Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2792|Trả lời: 57
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tuyết Đoạt Hồn | Quỷ Cổ Nữ

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 29-8-2015 09:48:14 | Xem tất |Chế độ đọc
Thể loại: Tiểu Thuyết
Tên tác phẩm: Tuyết Đoạt Hồn
Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Dịch giả: Trần Hữu Nùng
Độ dài: 3 phần dẫn + 50 chương + 2 vĩ thanh
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Ngày xuất bản: 11/2012
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Công ty xuất bản: IPM
Giới thiệu sơ lược:
Xác treo trong nhà gỗ
Hồn tan nơi giếng sen
Cứ vào đúng ngày giỗ
Âm ảnh lại hiện lên…
Giữa tuyết băng sương gió
Mạng đổi mạng triền miên
Tuyệt vọng và khốn khổ
Người chết, người khùng điên.


Na Lan được người chị họ Thành Lộ mời đi du lịch trượt tuyết ở núi Trường Bạch cùng vài người nữa. Sang ngày thứ ba, họ bị một trận bão tuyết dữ dội chưa từng có vây hãm trong ngôi nhà gỗ biệt lập, mất điện, mất liên lạc với bên ngoài. Na Lan dần nhận ra các bạn đồng hành đều trở nên kỳ quái, hình như ai cũng đầy toan tính độc địa, bản thân cô cũng luôn bị ảo giác, mất trí nhớ, rơi vào trạng thái suy sụp. Kinh khủng hơn nữa là, trong không gian bị thế giới lãng quên ấy, từng thành viên lần lượt mất tích hoặc thiệt mạng một cách hết sức bí hiểm. Mọi người không ngớt nghi kỵ lẫn nhau, còn hung thủ và sự thật dường như mãi mãi là ẩn số.

Na Lan cùng các thành viên sống sót trốn khỏi căn nhà gỗ ma quái, chạy ra rừng tuyết mênh mang, nào ngờ lại dấn thân vào một nẻo đường còn kinh hoàng gấp bội…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 13-5-2016 21:54:11 | Xem tất
THÔNG BÁO


Xin chào bạn!

Trước tiên, cám ơn sự đóng góp của bạn dành cho box.

Hiện nay, box đang tiến hành sắp xếp lại để gọn gàng hơn.

Trong quá trình sắp xếp, bọn mình thấy bạn đã ngừng thread hơn 2 tháng và không có bất cứ thông báo nào đến độc giả.

Vậy nên 5 ngày sau thông báo này, nếu vẫn không có chương mới, bọn mình sẽ tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp.

Mong bạn hiểu và thông cảm!

Thân mến!

Mod
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 10:58:10 | Xem tất
Phần dẫn 1

Mùa này, gió ấm làm say lòng người, mồ hôi ngầy ngậy hương ướt tà áo mỏng, ve sầu còn chưa im tiếng, các thuyền hái sen đã giục nhau xuất phát. Năm nay mưa thuận gió hòa nên được mùa sen, tất cả các thuyền trong làng, từ thuyền chạm khắc tinh xảo của nhà Liễu viên ngoại cho đến thuyền thúng loe miệng của nhà Diêu Nhị trọc đầu, đều túa ra cái hồ trải dài hai dặm ấy.

Ngọc Liên cảm thấy bất công cũng phải. Các thiếu nữ cùng tuổi hay khác tuổi Liên đều bơi thuyền đi hái sen, chỉ có cô – nhất là tên cô lại có “sen”[1] – phải đứng nhìn hàng trăm con thuyền đua nhau lên đường, và ngẩn ngơ nghe tiếng cười đùa, tiếng hát của chúng bạn.
[1] “Liên” có nghĩa là “hoa sen”.


Liên không thể đi, chỉ vì một điều cấm kỵ - một lời nguyền.

Tiếng hát ngọt lịm là của Xảo Vân con gái ông tú tài họ Ngô, vẫn bài quen thuộc ấy: “… Mùa thu hái sen hồ Nam, Sen cao quá đầu người, cúi xuống đùa với sen, Sen sáng trong xanh mượt, Em ôm sen vào lòng, Sen hồng sao hồng thắm, Nhớ chàng không đến, em ngẩng nhìn chim hồng bay…” Xảo Vân đã đến tuổi yêu đương, thuyền chưa ra khỏi tầm mắt người cha, cô đã bắt đầu đùa bỡn với cánh trai làng.

Ngọc Liên cũng đã đến tuổi ấy, thậm chí đã có ý trung nhân, người ấy cũng nặng tình với cô, chàng là Ngô Duy Lạc – anh trai của Xảo Vân. Ông tú Ngô sát sao kèm cặp quý tử dùi mài kinh sử để lều chõng đi thi mùa thu này. Nhưng ngay Ngô Duy Lạc cũng phá lệ, anh đang cùng hai thanh niên đồng tuổi bơi thuyền ra hồ. Duy Lạc đang hát một bài mới đặt lời, rất hồn nhiên, thiết tha tình ý.

“Lau lách đung đưa, Thuyền lan bồng bềnh, Nàng soi sen biếc dập dềnh sóng xô. Bãi tây, Tố nữa, Cò trắng tranh nhau khoe sắc, Mặt hồ vô tận nét kiêu sa.

Mắt nhìn theo xốn xang, mắt liếc lại đắm đuối, Ngày dài mà sao thuyền về muộn. Hồn sen vương vấn khắp hồ nước trong, Buộc mối duyên tơ hồng nồng nàn ba kiếp.”

Chỉ có ai quá ngố mới không nhận ra “hồn sen vương vấn”[2] nghĩa là gì. Rành rành là hát cho Ngọc Liên nghe. Ngọc Liên hồi hộp, tim đập rộn ràng, không sao nén nổi cõi lòng khát khao cháy bỏng. Phía xa xa, có tiếng một cô gái ranh mãnh cố ý hỏi: “Ngô tiểu tú tài tặng muội bài hát này phải không đấy?”
[2] Mấy chữ này có tên của hai người: Liên (sen), Lạc (vương vấn).


Xảo Vân cười, chữa thẹn cho anh trai: “Anh ấy nói là ‘mặt hồ vô tận nét kiêu sa’ kia mà! Dịp này hái sen, mỗi ngày anh ấy sáng tác một bài tặng cho một người.”

Tiếng cười, tiếng hát lại càng rộn ràng.

Ngọc Liên lại càng buồn thêm. Lẽ ra cô cũng được hưởng niềm vui!

Nhưng điều cấm kỵ kia, lời nguyền kia…

Không chịu nổi nữa, Ngọc Liên bỏ chạy về nhà.

Bà mẹ đang đứng nơi cửa, hình như đã lường trước là con gái sẽ về với bộ dạng này, bà buồn rầu nhìn Ngọc Liên miệng đang mấp máy mà không nói nên lời.

“Con vẫn muốn đi à?” Bà nhẹ nhàng hỏi.

Ngọc Liên gật đầu.

“Sao cứ ương ngạnh thế…” Nỗi bất lực xen lẫn trách móc.

“Mẹ ạ, con thạo sông nước chẳng kém bất cứ anh nào trong làng này. Hồ Chiêu Dương xưa nay vẫn êm ả, đâu có thể có bất trắc gì? Vả lại, đi hái sen, mấy chị em bạn cùng ngồi một thuyền, dẫu gặp chuyện gì thì vẫn có người cứu.” Liên cảm thấy lý do của mình có thể thuyết phục được cả trâu đá.

Đúng thế, mẹ cô đã nao núng, chỉ nói thêm câu nữa, chắc bà sẽ gật đầu. “Chưa năm nào con được đi hái sen, không được đi hát đối, có lẽ đời con sẽ ế chồng mất thôi!”

“Con bé này thật là...” Bà mẹ đã chịu thua. Nhưng Ngọc Liên không ngờ bà vẫn còn một chiêu cuối cùng: “Nhưng, con được ra hồ hái sen hay không, mẹ đâu quyết định được?”

Ngọc Liên tiu nghỉu, nín lặng.

Hai mẹ con bước đến trước ngôi nhà nhỏ đen xỉn, do dự nhìn nhau không ai dám gõ cửa. Ngôi nhà nhỏ xây cất bằng gạch và gỗ này vốn dĩ không hề sơn đen, nghe nói là hậu quả của khói lửa hun suốt mấy trăm năm qua. Bốn mặt không cửa sổ, cửa chính hướng tây, trước cửa dựng một tấm bia đá không chữ, khiến các thầy phong thủy vừa nhìn thấy đã lắc đầu. Cả ngôi nhà đã nghiêng thấy rõ, tưởng có thể sập đổ bất cứ lúc nào, và nó toát ra một vẻ rùng rợn nanh ác. Hai bên trồng hai cây hòe đã héo khô ngả bóng xuống sân trông như hồn ma nhảy nhót, khiến ai định đến gần cũng phải dừng bước. Đương nhiên, dân chúng xung quanh vùng nói rằng lý do ngôi nhà bị đen xỉn là tại chủ nhân của nó.

Thân hình còm cõi của bà mẹ hơi run run. Ngọc Liên hiểu rằng người gánh lấy trách nhiệm gõ cửa phải là mình rồi. Cô hít một hơi thật sâu, bước đến trước cửa, tim đập mạnh.

Nhắm mắt lại, đưa tay lên, đưa tay gần hơn nữa, và ngập ngừng, gõ hay không gõ, người khởi xướng lại là người rút lui. Thôi vậy, đi về!

Nhưng cửa bỗng mở ra.

Nếu không có tiếng “két…” rền rĩ kéo dài tưởng như bất tận, thì có lẽ Ngọc Liên không nghĩ là cửa đã mở. Vì cửa màu đen, bên trong cửa cũng sâu hút một màu đen kịt.

Cô lúng túng ngoảnh lại nhìn mẹ.

“Đã đến rồi, sao không vào đi?” Giọng một bà già. Vẫn là giọng nói lần trước Ngọc Liên đã nghe, cô có cảm giác giống như chiếc cối xay kê không vững, khi chạy phát ra tiếng kêu ư ử rền rĩ đầy khổ đau.

Mậu A Bà là chủ nhân ngôi nhà đen này.

Có người nói Mậu A Bà là một nữ đạo sĩ, cũng có người bảo đó là một lão yêu; nhưng nói bà là phù thủy thì dễ chấp nhận hơn.

Phù thủy có thể biết quá khứ và tương lai, Mậu A Bà đã tiên đoán cái chết của Ấu Liên – em gái Ngọc Liên, cho nên khi gặp Mậu A Bà, cô như đông cứng hết mức, lòng can đảm mọi ngày đều tiêu tan hết cả. Mậu A Bà có mái tóc bạc buông xõa dài gần chấm đất, nhưng nét mặt thì trẻ hơn mẹ Ngọc Liên đến vài tuổi. Khi đứng dậy, lưng bà ta như muốn còng rũ xuống đất, đôi bàn chân trần thì trắng muốt, trắng hơn cả làn da Ngọc Liên.

Ngay dân làng cư ngụ bên hồ cũng không có phụ nữ nào đi chân đất cả!

Bên ngọn đèn dầu le lói như con đom đóm lại nhìn thấy Mậu A Bà quái dị như vậy, Ngọc Liên không khỏi thấy rùng mình.

Mậu A Bà cười nhạt: “Trời nóng như vậy mà rùng mình được, cháu nên cảm ơn bà già này đấy!” Thắp đèn xong, bà ta ngồi trong bóng tối, cúi đầu cầm mẩu đá nhám tiếp tục mài một hòn đá tròn tròn. Hình như đây là kế sinh nhai duy nhất của bà. Bà thường ra bờ hồ nhặt những hòn đá có thể được việc, đem về mài thành những viên đá tròn bóng láng. Ai đó dù sợ ngôi nhà đen của Mậu A Bà đến mấy, mỗi khi nhìn thấy những viên đá đã mài bóng của bà, vẫn phải luôn miệng trầm trồ tấm tắc. “Đá bà Mậu” là một bí mật rất có giá trị của phủ Nam Kinh, nghe nói các quan châu phủ dùng nó để thể hiện đẳng cấp sang trọng của mình ở kinh thành.

Bà mẹ Ngọc Liên hắng giọng định nói gì đó, thì Mậu A Bà đã lên tiếng: “Vẫn muốn đi, phải không?”

Rõ ràng câu này dành cho Ngọc Liên. Hai mẹ con chẳng ai bảo ai, cùng thấy gai lạnh.

Bà mẹ nói: “A Bà thật tinh tường… tôi khuyên không được cháu…”

“Thế thì bà cứ hỏi đi hỏi lại nó câu này: chuyện ba năm trước, là gì vậy?”

Ba năm trước, Ngọc Liên cho Ấu Liên cùng đi thuyền ra hồ hái sen, rồi Ấu Liên bị chết đuối.

Bà mẹ trào nước mắt: “Tôi… tôi…”

“Bà không có gan nhắc lại chuyện buồn khi xưa! Nhưng bà có nhớ bà chỉ còn nó là đứa con duy nhất không?”

Thấy mẹ bị mắng mỏ, Ngọc Liên tức lắm, nỗi sợ hãi bỗng tan biến. “Em cháu là bị sẩy chân, là tại cháu, chứ liên quan gì đến mẹ cháu?”

“Không liên quan gì đến bà ấy ư?” Mậu A Bà dừng tay đang mài đá, ngẩng lên nhìn Ngọc Liên: “Cháu phải nghe bố mẹ cháu kể từ đầu, khi sinh Ấu Liên, ta đã dặn dò những gì?”

Khi Ấu Liên chào đời, bố mẹ Liên đã đến nhà Mậu A Bà cầu phúc và xem số, Mậu A Bà chỉ nói bốn chữ đáng buồn “Xuống nước thì chết”.

Cho nên Ấu Liên từ nhỏ luôn bị cấm mon men ra sông hồ. Hằng năm đến mùa sen, Ngọc Liên thường cùng các bạn trong xóm đi thuyền hái sen, cô ngoái đầu nhìn Ấu Liên nước mắt lưng tròng nhìn theo con thuyền dần đi xa, rất thương nó, rồi cô nghĩ mình sẽ chiều lòng đứa em.

Ba năm trước, hậu quả của việc chiều chuộng ấy là Ấu Liên chết đuối, khi mới 11 tuổi.

Nhớ lại cái tội lớn ấy của mình, Ngọc Liên cố kìm nước mắt nhưng miệng vẫn nói cứng: “Tại cháu giấu mẹ cho nó lên thuyền. Cháu đã sai. Hồi đó cháu chưa biết bơi, nếu không, đã cứu được nó. Nay cháu đã biết bơi, dù nước sâu đến mấy cũng bơi được, vậy tại sao không thể đi hái sen?”

Sau cái chết của Ấu Liên, Mậu A Bà bảo đừng cho Ngọc Liên xuống nước.

Xuống nước thì chết!

Bà mẹ gắt con: “Ngọc Liên!”

Mậu A Bà không hề nổi nóng, chỉ đưa bàn tay có những ngón tay xù xì như đốt tre lên vuốt mái tóc bạc lòa xòa rủ xuống. Hồi lâu sau mới hỏi: “Ta chúc mừng cháu, không chỉ không tránh xa sông nước như lời ta dặn, mà còn khổ công tập bơi.”

“Đúng thế, và suốt ba năm qua cháu chẳng làm sao cả!”

Mậu A Bà cười nhạt: “Cho nên cháu cho rằng ta toàn phán vớ vẩn chứ gì?”

Bà mẹ vội xen vào: “Cháu nó nói năng không cân nhắc, A Bà đừng cho là thật.”

Ngọc Liên lập tức xổ ngay ra những điều lâu nay cô vẫn nghĩ nhưng chưa dám mở miệng: “Mẹ ạ, bà ấy nói khoác thì có! Ấu Liên bị đẻ non mấy tháng, lúc mới sinh chỉ nặng chưa đầy bốn cân[3], ai cũng bảo nó sẽ dặt dẹo hay ốm, không thể bơi lội gì; hễ xuống nước thì… hồi đó con còn bé, dại dột, nên đã cho nó cùng ra hồ rồi nó trượt ngã xuống nước; ba năm qua ai cũng trách móc con, con cảm ơn, nhưng tuyệt đối không nên cho rằng chuyện đó ứng nghiệm với lời tiên đoán của A Bà! Ai cũng biết ba năm qua tối nào con cũng ra hồ tập bơi. Suốt ba năm trời bơi lội rồi, có làm sao đâu?”

[3] Cân ta, mỗi cân tương đương 400 gr.


Bà mẹ lại gắt: “Ngọc Liên! Hồi đó con còn dại dột nhưng nay đã lớn mà vẫn chẳng hiểu gì cả?”

Mậu A Bà hình như không cảm thấy Ngọc Liên cáu kỉnh ra sao, vẫn tiếp tục cặm cụi mài đá. Khi thấy cả hai mẹ con cùng im lặng, bà mới chậm rãi nói: “Ngọc Liên, cháu có biết nhà ta vì sao từ trong ra ngoài đều một màu đen không?”

Ngọc Liên hơi kinh ngạc trước câu hỏi đột ngột. “Tại sao ạ?”

“Vì bị cháy. Không phải tại ta luyện đan hay nấu cơm rồi lỡ gây hỏa hoạn, mà là bị những kẻ bực mình với ta phóng hỏa. Tại vì ta tiên đoán quá đúng. Bọn họ mất người thân, vì họ bất cẩn, lại không chịu nghe lời ta dặn dò. Người đời là thế đấy, họ thường không nghĩ xem mình sai ở đâu, nhưng lại thích gắn sai lầm cho người khác. Họ cho rằng ta có vu thuật, tà thuật, ta phán ra lời nguyền đó, nên mới xảy ra các chuyện bi thảm. Thế là họ trút giận vào ta, họ muốn đốt trụi ngôi nhà trắng của ta. Nhà cháy, cây cối bên cạnh cũng cháy, nhưng lửa tàn rồi mà nhà vẫn không đổ, cây cũng không đổ. Chỉ là nhà trắng biến thành nhà đen, cây xanh biến thành cây khô.” Mậu A Bà kể lại rất thản nhiên.

Ngọc Liên định hỏi: bà nói thế là ý gì. Nhưng cô cảm thấy hình như mình đã hiểu ẩn ý sâu xa trong đó.

“Ta về thôi, mẹ ơi!” Ngọc Liên kéo tay mẹ.

Nét mặt bà mẹ vẫn đầy lo lắng: “Vậy con…”

Ngọc Liên cười: “Con xin nghe, con không đi nữa. Vừa nãy con bực mình, nói bừa cho hả giận như những người đã đốt nhà Mậu A Bà; nguôi giận rồi, con thấy A Bà nói là đúng.”

Ánh mắt bà mẹ nửa tin nửa ngờ, nhưng nụ cười của Ngọc Liên đã thuyết phục được bà.

Lúc sắp ra về, Ngọc Liên bỗng hỏi: “A Bà, cháu sẽ nghe lời, bây giờ bà giải thích giúp cháu: tại sao nói cháu xuống nước thì chết?”

Mậu A Bà trả lời xen lẫn tiếng mài đá rin rít: “Cháu từng nghe nói thiên cơ không thể tiết lộ chứ?”

“Cháu đã ba năm bơi lội mà không chết, lý do đó đã đủ để xin A Bà giải thích chưa?”

Tiếng mài đá ngừng bặt, rõ ràng là Mậu A Bà đang cân nhắc. Hồi lâu sau bà mới nói: “Ý bà già này là, cháu xuống nước bình thường thì không sao, nhưng đừng ra hồ sen. Nếu không… nó sẽ… đưa cháu đi đấy!”

Hai mẹ con ra về, không quên khép cửa ngôi nhà đen. Trong nhà lại yên tĩnh như thường; tiếng mài đá rin rít chứ không ồn ào, ồn ào là do tiếng người nói chuyện.

Gần như sau khi không nghe thấy tiếng bước chân của mẹ con họ nữa thì Mậu A Bà cũng vừa mài xong một hòn đá, bà ngắm nghía tác phẩm của mình dưới ánh đèn mờ nhạt, thở dài. Bà do dự khi đặt nó vào cái âu bằng gốm đặt trên bàn, rồi lại thở dài.

Thiên cơ không thể tiết lộ. Mình đã nói hơi nhiều thì phải? Đây là cái tật cố hữu của bà: bà không thể không thương xót người đời, nhưng người nghe cứ không ưng, còn bà thì bị họ ghét.

Nhưng vẫn còn một điều bí mật bà không nỡ nói ra: hôm nào bà mài xong một viên đá thì hôm đó sẽ có một người quen bà phải từ giã cõi đời.

Sự đời xưa nay cứ tàn nhẫn như thế đấy!

Trời đã tối hẳn, một con thuyền nhỏ nhẹ nhàng rời bờ, bơi trên hồ sen, rồi dừng lại ở một vùng nước trống vắng hiếm thấy giữa đám lá sen dày đặc.

Ngô Duy Lạc cầm mái chèo, Ngọc Liên ngồi ở mũi thuyền. Ngọc Liên chăm chăm nhìn vào vùng nước xám xịt trước mặt, tâm trạng cô rối bời, trái hẳn với mặt hồ đang tĩnh lặng.

Ấu Liên, chị đây mà! Sau ba năm trời, chị đã sẵn sàng rồi.

Em nói xem, ai dã đưa em đi? Là con ma nước trong truyền thuyết, hay là con ác ma Lã bổ đầu[4] của phủ Giang Kinh thời xưa, bao năm qua vẫn luôn tìm cách hại người?

[4] Tức bổ đầu họ Lã. Bổ đầu: nhân viên (thời phong kiến) chuyên trách bắt tội phạm.


Chị mong truyền thuyết của làng ta là thật, chị được gặp em vào ngày giỗ của em.

Nếu đúng là kiếp sau em không thể đầu thai trở về dương thế vì em bị chết đuối, thì đó là điều chị phải ân hận suốt đời, chị sẽ bù đắp cho em tất cả những gì chị có, sau ba năm bị giày vò, chị đã sẵn sàng cả rồi.

Em gái thân yêu hãy tha thứ cho chị.

Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má giá lạnh của Ngọc Liên.

Nhìn qua làn nước mắt, Liên thấy tất cả đang mờ ảo, ánh trăng nhàn nhạt mong manh phủ lên vạn vật. Trong màn ảo ảnh này, một cô gái mảnh mai từ từ dâng lên khỏi mặt hồ.

Ngọc Liên kinh ngạc đờ đẫn, cô đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, tim cô dường như ngừng đập.

Ấu Liên vẫn yếu ớt như ba năm trước, khuôn mặt trắng xanh dưới ánh trăng, vô số những giọt nước đang chảy xuôi theo làn tóc rối ướt đẫm; trông Ấu Liên thật đáng thương, hệt như ba năm trước, khi được vớt lên.

“Ấu Liên…” Ngọc Liên khẽ gọi em.

Ấu Liên từ từ đưa tay về phía chị gái, những giọt nước rơi xuống từ ngón tay Ấu Liên.

Ngọc Liên định hỏi: có ai đó hại em phải không? Nhưng cô bỗng có ngay câu trả lời: “Chính chị đã hại em.”

Sự hối hận giày vò cô suốt ba năm trời, giờ đây như nước lũ phá đê lạnh lùng xô đến khiến cô như sắp nát tan trong khoảnh khắc.

Cô đã mất 15 kg trong 3 tuần! Bí quyết rất đơn giản.

Nhưng Ấu Liên không hề có ý trách móc, chỉ đưa tay ra, nói: “Chị ơi, cứu em với!

Ba năm trước chị không cứu được em, hôm nay chị phải thực hiện lời hứa của chị, dùng đời mình để cứu em.

Ngọc Liên đưa tay ra, không chút do dự.

“Ngọc Liên!” Ngô Duy Lạc kinh hãi kêu lên.

Nhưng đã muộn.

Ngọc Liên dường như tan vào trong màn đêm lạnh lẽo, không giãy giụa, không kêu cứu, biến mất trong im lặng. Hình như chỉ trong chớp mắt, mặt hồ đã trở lại êm ả phẳng lặng không một gợn sóng, im ắng như một tấm vải đen không chút sinh khí.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 11:17:38 | Xem tất
Phần dẫn 2

Không có chuyện đó, chỉ là bịa đặt, lừa bịp!

Lúc này An Hiểu rất giận Ian, từ câu chuyện bí hiểm rất vớ vẩn mà anh ta gửi cho, đến cả cái nickname trên mạng chat mà anh ta mới đặt, đều khiến cô lộn ruột. Một chàng trai quê miền đông bắc thứ thiệt, mới đi học đại học nửa năm đã đặt cho mình cái tên Tây!

Đương nhiên không phải An Hiểu giận Ian thật, vì anh là “ông xã” của cô; cả hai mới xa nhau nửa năm, anh đi Giang Kinh xa lắc học đại học, còn cô năm ngoái thi trượt đại học, ở lại huyện ôn lại bài vở. Cho đến giờ Ian vẫn mặn nồng với cô, cô nên mừng mới phải!

Nhưng, cái câu chuyện hai chị em gái chết đuối ấy khiến người ta quả đau lòng!

An Hiểu cũng biết tại sao Ian lại gửi câu chuyện ấy cho cô: anh muốn cô đừng làm cái việc định làm tối nay, anh muốn dẫn cô ra khỏi cái vòng kì quái mà cô tự khoanh cho mình. Câu chuyện ấy viết theo thể loại cổ văn, nghe nói là trích trong cuốn bút kí văn học thời Minh-Thanh có tên là “Ký sự Chiêu Dương”, ghi chép những chuyện đồn đại ở Giang Kinh xa lắc xa lơ. Xem ra, học đại học thật nhẹ nhõm, Ian có vẻ rất nhàn nhã.

Nhưng câu chuyện này lại khiến An Hiểu phấn khích, truyền thuyết trong đó sao mà quá giống lời đồn đại ở thị trấn này suốt ngàn năm qua?

Vào ngày giỗ của người chết oan, nếu đến chỗ người ấy bị chết, thì có thể gặp lại người đã chết.

Nhưng người ấy sẽ “đem ta đi.”

An Hiểu nửa tin nửa ngờ cả hai truyền thuyết. Vì thế, trong cái đêm không trăng không sao lạnh lẽo này, cô mới đi về phía ngôi nhà nhỏ ở sâu trong rừng. Cô bước đi có phần do dự.

Cách đây một năm, vào đúng đêm này, An Hiểu phát hiện ra Thạch Vi trong ngôi nhà ấy. Thạch Vi treo cổ trên xà nhà bằng chiếc thắt lưng da, đôi mắt vô hồn hướng về ánh đèn pin của cô, dưới chân Thạch Vi là cái ghế đẩu đã bị đạp đổ, trên mặt ghế vẫn còn dấu chân. Công an huyện không khó đưa ra kết luận: Thạch Vi tự sát. Khi bị phát hiện ra, xác cô hoàn toàn lạnh ngắt, đã chết được hơn 5 tiếng đồng hồ.

Từ sau sự việc đó, ngoại trừ trả lời cảnh sát một số câu hỏi, An Hiểu chỉ im lặng, hệt như một con bé ngớ ngẩn.

-Tại sao đêm đó cô có ý định đi tìm Thạch Vi?

-Vì suốt buổi tối không thấy bạn ấy về ký túc xá.

-Tại sao cô tìm đến ngôi nhà gỗ ấy?

-Vì ngày trước bọn em đã cùng vào đó chơi.

-Có biết tại sao Thạch Vi đến ngôi nhà đó không?

-Không biết.

An Hiểu là bạn chí thân của Thạch Vi, cả hai có thể tâm sự với nhau mọi chuyện, giữa họ gần như không có bất cứ bí mật gì.

Chỉ là gần như mà thôi!

Có một dạo Thạch Vi hay đi đi về về rất lạ lùng, An Hiểu cảm thấy bạn vẫn đang giấu cô điều gì đó. Cô hỏi “Cậu đi đâu, đang lớp 12 mà cứ rồ rồ như thế, không định thi đại học à?” Thạch Vi cười cười, chẳng bận tâm: “Tớ thi vào trường Nghệ thuật, thì kết quả học tập các môn văn hóa chỉ làng nhàng cũng xong!” Thạch Vi là hoa khôi của trường cấp III huyện, cô có nụ cười tươi tắn ngọt lịm trên khuôn mặt rạng rỡ sáng trong. An Hiểu nghĩ bụng, Thạch Vi nói không phải là không có lý. Thạch Vi có tài hội họa bẩm sinh, đã có định hướng theo học Mỹ thuật từ lâu, nên An Hiểu không hỏi thêm gì nữa. Cô đoán chắc bạn mình đã gặp chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng nào đó rồi, sớm muộn gì cũng sẽ cho mình biết mà thôi.

Nhưng rõ ràng là Thạch Vi đã thay đổi khác hẳn, tính tình bỗng rất thất thường. Mọi ngày hễ Thạch Vi đang nói nửa chừng thì An Hiểu có thể nói nốt phần còn lại. Nhưng mấy hôm trước khi xảy ra chuyện, An Hiểu không rõ Thạch Vi có còn là cô bạn thân từ hồi còn đi nhà trẻ với nhau nữa không.

Thế rồi sau đó, sự việc kinh hồn xảy ra, Thạch Vi ra đi.

Thực ra trong những ngày trầm tư, tự khép mình, An Hiểu không hề ngớ ngẩn tý nào, trái lại, cô đã nghĩ rất nhiều, mụ cả đầu óc. Tuy tâm trạng rối bời nhưng cô vẫn tỉnh táo nhận ra điều này: Thạch Vi không có bất cứ lý do gì để phải tự sát cả.

Thạch Vi thường bảo, bố mẹ cô cũng không hiểu cô bằng An Hiểu. Giờ đây An Hiểu xâu chuỗi tất cả những điểm cốt lõi của bạn: một thiếu nữ xinh đẹp, vô cùng tự tin, luôn được mọi người yêu mến, tính tình vui vẻ thì sao có thể treo cổ tự tử?

Suốt một năm qua An Hiểu đau đáu đi tìm câu trả lời.

Thành tích học tập của An Hiểu luôn nằm trong tốp ba của lớp, nào ngờ cô lại thi trượt đại học! Nhưng những ai biết về An Hiểu thì không lấy làm lạ: đang chuẩn bị thi đại học thì xảy ra cái chết của người bạn thân, cô bị sốc là phải!

“Ông xã” của An Hiểu – Ian cho rằng cô cố ý thi trượt để được ở nhà học lại một năm, là nhằm tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Thạch Vi – dù bên công an đã khẳng định loại trừ khả năng Thạch Vi bị sát hại. Trong ngôi nhà gỗ ấy chỉ có dấu chân của Thạch Vi và An Hiểu, không có dấu vết của người thứ ba, cũng không có bất cứ dấu hiệu vật lộn nào. Nghe nói, khám nghiệm tử thi có thể xác định sự khác biệt giữa tự treo cổ và bị treo cổ; pháp y đã khẳng định Thạch Vi tự treo cổ.

Lúc này An Hiểu đang bước đi trong khu rừng thông tối om, tiếng bước chân kêu lạo xạo trên tuyết khô, cô biết mình thật hão huyền: tại sao lại tin vào cái truyền thuyết vớ vẩn này? Sao lại tin rằng Thạch Vi đã chết được một năm sẽ chờ mình ở ngôi nhà gỗ ấy, nói cho cô biết sự thật về vụ treo cổ?!

Kể từ đầu mùa đông đến giờ, thời tiết khô hanh không có tuyết. Tuyết chỉ mới rơi cách đây hai tuần, mà cũng rơi rất ít, cho nên trong rừng lúc này tuyết rời rạc mỏng tang, đi đêm khá dễ dàng. Nhưng cô càng đi lại càng ngờ ngợ. Tất cả quá giống buổi tối cách đây một năm khi cô cất bước chân rối loạn tìm đến ngôi nhà nhỏ rồi phát hiện ra xác Thạch Vi. Tối nay sẽ thế nào đây? Cô biết một mình đi vào rừng thật là liều lĩnh. Cô đã thử thuyết phục hai bạn cùng lớp – vẫn tự xưng với cô là “anh” – đi hộ tống cô, nhưng khi nghe nói đêm hôm đi vào rừng thì họ rút lui, An Hiểu tốn tiền mời họ ăn bữa tối mà chẳng nhờ được gì.

Cuối cùng ngôi nhà đen ngòm cũng đã xuất hiện. Kể cả ban ngày, nó vẫn một màu đen xỉn như thế.

Ngôi nhà nhỏ tối đen.

Không ai biết tại sao nó có màu đen. Quét sơn đen? Bị lửa cháy rừng hun? Do người sống trong đó đốt lửa sưởi ấm? Hay là gỗ ban đầu đã có màu đen? Lịch sử ngôi nhà gỗ chẳng có quá nhiều nét bí hiểm, có thể nhận ra từ kết cấu của nó: chỉ là ngôi nhà gỗ như hàng nghìn ngôi nhà khác dựng trong rừng núi Trường Bạch, là nơi thợ đốn cây hoặc thợ săn tạm trú. Nó tồn tại ở đây bao nhiêu lâu rồi? 50 năm? 100 năm? Hay 300 năm? Không ai biết.

Ngôi nhà đen đã ở ngay trước mặt. Tại sao nó lại xiêu vẹo?

Tim An Hiểu dường như ngừng đập: ngôi nhà đen, xiêu vẹo, giống hệt ngôi nhà của mụ phù thủy trong câu chuyện ma hái sen!

Rành rành là Ian muốn dùng câu chuyện ấy để cảnh báo cô tuyệt đối chớ dại dột, ngôi nhà này lành ít dữ nhiều! Nếu không phải Ian vừa từ Giang Kinh về huyện nghỉ đông, chưa trở lại thị trấn, thì chắc chắn anh sẽ vội chạy về ngăn cô đừng làm chuyện này.

Làm gì có chuyện đó! Chỉ là bịa đặt, lừa bịp?

Ai lại đi tin cái truyền thuyết ở vùng sông nước chẳng hề liên quan gì đến miền núi Trường Bạch này? Ngôi nhà xiêu vẹo, chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên!

An Hiểu tin rằng tối nay sẽ gặp Thạch Vi, Thạch Vi sẽ cho cô biết sự thật về vụ treo cổ.

Nếu cô có gan bước vào ngôi nhà đen đang ở ngay trước mặt.

Nhưng, nếu “sẽ đưa ngươi đi chết thay” là đúng, thì sao?

Từ thị trấn đến đây, An Hiểu đi xe đạp mất hơn nửa giờ, sau đó đi bộ xuyên rừng cây hơn một giờ, đã rất nhọc, bây giờ quay đầu bỏ cuộc thì đâu phải là tính cách của cô? Kể ra cũng lạ, lẽ ra sẽ rất mệt, nhưng lúc này cô thấy mình vẫn dồi dào sức lực.

Cửa ngôi nhà, thực ra không đáng gọi là cửa, chỉ là vài mảnh ván ghép lại. An Hiểu mím môi đẩy, cửa mở ra, phía sau treo tấm chăn chiên màu đen, chắc là để che gió lạnh lọt qua các khe ván hở.

Sau tấm chăn đen, tối như hũ nút!

Tim đập nhanh khác thường.

Dường như có một bàn tay vô hình dẫn hướng luồng sáng đèn pin, nó chiếu đúng vào cái xà ngang chính giữa nhà – nơi Thạch Vi đã từng buộc chiếc thắt lưng da để treo cổ. Khổ quá, mình đâu có muốn rọi đèn vào đây?

An Hiểu lia đèn sang bên, mắt nhắm nghiền. Suốt một năm qua, hình ảnh cái xác lạnh lẽo của Thạch Vi đung đưa qua lại đã vô số lần hiện ra trong những cơn ác mộng của cô, kể cả giấc ngủ ngày. Bây giờ cô không muốn thấy lại hình ảnh đó nữa.

Nhưng đúng vào lúc lia đèn pin sang bên và nhắm mắt lại, thì dường như cô thấy dưới cái xà ngang ấy có một thứ gì đó. Nói chính xác hơn, cô thấy một người bị treo ở đó! Lý thuyết quang học trong môn vật lý học từ thời cấp III nói về hiện tượng hình ảnh tạm lưu lại ở võng mạc, khiến An Hiểu run run.

Không, không thể! Cô lập tức mở to mắt. Lẽ nào hình ảnh có thể tạm lưu trong mắt suốt một năm? Sao ở đây lại có người? Cô không chiếu đèn vào xà ngang nữa, trong này vẫn đủ sáng để nhìn rõ ở đây chỉ có một mình cô.

Cô chỉ thấy một mình cô.

Để xác nhận lại cho chuẩn, An Hiểu từ từ chiếu đèn lên xà ngang. Trên đó không có gì hết.

Buồn cười thật, mình đến để “thăm” Thạch Vi, muốn cô bạn đã khuất sẽ “nói” cho mình biết sự thật về cái chết, mà mình lại sợ nhìn thấy “thứ lạ lùng”, thì mình còn hèn hơn cả Diệp tiên sinh thích rồng[1]!

[1] Điển cố: Diệp tiên sinh tỏ ra rất thích rồng, nhà treo vô số tranh vẽ rồng, rồng thật biết chuyện bèn bay đến thăm, Diệp tiên sinh nhìn thấy rồng thật thì sợ chết ngất. Ý nói “giả vờ, ra vẻ ta đây”.



An Hiểu lia đèn sang chỗ khác. Đúng lúc ánh đèn rời đi, cô lại nhìn thấy xác một phụ nữ treo trên xà ngang!

Bản năng khiến cô lùi lại phía tấm chăn đen treo ở cửa, gần như quên cả hít thở!

Cái xác ấy có mãi tóc xõa quá vai, mặc áo nhung màu vàng, quần bò côn, chân đi bốt da có viền hoa ở mép ống. Đúng là trang phục của phụ nữ.

“Thạch Vi…” An Hiểu lẩm bẩm.

Có điều, đó không phải trang phục của Thạch Vi. Khi treo cổ, Thạch Vi mặc áo nhung màu rượu boóc- đô, váy da màu đen.

Vậy thì truyền thuyết nói thế là đúng!

“Thạch Vi…” Lúc này quá gấp, An Hiểu không biết nên nói gì nữa.

“Suỵt…” Thạch Vi bảo cô hãy im lặng. Giọng Thạch Vi hình như từ nơi rất xa truyền đến, nghe rất huyền hoặc. An Hiểu đã có thể nhìn rõ hơn, thấy đầu Thạch Vi hơi đưa về phía trước, mái tóc đen nhánh xõa che gần kín khuôn mặt.

Trông cô hệt như lúc treo cổ năm ngoái.

“Cậu nói đi, thực ra cậu… Cậu à, gần đây tớ…” An Hiểu định giải thích cặn kẽ để Thạch Vi không cảm thấy đột ngột vì gặp cô ở đây. Nhưng cô bỗng cứng lưỡi.

Cổ họng ngắc lại, cô nghẹn thở.

Chiếc đèn pin rơi xuống đất.

Nhưng rồi Thạch Vi cũng nói: “Tớ đợi cậu đã lâu…” Thạch Vi từ từ ngẩng mặt.

Kinh ngạc, khiếp sợ, ngạt thở, An Hiểu cảm thấy đôi mắt mình như sắp vọt ra khỏi hốc mắt. Chân cô đang rời khỏi mặt đất. Cô từ từ lên cao.

Cô hãi hùng cúi xuống, chỉ nhìn thấy ánh đèn pin trên mặt đất chiếu vào chân mình, quần bò côn cùng đôi bốt da có viền hoa ở mép ống. Trong khoảnh khắc cuối cùng An Hiểu vẫn còn ý thức về sự tồn tại, cô bỗng nhớ ra chính mình đang mặc áo nhung màu vàng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 11:19:11 | Xem tất
Phần dẫn 3

"Tuấn Nhạc, Tuấn Nhạc! Con có nghe thấy không?” Người phụ nữ khóc, gọi con. Vì cố kìm nén nên nghe như tiếng hít thở khốn khổ của một bệnh nhân hen khi đang lên cơn.

“Gọi thì ích gì?” Tiêu Thự lau mồ hôi trán, rồi bắt đầu xé chiếc sơ-mi đang mặc. “Tim vẫn còn đập, nó vẫn còn thở, sẽ không sao đâu. Mau băng bó ngay cho con!” Anh cũng cố nói khẽ, tuy bình tĩnh hơn nhưng giọng anh vẫn hơi run.

Nằm dưới sàn là Tiêu Tuấn Nhạc, 16 tuổi, con trai Tiêu Thự và Đồng Thị Lâm. Tiêu Thự nói đúng: con trai họ vẫn còn thở. Anh dùng cả răng cắn lẫn tay xé chiếc sơ-mi, rồi bắt đầu sờ đầu và mặt con. Gian gác không có điện, cơn bão tuyết khiến cả ngôi biệt thự mất điện chứ không riêng gì gian gác này. Anh sờ thấy đám máu thịt bê bết. Là mặt, là cổ, hay là vai Tuấn Nhạc? Vết thương nặng hơn anh tưởng rất nhiều.

“Không biết cô út và Đại Mao… thế nào rồi?” Trong bóng tối, Tiêu Tự đang cố băng bó cho con trai một cách vô ích. Anh nhận ra máu rất nhiều thấm ướt các mảnh vải băng bó. Anh hỏi vậy chỉ nhằm giúp vợ anh phân tâm một chút, đừng tiếp tục thút thít nữa, sẽ chẳng khác gì dụ sát thú mò đến.

Đồng Thị Lâm nói: “Lúc nãy lên gác, hình như nghe thấy tiếng kẹt cửa, chắc cả hai đã chạy thoát ra ngoài nhà rồi.”

“Thật vớ vẩn.” Tiêu Thự thở dài. “Gió tuyết lớn, giá rét như thế mà chạy ra ngoài thì khác nào tìm đến cái chết?”

“Nhưng chúng ta ở đây… thì an toàn à?” Chắc hẳn ánh mắt người vợ đang nhìn về phía cửa ra vào.

“Cửa đã khóa chặt rồi.” Tiêu Thự chỉ có thể nói chắc điều này.

“Khóa chặt rồi thì bọn chúng không thể vào hay sao?” Hình như vào những lúc hệ trọng, Đồng Thị Lâm toàn nghĩ theo lối bi quan.

Tiêu Thự cố gắng nói nhỏ nhất, và cũng nghiêm khắc nhất: “Cho nên ta đừng nói những lời vô ích nữa, kẻo sẽ dụ chúng tìm đến! Có lẽ nếu ta may mắn, khi chúng truy tìm cô út và Đại Mao xong, thì chúng đi luôn. Ta chỉ việc chờ đến khi trời sáng thì sẽ ổn cả.”

Bên ngoài kia gió đang rú rít như chó sói hú, Đồng Thị Lâm nghe thấy mấy tiếng kêu thảm thiết vọng vào, cô út và Đại Mao gặp nạn chăng? Cô út và Đại Mao gặp khốn thì tức là mình gặp may à? Là tiếng kêu thét hay tiếng gió, tiếng gió rùng rợn? Chờ đến sáng thì mọi việc sẽ ổn thật không?

Người vợ không nói gì nữa, cả căn phòng im ắng hết mức.

Đứa con trai đang nguy kịch từng phút từng giây.

Hai vợ chồng bị giày vò từng giây từng phút.

Rất lâu sau đó, căn gác vẫn yên tĩnh. Hình như nỗi khiếp hãi bị tấn công đã rời xa ngôi biệt thự nằm trong miền băng tuyết này. Hai vợ chồng Tiêu Thự đang chung một ý nghĩ: có lẽ mình đã gặp may, nguy hiểm qua thật rồi.

Đúng vào lúc này, ngoài cửa có tiếng chân bước khe khẽ. Từng bước từng bước, đi lên từng bậc cầu thang rồi tiến lên gác.

Đồng Thị Lâm tay bưng lấy miệng định kêu mà không thành tiếng.

Vài giây sau, từ căn gác vọng ra những tiếng rú thê thảm, tiếng giãy giụa, tiếng thân người đổ vật xuống sàn nhà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 12:38:32 | Xem tất
PHẦN I - TUYẾT VÂY


Tôi là Na Lan. Tôi và mấy người bạn đi trượt tuyết, chúng tôi ở trong một ngôi nhà gỗ. Các bạn lần lượt biến mất, chỉ còn lại mình tôi.


Đến chân núi Trường Bạch, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết lông ngỗng rơi, như truyền thuyết vẫn nói. Ở Giang Kinh và quê tôi cũng có tuyết nhưng bông tuyết chỉ to bằng móng tay là cùng; tuyết miền đông bắc khô và xốp, từng mảnh từng mảnh trắng tinh, nhẹ nhàng bay lả tả; nếu tôi không đang đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, nếu tinh thần tôi không căng thẳng gần như sắp nát tan, thì tôi nhất định sẽ ngắm nhìn vạn vật qua cửa sổ tận hưởng cảm giác trong sáng yên bình.

Tiếng mở cửa khiến tôi giật mình đứng dậy, vùng hông và đầu gối bên trái bỗng đau nhói. Vết rách ở cơ bắp chân đã được băng bó qua loa giần giật nhức nhối như bị hàm răng sắc nhọn của một con thú nhỏ đói bụng hung hãn đang ra sức bập sâu vào da thịt tôi. Ý nghĩ này khiến tôi run bắn.

Anh công an Triệu Sảng – thường được gọi là “lão Triệu” – bước vào. Thực ra anh đâu có già, chắc anh chỉ trạc tuổi tôi, nhưng ở cái đồn công an nhỏ chỉ có hai công an thường trực này thì anh hiển nhiên là hàng “sư phụ”. (Anh thứ hai chỉ như cậu học trò vừa tốt nghiệp phổ thông). Hai tay Triệu Sảng ấp cái cốc giữ nhiệt[1], những hạt tuyết đọng trên mũ bông đang bị hơi nóng làm tan chảy rỏ giọt.

[1] Cốc có nắp, tựa như cái phích nhỏ.



“Hết cách! Người ở bưu điện và phòng điện tín đều nói hết cách rồi. Ở chỗ họ, dây điện thoại cũng đứt, chúng tôi dùng chung một tuyến đường dây, nên ai cũng như ai. Ba chục năm mới có trận bão tuyết lớn thế này, đến giờ đã có điện là rất may rồi. Tôi vừa bảo cậu Trịnh đi tìm bác sĩ Cùng, lát nữa sẽ đến ngay thôi.” Triệu Sảng đưa tôi cái cốc giữ nhiệt.

Trà nóng! Tôi vừa đi hơn hai mươi tiếng đồng hồ trong tuyết, bây giờ được nhìn thấy cốc trà nóng ngát hương!

Tôi cầm cốc nhưng không uống.

Triệu Sảng lấy làm lạ: “Sao không uống đi? Môi cô khô nẻ thế kia, phải uống nước bù vào ngay đi?”

“Vẫn ổn… dọc đường đi tôi đã ăn tuyết rồi.” Tôi không dám nói thật lý do không uống là vì tôi không dám uống. Anh ta ngớ ra, nhưng cũng không “vạch trần” rằng: đi đường dài trên tuyết, chưa đến bước đường cùng thì đừng ăn tuyết, nó làm cơ thể tốn calo để làm tan chảy, sẽ rất hại sức khỏe.

Nếu Triệu Sảng biết rõ tình cảnh của tôi những ngày qua, chắc anh sẽ hiểu tại sao lúc này tôi không thể tin bất cứ ai.

Anh bước đến bàn làm việc lấy ra cuốn sổ ghi chép, nói: “Có lẽ chúng tôi chưa thể nhanh chóng liên lạc với Giang Kinh, với đội trưởng Ba mà cô nói. Lúc nãy cô nói là muốn trình báo vụ án, bây giờ nói cụ thể đi?”

Tôi im lặng bao lâu không biết. Đầu tôi mụ đi, hơi chóng mặt, hậu quả của chuyến đi trên tuyết với cái bụng đói meo, hậu quả của cuộc sống trong ngôi nhà gỗ kia; phản ứng của tôi lúc này là đờ đẫn chưa từng có. Cho đến khi Triệu Sảng lại hỏi: “Cô nói cô là Na Lan…”

Tôi là Na Lan, cùng vài người bạn đi trượt tuyết, chúng tôi ở trong một ngôi nhà gỗ. Trận bão tuyết ghê gớm đã khiến chúng tôi bị kẹt trên núi. Trong mấy ngày, các bạn tôi lần lượt biến mất. Chỉ còn lại mình tôi.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 12:42:12 | Xem tất
[P1] Chương 1: Mặt quỷ

Có lẽ tiếng kêu của Thành Lộ vào lúc sáng sớm là màn mở đầu của chuỗi bất hạnh.

Lúc này nghĩ lại, thấy rằng toàn bộ kế hoạch đi trượt tuyết trong kỳ nghỉ rõ ràng là một sai lầm cực lớn.

Tiếng kêu liên hồi chuyển thành tiếng khóc thút thít đứt quãng, tim tôi chùng xuống, mặc dù chỉ mặc áo ngủ, tôi vẫn lao ra khỏi phòng chạy như bay sang phòng Thành Lộ và La Lập Phàm.

Lúc này mới tờ mờ sáng, đèn trong phòng vẫn sáng, tay Thành Lộ đang cầm một tấm ảnh, ảnh chụp chung mọi người cùng tham gia kỳ nghỉ này. Tôi cũng có tấm ảnh như thế, người chụp ảnh là Giản Tự Viễn đã in cho chúng tôi mỗi người một tấm. Trong ảnh có Thành Lộ cùng chồng là La Lập Phàm, Giản Tự Viễn, tôi và hai người nữa.

Thành Lộ một tay bưng miệng, cố nén để không khóc to hơn. Tôi cầm lấy bức ảnh trong tay chị, tim tôi khi nãy chùng xuống bây giờ lại đập nhanh dữ dội: trong ảnh vẫn là mấy người chúng tôi nhưng riêng Thành Lộ đứng giữa, khuôn mặt vỗn dĩ mỉm cười có nét hơi buồn nhưng vẫn rất duyên, thì nay bị thay bằng một cái đầu người mặt quỷ!

Gọi là mặt quỷ, vì cái đầu ấy có mái tóc trùm kín cả khuôn mặt, tóc đen thấp thoáng vài sợi bạc, lờ mờ thấy đôi mắt không có con ngươi.

Bàn tay tôi cầm ảnh, run run, đầu tôi hơi nhức.

Tôi ngẩng nhìn La Lập Phàm, nói khẽ nhưng có phần gay gắt: “Mong rằng không phải trò đùa của anh.”

La Lập Phàm cũng bực tức đáp trả: “Tôi không vô duyên đến mức ấy đâu!” Tôi nhận ra ánh mắt anh lướt qua tôi rồi nhìn ra cửa. Tôi học khoa Tâm lý, nhưng con người ngày nay rất thông minh, chẳng cần biết tâm lý học cũng hiểu ánh mắt đưa ra xa phản ánh những tâm tư phức tạp.

Có phải ánh mắt chớp chớp liên tục tức là đang nói dối? Tôi cho rằng suy luận như vậy là cực đoan, nhưng chí ít ánh mắt như vậy cũng thể hiện sự kém thành thật.

Huống chi vợ chồng Thành Lộ và La Lập Phàm, trai tài gái sắc, giữa họ đang có một lớp băng mỏng, rất dễ rạn nứt và tan chảy bất cứ lúc nào.

Tôi ôm choàng Thành Lộ, nói nhỏ: “Chị đừng sợ, đừng bận tâm làm gì. Chắc đây chỉ là trò đùa của ai đó. Bất cứ ai cũng có thể dùng photoshop làm ra như thế.”

“Ai? Ai mà độc địa thế này?” Thành Lộ khóc gần như đã khản giọng, kiệt sức. Lẽ nào chỉ vì một tấm ảnh bị “bôi nhọ”? Chỉ có tôi biết gần đây Thành Lộ rất khác thường; từ hôm vào ở ngôi nhà gỗ, chưa đến ba ngày Thành Lộ đã khóc chục lần. Quan hệ giữa chị ấy và La Lập Phàm giống như tiếng thét của người mới tập trượt tuyết, đứng trên dốc tuyết dốc nhất hú một tiếng rồi trượt xuống.

Có thể là ai? Tôi lướt nhìn mọi người trong bức ảnh, cố đoán.

Hầu như ai cũng mang theo máy tính xách tay, nên chỉ cần biết vài thao tác photoshop cơ bản, rồi lên mạng tải về một tấm hình, là có thể làm được. Trong nhóm chúng tôi chỉ có Giản Tự Viễn là “chuyên nghiệp” hơn cả về việc này: ba-lô chứa mát ảnh Nikon D700 với một lô ống kính các cỡ, và cả máy in xách tay nữa. Nếu nói ai là “nghi can” số một thì chỉ có thể là anh ta, chỉ cần “nhấc” mặt Thành Lộ đi rồi thay thế, sau đó in ra bằng thứ giấy ảnh y hệt.

Tôi hỏi La Lập Phàm: “Giản Tự Viễn đưa anh ảnh này à?”

Anh cười nhạt: “Hắn ky bo có hạng, hắn chỉ đưa cho Thành Lộ một tấm, nói rằng chúng tôi là vợ chồng, cầm một tấm là được rồi.”

“Kìa, ảnh tôi gửi vào hộp thư của anh là nguyên bản rồi! Sao anh lại nói xấu tôi?” Giọng Giản Tự Viễn từ bên ngoài bay vào.

Giản Tự Viễn cũng đang mặc đồ ngủ, khuy áo cài lệch trên dưới trông rất thộn, mái tóc thì bù xù. Miệng anh ta hôi rình nhưng cứ thích áp sát người ta để nói chuyện, nhất là đối với nữ giới. Tôi cố ý đứng nhích về phía sau La Lập Phàm, rồi hỏi: “Tôi nhớ rằng, hôm đó anh khoe cái máy in xách tay và bóc tệp giấy ảnh mới, anh có thể đếm lại xem có bị thiếu không?”

“Ý cô là gì?” Giản Tự Viễn chẳng hiểu ra sao.

Tôi hơi do dự, rồi vẫn đưa tấm ảnh cho anh ta. Anh ta lấy làm lạ, hỏi: “Gì thế?” Mặt ngái ngủ, dù đã đeo kính nhưng anh ta nhìn mãi mới nhận ra khuôn mặt Thành Lộ bị thay bằng cái mặt quỷ, “Ôi chao…” anh ta kêu lên rồi lùi lại mấy bước, gặp cái ghế dài bèn ngồi luôn xuống, miệng há hốc, thở hổn hển.

“Kẻ nào… mà mất dạy thế nào?” Sau một lúc im lặng, Giản Tự Viễn chửi rủa.

Tôi nói lại yêu cầu vừa nãy: “Liệu tôi có thể đi cùng anh, đếm lại tệp giấy ảnh xem có thiếu tờ nào không?”

Giản Tự Viễn đứng bật dậy: “Cô định sắm vai nữ Sherlock Holmes chắc? Cô nghi ngờ tôi à?”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 12:52:58 | Xem tất
[P1] Chương 2: Rạn nứt

Thành Lộ là chị họ của tôi, sau khi tốt nghiệp đại học được phân về Bắc Kinh công tác. Chị có người anh trai hơn chị 12 tuổi, tên là Thành Tuyền. Anh và cha mẹ anh – tôi gọi là bác trai bác gái – đều là “chỗ dựa”, là những người thân duy nhất của tôi ở Giang Kinh. Nghe nói Thành Tuyền hồi nhỏ rất nghịch ngợm khó bảo, từ sau 10 tuổi trở đi, không những không khá hơn mà càng quậy hơn nữa. Hai bác đã ở tuổi trung niên, bí quá, bèn “thử một chưởng” xem sao, kết quả rất mỹ mãn: hai bác sinh được một cô con gái xinh xắn nõn nà. Theo như Thành Tuyền “tố giác” thì Thành Lộ từ nhỏ ngoan ngoãn linh lợi, rất được cưng chiều nâng niu như một báu vật, người vốn hơi yếu nên lại càng được thương; hai anh em được đối xử khác xa nhau, như giữa kẻ ăn mày và nàng công chúa.

Nói quá đáng! Hai bác tôi đương nhiên phủ nhận.

Một đứa trẻ quen được chiều chuộng tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tính cách sau này. Thành Lộ từ nhỏ đến khi trưởng thành sống rất êm đềm phẳng lặng, khi chị đến tuổi yêu đương, cha mẹ chị mới bắt đầu thấy ngán: vì Thành Lộ quen sống như công chúa, nên chị cũng đòi hỏi “đối tác” phải có đẳng cấp hoàng tử.

Hậu quả đương nhiên là mệt mỏi!

Sau bao lần không bén duyên ai, sau bao phen nước mắt ngắn dài, Thành Lộ đã bước qua tuổi 27, mấp mé ranh giới của “bà cô”. Hai bác tôi vốn không được khỏe, đầu lại càng bạc nhanh, sốt ruột vì con gái chưa lấy chồng, hai người gần như tuyệt vọng. May sao, La Lập Phàm xuất hiện.

Là may thật hay là không may, thời gian sẽ trả lời.

Nếu ví von Thành Lộ vẫn ước mơ một thái tử sẽ kế vị vua cha cai quản một đại vương quốc, thì La Lập Phàm chỉ như đứa con nuôi của ông vua chư hầu hạng hai: gia đình khá giả, nhưng anh không phải con trai “đại gia”, cũng chẳng phải con cháu quan chức tầm cỡ. Một anh chàng tỉnh lẻ dạt đến Bắc Kinh, lẽ ra khó mà lọt vào tầm ngắm của Thành Lộ, nhưng khi tôi là sinh viên năm thứ hai, gặp anh, tôi hiểu ra tại sao anh có thể khiến Thành Lộ xiêu lòng.

Lập Phàm trông sáng sủa khả quan, nhưng về “khí thế”, anh không phô trương, cũng không thật sự tỏ ra tự tin. Anh được phái yếu mến mộ, không phải vì anh xun xoe lấy lòng, bẻm mép tán tỉnh, hoặc cố ra vẻ ta đây; anh cho người ta ấn tượng về một anh chàng tháo vát, thật thà, chân thành và lễ độ, có trách nhiệm và tận tình trong mọi việc. Dần dà tiếp xúc với bác gái tôi, bà cũng rất có thiện cảm, thậm chí ngưỡng mộ anh, cứ như là anh sắp lấy bà chứ không phải là lấy Thành Lộ!

Thành Lộ và La Lập Phàm nhanh chóng kết hôn. Sau tuần trăng mật, sự nghiệp của La Lập Phàm cũng đến độ chín muồi, anh bắt đầu thăng tiến. Khi còn đeo bám Thành Lộ, anh chỉ là giám đốc dự án cấp thấp, sau ba năm với hai lần chuyển công ty, anh đã trở thành cán bộ quản lý của một doanh nghiệp lớn, chỉ huy 5-6 trăm nhân viên.

Nhưng tình cảm và hôn nhân của hai người thì xuống dốc, có thể nói là sa lầy bế tắc.

Cách đây chừng ba tháng, khi lần đầu tiên nghe Thành Lộ kể khổ, tôi hỏi: “Vậy là anh ấy có bồ nhí, chị có chứng cứ xác đáng không?”

Câu hỏi này khiến chị òa khóc rất dữ. Khi tiếng khóc đã dịu lại, chị nói: “Vấn đề không chỉ là có bồ nhí, mà là sau đó còn có bồ tam, bồ tứ, bồ ngũ nữa!” Nghe nói công ty của La Lập Phàm có cả trăm chân dài xinh tươi độ tuổi măng tơ, chưa kể đến những nữ đối tác ranh mãnh có quan hệ nghiệp vụ qua lại với anh. Thành Lộ nói, La Lập Phàm rất quái, di động và hộp thư của anh đều rất “trong sáng”, nhưng chiếc máy iPhone mà công ty cấp cho anh, thì chật ních những lời lẽ ngọt ngào của đám con gái.

Tôi tò mò hỏi: “Di động công ty cấp cho, sao chị lại xem được?”

Thành Lộ hơi do dự rồi đáp: “Đâu phải chỉ có bọn bồ nhí kia lắm thủ đoạn? Tôi không dại hơn bất cứ ai đâu! Khi cần thiết, tôi cũng biết động não! Sau lần xem chiếc di động của công ty cấp cho anh ấy, tôi đã sáng mắt ra, và hiểu rằng giữa chúng tôi thế là hết!” Chị tiếp tục nức nở.

Một con người vốn luôn được yêu chiều bỗng nhận ra tình yêu mà mình rất coi trọng chỉ là một sự lừa dối, là bi kịch, họ sẽ đau đớn nhường nào, điều này ta có thể hiểu được. Thành Lộ trở nên nóng nảy, dễ cáu giận, đay nghiến mãi không dứt, luôn luôn nghi ngờ. Nhưng chị cũng không đáng trách. Tôi rất muốn an ủi và khuyên nhủ chị, nhưng tôi chỉ là kẻ lớ ngớ, thất bại trong lĩnh vực tình cảm, tôi chỉ biết buồn thay cho chị mà thôi.

Người ngoài nhìn vào thấy rằng hôn nhân của Thành Lộ và La Lập Phàm đã đi vào ngõ cụt, chỉ tôi và Thành Tuyền hiểu về Thành Lộ, biết rằng chị sẽ không chịu để tuột mất hạnh phúc mà mình vẫn nâng niu.

Cho nên, trước kỳ nghỉ đông tôi nhận được cú phôn lạ lùng của chị, tôi chẳng thấy bất ngờ.

“Na Lan, kỳ nghỉ đông này cô có chương trình gì đặc biệt chưa?”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 12:57:24 | Xem tất
[P1] Chương 3: Chuyến Đi Trong Giá Lạnh
       
Khi đó tôi đang dành mọi tâm sức để đối phó với kỳ thi cuối học kỳ, chị Thành Lộ gọi điện hỏi rằng, ngoài việc về quê thăm mẹ ra, tôi có chương trình gì khác không, đã mua vé tàu về quê chưa. Tôi do dự, không biết nên trả lời ra sao.

Biết trả lời thế nào?

Ga Giang Kinh rất lớn, dịp Tết có hàng vạn khách chen chúc đi tàu, nhìn ảnh trên mạng mà phát sợ. Bốn năm đại học tôi đã nếm trải, thực tế còn đáng sợ hơn cả ảnh trên mạng; dù đặt mua được vé tàu trước hàng tháng, nhưng tàu luôn chở quá tải, lại thêm suốt mười mấy tiếng đồng hồ ngồi lắc lư, hễ nhớ lại tôi vẫn hết hồn. Vào dịp tết gần như không thể mua nổi vé tàu cao tốc.

Năm ngoái tôi làm quen với một ông già tên là Quảng Cảnh Huy, tuổi cao lại còn mất cô con gái, nên ông coi tôi như con đẻ. Ông và người trợ lý đến trường thăm tôi, ông nói sẽ bảo nhân viên lái xe chở tôi về quê ăn tết. Nửa năm qua tôi đã từ chối rất nhiều món quà ông cho tôi, nhưng lần này ông bắt tôi phải đồng ý.

Nhưng, nhìn vẻ mặt hai người, tôi cũng đoán ra họ còn đem đến cho tôi tin tức chẳng mấy vui vẻ.

Đó là tin về Tần Hoài.

Tần Hoài là người tôi tình cờ quen biết trong một biến cố xảy ra vào mùa hè năm ngoái. Tôi cũng thấy khó hình dung giữa hai chúng tôi là quan hệ gì. Người yêu ư? Chúng tôi chưa hề đằm thắm vấn vương nhau. Hay chỉ là bạn bình thường? Nhưng chúng tôi đã từng ôm riết lấy nhau, với nụ hôn nồng nàn không dễ xóa nhòa, không sao quên nổi.

Quả nhiên, trợ thủ của Quảng tiên sinh là Khám Cửu Kha nói: “Chúng tôi đã tìm ra Tần Hoài, anh ấy đưa cô em Tần Mạt đi Vân Nam, đến một thị trấn non xanh nước biếc, ở đó chừng một tháng; có lẽ vì điều kiện y tế ở đó không đạt, nên họ lại đi Quảng Châu tìm bác sĩ hàng đầu về Thần kinh học điều trị cho Tần Mạt. Chúng tôi thấy Tần Mạt đã khá hơn trước rất nhiều…” Anh ta dừng lại, nhìn tôi. Tôi biết tiếp theo anh ta sẽ nói “nhưng… hoặc có điều…”

“Nhưng Tần Hoài chưa có ý trở lại Giang Kinh. Anh ấy đang nghiềm ngẫm viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Anh ấy dành phần lớn thời gian ở bên Tần Mạt, và cũng không có quan hệ mặn nồng với cô “bạn gái” nào cả. Về quan hệ xã giao thì… có một cao tăng trong giới Phật giáo Quảng Đông tên là Thích Vĩnh Thanh hay đến chơi với Tần Hoài.” Khám Cửu Kha nói.

Ông Quảng Cảnh Huy là nhân vật “số một của Lĩnh Nam” như người ta vẫn kháo nhau, cho nên Tần Hoài đến Quảng Châu đương nhiên nằm trong tầm mắt của nhà họ Quảng.

Tôi bình thản nói: “Không sao. Anh ấy có cuộc sống của mình, tôi có những thứ mà tôi theo đuổi…”

Quảng tiên sinh vẫn luôn theo dõi sắc mặt của tôi, ông hơi cúi người, nói: “Đó là điểm khác biệt giữa cháu và em… Diệc Tuệ. Cháu thì kiên nghị, nó thì mãnh liệt và tình cảm.” Xưa nay tôi không hề khó chịu khi Quảng tiên sinh đem tôi và cô con gái bất hạnh bị hại của ông ra so sánh. Quảng Diệc Tuệ vốn là điểm kết nối giữa tôi và Quảng tiên sinh. Tôi cũng nhận ra ông còn có một ý này: bình luận như thế về tôi, có thể là vì hồi nhỏ người cha thân yêu của tôi bị hại, cho nên về mặt tình cảm của tôi hơi khép kín. Mùa hè năm ngoái, sau khi vụ trọng án được làm rõ, Tần Hoài rời Giang Kinh để đi “điều trị vết thương”, đi một hơi mấy tháng không tin tức gì. Tôi tôn trọng quyết định của anh, và tôi cũng rất cần giữ tự trọng, cho nên tôi không liên lạc với anh. Ông Quảng Cảnh Huy với sự chu đáo của một người cha, đã nhận ra sự tế nhị này, ông chủ động điều tra tìm kiếm Tần Hoài giúp tôi.

Tôi rất cảm kích, nói: “Đúng thế, chúng cháu đã trưởng thành cả, lựa chọn làm việc gì đều có cái lý của mình.”

Quảng tiên sinh nói: “Nhưng điều đó đối với cháu chưa hẳn đã là không hay.” Năm xưa Tần Hoài và Quảng Diệc Tuệ gần như rủ rê nhau chạy đến Giang Kinh, cho nên thành kiến của ông Quảng Cảnh Huy đối với Tần Hoài chưa dễ gì xóa nhòa được.

Khám Cửu Kha lái sang chuyện khác: “Vậy cứ nhất trí thế nhé: anh lái xe của chúng tôi sẽ đưa cô đi. Từ Giang Kinh về quê cô, đi đường cao tốc cũng chỉ mười tiếng đồng hồ là đến nơi.”

Cho nên, khi Thành Lộ hỏi tôi về kế hoạch trở về quê nghỉ đông thì tôi giật mình. Liệu có phải quan hệ giữa chị và La Lập Phàm đã không thể cứu vãn không? Tôi khẽ nói: “Nếu cần, em có thể đến với chị.”

Thành Lộ nói: “Cô có thể lùi lại vài ngày rồi hãy về không?” Giọng chị hơi do dự. Tôi đành hỏi: “Chị muốn trò chuyện tâm sự với em à?”

Thành Lộ ngập ngừng, rồi nói: “Tôi muốn cô cùng đi đông bắc với tôi.”

Điều này thật quá bất ngờ. Tôi nói: “Vào những ngày lạnh nhất mùa đông lại đi đông bắc, e không hợp với những con chim di cư theo mùa như chị em ta.”

Thành Lộ nói: “Sao cô em Na Lan ngày càng giống các cô gái miền nam thế này? Cô có cần tôi đọc lại gia phả nhà cô không? Tôi không rủ cô đi đông bắc để chịu rét, mà là đi trượt tuyết, ta sẽ ở trong khu nghỉ dưỡng có đủ khí nóng sưởi ấm, đi để hưởng thụ kia mà?”

“Trượt tuyết? Chị định bảo em đi để ngã chổng bốn vó như chó con, cho chị nhìn à? Sao phải tốn sức để đi diễn trò tận bãi trượt tuyết miền đông bắc?” Tôi trả lời qua quýt, từ chối một cách bất lực, nhưng tôi cũng hiểu mục đích của Thành Lộ trong chuyến đi này là gì.

Đúng thế, Thành Lộ tiếp tục: “Cô tinh quái là thế, lại cần tôi phải nói thật rõ hay sao?”

“Chị định thử hàn gắn thật à? Em khâm phục chị thật đấy! Em cũng mong anh chị đã có duyên thì sẽ luôn gắn bó. Nhưng em nghĩ, anh chị nên đi riêng thì sẽ tự nhiên và càng lãng mạn, đúng không? Và rất có thể sẽ khiến người ta trở lại thuở ban đầu! Theo em hiểu, anh Lập Phàm cũng chưa bị coi là anh chàng đổ đốn hết thuốc chữa, chỉ là “say nắng” tí chút; đâu cần thiết phải có thêm em đi cùng để vướng chân hai người?”

Thành Lộ cười nhạt: “Đâu chỉ có thêm mình cô? Có thêm một lô người nữa kia mà!” Thành Lộ cho tôi biết, dự định tổ chức thành một nhóm, cùng đi đến khu nghỉ dưỡng – trượt tuyết Diên Phong mới khai trương ở phía bắc chân núi Trường Bạch. Chị đã đặt thuê một ngôi biệt thự bằng gỗ, gồm bốn phòng ngủ rộng rãi; không gì bằng có năm sáu người cùng đi sẽ rất vui, và cũng đỡ tốn kém nữa. Hiện vẫn còn hai, ba suất bỏ ngỏ.

“Chị muốn em như Cách Cách[1] đi hộ giá chị hay sao? Tôi đoán quan hệ giữa Thành Lộ và La Lập Phàm vẫn trong thời kỳ băng giá nhưng chưa phải đã hết khả năng hóa giải. Tôi quen thân cả hai, tôi phải làm chất xúc tác vậy. Và Thành Lộ cũng hiểu rằng bao giờ tôi cũng đứng về phía chị.
[1] Cách Cách: gốc tiếng Mãn Châu, chỉ công chúa con của các Vương (đời Thanh TQ).


“Không chỉ hộ giá, cô còn là chuyên gia, cô học Tâm lý học kia mà? Cô rất quan trọng. Anh Lập Phàm vốn khăng khăng không chịu đi, nhưng khi tôi nói gọi Na Lan cùng đi thì anh ấy đồng ý. Cô khách quan, lý trí, cô có thể giải tỏa giúp chúng tôi.”

Tôi định giải thích với chị rằng nhà tâm lý học khác với chuyên gia tư vấn hôn nhân và các bác ở tổ dân phố, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của chị hiện giờ, tôi nín lặng. Tôi cũng nhận ra mình đang bị thuyết phục: tôi rất mến người chị họ vừa đáng yêu phóng khoáng lại vừa yếu đuối này. Tôi từ nhỏ luôn gần gũi chị, khi chị đang rất cần giúp đỡ, tôi sẽ gắng hết sức mình.

“Vâng! Em phải hỏi mẹ em đã…”

“Tôi đã gọi điện cho cô rồi.” Tôi có thể nhận ra niềm tự hào và niềm vui của Thành Lộ. Cô của chị, tất nhiên là mẹ tôi. “Cô đã vui vẻ tán thành ngay, nhân đó tôi đã thuyết phục cô đến Giang Kinh cùng ăn tết với chúng ta. Như thế sẽ rất vui.”

Thì ra lúc nãy Thành Lộ hỏi tôi “có thể hoãn vài hôm rồi hãy về quê không”, chỉ là hỏi thăm dò tôi mà thôi. Tôi nói: “Chị đã thạo các trò che giấu thì phải?” Tôi hối hận vì trót nói câu này.

Đúng thế, Thành Lộ than thở: “Tôi cũng chỉ học lại của người ta mà thôi… Lần này cô phải giúp tôi nghiêm túc, xem xem chúng tôi có thể trở lại với nhau không, xem người ta có đáng để tôi tiếp tục dành trọn tình cảm nữa không.”

Tôi chẳng biết trả lời ra sao, đành im lặng một lúc, rồi hỏi: “À, chị nói là 5-6 người cùng đi, nhưng hiện giờ còn thiếu hai ba người nữa, tức là 2-3 người đã nhận lời rồi! Chị học Kế toán thương mại, sao lại đưa ra con số ước tính thế nhỉ? Ngoài vợ chồng chị ra, thì còn những ai nữa?”

Thành Lộ im lặng một lúc, rồi thở dài: “Cô đừng hỏi câu này vội, được không?”

Tôi cảnh giác: “Chị định tiếp tục giấu chắc? Chị phải cho em biết đi?”

Thành Lộ lại im lặng một hồi rồi mới nói: “Thực ra, người khởi xướng chuyến đi này không phải là tôi. Tôi sẽ cho cô biết, nhưng cô phải nhớ rằng cô đã nhận lời rồi.”

Tay chân tôi hơi tê lạnh: “Chị lại bày trò gì thế? Đôi lúc em nghĩ, chị phải gọi em là chị mới đúng.”

Thành Lộ nói: “Giữa hai ta xưng hô kiểu gì, tôi không bận tâm. Tôi nói thật vậy: người khởi xướng là người mà cô đã biết… và chắc chắn lúc này cô đã đoán ra rồi!”

Là Cốc Y Dương!


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Đăng lúc 1-9-2016 13:01:11 | Xem tất
[P1] Chương 4: Chim Trong Lồng
       
Gần như đồng thời với lúc mất điện, cửa bỗng mở toang, cuồng phong cuốn theo tuyết nhân đó thốc vào nhà. Cốc Y Dương tuyết phủ toàn thân chạy bổ vào, anh giẫm mạnh chân lên tấm thảm trải sau cánh cửa, để tuyết long ra khỏi giày.

Đi ngay sau anh là cô gái xinh xắn có đôi mắt to trông rất dễ mến, hàng mi dài tự nhiên, những hạt sương vài giây trước đó đang bám vào lúc này đã tụ lại thành những giọt nước nho nhỏ.

Là Lê Vận Chi.

“Mất điện, mất điện rồi!” Giản Tự Viễn vừa kêu vừa chạy ra, nhìn thấy Cốc Y Dương và Lê Vận Chi, anh ngẩn người, rồi lắc đầu: “Bây giờ mới bắt đầu mất điện, nhớ đấy! Trong nhà có khí sưởi, vẫn còn hơi âm ấm, cho nên các vị nếu không có việc gì thì đừng ra ra vào vào, khí lạnh tràn vào nhà thì gay! Muốn thân mật với nhau thì cứ ở nhà, có khối chỗ…”

Cốc Y Dương là người bạn cùng phòng mà Giản Tự Viễn nói là “sớm tinh mơ đã đi mất hút”.

Vào dịp này năm ngoái, Cốc Y Dương là bạn trai, là người yêu, là mối tình đầu của tôi.

Tính khí Cốc Y Dương tôi biết, hồi ở đại học, nếu nghe Giản Tự Viễn chỉ trích như thế, anh sẽ hất tung cặp kính mắt, sẽ đấm cho sưng mặt, sẽ ép vào tường, bóp cổ Giản Tự Viễn và nói: “Mày là cái thá gì, sao dám nói tao như vậy?”

Nhưng nay anh không còn là Cốc Y Dương ngày trước nữa. Sau đúng nửa năm biệt tăm biệt tích, anh lại xuất hiện trước mắt tôi, điềm tĩnh rất nhiều, cũng gầy đi rất nhiều. Hồi ở đại học, anh là Phó hội trưởng Hội sinh viên Rikougakubu[1], điều hành một sân chơi nho nhỏ, hay bốc đồng, ăn nói bỗ bã; nay nét quyết đoán tuy vẫn còn nhưng nói năng đã biết cân nhắc. Trong trường đại học, anh còn là sư phụ thể dục thẩm mỹ rất có nghề, hễ có cơ hội là anh khoe với tôi “bắp cơ này múi cơ kia…” hiện giờ trông anh tuy vẫn khôi ngô nhưng đã gầy đi rõ rệt. Có lẽ làm việc ở thành phố thì buộc phải rèn luyện thành ra như vậy.
[1] Gốc tiếng Nhật = tổng hợp.

Cốc Y Dương nghe Giản Tự Viễn càu nhàu, khi ngừng lời thì anh hỏi: “Nói xong rồi à?”

Chắc vì nhận ra ánh mắt lừ lừ của Cốc Y Dương, Giản Tự Viễn chỉ lẩm bẩm: “Mọi người đều nên tự giác cho!”

Cốc Y Dương lại nhìn sang tôi, nói: “Tuyết bắt đầu rơi từ chiều qua, đêm càng rơi nhiều hơn. Tôi thấy tình hình xấu đi, lúc nửa đêm gọi điện thoại cho Ban lễ tân hai lần, lúc đó ca-bin cáp treo đã không chạy được nữa, có sự cố, nên không thể đón chúng ta xuống núi. Bãi trượt tuyết phải đóng cửa ít nhất năm hôm. Tôi đã bảo họ đưa xe đi tuyết đến đón nhưng họ nói đường quá dốc, tầm nhìn gần như bằng không, nên xe không lên được, khả năng duy nhất là chúng ta tự xuống núi. Tôi nghĩ, đêm khuya xuống núi trong gió tuyết thì chẳng khác gì tự sát, cho nên đành chờ vậy. Lúc trời chưa sáng, mọi người còn đang ngủ, tôi đã ra ngoài xem đường sá thế nào, tính xem ban ngày sáng sủa ta có thể xuống núi không. Cô ấy…” Anh nhìn sang Lê Vận Chi. “Cô ấy cũng đi theo định giúp tôi, rốt cuộc suýt nữa bị tuyết vùi.”

Mặt Lê Vận Chi bị lạnh đỏ ửng, lúc này trông lại càng xinh. Cô trách: “Vì em lo cho anh…”

Cốc Y Dương nói: “Cho nên từ lúc này chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, chuẩn bị tâm lý chiến đấu lâu dài…”

La Lập Phàm hỏi: “Tức là, kết luận thăm dò đường sá của cậu là… tình hình rất tệ?”

Cốc Y Dương thở dài: “Mọi người có thể trách tôi, tôi đứng ra thuê ngôi nhà này có phần ngất ngưởng, quá hẻo lánh và quá xa Trung tâm điều hành khu nghỉ dưỡng.”

Ngôi nhà gỗ này đúng là một trong những ngôi nhà nằm ở ngoại vi xa nhất khu nghỉ dưỡng, không có đường đi thẳng, phải ngồi cáp treo chuyên dụng từ cuối bãi trượt tuyết, đi qua đỉnh núi phía trên bãi trượt tuyết, sau đó ngồi xe đi tuyết chạy đến chân quả núi khác, rồi trèo lên núi, thì mới đến nơi được. Ngồi trên cáp treo có thể nhìn thấy phía sau bãi trượt tuyết là những vách núi đứt đoạn, dựng đứng, cho nên Cốc Y Dương bi quan về khả năng đi bộ xuống núi là phải. Tôi còn nhớ lần đầu lên núi để đến ngôi nhà gỗ, Thành Lộ và Giản Tự Viễn luôn miệng oán trách vị trí ngôi nhà khiến người ta thấy tuyệt vọng. Khi lên đến nơi ngoảnh nhìn xuống, cả hai đồng thời nín lặng: đứng ở điểm cao này có thể nhìn bao quát núi tuyết hùng vĩ, thung lũng sâu hút và bạt ngàn rừng thông. Cảnh vật tuyệt mỹ nhường này, đời người ta có thể có mấy lần được nhìn ngắm?

Tôi hỏi: “Em còn nhớ hôm qua đi cáp treo, nhìn thấy hai, ba chiếc xe đi tuyết chạy lên chạy xuống mấy ngôi nhà gỗ, những xe đó có còn không?”

Cốc Y Dương lắc đầu: “Trước khi bão tuyết đến, một chiếc đã được cáp treo đưa xuống để sửa chữa; còn chiếc kia, khi bão tuyết đến, nhân viên bị du khách ép dữ quá, đành chở họ xuống núi, nhưng xe gặp sự cố lao xuống khe sâu, người ta phải huy động nhân lực đến cứu hộ ngay trong đêm; thấy nhân viên tổng đài nói rằng một người chết hai người bị thương, xe thì tan tành. Có thể còn một hai chiếc xe đi tuyết nữa nhưng chưa rõ đang ở đâu, tổng đài đang tìm hiểu.”

Cả ngôi nhà chúng tôi đang ở bỗng im lặng như tờ, chắc ai cũng đang ngẫm nghĩ về cái tin dữ mà Cốc Y Dương vừa nói, sao mà chua chát!

Có lẽ vài hôm tới đây chúng tôi sẽ biến thành những con thú bị vây khốn.

Thú bị vây khốn thì vẫn rất hung tợn, tôi có cảm giác sự yên tĩnh trong ngôi nhà này chỉ là tạm thời.

Tiếng khóc của Thành Lộ phá tan sự yên tĩnh.

La Lập Phàm lập tức hậm hực: “Chỉ biết khóc! Khóc thì giải quyết được gì? Có thể khiến bão tuyết dừng lại chắc?”

Thành Lộ mắt đẫm lệ, ai oán nhìn La Lập Phàm rồi quay người chạy vào phòng.

Tôi sẵng giọng: “Anh nói thì thế giải quyết được việc gì chắc? Thái độ anh như thế mà lại làm được sếp thì lạ thật! Chắc anh luôn nhã nhặn với người ngoài, chỉ cáu kỉnh với vợ thôi?”

Giản Tự Viễn bỗng hỏi: “Chẳng lẽ chúng ta bị giam trên núi? Xe cáp treo chuyên dụng xuống đến nơi rồi cũng phải quay lên chứ? Vẫn còn hơn chục ngôi nhà trên núi kia mà?”

“24 ngôi nhà.” Cốc Y Dương bình tĩnh đến mức không ngờ. “Nhưng không phải đều có khách ở. Ban điều hành cho tôi biết chỉ có 5 nhà trên núi bị cô lập như chúng ta. Nhưng tất cả đều cách nhau một quãng khá xa, nếu đi bộ sẽ rất nguy hiểm. Tức là hiện giờ khó mà trợ giúp gì được, trừ phi chúng ta hết sạch các nguồn dự trữ…”

“Nếu sớm biết thế này thì lúc đầu không nên lên đây ở làm gì! Cứ ở phòng riêng khách sạn bên dưới bãi trượt tuyết thì có gì là dở?” Giản Tự Viễn co chân đá vào tường cho bõ tức, nhưng anh vội kêu oai oái vì quên rằng mình đang đi dép lê.

Tôi nói: “Bây giờ nói nếu thế này thế nọ cũng vô ích thôi. Anh tự nguyện tham gia chuyến đi kia mà? Nên tập trung suy nghĩ lối thoái thì hơn.”

Đây là lần đầu tiên tôi nói đỡ cho Cốc Y Dương. Tôi vốn định im lặng nhưng tính khí tôi vẫn thế không sao nén được.

Cốc Y Dương cảm kích nhìn tôi.

Tôi hơi quay mặt đi, vờ như không nhìn thấy. Lòng tôi rối bời bao ý nghĩ.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách