Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2757|Trả lời: 40
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Đảo Tường Vy | An Ni Bảo Bối (Hết)

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 6-7-2014 08:56:56 | Xem tất |Chế độ đọc
Đăng ký tác phẩm: Đảo Tường Vy

Thể loại: Tiểu thuyết Trung Quốc

Tác giả: An Ni Bảo Bối

Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành

NGUỒN

Ngày xuất bản: N/A

Nhà xuất bản: N/A
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 08:58:59 | Xem tất
Mục Lục


Tựa

Phần 1 - Chương I - Cứ Đi, Cứ Đi

Phần 1 - Chương I (a) - Cô Gặp Tô Ở Hà Nội.

Phần 1 - Chương I ( B) - Cô Gặp Tô Ở Hà Nội.

Phần 1 - Chương I (C) - Năm Phút Sau, Anh Ta Được Phủ Khăn Trắng.

Phần 1 - Chương I ( D)

Phần 1 - Chương I ( E)

Phần 1 - Chương II - Chuyến Xe Trong Đêm

Phần 1 - Chương III - Đảo Tường Vy

Phần 1 - Chương IV - Hoa Dành Dành

Phần 1 - Chương V - Tan Biến

Phần 1 - Chương VI - Xích Đạo Hướng Bắc 21 Độ

Phần 1 - Chương VII - Ở Sài Gòn

Phần 1 - Chương IX - Cái Đẹp Của Hiểm Nguy

Phần 1 - Chương X - Chuyện Thời Nhỏ

Phần 1 - Chương XI - Một Ngày

Phần 1 - Chương XII - Tự Tỉnh Giấc

Phần 1 - Chương XIV - Mặt Trời Lặn

Phần 1 - Chương XV - Cuộc Sống Thế Tục

Phần 1 - Chương XVI - Bên Bờ

Phần 1 - Chương XVII - Hồng Kông Ký Sự

Phần 2 - Chương I - Về Tình Yêu

Phần 2 - Chương II - Thuỷ Tiên Và Sao Chổi

Phần 2 - Chương III - Cô

Phần 2 - Chương IV - Anh

Phần 2 - Chương V - Hẹn Hò

Phần 2 - Chương VI - Biển Cả

Phần 2 - Chương VII - Lần Thứ Ba

Phần 2 - Chương VIII - Đến Nơi

Phần 2 - Chương IX - Thêm Một Lần Nữa

Phần 2 - Chương X - Quên Lãng

Phần 2 - Chương XI - Chia Tay

Phần 2 - Chương XII - Hoa Trà

Phần 2 - Chương XIII - Tin Tưởng

Phần 2 - Chương XIV - Sao Chổi

Phần 2 - Chương XV - Gặp Lại

Phần 2 - Chương XVI - Tranh Vẽ Trên Tường

Phần 2 - Chương XVII - Thuỷ Tiên

Phần 2 - Chương XVIII - Nhẹ Hoặc Nặng
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:00:49 | Xem tất
Tựa


An Ni Bảo Bối
Bắc Kinh, tháng 3/2005
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:03:43 | Xem tất
Phần 1 - Chương I - Cứ Đi, Cứ Đi


1. Tạm biệt thời gian

Cô nói, khi một người sắp chết, anh ta sẽ ra sức thở. Đó là hơi thở cuối cùng trước khi sinh mạng ngừng đập. Cuộn trào như tiếng của đại dương.
Cô nói, Tô này, cậu không nghe được chúng đâu. Trong tiếng bểin cả mà mà cậu nghe được sự sống. Chỉ là trong tưởng tượng mà thôi. Còn mình nghe được tiếng của cõi chết. Là có thực.

Cô và Tô đi xem ga xe nửa Đại Lải. Nhà ga nằm trên đỉnh núi cao cách mặt biển 1500 mét. Chiếc xe lửa cổ lỗ chỉ có thể chạy một đoạn ngăn ngắn mang tính tượng trưng. Nhưng vẫn có khách. Cô dâu mới cưới cùng gia đình bên ngoại đang ngồi dưới mái nhà cong bên ngoài phòng chờ. Trên cánh cửa gỗ treo một chiếc đồng hồ. Họ chờ chuyến xe hai giờ rưỡi. Chỉ là một nghi thức.

Buổi trưa nóng như thiêu như đốt, ánh nắng rực sáng tuôn chảy khắp nơi. Chiếc váy cưới trắng của cô dâu trùm lên mặt đất dưới cái ghế gỗ. Tô bước tới, đưa cho cô dâu một bông hồng phớt đỏ. Cô nói, Tôi phải chụp cho cô một tấm hình. Cô nói "phải", chứ không nói "muốn".
Tô rút máy ảnh trong túi ra, quỳ xuống, liên tục bấm máy, ghi lại hình ảnh cô dâu ngồi dưới mái nhà cong. Bộ áo cưới của cô dâu và cánh cửa gỗ mang màu xanh Ai Cập sau lưng in đầy dấu vết thời gian. Cô di chuyển góc độ, thân hình giống hệt một con báo nhanh nhẹn, đầy sức sống hoang dại. Thoáng một cái, gương mặt cô đầy tập trung, quên hết sự tồn tại của thế giới.

Trên đường ray gần đó có một toa xe lửa vứt đi, loang lổ vết rỉ. Đường sắt vươn dài trên bãi đất trống mọc đầy cỏ dại. Xa xa là hoa anh túc nở rộ, khẽ phất phơ trong gió. Trời cứ xanh như thế. Có một khoảng thời gian cũ kỹ đã bị ngưng đọng lại nơi đây. Họ vẫn không trò chuyện.
Tôi nói với cô, Trở thành một nhiếp ảnh gia, hạnh phúc duy nhất là những gặt hái về thời gian. Chẳng hạn cái đẹp chỉ tồn tại trong một giây, thế là tớ quan sát nó thêm hai giây, rồi "tách", giữ nó lại. Cô nói, Tất nhiên trong phần lớn thời gian, tớ cũng giống như phần lớn những người khác, chỉ lãng phí phim và thuốc tráng.

Một tấm hình đẹp phải lưu giữ được cảm giác về cái đẹp tuyệt vọng của thế giới. Một kiểu thời gian dần trôi.

Hai năm trước, Tô bắt đầu cuộc sống của một nhiếp ảnh gia tự do, vác máy ảnh đi khắp nơi du lịch và chụp. Cô sống ở Thượng Hải, từng làm vệic cho nhiều tạp chí thời thượng nổi tiếng, kể cả những đơn đặt hàng mang tính thương mại như thời trang, quảng cáo. Trong ngành này, cô có phong cách độc đáo rất riêng và danh tiếng. Rồi cô bỏ nghề, tự lập phòng làm việc riêng, hợp tác với nhà xuất bản, làm các tập ảnh theo chủ đề. Chủ đề năm nay của cô là biển. Cô tới Việt Nam. Sách của cô dùng tên một ca khúc của ban nhạc Anh Cure: From the Edge of the Deep Green Sea (Từ bờ bên kia của Biển xanh sâu).

Trên chuyến du lịch mùa hè nóng nực và dài dằgn dặc đó, hai cô gái tình cờ gặp nhau. Họ đã bước qua tuổi 25, đi du lịch một mình, coi nhẹ quá khứ và lịch sử. Hai người trò chuyện không ngớt. Một người là nhiếp ảnh gia, sống ở Thượng Hải. Một người là nhà văn đang nghỉ việc, sống ở Bắc Kinh.
Cô không giải thích tại sao ngừng sáng tác. Có một năm, thời gian của cô chỉ dùng để ngủ, nấu nướng và đi lại. Trong phim, cô trở thành kẻ du hành. Người phụ nữ Trung Quốc duy nhất trong xe đầy Tây ba lô. Trên mặt vương những hằn tích của cuộc sống lang bạt một mình lâu ngày. Ba lô sau lưng kếch xù do nhét đầy mọi thứ quen thuộc tới nhỏ nhất như cái gối. Những người không có cảm giác an toàn đều vậy cả. Mang theo tất cả những vật cũ kỹ đang có, di chuyển khắp nơi.

Cô là người phụ nữ xuất hiện trong mỗi cuốn sách. Tất cả nhân vật chỉ là một người. Một con người duy nhất đang xuất phát, đang đi, đang giã biệt. Đó là sáng tác của tôi. Là nguyên nhân duy nhất để tôi sáng tác.

Cô ngủ thiếp đi trên xe. Giống như những bạn đồng hành khác, cô nhét quần áo dưới đáy, chân trần cuộn tròn trên ghế hoặc vươn thẳng ra ngoài lối đi. Lúc tỉnh giấc uống một chai nước lớn. Cô ăn rất ít. Phần lớn thời gian đều ngắm ánh đêm ngoài cửa xe. Nhưng không thấy chút hưng phấn nào. Chỉ bình thản.

Có lúc chúng ta đều tổn thương như vậy, nhưng không hề để lộ. Cũng giống như chúng ta không bao giờ chịu thốt lên chữ "yêu". Không bao giờ. Yêu là thứ bị khép kín, bị cấm kị, bị kéo dài, bị gác lại. Tình yêu như vậy là cách đền tội duy nhất trong tay tôi. Vì thế tôi bị tội lỗi của mình nuốt chửng.
Con bé nhìn thấy bố đứng ngoài cổng trường. Nó được gửi theo học tại một trường tiểu học ở ngoại ô. Trường nằm trong một căn miếu nát, có giếng trời lộ thiên, mọc đầy cỏ đâm hoa vàng. Nó được gửi nuôi trong một nhà nông trồng bông. Mỗi hoàng hôn thứ bảy, bố nó lại đến đón về nhà. Ông đặt con bé lên gióng trên của chiếc xe đạp. Vội vã đạp về. Cánh đồng bên đường dần sụp tối. Hồi đó, bố còn trẻ trung và khoẻ mạnh biết bao. Trên đường, họ không nói với nhau câu nào.

Con bé nghe thấy âm thanh lướt qua tai. Soạt soạt soạt. Bánh xe cọ xát xuống con đường đầy sỏi. Cằm bố tì lên tóc nó, gió đêm mát mẻ, sao ngập trời. Nó thấm mệt. Cảm thấy bố dùng một tay lái xe, một tay đỡ mặt nó. Thế là nó ngủ mất.

Nửa đêm tỉnh dậy, thấy xe đang dừng bên một trạm tiếp xăng ở một thị trấn nhỏ không rõ tên. Đám khách Tây đang xếp hàng vào toa lét, rồi túm tụm dăm ba nhóm hút thuốc trong bóng tối. Do dừng lại, trong xe bỗng trở nên oi bức và nóng nực. Cô phát hiện thấy trên trán dính đầy mồ hôi nhớm nháp. Bước qua dãy ba lô vứt đầy trên lối đi, cô bước ra khỏi xe. Kề mặt lại gần vòi nước, vã nước lạnh lên mặt. Cô ngăn được cảm giác buồn nôn trào dâng từ lồng ngực.

Thời tiết vẫn ẩm ướt và oi nực như vậy. Ở nước này một năm chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Cái nóng nhiệt đới khống chế thân xác và thần kinh con người như bệnh tật. Hàng ngày có vô số khách du lịch vác những chiếc ba lô to xụ và bẩn thỉu đi đi lại lại. Họ từ Thái Lan và Cămpuchia sang. Dùng dây thừng tết chặt mái tóc dính đầy gió bụi phong trần. Mặt cô gái da trắng bị rám nắng đỏ rực. Màu đỏ đó như thể sẵn sàng bật ra khỏi làn da mỏng tang và yếu ớt kia bất kỳ lúc nào, nở ra như một đoá hoa lớn nát. Trên gò má và sống mũi lắm nốt tàn nhang li ti màu nâu.

Ánh nắng là thứ tội ác ngọt ngào. Lại gần, hoà nhập và tan chảy vào nó. Bọn họ tham lam ngắm nghía bầu trời rờ rỡ nắng vàng, vừa xoa kem chống nắng, vừa nhắm tịt mắt, khẽ ngân nga. Ôi, trời ơi, trời ơi. My God.

Tháng ba, ánh nắng ở Việt Nam càng giống như một trận mưa bão. Trực tiếp, mãnh liệt, không trốn nổi vào đâu. Khi ngửa mặt lên trời, thấy mình như ngạt thở.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:06:20 | Xem tất
Phần 1 - Chương I (a) - Cô Gặp Tô Ở Hà Nội.


Đó là thành phố cô yêu thích. Ánh nắng khiến người ta mụ mẫn, không biết phải làm gì. Ở một cửa hàng sách cũ trên phố Hàng Bạc. Thời tiết oi bức. Chiếc quạt trần trong tiệm lừ đừ chạy. Cô đang đọc một cuốn tiểu thuyết Ấn Độ. Không có việc gì ở Hà Nội, cô chỉ biết dựa vào việc đọc và lượn phố để giết thời gian, nhưng cứ chìm đắm mãi trong đó, không định rời xa. Tô tới tìm một cuốn sách cũ của LP. Kế hoạch của Tô là thực hiện một chuyến du hành xuyên suốt Việt Nam từ Bắc tới Nam theo tuyến đường biển.

Trên mái tóc đen dài của Tô cài vài bông lài trắng muốt. Da cô tối, màu lúa mạch, hơi thô. Vầng trán cao, khuôn mặt nom càng bẹt hơn, mắt rất sáng. Trông cô rất giống các cô gái Việt Nam. Hiếm khi cười. Cũng chỉ cười mỉm. Phảng phất như một nụ cười tan trong nước.

Họ bắt đầu nói tiếng Hoa. Trò chuyện về nhiếp ảnh. Cũng không nói nhiều. Ngoài cửa có người gánh hoa quả đi bán. Tô chạy ra mua mấy quả mận. Tô lấy nước suối rửa mận rồi đưa cho cô. Quả chín màu đỏ thẫm, sờ lên thấy rất mềm, bên cạnh còn có chiếc lá xanh mới nhú bé tí tẹo. Cô đón lấy một quả. Khẽ cắn một miếng, vị chua chua tọt vào cuống họng. Cô không dám phản ứng.

Tô nói, Có lúc tớ thấy chẳng dính dáng gì tới cái thế giới này. Nhưng mãi sau mới biết do quá chìm đắm mà thôi. Hoặc cũng kết hợp trong đó nên thấy mệt mỏi. Họ ngồi bên cạnh chiếc bàn ăn bằng gỗ trong tiệm sách. Trên bàn đặt hai ly cà phê lạnh cóng. Hoàng hôn đã ụp xuống nhưng tiếng huyên náo trên đường phố và cơn nóng nực vẫn chưa tan. Một tay cô ôm lấy chiếc ly. Ngón tay tinh khiết của kẻ sáng tác đồ thủ công. Trên ngón tay gầy mảnh là một cái lắc bạc trạm trổ.

Trước khi vào Việt Nam, cô dừng lại ở một thị trấn nhỏ có tên gọi là Đông Hưng ở Quảng Tây. Cô phải ở đây một ngày để làm giấy khám sức khoẻ. Buổi tối ngủ trong căn phòng nóng nực và ẩm ướt của khách sạn giao thông. Mất ngủ triền miên. Thế là lang thang một mình trên phố. Ngồi trên chiếc ghế băng nhỏ thấp tè uống nước đường. Long nhãn khô nấu với trứng gà. Chủ quán là một thanh niên trẻ, lặng lẽ ngồi dưới gốc cây. Thị trấn nhỏ rất yên tĩnh, hiếm hoi lắm mới có một chiếc xe đạp lướt qua. Từ tiệm may đối diện vang tới tiếng đạp máy khâu xạch xạch. Các cô gái ở tiệm gội đầu tô son đỏ thắm, đứng ở đầu phố, mặt mũi ngơ ngẩn. Cô lại tới sân bóng của trường tiểu học, ngồi xuống bậc thềm đá cũ kỹ, nhìn đám trẻ tranh nhau quả bóng dưới ánh trăng. Chúng ra sức chạy, rồi biến mất.

Cô đã tắt điện thoại. Sẽ không có bất kỳ cuộc gọi nào. Tất cả mọi người đều không liên quan tới cô.

Cô thấy mình có thể biến mất trong thị trấn nhỏ nhắn này.

Lúc ngủ, cô lấy tấm ga giường màu trắng quấn chặt lấy người, co rúm lại. Cô ngủ trong trạng thái thai nhi trong tử cung mẹ.

Em cứ bảo vệ mình như vậy. Em không yêu bất kỳ ai. Cô nhìn thấy gương mặt tuyệt vọng của anh. Anh đã không còn tư thế gì đủ sức ôm lấy cô. Cô bỏ đi. Người đàn ông cuối cùng.

Cô hẹn Tô đi xem múa rối nước. Đợi Tô ở tiệm ăn. Đó là một tiệm ăn nhỏ vẫn thường lui tới, có tên là Hà Nội Rose. Ban công ngoài trời, lầu hai giáp phố. Bên dưới là tiệm quần áo, muốn lên trên phải len qua một cầu thang gỗ chật hẹp. Lúc màn đêm sắp buông, phần lớn khách tha hương đều tập trung ở đây uống rượu, ăn đồ ăn Việt Nam dễ tiêu. Đèn đường yếu ớt, bên cạnh là bảng quảng cáo và cột điện thẳng đứng dây chằng chịt. Chung cư cổ lỗ trước mặt mang phong cách thực dân Pháp, treo đầy quần áo. Không biết hoa của nhà nào trồng cứ rộ lên hết chậu lớn chậu nhỏ, kỳ dị và loè loẹt. Cửa sổ bằng gỗ kiểu Pháp màu xanh lá cây và bức tường loang lổ màu vàng tươi còn ghi lại những dấu vết thời gian.

Phiên chợ ngày dưới lầu đã tan, vứt lại vô số rác rưởi và mùi rau dập nát. Từng đám hoa hồng Việt Nam dài ngoằng và khô héo bị vứt chất đống trên đường. Đám xe máy được dồn lại ở đầu đường. Âm thanh trên đường vẫn chưa chịu lắng lại. Trong không khí có mùi của hoa lài, bia, thuốc lá, bụi, nước hoa và mồ hôi. Không biết tiệm CD nào lại bật nhạc. Tiếng saxo réo rắt, một giọng nam trầm đang hát, I saw your face shining my way
Cô ngồi trước chiếc bàn gỗ lớn thô kệch, gọi cá nướng, rau sống trộn và măng chua. Cô uống nước chanh. Ly lớn nước trắng, bỏ miếng đá và hai lá chanh tươi màu xanh. Đơn giản và tinh khiết như vậy. Phải sau 25 tuổi, cô mới có được cuộc sống đơn giản và tinh khiết như thế. Đã có căn hộ độc thân. Đã có thành phố độc thân. Đã có chuyến du hành.

Ông Tây ở bàn bên mượn cô chiếc bật lửa. Ông mặc một chiếc áo sợi bông kẻ sọc nhỏ, tóc vàng cắt ngắn tũn, ánh mắt rất nhạy cảm. Khi trả lại bật lửa, ông hỏi, Cô có thích Việt Nam không? Cô đáp, Rất thích. Lại hỏi, Cô là người Nhật? Cô trả lời, Không, tôi sống ở Bắc Kinh. Ông tiếp, Trông cô rất giống con gái Việt Nam. Mắt cô rất giống mắt họ. Đều sáng như thế.

Cô mỉm cười. Cứ theo cách thức của phương Tây thì phụ nữ phải luôn ưỡn vai, rướn cao lông mày. Nhưng cô chỉ nghiêng mặt đi, cúi đầu xuống khẽ cười. Cô kể cho ông ta nghe quê hương cô nằm ở vùng Đông Nam Trung Quốc. Giang Nam.Cô đã từng viết văn. Một phụ nữ muốn mình dần dần trở nên tuyệt diệu hơn, cần phải xuyên qua khởi nguồn của cuộc sống. Nhưng những khởi nguồn này cũng là gốc rễ của sự đau khổ. Giống như một dòng sông. Không bao giờ ngưng nghỉ. Cuối cùng hoà tan vào biển cả.

Năm lên 10, bố và mẹ cãi nhau ở nhà. Vẫn sống trong căn nhà cũ, phòng bếp chật chội. Mùa hè, mồ hôi đẫm vai. Mẹ không ngừng than vãn, bố cứ im lặng. Cuối cùng, không nhịn nổi lửa giận, bố tát mẹ một cái, bỏ ra khỏi phòng, leo lên xe đạp phóng đi. Mẹ đập vỡ tất cả bát trong bếp. Khắp đất đầy những mảnh sứ trắng vỡ nát. Khóc than. Con bé đứng ngoài cẳ. Nhìn vào. Ánh trăng xuyên qua đám lá ngô đồng cao lớn bên đường, rọi chiếu luôn gương mặt con bé. Từ đó nó không bao giờ ôm họ nữa. Sau đó cây ngô đồng bên đường cũng bị chặt hết. Họ chuyển nhà. Từ đó về sau, bố không bao giờ đánh mẹ nữa. Ông không nói tí gì. Chỉ im lặng.

Không bao giờ ôm nhau nữa. Giữa bố và mẹ. Bố và nó. Nó và mẹ.

Con bé một mình đi ra cánh đồng ở ngoại ô. Nằm trên đám rạ vừa cắt, ngắm đàn chim bay qua trên bầu trời hoàng hôn. Nó bị lạc đường. Nửa đêm, nó ra sức ăn cơm nguội lạnh ngắt, lấy tay bốc, tọng từng cục từng cục vào miệng, mãi đến khi nghiẹn ngào tới dàn dụa nước mắt. Sau đó nó luôn cảm thấy đói. Cần phải ăn rất nhiều. Lúc đó, nó cũng chìm đắm như vậy.

Tất cả mọi người đều không trò chuyện, Tô ạ.

Năm 16 tuổi, mình bắt đầu yêu. Với một nam sinh học dốt ở một trường trung học hạng bét, được cái cao to, đẹp trai. Mình đọc sách, còn tham gia thi tuyển trong trường điểm. Cậu ta chỉ thích chơi bi a và làm tình. Hai đứa hoàn toàn khác nhau. Nhưng mình cứ vội vã muốn ép mình phải được yêu. Chúng tớ hôn nhau trong hành lang lúc đêm tối. Cậu ta ôm mình chặt tới phát đau. Phát đau lên được.

Mình thực sự không yêu cậu ta.

Trưởng thành là một việc thực sự đau khổ, Tô ạ. Lúc đó, mình luôn nghĩ, khi nào mới có đủ tiền? Khi nào mới có thể ra đi?

Rốt cục cũng có một ngày, mình bỏ đi.

Tô để lại lời nhắn ở khách sạn cô đang nghỉ, nói rằng sắp lên chuyến xe đêm tới Thanh Hoá. Cô nói, Trạm cuối cùng của tớ ở Sài Gòn. Tớ nghĩ bọn mình còn gặp nhau. Tô để lại cho cô một tập tranh nhỏ bằng thuốc nước. Wild Plants of Ha Long Bay. Lật từng trang, đều là loài hoa dại rất lạ và màu mè, nở trong hang sâu và bên sườn núi Hạ Long. Có tên hoa bằng tiếng La tinh. Hoạ sĩ là nữ. Đường nét rất đơn giản nhưng thanh nhã.

Họ muốn ai đi đường nấy. Những người du lịch đơn độc rất coi trọng tự do, không bao giờ chịu bất kỳ sự bó buộc nào. Cô không chuẩn bị đón nhận việc Tô ra đi không một lời từ giã. Thế là đi theo lộ trình của Tô. Chỉ vì trong chuyến đi và những thứ mà cô không bao giờ gặp lại.

Có lúc ở tiệm ăn bên đường khi xe dừng chân. Có lúc trong tiệm cà phê bên bờ biển. Có lúc trên đường phố lớn tràn trề ánh nắng. Cô nhìn thấy Tô. Tô vẫn một mình. Trong đám đông, Tô vẫn cô đơn và tinh sạch như thể một đoá sơn trà.

Mỗi lần họ nhìn nhau từ xa như vậy. Khoảng cách của tầm nhìn như một lò lửa chưa chìm vào bóng tối, quá rõ ràng. Rồi họ lại chia tay.

Tới Đại Lải, cô ở trong một nhà nghỉ nhỏ gần điểm đỗ xe của công ty du lịch. Địa hình cao, vắng vẻ. Một con đường nhỏ gồ lên. Chỉ cần đẩy cánh cửa sổ ra có thể chạm ngay vào nham thạch và thảm thực vật bên sườn núi. Một nhà nghỉ kiểu gia đình được xây dựng trên núi. Dãy hành lang nhỏ vọng âm tối tăm, chật chội. Khung cửa sổ bằng gỗ theo kiểu Pháp, từng ô nhỏ một, có rất nhiều cửa sổ. Gió to lúc hoàng hôn đập rình rình cánh cửa gỗ ngoài hiên. Cả căn phòng trống ngập trong tiếng gió reo.

Cô ngủ một giấc trưa, lúc tỉnh dậy nhìn thấy bóng núi mờ mờ xa xăm. Gã Tây ở ban công đối diện đang ngồi dưới bóng dù đọc tiểu thuyế. Dưới sân có người đàn ông đang bổ củi. Mùi gỗ và hoa tươi trong không gian thơm nhức mũi. Ánh chiều bảng lảng ở thị trấn nhỏ, văng vẳng tiếng chó sủa.
Cô nằm trên tấm ga giường bằng vải bông trắng sạch sẽ, nhắm mắt, nghe tiếng gió reo.

Trong phim lẽ ra không nên có nhạc. Nếu có, lúc nào cũng phải có. Ở mỗi một thời khắc không có lời thoại.

Hoặc trống vắng hoàn toàn, hoặc cứ lan tràn mãi. Tôi nghiêng theo trạng thái này. Nếu không có cực đoan sẽ không có điểm kết.

Cùng với tuổi tác dần tăng, đâm mê mẩn violon.

Piano chỉ thuộc về đám trẻ, vì nó quá rõ ràng. Không đủ hơi ấm.

Họ cùng ăn với nhau một bữa tối. Ở Long Hoa gần trung tâm Đại Lải.

Chủ tiệm cơm là một phụ nữ Việt Nam lấy chồng tận bên châu Âu. Hiển nhiên gia đình cô giàu có và được hưởng một nền giáo dục rất tốt ở nước ngoài. Trong tiệm bày biện đồ sứ, chậu hoa hồng, đài cắm nến, đèn bàn và ghế bành dài. Còn có cả thơ cổ Trung Quốc.

Tô mời cô đi ăn tối. Tô nói rất thích sữa chua và salad ngó sen ở đây. Hôm đó, họ đều mặc đồ màu trắng. Tô mặc quần áo bằng vải thô trắng, còn cô mặc lụa Việt Nam.

Những người phụ nữ thích mặc màu trắng, họ có lòng tự tin, bên cạnh như thể không người. Sự tự tin đó có thể do đã sở hữu những thứ mà nhiều người bình thường khác không tài nào chạm tới nổi. Cũng có thể đến từ chỗ chẳng có gì nhưng cũng không đeo đuổi gì. Tô đã trải qua vô số những cảnh xa hoa nhưng vẫn chỉ thích để chân trần, đi một đôi dép bện cỏ có lót đay. Tô có trái tim bình tĩnh.

Họ uống nước chanh lạnh. Cùng hút thuốc. Im lặng.

Trên con đường ngoài cửa có đám người huyên náo. Chợ đêm Đại Lải náo nhiệt tới mất ngủ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:08:55 | Xem tất
Phần 1 - Chương I (B) - Cô Gặp Tô Ở Hà Nội.


Bố đã 56 tuổi, mặc áo khoác rộng đứng trong đại sảnh sân bay. Nom ông béo và già đi. Máy bay của cô tới trễ, làm ông phải chờ ở đó gần hai tiếng đồng hồ. Đó là buổi trưa, ánh nắng phương Nam mang theo hơi ẩm ấm áp, khác hẳn cái lạnh khô phương Bắc. Bố đi ra từ một góc nhỏ và lạnh. Trên mặt nở nụ cười dịu dàng. Cô chỉ về nhà vào dịp Tết, ở lại hai, ba ngày. Nụ cười của bố. Vui sướng khi nhìn thấy cô. Lòng trắng trong mắt bố đục ngầu. Cô để ý tới lòng trắng trong mắt bố. Tim cô khẽ đập mạnh.

Cô lại nhớ lại cảnh này. Khi thấy ông, tim cô cũng đau thắt lại như vậy nhưng không thể nói gì. Chỉ có được một câu, Bố đợi lâu rồi phải không, rồi đi thẳng ra cửa. Bố đi theo sau. Do bệnh chân tái phát, đi lại khó khăn. Nhưng ông vẫn vui sướng như thế.

Họ không ôm nhau. Khi cô đang học trung học, nhà trường họp phụ huynh, chân của bố đã không thể leo lên nổi cầu thang. Cô có ý thức đỡ bố, nhưng bị ông đẩy ra. Ông không bao giờ muốn để lộ sự yếu ớt trước mặt cô.

Năm 17 tuổi, bố đưa cô đi du lịch. Họ đi Tô Châu. Trên xe lửa, bố đọc báo, hết trang này sang trang khác, kêu soạt soạt. Cô ngồi trước mặt ông, mặc đồng phục học sinh váy xanh áo trắng, nhìn ra ngoài cửa sổ. Dưới chân tháp, mỗi người tự chụp một tấm hình. Ở quán cơm nhỏ, bố gọi sườn và rau xanh, gắp sườn vào bát cô. Ông không biết phải làm thế nào mới giúp cô vui vẻ. Họ ăn trong im lặng. Tới đêm, cô ngủ trong căn phòng đơn tối tăm ở khách sạn, quay mặt vào tường khóc.

Rồi cô để ông lại thành phố cách cô rất xa, đem mình đặt vào một thành phố cách ông rất xa. Cuộc sống của cô là phiêu bạt tha hương. Hết thành phố này lại thành phố khác. Viết văn. Người lạ. Nguy hiểm. Không an toàn. Đàn ông. Giã từ. Còn có cả nỗi đau dài dằng dặc.

Họ không chuyện trò. Nỗi đau của họ như tấm gương soi vào nhau, thấy rõ đối phương. Thương xót cho nhau nhưng không thể giơ tay ra chạm tới. Không bao giờ kể lể. Cãi nhau, không hiểu nhau, lạnh nhạt, cố chấp. Chỉ có thể duy trì bằng cách như vậy. Chính như vậy. Có một số người. Họ yêu quý nhau như vậy. Tình yêu của họ cách trở hai bờ, chỉ có thể nhìn nhau, không thể sát gần.

Tô này, kiểu tình cảm như vậy, giống như bệnh chân của bố mình cùng những tàn phế bẩm sinh, tuổi càng lớn càng đau. Có lúc là nỗi ngượng ngùng, không thể đụng vào. Nỗi đau đớn đó. Phảng phất như định mệnh.

Họ tới rạp xem một bộ phim Hàn Quốc. Rạp duy nhất ở Đại Lải trên một quả núi, có một cái tên rất xa vời, được gọi là Một phần ba lại bốn. Hoặc là Một phần bốn lại ba. Cô không nhớ rõ. Chỉ nhớ trong rạp chiếu nóng bức và tối tăm đó, cô đã rớt nước mắt. Những giọt lệ chẳng liên quan tới bộ phim hài trên màn ảnh cũng như tới dúm khán giả ít ỏi trong cái rạp trống trải, cũng không liên quan tới Tô đang ngồi trầm lặng bên cạnh.

Trước đó rất lâu, cô cũng như vậy, rất dễ thoát ra cảnh thực bên mình, rơi vào sự tĩnh mịch mênh mang vô bờ. Do vậy, cô luôn luôn không nhớ nổi những người khác nói gì với mình. Cô chỉ nhớ dư vị và âm thanh đã đối diện trong một khoảnh khắc nào đó. Cô rất dễ mất tập trung.

Khi ra khỏi rạp, đèn đóm ở chợ đêm và đám người bên ngoài đang nhảy nhót. Khách sạn cao cấp kiểu Pháp lấp lánh ánh sáng. Gái gọi bên hồ đi giầy cao gót, im lặng chờ đợi. Tiệm tơ lụa bầy kín tơ và vải bốn phía. Bên con đường mấp mô, quán cà phê ngoài trời kín đầy nam thanh nữ tú bản xứ.
Tô đề nghị. Chúng mình ra chợ đi. Chợ rất nhiều hàng hoá, từ trà, hoa tươi tới đồ khô, dâu tây. Khắp nơi đều là người và rác. Những cơn sóng âm thanh lớn dồn lại thành nước hồ, ụp lên người không tài nào thở nổi. Oi bức. Bóng đêm. Mồ hôi. Âm thanh. Thuốc lá. Mùi. Da tay. Thực phẩm. Cánh hoa bị dẫm thành bùn nát.

Tô đi lên cầu, gập người xuống thành cầu để chụp cảnh đường phố người đông đúc. Hai bên là những kiến trúc cao lớn, cổ kính, cách nhau bởi một con đường có ánh đèn mờ soi toả. Tất cả đều là hàng quán vỉa hè và du khách. Hỗn loạn, bẩn thỉu, tệ nạn lan tràn. Tô trông rất hưng phấn. Chiếc máy ảnh trong tay cô liên tục loé lên những tia sáng chói mắt.

Tô ơi, hãy để cho chúng ta đi tới tận cùng của thế giới.

Nửa đêm, cô đáp máy bay từ Bắc Kinh về nhà. Trong điện thoại, mẹ nức nở kể bố lâm bệnh nặng. Chuyến bay của cô lại trễ giờ, đợi ở sân bay tới đêm khuya. Xuất phát cùng lúc còn có chuyến bay từ Bắc Kinh tới Đại Liên, một tiếng sau, chìm dưới đáy biển. 112 người chết. Hôm đó là ngày 7 tháng 5.
Trên máy bay, cô mệt và đói. Đã qua cái tuổi 25, vẫn một mình, không đem lại hôn nhân và cháu chắt cho bố. Không an ủi bố được chút nào. Cô muốn đưa ông về Bắc Kinh. Giữ lại bên mình. Chăm sóc ông. Co rúm người trên ghế, cô nhắm mắt. Nhìn thấy gương mặt vui mừng của bố ở sân bay. Nhưng cô biết, lần này bố cô sẽ không xuất hiện nữa. Ông đang bị bệnh. Nhìn thấy cô, ông sẽ mừng biết bao.

Chìm đắm trong giấc ngủ mơ màng. Nhìn thấy bố đưa cô đi mua quần áo. Bố nói với mẹ, Con gái học trung học rồi, phải mặc quần áo đẹp. Ông dắt cô ra phố, đi từng tiệm một. Đó là một ngày đông. Cô chọn hai chiếc áo khoác. Một chiếc áo khoác lông cừu có nút gỗ bọc tơ. Có cả khăn quàng nữa. Cô nhân viên bán hàng vừa giúp cô thay đồ, vừa nức nở khen bố cô, Sao lại có ông bố tốt thế nhỉ! Đúng là một ông bố tuyệt vời. Yêu con gái quá đi mất.
Bố ngồi trên cái ghế dài bên cạnh. Do đi lại nhiều, chân ông lại đau. Ông ngắm con gái thử quần áo. Ông không đưa cô đi xem phim, cũng chưa từng dắt cô đi ăn kem, chưa bao giờ ôm cô. Đó là một vài lần rất hiếm hoi họ ở bên nhau. Cô nhớ rất rõ. Chiếc áo lông cừu đó cô mặc đã gần tám năm. Rất thích. Mãi cho đến khi chỗ lông cừu bị thủng lỗ chỗ.

Khi vội vã tới bệnh viện đã hơn mười một giờ đêm. Giường bố đặt trên hành lang ngoài phòng trực. Cô nhìn thấy ông trước. Nhìn thấy cái đầu đầy những mạch máu căng to của ông, thấy ống dưỡng khí cắm trong miệng ông. Đầu như có chớp điện lướt qua, không nói nổi câu nào. Tất cả đều quá muộn. Cô biết không thể mang bố đi được nữa.

Mẹ nói, Xuất huyết não. Bảy giờ sáng nay, ăn sáng xong, vẫn chưa có việc gì, chỉ vừa đứng lên một cái. Đưa vào viện cấp cứu, sau khi lấy hết máu đọng, não vẫn liên tục chảy máu. Bác sĩ đành bó tay, nói, Kết quả vẫn như thế. Cô có hiểu không? Có rõ không? Cô đáp, Rõ. Cô vẫn kiên trì ép bác sĩ làm phẫu thuật lần hai. Mẹ khóc. Đừng bắt tội bố con nữa. Lại phải mổ đầu lần nữa, ông lấy làm sao chịu nổi? Cô ương bướng, Chúng ta vẫn phải làm. Nhất định phải làm. Cần thiết phải vậy.

Cô trải một tờ báo lên sàn xi măng ngoài phòng phẫu thuật, ngồi lên đó chờ đợi. Ngoài cửa đã đầy người chờ. Không khí đục ngầu, ngột ngạt. Cô dựa vào tường, im lặng, không ăn không uống, lặng lẽ rớt nước mắt. Đợi suốt chín tiếng đồng hồ. Cô không thể để bố chết. Cô phải mang ông đi.
Lần cãi nhau cuối cùng. Cô bỏ việc, tìm việc ở Thượng Hải. Cô muốn ra đi. Cô nói với bố, Con muốn rời khỏi căn nhà này. Con nhất đinh phải đi. Cô xúc động tới mức toàn thân run rẩy. Không ăn cơm, cả đêm mất ngủ. Bố im lặng. Không nói một câu, mặt đột nhiên xuất hiện rất nhiều nếp nhăn. Bất lực. Bi thương. Cũng giống như sau khi cô về nhà ăn Tết, lại muốn đi. Bố tiễn cô, vừa nhìn con, đợi cô vào hẳn khu vực kiểm tra, vẫn còn ngong ngóng. Vẫn nét mặt đó. Cô biết ông rất buồn. Hẳn ông lại ân hận tại sao để cô phải đi xa nghìn dặm như vậy.

Cô nói, Bố ơi, sau này bố tới Bắc Kinh sống cùng con. Con sẽ đưa bố đi khám bệnh. Chúng ta đi du lịch. Bố nói, Con cứ ổn định cho mình trước. Nhưng cũng cười vui sướng. Đôi mắt của bố, lòng trắng đã đục. Người đàn ông già nua. Nụ cười của ông như trong tấm hình đen trắng trước đây, vầng trán rộng, khoé miệng trong sáng. Đó là nội dung cuộc trò chuyện cuối cùng giữa họ.

Họ đi tới một dãy hàng ăn gần khu trung tâm. Người dân địa phương xếp đầy bàn ghế gỗ thâm thấp, bày bán rất nhiều đồ ăn: ngô nướng bằng than, thơm phức, có chỗ hơi cháy. Từng tô lớn ốc và vỏ ốc, nấu cùng rau xanh và gừng, 10.000 đồng Việt Nam một đĩa. Uống cùng bia. Đầy thùng sữa đậu nành tươi và nước luộc ngô, cho thêm chút đường trắng. Hột vịt lộn còn nguyên hình hài, luộc xong dùng thìa múc ra ăn, thấy rõ tim gan và da thịt. Cơm trắng với thịt bò, tôm tươi và rau xanh. Các bà mẹ trẻ mang theo con đi bán hàng. Phụ nữ Việt Nam đều thực thà và chăm chỉ. Trên bậc thềm bên quảng trường có người ăn mày trùm bao tải lên ngủ. Cô gái bán đồ thủ công trên vỉa hè đang hút thuốc.

Họ ngồi xuống, gọi hai đĩa ốc không rõ tên. Gió mát từ xa thổi tới, đập lên tấm vải căng lên nóc lều loạt soạt. Đêm trên núi cao, bắt đầu thấy hơi lạnh trong gió. Họ uống rượu. Hút thuốc lá địa phương Việt Nam.

Tô hỏi: Cậu thấy bất an phải không?

Cô nói, Chỗ này toàn người địa phương, khách Tây rất ít. Họ không tới đây. Họ không tới những nơi nguy hiểm.

Tô nói, Cậu không có thói quen gần gũi với người khác. Có lẽ họ quá gần cậu.

Cô nói, Mình không biết.

Cậu đi ra ngoài không bao giờ trò chuyện với người khác sao?

Mình không biết nên bắt đầu ra sao... Cậu có để ý đám con gái Nhật đi du lịch một mình không? Bọn họ cũng luôn im lặng, nom rất nghiêm trang. Người phương Đông luôn có thói quen thu lại tình cảm của mình.

Trước đây mình có đọc được ba câu, nói như thế này. Khi làm việc, không nhớ tới báo thù. Khi yêu, không nhớ nổi những tổn thương đã qua. Khi khiêu vũ, không biết đến sự tồn tại của người khác.

Cậu có làm được như vậy không?

Mình đã không làm việc trong suốt một thời gian dài. Cũng suốt một thời gian dài không yêu và khiêu vũ. Cô đáp.

Vậy cậu làm gì?

Đi. Chỉ đi thôi. Đi trong im lặng.

Cảnh trong phim như thế này: một thị trấn nhỏ tha hương trên úi cao, hai người phụ nữ xa lạ tình cờ gặp nhau, ngồi trong một dãy hàng ăn đầy âm thanh huyên náo và ánh đèn vàng vọt. Bên cạnh hơi nóng của thức ăn, trẻ con, phụ nữ, những cành hồng dài ngoẵng sắp khô héo. Điếu thuốc trong tay người phụ nữ. Vỏ bia rỗng. Gió lớn rú rít và âm thanh tiếng Việt.

Họ đi du lịch một mình. Mỗi người đều có lịch sử và quá khứ, không nhắc tới bao giờ, cũng giống như những kẻ du hành tỉnh táo nhưng tỏ ra trĩu nặng. Một người phụ nữ rớt nước mắt trong rạp chiếu bóng tối tăm và oi bức. Một phụ nữ khác khom mình trên cầu chụp xuống cảnh phiên chợ hỗn loạn bẩn thỉu. Họ đều im lặng. Những lời than thở biến thành ánh nắng lấp lánh giữa đôi môi. Xuyên qua một rừng cây rậm rạp, âm u.

Ngôn ngữ cuối cùng lại là thứ cấm kị. Bị quên lãng, bị kìm chế, bị đè nén. Chúng ta trò chuyện với chính mình hoặc với người xa lạ. Ngôn ngữ không tài nào vượt qua nổi rào cản thời gian. Chỉ có đau khổ mới đủ sức vượt qua mọi thứ vĩnh hằng.

Vào cái đêm trước khi bố mất, cô ngồi bên ông mãi tới khuya. Phía đầu hành lang có một cửa sổ, có thể thấy nước mưa xối xả ụp xuống. Đêm khuya vẫn có bệnh nhân cấp cứu, là một người đàn ông bị xe tải đâm phải. Đầu anh ta chảy máu, nhưng khắp người nom vẫn còn nguyên vẹn> Bác sĩ nhanh chóng chụp ống dưỡng khí lên mặt anh, tiến hành truyền dịch. Chiếc băng ca chở anh đặt ngay gần giường bố. Một chân anh ta không thấy giày.

Chỉ như vậy, cô muốn nhìn thấy anh thở hổn hển. Ra sức thở, như muốn xé tung lá phổi trong lồng ngực. Như thể muốn lôi linh hồn trong đó ra giải thoát. Trong hành lang tĩnh mịch, ngoài tiếng mưa rơi, chỉ còn tiếng thở đó, lúc lên lúc xuống như theo quy luật.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:13:58 | Xem tất
Phần 1 - Chương I (c) - Năm Phút Sau, Anh Ta Được Phủ Khăn Trắng.


Lúc đó bố vẫn đang còn. Hơi thở của ông vẫn mạnh, đầu ống dưỡng khí trong miệng vẫn động đậy. Cô bắt đầu có cảm giác có lẽ bố sẽ không thể mở mắt ra lần nữa. Cô đứng bên giường ông. Họ cách nhau mong manh giữa sự sống và cái chết. Ông phải để cô lại một mình. Kế hoạch mà cô tự vạch ra bỗng trống trơn hết thảy. Cứ ngỡ còn thời gian chuộc lỗi và bù đắp, nào ngờ như dòng nước trôi, cứ trơn tuột qua kẽ tay, biến mất. Không bao giờ còn nữa.

Cô còn nhớ đã quỳ gối trên sàn xi măng cạnh giường bệnh của bố. Trong hành lang tĩnh mịch giữa đêm khuyên, vùi đầu vào đống chăn chiếu mà cầu xin. Thần thánh ơi, xin các ngài hãy độ lượng tha thứ cho tội lỗi của con. Cô nghe thấy tiếng mình, mơ hồ và nặng nề, xuyên qua trần ải.

Con người đáng thương. Đáng thương thay. Trên cái thế giới này, chúng ta đê tiện, yếu ớt, giẫy giụa như vậy.

Ngoại trừ phục tùng số mệnh ra, chúng ta đành bất lực.

Tô này, mọi thứ mà chúng ta bỏ ra không bao giờ chuộc lỗi nổi.

Cô ngước nhìn Tô. Mắt cô rất sáng, ươn ướt, như thể nước mắt luôn lấp loé. Cô đề nghị, Chúng mình kêu thêm một đĩa ốc xào đi. Chỉ cần cậu không sợ đau bụng.

Không sao. Tớ có mang thuốc theo. Tô đáp. Nếu chúng mình sợ quá nhiều, sẽ có rất nhiều thứ không thể nào vượt qua được. Một nhiếp ảnh gia người Mỹ, Joel Peter Witkin, từ nhỏ sinh trưởng trong một khu dân cư nghèo ở New York. Năm lên sáu, được tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi, đầu một đứa bé gái bị nghiến rời, lăn tới chân cậu bé. Ấn tượng ấu thơ đó đã tác động tới sáng tác của ông sau này. Tất cả các tác phẩm của ông đều tìm kiếm bạo lực, đau khổ, cái chết, ám chỉ con người kỳ dị hoặc bệnh tật của nhân loại. Có phóng viên hỏi ông tại sao không muốn chụp những thứ trong sáng, có phải cảm thấy như vậy sẽ dung tục không? Ông đáp, những thứ thoải mái mát mắt rất dễ làm, nhưng giống như việc dùng máy chụp hình tự động, tôi không thể nào thoả mãn được. Các tác phẩm của tôi có nhu cầu hướng về ánh sáng, nhưng trước tiên phải trải qua bóng tối.

Tớ rất thích câu nói này. Tô nói. Tớ cũng là một nhà nhiếp ảnh, nhưng tớ không chụp những tấm hình như kiểu Joel. Tớ không chụp những người đàn ông tự tử bằng tin hoàn, những con chó chết đầy quả dại trong vết thương, những người sống què quặt, những chiếc đầu lâu thần chết đang hôn nhau. Thời gian xuyên qua tối tăm nếu quá dài sẽ khiến chúng ta thấy lạnh lẽo.

Cậu luôn muốn chụp những gì?

Biển. Ngoài biển ra, vẫn là biển mà thôi.

Họ nói, từ Huế tới Hội An, giữa chặng đường đi có qua Lăng Cô. Và đoạn từ Lăng Cô tới Hội An thuộc về một trong năm mươi địa danh cần phải đi trong cuộc đời.

Xe chạy ngoằn ngoèo quanh con đường núi. Ở một đầu bên núi cao chính là bãi biển tĩnh mịch bao la xanh ngăn ngắt. Trời nắng nhạt, mặt biển sẫm màu như địa ngục. Sọi bóng những dãy núi nhấp nhô. Càng tới đỉnh núi, thời tiết càng ẩm ướt lạnh giá. Từng đám mây lớn trùm lên núi. Khi chiếc xe xuyên qua núi, sương mù ụp xuống. Bãi biển. Núi cao. Từng tầng mây trên đỉnh núi. Rừng cây xanh thẫm. Làng chài. Ánh nắng trên biển.

Chuyến du lịch Việt Nam thực ra là cuộc hành trình rong ruổi dọc đường biển. Men theo biển. Từ Bắc tới Nam.

Tô nói, Đó là thứ rất gần với tinh thần chúng ta. Hoặc nói theo cách khác, chúng ta phải luôn sống trong đó.

Đêm cuối cùng. Mọi máy móc xung quanh bố đều ngừng hoạt động. Do nước tràn vào não, đầu bố sưng to khác hẳn người thường. Tấm lưới trắng chụp trên đầu quá chật, đứt bung từng sợi. Phía trái còn sợi chỉ khâu lúc phẫu thuật, giờ đã bị máu nhuộm thành đen. Phẫu thuật làm tổn thương tới thần kinh khiến da mắt trái của ông biến thành màu xanh tím. Miệng vẫn cắm ống dưỡng khí. Khi cô y tá dứt miếng băng keo dính ống dưỡng khí ra, môi ông bỗng trắng nhợt.

Bác sĩ trực ban đo điện tâm đồ cho ông. Trên mảnh giấy trắng nhỏ hẹp chỉ thấy một đường vạch ngang. Đó là xác nhận của bệnh viện rằng đã chết.
Cô cứ đứng một bên, giơ tay ra, đỡ lấy cằm bố, cố khép đôi môi ông lại. Phần da mà lòng bàn tay chạm vào vẫn mềm mại, hơi lún phún râu. Nỗi cô độc sâu thăm thẳm bao trùm lấy cô trong tích tắc. Cô nghe thấy tiếng bác sĩ trực và y tá đang trò chuyện,cười đùa. Bệnh nhân ở phòng bên đang cãi nhau và khóc lóc. Một người phụ nữ nông thôn sau khi phẫu thuật không chịu nổi đau đớn, cứ chửi hết những người thân bên cạnh. Trong không khí có hơi ẩm của nước mưa và bụi bẩn. Nhưng âm thanh mà cô nghe thấy được và duy nhất rõ ràng là, Bé con, sờ vào râu của bố này. Một trưa hè hồi nhỏ, bố cho cô leo lên người ông, sờ vào cằm ông. Những sợi râu xanh cứng ngăn ngắn, cọ vào lòng bàn tay ngưa ngứa. Lúc đó họ còn ở nhà cũ, trên sàn gỗ trải chiếu. Bố còn là một người đàn ông trẻ trung, sạch sẽ và tuấn tú.

Đó là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất họ đã từng đem lại niềm vui và nỗi niềm an ủi cho nhau. Cô lớn rất nhanh, biến thành một cô gái ương bướng. Còn bố rất nhanh chóng trở nên trầm lặng, ít nói bởi gánh nặng và công việc vất vả.

Bên cạnh là một đống người đang khóc than. Cô mặc quần áo mới cho bố. Cơ thể bố nặng trịch rất nhanh. Nhưng người vẫn còn ấm. Cô tháo chiếc khăn trùm đầu vẫn quàng quanh cổ phủ lên bụng bố. Cô hy vọng bố ra đi với bộ quần áo mà ông ưa thích, nhưng họ lại mua về bộ đồ mới. Nhân viên nhà xác đặt bố lên xe đẩy. Đẩy ra hành lang, đẩy vào thang máy, đẩy khỏi cổng lớn, đẩy trên con đường xi măng dưới trời mưa, đẩy qua công trình đang xây dựng bụi bay mù mịt. Cuối cùng đẩy vào một khu nhà cũ nát phía sau bệnh viện. Cùng với độ xóc của chiếc xe, xác bố lắc lư không nguôi. Cô đỡ đầu bố, sợ ông ngã lăn xuống do quá nặng. Xem ra bố chẳng có chỗ dựa nào hết.

Nhà xác trống trơn như cái nhà kho. Bên trong có một khoang lạnh lẽo, dùng để đốt đồ tế. Có chiếc bàn cũ để bày đồ cúng và một dãy ghế dài trống trải. Họ đặt bố lên cái kệ xi măng. Trên tường có hai chiếc quạt thông gió chuyển động chậm chạp. Nước mưa rơi xuống, phát ra những tiếng tách tách. Cửa ra vào có lỗ thủng, gió lạnh ẩm ướt tràn vào, có thể nhìn thấy rõ những chiếc lá cây bóng láng do được nước mưa rửa sạch sẽ và con đường nhựa trong đêm khuya đang dần trầm lặng.

Tất cả đã có thể kết thúc rồi.

Họ uống hết chai rượu cuối cùng. Trên đất vương vãi đầy mẩu thuốc lá. Tô nói, Để tớ đưa cậu đi xem nhà thờ. Đại Lải có một nhà thờ Thiên chúa giáo xây dựng từ năm 1931. Cậu sẽ hiếm có cơ hội ngắm nhìn nhà thờ trên đỉnh núi.

Cô mua một chiếc bắp nướng. Bẻ làm đôi, đưa cho Tô một nửa. Bắp bốc hơi nóng thơm nức, nhấm vào giữa môi, mềm và nóng. Cô nhấm từng hột một như hồi bé. Lòng hưng hửng. Một niềm vui đơn giản, rất bình dân. Tô khoác vai cô. Cô ấy cũng vui. Nhưng cả hai đều là người không biết phải diễn đạt niềm vui ra sao. Thế là chỉ biết hối hả đi trên con đường lên núi đã tối.

Cô chợt nhớ ra, rất lâu rồi không hề có bạn. Không có một ai thân thiết.

Tô này, mình chưa bao giờ có thể ngỡ rằng lần ở bên nhau lâu nhất, bình tĩnh nhất giữa hai bố con lại là lúc trong nhà xác lạnh lẽo của bệnh viện.
Lúc đêm khuya, chỉ có hai người, mình và bố. Mỗi lần đến đúng giờ, một giờ, hai giờ, ba giờ... mình lại nhỏm lậy dập đầu trước ông. Vì theo cách nói của tập quán, bố đã đi rồi, càng đi càng xa dần. Ông muốn ăn, muốn uống, muốn mang theo ít tiền đi đường. Thế là mình không ngớt đốt giấy tiền, thắp thêm nhang và rập đầu trước bố giã biệt.

Hai bố con cứ ở bên nhau êm ả như vậy. Trên người bố đắp cái vỏ chăn. Nom ông giống như một đứa trẻ. Một đứa trẻ ngoan, trầm lặng, bị bỏ quên trong đêm tối. Một đứa trẻ cô đơn. Mình đứng bên cạnh, vuốt ve người bố. Bờ vai, lồng ngực, tay, bàn chân, cái đùi bị thương tật, cái đầu khâu chỉ còn dính máu tươi. Mình lại vuốt ve gương mặt bố. Vầng trán, cái mũi, đôi mắt, bờ môi, cái cằm. Còn khung xương, phần da thịt, khuôn mặt vẫn tinh tường như thế. Chỉ tội không còn hơi ấm. Bố nặng nề như thế, lạnh lẽo như thế.

Lúc trời tang tảng sáng cũng là lúc sắp chia tay. Có lẽ bố đã đi tới bờ bên kia rồi. Những lưu luyến tiễn biệt giữa chúng ta cũng sắp kết thúc. Mình vuốt ve bố hết lần này tới lần khác. Ôm chặt bố, áp đầu lên trái tim bố. Cách một lượt vải trắng nhưng mình vẫn cảm nhận rõ hơi lạnh từ người bố dần toả ra. Đó là vật chứng bố dành tặng cho tình cảm của mình. Một cái xác. Ông trời đã đòi bố về. Người đàn ông duy nhất quan tâm tới mình, không bỏ rơi mình. Người đàn ông đã cho mình máu thịt. Người đàn ông đã từng bế mình chạy tới bệnh viện lúc canh khuya mỗi khi mình ốm sốt. Người đàn ông dắt tay mình đến trường. Người đàn ông bị mình bỏ rơi ở quê nhà đi nghìn dặm. Người đàn ông cô độc, làm việc lam lũ. Người đàn ông mà mình chưa từng báo đáp và an ủi. Bố đã bị gọi về. Chúng mình không còn lạnh nhạt và cố chấp nhau nữa. Không còn gặp gỡ và giã biệt nữa. Bố đã chết rồi.
Mình không nỡ như vậy, Tô ạ.

Mình không thể làm được gì, Tô ạ.

Một phần của thể xác mình đã chết. Không bao giờ được đáp lại nữa. Tô ơi, khi bầu trời bên ngoài bắt đầu sáng, mình thấy cả thành phố biến thành một cái túi đựng ẩm ướt hơi xanh lam. Trống trơn. Chẳng có gì cả. Một ngày mới ngay cận kề trước mắt. Mình thấy cô độc quá.

Tô ơi, cậu có biết nỗi cô độc của riêng một người như thế nào không? Có nghĩa là tất cả mọi người xung quanh đều không có liên quan gì tới cậu cả. Tất cả mọi người đều biến mất.

Thế là mình chỉ có thể khóc.

Nhà thờ trong đêm. Chữ thập trên nóc nhà thờ trong đêm tối như một ngôi sao. Họ đẩy cánh cửa sắt, bước lên bậc tam cấp lớn bằng xi măng. Gió lớn lướt qua. Tô nói, trong nhà thờ có thuỷ tinh màu khắc hình Chúa và Đức mẹ. Nóc nhà rất cao, ánh nắng rọi vào như con đường mở ra từ thiên đường. Ban ngày tớ đã chụp hình ở đây.

Tô hỏi cô, Cậu có tin Thượng đế không?

Cô đáp, Mình tin vào số kiếp. Tin vào cái quyền lực to lớn khống chế chúng ta. Cái quyền lực không bao giờ cho phép chúng ta kháng cự và chạy trốn.
Tô nói, Hãy nghe âm thanh trong đêm. Cậu nghe thấy những gì?

Cô đứng lặng trên bậc thềm. Đưa tay ra chạm phải ngón tay của Tô. Họ nắm tay nhau.

Tô nói, Tớ chỉ có thể nghe thấy tiếng biển. Hồi nhỏ, mẹ tớ mở một tiệm tạp hoá ở một thị trấn nhỏ. Tớ ngủ ở gian quầy bên ngoài, mẹ và bố dượng ngủ gian trong. Sau đó, tớ vào thành phố, sống trong một căn hộ độc thân, đêm khuya dậy nấu mì gói. Mệt tới mức không tài nào tắm nổi, ngã lăn ra giường. Nhưng tớ chỉ luôn nghe thấy âm thanh của biển cả.

Cậu chưa từng gặp mặt bố đẻ sao?

Ông đã chết trước khi tớ kịp ra đời. Toàn sống với mẹ và bố dượng thôi. Đối với tớ, khái niệm về bố đã không còn tồn tại nữa.

Vì thế cậu vĩnh viễn không nhớ tới bố.

Ừ. Vĩnh viễn.

Trong gian hoả táng, cô nhìn thấy bố được đẩy vào lò hoả táng. Cô đứng trong gian phòng rất lớn vọng âm, khắp sàn đầy vụn phấn khô. Nhân viên hoả táng nói với cô, Đây là nơi mà mỗi chúng ta đều phải đến. Nơi cuối cùng. Đi đi. Không nên đứng ở đây quá lâu.

Gương mặt bố trước khi bị đẩy vào nom rất xa lạ. Mặt đã được trang điểm và thoa một ít son để nom được hồng hào. Trên khuôn mặt bố đã không còn dấu ấn trong ký ức của cô. Cô tin rằng ông đã đi rất xa. Đi xa mãi xa mãi. Ông không ở đây. Thứ mà người ta sắp đốt chỉ là một cái xác mà thôi.

Trên sàn đất trống đầy xác pháo, cô thấy khói đen nồng phụt ra từ ống khói lớn. Khói đen xoay tròn trên khoảng không xám, rồi dần tan ra, mãi cho tới khi tan biến hết.

Lúc nhận tro ở ô cửa, cô cảm nhận được hơi nóng trên tay. Cô lấy phong bì đựng một ít tro, chuẩn bị mang về Bắc Kinh. Vật chứng. Cô cần phải giữ lại vật chứng của tình cảm. Không thể để tay trắng.

Theo phong tục, phải đem lọ tro nhập mộ trước mười hai giờ trưa. Lúc xe đi qua thôn, mẹ gọi điện dặn, Đây là nơi bố con đã dạy học rất nhiều năm, trên đường phải đốt pháo nhé. Mưa lớn. Bên đường đã có người dân đứng giương dù, khênh sẵn vòng hoa đứng đợi. Bố đã từng dạy tiểu học và sống hết thời thanh xuân tươi trẻ ở cái thôn nhỏ hẻo lánh nhưng đẹp đẽ này. Tốt nghiệp trung học, không có cơ hội vào đại học vì khi cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, bố bị ép xuống nông thôn. Khi ông quay về thành phố, thực sự bắt đầu lập nghiệp đã quá tuổi ba mươi.

Không ai có thể lựa chọn cuộc sống cho mình. Cậu cũng biết đấy.

Xe dừng ở bên đường. Men theo con đường ruộng đầy bùn, từng đoàn người nối dài. Ruộng và dãy núi bát ngát đều ngập chìm trong màn mưa giăng giăng. Mưa nặng hạt quá, cô cởi chiếc áo khoác ngoài, bọc lấy lọ tro của bố. Ôm lọ tro vào ngực, sao mà nặng đến vậy. Cô thấy mình dường như đang gắng sức nâng cả trọng lượng của bố. Một đống trọng lượng màu xám trắng.

Một loạt các nghi lễ. Ở nông thôn, tang lễ đã mang ý nghĩa tôn giáo rất thần thánh. Mỗi một phong tục đều được dùng để an ủi vết thương người còn sống, không tự nguyện thừa nhận sự ra đi của người chết. Giống như khi xe tang tới đón thi hài bố, họ nói với cô rằng nhớ rắc tiền vàng trên đường đi, coi như tiền mua đường. Lúc qua cầu, phải nói rõ với bố là qua cầu rồi. Nén nhang trong tay không được tắt, phải liên tục thắp, liên tục thắp. Phảng phất như linh hồn bố đang ngự trị trên đốm lửa đầu nén nhang mỏng manh. Nhưng cô tận mắt nhìn thấy họ dùng một tấm vải bọc thi thể bố lại, thắt nút, rồi đút vào phần trống bên dưới của chiếc xe tang màu trắng. Bố bị bọc tròn như một cái thân cây.

Lúc 11 giờ 48 phút, lọ tro của bố đã hạ huyệt. Những thứ bố vẫn dùng thường ngày như bút, cặp sách, lược, áo len lông cừu mà cô mua cho bố, những cuốn sách của cô đã xuất bản cũng được đặt chung vào đó. Bố chỉ có thể mang theo những thứ này. Trên đám đất bùn trong nước mưa cắm đầy nhang vừa đốt. Họ bắt đầu đốt một đống tiền giấy và những vật dụng khá của bố. Lửa kêu vang trong gió. Mưa đột nhiên thưa hẳn.

Trên đường về nhà, xe phải chờ qua phà. Chờ rất lâu. Cô ngủ thiếp đi. Mơ rất rối rắm và kỳ quái. Trong mơ, thấy một cây ăn quả, trên cây có quả lê được buộc sẵn bằng dây thừng. Từng quả một cứ được buộc sẵn ở đó, dài lòng thòng. Đó là một vườn cây ăn quả trống trơn. Không nhìn thấy tận đầu. Núi xanh mịt mùng. Trên con đường ruộng nhỏ hẹp hoang vắng, một người đàn ông đi tới. Quay lại cười với cô. Gương mặt hoan hỉ. Nụ cười rạng rỡ.
Cô chợt tỉnh, phát hiện thấy toàn thân đang run rẩy, không tài nào khống chế nổi. Cô giơ tay ra, nhìn vân tay. Những ngón tay của cô co quắp như muốn khép lại.

Ngoài cửa là hoàng hôn thành phố. Cũng lặng phắc như bao ngày. Từng tầng mây bên trời màu hoa hồng xám. Người đi trên đường nét mặt thản nhiên. Cuộc sống vẫn diễn ra như vậy. Người chết biến mất rồi. Thời gian cấp tốc phủ bằng tất cả. Giống như nước biển phủ kín mọi chỗ lõm trên địa cầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:16:28 | Xem tất
Phần 1 - Chương I (D)


Tô này, mình biết chết là một việc rất bình thường như thế. Trên thế giới này mỗi ngày đều có vô số người qua đời. Bệnh tật, tai nạn, mưu sát, chiến tranh, tử hình, nghèo đói, ngu dốt, tự sát... Tính mạng y hệt cỏ dại, hừng hực nhưng hèn mọn.

Chúng ta chẳng bao giờ xót thương cho nỗi đau của kẻ khác. Bởi vậy thế giới của chúng ta luôn tối tăm và đau khổ. Địa cầu chỉ là một quả bóng màu xanh cô độc, chuyển động rất yếu ớt. Không ai biết khi nào nó dừng lại. Con người bị tước bỏ hết mọi sức mạnh. Chúng ta chỉ có phút giây ngọt ngào ngắn ngủi của cuộc đời: lễ tết, yêu thương, hơi ấm, chuyện cũ, xác thịt... Chúng ta sinh tồn vì chúng. Cứ mù quáng như vậy nhưng không hề hay biết.
Chúng ta phải tận tay tiễn người yêu thương. Nhìn ông hoá thành một đống tro tàn. Chính chúng ta sau này cũng như vậy.

Tô này, nếu chúng ta còn biết xót thương. Chúng ta phải trĩu nặng ra sao, phải ôm nhau như thế nào. Ai có thể tới mách bảo chúng ta làm thế nào để vượt qua nỗi tuyệt vọng dài dằng dặc, dằng dặc...

Họ rời nhà thờ. Trên bầu trời xanh sẫm xuất hiện những đám sao sáng lạ thường. Gần tới mức có thể nhìn thấy được ánh sáng nhảy nhót. Trong những căn nhà dân xa xa có ánh đèn lấp loé. Đèn đường soi sáng con đường núi. Trên bậc thềm của nhà nghỉ bên cạnh có chàng trai trẻ ngồi một mình trong bóng tối, đang uống bia lon. Họ men theo con đường lớn nhấp nhô cao cao, đi về phía Hồ Xuân Hương, quay trở lại khu trung tâm.

Trời gần sáng, mọi người trên bãi đất dần tản hết, chỉ còn lại một đống rác rưởi và hoang giá sau những ồn ào. Tô rút máy ảnh. Cô dùng đèn flash. Rất thích dùng nó và giải thích rằng thứ ánh sáng chói mắt này giúp cảm nhận mạnh mẽ hơn về sự ngưng đọng của thời gian.

Tô chụp những cây hồng khô quắt vương vãi trên đất, người ăn xin đang ngủ say, những cô cave ngồi trong bóng tối, thần sắc nom mệt mỏi và lạnh lùng, những bức tường cũ kỹ dưới ánh đèn ảm đạm.

Cô đứng bên cạnh, châm một điếu thuốc.

Bắt đầu dọn dẹp những kỷ vật của bố.

Rất nhiều hình.

Bố năm 15 tuổi, đứng bên bờ ngoại ô ở Thượng Hải. Cậu thiếu niên sớm từng trải, gương mặt rắn rỏi, kiên cường. Hoàn cảnh gia đình lúc đó đã bắt đầu sa sút. Cậu là con trai trưởng trong nhà.

20 tuổi, xuống nông thôn. Sống cùng lũ trẻ trong một thôn nhỏ bên núi hẻo lánh.

27 tuổi, lấy mẹ. Hai người chụp hình lưu niệm tại Tây Hồ ở Hàng Châu. Mặc bộ đồ Trung Sơn màu đen. Bên cạnh là một cô gái xinh đẹp tóc thắt bím mắt đen láy. Mặt hai người phảng phất buồn. Đã sống bên nhau gần ba mươi năm.

30 tuổi, quay về thành phố. Đi làm. Bỏ cơ quan nhà nước, lập công ty riêng. Lăn lộn trên chục năm. Rất nhiều tấm hình chụp ở các bến xe của nhiều thành phố trong nước. Gầy gò nhưng tuấn tú, mắt vẫn rực sáng.

40 tuổi, trải qua những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông nội mất, dần lộ rõ nỗi cô đơn. Thần sắc mệt mỏi.

50 tuổi, công ty lại mở rộng. Người đàn ông bệnh tật và béo phì. Đứng dưới ánh nắng trong công viên. Bên cạnh là vợ và con gái về nhà ăn Tết. Cô độc và lý tưởng, áp lực và tình cảm, trắc trở và trí tuệ, bận rộn và trách nhiệm. Luôn bầu bạn suốt chặng đường.

56 tuổi, xuất huyết não. Qua đời.

...

Còn có một đống đồ cũ: sách cũ, báo cũ, tạp chí cũ, hình cũ. Tài liệu đủ loại. Hoá đơn, bằng cấp, vé tàu xe của hơn ba mươi năm trước.

Có một lá thư lớn bằng giấy da trâu đã ngả vàng. Bóc ra, bên trong là một cái yếm cô mặc hồi nhỏ do bà nội tự làm, giờ đã bạt màu. Hóa đơn học phí nhập học cấp một, bảng báo cáo thành tích, nhật ký viết nghiêng ngả, cứ thế cho tới tận lá thư giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, những ghi chép bồi dưỡng nghiệp vụ khi đi làm... Tất cả những thứ mà chính cô đã không còn nhớ nổi hoặc vứt đi đã lâu đều được bố thu cất lại.

Két bảo hiểm trong ngân h àng. Kéo ra. Bên trong không hề có một tờ ngân phiếu hoặc sổ tiết kiệm nào, chỉ có một đống hóa đơn cũ, tất cả đều là hóa đơn rút tiền. Bố đã lấy toàn bộ số tiền mà ông có để đầu tư mở rộng công ty. Không để lại một đồng. Có một tập hình, một phụ nữ lạ. Hẳn phải là người ông đã từng yêu. Còn có một giấy gói. Bên trong là một nhúm tóc tơ đen nháy. Là tóc cô hồi bé.

Hết. Đó chính là những cất giữ bí mật nhất của bố. Chưa bao giờ tiết lộ với bất kỳ ai.

Tình cảm của bố sâu sắc và khép kín như vậy. Rơi vào trong trĩu nặng của đám đồ cũ, chuyện cũ. Không bao giờ kể ra. Do không có thói quen, và cũng không tìm được cách. Vì vậy không thổ lộ. Chưa bao giờ bày tỏ.

Cô nhìn mẹ đứng bên cạnh. Cô nói, Mẹ ơi, bố đã đi rồi. Đừng có chấp nhất. Mẹ cúi đầu. Bố và mẹ là những người lương thiện như thế. Những người lương thiện sống bên nhau không thể bảo đảm được hạnh phúc. Mỗi người đều có nỗi cô độc riêng. Không thể sát gần nhau.

Tới lúc phân ly, thậm chí cũng không kịp nói câu giã biệt.

Tối đó, cô nắm mớ tóc tơ bé bỏng của mình trong lòng bàn tay, bên cạnh đặt chiếc yếm vải lỗ chỗ. Cảm giác nhẹ nhõm sau khi kiệt sức, cuối cùng cũng ngủ thiếp đi. Bé con. Cô nghe thấy tiếng bố gọi. Không sửa được, hơn 25 tuổi rồi vẫn gọi như vậy. Cách gọi âu yếm của người Giang Nam với trẻ nhỏ. Cô là cục cưng trong tay ông. Chỉ có điều không ai chịu nói mà thôi. Trong mơ, cô thấy mình đang soi gương. Mớ tóc dài rậm đen nháy cứ rụng xuống. Tất cả đều rụng hết.

Mình rất muốn nói lời giã biệt, Tô ạ. Chỉ một lời thôi.

Tạm biệt thời gian.

Tạm biệt tình yêu của tôi.

Trong bóng tối, tất cả cửa sổ trong phòng đều mở toang. Gió lớn rít qua. Gió ồ ạt bốn phương tám hướng.

Đó là trong khách sạn nhỏ của cô. Cô và Tô cùng nằm trên chiếc giường lớn phủ ga trắng. Cô co quắp người, tư thế của một hài nhi trong bụng mẹ. Tô ôm lấy cô từ phía sau. Cơ thể ấm nóng của Tô cận kề bên cô. Bàn tay của Tô, những ngón tay mềm mại, vuốt ve bờ vai gầy và đầu gối của cô, từng tí một, giúp chúng duỗi thẳng.

Tớ đang ôm cậu đấy. Có thấy không?

Ừ. Cậu đang ôm mình.

Tớ chẳng có cách nào làm tình với cậu được. Nhưng tớ yêu cậu.

Mình cũng yêu cậu, Tô ạ.

Đừng sợ.

Không. Mình không sợ.

Chúng ta yêu nhau. Tuyệt biết bao.

...

...

Chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống. Mới có thể sống. Sống tiếp.

Nó xuyên qua đau khổ, đem lại an ủi. Nó ấm áp. Rất đơn giản.

Tô kể, Năm tớ lên 7, có một người đàn ông đi qua thị trấn, bước vào tiệm tạp hóa nhà tớ, mua một bao thuốc. Tớ đứng bên quầy. Anh ta khoác một chiếc ba lô nặng trịch, mặc một cái áo vải thô màu vàng nhạt. Anh ta hỏi thăm đường tới vịnh Phổ. Tớ chỉ đường. Rồi anh ta hỏi, Cô bé có muốn đi cùng tôi không? Mình đáp, Có. Thế là chúng mình cùng đi.

Đó là lần đầu mình nhìn thấy biển. Tụi mình ở đó một đêm. Ngắm biển suốt đêm. Anh ta là một nhà nhiếp ảnh. Tớ không biết anh ta từ phương Bắc xa xôi tới. Anh ta chụp ảnh cho một tạp chí. Anh ta dạy tớ ngắm biển qua ống kính máy ảnh. Anh ta hỏi, Nhìn thấy chưa? Tất cả thời gian đều chạy về phía trước, nhưng chỉ cần cô bé khẽ bấm một cái, tách. Nó sẽ tự nguyện dừng lại cho em đấy.

Nửa đêm, trời đổ mưa. Trong căn phòng khách sạn trên núi cạnh bờ biển, anh ta vuốt ve tớ. Chưa bao giờ có ai vuốt ve tớ nồng ấm như thế, từ đầu tới chân. Những ngón tay của anh ta như nước chảy, không một tiếng động, cũng không để lại dấu vết. Ít nhất anh ta cũng phải gần 30 tuổi. Tớ thích cái mùi của anh ta, làn da nóng bỏng của anh ta, ngón tay của anh ta. Chúng tớ ôm siết lấy nhau. Anh ta ôm tớ suốt đêm.

Anh ta không nói gì chăng?

Không. Anh ta không nói gì. Như thể cố hết sức. Anh ta muốn cho tớ không phải là dục vọng của mình, cũng không phải là nỗi tuyệt vọng. Anh ta yêu mình, giống như thích ngắm biển lúc bình minh, như yêu đoá hoa dành dành nở ngoài khách sạn, như yêu mỗi đêm đi rồi lại đến.

Ngày thứ hai, anh ta rời khỏi thị trấn. Để lại cho tớ một tấm hình.

Trên đó có gì?

Hình khoả thân của tớ. Hoa dành dành. Trắng tinh trong đêm tối. Anh ta nói với tớ, Cô bé và hoa đều đẹp như nhau. Tuy tất cả đều đã biến mất. Sau hình có một chữ tiếng Anh. Phải mười năm sau, tớ mới biết được ý nghĩa của nó. AIDS. Đối với tớ, đã không còn quan trọng nữa. Vì sau khi anh ta bỏ đi, tớ không bao giờ gặp lại nữa.

Cả hai đều không biết gì về nhau ư?

Cứ mù quáng nhưng chân thực như thế trong đêm tối.

Sau đó tớ bỏ nhà đi. Được ngắm rất nhiều bãi biển khác nhau, bao gồm cả một lần quay trở lại vịnh Phổ. Nhưng không còn là biển trong thời thơ ấu của tớ. Không giống vậy. Nó đã in dấu trong ký ức. Không thể nói ra lời...

...

Anh ta cắt đầu húi cua, rất gầy, trên người có mùi man mát như nước khử độc. Đôi mắt rất sáng giống như hòn than sau khi ninh.

Cậu còn nhớ tới anh ta?

Ừ. Vẫn luôn nhớ.

Trong phim có nhiều cảnh biển. Chẳng có gì. Chỉ có tiếng sóng vỗ.

Bình minh lên. Hoàng hôn xuống. Vội vã quay lại. Gió thổi về phương Nam, lại chuyển sang hướng Bắc, không ngừng thổi, nhưng rồi lại quay về nhịp cũ. Các con sông đều chảy ra biển, nhưng biển vẫn chưa đầy. Sông hồ từ đâu chảy tới, rút cục vẫn quay về nơi đó.

Chúng mình đi ngắm biển. Chỉ vì muốn ngắm nhìn chân lý hư không.

Ngoài trời đã hửng sáng. Màu xanh của bầu trời nhàn nhạt. Tô thiếp đi. Khuôn mặt Tô tinh khiết như đoá sơn trà.

Cô nhìn Tô. Ngắm rất lâu. Đưa tay ra, vuốt ve làn da trên gương mặt Tô. Rồi dịch xuống dưới, cái cổ, xương vai, bầu ngực, cái eo... Những đám da đó đều sống động, mới mẻ, tươi tắn. Có thể cảm nhận được dưới làn da yếu ớt đó là nhịp đập của huyết quản, tiếng máu chảy rì rầm. Con có cả hơi ấm li ti toả ra. Cô nhận thấy những lưu luyến giữa các đầu ngón tay mình. Đôi bàn tay dã từng vuốt ve thi hài bố, đầy ắp cảm nhận mói mẻ về sinh mệnh.

Làn da mới tuyệt làm sao. Mới sống động làm sao.

Cô áp mặt lên cổ Tô. Sát gần cô ấy. Cô cảm nhận được nhịp tim của Tô, kiên cường và mạnh mẽ.

Cô nhắm mắt lại.

Đó là một nơi rất xa quê hương miền Nam của cô. Đại Lải của Việt Nam. Một thị trấn nhỏ trên núi cao.

Trong phim, hai cô gái ôm nhau ngủ trong cuộc hành trình. Họ hoàn toàn xa lạ. Họ sát gần nhau. Họ sắp phải giã từ. Không còn những lời tâm sự hay thở than.

Những thứ đã xảy ra, chỉ là quá khứ.

Gió ào ạt. Xa xa, có tiếng biển reo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:18:34 | Xem tất
Phần 1 - Chương I (E)


Lần tôi đi tảo mộ với bó trong tiết Thanh Minh, đi thăm ông nội yêu thương của bố. Đó có lẽ là những kinh nghiệm hiếm hoi cùng đồng hành của chúng tôi. Tôi hỏi bố một câu. Người chết rồi, linh hồn có tồn tại hay không. Bố tin rằng sau khi người thân qua đời vẫn thường xuyên quay về bên cạnh người sống, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy được mà thôi. Sự quan tâm đó, tình yêu thương đó vẫn luôn tồn tại. Không bao giờ biến mất. Đó là câu trả lời của bố. Sau đó, ông cũng rời bỏ tôi.

Tôi hy vọng có một ngày cũng đưa được con mình đi thăm mộ bố trong tiết Thanh Minh. Nếu có tình yêu được di truyền ại, cũng chỉ như vậy mà thôi. Cũng có lúc, tôi lại nghĩ có lẽ chỉ sống một mình cả đời. Bố đã từng đi khắp Trung Quốc. Ông là người rất yêu công việc. Cũng là người có tình cảm khép kín. Có lúc, người không biết diễn đạt tình cảm chỉ có thể đi con đường rất dài, rất dài. Như vậy, ông mới không bị chết ngộp bởi tình cảm của mình. Vì thế tôi cũng đi rất xa như ông.

Trên chuyến xe đêm, tôi nghĩ rằng cần có một người đàn ông yên tĩnh. Muốn anh ta có đôi mắt và bàn tay ấm áp. Nhưng khó tìm biết bao. Bạn có thể tìm được địa vị, mục tiêu, chỉ duy hơi ấm là khó kiếm. Nhưng tình yêu như nhiều năm trước, những người đó, giờ nhìn lại, thật ra đều là một chuyến đi không tự nhận ra.

Chỉ vì muốn tìm kiếm chút hơi ấm. Cứ giã biệt không ngừng như vậy. Cuối cùng không thể tìm nổi thứ tưởng tượng trong lòng. Họ như đám hành khách đáp chuyến xe đêm, cứ lên lên xuống xuống, tản mác ở những thôn xóm khi trời chưa kịp rạng.

Nhưng cuộc hành trình của tôi vẫn còn tiếp diễn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:20:01 | Xem tất
Phần 1 - Chương II - Chuyến Xe Trong Đêm


Lâu lắm rồi tôi không đi xe khách đêm. Nhiều năm trước, tôi đi du lịch Phúc Kiến, vẫy xe hàng của công trường về nhà. Đó là một chiếc xe tải lớn, lúc chạy kêu rầm rầm. Tôi đi cùng bốn người đàn ông. Họ thay phiên nhau lái. Lúc nửa đêm chạy trên đường núi, phải đề phòng cướp. Đó là chuyện có thật. Lúc lái xe qua một con đường khúc khuỷu, một khe núi cây cối rậm rạp, họ tranh cãi rằng đây chính là địa điểm đã xảy ra sự cố lần trước. Bọn cướp đã giết người, cướp xe đi.

Xe chạy được hơn bốn mươi tiếng đồng hồ. Chúng tôi ngủ trên băng ghế dài phía sau. Họ dừng xe ăn cơm, tôi cũng xuống theo. Họ đều là những trai tráng lao động, khoẻ mạnh, không thích trò chuyện, ánh mắt rất thẳng thắn. Lúc nửa đêm và sáng sớm, do xe cộ ít, xe phóng như bay, như bừng bừng cơn điên. Ngoài cửa sổ là con đường quốc lộ phẳng lỳ trong đêm tối. Đèn xe rọi sáng cánh đồng và cây cối. Còn có những tiệm nhỏ bên đường đã đóng cửa. Lúc chạy vào đường thuộc địa phận tỉnh Phúc Kiến, trời đổ mưa.

Còn nhớ rõ chuyện hồi đó. Ghế ngồi trong bóng tối lắc lư chao đảo. Trong xe chở hàng của những người lạ, bóng đêm trở nên thần bí và ly kỳ. Tốc độ xuyên qua những bình nguyên, sơn cốc, thôn trang, thị trấn nhỏ cùng chuyển đổi với thời gian, khiến cuộc sống như trở nên mãi mãi không thể dừng lại. Tôi nghĩ mình như dạng người đã được định sẵn phải vứt bỏ quê hương, đi trên đường. Vì trong khoảnh khắc đó, dục vọng tuôn trào, như biển xanh gào thét.

Ở Việt Nam, hành trình chuyến xe đêm của tôi chỉ có một đoạn. Đó là từ Hà Nội tới Huế. Mua vé đường dài của công ty du lịch, có thể lên xe bất kỳ lúc nào. Hệ thống phục vụ của cả ngành du lịch Việt Nam khá hoàn thiện và lớn mạnh. . Có thể cảm nhận được từ rất nhiều chi tiết. Những bác đạp xích lô đều biết nói tiếng Anh. Ở Trung Quốc, điều này thật khó khăn.

Bóng đêm ập xuống. Dăm khách Tây ba lô túm tụm bên đường. Có một số đã gặp mặt trên đường, ở khách sạn, tiệm ăn hoặc quán bar. Đều trở nên quen thuộc. Trên chặng đường, họ luôn im lặng, có lúc chỉ khẽ thì thào. Không hề thấy trách móc. Kiên cường và nhẫn nại như động vật. Trong tay mỗi người đều có một cuốn sách hướng dẫn cho du lịch một mình. Rời khỏi đất nước giàu có của họ, đi quanh địa cầu.

Thân phận không rõ ràng. Người Đài Loan làm phần mềm ở Mỹ, ông già người Anh làm ngành bất động sản ở Liverpool, cô hoạ sĩ người Pháp, chàng nhiếp ảnh gia người Thuỵ Điển, cô gái Nhật Bản làm việc văn phòng trong công ty... Đa dạng như vậy. Nhưng tất cả đều đi du lịch một mình. Ăn vận rất thoải mái, đeo một chiếc ba lô to đùng. Lúc trò chuyện rất hăng say. Nụ cười lịch sự mà ấm áp. Luôn mỉm cười với người lạ. Còn nhớ không hề đem lại phiền phức cho người khác. Rất biết giữ trật tự.

Điều này khiến tôi nhớ lại đoàn du lịch trong nước thỉnh thoảng gặp trên đường. Một đám đông ồn ào, làm tắc cả một đoạn đường, khiến những người khác không tài nào đi qua được. Chụp ảnh kỷ niệm khắp nơi, tiện tay vứt rác khắp nơi. Cái kiểu ăn to nói lớn của người Trung Quốc lúc đó khiến người ta phải xấu hổ. Tôi luôn vội vã lướt nhanh qua họ. Cách du lịch kiểu bầy đoàn như vậy vốn đã có vấn đề. Giống như rất nhiều thể chế và bối cảnh trong nước, tác dụng duy nhất chính là phá vỡ cá tính và tính độc lập. Nếu một người không có cá tính, không có không gian cá nhân riêng, tự khắc sẽ không bao giờ nghĩ tới, không tôn trọng cá tính cùng không gian cá nhân của người bên cạnh.

Người của công ty du lịch chất đống ba lô ra khoang hành lý sau xe. Mọi người bắt đầu lên xe, chọn chỗ ngồi. Cô gái da trắng rất nhanh chóng tuột dép ra, gác đôi chân trần lên thành ghế. Cởi tuột chiếc áo phông mềm mại, chèn vào sau gáy. Lôi ra cuốn từ điển tiếng Anh dày cộp. Mang theo đồ ăn vặt, kẹo sôcôla, bánh bích quy, đựng trong túi vải nhỏ. Đó là kinh nghiệm ngồi xe đêm. Dù sao suốt đêm cũng không thể ngủ ngon, lắc lư trên xe không phải là chuyện dễ chịu.

Xe chậm rãi lượn vòng quanh thành phố, đến khách sạn này tới khách sạn khác đón khách. Hành khách muốn lên xe có thể chờ tại khách sạn. Cứ như vậy, tôi lại được ngắm Hà Nội trong đêm một lần nữa. Góc phố cổ toả ánh sáng lấp loé như một con tàu ra biển khơi, đầy ắp âm nhạc, đồ ăn, dòng người, mùi vị và âm thanh. Rồi chiếc xe hướng về vùng ngoại ô tối om.

Đầy một xe toàn Tây. Không ai nói chuyện. Chàng trai tuấn tú ngồi sau bật chiếc đèn nhỏ, đọc sách. Hai cô gái châu Âu nom rất đầy đặn bên cạnh đã cuộn tròn người ngủ như lũ mèo. Chiếc xe chạy trên đường lớn trong đêm tối. Tốc độ cũng không quá nhanh. Lẽ ra có thể chạy nhanh hơn.
Có một lần, ở Hồ Bắc, tôi ngồi trên xe buýt. Chiếc xe cũ kỹ có hai toa xe ghép lại chạy như bay trên con đường Vũ Hán chật chội. Lúc rẽ, nó phát ra những tiếng rít chói tai. Cả chiếc xe bị khống chế bởi một sức mạnh phi thường, không thể ngừng lại. Không ai có thể tháo chạy. Người trên xe không thốt nổi câu nào. Tất cả đã bị bác tài đáng sợ làm khiếp hãi.

Nhưng tôi thích bác tài. Nom bác như một người đàn ông bình thường, nhưng kỹ thuật cao siêu. Chỉ có những người tự tin mới có thể ung dung như vậy. Thông thường đều thế. Nhưng tôi tin rằng bác sẽ bị bật khỏi tình thế rất nhanh. Nếu bác có một chiếc xe riêng cho mình, không gì tốt hơn thế. Tôi hy vọng có được người đàn ông tự tin như thế, đưa tôi đi hóng gió.

Nghe tiếng tĩnh mịch trong xe. Tĩnh mịch mênh mang như màn đêm không bờ không bến. Ngoài cửa là cánh đồng đen sẫm và ánh đèn lấp lánh như sao đêm rải rác. Tôi uống nước trong chai lớn. Không ăn gì. Nghe theo những đợt sóng chuyển động của tư duy. Mỗi một khoảnh khắc có thể trầm tư suy ngẫm hay liên tưởng đều khiến người ta thấy an ủi. Khó khăn biết bao. Trong đêm khuya, chúng tôi rời xa mọi ồn ào huyên náo của bụi trần. Nhưng con đường dưới chân vẫn đang tiếp tục.

Hồi nhỏ, lúc nghỉ hè về quê thăm ngoại, phải ngồi xe một mình gần tám tiếng đồng hồ. Cuộc hành trình của tôi đã bắt đầu ngay từ thơ ấu. Những cảnh vật lướt qua ngoài cửa sổ luôn khiến tâm trí tôi nôn nao. Hồi bé hơn, tôi một mình ra ngoại ô, thường lạc hướng do đi bộ. Tôi luôn có khát vọng được đi ra ngoài. Thứ đã ăn sâu vào máu của một con người thật khó khống chế. Giống như sự sống và cái chết vậy.

Lần tôi đi tảo mộ với bó trong tiết Thanh Minh, đi thăm ông nội yêu thương của bố. Đó có lẽ là những kinh nghiệm hiếm hoi cùng đồng hành của chúng tôi. Tôi hỏi bố một câu. Người chết rồi, linh hồn có tồn tại hay không. Bố tin rằng sau khi người thân qua đời vẫn thường xuyên quay về bên cạnh người sống, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy được mà thôi. Sự quan tâm đó, tình yêu thương đó vẫn luôn tồn tại. Không bao giờ biến mất. Đó là câu trả lời của bố. Sau đó, ông cũng rời bỏ tôi.

Tôi hy vọng có một ngày cũng đưa được con mình đi thăm mộ bố trong tiết Thanh Minh. Nếu có tình yêu được di truyền ại, cũng chỉ như vậy mà thôi. Cũng có lúc, tôi lại nghĩ có lẽ chỉ sống một mình cả đời. Bố đã từng đi khắp Trung Quốc. Ông là người rất yêu công việc. Cũng là người có tình cảm khép kín. Có lúc, người không biết diễn đạt tình cảm chỉ có thể đi con đường rất dài, rất dài. Như vậy, ông mới không bị chết ngộp bởi tình cảm của mình. Vì thế tôi cũng đi rất xa như ông.

Trên chuyến xe đêm, tôi nghĩ rằng cần có một người đàn ông yên tĩnh. Muốn anh ta có đôi mắt và bàn tay ấm áp. Nhưng khó tìm biết bao. Bạn có thể tìm được địa vị, mục tiêu, chỉ duy hơi ấm là khó kiếm. Nhưng tình yêu như nhiều năm trước, những người đó, giờ nhìn lại, thật ra đều là một chuyến đi không tự nhận ra.

Chỉ vì muốn tìm kiếm chút hơi ấm. Cứ giã biệt không ngừng như vậy. Cuối cùng không thể tìm nổi thứ tưởng tượng trong lòng. Họ như đám hành khách đáp chuyến xe đêm, cứ lên lên xuống xuống, tản mác ở những thôn xóm khi trời chưa kịp rạng.

Nhưng cuộc hành trình của tôi vẫn còn tiếp diễn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách