Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: vunhuquynh26
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tớ Là Dâu | Joe Ruelle (Phần 51: Archie- Hết)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 15-4-2015 18:07:57 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Tuyết bùn lầy


Hôm trước mình tình cờ nghe lại bài hát trước đây mình rất thích. Nhạc rất hay, nhưng điều mình thấy hay nhất là đoạn đầu:

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em

Những lời bài hát đó mang một tình yêu rất “quyết tâm” và đơn giản. Bây giờ mình thấy người ta phân tích quá nhiều về tình yêu (trong số đó có mình đây). Bao nhiêu là “tiểu luận văn” về tình yêu, thường được phát biểu vào tối muộn ở các quán cà phê và bia hơi, ví dụ như:

“Người Eskimo có 40 từ khác nhau cho tuyết: tuyết đang rơi, tuyết nhẹ, tuyết cứng, v…v. Như vậy thì chúng ta cũng nên có 40 từ khác nhau cho tình yêu, vì tình yêu là một phần rất quan trọng trong cuộc sống này, cũng như tuyết là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của người Eskimo vậy…”

Bây giờ có rất nhiều người đang tìm cho mình một người “perfect hợp”, tức một người hoàn hảo, lý tưởng, hoàn toàn hợp với mình, không có chỗ nào để chê cả. Trước đây thì đỡ hơn, thời các cụ ấy. Trước đây “tạm được” là được rồi. Bây giờ “tạm được” là “không được”, chỉ mỗi “quá được” là được thôi.

Vì thế nhiều người cứ chờ đợi một người perfect đến với mình. Nhưng người perfect có đến đâu? Cuối cùng họ bị ế, không ai mua cả, phải đóng cửa, tắt đèn, đưa thông tin lên mạng để bán rẻ. Thế còn một số người khác may mắn tìm được người perfect rồi cuối cùng cũng lại phải bỏ vì perfect quá không chịu nổi.

Hơn nữa tình yêu ở Việt Nam có một số yếu tố riêng biệt cần để ý. Các cụ ngày xưa thường dạy: Lấy vợ là phải xem “tông”, nếu không thì có lẽ sẽ có nhiều điều không hay xảy ra. Và không phải mỗi “tông” đâu. Lấy vợ Việt Nam thì phải xem nhiều cái: xem tông này, bói này, mặt này, số này, tuổi này, tướng này…Mệt ơi là mệt, đau hết cả mắt! Xem nhiều thì stress quá, căng thẳng quá, không tốt cho sức khỏe đâu. Cuối cùng phải xem bệnh thôi.

Mình thì mình thích đơn giản. Kệ người Eskimo và các từ đồng nghĩa của họ. Mình không muốn tình yêu loại A, B, C hoặc D. Mình chỉ muốn tình yêu bình thường, tình yêu “thập cẩm”, như trong truyện trẻ con ấy. Nói chung là việc chia tình yêu thành nhiều loại A, B, C khác nhau thì rất chán - tình yêu đâu có phải bệnh viêm gan!

Thế còn việc xem tông, xem giống, v.v. Các phong tục này cũng quan trọng và mình thấy người Việt Nam rất giỏi trong việc chọn người để ở bên mình cả đời (còn người Tây thì nghĩ “tùy hứng” hơn, thậm chí có lẽ hơi tùy hứng quá). Tuy nhiên xem nhanh cũng được, khồng cần xem quá kỹ đâu. Như vậy thì sẽ có nhiều thời gian để xem nhiều cái vui hơn, như là xem đội Arsenal đá trên vô tuyến vào tối thứ 7 chẳng hạn.

Và chuyện “người perfect” thì sao? Trước đây mình muốn tìm người đó. “Em perfect của Joe, em ơi, em trốn ở đâu thế???”. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Bây giờ “được” là được rồi, mình không cần “quá được” đâu. Mình nghĩ mình nên tìm một người “cũng được” và dần dần xây một “mối quan hệ perfect” – dần dần đưa một “em” nào đó đến cuối cuộc đời.

23/12/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 16-4-2015 06:40:50 | Chỉ xem của tác giả

RE: [Hiện Đại - Xuất Bản] Tớ Là Dâu | Joe Ruelle (Phần 16: Con gái VN phức tạp)

TÌNH YÊU



Con gái VN phức tạp

Hình như tất cả các cô gái Việt Nam 22 tuổi trở lên đã có người yêu rồi. Tất nhiên cũng có người “single” nhưng ít lắm. Khổ cho con trai Việt Nam, khổ cho cả con trai Canada sống ở Việt Nam nữa.

Có lần mình hỏi một người bạn thân: “Thế ở Việt Nam khi một cô gái mà mình thinh thích lại đã có người yêu rồi thì mình nên làm gì, làm thế nào để tiếp cận cô đó?”.

Lời khuyên của bạn mình như thế này (của đáng tội mình đã xuyên tạc một tí, thêm một chút mỳ chính vào). Mình không biết liệu lời khuyên của cô ấy có đúng hay không nhưng mình vẫn thấy hay…

Theo bạn mình nói thì trong việc “đánh đồn” có 3 trường hợp, và mỗi trường hợp một “tỷ lệ thành công” khác nhau như sau:

Các cô đã yêu được một năm

Không đánh được. Cô ấy và người yêu vẫn ở trong giai đoạn gọi là tình yêu trẻ con. Ngồi ở quán cà phê thì 2 người ngồi chung một ghế, viết thơ tặng nhau, chat yahoo và dùng chữ “” rất nhiều (những người hay chat yahoo sẽ hiểu)…Họ như đang chết đuối trong mắt nhau, cứ nói những gì lúc trước cả hai người đã từng coi là rất sến. Thôi, cho họ chết đuối đi…Nếu cô ấy nổi lên mặt nước thì phải sẽ xem lại tình hình.

Các cô đã yêu được 2 năm

Đánh được đấy! Có thể sau 2 năm giai đoạn “tình yêu mới” đã qua nhưng giai đoạn “tình yêu thoải mái” lại chưa đến. Cũng có thể cô ấy bắt đầu tự hỏi mình: “Anh ấy có phải là một nửa trái tim của mình hay không đây? Nếu không mà mình cứ lằng nhằng như thế thì không được…”. Khi ấy, một anh chàng nào đó – một người mà rất hiểu mình muốn gì – có thể chớp lấy thời cơ chui vào bảo tàng lấy trộm vật quý chạy sang Campuchia luôn.

Các cô đã yêu được 3 năm trở lên

Không đánh được đâu! Đối với cô ấy thì mọi thứ đều ổn rồi, thoải mái rồi. Quen anh ấy ngồi ở bên cạnh mình, quen cách nói chuyện của anh ấy, cách nhìn, cách chia sẻ…Tóm lại thì cái gì cũng quen thuộc. Có thể cô ấy đã đi đến nhà anh ấy “ra mắt” rồi và hai người đang chuẩn bị lấy nhau. Tất nhiên có trường hợp “thay đổi ở phút 89”, nhưng mà trường hợp đó rất hiếm. Đà tàu đang chạy là một sức mạnh cực kì đáng sợ, đặc biệt là ở Việt Nam.

Khỏi phải nói cách dễ nhất là hãy cưa những cô gái mà chưa có gì. Đồn đang vắng mà, cần gì phải đánh, cứ đi đến cửa chính bấm chuông thoải mái.

30/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 16-4-2015 12:25:52 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Xấu xiếc gì


Tại sao con trai Tây lại cứ thích con gái Việt Nam trông không “Thúy Kiều” lắm? Trong ba năm vừa rồi mình đã có nhiều cuộc nói chuyện như sau:

JOE :  Ối giời ơi, cô kia xinh thế!
BẠN: Cái gì? Cô nào?
JOE :  Cô kia kìa!
BẠN:  Đâu? Mặc áo màu gì?
JOE :  Cô mặc áo xanh xanh ấy!
BẠN:  Hả? Cô kia á?
JOE :  Ừ, xinh nhỉ? Bạn không thấy vậy à?
BẠN:  Ối giời ơi, bó tay anh Joe!

Tóm lại, khái niệm sắc đẹp không khách quan đâu. Theo cái gọi là “tiêu chuẩn sắc đẹp của Tây” thì má phải cao, mồm phải to và đôi mắt phải hơi… “ghê”. (Tất nhiên mình đang nói về người con gái – lĩnh vực đặc biệt của mình đấy). Diễn viên Julia Roberts là một ví dụ tiêu biểu. Cô ấy xinh lắm, mồm to lắm, răng khỏe lắm, ăn quả dừa chắc không cần bổ ra đâu.

Với lại da phải hơi đen đen một chút. Có nhiều cô Tây kêu:“Eo ơi, da em trắng thế, em xấu quá! Huhu!”, đồng thời có nhiều cô Việt Nam kêu:“Eo ơi, da em đen thế, em xấu quá!Huhu!”. Cô Việt Nam nhìn cô Tây tắm nắng chắc thấy điên. Trái lại, cô Tây nhìn cô Việt Nam bôi kem làm trắng da chắc cũng thấy dở hơi biết bơi. Và con trai Việt Nam nhìn lại hóa đơn vừa mua kem làm trắng da cho người yêu chắc thấy dở hơi biết bơi, biết nhảy và biết trượt pa-tanh nữa!

20/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 16-4-2015 19:16:52 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Quá tự nhiên

Nó hư lắm! Hư kinh khủng!

Mình nói về con gái 7 tuổi của hai vợ chồng bạn mình – anh ấy người Tây và chị ấy người Việt. Không phải riêng con gái của hai vợ chồng đó đâu mà còn rất nhiều đứa con của rất nhiều cặp đôi “trai Tây gái Việt” phát triển rất hư, “vô ngoan’, “phi ngoan”, “bất ngoan”. Hư!!

Và tại sao vậy? Hay là như bạn của mình phân tích: “Ông chồng Tây thì để nó phát triển quá tự nhiên còn bà vợ Việt thì lại quá khắt khe – kết quả là nhiều cách dạy quá không biết nghe ai”.

Mình thấy lô-gic của bạn mình rất…lô-gic! Thêm một điều nữa là nhiều con trai Tây quyết định sinh sống ở Việt Nam lâu có tính cách khá là “ngựa hoang” (còn những con trai Tây thích lập gia đình sớm thì cứ ở quê hương thôi, không sang Việt Nam đâu). Họ thích khám phá, đi du lịch, đi nhậu, đi chơi…nói chung họ thích “đi” – nghe từ “gia đình”, họ có cảm giác giống như một con bò béo nghe từ chợ.

Còn  mình thì lại khác. Mình không biết tương lai sẽ lấy vợ ở đâu, nhưng nếu lấy vợ người Việt Nam thì mình không hề muốn con của mình là thằng nhóc hư hỏng đâu. Vấn đề là ở chỗ mình chưa biết “làm bố” kiểu Việt Nam.

Sự ngoan ngoãn là một điều rất chủ quan. Ngoan kiểu Tây rất khác với ngoan kiểu Việt Nam, cũng như lúa mì rất khác với lúa nước. Nếu mình lấy vợ Việt Nam thì có lẽ tốt nhất là ở lại đây, và nếu ở lại đây thì có lẽ tốt nhất là con của mình nên biết “ngoan kiểu Việt Nam” (khác gì mình sống ở gần biển muốn con của mình biết bơi chứ).

Và muốn con của mình nên biết ngoan kiểu Việt Nam thì chắc cả mình cả vợ mình đều phải nhất trí trong phương pháp giáo dục cho con cái. Nghĩa là gì? Nghĩa là lấy vợ Việt Nam thì sớm muộn rồi mình sẽ phải học “làm bố” kiểu Việt Nam.

Mình biết “làm bố kiểu Tây rồi” – ít ra là theo lý thuyết – nên lấy vợ Tây thì “no star where”, dễ thôi, không cần “nghiên cứu” lâu đâu. Thế còn lấy vợ Việt Nam thì phải nghiên cứu rất sâu về phương pháp giáo dục con kiểu Việt Nam, cho nó phù hợp.

Đáng lẽ Hà Nội nên có một trung tâm gọi là Trung Tâm Dạy Làm Bố Kiểu Việt Dành Cho Đàn Ông Phương Tây, nhưng nhu cầu chắc chưa đủ cao. Thế nên kết hôn ở đây chắc mình sẽ phải nhờ một người bạn trai, hoặc là thầy giáo của mình, hoặc là ông hàng xóm… “chỉ bảo” thôi.

Hay là mình sẽ lấy một cô vợ rất ngoan rồi đi uống bia với bố vợ nhỉ? Sau năm ly bia và một cuộc nói chuyện rất chân thành, mình sẽ ngả người về phía trước và hỏi: “Bố ơi, con hỏi chút nhé! Bí quyết của bố là gì? Sao vợ con ngoan thế?”…

01/11/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 17-4-2015 06:58:17 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Lấy vợ xấu


Cách đây 400 năm, thời hai nước Pháp và Anh bắt đầu sang Canada thành lập thuộc địa mới, nhiều người đàn ông chỉ đặt ra một tiêu chuẩn duy nhất cho người vợ tương lai của mình là: Cực kỳ béo!

Thời đó, Canada được coi là “vùng đất mới” và những người Châu Âu có đủ điều kiện và sự can đảm để sang “bên kia” bắt đầu “cuộc sống mới”, dám chịu đựng khí hậu khắc nghiệt và hoàn cảnh hoang sơ, thì chủ yếu là đàn ông. Tình trạng đó tạo ra một vấn đề rất lớn: Có nhiều người đàn ông đến tuổi phải lấy vợ mà lại không có phụ nữ nào để lấy cả. Nói một cách khác, “cầu” thì rất nhiều trong khi “cung” thì ít như con nít trong quả mít!

Để làm dịu bớt tình trạng đó, Chính phủ hai nước Anh và Pháp lên kế hoạch “truyền nữ” bằng cách quảng cáo về “lối sống tốt đẹp” ở các thuộc địa Bắc Mỹ, xong rồi chọn  hàng trăm người phụ nữ chưa chồng và sẵn sàng bỏ tổ quốc để bắt đầu một cuộc sống mới – và đưa họ lên tàu “vượt biên” sang Canada.

Đến nơi, (theo thầy giáo kể), những người phụ nữ ấy bị bắt phải xếp hàng la liệt ở một địa điểm nào đó để những người đàn ông chưa vợ có thể “ăn phở ngó” tí rồi lựa chọn – hơi giống kiểu các “siêu thị phụ nữ” được tổ chức cho những đại gia giàu có tuyển thiếp trong phim Trung Quốc ngày xưa.

Ai có quyền lực thì chọn trước, ai không có thì đợi đấy mà chọn sau. Và những người phụ nữ được chọn sớm nhất chính là những người phụ nữ béo nhất – vì lý do là mùa đông ở Canada kéo dài rất lâu và thời đó người ta không có nhiều thức ăn, không có nhà cửa kiên cố, không có xe ô tô, không có lò sưởi. Lấy vợ béo thì khả năng cô ấy sống được qua mùa đông “không có” lúc ấy thì rất cao. Lấy vợ gầy thì là…đầu tư rủi ro.

Sở dĩ mình nhớ lại truyện này vì hôm trước đã đọc truyện ngắn “Lấy vợ xấu” của Vũ Trọng Phụng. Truyện kể về một người đàn ông rất sành điệu nhưng cuối cùng lại quyết định lầy một người vợ rất “Thị Nở”.

“Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, trời ạ! Cái áo dài lượt thượt mầu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm.”

Lấy vợ “không Thúy Kiều lắm” là do anh ấy chọn thôi, cũng như lấy vợ “tốt bụng” là do những người đàn ông Canada (cách đây 400 năm) đã chọn. Nhưng có lẽ “nhu cầu” của anh ấy còn thú vị hơn nhu cầu của những người đàn ông Canada đó nhiều – muốn biết vì sao thì chỉ có cách là tìm truyện đó, đọc hết, xem thế nào!!!

25/01/2007



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 17-4-2015 13:53:50 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Xây nhà mới


Tình trạng người hàng xóm đang xây nhà mới, hay nói chính xác hơn là tình trạng mất ngủ do nó gây ra, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Ai mà nhìn kỹ sẽ thấy mắt của mình hơi xám xịt, miệng hơi lờ phờ, người hơi khọm rọm…hơi giống thời mình yêu cô gái Mỹ đó.

Thật thế! Trước hết, hai “tình trạng” ấy đều đã mang lại cho mình một sự thông cảm lớn lao do bạn bè nhiệt tình phân phát.

“Trời, ồn ào quá Joe ạ. Nếu mình mà rơi vào tình trạng của Joe thì chắc không chịu nổi, không giữ nổi thăng bằng để mà nói chuyện lịch sự với người khác được”.

Và họ nói đúng! Cô bạn gái lúc ấy nói rất to, lại còn cười vô duyên nữa, ở đâu cũng vậy, khi nào cũng vậy, kể cả những lúc hai người ngồi tâm sự ở những nới đầy “bóng tối”, có nhiều cặp đôi xung quanh nhẹ nhàng “khám phá” nhau theo phong tục thiêng liêng của giới trẻ Bắc Mỹ.

Nếu như dạo này phải chịu tiếng xoèn xoẹt của máy khoan thì dạo ấy phải chịu tiếng cười ha hả của cô bạn gái; nếu như dạo này phải chịu tiếng xào xạo của các viên gạch cọ xát vào nhau thì dạo ấy phải chịu tiếng hát nhừa nhựa từ miệng cô ấy, “cọ xát” vào micro; nếu như dạo này phải chịu giọng gay gắt của các thợ xây thì dạo ấy phải chịu giọng “quý sờ tộc” của cô công chúa ấy.

Nhưng có một điều hơi lạ là sau một thời gian mình đã bắt đầu quen với những sự ồn ào đó, thậm chí là hơi thích – có một buổi sáng mà không bị đánh thức bởi tiếng máy khoan ro ro thì cảm thấy hẫng hụt, như ông sếp bỗng nhiên  một buổi sáng không được cô thư ký chào mình.

Cũng như vậy, những lúc kể chuyện cười cho cô bạn gái nghe mà không gặp tiếng cười ha hả như bình thường (có lẽ cô ấy mệt hoặc buồn vu vơ) thì mình cảm thấy hơi thất vọng, một cảm giác rất khác sự “sững sờ” mình biểu lộ ra khi gặp tiếng cười đó lần đầu. Cuối cùng hai người vẫn phải chia tay nhau, mình lên đường sang Việt Nam, cô ấy lên đường về Mỹ và thế giới trở lại yên bình.

Nhưng gần đây có những lúc, khi một viên gạch bất chợt rơi từ tầng trên xuống hoặc một anh thợ xây lại kêu ầm ĩ, thì tự nhiên mình nhớ đến cô bạn gái đó và cách ứng xử “Hoa Kỳ” của cô ấy. Nghĩ đến tình yêu đó, một tình yêu rất “khoan dung”, mình chợt nhớ đến câu phương ngôn “Sướng lắm thì khổ nhiều” và tự hỏi mình: Liệu đảo ngược lại thì sẽ đúng hơn chăng?

21/01/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 17-4-2015 17:57:43 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


“Chuyện ấy”


Trang có chủ đề “hưởng” của một tờ báo internet lớn tại Việt Nam luôn tràn ngập bài viết về tình yêu và sinh lý, với đầu đề tiêu biểu như: “Dạy chàng yêu”, “Mồ hôi giúp hưng phấn”, và (một cách xưng hô tiếng Việt rất thú vị) “Nỗi lòng vì “cậu” nhỏ”. Ngoài nội dung “thuộc thân thể” ra, tất cả những bài trong trang này có một điểm chung rất lạ - đó là được minh họa bởi những tấm ảnh của người da trắng!

Bài “Dạy chàng yêu” có ảnh của một cặp đôi trẻ đẹp ngồi chung một bồn tắm, nhìn nhau và cười (tất nhiên có nhiều bong bóng xà bông ở chỗ cần thiết). Bài “Mồ hôi giúp hưng phấn” có ảnh của một cô gái tóc vàng nằm trên giường say đắm ngửi lưng của một anh chàng đẹp trai, khỏe mạnh. Còn bài “Nỗi lòng vì “cậu” nhỏ” có ảnh của một chàng trai thiểu não ngồi khọm rọm trên góc giường, dùng một cái gối nhỏ để che “cậu ấy”. Tất cả là người da trắng hết.

Nói luôn là mình cũng là người da trắng nên không thể nhịn cười khi thấy các anh chị đồng hương của mình cứ hết “lên giường” lại “vào bồn tắm” trên báo internet của Việt Nam. Về cảm giác cụ thể, có một phần áy náy – “Đây là Việt Nam mà, sao không chọn ảnh của người Việt Nam nhỉ???”, hoặc ít nhất là người châu Á, trên các trang web của Trung Quốc và Nhật thì thiếu gì. Tuy nhiên, mình sẽ là người nói dối nếu không thừa nhận một phần cũng tự hào rằng: “Dân tộc mình giỏi nhỉ, được lên giường trên báo chí ở tận nước Việt Nam xa xôi đấy”.

Tiếng Việt có từ “chuyện ấy”. Ở nước mình, khi có người nói hai chữ ấy (tức dịch luôn sang tiếng Anh) rất ít người sẽ hiểu theo ý nghĩa của Việt Nam.

A:  Chuyện “ấy”
B:  Cái gì? Mày nói chuyện gì đấy!
A:  Chuyện ấy!! (nháy mắt)
B:  Hả? Chuyện gì cơ? Chả hiểu gì!
A:  Chuyện ấy mà!
B:  Chuyện ấy, chuyện ấy, nhưng chuyện ấy là chuyện nào??

Người phương Tây mình sẽ cần một vài lời giải thích hoặc sự giúp đỡ của “ngôn ngữ cử chỉ” thật “mãnh liệt” mới đoán ra được ý nghĩa của từ “ấy” đó! Trái lại người Việt sẽ hiểu ngay:

A:  Chuyện ấy mà
B:  (cười, nhìn xuống ly bia)

Thỉnh thoảng cách nói vòng vo của Việt Nam cũng khá là thẳng thắn.

Quay lại với chuyện ảnh minh họa, nếu chỉ xem xét trên cơ sở các báo internet lớn thôi thì quan điểm người da trắng giữ thế “độc quyền” về “chuyện ấy” ở Việt Nam cũng hợp lý chứ. Trên trang “hưởng” của tờ báo internet đó, có hơn 10 bài viết và bài nào cũng được minh họa bằng ảnh của người da trắng. Nói cách khác, một người hành tinh khác, đang ngồi trên đĩa bay nghiên cứu về sinh vật học châu Á qua internet wifi, dễ có thể kết luận rằng người Việt Nam, khi lên giường, sẽ trở thành người da trắng luôn.

Vậy nếu hình ảnh của người da trắng đại diện cho “văn hóa ấy” trên báo internet Việt Nam thì có đồng nghĩa với chuyện người da trắng thật cũng đại diện cho “văn hóa ấy” trên đất Việt Nam chăng? Nếu điều đó là đúng thì mình chưa thật sự nhiệt tình đảm nhận vị trí “đạo mạo” này. Đến bây giờ mình chưa bị ai bắt chuyện trên đường hỏi về chuyện ấy: “Anh Joe à! Anh đang gửi xe à? À, anh ơi! Em hỏi tí nhé. Mồ hôi giúp hưng phấn cụ thể là như thế nào hả anh?”…Tuy nhiên, nếu báo internet Việt Nam cứ tiếp tục “tuyên truyền” cho người dân (về chuyện ấy) bằng cách đăng ảnh minh họa của người da trắng thì có lẽ mình sẽ gặp nhiều câu hỏi bất ngờ như vậy trong tương lai gần. Chẹp!

12/04/07
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 18-4-2015 06:59:46 | Chỉ xem của tác giả
TÌNH YÊU


Rửa xe


Có những cặp tình nhân yêu nhau và rất rất hiểu nhau, cứ như có một cái vòi rộng kết nối hai trái tim – thông tin, kiến thức và cảm giác có thể không ngừng chảy một cách “phi ngăn trở” từ trái tim một sang trái tim hai.

Cũng nhiều người cho rằng đó là tình yêu tuyệt vời. Vợ hoặc là người yêu mình phải là người hiểu mình nhất chứ - “thấu cảm” với mình nhất chứ! Cảm giác thật là sung sướng khi mình mới nói được nửa câu, rồi người yêu lại tự dưng nói nốt cái nửa còn lại, chỉ cần nháy mắt là hiểu nhau luôn. Ý nghĩa của cụm từ “một nửa trái tim” chính xác là thế - hai “nửa” thành “một”, ở giữa không có gì cả.

Nhưng mình thì lại không đồng ý. Trước đây, mình cũng có suy nghĩ tương tự như vậy: Tình yêu là hiểu nhau, hiểu nhau là tuyệt vời, vân vân và vân vân, biết rồi sướng lắm nói mãi. Nhưng mấy năm vừa qua, “thầy đời” đã dạy cho mình một số cái khác, một số “bài” khiến cho mình phải xem xét lại quan điểm cũ ấy về tình yêu và sự hiểu nhau.

Tình yêu mà trong đó hai người cực kỳ hiểu nhau giống như là có một ống vòi kết nối hai trái tim, sự so sánh đó mình đã nói rồi. Vậy thì tình yêu mà trong đó hai người có một số “chỗ không hiểu nhau lắm” thì có lẽ sẽ như cái ống vòi bị siết lại ở một số chỗ, bị thắt lại thành hẹp.

Và chính những chỗ bị siết lại đó phải trở thành điều giúp cho tình yêu “căng” lên chứ. Hãy cứ hình dung một chút: Mình đang cầm một vòi nước có nước chảy bình thường, rồi mình cứ véo vào cái vòi nước một cái thì nước sẽ…

Nói thế này nhé: Khi rửa xe, nếu dùng một cái vòi rất to thì nước, mặc dù chảy ra rất nhiều, nhưng sẽ không phun được ra xa. Nhưng nếu lắp một cái miệng nhỏ vào đầu vòi nước thì nước sẽ phun ra cực xa với áp lực rất lớn. Công nhận quá nhiều áp lực cũng không tốt tí nào. (Nước đủ áp lực có thể cắt thép, cắt sắt). Tuy nhiên, một chút áp lực có được từ một cái siết nhỏ có thể giúp cho một chiếc xe máy sạch sẽ, nhấp nháy rực rỡ dưới ánh sáng buổi chiều.

Tóm lại, cần phải yêu một người khác mình một chút, một người đôi khi không hiểu mình lắm. Nếu không thì xe sẽ rất ướt nhưng không sạch sẽ lắm.

24/03/2007

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 18-4-2015 14:14:02 | Chỉ xem của tác giả
VĂN HÓA


Karaoke


Ka-ra-ô-kê: bốn âm tiết mà không ai ở Việt Nam có thể bỏ qua được.

Trước khi sang Việt Nam mình đã không biết karaoke “châu Á” là cái gì cả (karaoke kiểu Tây thì lại rất khác). Nhưng sau khi đến xứ sở này mình đã nhanh chóng nhận ra một điều – sống ở Việt Nam mà không đi hát karaoke thì khác nào ăn canh không có mỳ chính, như người ta hôn nhau mà không có râu. (Cứ tưởng tượng đi nhé). Thế là mình mua một bộ loa và một số DVD karaoke mang về luyện hát cái. Các đĩa DVD mình chọn có nhiều bài hát khác nhau, nên mình đã có một cái mô hình nền âm nhạc Việt Nam rất phong phú. Khi xem các đĩa DVD đó, mình phát hiện ra một vài điều thú vị. (Hay là thú vị đối với mình thôi, không biết nữa).

1)        Nhạc sĩ Việt Nam cực kỳ thích cái từ “xót xa”. Ngay sau khi mua đĩa DVD đó, mình cho vào máy tính nghe thử. Bài đầu tiên có từ “xót xa”. Xót xa là gì, Joe tự hỏi mình. Mình nghe bài thứ hai. Lại có từ xót xa. Mình nghe bài thứ 3. Lại có. Mình nghe bài thứ 4. Lại có. Bài thứ 5. Lại có! Lạ nhỉ. (lúc đó mình tra từ điển đọc rất kỹ định nghĩa của từ này). Không phải riêng từ “xót xa” đâu mà còn một số từ khác nữa cũng luôn luôn xuất hiện trong bài hát Việt Nam. Nếu ai có thể tìm cho mình một đĩa karaoke nhạc trẻ mà không bài nào có từ “xót xa”, “lẻ loi”, “cô đơn”, “nỗi đau”, hoặc “gian dối” thì mình sẽ mua đĩa đó với giá một triệu đồng luôn!* (Nhạc tiếng Anh cũng thế thôi, những từ như sorry, baby, heart, lost,v.v…).

2)        Trong việc sáng tác bài hát tiếng Việt thì chuyện “đảo ngược” những từ hai âm tiết có vẻ rất phổ biến. Mình đã biết từ “suy nghĩ’ từ lâu rồi, nhưng mình đã phải mua một đĩa karaoke mới biết từ “nghĩ suy” là như thế nào. Hình như đảo trật tự của âm tiết như vậy là để thêm “mỳ chính” vào hay sao nhỉ? Nếu người yêu mình “thay đổi” thì lại chưa được, em ấy phải “đổi thay” mới hay chứ. Cũng như “gian dối” (dối gian), “mong chờ” (chờ mong), “tha thứ” (thứ tha)… Chuyện này càng khiến mình coi tiếng Việt như là một ngôn ngữ vô cùng phong phú. Tiếng Anh làm gì có chuyện “đảo ngược” đó. Yesterday all my troubles seemed so “away far” là sai hoàn toàn, không được làm như thế đâu. Có lẽ tiếng Việt linh hoạt hơn cả tiếng Anh, ít ra trong một vài lĩnh vực đặc biệt.

3)        Người Việt Nam rất coi trọng người nhạc sĩ. Cái đó là rất hay. Ở bên Tây, có một bài hát nổi tiếng thì chắc ai cũng sẽ biết người ca sĩ là ai. Nhưng rất ít người sẽ biết nhạc sĩ – chính là người sáng tác bài đó – là ai. (Ở bên Tây, chuyện ca sĩ tự sáng tác bài hát của mình là rất hiếm có). Ở Việt nam thì lại khác. Ví dụ, có một bài do Trịnh Công Sơn sáng tác được Quang Dũng trình bày thì đa số người sẽ biết đó là bài do Trịnh Công Sơn sáng tác được Quang Dũng trình bày. Lời giới thiệu của những bài hát lên ti vi luôn nhắc đến tên của hai người: người nhạc sĩ và người ca sĩ (nhạc sĩ: Trần Tiến. Thể hiện: Mỹ Tâm, v..v). Cái đấy mình rất khâm phục – có lẽ Tây nên học Việt Nam cái!

À, quên một điều rất quan trọng. Bài mình đang thích nhất là bài “Đêm thấy ta là thác đổ” do Trịnh Công Sơn sáng tác, được ca sĩ Quang Dũng trình bày đấy.

Có ai đi karaoke không?
*Có lẽ mình sẽ không làm thế

29/07/2006








Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 18-4-2015 20:35:48 | Chỉ xem của tác giả
VĂN HÓA


Tết Tây, Tết “Ta”


“Hôm nay Joe có nhớ nhà không?” – đó là câu hỏi bạn bè thường xuyên đặt ra cho mình trong ngày mồng 1 tháng 1, “Tết Tây” ở Việt Nam. Câu trả lời là “không”. Tất nhiên mình cũng có nhớ nhà một chút, ngày nào cũng dành ra một chút thời gian để nhớ Canada, nhưng năm mới với mình không phải là một ngày khiến cho bệnh nhớ nhà trở nên cấp tính.

Ở Canada, Giáng sinh là thời gian dành cho gia đình, còn năm mới thì dành cho bạn bè. Vì vậy thì Giáng sinh quan trọng hơn năm mới rất nhiều – gấp 10 lần, gấp 100 lần, gấp 2007 lần luôn. Và ở Canada, chắc chắn sáng ngày 25 (tức sáng ngày giáng sinh ấy) đa số những gia đình có cha mẹ, con cái – những người thân – sống gần nhau sẽ tổ chức Giáng sinh ở nhà. Thường thì con sẽ ngủ dậy trước, chạy đến cây thông Nô-en xem ông già Nô-en có mang cho chúng món quà từ tận Bắc Cực hay không (tất nhiên có), rồi bắt bố mẹ thức dậy để mọi người trong gia đình cùng nhau bóc quà.

Buổi chiều, mọi người sẽ đến chơi thăm nhà họ hàng (hoặc rủ họ hàng đến chơi nhà mình), ăn gà Tây, jăm bông, hoa quả, các món ăn Giáng sinh – ăn nhiều đến mức phải tháo thắt lưng ra ngủ cho đỡ tức bụng.

Trong không khí sum họp, mọi người nói chuyện rất vui vẻ, ông kể chuyện cười, bà mắng ông vì đã kể chuyện đó một trăm lần rồi, bố khen bữa ăn mẹ nấu ngon lắm, mẹ mắng bố vì “bữa nào em nấu cũng ngon chứ!”… Rồi mẹ bắt con phải ăn thêm một chút cải bruxen (đắng quá!), con chạy lung tung từ phòng nọ đến phòng kia vì vui quá, không chịu ngồi yên. Xen lẫn, thỉnh thoảng sẽ có một vài cuộc tranh luận – gọi là “những cuộc cãi nhau Giáng sinh” (người Tây mình lúc nào cũng thích cãi nhau) – nhưng đó cũng là một phần của không khí Giáng sinh, một không khí rất ấm áp và rất… gia đình.

Có một điều chắc chắn là những người Canada (hoặc Mỹ, Úc, anh, Pháp, v.v.) sống ở Việt Nam như Joe sẽ nhớ nhà nhiều nhất trong năm vào thời khắc Giáng sinh. Ở Việt Nam người ta cũng biết về Giáng sinh, cũng tổ chức những bữa tiệc và sự kiện văn hóa lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam, Giáng sinh chỉ mang ý nghĩa là một ngày vui chơi – có ông già Nô-en, nhưng không có ông nội của mình, có không khí đặc sắc nhưng không có không khí gia đình.

Đối với người phương Tây, năm mới là dịp vui chơi, chứ không phải là Giáng sinh đâu. Năm mới thì đi đâu cũng được (thậm chí đi du lịch rất xa), với ai cũng được, không say không về. Đêm giao thừa ở Canada vui lắm. Mỗi nhóm bạn đều tổ chức một buổi liên hoan rất lớn, các cửa hàng bán rượu và sâm-panh thì tấp nập khách đến mua hàng.

Tết tây mình có nhớ nhà không? Không. Giáng sinh mình có nhớ nhà không? Nhiều. Rất rất nhiều.

01/01/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách