Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2170|Trả lời: 16
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Ba Ơi, Mình Đi Đâu? | Jean-Louis Fournier (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 30-12-2014 21:46:37 | Xem tất |Chế độ đọc

Tên tác phẩm: Ba ơi, mình đi đâu?
Tác giả: Jean-Louis Fournier
Dịch giả: Phùng Hồng Minh
Độ dài: 178 trang
Nguồn: tự type
Ngày xuất bản: 12/2013
Nhà xuất bản: NXB Hội nhà văn
Giới thiệu sơ lược:

“Ba ơi, mình đi đâu?” đã mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… Nhưng lối dẫn dắt của Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, lại khiến ta phải cười, phải khóc, phải suy ngẫm và khi gấp sách cũng chính là lúc ta thôi bi lụy. Bởi chính ông, người cha có tới “hai ngày tận thế”, bằng cuốn sách mỏng nhưng lay động tâm can này, đã thắp lên niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.
“Một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy.” Tác giả của nó đã muốn như thế khi lần đầu tiên đối diện nỗi đau tật nguyền của các con trai bằng văn chương. Sự dung dị, cảm động và độc đáo tràn đầy ở đó đã khiến “Ba ơi, mình đi đâu?” trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémina, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2015 14:00:21 | Xem tất
Mathieu yêu quý,
Thomas yêu quý,

Khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng, vào dịp Noel, ba lại có ý định tặng các con một cuốn sách, một cuốn Tintin chẳng hạn. Rồi sau đó, hẳn chúng ta có thể trò chuyện cùng nhau. Ba biết rất rõ Tintin, ba đã đọc nhiều lần tất cả các tập.

Nhưng ba không bao giờ thực hiện ý định đó cả, chẳng mất công làm gì. Các con sẽ chẳng bao giờ biết đọc. Đến giây phút cuối cùng, quà Noel cho các con lại sẽ là những khối hộp hoặc những chiếc ô tô nhỏ…

Giờ thì Mathieu đã ra đi kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại nó được nữa, giờ thì Thomas, dù vẫn luôn hiện diện trên Trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây, tuy vậy, ba vẫn sẽ tặng các con một cuốn sách. Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền. Để viết ra những điều ba chưa bao giờ tiết lộ. Có lẽ là những nỗi niềm ăn năn. Ba không phải một người cha tốt cho lắm. Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần.

Để nói với các con rằng ba rất tiếc vì chúng ta đã không thể cùng nhau hạnh phúc, và có lẽ, cũng là để xin các con tha lỗi vì ba đã làm hỏng các con.

Các con và ba mẹ, chúng ta đều không có cơ hội. Trời đã định như vậy, điều đó được gọi là họa vô đơn chí.

Ba không than phiền nữa.

Khi nói về những đứa trẻ tật nguyền, người ta thường tỏ vẻ nghiêm trọng như khi nói về một thảm hoạ. Nhưng lần này, ba muốn thử nói về các con một cách vui vẻ. Các con từng khiến ba cười, và không phải lúc nào cũng là miễn cưỡng.

Nhờ các con, ba mới có được nhiều lợi thế hơn so với các bậc phụ huynh có con cái bình thường. Ba không phải bận tâm gì về chuyện học hành hay định hướng nghề nghiệp cho các con. Ba mẹ không phải phân vân xem nên chọn chuyên ngành khoa học hay chuyên ngành văn học. Ba mẹ không phải lo lắng xem các con sẽ làm nghề gì sau này, bởi chúng ta nhanh chóng biêt được điều đó: không gì cả.

Và đặc biệt, suốt nhiều năm trời, ba được hưởng miễn phí giấy chúng nhận đã đóng thuế ô tô (1). Nhờ các con, ba đã có thể phóng trên những chiếc ô tô cỡ lớn của Mỹ.
(1) Các bậc phụ huynh có con bị tật nguyền được cấp thẻ chứng nhận tật nguyền vĩnh viễn được hưởng giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô. Năm 1991, năm loại thuế này mất hiệu lực, người ta không được hưởng quyền lợi gì khi có con bị tật nguyền nữa (chú thích của tác giả)

Từ lúc bước lên chiếc Camaro, Thomas, 10 tuổi, không ngừng hỏi, như thằng bé vẫn thường làm: “Ba ơi, mình đi đâu?”

Thoạt tiên, tôi trả lời: “Mình về nhà.”

Một phút sau, cũng với vẻ ngây thơ như vậy, nó lại đặt ra cùng câu hỏi ấy, nó không hiểu gì cả. Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa…

Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à.
Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường.
Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa. Tại sao không là ba…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2015 14:05:37 | Xem tất
Từ lúc bước lên chiếc Camaro, Thomas, 10 tuổi, không ngừng hỏi, như thằng bé vẫn thường làm: ‘’Ba ơi, mình đi đâu?’’
Thoạt tiên tôi trả lời: ‘’Mình về nhà.’’
Một phút sau, cũng với vẻ ngây thơ như vậy, nó lại đặt ra cùng câu hỏi ấy, nó không hiểu gì cả. Đến lần hỏi thứ mười ‘’Ba ơi, mình đi đâu?’’ thì tôi không trả lời nữa…
Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à.
Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường.
Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa. Tại sao không là ba …
Tôi không mong chờ điều đó.
Ba ơi, mình đi đâu?
Mình đi ngược chiều trên xa lộ.
Mình đi đến Alaska. Mình đi vuốt ve lũ gấu. Mình sẽ bị chúng xé xác.
Mình đi hái nấm. Mình đi hái loại nấm tử thần và mình sẽ làm món ốp lết ngon lành.
Mình đi đến bể bơi, mình đi lao xuống một cái bể cạn từ một cái ván nhún.
Mình đi ra biển. Mình đi đến làng Mont-Saint-Michel. Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục.
Không nản chí, Thomas tiếp tục: “Ba ơi, mình đi đâu?” Có lẽ thằng bé sẽ cải thiện được kỷ lục của chính mình. Sau lần hỏi thứ một trăm thì mọi chuyện khiến người ta không nhịn cười nổi nữa. Với nó, người ta không cảm thấy nhàm chán, Thomas quả là vua của thể loại runing gag (1).
(1) Hài kịch lặp đi lặp lại, dưới cùng một hình thức hoặc dưới các hình thức khác nhau đôi chút, trong cùng một vở kịch ngắn hay trong nhiều kỳ liên tiếp (các chú thích nếu không lưu ý gì thêm đều là của người dịch)

Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay. Chẳng có ai giơ tay cả.
Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó, như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.
Tôi có tới hai ngày tận thế.

Khi ngắm nhìn một em bé sơ sinh, người ta thường bày tỏ thái độ ngưỡng mộ. Vì chuyện đó thật tuyệt. Người ta ngắm nghía đôi bàn tay em bé, người ta đếm những ngón tay nhỏ xíu của em bé, người ta nhận thấy em bé có năm ngón trên mỗi bàn tay, năm ngón trên mỗi bàn chân, người ta sững sờ, không phải bốn ngón, không phải sáu ngón, đúng thế, chỉ năm ngón thôi. Mỗi lần như vậy là một điều kỳ diệu. Ấy là tôi không bàn đến cấu tạo bên trong vốn còn phức tạp hơn.
Sinh ra một đúa trẻ, là đối mặt với nguy cơ… Không phải bao giờ người ta cũng thành công. Thế nhưng, người ta vẫn tiếp tục sinh đẻ. Mỗi giây trên Trái đất lại có một phụ nữ cho ra đời một đứa trẻ… Nhất thiết phải tìm gặp người phụ nũ đó và yêu cầu cô ta ngừng lại, một kẻ thích đùa đã chua thêm như vậy.

Hôm qua, chúng tôi đến tu viện Abbeville để gới thiệu Mathieu với dì Madeleine, nữ tu dòng Carmel.
Chúng tôi được đón tiếp trong phòng khách tu viện, một căn phòng nhỏ quét vôi trắng toát. Trên bức tường cuối phòng, có một lỗ cửa bị tấm ri đô dày che kín. Tấm ri đô màu đen, chứ không phải màu đỏ như ở Nhà hát Múa rối. Từ sau tấm ri đô, chúng tôi nghe thấy cất lên một giọng nói: “Xin chào các con.”
Đó là dì Madeleine. Dì phải ở trong nhà tu kín, dì không được phép thấy chúng tôi.
Chúng tôi thảo luận một lúc với dì, rồi dì muốn gặp Mathieu. Dì yêu cầu chúng tôi đặt chiếc nôi của thằng bé trước lỗ cửa rồi quay mặt vào tường. Các nữ tu kín chỉ được phép thấy trẻ con chứ không được phép thấy người lớn. Vì vậy, dì đã gọi các nữ tu khác đến đế trầm trồ khen ngợi thằng cháu họ gọi dì bằng bà. Chúng tôi nghe thấy tiếng áo váy sột soạt, tiếng cười đùa rúc rích rồi tiếng ri đô bị kéo ra. Tiếp đến là một màn hoà tấu những lời tán dương, những tiếng cù léc vui vẻ dành cho đứa trẻ tuyệt vời. “Nó mới dễ thương làm sao! Mẹ Bề trên, Mẹ hãy nhìn xem nó cười với chúng ta này, chẳng khác nào một thiên thần bé nhỏ, một Đức Chúa hài đồng…!”
Điều này sẽ hoàn toàn đúng nếu họ không nhận xét rằng thằng bé có vẻ khôn trước tuổi.
Đối với các nữ tu, trẻ con trước hết đều là tạo vật của Đức Chúa lòng lành, vì thế mà chúng thật hoàn hảo. Tất cả những gì Chúa tạo ra đều hoàn hảo. Họ không muốn thấy những khiếm khuyết. Hơn nữa, đây lại là cháu họ của Mẹ Bề trên. Đã có lúc tôi muốn ngoảnh lại nói với họ rằng chẳng cần phải cường điệu làm gì.
Nhưng tôi không làm thế, tôi đã quyết định đúng.
Cũng phải có một lần Mathieu tội nghiệp được nghe những lời tán dương chứ…

Tôi sẽ không bao giờ quên người bác sĩ đầu tiên đã dũng cảm thông báo cho chúng tôi tin Mathieu vĩnh viễn không phát triển bình thường.
Ông là giáo sư Fontaine, ở Lille. Ông khuyên chúng tôi không nên nuôi ảo tưởng.
Mathieu chậm phát triển, thằng bé sẽ mãi mãi chậm phát triển, dù thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể làm gì, nó tật nguyền, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ không yên giấc. Tôi nhớ mình đã gặp ác mộng.
Cho tới lúc ấy, mọi chẩn đoán đều rất mập mờ. Mathieu chậm phát triển, người ta đã nói với chúng tôi rằng thằng bé chỉ chậm phát triển thể chất, không vấn đề gì về tinh thần.
Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn bè tìm cách trấn an chúng tôi, thường là rất vụng về.
Mỗi lần gặp thằng bé, họ lại tỏ ra ngac nhiên trước những tiến bộ nó đạt được. Tôi nhớ có lần đã nói với họ rằng tôi thì tôi thấy ngạc nhiên trước những tiến bộ nó không đạt được. Tôi ngắm nhìn con cái của những người khác.
Người Mathieu mềm oặt. Thằng bé không thể giữ cho đầu mình thẳng được, như thể cổ nó cấu tạo bằng cao su vậy. Trong khi con cái của những người khác vươn người lên, vẻ kiêu hãnh, để đòi ăn, thì Mathieu cứ nằm thượt ra. Nó chẳng bao giờ đói, phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần mới cho nó ăn được, và thường thì nó ọe luôn lên người thiên thần.

Nếu một đứa trẻ ra đời là một điều kỳ diệu, thì một đứa trẻ tật nguyền ra đời lại là một điều kỳ diệu ngược lại.
Mắt của Mathieu tội nghiệp nhìn không rõ, xương lại yếu, chân thì khoèo và nó nhanh chóng bị gù, tóc tai nó bờm xờm, nó không xinh xắn gì và đặc biệt, nom nó thật u buồn. Thật khó để chọc cho nó cười, lúc nào nó cũng lặp đi lặp lại: “A, đây, đây, Mathieu… A, đây, đây, Mathieu…” như một khúc ca đơn điệu. Đôi khi nó gào khó xé gan xé ruột, như thể nó đang đau đớn ghê gớm vì không nói được gì với chúng tôi. Chúng tôi luôn có cảm giác nó hiểu tình trạng của nó. Hẳn nó nghĩ: “Nếu biết, con sẽ chẳng ra đời.”
Chúng tôi rất muốn che chở cho nó khỏi cái số phận đã bám riết lấy nó. Điều khủng khiếp nhất, là chúng tôi không làm được gì. Thậm chí, chúng tôi không thể an ủi nó, không thể nói với nó rằng chúng tôi yêu nó như những gì nó có, bởi người ta bảo chúng tôi rằng nó bị điếc.
Khi nghĩ rằng mình chính là tác giả những ngày tháng của nó, những tháng ngày kinh khủng mà nó phải trải qua trên Trái đất, rằng mình chính là kẻ khiến nó xuất hiện, tôi lại muốn xin nó tha thứ.

Người ta dựa vào đâu để nhận ra một đứa trẻ bất thường?
Nó giống như một đứa trẻ ngu ngơ, dị dạng.
Như thể người ta nhìn nó qua một tấm kính mờ đục.
Chẳng có tấm kính mờ đục nào cả.
Đứa trẻ đó sẽ không bao giờ sáng sủa.

Cuộc sống của đứa trẻ bất thường chẳng có gì vui vẻ. Ngay lúc đầu, mọi chuyện đã diễn ra tệ hại.
Lần đầu tiên mở mắt, nó thấy hai gương mặt nghiêng xuống chiếc nôi của nó, ngắm nhìn nó với vẻ rụng rời. Ba nó và mẹ nó. Họ đang nghĩ: “Chính chúng ta đã tạo ra thứ này ư?” Họ có vẻ không mấy tự hào.
Đôi khi, họ mạt sát nhau, đổ trách nhiệm cho nhau. Họ sẽ moi ra bằng được một bậc cụ kỵ hay một ông chú già nua nghiện rượu nào đó đậu vắt vẻo trên những cành cây phả hệ.
Đôi khi, họ bỏ nhau luôn.

Mathieu luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng. Thằng bé nghĩ mình là một chiếc ô tô. Tệ nhất là những lần nó chơi trò Cuộc đua Hai mươi tư giờ thành Mans(2). Suốt đêm nó “brừm-brừm” không ngừng nghỉ.
(2) 24 Heures du Mans: cuôc đua ô tô kéo dài hai mươi tư giờ đồng hồ ở thành phố Mans, phía Tây nước Pháp.
Đã nhiều lần tôi phải yêu cầu nó tắt ngay động cơ nhưng vô ích. Không tài nào thuyết phục được.
Tôi không thể ngủ, ngày hôm sau tôi phải dậy sớm. Đôi lúc, trong đầu tôi này sinh những ý nghĩ khủng khiếp, tôi muốn quăng nó qua cửa sổ, nhưng chúng tôi sống ở tầng trệt, nên việc đó sẽ chẳng có tác dụng gì, chúng tôi sẽ lại tiếp tục nghe thấy tiếng nó.
Tôi tự an ủi mình bằng suy nghĩ ngay cả những đứa trẻ bình thường cũng khiến cha mẹ chúng mất ngủ.
Thật đáng đời họ.  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2015 22:08:45 | Xem tất
Mathieu không thể đứng thẳng người. Cơ nó thiếu sức trương, người nó mềm oặt như con búp bê bằng vải. Nó sẽ phát triển thế nào đây? Nó sẽ ra sao khi nó lớn? Liệu chúng tôi có nên đặt cho nó cái cọc đỡ (1)?
(1) Nguyên bản tiếng Pháp: tuteur, vừa có nghĩa là cái cọc đỡ vừa có nghĩa là người giám hộ
Tôi từng nghĩ có thể nó sẽ trở thành thợ sửa ô tô. Nhưng là một người thợ nằm dài. Giống như những người sửa gầm ô tô trong các ga ra không có cầu nâng.

Mathieu không có nhiều thú vui giải trí. Thằng bé không xem tivi, nó không cần đến ti vi rồi mới bị thiểu năng. Dĩ nhiên, nó không đọc. Thứ duy nhất có vẻ khiến nó được hạnh phúc đôi chút là âm nhạc. Khi nghe thấy tiếng nhạc, nó vỗ vào quả bóng của nó, như vỗ vào một cái trống, rất nhịp nhàng.
Quả bóng giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời nó. Nó thường ném quả bóng vào một nơi nào đó mà nó biết là không thể tự mình lấy được. Thế là nó đến tìm chúng tôi, nó kéo tay chúng tôi tới chỗ nó đã ném quả bóng. Chúng tôi lấy lại quả bóng, chúng tôi đưa quả bóng cho nó. Năm phút sau, nó lại đến tìm chúng tôi, vì nó lại vừa ném quả bóng thêm lần nữa. Nó có thể lặp đi lặp lại cùng một hành động ấy hàng chục lần trong ngày.
Hẳn đó là cách duy nhất nó tìm được mối liên kết với chúng tôi, để chúng tôi nắm lấy tay nó.
Giờ thì Mathieu đã ra đi tự mình tìm bóng. Nó đã ném quả bóng đi quá xa. Đến một nơi mà chúng tôi không thể giúp nó lấy lại quả bóng được nữa…
Mùa hè sắp tới. Cây cối đơm hoa. Vợ tôi đang đợi sinh đứa bé thứ hai, cuộc sống thật tươi đẹp. Đứa bé sẽ chào đời đúng mùa hoa nở. Chúng tôi nóng lòng mong mỏi và hơi lo lắng.
Dĩ nhiên vợ tôi rất lo lắng. Để không làm tôi căng thẳng, cô ấy không dám nói ra điều đó.
Tôi thì tôi dám. Tôi không có khả năng giữ những mối ưu tư trong lòng, tôi cần được chia sẻ. Tôi đã không thể kìm nén mình. Tôi nhớ mình từng nói với cô ấy bằng giọng điệu tế nhị quen thuộc: “Em cứ tưởng tượng đứa bé này cũng sẽ không bình thường đi.” Tôi không chỉ muốn tạo lập bầu không khí vui vẻ, mà còn muốn trấn an bản thân và giải trừ số mệnh.
Tôi nghĩ rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy đến lần thứ hai. Tôi biết người ta thường nói thương cho roi cho vọt, nhưng tôi không nghĩ Chúa thương tôi đến vậy: tôi là người ích kỷ, nhưng không tới mức ấy.
Với Mathieu, hẳn đó là một tai nạn, mà tai nạn chỉ xảy ra một lần; theo nguyên tắc, nó không lặp lại.
Dường như bất hạnh chỉ đến với những ai không mong đợi nó, không nghĩ đến nó. Vì vậy, chúng tôi nghĩ đến nó để nó không xảy ra…

Thomas vừa chào đời, thằng bé thật tuyệt vời, tóc vàng, mắt đen, ánh mắt linh hoạt, miệng luôn mỉm cười. Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui đó.
Nó đã chào đời thật thành công, như một thứ tạo vật quý giá và mong manh. Mái tóc vàng khiến nó nom như một thiên thần bé nhỏ trong tranh của Botticelli. Tôi bế nó trên tay, vuốt ve nó, làm nó bật cười mãi mà không thấy chán.
Tôi nhớ mình từng tâm sự với bạn bè rằng lần này tôi đã hiểu có một đứa con bình thường là như thế nào.

Nhưng tôi lạc quan hơi vội vàng, Thomas rất yếu, thằng bé thường xuyên đau ốm, đã nhiều lần chúng tôi buộc phải đưa nó tới bệnh viện.
Rồi một ngày kia, bác sĩ điều trị dũng cảm cho chúng tôi hay sự thật. Thomas cũng vậy, cũng tật nguyền, như anh trai nó.
Thomas sinh ra sau Mathieu hai năm.
Mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Thomas ngày càng giống Mathieu. Đó là ngày tận thế thứ hai của đời tôi.
Tạo hóa đã quá nặng tay với tôi.
Ngay cả kênh TF1, để làm nhân vật chính gây xúc động và khiến đông đảo khán giả nhỏ lệ, hẳn cũng sẽ không dám đưa một tình huống tương tự tình huống của tôi vào một bộ phim truyền hình, bởi e rằng làm như thế là quá đáng, là thiếu chân thực và rốt cuộc thế nào cũng bị chê cười.
Tạo hóa đã giao cho tôi vai diễn người cha khả kính.
Tôi có ngoại hình hợp với vai diễn này lắm sao?
Tôi có thành người khả kính được không?
Tôi sẽ khiến người ta nhỏ lệ hay khiến người ta chê cười?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 8-1-2015 21:01:32 | Xem tất
"Ba ơi, mình đi đâu?
- Mình đi đến Lourdes"
Thomas bật cười, như thể nó hiểu.
Bà tôi, được một bà phước giúp đỡ, đã cố thuyết phục tôi đến Lourdes cùng hai đứa con trai. Bà hy vọng có được một điều kỳ diệu.
Đến Lourdes rất xa, phải mất mười hai tiếng chạy tàu cùng hai đứa trẻ khó lòng bảo ban.
Khi trở về, chúng sẽ khôn ngoan hơn, bà phước nói vậy. Bà không dám nói "sau điều kỳ diệu".
Dù sao cũng chẳng có điều kỳ diệu nào cả. Nếu những đứa trẻ tật nguyền như tôi từng nghe nói, là một hình phạt của Chúa trời, thì thật khó tưởng tượng nổi Đức Mẹ Đồng Trinh lại muốn can thiệp vào đó bằng cách tạo ra một điều kỳ diệu. Dĩ nhiên bà ta sẽ không muốn nhúng tay vào quyết định của đấng bề trên.
Và rồi ngoài kia, giữa đám đông, giữa những đoàn rước lễ, trong đêm tối, tôi có nguy cơ lạc mất bọn trẻ và không bao giờ gặp lại chúng nữa.
Có lẽ đó chính là điều kỳ diệu chăng?

Khi có con bị tật nguyền, người ta phải chịu đựng không ít những lời ngu ngốc.
Có người nghĩ rằng chúng tôi đáng bị như thế. Ai đó muốn điều tốt cho tôi đã kể tôi nghe câu chuyện về một anh chàng học viên dòng tu trẻ tuổi. Lúc sắp đươc phong giáo sĩ thì anh ta gặp một cô gái và đem lòng yêu cô ta say đắm. Anh ta bèn rời bỏ trường dòng rồi kết hôn với cô gái đó. Họ sinh được một đứa con, đứa bé bị tật nguyền. Thật đáng đời họ.
Có người nói rằng không phải ngẫu nhiên mà bạn lại sinh ra những đứa con tật nguyền. "Lỗi là do ba của anh..."
Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ mơ màng, tôi gặp ba tôi trong một quán rượu.
Tôi giới thiệu các con tôi với ông, ông chưa từng gặp chúng bao giờ, ông qua đời trước khi chúng được sinh ra.
"Ba ơi, nhìn này".
"Ai thế?"
"Các cháu của ba, ba thấy chúng thế nào?"
"Không đến nỗi xoàng lắm"
"Tại ba đấy"
"Con lảm nhảm gì vậy?"
"Tại Byrrh. Ba biết đấy, khi các bậc phụ huynh uống rượu"
Ông quay lưng lại với tôi và ông gọi một ly Byrrh khác.

Có người nói :"Nếu là tôi thì tôi sẽ bóp chết nó ngay lúc nó chào đời, như bóp chết một con mèo vậy". Họ chẳng có óc tưởng tượng tí gì cả. Ta có thể thấy họ chưa bao giờ bóp chết một con mèo.
Thoạt tiên, khi đứa trẻ chào đời, trừ phi nó dị dạng hình thể, người ta không biết chắc liệu nó có tật nguyền hay không. Các con tôi, lúc còn là những đứa trẻ sơ sinh, cũng chẳng khác gì những đứa trẻ sơ sinh khác. Nghĩa là chúng không biết tự ăn, nghĩa là chúng không biết nói, nghĩa là chúng không biết đi, đôi khi chúng mỉm cười, đặc biệt là Thomas. Mathieu thì ít cười hơn..
Khi con mình bị tật nguyền, không phải lúc nào người ta cũng phát hiện ra ngay. Chuyện đó giống như một điều bất ngờ.
Cũng có người nói: "Con cái tật nguyền là một món quà của Chúa Trời." Và họ nói thế không phải để đùa cợt. Đó hiếm khi là những người có con cái tật nguyền.
Lúc nhận món quà đó, người ta muốn thốt lên với Chúa Trời: "Ôi! Không cần phải"

Lúc chào đời, Thomas được nhận một món quà rất đẹp, một chiếc cốc, một cái đĩa và một cái thìa sâu lòng bằng bạc. Trên cán thìa và xung quanh đĩa có những họa tiết trang trí giống đường vân trên vỏ loại sò Saint - Jacques. Cha đỡ đầu của thằng bé đã tặng nó những món đồ này, anh ta là tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng, một trong số những người bạn thân thiết của gia đình tôi.
Khi Thomas lớn và nhanh chóng lộ ra mình bị thiểu năng, nó không bao giờ nhận được quà từ cha đỡ đầu của nó nữa.
Nếu nó phát triển bình thường, hẳn sau đó, nó sẽ được tặng một cây bút xinh xắn có ngòi bằng vằng, một cây vợt tenis, một chiếc máy ảnh... Nhưng vì nó bất thường, nên nó chẳng được quyền nhận thêm gì hết. Cũng không thể oán trách cha đỡ đầu của nó, đó là chuyện thường tình. Anh ta từng tự nhủ: "Tạo hóa đã chẳng quà cáp cho nó, vậy có lý nào tôi lại phải quà cáp cho nó." Vả chăng, có quà cáp thì thằng bé cũng không biết để làm gì.
Tôi vẫn giữ chiếc đĩa sâu lòng đó, tôi dùng nó làm gạt tàn. Thomas và Mathieu không hút thuốc, chúng sẽ không biết hút thuốc, mà chúng nghiện ngập.
Bởi mỗi ngày, chúng tôi phải cho chúng uống thuốc an thần để giữ chúng yên lặng.

Một người cha có con tật nguyền phải mang một khuôn mặt rầu rĩ. Anh ta phải chịu nỗi đau riêng với chiếc mặt nạ tang thương. Chẳng bao giờ có chuyện anh ta đeo cái mũi cà chua để chọc cười. Anh ta không có quyền cười nữa, bởi đó là sở thích xấu xa trọn vẹn nhất. Còn khi anh ta có tới hai đứa con tật nguyền, thì mọi thứ đều tăng gấp đôi, anh ta phải tỏ vẻ bất hạnh gấp hai lần.
Khi không gặp may mắn, người ta phải mang vẻ bề ngoài phù hợp với hoàn cảnh, phải ra vẻ bất hạnh, đây là vấn đề kỹ năng sống.
Tôi thường xuyên thiếu kỹ năng sống. Tôi nhớ, có một hôm, tôi yêu cầu được nói chuyện với vị bác sĩ viện trưởng viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt nơi Mathieu và Thomas ở. Tôi tâm sự với ông những lo lắng của tôi: đôi khi tôi tự hỏi liệu Thomas và Mathieu có hoàn toàn bình thường không...
Ông bác sĩ không thấy chuyện đó đáng cười.
Ông ấy có lý, chuyện đó chẳng đáng cười. Ông ấy không hiều rằng đây là cách duy nhất tôi tìm được để giữ cho mình khỏi suy sụp.
Giống như Cyrano de Bergerac chọn cách tự nhạo báng cái mũi của ông ta, tôi tự nhạo báng con cái của tôi. Đó là đặc quyền làm cha của tôi.

Với tư cách là cha của hai đứa trẻ tật nguyền, tôi từng được mời tham gia đối chứng trên một chương trình truyền hình.
Tôi nói về các con tôi, tôi nhấn mạnh việc chúng thường xuyên khiến tôi bật cười vì những hành động ngu ngốc của chúng và tôi cũng nhấn mạnh rằng không nên tước bỏ thú vui gây cười xa xỉ của những đứa trẻ tật nguyền.
Khi mặt mũi một đưa trẻ nhoe nhoét kem sô cô la thì ai nấy đều bật cười; nhưng nếu đó là một đứa trẻ tật nguyền thì người ta lại không cười nữa. Đứa trẻ ấy, nó chẳng bao giờ khiến được ai cười, chẳng bao giờ được thấy những khuôn mặt vừa tươi cười vừa ngắm nhìn nó, giả thử nếu có thì cũng là nụ cười của những kẻ ngu ngốc nhạo báng nó mà thôi.
Tôi đã xem chương trình đươc phát sóng lại này.
Người ta đã cắt toàn bộ những gì liên quan đến chuyện cười.
Ban giám đốc cho rằng cần phải nghĩ đến các bậc phụ huynh. Chi tiết đó có thể khiến họ bị sốc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 8-1-2015 21:09:08 | Xem tất
Thomas thử tự mình mặc đồ. Thằng bé đã xỏ được áo sơ mi lên người, nhưng không biết cài cúc. Lúc này nó đang mặc áo len chui đầu. Có một lỗ thủng trên chiếc áo len chui đầu. Nó chọn giải pháp khó khăn, nó nảy ra ý tưởng không chui đầu vào cổ áo như một đứa trẻ bình thường hẳn sẽ làm, mà chui đầu qua cái lỗ thủng. Chẳng đơn giản chút nào, cái lỗ thủng chỉ rộng khoảng năm centimet. Mọi việc diễn ra khá lâu. Thằng bé thấy chúng tôi nhìn nó làm và thấy chúng tôi bắt đầu cười. Mỗi lần cố thử, nó lại làm cái lỗ toác thêm ra, nó không nản lòng, chúng tôi càng cười thì nó càng nới rộng cái lỗ. Sau hơn mười phút, nó cũng thành công. Khuôn mặt rạng rỡ của nó thò ra khỏi chiếc áo len, qua cái lỗ.
Vở kịch kết thúc. Chúng tôi những muốn vỗ tay.

Sắp tới Noel, tôi đến cửa hàng đồ chơi. Một người bán hàng khăng khăng đòi chăm sóc tôi trong khi tôi chẳng yêu cầu anh ta gì cả.
"Ông mua đồ chơi cho các cháu mấy tuổi?"
Tôi khinh suất trả lời. Mathieu mười một còn Thomas chín.
Cho Mathieu, người bán hàng khuyên tôi nên mua những đồ chơi mang tính khoa học. Tôi nhớ cái bộ đồ chơi tự lắp ráp đài truyền thanh, bên trong có một que hàn và vô số dây điện. Còn cho Thomas, là bộ ghép hình bản đồ nước Pháp, với các tỉnh lỵ cùng tên các thành phố bị cắt rời, cần phải sắp xếp lại. Đã có lúc, tôi tưởng tượng ra chiếc đài phát thanh Mathieu lắp ráp và tâm bàn đồ nước Pháp Thomas ghép hình, với Strasbourg nằm ven bờ Địa Trung Hải, Brest thuộc vùng Auvergne và Marseille thuộc tỉnh Ardennes(1).
(1) Strasbourg nằm ở phía Đông Bắc nước Pháp trong khi Địa Trung Hải ở phía Nam, Brét ở phía Tây Bắc trong khi Auvergne ở miền Trung còn Marseille ở phía Nam trong tình Ardennes ở phía Tây Bắc.
Anh ta còn giới thiệu với tôi bộ trò chơi Nhà Hóa học Nhỏ tuổi, cho phép bọn trẻ tiến hành tại nhà các thí nghiệm tạo ánh sáng và gây nổ làm phát ra đủ mọi sắc màu. Tại sao lại không là bộ trò chơi Kẻ đánh bom liều chết Nhỏ tuổi với chiếc đai lưng buộc đầy thuốc nổ để giải quyết triệt để vấn đề nhỉ...
Tôi hết sức kiên nhẫn lắng nghe người bán hàng giải thích, tôi cám ơn anh ta, rồi tôi tự mình quyết định. Cũng như mọi năm, tôi mua cho Mathieu một hộp các hình lập phương và mua cho Thomas những chiếc ô tô nhỏ. Người bán hàng không hiểu, anh ta lẳng lặng gói quà thành hai gói. Lúc bước khỏi cửa hàng, tôi thấy anh ta ra hiệu cho anh bạn đồng nghiệp, anh ta chỉ ngón tay lên trán, vẻ muốn nói: "Gã này bị thần kinh..."

Thomas và Mathieu chẳng bao giờ tin vào Ông già Noel hay Đức Chúa hài đồng. Chúng chưa từng viết thư cho Ông già Noel hỏi xin ông mọt thứ gì đó. Chúng ở vào vị trí thích hợp để biết Đức Chúa hài đồng không tặng quà bao giờ. Hoặc nếu Ngài có tặng thì tốt hơn cả là nên đề phòng.
Chúng tôi không phải nói dối chúng. Chúng tôi không phải lén lút đi mua mấy hình lập phương hay ô tô cho chúng, chúng tôi không phải giả vờ.
Chúng tôi chẳng bao giờ làm máng cỏ hay trang trí cây thông.
Không có nến, vì sợ hoả hoạn.
Cũng không ánh mắt trẻ thơ đầy thán phục.
Noel, đó là một ngày như mọi ngày khác.
Đứa trẻ tuyệt trần, nó vẫn chưa chào đời.

Ngày nay, người ta nỗ lực rất nhiều để giúp người tật nguyền tham gia thị trường lao động. Các doanh nghiệp tuyển dụng những người này để được hưởng những ưu đãi thuế khoá và đươc miễn giảm đảm phụ. Sáng kiến hay ho làm sao. Tôi biết một nhà hàng ngoại tỉnh có tuyển những thanh niên thiểu năng nhẹ làm nhân viên phục vụ, họ khiến ta cảm động, luôn phục vụ khách với sự tận tâm vô hạn, nhưng hãy chú ý tránh xa các món có nước xốt, hoặc nên mặc một chiếc áo vải dầu.
Tôi không thể ngăn mình mường tượng ra cành Mathieu và Thomas bước vào thị trường lao động.
Mathieu, lúc nào cũng "brừm-brừm", rất có thể sẽ làm nghề lái xe, thằng bé sẽ phóng hết tốc lực khắp Châu Âu trên một chiếc đầu kéo xe moóc nặng nhiều tấn, với kính chắn gió phủ đầy gấu bông.
Thomas, lúc nào cũng thích chơi với những chiếc máy bay nhỏ và xếp chúng vào hộp, rất có thể sẽ trở thành nhân viên kiểm soát bay, chịu trách nhiệm giúp các máy bay tải trọng lớn hạ cánh.
Jean-Louis, người cha của chúng, người không xấu hổ sao khi nhạo báng hai thằng bé thậm chí không thể tự vệ này?
Không. Điều đó đâu cản ngăn được tình cảm.

Có thời gian, chúng tôi cũng thuê người giúp việc để chăm sóc bọn trẻ. Tên cô ta là Josée, người miền Bắc, tóc nhuộm vàng, dáng vẻ cục mịch, có thể nó đó là một cô nông dân. Cô ta từng làm việc cho các gia đình giàu có ở ngoại ô Lille. Cô ta yêu cầu chúng tôi mua một chiếc chuông nhỏ để gọi cô ta. Tôi nhớ cô ta còn muốn biết chỗ cất bộ đồ ăn bằng bạc. Trong công việc trước đây của mình, cô ta có thói quen cọ rửa bộ đồ ăn bằng bạc mỗi tuần một lần. Vợ tôi nói với cô ta rằng cô ta đang ở nông thôn, nhưng một ngày kia, Josée cũng đến nông thôn…(2)
(2) Nguyên văn tiếng Pháp "venir à la campagne" vừa có nghĩa là "đến nông thôn" vừa có nghĩa là "tham gia chiến sự".
Cô ta tỏ ra hết sức tuyệt vời với bọn trẻ, đầy lương tri. Cô ta cư xử với chúng như với những đứa trẻ phát triển bỉnh thường, không yếu đuối, không mủi lòng quá mức, cô ta biết cách thô bạo với chúng khi cần thiết. Tôi nghĩ cô ta rất thương yêu chúng. Khi chúng làm những chuyện ngu ngốc, tôi nghe thấy cô ta bảo chúng: "Các con đúng là có rơm trong đầu!"
Đây là lời chẩn đoán xác đáng duy nhất từng đươc đưa ra. Josée. cô ta có lý, chắc chắn bọn trẻ có rơm trong đầu. Thậm chí các bác sĩ cũng không thấy điều đó.

Album ảnh của gia đình chúng tôi hầu như chẳng có gì. Chúng tôi không chụp nhiều ảnh bọn trẻ, chúng tôi không muốn khoe chúng. Một đưa trẻ bình thường luôn đươc chụp trong đủ loại trang phục, đủ mọi tư thế, vào đủ mọi dịp: ta thấy đứa trẻ ấy thổi ngọn nến sinh nhật đầu đời, chập chững những bước đầu đời, chập chững những bươc đầu tiên, tắm lần đầu tiên trong đời. Ta ngắm nhìn nó, xao lòng. Ta dõi theo sát sao những tiến bộ của nó. Nhưng với một đứa trẻ tật nguyền thì ta không muốn dõi theo sự xuống dốc của nó làm gì.
Khi xem những bức ảnh hiếm hoi chụp Mathieu, tôi cũng phải thừa nhận thằng bé không xinh xắn và người ta có thể thấy ngay nó bất thường. Chúng tôi, những người làm cha mẹ, chúng tôi không thấy điều đó. Đối với chúng tôi, nó vẫn xinh xắn, vẫn là đứa con đầu lòng. Dù sao đi nữa chúng tôi vẫn luôn gọi nó là "một em bé xinh xắn".
Một em bé thì không có quyền được xấu xí, nên bất chấp thế nào, người ta cũng không được quyền nói nó xấu xí.
Có một bức ảnh chụp Thomas mà tôi rất thích. Khi ấy nó khoảng ba tuổi. Tôi đặt nó vào một cái lò sưởi lớn, nó ngồi trên chiếc ghế bành nhỏ giữa đống củi cùng tro bụi, đúng chỗ người ta đốt lửa. Thế chỗ ác quỷ, là một thiên thần nhỏ yếu ớt đang mỉm cười.
Năm đó, nhiều bạn bè gửi cho tôi thiệp mừng là những bức ảnh chụp họ cùng con cái vây quanh. Ai nấy đều có vẻ hạnh phúc, ai nấy đều tươi cười. Chụp một bức như vậy là khó khăn lớn đối với gia đình tôi. Cần phải làm cho Thomas và Mathieu cười trước đã. Còn chúng tôi những người làm cha mẹ, chẳng lúc nào chúng tôi muốn cười cả.
Vả lại tôi cũng không hình dung nổi dòng chữ "Chúc mừng năm mới" viết bằng tiếng Anh mạ vàng ngay phía trên những mái đầu bờm xờm và u lồi của các con tôi. Nó có nguy cơ giống một trang bìa tạp chí Hara-Kiri (3) do Reiser vẽ hơn là một tấm thiệp chúc mừng.
(3) Tạp chí châm biếm nổi tiếng ở Pháp, ra đời tháng Chín năm 1960.
Một hôm, tôi thấy Josée thông bồn rửa bát bằng một chiếc ống thụt, tôi nói với cô ta sẽ mua thêm một chiếc nữa. Cô ta hỏi tôi:
"Sao lại phải có hai cái hả ông? Một cái là đủ rồi."
Tôi trả lời: "Josée, cô quên tôi có hai đứa con à."
Cô ta không hiểu. Thế là tôi giải thích rằng mỗi lần đưa Mathieu và Thomas đi dạo và cần phải đưa chúng qua một con suối, thì sử dụng ống thụt rất thuận tiện. Chúng ta sẽ đặt cố định ống thụt lên đầu bọn trẻ, và chỉ cần nắm cán ống thụt nhắc chúng lên là đủ để đưa chúng qua suối mà không sợ bị ướt chân. Thuận tiện hơn nhiều so với bế chúng.
Cô ta có vẻ kinh khiếp.
Từ hôm đó cái ống thụt biến mất. Hẳn là cô ta giấu nó đi...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-1-2015 14:42:38 | Xem tất
Mathieu và Thomas đang ngủ, tôi ngắm nhìn chúng. Chúng mơ gì nhỉ?
Chúng có mơ như những đứa trẻ khác không?
Có lẽ về đêm, chúng mơ mình trở nên thông minh.
Có lẽ về đêm, chúng bắt đầu phục thù, chúng mơ giấc mơ của những thiên tài.
Có lẽ về đêm, chúng trở thành sinh viên Đại học Bách khoa, nhà bác học, nhà nghiên cứu, và chúng phát minh.
Có lẽ về đêm, chúng khám phá ra các định luật, các nguyên tắc, cá định đề, các định lý.
Có lẽ về đêm, chúng tiến hành những phép tính uyên bác bất tận.
Có lẽ về đêm, chúng nói tiếng Hy Lap và tiếng Latin.
Nhưng ngay khi ngày mới đến, để không ai nghi ngờ và để được yên ổn chúng lại trở về với cái vẻ ngoài tật nguyền của chúng. Đề người ta khỏi quấy rầy chúng, chúng giả như không biết nói. Lúc người ta cất lời với chúng, chúng làm như thể không hiểu để không phải trả lời. Chúng không muốn đến trường, không muốn làm bài tập, không muốn học bài.
Cần phải hiểu chúng, chúng đã phải nghiêm túc suốt cả đêm nên ban ngày chúng cần được thư giãn. Thế nên chúng làm những chuyện ngu ngốc.

Điều duy nhất ba mẹ làm được là đặt tên cho các con. Khi chọn hai cái tên Mathieu và Thomas, ba mẹ đã theo lối thượng lưu cộng thêm sự tham khảo đôi chút về tôn giáo. Bởi người ta chẳng bao giờ biết được mọi chuyện và tốt hơn hết là phải luôn tỏ ra hòa hợp với mọi người.
Nhưng ba mẹ đã lầm khi nghĩ có thể thu hút được đặc ân của Chúa trời về phía các con. Mỗi lần nghĩ đến đôi tay đôi chân bé nhỏ của các con, ba lại hiểu các con sinh ra không phải để được đặt tên là Tarzan… Ba không tưởng tượng nổi cảnh các con ở trong rừng rậm, chuyền từ cành này sang cành khác, thách thức những dã thú bạo tàn, và dùng đôi cánh tay mạnh mẽ bạnh hàm một con sư tử hay bẻ cổ một con trâu.
Đúng hơn thì tên các con phải là Tarzoon, nổi tủi hổ của rừng rậm.
Các con nên nhớ, ba thích các con hơn Tarzan ngạo mạn. Các con dễ khiến người ta cảm động hơn, hai chú chim bé bỏng của ba ạ. Các con làm ba nghĩ đến những người ngoài hành tinh.

Thomas có một cặp kính mắt, một cặp kính mắt nhỏ màu đỏ, rất hợp với thằng bé. Trong bộ quần yếm, trông nó y như một sinh viên Mỹ, nó thật bảnh.
Tôi cũng không nhớ làm thế nào mà chúng tôi nhận ra thị lực của thằng bé kém nữa. Giờ đây, với cặp kính của mình, nó có thể nhìn thấy rõ mọi thứ, chú chó Snoopy, những bức tranh nó vẽ... Đã có lúc tôi ngây thơ không tưởng nổi khi nghĩ rằng rốt cuộc nó cũng có thể biết đọc.
Thoạt tiên, tôi mua cho nó các cuốn truyện tranh, tiếp đến là các cuốn tiểu thuyết trong bộ sưu tập "Signe de Piste", rồi Alexandre Dumas, Jules Verne, Meaulnes vĩ đại và sau cùng, tại sao lại không chứ, là Proust.
Nhưng không, nó sẽ chẳng bao giờ biết đọc. Dù câu chữ trên các trang sách có trở nên rõ ràng thì mọi thứ trong đầu nó vẫn mãi lờ mờ như thế. Nó sẽ chẳng bao giờ biết được rằng những cái vết chân ruồi nhỏ xíu phủ đầy các trang sách ấy kể chuyện cho chúng ta nghe và có thể đưa chúng ta đến những miền đất khác. Nó đứng trước những cái vết ấy cũng như tôi đứng trước đống chữ tượng hình vậy.
Hẳn nó tin đó là những bức tranh, những bức tranh nhỏ xíu vô nghĩa. Hoặc đơn giản nó nghĩ đó là những đàn kiến và nó ngắm nhìn chúng, ngạc nhiên vì thấy chúng không bỏ trốn khi nó di di tay nghiến nát chúng.

Để khiến khách qua đường mủi lòng, những người ăn xin thường phô bày cái nghèo khổ của họ, bàn chân què quặt, mỏm cụt ở chân ở tay, con chó già nua, con mèo đầy rận, con cái họ.
Lẽ ra tôi cũng có thể làm giống họ. Tôi có tới hai con chim mồi loại tốt để kêu gọi lòng thương, hẳn chỉ cần mặc cho chúng chiếc áo măng tô nhỏ sờn rách màu xanh lính thủy là đủ. Lẽ ra tôi có thể cùng chúng ngồi lên một miếng bìa các tông trải trên đất, ra vẻ nặng gánh nhọc nhằn. Lẽ ra tôi có thể bật những giai điệu réo rắt từ máy nghe nhạc, Mathieu nhịp nhàng vỗ lên quả bóng của mình.
Lẽ ra tôi, người vốn luôn mơ ước trở thành nghệ sĩ hài kịch, tôi có thể kể câu chuyện "Cái chết của con chó" của Vigny, trong khi Thomas diễn vai con sói khóc lóc, "nó khóc, con sói nhỏ"...
Có lẽ mọi người sẽ rất xúc động và ấn tượng trước màn diễn đó. Có lẽ họ sẽ cho chúng tôi vài xu để đi uống một ly Byrrh vì sức khỏe của ông bọn trẻ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-1-2015 21:46:41 | Xem tất
Tôi đã làm một chuyện điên rồ, tôi vừa mua cho mình một chiếc Bentley. Một chiếc xế cổ, một chiếc Mark VI, 22 mã lực, cứ một trăm cây số lại tiêu thụ hết hai mươi lít xăng. Xe màu xanh nước biển pha đen, nội thất xe bọc da đỏ. Bảng điều khiển làm từ gỗ trắc bách diệp, với rất nhiều những mặt đồng hồ tròn nho nhỏ và đèn báo sáng được thiết kế nom như những viên đá quý. Chiếc xe đẹp như một cỗ xe ngựa bốn bánh sang trọng vậy; khi nó dừng lại, người ta cứ ngỡ từ trên đó bước xuống là nữ hoàng nước Anh.
Tôi dùng chiếc xe này để đến viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt đón Thomas và Mathieu.
Tôi cho chúng ngồi lên ghế sau, như những vị hoàng tử.
Tôi rất tự hào về chiếc ô tô của mình, mọi người đều ngưỡng mộ nhìn nó, cố nhận mặt một nhân vật tiếng tăm trên ghế sau xe.
Giá như họ thấy cái gì trên ghế sau xe, hẳn họ sẽ thất vọng lắm. Thay vì nữ hoàng nước Anh là hai thằng bé xấu xí lồi u dãi dớt lòng thòng, trong đó có một thằng, thằng thiên tài, không ngớt lặp đi lặp lại: "Ba ơi, mình đi đâu? Ba ơi mình đi đâu?..."
Tôi nhớ có lần, trên đường về, tôi định nói chuyện với chúng như một người cha nói chuyện với các con của mình khi ông đến trường đón chúng. Tôi nghĩ ra các câu hỏi liên quan đến chuyện học hành. "Thế nào, Mathieu, bài tập về Motaigne ấy? Bài tiểu luận của con được mấy điểm? Còn con, Thomas, bài viết tiếng Latin của con mắc bao nhiêu lỗi. Môn lượng giác thì sao?"
Trong lúc nói với chúng về chuyện học hành, tôi ngắm nhìn qua gương chiếu hậu những mái đầu rối bù nhỏ bé cùng ánh mắt ngơ ngáo của chúng. Có lẽ tôi đang hy vọng chúng sẽ trả lời nghiêm túc những câu hỏi của tôi, hy vọng chúng tôi sẽ dừng màn hài kịch lũ trẻ tật nguyền ở đây, hy vọng rằng trò chơi này chẳng hay ho gì, rốt cuộc chúng sẽ trở nên nghiêm túc như tất cả mọi người, rốt cuộc chúng lại trở nên giống như những người khác...
Tôi đã đợi câu trả lời một lát.
Thomas đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần: "Ba ơi, mình đi đâu? Ba ơi, mình đi đâu?" trong khi Mathieu cứ liên tục "brừm-brừm"...
Đó đâu phải một trò chơi.


Thomas và Mathieu đang lớn, chúng lần lượt mười một và mười ba tuổi. Tôi từng nghĩ rằng một ngày nào đó, chúng sẽ có râu, tôi sẽ phải cạo râu cho chúng. Trong phút chốc, tôi tưởng tượng ra chúng cùng bộ râu của chúng.
Tôi từng nghĩ rằng khi chúng lớn, tôi sẽ tặng mỗi đứa một chiếc dao cạo hình thanh đoản kiếm. Tôi sẽ nhốt chúng trong phòng tắm để chúng tự xoay xở với chiếc dao cạo được tặng.Khi không nghe thấy tiếng động gì nữa, tôi mới cầm một chiếc giẻ lau nhà chạy đến chùi rửa phòng tắm.
Tôi kể ý tưởng này cho vợ tôi nghe để chọc cô ấy cười.

Mỗi dịp cuối tuần, Thomas và Mathieu lại từ viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt trở về, mình mẩy đầy vết trầy da xước xát. Hẳn chúng phải đánh nhau dữ dội lắm. Hoặc, tôi tưởng tượng ra rằng trong cái viện vốn nằm ở nông thôn ấy, kể từ khi trò chọi gà bị cấm, các giáo viên đã tổ chức những cuộc chiến con trẻ để thư giãn đồng thời kiếm chác thêm chút tiền.
Cứ nhìn những vết thương sâu hoắm cũa bọn trẻ, thì hẳn là các giáo viên đã phải gắn những chiếc cựa kim loại vào ngón tay chúng. Chẳng tốt chút nào.
Tôi phải viết thư cho bán giám đốc viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt để chuyện này chấm dứt mới được.

Thomas sẽ không phải ghen tị với anh trai nó nữa, nó cũng sắp có một chiếc áo chỉnh hình rồi. Một chiếc áo chỉnh hình rất ấn tượng bằng da và kim loại mạ crôm. Nó cũng đang còn gập người, đang trở nên gù như anh nó. Ít nữa thôi, chúng sẽ giống như những cụ già bé bỏng sống cả đời chỉ để nhặt củ cải trên các cánh đồng.
Mấy chiếc áo chỉnh hình đắt khủng khiếp, chúng được làm hoàn toàn thủ công, tại một xưởng chuyên biệt ở Paris, gần La Motte-Picquet, xưởng Maison Leprêtre. Hàng năm, chúng tôi phải đưa bọn trẻ đến xưởng lấy số đo để làm áo chỉnh hình mới vì chúng vẫn lớn lên. Lúc nào chúng cũng ngoan ngoãn mặc người ta làm gì thì làm.
Khi được mặc áo chỉnh hình với crôm sáng ánh lên, nom chúng như những chiến binh La Mã trong bộ áo giáp hay như những nhân vật truyện tranh khoa học viễn tưởng.
Khi ôm chúng trong tay, tôi có cảm giác đang ôm những con rô bốt. Những con búp bê bằng sắt.
Buổi tối, tôi phải dùng cờ lê để cởi đồ cho chúng. Khi tháo bộ áo giáp khỏi người chúng, tôi nhận thấy phần thân trần phía trên còng queo của chúng có những vết bầm tím do cái khung kim loại hằn lên, và tôi lại gặp lại hai chú chim non nhỏ bé trụi lông đang run rẩy.

Tôi đã làm nhiều chương trình truyền hình về trẻ em tật nguyền. Tôi vẫn nhớ trong chương trình đầu tiên, tôi bắt đầu bằng một loạt hình ảnh xoay quanh cuộc thi em bé xinh nhất. Phần minh hoạ là bài hát do André Dassary thể hiện: "Hãy ngợi ca tuổi trẻ, tuổi coi thường công danh và bay thẳng đến chiến thắng..."
Tôi có quan điểm rất lạ về các cuộc thi em bé xinh nhất. Tôi chẳng bao giờ hiểu tại sao người ta lại tán dương và tặng thưởng những người có con cái xinh đẹp, như thể đó là nhờ họ vậy. Nếu đã thế, thì sao không trừng trị và bắt phạt những kẻ có con cái tật nguyền đi?
Tôi còn gặp lại những bà mẹ ngạo mạn và tự tin giơ kiệt tác của họ lên trước ban giám khảo ấy.
Tôi từng muốn họ đánh rơi cái kiệt tác của họ.


Tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Chỉ có một mình Josée trong phòng bọn trẻ, hai chiếc giường trống không, cửa sổ mở toang. Tôi nghiêng người ra ngoài, nhìn xuống dưới, mơ hồ lo sợ.
Chúng tôi sống ở tầng thứ bốn mươi.
Bọn trẻ đâu rồi? Tôi không nghe thấy tiếng chúng. Josée đã quẳng chúng qua cửa sổ. Có thể cô ta đã lên cơn điên, đôi khi tôi vẫn đọc được những tín hiệu kiểu như vậy trên báo chí.
Tôi hỏi cô ta, vẻ nghiêm trọng: "Josée, tại sao cô lại quẳng bọn trẻ qua cửa sổ?"
Tôi nói thế để cười, để xua đi ý nghĩ đen tối.
Cô ta không trả lời, cô ta không hiểu, nom cô ta có vẻ sững sờ.
Tôi tiếp tục cũng bằng cái giọng ấy: "Thật không tốt chút nào. Josée ạ, những chuyện cô đã làm ấy mà. Tôi biết chúng tật nguyền, nhưng đấy không phải là lý do để quẳng chúng đi."
Josée khiếp sợ, cô ta nhìn tôi không thốt nên lời, tôi nghĩ cô ta sợ tôi. Cô ta đi vào phòng ngủ của vợ chồng tôi, bế bọn trẻ lại và đặt bọn chúng trước mặt tôi.
Chúng vẫn ổn.
Josée được phen bấn loạn, hẳn cô ta phải tự nhủ: "Ông sinh ra lũ con điên điên như thế cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên."

Mathieu và Thomas sẽ chẳng bao giờ biết đến Bach, Schubert, Brahms, Chopin...
Chúng sẽ chẳng bao giờ tranh thủ được ích lợi từ các nhạc sĩ này, những người vốn giúp chúng ta sống qua những buổi sáng buồn bã, khi tâm trạng u uẩn và hệ thống sưởi bị hỏng. Chúng sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác nổi da gà mỗi lần nghe một khúc adagio của Mozart, sức mạnh mà mỗi bản nhạc của Beethoven và mãnh liệt của Liszt mang lại, mong muốn vùng dậy xâm chiếm Ba Lan sau mỗi tác phẩm của Wagner, những vũ điệu cuồng nhiệt của Bach và những giọt nước mắt nóng hổi trước những bản nhạc da diết của Schubert...
Tôi rất muốn chúng thử nghe bằng dàn hi-fi và mua một bộ. Lập cho chúng tủ đĩa hát đầu tiên, tặng chúng những chiếc đĩa đầu tiên...
Tôi rất muốn chúng nghe những đĩa hát ấy, cùng chúng chơi trò "Diễn đàn âm nhạc", tranh luận về các cách biểu diễn khác nhau và quyết định xem cách nào là hay nhất...
Để chúng được rung động trước tiếng dương cầm của Benedetti, Gould, trước tiếng vĩ cầm của Menuhin, Oïstrakh, Milstein...
Để chúng được thoáng thấy thiên đường.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-1-2015 21:47:57 | Xem tất
Mùa thu. Tôi băng qua khu rừng Compiègne trên chiếc Bently, với Thomas và Mathieu ngồi ở ghế sau. Cảnh đẹp không thể tả nổi. Khu rừng rực lên đủ màu sắc, đẹp như trong tranh Watteau vậy. Thậm chí tôi không thể nói với bọn trẻ: "Các con nhìn xem, đẹp chưa", Thomas và Mathieu không ngắm cảnh, chúng chẳng quan tâm.
Chúng tôi chưa bao giờ thưởng ngoạn được gì cùng nhau cả.
Chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến Watteau, chúng sẽ chẳng bao giờ đi tham quan bảo tàng. Ngay cả những niềm vui lớn lao giúp loài người sống nổi ấy, chúng cũng bị tước nốt.
Chỉ có món khoai tây chiên. Chúng mê mẩn khoai tây chiên, dặc biệt là Thomas, nó nói được từ "khoai tai chiên".

Khi ngồi một mình trên ô tô với Thomas và Mathieu, thỉnh thoảng tôi lại nảy ra ý tưởng thật kỳ quặc. Tôi sẽ mua hai chai rượu, một chai Butagaz và một chai whisky, và tôi sẽ nốc cạn cả hai chai.
Tôi tự nhủ nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhất là đối với vợ tôi. Càng ngày tôi càng không sống nổi, bọn trẻ càng lớn càng trở nên khó tính. Thế là tôi nhắm nghiền mắt lại và vừa tăng tốc vừa cố giữ cho mắt nhắm nghiền càng lâu càng tốt.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ông bác sĩ đặc biệt đã đón tiếp chúng tôi ngày vợ tôi mang bầu lần thứ ba. Chúng tôi đã định phá thai. Ông bác sĩ nói: "Tôi xin nói thẳng với ông bà. Ông bà đang lâm vào một tình thế nguy kịch. Ông bà đã có hai đứa con tật nguyền. Ông bà định có thêm đứa nữa, nhưng liệu mọi chuyện có thực sự đổi khác không, với tình hình như hiện giờ? Song ông bà cứ tưởng tượng lần này ông bà sẽ có một đứa con bình thường đi. Thế là tất cả sẽ thay đổi. Ông bà sẽ không thất bại nữa, và đứa trẻ sẽ là may mắn của ông bà."
May mắn của chúng tôi tên là Marie, con bé bình thường và rất xinh đẹp. Nó bình thường, vì trước nó chúng tôi đã có hai bản nháp thử rồi. Khi biết tình trạng hai anh nó, các bác sĩ đều khẳng định như vậy.
Hai ngày sau khi Marie chào đời, một bác sĩ nhi khoa đến thăm bệnh cho con bé. Ông ta xem xét chân nó rất lâu, rồi ông ta cao giọng:"Chân con bé có thể bị khoèo..." Một lúc sau, ông ta nói thêm: "Không phải, tôi nhầm."
Chắc chắn ông ta nói thế để chọc cười.
Con gái tôi lớn lên, trở thành niềm tự hào lớn lao của chúng tôi. Nó thật xinh đẹp, nó thật thông minh. Sự phuc thù số mệnh đích đáng, cho đến một ngày kia...
Nhưng khá nực cười, đó lại là câu chuyện khác.


Mẹ của các con tôi, người từng bị tôi làm cho phát bực, đã rất chán nản, cô ấy chia tay tôi. Cô ấy đi tìm tiếng cười nơi khác. Đáng đời tôi. Tôi đáng bị thế lắm.
Tôi lại còn một mình, khốn đốn.
Tôi muốn tìm một cô gái trẻ đẹp.
Tôi tưởng tượng ra thông báo tìm bạn đời của mình thế này.
"Trung niên, 40 tuổi, 3 con trong đó 2 con bị tật nguyền, tìm một PN trẻ có học thức, xinh đẹp, hài hước."
Người phụ nữ đó cần có rất nhiều thứ, nhất là tâm trạng u ám.
Tôi đã gặp gỡ một vài cô xinh xắn hơi ngốc nghếch. Tôi hết sức tránh nhắc đến các con tôi, Nếu không hẳn mấy cô ấy trốn tiệt mất.
Tôi còn nhớ một cô nàng tóc vàng cũng biết tôi đã có con, nhưng không rõ chúng trong tình trạng nào. đến giờ tôi vẫn như nghe cô nàng hỏi: "Khi nào thi anh giới thiệu em với các con anh vậy, có vẻ như anh không muốn ấy, anh xấu hổ vì em à?"
Tại viện chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đặc biệt nơi Mathieu và Thomas ở, có nhiều cô phụ trách trẻ, đặc biệt có một cô cao lớn tóc nâu rất xinh đẹp. Rõ ràng cô ta sẽ là người lý tưởng, bởi cô ấy biết các con tôi và cách sử dụng chúng.
Nhưng rốt cuộc, chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Hẳn cô ta đã tự nhủ: "Bọn tật nguyền ư, trong tuần thì được đấy, vì đó là công việc của mình, nhưng phải gặp chúng cả tuần nữa thì..."
Mà có lẽ tôi cũng không hợp gu cô ta và cô ta thường nghĩ: "Gã đó hả, chuyên môn của gã là trẻ tật nguyền, có thể gã lại cho mình một đứa tật nguyền lắm chứ, vậy nên thôi, xin cám ơn."
Và rồi, một ngày kia, ngày xửa ngày xưa có một cô gái duyên dáng, học thức, hài hước. Cô ấy quan tâm đến tôi cùng hai đứa trẻ bé bỏng của tôi, Tôi thật may mắn vì cô ấy chấp nhận ở lại. Nhờ cô ấy, Thomas đã học được cách kéo lên và kéo xuống khoá Éclair. Không lâu. Bởi ngày hôm sau thằng bé không biết nữa, nó quên tất cả, phải bắt đầu bằng con số 0.
Với các con tôi, người ta không bao giờ phải sợ lặp đi lặp lại một việc, chúng quên mọi thứ. Với chúng, chẳng bao giờ có chuyện chán nản, chẳng bao giờ có chuyện thói quen hay buồn rầu. Chẳng có gì lỗi thời hết, mọi việc luôn mới mẻ.

Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết điều gì đã làm nên những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời ba.

Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy là những khoảnh khắc mà ở đó thế giới thu nhỏ lại thành một người duy nhất, ở đó chúng ta sống chỉ vì người ấy và nhờ vào người ấy, ở đó chúng ta run run mỗi lần nghe tiếng bước chân người ấy, giọng nói người ấy, chúng ta ngây ngất mỗi lần trông thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm người ấy quá chặt, chúng ta rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới xung quanh chúng ta bỗng trở nên nhạt nhòa.
Các con sẽ chẳng bao giờ biết được cơn rùng mình êm dịu lan tỏa từ chân đến đầu ấy, nó làm nảy sinh trong các con cảm giác xáo trộn, tệ hơn cả việc bị mất trí, bị điện giật hay bị hành quyết. Nó làm các con bối rối, đảo điên và cuốn các con vào cơn cuồng quay khiến các con trở nên hoảng hốt và nổi da gà. Nó khuấy động tâm can các con, làm mặt mũi các con nóng bừng, làm các con đỏ mặt, làm các con phải gào rú, sởn gai ốc, làm các con ấp úng, nói nhăng cuội, làm các con vừa cười vừa khóc.
Bởi lẽ, thế đấy, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia ở ngôi thứ nhất số ít và ở thức trình bày hiện tại động từ thuộc nhóm thứ nhất này: yêu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-1-2015 21:56:25 | Xem tất
Mỗi lần trên phố người ta yêu cầu tôi ủng hộ trẻ em tật nguyền, tôi đều từ chối. Tôi không dám nói rằng tôi có tới hai đứa con tật nguyền, bởi người ta sẽ nghĩ tôi đùa cợt.
Vẻ ung dung và tươi tắn, tôi tự cho phép mình nói: "Trẻ em tật nguyền à, tôi đã cho rồi."

Tôi vừa phát minh ra một con chim. Tôi đặt tên nó là Antivol (1), nó là một con chim hiếm. Nó không giống như những con chim khác. Nó hay bị chóng mặt. Thật không may đối với một con chim. Nhưng nó rất lạc quan. Thay vì yếu mềm trước khuyết tật của mình nó lại lấy khuyết tật đó ra để vui đùa.
(1) Ở đây tác giả chơi chữ, ghép giữa “anti” (phản đối) và “vol” (bay).
Mỗi khi người ta bảo nó bay, nó đều tìm được một lý do nhộn nhộn nào đó để không thực hiện điều người ta bảo và chọc cười mọi người. Hơn nữa, nó rất dạn dĩ, nó mỉa mai những con chim bay, những con chim bình thường.
Như thể Thomas và Mathieu mỉa mai những đứa trẻ bình thường chúng gặp trên phố vậy. Thế giới đảo lộn.

Trời mưa, Josée đưa bọn trẻ đi dạo về sớm hơn thường lệ, cô ta đang cho Mathieu ăn
Tôi không thấy Thomas. Tôi ra khỏi phòng. Trong hành lang, trên mắc áo, tôi thấy treo bộ quần liền tất của thằng bé, nó vẫn căng phồng lên, giữ đúng hình dạng một cơ thể. Tôi trở lại phòng với vẻ nghiêm khắc.
"Josée, tại sao cô lại treo Thomas lên mắc áo?"
Cô ta nhìn tôi không hiểu.
Tôi tiếp tục trò đùa của mình: "Không phải vì nó là một đứa trẻ tật nguyền mà người ta cần treo nó lên mắc áo như vậy."
Josée không bối rối, cô ta trả lời:
"Thưa ông, tôi phơi một lúc cho nó khô, nó ướt sũng."

Các con tôi rất tình cảm. Khi vào cửa hàng, Thomas muốn ôm hôn mọi người, người trẻ, người già, người giàu, người nghèo, vô sản, tư sản, da trắng, da đen, không hề phân biệt.
Mọi người hơi khó chịu mỗi lần thấy thằng bé mười hai tuổi lao bổ vào họ để ôm hôn. Vài người lùi lại, những người khác để kệ và sau đó vừa dùng mùi soa lau mặt vừa nói: "Thằng bé dễ thương quá!"
Đúng, chúng rất dễ thương. Chúng chẳng thấy cái xấu ở bất kỳ nơi nào cả, như những người ngây thơ vậy. Chúng hiện hữu từ trước khi xuất hiện nguyên tội, vào thời mà thế giới toàn người tốt, thiên nhiên rất nhân từ, mọi cây nấm đều ăn được và người ta có thể vuốt ve lũ hổ mà không sợ gì nguy hiểm.
Khi đến sở thú, chúng rất muốn hôn lũ hổ. Khi chúng kéo đuôi con mèo, thật là lạ con mèo chẳng cào chúng, hẳn con mèo tự nhủ: "Đó là những đứa trẻ tật nguyền, cần phải khoan dung với chúng vì chúng hoàn toàn mất trí."
Liệu một con hổ có phản ứng như thế nếu Thomas và Mathieu kéo đuôi nó không? Tôi sẽ thử xem, nhưng trước đó, tôi phải cảnh báo con hổ đã.

Một lần đi dạo với hai cậu con trai của mình, tôi lại có cảm giác đang mang trên tay những con rối hay những con búp bê bằng vải. Chúng nhẹ bẫng, xương chúng nhỏ bé mong manh, chúng không lớn lên, chúng không béo lên, ở tuổi mười bốn, trông chúng như ở tuổi lên bảy, đó là những chú yêu tinh bé bỏng. Chúng không nói tiếng Pháp, chúng nói tiếng yêu tinh, hoặc có khi chúng nghêu ngao, gầm gừ, ăng ẳng, ríu rít, quàng quạc, liến thoắng, gào rú hay kêu ken két. Không phải lúc nào tôi cũng hiểu chúng.
Trong đầu những chú yêu tinh của tôi có gì nhỉ? Không có chi. Ngoài rơm ra thì hẳn không có chi ghê gớm lắm, khá lắm là có một bộ óc chim, hay một cửa hiệu đồ cũ nơi bán mấy thứ máy cổ lỗ dùng ga len làm chất dò sóng hay một chiếc đài cũ kỹ không dùng được nữa. Vài sợi dây điện hàn ẩu, một cái máy thu thanh bán dẫn, một cái bóng điện nhỏ chập chờn thường xuyên tắt ngóm và một vài từ được ghi âm quay vòng vòng.
Với bộ óc như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bọn trẻ không được hoàn thiện lắm. Chúng sẽ không bao giờ thành sinh viên Đại học Bách khoa, thật đáng tiếc, hẳn tôi sẽ phải tự hào lắm vì tôi vốn luôn học rất tệ môn toán.
Mới đây, tôi gặp một chuyện rất súc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp.
Nó cầm quyển sách ngược.

Tôi từng rất thích tạp trí Han-Kiri. Có lúc, tôi muốn đề xuất với tạp trí này một trang bìa. Tôi muốn mượn em trai tôi, sinh viên trường Bách khoa, bộ đồng phục rộng có mũ hai chóp của nó để mặc cho Mathieu và chụp ảnh cho thằng bé. Tôi nghĩ phần chú thích ảnh sẽ là: "Năm nay, thủ khoa trường Bách khoa là một cậu bé (2)."
(2) Năm trước đó, lần đầu tiên thủ khoa của trường Bách khoa là một cô gái, Anne Chopinet. (chú thích của tác giả).
Xin lỗi, Mathieu. Không phải lỗi của ba nếu trong ba nảy sinh những ý tưởng gàn dở này. Ba không có ý định nhạo báng con, có lẽ là ba muốn nhạo báng chính ba. Muốn chứng tỏ rằng ba có khả năng cười trên nỗi đau khổ của mình.

Mathieu ngày càng còng. Liệu pháp vận động, áo chỉnh hình bằng kim loại, chẳng có thứ gì có ích cả. Ở tuổi mười lăm, thằng bé mang dáng vẻ của một lão nông già nua đã dành cả đời cày xới đất. Khi chúng tôi đưa nó đi dạo, nó chỉ nhìn đôi bàn chân mình, nó thậm chí không nhìn thấy cả bầu trời.
Có lúc, tôi tưởng tượng ra mình cắm lên mũi giày nó những chiếc gương nhỏ, giống như những cái kính chiếu hậu phản chiếu giùm nó bầu trời...
Chứng vẹo cột sống của nó đã nặng thêm, chẳng mấy chốc nữa sẽ gây tình trạng khó thở. Một ca phẫu thuật cột sống cần tính đến.
Ca phẫu thuật được tính đến, thằng bé lại hoàn toàn đứng thẳng được. Ba ngày sau, nó chết trong tư thế đứng thẳng.
Rốt cuộc, ca phẫu thuật có mục đính giúp nó nhìn thấy bầu trời đã thành công.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách