Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: rubiaceae
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tuyển Tập Truyện ngắn O Henry| O Henry (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
Đăng lúc 17-6-2013 17:26:32 | Chỉ xem của tác giả
Con người phóng đãng



Bạn sẽ không tìm thấy cái tên Thomas Keeling trong danh bạ thành phố Houston. Bây giờ có thể có, nếu ông Keeling đã không đóng cửa cơ sở làm ăn của ông khoảng một tháng trước và dời đi nơi khác. Ông Keeling dời đến Houston khoảng thời gian ấy và mở một văn phòng thám tử tư nhỏ. Ông cung ứng dịch vụ thám tử theo cung cách khiêm tốn. Ông không có tham vọng cạnh tranh với hang Pinkerton, nhưng thích làm việc trong những lĩnh vực ít rủi ro hơn.


Nếu một ông sếp muốn kiểm tra những thói quen của người thư ký, hoặc một bà vợ muốn nhòm ngó ông chồng quá trăng hoa, ông Keeling là người lĩnh nhiệm vụ. Ông là người trầm tĩnh, chăm chỉ với nhiều lý thuyết. Ông đọc các tác giả Gaboriau và Conan Doyle, và hy vọng một ngày ông sẽ có vị trí cao hơn trong nghề của mình.

Ông giữ một chân thấp kém trong một văn phòng thám tử lớn ở miền Đông, nhưng vì chậm được đề bạt, ông quyết định dời đến miền Tây, nơi mà nghề nghiệp ông ít bị cạnh tranh hơn.

Trong vài năm ông đã dành dụm được 900 đô mà ông ký gửi trong két sắt của một thương gia do một người bạn ở Houston giới thiệu. Ông thuê một căn phòng nhỏ ở tầng lầu, trên một con đường hẻo lánh, treo một tấm biển cho biết loại dịch vụ, rồi vùi đầu vào trong mấy mẩu chuyện Sherlock Holmes của Doyle trong khi chờ thân chủ tìm đến.

Một thân chủ đến gặp ông sau ba ngày ông khai trương văn phòng vốn chỉ có một mình ông. Đấy là một phụ nữ trẻ, khoảng 26 tuổi. Cô người mảnh mai, khá cao, ăn mặc lịch sự. Cô mang một khăn che mặt mỏng, và vén lên trên chiếc mũ rơm sau khi đã ngồi xuống ghế. Cô có gương mặt thanh tú, tao nhã, với đôi mắt xám khá linh động, và cử chỉ có phần lo lắng.

Cô nói, với giọng ngọt ngào nhưng có phần buồn rầu:

-Thưa ông, tôi đến tìm ông vì ông là người tương đối xa lạ, và tôi không thể bàn chuyện riêng tư với những người bạn của tôi. Tôi muốn ông theo dõi những hành động của chồng tôi. Mặc dù nhục nhã phải khai sự thật, tôi e rằng anh ấy không còn yêu thương tôi nữa. Trước khi tôi kết hôn với anh ấy, anh say mê một cô gái trẻ có liên hệ với gia đình nơi anh ở trọ. Chúng tôi đã cưới nhau được năm năm và sống rất hạnh phúc, nhưng gần đây cô gái trẻ đã dời đến Houston, và tôi có lý do để tin rằng anh ấy đang chú ý đến cô. Tôi nhờ ông theo dõi sát sao theo cách có thể được những hành động của anh ấy và báo cáo với tôi. Tôi sẽ đến đây cách hai ngày một lần theo giờ định trước để biết những gì ông đã phát hiện ra. Tên tôi là bà R—, và chồng tôi là người có tiếng tăm. Ông ấy có một hiệu kim hoàn nhỏ ở đường – -- . Tôi sẽ chi trả xứng với dịch vụ của ông, và đây là 20 đô để bắt đầu.

Người phụ nữ trao cho ông tờ giấy bạc, và ông tiếp nhận một cách thờ ơ như thể những việc như thế này là chuyện bình thường, rất thường trong nghề nghiệp của ông. Ông cam đoan với bà rằng ông sẽ thực hiện ý muốn của bà một cách trung thành, và yêu cầu hai ngày sau bà trở lại lúc bốn giờ chiều để nghe báo cáo đầu tiên.

Ngày kế, ông Keeling dò hỏi về những điều liên quan đến công tác. Ông tìm ra hiệu kim hoàn, và đi vào giả vờ nhờ siết lại bộ phận thủy tinh trong chiếc đồng hồ đeo tay của ông. Chủ cửa hiệu, ông R—, khoảng 45 tuổi, có tư thái trầm tĩnh và cách thức làm việc rất chăm chỉ. Cửa hiệu nhỏ, nhưng bán hàng loại tốt và có nhiều chủng loại kim cương, nữ trang và đồng hồ. Hỏi han thêm thì được biết rằng ông R— là người có tư cách đứng đắn, không bao giờ uống rượu, và luôn luôn làm việc bên quầy nữ trang của ông.


Ngày hôm ấy, ông Keeling thơ thẩn trong vài giờ quanh cánh cửa của hiệu kim hoàn, và cuối cùng nỗ lực của ông được đền đáp khi ông thấy một phụ nữ trẻ, ăn mặc lòe loẹt với mái tóc đen, đôi mắt huyền, bước vào cửa hiệu. Ông Keeling nhàn nhã đi đến gần cánh cửa nơi ông có thể quan sát những gì xảy ra bên trong. Người phụ nữ bước một cách tự tin đến phía sau hiệu kim hoàn, dựa vào mặt quầy và trò chuyện thân mật với ông R—.

Ông đứng dậy, và hai người trao đổi nho nhỏ với nhau trong vài phút. Cuối cùng, ông chủ kim hoàn trao cho cô ít tiền đồng, mà ông Keeling nghe tiếng leng keng khi cô đón nhận vào lòng bàn tay. Rồi người phụ nữ đi ra và bước nhanh về cuối phố.


***

Thân chủ ông Keeling trở lại văn phòng ông theo đúng hẹn. Cô bồn chồn muốn biết liệu ông có thấy điều gì giúp minh chứng cho sự nghi ngờ của cô. Ông thám tử thuật cho cô nghe những gì ông đã thấy. Sauk hi nghe ông mô tả người phụ nữ trẻ đi vào hiệu kim hoàn, cô nói:

-Đúng là nó rồi. Cái đứa vô liêm sỉ, thật cả gan! Và như thế là Charles còn đưa tiền cho nó. Nghĩ mà xem, chuyện đã xảy ra đến thế này!

Người phụ nữ cầm chiếc khăn tay chấm đôi mắt theo cách bị xúc động.

Ông thám tử hỏi:

-Bà R—, bà muốn như thế nào trong việc này? Bà muốn tôi dò hỏi đến đâu?

-Tôi muốn tận mắt nhìn đủ bằng cớ để thuyết phục điều mà tôi nghi ngờ. Tôi cũng muốn có nhân chứng, để tôi có thể làm đơn xin ly dị. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống như thế này.

Rồi cô trao cho ông tờ giấy mười đô.

Hai ngày sau, khi cô trở lại văn phòng ông Keeling, ông báo cáo:

-Chiều nay tôi đến hiệu kim hoàn với lý do vụn vặt. Cô ấy đã đến đấy, nhưng không ở lại lâu. Trước khi đi, cô ấy nói: “Charles, chúng mình sẽ dùng bữa ăn nhẹ vui nhộn tối nay như anh đề nghị, rồi chúng mình sẽ trở về cửa hiệu mà trò chuyện trong khi anh làm xong cây kim gài đính kim cương mà không bị ai quấy rầy”.

Bà R— ạ, tôi nghĩ tối nay sẽ là dịp tốt để bà chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa chồng bà và đối tượng khiến chồng bà điên đảo, và tâm tư bà sẽ mãn nguyện được biết vụ việc ra thế nào.

Người phụ nữ kêu lên với đôi mắt lấp lánh:

-Khốn khiếp! Anh ấy bảo tôi rằng anh ấy sẽ có việc quan trọng phải làm cho xong tối nay. Và đây là cách anh ấy sử dụng thì giờ mà không có tôi!

Ông thám tử nói:

-Tôi đề nghị bà ẩn mình trong cửa hiệu để bà có thể nghe những gì họ nói, và khi bà đã rõ chuyện bà có thể gọi nhân chứng vào cho họ đối diện với ông ấy.

Cô đáp:

-Ý kiến hay. Tôi nghĩ có một ông cảnh sát, mà gia đình chúng tôi quen biết, có nhiệm vụ tuần tra khu vực xung quanh cửa hiệu. Do nhiệm vụ, ông ấy sẽ có mặt trong khu vực này vào buổi tối. Tại sao ông không đến gặp ông ấy, giải thích về vụ việc và khi tôi đã nghe đủ bằng chứng, ông dẫn ông ấy đến để cả hai ông làm nhân chứng?

Ông thám tử nói:

-Tôi sẽ trình bày với ông ấy, và thuyết phục ông ấy giúp chúng ta. Xin bà trở lại đây trước khi trời tối, để chúng ta có thể dàn xếp đặt bẫy họ.


***


Ông thám tử đi săn lùng người cảnh sát và giải thích cho ông biết tình hình. Nhà bảo vệ pháp luật nói:

-Buồn cười thật. Tôi không hề biết ông R— là con người phóng đãng. Nhưng rồi, ta không bao giờ hiểu rõ về ai được. Thế là bà vợ ông muốn bắt quả tang ông tối nay. Xem nào, bà muốn ẩn mình trong cửa hiệu và nghe họ nói gì. Có một căn phòng nhỏ phía sau cửa hiệu, nơi ông R— chất than và bao bì cũ.

Dĩ nhiên là cánh cửa giữa bị khóa, nhưng nếu ông có cách đưa bà qua cánh cửa này, bà có thể ẩn mình đâu đấy. Tôi không muốn dính dáng đến những chuyện như thế này, nhưng tôi thông cảm với bà. Tôi và bà quen nhau từ thuở còn bé nên tôi không nề hà gì mà không giúp bà làm điều bà muốn.

Vào khoảng chạng vạng tối hôm ấy, thân chủ của nhà thám tử đi vội vã đến văn phòng của ông. Cô ăn mặc giản dị trong màu đen và đội một chiếc mũ tròn màu sẫm và khuôn mặt được bao phủ bởi một tấm mạng. Cô giải thích:

-Nếu Charlie có trông thấy tôi, anh ấy sẽ không nhận ra tôi.

Ông Keeling và người phụ nữ đi bộ dọc con đường đối diện hiệu kim hoàn, và khoảng tám giờ tối cô gái trẻ mà họ đang quan sát bước vào cửa hiệu. Ngay sau đấy, cô đi ra cùng ông R—, ôm lấy cánh tay ông, và họ bước đi vội vã, hẳn là về phía nhà hàng để ăn tối.

Nhà thám tử cảm thấy cánh tay người phụ nữ kế bên ông run rẩy. Cô nói:

-Khốn khiếp! Anh ta nghĩ tôi đang vô tư trông chờ anh ta ở nhà trong khi anh ta đang lả lướt với con ranh điệu nghệ đầy mưu đồ ấy. Ôi, hạng đàn ông phản bội!

Ông Keeling đưa người phụ nữ đi qua một hành lang mở dẫn đến sân sau của hiệu kim hoàn. Cánh cửa của căn phòng sau không được khóa, và họ cùng bước vào.

Bà R— nói:

-Trong nhà kho, gần cái quầy làm việc của chồng tôi là một cái bàn rộng, với khăn trải bàn phủ xuống đến sàn nhà. Nếu tôi có thể chui xuống dưới cái bàn này, tôi có thể nghe mọi điều họ nói với nhau.
Ông Keeling lấy ra một chum chìa khóa vạn năng và trong vài phút đã tìm ra một chìa có thể mở cánh cửa đi vào hiệu kim hoàn. Một ngọn đèn khí đốt được vặn thật thấp.

Người phụ nữ bước vào bên trong và dặn dò:

-Tôi sẽ gài chốt cửa bên trong, và tôi muốn ông đi theo dõi chồng tôi và cô ấy. Nhìn xem họ có ăn tối với nhau không, và nếu có, khi họ bắt đầu trở về, ông trở về đây báo tin cho tôi hay bằng cách gõ cánh cửa ba lần. Sauk hi tôi đã nghe đủ câu chuyện họ nói với nhau, tôi sẽ mở chốt cửa, và chúng ta sẽ đối diện với cặp tội phạm. Tôi có thể cần ông bảo vệ tôi, vì tôi không biết họ có thể làm gì tôi.


***


Nhà thám tử nhẹ nhàng bước ra ngoài và đi theo ông chủ kim hoàn cùng cô gái. Chẳng bao lâu sau ông thấy họ đã chọn một phòng ăn riêng trong một nhà hàng và gọi thức ăn tối. Ông nán lại ở đấy cho đến khi họ trở ra, rồi vội vã quay trở về hiệu kim hoàn, bước vào căn phòng phía sau, và gõ cánh cửa ba lần.

Vài phút sau, ông chủ kim hoàn cùng cô gái bước vào, và nhà thám tử trông thấy ánh sáng soi rõ hơn qua một kẽ nứt trên cánh cửa. Ông có thể nghe hai người chuyện trò với nhau một cách thân mật và không ngừng nghỉ, nhưng không thể nghe ra họ đang nói những gì. Ông rón rén vòng ra ngoài con đường, nhìn qua khung cửa sổ, và có thể thấy ông R— đang làm việc ở cái quầy của ông, trong khi cô gái tóc đen ngồi kế bên và trò chuyện với ông.


Ông Keeling nghĩ ông sẽ cho họ thêm ít thời gian, rồi ông đi dọc theo con đường. Người cảnh sát đang đứng ở góc phố.
Nhà thám tử cho ông hay rằng bà R— đang ẩn mình trong hiệu kim hoàn, và mưu kế đang diễn tiến tốt đẹp. Ông nói:
-Bây giờ tôi lui về phía sau, để chuẩn bị sẵn sàng khi bà ấy cho họ sập bẫy.

Người cảnh sát bước trở lại cùng ông, và nhìn qua khung cửa sổ. Ông nói:

-Xem chừng họ đã dàn hòa với nhau tốt đẹp trở lại. Còn người phụ nữ kia đâu?

Nhà thám tử ngạc nhiên:

-Sao thế? Cô ta đang ngồi kế bên ông ấy.

Người cảnh sát thêm:

-Tôi đang nói đến cái cô mà ông R— dẫn đi ăn tối.

Nhà thám tử nói:

-Tôi cũng thế.

Người cảnh sát phân trần:

-Dường như anh đã nhầm lẫn. Anh có biết người ngồi cạnh ông R— là ai không?

-Đấy là người đi ăn tối với ông ấy.

-Đấy là bà vợ của ông R—. Tôi quen biết bà ấy đã mười lăm năm rồi.

Nhà thám tử há hốc:

-Thế thì, ai—? Chúa ơi, thế thì ai đang ẩn mình dưới cái bàn?

Ông Keeling bắt đầu đá cánh cửa của hiệu kim hoàn. Ông R— bước ra và mở cửa. Người cảnh sát và nhà thám tử bước vào.

Nhà thám tử hét lên:

-Khám xét dưới cái bàn, nhanh lên.

Người cảnh sát vén tấm khăn trải bàn lên và lôi ra một chiếc áo đen, một tấm mạng che mặt và một bộ tóc giả phụ nữ.
Ông Keeling chỉ đến người phụ nữ trẻ có đôi mắt đen đang nhìn họ với vẻ kinh ngạc tột độ, hỏi:
-Bà đây có phải là v-v-vợ của ông không?

Ông chủ kim hoàn đáp:

-Chắc chắn rồi. Bây giờ, làm ơn giải thích ông làm cái quái gì mà khám xét dưới mấy cái bàn của tôi và đá cánh cửa của tôi?

Người cảnh sát bắt đàu nhận định tình hình:

-Để xem xét giả chân

***

Các nhẫn kim cương và đồng hồ bị mất trị giá lên đến 800 đô, và ngày hôm sau ông Keeling thanh toán hóa đơn.

Tối hôm ấy, họ giải thích mọi việc cho ông chủ kim hoàn hiểu, và một giờ sau ông Keeling ngồi trong văn phòng của mình xem qua tập ảnh của những tên lừa đảo. Cuối cùng ông đã tìm ra một bức ảnh, ông dừng tay lật tìm mà vò đầu bứt tóc. Dưới tấm ảnh của một anh trai trẻ có gương mặt mịn màng với những đường nét thanh tú, là câu mô tả như sau:

“JAMES H. MIGGLES, bí danh Simon Lừa, bí danh Quả phụ khóc, bí danh Kate bịp, bí danh Jimmy Xoáy, kẻ lừa đảo và trộm cắp. Thường giả dạng phụ nữ. Ăn nói rất khéo và nguy hiểm. Bị truy nã ở Kansas City, Oshkosh, New Orleans và Milwaukee.”

Vì thế mà ông Thomas Keeling không tiếp tục dịch vụ thám tử tư ở Houston.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
Đăng lúc 17-6-2013 17:30:04 | Chỉ xem của tác giả
Cú sốc trưởng giả



Vẫn có tầng lớp quý tộc trong số các khu công viên và những người vô gia cư vô nghề nghiệp sử dụng các công viên này làm nơi ăn chốn ở riêng tư. Vallance chỉ cảm nhận như thế chứ không biết rõ, nhưng khi anh bước ra ngoài khỏi thế giới của anh đi xuống dòng đời bát nháo, hai chân anh đưa anh thẳng đến quảng trường Madison.

Non nớt và khắc khổ như con gái học trò – đấy là nói đến học trò lớp cao – ngọn gió đầu tháng Năm đang thổi một cách dè xẻn qua cây cối đang đâm chồi nảy lộc. Vallance cài lại cúc áo choàng, đốt điếu xì-gà cuối cùng của anh, ngồi xuống một băng ghế. Trong vòng ba phút, anh cảm thấy có phần tiếc rẻ.

Rồi thì anh lần mò tất cả túi trong túi ngoài mà không tìm ra một xu teng nào cả. Anh đã trả lại căn phòng mà anh đang thuê. Các món nội thất bị dùng để xiết một vài món nợ nào đấy. Quần áo của anh, ngoại trừ bộ mà anh đang mặc, đã bị anh giúp việc tịch thu để trừ vào tiền lương chưa trả.

Khi anh ngồi như thế, cả thành phố không hề có một chiếc giường cho anh đặt mình xuống ngủ, hoặc một con tôm hùm luộc hoặc một khoản tiền taxi hoặc là một đóa hoa cẩm chướng để cài lên ve áo, trừ phi anh ăn chực bạn bè của anh hoặc là có trò giả vờ dối trá nào đấy.

Thế là anh phải chọn giải pháp công viên.

Tất cả những việc này là do một ông chú đã từ chối quyền thừa kế của anh, giảm chu cấp tiền túi của anh từ mức độ rộng rãi xuống con số không. Và tất cả đấy là do dứa cháu trai của ông đã cãi lời ông về việc liên quan đến một cô gái. Cô này không đi vào câu chuyện kể ở đây – vì thế, vị độc giả nào đang hăm hở trông chờ thì được cảnh báo là không nên đọc tiếp.

Có một người cháu khác, thuộc một nhánh khác trong gia tộc, người đã có thời được xem như có triển vọng kế thừa, được xem như là sáng giá và được sủng ái. Rồi thì, vì không thấy có hy vọng gì, anh ta đã biến mất từ lâu. Giờ người ta đang săn lùng anh ta, để phục hồi và đưa anh vào cương vị cũ. Thế là Vallance cảm thấy mình vĩ đại như ma vương ở vực thẳm sâu nhất, cuối cùng rồi gia nhập đám quỷ rách rưới tả tơi trong khu công viên nhỏ.

Ngồi ở đấy, anh dựa ngửa ra sau, cười ra một luồng khói thuốc bay lên những nhánh cây la đà. Việc anh bị thình lình cắt đứt mọi sợi dây của đời sống đã mang lại cho anh sự phấn chấn không tốn kém, hồi hộp, gần như sảng khoái. Anh thấy đúng như là cảm giác của người lái khinh khí cầu khi cắt rời cái dây và để cho quả cầu bay đi.

Đã gần đến mười giờ. Không còn mấy người nán lại ở các băng ghế. Những người ngụ cư ở công viên, dù đã chiến đấu can trường với khí trời se lạnh mùa thu, lại quá chậm chạp chống lại tiền đạo lạnh lẽo mùa đông.

Rồi có một người ngồi gần vòi phun nước đứng dậy, đi đến ngồi kế bên Vallance. Anh ta không trẻ và cũng không già, những phòng cho thuê đã ướp anh mùi ẩm mốc, dao cạo và lược đã bỏ rơi anh, trong anh rượu đã được vô chai và đóng nút. Anh xin một que diêm, đấy là nghi thức của những người ngồi trong công viên giới thiệu về mình, rồi anh bắt đầu chuyện trò.

Anh bảo Vallance:

-Anh không phải là người thường xuyên ở đây. Khi tôi nhìn quần áo đặt may là tôi biết ngay. Anh chỉ ghé qua đây trên đường đi qua công viên. Anh không phiền hà cho tôi trò chuyện với anh một chút chứ? Tôi cần có ai đấy. Tôi sợ, tôi sợ lắm. Tôi đã nói như thế với hai, ba kẻ vô công rồi nghề đằng kia. Họ bảo tôi điên. Này, để tôi nói anh nghe, cả ngày hôm nay tôi chỉ ăn có một ít mẩu bánh và một quả táo. Sáng ngày mai, tôi sẽ được kế thừa ba triệu, và cái nhà hàng anh nhìn thấy đàng kia sẽ trở nên quá nghèo hèn không đáng cho tôi bước vào. Có lẽ anh không tin tôi phải không?

Vallance cười:

-Không hề gì cả. Hôm qua tôi ăn trưa ở đấy. Tối nay tôi không thể mua nổi một cốc cà phê đáng giá 5 cent.

-Anh trông không giống bọn tôi ở công viên này. À, tôi đoán sự đời là như thế. Chính tôi đã từng có thời phong lưu – đấy là năm năm về trước. ĐIều gì đã khiến anh đến nông nỗi này?

-Tôi…à, tôi bị mất việc.

-Địa ngục trần gian, cái thành phố này! Một ngày anh ăn uống ở bên Tàu, ngày kế anh ăn uống với đồ sứ Tàu – mấy món đồ sứ nứt nẻ. Tôi đã qua mọi cảnh khốn cùng. Trong năm năm qua, tôi chỉ khá hơn bọn hành khất một chút. Tôi được nuôi lớn lên trong cảnh xa hoa, không cần làm gì cả. Này anh…tôi không nề hà gì mà không kể cho anh nghe…tôi cần thổ lộ cho ai đấy, anh thấy chứ, vì tôi, tôi sợ lắm. Tên tôi là Ide. Chắc anh không ngờ ông già Paulding, một trong mấy triệu phú ngụ tại Riverside Drive, là ông chú của tôi, phải không? Ông đúng là chú tôi đấy. Có thời gian tôi ở với ông ấy, lúc ấy tôi muốn có bao nhiêu tiền cũng được. À này, anh có đủ tiền trả ít rượu không anh…à, tên anh là gì?

-Dawson. Không, rất tiếc phải nói là tôi đã cạn túi.

-Cả tuần nay tôi sống trong một tầng hầm chứa than ở phố Divison, với một tên lừa đảo tên Morris, biệt danh “Blinky”. Tôi không biết đi đâu khác. Hôm nay khi tôi đi ra ngoài, một ông cầm mấy thứ giấy tờ gì đấy đến tìm tôi. Tôi cứ nghĩ đấy là cớm, nên đến tối tôi mới dám mò về. Ông ấy để lại một bức thư cho tôi. Đấy là từ một luật sư nổi tiếng ở trung tâm thành phố tên là Mead. Tôi đã thấy biển hiệu văn phòng ông ở phố Ann. Paulding muốn tôi lại là đứa cháu hoang tàn của ông – muốn tôi trở về để lại làm người thừa kế của ông và đốt tiền của ông. Tôi sẽ đến văn phòng luật sư lúc mười giờ sáng ngày mai để trở về với cương vị của tôi – người kế thừa ba triệu, anh Dawson ạ, với 10.000 tiền túi mỗi năm. Và…tôi sợ, tôi sợ lắm.

Anh vô gia cư nhảy đổng lên, đưa hai tay run rẩy ôm lấy đầu. Anh ôm lấy đầu và rên rỉ cuồng loạn.

Vallance nắm lấy cánh tay anh ta, kéo anh ngồi xuống băng ghế. Anh ra lệnh với vẻ gì đấy như là khinh miệt:

-Anh im đi. Người ta có thể ngỡ là anh đã đánh mất một gia tài, thay vì được thừa hưởng một gia tài. Anh sợ gì thế?

Ide co rúm lại và run lẩy bẩy trên băng ghế. Anh níu lấy tay áo Vallance, và ngay cả trong ánh sáng lờ mờ của Broadway, anh chàng bị truất quyền thừa kế vẫn thấy trên long mày của người kia những giọt mồ hôi lóng lánh do nỗi kinh hãi lạ lùng nào đấy đã chắt ra.

-Tại sao à? Tôi sợ sẽ có chuyện gì đấy xảy ra cho tôi trước giờ sáng mai. Tôi không rõ là chuyện gì đấy ngăn cản tôi nhận số tiền thừa kế. Tôi sợ một cây to sẽ đổ xuống người tôi…tôi sợ một chiếc ô tô sẽ cán lên người tôi, hoặc là một tảng đá từ trên một tòa nhà rơi xuống đầu tôi, hoặc là sự cố gì đấy. Trước đây tôi chưa từng sợ như thế này bao giờ. Cả trăm buổi tối tôi đã từng ngồi trong công viên vững như thạch bàn mà không rõ bữa điểm tâm kế tiếp sẽ từ đâu đến. Nhưng bây giờ lại khác hẳn.

...Tôi yêu tiền, anh Dawson ạ, tôi cảm thấy hạnh phúc tuyệt trần khi tiền chảy qua giữa mấy ngón tay tôi, thiên hạ đang cúi gập người trước mặt tôi, với âm nhạc và hoa và quần áo sang trọng đầy rẫy chung quanh. Nếu tôi biết tôi không có gì cả, tôi không màng. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngay cả khi ngồi đây với áo quần rách rưới và dạ dày lép kẹp, nghe tiếng nước róc rách từ cái vòi phun nước và ngắm nhìn mấy chiếc xe ngựa sang trọng chạy trên đại lộ.

... Nhưng bây giờ tiền của lại ở trong tay tôi – gần như thế - và tôi không thể chịu được thời gian chờ đợi trong mười hai giờ đồng hồ, anh Dawson ạ, tôi không thể chịu được. Có cả năm mươi chuyện có thể xảy đến với tôi...tôi có thể trở thành đui mù…tôi có thể lên cơn đau tim…ngày tận thế xảy ra trước khi tôi có thể…

Ide đứng bật dậy, hét lên một tiếng inh ỏi. Thiên hạ ngồi quanh đấy xao động, bắt đầu nhìn anh. Vallance nắm lấy cánh tay anh, dỗ dành:

-Anh đi dạo một vòng, cố trấn tĩnh lại. Không có gì phải phấn khích hoặc sợ hãi. Sẽ không có gì xảy đến với anh cả. Đêm nay cũng giống như mọi đêm khác.

-Được rồi. Anh Dawson, anh ở đây với tôi – anh là người bạn tốt của tôi. Anh đi dạo với tôi một chút. Trước đây tôi chưa bao giờ hoảng loạn như thế này, mà đấy là tôi đã từng chịu nhiều cú kinh hoàng. Anh bạn già, anh có thể xoay sở được ít thứ gì để ăn không? Tôi nghĩ rằng thần kinh tôi quá yếu nên không thể làm hành khất được.

Vallance dẫn người đồng hành của anh lên gần đến Đại lộ Số Năm, rồi đi về hướng Tây dọc theo các đường Ba Mươi về phía Broadway.

Anh bảo: “Chờ tôi ở đây trong vài phút”, rồi để Ide đứng chờ trong bóng tối ở một nơi yên tĩnh.

Anh bảo người đứng ở quầy:

-Jimmy, có một tên khốn khổ đang đứng bên ngoài, bảo là hắn đói, mà có vẻ đúng thế. Bạn biết họ sẽ làm gì nếu bạn cho tiền họ. Làm cho anh ta một ít bánh mì dồn thịt, rồi tôi đảm bảo hắn sẽ phải ăn.

-Được, ông Vallance. Chắc họ không giả vờ đâu. Không thích thấy ai bị đói kém.

Anh gói phần thức ăn hào phóng vào một tấm giấy lau miệng. Vallance mang ra cho người đồng hành của anh. Ide ăn ngấu nghiến. Anh ta nói:

-Cả năm nay tôi chưa có bữa ăn nào ngon đến thế này. Dawson, anh không ăn một tí à?

-Cảm ơn, tôi không đói.

-Chúng ta sẽ trở về công viên Square. Ở đấy mấy tên cớm sẽ không phiền nhiễu ta. Tôi sẽ để dành phần bánh và thịt nguội này cho bữa ăn sáng. Tôi không ăn nữa, tôi sợ tôi sẽ bị bệnh. Giả sử đếm nay tôi bị vọp bẻ hoặc chuyện gì đấy, rồi sẽ chẳng bao giờ được sờ đến món tiền ấy nữa. Còn đến mười một giờ đồng hồ mới đến lúc gặp ông luật sư ấy. Dawson, anh sẽ không bỏ tôi mà đi chứ? Tôi sợ có gì đấy xảy ra. Anh không phải đi đâu hết, phải không?

-Không, tôi không đi đâu cả đêm nay. Tôi sẽ bên anh ở băng ghế công viên.

-Anh có vẻ điềm tĩnh quá, nếu đúng như anh nói với tôi. Tôi nghĩ một người vừa bị mất một việc làm trả lương khá thì phải vò đầu bứt tóc.

Vallance cười:

-Tôi đã kể cho anh nghe rồi. Tôi vẫn nghĩ là một người đang chờ đón một gia tài ngày hôm sau đáng lẽ phải cảm thấy thoải mái và trầm lặng.

Ide triết lý:

-Dù sao cách con người đón nhận sự việc kể cũng kỳ khôi. Băng ghế của anh ở đây, Dawson, sát bên cái băng của tôi. Ở đây anh không bị ánh sáng chiếu vào mắt. Này, Dawson, khi tôi về nhà, tôi sẽ xin ông già viết thư giới thiệu anh với ai đấy để nhận anh vào làm. Tối nay anh đã giúp tôi rất nhiều. Tôi không nghĩ tôi sẽ qua khỏi đêm nay nếu không có anh.
-Cảm ơn. Ở đây anh ngủ ngồi hay là nằm?

Trong nhiều giờ, Vallance nhìn xuyên qua các cành lá, hầy như không nháy mắt, trông lên các vì sao, lắng nghe tiếng vó ngựa gõ sắc lẻm trên mặt biển tráng nhựa về phía nam. Đầu óc anh vẫn linh hoạt nhưng mọi cảm giác của anh đã im lìm. Mọi cảm xúc dường như đã bị xóa tan.

Anh cảm thấy không hối tiếc, không sợ hãi, không đau đớn hoặc khó chịu. Ngay cả khi anh nghĩ về cô gái, đấy như thể là một cư dân ngụ trên một trong những vì sao xa tắp anh đang ngắm nhìn. Anh nhớ đến những trò hề phi lý của người bạn đồng hành và cười nhẹ, tuy thế vẫn có ý cợt đùa. Chẳng bao lâu sau, đội quân những xe goòng giao sữa hàng ngày đã biến cả thành phố thành một mặt trống mà theo đấy họ đều nhịp bước. Vallance thiếp ngủ trên băng ghế công viên không có chút tiện nghi nào.

Vào mười giờ sáng hôm sau, cả hai đứng trước cánh cửa văn phòng Luật sư Mead trên phố Ann.

Khi sắp đến giờ hẹn, thần kinh của Ide chưa bao giờ bị giao động đến thế, và Vallance không đành bỏ mặc anh ta làm mồi cho những mối nguy hiểm mà anh ta kinh sợ.

Khi cả hai bước vào văn phòng, Luật sư Mead ngỡ ngàng nhìn họ. Ông và Vallance là bạn cũ. Sau câu chào hỏi, ông quay sang Ide, lúc ấy mặt đang tái nhợt, chân run lẩy bẩy trước cơn khủng hoảng sắp xảy ra. Ông nói:

-Anh Ide, tôi qua tôi đã gửi lá thư đến địa chỉ của anh. Sáng nay tôi nghe nói là anh không có mặt ở đấy để tiếp nhận lá thư. Đấy là để báo tin cho anh rõ rằng ông Paulding đã xét lại ý định của ông về việc cho anh hưởng quyền thừa kế. Ông ấy đã quyết định không làm như thế, và muốn anh hiểu rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong mối liên hệ giữa ông ấy và anh.

Ide thình lình không còn run rẩy nữa. Gương mặt anh trở lại hồng hào, anh đứng thẳng người lên. Cằm anh vươn ra phía trước một tí, mắt anh rạng sáng lên. Một tay anh chỉnh lại chiếc mũ đã nhầu nát, tay kia vươn ra về phía ông luật sư. Anh thở một hơi dài, rồi cười phá lên một cách nhạo bang. Anh nói lớn, rõ ràng:

-Bảo ông già Paulding là ông có thể chơi với quỷ sứ.

Rồi anh quay người đi ra khỏi văn phòng với bước chân vững chãi và nhanh nhẹn.

Luật sư Mead mỉm cười. Ông từ tốn:

-Tôi rất vui anh đã đến đây. Ông chú của anh muốn anh trở về nhà lập tức. Ông ấy nhìn nhận là ông đã có quyết định quá hấp tấp, và muốn nói là mọi việc sẽ như là…

Luật sư ngưng bặt, và lớn tiếng kêu người thư ký:

-Adams! Mang cho một cốc nước. Ông Vallance đã bất tỉnh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
Đăng lúc 17-6-2013 17:34:45 | Chỉ xem của tác giả
Dấu vết của Bin Đen


Một người gầy lêu đêu, khoẻ mạnh, mặt đỏ rực, có cái mũi khoằm của tướng Oenlinhtơn, đôi mắt đã đỏ lại được đôi lông mi đỏ hoe tôn lên làm cho đỏ như cội, ngồi trên sân ga Lôt Pinôtx, hai chân đung đưa. Ngồi bên cạnh là một người to béo, trầm tư, dáng buồn, hình như họ là bạn thân của nhau. Họ mang dáng dấp của những người mà cuộc đời như một cái áo khoác mặc được cả hai mặt - mặt nào cũng là trái được.


- Không gặp cậu đến bốn năm nay rồi, Ham ạ, - người ủ rũ nói. - Cậu đi những đâu thế?

- Bang Têchdát, - người mặt đỏ nói. - Ở Alaxka lạnh lắm, còn ở Têchdát tôi thấy ấm áp. Tôi sẽ kể cậu nghe về một vụ nóng mà tôi đã trải qua ở đó.


*
* *


Vào một buổi sáng, tôi xuống xe tốc hành bên một hồ chứa nước và để mặc cho xe đi tiếp không cần có tôi. Chỗ đây là một trang trại nhà cửa nhiều hơn ở thành phố Niu-Yooc. Chỉ có điều người ta xây cách xa nhau khoảng hai chục dặm để có ngồi ăn thì nhà khác không ngửi thấy mùi, còn hơn là chỉ xây cách cửa nhà ông hàng xóm một tí.


Chẳng thấy đường sá gì cả, vì vậy tôi đành phải cuốc bộ qua đồng quê. Cỏ mọc lún mắt cá chân và cây mexkit mọc trồng như một vườn đào. Trông hệt như cơ ngơi của một nhà quý tộc, nên lúc nào ta cũng có cảm tưởng bị đàn chó xồ ra đớp. Phải đi mất đến hai mươi dặm tôi mới nhìn thấy một căn nhà nhỏ, to độ bằng một nhà ga nổi.
Dưới gốc cây trước cửa nhà có một người nhỏ bé mặc áo sơ mi trắng và bộ quần áo lao động màu nâu, cổ thắt một chiếc khăn tay màu hồng.


“Xin chào”, tôi nói. “Có gì cho uống, tiền thù lao hay một công việc cho một người khách tương đối lạ hay không?”

“Ồ, xin mời vào”, người đó nói, giọng nghe tao nhã. “Xin mời ngồi xuống cái ghế đẩukia. Tôi không nghe thấy có tiếng ngựa”.

“Còn xa”, tôi nói. “Tôi đi bộ đến đây. Tôi không muốn phiền ông, nhưng giá ông cho tôi xin xô nước thì tốt quá”

“Trông anh bẩn ghê”, ông ta nói, “mà việc thu xếp để tắm thì…”

“Tôi chỉ cần nước để uống thôi”, tôi nói. “Ồ, bụi bặm bên ngoài, ngại gì”.

Ông ta lấy cho tôi độ một môi nước ở trên cái bình đỏ treo lủng lẳng, rồi nói tiếp:

“Ông cần có việc làm à?”

“Tạm thời thôi”, tôi nói. “Nơi này kể cũng khá vắng vẻ đấy nhỉ?”

“Đúng vậy”, ông ta nói. “Đôi lúc, người ta nói, có đến hàng tuần cũn không có một mống nào qua lại. Tôi mới ở đây có một tháng nay. Tôi mua cái trang trại này của một người định cư cũ. Ông ta muốn chuyển xa hơn nữa về phía tây”.


“Rất hợp với tôi”, tôi nói. “Yên tĩnh và an trí đôi lúc cũng tốt cho con người ta đấy. Nhưng tôi cần một việc làm. Tôi biết phục vụ bar, các mỏ muối, giảng bài, phát hành cổ phiếu, đấm bốc ở hạng trung, và chơi đàn pianô”.

“Anh biết chăn cừu chứ?”, viên chủ trại nhỏ bé hỏi.

“Ý ông muốn hỏi tôi đã chăn cừu chưa chứ gì?”, tôi hỏi.

“Anh có biết chăn không? Nghĩa là quản lí đàn cừu ấy?”, ông ta nói.

“Ồ”, tôi nói, “tôi hiểu ra rồi. Ý ông muốn nói là xua chúng và sủa chúng như chó côli sủa chứ gì. Ồ, tôi làm được”, tôi nói.

“Thực ra tôi chưa bao giờ đi chăn cừu cả, nhưng qua cửa ô tô cũng thường hay nhìn thấy chúng nhai hoa cúc, trông không có gì dữ tợn cả nhỉ!”.


“Tôi thiếu một người chăn cừu”, viên chủ trại nói. “Đừng có bao giờ trông cậy gì được người Mêhicô đâu. Tôi chỉ có hai đàn cừu thôi. Buổi sáng anh đưa khoảng tám trăm con đi chăn cho tôi, có đáng mấy. Tôi trả anh hai mươi đôla một tháng và bao thêm cả ăn uống. Anh ở trong trại lều trên đồng cỏ với đàn cừu. Anh thổi nấu lấy, nhưng tôi cho người mang củi và nước đến cho anh. Công việc cũng chả có gì là vất vả”.


“Tôi đồng ý”, tôi nói. “Tôi xin nhận việc đó, dù cho tôi có phải quàng quanh trán một vòng hoa, tay bám vào cái gậy, mặc quần áo thụng và chơi kèn ống như những người chăn cừu trong các bức ảnh”.


Vậy là đến sáng hôm sau, viên chủ trại nhỏ bé giúp tôi dẫn đàn cừu từ bãi quây đến gặm cỏ bên sườn đồi nhỏ trên đồng cỏ cách đấy độ hai dặm. Ông ta dạy tôi nhiều điều, nào là đừng có để từng đám cừu tách khỏi đàn, nào là đến trưa phải đưa chúng về máng nước để uống nước.


“Tôi sẽ cho xe chở lều bạt, các đồ để cắm trại và thức ăn đến cho anh vào trước lúc trời tối”, ông ta nói.
“Được”, tôi nói. “Mà đừng có quên thức ăn đấy, cả các đồ cắm trại nữa. Nhớ mang cả lều nhé. Tên ông là Zôlicophơ phải không?”.

“Tên tôi là”, ông ta nói, “là Henri Ogđen”.

“Ồ, vậy là ông Ogđen”, tôi nói. “Tên tôi là Pecxivan Xanh Cơle”.

Tôi chăn đàn cừu được năm ngày ở trang trại Chikitô, lông cừu thấm cả vào lòng tôi. Con người mình sống hầu như gần với thiên nhiên. Tôi trở nên cô đơn hơn cả con dê của Cruxô (1).

Tôi đã từng gặp bao người bạn đường thú vị hơn những con cừu đó. Tối tối tôi lùa chúng về bãi quây và nhốt chúng ở đó, rồi nấu ăn, có bánh ngô, thịt cừu và cà phê, sau đó vào nằm ngủ trong một cái lều to bằng cái khăn trải bàn, nghe chó sói sủa và chim đớp muỗi hót quanh lều. Đến buổi tối của ngày thứ năm, sau khi tôi đưa lũ cừu đắt tiền mà tẻ nhạt đó vào bãi quây, tôi đi về khu nhà trại và bước vào cửa.



“Ông Ogđen”, tôi nói, “tôi và ông cần phải đánh bạn với nhau. Lũ cừu cũng làm đẹp cho phong cảnh và giúp làm nên những bộ quần áo lông trị giá tám đôla cho con người đấy, nhưng để chuyện trò tâm đầu ý hợp, thì chúng chỉ ngang hàng những vật vô tích sự. Nếu ông có bộ bài hay cờ, hay sách thì mang ra đây cho chúng ta hoạt động trí óc một tí. Tôi phải làm một việc gì đó về mặt trí tuệ, dù chỉ là đấu trí, với ai đó”.


Tay Henri Ogđen này là một chủ trại kì quái. Hắn ta đeo nhẫn và một cái đồng hồ vàng to bự, cổ đeo cà vạt cẩn thận. Bộ mặt hắn lúc nào cũng trầm tĩnh và cặp kính kẹp ở mũi lúc nào cũng bóng loáng. Có một lần ở Muxcôghi tôi đã nhìn thấy một kẻ ngoài vòng pháp luật bị treo cổ vì đã giết chết sáu người, tên này trông giống hệt hắn ta. Nhưng tôi lại còn biết một cha cố ở Ackandat, anh mà nhìn cứ tưởng đấy là ông anh hắn.


Dù gì cũng mặc xác hắn; điều tôi cần là muốn có bạn cùng chung vui, dù là thánh thần hay là những kẻ tội lỗi không còn hi vọng hoán cải cũng mặc, không phải cừu là được.

“Ồ, ông Xanh Cơle”, hắn nói, đặt quyển sách đang đọc xuống. “Tôi nghĩ lúc đầu anh thấy hơi cô độc đấy. Mà tôi cũng không chối rằng tôi cũng thấy đơn điệu. Anh đã lùa cừu vào bãi quây cả rồi phải không? Không lạc mất con nào đấy chứ?”
“Chúng bị nhốt nghiêm ngặt như là một ban hội thẩm xử một tên giết nhà triệu phú”, tôi nói. “Và tôi sẽ quay lại ngay, trước khi cô y tá có qua lớp đào tạo đến”.

Vậy là Ogđen tráo bài và chúng tôi cùng chơi. Năm ngày năm đêm ở ngoài trại chăn cừu qua đi tựa như một tiếng còi ô tô trên đường Brôtuây. Lúc tôi thắng ván to, tôi cảm thấy hồi hộp như mình thắng đến hàng triệu đôla ở Tơriniti. Rồi hắn có vẻ hơi thoải mái nên ngồi kể chuyện về người đàn bà trên toa xe lửa làm tôi cười đến năm phút.


Điều đó chứng tỏ đời đâu có phải là cái gì tuyệt đối. Người ta mà nhìn đủ thứ chán mắt quá thì chẳng buồn quay đầu lại nhìn ngôi biệt thự bừng sáng ánh đèn trị giá đến ba triệu đôla hoặc ngắm biển Ađriatic. Nhưng cứ để hắn ta đi chăn cừu một vụ đi, và ta sẽ thấy hắn ta cười đến vỡ bụng trước bài ca “Tối nay lệnh giới nghiêm không ban hành”, hay thoả thích chơi bài với các bà các cô.

Dần dà Ogđen lôi ra một bình rượu buôcbông, và thế là đàn cừu bị lãng quên hẳn.


“Anh có nhớ đã đọc các báo cách đây một tháng”, hắn nói, “về một vụ tống tiền trên tàu thuộc Công ty Xe lửa K.T. không? Nhân viên an ninh của chuyến tàu bị bắn lủng cả vai và mất khoảng mười lăm nghìn đôla. Người ta đồn chỉ có một người hành động”.

“Hình như tôi có nhớ”, tôi nói, “nhưng những chuyện như thế xảy ra thường xuyên đến nỗi chẳng bao giờ ở lại lâu trong đầu người Têchdát. Thế họ có đuổi theo và tóm được tên ăn cướp không?”.


“Hắn chạy thoát”, Ogđen nói. “Và hôm nay tôi vừa đọc đến tin nói các viên cảnh sát đã truy lùng hắn ta đến tận nơi xó xỉnh này. Hình như tiền mà tên cướp cướp được đều là loại tiền phát hành lần đầu tiên của Nhà băng quốc gia Thứ hai của thành phố Expinôda.


Người ta đã theo dõi dấu vết xem tiền đó được tiêu ở đâu, dấu vết ấy đưa họ theo lối này”.
Ogđen rót thêm rượu và đẩy cái chén đến chỗ tôi.

“Tôi thiết nghĩ”, tôi nói, sau khi uống một hơi cạn chút rượu ngon tuyệt vời, “tên cướp tàu hoả nào mà không chạy xuống ẩn náu ở đây một thời gian ngắn thì chẳng khôn ngoan chút nào.


Một trang trại nuôi cừu bây giờ là nơi ẩn náu tuyệt nhất đấy. Ai ngờ được một kẻ đầu trâu mặt ngựa lại ở chỗ những con chim hót, đàn cừu và những đám hoa dại này cơ chứ? Nhân tiện đây”, tôi nói, nhìn khắp lượt H. Ogđen, “người ta có tả diện mạo tên khủng bố đơn thương độc mã đó không? Nét mặt hắn ra sao, cao hay thấp, béo hay gầy, răng như thế nào, quần áo kiểu gì, họ có in những cái đó trên báo không?”.


“Ồ, không”, Ogđen nói, “không ai nhận được mặt hắn ta vì hắn ta đeo mặt nạ. Nhưng họ biết tên cướp đó tên là Bin Đen, vì hắn luôn hành động một mình, và vì hắn đánh rơi chiếc khăn tay trên chuyến tàu tốc hành có ghi tên hắn trên đó”.
“Tôi cũng đồng ý với Bin Đen là nên chạy về các khu trại nuôi cừu. Đố ai tìm được hắn ta”.


“Người ta treo giải một nghìn đôla nếu ai bắt được hắn đấy”, Ogđen nói.

“Tôi không cần loại tiền ấy”, tôi nói, nhìn thẳng vào mặt người chủ cừu. “Một tháng ông trả cho tôi hai mươi đôla là đủ rồi. Tôi cần nghỉ ngơi, vả lại tôi có thể dành dụm đến khi đủ tiền để trả tiền tàu đi Techxakana, nơi bà mẹ goá bụa của tôi đang sống. Nếu Bin Đen”, tôi nói tiếp, nhìn Ogđen đầy ý nghĩa, “mà đi theo con đường này, giả dụ cách đây độ một tháng và mua một trang trại nuôi cừu và…”.


“Câm họng đi”, Ogđen nói, nhảy phắt khỏi ghế và nhìn dữ tợn. “Có phải anh định ám chỉ…”.

“Không”, tôi nói, “không ám chỉ gì hết. Cứ coi như một liều tiêm dưới da thôi. Tôi nói giả dụ Bin Đen mà đến đây và mua một trại nuôi cừu, đối xử với tôi thẳng thắn và tử tế như ông đây, thì ông ta chẳng có gì phải sợ tôi. Người vẫn là người, dù cho anh ta có mắc mứu gì với cừu hay với tàu hoả cũng không sao. Bây giờ ông biết lập trường của tôi rồi”.

Ogđen nhìn, mặt xám ngoét như món cà phê phải uống cho nhanh ở ngoài lều trại, rồi cười vui vẻ.

“Đúng, anh sẽ làm như vậy, Xanh Cơle ạ”, hắn nói. “Nếu tôi có là Bin Đen, tôi hoàn toàn tin ở anh, không có gì phải lo cả. Tối nay chúng ta chơi độ một, hai ván thôi. Ồ mà nếu anh thấy không có gì đáng ngại phải chơi với một tên cướp”.

“Tôi đã nói với ông tình cảm của tôi, không có gì mờ ám trong tình cảm đó cả”, tôi nói.

Trong lúc tôi còn đang chia bài sau ván thứ nhất, tôi hỏi Ogđen, làm như vô tình là hắn ta từ đâu tới.

“À”, hắn ta nói, “từ thung lũng sông Mitxixipi”.

“Chốn ấy cũng đẹp đấy chứ”, tôi nói. “Tôi cũng thường hay dừng chân ở đấy. Nhưng ông có thấy là ở đấy khá ẩm ướt, thức ăn thức uống nghèo nàn không? Tôi từ bờ Thái Bình Dương đến đây. Ông đã ở đấy bao giờ chưa?”.
“Chỉ rặt gió là gió”, Ogđen nói. “Nhưng nếu anh có đến miền Trung Tây, chỉ cần nhắc đến tôi là có chỗ sưởi chân và được uống cà phê phin ngay”.

“Ồ được”, tôi nói, “tôi không đi tìm số điện thoại riêng của ông và cái tên đệm giữa của bà cô đã quyến rũ viên mục sư giáo hội Trưởng lão Kămbơlen đâu. Không sao. Tôi chỉ muốn ông biết là ông được an toàn trong bàn tay của người chăn cừu của ông. Này, đừng có lấy quân cơ đánh quân bích, mà đừng có lo lắng thế”.


“Cứ lải nhải mãi”, Ogđen nói, lại cười. “Thế anh không cho rằng nếu tôi là Bin Đen và nghĩ rằng anh nghi ngờ tôi, mà trong tay tôi lại có viên đạn súng Uynchextơ thì tôi kết liễu đời anh và chấm dứt sự lo lắng của tôi sao?”.

“Không”, tôi nói. “Một người mà đã có gan cướp đoàn tàu một cách đơn độc không bao giờ lại chơi xỏ nhau thế cả. Tôi đã từng sống lang thang đây đó nên biết họ là loại người biết đánh giá bạn bè. Hơn nữa, tôi đâu dám coi mình là bạn của ông, ông Ogđen ạ. Tôi chỉ dám coi mình là người chăn cừu của ông thôi; nhưng trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn, biết đâu chúng ta có thể là bạn của nhau rồi”.


“Tôi yêu cầu tạm thời hãy quên đàn cừu đi”, Ogđen nói. “Thôi chia bài đi”.


*
* *


Khoảng bốn ngày sau, trong lúc đàn cừu của tôi đang nghỉ trưa trên vũng nước, còn tôi đang lúi húi tranh thủ pha ấm cà phê, bỗng có một người bí mật đi nhẹ nhàng trên cỏ, mặc bộ quần áo mà người đó muốn tỏ ra mình là ai. Quần áo anh ta ở điểm trung gian giữa một thám tử thành phố Kandát, một ông bầu gánh xiếc, và một người được cửa ra nhốt chó cho thành phố Batôn Rugiơ. Cằm và mắt anh ta biểu hiện tư thế chiến đấu, do đó tôi biết người đó chỉ là một gã mật vụ.
“Chăn cừu hả?”, người đó hỏi tôi.


“Vâng”, tôi nói, “trước một con người tinh đời như ông, tôi không dám nói mình làm việc đánh bóng đồng thau hay tra dầu mỡ cho xe đạp”.

“Trông cách ăn nói và dáng dấp của anh không có vẻ gì là người chăn cừu cả”, người đó nói.

“Nhưng ông nói thì tôi đoán ngay ra ông là ai”, tôi nói.

Rồi người đó hỏi tôi đang làm việc cho ai, tôi liền chỉ tay về phía trang trại Chikitô cách đấy độ hai dặm núp dưới bóng một ngọn đồi thấp, sau đó người đó bảo với tôi rằng ông ta là phó cảnh sát quận.

“Có một tên cướp tàu tên là Bin Đen hiện nay đang ẩn nấp đâu đây”, gã cảnh sát nói. “Hắn bị truy lùng đến tận Xan Antôniô và có thể còn xa hơn nữa. Thế anh có nhìn hay nghe thấy kẻ lạ mặt nào quanh đây vào tháng trước không?”

“Không”, tôi nói, “trừ có một thông báo về một người ở khu Mêhicô của trại Lumitx trên sông Phơriô”.

“Anh biết gì về người đó?”, viên cảnh sát lại hỏi.

“Chẳng hay biết tí gì”, tôi nói.

“Người mà anh đang làm thuê trông ra sao? Ông già Gioocgiơ Rami còn sở hữu cái khu này không? Ông ta nuôi cừu ở đây đã mười năm rồi, nhưng chưa bao giờ làm ăn phát đạt cả”.

“Ông già đã bán khu này và đi về Miền Tây rồi”, tôi nói. “Một người ưa chuộng chuyện nuôi cừu khác đã đến mua khu này cách đây một tháng”.

“Trông ông ta thế nào?”, viên cảnh sát phó gặng hỏi.

“Ồ”, tôi nói, “đó là một người gốc Hà Lan to béo, ria để dài và đeo kính râm. Theo tôi ông ta chẳng biết gì về cừu đâu. Tôi nghĩ ông già Gioocgiơ cũng bán cho ông ta với cái giá cắt cổ đấy”, tôi nói.

Sau khi tôi cung cấp cho ông ta những tin chẳng ra đâu vào đâu và ăn gần hết bữa cơm thì ông ta cưỡi ngựa đi.

Tối hôm đó, tôi nói lại chuyện đó cho Ogđen nghe.

“Họ đang lần dấu vết của Bin Đen”, tôi nói. Sau đó tôi kể cho ông ta nghe về viên phó cảnh sát, cách tôi tả hình dáng của ông ta cho viên cảnh sát nghe và viên cảnh sát phó đã có ý kiến gì về vấn đề này.


“Ồ, hay lắm”, Ogđen nói, “thôi chúng ta đừng có chuốc lấy rắc rối của Bin Đen làm gì. Chúng mình có mấy người với nhau thôi mà. Anh vào lấy trong tủ bupphê ra đây chai buôcbông và ta hay uống chúc sức khoẻ cho ông ta - trừ phi”, ông ta nói, cười khúc khích, “anh thành kiến với những người ăn cướp trên tàu”.

“Tôi sẽ uống chúc ai có lòng mong muốn người với người là bạn”, tôi nói. “Và tôi tin rằng Bin Đen sẽ là người như vậy. Bây giờ tôi xin nâng cốc chúc Bin Đen, chúc anh ta gặp may mắn”.

Cả hai chúng tôi nâng cốc uống.

*
* *

Hai tuần sau đến thời kì xén lông cừu. Cừu được đưa đến trại và nhiều người Mêhicô đầu tóc bù xù đến, dùng kéo cắt ngược lông. Vì vậy, vào chiều hôm trước khi những người thợ đó đến, tôi lùa vội những con cừu chưa xén lông qua đồi, rồi qua thung lũng nhỏ, xuống con suối ngoằn ngoèo rồi lại leo ngược lên khu trại, sau đó nhốt chúng vào bãi quây và chào tạm biệt chúng. Lúc đó trời đã tối.


Tôi về khu trại, thấy H. Ogđen đang nằm ngủ trên một chiếc giường nhỏ. Tôi nghĩ có lẽ hắn ta bị cơn bệnh ngủ nhiều, còn gọi là phản mất ngủ, hay một số bệnh chỉ có làm nghề nuôi cừu mới có. Mồm và áo vét của hắn đều mờ và hắn thở như cái bơm xe đạp cũ. Tôi nhìn vào hắn ta và thả cho những ý nghĩ ngộ nghĩnh có dịp bộc lộ. “Hoàng đế Xêda cũng ngủ như thế thôi, chỉ có điều phải ngậm mồm, cho gió khỏi lọt vào mà thôi”.



Người đàn ông nằm ngủ rõ ràng là cảnh khiến cho các thiên thần phải khóc. Không hiểu tất cả những thứ như trí óc, cơ bắp, sống lưng, thần kinh, sự ảnh hưởng và những mối quan hệ gia đình còn ý nghĩa gì không?


Anh ta nằm phó mặc vận mệnh cho kẻ thù, còn hơn thế, cho bạn bè định đoạt. Và anh ta đẹp gần như là con ngựa kéo xe đứng gần rạp hát thành phố vào lúc mười hai giờ rưỡi sáng, mơ về những cánh đồng Ả Rập. Còn người đàn bà nằm ngủ ta thấy khác hẳn. Dù cho mặt mũi cô nàng có trông như thế nào, ta vẫn cứ muốn nhìn cô ta nằm nguyên như thế càng lâu càng tốt.



Sau đó tôi cạn một chén rượu buôcbông và một chén khác vì Ogđen, rồi rúc vào nhà nghỉ, kệ cho hắn đánh một giấc trưa. Trên bàn hắn để vài cuốn sách về những chủ đề xa lạ như Nhật Bản, cống rãnh, thể dục - và một ít thuốc lá sợi, mà có lẽ cái sau cùng mới là cái chính.


Ngồi hít mấy hơi thuốc và nghe H. Ogđen thở phì phò, tôi vô tình nhìn ra ngoài cửa sổ về phía bãi quây cừu, nơi có một con đường mòn tiếp con đường chạy qua một thung lũng con ở phía xa.

Tôi thấy có năm người đang cưỡi ngựa về phía căn nhà. Tất cả đều quàng súng qua yên ngựa, trong đó có cả viên cảnh sát phó mà tôi đã nói chuyện ngoài trại.

Họ tiến cẩn thận, theo đội hình tấn công, súng lăm lăm. Đặc biệt tôi nhìn chăm chú vào một người tôi tin chắc đấy là ông trùm của đội kị binh giữ gìn an ninh trật tự này.

“Xin chào các ngài”, tôi nói. “Xin mời các ngài xuống ngựa”.

Ông trùm cưỡi ngựa tiến sát đến chĩa họng súng vào mũi tôi.

“Không được động đậy, sau khi ngươi và ta đã có một cuộc trao đổi cần thiết”.

“Tôi sẽ không động đậy”, tôi nói. “Tôi không câm điếc, vì vậy không việc gì phải cưỡng lại lệnh của ngài”.

“Chúng tôi đang truy lùng Bin Đen, kẻ đã cướp mười lăm nghìn đôla trên tàu của Công ty K.T. vào tháng năm. Chúng tôi đang đi lục soát các trang trại và mọi người ở đây. Tên anh là gì và anh làm gì trên cái trại này?”.

“Thưa đại uý”, tôi nói, “Pecxivan Xanh Cơle là nghề của tôi và tên tôi là chăn cừu. Tôi chăm đàn bê, à không đàn cừu, tôi nay được mang nhốt ở đây. Những người kiểm soát ngày mai sẽ đến để xén lông, bằng rượu thì phải”.


“Ông chủ trại này đâu?”, viên đại uý hỏi.

“Xin ngài chờ một tí, ngài đại uý”, tôi nói. “Thế không có giải thưởng cho ai bắt được kẻ liều lĩnh mà ngài có nói trong lời nói đầu của ngài à?”.

“Có treo giải một nghìn đôla”, viên đại uý nói, “nhưng đấy là thưởng cho ai bắt và đem hắn ra nộp. Chứ không có điều khoản nào nói về việc thưởng cho ai chỉ điểm cả”.

“Trời trông như ngày một ngày hai nữa thì mưa ấy”, tôi nói, mệt mỏi nhìn lên bầu trời xanh.

“Nếu anh biết địa điểm, tính tình hay cái mật danh của tên Bin Đen này”, ông ta nói nghiêm nghe đặc giọng địa phương, “mà không bẩm báo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

“Tôi có nghe thấy một người chăn ngựa”, tôi nói, giọng không được mạch lạc, “kể là có một người Mêhicô bảo với cậu bé chăn bò tên là Giêch bên cửa hàng ở phố Nuetx rằng ông ta có nghe thấy người anh họ của một người chăn cừu nói đã nhìn thấy Bin Đen ở Matômorat cách đây hai tuần”.

“Nghe tôi nói đây, anh chàng Miệng Ngậm Tăm ạ”, viên đại uý nói, nhìn tôi một lượt rồi mặc cả, “nếu anh chỉ cho chúng ta tóm được Bin Đen, ta sẽ lấy tiền túi của ta, à của bọn ta thưởng anh một trăm đôla. Thế là hào phóng rồi đấy. Anh chẳng mất cái gì cả. Nào, nói đi”.

“Đặt tiền ra chứ”, tôi hỏi.

Viên đại uý bàn bạc gì đó với những người cùng đi, rồi sau đó tôi thấy họ dốc túi ra. Kết quả họ có tất cả một trăm linh hai đồng ba hào tiền mặt và thuốc lá bánh trị giá ba mươi mốt đôla.

“Lại gần đây, đại uý”, tôi nói, “và nghe đây”. Viên đại uý tiến lại gần.

“Tôi nghèo rớt và là kẻ hèn hạ ở trên đời này”, tôi nói. “Tôi làm việc để mong kiếm mỗi tháng mười hai đôla, chăn đàn súc vật, mà bọn cừu này lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao tách nhau ra thôi, dù cho tôi có tự cho mình có gì khấm khá hơn cái bang Nam Đacôta thì cũng thấy vận mình sa sút, từ xưa đến nay chỉ tiếp xúc với cừu dưới dạng những miếng thịt sườn.

Sở dĩ có cái cảnh bĩ cực ấy cũng là do những tham vọng của mình bị tan thành mây khói, tại đủ các loại rượu người ta bày suốt dọc đường trên tàu của Công ty Đường sắt PRR từ Xkrantơn đến Xinxinati, nào rượu rum, nào rượu gin, nào vécmút Pháp, ông ạ. Nếu ông có đi theo con đường ấy, đừng quên thử xem sao.

Vả lại tôi không bao giờ phản thùng bạn bè cả. Tôi ở bên họ khi họ dư dật, và khi vận nghịch đến với tôi, tôi cũng không bao giờ bỏ rơi họ”.

“Nhưng”, tôi nói tiếp, “đây hoàn toàn không phải trường hợp một người bạn. Mười hai đôla một tháng chỉ là món tiền gọi là quen thuộc sơ sơ thôi. Tôi cũng không coi những hạt đậu nâu và bánh ngô là thức ăn của tình bạn. Tôi là kẻ nghèo”, tôi nói, “và tôi có một mẹ già goá bụa ở Techxacana.

Ngài sẽ tìm thấy Bin Đen đang nằm ngủ trong căn nhà này, trên một cái giường con trong buồng về phía bên phải ngài. Đó chính là người ngài cần, vì qua lời nói và những buổi nói chuyện tôi biết đúng hắn ta rồi. Hắn ta cũng phần nào đó gọi là bạn được”, tôi giải thích, “và nếu tôi là con người trước kia thì toàn bộ sản phẩm của các khu mỏ vàng Gônđôla cũng chẳng quyến rũ nổi tôi phản bội hắn ta.

Nhưng hàng tuần có đên một nửa số đậu tôi ăn có sâu và đêm không có đủ củi sưởi ngoài lều trại”.

“Nên đi vào cẩn thận, các ngài ạ”, tôi nói, “có những lúc hắn ta có vẻ rất sốt ruột và khi ta mà nghĩ đến hành động ăn cướp chuyên nghiệp vừa qua của hắn, chắc ta sẽ có những hành động kịp thời nếu đột nhiên bắt gặp hắn”.

Toàn đội cảnh sát xuống ngựa và buộc ngựa lại, sau đó tháo vũ khí đạn dược ra, rón rén đi vào nhà. Còn tôi thì đi theo, cứ như nàng Đalila phản bội, nộp Xamxơn cho những tên Philixtanh.

Viên đội trưởng lay lay đánh thức Ogđen dậy. Và khi hắn chồm dậy, thêm hai người đi săn giải thưởng nữa tiến đến tóm hắn. Mảnh khảnh vậy mà hắn rất khoẻ và hắn dùng chân đánh bạt cả viên cảnh sát đi, trông ngon lành chưa từng thấy.
“Thế này là thế nào?”, hắn nói, sau khi họ lôi hắn xuống.

“Ông đã bị bắt, ông Bin Đen ạ”, viên đại uý nói. “Chỉ có thế thôi”.

“Đây là một sự xúc phạm trắng trợn”, H. Ogđen nói, càng vùng vẫy điên cuồng hơn.

“Đúng vậy”, con người ưa chuộng hoà bình và có thiện chí nói. “Đoàn tàu của Công ty K.T. không làm phiền ông, nhưng còn có luật để chống lại việc táy máy những cái gói tiền trên chuyến tàu tốc hành chứ?”


Sau đó ông ta ngồi lên bụng Ogđen và lần lượt sờ khắp các túi của hắn một cách cẩn thận.
“Tôi sẽ làm cho các ông phải toát mồ hôi ra vì chuyện này”, Ogđen nói, người hắn cũng thấy toát mồ hôi. “Tôi sẽ chứng minh tôi là ai”.


“Ta cũng có thể làm được”, viên đại uý nói, khi ông ta rút từ trong túi áo khoác của H. Ogđen một nắm đầy những tiền mới toanh của Nhà băng Quốc gia Thứ hai của thành phố Expinôda. “Những thiếp mời in nổi vào ngày thứ ba và thứ sáu của nhà ngươi cũng không thể chứng minh hùng hôn bằng những đồng tiền này. Bây giờ ngươi có thể ngồi dậy và chuẩn bị đi theo chúng tao đến nơi thanh toán tội ác của ngươi”.


Ogđen đứng dậy, nắn lại khăn quàng cổ. Sau đó hắn không nói gì nữa khi họ đã lấy hết tiền khỏi người hắn.


“Một ý đồ vô cùng trơn tru”, viên đại uý nói, tỏ vẻ tán thưởng. “Xuống ẩn náu tại nơi này và mua một trại cừu nhỏ để không ai có thể tìm ra tung tích. Thật là một nơi ẩn náu khôn ngoan nhất đấy”.


Rôi một viên cảnh sát đến chuồng xén lông, lùng được một người chăn cừu khác, một người Mêhicô tên gọi là Giôn Xali, bảo anh ta đóng yên ngựa của Ogđen, sau đó tất cả cảnh sát cưỡi ngựa sát quanh hắn, súng lăm lắm trong tay, chuẩn bị đưa tù nhân về thành phố.


Trước khi lên đường, Ogđen trao cái trại cho Giôn Xali cai quản và bảo anh ta xén lông cừu, dẫn đàn cừu đi gặm cỏ ở đâu, cứ như hắn ta có ý định đôi ba ngày nữa sẽ quay lại. Và một hai giờ sau người ta có thể thấy một Pecxivan Xanh Cơle, một người chăn cừu cũ của trang trại Chikitô, có một trăm đôla tiền lường và tiền thưởng ở trong túi, cưỡi trên con ngựa khác của trại đó về phía nam.

*
* *


Người mặt đỏ dừng lại và lắng nghe. Tiếng còi của chuyến tàu hàng vang lên xa xa giữa những khu đồi thấp.
Người béo tốt, buồn bã ngồi bên cạnh khịt khịt mũi, rồi từ từ lắc cái đầu bẩn một cách khinh miệt.

“Gì thế, Xnipi?”, người kia hỏi. “Lại buồn chán gì rồi?”.

“Không phải”, người buồn trả lời, lại khịt khịt mũi.

“Nhưng tôi không thích câu chuyện của cậu. Tôi và cậu là bạn của nhau, tuy rằng có những lúc xa nhau, trong mười lăm năm trời; và tôi chưa bao giờ nghe chuyện cậu đi khai báo người khác cho pháp luật cả - một người cũng chưa.

Vậy mà đây lại là một người đã cho cậu ăn và đã ngồi bên chiếu bạc, cứ cho là thế đi, đánh bạc với cậu.

Thế mà cậu lại đi bẩm báo người đó để được tiền thưởng. Tôi nghĩ, cậu chẳng bao giờ lại như thế cả”.

“Sau này tôi có nghe nói rằng anh chàng H. Ogđen”, người mặt đỏ kể tiếp, “nhờ có một luật sư và nhờ vào những điều luật khác, đã chối phăng lúc đó mình không có mặt ở đấy và anh ta đã vô tội. Anh ta đã giúp tôi, vậy mà tôi lại ghét anh ta và khai báo anh ta”.

“Thế còn những đồng tiền họ tìm thấy ở trong túi anh ta thì sao?”, người buồn hỏi.

“Tôi để vào đấy”, người mặt đỏ trả lời, “trong lúc anh ta đang ngủ, vì tôi thấy có cảnh sát đang đi ngựa lại. Tôi mới là Bin Đen, Xnipi, tàu đến kia rồi! Chúng ta lên ngồi ở chỗ hãm xung trong lúc tàu còn lấy nước đi!”


Chú thích:
(1) Nhân vật trong tiểu thuyết Robinson Crusoe của Daniel Defoe, bị lạc trên hoang đảo.


HOÀN




Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 30-9-2013 09:30:12 | Chỉ xem của tác giả
Xuân trên thực đơn



Nguyên tác :Spring à la carte


Đấy là một ngày tháng Ba.

Không bao giờ, nên nhớ là không bao giờ bạn viết như thế khi bắt đầu một mẩu truyện. Không có câu mở đầu nào tệ hại hơn nữa. Như thế là thiếu sáng tạo, đơn điệu, khô khan, và có thể rồi chỉ có gió… Nhưng trong hoàn cảnh này, câu trên lại có thể được người đọc chấp nhận. Vì lẽ, câu văn sau đây, đánh lẽ có thể được dùng để khánh thành mẩu truyện, lại quá cường điệu và đường đột nếu ta dứ trước mắt người đọc mà thiếu sự chuẩn bị.

Sara đang khóc trên bản thực đơn của cô.

Cứ nghĩ đến một cô gái New York nhỏ nước mắt trên một bản thực đơn!

Để lý giải việc này, cho phép bạn đoán là có thể do tôm hùm không có trong thực đơn, hoặc là cô đã thề trong mùa Chay Tịnh (thời gian 40 ngày trước lễ Phục Sinh, khi nhiều tín đồ Ki-tô thực hiện nghi thức tôn giáo gồm nhịn ăn và tỏ lòng sám hối về tội lỗi của mình) là sẽ không đụng đến món kem lạnh, hoặc là cô đã lỡ gọi món hành, hoặc là cô đã có một bữa ăn thịnh soạn. Rồi khi mọi giả thuyết này đều không đúng, xin bạn vui lòng để câu chuyện được tiếp tục.

Cái ông, đã tuyên bố rằng thế giới chỉ là một con sò mà ông có thể dùng thanh gươm để tách nó ra, thì có thể gây tiếng vang lớn hơn là do ông có thực tài. Tách hai mảnh vỏ của con sò bằng gươm thì chẳng khó gì cả. Nhưng có khi nào bạn thử tách con sò trên cạn với máy đánh chữ không?

Sarah đã cố tách vỏ sò bằng vũ khí của cô. Không biết gì về tốc ký, cô không thể tham gia vào vũ trụ của những tài năng mà bạn thấy thường đi ăn trưa với đồng nghiệp của họ trong thời gian xe điện ngầm bãi công. Cô chỉ là thư ký đánh máy làm việc tự do trong những nghề kỳ lạ chuyên lo ghi chép.

Thành tựu sáng chói và danh giá nhất trong việc Sarah đấu giá với đời là sự dàn xếp với nhà hàng Schulenberg’s - một cái tên Đức. Nhà hàng này nằm kế cận toà nhà có phòng mà cô thuê trọ. Một buổi tối nọ, sau một bữa ăn đáng giá 40 cent gồm năm món (được dọn ra cho khách nhanh như khi bạn ném năm quả bóng vào ông da đen), Sarah mang đi bản thực đơn. Nó được viết bằng nét viết thảo, hầu như không ai đọc ra đấy là chữ Anh hay chữ Đức, mà cách viết lại lộn xộn đến nỗi nếu bạn không cẩn thận thì bạn có thể bắt đầu bữa ăn bằng cây tăm xỉa răng, rồi đến bánh ngọt, rồi đến món súp và ngày trong tuần. (Người phương Tây bắt đầu bữa ăn bằng món súp, thường là “súp trong ngày” nếu là trong nhà hàng, cuối cùng là bánh ngọt. Vì thực đơn viết lộn xộn nên thứ tự các món ăn bị đảo lộn và lại viết không rõ ràng nên món “súp trong ngày” bị đọc thành “ngày trong tuần”) .

Ngày kế, Sarah cho Schulenberg xem một tờ thực đơn hoàn chỉnh, chữ đánh máy đẹp, với tên các món ăn được sắp xếp đầy hấp dẫn đúng theo nghĩa vụ của chúng và đặt dưới tiểu tựa thích hợp, từ các món ăn nhẹ đến việc không nhận trách nhiệm về áo khoác và dù của khách.

Schulenberg xem như được thực sự là công dân Mỹ ngay tại chỗ, nhờ việc chỉnh sửa ngữ pháp và chính tả trên bản thực đơn của ông ! Sarah đạt được thoả thuận với ông. Cô sẽ đánh máy thực đơn cho hai mươi mốt bàn trong nhà hàng - một bộ thực đơn mới cho mỗi bữa ăn tối, thực đơn mới cho các bữa ăn sáng và trưa khi món ăn có nhiều thay đổi hoặc khi tờ thực đơn cũ đã nhăn nheo. Để bù lại, mỗi ngày Schulenberg cung cấp cho Sarah ba bữa ăn do một anh bồi – đầy hăng hái hết mức có thể - mang đến tận phòng trọ. Mỗi buổi chiều, Sarah sẽ nhận một bản nháp thực đơn viết bằng bút chì, thảo ra những gì mà Định Mệnh sẽ dành cho thực khách vào ngày hôm sau.

Hai bên đều hài lòng với thoả thuận này. Bây giờ thực khách của Schulenberg biết món mình ăn có tên gọi là gì, tuy đôi lúc vẫn còn hoang mang do chính bản chất lôi thôi của các món ăn ấy. Còn Sarah thì được ngày ba bữa trong mùa đông lạnh lẽo, vô vị, và chính yếu đấy là điều cô cần.

Một ngày, bản niên biểu thời tiết dối trá cho là mùa xuân đã đến. Mùa xuân sẽ đến khi nó phải đến. Tuyết của Tháng Giêng vẫn còn cố chấp bao phủ trên đường phố. Các đàn óc-gan vẫn còn chơi khúc nhạc về mùa hè, với bao âm điệu rộn rã của Tháng Mười Hai. Mọi người bắt đầu ghi chú ba mươi ngày trước để nhớ mua áo mùa Phục Sinh. Những người gác dan đã đóng vòi hơi nước (hơi nước nóng được bơm vào hệ thống ống dẫn đên các phòng để sưởi ấm). Và khi những việc như thế xảy ra, ta có thể biết rằng thành phố vẫn còn bị mùa đông siết chặt.

Một buổi chiều, Sarah run rẩy trong phòng ngủ lịch sự của cô; toà nhà được sưởi, được quét dọn kĩ càng, mọi tiện nghi đều có; phải nhìn tận mắt mới đánh giá cao được. Cô không có việc gì làm ngoại trừ mấy bản thực đơn của Schulenberg. Sarah ngồi trên chiếc ghế đu làm bằng gỗ cây liễu kêu cót két, và nhìn ra ngoài cửa sổ. Tấm lịch trên tường khóc với cô không ngớt: “Mùa xuân đã đến, Sarrah, mùa xuân đã đến, báo cho cô biết đấy. Hãy nhìn con số của tôi đây, Sarah, các con số của tôi chỉ về mùa xuân. Cô cũng có các số đo đẹp – các số đo của mùa xuân – nhưng tại sao cô lại nhìn ta cửa sổ buồn bã thế kia?”

Phòng của Sarah nằm ở mặt sau của toà nhà. Khi nhìn qua cửa sổ, cô có thể thấy bức tường gạch đỏ không cửa sổ của một nhà máy sản xuất bao bì trên con đường kế bên. Nhưng bức tường trong suốt như thuỷ tinh, và Sarah đang nhìn xuống một con đường mòn dài, rợp bóng cây anh đào và cây đu, với hai bên lề lót những bụi mâm xôi và dây hồng dại.

Đội tiền quân đích thực cuả mùa xuân thì quá tinh tế, tai và mắt ta khó nhận ra. Người khác phải thấy có hoa huệ tây đang nở, sơn thù du, tiếng hót của chim xanh – ngay cả lời nhắc nhở thô thiển kiểu như cái bắt tay vĩnh biệt của kiều mạch và sò biển - truớc khi họ có thể dang rộng tay chào đón Nàng Xuân vào vòng tay vô vị.

Vào mùa hè năm trước, Sarah đã đi về miền quê và yêu một nông gia.
Khi bạn viết truyện, không bao giờ bạn nên viết trở về quá khứ theo cách như thế. Đấy là thứ nghệ thuật tồi, nó làm què quặt mọi sự chú ý. Phải tiến tới, tiến tới trước nữa.

Một tiếng gõ trên cánh cửa làm tan vỡ những mơ mộng của Sarah về những ngày hạnh phúc ấy. Anh bồi mang bản thảo tờ thực đơn cho ngày hôm sau, do ông giá Schulenberg thảo tay bằng bút chì.

Sarah lưu lại ở trang trại Sunnybrook trong hai tuần. Ở đấy, cô đã yêu WWalter, con trai của nông dân Franklin. Mấy nông dân đã từng yêu và thành hôn rồi trở thành cỏ trong thời gian ngắn hơn. Nhưng anh trai trẻ Walter Franklin là một nhà nông học tiến bộ. Walter đã tán tỉnh và chiếm được con tim của Sarah trên con đường mòn ấy, đầy bóng mát và các bụi mâm xôi. Họ đã ngồi bên nhau và hái các nụ hoa bồ công anh để bện thành vương miện cho mái tóc của cô. Anh đã phóng đại ca ngợi vẻ đẹp của các nụ hoa vàng trên mái tóc nâu của cô, và cô đã bỏ lại sợi dây chuỗi của mình ở đấy, bước đi về nhà vung vẩy chiếc mũ rơm trên tay. Họ hẹn sẽ cưới nhau vào mùa xuân - Walter bảo vào lúc có những dấu hiệu đầu tiên của màu xuân. Và rồi Sarah đã trờ lại thành phố để gõ máy đánh chữ.

Sarah ngồi xuống bên cái máy đánh chữ, luồn một tờ giấy cứng giữa hai trục lăn. Bình thường cô làm khá nhanh, chỉ trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ là cô đánh xong hai mươi mốt bản thực đơn.

Hôm nay thức ăn có nhiều thay đổi hơn bình thường. Các món súp lỏng hơn, không còn có thịt heo trong các món ăn nhẹ, mà lại có rau diếp Nga trong số các món thịt nướng. Tinh thần sang trọng của mùa xuân lan tràn trên khắp bản thực đơn. Thịt cừu, vốn ngay trước đấy còn nhảy nhót trên các sườn đồi xanh, đã được khai thác với nước sốt để kỷ niệm các vũ điệu. Bài hát của sò biển, tuy không bị ngậm miệng im tiếng, đã trở nên một khúc thì thầm của mùa xuân. Cái chảo chiên được xếp xó, bất động sau mấy thanh vỉ của lò nướng. Danh sách các món bánh trái cây dài ngoằng ra; các loại bánh nhiều béo đã biến mất; xúc xích, với tấm áo dày cộm cuốn quanh, không ở nán lại lâu.

Các ngón tay của Sarah nhảnh múa như đàn chuồn chuồn lượn trên mặt nước ao mùa xuân. Cô đánh tên từng món ăn theo thứ tự từ trên xuống dưới, lấy mắt để điều chỉnh chính xác mỗi tên tuỳ dài ngắn.

Ngay trên các món tráng miệng là danh sách các loại rau. Cà rốt và đậu, măng tây ở trên bánh mỳ nướng, các loại cà chua và ngô phục vụ quanh năm, đậu ngự, bắp cảroo - và rồi -…

Sarah đang khóc trên bản thực đơn của cô. Những giọt lệ từ sâu thẳm của mối thất vọng nào đấy dâng lên trong tim cô và trào ra khoé mắt. Cô gục đầu trên cái giá của máy đánh chữ, và các phím chữ canh cách tạo nên khúc đệm khô khan cho những nức nở của cô.

Vì cô đã không nhận được thư từ gì của Walter trong hai tuần nay, và món kế tiếp trên bản thực đơn là món rau bồ công anh, bồ công anh trộn với trứng gì đấy – nhưng để ý đến trứng làm gì! - bồ công anh với những nụ hoa vàng chói mà Walter đã dùng để phong cho cô làm nữ hoàng của tình anh và cô dâu tương lai của anh - bồ công anh, quân tiên phong của mùa xuân, vương miện của nỗi sầu thảm của cô – đã gợi lại cho cô về những ngày hạnh phúc nhất.

Thưa quý bà, tôi thách quý bà dám cười nếu quý bà trải qua ba cuộc trắc nghiệm đau khổ này: giả dụ quý bà thấy những nụ hoa hồng mà ông nhà đã tặng bà khi bà trao trọn con tim mình cho ông ấy, giờ được dùng làm món rau trộn với nước sốt Pháp, dọn lên trước mắt bà ở nhà hàng Schulenberg! Nếu nàng Juliet thấy những biểu tượng của tình yêu do chàng Romeo trao tặng bị làm nhục như thế, thì hẳn cô ấy sẽ uống thứ thuốc độc kia sớm hơn là trong tình sử mà Shakespear đã viết!

Nhưng Nàng Xuân quả là ác độc! Nàng cần gửi tín hiệu của mình đến thành phố bao la nhưng lạnh lẽo với toàn đá và sắt. Không có ai để nhờ gửi ngoại trừ anh liên lạc viên rắn rỏi với lớp áo xanh nhám và dáng vẻ khiêm tốn. Anh chỉ là một quân sĩ phiêu lưu, cây dent-de-lion – răng sư tử, theo như giới bồi bếp Pháp gọi. Khi nở, anh giúp đỡ cho tình yêu, lồng lên mái tóc nâu của cô nàng tôi; khi còn non và mọng và còn búp, anh đi vào cái nồi luộc và phát tín hiệu của cô chủ tối thượng của anh.

Dần dần, Sarah cố cầm nước mắt. Cần phải đánh máy xong các bản thực đơn, nhưng, vẫn còn chím đắm trong cơn mơ lặng lờ với hoa bồ công anh vàng chói, cô lơ đãng lướt các ngón tay trên bàn phím một lúc, với trí óc và con tim vẫn còn vương trên con đường mòn giữa cánh đồng với anh nông gia trẻ. Nhung chẳng bao lâu cô đã nhanh chóng trở lại với những đường mòn lát đá của khu Manhattan, rồi cái máy đánh chữ lại lách cách vang lên như chiếc mô tô của cảnh sát đi giải tán đám đình công.
Lúc 6 giờ, anh bồi mang bữa ăn tối đến cho cô và manh đi các bản thực đơn đánh máy. Khi Sarah ăn, với một tiếng thở dài cô gạt qua một bên đĩa rau bồ công anh trộn trứng. Khi những nụ hoa vàng chói thắm đượm tình yêu bị chuyển thể thành mớ rau đen đủi thấp hèn ấy, những hy vọng mà cô ấp ủ từ mùa hè cũng héo úa, tàn tạ theo. Tình yêu có thể tự nuôi dưỡng nó, như Shakespear đã nói, nhưng Sarah không thể nuốt nổi món bồ công anh vốn khi còn là hoa cảnh đã tô điểm bàn tiệc tinh thần đầu đời được dọn cho tình cảm chân thật của con tim cô.

Lúc 7 giờ 30, đôi vợ chồng phòng bên bắt đầu cãi nhau; người đàn ông ở trên tầng trên đang thử nốt nhạc A trên cây sáo của ông, ga đốt xuống thấp hơn, ba chiếc goòng than đá bắt đầu xuống hàng – âm thanh duy nhất khiến cái máy hát ghen tức, những con mèo trên hàng rào sân sau bắt đầu rút lui. Với những dấu hiệu này, Sarah biết đây là giờ cô đọc sách. Cô lấy một quyển ra đọc, bắt đầu lang thang cùng với nhân vật chính trong truyện.

Chuông cửa kêu vang. Bà chủ trả lời. Sarah bỏ mặc nhân vật chính, nghe ngóng. Đúng thế, bạn sẽ làm y như cô! Rồi có một tiếng nói mạnh mẽ vang lên từ hành lang bên dưới, rồi Sarah phóng ra cửa, để mặc quyển sách nằm trên sàn nhà.
Bạn đã đoán đúng. Cô chạy xuống đến đầu cầu thang cùng lúc anh nông gia của cô cũng chạy đến đấy, nhảy một bước ba bậc, rồi cắt ngay lấy cô, gặt cả cô, không còn để lại gì cho dân đi mót lúa. Sarah nức nở:
- Tại sao anh không viết thư cho em? Tại sao thế?
- New York quả là một thành phố lớn. Tuần trước anh đến tìm em tại địa chỉ cũ.Lúc đấy anh mới biết là em đã dời đi hôm Thứ Năm rồi. Anh cảm thấy an ủi phần nào, vì tránh được ngày Thứ Sáu xui xẻo. Nhưng nó cũng không ngăn anh truy lùng em cùng với cảnh sát và nhiều cách khác, kể từ ngày ấy.
Sarah cả quyết:
- Em có viết thư cho anh!
- Anh không hề nhận được.
- Thế thì làm thế nào anh tìm được em?
Anh nông gia trẻ nở một nụ cười xuân:
- Tối nay anh ghé vào nhà hàng kế bên. Anh không cần biết ai là chủ; vào mùa này trong năm anh chỉ muốn ăn một món rau xanh gì đấy. Anh lướt mắt qua bản thực đơn đánh máy lịch sự ấy để tìm món như thế. Khi anh đọc xuống qua món bắp cải, anh đánh bật cái ghế ngã chỏng chơ, ầm ỹ gọi ông chủ. Ông ấy cho anh biết em ở đây.
Sarah thở phào vui sướng:
- Em nhớ ra rồi. Đấy là món rau bồ công anh ghi dưới bắp cải.
- Anh nhận ra nét chữ W nằm cao hơn hẳn các chữ khác do máy đánh chữ của em tạo ra. Chắc đi đâu trên quả đất này anh cũng nhận ra nó!
Sarah ngạc nhiên:
- Sao thế? Trong từ “bồ công anh” không có chữ W!
Anh trai trẻ rút từ túi áo ra bản thực đơn, chỉ vào một dòng. Sarah nhận ra đấy là bản thứ nhất cô đánh máy ban chiều: ở góc bên phải vẫn còn một vết nhoè nơi một giọt nước mắt của cô rơi xuống. Nhưng trên dòng chữ nơi người ta đáng lẽ đọc được tên loại cây trên cánh đồng cỏ, tâm tư vương vấn về các nụ hoa vàng chói đã khiến các ngón tay cô gõ những phím chữ kỳ lạ.
Chen giữa hai món bắp cải và ớt xanh nhồi thịt là món:
“WALTER YÊU DẤU TRỘN TRỨNG LUỘC”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
Đăng lúc 19-5-2014 14:05:07 | Chỉ xem của tác giả
t nhận truyện này nhé mod

mong mod tạo điều kiện ạ

cảm ơn mod rất nhiều

Bình luận

vâng, cảm ơn mod ạ ^^  Đăng lúc 19-5-2014 09:52 PM
cô post tiếp đi nhé.  Đăng lúc 19-5-2014 09:45 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
Đăng lúc 4-6-2014 10:53:15 | Chỉ xem của tác giả
Cánh cửa màu lục





Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
Đăng lúc 4-6-2014 10:59:12 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện tỉnh lẻ



Bình luận

đừng điêu, cô không hề trả rep t nhá, t đang thắc mắc đây này ><  Đăng lúc 4-6-2014 11:13 AM
á à k trả dép nhau nhé  Đăng lúc 4-6-2014 11:12 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
Đăng lúc 4-6-2014 11:13:15 | Chỉ xem của tác giả
Cây xương rồng



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
Đăng lúc 4-6-2014 11:15:51 | Chỉ xem của tác giả
Chuyến phà nhỡ nhàng



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
Đăng lúc 4-6-2014 11:41:00 | Chỉ xem của tác giả
Đêm Ả Rập tại quảng trường Mađixơn



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách