Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 4770|Trả lời: 14
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Drama 2013] Trò Đời | NSƯT Quốc Anh, NSƯT Minh Hằng, Việt Bắc, Bảo Thanh (Link Online Tập 32 | Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
TRÒ ĐỜI



Tên phim: Trò Đời
Đạo diễn: NSƯT Phạm Nhuệ Giang
Biên kịch: Trịnh Thanh Nhã (chuyển thể), Vũ Trọng Phụng
Nguyên tác: "Số đỏ", "Kỹ nghệ lấy Tây" và "Cơm thầy cơm cô"
Thể loại: Hiện thực phê phán
Độ dài: N/A
Năm sản xuất: 2013
Lịch phát sóng: 20 giờ 30 tối thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên VTV1 bắt đầu từ 9/8/2013
Diễn viên: NSƯT Quốc Anh, NSƯT Minh Hằng, Việt Bắc, Bảo Thanh
Nội dung: Kịch bản phim Trò đời có nội dung chính được xây dựng từ Số đỏ và những tình tiết, câu chuyện được chắt lọc từ các phóng sự nổi tiếng của “ông vua phóng sự đất Bắc” như Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, qua đó tái hiện bức tranh xã hội Việt Nam thời kỳ trước 1945. Phim khắc họa một loạt nhân vật với tính cách điển hình nổi tiếng trên văn đàn như Xuân Tóc Đỏ, TYPN, cụ cố Hồng, bà Phó Đoan…

Trailer


Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
leciel89 + 5 Ủng hộ 1 cái!

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 16:27:44 | Chỉ xem của tác giả
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 16:28:57 | Chỉ xem của tác giả
Link Online


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 16:34:47 | Chỉ xem của tác giả
[03.08.2013][vnexpress.net] NSƯT Minh Hằng suýt từ chối 'Trò đời' vì cảnh nhạy cảm

Nữ nghệ sĩ cảm thấy may vì cuối cùng đã nhận lời đạo diễn Nhuệ Giang, tham gia bộ phim truyền hình được dàn dựng từ những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Kịch bản phim Trò đời có nội dung chính được xây dựng từ Số đỏ và những tình tiết, câu chuyện được chắt lọc từ các phóng sự nổi tiếng của “ông vua phóng sự đất Bắc” như Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, qua đó tái hiện bức tranh xã hội Việt Nam thời kỳ trước 1945. Phim khắc họa một loạt nhân vật với tính cách điển hình nổi tiếng trên văn đàn như Xuân Tóc Đỏ, TYPN, cụ cố Hồng, bà Phó Đoan…


Bà Phó Đoan (Minh Hằng) và Văn Minh chồng (Chiến Thắng).

Trong phim, Minh Hằng vào vai Kiểm - một gái quê bị Tây đen làm nhục giữa đồng - bỏ làng lên thành phố làm me Tây. Từ một cô thôn nữ chất phác, Kiểm dần trở thành một mệnh phụ phu nhân đàng điếm nhưng ẩn dưới vỏ bọc một người văn minh. Ban đầu, Minh Hằng từ chối vì sợ vai me Tây có nhiều cảnh nhạy cảm nhưng đạo diễn Nhuệ Giang kiên trì thuyết phục chị. “Me Kiểm (tức bà Phó Đoan) là người có tâm trạng phức tạp, nhiều biến cố. Một người giàu kinh nghiệm như Minh Hằng mới có thể đảm nhận vai diễn này” - nữ đạo diễn nhìn nhận.

Bản thân Minh Hằng thấy may mắn vì cuối cùng đã nhận lời đóng vai diễn này. “Bà Phó Đoan” được đạo diễn Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - đánh giá là một dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của Minh Hằng. Từng lồng tiếng cho những nữ diễn viên chính của các bộ phim cổ xưa như Đời mưa gió, Gánh hàng hoa…, Minh Hằng đã học được cách diễn xuất của các đàn chị. Ngoài ra, chị cũng nhẫn nại, chịu rất nhiều vất vả để hoàn thành vai diễn. Theo Minh Hằng, “không điên không đóng được Phó Đoan” vì vừa cuồng loạn với cảnh làm tình lại đến ngay cảnh vật vã vì chồng chết.



Cô Đũi (Bảo Thanh) kể cho nhà báo Phan Vũ (Thiện Tùng) về cuộc đời mình. Nhà báo Phan Vũ được xây dựng như hình ảnh cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đây là nhân vật đóng vai trò người quan sát, xâu chuỗi các sự kiện trong phim.

Dù có mặt đạo diễn, Minh Hằng vẫn không ngần ngại chia sẻ cùng báo giới: “Nhuệ Giang khó tính đến phát ghét”. “Trời rét 9 độ bắt mặc áo tơ tằm mỏng tang. Tôi và bạn diễn phải ngậm nước đá để thở khỏi nhả ra khói, tức là vừa lạnh ngoài, vừa giá trong, thế mà chị Nhuệ Giang vẫn chưa ưng” - Minh Hằng ấm ức. Quá trình đóng phim vất vả khiến Minh Hằng ốm suýt phải đi viện. Chồng chị thấy vợ đi đêm về hôm tới 2-3h, ốm lên ốm xuống thì xót khuyên vợ nên ở nhà, nếu cần tiền thì anh sẽ đưa thêm, nhưng Minh Hằng kiên quyết theo đuổi vai Phó Đoan tới cùng vì muốn được làm mới mình trong nghiệp diễn.


Xuân Tóc Đỏ (Việt Bắc) và cô Tuyết (Mai Chi).

Không chỉ Minh Hằng, hàng loạt diễn viên của Trò đời đều tranh thủ tố tội “khó tính” của Nhuệ Giang. Bảo Thanh - người đảm nhận vai nữ chính cô Đũi và Thúy An - vai Văn Minh vợ, đều than thở, nữ đạo diễn quá khắt khe khiến nhiều lúc diễn viên “cảm thấy không vui”. Tuy nhiên, cả đoàn phim đều phải thừa nhận, sự khó tính của Nhuệ Giang đã mang lại cho phim hiệu quả lớn cả về bối cảnh, diễn xuất diễn viên.

Trò đời dự kiến phát sóng từ ngày 9/8 vào lúc 20h30 thứ năm và thứ sáu hàng tuần trên VTV1.

Huy Phạm

Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin ... ay-cam-2859547.html
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 16:44:16 | Chỉ xem của tác giả
[11.08.2013][tuoitre.vn] Trò đời: Vũ Trọng Phụng vừa được làm mới

TT - Trò đời - bộ phim được biên kịch kỳ cựu Trịnh Thanh Nhã xây dựng từ ba tác phẩm Số đỏ, Kỹ nghệ lấy TâyCơm thầy cơm cô của “ông vua phóng sự đất Bắc kỳ” - vừa chính thức lên sóng VTV1 từ tối 9-8-2013.

Xuân tóc đỏ và cô Tuyết



Vợ chồng Văn Minh và bà cố Hồng



Một chiếc cô đầu

Đây là bộ phim được VTV kỳ vọng nhất trong năm của dòng phim Việt giờ vàng, không chỉ vì tên tuổi của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn là một thông điệp về quyết tâm làm phim kỹ, tinh và hấp dẫn của ban giám đốc VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN.

Một không gian Vũ Trọng Phụng


Những tập đầu của phim chưa thể nói được gì nhiều, màn giao đãi giới thiệu nhân vật - vì có sự pha trộn giữa ba tác phẩm khác nhau nên việc dựng đường dây liên hệ chiếm không ít thời lượng. Nhưng cái mà người đọc dễ dàng nhận ra Trò đời khác với rất nhiều phim khác của truyền hình VN nói chung là không khí của bộ phim. Không khí xã hội VN thuộc địa nửa phong kiến, dở Tây dở ta những năm 1930-1940 của thế kỷ trước từng rất ám ảnh người đọc trong các tác phẩm Vũ Trọng Phụng nay được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ phục trang Nguyễn Thu Hà, giám đốc hình ảnh NSND Nguyễn Hữu Tuấn phục dựng cẩn trọng.

Vũ Trọng Phụng khác biệt với tất cả nhà văn khác cùng thời vì ông không bảng lảng sương khói ngọt ngào như Thạch Lam, không lãng mạn hóa cả nông thôn lẫn thành thị như Nhất Linh, Khái Hưng, cũng không chua xót đớn đau kể khổ như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, giằng xé dằn vặt như Nam Cao. Vũ Trọng Phụng chọn cho mình một góc quan sát khác và một giọng kể khác. Ông quan sát lạnh lùng, mổ xẻ và ông kể hài hước, cái hài hước của lý trí thật hiếm hoi trong văn học VN từ xưa đến nay. Chính vì thế ông vĩ đại và đi trước thời đại, và cũng chính vì thế tác phẩm của ông thuộc loại cực kỳ khó chuyển thể. Những gì đã dựng thành phim, thành kịch đều bị đối chiếu với nguyên bản và... lắc đầu.

Với Trò đời, chỉ từ việc VFC mời đạo diễn Nhuệ Giang và nữ đạo diễn nổi tiếng cẩn thận và kỹ tính này mời nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn và họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức làm xương sống cho êkip của mình đã thấy sự gửi gắm trong ý đồ và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật

Các không gian chính của bộ phim, theo sự xuất hiện từng nhân vật, đều phả ra không khí thuộc địa xưa, phảng phất chút Hà thành thời còn thưa vắng và vẫn đậm nét cá tính của chủ nhân: nhà bà Phó Đoan cái giường thật to lù lù tiền cảnh, nhà vợ chồng Văn Minh gương treo khắp nơi, nhà cụ cố Hồng sập gụ tủ chè la liệt... Tất cả đều là đồ “thửa” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, còn có biệt danh nức tiếng giới họa sĩ VN: Đức “nhà sàn”.

Những chiếc xe tay của gần 80 năm trước, những chiếu cô đầu với tiếng phách dìu dặt và ánh đèn nến lay lắt, tà áo dài khép nép rủ chấm gót, cổ cao kín đáo buổi đầu “Âu hóa”, may đúng chất liệu tơ tằm... cũng được họa sĩ Nguyễn Thu Hà chăm chút chi tiết tạo một cảm giác “thật nhất có thể” cho khán giả khi vào để chuẩn bị tâm thế theo dõi diễn biến chuyện phim.

Còn nguyên giá trị thời sự


Nữ đạo diễn Nhuệ Giang thẳng thắn thừa nhận chị đã bị áp lực khá lớn khi làm phim Trò đời, vì đọc đi đọc lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng càng thấy ông có tầm vóc quá lớn, tính dự báo trong tác phẩm của ông rất cao và dù ông mất đã hơn 70 năm thì những Số đỏ, Kỹ nghệ lấy TâyCơm thầy cơm cô... vẫn còn nguyên giá trị. Nạn nghiện hút, cô đầu, mại dâm vẫn đang là những tệ nạn xã hội nhức nhối và những kẻ lưu manh gặp thời như Xuân tóc đỏ vẫn đang tiếp tục đắc thế.

Biên kịch và đạo diễn đã khá táo bạo khi chọn đường dây chính, bên cạnh Xuân tóc đỏ còn có Đũi - Mộng Đài, cô thôn nữ con nhà gia giáo sa cơ, bị me Kiểm lừa bán cho Tây đen, trở thành một con sen láu cá, một đào rượu gợi tình tinh quái và hoàn lương nhờ tấm chân tình chất phác thủy chung của một anh trai làng. Chọn hai diễn viên rất trẻ vào hai vai chính: Việt Bắc (Xuân tóc đỏ) và Bảo Thanh (Đũi - Mộng Đài), đạo diễn quyết từ chối các khuôn mặt đã bị “mài nhẵn” hằng đêm trên truyền hình để đặt hi vọng vào hai gương mặt hoàn toàn mới mẻ.

Qua sự xuất hiện của họ trong những tập đầu, có thể thấy Xuân tóc đỏ của Việt Bắc còn khá non nớt bên cạnh bà Phó Đoan rất đáo để, ngọt ngào quyền biến của NSƯT Minh Hằng, trong khi Đũi của Bảo Thanh lại tỏ ra “một mười một chín” với ông họa sĩ trai lơ của Quang Thắng; Tuyết của Mai Chi, Hoàng Hôn của Hoàng Yến cũng tỏ ra khá “ăn hình”. Tuy nhiên, nhà báo Phan Vũ - hiện thân của Vũ Trọng Phụng - xuất hiện trong phim với tư cách một trí thức đóng vai trò cảnh tỉnh, một đối trọng của cái đẹp và cái thiện bên cạnh cái nhố nhăng, ô trọc lại tỏ ra... đuối. Phải chăng đó cũng là dụng ý của các tác giả khi mà cái nhố nhăng ô trọc có vẻ vẫn đang lấn át lòng tốt hơi sách vở và yếm thế của những người như nhà báo Phan Vũ thuở nào.

55 tập phim sẽ phát sóng vào 20g30 tối thứ năm và thứ sáu hằng tuần trên VTV1. Một phiên bản nữa của Vũ Trọng Phụng vừa được nữ đạo diện Nhuệ Giang “làm mới” trên màn ảnh.

THU HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-t ... moi.html#ad-image-2
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 16:52:23 | Chỉ xem của tác giả
[17.09.2013][vtv.vn] Trò đời – Khởi đầu phương thức làm phim mới của VFC

Phương thức làm phim theo lối chuyển thể các tác phẩm văn học và mang hơi hướng điện ảnh, đang trở thành một chiến lược mới của VFC. Trò đời là màu sắc tươi mới đầu tiên, báo hiệu sự khởi sắc của nhiều dự án phim theo phương thức này.

Một trong những món ăn tinh thần đã trở thành thương hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam chính là những bộ phim truyền hình dài tập của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện. Chiến lược đột phá để phát triển phim truyền hình được VFC thực hiện trong năm 2013 là một trong những đề tài được công chúng đặc biệt quan tâm.



Bối cảnh, ánh sáng trong phim "Trò đời" được ê kíp làm phim chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng.

Một trong những chiến lược được thực hiện dài hơi của VFC là sản xuất những bộ phim mang hơi hướng của điện ảnh được dàn dựng, đầu tư một cách công phu cả về kịch bản văn học, bối cảnh phim và hình thức thể hiện. Bộ phim đầu tiên được thực hiện theo hình thức này là bộ phim Trò đời, hiện đang được phát sóng trên kênh VTV1 của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Phim dựa trên những tiểu thuyết và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng Số đỏ.

Trò đời
chính là tác phẩm đầu tiên “thử nghiệm” trong dự án phim lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học hiện thực những năm 1930 – 1945, được xây dựng dựa trên những tác phẩm nổi tiếng của “Vua phóng sự đất Bắc” - Vũ Trọng Phụng. So với các phim truyền hình khác, Trò đời được Đài truyền hình Việt Nam đầu tư kinh phí gấp 3 lần. Bối cảnh được tái hiện từ những con phố cổ Hà Nội, phục trang được đầu tư công phu, quan trọng nhất là bàn tay tài hoa của đạo diễn Nhuệ Giang đã khiến mỗi khuôn hình đều thấm chất điện ảnh, đây chính là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của phim.

Đạo diễn, NSƯT Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn phim Trò đời: “Sự khác biệt ở đây là trong vấn đề chiếu sáng, hình trong phim Trò đời được làm rất kỹ lưỡng và sâu hơn. Trong phim, có tiền cảnh hậu cảnh và được hoạt động trong không gian chiếu sáng rất nghệ thuật. Chúng tôi là những người làm điện ảnh, cũng rất mong muốn làm hết sức mình về phần hình ảnh cho thật đẹp.



Những nhân vật trong phim đều thể hiện một số phận, một hoàn cảnh đặc trưng trong xã hội Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Những nhân vật chính trong tác phẩm Số đỏ đã dần hiện lên ngay từ những tập đầu của phim với những nét tiêu biểu, tính cách điển hình nhất cho mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, khi trào lưu Âu hóa du nhập, làm băng hoại những gì là phong tục, lễ nghi, phép tắc.

Dàn diễn viên đồng đều, từ những diễn viên giàu kinh nghiệm như NSƯT Minh Hằng (Phó Đoan), NSƯT Quốc Anh (cụ cố Hồng); đến những lớp diễn viên trẻ tuổi như Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Thanh Bảo (Đũi) đã góp phần khắc họa rõ nét những nhân vật điển hình, chân thực nhất.

Diễn viên Việt Bắc, vai Xuân tóc đỏ chia sẻ: “Có thể nói được vào vai Xuân tóc đỏ là một vinh dự của tôi, một may mắn rất lớn. Trước khi diễn, tôi đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng bởi Xuân tóc đỏ trong Trò đời là nhân vật kết hợp của rất nhiều tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trước đây nghệ sĩ Quốc Trọng đã vào vai Xuân tóc đỏ trong Số đỏ, đó là một vai diễn để đời. Do vậy, tôi phải nỗ lực hơn để diễn sao cho ra một Xuân tóc đỏ với màu sắc mới”.

Sau những Ma làng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh... làm nên thương hiệu của dòng phim chính luận cho VTV, có thể nói Trò đời đang làm nên một màu sắc mới cho phim truyền hình, làm sống lại không khí làm phim theo lối chuyển thể từ những tác phẩm văn học kinh điển cách đây vài thập kỷ.

Bản thân kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng đã khiến Trò đời tạo nên sức hấp dẫn với khán giả trước màn hình mỗi tối thứ 5, thứ 6 hàng tuần. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là những vấn đề xã hội mang đầy hơi thở thời đại từ những câu chuyện xưa cũ. Những câu chuyện, con người, hoàn cảnh được thể hiện trong phim, đã khiến người xem phải suy ngẫm về giá trị đồng tiền, về thân phận con người trong xã hội bon chen, hay những mặt trái của hội nhập đe dọa tới những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha, mới chính là giá trị lớn nhất mà Trò đời muốn đem tới cho khán giả.

Kim Ngân

Nguồn: http://vtv.vn/Truyen-hinh/Tro-do ... i-cua-VFC/81660.vtv
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 17:01:01 | Chỉ xem của tác giả
[04.10.2013][vnexpress.net] Đạo diễn Nhuệ Giang: ‘Tôi nổi tiếng khó tính’

Nữ đạo diễn sinh năm 1957 cho biết, không phải đợi đến phim “Trò đời” chị mới bị diễn viên kêu ca vì sự cẩn thận tới mức khắt khe của mình.

-“Trò đời” đã đi được nửa chặng đường. Khi xem lại phim trên sóng VTV1, chị thấy mình làm được và chưa được những gì?

- Những người bán hàng, hàng xóm ở khu phố tôi bảo: “Lâu lắm mới xem được một bộ phim hay”. Bạn bè thì nhắn tin động viên, khen ngợi. Phim làm trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều khi chúng tôi phải cãi nhau vì kịch bản viết thì nhiều mà thực tế những điểm quay ở Hà Nội thì hạn chế. Phần ngoại cảnh của Hà Nội không có nhiều, chúng tôi chỉ quay được ở phố cổ thiên đường Bảo Sơn, phố Tạ Hiền và một ít nhà Pháp, không có tiền đưa cả đoàn vào Hội An. Giá Hà Nội có trường quay, có thể chúng tôi sẽ làm khán giả thỏa mãn hơn.

Với phần nội cảnh, chúng tôi đã phải biến hóa rất nhiều. Một tòa nhà chỉ có ba phòng, chúng tôi phải làm thành 10 phòng, sử dụng những kỹ thuật điện ảnh để tạo sự phong phú cho phim. Bù lại, phục trang tạo được sự lịch lãm của Hà Nội thời xưa. Cách diễn xuất trong phim cũng không thô kệch, khiên cưỡng mà khá sinh động. Tất nhiên về mặt cốt truyện, phim truyền hình không thể tinh tế như phim điện ảnh, nhưng nếu xét ở góc độ một phim cổ thì tôi tin đây là phim hấp dẫn.



Đạo diễn Nhuệ Giang đang phân tích kịch bản cho diễn viên Việt Bắc.

- Tuy đã rất cố gắng tránh những yếu tố hiện đại nhưng có ý kiến phàn nàn, chị vẫn để sót biển báo giao thông trong “Trò đời”. Chị giải thích ra sao?

- Tôi đã nghe thông tin về điều này nhưng tôi thấy nó không chuẩn xác. Việc có cột mốc cảnh báo mức nước ở sông Hồng không hề sai. Tôi tin cấp thoát nước thời Pháp tốt gấp nhiều lần Hà Nội ngày nay. Tôi không vô trách nhiệm đến mức để lọt một thứ của thế kỷ 21 vào phim đầu thế kỷ 20. Có thể các bạn thấy biển báo ấy ngày nay quá quen thuộc nên cho rằng nó chỉ có ở thời hiện tại thôi.

- Vậy còn ý kiến cho rằng, con đường tha hóa của Đũi trong "Trò đời” diễn ra quá nhanh, khiến khán giả khó có sự đồng cảm đối với Đũi như trong “Cơm thầy cơm cô”, chị trả lời thế nào?


- Đó là phát biểu đơn lẻ của cá nhân và tôi cho rằng, không mang tính đại diện. Nên nhớ Đũi là một cô gái bị Tây hiếp, đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam khi ấy có thể thấy, cuộc đời Đũi không còn nhiều hy vọng. Cô ấy rơi vào phận con sen, dưới đáy xã hội. Khi vào nhà trò, cô Đũi ngây thơ tin rằng hát ả đào sẽ được cung phụng, kiếm được tiền trả nợ gia đình và cho bố một vị trí ở làng. Cô ấy không biết đó là trò bán thân nuôi miệng. Đến cuối cùng khi bị đánh, ép tiếp khách, cô vẫn kiên quyết không chịu. Đũi bảo, bản thân bị Tây hiếp nhưng vẫn hoàn toàn là một cô gái, chưa từng bán thân. Tôi nghĩ nếu khán giả nào chăm chú xem phim sẽ hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Đũi. Kiều từng bán mình chuộc cha nhưng có ai nghĩ cô ấy sa ngã vì bản chất xấu?



Nhuệ Giang chỉ cách cầm vợt cho Mai Chi trong cảnh Xuân Tóc Đỏ dạy cô Tuyết chơi tennis.

- Với cảnh Đũi bị hiếp hay cảnh phòng the của bà Phó Đoan, chị đều tiết chế hơn cả bộ phim tương tự được làm từ cách đây 20 năm. Nguyên nhân nào khiến chị e dè như vậy?

- Đây là phim truyền hình chiếu cho nhiều đối tượng khán giả. Nước ngoài có phân chia giờ chiếu, những phim có cảnh nóng được phát vào giờ không có trẻ con. Việt Nam chưa làm như thế. Trong cùng một buổi xem phim có từ ông già tới đứa trẻ, không nên để cảnh nóng làm phiền mọi người. Nếu chúng ta có giờ chiếu phim hạn chế và những cảnh nóng thực sự phục vụ cho câu chuyện phim thì tôi cũng không từ chối. Cảnh làm tình là những gì gần gũi với con người và điện ảnh vốn phản ánh chân thực đời sống.

- Khi chị làm đạo diễn, chồng chị - đạo diễn Thanh Vân - giữ vai trò giám đốc sản xuất của “Trò đời”. Hai vợ chồng phối hợp với nhau như thế nào?


- Giám đốc sản xuất là người phải đứng ra lo liệu nhiều việc, từ bối cảnh đến êkíp. Anh Thanh Vân đã dùng mối quan hệ, tiếng tăm của mình để thuê bối cảnh với giá rẻ phù hợp với túi tiền của đoàn phim. Để tạo điều kiện cho vợ làm việc thì chắc anh phải nhiệt tình nhất rồi. Bản thân Thanh Vân từng làm nhiều phim cổ trong đó có “Lều chõng”. Tuy nhiên, chúng tôi đều tôn trọng quan điểm làm việc của nhau vì mỗi người là một tiếng nói riêng, góp ý thì góp nhưng không nghe thì cũng không sao (cười). Thế nên không có chuyện chúng tôi cãi nhau trên trường quay.

Ngoài ra “Số đỏ” còn là tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trong Phụng mà ai cũng vinh dự khi được đem nó lên màn ảnh nhỏ nên cả hai chúng tôi đều phải cố gắng để không ngượng với bản thân. Chính vì vinh dự này, Thanh Vân đã chấp nhận một khoản tiền công rất ít cho vai trò Giám đốc sản xuất. Bản thân tôi cũng cố gắng hết sức mình.



Khó khăn lớn nhất của đoàn phim là tìm bối cảnh hợp với một Hà Nội đầu thế kỷ 20.

- Trong buổi họp báo ra mắt “Trò đời”, đồng loạt diễn viên đều “tố” đạo diễn Nhuệ Giang khó tính. Vì sao chị lại khắt khe như vậy?

- Không phải phim này tôi mới thế đâu. Tôi nổi tiếng khó tính trong nhiều phim rồi. Một anh quay phim từng chơi chữ: “Nhuệ Giang chịu khó đến khó chịu”. Tính tôi ít nhân nhượng, lúc nào cũng yêu cầu các bộ phận phải làm việc tốt nhất. Các diễn viên cho rằng: "Quay ba đúp là quá mệt, hai đúp là được rồi, phim truyền hình chỉ cần thế thôi". Thế nhưng có những cảnh tôi yêu cầu diễn đi diễn lại bốn - năm đúp. Tôi nói với họ, nếu không muốn diễn nhiều, bản thân các anh chị phải làm việc rất tập trung.

Đa số tôi quay cảnh dài trong khi phim truyền hình (không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài) thường sử dụng những cảnh đối thoại cắt người này nói, người kia nói ghép vào cho nhanh. Tôi thì vẫn muốn áp dụng những gì mình đã làm với điện ảnh vào truyền hình. Thành ra đóng phim của tôi, diễn viên phải nhớ trường đoạn, quay hỏng mà làm lại thì rất mệt. Đa số anh chị lớn tuổi nghĩ họ nổi tiếng như vậy mà phải đóng tới ba đúp là quá đáng. Lúc quay mệt quá, họ căng thẳng nên kêu ca nhưng nếu yêu cầu của tôi không đúng, họ đã không làm theo.

- Tại sao chị chọn những diễn viên nổi tiếng vào vai phụ trong khi lại chọn diễn viên trẻ chưa nhiều kinh nghiệm vào vai chính?

- Trước hết là hợp vai. Tôi muốn những ai am hiểu nhân vật trong truyện sẽ tán đồng với nhân vật trong phim vì họ xem đến đâu hình dung nhân vật tới đó. “Trò đời” là một phim có tính bi hài nên tôi chọn những vai phụ là những diễn viên đã có kinh nghiệm đóng hài như Minh Hằng, Quốc Anh, Quang Thắng… Trong khi đó, vai chính đều là thanh niên nên phải chọn những người ít tuổi, vì thế khó có thể yêu cầu họ nổi tiếng. Có thể sau phim này họ nổi tiếng chăng?

Rất nhiều người khi xem phim đã tán thưởng khả năng diễn xuất của Việt Bắc (Xuân Tóc Đỏ) và Bảo Thanh (Đũi). Hiện nay có hiện tượng nghệ sĩ bị thu hút vào Nam nhưng tôi thấy những diễn viên trẻ nổi tiếng ở miền Nam phần nhiều do truyền thông thổi chứ chưa chắc đã đóng nổi Xuân Tóc Đỏ. Tuy nhiên tôi vẫn nói với Bắc: "Cháu mới làm tròn vai thôi còn để sinh động hấp dẫn thì còn cần đầu óc hơn nữa".


Ngọc Trần thực hiện

Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin ... o-tinh-2890025.html
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 19:06:33 | Chỉ xem của tác giả
[02.10.2013][nguoiduatin.vn] Diễn viên Việt Bắc nhuộm tóc bảy lần mới ra Xuân tóc đỏ

Để có một bộ tóc đỏ như trong phim, Việt Bắc đã phải nhuộm 7 lần mới được màu tóc mà đạo diễn ưng ý. Đầu tiên phải tẩy trắng tóc, sau đó, nhuộm tiếp màu nâu, vàng… cho đến khi màu tóc được như trong phim.

Xuân tóc đỏ đến gặp tôi khi vừa kết thúc làm việc trong ngày ở Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội. Từ sau khi đóng bộ phim truyền hình Trò đời diễn viên Việt Bắc thường được mọi người gọi bằng cái tên: Xuân tóc đỏ, Xuân nhặt banh... Ngoài đời, Việt Bắc khá trẻ trung với lối nói chuyện dí dỏm và rất "xì tin".  Được biết đến với một số vai diễn trong các phim truyền hình: Ông tơ hai phẩy; Ba đám cưới, một đời chồng. Tuy nhiên, chỉ đến khi vào vai Xuân trong phim Trò đời, Việt Bắc mới "lột xác" được vai diễn đã từng đo ni đóng giày này.

Uống thuốc béo để vào vai

Tôi gặp Việt Bắc tại quán cà phê trên đường Láng, Hà Nội. Khi anh mới vào quán, cô bé phục vụ reo lên: "A, anh Xuân tóc đỏ phải không chị?", khiến nhiều khách có mặt ở quán ngoái lại nhìn. Được biết, Việt Bắc vừa chuyển công tác từ Nhà hát Kịch Trung ương về Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Đã 10 tháng kể từ bộ phim Trò đời đóng máy, nhưng những kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật trong phim vẫn làm Việt Bắc bồi hồi.

Việt Bắc cho biết: "Cái duyên vào vai Xuân tóc đỏ của tôi rất tình cờ. Trước đó, tôi đã vào vai Vĩnh trong bộ phim Ông tơ hai phẩy - đó cũng là một nhân vật láu lỉnh và nhí nhảnh". Sau khi phim lên sóng, Việt Bắc được đồng nghiệp là diễn viên Tuấn Hằng bật mí việc phim Trò đời đang casting (thử vai) nhân vật trong phim. Anh không nghĩ, mình sẽ được chọn bởi khi đó có rất nhiều diễn viên tên tuổi cũng đến thử vai Xuân tóc đỏ. Lúc thử vai, Việt Bắc phải đóng cùng cô hàng mía ở sân quần vợt, vì khi đó không có diễn viên nữ, Việt Bắc phải đóng cùng diễn viên Tuấn Hằng, khi đó anh đã đọc câu thơ: "Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ...". Diễn xong, đạo diễn Nhuệ Giang nhận xét là diễn được. Tuy nhiên, về hình thể, đạo diễn nhận xét hơi gầy, về tẩm bổ thêm, nếu được chọn vai diễn chính. Mấy hôm sau, Việt Bắc nhận được điện thoại là anh đã được chọn vào vai Xuân tóc đỏ.



Một cảnh trong phim "Trò đời".

Việt Bắc tâm sự về công cuộc tăng cân: "Nhận được điện thoại, tôi mua rất nhiều thuốc về để uống cho người béo lên. Thậm chí, nghe theo lời của diễn viên Chiến Thắng, tôi lên tận phố cổ Hà Nội mua thuốc tích nước về để uống cho mình lên cân nhanh. Ngay khi được nhận vào một vai "nặng ký", tôi bị nhiều người hoài nghi và cho rằng, tôi khó có thể diễn thành công với dạng vai diễn này. Thực tế, tôi chưa từng đóng vai chính phim nào, sẽ không có đủ trải nghiệm để làm ra một Xuân tóc đỏ mới, khác, lạ. Tuy nhiên, chính sự tin tưởng và động viên của đạo diễn Nhuệ Giang đã làm tôi tự tin và quyết tâm làm việc tốt hơn".

Việt Bắc tếu táo với tôi rằng, vai Xuân tóc đỏ là một cái áo "vừa vặn" với mình, bởi vai diễn cũng là một sự trải nghiệm của anh với cuộc sống đã từng trải qua, cộng với sự học hỏi cách diễn xuất từ những diễn viên đi trước. Theo Việt Bắc, được làm việc với đoàn làm phim Trò đòi là một điều may mắn của anh,  bởi  ở đoàn làm phim, mọi người thường giúp đỡ nhau trong các vai diễn, như hướng dẫn cách diễn xuất, nhắc lời thoại... nhất là việc được làm việc với những nghệ sỹ tên tuổi như Minh Hằng, Quang Thắng, Chiến Thắng, Phú Đôn... đã giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều.

Diễn viên Việt Bắc quê ở Vinh, Nghệ An. Năm học lớp 4, anh đã tham gia diễn văn nghệ ở trường, niềm đam mê điện ảnh hình thành từ đó. Học xong lớp 12, Việt Bắc tham gia học lớp diễn xuất do diễn viên Hương Dung mở, tại Hà Nội. Cả nhà Việt Bắc, không ai theo nghệ thuật, ba của anh là cán bộ ngành an ninh và mẹ là nữ y tá của ngành quân đội, đều đã nghỉ hưu. Cha mẹ là những người đầu tiên kịch liệt phản đối chuyện Việt Bắc theo học một ngành học "thiếu thực tế" là sân khấu - điện ảnh. Tuy nhiên, anh vẫn theo học khoa Diễn viên điện ảnh để thắp sáng ước mơ của mình. Khi biết cậu con út được tham gia vào một bộ phim truyền hình trên giờ vàng của VTV, bố mẹ và người thân rất vui, thường xuyên động viên Việt Bắc cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình.



Vẻ lãng tử của Xuân tóc đỏ.

Sợ "cái bóng"  NSƯT Quốc Trọng

Kỷ niệm nhớ nhất đối với Việt Bắc khi đóng phim Trò đời là phim được quay vào mùa đông, nhiệt độ có hôm xuống dưới 8 độ C, vai Xuân tóc đỏ ở giai đoạn nghèo khổ, anh phải đi chân đất, mặc áo phong phanh. Những hôm trời lạnh dưới 10 độ C, đoàn làm phim phát cho tất cả diễn viên một miếng dán nóng sau lưng để chống lạnh. Kỷ niệm ấy, để lại cho những diễn viên cảm xúc rất đặc biệt và họ coi đoàn làm phim như một ngôi nhà lớn của mình.

Việt Bắc bảo rằng, được vào vai Xuân tóc đỏ đầy áp lực, nhưng cũng thấy rất hạnh phúc, vì đã trưởng thành lên rất nhiều từ vai diễn này. Được làm việc với vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang - những người có tiếng là nghiêm khắc, Bắc được học hỏi rất nhiều. Khi biết, Việt Bắc làm đóng phim của đạo diễn Nhuệ Giang, nhiều người đã nói với anh: "Ôi, chị Nhuệ Giang khó tính lắm, làm việc sẽ rất căng thẳng đấy!". Nhưng chàng Xuân tóc đỏ lém lỉnh ấy cho biết: "Tôi thấy biết ơn những tháng ngày làm phim với cô Nhuệ Giang, cô quan tâm tôi như con. Có những lúc, cô rất nghiêm khắc, nhưng tôi hiểu rằng, đó là cách để diễn viên hoà nhập nhân vật của mình tốt nhất".

Việt Bắc kể lại kỷ niệm về cảnh Xuân tóc đỏ chữa bệnh cho cụ Cố sắp chết trong phim bằng một loại thuốc "đặc biệt". Vì đấy là một loại thuốc được lấy từ đền Pia pha với nước tiểu trẻ con nên đạo diễn yêu cầu phải là màu xanh, các diễn viên và những người làm đạo cụ đã phải giã cả lá ra để làm thuốc hay dùng quả chanh tươi, nhưng vẫn không đúng như yêu cầu đạo diễn. Đạo diễn Thanh Vân phải đi luộc rau để lấy nước thì mới ra màu thuốc mà đoàn làm phim yêu cầu. Chỉ là một cảnh nhỏ thôi, nhưng sự chuẩn bị của đoàn làm phim rất chu đáo, kỹ càng khiến cho những cảnh quay đạt chất lượng tốt.

Hỏi Việt Bắc, đây là một vai diễn mà trước đó NSƯT Quốc Trọng đã thể hiện khá thành công, Bắc có xem lại những cảnh đó không? Việt Bắc cho biết: "Chỉ khi phim Trò đời đóng máy, tôi mới có "can đảm" để xem những cảnh phim mà NSƯT Quốc Trọng đã từng đóng trước đó. Tôi sợ "cái bóng" ấy, sợ cách diễn của NSƯT Quốc Trọng ảnh hưởng đến cách diễn của tôi. Nhưng có một điều rất vui là sau khi Trò đời đã phát sóng, nhiều người nhận xét là Xuân tóc đỏ của tôi có một lối diễn rất mới, rất khác. Điều khác đều tiên là Trò đời là kịch bản phim của 3 tác phẩm: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy Tây... nên nội dung phim phải xuyên suốt 3 tác phẩm ấy. Hơn nữa, tôi cũng muốn được tự do sáng tạo với những cảnh diễn của mình nên đã xin đạo diễn Nhuệ Giang là được tự nói lời thoại, không cần người nhắc để tự tin hơn trong diễn xuất...".

Tình yêu thầm kín


Có một cảnh quay mà giờ nhắc lại, những diễn viên trong phim Trò đời thấy rất ấn tượng, là cuộc gặp gỡ giữa Xuân tóc đỏ với Văn Minh trong xe ô tô. Lúc ấy, xe không ở trường quay, trên xe chỉ có Việt Bắc, diễn viên Chiến Thắng (đóng vai Văn Minh), người lái xe và người quay phim. Sau khi diễn xong, mọi người đưa máy quay về cho đạo diễn Nhuệ Giang duyệt, xem đến một đoạn diễn chưa hài lòng, đạo diễn Nhuệ Giang hô "cắt, cắt!" mà không để ý rằng, đây là một cảnh được xem lại, chứ không phải là một cảnh diễn đang diễn ra, khiến cho đoàn làm phim được một trận cười sảng khoái.

Bộ phim Trò đời lên sóng đã nhận được rất nhiều cảm tình của khán giả. Việt Bắc gặp rất nhiều tình huống "đặc biệt" của những người hâm mộ như đi đâu anh cũng "bị" nhận ra và được nhiều khán giả trẻ... xin chữ ký. Việt Bắc cho hay, thậm chí một người bạn cũ của anh, hiện đang ở cách Hà Nội khá xa, cũng gọi điện về và nói là rất thích cách đóng của Việt Bắc, cả tuần chỉ chờ đến khi Trò đời được phát sóng để xem. Theo Việt Bắc, Xuân tóc đỏ trong Trò đời là một hình ảnh khác: Dù có ma cô, lém lỉnh nhưng Xuân tóc đỏ phiên bản hai này vẫn có một cái gì đó rất “sang” với tính nghĩa hiệp và tình yêu thầm kín với con sen Đũi.


Việt Bắc cho biết, qua 32 tập phim Trò đời, anh đã có một chuyến du lịch thực sự khi được vào vai Xuân tóc đỏ. Từ khi nhận được kịch bản phim, anh đã cố gắng thuộc hết lời thoại trong các cảnh diễn để không cần đến sự giúp đỡ của người nhắc thoại. Thậm chí, khi đánh răng, anh cũng nhẩm lại lời thoại để chuẩn bị cho mình một sự chủ động nhất. Anh đã đưa nụ cười thường ngày của Việt Bắc vào phim. Đặc biệt, để có một bộ tóc đỏ như trong phim, Việt Bắc đã phải nhuộm 7 lần mới được màu tóc mà đạo diễn ưng ý. Đầu tiên phải tẩy trắng tóc, sau đó, nhuộm tiếp màu nâu, vàng… cho đến khi màu tóc được như trong phim.

Lạc Thành

Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dien-v ... toc-do-a105541.html
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 20-10-2013 19:12:58 | Chỉ xem của tác giả
[06.09.2013][vtv.vn] Cô Đũi – Bảo Thanh: “Quay cảnh tự tử là khó nhất”

Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim “Trò đời”, cô Đũi - Bảo Thanh cho biết: “Cảnh quay khó nhất với tôi là tự tử ở bờ sông”.

Là một trong số những diễn viên trẻ nhưng lần đầu tiên được mời vào vai chính trong Trò đời, Bảo Thanh đã dồn nhiều tâm huyết cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản để hóa thân thành công vào nhân vật Đũi.

Đũi là một cô gái nông thôn có bản tính lương thiện nhưng bị hãm hại và dấn thân vào chốn thị thành với đầy cạm bẫy, lừa lọc. Từ một cô gái quê chân chất, Đũi trở thành một con sen, đào rượu gợi tình và bước lên địa vị nhất định trong xã hội là bà chủ một ca lâu.

“Là một diễn viên trẻ, kinh nghiệm sống và diễn xuất còn ít, nên khi nhận vai, Thanh đã được đạo diễn và các diễn viên gạo cội hướng dẫn rất nhiều. Bên cạnh đó cùng với sự sáng tạo của bản thân, Thanh đã cố gắng khắc họa một Đũi của riêng mình” – diễn viên Bảo Thanh chia sẻ.



Một cảnh về nhân vật Đũi trong phim Trò đời

Bảo Thanh cũng cho biết điều cô ấn tượng nhất ở vai Đũi là khi thực hiện hình ảnh và nội tâm nhân vật ở hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Cá tính của một con sen khác hoàn toàn với tính cách của một bà chủ. Điều này khiến cho Bảo Thanh phải định hướng xây dựng hình ảnh Đũi ở 2 thời kỳ một cách rõ ràng.

Để vào vai diễn sao cho “ngọt” nhất, Bảo Thanh phải học thêm hát ca trù. Áp lực ở chỗ, bình thường người khác phải học một năm thì Bảo Thanh chỉ có một tuần để cất cao tiếng hát. Không những chỉ hát mà cô còn phải gõ phách, nên độ khó càng cao hơn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của cô giáo dạy hát và sự nỗ lực của chính bản thân mình, Thanh đã hoàn thành những cảnh quay hát ca trù ưng ý.

Thú vị hơn, Bảo Thanh đã bật mí một cảnh quay “làm khó” cô nhất chính là cảnh Đũi tự tử ở bờ sông. “Khi thực hiện cảnh quay này, đang là thời điểm lạnh nhất của mùa Đông 2012, nhiệt độ ngoài trời là 8 độ C. Thanh đã phải lội nước rất sâu, cát lún mà lại không biết bơi. Vì vậy, mọi thứ thực sự rất khó khăn, vất vả nhưng cuối cùng cảnh quay cũng được thực hiện tốt và an toàn” – Bảo Thanh nói.







Một số hình ảnh về nhân vật Đũi


NT, Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn: http://vtv.vn/Truyen-hinh/Co-Dui ... -kho-nhat/79738.vtv
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 21-10-2013 09:10:23 | Chỉ xem của tác giả
[04.12.2012][danviet.vn] “Trò đời” mở lối thoát cho kịch bản phim truyền hình

(Dân Việt) - 30 tập phim “Trò đời” chuyển dựng từ chùm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đang được kỳ vọng mở lối thoát cho tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản chất lượng của phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây.

Kho báu bỏ quên

Có thể nói, dự án phim “Trò đời” là một ý tưởng táo bạo của nhóm các nhà làm phim lãng mạn của Hãng phim Hội Điện ảnh VN như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Ngô Thanh Vân, Nhuệ Giang... Trong khi kịch bản phim truyền hình đang ngày càng đi vào ngõ cụt vì đề tài quẩn quanh thì chúng ta có một mảng lớn các tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 đang nằm nguyên. Và Hãng phim Hội Điện ảnh đã quyết tâm phải đưa những tác phẩm này đến với công chúng dưới dạng phim truyền hình dài tập.



Một cảnh trên trường quay của bộ phim “Trò đời”.

Những người chịu trách nhiệm “lĩnh ấn tiên phong” chính là cặp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang với 30 tập phim “Trò đời” chuyển dựng từ các tác phẩm “Số đỏ”, “Cơm thầy cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy tây” và “Làm đĩ”. Đạo diễn Thanh Vân chia sẻ: “Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim như “Số đỏ”, “Giông tố” hay dựng thành kịch như “Làm đĩ”, tuy nhiên, để xâu chuỗi chúng trở thành một bộ phim truyền hình dài tập thì đây là lần đầu tiên.

Kịch bản “Trò đời” do 2 nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể. Đặc điểm của phim truyền hình là yếu tố có nhiều nút thắt, có nhiều xung đột để hấp dẫn khán giả, tôi tin rằng với sự tài hoa trong ngòi bút của nhà văn Vũ Trọng Phụng, phim sẽ có được điều này”.

Với trung tâm của kịch bản là tác phẩm “Số đỏ”, khâu khó nhất của đoàn phim là tìm ra được gương mặt diễn viên vào vai Xuân tóc đỏ - nhân vật đã ghi dấu ấn của đạo diễn Quốc Trọng khi anh còn là diễn viên trẻ cách đây hơn 20 năm qua bản dựng của Hà Văn Trọng và Lộng Chương. Cặp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang đã tin tưởng giao vai này cho diễn viên trẻ Việt Bắc.

Giật gấu vá vai...

Khi quyết định chuyển dựng những tác phẩm của giai đoạn văn học 1930-1945 lên màn ảnh truyền hình, các nhà làm phim đã biết họ sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là bối cảnh để dựng phim. Vì tới nay, VN vẫn chưa có trường quay nên họ buộc phải “giật gấu vá vai” bằng mọi cách: Những cảnh nội phải tận dụng ngôi nhà cổ ở phố Tạ Hiện và một số biệt thự Pháp còn nguyên dạng ở Hà Nội, còn cảnh ngoại thì vất vả trăm đường, tận dụng từng góc nhỏ ở ngoại thành, nội thành hoặc một số vùng lân cận Hà Nội còn giữ được nét xưa, chứ không dám dựng những đại cảnh hoành tráng.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần than: “Chúng tôi khổ sở vô cùng, chi phí thì hạn hẹp, chi tiền may phục trang cho diễn viên thì phải tính đường dài, xem có thể tận dụng trong những phim tiếp theo nữa được không”...

Nhóm làm phim cho biết, “Trò đời” là phát súng đầu tiên để thăm dò khán giả và thử sức của chính giới làm nghề trong điều kiện kinh phí eo hẹp hiện nay. Tiếp sau đó, những tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn Ngô Tất Tố, Lan Khai, Thạch Lam, Kim Lân, Nguyên Hồng... cũng sẽ lần lượt được đến với khán giả.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: “Trong bối cảnh phim truyền hình đang khan hiếm kịch bản chất lượng như hiện nay, việc chuyển thể tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 là một hướng đi mới rất cần khích lệ, nó vừa đem đến cho khán giả những tác phẩm đã được thời gian thẩm định, vừa khiến cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và yêu quý di sản văn học mà các nhà văn thế hệ trước kia để lại”.


“Trò đời” được bấm máy vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (20.10.2012) và dự kiến sẽ lên sóng truyền hình vào tháng 10 năm sau. Phim do Hãng phim Hội Điện ảnh và Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VTV) phối hợp thực hiện.

Hà Thu

Nguồn: http://danviet.vn/van-hoa/tro-do ... inh/114361p1c30.htm
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách