Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: vunhuquynh26
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tớ Là Dâu | Joe Ruelle (Phần 51: Archie- Hết)

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 19-4-2015 06:53:04 | Xem tất
VĂN HÓA

Tốt nết chúc Tết!


Tết Việt Nam là một kho tàng những câu chuyện thú vị, tràn ngập tình cảm, rượu và tiếng cười. Đối với một người nước ngoài như mình, Tết có rất nhiều khía cạnh hấp dẫn, nhất là cách chúc Tết của người dân. Mình biết đã có rất nhiều lời chúc khác nhau rồi, nhưng vì đây là một đề tài hết sức truyền cảm nên mình xin bổ sung thêm một kiểu nữa, có được không ạ?

Được rồi à? Tốt quá! Vậy thì vào dịp Tết âm lịch Việt Nam, mình xin chúc Quý vị và các bạn một năm mới vui vẻ và hạnh phúc: Mỗi lần vét túi trên túi dưới để tìm 2 nghìn tiền vé xe thì lại tự dưng tìm thấy đến 20 nghìn không biết từ đâu ra. Mỗi lần quay đầu nhắc cô phục vụ mang đến hai cái bánh bao rán mình đã gọi từ rất lâu thì lại thấy cô mang đến những ba cái nóng hôi hổi, nhưng vẫn chỉ tính tiền hai cái vì đã bắt mình phải đợi. Mỗi lần cãi nhau như điên với người yêu thì mấy tiếng sau lại hôn nhau như điên. Mỗi lần đi cà phê một mình vì buồn vu vơ thì không bị ai bắt chuyện, hỏi lung tung về lý do mình đi cà phê một mình. Mỗi lần đi ăn ốc với một cô gái rất xinh (hoặc một anh chàng rất đẹp trai) thì người yêu cũ đã chủ động chia tay với mình sẽ tình cờ đi qua nhìn thấy hai người vui vẻ trò chuyện rồi lại thấy ân hận và ghen. Mỗi lần làm mất máy di động rồi gọi vào số của mình để xem thằng nào đã vớ được thì nghe tiếng chuông và nhận ra máy chỉ nằm ngay dưới một đống quần áo ở góc phòng. Mỗi lần bắt cá hai tay thì lại được hai con cá khác nhẹ nhàng xoa hai chân và mỗi lần về nhà say rượu rất sợ bị vợ mắng thì thấy vợ lại còn say rượu hơn, dịu dàng xin lỗi mình rồi cười ngây ngô chạy lên phòng ngủ.

Chúc mừng năm mới – thưa Quý vị, thưa các bạn và thưa những độc giả của blog của Joe. Xin chào mùa xuân Đinh Hợi, rất vui được gặp người. Mùa xuân ơi, vào đây uống nước nhé, mọi người đang chờ.

14/02/2007

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 19-4-2015 14:01:05 | Xem tất
VĂN HÓA


Giá trị Việt


Trước khi viết bài này, mình đã đinh ninh sẽ dứt khoát không có câu “giá trị Việt là con người Việt” vào đoạn đầu. Lý do không phải vì câu này không đúng hoặc không thể hiện được suy nghĩ của mình một cách chính xác. Trái lại, câu này quá đúng, thể hiện suy nghĩ của không những mình mà còn của hàng nghìn người nước ngoài khác nữa một cách rất rất chính xác nên mình sợ cho nó vào đoạn đầu thì bài sẽ hơi nhàm. Đã có không biết bao nhiêu là bài viết về giá trị Việt mở đầu bằng : “Giá trị Việt là con người Việt”.

Tuy nhiên, đôi khi nên chọn con đường ngắn nhất để đi. Mặc dù lúc nào cũng muốn độc đáo – lúc nào cũng muốn sáng tạo – nhưng mình vẫn không thể tránh câu này ra được. Sự thật chỉ là thế thôi: Giá trị Việt chính là con người Việt, như giá trị Canada là con người Canada, hoặc giá trị vở kịch là người diễn viên.

Rất may, “con người Việt” là một chủ đề vô cùng rộng lớn nên mình vẫn sẽ có đủ ‘khoảng trống” để “cựa quậy” thoải mái, vẫn có thể sáng tạo được. Tuy nhiên, mình xin bắt đầu với những chi tiết quen thuộc, vì mặc dù quen thuộc nhưng vẫn đáng kể, vẫn nên được đặt vào vị trí xứng đáng.

Mình thấy con người Việt chịu thương chịu khó, khiêm tốn và dũng cảm. Lúc bình thường thì rất hiền lành, yêu hòa bình nhưng đồng thời lại không hề nhu nhược, khi cần thiết vẫn biết đoàn kết lại để cùng chiến đấu. Tiếng Việt có câu “biết mình biết người”, một câu vừa ngắn vừa đầy ý nghĩa. Dù khiêm tốn, mình thấy người Việt Nam vẫn hiểu rất rõ giá trị của mình.

Một trong những câu chuyện lịch sử Việt Nam mình thích nhất là chuyện đẩy lùi quân xâm lược Nguyên – Mông vào thế kỷ thứ 13. Lúc đó chính là thời kì quân địch hùng mạnh nhất, lại còn đông người nhất nữa, không phải đông như quân Nguyên vì chính là quân Nguyên thật rồi. Hùng mạnh, đông người và chưa thua một nước nào hết.

Người Việt biết rõ điều đó (biết người) và cũng biết Việt Nam là một đất nước nhỏ thôi (biết mình) nên phải tìm cách “lanh lợi” để đẩy lùi cuộc xâm lược này và gìn giữ nền độc lập của đất nước. Vậy là chiến lược “vườn không nhà trống” – một chiến lược rất lanh lợi (cũng là một chiến lược không bao giờ có thể thành công nếu như không có sự ủng hộ của nhân dân) đã được thực hiện. Kết quả là trong vòng 30 năm, quân Nguyên – Mông đã được “nếm trải” cảm giác thua cuộc tới 3 lần.

Đó là chuyện chiến tranh và vì mình vốn là người thích lịch sử chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh phong kiến, nên mình đã muốn kể lại một chút, mặc dù đa số người đọc bài này chắc thấy rằng câu chuyện ấy xưa như trái đất.

Tuy nhiên, giá trị Việt cũng không nhất thiết phải liên quan đến chiến tranh. Một trong những điều mình thấy “giá trị” nhất của Việt Nam chính là khát vọng về sự hòa bình và thịnh vượng của người dân.

“Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón, treo lên một cành cây, rồi quay chào bốn phía quê hương. Cả người lẫn ngựa từ từ bay thẳng lên trời, từ bấy đến giờ không còn thấy trở về nhân gian, như truyền thuyết một đi không ở lại”.

Truyện Thánh Gióng cũng là một câu chuyện về chiến tranh, nhưng phần mình muốn nhấn mạnh lại chỉ là đoạn cuối mà các bạn vừa đọc: Đoạn kể về những điều xảy ra khi chiến tranh đã kết thúc. Truyện không như truyện cổ tích của nhiều nước khác (Đức, Anh, Nga, v.v.) mà trong đó khi các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẫn phải tiếp tục ở lại. Có lẽ điều này (dù chỉ trong một truyện cổ tích ngắn) đã chứng tỏ rằng dân tộc Việt Nam vốn rất yêu hòa bình. Khi không còn cần thiết phải chiến đấu bảo vệ đất nước, thì Gióng, một biểu tượng của sức mạnh và bạo lực, đã “bay thẳng lên trời, không còn thấy trở về nhân gian”.

Đó chỉ là bậc 1 của một “thang phân tích” rất dài, gồm cả quá trình lịch sử từ xưa đến nay. Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể lên được bậc 2 hoặc bậc 3 chỉ trong một bài ngắn như thế này. Nhưng có lẽ bậc 1 này đủ để dẫn đến kết luận cuối cùng của mình: Đó là sự nhiệt tình của con người Việt Nam đối với việc phân tích về bất cứ một vấn đề trên trời dưới biển nào!

Vẫn còn nhiều nước mình chưa được đến nhưng mình vẫn có thể tự tin nói rằng dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc ham hiểu biết nhất thế giới. Đó là một điều mình nhận ra ngay từ khi mới sang Việt Nam lần đầu. Mặc dù chỉ là một thanh niên bình thường, nhưng mỗi khi gặp mình, người Việt Nam đều hỏi thăm về rất nhiều thứ - về Canada, về tiếng Anh, về thế giới nói chung.

Sau bốn năm mình kết luận thế này: Những gì người Việt Nam chưa biết thì họ muốn biết. Những gì họ biết rồi thì họ muốn bàn lại cho chắc chắn. Và những gì họ đã bàn lại cho chắc chắn rồi thì họ muốn bàn lại một lần nữa cho vui. Ở Việt Nam, thông tin chẳng khác gì không khí, tồn tại ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Như một nhà triết học nổi tiếng đã từng nói: “Quan trọng không phải là bạn đi đến đâu, mà là bạn đã đi như thế nào”. Mình cũng thấy thế đấy. Quá trình phân tích mới là chính, mới là quan trọng. Thường thì nơi đến không có gì đáng kể cả, nhưng trên đường đi mình đã được ngắm biết bao nhiêu là phong cảnh đẹp.

02/02/2007



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 19-4-2015 19:06:11 | Xem tất
VĂN HÓA


Tắm ở đâu?


Người ta có câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Ngoài chuyện người Việt thích tắm, câu này còn thể hiện một cảm giác “yêu quê hương” khó bỏ qua. Cảm giác đó cũng hợp lý – nhiều người khuyên nên tắm “ao nhà” thôi – tuy nhiên mình xin phân tích câu này từ một điểm nhìn khác.

Theo AND thì không ai là người Canada 100 phần trăm. Cũng như vậy, không ai là người Việt 100 phần trăm. Nếu kiểm tra AND thì sẽ biết người Việt nào cũng có một chút máu Trung Quốc, hoặc Chăm-pa, hoặc Thái, hoặc Mông Cổ, hoặc Mường… Người Canada cũng thế thôi (Pháp, Anh, Eskimo, v…v.), người châu Âu cũng thế thôi, ai cũng là “cơm thập cẩm” hết, thế giới này không bao giờ có chuyện “100%” đâu (ngoài lúc đàn ông Việt Nam uống rượu). Từ đó có thể hiểu là những người bây giờ khuyên nên “tắm ao nhà”, đều đã được sinh ra nhờ “một số người” trong “các cụ ngày xưa” – có lẽ trước đây rất lâu – đã “tắm ao ngoài”.

Thế giới này đầy rẫy những sự mâu thuẫn tương tự như vậy. Ví dụ, ở bên Tây có nhiều người thích ăn chay (tất nhiên không kể những người tu hành nhé). Nhưng các nhà khoa học cho biết vào thời nguyên thủy, đầu óc của loài người chỉ thực sự bắt đầu phát triển mạnh khi loài người thực sự bắt đầu biết ăn thịt. Có lẽ vì cách đây 500.000 năm loài người ăn nhiều thịt lắm nên bây giờ một số người đã có đủ “chất xám” quyết định sẽ không ăn thịt nữa. Tất nhiên phân tích như vậy hơi “tinh vi sờ ti con gà” nhưng dù sao cũng vui.

Ao ta, ao ngoài… quan trọng nhất vẫn là cái “duyên”. Trong các bài bog mình hay nhắc chuyện “cô xinh, gái đẹp” nên chắc có một số người nghĩ mình hơi (hay là rất) đáo để. Cũng đúng thôi! Nhưng đối với mình cái duyên luôn luôn là cái quan trọng nhất, tất yếu nhất.

Ao ta, ao ngoài, chuyện vặt thôi. Có người tắm ao ta thấy rất hạnh phúc. Có người tắm ao ngoài cũng thấy rất hạnh phúc. Tóm lại tắm ao nào cũng được miến là không nhiều vi trùng quá.

21/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 20-4-2015 05:05:50 | Xem tất
VĂN HÓA


Phụ nữ Việt Nam


“Không cần giải phóng phụ nữ vì họ đâu có phải là nô lệ. Không cần đòi nam nữ bình quyền vì trong nhiều nhà phụ nữ nắm cả quyền trong tay.”

Lời trích dẫn này lấy từ một bài được báo Phụ nữ Tân Văn đăng ngày 11/7/1929, 49 năm trước khi tôi chào đời và 72 năm trước khi tôi sang Việt Nam lần đầu. Tôi đã chọn lời trích dẫn này để bắt đầu bài viết vì dù đúng hay không, thích đáng hay không, nó cũng phản ánh một điều rất quan trọng: Phụ nữ Việt Nam thật giỏi!

Trước khi sang Việt Nam, tôi không được biết nhiều về phụ nữ Việt Nam lắm. Tôi chỉ biết những gì tôi đọc ở trong sách và xem ở trên vô tuyến. Phụ nữ Việt Nam đẹp. Phụ nữ Việt Nam tốt. Phụ nữ Việt Nam dịu dàng, dịu ngọt, dịu hiền, v…v. (Nói chung thì dịu). Vì thế, không ai có thể tưởng tượng được hết sự ngạc nhiên của tôi khi sang đây tiếp cận với phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21!

Thật vậy, tôi không muốn kể dài dòng về cảm giác đó, nhưng tôi cũng muốn để lại một sự so sánh để ai đọc bài này có thể hình dung được suy nghĩ của tôi. Lúc đó, lúc mới tiếp cận với Phụ nữ Việt Nam năm ấy, tôi giống như một chú nai nhỏ tình cờ lang thang trong lồng của mấy con sư tử Hà Đông.

Tôi phải giải thích một chút. Tôi không hay hờn dỗi. Tôi chưa gặp một tình huống đau buồn nào do phụ nữ Việt Nam gây ra. Tôi không bị kêu là “dại gái”, “đào mỏ”, hoặc bị “xé tan xác” một lần nào cả. Trái lại, cảm giác đầu tiên khi tiếp cận với phụ nữ Việt Nam là một cảm giác rất hay và rất ấn tượng.

Tôi chọn hình ảnh “sư tử Hà Đông” tại vì đó là một sự so sánh buồn cười, và tôi chắc chắn rằng nhiều phụ nữ Việt Nam đọc qua sẽ cười tươi lên. Điều đó dẫn đến ý kiến tiếp theo của tôi.

Phụ nữ Việt Nam nói đùa rất hay. Thường thì người phương Tây (đặc biệt là con trai) khi đến châu Á hay gặp vấn đề “nói đùa bị tưởng là thật”. Vấn đề này – hay còn gọi là “bệnh” – rất phổ biến ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tượng của bệnh này rất phong phú và có thể biểu hiện như sau:

Đàn ông Tây sang Nhật làm việc được đồng nghiệp nữ Nhật rủ đi ăn trưa. Khi món ăn được dọn lên, anh ấy cầm đũa, gắp một con tôm, giả vờ rất sợ, rồi nói “thôi mình không ăn con này đâu. Sợ nó chưa chết. Ăn xong nó sẽ bơi lung tung loanh quanh bụng của mình rồi cuối cùng mình sẽ phải đi bệnh viện mổ cho nó ra”. (Khi nói đùa người phương Tây thường có mặt rất nghiêm túc).

Mấy phụ nữ Nhật ngay lập tức trả lời: “Không sao đâu anh ạ! Chắc chắn nó đã chết rồi. Anh cứ ăn thoải mái đi nhé, anh không cần lo ngại gì cả”.

Phụ nữ Việt Nam thì lại khác. Vào những lúc cần thiết thì có thể tỏ ra rất ngây thơ. Tuy nhiên, vào những lúc không cần thiết lắm – hoặc là những lúc rất cần thiết phải không ngây thơ – thì có thể trở thành “cáo con” luôn. (Tất nhiên là theo nghĩa tốt của từ này). Phụ nữ Việt Nam biết nói đùa, biết diễn kịch, biết châm biếm và cũng biết giả vờ không biết cả 3 điều đó. Thật là một điều tuyệt vời, ít ra là đối với “ông Tây” này.

Giáo sư Inun Yu, bản thân là đàn ông Hàn Quốc, cho rằng: “Xã hội Việt Nam là một xã hội lưỡng hệ, như phần lớn các nước ở Đông Nam Á. Trong đó, phụ nữ Việt Nam được tôn trọng hơn và cũng như có địa vị trong gia đình cao hơn so với phụ nữ của các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc và Nhật Bản.”

Tôi thấy giáo sư nói rất đúng.Phụ nữ Việt Nam khác với phụ nữ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (và phương Tây nữa), đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lực.

Có hai loại quyền lực: quyền lực “thấy được” và quyền lực “ngầm”. Nói về quyền lực thấy được. Nói về quyền lực thấy được thì có lẽ phụ nữ phương Tây có hơn phụ nữ Việt Nam một chút. (Phụ nữ phương Tây thường không ngại thể hiện quyền lực của mình một cách “rực rỡ”). Nhưng nói về quyền lực “ngầm” thì chắc chắn phụ nữ Việt Nam còn hơn cả phụ nữ phương Tây!

Trong gia đình, phụ nữ Việt Nam thường có cực kỳ nhiều quyền lực ngầm, tôi đã chứng kiến điều đó rồi. Không phải phụ nữ nào cũng vậy, nhưng trong nhiều gia đình, người mẹ chính là đại tướng và người bố lại phải lẹt đẹt trong chức vụ đại tá. Tóm lại, phụ nữ Việt Nam rất giỏi, với một “gánh nặng” quyền lực ngầm.

Có lẽ tôi nên dừng lại ở đây thôi – những gì muốn nói đã được nói rồi. Trừ một điều. Nhân dịp ngày phụ nữ Việt nam, tôi muốn chúc tất cả các em, các chị, các cô, các bác, các bà, và các cụ một ngày hạnh phúc và tốt đẹp.

Trong bài này tôi đã nói đùa một chút, chơi chữ một chút, nhưng cuối cùng, tôi muốn nói rằng điều tôi thấy ấn tượng nhất về phụ nữ Việt Nam là: mặc dù bận rộn, mặc dù phải đi tìm việc, kiếm tiền, thanh toán hóa đơn, nhưng vẫn không quên dành thời gian chăm lo cho gia đình, vẫn là trái tim ấm áp của tất cả các ngôi nhà Việt Nam. Tôi thấy điều đó thạt là đáng ca ngợi.

20/10/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 20-4-2015 13:04:26 | Xem tất
VĂN HÓA


Bắc và Nam


Người Hà Nội và người Sài Gòn – một chủ đề vừa cũ vừa hết sức thú vị.

Khi viết xong một bài blog, mình thường post lên internet để ai muốn có thể đọc rồi vào comment (bình luận). mặc dù ít khi trả lời các comment (mình thà dành thời gian uống cà phê với bạn bè còn hơn ngồi nhà đánh máy), nhưng thỉnh thoảng mình cũng đọc qua cho vui, xem người ta quý hay ghét mình ra sao.

Mấy hôm trước, trong những giờ phút ngồi đọc comment, mình phát hiện ra một điểm thú vị: người Hà Nội thường comment dài, người Sài Gòn thường comment ngắn. Vậy là mình quyết định làm một nghiên cứu nhỏ bằng cách mở rất nhiều bài cũ xem bao nhiêu phần trăm comment dài (hơn 10 dòng) là do người Hà Nội viết. Kết quả của nghiên cứu a-ma-tơ này là: hơn 80 phần trăm.

Không phải người Hà Nội viết comment nhiều hơn người Sài Gòn. Nếu thế thì chuyện đa số comment dài đều do người Hà Nội viết là chuyện đương nhiên, không cần phân tích gì nữa. Thực tế có rất nhiều người sài Gòn vào đọc và comment blog của mình, đôi khi nhiều hơn cả người Hà Nội. Nhưng người sài Gòn lại thường comment kiểu ngắn gọn, funny, vui vui, dí dỏm…(“Joe hôm nào vào sài Gòn chơi nha! Ở trong này đồ ăn ngon hơn ngoài Bắc nhiều”). Hình như rất ít người Sài Gòn đọc blog của mình sẵn sàng “duỗi tay ra” viết đến hơn 20 dòng chữ.

Sự khám phá này nằm trong số rất nhiều sự khám phá khác về điểm khác nhau giữa người Hà Nội và người Sài Gòn. Cách viết comment, mặc dù chỉ là cách viết comment thôi, nhưng lại có thể biểu lộ một cách suy nghĩ – thể hiện một nét văn hóa – rất đặc trưng.

Khi có ai nói đến “người Sài Gòn”, mình sẽ nghĩ ngay đến một số tính từ như: dí dỏm, dễ thương, cởi mở, thoải mái, dễ thích nghi… Còn khi có ai nói đến “người Hà Nội”, mình sẽ nghĩ đến: sâu sắc, uyển chuyển, kỹ tính, chung thủy, thanh lịch…

Có nhiều người cho rằng người nước ngoài sống ở đây không dễ mà nhận ra sự khác biệt giữa người Hà Nội và người Sài Gòn. Nhưng hầu hết bạn nước ngoài của mình đều rất quan tâm đến chuyện đó, rất hay so sánh người Hà Nội với người Sài Gòn (hoặc người Huế, người Đà Nẵng, người Nha trang,v…v), giống như mình vậy. và có nhiều văn hóa địa phương để mà so sánh với nhau càng chứng tỏ rằng: văn hóa Việt Nam cực kỳ phong phú luôn.

30/11/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 20-4-2015 19:20:17 | Xem tất
VĂN HÓA


Rất nguy hiểm


Về một vài mặt nhất định, văn hóa Việt Nam có vẻ rất phát triển, hơn cả văn hóa phương Tây của mình. Ví dụ, văn hóa ăn uống của Việt Nam rất phong phú, có nhiều phong tục hay (muốn ăn gắp bỏ cho người) thành một “nghi thức hằng ngày” vừa đa dạng, vừa tình cảm – trong khi đó văn hóa ăn uống của Tây thì chỉ đơn giản thôi: đây là đĩa của tôi, đây là đĩa của bạn, tôi ăn, bạn ăn, tôi uống, bạn uống, tôi xong, bạn xong, cơm xong, bye bye. Mình càng tiếp xúc với thế giới càng thấy văn hóa ăn uống của người phương Tây mình rất thiếu, thậm chí đơn điệu và nhàm chán.

Tuy nhiên, cũng có một số mặt văn hóa phương Tây lại phát triển hơn văn hóa “ta”, trong đó có một vấn đề mà mình cho rằng sẽ trở nên vô cùng bức xúc trong xã hội Việt Nam 10 năm tới đây.

Vấn đề đó tất nhiên không phải là kinh tế (bởi kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nhất có thể), càng không phải là ngoại ngữ (vì trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam khá là cao so với mức trung bình Châu Á), và cũng không phải là công nghệ (bao nhiêu lần Việt Nam vô địch robocon rồi, mình không nhớ xuể). Vấn đề này là: bình luận viên bóng đá.

Giời ơi, nếu không được nói “rất nguy hiểm”, “rất kỹ thuật”, “rất xuất sắc”, “vào”, “không vào”, cùng với tên của cầu thủ hai đội chơi, thì mình không biết các bình luận viên bóng đá Việt Nam sẽ nói gì luôn! Thật đấy, cái gì cũng “rất nguy hiểm!” Chỉ cần trọng tài ra sân tung đồng tiền chơi sấp ngửa là bình luận viên Việt Nam đã nói “rất nguy hiểm!” 3-4 lần rồi.

Mình chưa biết tiếng trung, nhưng xem các kênh bóng đá của Trung Quốc mình vẫn có thể thấy người bình luận viên nói rất thoải mái, nhẹ nhàng, như là hai người bạn ngồi kể chuyện với nhau. Lúc cần thiết thì họ thể hiện sự bức xúc của trận đấu bằng lời, nhưng lúc không thì thôi. Nếu cái gì cũng nguy hiểm và xuất sắc hết thì không còn gì là nguy hiểm và xuất sắc cả, và cách đào tạo bình luận viên bóng đá ở Trung Quốc hình như gồm cả triết lý đó. Cũng phải tôn trọng trí tuệ của khán giả chứ - xem thì biết là nguy hiểm rồi, không cần một người bình luận viên luôn luôn khẳng định điều đó cho mình đâu.

Còn ở nước Anh, quê hương của bóng đá và nhiều môn thể thao khác, người ta đã coi việc bình luận bóng đá là một bộ môn nghệ thuật từ lâu rồi, chẳng khác gì ballet hoặc kịch thơ ấy. Và cũng như  ballet và kịch thơ, nghề bình luận viên bóng đá cũng có những “ngôi sao” của nó. Đi sang nước Anh và hỏi John Moston là ai thì dân ghiền bóng đá nào cũng có thể trả lời được.

Những cái gọi là chuyện “dễ nhìn thấy” thì các bình luận viên Anh quốc không nói nhiều (việc xem vô tuyến đương nhiên là khác xa so với việc nghe đài chứ). Do đó, họ cần phải biết cả một kho “chuyện bếp núc” cộng với một va-li thống kê thú vị để cung cấp cho khán giả những thông tin mà họ không thể tự biết được qua màn hình.

Nhưng có một điều hơi tiếc là trong khi Việt Nam dễ có thể phát triển nghề bình luận viên bóng đá đén “mức Tây”, mình chưa chắc sẽ có một ngày mà Tây phát triển văn hóa ăn uống đến mức như Việt Nam.

21/04/07
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 21-4-2015 00:35:00 | Xem tất
VĂN HÓA


Hoa cả mắt


Mình đọc báo Việt Nam rất thường xuyên, thấy báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh, đăng tải nhiều bài hay lắm. Tuy nhiên, mình phát hiện ra 3 chuyện hơi bị buồn cười về cách viết bài của các bạn đồng nghiệp. Kể ra đây cho vui, mong mọi người đừng giận.

Điều thứ nhất là luôn tìm cách “ngây thơ hóa bản thân”, đặc biệt là khi viết về những chuyện tế nhị, như là tham nhũng hay tệ nạn xã hội… Đoạn này mình lấy từ một bài báo mạng tên “Gái gọi sinh viên qua mạng”:

“Theo lời chỉ dẫn, tôi dễ dàng trông thấy những quảng cáo đầy hấp dẫn nhan nhản trên các website, với các địa phương riêng biệt… Đó là trang giới thiệu về gái mại dâm ở TP Hồ Chí Minh, còn ngay tại Hà Nội cũng có một loạt địa chỉ… Kèm với những lời mời chào đó là thỏa thuận “đảm bảo từ A đến Z, giá 150.000đ”… Tôi hoa cả mắt khi đọc “tin quảng cáo” nào cũng na ná như nhau”.

Mình nghĩ phóng viên ấy không “hoa cả mắt” đâu. Nhà báo thường là những người rất tỉnh táo, có lẽ thậm chí là những người tỉnh táo nhất trong xã hội. Chuyện tiêu cực từ nhỏ đến lớn đa số nhà báo đã quá biết rồi. Mình đoán phòng viên ấy chỉ “xoa cả mắt” thôi, vì buồn ngủ nhưng vẫn phải nộp bài trước 12h đêm.

Trong một bài báo khác một cô phóng viên “ngầm” kể về chuyện gặp một nhóm thanh niên hư hỏng ở vũ trường New Century: “Dù cố nghĩ tôi vẫn không thể lý giải được, tại sao những thanh niên mới lớn này thường xuyên đi qua đêm mà bố mẹ chúng vẫn coi đó là chuyện vặt.”

Mình nghĩ cô ấy có thể lý giải được. Mình có thể lý giải được. Chắc cháu hàng xóm cũng có thể lý giải được. Chuyện con nhà giàu đôi khi thiếu sự quản lý của bố mẹ chẳng có gì phải sốc cả. Thật ra cô phòng viên ấy đã “lý giải được” ngay trong câu tiếp theo “Những người lớn ấy – vì vô trách nhiệm hay vì họ đã bất lực trước những đứa con bất trị”.

Điều thứ hai là rất hay cho một vài câu để khẳng định rằng mình là người tốt.

“Khi Trúc Ly chuẩn bị thoát y thì điện thoại tôi réo vang theo thỏa thuận trước với các đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Chụp lấy điện thoại, tôi hét lớn vào máy: “Anh về ngay đây”. Nói đoạn, tôi tháo chạy ra ngoài, trong tiếng chửi bới của Ly cùng nhân viên khách sạn này.” (Lấy từ bài “Gái gọi sinh viên qua mạng” nêu trên…)

May quá! Tại sao bạ đồng nghiệp ấy biết chính xác cái lúc em “Trúc Ly” gì đó đang chuẩn bị thoát y nhỉ?! Mình thấy đoạn này hơi thừa. Chủ đề của bài là cuộc sống của các cô gái trẻ bán dâm, chứ không phải là sự khéo léo của anh phóng viên và bạn đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Nếu bài không có đoạn này thì lệu người đọc sẽ kết luận rằng anh phóng viên đã nhiệt tình được em Trúc Ly phục vụ từ A đến Z chăng?!

“Có lẽ sự “trống huơ trống hoác” của Tùng cũng giống như cái cảm giác của người tu sau khi tỉnh cơn say. Tôi chưa uống say bao giờ nhưng nghe nói, buồn lắm.” (Lầy từ bài New Century nêu trên)

Đoạn này cũng thế thôi. Chuyện cô phóng viên ấy đã từng hoặc chưa một lần uống say không cần thiết phải cho vào đâu – cái từ “có lẽ” ở đầu câu là đủ để cho người ta biết cô ấy đang đoán cảm giác thôi.

Điều thứ ba là thói nghiện “viết tắt kiểu tinh vi”. Chẳng hạn: “Hơn 12 giờ đêm. Dân chơi ào ra từ một sàn trên phố T.” Thôi, ai đã từng đi chơi ở Hà Nội cũng biết đấy là New Century hết, tại sao không viết hẳn ra?

“Từng có thời gian ca sĩ tên là H.N. “bị lộ” ảnh sex nên bị báo chí hết lời lên án. Thế nhưng sau này, khi ca sĩ trên chơi thân với một phóng viên có tiếng trong làng văn hóa-văn nghệ Sài Gòn thì ngay lập tức những hoạt động sau đó của cô được hết lời khen ngợi.”

Viết kiểu dễ đoán như thế thì viết hẳn ra có hơn không? Muốn giấu thông tin thì phải giấu hoàn toàn chứ!

Có lẽ mình nên dừng lại ở đây. Bạn sẽ hỏi: “Ơ cái anh Joe này, sao đưa ví dụ mà chẳng dẫn nguồn từ báo nào thế?” Chết, chết, thế là minh cũng viết tắt tinh vi sờ ti con gà ri rồi.

20/04/07
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 21-4-2015 11:15:26 | Xem tất
VĂN HÓA


Chuyện nhỏ


Ở Việt Nam, chuyện to có thể trở thành chuyện nhỏ, rồi cuối cùng trở thành không có gì – miễn là mình cố tình không để ý. Tức là cứ giả vờ không có chuyện gì thì dần dần sẽ không có chuyện gì thật.

Ở bên Tây, cứ giả vờ không có chuyện gì thì dần dần sẽ có một kho chuyện “rất thật”. Tức là chuyện nhỏ sẽ trở thành chuyện to, sẽ trở thành bom hạt nhân luôn.

Nói cách khác (và theo một suy nghĩ rất đơn giản), ở bên Tây, một vấn đề “chưa được” nói ra thì là vấn đề rất lớn, trong khi ở Việt Nam, một vấn đề “đã bị” nói ra thì mới là một vấn đề nghiêm trọng chứ.

Tất nhiên mình đang nói về chuyện tình yêu (chứ còn gì nữa đâu) và cách giải quyết vấn đề của người Việt và người Tây. Người Tây thì thường rất thẳng thắn, nghĩ thế nào thì cứ nói  thế đấy, trong khi người Việt có lẽ khéo léo hơn, uyển chuyển hơn.

Thỉnh thoảng mình cũng thích nghiên cứu về những sự hiểu lầm giữa các cặp vợ chồng Tây – Việt (tức là ông chồng Tây, bà vợ Việt, hoặc là ông chồng Việt, bà vợ Tây). Tất nhiên tình yêu không có biên giới nhưng Bắc Mỹ và Việt Nam vẫn cách nhau rất xa.

Theo quan sát của mình, khi một người Tây lấy một người Việt – trai hay gái không quan trọng – thì sẽ có nhiều cuộc nói chuyện như sau (trường hợp này là con trai Tây lấy con gái Việt):

Ông chồng Tây:  Sao trông em buồn thế? (bà vợ Việt Nam tiếp tục lau nhà). Cái gì thế em? Anh biết em buồn mà. Em cứ nói thẳng ra đi nào, anh sẽ nghe hết.

Bà vợ Việt Nam: Anh ơi trời sắp mưa đấy, anh đi chơi nhớ anh đừng quên mang áo mưa nhé.

Ông chồng Tây: Thôi. Em ơi, em nói thật đi. Tại sao em buồn?

Bà vợ Việt Nam: Chắc mưa to đấy!

Ông chồng Tây: Ahhhhhhhhhhhhhhh!!!!!!!!

Liệu trong tương lai mình có phải “trải qua” nhiều cuộc nói chuyện tương tự như vậy không nhỉ?

09/10/2006


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 21-4-2015 19:47:36 | Xem tất
NGÔN NGỮ


Bánh mì nóng đây!


Nhiều con trai Tây rất sợ nghe bạn gái thông báo có bánh mỳ trong lò nướng.

Đôi khi mình thích phân tích các thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh có ý nghĩa tương đối giống nhau, xem sự so sánh nào – hình ảnh nào mà câu thành ngữ gợi lên trong đầu – là hay nhất, buồn cười nhất. Đằng nào thành ngữ cũng là cửa sổ nhìn vào văn hóa, tội gì mà không phân tích.

Ví dụ, tiếng Việt nói “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” trong khi tiếng Anh nói “thoát khỏi chảo, rơi vào lửa” (nói về một con cá cứ lẹt dẹt trong cái chảo rồi cuối cùng nhảy ra chỉ để rơi vào đống lửa). Hoặc tiếng Việt nói “lắm thầy nhiều ma” trong khi tiếng Anh nói “quá nhiều đầu bếp làm hỏng cả nước dùng”. Tất nhiên có một số trường hợp tiếng Việt và tiếng Anh nói giống nhau, “viết như gà bới” chẳng hạn, nhưng thường thì đa số những phép so sánh trong các câu thành ngữ của 2 tiếng đều khác nhau một cách rất thú vị.

Cái mình thấy thú vị nhất là sự khác biệt về các phép so sánh giữa các từ ngữ tiếng lóng, với những ví dụ hay hay như sau:

Tiếng Việt: Đeo ba-lô ngược lại (tức có thai ý)
Tiếng Anh: Có bánh mỳ trong lò nướng

Tiếng Việt: Cưa gái
Tiếng Anh: Nhặt gà con

Tiếng Việt: Buôn dưa lê
Tiếng Anh: Nhai mỡ

Tiếng Việt: Sư tử Hà Đông
Tiếng Anh: Chiến binh A-ma-zôn

Tiếng Việt: Sở Khanh
Tiếng Anh: Con hoang

Tiếng Việt: Cho vui
Tiếng Anh: Cho đá (đá trong bóng đá ý)

Tiếng Việt: Máu
Tiếng Anh: Hổ

Tiếng Việt: Chạy mất dép
Tiếng Anh: Bắt chuyến tàu sớm nhất (để bỏ thị trấn)

Vậy từ đấy mình có một lời khuyên dành cho các bạn trai tuổi thanh niên như mình – hãy cố gắng tập trung nhé! Nếu bạn đang ngồi nhai mỡ cùng bạn bè rồi tự dưng thấy một số gà con đi qua định đi theo nhặt cho đá thì không sao, cứ đi đi, nhưng bạn phải hơi cẩn thận đấy. Dạo này cũng nhiều chiến binh A-ma-zôn, vừa ghê gớm vừa hổ, nên thỉnh thoảng cũng có vấn đề xảy ra. Và nếu có vấn đề xảy ra thì phải chịu trách nhiệm chứ, đừng có như một con hoang bắt chuyến tàu sớm nhất chỉ vì cô bạn gái của mình có bánh mỳ trong lò nướng.

09/02/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 22-4-2015 06:30:00 | Xem tất
NGÔN NGỮ


Lạc lối


Nghệ thuật lúc nào cũng chủ quan. Ví dụ, dưới đây là một bài đoạn ngắn lấy từ một bài thơ dài nằm trong tuyển tập thơ của một nhà thơ Việt Nam rất nổi tiếng cách đây khoảng 20 năm.

Máu
Máu chảy
Chảy, chảy, mặt em
Em vẫn êm ái, êm ái
Từng giọt, từng giọt, từng giọt…


Đoạn viết cũng đơn giản, nhưng vì biết tác giả là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Việt Nam ngày trước nên có lẽ bạn phải thừa nhận rằng nó có một “nền tảng vô hình” rất sâu sắc, như là nhìn một mảng băng nho nhỏ đang trôi trên biển và phải thừa nhận rằng nó chỉ là cái đỉnh của một núi băng to ở dưới nước. Nhưng nếu không biết tác giả là ai thì liệu bạn sẽ vẫn đánh giá cao như vậy chăng?

Còn đây là một đoạn thơ mình tự sáng tác trong vòng 30 giây để minh họa cho quan điểm này:

Cơn mưa kêu lên!
Sót lại
Tiếng trả lời
Lạc lối…

Bạn đã biết đoạn này là do mình - một người nước ngoài mới học tiếng Việt được 3 năm – sáng tác ra, nên có lẽ sẽ đánh giá hơi thấp.

Tuy nhiên, đọc nó mà không biết tác giả là ai thì có lẽ một số người sẽ bị lừa, cứ tưởng là sâu sắc lắm, thậm chí nghĩ đó là sáng tác của một nhà thơ vô cùng uyên bác (như là một chuyên gia nghệ thuật đương đại đến nhà của bạn nhìn thấy một bức tranh trừu tượng treo tường cứ cho rằng đây là một tuyệt tác vô giá, cuối cùng phát hiện ra nó là “tác phẩm” do đứa con trai 5 tuổi của người bạn ấy vẽ ra). Viết một đoạn dài thì chắc mình sẽ mắc phải nhiều lỗi ngữ pháp và bị “vạch mặt” ngay, nhưng cứ viết ngắn gọn và trừu tượng như thế này thì dễ lừa đảo hơn, người ta cứ muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Nếu bạn đưa hai đoạn thơ trên cho một người bạn khác (không được nói tác giả là ai nhé), rồi bạn ấy nhận ra rằng đoạn thứ nhất có một điều gì đó “nên thơ” hơn đoạn thứ hai, “chuyên nghiệp” hơn, “nền táng vô hình” hơn – thì rõ ràng bạn ấy… “sành thơ” Việt Nam.

Hay là không phải! Thật ra đoạn thứ nhất (máu chảy) là do mình sáng tác trong vòng 30 giây và đoạn thứ hai (mưa kêu) là của Vi Thùy Linh, một nhà thơ trẻ xuất sắc của Việt Nam. Bạn đã bị lừa đấy, có đau lắm không? Nghệ thuật lúc nào cũng chủ quan, mình cảnh báo rồi mà.

Nói vậy cũng là tinh vi lắm rồi, nhưng mình có lý do đấy chứ. Dù được trình bày một cách rất vòng vo nhưng kết luận chính là thế này này: Thích một cô gái Việt Nam thì nên chủ động tìm hiểu một chút về bố mẹ cô ấy. Đừng có như một chú gà công nghiệp cứ cho rằng tính cô ấy thế này thì tính bố mẹ cũng vậy thôi, như vậy thì rất dễ bị lừa đấy!

09/03/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách