Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: vunhuquynh26
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Tớ Là Dâu | Joe Ruelle (Phần 51: Archie- Hết)

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 12-4-2015 16:03:30 | Xem tất
HÀ NỘI PHỐ

Lấy một con đường


Đường phố Hà Nội nhìn thì đẹp, đi thì vui, chụp ảnh thì quyến rũ. Nhưng mà lấy làm vợ thì sao? Yêu thì bình thường, ai cũng yêu đường phố Hà Nội. Nhưng trong trường hợp phải chọn lấy một con đường Hà Nội làm vợ thì mình nên chọn con đường nào bây giờ nhỉ?

Chắc chắn mình sẽ không chọn đường Lê Duẩn. Nó không chung thủy đâu. Hôm nay là một chiều, ngày mai là hai chiều – nó thay đổi liên tục, không biết mình muốn gì, không biết mình muốn đi đâu, chả thấy ổn định gì cả. lấy đường Lê Duẩn thì nguy hiểm thật, tương lai sẽ vô cùng thất thường.

Đường Nguyễn Chí Thanh cũng được – nó nhanh, thoáng, cởi mở. Người con trai không cần đợi lâu cũng có thể đến những nơi mình muốn, thế là hấp dẫn lắm rồi. Mỗi tội là nó hơi béo. Thôi mình nói thật luôn: Nó to quá, mình không lấy đâu!

Đường La Thành thì hoàn toàn không được. Nó bẩn bẩn, ồn ào, gầy đét, có khả năng tiêu hóa cực kì kém.

Phố Lý Nam Đế thì hay. Nó rất tôn trọng thiên nhiên, luôn có cây cối xung quanh. Tuy nhiên tính của nó rất là con trai. Nó suốt ngày nhắc đến chuyện đồ vi tính – con này CPU nhanh, con này màn hình rộng. Mình thấy rất chán, khác gì lấy một con chip Pentium 4.

Phố Hàng Bài thì đẹp và sành điệu. Lấy phố Hàng Bài thì sẽ có nhiều người khen. Tuy nhiên, sẽ có nhiều người chê hơn: “Nó không tốt. Nó chỉ biết đi Bờ Hồ chơi thôi. Tối thứ 6 nó hay chơi với bọn thanh niên, mặc dù nó đâu có phải là thanh niên. Nó già rồi, có mặt trên địa bàn Hà Nội từ thời Napoleon cởi truồng”.

Nói về thanh niên, công nhận đường Thanh Niên có sức hấp dẫn riêng của nó. Nó đẹp như tranh, có nhiều con thiên nga bơi sung sướng quanh quanh. Chỉ có điều là nó thức khuya lắm. Buổi tối không về chăm sóc chồng thì thôi, kệ nó, lấy con đường khác sẽ hạnh phúc hơn.

Hay là mình lấy phố Hàng Bạc nhỉ? Nó đi ngủ tương đối sớm, không mải chơi đâu. Chỉ có điều là nó thích thể hiện, lúc nào cũng mang vòng tay, dây chuyền, hoa tai, v.v…, tất cả đều làm bằng vàng, bạc, kim cương hết. Chăm sóc nó thì phải có nhiều tiền. Tóm lại, nếu được giới thiệu với một nhóm người con trai thì nó chỉ có duy nhất một ý nghĩ trong đầu: “Ai là triệu phú!”

Đường Láng thì hoàn toàn ngược lại. Nó không thích thể hiện đâu (nó làm gì có tiền mua hoa tai vàng). Thật ra nó cũng hơi ki bo, “ngân sách đi chơi” rất “sinh viên”. Đối với nó thì đi chơi chỉ có nghĩa là uống trà đá, ăn xôi rồi về. Liệu kiểu đó có xứng đáng với một người có bằng cử nhân từ lâu rồi như mình không?

Phố Tạ Hiện trông hay, nhiệt tình, dễ thương. Rất tiếc nó hay chơi với bọn nước ngoài, đặc biệt là bọn Tây Ba-Lô, và con gái mà hay chơi (với) Tây Ba-Lô thì “có vẻ” là không tốt lắm, ai cũng biết điều đó.

Cuộc sống phức tạp và giữa cặp vợ chồng nào cũng thỉnh thoảng phải xảy ra “bão”. May là nếu hai người hiểu nhau thì những “hậu quả” sẽ không nhiều. Thế thì lấy phố Khâm Thiên không được đâu. Nó gặp bão thì “ngập” luôn, “nước mắt” ùn ùn “tràn” ra đường, phải đợi rất lâu tình hình mới trở lại bình thường.

Thôi, cuối cùng mình cũng quyết định chọn lấy phố Hàng Bông làm vợ cả. Nó vừa ngoan, vừa sành điệu. Nó đi Bờ Hồ chơi nhưng (không như phố Hàng Bài) nó vẫn có “cơ hội” quay về. Nó tiêu tiền vừa phải thôi, thỉnh thoảng mua đồ rất hoành tráng, thỉnh thoảng mua đồ rất bình thường. Nó không quá béo, không quá gầy, không có vấn đề gì đáng kể cả. Nói chung thì mình sẵn sàng yêu phố Hàng Bông đến vỡ vỉa hè, cháy đèn đường.

08/12/2006

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-4-2015 06:28:11 | Xem tất
HÀ NỘI PHỐ


Đội hay không đội!


“Mũ dùng để đội khi đi xe máy, tăng độ an toàn nếu có tai nạn xảy ra”. Đó là định nghĩa của từ “mũ bảo hiểm” theo quyển từ điển tiếng Việt để trên bàn làm việc của mình. Tuy nhiên quyển từ điển này chỉ là quyển bác học thôi. Còn nếu có từ này trong từ điển cuộc sống – tức là từ điển theo suy nghĩ của người dân – thì nó sẽ được định nghĩa như sau: Mũ bảo hiểm: nồi cơm điện. Xấu quá! Kệ. Không cần thiết.

Mình cũng thích lái xe máy ở Hà Nội. Lúc mình mới học lái xe ở đây mình đi rất chậm. Cực kỳ chậm. Chậm như rùa. Hơn. Chậm như voi giậm trong rừng rậm. (Mình đã mất 15 phút tra từ điển để sáng tác câu đó, mọi người cứ “nhấm nháp” nó đi). Chậm đến nỗi lúc mình đi dọc đường Lê Duẩn có nhiều bà già đạp xe đạp ngang qua vẫy tay chào mình rồi dần dần biến mất vào phía chân trời.

Tuy nhiên, mình đã biết lái xe máy hơn 3 năm rồi và bây giờ mình đi quá nhanh. Trước đây, tức là khi mình đi rất chậm, chắc là không cần đội mũ bảo hiểm đâu, vì nếu đội thì khác gì một gã điên đeo kính râm vào ban đêm. Nhưng bây giờ thì rất cần thiết, theo suy nghĩ của mình, theo lôgic của phương Tây và theo vật lý của vũ trụ nữa. Thế là mình lâm vào một tình cảnh rất khó xử vì ở Hà Nội, đội mũ bảo hiểm là không sành điệu.

Đó chỉ là sự thật phũ phàng thôi, muốn hay không người ta đang nghĩ như vậy. Còn mình thì cũng là một phần của “người ta”, thế nên mình cũng nghĩ như vậy. Mọi người xin đừng hiểu lầm, mình không phải là loại người thích sành điệu, thế mới có vấn đề.

Tóm lại, tất cả những khía cạnh của vấn đề này có thể được “co” thành một câu ngắn: Thà một phút sành điệu rồi chợt tắt còn hơn buồn “nhà quê” suốt trăm năm. (Không biết bác Xuân Diệu có đội mũ bảo hiểm không nhỉ). Liệu mình có nên đồng ý với quan điểm này chăng?

Nếu đồng ý thì thôi, kệ mũ bảo hiểm đi, lái “không” thôi. Hay là mình quan điểm khác? Cái từ “nhà quê” mặc dù thường có nghĩa coi thường người đến từ tỉnh lẻ, nhưng cũng là một từ hay, với ý nghĩa rất thân thiện. Mình có nhiều bạn đến từ các tỉnh lẻ và họ vui tính lắm, thông minh lắm, học đại học giỏi lắm, thường thì giỏi hơn cả người thành phố luôn, điểm cao nhất trường.

Thế mình bị (được) coi như người nhà quê cũng được chứ sao! Đằng nào mình cũng sinh ra ở vùng núi, cũng là người lớn lên ở một nơi không có rạp Megastar. (Bố mẹ mình thì ở dưới thành phố Vancouver nhưng đến công tác ở một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Canada và đến năm 78 thì sinh mình ra ở đó. Lúc mình 12 tuổi bố mẹ mới quyết định quay lại sống ở thành phố để không xa ông bà và họ hàng nữa). Liệu đối với “dân núi” như mình thì chuyện đội mũ bảo hiểm có phải là bẩm sinh không nhỉ???

Hơn nữa, ở bên Tây hầu như ai mà đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm hết. Thậm chí, trẻ em đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm nhỏ. Vậy thì đội mũ bảo hiểm cũng chẳng có gì phải xấu hổ, đúng không? Nhưng Việt Nam là Việt Nam (hoặc thỉnh thoảng là Việt Nam) và người ta có câu “nhập gia tùy tục”…Mình xin đưa ra một bài phân tích như sau:

1.        Không đội mũ bảo hiểm

 Điểm có lợi: Sành điệu.
 Điểm bất lợi: Dễ phải chuyển hộ khẩu ra Văn Điển.

2.        Có đội mũ bảo hiểm

 Điểm có lợi: An toàn. Và không có nhiều người nhận ra mình ở trên đường, không ai biết mình là người Tây (giống kiểu “ninja” của phụ nữ Việt Nam đội mũ đeo khẩu trang, kính râm).
 Điểm bất lợi: Không sành điệu.

3.        Đội mũ bảo hiểm loại sành điệu

 Điểm có lợi: Vừa an toàn vừa sành điệu.
 Điểm bất lợi: Làm gì có mũ bảo hiểm sành điệu.

Ba sự lựa chọn khác nhau, nhưng ba kết quả khó chịu như nhau. Nếu chỉ có ba sự lựa chịn này thì thật là buồn, thật là chán. Tuy nhiên cuộc sống không bao giờ bất công như vậy đâu. Mình may mắn được biết đến một sự lựa chọn khác. Một sự lựa chọn không có điểm bất lợi nào cả. Một sự lựa chọn vừa an toàn vừa sành điệu vừa tốt cho các công ty mỹ phẩm Việt Nam.

Đó là xịt gôm, bôi gel vào tóc thật nhiều, rất rất nhiều, như một thằng 18 tuổi con nhà giàu đi xe SH màu đan, có đề can hình con rồng dán trên chắn bùn. Như thế mái tóc của mình sẽ rất cứng, cứng như kim cương. Mình bị ngã xe, đâm đầu vào vỉa hè, thì chính là vỉa hè sẽ bị vỡ, chứ không phải đầu của mình đâu.

08/09/2006

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-4-2015 09:04:42 | Xem tất
HÀ NỘI PHỐ


Màu xám


Thỉnh thoảng mình tìm được một bài rất đơn giản, thậm chí rất trẻ con, phản ánh cảm giác của mình một cách rất chính xác. Đây là bài “Con Muỗi” trong truyện Mít Đặc và các bạn, dịch từ tiếng Nga thì phải. Bài này hay, dù buồn nhưng vẫn hay.

Tôi bắt con muỗi
Nó kêu vo ve
Tôi thương nó ghê
Nhưng rồi một buổi
Nó buồn rũ rượi
Tôi thương vô cùng
Giữ thì ác hung
Có lẽ tốt hơn
Tôi bắt con kiến
Kiến cũng buồn nản
Tôi thả nó ra
Chơi đã chán chê
Thôi tôi đọc sách


Khi mình đọc bài thơ “ngắn ngủn” này, bỗng nhiên mình có một cảm giác rất…”mùa đông Hà Nội” – hơi lạnh, hơi “màu xám”, hơi thiếu ánh sáng một tí. Mình không nói về nội dung cụ thể của bài đâu, chỉ là cảm giác – sự cảm nhận – của người đọc (mình).

Mùa đông ở Canada cũng lạnh, lạnh dã man luôn! Nhưng mùa đông Canada chỉ lạnh ở ngoài trời thôi, còn không khí ở trong nhà thì rất ấm áp, nhờ sự giúp đỡ của một máy lò sưởi hoặc một lò sưởi thật. Khi mùa đông tràn vào Hà Nội, ở trong nhà có vẻ lạnh hơn ở ngoài trời, khiến cho mình phải mặc áo jacket khi xem vô tuyến.

Tuy nhiên, mùa đông Hà Nội không buồn như nhiều người nói đâu. Ra ngoài đường xem nhiều người mặc áo jacket, đeo găng tay da, đội mũ len thì mình thấy đỡ nhớ nhà hơn. Nhìn rất dễ thương, rất quen thuộc.

Khi thấy chán mùa đông Hà Nội – chán màu xám – mình cũng thích đi đến những chỗ “bí ẩn”, những quán cà-phê hoặc cửa hàng mà ít người biết đến, như hiệu sách ở số 5 Đinh Lễ chẳng hạn. Mình dùng từ hiệu sách, nhưng nhìn từ bên ngoài không dễ biết đấy là hiệu sách đâu. Nhìn nó giống như một ngôi nhà cổ bình thường, sâu hút vào trong ngõ, quần áo phơi ở trên gác, người đi vào đi ra. Lên cầu thang mới biết là chỗ bán sách và không phải mấy quyển đâu. Mỗi phòng là một kho sách, đôi khi không có chỗ để đặt chân. Khách đến xem sách mua cũng được, không mua cũng được, thoải con gà mái.

May mà Hà Nội có nhiều chỗ như thế đấy. Thấy buồn mà đi siêu thị lớn hoặc cửa hàng bán quần áo mở nhạc xập xình thì không được đâu. Phải đi đến chỗ có nhiều con kiến chứ, đi chỗ có nhiều con muỗi làm gì, không ăn thua gì đâu!

16/12/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-4-2015 13:38:31 | Xem tất
HÀ NỘI PHỐ


Dấu đen


Khi các Yakuza (tức mafia Nhật Bản) chơi bài với nhau, họ thường để phanh ngực áo hoặc cởi trần. Đó là một trong những lần hiếm hoi họ để lộ ra những hình xăm khác nhau trên ngực và lưng, coi như là một cách để thể hiện sự “oai phong” của họ.

Dù không hoành tráng như các Yakuza của Nhật, nhưng những người nước ngoài sống (hoặc đã từng sống) ở Việt Nam đều có một cái dấu đặc biệt “in” trên cơ thể. Dấu này là một dấu hiệu chứng tỏ rằng mình thuộc một “giới” riêng biệt, một câu lạc bộ “có một không hai”.

Khi mình nói “sống ở Việt Nam” nghĩa là sống ở Việt Nam thật. Có nhiều người nước ngoài “sống” ở Việt Nam nhưng không bao giờ “SỐNG” ở Việt Nam đâu. Họ chỉ ăn ở khách sạn 5 sao, chơi với người nước ngoài khác, đi lại bằng xe ô-tô đắt tiền và nếu có ai hỏi “phở nước và phở xào khác nhau thế nào?”, họ sẽ đứng im như bình vôi.

Và cũng như các Yakuza, những người nước ngoài sống ở Việt Nam hiếm khi cho người khác xem dấu này. Tuy nhiên, nó lại không phải là hình xăm. Nó không có hình thù cố định, như là một con rồng nhỏ vẽ trên vai hoặc một chữ Hán cổ vẽ trên tay. Nó cũng không được tạo ra do một chủ ý nào cả. Muốn hay không, người nước ngoài sống ở Việt Nam, thực sự sống ở Việt Nam, đều có dấu này, đều nhớ đến lần đầu tiên mình bị “kết nạp” vào “câu lạc bộ riêng biệt” ấy.

Mình muốn viết tiếp nhưng mình sợ. Nhỡ có người nước ngoài nào khác đọc bài này thì…, nhỡ chuyện này bị “phơi” cho cả thế giới biết thì…Thật ra không phải chỉ riêng người nước ngoài sống ở Việt Nam đâu mà nhiều người Việt Nam chính gốc cũng bị kết nạp vào câu lạc bộ này, có “dấu đen” này, nên chuyện lại càng tế nhị hơn.

Thôi. Mình là người thích viết chữ nên mình sẽ tiếp tục viết chữ mà thôi. Nhưng mình vẫn xin giữ ý một chút, chỉ miêu tả cái dấu này một cách ngắn gọn để ai đọc bài này có thể hình dung ra nó là như thế nào, nó tượng trưng cho cái gì. Ai ở đây mà có bạn bè người nước ngoài cứ kiểm tra xem mình nói có đúng hay không (hoặc tự kiểm tra cơ thể mình xem sao). Rồi đã đến giờ mình phải tiết lộ. Cái dấu đó chính là…

…một cái sẹo nhỏ ở trên bắp chân.

Là gì? Là vết bỏng pô xe máy chứ gì? Ai đoán đúng thì thật là giỏi! Còn ai không đoán được thì…chắc chưa đi xe máy ở Việt Nam bao giờ!!!

11/11/2006

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-4-2015 18:18:31 | Xem tất
HÀ NỘI PHỐ


“Ông Tây”


Gần như mỗi lần mình chở một cô gái Việt Nam trên xe vào tối muộn, có thể là đồng nghiệp, bạn thân, bạn bình thường – nói chung là những ai mà có tóc dài và mặt xinh – thì y như rằng có rất nhiều người cứ nhìn vào bọn mình một cách khó chịu dã man! Mình dịch cái nhìn đó là “chắc cô này là người không tốt, đi với thằng Tây”. Thỉnh thoảng mình còn không cần dịch gì cả, vì họ nói trực tiếp luôn: “Đấy! Con kia đi với thằng Tây đấy!” (Tất nhiên là họ tưởng mình không hiểu đâu). Chuối hết cả nải!

Bản thân mình thì không quan tâm nhiều vì chuyện đã xảy ra nhiều lần, mình đã hơi “lỳ đòn”. Thôi, không sao, kệ! Nhưng đối cới những bạn gái mà phải chịu đựng những cái nhìn và lời nói vô duyên đó thì quả là một chuyện rất “khó kệ”. Nan giải thật. Mình không biết “chèo chống” như thế nào đây. Hay là mỗi lần chở một cô bạn người Việt lên xe thì mình sẽ mặc một chiếc áo phông mầu trắng có in dòng chữ rất to “Ông Tây!” và đưa cho cô bạn mình mặc một áo khác in chữ: “Tôi chỉ là bạn của ông Tây này thôi, mọi người làm ơn nhìn ra chỗ khác đi”. Vớ va vớ vẩn!

09/05/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-4-2015 06:57:57 | Xem tất
MÓN ĂN


Thèm bún chả


Rất tiếc mình không biết nấu cơm Việt Nam. Nhưng mình rất biết ăn cơm Việt Nam và có người biết nấu thì phải có người biết ăn, có người kể chuyện cười thì phải có người cười, nên mình thấy mình cũng đã làm tròn bổn phận của mình đối với xã hội.

Hai ngày nữa mình sẽ quay lại Việt Nam. Tối thứ 4 mình về đến sân bay, rồi sáng thứ 5 mình sẽ đi ăn bún chả. Mình cực kỳ thích bún chả. Mình không biết tại sao Bộ Y Tế Việt Nam không tổ chức một cuộc vận động phát triển nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của món bún chả, tại vì so với một bát bún chả ngon thì thuốc lá chẳng ăn thua gì đâu. Trên vỏ bao thuốc lá phải in hình ảnh của một người bị bệnh, răng toàn là màu đen, thế nên theo mình mỗi một bát bún chả cũng nên có hình ảnh của một người Tây cực béo, để mình suy nghĩ lại thói nghiện kinh khủng này và tự hạn chế mình một chút.

Nhưng thôi, thích nghiện thì cứ nghiện thôi. Mình nghiện bún chả đến mức mình tự coi mình là người sành bún chả. Bạn có muốn biết gì về bún chả ở Hà Nội không? Bạn cứ yên tâm đi, bạn đã gặp ma xó.

Có hai quán bún chả mình thích nhất, “hâm mộ” nhất (có thể nói mình là khách ruột rồi). Hai quán đó – quán thứ nhất ở phố Hàng Mành và quán thứ hai ở phố Mai Hắc Đế - đều rất ngon nhưng khác nhau nhiều.

Chỗ Hàng Mành thì hay: thịt thì nhiều, nem thì to. Còn chỗ Mai Hắc Đế thì cũng hay: thịt thì không nhiều lắm, nhưng nước chấm thì ngon tuyệt với, có gia vị đặc biệt. Thế này nhé. Nếu bún chả ở chỗ Hàng Mành giống như cô người mẫu, chân dài tới nách, thì bún chả ở chỗ Mai Hắc Đế giống như một cô dẫn chương trình thời sự, không cao mấy nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt, có một điều gì đó hay hay làm cho mình quay lại xem tiếp.

Hay là nếu bún chả ở Hàng Mành giống như giọng ca của ca sĩ Mỹ Tâm thì bún chả ở Mai Hắc Đế giống như giọng ca của ca sĩ Ngọc Khuê – chắc mình không cần giải thích thêm đâu.

Dù sao mình đói quá rồi, thôi để mình giải quyết chuyện bún chả đã nhé!

04/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-4-2015 12:56:21 | Xem tất
MÓN ĂN


Lẩu Minh Châu


Một buổi đêm cách đây mấy tuần mình đã mất lòng tin vào món lẩu.

Chuyện xảy ra khi một người bạn rủ mình đi ăn lẩu ở một quán “ghế nhựa” nằm trên vỉa hè gần tuyến đường sắt. Bạn ấy nói rất nghiêm túc với cậu phục vụ không được cho cái gọi là “gia vị Trung Quốc” vào, rồi kể về một phóng sự mới phát trên vô tuyến cảnh báo về những hóa chất nguy hiểm mà người bán lẩu thỉnh thoảng vẫn cho vào cho…ngon.

Mặt mình biểu lộ ngay một cảm giác như vừa bị một người bạn rất thân phản bội, kiểu như là đang đợi thần rùa xuất hiện trong nồi nước dùng và nói: “Giặc ở trong bát của nhà ngươi đấy!”.

“Biết thế mà vẫn ăn à?”. Mình nhìn xuống nồi lẩu rồi ngước lên hỏi người bạn.

“Đối với người Việt Nam, không chết ngay là được rồi”, anh ấy giễu cợt trả lời. Rồi giọng trầm hẳn xuống, nụ cười biến mất và anh ấy bắt đầu kể về tất cả xì căng đan thức ăn từ xưa đến nay.

Hóa ra chuyện ấy đầy! Joe ơi, cẩn thận đấy, bọn nó cho phóc-môn vào phở! Joe ơi, cẩn thận đấy, bọn nó cho axit pin vào bánh chưng! Joe ơi, cẩn thận đấy, bọn nó cho thuốc phiện vào bánh bao! (Thảo nào mình luôn quay lại chỗ đó mua bánh bao). Tóm lại, mua thức ăn ở vỉa hè nhiều thì cuộc sống dễ có thể trở thành một bộ phim Hàn Quốc.

Vậy thì mình đã bắt đầu hiểu giá trị của hai từ “tự nấu”. Hôm trước mình đến nhà của một người bạn để chúc Tết và được mời ở lại ăn cơm. Ở trên bàn, giữa các món ăn khác, có một cái bánh chưng nhìn cũng bình thường.

“Joe ơi”, bạn mình tự hào giải thích, “đây là bánh chưng tự nấu đấy, mời Joe thử cái!”

Mình không biết tại sao nhưng nó tự dưng nhìn rất ngon, như một anh chàng vừa tiết lộ chuyện mình là giám đốc của một công ty lớn tự dưng nhìn rất đẹp trai trong mắt của một số cô gái đang có vấn đề về tài chính.

“Joe ơi, đây là bánh chưng tự nấu đấy!”. Mình thèm luôn. “Joe ơi, đây là thịt đông tự nấu đấy!”. Mình ăn hết. “Joe ơi, đây là bánh bao tự nấu đấy!”. Mình…nhìn một cách khả nghi vì làm gì có chuyện bánh bao tự nấu! (Ít ra là mình chưa bao giờ thấy).

Thế là mình quyết định ưu tiên cho món ăn tự nấu. Vấn đề là ở chỗ mình không biết gì về nấu nướng cả. Nói cách khác, mình là con trai muốn nấu mì ăn liền thì phải lên mạng mở wikipedia tìm công thức. Mình nói với bạn mình: “Như thế tao sẽ phải thuê một cô gái nấu cơm cho, mặc dù tao đâu có muốn mất tiền thuê người khác”.

Bạn mình suy nghĩ một lát rồi đưa ra một lời khuyên ngắn gọn: “Thay vì “thuê” một cô gái, nếu mày “lấy” một cô gái làm vợ thì vừa không cần phải trả tiền, vừa có một số lợi ích khác” (bạn mình nháy mắt cười nửa miệng). Vậy thì có lẽ vấn đề “thiếu tự nấu” của mình có thể được giải quyết bằng cách lấy vợ nhỉ.

Dạo này cũng có nhiều cảnh đàn ông sau một ngày làm việc không muốn về nhà, sợ sẽ bị vợ mắng vì lý do này hay lý do khác, nên gọi điện rủ bạn bè đi ăn lẩu, cứ ngồi bán dưa hấu mãi, đến lúc mặt trăng lù lù xuất hiện trong sương đêm mới nhổ neo giải tán. Tình hình đó khiến cho mình tự đặt ra một câu hỏi nhỏ: Trong khi có nhiều người đi tìm lẩu vì sợ vợ thì liệu mình sẽ là người đầu tiên đi tìm vợ vì sợ lẩu chăng?

02/03/2007
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-4-2015 18:14:35 | Xem tất
MÓN ĂN


Như que củi


Giảm cân. Hai chữ nhỏ mà đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn.

Vấn đề là ở chỗ mình béo múp. Người ta có câu “yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu”. Nhưng mình thấy câu này lại không đúng. Mình yêu nhiều cánh gà nướng nhưng không thấy bụng ốm đi một độ C nào cả. Mình ôm nhiều bát bún bò nhưng không thấy cơ thể yếu đi một tí nào cả. Trái lại, cơ thể của mình phát triển một cách cực kỳ mạnh và bụng thì khỏe hơn cả voi.

Mình nói đùa thôi, mình không béo đến mức đó đâu (ít ra là anh mang pizza đến nhà mình hàng ngày nói thế). Nhưng dù sao mình cũng cần phải tìm cách để giảm cân. Cách A, cách B, cách C, ôi có thiếu gì cách. Mình có thể chơi bóng đá. Mình có thể hạn chế không đi chơi với em Bún Bò Huế nhiều như bây giờ. Mình có thể cạo tóc, đi tu và ăn rau muống đến “đầu bạc răng xanh”.

Hay là mình giải quyết vấn đề này giống như đã giải quyết các vấn đề khác – nhờ một người con gái. Nếu chọn cách này thì mình sẽ phải tìm một người con gái đạt được 4 tiêu chuẩn sau: Một là xinh. Hai là giỏi thể thao. Ba là sinh viên nghèo. Bốn là không thích mình chút nào cả. Tìm được một cô như vậy thì chúng mình sẽ đặt kế hoạch chạy bộ quanh Hồ Bảy Mẫu để luyện tập thân thể ba lần một tuần.

Trước khi bắt đầu chúng mình phải có thỏa thuận với nhau như sau: Mỗi lần đi, nếu cô ấy chịu thua trước – tức là dừng lại không chạy bộ nữa vì mệt quá – thì cô ấy phải nhận lời đi uống cà phê rồi xem phim lãng mạn ở rạp Megastar với mình. Nếu mình chịu thua trước thì mình phải trả cô ấy 100.000 VNĐ rồi để cho cô ấy về nhà.

Như vậy thì cả hai người đều sẽ có động cơ rất lớn để không chịu thua trước. Cô ấy sẽ không muốn đi cà phê hoặc xem phim với mình (vì không thích mình chút nào) và đồng thời rất muốn lấy được một “C” polime (vì là sinh viên nghèo). Còn mình sẽ rất muốn đi uống cà phê với cô ấy (vì rất xinh) và đồng thời cũng muốn giữ được các “C” polime của mình trong ví (vì ai chả thích tiền chứ).

Vì cô ấy rất giỏi thể thao nên mình sẽ phải mất ít nhất là mấy tháng mới có đủ khả năng để “không chịu thua trước”. Như vậy thì mình sẽ giảm cân rất nhanh, sẽ đẹp trai hơn nhiều và có lẽ sẽ có một số cô xinh bắt đầu đi theo. Mình chỉ hơi tiếc rằng cái ví của mình cũng sẽ “giảm cân” rất nhanh (300.000 VNĐ một tuần mà) và nhỡ đâu khi biết được điều đó thì “ một số cô xinh bắt đầu đi theo” ấy sẽ bỏ đi ngay để tìm một anh chàng béo múp, giàu có thì sao?

23/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 15-4-2015 07:03:38 | Xem tất
MÓN ĂN


Chia tay


Nó đã xảy ra. Mình cứ nghĩ nó sẽ không bao giờ xảy ra. Mình cứ hy vọng chúng mình sẽ sống mãi mãi bên nhau đến đầu bạc răng long. Mình đã thấy chúng mình rất hợp nhau, như ông trời đã tạo ra chúng mình chỉ để gặp nhau và là của nhau trong kiếp này. Nhưng nó đã xảy ra. Mình đã chán bún chả rồi!

Trong vòng 3 năm vừa rồi, món bún chả đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của mình. Không! Gọi là “món” bún chả không được đâu, không có tình cảm, không phản ánh được những cảm giác mà mình đã dành cho “món” ấy từ khi mới sang Việt Nam lần đầu. Mình và “món” ấy đã chơi với nhau rất say mê đến nỗi mình không thể kể lại được, đã đi ăn trưa với nhau bao nhiêu lần mình không nhớ xuể, đã chia sẻ bao nhiêu chuyện cười mình không thể đếm hết, đã hiểu nhau một cách mình không có đủ khả năng để giải thích bằng ngôn ngữ.

Mình sẽ viết là “em” bún chả nhé, cho nó tình cảm. Chẹp. Mình đã chán em Bún Chả vì ba lý do. Một là em ấy ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của mình, làm cho mình béo lên nhiều. Bây giờ “hình dáng” của mình hơi giống chữ “P” và nếu mình cứ tiếp tục chơi với em Bún Chả thì nó sẽ không bao giờ trở lại chữ “I” như trước. Lý do thứ hai là em ấy không thay đổi theo mình, không “lớn lên” trong khi suy nghĩ của mình thì lớn lên nhiều. Lý do thứ ba có lẽ là lý do “đáng hổ thẹn” nhất, nhưng mình sẽ miễn cưỡng “thổ lộ” hết, để khi 80 tuổi và suy ngẫm lại cuộc đời, mình sẽ không phải nói rằng mình đã giấu giếm điều gì. Đó là sự xuất hiện của một món ăn khác.

Có một lần, cách đây mấy tuần, mình đi gặp em Bún Chả vào buổi chiều. Một lần như mọi lần, một ngày như mọi ngày, ít ra là cho đến khi em Bún Chả đứng lên kêu ầm ĩ: “Tôi thấy mùi lạ! Áo của anh có mùi gì thế? Anh vừa đi đâu về?” (Khi đó em ấy xưng “tôi” vì tức giận). Mình trả lời: “Em ơi, em đừng có nghĩ lung tung thế, chắc anh đã chạm vào cái bàn nào đó khi đi bộ qua chợ”. Em Bún Chả quay đầu về phía cửa sổ, hít thở thật sâu, rồi dần dần quay đầu lại nói với giọng nhẹ nhàng, tuyệt vọng: “Không. Rõ ràng đó là mùi của Bún Bò Huế”.

Thế là mình đã phải kể hết. Mình đã được làm quen với em Bún Bò Huế ở một quán nằm trên đường Nguyễn Hữu Huân, gần bờ hồ, cách đây hai tháng. Mình càng chơi với em Bún Bò Huế càng thấy cuộc sống có ý nghĩa, có hy vọng và có tương lai. Cuối cùng mình bị nghiện em Bún Bò Huế, không thèm chơi với em Bún Chả nữa.

Mình không biết tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng bây giờ mình thật không quan tâm. Mình đang có tình yêu mới và trong lúc chơi say sưa với em Bún Bò Huế mình không muốn lo nghĩ gì hết.

30/09/2006
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 15-4-2015 13:26:59 | Xem tất
TÌNH YÊU


Duyên âm


Hình như một cô bạn gái mình đã từng quan tâm đến lại có duyên âm. Theo lời cô giáo kể ngày hôm qua, một người con gái nếu có “duyên âm” nghĩa là cô ấy có thể thực sự yêu một người con trai nào đó và anh ấy cũng có thể thực sự yêu cô ấy, nhưng cuối cùng rồi hai người vẫn sẽ chia tay nhau, tình yêu bị xé nát như một căn nhà bằng tre trong cơn gió xoáy.

Vấn đề là cô ấy đã từng ước hẹn với một người con trai khác ở kiếp trước, nên kiếp này sẽ khó khăn trong đường tình duyên, linh hồn vẫn còn đang cháy âm ỷ ở dưới đất như khoai lang vùi trong đống than. Vậy thì nên coi linh hồn của cô ấy như linh hồn của ma – dù thích, dù yêu, dù thương như chưa bao giờ thương ai hơn trong đời, nhưng cô ấy vẫn không thể gắn bó với một người con trai như mình đang sống ở trên mặt đất dưới ánh sáng mặt trời này. Người thì phải yêu người, không nên yêu ma.

Nghe cô giáo kể chuyện, mình hơi nổi da gà. Sự thật là có một người con gái mình đã từng yêu và theo mình biết (hy vọng) cô ấy cũng đã từng yêu mình, nhưng tình yêu đó, dù thật, dù chân thành, lại vẫn chưa đủ. Cuối cùng mình đi con đường riêng của mình, cô ấy đi con đường riêng của cô ấy và ông trời nhìn xuống, cười mỉm, tiếp tục chơi bài với Trịnh Công Sơn. Liệu có phải lý do mà tình yêu đó không kéo dài lâu được vì cô ấy có duyên âm chăng?

“Nghe hơi nghiêm trọng đấy”, mình nói với cô giáo, những kỷ niệm ngày xưa lại tràn về trong suy nghĩ. “Như vậy thì có nghĩa là một người con gái có duyên âm sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc trong đời này đúng không ạ?”

“Tìm được em ạ! Nhưng mà phải cắt duyên âm đã chứ”.

“Nó cắt được à???” – giọng nói của mình tiết lộ một sự nhiệt tình ngầm.

“Ừ, cắt được mà. Chỉ cần tổ chức một buổi lễ..”. Rồi cô giáo kể về “lễ cắt duyên âm” và quan niệm “khôi phục lại” của người Việt nói chung. Nếu vị khách đầu tiên vào cửa hàng mà không mua mở hàng thì mình vẫn có thể đốt vía đợi khách thứ hai đến. Dù cãi nhau suốt cả năm qua với một người bạn rất thân nhưng ngày mồng một Tết bạn ấy đến thăm nhà, chúc gia đình của mình một năm mới vui vẻ và hạnh phúc thì có thể tha thứ hết để bắt đầu một mùa xuân hoàn toàn mới. Hóa ra văn hóa Việt Nam cực kỳ yêu đời đấy.

Dù có duyên âm nhưng vẫn có thể cắt được.

Mình không biết cô bạn gái ngày xưa ấy đang nghĩ gì, sống như thế nào, yêu ai, nhưng có lẽ tất cả các vấn đề mình không thể vượt qua được lúc ấy thì bây giờ mình hoàn toàn có thể vượt qua được bằng cách cắt duyên âm.

Chỉ có điều là phải “cắt trộm”. Nếu được gặp lại cô ấy ở đâu đó và mình nói: “Em ơi, hình như em đã có duyên âm đấy” thì chắc mình sẽ bị tát cho một cái. Vậy thì mình sẽ phải tìm một cách để cắt duyên âm mà không có ai nhận ra, không có ai nghe “tiếng kéo”.

Hay là đợi một cơn bão to đổ vào thành phố, rồi lúc nửa đêm dẫn thầy bói vào phòng nhẹ nhàng cắt duyên âm đen đủi, rồi ra đi, trong lúc bạn gái ấy vẫn đang  tiếp tục ngủ vùi, say sưa mơ về mây giông trôi qua, hai tai không nghe thấy gì ngoài tiếng mưa rơi tầm tã trên mái nhà.

02/02/2007

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách