Đăng ký Đăng nhập
Kites Trang chủ

Trang cá nhân của ladyvitvit https://forum.kites.vn/?49298 [Ưa thích] [Copy] [Chia sẻ] [RSS]

Blog

Truyện Kiều. Nguyễn Du. Thư-Sinh-Kiều. Hiến-Hải-Kiều

Có 409 lần đọc12-10-2018 10:34 PM

Nói tới Kiều mà không nói tới Hoạn Thư với Từ Hải là một sai lầm. Nói tới Hoạn Thư mà không lôi Thúc Sinh vô là hai sai lầm. Nói tới Từ Hải mà không nhắc Hồ Tôn Hiến là ba sai lầm. Mà nói hầm bà lằng hết các nhân vật này xong vẫn không quay lại hỏi tội Thúy Kiều, là cái sai lầm lớn nhứt.
Tui không ưa em Kiều. Mặc dù tui có đọc Kiều (chủ yếu là bói Kiều lừa chút đồ ăn hồi đi học thanh niên nghèo xa mẹ xa quê). Và xin nhấn mạnh là tui ca ngợi Nguyễn Du vì đã xây dựng Kiều “có tội” như vậy, này lát nói tiếp trong phần “ai đã hại Kiều” nghe.
Như tất cả đều biết còn ai chưa biết thì giờ biết cũng được, Kiều giựt chồng của Hoạn Thư và bị Thư xử đẹp. Đẹp ở chỗ Thư cho Kiều lên đèo rớt ruộng và đẹp hơn tất thảy là Thư không giết luôn đời buồn của Kiều, mà Thư thả Kiều đi để rồi sau đấy đời Kiều càng bi kịch (sẽ nói trong phần Từ Hải). Thư không giết Kiều nhưng chồng Thư là Thúc Sinh cũng không dám rớ vô Kiều nữa. Tui không rõ là Thư có bỏ Sinh không. Nói tới Thư-Sinh thì tui chỉ muốn nói đơn giản, Thư dữ và oai, còn Sinh là thằng hèn- ở với vợ thì lén lút với bồ, vợ ghen thì bỏ chạy giữ thân kệ bồ sống chết. Nhưng trong cái trường đoạn Thư-Sinh-Kiều và những đòn ghen nảy lửa, thì cái hèn của Sinh nó chứng minh một điều: nếu anh chàng yêu bạn thì sẽ bỏ vợ để cưới bạn cho bạn khỏi mang tiếng với thiên hạ. Còn chàng đã không dám bỏ vợ thì cứ yên chí là sớm trễ gì chàng cũng bỏ bạn mà thôi. Tui rất khoái cái thâm ý này của Nguyễn Du, Sinh có tội là phản bội vợ lừa dối Kiều, nhưng Kiều ra nông nỗi cũng bởi Kiều ngu (òi oi cái ngu của Kiều thuộc hạng siêu nhân nhe mấy bạn- hãy đón xem phần after credit của bạn Vịt “ai đã hại Kiều”). Và khi Thư thả Kiều đi thì tui đã lý giải như vầy với bạn tui, tại chị thấy nó ngu quá giết nó chi uổng, để nó ngu tiếp rồi nó sẽ sống không bằng chết (và sau cùng thì nó cũng chết)
Sau đó là phần Bao Công Kiều xử án Bàng Hoạn Thư, khi Kiều vớt được Từ Hải, nhờ Hải bảo kê quay về tính sổ với Thư. Thư chỉ để nhẹ một câu, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng, là Kiều phải tha bổng cho Thư đi. Cái hay ở đây của Nguyễn Du, mà cũng là cái thâm nữa, là bề ngoài như Kiều trọng lý lẽ có lòng nhân hậu tha thứ cho kẻ thù. Chứ ẩn tình bên trong là Kiều không dám làm trái luật trời, luật đời, nhân quả luân hồi, tội nghiệt bắt nguồn từ đâu. Vợ chồng người ta đang yên lành mình chen vô quậy banh, giờ còn đòi giết vợ người ta à. Nãy tui chê Kiều ngu thì đây tui khen Kiều… biết điều- tha nó đi không thì sét đánh mình đó. Hơn nữa có anh ghệ Từ Hải đang mê mình, mình máu me giết chóc anh sốc quá  bỏ chạy là  giết được con tép mà tiêu tùng con chem chép. Ô kê, Kiều đẹp và được!
Sau đây là cảnh Hiến-Hải-Kiều. Cảnh này là cảnh tui điên máu nhứt với cái ngu của Kiều. Kiều chỉ biết điều trong những lúc ngắn ngủi thì hỏi sao đời Kiều không bị cảnh vui ít buồn nhiều cho được. Sau khi trốn Thư (hay là Thư đã thả Kiều) thì Kiều gặp Hải. Thơ tả Hải có thể làm rúng động tất cả mọi lực sĩ thể hình:
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Có lẽ Hải đã đi trước thời đại, tập luyện nên cái bo đì giống Iron Man của Avengers vậy đó. Nhưng Hải không có giáp sắt bọc thân và Hải chỉ đi bộ chớ không biết bay nên khi Hồ Tôn Hiến mưa tên loạn tiễn là Hải chết liền tại chỗ.

….

tiếp theo và hết
Hiến-Hải-Kiều
Tôi định tiếp tục cách viết khôi hài như phần Hoạn Thư, nhưng nghĩ lại thì không muốn nữa. Đoạn này là bi kịch lớn nhất đời Kiều, cũng là cái chết vạn kiếp bất phục của Từ Hải, và tâm sự gởi gắm của Nguyễn Du vào chiến thắng của Hồ Tôn Hiến. Nó xứng đáng được bàn tới một cách nghiêm túc. Mặc dù cũng nói thẳng luôn là nó không có nhiều tình tiết ly kỳ gì cả.
Sau trốn khỏi Hoạn Thư Thúy Kiều được Từ Hải yêu thương, cứu vớt. Từ Hải là một nhân vật lớn thời đó, có binh lực trong tay, có lãnh thổ riêng, có cả sự thông minh và dũng mãnh. Nhưng Từ Hải sống ngoài vòng pháp luật, nên Hồ Tôn Hiến, một tay sai triều đình luôn muốn triệt hạ Hải. Hiến thua Hải khi đấu công khai, công bằng. Nên Hiến đánh lén Hải bằng cách nịnh bợ, hứa hẹn ngon ngọt với Thúy Kiều để Kiều khuyên Hải đầu hàng triều đình. Hải nghe lời và bị Hiến phản bội, giết chết bằng cách phục kích. Nguyễn Du tả Từ Hải khi chết vẫn đứng thẳng, rất lẫm liệt.
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!
Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời
Tôi luôn cho là Từ Hải thông minh. Ngay cả khi cứới Thúy Kiều là một cô gái lầu xanh không còn trong trắng thì tôi vẫn cho là Từ Hải thông minh. Kiều xinh đẹp, hiền lành, đã trải qua nhiều đau khổ nên quý trọng hạnh phúc trước mắt. Hải cưới Kiều là cưới cả tính nết của nàng, chứ đâu phải chỉ riêng nhan sắc. Hải cưới Kiều, như hai con người đã phải đấu tranh quá nhiều với đời, tìm thấy nhau và an ủi nhau.
Cái sai của Kiều là tin lời Hiến, nhưng Từ Hải có lẽ cũng thấm mệt rồi nên mới dễ dàng quy hàng, cầu an như vậy. Tôi không ghét Kiều vì sự ngây thơ, mong một cuộc đời nhàn hạ, đơn giản- mà tôi không thông cảm cho Kiều vì không hiểu được sự ngu ngốc của nàng. Hồ Tôn Hiến nói những lời dụ dỗ kia, không phải cũng giống như Sở Khanh, Thúc Sinh, Bạc Bà hay sao- đều đi kèm với âm mưu hiểm độc cả. Vậy mà Kiều, sau khi bị lừa bởi những kẻ khẩu Phật tâm xà này, vẫn không rút kinh nghiệm được.
Còn riêng với Từ Hải dù ai nói rằng đó là anh hùng chết tại ải mỹ nhân thì tôi vẫn giữ suy nghĩ riêng của mình, là không nên hoàn toàn đổ lỗi cho Thúy Kiều. Suy nghĩ này bắt nguồn từ khi đọc tiểu sử Nguyễn Du, ông sống qua mấy thời đại chứng kiến sự hưng thịnh suy vong và sự tráo trở lật lọng trong những cuộc biến động quyền lực. Truyện Kiều của ông cũng chỉ là phản ánh lại cái điều “trông thấy mà đau đớn lòng đó”. Người hùng trong lòng ai, thì sự thật vẫn phải chết đứng vì thua mưu tiểu nhân. Hồ Tôn Hiến chiến thắng như sự sụp đổ của cách thi đấu quanh minh chính đại. Cái chết của Từ Hải như một gáo nước lạnh giật mình, làm vỡ mộng anh hùng quân tử. Loạn thế rồi nên nhân cách cũng loạn- “đoạn trường tân thanh”. Một nỗi đau lòng như đợt sóng mới (thành thật xin lỗi tác giả của ý tứ này, tôi biết mà không tìm được đại danh, anh chị nào có lòng bổ khuyết xin rất cám ơn)
Ladyvitvit
Ai đã hại Kiều. Cũng không có gì để nói nhiều vì đã nói khá nhiều bên trên rồi. Tóm lại thì…
Đúng là Kiều đang tự nhiên ăn ở không con nhà giàu đùng một cái… Bản chất lương thiện của Kiều rất đáng yêu. Nhưng khả năng ghi nhớ kém của Kiều thì quá sức tai hại. Hại nhất chính là Kiều tự hại mình. Cái hại này còn có tên gọi khác là ngu. Cái ngu này thường mang lại kết quả chết chóc. Kết quả chết chóc này thường có sự liên lụy tới người bên cạnh. Tin Thúc Sinh nên Kiều bị Hoạn Thư hành hạ gần chết, vậy mà dăm lời ngon ngọt của Hồ Tôn Hiến vẫn khiến Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng. Đàn bà đẹp chưa chắc chết đàn ông. Đàn bà quá hiền lành chưa chắc làm trì trệ chí hướng của chồng. Đàn bà không thông minh lắm cũng không hẳn tầm thường hóa người yêu. Nhưng đàn bà đã bị nhiều người lừa gạt mà còn tin người, đàn bà ngu hạng siêu nhân như em Kiều, thì sẽ góp phần giết chết người anh hùng xuất chúng như Từ Hải.
Tóm lại, tui không ưa em Kiều. Nhưng Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì phải khen vì đã thẳng thừng xây dựng cái “tội” của Thúy Kiều như vậy, để lại một tác phẩm văn học có giá trị suy ngẫm muôn đời.


Bỏ qua

Trứng thối

Tặng hoa

Tán thành

Phản đối

Bình luận (0 bình luận)

facelist

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận Đăng nhập | Đăng ký

Lên trênLên trên Bottom