái ao, trong ao có một ít cây cỏ, hai bên bờ đê trồng cây cối, có một hai người phụ nữ ngồi dưới gốc cây hóng mát, lúc tôi đi qua bọn họ dừng động tác quạt khăn trên tay rồi quan sát tôi.

Tôi đi thẳng về phía trước, đi đến chỗ có cây cỏ nhiều nhất trong ao. Ở quê tôi chỉ có một con sông, hai bên bờ sông có rất nhiều cây cỏ tươi tốt, bị người chăn cừu cắt đi rồi lại mọc lên, mấy cây cỏ đó không có sức hấp dẫn đối với tôi. Nhưng mà, trong cái ao này, lại không phải là cây cỏ, nó nhất định mà một thứ có thể ăn được. Trong lòng nghĩ như thế, tôi vô cùng kiên định bước xuống ven ao, tìm một nơi có thể đứng vững, rồi duỗi tay vớt những lá cây xanh, thân cây đỏ lên. Cánh tay tôi quá ngắn, vơi không tới được. Tôi nhìn xung quanh bốn phía, không có ai cả, thế là tôi vén váy trèo lên một thân cây. Tôi vốn định chiết một nhánh cây nhỏ, nhưng không nghĩ là nhánh cây đó dẻo dai vượt quá sức tưởng tượng của tôi, làm thế nào cũng không chiết đi được, tôi hơi nhụt chí bò xuống. Ngồi bên cạnh ao nhìn những bông hoa màu vàng tươi đẹp đến ngẩn người. Tôi không đành lòng buông tha như thế, thế là tôi duỗi tay một lần nữa, đưa tay đến những bông hoa hấp dẫn tôi cũng như những con chuồn chuồn đậu trên đó.

Sau đó tôi liền rơi xuống nước, một tiếng “tõm” vang lên, ngay cả tôi cũng nghe thấy được. Hai tay hai chân tôi cứ quơ loạn đập phình phịch, thân thể không nổi lên được mà ngược lại còn bị mấy cái dây leo quấn lấy. Tôi không thể hô ra tiếng, cái miệng nhỏ của tôi bị nước ùa vào, uống vào từng ngụm từng ngụm nước bẩn, trong đầu tôi nghĩ đến toàn là mẹ. Thời gian rất ngắn mà đã tiêu hao toàn bộ sức lực của tôi. Lúc đó tôi còn không biết chết là gì, chỉ nghĩ bị mẹ phát hiện sẽ bị đánh. Tiếp theo, có một bàn tay níu tôi lên.

Triển Tường cứu tôi. Anh ấn vào bụng tôi, tôi nôn ra rất nhiều nước. Mắt cá chân và cổ tay tôi đều trầy da do bị dây leo quấn, tôi đáng thương nhìn anh. Anh xé một trang giấy trong quyển vở lau máu trên vết thương cho tôi.

Ngày hôm đó, mãi cho đến khi váy khô hẳn Triển Tường mới kéo tôi về nhà. Tôi xin anh đừng nói cho mẹ biết, anh nói được, nhưng từ nay về sau tôi không được xuống nước nữa. Tôi nói vốn dĩ tôi không định xuống nước, mà chỉ là muốn hái mấy bông hoa nhỏ mà thôi. Anh nói những bông hoa đó sẽ trồi thành củ ấu, nếu hái đi sẽ không trồi nữa. Củ ấu. Tôi đọc thầm trong lòng, nó có ăn được không? Ăn nó có ngon không?

Cô hai đứng đón ở cửa, mẹ phát hiện ra vết thương của tôi, gọi tôi lại hỏi thăm, tôi nói chú kéo tôi chạy nhanh quá nên ngã sấp xuống. Mẹ nói: “Gọi chú thân thiết quá nhỉ, không biết còn cho rằng là chú ruột của tôi thật!”

Tôi về phòng mở túi đồ của mình ra, lục tìm ra hai đồng tiền, tôi nắm chặt chúng trong lòng bàn tay. Sau đó tôi chuồn nhanh đến phòng của Triển Tường, anh đang dũa bút chì, tôi bước đến cạnh anh, trong tay nắm chặt một đồng tiền, tôi nói: “Cho này.”

Anh nhận lấy, đọc dòng chữ trên đó: “Càn Long thông bảo.”

Triển Tường, vào năm em bảy tuổi, anh đã cứu sinh mệnh của em, anh trở thành ân nhân cứu mạng của em. Nhưng, anh hãy nói cho em biết, khi em rơi xuống vòng xoáy tình yêu mạnh mẽ như cỏ cây sinh trưởng sau cơn mưa, liệu anh sẽ cứu em nữa hay không?

- Hết Chương 3 -
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 16-7-2013 21:30:35 | Xem tất
Chương 4


***




Triển Tường, lúc đó, đối với một đứa bé như em anh là kỳ tích lớn lao không thể tưởng tượng nổi! Em không thể kiềm chế bản thân nghĩ đến anh. Em đơn thuần, ngây thơ, trong thế giới không tì vết của một đứa bé, em xem anh như là một anh hùng lúc nào cũng có thể đến cứu em! Toàn bộ lòng ngưỡng mộ của một cô bé bảy tuổi là em đã khắc ghi anh ở trong lòng, vĩnh viễn không quên được!


Lần đầu tiên đến An Huy, chúng tôi ở lại đó một tháng.

Ý kiến của mẹ và ông bà nội hoàn toàn không thống nhất: Lúc đến đây, bà nội nhất quyết muốn mẹ dẫn cô hai về nhà, nhưng sau khi đến đây, nhìn cuộc sống của cô lúc này, mẹ cảm thấy cô hai ở đây thật sự rất tốt, ông chồng bạo lực của cô ở quê cũng đã tái hôn, huống chi cô hai hài lòng với cuộc sống hiện tại, có chết cũng không chịu trở về, thà rằng sống ở đây. Chú mới nói không sinh con cũng không sao cả, chú có thể xin một đứa trẻ về nuôi.

Mẹ viết thư về nhà, kể tình hình cụ thể cho bà nội và xin ý kiến của bà. Gửi thư, đợi thư, nhận thư, bà nội nhận người thân thích này. (Chỉ là cô hai vẫn không cho về, nói đã một năm không gặp, dù thế nào cũng phải ở thêm vài ngày). Thế là cứ ở lại như vậy, tôi thì chan chứa niềm vui.

Trong kỳ nghỉ hè, Triển Tường là người duy nhất chơi với tôi. Lúc nào anh cũng dẫn tôi theo, cuối cùng tôi cũng ăn thử được củ ấu, vừa ngọt lại mịn như phấn, một củ rồi lại một củ, nó có rất nhiều sừng nhọn, đâm vào tay khiến tôi đau. Cho nên Triển Tường luôn cầm nó, lúc tôi muốn ăn thì cứ nói. Trước tiên anh sẽ dùng răng cắn nhẹ một củ ấu, lại dùng tay tách chúng ra, lấy thịt ấu bên trong cho vào miệng tôi. Thông thường tôi ăn nhanh hơn anh bốc, tôi tha thiết mong chờ nhìn tay anh bị sừng nhọn của củ ấu đâm trúng chảy cả máu, tôi sợ anh sẽ dừng lại. Anh liền cười nói: “Cháu phải tên Củ Ấu mới đúng!”

Anh lên núi cắt cỏ, tôi mặc một bộ váy màu đỏ, lúc mặt trời lặn tôi đứng cạnh đống cỏ khô cao cao chờ anh về, trông ngóng anh mang một món mới lạ từ trên núi về cho tôi. Mấy đứa trẻ đến gảy bím tóc của tôi, lấy chuồn chuồn bắt được trong lưới cột vào dây thun cột tóc của tôi. Cho dù người lớn trong nhà đã liên tiếp dạy bảo bọn chúng phải chăm sóc vị khách nhỏ từ xa đến là tôi đây, nhưng bọn chúng vẫn nghĩ ra rất nhiều cách tiếp tục trêu chọc tôi, hơn nữa càng lúc càng hăng. Bọn chúng gọi một con chó, hướng về chỗ tôi sủa “Wau wau”, thấy tôi nước mắt lưng tròng thét chói tai, bọn chúng cười lớn. Tôi đành đứng lì ra đó, lại nghe được một tiếng huýt, con chó ấy liền chạy đi. Triển Tường vác đầy cỏ trên lưng bước đến, mấy đứa trẻ đó chạy đi hết. Anh ngồi xuống trước mặt tôi, tháo chuồn chuồn trên tóc tôi xuống, cột tóc lại cho tôi một lần nữa rồi kéo tay tôi về nhà.

Hiếm khi thấy anh ngồi, tôi đứng trước mặt anh diễn vai Mộc Quế Anh không phù hợp với tôi chút nào, kéo anh lại gần nhỏ giọng hát khúc ca địa phương: “Ba tiếng pháo ngoài cổng, giống như tiếng sét. Trong Thiên Ba Phủ, ta – Bề tôi bảo vệ đất nước – đi tới đi lui. Đầu đội kim quan, chừa hai làn tóc mai. Áo giáp năm xưa, ta mặc trên người… Con ta gào khóc tại quê nhà, nước mắt rơi, trên võ đài có những trung lương thần tốt và xấu..” Anh nhìn tôi vung tay múa chân, nở nụ cười, rồi cũng nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.

Tôi xoay người một cái, lại hóa thân thành tiểu thư khuê các hào phú hát: “Châu Phụng Liên ta ngồi trong kiệu, dáng vẻ dịu dàng hớn hở…” Anh nhìn tôi nở nụ cười càng tươi hơn, vẫn không quên trêu chọc tôi: “Tiểu Linh Tử ngồi kiệu hoa rồi!” Sau đó lại đọc [Trường Can Hành] của Lý Bạch:

“Khi tóc vừa buông trán
Hái hoa trước cổng chơi
Chàng cưỡi ngựa tre đến
Quanh giường tung trái mai
Trường Can cùng chung xóm
Cả hai đều thơ ngây”

(Bản dịch của Trần Trọng San.)

Đến vườn tưới rau, tôi luôn muốn ăn đủ thứ, cà tươi, đậu tươi, dưa chuột non luôn làm cho tôi chảy nước bọt, anh thì lúc nào cũng chiều theo ý tôi. Có lúc cảm thán như bà cụ non: “Chỗ của chú vui hơn chỗ cháu nhiều lắm!” Triển Tường liền sẽ ngừng gánh nước, chuyển tầm mắt từ nơi vườn rau xanh mướt về phương xa, anh trầm giọng nói: “Chú cũng sẽ không ở đây mãi. Sau này, chú sẽ đi lên đại học, cháu cũng phải học lên đại học đó.” Tôi không nói gì cả, chỉ ngồi cắn dưa chuột non giòn giã, vị tươi ngọt thấm vào tận tim gan. Anh làm khung cố định cho dây leo bò lên, tôi truyền dây thừng cho anh. Có lúc nhìn thấy trán anh lấm tấm mồ hôi cũng sẽ chạy qua giúp, nhưng tay lại bị cây dưa chuột đâm vào, hoặc là chân bị cây đâm trầy da. Tay anh nâng cổ tay tôi lên, tay còn lại kia múc nước sạch cẩn thận rửa vết thương cho tôi. Có lúc anh sẽ cười nói: “Cháu chỉ biết làm rối hơn thôi, càng giúp càng rối.” Mắt anh phát ra ánh sáng long lanh sáng ngời.

Lúc anh đọc sách, tôi ngồi bên cạnh dựa vào anh giả vờ ngủ. Có lúc chờ, tôi ngủ thiếp đi thật. Anh vẫn ngồi tại chỗ ấy, mãi cho đến khi mẹ ra bế tôi vào ngủ. Ở đây có một ngọn đồi nhỏ như núi. Không lớn cho lắm nhưng đối với đứa sống ở bình nguyên như tôi mà nói thì đó là ngọn núi cao nhất mà tôi từng được gặp. Tôi muốn lên núi, anh nói bây giờ là mùa hè, trên núi có rất nhiều cây cỏ leo, rắn cũng rất nhiều, không lên được. Bất kể tôi nài nỉ như thề nào, anh cũng không nhận lời tôi. Sau đó anh nói, chờ cháu đến đây lần nữa chú sẽ dẫn cháu đi. Tôi nói được.

Tôi thản nhiên thoải mái hưởng thụ vai trò người chú tốt mà Triển Tường đối với tôi, anh nuông chiều tôi. Tôi cảm thấy đây là bổn phận một một người chú phải làm. Thậm chí tôi còn nghĩ, nếu như chú này ở trong nhà của mình thì thật là tốt biết bao, tôi có thể ở bên cạnh anh mãi.

Nhưng cuối cùng cũng có một ngày, mẹ nói với tôi ngày mai phải về nhà. Tôi không biết đây là có ý gì, nhưng lại có cảm giác đau khổ như mất đi thứ mà tôi yêu thích nhất. Ngày hôm đó, sau bữa cơm chiều tôi và Triển Tường ngồi trong sân, tôi vẫn ghé vào tay anh giả vờ ngủ như trước. Rất lâu rất lâu. Những người lớn trong nhà cuối cùng cũng trò chuyện xong, mẹ ra ôm tôi. Anh cũng đứng lên theo, xuyên qua cánh tay mẹ, tôi thấy ánh mắt tối đen như mực của anh.

Ngày hôm sau, trong lúc còn ngủ mơ màng tôi bị mẹ đánh thức, mẹ giục tôi mau rời giường. Sau đó, chúng tôi trở về quê hương không có núi, không có nước, không có củ ấu, cũng không có Triển Tường. Lúc đi ra sân, tôi nhìn bốn phía xung quanh, nhưng không thấy Triển Tường đâu.

Triển Tường, lúc đó, đối với một đứa bé như em anh là kỳ tích lớn lao không thể tưởng tượng nổi! Em không thể kiềm chế bản thân nghĩ đến anh. Em đơn thuần, ngây thơ, trong thế giới không tì vết của một đứa bé, em xem anh như là một anh hùng lúc nào cũng có thể đến cứu em! Toàn bộ lòng ngưỡng mộ của một cô bé bảy tuổi là em đã khắc ghi anh ở trong lòng, vĩnh viễn không quên được!


- Hết Chương 4 -

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
Nhutphonglin + 5 Ôi, cứ thấy tên nó là c đau lòng.

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 14-5-2016 00:00:33 | Xem tất
THÔNG BÁO


Xin chào bạn!

Trước tiên, cám ơn sự đóng góp của bạn dành cho box.

Hiện nay, box đang tiến hành sắp xếp lại để gọn gàng hơn.

Trong quá trình sắp xếp, bọn mình thấy bạn đã ngừng thread hơn 2 tháng và không có bất cứ thông báo nào đến độc giả.

Vậy nên 5 ngày sau thông báo này, nếu vẫn không có chương mới, bọn mình sẽ tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp.

Mong bạn hiểu và thông cảm!

Thân mến!

Mod
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 18-9-2016 15:48:35 | Xem tất
Huhu, vậy là thớt này bị dừng mãi mãi luôn à!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách