Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Cái Hôn Của Tử Thần | Iran Levin (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:33:11 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11

Chuông điện thoại dưới lầu reo inh ỏi.

- Đừng trả lời – Hắn nói, khi thấy Ellen định đi. Giọng nói của nàng thất thần.

- Em biết ai gọi rồi.

- Không. Đừng trả lời. Hãy nghe anh – Bàn tay rắn chắc của hắn nắm lấy vai nàng – Chắc chắn có người nghe tiếng súng nổ. Trong vài phút nữa cảnh sát sẽ đến đây. Cả bọn nhà báo nữa – Hắn để cho câu nói lắng lại – Có lẽ em không muốn báo chí làm rùm beng vì chuyện này, phải không? Họ sẽ bới móc lại chuyện về Dorothy, những hình ảnh của em…

- Làm sao ngăn cản báo chí được?

- Sao lại không được. Anh có xe ở dưới. Anh đưa em về khách sạn, rồi sau đó trở lại đây ngay – Hắn tắt đèn – Nếu cảnh sát chưa xuất hiện, anh sẽ gọi họ. Em sẽ không có mặt ở đây để bọn nhà báo khỏi cấu xé em. Anh sẽ không trả lời cho đến khi nào chỉ còn lại anh và họ. Cảnh sát sẽ thẩm vấn em sau, nhưng báo chí sẽ không biết em có dính trong vụ này.

Hắn đưa nàng ra hành lang rồi nói tiếp:

- Khi em gọi điện thoại cho bố em hay sự việc xảy ra, ông có đủ uy tín để buộc nhà báo buông trôi mọi việc dính líu đến em và Dorothy. Báo chí sẽ viết rằng Powell đang say và có ý định bắn anh, hay một việc như thế.

Chuông điện thoại không còn reo nữa.

- Em cảm thấy ra đi như thế này chẳng phải chút nào… - Ellen nói khi nàng và hắn đi xuống lầu.

- Tại sao không đúng? Anh là người đã làm chuyện đó, chứ đâu phải là em. Cho dù anh có che dấu việc em có mặt ở đây chăng nữa, anh vẫn cần đến em để em thuật lại câu chuyện này. Tất cả điều anh mong muốn là bịt miệng bọn nhà báo trong những ngày sắp tới – Hắn quay snag nhìn nàng – Hãy tin anh, Ellen! – Hắn cầm lấy tay nàng.

Nàng thở dài như muốn trút hết bao nhiêu nỗi âu lo, trách nhiệm ám ảnh nàng.

- Vâng – Ellen nói – Anh đừng đưa em về, em đón xe cũng được.

Như đọc được ý nghĩ của nàng, hắn nói ngay:

- Lúc này không phải là lúc gọi điện thoại, anh biết xe buýt đã ngừng chạy vào lúc mười giờ.

Hắn cầm lấy áo khoác của nàng.

- Xe đâu mà anh có vậy? – Nàng hỏi, giọng buồn rầu.

- Anh mượn – Hắn trả ví lại cho nàng – của một người bạn.

Tắt đèn, hắn mở cửa ra cổng chính.

- Đi nhanh em – Hắn hối thúc – Ta không còn nhiều thì giờ lắm đâu. Đừng để mất thời gian vô ích.

Xe đậu bên kia đường, cách cổng khoảng ba thước. Một chiếc xe màu đen cũ kỹ. Hắn mở cửa cho Ellen vào, rồi đi vòng qua phía kia, mở cửa ngồi vào tay lái, mở công tắc xe. Ellen ngồi im lặng, tay để trên đùi.

- Em khỏe chứ? – Hắn hỏi.

- Khỏe lại rồi – Giọng nói của Ellen yếu ớt, mệt mỏi – Đúng là hắn định giết em – Nàng thở dài – Ít ra, về trường hợp Dorothy, em đã xét đúng. Em biết Dorothy không bao giờ tự tử như vậy – Nàng nhếch môi cười, lộ vẻ trách móc – Anh lại ngăn không cho em đi!

Hắn cho máy nổ.

- Em đúng lắm! – Hắn nói. Nàng ngồi im lặng một chốc – Dẫu sao đi nữa, chuyện này thế mà lại hay.

- Hay cái gì, hả em? – Hắn hỏi và gài số cho xe vọt về đằng trước.

- Anh đã cứu em – Ellen nói – Anh đã thực sự cứu em. Nhờ việc này, ba em sẽ không còn phản đối chuyện của chúng ta nữa. Vậy anh hãy đến gặp ba em và trình bày chuyện của hai đứa.

Xe đã chạy trên đại lộ Washington vài phút, Ellen bắt đầu ngồi sát vào hắn hơn, ngại ngùng ôm lấy cánh tay hắn, sợ làm cản trở tay lái của hắn. Cảm thấy một vật cưng cứng khẽ đụng vào đùi, nàng biết đấy là khẩu súng nhưng vẫn không dịch lui.

- Ellen này, việc này sẽ gây nhiều tai tiếng lắm nghe em!

- Anh nói sao?

- Anh sẽ bị giam giữ vì tội giết người.       

- Nhưng anh đâu có ý định giết hắn! Anh chỉ tìm cách đoạt súng của hắn – Ellen thắc mắc.

- Anh biết là như thế nhưng người ta vẫn giam giữ anh… Bằng mọi cách người ta sẽ buộc tội anh – Hắn liếc nhìn khuôn mặt chán chường bên cạnh hắn, rồi quay lại nhìn thẳng trước đầu xe. – Ellen à, khi mình đến khách sạn, em sẽ chạy nhanh vào nhặt nhanh tất cả đồ đạc và trả phòng ngay. Trong vài tiếng đồng hồ nữa, mình sẽ có mặt ở Caldwell.

- Anh Bud! – Giọng nàng thảng thốt đầy vẻ ngạc nhiên lẫn trách móc – Mình không thể làm như thế được.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

52#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:43:48 | Chỉ xem của tác giả
[tiếp]

- Sao không được? Hắn giết Dorothy của em, phải không? Hắn phải trả giá những gì hắn đã gây ra. Tại sao mình lại dây vào đó làm gì chứ?

- Không thể được. Mình không thể xử sự như thế – Ellen phản đối – Dẹp qua một bên việc làm sai trái ấy đi, giả dụ bằng cách nào đó người ta phát hiện ra là anh… anh giết hắn. Sau đó họ thấy không phải, với điều kiện anh đừng chạy trốn.

- Anh thấy là họ không có cách nào biết anh đã giết hắn được – Hắn nói giọng tự tin – Anh mang găng tay, không để lại dấu vân tay đâu. Chẳng ai thấy anh ở đấy cả, trừ em và hắn.

- Nhưng giả dụ họ tìm ra thì sao? Hoặc là họ sẽ kết tội một ai khác thì sao? Anh sẽ thấy thế nào? – Hắn im lặng – Một khi ba em nghe được câu chuyện, em biết ông sẽ lo luật sư và mọi việc sẽ êm đẹp. Em nghĩ đó sẽ là một việc khủng khiếp vô cùng. Nhưng chạy trốn…

- Một đề xuất ngu xuẩn – Hắn nói, vẻ bực mình – Anh thấy không có hy vọng gì thuyết phục em được.

- Đúng vậy, anh Bud. Anh không muốn xử sự như thế chứ?

- Anh chỉ cố gắng tìm một phương sách cuối cùng thôi – Hắn nói và bất chợt bẻ tay lái về bên trái một vòng, bỏ đại lộ Washington sáng rực, chạy về phía con đường ngoại ô tối đen.

- Sao anh không chạy theo đại lộ Washington nữa? – Nàng hỏi.

- Lối này nhanh hơn. Dễ tránh xe.

- Có điều em vẫn chưa hiểu – Ellen nói, gõ gõ điếu thuốc trên mép cái gạt tàn – Tại sao hắn không làm gì em cả khi em và hắn ở đó, trên mái nhà?

Nàng ngồi thoải mái, nghiêng người sang dựa vào hắn, tréo hai chân vào nhau và phả hơi khói ấm áp trong xe.

- Chắc chắn là mọi người thấy em đến đó vào lúc tối – Hắn nói – Có thể hắn sợ người điều khiển thang máy hay ai đó sẽ nhớ mặt hắn.

- Đúng, cho là thế đi, nhưng không nguy hiểm bằng khi hắn đưa em về nhà… và thanh toán em tại đấy.

- Có khả năng là hắn không có ý định giết em tại nhà hắn. Có thể hắn sẽ buộc em lên một chiếc xe nào đó rồi chở em về miền quê hẻo lánh hay đến một nơi nào đó thuận tiện hơn.

- Hắn làm gì có xe!

- Thì hắn ăn cắp, khó gì chuyện ấy – Aùnh đèn đường hắt lên khuôn mặt trắng nhợt của hắn rồi khuôn mặt hắn lại chìm trong bóng tối.

- Hắn bịa ra đủ chuyện, nào là “tôi yêu Dorothy”, nào là “tôi ở New York…”, “tôi cảm thấy có trách nhiệm…”. Lạy Chúa!

Ellen ngao ngán lắc đầu, dập tắt điếu thuốc trong cái gạt tàn. Hắn ném cái nhìn sang nàng.

- Chuyện gì thế? – Hắn hỏi.

Giọng nói của Ellen giống như của một người mới ốm dậy.

- Hắn đưa cho em xem giấy chuyển trường của đại học New York. Hắn ở New York…

- Giấy giả mạo đấy. Hẳn là hắn quen ai đó trong phòng giáo vụ. Họ làm cho hắn một tờ giấy giả, thế thôi.

- Nhưng nếu không phải… Nếu hắn nói sự thật thì sao?

- Hắn sẽ đi theo em với khẩu súng. Điều đó chưa đủ bằng cớ cho thấy là hắn nói dối à?

- Anh tin thế à, anh Bud? Anh chắc chắn hắn không… Biết đâu hắn lấy súng ra vì một chuyện gì khác? Còn quyển sổ tay của hắn?

- Hắn đang đi đến cửa khẩu súng.

- Ôi, nếu hắn không giết Dorothy… - Ellen im lặng – cảnh sát sẽ điều tra – Nàng nói một cách dứt khoát – Họ sẽ chứng minh là hắn ở Blue River? Họ sẽ thấy chính hắn là kẻ đã giết Dorothy.

- Đúng như vậy – Hắn đồng ý.

Loay hoay, nàng duỗi chân rta1i ra. Nàng nheo mắt nhìn đồng hồ tay: 10 giờ 25.

- Lẽ ra mình đã tới nơi rồi.

Hắn không trả lời.

Nàng nhìn ra cửa xe. Không một ngọn đèn đường, không một ngôi nhà ở hai vệ đường. Chỉ có một màn đêm mịt mùng dưới bầu trời cao thăm thẳm với những vì sao treo lơ lửng xa tít mù trên kia.

- Anh Bud! Đâu phải đường vào thành phố?

Hắn không trả lời.

Trước mũi xe, vệt trắng của con lộ nhỏ hẹp vun vút lướt qua ánh đèn xe.

- Anh Bud! Đâu phải đường này.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

53#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:46:32 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12

- Cậu cần gì ở tôi? – Giọng cảnh sát trưởng Eldon Chesser lè nhè hơi men. Ông ta đang nằm ngửa, hai chân dài lòng thòng gác lên thành ghế tựa bọc nệm hoa hòe, hai tay khoang lại trước ngực trên chiếc áo sơ mi màu đỏ chói, đôi mắt đen sâu thẳm mơ màng nhìn lên trần nhà.

Gant đang đứng giữa phòng nhìn cảnh sát trưởng, nói:       

- Đuổi theo chiếc xe đó. Tôi chỉ cần chừng đó thôi.

- Ha! Ha! – Cảnh sát trưởng cười hô hố – Một chiếc xe màu đen. Người bên cạnh nhà chỉ biết chừng ấy. Sau khi nghe súng nổ, ông ta thấy một người đàn ông và một người đàn bà ra khỏi nhà và leo lên một chiếc xe màu đen. Trời, cậu biết có bao nhiêu xe màu đen trong thành phố trên đó có một người đàn ông và một phụ nữ không? Chúng tôi cũng hoàn toàn không biết một nét cụ thể nào về hình dáng của cô gái mãi đến khi cậu đến. Lúc đó thì bọn chúng đã ở tận chân trời góc biển nào rồi. Ngay cả khi chúng đỗ xe ở một gara nào đó cách đây hai dãy nhà cũng không biết được nữa là bây giờ.

Gant đi đi lại lại một cách nóng nảy.

- Thế chúng ta phải làm gì?

- Đợi. Thế thôi. Tớ đã báo cho lính của tớ trên xa lộ biết rồi. Có thể đấy là một băng đêm. Sao cậu không ngồi xuống một chốc?

- Nhất định phải ngồi rồi – Gant xẳng giọng – Nàng có khả năng bị hắn thủ tiêu – Chesser im lặng – Năm ngoái em gái của nàng, giờ đến lượt nàng…

- Đấy, ta lại bàn về vấn đề ấy nữa. Em gái của nàng tự tử! – Ông ta kéo giọng ra – Chính mắt tớ đã thấy bức thư kia. Một chuyên viên về chữ viết… - Gant gây một tiếng động – Ai giết nàng? – Chesser hỏi – Cậu nói Powell có thể là kẻ đó, nhưng giờ thì không phải, bởi ví cô gái đã để lại cho cậu một lời nhắn là Powell đứng đắn và cậu đã tìm thấy tờ giấy của trường đại học New York cho thấy trong mùa xuân vừa qua hắn không có mặt ở Blue River. Như thế người mà chúng ta nghi ngờ đã không thể làm việc ấy, vậy thì ai? Câu trả lời: Không ai cả!

- Ellen nhắn lại là Powell biết rõ tên đó là ai. Tên sát nhân chắc chắn biết là Powell… - Giọng nói của Gant căng thẳng.

- Không có tên giết người nào cả cho đến đêm nay – Chesser nói thẳng thừng – Cô em gái đã tự tử! – Đôi mắt ông ta mở to, nhìn lên trần nhà. Gant trừng trừng nhìn ông ta, rồi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

Lát sau, Chesser nói:

- Thôi được, bây giờ để tớ diễn lại quá trình câu chuyện cho cậu nghe.

- Cậu tưởng tớ nằm thế này là lười phỏng. Phải nằm vắt chân lên cao mới suy nghĩ được, làm thế máu sẽ dồn về óc. Cung cách làm việc của tớ như vậy đấy – Ông ta hắng giọng – Vào khoảng mười giờ kém mười lăm, hắn đã đập cửa để vào nhà. Ông hàng xóm có nghe tiếng gương bể loảng xoảng nhưng không hề nghĩ đến việc ấy. Không có một dấu hiệu nào khác cho thấy các phòng kia bị phá vỡ. Như vậy Powell là người hắn nhắm vào. Vài phút sau Powell và cô gái về. Hắn đã ẩn mình trên lầu. Hắn núp trong tủ áo quần của Powell vì áo quần bị xô dạt qua một bên. Powell và cô gái vào nhà bếp. Cô ta bắt đầu chế cà phê, mở radio. Powell lên lầu để treo áo, hoặc là vì Powell nghe tiếng động trên lầu. Hắn xuất hiện. Trước đó hắn đã cố mở vali – chúng tớ đã tìm thấy dấu găng tay trên đó. Hắn buộc Powell mở vali và lục soạn. Đồ đạc ném lung tung giữa nhà. Có thể hắn tìm kiếm cái gì đó hoặc kiếm tiền. Powell nhảy xổ vào hắn, thế là hắn bắn ngay. Có thể vì hoảng sợ, chứ hắn không có ý định giết Powell – bọn chúng không bao giờ làm thế, chúng mang theo súng chỉ cốt dọa người ta. Nhưng luôn luôn kết thúc bằng cách là giết. Đạn cỡ 45, loại súng colt 45 của nhà binh. Hiện có hàng triệu khẩu đang được dùng trong thành phố đấy cậu ạ.

Tiếp sau đó là cô gái chạy lên lầu – dấu tay trên khung cửa y hệt dấu tay trên các chén dĩa, đồ dùng trong nhà bếp. Hắn sợ hãi, không có thì giờ để… Hắn bèn dùng vũ lực ép nàng theo hắn.

- Tại sao? Tại sao hắn không giết nàng luôn ở đó như đã giết Powell?

- Đừng có hỏi tớ. Có thể hắn không có gan làm việc ấy. Cũng có thể hắn nảy ra một ý định nào đó. Thường khi mang súng, chúng hay nổi hứng bất tử, nhất là khi chúng gặp gái.

- Cám ơn anh – Gant nói – Câu chuyện khiến tôi yên tâm một phần nào. cám ơn anh nhiều.

- Thì cậu hãy ngồi xuống đã nào – Chesser thở dài – Chúng ta chẳng biết làm gì hơn là chờ đợi.

Gant ngồi xuống. Anh bắt đầu lấy tay xoa trán. Cuối cùng Chesser thôi không nhìn trần nhà nữa, ông ta chăm chú theo dõi Gant đang ngồi phía bên kia.

- Cô gái là gì của cậu? Bồ cậu à?

- Không - Gant nói, anh nhớ lại lá thư mà anh đã đọc ở trong phòng Ellen tại khách sạn. – Không, người yêu của nàng ở Wisconsin.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

54#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:51:20 | Chỉ xem của tác giả
Chương 13

Chiếc xe như mũi tên lao vun vút trên mặt đường trải nhựa thẳng tắp, tiếng bánh xe rít lên đều đều nghe đến lạnh người. Cây kim dạ quang nơi đồng hồ cây số chỉ con số 80. Bàn chân nhấn ga không nhúc nhích, trông như bàn chân của một tượng đá.

Hắn lái xe bằng tay trái, thỉnh thoảng cho xe lượn qua phải, qua trái để tránh cơn buồn ngủ do sự yên tĩnh của con đường trường ban đêm gây ra. Ellen ngồi thu người sát cửa, toàn thân bất động, mắt mở trừng trừng nhìn bàn tay đang nắm chặt chiếc khăn tay để ở trên đùi. Giữa chỗ ngồi của hắn và nàng, bàn tay phải mang găng của hắn trông như con rắn đang dí họng súng vào bụng nàng.

Nàng đã thét lên, kêu gào, than khóc, những tiếng ục ục trong cổ họng nàng tưởng chừng như tiếng ùng ục của một con vật đang bị cắt tiết, nghe đau thương còn hơn nhìn thấy những dòng nước mắt đầm đìa trên mặt nàng.

Hắn đã kể cho Ellen nghe mọi chuyện một giọng cay đắng. Thỉnh thoảng hắn lại ném cái nhìn độc ác lên khuôn mặt xám xịt của cô gái yếu đuối đang run rẩy kia. Hắn có do dự khi kể chuyện nhưng là cái do dự của một tên lính được về nhà, đang kể lại cho những người dân hiền hòa trong thành phố nghe những chiến tích của hắn. Làm thế nào hắn có được huân chương, làm thế nào hắn đâm được lưỡi lê nhọn hoắt vào bụng, vào ngực kẻ thù. Đôi lúc hắn có cái vẻ khinh khỉnh đối với đám người đang nghe hắn kể chuện, vì chưa bao giờ họ biết ngoáy lưỡi lê vào bụng ai như hắn đã từng làm. Người ta hỏi và hắn kể huyên thuyên. Như thế đấy! Hắn đã kể cho Ellen nghe nào là những viên thuốc, nào là mái nhà cao ngất, nào là tại sao hắn phải giết Dorothy, hắn phải sắp xếp một chương trình tỉ mỉ để chuyển về Caldwell rồi theo đuổi Ellen, người mà qua các lần trò chuyện với Dorothy, đã biết Ellen thích cái gì, không thích cái gì và làm cách nào để trở thành mẫu người đàn ông Ellen đang mong đợi. Nghĩ cũng thật buồn cười. Hắn đã dùng mọi mánh khóe, thủ đọan để chiếm cho bằng được cô con gái nhà giàu. Nhưng giờ đây… Hắn kể với thái độ hận thù, căm ghét. Ellen lấy hai tay bịt miệng, kinh hoàng tưởng chừng nàng đang nằm trên một tảng băng giá buốt, trôi bồng bềnh giữa đại dương. Nàng không biết rằng lâu nay nàng đang nằm trong miệng ác thú. Toàn thân nàng tê dại như thể phần trên đã chết tự lúc nào, không phải chết vì viên đạn mà chết vì cái chất thép lạnh lẽo của họng súng vô hồn.

Nàng nghe, nàng khóc, nàng kêu gào. Nàng không hiểu cái gì đã gây nên nỗi đau đớn bàng hoàng cho nàng. Tiếng kêu thét của nàng là tiếng rú, tiếng tru thê thảm của con vật bị cắt cổ, nghe xót xa, đau thót con tim. Nàng ngồi bó người sát cửa xe, nhìn bàn tay bấu chặt chiếc khăn tay đặt trên đùi.

- Anh đã bảo là đừng đi! – Hắn nói, giọng the thé, giận dữ – Anh đã van xin, lạy lục em hãy ở lại Caldwell, phải không? – Hắn liếc mắt nhìn như để thấy nàng xác nhận – Nhưng không, em dứt khoát không chịu. Em phải là nữ thám tử mới được! “Đừng coi thường khả năng phụ nữ” – Hắn nhại lại lời Ellen viết trong thư – Ừ, giờ đây là những gì nữ thám tử phải gánh chịu – Mắt hắn nhìn thẳng trước mũi xe – Nếu em biết anh đã sống như thế nào kể từ thứ hai vừa rồi! – Hắn nghiến chặt hàm răng. Hắn nhớ lại thế giới đã sụp đổ dưới chân hắn ra sao khi Ellen gọi điện thoại cho hắn vào sáng thứ hai: “Dorothy không tự tử! Em sẽ đi Blue River.” Và hắn đã bổ nhào một cách tuyệt vọng xuống nhà ga để mong lôi kéo nàng ở lại, cố nài nàng ở lại, nhưng nàng đã bước lên tàu. “Em sẽ viết thư cho anh. Em sẽ giải thích mọi chuyện”. Nàng đi, để hắn đứng đây. Nhìn nàng đi, người hắn đẫm mồ hôi, bàng hoàng, sợ hãi. Cứ nghĩ đến là đã thấy khiếp sợ.

Ellen lầm bầm.

- Em nói gì?

- Họ sẽ bắt anh!

Hắn im lặng, một lúc sau hắn nói:

- Em biết có bao nhiêu người họ chưa tóm được không? Năm mươi phần trăm. Nhiếu quá phải không? Còn hơn thế nữa em à! – Hắn lại im lặng – Hừ, bọn chúng làm thế nào bắt được anh? Dấu tay? – Không. Nhân chứng? – Không. Bằng chứng? – Bọn chúng chẳng có bằng chứng đếch nào cả! Thậm chí bọn chúng chẳng hề nghĩ đến kẻ đó lại là anh. Còn khẩu súng? Em biết không, anh phải lặn lội qua tận Mississipi mang về Caldwell. Thế là bọn chúng bó tay nhé! Chiếc xe ư? Có gì khó đâu, hai ba giờ sáng anh đem vất nó cách ba dãy nhà nơi anh đánh cắp xe. Bọn chúng sẽ nghĩ là mấy thằng sinh viên điên khùng nào đó lấy cắp thôi. “Bọn thanh thiếu niên hư hỏng chứ còn ai!” – Hắn cười – Cũng như đêm qua, anh ngồi cách em và Powell hai dãy ghế ở trong rạp; ở phía cuối hành lang anh nhìn thấy thằng chó đó hôn từ biệt em – Hắn liếc nhìn xem phản ứng của Ellen. nàng không nhúc nhich. Hắn quay lại nhìn con đường. Nét mặt hắn bỗng sa sầm lại – Bức thư đó của em, khi nhìn thấy bức thư, anh sợ chết điếng cả người. Mới đọc tưởng không có gì, vì em đang tìm thằng đó trong lớp tiếng Anh với Dorothy ở học kỳ mùa thu. Trong lúc mãi đến tháng giêng anh mới học với Dorothy ở lớp triết kia. Nhưng tên em đang tìm quả là thằng bồ cũ của Dorothy – Anh gọi hắn là thằng bồ mang bít tất màu lá mạ. Hắn với anh cùng học một lớp toán. Hắn gặp anh và Dorothy vài ba lần. Anh nghĩ là hắn biết tên anh. Và hắn bắt buộc hắn phải khai tên anh ra để em tin là hắn không giết Dorothy.

Thình lình hắn đạp thắng xe, chiếc xe trườn tới và đứng lại. hắn bẻ tay lái sang bên trái, gài số. Hắn nhấn ga, chiếc xe chầm chậm lùi lại. Phía bên phải, có một căn nhà nằm trong bóng tối. Hắn cho xe chạy vòng đến căn nhà đó. Để máy nổ, hắn bóp một hồi còi thật dài. Tiếng còi xe vang inh ỏi trong đêm. Đợi một chốc hắn lại bóp thêm một hồi còi nữa. Vẫn yên lặng. Các cửa sổ vẫn đóng im ỉm, không một ngọn đèn bật sáng. “Nhà không có người” – Hắn nghĩ. Hắn liền tắt đèn xe, gài số. Trong bóng đêm, chiếc xe chồm về phía trước, rẽ trái, chạy ra phía sau căn nhà đó, rồi hắn lái xe chạy đến cuối bãi đất trống. Hắn gài số an toàn, vẫn để máy nổ.

- Đừng anh, đừng anh… - Gịong Ellen thảng thốt.

- Em tưởng anh thích làm thế này lắm sao? – Hắn nói – Em tưởng anh khoái chí với ý định này lắm à? Ta gần hứa hôn với nhau rồi mà! – Hắn mở cửa xe bên trái – Em phải thông minh… - Hắn bước ra khỏi xe, đặt chân lên mặt đường đầy hắc ín, súng vẫn chĩa thẳng vào người Ellen. Khuôn mặt nàng co rúm đến khủng khiếp – Đến đây! – Hắn ra lệnh – Bước ra phía này!

- Anh, van anh…

- Em bảo anh phải làm gì bây giờ hả Ellen. Anh không thể để em thoát được, phải không? Anh đã nói em hãy quay về Caldwell và đừng nói gì cả, phải không? – Hắn lấy khẩu súng một cách giận dữ – Bước ra!

Nàng trườn người ra khỏi cửa xe, tay ôm chặt cái ví, run rẩy đặt chân xuống lòng đường.

Hắn lấy khẩu súng ra hiệu Ellen đi nửa vòng, đến khi nàng đứng lại, phía sau lưng nàng là bóng tối dày đặc. Họng súng vô hồn vẫn chĩa vào người nàng.

- Đừng, đừng…

Ellen lấy ví đưa lên che mặt.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

55#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:52:37 | Chỉ xem của tác giả
Chương 14

Clarion Ledge ra ngày thứ năm 15-3-19…

HAI XÁC CHẾT

Cảnh sát lùng bắt tên mang súng bí mật

Đêm qua, trong vòng hai tiếng đồng hồ, một kẻ lạ mặt đã dùng súng giết người một cách dã man. Nạn nhân là Ellen Kingship, hai mươi mốt tuổi, ở thành phố New York và Dwight Powell, hai mươi ba tuổi, ở Chicago, sinh viên năm thứ ba đại học Stoddard.

Powell đã bị giết vào khoảng mười giờ tối, tại căn nhà của bà Elizabeth Honig, số 1520 đường 35 khu tây, nơi Powell ở trọ. Theo cảnh sát cho biết, Powell về nhà, lúc chín giờ mười phút cùng đi có cô Kingship. Nạn nhân lên phòng ở tầng hai và chạm mặt với tên trộm vũ khí. Tên trộm đã lẻn vào nhà trước khi họ về bằng cửa sau.

Theo kết quả xét nghiệm của các bác sĩ thì cô Kingship bị giết vào khoảng nửa đêm. Tuy nhiên mãi đến bảy giờ hai mươi sáng mới phát hiện ra thi thể của nàng, khi ông Willis Herne ở gần khu vực xảy ra thảm kịch, đi ngang qua để đến cơ quan.

Do nguồn tin của Gordon Gant, nhân viên của đài KBRI, cảnh sát đã được biết nạn nhân chính là chị của cô gái đã nhãy lầu tự tử vào tháng tư năm vừa qua tại tòa Hành chính.

Leo Kingship, chủ tịch công ty Kingship Copper, cha của cô gái bị giết, sẽ đến Blue River trưa nay, cùng đi với cô con gái đầu là Maroin Kingship.
Báo Clarion Ledge thứ năm tháng 4-19…

GORDON GANT BỊ SA THẢI

Trong việc sa thải Gordon Gant khỏi nhiệm sở, ban Giám đốc đài KBRI cho biết: mặc dầu đã nhiều lần được nhắc nhở, cảnh cáo, Gordon Gant vẫn cứ dùng điện đài của cơ quan để quấy nhiễu và phát biểu có tính cách phỉ báng Sở cảnh sát. Sự kiện trên hình như có liên quan đến cái chết Ellen và Powell cách đây một tháng, việc mà Gant rất quan tâm.

Việc chỉ trích công khai của Gant là thiếu thận trọng, nhưng quả thật, nói cho cùng, Sở cảnh sát vẫm dậm chân tại chỗ và chưa có một nỗ lực nào trong việc điều tra vụ án. Chúng tôi gần như bắt buộc phải chấp nhận luận cứ của Gant là đúng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

56#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2014 08:54:53 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15

Cuối năm học, hắn quay về Menasset. Hắn quanh quẩn mãi trong nhà với thái độ chàn chường. Mẹ hắn cố gắng tìm cách dẹp bỏ vẻ ủ rũ của hắn và sau đó bà trách mắng hắn. Hai mẹ con tranh cãi nhau một trận dữ dội. Để bứt ra khỏi nhà, hắn nhận việc tại cửa hàng bán đồ lót đàn ông. Từ chín giờ sáng đến năm giờ ba mươi chiều, hắn đứng sau cửa kính quầy hàng mà không một lần nhìn đến những sợi dây đồng viền quanh quầy.

Vào một ngày tháng bảy, hắn lấy từ trong tủ áo quần ra một chiếc hộp bằng sắt. Hắn để trên bàn rồi mở hộp lấy ra những mẩu báo viết về vụ Dorothy tự tử, xé nhỏ thành những mảnh vụn và vất vào sọt rác. Hắn vứt luôn những bài viết về Ellen và Powell. Sau đấy hắn lôi quyển sách nói về công ty Kingship mà hắn đã viết thư xin lần thứ hai khi hắn bắt đầu quen Ellen. Tay vừa xé quyển sách, hắn chợt nghĩ đến Dorothy và Ellen, môi mỉm nụ cười buồn thảm.

Hình như hắn vừa nghĩ đến những tờ Trung thành Hy vọng và một từ vừa mới nảy sinh trong đầu hắn: Nhân đạo, cho cân xứng với ba tên: Dorothy, Ellen… Marion.

Hắn cười thầm và định xé mấy quyển sách kia. Nhưng bỗng nhận ra là không nên làm như thế, hắn chầm chậm để mấy quyển sách nhỏ lên bàn, đưa tay vuốt thẳng những nếp gấp một cách máy móc.

Hắn đẩy cái hộp và những quyển sách vào trong hộc bàn, ngồi xuống và lấy một mảnh giấy, ghi ở trên đó chữ “Marion”, rồi vạch một đường chia làm hai cột, một cột đề chữ “thuận”, cột kia chữ “chống”.

Hắn ghi dày đặc ở cột “thuận”: những lần nói chuyện với Dorothy, với Ellen, những vấn đề liên quan đến Marion, sở thích của Marion, những điều nàng không ưa thích, quan điểm, quá khức của Marion. Hắn biết Marion thích đọc loại sách nào mặc dù chưa từng gặp nàng. Hắn biết cả sự cô độc, nỗi cay đắng, cách sống tách biệt của nàng… Cột này được ghi khác đầy đủ và hoàn hảo.

Tình cảm của hắn cũng ghi ở cột “thuận”.

“Thử thời vận một lần nữa xem sao – Hắn nghĩ – Hai lần trước xôi hỏng bỏng không. Lần thứ ba là con số may mắn…”.

Lần thứ ba may mắn, trong chuyện cổ tích thời thơ ấu đầy rẫy sự thử thách lần thứ ba, lời ước thứ ba, người cầu hôn thứ ba…

Hắn nhận thấy chẳng có vấn đề gì để ghi ở cột “chống” cả. Đêm đó hắn xé bỏ mảnh giấy ghi “thuận-chống” và làm lại một bảng khác ghi những đặc tính của Marion, những quan niệm, những sở thích và những điều không ưa thích của nàng. Hắn luôn ghi chú thêm vào và trong những tuần kế tiếp hắn cứ đều đặn thêm vào những chi tiết mới về Marion.

Vào những giây phút rảnh rỗi, hắn lại thả hồn lần về những buổi nói chuyện với Dorothy và Ellen trong những buổi ăn trưa, giữa các tiết học, trong những lúc đi dạo, khiêu vũ, lần mò từng từ, từng nhóm từ, từng câu trong ký ức của hắn. Đôi khi hắn dành trọn một buổi dài để nằm dài ra miên man suy nghĩ, nhớ lại những chi tiết nhỏ nhặt nhất liên quan đến Marion.

Khi bản kê khai đã dày đặc, người hắn phấn chấn hẳn lên. Đôi lúc hắn mở chiếc hộp sắt, lấy bản ghi ấy ra nhìn để tự thán phục mình: sự tinh vi, kế hoạch chặt chẽ, giống như những gì hắn đã tính toán, đã hành động đối với Dorothy và Ellen.

- Mày là một thằng điên – Một ngày kia hắn bỗng thốt lên như thế khi nhìn bảng ghi kia – Mày là một thằng gàn dỡ – Hắn nói lộ vẻ thích thú. Thực ra không bao giờ hắn tự gán cho mình là một thằng điên cả. Hắn nghĩ hắn là một người thông minh, gan dạ, anh hùng và liều lĩnh.

- Con sẽ không đi học nữa – Một ngày vào tháng tám, hắn nói với mẹ hắn như vậy.

- Cái gì? – Bà mẹ dáng người nhỏ, ốm yếu, đứng ở cửa phòng hắn, tay vuốt mái tóc bạc, hỏi lại.

- Vài tuần nữa con sẽ lên New York.

- Con chưa tốt nghiệp kia mà! – Bà than vãn. Hắn im lặng – Con sẽ làm gì, làm cái nghề ngỗng gì ở đó chứ?

- Con không biết, nhưng con sẽ có nghề. Con có ý định tiếp tục làm việc. Đó là dự định, đại loại là như thế mạ ạ.

- Nhưng con phải tốt nghiệp, Bud! – Bà do dự nói.

- Con không có phải gì hết – Hắn xẳng giọng. Im lặng – Nếu ý định của con lần này bị thất bại, điều đó con không nghĩ đến đâu, thì con có thể thi tốt nghiệp vào năm đến.

Bà mẹ lấy mép áo lau trán, vẻ căng thẳng, phiền muộn.

- Nhưng con đã trên hai mươi lăm tuổi rồi còn gì. Con phải… phải tốt nghiệp và tạo cho mình một chỗ đứng. Con không thể cứ mãi…

- Xem kìa! Mẹ phải cho con sống cuộc đời của con chứ.

Bà mẹ trừng mắt nhìn hắn:

- Cha mày cũng thường nói với tao như thế!

Bà im lặng bỏ đi.

Hắn đứng cạnh bàn học một lúc, nghe tiếng lầm rầm giận dữ vang lên trong nhà bếp. Hắn lấy báo đọc, làm như không quan tâm đến những gì xảy ra.

Vài phút sau hắn đi vào nhà bếp. Mẹ hắn đang đứng trước chậu rửa chén, lưng xoay về phía hắn.

- Mạ à – Hắn năn nỉ – Mẹ biết là con cũng lo lắng như mẹ. Con cũng muốn có một chỗ đứng nào đấy – Bà mẹ cũng không quay lại – Mẹ nên hiểu là con sẽ không bỏ học nếu ý định này không quan trọng như thế – Hắn đi đến gần bàn, ngồi xuống ngay sau lưng mẹ hắn – Nếu công việc không thành, năm tới con sẽ thi tốt nghiệp, con xin hứa với mẹ như vậy.

Bất đắc dĩ bà quay lại.

- Dự định gì thế? – Bà chậm rãi hỏi – Một phát minh chăng?

- Không phải. Con không thể nói cho mẹ nghe được – Hắn nói một cách ân hận – Chỉ là… mới phác họa thôi mẹ ạ. Con xin lỗi…

Bà mẹ thở dài, lấy khăn lau tay.

- Con thử đợi đến năm tới rồi thực hiện không được hay sao? Đến lúc nào con mới đỗ đạt?

- Chậm nhất là sang năm, mẹ à.

Bà bỏ khăn xuống.

- Mẹ mong con nói cho mẹ biết mọi chuyện.

- Không được, mẹ ạ. Con cũng muốn nói cho mẹ nghe lắm. Nhưng thú thật, việc này con không sao giải thích với mẹ được.

Bà xoay hẳn người lại, đặt tay lên vai hăn. Bà đứng như thế rất lâu, nhìn xuống gương mặt lo âu của hắn đang ngẩng lên nhìn bà.

- Thôi được – Bà nói – Mẹ mong đó là một ý định tốt!

Hắn nhìn mẹ, mỉm cười sung sướng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

57#
 Tác giả| Đăng lúc 19-6-2014 14:08:09 | Chỉ xem của tác giả
Phần III

Chương 1

Khi Marion tốt nghiệp đại học, ông bố vội vàng đề nghị ông giám đốc phụ trách phòng quảng cáo cho công ty Kingship Copper lưu ý đến trường hợp của nàng. Do đó người ta định giao cho nàng công việc viết quảng cáo. Mặc dù rất thích công việc này, nhưng Marion từ chối lời đề nghị trên. Cuối cùng nàng tự xoay sở tìm cho mình một chỗ làm ở một chi nhánh không lớn lắm. Ở đó người ta cho phép nàng viết quảng cáo cho những cơ sở nhỏ với điều kiện việc ấy không ảnh hưởng đến công việc hành ngày của nàng.

Một năm sau, khi Dorothy theo Ellen làm cổ động viên cho những trận đấu bóng và bắt đầu có những buổi hẹn hò, trao đổi những nụ hôn với bạn trai, Marion vẫn sống thui thủi trong tòa nhà rộng lớn với ông bố. Nhưng hai cha con sống như hình với bóng, thầm lặng đi bên nhau. Dù ông bố phản đối quyết liệt, Marion vẫn quyết định ra ở riêng.

Nàng đến thuê một căn nhà có hai phòng ở tầng trên của một gia đình khá giả ở khu đông. Nàng sửa soạn, trang trí căn phòng rất cẩn thận. Bởi vì hai phòng quá nhỏ, không rộng lớn như nhà ông bố, nàng không thể mang hết đồ dùng đ theo. Do đó Marion phải cân nhắc, chọn lựa kỹ lưỡng những vật gì nàng thích nhất, có ý nghĩa với nàng nhất. Việc này phải làm một cách chính xác mới được. Nhưng khi treo những bức tranh lên, khi sắp xếp sách lên giá sách, nàng mới thấy nàng trình bày không phải cho cảm quan của mình mà cho thị hiếu, ý thích của bất cứ ai tình cờ đến viếng thăm nàng, dù người khách đó là nam hay nữ. Mỗi đồ vật đều phản ánh tâm tư, tình cảm của nàng, từ cái gạt tàn thuốc đến tranh ảnh, đĩa nhạc, sách, mỗi đồ dùng đều được nàng chọn lựa tỉ mỉ. Với nàng, sách là một vật phản ánh rõ nét nhất bản chất của người đọc, do đó nàng đã đầu tư nhiều thời gian trong việc chọn sách. Có thể nói căn phòng của nàng là một thư viện thu nhỏ lại, một phòng triển lãm bỏ túi. Tranh của Charles Demuth, nhạc của Brahms, Grieg, Rachmanioff, và Stravinski…, sách của Proust… Tuy nhiên, nhìn chung sự bày biện ấy càng cho thấy nỗi lẻ loi cô độc của nàng. Nếu là một họa sĩ, hẳn Marion có thể phác họa chân dung của mình một cách chính xác. Vì qua sự trình bày trong phòng, một ngày nào đó sẽ có một người khách đọc được, đoán được những tâm tư tình cảm thầm kín của nàng, phát hiện ra con người sâu lắng của nàng và sẽ thấy thật khó giao cảm với nàng.

Những công việc quan trọng trong tuần của nàng là vào tối thứ tư nàng dùng cơm tối với ông bố, ngày thứ bảy dọn dẹp, lau chùi căn phòng. Việc đầu tiên là vì bổn phận, việc thứ hai là vì yêu thích lao động. Nàng đánh bóng và chùi sạch kính, phủi bụi, xếp đặt lại đồ dùng một cách cẩn thận đến ngạc nhiên.

Nàng vẫn có khách đấy chứ. Đó là hai cô em gái, Ellen và Dorothy, mỗi dịp nghỉ hè đều về thăm nàng và đôi lúc cả hai người đều thấy ganh tị với chị, vì quả thật Marion là một phụ nữ khéo léo, đảm đang. Ông bố cũng đến thăm và khi lên hết cầu thang thì ông mệt lử, ngao ngán nhìn căn phòng ngủ tù túng và cái bếp chật hẹp. Thỉnh thoảng một vài cô bạn gái ở cơ quan đến chơi, đánh bài, khiến cho căn phòng ồn ào náo nhiệt cả lên, ta có cảm tưởng nơi đây đạo và đời đang diễn ra một cách gay gắt. Một lần có chàng thanh niên thông minh, đẹp trai, học ngành tư pháp đến thăm nàng, nhưng đôi mắt anh ta cứ chăm bẳm nhìn chiếc đivăng trong phòng.

Khi Dorothy tự tử, Marion về ở với bố được hai tuần. Khi Ellen chết, nàng về ở hơn một tháng. Nhưng không vì thế mà hai bố con gần gũi nhau thêm dù cả hai người đã cố tìm cách. Đến cuối tháng, ông bố, chưa bao giờ cảm thấy lúng túng và khó khăn đến thế, đề nghị Marion dọn về ở với ông. Marion từ chối. Ý nghĩ phải rời khỏi căn nhà đang thuê là điều nàng không hề nghĩ đến, như thể nàng đã tự nhốt kín mình ở nơi đó vậy. Tuy nhiên sau thời gian ấy, nàng thường về ăn tối với ông bố mỗi tuần va lần thay vì một lần như trước kia.

Cứ vào những ngày thư bảy, nàng chùi nhà, và mỗi tháng một lần nàng lại mở tất cả các quyển sách ra để bìa khỏi rít lại.

Vào khoảng tháng chín, một buổi sáng thư bảy, chuông điện thoại vang lên. Marion lúc đó đang quì gối khom người chùi mặt dưới chiếc bàn lót kính, ngước nhìn về phía điện thoại hy vọng người ta gọi nhầm số. Chuông điện thoại lại reo. Miễn cưỡng, Marion đứng dậy đi về phía điện thoại, tay vẫn cầm giẻ lau nhà.

- Alô. Ai gọi đó? – Giọng nàng hời hợt.

- Có phải cô Kingship không ạ? – Giọng xa lạ của một người đàn ông.

- Vâng, chính tôi.

- Cô không biết tôi. Tôi là bạn của Ellen – Bỗng nhiên nàng cảm thấy lúng túng – “Bạn Ellen, một người đẹp trai, ăn nói hoạt bát… nhưng bên trong là một người trầm buốn, âu sầu…” – Marion nhớ lại những gì Ellen đã kể cho nàng nghe. Tuy nhiên Marion chẳng bận tâm đến. Nàng trở lại bình thường…

- Tôi là… - Giọng người đó tiếp tục – Burton Corliss… Bud Corliss.

- Ồ, vâng vâng, tôi có nghe Ellen nói về anh… - “Em rất yêu anh ấy”, Ellen nhắc mãi đến điều đó khi đến thăm Marion lần cuối cùng, “Anh ấy cũng yêu em lắm”. Marion mừng cho em, nhưng đêm về, lòng nàng thấy buồn buồn thế nào ấy.

- Tôi có thể gặp cô được không? – Hắn nói – Tôi có một vài vật Ellen để lại. Trong số đó có quyển sách Ellen đã cho tôi mượn trước khi nàng đi Blue River. Tôi nghĩ là cô muốn lấy lại quyển sách đó.

“Thứ sách ba ba xu chứ gì?” Marion nghĩ thầm nhưng rồi tự trách tính nhỏ nhặt ấy của mình, nàng vội nói:

- Ồ cám ơn. Thế thì tốt quá.

Đầu dây bên kia im lặng một chốc, rồi giọng người ấy lại vang lên.

- Tôi sẽ đem lại ngay. Tôi ở cùng ven đô gần đây.

- Ồ không không, tôi phải đi bây giờ! – Nàng nói nhanh.

- Thôi mai vậy.

- Ngày mai tôi cũng không có ở nhà đâu – Nàng thấy hổ thẹn vì đã nói dối, vì chẳng muốn hắn có mặt trong căn phòng này. “Có thể hắn không đến nỗi nào”, Marion nghĩ – Hắn đã yêu Ellen và giờ đây Ellen đã chết, hắn muốn trả lại những gì của Ellen. Chẳng có gì phải ngại, nghĩ thế nên nàng nói:

- Chiều nay ta gặp nhau ở đâu đấy cũng được.

- Vậy thì hay quá – Hắn đáp.

- Tôi sẽ đến đại lộ Năm.

- Ta sẽ gặp nhau trước tượng đồng ngay trung tâm Pockefeller, chỗ mà ngày xưa Atlas đã dựng lên thế giới.

- Vâng, tôi sẽ đến đó.

- Vào lúc ba giờ được không?

- Được. Cám ơn anh đã gọi điện.

- Có gì đâu – Hắn nói – Chào Marion nhé! – Im lặng – Tôi gọi thế được chứ? Ellen hay kể về Marion lắm.

- Cũng chẳng sao – Marion lại bối rối, không biết nên gọi hắn là Bud hay là cậu Corliss – Xin chào.

- Chào Marion – Hắn đáp lại.

Nàng gác máy, đứng nhìn máy điện thoại một lúc, rồi quay lại bàn tiếp tục lau chùi. Chưa bao giờ nàng nôn nóng đến thế bởi vì trọn buổi chiều nay xem như không làm gì được rồi.

Ghi chú:

Johannes Brahms: (1833 – 1897) nhạc sĩ người Đức.

Edward Grieg: (1843 – 1907) nhạc sĩ người Na Uy.

Rachmaninoff: (1873 – 1943) nhạc sĩ người Nga.

Proust: (1871 – 1922) nhà văn người Pháp (ND).

Stranvinski: nhạc sĩ người Nga.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

58#
 Tác giả| Đăng lúc 19-6-2014 14:11:10 | Chỉ xem của tác giả
Chương 2

Hắn, trong bộ quần áo trắng tinh, tay cắp một gói hàng được bao giấy cẩn thận, đang đứng trong bóng che của bức tượng đồng, quay mặt ra đại lộ Năm. Người qua lại đông đúc. Những dòng xe buýt, xe tắc xi nối đuôi nhau chạy như mắc cửi trên đường. Hắn chăm chú nhìn các bà, các cô áo quần hợp thời trang, khăn quàng cổ đủ màu sắc, đầu ngẩng cao như thể các ông phó nhòm đã đứng sẵn đâu dưới kia vậy. Hắn vừa đưa mắt nhìn, vừa nhớ lại tấm hình Dorothy đã đưa cho hắn xem trước kia. “Chị Marion khá đẹp, chỉ vì chị rẽ tóc kiểu này…”. Hắn cười, nhớ nét cau mày của Dorothy lúc nàng hất ngược mái tóc ra sau khi nói thế. Hắn mân mê tờ giấy bao phía ngoài, mơ màng.

Marion từ phía bắc đang đi đến. Hắn nhận ra nàng khi nàng còn cách hắn một trăm thước. Nàng cao lớn, hơi gầy, trang phục giống như các phụ nữ khác quanh nàng. Bộ áo quần nâu, khăn quàng cổ màu vàng, vai đeo xách tay lủng lẳng, trông nàng có vẻ ngượng nghịu như thể có ai đang ngắm nghía, đánh giá nàng. Tóc nâu, đôi mắt to cũng màu nâu giống như đôi mắt của Dorothy, nhưng khôn mặt lớn, gò má hơi cao nên trông nàng đẹp hơn hai cô em gái. Khi đến gần, nàng mới nhìn thấy hắn. Nàng tiến lại, miệng mỉm cười ngại ngùng như thầm hỏi và cảm thấy lúng túng trước cái nhìn soi mói của hắn. Hắn để ý thấy sáp môi của nàng màu hồng nhạt, hắn vẫn nghĩ đó là biểu hiện bản chất e thẹn của tuổi mới trưởng thành.

- Marion?

- Vâng – Nàng ngại ngùng đưa tay ra – Chào anh- Nàng nói, mỉm cười nhìn xuống. Bàn tay có những ngón tay thon dài, lành lạnh.

- Chào Marion – Hắn nói – Mong được gặp cô quá.

Nàng và hắn vào một quán giải khát gần góc đại lộ.

- Tôi không thể ở lâu được – Marion nói, ngồi thẳng người nơi mép ghế, hai tay nắm chặt ly nước ngọt.

- Những người đàm bà đẹp luôn luôn chạy đi đâu vậy? – Hắn cười gạn hỏi, nhưng ngay tức khắc hắn nhận thấy thân mật như thế là sai lầm. Nàng cười, vẻ khó chịu. Hắn băn khoăn nhìn Marion, đợi cho câu nói của hắn lắng xuống, rồi hỏi – Cô làm ở chi nhánh quảng cáo phải không?

- Vâng – Nàng trả lời – Anh vẫn theo học ở Caldwell?

- Không.

- Sao Ellen nói anh còn một năm nữa?

- Đúng thế nhưng tôi phải thôi học. – Hắn uống một hớp rượu ngọt – Bố tôi mất. Tôi không muốn mạ tôi phải làm lụng nữa.

- Ồ xin lỗi anh…

- Có lẽ năm đến tôi mới thi ra trường. Hoặc đi học lớp đêm. Cô học đại học nào?

- Đại học Columbia. Anh ở New York đến?

- Không, ở Massachusetts.

Cứ mỗi lần hắn cố bắt chuyện về đời tư nàng thì nàng lại hướng câu chuyện về chính hắn, về thời tiết, hoặc về điều gì đấy.

Cuối cùng nàng hỏi:

- Quyển sách đâu?

- Có đây, Dinner at Antoine’s (Bữa cơm tối tại gia đình Antoine), Ellen muốn đọc quyển này. Nàng có ghi chú cảm nghĩ của mình nơi tờ giấy rời, tôi nghĩ là Marion sẽ thích thú lắm. – Hắn trao cái gói cho Marion – Riêng tôi – Hắn nói tiếp – quyển sách đó không có ý nghĩa gì lắm.

Marion đứng lên.

- Tôi phải đi đây. Xin lỗi anh.

- Nhưng cô chưa uống hết ly nước kia mà.

- Rất tiếc – Nàng nói nhanh, nhìn xuống cái gói đang cầm ở tay – Tôi có hẹn về công việc. Không thể trễ được.

- Tuy nhiên… - Hắn đứng dậy.

- Xin lỗi – Nàng nhìn hắn, lúng túng.

Hắn để tiền lên bàn. Họ đi trở lại đại lộ. Đến góc đường, nàng đưa tay ra bắt. Bàn tay vẫn lạnh ngắt.

- Rất hân hạnh được gặp anh. Cám ơn anh đã đãi tôi uống và cám ơn về quyển sách. Thành thật… - Nàng quay đi, nhập vào đám đông.

Lạc lõng, hắn đứng đó một chốc, rồi mím môi rảo bước đi theo, cách nàng một khoảng khá xa. Nàng đi ngược lên đường 49, băng qua đại lộ, thẳng hướng về phía đông. Hắn biết nàng đi đâu rồi. Hắn nhớ lại địa chỉ ghi trên cuốn danh bạ. Marion băng qua công viên, bước vào ngôi nhà nàng ở. Hắn đứng ở góc đường, nhìn theo cho đến khi nàng bước hẳn vào trong nhà.

“Hẹn công việc” – Hắn lẩm bẩm. Hắn đứng đợi một lúc. Hắn cũng chẳng hiểu hắn đợi cái gì nữa, rồi chầm chậm quay trở lại đại lộ Năm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

59#
 Tác giả| Đăng lúc 19-6-2014 14:13:57 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3

Trưa chủ nhật, Marion đến viện Bảo tàng Nghệ thuật. Trên tầng chín vẫn còn trưng bày chiếc xe trước đây nàng đã thấy và chẳng còn lưu tâm đến nữa. Tầng hai không đông người như mọi khi. Nàng đến cầu thang lên tầng ba, đi thơ thẩn giữa những bức tranh và những tác phẩm điêu khắc quen thuộc, vui mắt: những đường nét mềm mại của bức “GIRL WASHING HER HAIR”, và chất thơ lai láng nơi tác phẩm “BIRD IN SPACE…” (1).

Có hai người đang ngắm những tác phẩm điêu khắc của Lehmbruck nhưng khi Marion bước vào, họ đi ngay để một mình nàng với hình khối lạnh lùng của hai bức tượng, một nam một nữ, tượng nam đứng, tượng nữ quỳ gối, thân hình đôi nam nữ thon dài toát ra một vẻ đẹp man mác buồn. Cái nét mong manh đó khiến cho bức tượng như thoát khỏi cuộc sống, mông lung trông giống như một tác phẩm tôn giáo đến nỗi Marion có thể nhín ngắm mãi mà không một ý nghĩ xấu xa nào gợn lên trong tâm hồn như những lần nàng ngắm nhìn những bức tranh, bức tượng khỏa thân khác. Nàng đi quanh tượng điêu khắc người trai trẻ trung ấy.

- Xin chào! – Một giọng nói đầyy vẻ ngạc nhiên và thích thú vang lên phía sau lưng nàng.

“Ai chào mình thế – Nàng nghĩ – Vì có ai ở đây ngoài mình ra đâu”. Nàng quay người lại.

Bud Corliss đang đứng ở cửa ra vào.

- Chào anh – Marion cười bối rối.

- Thế giới nhỏ thật – Hắn nói rồi đến gần nàng – Tôi đi ngay sau lưng cô ở tầng dưới, nhưng không dám chắc là cô. Mạnh khỏe chứ?

- Cám ơn anh, rất khỏe – Một thoáng im lặng ngượng ngùng – Còn anh thế nào? – Nàng hỏi.

- Mạnh như trâu, cám ơn Marion.

Cà hai quay lại bức tượng. “Tại sao trông mình có vẻ lố bịch, lúng túng thế? Có phải vì hắn đẹp trai? Vì hắn là người yêu của Ellen, đã từng đi xem bóng đá, hôn nhau và làm tình?”.

- Cô thường đến đây chứ? – Hắn hỏi.

- Vâng.

- Tôi cũng thường đến đây.

Bức tượng bây giờ khiến nàng ngường ngượng vì có Bud Corliss đứng bên cạnh. Nàng đi về phía người nữ đang quỳ. Hắn theo sát bên nàng.

- Hôm đó cô đến đúng hẹn chứ?

- Vâng, đúng hẹn – Nàng trả lời. “Cái gì đưa đẩy hắn đến đây? Người ta có thể nghĩ hắn đang dong chơi với Ellen ngày nào đó trong công viên”.

Cả hai nhìn bức tượng. Lát sau hắn nói:

- Thú thật, khi ở dưới lầu, tôi không ngờ lại là cô.

- Tại sao?

- Ellen không phải là người yêu thích chốn này.

- Có phải chị em thì phải luôn luôn giống nhau đâu!

- Đúng, tôi cũng nghĩ thế – Hắn bắt đầu đi vòng quanh bức tượng – Phòng Nghệ thuật ở Caldwell là một viện bảo tàng rất nhỏ – Hắn nói – Hầu hết là những tác phẩm được phục chế lại và những bản mô phỏng. Đôi ba lần, tôi có kéo Ellen đến đấy. Tôi có ý muốn Ellen cảm thụ thêm về Nghệ thuật – Hắn lắc đầu tỏ vẻ bất lực – Nhưng không gặp may lắm!

- Ellen không để tâm đến nghệ thuật lắm.

- Vâng, quả thế. Thật buồn cười khi ta muốn người khác cũng có cùng sở thích như ta.

Marion nhìn hắn đứng phía bên kia bức tượng.

- Có một lần tôi đưa Ellen và Dorothy đến đây, Dorothy là em út của tôi…

- Tôi biết…

- Tôi đưa chúng đến đây khi chúng mới lên mười. Trông hai đứa có vẻ không thích thú lắm. Tôi nghĩ có lẽ chúng còn nhỏ quá, chưa biết thưởng thức.

- Tôi không rõ – Hắn nói, rồi vòng đến bên nàng – Vào tuổi đó, gái như ở thành phố tôi sống cũng có một viện bảo tàng như thế này… Cô đến đây lúc mười hai hay mười ba tuổi?

- Vào độ tuổi ấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

60#
 Tác giả| Đăng lúc 19-6-2014 14:15:43 | Chỉ xem của tác giả
[tiếp]

- Lúc đó cô hiểu chứ? – Hắn nói, nụ cười của hắn như muốn nói rằng trong nhóm người hắn quen biết không thể nào có tên Dorothy và Ellen được.

Đôi vợ chồng nào đó và hai đứa con đang cười như nắc nẻ đi vào phòng.

- Ta đi thôi – Hắn đề nghị, vẫn đứng sát bên Marion.

- Tôi…

- Hôm nay chủ nhật – Hắn nói – Chẳng có hẹn hò công việc gì cả, phải không Marion? – Hắn nhìn nàng, cười, nụ cười thật duyên dáng, hiền lành, thoải mái – Tôi lẻ loi, cô cũng một thân một mình. – Hắn nhẹ nắm lấy khuỷu tay nàng – Nào ta đi – Hắn nói, nụ cười đầy vẻ thuyết phục.

Cả hai đi hết tầng ba, xuống nửa tầng hai, vừa đi vừa phê bình, nhận xét những tác phẩm. Họ cùng xuống tầng dưới, đi ngang qua những chiếc xe cũ kỹ lỗi thời ở giữa phòng và ra cửa kính đi vào ngôi vườn phía sau viện bảo tàng. Họ đi chầm chậm từ tượng này sang khác, dừng lại trước mỗi bức tượng. Họ đến bức tượng người đàn bà của Maillol, bức tượng toàn thân, mạnh bạo. – Người cuối cùng của loài có vú – Hắn nói, Marion cười:

- Tôi có thể nói với anh điều này. Tôi luôn thấy ngượng ngùng khi nhìn bức tượng như thế này.

- Nó cũng làm tôi ngượng chín cả người đấy – Hắn mỉm cười – Không phải khỏa thân, nhưng lõa lồ.

Cả hai bật cười lớn.

Sau khi đã xem xong những bức tượng, họ ngồi xuống chiếc ghế ở sau vườn và châm thuốc hút.

- Anh và Ellen gắn bó với nhau lắm phải không?

- Chưa đúng lắm.

- Tôi nghĩ…

- Chưa chính thức, tôi muốn nói thế. Dẫu sao gắn bó ở trường cũng khác gắn bó ở ngoài đời.

Marion hút thuốc, không nói gì.

- Chúng tôi có nhiều cái chung với nhau nhưng đó chỉ là bề ngoài: học cùng lớp, cùng quen một số bạn bè, cùng quan tâm đến những gì liên quan đến đại học Caldwell. Tuy đã một thời tôi và Ellen sống với nhau ở trường đại học, nhưng tôi không nghĩ là… chúng tôi sẽ cưới nhau – Hắn nhìn chằm chằm điếu thuốc trên tay hắn – Tôi rất thích Ellen. Tôi mến nàng hơn bất cứ cô gái nào tôi đã từng quen biết. Tôi vô cùng khổ tâm khi Ellen chết. Nhưng… tôi không biết… nàng không phải là người sâu sắc – Hắn ngừng – Tôi mong sẽ không làm cô phật lòng.

Marion lắc đầu, nhìn hắn.

- Mọi chuyện giống như câu chuyện về viện bảo tàng vậy. Tôi nghĩ ít ra cũng có thể khiến Ellen quan tâm đến những nghệ sĩ bình thường, chẳng hạn như Hopper hay Wood. Nhưng không thành công! Ellen chẳng bận tâm đến cái gì cả. Đến sách, chính trị cũng thế. Bất cứ điều gì có vẻ nghiêm túc nàng đều không thích. Nàng luôn luôn muốn làm một điều gì đó.

- Ellen có một cuộc sống riêng biệt trong gia đình. Có lẽ Ellen muốn xây dựng cuộc sống như thế.

- Đúng. Hơn nữa nàng nhỏ hơn tôi đến bốn tuổi – Hắn dập tắt điếu thuốc – Dẫu sao Ellen vẫn là cô gái tuyệt vời nhất mà tôi biết được.

Không gian trầm xuống, không một tiếng động.

- Ta không bao giờ tìm thấy những gì mà ta đã bỏ công sức ra làm – Hắn nói một cách bi quan.

- Đâu phải dễ dàng…

Họ ngồi, không nói năng gì với nhau một lúc. Sau đó họ lại tiếp tục chuyện trò về những việc lý thú để làm ở New York, về viện bảo tàng, về cuộc triển lãm của Matiss (2) sắp đến.

- Cô biết tôi thích nghệ sĩ nào không? – Hắn hỏi.

- Ai thế?

- Tôi không biết cô có quen thuộc những tác phẩm của ông ta không. Đó là nghệ sĩ Chales Demuth.

Ghi chú:

(1) Girl Washing Her Hair: điêu khắc của Maillol (1861- 1944). Bird in space: điêu khắc của Brancusi (ND).

(2) Matiss(1982 – 1942) Họa sĩ người Mỹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách