Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: vunhuquynh26
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Bầu Trời Trong Quả Trứng | Xuân Quỳnh (Truyện: Con sáo của Hoàn - Hết)

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 26-4-2015 09:37:33 | Xem tất
VĂN


Thầy giáo dạy vẽ


Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi, thầy dạy chúng tôi cách đây đã mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp 5, mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ…

Tuần trước, vào một buổi tối, có hai người bạn cũ đến thăm tôi: Châu – họa sĩ –kĩ sư một nhà máy cơ khí. Châu hỏi tôi:

- Cậu còn nhớ thầy Bản không?

- Nhớ chứ! Thầy Bản dạy vẽ bọn mình hồi nhỏ phải không?

- Đúng rồi. Thầy mới mất hôm đầu tháng. Mình có đến dự đám tang, nhưng không kịp đến báo cho các cậu. Thầy về hưu đã lâu, những năm cuối, thầy yếu mệt nhiều, vẫn ở trên gác xép với một cô cháu gái…

Tôi sững sờ nhớ lại hình ảnh của thầy Bản. Đã lâu lắm tôi không gặp lại thầy, trừ một lần, đạp xe qua phố, tôi thấy thầy đứng xếp hàng trước một quầy dầu hỏa. Nếu gặp, chắc thầy cũng không nhận ra tôi; thầy dạy nhiều lớp, nhiều học trò, và môn họa một tuần chỉ có một tiết.

Hồi ấy, thầy bao nhiêu tuổi, tôi không rõ. Chỉ biết thầy dạy học đã lâu, nhiều cô giáo, thầy giáo trong trường từng là học trò của thầy.

Thầy ăn mặc theo kiểu xưa: bộ com-lê đen đã cũ lắm.Thầy thường đội mũ nồi, bộ râu mép rậm lấm tấm bạc, đôi dày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách.

Thầy luôn đăm chiêu, nhưng hiền hậu, chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng chúng tôi. Cũng chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết len lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, sốt cao giọng run run.

Cá cô giáo, thầy giáo trong trường kể rằng: Thầy là một trong những họa sĩ học khóa đầu tiên trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Bạn học của thầy, hầu hết đã trở thành những họa sĩ tên tuổi, có người nổi tiếng ở cả nước ngoài, riêng thầy Bản chỉ là một giáo viên dạy vẽ bình thường ở trường cấp hai.

Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực, viên gạch, thỉnh thoảng mới có bài vẽ “vẽ tự do”: Cảnh chùa, hoặc lao động ở vườn trường. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: Cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ. Nhưng thú vị hơn cả là những câu chuyện của thầy. Thầy thường nói say sưa với chúng tôi vê hội họa, về màu sắc và đường nét, về cái thế giới thứ hai, thế giới rực rỡ, kỳ lạ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới những khu vườn tốt lành và đẹp đẽ. Có những lần, thầy đưa chúng tôi về nhà thầy chơi, về gian gác hẹp xếp đầy sách vở và tranh ảnh. Thầy đưa chúng tôi xem những quyển tranh của các bậc danh họa. Thầy cũng cho chúng tôi xem những bức tranh thầy vẽ, những bức tranh nhỏ, vẽ rất tỉ mỉ những bình hoa nhiều màu, những ngôi nhà, những em bé hàng xóm… Thầy vẽ chậm, vẽ kỹ, không hiểu có đẹp không, những tranh của thầy ít được mọi người chú ý. Chúng tôi có đi hỏi, nhưng chảng mấy ai biết đến tên họa sĩ Nguyễn Thừa Bản.

Chẳng hiểu vì thầy không có tài hay không gặp may, tuy thầy rất yêu hội họa, dành hết sức lực và tiền bạc cho nó. Vợ con thầy đều đã mất từ lâu, thầy bảo: Giờ đây nguồn vui của thầy chỉ là công việc và các em học sinh. Chúng tôi đều rất quý và thương thầy. Có lần, thầy đến lớp, vẻ nghiêm trang xúc động, thầy nói với chúng tôi:

-Ở triển lãm mỹ thuật thành phố, người ta có bày một cái tranh của tôi… - Thầy mỉm cười rụt rè khẽ nói thêm: - Các em đến xem thử…

Chiều hôm ấy, mấy đứa chúng tôi – trong đó có Châu và Hiền – rủ nhau đến phòng triển lãm. Trong gian phòng chan hòa ánh sáng, bức tranh của thầy Bản treo ở một góc. So với những bức tranh to lớn trang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ. Bức tranh vẽ rất cẩn thận một lọ hoa cúc, mấy quả cam, những cánh hoa vàng rơi trên mặt bàn… Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy. Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn ghi cảm tưởng của người xem: chẳng thấy ý kiến nào khen ngợi hoặc nhắc đến bức tranh tĩnh vật của thầy giáo chúng tôi.Lúc ấy, chúng tôi thấy thầy Bản cũng đến, thầy đi lại trong phòng triển lãm, nhìn người xem rồi lại nhìn về cái tranh của mình, bồn chồn, hồi hộp, rồi sau cảm thấy đững mãi ở đây không tiện, thầy lại lóc cóc ra lấy xe đạp, đạp đi.

Càng thương thầy, chúng tôi càng giận những người xem vô cùng. Nảy ra một ý, chúng tôi bàn khẽ với nhau, rồi mở quyển sổ ghi cảm tưởng, chúng tôi thay nhau viết:

“Trong phòng triển lãm này, chúng tôi rất thích bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản”

“Bức tranh vẽ tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản rất đẹp. Họa sĩ là một người có tài năng và cần cù lao động. Kính chúc họa sĩ mạnh khỏe v.v…”.

Rồi chúng tôi kí những cái tên giả danh các ý kiến đó. Ngoài mấy đứa chúng tôi, không ai biết việc này.

Vài hôm sau, thầy Bản đến lớp. Bối rối vì cảm động, thầy báo tin:

-Các em ạ… bức tranh ở triễn lãm của tôi… cũng được một số người thích… họ có ghi cảm tưởng… Ban tổ chức có đưa cho tôi đọc… tôi có ghi lại…

Thầy húng hắng ho, rồi nói thêm, vẻ ân hận:

-Bức tranh ấy tôi vẽ chưa được vừa ý… Nếu vẽ lại tôi sẽ sữa chữa nhiều hơn…

Thương thầy quá, chúng tôi suýt òa lên khóc. Bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi đã lớn lên, đã làm nhiều nghề khác nhau, có người là cán bộ quân đội, có người là công nhân. Hiền trở thành kỹ sư và tôi làm người viết báo. Chỉ có Châu họa sĩ. Tuy còn trẻ, Châu đã có nhiều tác phẩm, được quần chúng và đồng nghiệp đánh giá cao… Nhưng Châu và chúng tôi chẳng hề quên thầy Bản. Không chỉ làm cho chúng tôi yêu hội họa, thầy còn là một tấm gương về sự cần cù, lòng trong sạch, tình yêu thương trân trọng với công việc của mình.

Thầy không phải là một nghệ sĩ nổi tiềng như các bạn của thầy, nhưng đối với chúng tôi, hình ảnh hiền hậu khiêm nhường của thầy đáng quý trọng biết bao.


Có lẽ đến phút cuối của cuộc đời, thầy cũng không biết rằng: chính chúng tôi – những học trò của thầy – đã viết vào quyển sổ cảm tưởng trong kỳ triển lãm ấy. Bây giờ, thầy Bản không còn nữa!

Tối ấy, ngồi với nhau, chúng tôi nhắc nhiều và nhớ nhiều đến thầy…

Thưa thầy giáo dạy vẽ kính yêu…

Viết những dòng này, chúng em muốn xin thầy tha lỗi cho chúng em, và muốn lần nữa được thưa với thầy rằng: Chúng em biết ơn thầy, mãi mãi biết ơn thầy…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 27-4-2015 15:36:40 | Xem tất
VĂN


Tặng quà chú hề


Trang chỉ là một trong hàng ngàn đứa trẻ đã được xem chú hề xiếc biểu diễn, bởi vậy chú hề làm sao biết được Trang là ai, mà chỉ có Trang là người nhớ tới chú thôi.

Sáu tuổi, lần đầu tiên xem xiếc, Trang rất thích những tiết mục của chú hề. Nhất là tiết mục “Quả bóng kỳ lạ” của chú. Thật tài tình. Quả bóng tưởng chừng như nhẹ nhàng kia đã kéo chú theo xiêu vẹo cả người, lại có lúc chú phải dồn sức toàn thân lên hai bàn tay, nhảy người lên ấn quả bóng xuống mà không nổi. Lúc thì nó kéo chú như bay lên chơi vơi giữa khoảng không… Nhưng có phải quả bóng có phép lạ hay chính chú hề đã mang lại phép lạ cho quả bóng?

Ôi, quả bóng lớn màu hồng rực rỡ, sau một hồi được chú hề biểu diễn, Trang thấy nó càng đẹp biết bao nhiêu, thần kỳ biết bao nhiêu! Quả bóng này Trang chỉ được thấy nó một lần trong giấc mơ, nó bay lên trời, cao mãi cao mãi mà Trang không thể nào với tới được. Bây giờ thì nó đây, nó đang ở trong tay chú hề, cùng chú hề biểu diễn cho Trang xem. Quả bóng như biết nói, biết giận dỗi, biết đùa nghịch. Cứ nhìn cử chỉ và con mắt của chú hề thì Trang biết chú hề yêu quả bóng ấy lắm.

Sau khi biểu diễn một hồi, chú hề cầm quả bóng đi quanh sân khấu và nhìn xuống những hàng ghế khán giả như muốn tìm ai. Rồi bỗng chú dừng lại trước một cô khán giả ngồi hàng đầu và đưa tặng cô quả bóng. Thấy cô gái ngần ngại không dám cầm, chú iền quỳ xuống đưa quả bóng lại gần trước mặt cô. Cô gái có vẻ lúng túng, vội cầm lấy quả bóng. Nhưng chẳng may, khi cô vừa chạm tay vào, quả bóng đã nổ liền. Thế là cô gái xấu hổ quá, cô bỏ dở buổi xem xiếc, chạy thẳng ra ngoài.

Trông chú hề lúc ấy thật đáng thương quá, chú buồn lắm. Hẳn chú không ngờ món quà chú yêu quý ấy chú muốn tặng cô gái để làm cho cô vui, thế mà trong giây phút nó đã vỡ tan tành. Hóa ra món quà đó đã làm cho cô gái buồn bực. Nhưng người buồn nhất chắc phải là chú hề. Chú như muốn khóc, chú chạy vội ra sân khấu để theo cô gái. Và từ đó đến cuối buổi diễn không thấy chú trở lại sân khấu nữa.

Khi đó chú hề đâu biết rằng không chỉ riêng mình chú buồn, mà còn có cô bé đang ngồi xem kia cũng buồn và thương chú lắm, đấy là cô bé Trang. Trang cứ tưởng như Trang còn buồn hơn cả chú hề kia – Trang không còn tập trung để xem các tiết mục khác. Trang toàn nghĩ về chú hề, còn chú hề có khi đang chạy đi tìm cô gái để nói cho cô hiểu rằng quả bóng vỡ không phải là tại chú – và hẳn cô gái vẫn không tin nên chú hề vẫn buồn…

Trang cũng muốn chạy đi tìm cô gái kia để nói hộ chú hề là: “Cô ơi, cô đừng giận chú ấy mà khổ thân chú ấy quá. Cháu biết chú định tặng cô quả bóng nguyên vẹn và đẹp kia, thật đấy, chẳng may nó vỡ đấy thôi, chú không lừa cô đâu. Lúc cô đi rồi, chú ấy buồn quá. Hẳn bây giờ chú đang ngồi khóc ở đâu đấy…”. Nhưng mà cô ấy đi mất rồi, mà Trang thì bé thế này, làm sao biết đường tìm ra cô ấy! Trang chợt quay lại hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, chú hề đâu rồi?

- Hết tiết mục, chú ấy vào trong hậu trường.

- Không phải đâu mẹ ạ. Vì cái cô ban nãy được chú ấy tặng quả bóng giận chú ấy bỏ đi, nên chú ấy buồn, chả ra diễn nữa. Con thương chú ấy lắm!

- Con tôi thật là… - mẹ âu yếm nhìn Trang rồi gật đầu: - Con nghĩ đúng đấy, nhưng con đừng lo, chú hề sẽ hết buồn thôi. Chú sẽ tìm gặp được cô ấy, chú sẽ biết cách làm cho cô vui và hết giận. Chú hề tài thế, vui tính thế, ai mà giận chú lâu được.

Thực ra mẹ biết rằng chú hề không hề buồn và cô gái kia cũng là một diễn viên của rạp xiếc. Nhưng mẹ đã không nói rõ điều đó ra với Trang, mẹ sợ sự thực đơn giản và vui vẻ kia sẽ làm mất đi cái cảm xúc tốt đẹp và giàu có của Trang nên mẹ chỉ dựa vào tình cảm của Trang mà cắt nghĩa mọi điều cho Trang đỡ buồn.

Mẹ nói vậy, nhưng Trang vẫn chưa hết thương chú hề. Đêm về, nhắm mắt lại là Trang lại thấy rõ hình ảnh chủ hề buồn khổ chạy theo cô gái kia..

Ít lâu sau, có một hôm đi chơi công viên với mẹ,  Trang chợt trông thấy đúng là chú hề. Chú không mặc quần áo hề mà chú bận quần bò với áo sơ mi kẻ, bình thường như mọi người. Chú ngồi hút thuốc lá một mình trên ghế đá. Hình như chú có vẻ buồn.

- Mẹ ơi, chú hề kìa! – Trang vừa gọi mẹ về chỉ về phía chú cho mẹ thấy. – Mà chú chẳng biết con là ai đâu, mẹ nhỉ?

- Thế con có muốn chú biết con không?

- Thôi. – Nói vậy nhưng trong bụng Trang lại rất thích được làm quen với chú.

Nhìn vẻ tần ngần của Trang, chắc mẹ cũng biết. mẹ kéo Trang tới trước chú hề và nói:

- Xin lỗi, phiền chú một chút, xin giới thiệu với chú đây là một khán giả bé nhỏ rất yêu thích những tiết mục của chú biểu diễn. tên cháu là Trang, cháu muốn làm quen với chú.

- Chào cháu, cô bạn nhỏ của chú. – Chú hề cúi cúi xuống kéo Trang lại gần: - Cháu thích xem xiếc lắm phải không? Cháu thích những tiết mục gì nào?

- Cháu thích nhiều lắm nhưng… - Trang rụt rè nói – Cháu thích nhất là tiết mục của chú.

- Thôi, con đừng làm phiền chú nữa, đi đi con.

- Cháu chào chú ạ.

- Chào cháu.

Mẹ dắt Trang đi. Trang vừa đi vừa quay lại nhìn chú hề. Có điều Trang băn khoăn là chưa hỏi được chú hề xem hôm đó chú có tìm thấy cô gái ấy không… Chợt Trang nảy ra một ý định:

- Mẹ ơi, mẹ đưa con ra cổng công viên, mua cho con một quả bóng.

Mẹ chưa hiểu vì sao tự nhiên Trang lại đòi mua bóng. Tuy vậy, mẹ vẫn dẫn Trang ra cổng công viên. Trang chọn mua một quả bóng màu xanh, to và dày dặn gấp ba lần quả bóng thường. Trang nói rõ ý định với mẹ:

- Con muốn biếu chú hề quả bóng để chú đền cho cô hôm nọ. Vì quả bóng chú cho cô ấy vỡ mất rồi.

- Ôi, con tôi thơm thảo quá! Bây giờ chúng ta lại vào công viên tìm chú hề đi.

Khi mẹ con Trang quay vào công viên thì may quá, chú hề vẫn còn ngồi đó. Vừa trông thấy Trang chú bỗng reo lên:

- Thế là chú lại gặp cháu rồi. Bây giờ cháu đã là bạn cũ của chú. Cháu đi đâu mà lại qua đây?

- Cháu… cháu… cháu trở vào tìm chú.

- Tìm chú có việc gì đấy?

Trang cứ tần ngần cúi đầu mân mê cái dây buộc quả bóng mà chả biết phải nói thế nào. Cuối cùng, mẹ phải đỡ lời:

- Chả là hôm nọ cháu xem chú biểu diễn tiết mục “Quả bóng kỳ lạ”, cháu thấy chú vỡ mất quả bóng, hôm nay cháu chọn mua quả bóng khác biếu chú để chú đền cho cô gái hôm nọ.

Thấy chú hề hơi ngỡ ngàng một chút, mẹ đưa mắt ra hiệu chú cứ nhận quả bóng. Chú hề cầm lấy cái dây có buộc quả bóng bay từ Trang, chú ôm Trang vào lòng và nói đi nói lại:

- Cảm ơn, cảm ơn, chú cảm ơn cháu lắm… Tối nay chú sẽ biểu diễn bằng quả bóng của cháu. Quả bóng này dày, tốt lắm, chắc là không vỡ được đâu.

Chưa bao giờ chú hề cảm thấy xúc động và vui như bây giờ. Đối với chú, quả bóng mỏng manh của cô khán giả bé nhỏ này là phần thưởng lớn lao, là ước mơ trong cuộc đời biểu diễn của chú.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 28-4-2015 10:32:44 | Xem tất
VĂN


Đứa trẻ nhút nhát


Ân là một đứa trẻ nhút nhát. Cái gì cũng sợ. Buổi tối mẹ bảo Ân xuống máy rửa mặt mũi chân tay hoặc ra bếp rót nước cho mẹ là Ân ít dám đi. Cứ nghĩ đến những con chuột cống lông bạc phếch vừa leo lên cầu thang vừa ho khù khụ, rồi lại nghĩ đến con mèo đen nhà bà Toàn, đang đi nó quay lại nhìn Ân, mắt nó xanh lè, nó phụt một cái rồi biến mất, làm Ân sợ rùng cả mình. Trong bóng tối biết bao nhiêu cái đáng sợ. Mà chả phải chỉ trong bóng tối, ban ngày cũng còn có cái đáng sợ nữa là! Vì Ân luôn cảm thấy các sự vật đều biết nói mà Ân thì lại nghe được tiếng nói của chúng. Ví dụ như cái mặt nạ kia – khi treo trên tường là lúc nó ngủ, nếu như ai đó đeo vào, lúng túng nó thức dậy nhảy mùa và còn hò hét nữa. Nghĩ thế lại sợ! Hôm mẹ sai Ân mang cơm cho gà ăn, lúc đó có con gà trống của bác Thêm ở chuồng bên cạnh xổng ra, nó đi loanh quanh phía ngoài chuồng gà nhà Ân, cựa nó rất to và vàng, mặt nó đỏ gay gắt, nó trông thấy Ân tới bèn gườm Ân và cục ta cục tác ầm ỹ. Ân nghe như nó đuổi Ân: “Đi ra đằng khác… đi ra đằng khác…”, thế là Ân lại mang bát cơm xuống.

Nếu như Ân nói những điều ấy, thì chẳng ai tin đâu mà lại còn cười Ân là đằng khác. Mẹ cũng vậy, mẹ thường cho Ân là nhát quá. Mẹ cứ lấy anh Văn ra để làm gương cho Ân: “Đấy, con cứ xem anh Văn con xem, anh ấy có sợ cái gì đâu. Anh ấy chẳng bắt nạt ai nhưng chẳng ai bắt nạt anh ấy được. Năm anh bảy tuổi, bằng con bây giờ, bị một đứa lớn hơn đánh, thế mà anh dám xông vào đánh trả, không thèm khóc một tiếng. Thế mà có hôm con bị thằng Khanh đánh, nó còn bé hơn con một tuổi, con sợ không dám đánh trả lại còn chạy về khóc với mẹ. Hèn thế!”.

Nghe mẹ nói, Ân cũng thấy “ưng ức” thế nào ấy. Ân cảm thấy mình không hẳn là hèn nhát như mẹ nói nhưng không làm thế nào cho mẹ hiểu Ân được. Đúng ra thì Ân cũng có sợ nhưng không phải sợ thằng Ân khỏe, vì Ân biết rõ là mình lớn và khỏe hơn nó, vậy nên nếu như Ân đánh lại nó, thấy nó đau, nó khóc thì Ân sợ lắm!

Một lần, xem vô tuyến, Ân thấy anh Văn của Ân đóng vai một thiếu niên bị giặc bắn chết, thế là Ân òa lên khóc. Mẹ dỗ Ân: “Lúc đó anh Văn chết giả vờ thôi. Bây giờ anh Văn đang ngồi cạnh Ân, xem vô tuyến với Ân cơ mà”. Biết vậy nhưng Ân vẫn không sao ngủ được, Ân vẫn thương cái anh thiếu niên ở trong câu chuyện anh Văn đóng vai kia, anh ấy chết thật rồi! Vì cái tính như vậy nên ai cũng trêu Ân, có những lần anh Văn còn kể chuyện ma để dọa Ân nữa.

Anh Văn thì khác hẳn. Anh có thể ra ngoài đêm tối một mình kể cả những đêm mất điện. Anh thích xem đánh nhau và có lần trông thấy người chết anh cũng không sợ. Năm nay anh Văn 13 tuổi, anh giúp mẹ được nhiều việc: anh mua dầu, đong gạo cho mẹ, xách nước, mua ra cho mẹ. Mẹ sai anh làm việc gì, anh làm một loáng là xong ngay, làm xong anh đi chơi mải miết tới bữa cơm mới về. Mẹ vẫn khen anh là có tinh thần trách nhiệm trong học tập và trong cả việc nhà. Còn Ân thì mẹ chê là yếu đuối nhút nhát. Bảy tuổi rồi mà còn sợ cả mèo lẫn gà.

Hình như mẹ có ý yêu anh Văn hơn, điều đó thì Ân chả dám tị, nhưng nếu mẹ cho là anh Văn yêu mẹ hơn thì Ân chẳng chịu. Ân yêu mẹ lắm chứ. Mỗi lần nhìn mẹ ngồi nấu cơm, chải đầu hay vá quần áo là Ân sà vào lòng mẹ, ôm cổ mẹ. Ân muốn nói với mẹ là: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”, nhưng rồi Ân chả dám nói. Ân chỉ nhìn vào mặt mẹ rồi lùa những ngón tay bé nhỏ vào trong tóc mẹ và mỉm cười ngượng nghịu. Mẹ đi đâu một tí, Ân cũng nhớ. Ngay cả lúc mẹ ở nhà, Ân cũng nhớ vì lúc đó Ân lại nghĩ đến khi mẹ đi.

Một buổi trưa đi học về, Ân thấy anh Văn ngồi ăn cơm một mình. Anh văn bảo mẹ trưa nay không về được, có bác ở cơ quan mẹ đến bảo là mẹ bị đau ruột thừa, sáng nay các bác đã đưa mẹ vào bệnh viện Việt Đức. Chắc là phải mổ.

- Anh Văn ơi, - Ân run lên, - anh đưa em vào thăm mẹ đi.

- Không được đâu, các bác ấy bảo là thứ năm với chủ nhật mới là ngày thăm kia. Bây giờ Ân ăn cơm đi rồi ở nhà trông nhà, anh ra trường học một tiết rồi anh sẽ xin phép cô giáo cho về sớm với em. Chìa khóa đây, anh đeo chìa khóa vào cổ cho em, em ra khỏi buồng là phải khóa cửa vào nhé.

Nói rồi anh Văn tất tả xách cặp đi học. Chỉ còn Ân ở một mình, nghĩ miên man vừa lo vừa sợ: “Không hiểu lúc này mẹ đã mổ chưa? Mẹ có đau nhiều không? Khổ thân mẹ quá! Mẹ ở bệnh viện một mình, đau một mình! Ôi, giá như cái đau mà có thể chia ra như kẹo bánh mẹ vẫn chia thì Ân và anh Văn sẽ nhận mỗi người một phần cho mẹ đỡ đau. Hình như mẹ đang mong anh em Ân vào với mẹ. Mẹ gọi Ân. Mẹ ơi, con sẽ tìm cách vào với mẹ đây!”. Ân ra khỏi nhà, khóa cửa, rồi lại đeo cái chìa khóa vào cổ. Ra tới đầu phố, Ân ngẩn ngơ không biết đi đường nào. Cuối cùng Ân đánh bạo lại gần bác hàng khóa và hỏi:

- Bác ơi, bác chỉ cho cháu đường đi đến bênh viện Việt Đức.

Nói rồi Ân cứ run lên sợ bác ấy mắng. Thế mà bác ấy lại chẳng mắng mà chỉ nhìn Ân có vẻ dò xét rồi hỏi:

- Cháu đến bệnh viện Việt Đức làm gì?

- Mẹ cháu bị đau ruột thừa, phải mổ ở đấy.

- Thế ở nhà không có ai là người lớn dẫn cháu vào thăm mẹ cháu à?

- Không, bố cháu thì đi bộ đội ở xa, anh cháu vừa mới đi học.

- Từ đây đến đó gần thôi, qua hai ngã tư rồi rẽ trái một chút là tới. Nơi khu nhà có cái cổng to, nhiều người mặc áo khoác trắng ra vào… Nhưng cháu bé thế thì nhớ đường sao được.

- Nhớ chứ, bác nói thế là cháu nhớ rồi đấy. “Nơi khu nhà có cái cổng to… đi qua hai ngã tư rẽ trái…” – Ân lẩm bẩm học cho thuộc và vội vã đi ngay.

Bác thợ khóa nhìn theo cái vai bé nhỏ của Ân khuất sau gốc cây sấu, bỗng bác động lòng thương xót:

- Cháu ơi, - bác xách hòm khóa chạy theo Ân – để bác đưa cháu đi một quãng.

Bác đưa Ân đi qua hai ngã tư và dặn:

- Bây giờ cháu cứ theo bên trái này mà đi, một lát nữa là tới bệnh viện. Cháu đi nhé. – Nói rồi bác xách hòm khóa trở lại ngồi chỗ cũ của bác.

Ân men theo vỉa hè đi được một lúc thì thấy khu nhà có cái cổng to và nhiều người mặc áo trắng ra vào cổng như lời bác thợ khóa tả.Nhưng cái cổng ở bên kia đường, mà đường thì dông rối rít những xe đạp, ô tô. Ân không làm sao mà qua được. Đứng một lúc thì thấy có mấy cô cũng sắp qua đường, Ân lẳng lặng đi gần các cô, chờ lúc các cô sang thì đi cùng. “Đi đông người chắc ô tô nó không dám chẹt.” – Ân nghĩ vậy và cuối cùng đã sang được cổng bệnh viện.

Cổng bệnh viện người ta ra vào tấp nập, người lành cõng người ốm, người không đau dìu người đau. Có người chân bó bột to tướng, có người không hiểu bệnh gì mà sưng méo cả mặt. Trông khiếp quá!...

Không hiểu mẹ lúc này ở đâu? Làm sao mà vào găp được mẹ bây giờ? Ân đứng nhìn qua song sắt cổng rất lâu mà chẳng dám vào.

Một chú đeo băng đỏ, chắc là chú thường trực, ra mở cửa mấy lần vẫn thấy Ân ở đấy, chú quát:

- Thằng bé này, ra chỗ khác mà chơi, đứng đây làm gì cho vướng chỗ ra vào của người ta.

Ân lảng ra một chút rồi lại đến bám song sắt nhìn vào.

- Đã bảo đi ra chỗ khác mà lại… Có đi không, - chú dọa, - tao cho vào đồn công an bây giờ…

Nghe chú ấy nói vậy, Ân khóc òa lên:

- Chú ơi, cháu có làm gì đâu mà chú cho cháu vào đồn công an.

- Thế lẩn quẩn ở đây làm gì?

- Chú ơi, mẹ cháu… - Nói tới đây cổ Ân nghẹn lại. – Mẹ cháu ở trong này.

- Mẹ cháu làm ở trong này chứ gì? – Chú dịu giọng. – Thôi cứ về đi, hết giờ làm việc thì mẹ cháu về. À, thế cháu là con ai?

- Cháu là con mẹ Thanh, mẹ cháu không làm ở đây đâu. Ban sáng các bác đưa mẹ cháu vào đây. Mẹ cháu phải mổ bụng vì đau ruột thừa. Các bác ấy bảo thế.

Nghe Ân kể, mọi người xung quanh xúm lại hỏi han và khen ngợi Ân:

- Tội nghiệp thằng bé nó thương mẹ nó quá!

- Nó bé thế mà đã biết một mình vào thăm mẹ. Thằng bé bạo thật!

Mỗi người nói một câu với chú thường trực, thế là cuối cùng chú đã bằng lòng cho Ân vào.

- Cháu đi vào cái nhà dài, một tầng trông sang cái nàh cao kia, rồi hỏi. Chắc là mẹ cháu nằm ở đấy. Cháu hỏi mấy cô mặc áo trắng kia. Phải nói rõ là mẹ cháu tên gì, vào đây lúc nào và mổ bệnh gì nhé.

Ân mừng quá, hấp tấp đi lại phía mấy cô mặc áo khoác trắng, nhưng Ân cứ lẩn quẩn đây chưa dám hỏi gì. Ân nghe thấy các cô nói với nhau:

- Đưa vào viện muộn quá nên viêm cả một vùng mật. Chắc là khó sống nổi.

- Thì cũng cố gắng chữa chạy cho đến cùng.

- Tội nghiệp chị ấy cũng còn trẻ và có sức lực…

Thôi chết rồi! Có phải đấy chính là mẹ không, mẹ ơi! Đã có lần Ân nghe ai nói là bệnh ruột thừa rất nguy hiểm, có thể chết người đấy. Trời ơi, nếu như mẹ chết có nghĩa là mãi mãi mẹ không về nữa! Ân có chờ, có khóc bao nhiêu, mẹ cũng chẳng về. Cái áo mẹ khâu cho Ân, Ân vẫn mặc đây. Chai nước mẹ rót đầy ở nhà ban sáng Ân chưa kịp uống. Thế mà chẳng lẽ mẹ lại chết! Mẹ sẽ nằm dưới đất như ông ngoại ấy. Ở đấy tối và lạnh lắm!

- Mẹ ơi! – Ân bỗng nhiên bật lên tiếng kêu và khóc nức nở.

Mấy cô mặc áo trắng ngạc nhiên quay lại nhìn Ân.

- Ơ thằng bé này! Sao lại vào đây mà khóc? Cháu lạc mẹ cháu à?

- Không! Cháu sợ mẹ cháu chết!

- Làm sao mà chết?

- Các cô vừa nói đấy thôi. Mẹ cháu đau ruột thừa, mẹ cháu phải mổ bụng.

- Ở đây từ sáng đến giờ rất nhiều người phải mổ bụng. Thế mẹ cháu tên là gì?

- Mẹ cháu tên là Thanh. Mới vào đây ban sáng.

- À, cô biết rồi. – Một cô vui vẻ nói: Mẹ cháu làm ở công ty may mặc chứ gì? (Ân gật đầu). Thế không sao đâu. Mẹ cháu đã mổ xong, đang nằm ở trong kia kìa. Để co đãn cháu vào.

Mấy cô mặc áo khoác trắng dẫn Ân vào, vừa đi vừa hỏi chuyện rối rít. Ai cũng khen Ân ngoan và bạo.

Mẹ Ân nằm yên phăng phắc trên một cái giường có đệm trắng ở cuối phòng. ở đây cái gì cũng màu trắng cả. Ân cảm thấy cái màu trẳng ấy bảo là: “Phải im lặng”. Ân nhẹ nhàng ngồi bên cạnh mẹ. Ai đã trói chân tay mẹ vào thành giường. Trông thương quá đi mất. Biết Ân thắc mắc, mấy bác giường bên nói cho Ân hiểu là vì mẹ vừa mổ xong nên phải trói vậy. Nếu để cựa thì ảnh hưởng đén vết mổ.

Mẹ đắp chăn đến tận cổ. Có một cái bình treo dòng ống nước trắng buộc vào cổ tay mẹ. Mặt mẹ tái nhợt, mắt mẹ nhắm nghiền – chả giống như mẹ mọi khi. Nếu như không có vết sẹo ở thái dương chắc Ân khó có thể nhận được ra mẹ.

- Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đây! – Ân gọi dồn dập.

- Ấy, cháu se sẽ chứ cho mẹ cháu ngủ. – Bác giường bên nói/

- Ở nhà mẹ cháu tỉnh ngủ lắm kia mà, sao bây giờ cháu gọi mãi mẹ cháu chẳng tỉnh?

- À là vì người ta mổ cho mẹ cháu, người ta phải tiêm thuốc mê. Bây giờ chưa hết thuốc đâu. Mai mẹ cháu mới tỉnh hẳn.

Vừa lúc đó thì anh Văn chạy ùa vào:

- Ân ơi, làm sao em lại vào đây được? Anh tìm Ân mãi, sao em lại ở đây? Mẹ đau rồi, mẹ đâu rồi? – Văn hỏi tới tấp là Ân không sao kịp trả lời.

Ân hỏi lại Văn:

- Thế làm sao anh lại cũng vào đây được?

- À, có bác ở cơ quan mẹ, bác dẫn anh vào. – Văn chỉ tay ra một người đang ở phía cửa đi vào.

- Hôm nay bác ở lại đây trông nom mẹ cháu. – Bác chợt nhìn thấy Ân: - A, thằng Ân đấy phải không? Ai đưa cháu vào đây?

- Cháu vào một mình?

- Ồ, cháu tôi giỏi quá! Ở thăm mẹ một chút rồi  các cháu về đi. Mai các cháu lại vào. Bác sẽ đứng đón ở cổng.

- Bác không phải đón đâu. – Ân nói quả quyết. – Cháu vào lấy được. Cháu đã quen chú thường trực rồi. Cháu sẽ dẫn anh văn vào.

- A, em Ân bây giờ bạo quá! –Văn vui vẻ khen em. – Mọi khi em hay sợ lắm kia mà?

- Mẹ ốm thì em chẳng sợ. Với lại nghĩ mẹ phải nằm một mình, đau một mình, thế là em đi tới đây được.

Hai anh em ra về. cái bóng bé nhỏ của Ân lanh chanh đi trước như có ý muốn dẫn đường cho anh. Sáng mai Ân với anh văn sẽ vào thăm mẹ sớm. Khi mẹ tỉnh dậy là mẹ thấy hai anh em ở bên cạnh rồi. Ân sẽ kể cho mẹ nghe những chuyện ngày hôm nay Ân đã đi thăm mẹ như thế nào, và mẹ sẽ nói: “Ôi các con tôi! Cái thằng Ân bé bỏng của mẹ giờ đã không nhút nhát nữa rồi”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 28-4-2015 20:34:08 | Xem tất
VĂN


Bạn Lộc


Các bạn lớp tôi thường gọi Lộc là “Lộc còi” vì Lộc bé lắm, mười một tuổi mà bằng đứa chín tuổi. Hẳn vì “còi” nên Lộc có vẻ yếu, thường hôm nào học năm tiết, tiết học hát cuối cùng là Lộc hát chẳng ra hơi, có khi cứ dựa vào tập thể mà Lộc chỉ lí nhí hoặc mấp máy mồm hát theo thôi. Người ta bảo thể lực yếu thì thường học kém, thế mà Lộc học chẳng kém. Còn tôi, trông tôi có vẻ cao lớn hơn Lộc thì học lại chẳng giỏi giang gì. Tôi kém nhất là môn toán. Cô giáo phân công Lộc giúp đỡ tôi về môn này. Không hiểu sao, mỗi lần giúp tôi học, Lộc thích đến nhà tôi hơn là tôi đến nhà Lộc. Nói cho đúng thì từ đầu năm học, tôi chưa đến nhà Lộc lần nào. Tính Lộc rủ rỉ ít nói. Mẹ tôi rất mến Lộc. Mẹ thường hay nêu Lộc để làm gương cho tôi. Mẹ làm tôi lắm khi tự ái. Mẹ nói là Lộc bé mà học giỏi, chăm, ngoan, lại nền nếp cẩn thận… Có thể những điều trên mẹ tôi nói đúng, nhưng riêng cái điểm cẩn thận thì tôi không chịu. Tôi nghĩ rằng Lộc “ki bo” thì có. Cả lớp tôi chúng nó đều nhận xét thế. Lộc có cái cặp sách đã cũ mà cứ quý như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên cặp. Có cái bút máy Trường Sơn nét đã to bè, thế mà cứ viết viết cất cất chi chút, chỉ dám viết bút ấy vào những buổi kiểm tra bài, còn ngày thường thì Lộc viết bút chấm mực. Có một số bạn trong lớp hay trêu Lộc là “Lộc ki”, “Lộc cộc đuôi”… Mỗi lần như vậy Lộc chỉ mỉm cười hiền lành. Khi nào tức quá thì Lộc tách khỏi chúng tôi, đi lùi lũi một mình.

Một hôm, tôi tự giải một bài toán ở nhà không sao giải được. Tôi tìm đến nhà Lộc trước giờ đến lớp buổi chiều. Vừa bước vào nhà, tôi trông thấy một người đàn ông tóc đã đốm bạc đang ngồi loay hoay giữa một đống dép nhựa ở góc nhà. Tôi đoán là bố Lộc:

- Cháu chào bác… Bạn Lộc có nhà không ạ?

Người đàn ông ngửng lên nhìn về phía tôi, tôi chợt nhận ra trong hai con ngươi của bác có hai đốm trắng nhỏ. Bác lên tiếng gọi:

- Lộc ơi, có bạn con đến này.

Lộc từ máy nước chạy vào, hai ống tay áo còn ướt sũng:

- A, Hoàng! Sao đến sớm thế, còn lâu mới tới giờ học.

- Biết rồi. Tớ muốn hỏi cậu một bài toán.

- Chờ tớ một tí nhé.

Nói rồi Lộc chạy ra chỗ máy nước.

- Cái thằng Lộc nhà bác nó mến cháu lắm đấy. – Chắc sợ tôi chán vì phải chờ Lộc nên bố Lộc chuyện trò với tôi. – Cháu ở phố Nguyễn Đình Chiểu phải không?

- Vâng.

- Đấy, cháu thấy chưa. Bác chưa dến nhà cháu bao giờ mà đã biết rõ cháu ở đâu, còn biết cả mẹ cháu làm ở nhà máy dệt kia. Thắng Lộc nó nói rất nhiều về cháu với bác.

Vừa lúc đó Lộc chạy vào:

- Con giặt xong rồi bố ạ. – Rồi Lộc quay sang tôi: - Nào bây giờ chúng mình học.

Lộc giảng giải cho tôi cách giải bài toán một cách dễ dàng và đơn giản đến mức tôi cảm thấy như đáng lẽ ra chính tôi cũng giải được như thế. Chẳng qua tôi lơ đãng một chút thôi.

Khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa, Lộc còn quay lại dặn bố:

- Mướp con gọt rồi. Quần áo bố, con phơi trên sân thượng, nếu mưa bố để ý cất hộ con. Thôi, chúng con đi học đây.

- Được rồi, các con cứ đi đi.

Ra tới đường, tôi nói với Lộc:

- Ở nhà tớ, mẹ tớ giặt hết. Tớ chả bao giờ phải giặt. Sao mẹ cậu không giặt cho cậu à?

- Mẹ tớ chết lâu rồi. Mà cậu thấy đấy: bố tớ thì sắp bị lòa. Bác sĩ bảo là bị “đục thủy tinh thể”. Trước kia, bố tớ cũng là thợ tiện đấy chứ. Bây giờ thì nghỉ ở nhà, sửa dép cho hợp tác xã. Buổi tối về, tớ cũng phải làm thêm giúp bố. Tớ đang lo bố tớ mà mù hẳn thì tớ sẽ sống ra sao. Chắc chả tiếp tục học được nữa.

- Bố cậu sẽ khỏi thôi. – Thấy Lộc có vẻ lo lắng, tôi an ủi Lộc. – Mẹ tớ bảo ở Viện mắt bây giờ người ta giỏi lắm, chữa ối người đã mù hẳn thành người sáng.

- Ừ, tớ cũng nghe nói thế.

Nói vậy nhưng hình  như Lộc chưa tin chắc vào điều đó. Lộc vẫn có vẻ lo buồn lắm. Tôi thấy thương yêu Lộc hơn từ hôm ấy và tôi đã hiểu được mọi điều tôi nghĩ chưa đúng về Lộc. Chúng tôi gắn bó với nhau, chú ý giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Cuối học kỳ hai, Lộc báo cho tôi một tin chả vui gì:

- Bố tớ sắp mù hẳn rồi, Viện mắt người ta bảo phải mổ mới khỏi. Mấy hôm nữa bố tớ vào viện. Tớ phải làm thay cả phần việc của bố ở nhà để kiếm sống, lại còn phải chăm sóc bố nữa chứ. Chắc tớ chả tiếp tục học được nữa. – Lộc giúi vào tay tôi cái bút Trường Sơn: - Cậu cầm lấy cái này mà dùng, tớ giữ mà không dùng nó phí đi!

Lúc này giọng Lộc đã run run, không còn bình tĩnh như trước. Tôi nắm chặt tay Lộc và nói:

- Cậu cứ giữ lấy cái bút này. Cậu cần phải tiếp tục học. tớ sẽ giúp cậu trong thời gian bố cậu vào viện. Sau giờ học ở trường, tớ sẽ về nhà cậu, chúng mình cùng học, cùng làm. Vả lại cái việc sửa dép cũng dễ thôi, cậu bảo tớ vài lần là tớ àm được. Mẹ tớ sẽ rất vui lòng nếu như tớ giúp được cậu. Mẹ tớ quý và thương cậu lắm.

Hôm sau, cuối buổi học, Lộc cứ nài nỉ tôi sẽ qua về nhà Lộc một chút vì bố Lộc muốn gặp tôi. Khi tôi tới nơi, bác đã đứng chờ sẵn wor cửa. Tôi vừa cháo bác, bác đã kéo tôi lại gần, ôm choàng lấy tôi, bác nói:

- Lộc nó đã nói hết với bác rồi. Cháu ngoan quá, tốt quá. Cháu học cùng lớp với em. Bác mong cháu che chở giúp đỡ nó. Khổ thân, nó bé bỏng và yếu đuối lắm!

Tôi nhìn hai giọt nước mắt lăn từ đôi mắt mờ đục của bác. Tôi nghẹn ngào nín lặng không nói được câu gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 29-4-2015 08:51:51 | Xem tất
VĂN


Bà bán bỏng cổng trường tôi


Trước cổng trường tôi có nhiều hàng quà: ô mai, kẹo bánh, ổi, táo và hàng bỏng ngô.

Mỗi lần đến trường sớm hoặc khi ra chơi chúng tôi thường ra mua quà vặt. Mỗi đứa thích ăn một thứ nhưng nói chung là chúng tôi hay mua bỏng ngô. Vì bỏng ngô là rẻ nhất lại ăn được lâu. Bà bán bỏng tóc bạc phơ, lưng hơi còng, bà rất hiền hậu. Bà bán hai đồng một bơ bỏng như mọi hàng, bà lại còn cho thêm vài hạt. Hàng của bà hết rất sớm, thường là giữa giờ ra chơi, nếu không mua nhanh thì không có bỏng ăn. Vậy nên mỗi lần chạy ào từ trong lớp ra là nhiều đứa chúng tôi xông thẳng đến bà, chen nhau tíu tít:

- Bán cháu hai đồng.

- Bán cháu…

- Bán cháu, cháu đến trước kia…

Chúng tôi làm bà cứ cuống quýt cả lên. Tuy vậy bà rất vui vì đắt hàng. Bà bán hàng rất chăm chỉ, hầu như không vắng mặt ở cổng trường tôi bao giờ. Trời nóng thì bà phe phẩy cái quạt nan, còn trời rét thì bà co ro thu mình trong miếng vải nhựa cũ

Có một hôm, thằng Tòng béo ở lớp tôi tung ra một tin:

- Này các cậu ơi, bà bán bỏng bị ho lao.

- Sao cậu biết? – Tôi hỏi.

- Thì tớ ở gần nhà bà ấy mà. Ban đêm thấy bà ấy ho khiếp lắm. Tớ nghe có đứa nói bà ấy ho ra cả máu đấy.

- Eo ơi kinh quá! – Một bạn gái nói. – Thế ho lao có lây không?

- Lây quá đi chứ, lây bằng đường hô hấp. Ví dụ bà ấy thở hoặc nói chuyện với mình. Mình hít phải thế là bị ngay.

- Thế có chữa được không?

- Chữa khó lắm. Bệnh này là có thể chết nữa đấy.

- Sợ nhỉ. Nếu ăn bỏng của bà ấy thì có lây không?

- Lây chứ. Vì khi bà ấy rang bỏng thế nào bà chả thở vào đấy.

- Các cậu ơi, mai đừng mua bỏng của bà ấy nữa.

Tin ấy không chỉ lan truyền ở lớp tôi mà còn sang cả các lớp khác. Bà hàng bỏng vắng khách dần. Cuối cùng chỉ còn những bạn nhỏ qua đường hoặc những bạn quanh đấy chưa biết tin ấy là mua bỏng của bà mà thôi. Khi chúng tôi đi qua, bà cứ mời chào mà chả đứa nào chịu mua. Lắm buổi, hết giờ học, tôi ra về thấy bà vẫn còn ế một túi ni-lông bỏng to tướng, mặt bà ỉu xìu chả buồn mời chào chúng tôi.

Thế rồi bà không bán bỏng ở cổng trường chúng tôi nữa. Chả biết bà bán ở đâu. Chúng tôi không để ý. Chúng tôi lại chuyển sang mua ô mai, táo dầm…

Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua mớ rau, tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ. Tôi chỉ nghe tiếng quát mắng to tướng của bà hàng cơm:

- Nướng nhanh lên mà đi cho khuất mắt. Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được…

Bà bán bỏng lật đật đến gần bếp lò run rẩy nhét cái bánh mì vào phía dưới lò. Chứng kiến tất cả cái cảnh ấy tự nhiên tôi tháy thương bà quá. Tôi chạy lại gần bà, ấn vội vào tay bà số tiền mẹ tôi đưa mua rau rồi chạy vụt về. Tôi về nhà kể lại với mẹ tôi mọi việc, mẹ tôi không mắng tôi về việc ấy mà lại trách tôi chuyện khác kia. Mẹ bảo:

- Con giúp đỡ người nghèo là đúng, nhưng con thử nghĩ xem, với số tiền mua rau ấy bà già chỉ sống được một bữa, còn bữa sau thì sao? Đáng lẽ trước kia con và các bạn con đừng tung cái tin “bà bán bỏng ho lao” ra thì chắc bà vẫn sống được tử tế. Đằng này, vô tình con và các bạn con đã hại bà ấy. Các con chưa hiểu được đâu. Chưa hiểu được một người già mà phải đói khát thì khổ đến thế nào… Mẹ còn nói nhiều nhiều nữa nhưng thấy tôi rân rấn nước mắt nên mẹ thôi. Mẹ lại đưa tiền cho tôi đi mua rau.

Hôm sau đến lớp tôi kể cho các bạn nghe mọi sự việc, kể cả chuyện mẹ tôi đã mắng tôi như thế nào. Các bạn nghe mà ai cũng bùi ngùi cảm thấy mình có lỗi, bỗng có bạn lên tiếng:

- Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?

- Ai bảo? Ai bảo?... – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng.

- Tớ cũng chẳng nhớ. – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế.

- Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!

- Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ? Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.

- Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: “Bà cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà” mà tất cả chúng mình phải mua của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.

- Ừ, phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều mua.

- Tất cả.

- Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn sáng bằng bỏng.

Thế nhưng suốt mấy hôm tôi để ý tìm bà bán bỏng mà chả thấy bà đâu. Có một đêm tôi đi xem kịch với bố tôi về, hai bố con rẽ vào một hàng phở định ăn phở, tôi thấy một người đội nón rách ngồi co ro thu mình trong tấm vải nhựa cũ, áp lưng vào mặt tường phía ngoài là nấu phở. Bố tôi bảo:

- Đấy con xem, mình đi xem về còn được ăn phở, trong khi có người vừa đói vừa rét chẳng có chỗ nằm phải ngồi ở ngoài phố trước lò nấu phở cho đỡ rét. Bố tôi đưa tôi năm đồng bảo tôi mang cho người đó.

- Này bác ơi, - tôi gọi, - cháu cho bác tiền đây này.

Người ấy đẩy cái nón về phía sau và ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi chợt nhận ra bà là bà bán bỏng. Bà đưa bàn tay run run ra nhận mấy đồng của tôi mà nét mặt bà lại ngỡ ngàng thảm hại. Hình như bà hơi ngạc nhiên là bà không xin mà tôi lại cho bà. Bà cứ nói đi nói lại:

- Cảm ơn, cảm ơn cậu. Thật là phúc đức quá!

Cổ tôi nghẹn lại một nỗi hối hận không thể quên được. Tôi nhớ đến lời dặn của các bạn trong lớp, rồi nói với bà:

- Bà ơi, trước bà bán bỏng ở cổng trường cháu sao bây giờ bà không bán nữa.

- Ế lắm, cậu ạ, không ai mua cho nên tôi khổ sở thế này.

- Thế bây giờ bà lại bán đi. Cháu mua cho. Các bạn cháu cũng sẽ mua cho bà.

- Cậu nói thật hay nói đùa thế?

Bà nhìn tôi bỡ ngỡ, đôi mắt bà như mờ đi, mái tóc bạc lòa xòa trước trán.

- Cháu nói thật đấy bà ạ, các bạn cháu nó bảo lâu nay không có bỏng của bà nó thèm lắm đấy.

- Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu – bà lại lặp lại câu nói ban nãy. – Thật là phúc đức quá! Phúc đức quá!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 29-4-2015 20:09:42 | Xem tất
VĂN


Con sáo của Hoàn


Đã từ lâu, Hoàn ao ước có một con chim sáo. Một con sáo chân chì, mỏ vàng, lông đen nhánh. Em sẽ bắt châu chấu, mua chuối chín cho sáo ăn, dạy sáo hót tiếng người, sáo sẽ biết chào mỗi khi mẹ Hoàn đi làm về… Hoàn đã có sẵn chiếc lồng rất đẹp, vót toàn bằng cật tre, sẵn cả một chiếc chén gốm xinh xắn để đựng nước cho sáo uống. Hoàn mê sáo đến nỗi đêm ngủ em cũng mê thấy chú sáo của em đập cánh hót lảnh lót bên tai…

Bố đã hứa: chủ nhật tới sẽ đưa Hoàn lên nhà một người bán chim ở Nghi Tàm, mua cho em con sáo nào đẹp nhất mà em thích.

Hoàn sốt ruột đếm từng ngày: thứ hai, thứ ba, thứ tư… mỗi ngày sao dài dằng dặc. Thứ sáu, thứ bảy, dường như vô tận. Đến thứ bảy, trời mưa to. Hoàn nằm khó ngủ, lo nếu mai vẫn mưa, việc đi mua sáo sẽ bị bố hoãn lại. Đến khuya, Hoàn ngủ thiếp đi. Khi em tỉnh dậy, trời đã sáng bạch. Ngoài cửa sổ, ánh sáng chói chang. Hoàn nhày khỏi giường, gọi váng lên:

- Bố ơi, muộn rồi! Đi mua sáo đi bố ơi!

Thế mà bố lại chẳng đi ngay, bố còn phơi quần áo cho mẹ, hí hoáy vặn lại cái yên xe đạp. Rồi bác hàng xóm lại sang chơi, hai người uống trà, nói chuyện gì có vẻ vui vẻ say sưa lắm. Hoàn đứng ngoài cửa, sốt ruột đến phát điên: thế này thì biết bao giờ mới đi mua sáo được?

Nhưng rồi, cái giờ phút mong mỏi bao lâu ấy cũng phải đến, ông khách ra về. Bố lấy xe đạp, gọi Hoàn:

- Nào, ta đi con!

Hoàn xách cái lồng chim chạy như bay ra. Bây giờ thì không thể nào thoát được nữa, nhất định hôm nay Hoàn sẽ có một chú sáo xinh đẹp trong cái lống này!

Nhà người bán chim ở cuối một cái ngõ sâu rợp mát. Hoàn như lạc vào một thế giới của chim. Vô số lồng chim treo dọc hiên, dưới bao cành cao cành thấp trong vườn. Mấy cái lồng bằng lưới kẽm to như mấy cái phòng con đặt dưới đất. Những chú hoàng yến lông vàng óng, bạch yến lông trắng muốt, cả một chú yến lửa đỏ rực, mắt, mỏ và chân cũng đỏ như lửa. Nghe đâu giống yến này ở mãi tận những hòn đảo ở bên kia Philippin xa xôi. Họa mi to nhỏ thi nhau hót, hàng trăm con chào mào, ri đá, sẻ đồng mới bẫy về kêu loạn xạ, lông tơ rụng bay lả tả, những đôi uyên ương hiền hậu mơ màng, chụm đầu vào nhau, lông ức óng ánh sắc cầu vồng. Rất nhiều vẹt đậu trên xà gỗ, chân buộc những sợi xích sắt nhỏ xíu. Những con vẹt lộng lẫy kêu khàn khèn the ths, nửa như cãi cọ, nửa như càu nhàu nhiếc móc. Hoàn giật bắn người, có ai giật tóc em: một chú vẹt to, mỏ khoằm, gườm gườm nhìn vào mặt em bằng con mắt nghiêm khắc.

Người bán chim vồn vã mời hai bố con Hoàn vào nhà. Ông xoa tay:

- Bác với em cứ xem cho khắp lượt. Muốn chọn con nào tùy thích.

Hoàn lặng người vì say mê. Hai bố con đi giữa dãy lồng chim đủ loại. Ông bán chim nhanh nhảu đi bên cạnh. Trông ông cũng hơi giống một bác chim già với mái tóc hói trụi ở đỉnh đầu, những sợi tóc xám dựng ngược, đôi mắt tròn xoe, cái miệng nhọn luôn chúm lại huýt sáo. Một sợi lông chim dính ở lông mày ông. Cái áo dạ vàng mà ông mặc cũng vương đầy hạt trấu mà chim nhằn ra, lấm tấm những vệt cứt chim trắng mốc.

-Sáo đâu ạ? Hoàn hỏi.

Ông chủ đưa em ra chái nhà. Chao ôi, ngỡ như mơ: bao nhiêu là chim sáo trong hàng chục cái lồng. Con nào cũng đẹp, con nào Hoàn cũng thích. Bố chỉ con này, Hoàn lại thấy một con khác hay hơn. Sau cùng ông chủ bắt cho Hoàn một chú sáo sậu còn non nhưng đẹp tuyệt. Bộ lông mượt mà đen nhấp nhánh, những chấm trắng nổi bật ở cổ, ở chân, đỏm dáng như thắt nơ và đi tất trắng. Cái mỏ vàng óng ánh, đôi mắt nhỏ trong veo, cái đầu ngảng cao vừa kiêu hãnh vừa thơ dại. Ông bán chim bảo: con sáo này ông mới bẫy được hôm qua, trên ngọn đa cạnh hồ. Đúng là con sáo Hoàn ao ước! Ngực em đập mạnh, môi se lại, không nói được lời nào nữa. Em ôm chặt cái lồng có con sáo vào ngực.

Hai bố con chào ông bán chim ra về. Tới cửa, bỗng nghe tiếng chim kêu cuống quýt. Một con sáo từ cao lao xuống, sà quanh Hoàn và cái lồng, nó hót nấc lên, sợ hãi và giận dữ bay quanh người Hoàn.

- Gì thế?

- Con chim mẹ, nó thấy con nó bị mang đi. Không sao cả, cháu cứ về đi!

Hai bố con lên xe. Hoàn vui sướng ôm lồng sáo ngồi sau. Con sáo mẹ vẫn bay theo, chốc chốc lại liệng xuống sát đầu Hoàn. Con sáo trong lồng cũng nhận ra mẹ. Nó hối hả kêu rối rít, nhảy lên đập cánh loạn xạ. Cái lồng run lật đật dưới tay Hoàn. Em cúi xuống, dỗ dành chú sáo non:

- Sáo à! Đừng sợ! Đừng theo mẹ nữa! Sáo về với anh thích lắm! Sáo muốn gì cũng được. Đừng theo mẹ nữa mà!

Mặc những lời âu yếm của Hoàn, con sáo con vẫn nghển cổ kêu tìm mẹ. Hoàn lo âu nhìn lên: xe đạp đi nhanh, con sáo mẹ vẫn bay theo, có quãng đông người sáo mẹ bay lên, chuyển từ cây này sang cây khác, nhưng không lúc nào rời chiếc xe đạp có lồng sáo con.

Dỗ dành mãi không được, Hoàn im lặng bần thần. Con sáo con cố chui cánh ra khỏi lồng, cái đầu bé bỏng của nó đập mạnh vào những nan cứng, vài sợi lông rụng xuống vạt áo Hoàn.

Tới gần nhà, bố đỗ xe lại, hai bố con đi bộ vào ngõ. Dường như biết rằng sắp đến lúc phải xa hẳn con, sáo mẹ tuyệt vọng kêu lạc cả tiếng. Quên cả sợ, nó sà xuống đập phải chiếc xe đạp, lao xuống đất, cánh đập tung bụi cát. Sáo con vặn mình, cái mỏ vàng há ra run rẩy. Hoàn đứng im, đầu cúi xuống.

- Thế nào, ta vào nhà chứ! – Bố nhắc khẽ.

Hoàn cứ đứng lạng như thế mãi, rồi rụt rè nói:

- Bố ạ, hay là… hay là… ta thả con sáo ra…

- Con nói sao? – Bố ngạc nhiên. – Thả con sáo ra ư?

- Vâng. – Hoàn nói một cách khó nhọc. – Thả nó ra, kẻo tội bố ạ.

Im lặng một lát, em thở dài:

- Phải xa mẹ, nó chết mất…

Bố ngồi xuống, đặt hai tay vào má Hoàn, nâng mặt em lên, nhìn lâu vào mắt em, bố hỏi:

- Con đã nghĩ kỹ chưa?

- Nghĩ kỹ rồi ạ.

- Thế thì con tự tay mở lồng cho sáo ra đi!

Hoàn cắn môi. Em nhìn lại con sáo yêu quý của em, rồi, như đã quyết, em quay mặt đi, đưa tay nhấc cái cửa lồng. Con sáo nhỏ lùi lại, ngơ ngác, rồi vội vã bay vút ra như một viên đạn. Con sáo mẹ lao đến, hai mẹ con bay chấp chới, quấn quýt rồi đậu lên một cành xoan cao. Sáo mẹ rối rít xỉa ông cho con, hai cái mỏ vàng lấp lánh dưới mặt trời.

Hoàn lặng lẽ nhìn lên. Em vẫn còn bàng hoàng, mắt nheo lại vì chói nắng.

Hai mẹ con con sáo đã chuyển lên ngọn bàng, bay về phía những rặng sấu cao. Hai chấm đen nhỏ khuất hẳn vào những vòm lá cây rực rỡ ánh sáng.

Như hiểu rằng không thể đứng mãi ở đây được, Hoàn bảo bố:

- Về thôi bố ạ.

Bố em cúi xuống, xách cái lồng chim rỗng không. Hai bố con đi vào nhà. Bàn tay to lớn của bố nắm chặt bàn tay bé nhỏ của Hoàn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 8-5-2015 19:37:40 | Xem tất
Đây là wp của mình:https://quynhshop.wordpress.com.  Những dự án tiếp theo mình sẽ đăng song song ở hai nơi. Wp sẽ sớm hơn 1 chút, mọi người vào ủng hộ nhé
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách