Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Tác giả: Gumi
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Gieo hạt giống tâm hồn] - Những bài học quanh ta trong cuộc sống

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 5-10-2017 22:07:08 | Chỉ xem của tác giả
Sống tối giản, bạn mất đi vài món đồ nhưng có được 10 điều ý nghĩa trong cuộc sống


Chắc chắn, không ai mong muốn khi mình qua đời sẽ được chôn cùng với ngổn ngang những món đồ từng mua. Vậy hà cớ gì mà không quẳng chúng đi để đổi lại những bài học ý nghĩa cho đời?

Khoan bàn về việc chúng ta có cần nó không? sở hữu đồ đạc có làm chúng ta vui không hay những lập luận chứng tỏ tầm quan trọng của thói quen sở hữu; có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn chịu khó bỏ đi một vài món đồ, sống tối giản đi một chút, bạn sẽ học được nhiều điều ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

1. Nhiều thời gian và năng lượng hơn

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta sẽ tiêu tốn thời gian và năng lượng vào những công việc như: kiếm tiền để mua đồ đạc, tìm kiếm và thực hiện việc mua bán, dọn dẹp và sắp xếp, rồi sửa chữa, rồi thay thế, hay cả công sức bán nó đi khi không cần thiết nữa. Thử nghĩ xem, nếu không có nhiều đồ đạc, chắc chắn chúng ta không mất nhiều công sức và thời gian như vậy.

2. Có nhiều tiền hơn

Nếu không mua cả thế giới, bạn sẽ có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền! Tất nhiên, những khoản đầu tư khôn ngoan khác vào những điều quan trọng sẽ giúp bạn vừa tiêu tiền hiệu quả, vừa sống tối giản hiệu quả.

Chúng ta có thể dành thời gian và công sức cho những việc quan trọng hơn nếu không tiêu xài quá nhiều tiền.

3. Học được cách cho đi và sống tử tế

Không chỉ tiết kiệm tiền, chủ nghĩa tối giản cũng cho bạn cơ hội làm được nhiều điều hơn cho cuộc sống và những người xung quanh. Bạn học được cách cho đi, biết sẻ chia với mọi người xung quanh. Cho đi những món đồ bạn không cần, quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện hoặc dành thời gian giúp đỡ người khác, bạn sẽ biết sống tử tế là gì.

4. Sống tự do, tự tại

Không có một căn nhà nhiều của cải để suốt ngày phải trông coi, không có những gánh nặng tiền bạc trên vai, bạn biết như nào là tự do, tự tại. Hoặc ít nhất, bạn sẽ tự do về tài chính - một điều hiển nhiên khi không có nhu cầu tiêu dùng quá nhiều và sống đơn giản. Càng ít chi tiêu bao nhiêu, bạn càng tự do bấy nhiêu.

Sẽ chẳng còn quá nhiều bó buộc trong cuộc sống này: bạn tự tại và phóng khoáng, tự do hơn.

5. Quẳng đi nhiều nỗi lo, không áp lực

"Tưởng tượng 2 căn phòng: một căn phòng vô cùng bừa bộn và ngổn ngang; căn phòng còn lại thì gọn gàng và ngăn nắp với ít đồ đạc. Căn phòng nào sẽ khiến bạn ít căng thẳng và mệt mỏi hơn? căn phòng nào khiến bạn thấy thoải mái hơn".

Nếu trả lời được, bạn sẽ hiểu ý nghĩa quan trọng này.

6. Không bị mất tập trung

Mọi thứ xung quanh chúng ta tồn tại đều nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Bạn càng bớt để tâm vào vật chất, vào những món đồ không cần thiết, bạn càng có nhiều thời gian tập trung cho những điều quan trọng.

Một căn phòng gọn gàng sẽ khiến bạn ít áp lực hơn với cuộc sống.

7. Sống tối giản, bạn biết trân trọng môi trường

Khi bạn không mua sắm quá nhiều thứ, bạn đang góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Chẳng cần làm gì cả, mỗi buổi sáng thức dậy, bạn thấy mình cũng đã làm việc tốt cho môi trường xung quanh.

8. Chọn những thứ có giá trị

Nhiều người cho rằng, chủ nghĩa tối giản đồng nghĩa với việc sẽ không có niềm vui hay không bao giờ tiêu tiền. Tuy nhiên, những người có thói quen mua sắm ít sẽ tập trung những khoản tiền của mình cho các sản phẩm chất lượng hơn hay dùng tiền cho những ước mơ quan trọng của cuộc đời mình. Bạn hãy chọn đi: 10 món đồ rẻ tiền mà chắc chẳng bao giờ bạn dùng hay 1,2 món đồ cực kỳ chất lượng?

Bạn biết rằng mỗi ngày, mình đang làm một điều gì đó tốt đẹp cho môi trường.

9. Ít việc cho người khác

Đây là một điều chúng ta không nhận ra bây giờ nhưng đến một lúc nào đó, mọi người sẽ hiểu ra được điều này: khi chúng ta qua đời, ai đó sẽ phải dành thời gian của họ phân loại đồ đạc và nghĩ xem phải làm gì với nó.

10. Học được cách bằng lòng

Dù có nhiều bài học lớn đến nhường nào, điều cuối cùng mà mỗi người mong muốn trong cuộc sống vẫn là được hạnh phúc! Và sống tối giản, người ta biết cách bằng lòng với những gì mình đang có, dành thời gian cho những niềm vui thực sự của cuộc đời. Mọi khổ đau trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ lòng tham; nếu không có nhu cầu lớn lao về vật chất, biết bằng lòng với việc "đủ", con người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Điều quan trọng nhất, bạn thấy niềm vui trong cuộc sống giản đơn này.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 6-10-2017 17:31:10 | Chỉ xem của tác giả
Hãy dám chơi cuộc chơi dài


Năm 13 tuổi, tôi đã từng muốn có bụng 6 múi. Tôi tập tạ, đứng lên ngồi xuống liên tục mà chẳng hề có kế hoạch hay tiêu chuẩn gì cả. Lên 14 tuổi, tôi từ bỏ ước mơ này.

Năm 16 tuổi, tôi chọn chơi boxing, Muay Thai (một môn võ thuật Thái Lan) và Nhu thuật Brazil. Tôi muốn trở thành một võ sĩ xuất sắc. Lên 17 tuổi, tôi nghĩ trong đầu là những tay đấm bóc xuất sắc nhất đã bắt đầu luyện tập từ khi họ mới 8 tuổi cơ nên tôi quyết định từ bỏ.

Năm 18 tuổi, tôi viết blog và bắt đầu một số dự án kinh doanh. Tôi cũng làm được kha khá nhưng chẳng có gì thực sự có ý nghĩa cả. Lên 19 tuổi, tôi nghĩ trong đầu là tôi sẽ không có được thu nhập 6 số sớm đâu nên tôi quyết định từ bỏ.

Mọi thứ tôi muốn có được hoặc muốn làm hoặc muốn trở thành, tôi chỉ nỗ lực được tối đa 1 năm và rồi từ bỏ.

Bây giờ tôi nhìn lại và tự hỏi chính mình rằng “Tôi sẽ ở đâu bây giờ nếu tôi vẫn bế tắc với nó? Sẽ thế nào nếu tôi nhìn xa thấy trước được điều đó?”

Tôi luyện tập mỗi ngày từ bây giờ.

Tôi viết mỗi ngày từ bây giờ.

Tôi luyện tập võ thuật nhiều lần mỗi tuần.

Tôi đã thực hiện được những thứ mà tôi đã từng muốn làm khi tôi còn là một đứa con nít, bởi vì giờ đây, tôi biết những phần lợi tôi sẽ nhận được sẽ được đền đáp gấp nhiều lần trong 2 năm, 5 năm và 10 năm nữa.

1% tốt hơn của 1 ngày không là gì nếu so với 30 ngày nhưng nó sẽ biến bạn trở thành một người hoàn toàn khác qua nhiều năm.

Bài học quan trọng nhất tôi đã học được trong thời gian đó là hãy dám chơi cuộc chơi dài.

Con người bạn trong quá khứ muốn bạn làm tốt hơn nó đã làm, và con người bạn trong tương lai muốn bạn tốt hơn nó hiện tại. Đừng làm mình nhụt chí.

Jordan Allen (Quora)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
Đăng lúc 8-10-2017 18:45:02 | Chỉ xem của tác giả
BẠN CHỌN TỐT HAY HOÀN HẢO


BẠN MUỐN ĐIỀU TỐT NHẤT CHO BẢN THÂN MÌNH, CHO NGƯỜI BẠN ĐỜI VÀ CHO GIA ĐÌNH CỦA MÌNH. BẠN MUỐN CHIẾC XE Ô TÔ TỐT NHẤT, NGÔI NHÀ TỐT NHẤT, CÔNG VIỆC TỐT NHẤT VÀ KHOẢN TIẾT KIỆM LỚN NHẤT. BẠN MUỐN MỌI THỨ PHẢI THẬT HOÀN HẢO. CHÚNG TA ĐỀU MUỐN VẬY.

TUY NHIÊN SỰ HOÀN HẢO LUÔN CÓ CÁI GIÁ CỦA NÓ.

Nghiên cứu cho thấy những người điên cuồng theo đuổi sự hoàn hảo có khả năng gặp phải các vấn đề về mặt thể chất và tinh thần nhiều hơn những người biết hài lòng với những gì mình đang có. Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo khiến ta tiêu tốn rất nhiều thời gian. Bạn phải mất vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng để tìm ra sự lựa chọn tốt nhất, từ việc chọn một chiếc máy giặt cho đến chọn trường học cho con cái mình. (Và nhiều khi việc tìm được một lựa chọn hoàn hảo là điều không thể đạt được.)

Việc theo đuổi sự hoàn hảo giống như một quy luật kinh tế: “Quy luật hiệu quả giảm dần”. Quy luật ấy có thể được hiểu như sau:

Nghiên cứu bước đầu sẽ cho bạn những kiến thức cơ bản.
Nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp bạn bóc tách được vấn đề.
Nghiên cứu sâu hơn nữa sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định.

Theo lý thuyết này thì dù có đủ thời gian, bạn vẫn phải nhờ đến sự may mắn để có được câu trả lời hoàn hảo nhất.

Tuy nhiên, theo quy luật trên, đừng nên sa đà vào việc tìm kiếm một câu trả lời tốt nhất bởi càng tìm kiếm sẽ càng làm giảm đi chất lượng câu trả lời của bạn. Dưới đây là biểu đồ mô tả mối tương quan giữa hai đại lượng: thời gian dành cho việc nghiên cứu và chất lượng của quyết định:

Chất lượng là điều quan trọng. Do đó, bạn nên đầu tư thời gian để đưa ra được quyết định hợp lý. Nhưng không phải vì thế mà bạn buộc mình phải tìm kiếm một câu trả lời tốt nhất. Vì sự hoàn hảo là điều gần như không thể đạt được.Thường thì đạt được kết quả “đủ tốt” ngay hôm nay còn hơn là cố có được một quyết định hoàn hảo vào tuần sau.

Hậu quả thường thấy của việc theo đuổi sự hoàn hảo chính là việc trì hoãn: Bạn có thể có hàng loạt các lý do để trì hoãn việc hạn chế chi tiêu, mua sắm tiết kiệm hay giảm hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, hãy dừng việc trì hoãn lại và bắt đầu ngay bây giờ.

Nếu bạn không tìm được mức lãi suất tốt nhất hay chiếc xe ô tô tốt nhất thì có làm sao? Hẳn là bạn đã có trong tay những lựa chọn “đủ tốt” rồi phải không? Vậy thì đừng ngần ngại, hãy chọn lấy một phương án mà bạn đã có và lao vào thực hiện. Đối với sự thành công thì việc bắt đầu thực hiện đóng vai trò quan trọng hơn bất kỳ yếu tố nào.

Khi bạn dành quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm sự lựa chọn tốt nhất thì thực sự bạn sẽ không thể thực hiện được bất cứ việc gì, thay vào đó bạn đang tự hủy hoại chính bản thân mình. Sự hoàn hảo là kẻ thù của những điều tốt đẹp.

_Theo Saga_

Mr Why – Phạm Ngọc Anh
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 8-10-2017 23:54:35 | Chỉ xem của tác giả
Lối sống tối giản cho đời thanh thản


Không chỉ đơn giản là bỏ bớt đồ đạc không cần thiết ra khỏi nhà, sống tối giản còn là cách để người Nhật giữ cho tâm hồn thư thái.

Lối sống tối giản (danshari) từng là cơn sốt ở Nhật. Dansari gồm ba ý nghĩa: "từ chối", "vứt bỏ" và "tách rời".

"Con người trong xã hội hiện đại luôn mong muốn sở hữu càng nhiều vật chất càng tốt mà không cân nhắc đến điều kiện sống của mình", Hideko Yamashita, người ủng hộ lối sống tối giản, nhận định.

"Khi sống theo kiểu danshari, bạn cần xác định những thứ khiến bản thân mệt mỏi và loại bỏ nó", Yamashita nói. Việc đơn giản hóa ngôi nhà của bà ở Tokyo cũng là cách giải phóng tâm trí.


Lối sống này trái ngược với phong cách "hygge" của người Đan Mạch – tạo không gian ấm cúng với thảm, nến và những vật dụng khiến bạn cảm thấy ấm áp.

Danshari xuất phát từ quan niệm nếu môi trường sống thông thoáng, tâm trí của bạn cũng sẽ sáng suốt. Theo bà Yamashita, lối sống này chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo phương Đông, như Phật giáo và Thần đạo.

Nhiều người Nhật cùng thế hệ với Yamashita, sinh ra sau Thế chiến 2, có thói quen tích trữ và không muốn vứt bỏ bất cứ thứ gì, phòng trường hợp khẩn cấp cần dùng đến.

Thậm chí, có người còn tích 300 túi mua đồ trong nhà vì lo xa. Theo bà, thói quen này chính là nguyên nhân khiến nhiều người Nhật ngày nay không thấy thoải mái.

"Rất nhiều người Nhật mắc chứng trầm cảm. Não họ chứa quá nhiều thông tin, chiếm trọn mọi suy nghĩ", bà nói.

Vì vậy, quá trình bỏ bớt đồ đạc không cần thiết cũng chính là quá trình thanh lọc những tư tưởng vô hình trong tâm trí. Cũng theo bà Yamashita, khi nhà cửa rộng rãi hơn, bạn có thể tự do mời bạn bè về nhà.

Bà Yuriko Ozaki cùng với ba cậu con trai ở Osaka bắt đầu sống tối giản sau trận động đất rúng động Nhật Bản vào năm 2011.

Thảm họa này buộc cô phải nhìn nhận lại những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Bà cũng viết blog về lối sống tối giản ngay cả khi đang phải nuôi con cũng như viết sách về phương châm sống giảm đồ dùng, giảm công việc nhà, giảm gánh nặng tài chính trong gia đình.

Numahata cũng là đồng tác giả cuốn sách viết về lối sống tối giản. "Khi gia đình tôi có thêm một bé gái, nhà cửa rất bừa bộn. Tôi thấy bức hình ngôi nhà đơn giản trên tạp chí và bị hút vào đó. Chúng tôi đã bỏ đi nhiều đồ và thực sự thích cảm giác tự do khi xung quanh không vướng bận bởi quá nhiều thứ", ông chia sẻ.

Sau khi dọn dẹp nhà cửa xong, Numahata pha cho vợ tách cà phê. Người vợ ngồi trong căn nhà rộng rãi, thưởng thức và khen ngon. Từ đó, ông nghĩ vị giác sẽ hoạt động tốt hơn khi tâm trí hoàn toàn thoải mái. Gia đình ông cũng thường xuyên ra ngoài dạo chơi.

Numahata hiện nuôi con theo lối sống tối giản. "Càng lớn, Ei càng muốn mua thêm đồ. Khi mua thứ gì đó cho con, chúng tôi thường cân nhắc sao cho nó vừa vào giỏ", ông nói.

Bên cạnh đó, Numahata cũng đem cho bớt đồ chơi mà con gái không dùng đến. Theo anh, với số đồ chơi hạn chế này, con gái có thể phát triển trí tưởng tượng.

Khách đến thăm căn hộ trống trải của vợ chồng Numahata ban đầu tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng sớm cảm nhận được sự thoái mái trong đó. "Làm rỗng chiếc ấm để nó trở nên hữu ích", Numahata trích câu nói của Lão Tử để giải thích cảm giác dễ chịu đó.

Theo Lâm Anh
Tri thức trẻ
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 10-11-2017 19:09:21 | Chỉ xem của tác giả
Lưng chừng cô đơn


"Thà cô đơn,cô đơn cho trọn kiếp,chứ biết nhau làm chi,để rồi mới thoáng hạnh phúc đã lại cô đơn.Cái cảm giác lưng chừng như vậy đó,nó làm người ta chết dần chết mòn.Mà...mấy người ác lắm,viện lý do cô đơn để làm người ta đau..."

Qua 25 nhìn lại,thấy cuộc đời như 1 hành trình. Ngày nào còn được đi,được nhìn,được nghe,được gặp gỡ mọi người,được ghi lại những trải nghiệm của bản thân là còn được sống.Sống rất mãnh liệt,sống rất yêu thương. Thỉnh thoáng,trên chuyến hành trình dài,đeo tai nghe,bật nhạc,lại tự hỏi,liệu có ai đứng chờ mình ở cuối bến bình yên? Những rồi nhanh chóng quên đi sự ủy mị thoáng qua,nhận ra rằng muốn đến được đích,thì phải bước đi trước đã. Thứ quan trọng ko chắc nằm ở đích đến,mà nằm rải rác dọc đường đi,nếu chú ý tìm,sẽ tự dưng bắt gặp. Nhớ trong phim,có câu: "Thiên kim nan mãi,nhất hối đầu". Đại ý nhắc người ta không thể lúc nào cũng mãi đi và chăm chăm nhìn về,thỉnh thoảng,phải nhìn sang hai bên,hay nhìn ra đằng sau,để xem có bỏ lại thứ gì quan trọng hay không;nếu không một khi lỡ đánh mất sẽ chẳng thể vãn hồi. Có chiều muộn, nhận được điện thoại mẹ, giọng mẹ nhỏ nhẹ, không hờn, không trách, mà thằng con trai nghe xong tự thấy đau, "Ba cái cuối tuần, mẹ đều làm món mà con thích ăn, vậy mà tuần nào cũng một mình mẹ ăn hết..." Ừ thì, thằng con cứ mãi lo kiếm tiền, tưởng rằng đem tiền về là giỏi, mà có biết đâu cái mẹ cần, chỉ đơn giản là được nhìn thấy con ngồi ăn một bữa ngon do chính tay mẹ nấu. Có ngày đi làm về, cơn đau đầu hành hạ, nằm vật trên giường chẳng thiết tha làm gì, cha ra vô kêu tắm đi rồi ăn cơm cho nóng, chỉ xẵng giọng trả lời "Để đi, chút con ăn." Thấy cha nhìn, ánh mắt lạ lắm, rồi im lặng ra ngoài nhà coi tin tức. Hiểu rằng bản thân lỡ lời, vậy mà tệ bạc lắm, nói câu xin lỗi với người dưng thì được, chứ lớn rồi, câu xin lỗi nói với cha sao mà khó khăn đến lạ. Lủi thủi ra nhà tắm, ngang bếp đã thấy tô cơm cha để sẵn, lạnh tanh tự lúc nào. Vậy đó, cứ thấy lòng cô đơn, nhưng nhìn lại mới biết đang được yêu thương bởi rất nhiều người. Những buổi café với đám bạn thân vẫn diễn ra với tần suất đều đặn. Có khác chăng bây giờ đề tài được nói đến không còn là tình yêu, mà chuyển sang thứ đáng ngán ngẩm hơn. Lập gia đình. Có đứa bảo, "Cha mẹ không ép, tao cũng chả muốn cưới." dù thực tế mới tháng trước cả đám xúng xính quần áo đi ăn tiệc cưới nó xong. Ngồi chưa được năm phút, điện thoại reng, nó nghe máy, "Rồi, em về liền mua đồ ăn cho anh." Xong nó đứng dậy, thanh minh vài ba câu gì đó, leo lên xe đi mất. Cả đám nhìn theo, thờ dài, chẳng biết thương cho nó hay thương cho hiện thực bản thân cũng muốn được chăm lo cho một gia đình nhỏ của riêng mình mà chưa toại nguyện. Mấy đứa còn lại chép miệng, "Giờ còn ngồi được với nhau bao lâu là quý lúc ấy, bởi cũng sẽ đến ngày tụi mình như nó thôi." Ừ nhỉ... Người ta còn mơ được một gia đình, còn mình cứ ôm hoài một nỗi cô đơn. Bạn hỏi, cô đơn như vậy, có mệt không. Mỉm cười trả lời, đã quyết định chọn để được cô đơn, thì có gì mà mệt. Những ngày đó, học cách làm quen, hẹn hò và yêu thương cô đơn. Chẳng dễ chịu gì lắm, nhiều lúc đi ngoài đường, thấy người ta tay đan trong tay, thỉnh thoảng bước chậm một chút chờ người yêu, thoáng chạnh lòng, vội đẩy bàn tay chui rúc vào túi áo khoác, so vai bước nhanh trên đường dài phía trước. Đâu phải không yêu, chỉ là chưa dám để bản thân đau lần nữa vì yêu. Người ta nói, cô đơn lâu ngày làm trái tim chai sạn, thấy không đúng chút nào. Cô đơn lâu ngày, làm tim yếu mềm hơn, dễ đập loạn nhịp khi có một cử chỉ ân cần, quan tâm bất chợt. Rồi lại tự dằn vặt mình giữa hai chiều suy nghĩ, có nên để tim thử thổn thức một lần nữa hay không. Mà nhận ra, dù có yêu cũng không thể yêu cuồng dại như những ngày còn thơ trẻ. Thời đó yêu hết mình, chỉ muốn dành tất cả những thứ tốt nhất cho người mình yêu, chẳng giữ lại gì, đến lúc chia tay, không còn nhận được ra gương mặt trong gương là phản chiếu hình bóng ai. Đến nay, yêu bằng lý trí. Ích kỷ hơn ngày trước rất nhiều, yêu chỉ có thể để dành ba phần cho đi, bảy phần còn lại cất cho riêng mình, phòng khi người ta tàn nhẫn quay lưng, vẫn còn giữ được chút gì cho bản thân tồn tại. Luôn nhớ lời mẹ dặn, "Ngoài cha mẹ ra, lúc nào cũng phải cẩn thận với những người đối xử quá tốt với con, bởi họ là người có khả năng làm con đau." Lời mẹ, hình như chẳng bao giờ sai. Có người đến vội, đi cũng nhẹ. Thứ để lại chẳng phải buồn đau, hạnh phúc, chỉ là nỗi lưng chừng cô đơn. Nhưng rồi cảm xúc cũng không đọng lại quá lâu, vì bản thân còn nhiều thứ để bận tâm hơn. Nhận ra nỗi buồn vì tình cảm bây giờ thật xa xỉ, có khi ba ngày, có khi một tuần nhìn lại, đã thấy mọi chuyện nhẹ tựa khói mây. Có người trách vô tình, cũng không sai, chỉ là cơ chế tự bảo vệ của trái tim đã làm việc tốt hơn ngày trước. Những buổi café thưa dần, hình như bạn bè đứa nào cũng bắt đầu lo vun xén cho hạnh phúc tương lai, chỉ còn mỗi mình, sớm hôm một mình, ôm đam mê. Chợt nhớ đến khoảng thời gian bỏ tất cả công việc chỉ để theo đuổi thứ mình thích. Gần năm trời rong ruổi qua muôn nẻo đường đời tìm cảm hứng làm đề tài sáng tác. Ngày đó thấy tim nóng hổi, chỉ muốn hét lên cho cả thế gian nghe rằng đang được thỏa sức sống theo ý mình. Hãnh diện lắm. Vì đời, đâu có nhiều người được sống như bản thân mong muốn, dù cái giá phải trả là nhiều khi trong túi còn được mười lăm ngàn, đủ cho một ổ bánh mì với chai nước suối ăn nguyên ngày. Đến giờ ngồi nghĩ lại, nếu một lần nữa phải đứng giữa ngã ba đường, chọn cuộc sống ổn định và phục vụ đam mê, liệu lửa trong tim có còn đủ hừng hực để quyết định như ngày trước không. Đành tự nhủ, ừ thì người già rồi, còn cầu mong gì hơn được hai chữ bình yên. Lại tự hỏi bản thân, thế nào bình yên. Có người, được nắm chặt tay người yêu mỗi sáng thức dậy, đó đã là bình yên. Có người, được đứng trên đỉnh cao tiền tài, danh vọng, đó đã là bình yên. Có người, được quay về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, đó đã là bình yên. Có người, được ngồi ăn cùng nhau một bữa cơm gia đình, đó đã là bình yên. Và có người, thấy mọi chuyện xảy ra đúng như mỗi ngày vẫn trải qua, đó đã là bình yên. Nhưng, có bình yên nào không đổi bằng xót xa? Đời ta xót xa cũng đã nhiều, thôi thì thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Sau buổi café cùng đám bạn, về nhà thay đồ xong nhìn trên bàn có tấm thiệp hồng, giọng cô vọng từ ngoài cửa phòng. "Chiều nó ghé gởi thiệp, dặn ngày đó con nhớ đi." Gần ba mươi năm, một nửa đời người, lần đầu tiên hiểu được cảm giác tim hẫng đi một nhịp ra sao. Ngày đó bên nhau, hình như cũng có đôi lần nói đến một ngày, nếu còn duyên sẽ mời người ta đi dự tiệc, ừ thì, người ta còn nhớ, chứ có quên đâu, chỉ mỗi mình mình vô tình, hay cố ý không nhớ tới. Bỏ tấm thiệp xuống bàn, cầm điện thoại, nhấn số gọi đi. Số không lưu trong danh bạ, nhưng lưu trong tim. Nhấn được chín số, tay lại dừng, xóa hết, rồi soạn một tin nhắn, vỏn vẹn mấy chữ, "Chuyện phải như thế thôi..." Vào nhà tắm bật nước xả vào người, nước mát lạnh, thỉnh thoảng hơi mặn. Lau sạch người, nhìn lên nơi để bàn chải đánh răng, cái bàn chải cũ người ta vẫn còn để lại, chổng trơ ở đó. Nghĩ một lúc, cầm cái bàn chải lên bỏ vào sọt rác. Ừ thì, cái gì cũ rồi thì phải bỏ đi. Tay người ta đâu đủ lớn để nắm hết tất cả những thứ mình muốn, nên trong vài trường hợp, cần học cách buông bỏ vài thứ, để giữ lại những thứ quan trọng hơn. Tim người cũng vậy. Đêm trằn trọc, chẳng sao kéo bản thân vào được giấc ngủ, lại ngồi dậy, khui rượu vang, ra ban công chăm điếu thuốc. Có lần, uống rượu cùng nhau, người ta ôm ngang hông, nói, "cầu cho có một ngày được mời nhau ly rượu trên lễ đài..." Giờ thì người ta cũng uống rượu, mình cũng uống rượu, chỉ là không thể uống cùng nhau. Ngày đó cũng vì cô đơn, cả hai chọn nhau đi cùng một đoạn đường đời, để rồi khi lạc nhau, mới hiểu rằng đối phương là người không thể đánh mất hay lìa xa. Nhưng làm gì bây giờ, khi bàn tay người ta đã nằm trong bàn tay khác. Nên lúc đó, mỉm cười chúc hạnh phúc, sáo rỗng như bao nhiêu bộ phim, bao nhiêu câu chuyện từng đọc, vậy mà cũng còn làm theo. Lúc đó, người ta nói. "Thà cô đơn, cô đơn cho trọn kiếp, chứ biết nhau làm chi, để rồi mới thoáng hạnh phúc đã lại cô đơn, cái cảm giác lưng chừng như vậy, nó làm người ta chết dần chết mòn. Mà... mấy người ác lắm, viện cái lí do cô đơn để làm người ta đau..." Giờ thì, có còn cơ hội làm nhau đau nữa không người? Chai vang cạn, cũng chẳng còn gì cho đêm nay, lại quay về phòng, cuộn mình giữa bộn bề ký ức... cuộn lòng giữa lưng chừng cô đơn. Hôm nay có rượu hôm nay say, sầu của ngày mai ngày mai tính. Nhưng dù đang cô đơn, sáng thức dậy, vẫn nhìn vào gương, tự nhủ rằng mình rất xinh đẹp, đang được yêu thương và dặn bản thân ngày hôm nay phải cười nhiều hơn hôm qua. Vì mình không yêu thương mình, thì còn trông mong ai làm điều đó?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
Đăng lúc 15-11-2017 03:53:31 | Chỉ xem của tác giả
Liều thuốc cho căn bệnh tự ti


Trong mỗi chúng ta bất cứ ai cũng có những phẩm chất, những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, chúng được biểu hiện ra bên ngoài bằng nhiều hình thức cũng như nhiều cách khác nhau. Có người khá tự tin về những gì mình đang có, nhưng lại có một số người tự ti, rụt rè vì nghĩ mình không bằng người khác hay mình quá yếu kém. Có thể nói bệnh tự ti là một căn bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả công việc, học tập của chúng ta.

Bệnh tự ti là gì?

Bệnh tự ti là bệnh tự đáng giá thấp mình, là trạng thái mà con người cảm thấy mình luôn yếu kém trước người khác về một sự việc nào đó. Chính vì vậy người tự ti luôn thu mình vào vỏ ốc nhỏ bé và không dám thể hiện mình trước người khác, càng không dám thể hiện trước đám đông. Bệnh tự ti là một dấu hiệu của tâm lý mặc cảm về thân phận nên không dám tranh luận hay thể hiện mình trước người khác. Những người mắc bệnh này  rất khó thành công trong cuộc sống, tự ti làm cho họ khó có thể hòa nhập được với tập thể, đồng đội, cộng đồng và đôi khi chỉ mang tính tương đối, có nghĩa là trong một lĩnh vực nào đó người ta rất tự ti, nhưng ngược lại ở một lĩnh vực khác thì không. Đôi khi cái gì khá quen thuộc diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian dài làm cho người ta quen dần thì sẽ không cảm thấy tự ti và ngược lại. Tự ti làm ảnh hưởng đến sự phát triển con người đặc biệt là sự phát triển các mối quan hệ cá nhân, hạn chế các cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi, cũng như khả năng hiểu và diễn đạt trong mối quan hệ.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tự ti là gì?

Bản thân người tự ti đã có một kinh nghiệm đau thương họ thường mặc cảm bản thân và nó xuất phát từ sự vô thức cá nhân. Hoặc là do có sự khiếm khuyết về cơ thể nên bị hạn chế một phần năng lực nào đó dẫn đến việc gặp quá nhiều thất bại. Cũng có thể là do những mâu thuẫn trong truyền thống văn hóa gia đình.

Tác hại của bệnh tự ti là gì?

Bản thân người tự ti không đủ dũng cảm để thể hiện bản thân hay làm bất cứ việc gì. Là một virut làm lây truyền tính cách giữa người này với người khác. Thể hiện sự suy kém của môi trường giáo dục và của người nuôi dưỡng . Để khắc phục mặc cảm tự ti thì bản thân ta phải giáp mặt với mặt cảm đó ý thức được là ta mang mặc cảm, biết được vì sao mình có mặc cảm đó và cần có sự động viên về mặt tinh thần của mọi người xung quanh. Người mang mặc cảm phải nhận thức rằng tất cả mọi người đều có giá trị đối với ai đó và trong đó có bạn.

Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti

Bởi những kẻ tự ti vốn không đủ niềm tin vào bản thân mình, họ hoài nghi chính mình, hoài nghi tất cả và mất niềm tin vào cuộc sống. Những người sống như vậy quả thật đáng thương. Con sâu cái kiến sinh ra còn có ý chí sinh tồn cho nên con người ta sống ở trên đời phải biết mưu cầu hạnh phúc cho  mình, biết trân trọng những gì mình có để mà vươn lên tốt đẹp hơn. Tự ti làm con người ta thiếu đi cái tự tin, cảm thấy mình luôn nhỏ bé, yếu đuối, sẵn sàng buông xuôi…. Như thế thì thật đáng thương và cũng thật đáng trách. Trong mỗi con người chúng ta ai cũng có một góc khuất nào đó và tự soi vào để tìm xem mình có chút tự ti nào không thì sẽ thấu hiểu điều Phật dạy.

Để chuyển hóa tự ti điều đầu tiên phải nhận ra nó trong chính bản thân mình. Cần phân biệt rõ ràng giữa tự ti với các đức tính khiêm hạ, khiêm tốn vốn cần thiết và hữu ích cho cuộc sống. Hiện bạn đã nhận diện rất rõ những biểu hiện tự ti của mình, đó là điều cần thiết cho việc trị liệu và chuyển hóa. Kế đến cần tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hình thành sự tự ti của bản thân mình. Có thể do những sang chấn tâm lý lúc thiếu thời, thậm chí có thể sớm hơn như do tổn thương tâm lý lúc còn hoài thai hay do nghiệp báo từ những đời quá khứ hoặc do những khiếm khuyết về cơ thể, hạn chế về năng lực, gặp nhiều thất bại… đã hình thành nên những mặc cảm, tự ti. Sau khi nhận diện rõ ràng về những nguyên nhân, biểu hiện tự ti của chính mình rồi, bạn hãy bình tâm quán chiếu sâu sắc hơn nữa để thấy rằng không có ai hoàn hảo cả. Mình có thể không bằng người ở phương diện này nhưng hơn người ở phương diện khác. Cuộc sống vốn nghiệt ngã nhưng luôn công bằng. Nếu khiếm khuyết về cơ thể thì cố gắng lành lặn tâm hồn, nếuu năng lực hạn chế thì cố gắng cần cù học hỏi, cần mẫn và nhẫn nại làm việc còn nếu gặp phải trắc trở, thất bại thì làm lại từ đầu vì sau cơn mưa trời lại sáng. Cũng như nếu tự ti, mặc cảm thì nên hiểu rằng đó là dư nghiệp của mình. Hãy thành tâm sám hối những ác nghiệp trong các đời kiếp quá khứ, nhất là nghiệp cống cao ngã mạn, khinh khi xem thường người khác. Người Phật tử, nếu thành tâm sám hối tu tập từ bi hỷ xả cùng với phát huy năng lực thiền quán để thấy rõ mình và người trong tuệ giác duyên khởi thì sẽ chuyển hóa được tự ti, mặc cảm thành tự tin và luôn tin vào chính mình, tin vào tương lai cuộc sống.

Liều thuốc cho căn bệnh tự ti

Không so sánh

Không nên so sánh mình với người khác. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Nên nhớ rằng mỗi người là một cá thể khác nhau. Càng so sánh thì bản thân bạn càng tự ti hơn mà thôi. Hãy tự hào vì bạn là chính bạn không phải là một ai khác.

Trau dồi kiến thức

Bạn hãy cố gắng học tập cũng như trao dồi kiến thức cho bản thân mình vì đó là liều thuốc rất quan trọng tiếp thêm sự tự tin cho bạn. Chịu khó học tập, đọc sách, nghiên cứu tài liệu, bạn sẽ hiểu biết và thành công hơn trong cuộc sống. Mọi người xung quanh sẽ tin tưởng vào năng lực của bạn hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ không còn cảm thấy tự ti nữa.

Tôi có thể

Những gì bạn nói có thể, bạn sẽ thực hiện được còn những gì bạn nói không thể, thì chắc chắn bạn sẽ không thể thực hiện. Chính vì vậy, hãy dũng cảm nói tôi có thể  nếu thật sự bạn cảm thấy mình làm được. Cần phải cố gắng hết mình. Đừng bao giờ ngần ngại đối mặt với khó khăn, thử thách. Bởi nếu thành công bạn sẽ tự tin vào chính mình hơn. Có thể bạn sẽ thất bại nhưng cái bạn được sẽ là kinh nghiệm. So với những người thất bại những người thành công thật sự đã thất bại nhiều lần hơn chỉ đơn giản là vì họ đã cố gắng nhiều lần hơn.

Giữ vững lập trường

Đương nhiên sẽ có một số người nghi ngờ về khả năng của bạn. Bao nhiêu lời bàn ra tán vào.  Dù vậy bản thân bạn phải biết giữ vững lập trường của mình. Hãy bỏ ngoài tai những lời ấy và tự nhủ mình đã cân nhắc thật kỹ. Mình tin tưởng vào quyết định này. Bạn cần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm về mọi việc có liên quan đến mình để chứng tỏ bản lĩnh với mọi người.

Đôi mắt biết nói

Giao tiếp bằng mắt cũng là cách để thể hiện sự tự tin của mình. Không thể nói là tự tin nếu trong khi trò chuyện ánh mắt bạn cứ nhìn xuống sàn nhà. Phải nhớ rằng tư thế, tác phong bên ngoài góp phần quan trọng giúp bạn đẩy lùi căn bệnh thiếu tự tin.

Chú ý ngoại hình

Chịu khó trang điểm rồi lựa chọn kiểu tóc, giày dép, túi xách, trang phục,… thích hợp với từng tình huống cụ thể thì bạn sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều. Hãy đi thẳng, ngẩng cao đầu, miệng cười và luôn tạo đôi môi biết giao tiếp. Mạnh dạn chủ động bắt chuyện với người khác sẽ giúp bạn tự tin vào mình hơn nhiều.

Hoạt động xã hội

Bạn cũng có thể tham gia sinh hoạt trong các đội nhóm  hay câu lạc bộ nào đó để loại bỏ sự tự, nhút nhát của mình. Rất nhiều diễn viên, MC hay nhà thuyết trình giỏi đã trưởng thành từ các phong trào đó. Chính môi trường này sẽ giúp bạn tự tin, năng động hơn.

Cũng giống như nhiều căn bệnh khác tự ti rất cần sự quyết tâm và thời gian. Hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay để bạn thấy rằng mình thật sự đang cho chính mình cơ hội để căn bệnh tự tin nhẹ nhàng biến mất khỏi tâm trí của chính mình nhé!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
Đăng lúc 16-11-2017 18:03:21 | Chỉ xem của tác giả
7 BÀI HỌC QUAN TRỌNG KHI HIỂU ĐƯỢC THÌ MỌI CHUYỆN ĐÃ QUÁ MUỘN


Trong cuộc sống có rất nhiều bài học ai cũng biết, thế nhưng để hiểu và thấm thía được nó lại là cả một vấn đề, nhiều người chỉ nhận ra nó khi đã quá muộn.

Những bài học về cuộc sống thường chứa đựng trí tuệ uyên bác mà đôi khi phải trải qua nhiều khó khăn chúng ta mới có thể học được. Do đó, nếu có thể, bạn nên học những điều này sớm hơn, đừng để nhận ra khi đã quá muộn màng.

1. NẾU MUỐN LÀM NHỮNG GÌ MÌNH YÊU THÍCH, BẠN PHẢI CHĂM CHỈ GẤP 3 LẦN NGƯỜI KHÁC

Hầu hết mọi người không thể dành toàn bộ thời gian trong cuộc sống để làm bất cứ việc gì họ yêu thích. Thay vào đó, chúng ta phải làm những việc mà cha mẹ, thầy cô, bạn bè, thậm chí xã hội bảo “nên làm” hoặc “cần phải làm”.

Đôi khi chúng ta không đủ động lực để theo đuổi những gì trái tim mach bảo. Vì thế, nếu bạn muốn làm những gì mình thực sự yêu thích, bạn cần phải coi đó như một nghĩa vụ, chứ không phải một lựa chon. Và điều quan trọng hơn cả, bạn phải làm việc chăm chỉ gấp ba lần người khác để thực hiện mục tiêu của mình.

2. ĐẰNG SAU SỰ GIẬN DỮ LUÔN LUÔN LÀ NỖI SỢ HÃI

Yoda từng phát biểu rằng: “Sợ hãi là con đường duy nhất dẫn đến bóng tối. Sợ hãi dẫn đến giận dữ, giận dữ dẫn đến sự ghét bỏ, ghét bỏ dẫn đến đau khổ”. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy đau khổ, đặc biệt là trong một thời gian dài, chúng ta đều cho rằng đó là do tác nhân bên ngoài tác động. Đó cũng chính là lý do khiến chúng ta ghét một ai đó khiến mình đau khổ.

Khi bạn vượt qua được cảm xúc đau khổ, bạn sẽ thấy đằng sau sự căm ghét là cảm xúc giận dữ đã bị dồn nén quá lâu. Tuy nhiên, sau tất cả luôn là nỗi sợ hãi. Bạn sợ bị thất bại, sợ bị tổn thương, sợ bị bỏ rơi… Nếu không thể vượt qua được nỗi ám ảnh sợ hãi này, bạn sẽ khó có thể tiến về phía trước.

3. THÓI QUEN HÀNG NGÀY SẼ HÌNH THÀNH NÊN TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA

Bạn cần phải biết rằng mỗi một hành động chúng ta làm ngày hôm nay sẽ góp phần hình thành nên tương lai của mình về sau. Khi hành động đó lặp đi lặp lại trên 1 tuần, nó sẽ trở thành thói quen khó có thể thay đổi.

Nếu bạn để các thói quen xấu lặp đi lặp lại 1 năm, 2 năm, hay thậm chí 5 năm, bạn sẽ không còn là chính bạn nữa. Vì thế, bạn buộc phải thay đổi, theo cách này hay cách khác. Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của những thói quen nhỏ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, tính cách và tương lai của bạn nữa.

4. CẢM XÚC CŨNG CÓ THỂ TẬP LUYỆN MÀ THÀNH

Khi nhắc đến từ “tập luyện”, chúng ta thường chỉ nghĩ đến thực hành các kỹ năng. Bạn tập luyện chơi piano, bạn thực hành tập khúc côn cầu… Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả cảm xúc cũng có thể tập luyện mà thành.

Bạn có rèn luyện khiếu hài hước, sự khiêm tốn, sự tha thứ hay cả nhận thức. Bạn cũng có thể rèn luyện sự giận dữ, oán hận và mâu thuẫn. Cảm xúc sẽ phản ánh con người bạn. Và trở thành người như thế nào phụ thuộc vào lựa chọn của chính bạn. Chúng ta không ai sinh ra đã có sẵn sự buồn phiền hay oán giận người khác. Đơn giản bạn có thể lựa chọn tha thứ và niềm vui cho cuộc sống của mình.

5. AI CŨNG CÓ LÝ DO CỦA RIÊNG MÌNH

Suy cho cùng, chúng ta đều là con người và ai cũng có lý do riêng của mình để “biện minh” cho mỗi hành động. Mỗi người có giấc mơ riêng, mục đích riêng, nguyện vọng, gia đình và bạn bè riêng. Nhưng chúng ta lại có những mong ước cơ bản giống nhau: ăn, ngủ, nghỉ, thành công, giàu có và hạnh phúc.

Do đó, cách đơn giản nhất để bạn kiểm soát cuộc sống của chính mình là hiểu lý do của người khác. Bạn không thể kỳ vọng ai cũng làm theo ý muốn của bạn. Thay vào đó, hãy cố gắng giúp đỡ người khác thực hiện ước mơ theo cách riêng của họ; bạn cũng sẽ đạt được thứ mà mình muốn.

6. THÀNH CÔNG KHÔNG BAO GIỜ LÀ KẾT THÚC CỦA MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH

Nếu bạn chỉ thiết lập mục tiêu và đạt được mục tiêu nhờ sự giúp đỡ của người khác, bạn được coi là đã thành công nhưng đó không phải là cuộc hành trình của riêng bạn.

Một hành trình thực sự là khi bạn phải hi sinh những hạnh phúc cá nhân để theo đuổi đam mê và hưởng thụ thành quả của nó.

7. SỰ CHĂM CHỈ VÀ NIỀM VUI LUÔN SONG HÀNH

Nếu bạn cho rằng trong môi trường làm việc chăm chỉ và nghiêm túc sẽ không có chỗ cho tiếng cười thì bạn đã nhầm. Những ý tưởng tốt nhất thường xuất hiện vào những thời khắc vui vẻ nhất. Con người kết nối với nhau bằng tiếng cười và tạo ra những vòng kết nối mới.

Tuy nhiên, một số người không bao giờ nhận ra điều này – họ luôn càu nhàu, khó chịu và già nua. Cuộc sống thực chất là cuộc đua tìm niềm vui. Vì thế, bạn không cần thiết phải căng thẳng để đi tìm niềm vui, hãy hưởng thụ những niềm hạnh phúc nhỏ bé và đơn giản ngay trong cuộc sống.

Nguồn Tri Thức Trẻ
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
Đăng lúc 16-11-2017 18:07:24 | Chỉ xem của tác giả
ĐỪNG LÀM VIỆC CHĂM CHỈ, HÃY LÀM VIỆC THÔNG MINH


Ai cũng có cùng 24h/ngày cả. Nên đừng quá quan tâm số lượng thời gian bạn có. Chất lượng thời gian của bạn mới tạo ra sự khác biệt của bạn. Đó là cả 1 nghệ thuật của “đơn giản hóa”. Sống “lười biếng” và đơn giản không phải là hời hợt, nông cạn mà ngược lại sâu sắc đến lạ lùng…

Bạn được mọi người khen là làm việc chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Bạn cảm thấy như thế nào? Vui hay không vui? Hài lòng hay không hài lòng? Bạn đã thấy thời gian mình bỏ ra để làm việc đã có đủ cho những sáng tạo, ý tưởng kinh doanh của mình chưa? Và bạn có muốn rút ngắn thời gian làm việc của mình không?

Làm việc ít hơn không có nghĩa là bạn lười biếng, mà lười biếng chính là việc kéo dài sự tồn tại của chậm chạp và ù lì. Hẳn bạn có đôi lúc đã lãng phí thời gian vì nghĩ rằng “mình còn nhiều thời gian để làm cho việc này, không cần gì phải vội” và bạn đã chẳng làm gì trong thời gian trước hạn chót 1 hoặc 2 ngày? Đó là lúc chúng ta đã không sử dụng quỹ thời gian của mình hợp lý.

Làm tốt một việc không quan trọng không làm cho việc đó quan trọng hơn, cũng như thế, làm một việc đòi hỏi nhiều thời gian không làm cho nhiệm vụ đó quan trọng hơn.

Vậy chúng ta phải làm gì để có thể sử dụng tốt thời gian của mình và hoàn thành tốt công việc? Điều này không hề dễ dàng nhưng cũng không hẳn là khó khăn với những người đã từng nghe và biết đến 2 nguyên tắc sau:

Nguyên lý 80/20

Nguyên lý này có thể hiểu 80% kết quả bắt nguồn từ 20% nguyên nhân hoặc 80% thành quả có được từ 20% công sức đầu tư. Bill Gates cũng đã từng chia sẻ: “Nếu bạn lấy đi 20% những người quan trọng nhất. Với 80% những người còn lại, chúng tôi sẽ trở thành 1 công ty không còn quan trọng nữa”

Quy luật Parkinson

Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó.

Quy luật này cũng gống như điều đã đề cập ở trên, khi chũng ta cảm tháy có thêm nhiều thời gian để hoàn thành công việc, quản lý tài chính thường chúng ta sẽ sử dụng sai mục đích. Nếu bạn có 1 tuần hoặc 2 ngày để hoàn thiện deadline sếp giao, thì bạn có chắc rằng thời gian bạn sử dụng cho công việc cũng sẽ khác không? Một tuần đó, bạn có chắc mình sẽ không la cà các trang web, hay lướt facebooks mà không liên quan đến công việc cần làm?

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta luôn căng dây não để làm tất cả mọi công việc trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sắp xếp để hoàn thiện công việc tốt nhất, bởi công việc sinh ra cũng đã ấn định thời gian làm nó. Giới han thời gian cho việc làm sẽ giúp bạn tập trung làm việc và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Bởi vì ai cũng có cùng 24h/ngày cả. Nên đừng quá quan tâm số lượng thời gian bạn có. Chất lượng thời gian của bạn mới tạo ra sự khác biệt của bạn. Đó là cả 1 nghệ thuật của “đơn giản hóa”. Sống “lười biếng” và đơn giản không phải là hời hợt, nông cạn mà ngược lại sâu sắc đến lạ lùng… Khi đó, ta biết lựa chọn những gì là cần để ưu tiên, cái gì là quan trọng nhất với bản thân mình và những gì nên ‘go with the flow’ (buông lỏng theo đời)!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 26-11-2017 22:54:55 | Chỉ xem của tác giả
VÌ SAO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN HAY GẶP
NỖI BUỒN VÀ TRẮC TRỞ?


Tôi tìm đến một bậc thầy để hỏi lý dọ: “Tại sao những người lương thiện như con rất hay gặp khổ, trong khi những người ác sống vô lo quá vậy?”

Người thầy hiền hòa nhìn người một lúc rồi nói:

“Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, chắc trong tâm phải đang ôm giữ ác ý nào đó. Nếu một người nội tâm không có điều ác, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác”.

Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.

Có cảm giác như bị xúc phạm và không phục, tôi nói:

“Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!”

Thầy trả lời:

“Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con còn tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con”.

Tôi nói:

“Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…”

VÌ SAO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN HAY GẶP NỖI BUỒN VÀ TRẮC TRỞ




Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình. Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:

“Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc ngoài xã hội, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.

Nhưng bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.

Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm.

Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!

Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm”.

Sư phụ tiếp tục mỉm cười:

“Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói”.

Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan thay thế dần cho lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần được chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.

“Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”

Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.


VÌ SAO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN HAY GẶP NỖI BUỒN VÀ TRẮC TRỞ

“Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người tu luyện chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui”.

“Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy kỳ tự nhiện! Vĩnh viễn dùng tâm thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì”.

“Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?”

Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.

Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?

Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!


Chuyên mục Lời Phật Dạy - Theo Tinh Hoa

Dòng đời xô bồ vô tình thúc ép và đẩy chúng ta đến với cái ác mà chúng ta không hề hay biết. Lòng tham, sự không rộng lượng hay những thứ tương tự như thế khiến đôi vai ta ngày càng trĩu nặng không chỉ bởi những tác động từ bên ngoài mà còn do chính bản thân ta tự làm khó mình. Thoải mái sống, trân trọng những gì mình đang có và hướng tới hạnh phúc, an nhiên, tôi tin bạn có thể rũ bỏ mọi gánh nặng trên vai!


Theo SKCĐ


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
Đăng lúc 2-12-2017 23:10:49 | Chỉ xem của tác giả
Những bài học ý nghĩa về cuộc sống

Nếu có thời gian bạn hãy đọc và suy ngẫm những câu nói hay trong cuộc sống này để hiểu rõ và giúp bạn vượt qua một cách dễ dàng hơn.

1. Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.

2. Đừng che dấu tình yêu và sự dịu dàng của mình cho đến khi bạn lìa đời. Hãy làm cuộc đời bạn tràn đầy sự ngọt ngào. Hãy nói những lời thân thương khi bạn còn nghe được và tim bạn còn rung động.

3. Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người. Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào điều đó cả.

4. Không thể nào sống mà không mắc sai lầm, trừ khi bạn cẩn trọng đến mức tối đa, nhưng như thế thì vô hình bạn đã mắc sai lầm rồi đấy.

5. Dù ngôi nhà của bạn có to bao nhiêu đi nữa, dù bạn mới vừa tậu một chiếc xe hơi mới tinh, hay kể cả tiền của bạn trong tài khoản ngân hàng có nhiều cỡ nào, thì phần mộ của bạn cũng chỉ nhiêu đó kích thước. Hãy khiêm tốn.

6. Đừng nói mà hãy làm. Đừng huyên thuyên mà hãy hành động. Đừng hứa mà hãy chứng minh.

7. Đừng bao giờ quyết định những vấn đề lâu dài trong lúc cảm xúc đang ngắn hạn.

8. Đối với bạn mà nói, sẽ chẳng bao giờ là quá già để có một mục tiêu mới hay để mơ một giấc mơ mới.

9. Đôi khi bạn không cần phải có mục tiêu trong cuộc sống, đại loại là những mục tiêu to lớn, bạn chỉ cần biết điều mà bạn phải làm kế tiếp là gì mà thôi.

10. Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó. Bạn có thể dùng nó, nhưng bạn không thể giữ nó. Một khi bạn làm mất nó, bạn sẽ không thể nào có lại được nó.

11. Khi một người khóc, giọt nước mắt đầu tiên từ mắt phải… đó là họ đang hạnh phúc. Và khi nó đến từ mắt trái… đó là nỗi đau.

12. Im lặng và mỉm cười là 2 vũ khí lợi hại.

Mỉm cười là cách để giải quyết nhiều vấn đề , im lặng là cách để tránh những vấn đề rắc rối xảy ra.

13. Những thứ bẩn thỉu thực sự không phải ở bên ngoài mà ở bên trong, nằm trong những trái tim của chúng ta. Chúng ta có thể gột sạch vết nhơ với nước nhưng chỉ có duy nhất một thứ chúng ta không thể xoa bỏ là hận thù và mục đích xấu đang gắn chặt trong tim chúng ta.

14. Cuộc sống không phải luôn luôn hoàn hảo nhưng nó là kết quả của những gì bạn tạo ra. Vì thế hãy làm nó có giá trị, làm sao cho nó đáng nhớ và đừng bao giờ để ai đó đánh cắp hạnh phúc của bạn.

15. Lo lắng chỉ làm lãng phí thời gian, nó không làm thay đổi gì cà, ngoài việc lấy đi niềm vui và làm cho bạn lúc nào cũng bận rộn mà chẳng hoàn tất được gì cả.

16. “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được thứ tha mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản.” – Jonathan Lockwood Huie
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách