Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: vunhuquynh26
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tớ Là Dâu | Joe Ruelle (Phần 51: Archie- Hết)

[Lấy địa chỉ]
41#
 Tác giả| Đăng lúc 22-4-2015 20:45:59 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Ngôn ngữ chat


Sáng nay mình ngủ dậy và quyết định học kiểu chat internet của thanh niên Việt Nam.

Thứ nhất, mình quyết định thay chứ “ô” bằng chữ “u” – nhưng chỉ trong mụt số trường hợp đặc biệt thui! Như vậy lối viết của mình sẽ nhẹ hơn, dễ chịu hơn, thân thiện hơn… chắc các bạn hiểu ý của mình rùi!

Trong mụt số trường hợp khác, mình sẽ bỏ chữ “ô” hẳn ra. Nếu viết quá chuẩn thì văn của mình sẽ nặng nề, khiến cho người đọc thấy chán. Tức là phải sửa lun – mình không mún làm người khác bùn đâu!

Không phải riêng nguyên âm thui đâu mà cũng có nhiều phụ âm nên bỏ ra. Chữ “n” là mụt trong nhữg “nghi phạm” nổi bật nhất. Vâg, chữ ấy đôi khi rất phí – nhưg cũng có nhiều chữ phí khác nữa, chưa xog đâu!

Chữ “h” ở cuối mụt số từ nhìn rất khó chịu! Không phải mỗi mìn đâu mà còn rất nhiều bạn của mìn nữa cũg nói vậy – khó chịu mụt cách kin khủg! (Chữ “k” ở đầu mụt số từ khác lại còn khó chịu hơn nữa, mìn hôg chịu nổi)

Có ai đồng ý với mìn rằg 2 chữ “q” và “u” xấu lắm hôg? Chữ “w” đẹp hơn nhiều chứ! Nếu chát yahoo và có người viết 2 chữ ấy thì mìn sẽ nói lun: “Trùi ui, cái gì mà wê thế!” – để họ sẽ wen với wan điểm wần chúg của giới trẻ trog wốc.

Việc thay 2 chữ xấu bằg mụt chữ đẹp cũg rất lô-gíc đấy! Ví dụ, 2 chữ “ch” ở cúi mụt số từ nhìn rất rườm rà, làm hỏg cả câu lun! Túm lại, mìn cực kỳ hôg thík! Sút ngày “ch”, “ch”, “ch”, trùi ui, lík kík lắm, lại còn cũ rík nữa, thui thay bằg chữ “k” đi, để lối viết của mìn sẽ kík thík hơn!

Tiếg Việt cũg hay dùg chữ “gì”. Cái gì? Món gì? Phố gì? Chúa ui, chán wá đi mất! Hai chữ “g” và “i” đứg cạnh nhau nhìn rất “béo”! Trái lại, chữ “j” đứg ở mụt mìn nhìn rất “gầy”, rất “người mẫu”! Thui, yêu “chữ mẫu” đi, yêu chữ béo làm j???

Nói về tìn yêu, khi viết “anh yêu em” mụt số cô gái Việt Nam sẽ thấy xấu hổ, đặc biệt là nhữg ai hôg tự tin lắm về cảm xúc của bạn trai mìn. Các bạn gái ơi, hãy thay 2 chữ “ye” xấu xí bằ g mỗi chữ “i” xin xắn đi! Viết “em iu anh” thì đỡ rủi ro hơn nhiều (hoặc cứ viết “iu an wá trời un!” cho máu) – bạn trai nhận lời iu thì tốt, hôg iu thì cũg hôg sao cả, cứ bảo là nói đùa thui!

Way lại với chuyện nguyên âm, mìn hôg hiểu tại sao mụt số người vẫn cứ cho rằg chữ “ă” đẹp hơn chữ “e”!?? Kệ nhữg người đó chứ, họ kiêu lém, cổ hủ lém!

Nhưg hôg fải chữ “ê” lúc nào cũg đẹp. Câu “em không biết” chả có j hay cả. Trái lại, câu “em hôg bít j đâu” nghe dễ thươg lém! Các bạn hỉu hôg? Mìn fải cố gắg để nói nhẹ chứ, đặc bịt là với fái iu. Nói cứg wá với mụt cô mìn thík thì – chít!

Nè! Ai bảo 2 chữ “a” và “y” lúc nào cũg wan trọg? Ai bảo 2 chữ “ph” lúc nào cũg lúi cún? (Hôg fải mìn!) Fí thế! Ai bảo chữ “c” úc nào cũg hay hơn chữ “k”? Có rất nhìu trườg hợp khác nữa mà fải thay chữ xấu bằg chữ đẹp, rất tiếk mìn hôg có đủ thời jan để jải thík hít!

Kác nguyên và fụ âm ở trên được jải wits xog, mìn sẽ bắt đầu tập trug vào việc viết tắt (vt). Bh cg  n‘ ng noi’ rg vt wá n‘ k tốt lém. Nhưg thui – vđề k fai la vt co’ tốt h k, vđề la fai vt ntn!!!

Rùi có lẽ mìn nin cho mụt chút ja vị SG vô! Cg  n ‘ ng HN, đặc bịt là ng trẻ, cho rg ng SG sốg 1 kách rất dzui dzẻ. Vậy chuyện thanh nin HN bắt chước thanh nin SG hôg dzô dzuyên tí j! Ở ngoài Bắc nè ai cg  thík nói “1,2,3 dzô”!!! Thiệt nghen!

Chuyện “1,2,3 dzô” nhắc lại 1 đìu khác nữa: mún trở thành chatter VN thiệt thì lúi vít kủa mìn nên dc bày biện bởi nhìu kon số! Thay vì “chào” bạn, mìn sẽ “2” bạn thui! Thay vì chúc bạn ngủ ngon, mìn sẽ “g9” bạn thui! Và có ai hỏi số dt thì mìn sẽ trả lời ngay: 6677028!

Nhưg kon số hôg có tìn cảm. Bh làm tn để lối vít kủa mìn đầy tìn cảm nhỉ?? Hay là cho mụt số từ miêu tả tiếg khóc, tiếg kười vô nhỉ! Như g mìn nin chọn n  từ j? Huhu, mìn hôg bít đâu! Hix hix, khó wé! Ukie, để ngày mai mìn sẽ trả lời mọi ng nghen! Hihi!!!

Dù sao ngun ngữ kũg hôg fản ánh đc kảm xúc kủa con ng bằg hìn ảnh, và hôg có hìn ảnh nào fản ánh kảm xúc kủa kon ng như mụt gươg mặt!   Hihi! Sao?  Bạn hôg tin hà? :-O  Bạn k tin Mr. Joe tội nghiệp hả?    Bùn kừi wá nhỉ! >:-I  Mìn hôg nói dzối đâu nhá! :p

kÁc bẠn cÓ bÍt FíM sHiFt hÔg? MiN sẼ dZùNg kÁi Fím Áy đỂ tRaG tRí vĂn KủA MìN mỤt ChÚt. ;-) FảI LuN LuN Cố gẮg Để cHữ kỦa MìN đẸp HơN ChỮ KủA nG‘ kHáC cHứ! gỌi Là Sĩ dZiỆn Điẹn tỬ đẤy!!   Hihi!!!!

XoG! Bh MìN đà BíT cHáT ChÍt NhƯ 1 Ng Vịt cHíNh GúC rÙi! DzUi wÁ, tHíX LéM!  :->  NhƯg MìN VẫN hƠi Lo, hÔg BíT tƯơNg lAi k Ủa nGuN nGữ TiẾg VịT tHâN iU kỦa MìN sẼ Là nTn?  :-I  ThUi kỆ! bh Là TK21 rÙi, Lo j mÀ vỚ VỉN tHế! Kekekekekekekekekekekeke!!!!!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

42#
 Tác giả| Đăng lúc 23-4-2015 06:34:56 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Đánh giá


Theo mình quan sát thì người Việt nam luôn muốn biết giá trị của con người, đồ vật,v.v…, giống như một người kinh doanh thép muốn biết giá trị của thép chính xác là bao nhiêu.

“Bao nhiêu”. Hai chữ mà trong “tủ ngôn ngữ” tiếng Việt là một đôi giày rất mòn. Cách đây một tháng mình mua xe Piaggio mới. Trước khi mang về nhà, mình đoán câu đầu tiên người hàng xóm sẽ hỏi là: “Mua bao nhiêu tiền?”. Và mình đã đúng!

Không phải chỉ những trường hợp đó thôi đâu, việc đánh giá này nằm ngay trong ngôn ngữ tiếng Việt. Nói một cách khác, ngôn ngữ ảnh hưởng đến văn hóa cũng như văn hóa ảnh hưởng đến ngôn ngữ đến mức không thể tách biệt thành hai yếu tố riêng rẽ.

Nhưng mình sẽ cố gắng. Trong tiếng Việt, khi dùng một câu bị động thì phải chọn “được” hoặc “bị”. Nghĩa là trước khi nói ra phải quyết định hành động ở cuối là tích cực hay tiêu cực – phải “đánh giá”.

Ví dụ “tôi đã được chọn” sẽ rất khác so với “tôi đã bị chọn”. “Tôi đã được chọn làm sếp”, thường là một “được” rất tích cực, còn “Tôi đã bị chọn xin lỗi sếp” có vẻ như không hề may mắn tí gì. Các ngôn ngữ châu Âu không có cấu trúc đó. Tiếng Anh chỉ có “I was chosen”, không cần đánh giá về việc chọn đâu. ( Dùng “có… chưa” hoặc “có… không” cũng là một cách đánh giá, về khả năng xảy ra, v.v.)

Tiếp tục phân tích thì bất cứ cuộc nói chuyện tiếng Việt nào cũng bắt đầu bằng một sự đánh giá quan trọng. Đó là vì cách xưng hô trong tiếng Việt yêu cầu người nói phải đánh giá về cả mình và cả người nói chuyện. “Em chào chị”, “Tôi chào bạn”, “Joe chào Linh”. “Tớ chào cậu”… Thỉnh thoảng phải đánh giá rất chính xác kẻo gặp bão lớn. (A: Anh ơi! B: Anh hả?? A: Dạ, cháu xin lỗi chú ạ!) Tiếng Anh chỉ có “I” và “You”, mở một cuộc nói chuyện sẽ không cần thiết phải “đánh giá”, thời tiết ổn định hơn nhiều!

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, cách xưng hô phụ thuộc nhiều nhất vào tuổi tác. Nói cách khác, bao nhiêu tuổi là một vấn đề rất quan trọng trong tiếng Việt. Trái lại, trong tiếng Anh câu hỏi “bao nhiêu tuổi” là một câu hỏi hết sức nhạy cảm, liên quan đến khái niệm cách biệt của người phương Tây. “Lấy chồng chưa?” hoặc “Một tháng được bao nhiêu tiền?” lại còn nhạy cảm hơn nữa đấy.

Mình có một người bạn thân gốc Việt nhưng lại lớn lên ở Canada. Bố mẹ bạn ấy, khi gặp người Canada lần đầu, vẫn hay đặt ra những câu hỏi “bao nhiêu” và “có… chưa” ấy, làm cho bạn ấy rất xầu hổ. (Bạn ấy được (bị?) Canada hóa rồi, quen với văn hóa phương Tây rồi). Có một lần mình hỏi bạn ấy tại sao bố mẹ chưa quen với kiểu nói chuyện của người Canada?

“Bố mẹ mình là người Việt Nam mà. Nếu không biết thông tin đó về một người, họ sẽ thấy rất khó chịu vì không biết nên đặt người đó vào đâu trong suy nghĩ của họ”.

Một ví dụ nữa là khái niệm “người tốt, người xấu” của người Việt Nam nói chung. Nghe những cuộc bàn luận sôi nổi ở những quán ăn Hà Nội, ta dễ tưởng là ở Việt Nam chỉ có hai loại người: người tốt và người xấu.

“Cháu ơi, chú có cô cháu gái có thể cháu sẽ thích đấy!”

“À, thế ạ chú? Cô ấy như thế nào?”

“Cô ấy…”

Mình chắc 99 phần trăm hai từ tiếp theo sẽ là “tốt lắm!” (1 phần trăm còn lại là “xinh xắn” hoặc “ngoan lắm”). Mặc dù ai cũng biết không có người tốt hoàn toàn hoặc xấu hoàn toàn dưới ánh mặt trời, nhưng mình thấy người Việt Nam vẫn hay so sánh như vậy. Có lẽ “định rõ ranh giới” giữa tốt và xấu như vậy là một điều tích cực, tạo ra cho mọi người một mục đích để với tới, mình cũng phải suy nghĩ thêm về điều này.

Và có lẽ mình viết bài hơi dài rồi, nên dừng nhỉ? À một điều nữa thôi nhé. Bài này không đánh giá về cách đánh giá của người Việt Nam đâu. Tốt hay xấu là do mọi người quyết định, mình chỉ nói thế thôi.

20/01/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

43#
 Tác giả| Đăng lúc 23-4-2015 15:08:54 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Bố thằng Tây


Xin lỗi, bố ai?? Nghe câu này mình thấy rất buồn cười. Bố mình cũng thông minh nhưng đâu có hiểu tất cả mọi thứ. Chắc chắn bố không hiểu Playstation 2 khác Playstation 3 như thế nào. Bố đâu có biết nói tiếng Mông Cổ, hoặc chơi bóng bàn, hoặc dạy nhiệt động lực học…

Công nhận bố biết nhiều phết, nhưng cũng có nhiều người bố khác, đến từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ-la-tinh, cũng biết nhiều phết. Đó là “quyền và nghĩa vụ” của người bố mà.

Tất nhiên, “bố thằng Tây” trong câu này chỉ nghĩa là người Tây nói chung, nhưng mình vẫn hay thắc mắc tại sao tiếng Việt lại có câu này. “Joe ơi, đó là câu nói đùa thôi, phân tích làm gì”. Có lẽ một số người sẽ nói vậy.

Tuy nhiên, bất cứ một câu nói đùa nào cũng phản ánh một sự thật nhỏ hay lớn chứ. Vậy tại sao khi gặp một vấn đề khó xử thì người Việt lại nhắc đến bố thằng Joe? Có phải ý của họ là “vấn đề khó hiểu quá, đến mức người Tây cũng không hiểu được nó?”.

Nhưng mà tại sao lại chọn bố thằng Tây??? Tại sao không chọn bố thằng Nhật hoặc bố thằng Hàn Quốc? Hoặc thậm chí là bố thằng ta? Có phải vì người Việt Nam coi người Tây như là một dân tộc lanh lợi, khéo léo và thông minh không? Điều này mình cũng thấy buồn cười, vì mình không dám chắc rằng người Tây khéo léo hơn người Việt Nam.

Có lẽ người Việt chọn nói “bố thằng Tây” vì lý do liên quan đến công nghệ cao. Có cả một giai đoạn trong lịch sử, các nước châu Âu phát triển rất mạnh, tạo ra nhiều loại máy móc khác nhau rồi đi khắp nơi trên thế giới buôn bán (và xâm lược nữa). Thế là khi các nước phương Tây sang Việt Nam vào thế kỷ 15, họ cũng mang đến rất nhiều sản phẩm công nghệ mới: súng, la bàn, tàu lửa…

Nhưng bây giờ châu Á đã giỏi ngang với châu Âu về cách sản xuất và buôn bán công nghệ cao rồi. Vì thế, bố thằng Tây cũng không có gì đặc biệt đâu! Liệu câu “bố thằng Tây mà hiểu được” đã hết hạn rồi chăng?

01/12/06
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

44#
 Tác giả| Đăng lúc 23-4-2015 21:06:50 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Cháu thích em!


Người ta vẫn nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng mình lại thấy câu này không đúng. Tất nhiên ngữ pháp nâng cao (như của Nguyễn Du, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương) rất phức tạp, phải là “chuyên gia năm sao” mới hiểu được chính xác ngữ nghĩa.


Tuy nhiên, ngữ pháp bình thường – gọi là ngữ pháp “bình dân” – không phức tạp đâu. Một người Việt viết tiếng Anh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn một người Anh viết tiếng Việt, mình chắc chắn về điều đó. Ví dụ, “Tại sao em thích anh?” là một câu hỏi rất đơn giản (ít ra về mặt ngữ pháp). Tuy nhiên, khi viết bằng tiếng Anh, câu hỏi này có rất nhiều chỗ có thể bị sai:

Why you like me?
Why you likes me?
Why is you like me?
Why are you liking me?
Why do you likes me?
Why do you liking me?
Why you are like me?
Why can you like me?


…đều là sai hết. Không phải “vẫn được, chỉ nghe hơi Việt Nam thôi” mà là sai, sai sai sai, sai ngữ pháp, đọc thì biết ngay tác giả không phải là người Canada chính gốc (hoặc Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Ireland, Nam Phi, v…v).

Trong tiếng Việt, câu đó không có nhiều chỗ có thể bị sai – nó không phải là một “bẫy thì” như trong tiếng Anh. (Hòa hợp các “thì” của tiếng Anh không dễ dàng chút nào).

Vô tình thêm chữ “có” (Tại sao em có thích anh) thì vẫn chưa sai. Tất nhiên vẫn là một câu đúng ngữ pháp. (Thêm chữ “đang” thì cũng vậy thôi). Vô tình quên chữ “tại” (Sao em thích anh?) thì vẫn chưa sai, thậm chí nghe còn hay hơn. Chuyển chữ “em” sang đầu câu (Em! Tại sao thích anh?) cũng vẫn chưa sai, chỉ cần nói đúng ngữ điệu hoặc “xoa bóp” cái dấu chấm câu một chút là ngon luôn. Hay là chuyển chữ em sang cuối câu cũng được (Tại sao thích anh, em?), lại chỉ cần xoa bóp ngữ điệu một cái là okay!

Muốn viết sai câu này thì phải rất cố gắng! Ví dụ bỏ chữ “thích” thành “Sao em anh?”. Hay là nhầm đại từ một cách kinh khủng: “Sao cháu thích em?”. Tuy nhiên các lỗi vậy là lỗi lố bịch (ai mà học tiếng Việt hơn một tháng sẽ không bao giờ mắc) trong khi các lỗi tiếng Anh viết ở trên là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi viết tiếng Anh, “không chuẩn” thường có nghĩa là sai. Tuy nhiên khi viết tiếng Việt “không chuẩn” thường có nghĩa là “nghe không Việt Nam lắm”, không phải là sai đâu.

Mình đang rất cố gắng để viết tiếng Việt chuẩn và hấp dẫn, nhưng một trong những lý do mình không mắc rất nhiều lỗi là vì tiếng Việt bao giờ cũng rất khoan dung và dễ tha thứ - đến mức thỉnh thoảng mình nộp bài cho thầy giáo thì không có lỗi nào cả. Phải thú thật, khi trường hợp đó xảy ra mình thấy rất sung sướng và tự hào – đúng là “văn mình vợ người”!

29/12/2006

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

45#
 Tác giả| Đăng lúc 24-4-2015 06:33:22 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Ngôn ngữ chung


Trước hết mình phải nói mình thật sự không ngờ blog của mình sẽ lên báo, thật sự không ngờ hàn nghìn người sẽ vào blog xem và hàng trăm người sẽ vào comment. Nói một cách rất Việt Nam, mình cực… choáng!

Có người khen. Cũng có người nhận xét rằng một người Việt Nam đi nước ngoài và học tiếng nước ngoài là chuyện khá bình thường, tại sao dư luận cứ xôn xao khi có một người phương Tây sang Việt Nam học một chút tiếng Việt? Và họ nói đúng.

Mình có nhiều bạn bè Việt nam mà trình độ tiếng Anh cảu họ cao hơn trình độ tiếng Việt của mình nhiều (cực kì nhiều!) nên mình thấy hơi xấu hổ, hơi không thoải mái, khi có người khen tiếng Việt của mình quá xá. (Mọi người ơi, chê mình đi một cái cho nó đỡ kiêu đi).

Sự thật phũ phàng là đa số người phương Tây sống ở Việt Nam không chịu khó học tiếng Việt. Họ bận. Họ mệt. Họ thấy không cần thiết. Chuyện này rất bi kịch. Bi kịch vì tiếng Việt (và văn hóa Việt Nam nữa) vô cùng thú vị, vô cùng… tuyệt cú mèo!

Liệu có một ngôn ngữ khác phong phú bằng tiếng Việt chăng? Liệu có một dân tộc khác dễ gần như người Việt chăng? (Tất nhiên ngôn ngữ nào cũng phong phú, nhưng tiếng Việt phong phú một cách rất… Việt Nam).

Có rất nhiều lý do để học tiếng Việt, và thêm một lý do kinh tế nữa: chỉ mỗi câu “Đùa, tôi không phải là gà đâu!” lại có thể tiết kiệm cho mình hàng nghìn đô-la mỗi năm khi đi chợ hay mua sắm. (Tất nhiên phải nói đúng ngữ điệu).

Cho dù có nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam không chịu khó học tiếng Việt, nhưng cũng có một cộng đồng người nước ngoài rất yêu tiếng Việt và rất yêu Việt Nam – hơn cả cậu bé trong quảng cáo của Honda luôn! Mình có nhiều người bạn đến từ các nước khác nhau nhưng đều nói tiếng Việt rất giỏi, quá đỉnh luôn. Đây là một nhóm bạn rất đặc biệt vì giữa mọi người trong đó, tiếng Việt là ngôn ngữ chung.

Mình có một người bạn đến từ nước Pháp. Trình độ tiếng Việt của anh ấy giỏi hơn cả trình độ tiếng Pháp của mình, còn trình độ tiếng Việt của mình lại giỏi hơn trình độ tiếng Anh của anh ấy. Thế là nói chuyện bằng tiếng Việt là đương nhiên rồi!

Chắc người Việt Nam ngồi xung quanh mình và bạn ấy ở quán cafe sẽ thấy rất buồn cười: hai người da trắng, mắt xanh nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Nhưng mà phải thế chứ, không có cách nào khác.

Khi đi chơi với nhóm bạn sinh viên học tiếng Việt (có cả người Nhật, Canada, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Lào, Ukraina, Trung Quốc, Mông Cổ, v…v), mình được nghe rất nhiều giọng nói khác nhau. Nhưng tất cả là đều giọng tiếng Việt hết. Bọn mình gặp nhau, làm quen với nhau và hiểu nhau bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ thứ hai của mình. Cũng có chuyện hai ạn sinh viên “cưa” nhau – và cuối cùng yêu nhau – bằng tiếng Việt. Thế là phong phú lắm rồi đấy.

23/08/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

46#
 Tác giả| Đăng lúc 24-4-2015 15:44:09 | Chỉ xem của tác giả
NGÔN NGỮ


Chửi bậy


Khi chửi bậy bằng tiếng Việt mình không có cảm giác gì. Chữ chỉ là chữ thôi, từ chỉ là từ thôi, không có gì “lăn tăn” trong lòng.

Thôi mình nói dối đấy, mình cũng có chút chút cảm giác, chút chút cảm nhận là mình đang nói một từ mình không nên nói, nhưng không bằng ¼ của cảm giác khi chửi bậy bằng tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ của mình.

Không phải riêng việc chửi bậy đâu mà khoảng cách giữa trái tim và mồm miệng – khoảng cách ai cũng nhận thấy khi nói ngôn ngữ thứ hai của mình – cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc chia sẻ tình cảm.

Cách đây không lâu mình hỏi một người bạn Việt Nam rất giỏi tiếng Anh về chuyện này. (bạn ấy tên L có blog rất hay viết bằng tiếng Anh). Bạn ấy đã kể với mình thế này:

“Mình và bạn trai cùng du học và tốt nghiệp ở nước ngoài về. Khi nói những lời yêu thương thì dĩ nhiên, đối với bọn mình, tiếng Việt là tình cảm nhất, mặc dù cả hai đứa đều ít nhiều có cảm nhận khá tốt về tiếng Anh. Văng tục cũng vậy, đúng là mình không cảm nhận được mấy khi văng tục bằng tiếng Anh. Nhưng thử tưởng tượng nói những lời đó bằng tiếng Việt… có lẽ là sẽ rất khó khăn. Vì nó bậy quá!”.

Mình có hai người bạn khác đã lấy nhau cách đây hai năm. Anh ấy là người Úc và chị ấy là người Việt – tình yêu của họ là “tình yêu không biên giới”, hộ chiếu là trái tim và thị thực là cái duyên.

Ở các nước phương Tây, khi có hai người lấy nhau, người chủ trì hôn lễ (thường là cha cố hoặc người có chỗ đứng rrong xã hội) đứng trước mắt cô dâu và chú rể, hỏi: “Do you take this woman to be your lawfully – wedded wife, for rick or for poor, in sickness and in health…v…v”. Tạm dịch là: “Anh có thề rằng anh muốn cô gái này sẽ là vợ của anh cho đến cuối cuộc đời, dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây…” (cảm ơn bác Ngô Thụy Miên đã đóng góp ý kiến). Đấy có thể gọi là “thề tình yêu” cho ngắn.

Hai người bạn của mình tổ chức đám cưới tại Tháp Hà Nội vào một buổi tối đẹp trời. Mặc dù tiếng Việt của anh bạn mình đã giỏi rồi, nhưng người chủ hôn hỏi anh ấy bằng tiếng Anh để “thề tình yêu” với vợ. Anh ấy trả lời “I do” với giọng Úc rất chân thành.

Rồi người chủ trì hôn lễ lại hỏi chị ấy bằng Tiếng Việt để “thề tình yêu” với chồng (mặc dù tiếng Anh của chị ấy khá là chuẩn), và chị ấy trả lời “có ạ”, với giọng Hà Nội rất lịch sự.

Dù ở đâu, tiếng mẹ đẻ luôn luôn là thứ tiếng gần với trái tim nhất. ( Chỉ cần nghe 2 từ “mẹ đẻ” là đủ thấy “trái tim” lắm rồi đấy). Nhưng cái khoảng cách giữa “ngữ” và “nghĩa” tồn tại khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai của mình cũng có thể có hiệu quả. Như bạn L nói:

“Mỗi lần cãi nhau (với người yêu) thì vô tình cả hai đều chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ để truyền đạt. Có lẽ vì như vậy bọn mình có thể diễn đạt chuẩn những ý muốn nói hơn, vì tiếng Anh không loanh quanh. Trong khi đó tiếng Việt lại tế nhị hơn và đôi khi làm mình trở nên yếu thế. Tất nhiên trong một cuộc cãi vã thì không ai muốn là kẻ yếu cả”.

25/11/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

47#
 Tác giả| Đăng lúc 25-4-2015 05:06:32 | Chỉ xem của tác giả
VĂN


Vở thứ hai


Có nhiều người thích hỏi về việc học tiếng Việt của mình. Học tiếng Việt có khó không? Cái gì là khó nhất? Tại sao anh nói như một người Quảng Bình? Anh có người yêu Quảng Bình à? Tại sao em biết câu này? Từ này bậy lắm, ai dạy? Cháu học ở đâu? Cháu có thích học tiếng Việt không? Thế mình sẽ nói một chút về việc học tập của mình.

Trên bàn làm việc của mình đang có 2 quyển vở. Một là quyển mình sử dụng khi đi học ở trường. Quyển đó viết đầy đủ với những từ chuyên môn, gọi là những từ “xịn” (hiện tượng, trạng thái, tông tích, v…v). Tuy nhiên quyển thứ 2 chắc thú vị hơn nhiều vì trong đó là những từ mình đã học qua bạn bè, ở trên đường – tức là khi mình được tiếp xúc với người xe ôm, vệ sĩ, phục vụ…

Người Việt Nam có một đặc điểm rất hay – đó là không ngại nói chuyện với người mới quen. Mình chỉ cần nói một vài câu dí dỏm là thoải mái luôn, mình và người nói chuyện với mình sẽ thành hai người bạn, hoặc là hai chú cháu, hai anh em… Mình thấy người Việt sống rất tình cảm và “buôn dưa lê” cũng tình cảm phết.

Để cho mọi người biết một chút về kinh nghiệm học tiếng Việt của mình, ở dưới đây là những từ mới ghi trong “quyển vở thứ 2”:

 huỳnh huỵnh *
 gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc
 cóc biết!*
 xì xà xì xụp
 bệnh vĩ cuồng
 “cô ấy cứ lăng nhăng với con trai khác, tôi làm sao mà chấp nhận được!”
 “ông ăn chả, bà ăn nem”*
 “ôm bom 3 càng”
 thênh thang
 lên da non
 “chưa đi chưa biết Đồ Sơn. Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà!”*

nghĩa nguy hiểm, hoặc là hơi bậy, hoặc là hơi bất lịch sự (chỉ dùng với bạn bè thôi) hoặc là bất lịch sự quá (không nên dùng với ai cả).

Mình thấy những từ và thành ngữ Việt Nam viết ở trên thú vị lắm. Thú vị hơn nữa là các trường hợp cụ thể mà mình đã được “trải nghiệm”  các bạn cứ thử tưởng tượng xem.

17/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

48#
 Tác giả| Đăng lúc 25-4-2015 10:54:14 | Chỉ xem của tác giả
THẬP CẨM

Mình thích


Mình thích mùa thu Hà Nội. Mình thích người Hà Nội đội mũ len vào mùa đông rét lộc. Mình thích trẻ em Hà Nội nói “dạ vâng ạ”. Mình thích đi nhanh dọc phố Lý Nam Đế vào đêm tối dưới vòm lá cây. (Cảm ơn từ điển điện tử Lạc Việt đã giúp mình sáng tác câu đó). Mình thích mùi của bàn tay được rửa bằng nước nhuốm hương củ sả sau khi ăn ốc ở một chỗ nho nhỏ gần phố Lò Đúc. Mình thích nghe người già kể chuyện về Hà Nội ngày xưa, trước khi có xe máy, trước khi có Vincom và trước khi có mình.

Mình thích giọng nói của người Sài Gòn. Mình thích nụ cười tự nhiên của người Đà Nẵng. Mình thích các sắc thái khác nhau của màu vàng trong các cánh đồng ngô quanh Sa Pa. Mình thích tính hào phóng của dân Kiên Giang, mặc dù họ nói tiếng Việt mình không hiểu một từ nào. (Mình toàn học tiếng ở ngoài Bắc).

(Hít một hơi rất sâu). Mình thích học tiếng Việt. Mình thích cảm giác khi say rượu nói lung tung thấy tiếng Việt của mình hơi bị siêu. Mình thích cảm giác khi một cô gái xinh xắn thình lình gọi mình bằng “anh” sau một thời gian dài gọi mình bằng “bạn”…

Mình thích nghe cô giáo kể chuyện về lịch sử Việt Nam, về Âu Việt và Lạc Việt, về văn hóa Óc Eo và văn hóa Chăm-pa, về Lê Lợi và Nguyễn Trãi (mình rất thương ông Nguyễn Trãi tội nghiệp, đúng là cuộc sống không công bằng), về Bắc Bộ và Nam Bộ, về Trưng Trắc và Trưng Nhị…

Mình thích bạn bè của mình. Mình thích sự nhiệt tình của người Việt Nam nói chung và bạn bè Việt Nam nói riêng. Mình thích dùng ngữ pháp “nói chung (chấm chấm chấm) nói riêng”. Mình thích uống say như côn trùng bay…

Phải thừa nhận “quan hệ” giữa mình và Việt Nam đôi khi giống như một sự kết hôn. Có lúc yêu, có lúc ghét, có lúc dỗi, có lúc thương, có lúc mở ví hoảng hốt không biết tiền mình bay vào đâu…

11/10/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

49#
 Tác giả| Đăng lúc 25-4-2015 20:43:57 | Chỉ xem của tác giả
THẬP CẨM


Nu-pa-ga-zi


Một điều rất thú vị khi sống ở Việt Nam là những gì mình được học về văn hóa các nước khác – từ góc nhìn của người Việt. Ví dụ, trước khi sang Việt Nam mình chưa bao giờ xem ti vi của Nga, chưa bao giờ ăn món ăn của Thái, chưa bao giờ nghe bài quốc ca của Bắc Triều Tiên. Có rất nhiều nét văn hóa đầy lôi cuốn của các nước khác mình đã biết đều là do nước Việt Nam giới thiệu, một hiện tượng khá là thế kỉ 21. Có lẽ thú vị nhất chính là các nhân vật trong truyện và phim – nhất là năm nhân vật dưới này:

1.        Chiaki: Mình chả biết gì về nhân vật này ngoài chuyện nó luôn luôn phải hết sức cố lên! “Cố lên, Chiaki!” Nghe có vẻ rất mệt. Chắc nó hơi thiếu may mắn hay sao mà luôn bị rơi vào tình trạng khó xử nhỉ? Ít ra nó có nhiều bạn động viên, nên cuộc sống vẫn tình cảm chứ.

2.        Ôsin: Lại thêm một nhân vật của phim Nhật, và lại thêm một nhân vật luôn phải cố gắng hết mình (người Nhật khổ nhỉ, chăm chỉ làm việc hơn cả người Nghệ An luôn). Thật ra mình đã học từ “ô-sin” trước khi học từ “người giúp việc”. Có một lần bạn mình hỏi: “Nhà Joe có người giúp việc không?”. Thế là mình hỏi lại: “Người giúp việc là gì?” Bạn ấy giải thích rồi mình nói: “À, hiểu rồi! Thế tại sao bạn không dùng từ Ô-sin?”. Đó là kiểu phát triển từ vựng “ngược lại” của nhiều người nước ngoài học tiếng Việt ở đây. Chắc chắn người Việt Nam sẽ học từ “ki bo” trước khi học từ “Suzuki”. Còn mình đã nói: “Ối giời ơi, thằng này Suzuki thế!”, mấy tháng sau mới biết “ki bo” là gì.


3.        Chú “Nu-pa-ga-zi”: Mình thật ra không biết nhân vật này là như thế nào, kể cả tên của nó mình cũng chưa biết rõ (chỉ viết lại theo âm thanh thôi). Hình như nó là một nhân vật trong phim hoạt hình của Nga thì phải. Mình chỉ biết khi siết chặt nắm tay, vẫy thật nhanh và nói “Nu-pa-ga-zi” với người đã trêu chọc mình thì người ta sẽ cười bò ra mà thôi.

4.        Tào Tháo: Về nhân vật này mình lại cũng chưa rõ (hình như ông là một vị hoạn quan ác liệt ngày xưa của Trung Quốc hay sao nhỉ). Nhưng mình thừa biết chuyện ông ta đuổi mình là ra sao, không ai cần giải thích điều đó đâu.

5.        A.Q: Mình được  biết  đến nhân vật này sau khi bị một cô Hà Nội cho leo cây. (Người Tây nói chung và người Tây tên là Joe nói riêng cũng hay bị mấy cô Hà Nội cho leo cây – chán như con gián). Biết là bị cho leo cây nên mình tính tiền rồi bỏ đi uống bia với mấy bạn trai người Việt. Mình kể chuyện “leo cây” cho họ xong rồi bảo: “Thôi, cũng chẳng sao cả, bao nhiêu là cô xinh, bao nhiêu là ‘con cá ở dưới biển’, mình có quan tâm gì đâu”. Nghe thế, bạn mình kêu ầm lên “Ối giời ơi, Joe A.Q thế!”. Nhưng khi đó mình chưa biết A.Q là ai, mới biết từ “ắc-quy” mà thôi, cứ tưởng bạn đang lý giải có lẽ cô bạn của mình không đến vì có vấn đề với xe máy. Nhưng cuối cùng mình hiểu, và có thể mình A.Q thật đấy.

25/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

50#
 Tác giả| Đăng lúc 26-4-2015 04:56:36 | Chỉ xem của tác giả
THẬP CẨM


Mỹ Linh Vertu


Mình là kiểu người hay đi ngủ muộn, thường thức đến tận 2-3 giờ sáng. Giờ đấy gọi là “giờ Dần” thì phải, mình hay nghĩ lung tung, chả biết đi đâu, làm gì, gặp ai. Còn đêm nay mình quyết định so sánh nữ ca sĩ Việt Nam với máy điện thoại di động.

Ca sĩ Mỹ Tâm rõ ràng là Nokia 5300 – một loại máy rất phổ biến với giới trẻ Việt Nam, cả ngày ấy và bây giờ luôn.

Trần Thu Hà, một trong những Diva nhạc Việt có giọng ca mình thích nhất, phải là Sony Ericsson P990i – trước đây cũng rất oách nhưng bây giờ có vẻ im tiếng hơn. Lại thêm một điều nữa, máy này là quad band, sử dụng ở Việt Nam hoặc Mỹ đều thoải mái.

Ca sĩ Phương Linh, “linh hồn” của Sao Mai Điểm Hẹn, chắc phải là Samsung E570 màu hồng – nho nhỏ, xinh xinh, vừa stylish vừa smart (có lẽ như vậy Hà Anh Tuấn phải là Samsung E570 màu  xanh nhỉ).

Mọi người có đồng ý với mình rằng ca sĩ Hồ Ngọc Hà là Nokia N95 chứ? Chỉ mới xuất hiện trong thị trường nhưng chiếc điện thoại này đã được người tiêu dùng đánh giá rất cao rồi. Hơn thế nữa, máy này có nhiều chức năng khác nhau, vừa là di động, vừa là máy ảnh, vừa là GPS…

Ngọc Khuê, một ca sĩ Hà Nội mình rất ngưỡng mộ, chắc phải là LG KG800 thôi, một loại máy không phải ai cũng biết đến, thậm chí hơi lạ, tuy nhiên những người thích thì lại cực kì thích luôn.

Siu Black chắc chắn là Nokia 8800 Titanium, loại di động “khỏe” nhất thế giới. Máy này cũng là limited edition – tức là số bản phát hành có hạn chế, vậy nên cũng mang tính chất hơi “thiểu số” một tí.

Lưu Hương Giang cải bắp dinh dưỡng nhất Việt Nam, sẽ là Motorola V3 Vàng, gầy gầy, hay hay và có một phần “quys tộc” khó bỏ qua.

Hồ Quỳnh Hương sẽ là Nokia 1100, cho nó sinh viên.

Còn ca sĩ Mỹ Linh chỉ có thể là Vertu Diamond – thuộc một đẳng cấp cao cường hẳn hoi. Máy điện thoại loại bình thường sẽ luôn luôn xuất hiện và biến mất, như mặt trời mọc và lặn. Chỉ riêng máy Vertu có giá trị hơn cả “máy di động”, thành một kiệt tác kỹ thuật cao của thế kỷ 21.

19/04/07
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách