Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Thực - Xuất Bản] Cạm Bẫy Người | Vũ Trọng Phụng (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 7-6-2014 20:33:03 | Chỉ xem của tác giả
o O o

Lại một lần khác.

Ông ấm đang ngồi tính việc phái tay này đi phố này, tay kia đi phố khác, thì một bà cô ruột, một bà cụ đã ngót 70 tuổi, đến mếu máo:

- Anh làm thế nào chớ con tôi nó giết tôi rồi, hỡi giời cao đất dày ôi!…

Ông ấm cuống:

- Cái gì thế bà? Cái gì thế bà?

Bà cụ:

- Ông em anh đã đem số tiền ba trăm bạc tôi sắp chồng họ cho người ta đi nướng hết ở sòng Hai Ve rồi… Ới giời đất cha mẹ ơi!!…

Ông ấm sa sầm nét mặt:

- Cái thằng mặt chó! Thế bây giờ nó ở đâu?

- Nó đang nằm ăn vạ ở nhà ấy.

- Bà về bảo nó lại ngay đây, tôi dắt đi gỡ…

- Gỡ gì??? Gỡ lấy cái chết nữa ấy à? Hu! Hu!!…

- Khổ lắm, thì bà biết gì nào? Bà có về bảo nó lại ngay đây cho tôi hay không thì bảo…

Bà cụ lại mếu máo rồi, như một cái máy, lại quay về.

Ông ấm vứt ra hào bạc, sai con giai:

- Đi mua cho tao một cái "toe toe"!

Rồi ông bảo con sen:

- Bắt lên đây cho tao con vịt…

Con giai ông mua bong bóng về. Con đòi cũng đã bắt vịt lên. Ông vắt nửa quả chanh vào bát, chọc tiết vịt. Vừa xong thì một cậu trẻ tuổi, mặt xanh nhợt cũng vừa bước vào, ông ấm liền bảo:

- Rõ ràng mặt mẹt chửa! Lại gần đây!!!

Cậu kia để tay lên má sẵn, rón rén lại gần.

- Nhanh lên! Ai đánh mà mày sợ.

Rồi ông nói thầm hồi lâu với cậu. Cậu mỉm cười.

Ông dặn một câu to:

- Phải khéo lắm đấy!

Đoạn ông cởi trần ra, lấy miếng sắt tây để vào ngực. Ông đưa dây gai để cậu kia buộc rõ chặt nó lại, đoạn đổ bát tiết vào cái bong bóng "toe toe". Ông buộc bong bóng ngoài miếng sắt tây, xong lại vận vào áo. Rồi ông mở tủ, đưa cho cậu kia một tập giấy bạc, móc túi đưa ra cả một con dao dài gần một tấc và bảo: "Đi trước đi!" Sau cùng, ông xỏ chân vào đôi giày Tàu và với lấy một cái cát két, rồi cũng đi nốt. Người nhà, đầy tớ chẳng ai đoán nổi ông đi đâu thế và việc mổ vịt kia, ông định để tiếp khách nào.

Đến cảnh bài trí khác: sòng bạc xóc đĩa. Nửa trăm người rì rào một cách khó chịu vì người này cũng chẳng nói khẽ mà lại cứ mắng người nọ là nói to. Bác hồ lì thỉnh thoảng lại kêu:

- Tôi lạy các ngài, các ngài khe khẽ một tí…

Một tên tạ dắt một cậu bé trẻ tuổi vào. Mười lăm phút sau, tên tạ khác lại dắt một người đi giày Tàu, đột cát két, đã có tuổi, vào…

Người xóc cái hô:

- Bán chẵn bốn chục!

Cậu trẻ tuổi với người già cùng giơ tay:

- Tôi…! Tôi…!

- Không, tôi kia!

- Thôi, hãy để tôi lần này…

Mở bát, người xóc cái reo: chẵn! Cậu trẻ xô lại thì bị người già đẩy ra một cái. Cậu trẻ tuổi sừng sộ: "Có thật mày ăn chặn không?" Tức thì một mũi dao tuột ra, phóng ngay vào ngực người già. Người già loạng choạng, ôm ngực ngã vật xuống chiếu. Cả làng cướp tiền nhau tán loạn; cậu trẻ thừa lúc hỗn độn đã chuồn được ngay. Người ta nhao nhao lên: "Bắt lấy nó! Nó đấy!" mà chỉ người này vồ nhầm người khác. Rồi cãi nhau, chửi nhau, xô nhau. Rồi ông chủ sòng, mặt tái mét, chạy lên, đỡ người già dậy. Trên chiếu bạc, một vũng máu. Người già ôm chịt lấy ngực, hổn hển nói:

- Tôi không chết đâu nhưng bị chúng nó cướp cả bốn trăm bạc rồi.

Ông chủ hấp tấp lấy ra năm cái đỉnh 1:

- Thôi đây, xin đền ngài và biếu ngài một trăm. Lạy ngài, ngài chữa ở nhà, đừng vào nhà thương mà chúng tôi khốn mất!

Rồi hai tên tạ vội xốc nách người già ấy ra cửa sau, thuê xe bảo phu kéo về nhà. Ông chủ bảo một người tạ khác:

- Mau đem cái chiếu này xuống cọ sạch, tức khắc đi!…

Chú thích

1. Giấy bạc một trăm đồng có in cái đỉnh là giấy bạc cao nhất thời ấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 9-6-2014 09:03:34 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9: Một Cuộc Vận Động Tự Trị

Được lắm! Nếu anh đã muốn có sự chia rẽ trong anh em, nếu anh có thể đi ăn mảnh được thì cứ việc… nhưng những khi đến đằng Cả Ủn lấy tiền đừng có mượn tên tôi ra mà xoay…!

- Không, cụ nóng quá, để tôi trần tình đầu đuôi cụ hiểu…

Ông ấm B… mặt đỏ bừng như quả gấc chín ngồi giữa giường, xếp chân bằng tròn như một tượng Phật, bình tĩnh nói ray rứt bác "Tham Ngọc" đương ngượng nghịu trên một chiếc ghế, mặt tái hẳn đi như con gà bị cắt tiết.

Còn tôi, giữ địa vị bàng quan để xét đoán một cách trung lập cuộc đấu khẩu ấy, không có việc gì, ngồi cắm mặt xuống bàn, buồn tình, bẻ nát mấy đóm… chơi!

"Tham Ngọc" đấu dịu, xin trần tình. Ông ấm làm ra vẻ không buồn nghe nữa. Vẫn ngồi xếp bằng tròn như tượng Phật giữa một người rất thâm. Chẳng lẽ có tôi mà ông lại vùng đứng lên để hoa tay, múa chân, sừng sộ với kẻ địch buộc chia rẽ ông, hoặc bóp cổ nó hay cho nó… một nhát dao vào bụng! Làm thế nào có thể lộ mình là kẻ tiểu nhân, ông không làm. Dù tức đến chết, ông vẫn phải ngồi yên.

Độc giả chắc còn nhớ rõ tới cái buổi hội diễn của người giữ cái két lớn nhất của làng b… với mặt ấy, Cả Ủn đã nói rằng: "Tham Ngọc" có đến lấy bốn chục và đã trả đủ rồi. Ông ấm dặn rằng: "Lần sau có chữ của tôi thì hãy nên bỏ thiếc vì rằng hắn lấy tiền không do tôi sai đi là chỉ để đi ăn mảnh". Lẽ tự nhiên: ông ấm không thể nào bảo đảm những số tiền do Cả Ủn trao cho "Tham Ngọc" đi ăn mảnh. Lại một lẽ tự nhiên nữa: đã là đồng đạo

mà một đệ tử mình lại nỡ tính cuộc chia rẽ anh em bằng cách đi ăn mảnh, ông ấm phải bất bình!

Ai phải? Ai trái? Cái cuộc chia rẽ trong làng b… mà tôi ngẫu nhiên được mục kích đây thực là một vấn đề… xã hội rất quan trọng vậy.

Tình đồng đạo của "Tham Ngọc" với ấm B… không bởi lẽ "Tham Ngọc" đi ăn mảnh mà bị thương tổn được, vì nếu ông ấm tự coi là thầy "Tham Ngọc" thì bổn phận của một ông thầy đối với học trò là phải tìm cách cho học trò được tự lập nếu học trò mình đến lúc đủ tư cách dọn hàng riêng. Vậy "Tham Ngọc" đã đủ tư cách "dọn hàng riêng" chưa?

Những cuộc săn mòng bên Bắc Ninh đã đủ đáp lời cho câu hỏi đó. Không cho học trò tự lập, ông ấm đã lỗi đạo làm thầy.

Những lí luận cãi cho "Tham Ngọc" này, khốn thay, lại bị một lí mạnh hơn, cứng hơn, là nghề b… không phải là nghề đạo lí, mà làng bịp xử lí với nhau cũng chẳng có tình nghĩa gì. Dám hoặc có khi họ cũng thuỷ chung với nhau, trong mọi cuộc săn mòng, nhưng đó chỉ là cái nhân nghĩa quân đạo tặc mà thôi! Cho nên trái lại, chính "Tham Ngọc" là lỗi đạo. Đã thế thì: nếu đi ăn mảnh, anh không có quyền lấy tên thầy đến xoay tiền người ta.

Nhưng ta hãy yên, nghe "Tham Ngọc" trần tình:

- Cái lần tôi vay đằng Cả Ủn bốn chục, tôi xin nhận lỗi là đã mạn phép cụ, nhưng không phải vay tiền để đi ăn mảnh như cụ tưởng mà để tiêu vào một việc quan hệ tới… gia đình, để tiêu riêng. Tuy mạn phép cụ, tôi cũng trả hết người ta chứ không hề để liên luỵ cho cụ…

- Ông bảo ông đã tiêu vào việc gia đình?

- Phải.

- Thôi đi, tôi không phải là thằng ngốc. Nếu chính mắt tôi không trông thấy việc ông tiêu thì đã có nhiều người khác trông hộ tôi. Nếu chính tai tôi không nghe thấy thì cũng có vô số người nghe hộ… Nói dối tôi không được, ông nghe ra chưa?

- Nếu thế thì thôi, tôi không biết nói thế nào nữa…

- Ông nói thế nào? Ông nói thế nào? Số bốn chục ấy, nếu không để làm vốn đi ăn mảnh thì cũng để trả tiền môn bài cho cái sòng ở chợ Chu, ông nghe ra chưa? Tưởng người ta không biết đấy!

Ông ấm không biết hay có biết? Tôi cũng chẳng hiểu, chỉ biết rằng nghe đến câu này, "Tham Ngọc" dường tắc cổ, hoặc bị một cái bàn tay vô hình, ác nghiệp bịt lấy miệng không cho nói nữa, không cho chối cãi nữa mà thôi. Im đây là thú tội.

"Tham Ngọc" cứ việc ngồi lặng im, ngây người ra, "thú tội" trong năm phút, mười phút, mười lăm phút.

Cái không khí im lặng này chẳng hiểu có khó chịu cho ông ấm hay "Tham Ngọc" không, nhưng chính ra, đã rất khó chịu cho tôi. Giữa cái cuộc tai biến của hai người đối với mình đều là… tri kỉ cả, một bên thì căm tức bên kia đã phản mình, một bên cũng căm tức vì đã bị nhiếc lác, mình tuy là người ngoài cuộc nhưng lại ngồi ở chỗ đó, dẫu không căm tức nốt nữa thì cũng phải buồn. Nhất là mình không biết tìm cách gì có công hiệu hòng hoà giải được hai bên. Sầu thật!

Sau cùng, ông ấm nói một cách dịu dàng lắm:

- Thôi, ông… "Tham Ngọc", chúng ta gặp mặt nhau thế là đủ!…

"Tham Ngọc" đứng dậy, hiểu ý câu nói lắm, bắt tay riêng tôi rồi xuống gác, bao nhiêu ý nghĩ căm giận hoặc khinh bỉ, không có cách nào khác, phải phát lộ ra cả gót giày, nện thình thình thật mạnh vào từng bậc thang…

"Tham Ngọc" đi rồi, tôi cũng đứng lên muốn về cho ông ấm ngồi một mình được thật tĩnh tâm mà "triết lí" đến cái tình bè bạn. Thấy tôi đứng lên, ông ngơ ngác nhìn ra vẻ buồn nản, rồi bảo:

- Ông hãy ở chơi…

Ở chơi đây không có nghĩa là ở chơi thật đâu, tôi đã biết trước sự ấy. Ở chơi đây là ngồi lại để nghe ông ấm kể lể… để nge ông cãi cho mình là phải và buộc tội kẻ đã xúc phạm đến mình. Một dịp tôi biết thêm ít nhiề ái chân tướng của mọi nhân vật trong làng b… Càng hay! Tôi lại ngồi xuống ghế.

Tiểu sử của "Tham Ngọc" do ông ấm thuật lại cho tôi nghe một cách tỉ mỉ, tôi chép vắn tắt lại dưới đây.

o O o

Hà Nội, 1910. Ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán.

Tại một phố kia, một nhà ông phán.

Ngày mồng 2 Tết, vợ con về quê vắng cả, khách khứa cũng ít đến, ông phán đâm buồn, ngứa ngáy, phải nghĩ đến cách chơi xuân. Tết là những ngày mà người đời biết yêu nhau, hoặc thật, hoặc vờ, nhưng dù sao cũng sống với nhau bớt đểu cáng. Suốt năm, dù ghét nhau đến có thể giết nhau được, ngày Tết đến, người ta cũng lại nhà nhau mừng tuổi rối rít hay thì thụp quỳ lạy trước bàn thờ ông vải mà những ngày trước ấy, dễ thường người ta đã từng có lần réo đến tên tuổi để "đào ngoáy xoáy xoả" lẫn nhau. Ngày Tết, ngày của đạo Trung thứ 1.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 9-6-2014 09:06:03 | Chỉ xem của tác giả
Vậy thì, vào cái ngày mà mọi người dù thù hằn nhau cũng tha thứ cho nhau, dù không yêu nhau thành ra cao hứng chốc lát mà yêu nhau, không ai phân cao thấp sang hèn chia rẽ nhau, một thằng nhỏ của nhà ông phán kể trên được chủ gọi lên tiêu khiển xuân nhật với thầy.

Tên nó là Xuân, mặt mũi nó kk0 ai nỡ bảo là mặt mũi một thằng nhỏ. Mặc cái quần giặt là, cái áo giặt là, thắt cái thắt lưng lụa mộc, lại phủ ngoài một cái áo ma ga 2 – tóc mới, đội khăn lượt chỉnh tề, ngồi cùng giường rút bất với chủ, nó có thể khiến những khách lạ bước vào phải nhầm mà "Năm mới! Mừng tuổi hai… ông!"

Cái cảnh khan xu, đương giữa Tết mà hai thầy trò ngồi một xó rút bất với nhau kể cũng buồn mà cũng có thú vị. Chỉ bực một nỗi cho ông phán là cứ thua hoài. Buổi sáng thua, buổi chiều thua, đến buổi tối lại cũng thua, chủ phải để ý xem đầy tớ có những ngón gì. Thì ra thằng Xuân đánh lớp! Nó cứ xếp những quân: cửu sừng, ông cụ, tam văn, thất vạn cách những quân… tam đại rồi trang cả chỗ bài theo lối "che mắt thế gian".

Dễ thường có khối óc triết lí khác người, ông thầy ít có này, sau cùng, cho cả đầy tớ những quần áo cũ, cấp cho nó một cái vốn lớn là hai chục bạc rồi mở rộng cả hai cánh cửa, giải phóng cho nó đi "chu du thiên hạ". Có bộ mã kể cũng sang trọng, thoạt đầu thằng Xuân độ ấy mới 15 tuổi khi đội lốt học trò, khi đội lốt cậu Ngẩu nhà quê, đã lăn lộn trong những đám vã, đám trếch 3 trước khi được đụng chạm với phái thợ, phái thầy.

Trước người ta gọi nó là thằng, sau người ta lên chức nó là bác. Sau nữa đến thầy, sau cùng đến ông. Vốn là kẻ tinh khôn, anh chàng Xuân coi đời là một lớp học. Sự lịch thiệp tìm ở cái giao tiếp, sự kiến thức góp nhặt được trong báo chí, anh chàng Xuân càng sống càng biết đóng đủ mọi vai kịch trên sân khấu cuộc đời.

Ta chẳng nên lấy gì làm lạ khi thấy con người ấy đội lốt một ông tham Ngọc nào đó, đến những chỗ sang trọng, trí thức, có thể đả động được cả đến cái bộ mặt trái của Hội Quốc Liên!

o O o

- Ấy kìa bác!

- Phải, tôi vẫn chờ bác từ nãy đến giờ. Ngồi làm gì mà lâu thế? Hẳn ấm B… đã làm bản cáo trạng buộc tội tôi cho bác nghe chán chê mê mỏi ra rồi…

Tôi gạt cái ý nghĩ nghi hoặc của "Tham Ngọc".

- Không, có quái gì đâu!…

Giời mưa phùn, chúng tôi cũng cứ dấn bước đi luôn mấy phố. Anh Xuân gọi xe, mời tôi cùng lên rồi bảo phu kéo:

- Đến Hàng Buồm…

Tôi nghĩ đến tôi mà buồn cười. Tự nhiên vào làng b…, chẳng có đất nào cả mà hưởng đã vô số! Rồi lại được nghe ông này kể lể tâm sự vì bực mình với ông kia.

Chúng tôi vào một cửa hiệu. Cầm đến đũa bát, câu hỏi thứ nhất của tôi với "Tham Ngọc" là muốn biết anh ta đã thịt ông chú họ của tôi mấy chục chuyến rồi:

- Bác biết Mr. Đ. 4 làm ở phủ toàn quyền chứ?

- A! Có! Thằng cha thích húc trạc xếch!

- Thịt lão ấy mấy chuyến rồi?

- Không nhớ nữa, nhiều lắm!

- Người ấy là một ông chú họ tôi!

- Chú họ bác?

- Phải.

Anh Xuân cười:

- Mặc! Chú Giời cũng không tha.

- Ông ta chơi lõi lắm mà cũng vẫn vào xiếc nhỉ?

- Có lõi bằng trăm lão, tôi cũng nhét đất thó lỗ mũi lấy tiền.

- Này, nếu không bắt lão làm mòng nữa, mình có thể "đổi ngôi, thay bực" cho lão, rồi lão lại là người giữ két của làng b…

- Thế à? Thế thì rất hay! Chiều mai, tôi với bác sẽ lại ông ta nói chuyện nhé?

Anh Xuân ngồi cầm đũa mà nhìn, có vẻ ngẫm nghĩ. Rồi anh ta nói, tầm mắt vẫn buông đi đâu…

- Ông ấm không hiểu tôi. Rồi một ngày kia ông sẽ hiểu. Việc gì ở đời, nếu đã là chân lí tất rồi có người biết đến. Tôi phó mặc cho thời giờ. Hiện nay tôi đang góp vốn làm cái sòng chợ Chu. Mỗi tháng phải góp ngót nghìn bạc cho con trai chú Lương Tam Kỳ, một người xưa kia vẫn được chính phủ ngơ cho mà xưng hùng ở vùng Bắc Cạn. Nay Lương chết, thanh thế giảm, con giai chỉ còn được hưởng quyền thế một sòng bạc ở Chợ Chu…

Khả ố thay cái nạn kinh tế! Chúng tôi kiếm không bằng một thằng khách bán phá xa. Bác thử tưởng tượng xem… Một tên khách ở Chợ Chu, quay một chục con vịt, một con đáng độ một hào. Nó bày lên một cái bàn quay, có 18 số. Mỗi số ta phải đặt hai xu. Trúng vào đâu, ta sẽ được một con vịt. Mất một con vịt một hào, hắn lấy về ba hào sáu, lãi những hai hào sáu xu. Dân làm mỏ Chợ Chu, thích ăn thịt vịt, đã bỏ lửng sòng…!

Chú thích

1. Theo Khổng Tử, trung là hết lòng, thật tình với người khác, thứ là cứ lòng mình suy ra mà hiểu lòng người.

2. Thứ vải này dày dệt bằng lông các con alpaga (alpaca) và lama (llama) ở Nam Mỹ, vừa đẹp vừa bền.

3. Valletaille, tiếng Pháp nghĩa là dân bồi bếp đi ở với Tây, trếch là tiếng lóng gọi đám người ấy.

4. Viết tắt tiếng Pháp: Ông Đ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 10-6-2014 10:19:15 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10: Canh Tài Bàn... Tay Tư

Chúng tôi đã từ cửa hiệu bước ra, đi.

Anh Xuân đưa khuỷu tay khẽ hích tôi một cái:

- Kìa trông kìa!... Có khác gì một con cò bợ không?

Tôi nhìn thẳng ra trước mặt... Thì ra anh Xuân nói anh Vũ. Phải, một anh Vũ vận Âu phục bảnh bao lắm: cái mũ dạ hội chịt xuống lông mày, cổ áo khoác ngoài kéo lên kín gáy, như một con cò bợ, giữa đám đông người, anh vẫn có vẻ mơ màng, cứ lừ đừ, đếm từng bước một mà đi. Ngắm anh ta, tôi không thể nhịn được cười.

Anh Xuân:

- Cái mặt lầm lầm như... chó ăn vụng bột kia là mặt anh b... sa hố hay đã bử, bác đoán xem nào.

Tôi đoán phỏng ngay:

- Dễ thường... sa hố!

Cuộc đánh đố chưa ngả đứt về mặt nào, anh Vũ đã nom thấy chúng tôi. Anh ta cuống người lên y như bắt được của:

- Ô hay nhỉ ! Té ra lại anh em mình ! (Anh ta hỏi riêng Xuân) : Thế nào? Chợ Chu có gì bổ ích không? (rồi quay hỏi tôi) - Gớm, sao lâu bác không đến chơi thế?

Nhân lúc cao hứng, tôi nghiêm sắc mặt, nói đùa:

- Vừa tối hôm qua đến tìm bác nhưng không gặp ! Khỉ quá, vừa lỡ mất một canh tài bàn ! Có hai con mòng sộp ghê !...

May chưa! Tôi bịa thế mà ra tối hôm trước, anh Vũ vắng nhà thật! Anh ta giương tròn đôi con mắt, vừa lấy làm lạ và lấy làm tiếc nuối:

- Thế? Phải, hôm qua tôi có việc phải đi thật. Chết chết!... Bác mà cũng có đất, mà lại gọi tôi đi chinh phục đấy à? Hoài của! Thế thì số tôi là số một... nàng... cung nga... !

Xuân không hiểu, hỏi:

- Thế nào mà lại có số cung nga?

Anh Vũ cười:

- Đích số cung nga rồi. Vì rằng... một năm mới được một ngày vua mời thì gặp ngày... có kinh nguyệt!

Anh Xuân cả cười và:

- Thôi đi ! Làm hề mãi ! Chợ Chu đối với tôi không có gì là lạ cả, nhưng về phần anh thì độ này có gì mới không?

- Úi chà ! Có ! Có cái mới nhất thế giới !... Nhưng không ! Tôi chưa nói vội. Anh hãy cho nghe việc Chợ Chu đã.

"Tham Ngọc" thở dài:

- Chán lắm. Chúng tôi chỉ nai lưng ra làm cho ông con giờ bố Lương ăn thôi. Dân thợ mỏ Chợ Chu bây giờ họ không thích mở bát nữa. Họ đã nghiện thịt vịt cả rồi.

Anh Vũ ngơ ngác:

- Anh nói cái gì?...

- Trên ấy bây giờ có một thằng chiệc, trước bán phá xa, nay không biết có phải được mả ông tổ tam, ngũ đại hay không, hốt nhiên đổi nghề và phất lắm. Nó làm cái món đánh số lấy vịt quay!

- Thế à?... Gớm, dân con trời nguy hiểm nhỉ.

- Nguy hiểm lắm ! Mà phát tài ghê ! Anh tính, chỉ quăng ra hai xu có thể được hi vọng chén thịt vịt, ai không muốn? Nhưng đồng bào mình ngày nay róc mấu lắm!

- Dân mỏ ấy à?

- Phải. Trước kia, khi mới có cái "kỉ nguyên đánh số thịt vịt" dân liên minh mỏ rất ham đánh và ít người mất số tiền thua gần bằng số tiền vịt. Vì bàn có những 18 số kia. Bây giờ thì khác hẳn. Các "ông tướng" ấy không chơi lối đánh lẻ tẻ từng người một như trước nữa; các ông mỗi người bỏ ra bốn xu chung nhau, hợp nhau lại vây kín cả cái bàn. Rồi một ông đặt vào một số. Ông nào thua "hội" xí xoá, nhưng ông nào được, phải cùng chia! Ta cứ tưởng tượng ra một cánh: năm bảy ông thợ mỏ từ bàn số quay ra về, cầm vài ba con vịt, bộ mặt ông nào cũng hí hửng theo cái lối "mục hạ vô nhân", đến nhà thì gọi vợ lấy dao thớt một cách oai hùng như một vị tướng truyền lệnh cho ba quân vậy... rồi rượu, rồi chuyện, rồi vén quần đến háng, rồi vỗ đùi đôm đốp !... Ai bảo trình độ dân lao động mình không tiến bộ ?...

- Họ họp nhau lại thế, chú chiệc tất mất nhờ.

- Không mất nhờ hẳn, nhưng còn gì là bử lắm nữa... Thế còn việc anh?

- Việc tôi?.. Không nói thì bực mình mà nói ra thì làng b... đến tiêu danh dự.

- ?

- Chuyện tôi định cho hai thằng cha kia vào xiếc, té ra lại chính tôi hoá mòng! Một canh tài bàn tay tư!

o O o

Giời rét thế này mà máu trong người tôi có lẽ lên tới 40 độ. Sở dĩ máu nóng lên một cách kì lạ thế là bởi tối hôm ấy, tôi có cả cái gan góc, cái đau đớn lẫn cái tài tình. Theo mọi nền nếp của pho tượng Bịp Kinh, mình cần ngồi một chỗ nào không cho ai chầu rìa nổi. Tôi đã theo đúng thế: hai thằng cha kia vừa thắp đèn măng sông lên sáng quắc là mình nhảy tót ngay lên giường ngồi dựa vào tường một cách bệ vệ ngay! Chết vì thế.

Hai thằng cha kia, một đứa ngồi ghế, một đứa ngồi giường. Vì trông cái mặt chúng cũng có vẻ cậu... Cả ngậm thế nào... mình vội yên trí đó là bọn quỷnh ngay. Lối đánh ống của tôi lần ấy trổ bằng hai tay áo sơ mi, thôi, còn phải nói! Nhưng ba ván đầu, tôi vẫn để mặc họ tha hồ ù trước tôi. Mà họ lên bài cũng nhanh thật! Mới gọi vài ba tiếng đã thấy họ hạ ù, mình cho họ tuy là bọn chơi thạo nhưng chắc cũng chưa đủ biết cách đề phòng nạn b... Đến ván thứ tư tôi hụt bốn quân, xoay đi xoay lại, chỉ còn việc đánh đi một cây là chờ... Một thằng kia lại ù trước mình lần nữa. Rồi ván thứ năm cũng thế rồi ván thứ sáu cũng thế, rồi ván thứ bảy cũng thế, rồi ván... rồi ván... ối chao ôi! Tôi sức đâu nói nữa!... Tôi lại phải sốt lên rồi đây!

Thật là một việc quá sức mình tưởng tượng !... Hay là chúng nó quỷ thuật? Nào tôi có biết!... Tôi để ý mãi, hòng bắt chúng nhưng chính mình cũng chẳng lấy gì làm "vững dạ" thì còn hòng chộp ai? Nhục chưa? Bịp đã lũa đến như mình, đánh tài bàn hụt đến bốn cây mà đến nỗi sa hố! Không thằng ngồi bên tay phải thì lại thằng ngồi bên tay trái, không thằng ngồi bên tay trái thì lại thằng ngồi bên tay phải, chỉ hai chúng nó chuyên nhau phỗng tay trên, ù tay trên mình!... Cái sự bí mật lạ lùng này, tôi biết hỏi chúa Jésus, hỏi Phật Thích Ca hay hỏi Ma Quỷ?...

Đứng lên, tôi thua 18 đồng. Cái mặt một thằng mất trí khôn là mặt tôi lúc ấy vậy .

Không nói, các anh đủ biết là tôi đã tức đến cực điểm. Cái tâm lí bọn cờ bạc, nói ra thì lẩn thẩn, nhưng chính nó lẩn thẩn thế đấy. Có khi mình ngồi vào chơi cao thấp mà thua cũng còn có thể hộc máu ra được, huống hồ đã cho người ta là mòng mà đến nỗi chính mình lại bị đạn, đủ hiểu uất đến đâu

Đã tức vì thua, tôi lại còn thêm vì chúng nó đãi tôi lịch sự một cách quá đáng nữa. Có đời thuở nào lại có chuyện rằng mình là bạn cờ bạc với nó, khi mình từ giường tụt xuống đất thì đã có một thằng cúi xuống tự bao giờ ấy hai tay đưa giày cho chân mình đặt lên cẩn thận bằng cái dáng điệu ả đào nuông chiều quan viên không? Rồi chúng xúm xít lại mời tôi uống nước, đánh diêm cho tôi hút thuốc lào. Lúc cáo thoái ra về, tôi lại được chúng tiễn ra tận cửa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 10-6-2014 10:20:25 | Chỉ xem của tác giả
Tôi quay đầu lại bắt tay từ biệt chúng, tình cờ thấy thoáng qua mắt, nhanh như một cái chớp, hình như có một đứa bé mặc quần áo trắng từ gầm giường bò ra, rồi, như một con cuốc vừa nhoáng một cái, đã lủi mất vào nhà trong. Tiếc rằng lúc ấy mình đã "ăn ớt ; nhiều mắt bốc hoả dữ, không được rõ lắm, phải ngậm miệng cóc ra về.

Một thằng tiễn tôi đến tận hè rồi ân cần:

- Thôi kính ông về, tối mai có rỗi xin mời ông xuống chơi, lạy ông ạ.

Mình cung chắp tay cung kính: "Không dám, lạy ông ạ". Nhưng trong óc có câu này: "Thôi đi tiên nhân các anh".

Các ông cờ bạc bịp bên Tàu, bên Nhật, bên Anh, bên Pháp, những ông bạn "đồng nghiệp" Đông phương với Tây phương của tôi đâu? Các ông xin nhớ rằng nếu có sự "Đông Tây gặp nhau", có sự hỗn hợp của hai cái "văn minh" Đông Tây thì sự ấy cũng đến thua kém cái tinh tuý của cờ bạc Việt Nam chúng tôi, cái đất có một canh tài bàn tay tư không tiền tuyệt hậu, ba tay ngồi trên ghế ngựa tử tế, còn một tay nữa, đánh ở dưới gầm.

o O o

Sau một hồi cười rũ rượi của tôi với anh Xuân, nó khiến anh Vũ cũng phải cười nốt, tôi hỏi anh Vũ đến sự anh định rửa thù.

Anh ta nói rằng không khó gì, rồi anh sẽ quay lại cái "hang hùm nọc rắn" ấy một lần nữa. Anh sẽ không ngồi dựa lưng vào tường như trước nữa, sẽ dồn hai thằng cha ấy vào ngồi vào chỗ anh ngồi trước... rồi mà xem!

Câu chuyện Bịp già gặp bịp non này dắt tác giả phải thuyết đến vấn đề sự làm quen nhau trong làng cờ bạc.

Đây lời Vũ triết lí:

- Tôi đã nghiệm ra rằng nhờ ông Thần Đen Đỏ. Ôi, đám bạc ! Đám bạc! Còn cảnh tượng nào đáng cho người ta chúc tụng hơn đám bạc! Trong cái đám người "tứ xứ" ấy, ta thường thấy có cả ông tai to mặt nhớn "bỏ quên" ở nhà cái giọng phong lưu, phệnh phạo, quát thét, để húc nhau với bọn vẫn mang tiếng hạ lưu một cách loã lồ; ta thường thấy những cô, những bà đài các ra phết, ngồi kề đùi, len vế lẫn lộn với bọn người mà..., nếu ở ngoài đám bạc, dễ thường các bà chỉ liệt vào hàng đầy tớ hoặc cu li. Những nhà xã hội học đâu? Những ông tha thiết thường đời đâu? Sao không cầu đến Thần Đỏ Đen? Tôi có cái tư tưởng ít ai nghĩ tới là bỏ luật cấm sự cờ bạc, cái sự giải trí của loài người rất có thú say sưa ấy, tôi muốn khuyến khích nó, cổ động cho nó mạnh lan rộng, than ôi! Tiếc thay!

Sốt ruột vì cái luận điệu rồ của Vũ, Xuân gạt lời:

- Thôi, xin ông, van ông ! Sao mà ông... phẫn thế?

Bây giờ anh Vũ mới nói giọng thường:

- Chứ không ư? Vì lẽ gì, bác có muốn biết? Trước hết, bác hãy nên biết cái lẽ mẹ ấy đã; hai thằng cha kia mời được tôi đến tận nhà đánh bạc là bởi lão Đại Thiềng giới thiệu cho chúng tôi biết là hai ông phán nhà băng trong khi đồng thời, lão rước tôi lên nhà ông phán Thống sứ 1 ! Tôi tưởng... chắc hai thằng cha kia cũng tưởng... thế là ba thằng quen nhau, ấy cái bọn cờ bạc dông dài chúng ta kết bạn nhau một cách dễ thế đó!... Nhưng hôm nay tôi đã tỉnh ngộ. Hai thằng cha kia mà tôi vẫn tưởng là bử, té ra chỉ là hai ông thợ giày... mà lại thợ giày bịp non!

Đang vui câu chuyện, hốt nhiên anh Xuân bắt tay tôi rồi ra nhảy lên một chiếc xe, bảo xe kéo một mạch.

Tôi còn ngơ ngác... ông ấm đã tiến đến trước mặt tôi rồi. Ông ta nói:

- Đó biết mà! Nó lẩn mặt tôi.

Chúng tôi vẫn mang cái bộ đãng tử đi nghênh ngang giữa phố từ nãy đến giờ.

Ông ấm tiếp:

- Tôi sở dĩ trọng Xuân là vì hắn có mẽ người, trông không lộ tẩy. Phái hắn đi đến những chỗ sang trọng phong lưu, tôi rất vững dạ, còn những anh khác tôi vẫn sợ vì nó có vẻ... bịp thế nào... ! Ôi ! Cái vẻ mặt bịp của một con bạc bịp sao mà nó khó tả! Nếu dịch địa vào những người khác thì đủ mặt nhân vật của cái làng b... này, không một anh nào là tôi không nghi. Lắm khi tôi nghi cả tôi nữa. Đại khái lúc ngồi vào một đám bạc, mỗi cử chỉ của mình đều giữ gìn cẩn thận đấy nhưng mình vẫn cứ vơ vẩn nghĩ đến câu không biết hình như có anh nào nó khẽ nói : "Thôi đi, bịp ! Bịp ! ông đã thừa biết, mày đừng có vờ đóng kịch vai ông hậu, ông quan!"

Nói xong, ông ấm cả cười. Rồi ông thêm:

- Thế mà thiên hạ họ không nghi ngờ gì ! Đủ biết họ cũng mù thật!

Đến lúc ông đã vui, tôi mới lựa lời hỏi ông về một câu nói khiến tôi băn khoăn mãi:

- Thế cụ có giận Xuân không?

- Cũng giận mà không giận. Không giận vì người ta có quyền tìm một con đường tự lập. Mà giận là vì những cử chỉ của Xuân có tính chất đê hèn. Chúng tôi ấy à? Đã làm nghề này thì ít ra chúng tôi phải có nghĩa khí trong sự ăn ở với nhau cũng như bọn Lương Sơn Bạc! Dù là bịp là cũng phải có một phương diện cho thiên hạ phải phục. Còn như Xuân... thì thôi!

Đến đây, ông ấm thất vọng, giơ tay lên giời, ông lại nói:

- Hiện nay, hắn đang chung lưng với một người nữa làm cái sòng ở Chợ Chu. Thôi, dù hắn có những chứng ăn mảnh với bồng tiền, tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho, tôi cũng chỉ mong cho hắn khá!

- Bồng tiền, thế là cái gì ạ?

- Bồng tiền là được nhiều nhưng về khai man. Thí dụ tôi phái hắn đi bắt mòng, hắn lại được độ năm chục. Hắn kêu là được có ba chục rồi lại cưa nứa, thành thử tôi được chia có mười lăm đồng. Nhưng tôi có đâu tẹp nhẹp mà phải nói này nọ. Tôi biết vậy mà thôi. Cái tính ăn gian, ăn cắp là cái tính loài người, tôi làm gì được! Như lần hắn sang Bắc về, chắc ông thừa biết. Hắn kêu chỉ lấy có hai chục mà để cả bốn chục cho xừ Vân. Thật vậy hay không, nào tôi có biết!

Tôi vội phải làm trạng sư ngay cho người vắng mặt:

- Có thế thật chứ không phải hắn hụt tiền đâu. Tôi xin cam đoan với cụ...

Ông ấm ra vẻ nghĩ ngợi, gật gù...

Nhưng ông lại kể lể:

- Nhưng việc đó chưa đủ đảm bảo cho cái lương thiện của Xuân. Vì rằng đã có lần hắn bồng không thoát.

Tối ấy, đi đánh xì về hắn lại đằng tôi ngủ và kêu là được năm chục đúng. Tôi đem lòng ngờ, chờ cho hắn ngủ say rồi mới dậy khám. Tôi sờ khăn sờ áo lục cả giày. Không thấy có gì, tôi tháo bít tất hắn ra. Tôi thấy bốn giấy con công nằm trong hai bít tất! Tôi giữ lấy tiền, lại đi tất vào y nguyên cho hắn, không nói năng gì. Hôm sau đấy, sau khi cưa nứa đâu đấy rồi, hắn sờ xuống tất, có vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên mà không dám nói ra mới ức ! Tôi cứ mặc cho hắn đem cái ngạc nhiên ấy về nhà.

Anh Vũ thêm câu này:

- Xuân còn là người nguy hiểm, có thể giở mặt cả với bạn hữu.

Chú thích

1. Ông phán là thư ký làm việc tại phủ Thống sứ, là cơ quan hành chinh của Pháp cai trị cả Bắc Kỳ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 10-6-2014 20:23:25 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11: Tấm Lòng Đi Bịp, Từ Nay Xin Chừa

Tôi đã về Bắc Ninh được ngót nửa tháng. Trong nửa tháng ấy, tôi không được chút tin tức gì về mọi sự hoạt động của làng b... nữa, ngoài một lá thư của anh Vũ gửi sang hỏi thăm mấy câu làm quà.

Nghĩ mà giật mình đến cái thời gian trong hơn ba tháng trời lăn lộn với đủ mọi nhân vật của làng bạc bịp, đến cách tổ chức của họ, đến những bi kịch do những tay săn mòng gây cho những gia đình của bọn tín đồ "tôn giáo đỏ, đen". Không phải tôi có ý kết án bọn bạc bịp. Nếu ở đời này, trong tình bằng hữu còn thấy có dây những vết nhơ bẩn của sự tài lợi, trong nhiều cuộc hôn nhân còn thấy có cái tính cách buôn bán và trong mọi sự buôn bán vẫn có nhiều mặt trái thì trong sự có bạc, có lẽ có mọi ngón bịp, chỉ là sự tất nhiên, rất thường. Chỉ có cái máu cờ bạc của loài người là khiến tôi không thể hiểu được, phải băn khoăn.

Sáng hôm sau, cụ phán phàn nàn với tôi:

- Không hiểu thằng Vân nó làm gì ở Hà Nội mà mãi nó chưa về. Đây này, nó lại viết giấy nã tiền tôi lần nữa đây. Chuyến trước đi, đã lấy hai chục. Bây giờ lại xin chục nữa!... Lần nào nó cũng kêu là để chạy việc, tôi biết có nên tin nó hay không.

Tôi đỡ lá thư, nhìn đến đoạn có ngón tay của cụ phán chỉ...

"Con phải chờ có lẽ đến năm hôm nữa mới biết tin tức đích xác được. Nhận được thư này, thầy gửi ngay cho con chục nữa để cho con tiêu pha, xe pháo, và thù tạc với mấy người đang lo việc cho con..."

Cụ phán cúi đầu, nhìn tôi một cách trông buồn cười là phóng nhỡn tuyến lên bên trên đôi mắt kính. Thấy tôi không phán đoán thế nào, cụ chỉ lắc đầu bỏ thư vào túi rồi quay đi. Cụ ra ngồi bàn kéo một hơi thuốc lào rồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Tôi quay mặt đi chỗ khác để mỉm cười.

Một lát sau, cụ hấp tấp mở ngăn kéo, lại chìa cho tôi một phong thư nữa.

- Đây này, quên mất, còn lá thư này nó viết cho anh đây.

Thư của anh Vân, mà lại vào trường hợp này thì tôi phải đọc một cách giấu giếm theo lối "gái ngoan" đọc thư của nhân tình mới được ! Tôi lên gác, khép cửa cẩn thận, đoạn mới xé phong bì...

Hanoi, le 20 juin 1933 1

Chú Ph...


Đêm hôm nay, tôi nằm trằn trọc, không thể nào ngủ được, chuông đồng hồ vừa đánh hai tiếng mà phải ngồi dậy, vặn đèn để viết thư cho chú đây.

Gớm, sao mà may hôm nay tôi thấy xảy ra nhiều chuyện quá! Thôi, chuyến này thì tha hồ chú được nghe cái mới, cái lạ, kẻo không lại bảo thư tôi viết cho chú ít khi được "có vị ". Chỉ tiếc rằng nó toàn có một vị cay, chua. Nhưng chỉ cay, chua riêng cho tôi thôi, còn chú là người đọc thư thi chắc rằng sẽ thấy thư thú vị hết chỗ nói! Chẳng lẽ tôi lại dùng cái giọng "em chết mất anh ạ" của trai gái trong những tiểu thuyết bi tình; dù sao tôi cũng cố gượng cười, chỉ mong thư không đến nỗi khôi hài đã là may.

Tôi đau lòng quá, chán đời quá, khổ quá, dễ thường đến hoá ra... thi sĩ mất! Đã cay bởi thua bạc, chán nản bởi khan xu, lại đau đớn trong tình trường. Không hiểu những bậc thánh hiền thuở trước chán thế sự, phải lên núi tu tiên, thì lúc ấy, những cảm giác của các bậc ấy nó lâm li thế nào, nó thống thiết thế nào, chứ cái đau lòng của tôi lúc này thật cũng có thể khiến cho tôi đủ chán đời rồi lên núi tu tiên. Chỉ sợ nước Nam ta vào bây giờ, trên ngọn núi nào cũng có tổ tôm, tài bàn, xóc đã, ích xì thì thôi!... Thôi... Lên đến núi rồi, tôi cũng khó lòng mà thu được vì rằng - chú phải biết - bọn Mường, bọn Mán ở các núi bây giờ cũng đã biết tổ tôm, tài bàn đủ ngón rồi, văn minh ghê. Cho nên trước khi lên núi tu tiên, tôi cứ băn khoăn mãi không biết là mình sẽ thành tiên hay không khéo lại ra một ông "ấm B... con" thì thật vô phúc cho cả núi.

À này, quên đi mất, tôi có một việc tối quan trọng, cần phải chú giúp sức cho, việc may ra mới có hi vọng thành. Cùng chuyến xe lửa với lá thư này, tôi có gửi cho ông via "phịa" chuyện xoáy ông ấy chục bạc nữa đấy. Tôi lấy cớ chạy việc, chú phải đứng ngoài làm hậu thuẫn cho tôi, tôi đến phải gói cơm nắm, muối vừng, kéo bộ bò về mất. Mà ức nhất là cuộc "cổ động thể thao" ấy, nếu sẽ có thật, mình tất rồi chẳng có người đón rước, dâng hoa với chụp ảnh kỷ niệm như các tiểu thư đi bộ Hà Nội - Hải Phòng thì cực đến đâu. Thôi, đừng lo, tôi sẽ có cách nói dối ông via lần thứ nhì về công cuộc "chạy việc".

Ngoài chuyện này tôi lại còn nói với chú nhiều chuyện khác:

Theo lời hứa của ông ấm sẽ đi cùng tôi xuống nhà lão Sinh điều đình việc lấy lại số tiền ba chục mà tôi đã thua xì (chuyện này chắc chú còn nhớ rõ lắm), thì đúng 6 giờ chiều hôm ấy, tôi quay lại toà nhà phố Hàng Cá, trong lòng chứa chan hi vọng ở ông... quân sư. Đến nơi, người nhà ông kêu ông đi vắng. Rõ cái ông ấm ranh mãnh ấy, buổi trưa vừa nói thế, chập tối đã quên khuấy ngay mất, lại đi săn mòng! Thành thử mình phải một đêm trằn trọc, chờ mãi mới thấy sáng. Bảnh mắt hôm sau, tôi lại đến tìm ông ấm. Ông ta nể lời, đêm trước cũng thức suốt đến sáng mà không dám ngủ nữa, chiều ý mình, dậy đi ngay. Xuống đến nơi... sau khi nói rõ mọi ngón của nhau, giới thiệu nhau là "đồng nghiệp" đâu đấy rồi, lão Sinh nhe răng ra cười trừ rồi đưa ra được sáu của...

- Thế thì hỏng. Tôi đã tiêu pha cả rồi, chỉ còn chỗ này đây thôi. Ông cứ cầm, bao giờ có con mòng nào, tôi sẽ đền ông sau vậy...

Đau chưa? Nhưng còn sáu đồng thì cũng còn hơn không, tôi cầm. Rồi tôi đi lùng con Dung. Nó lẩn mặt hoài, tôi phải cuốc khắp mọi nơi, lùng như linh mật thám lùng kẻ cắp mãi mới tóm được nó. Đứng trước mặt nó, vì nghĩ rằng to tiếng bao nhiêu chỉ tỏ dại mặt, vừa phần tức quá cũng không nói gì được nữa, tôi trợn hai con mắt nhìn nó trừng trừng. Con khốn nạn! Nó dám mở miệng viện những lẽ thế này này:

- Sự đã xảy ra rồi tuỳ lượng của cậu đấy... Em là kẻ còn ở với người ngày nào, người ta bảo gì mà em không nghe. Vì bần cùng nên em phải lừa dối cậu. Nếu cậu muốn không bao giờ sẽ xảy ra những chuyện mà em phải dúng tay vào một cách đau đớn như chuyện này nữa thì tìm cách tháo cũi, sổ lồng cho em đi...

Rồi nó cúi mặt xuống, cố rặn mãi ra cái vẻ đau đớn !

Ái chài Nhưng thôi, tôi chẳng dại như xưa mà cảm động xằng mãi... Chỉ đứng nhìn cái bộ mặt đóng kịch của nó mà thôi. Đáng buồn chưa? Cái mặt nó đáng hôn thế mà cái tâm địa nó giả dối thế, đểu cáng thế! Sau cùng, vi nghĩ rằng mình dan díu với nó bởi lẽ dục nhiều, tình ít, tội gì mà phẫn, liều, cũng phải vờ làm ra vẻ sẵn lòng tha thứ nó, tôi không nói gì cả, lẳng lặng quay gót đi. Dù trận bão nổi lên trong cốc nước thì trong cốc cũng phải có sóng, lẽ tự nhiên, tôi cũng có chút đau lòng cái đau đớn của một "thi sĩ" đến một bàn kem ở Bờ Hồ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 10-6-2014 20:25:38 | Chỉ xem của tác giả
Tình cờ, tôi gặp tham Ngọc. Lần thần không biết tôi nghĩ thế nào mà lại kể lể tâm sự cho Ngọc nghe!... Rồi lại đưa cái ảnh Dung đứng quàng cổ tôi cho Ngọc xem nữa. Rõ khốn nạn! Lại thêm một cuộc tai biến nữa: Ngọc tái mặt, kêu Dung với hắn đang cùng nhau "chỉ non thề bể, nguyện một chữ đống" ! Rồi Ngọc thề là quyết sẽ cho nó một trận cho mà xem... Nghĩ thật khôi hài: cái anh chàng đã đi bịp thiên hạ, tưởng còn lép nước gì, té ra trong tình trường cũng yếu, linh hồn cũng hoá ra mòng, cũng quých. Ghen với ả đào, anh chàng này đã ngu hơn tôi. Khi chia tay nhau, Ngọc nói một câu nửa thật nửa đùa rằng: "Bác đã phá hoại mất... hạnh phúc của tôi, rồi phải đền tội mới được ".

Thằng khốn nạn, câu tôi tưởng đùa, té ra nó thực hành bằng được. Một buổi tối, cách vài ngày sau cuộc vỡ lở ấy, tôi được một canh xóc đĩa ngót 40 đồng. Sáng hôm sau, tôi còn nằm uể oải trong chăn, nó đã đến lôi tôi dựng đứng dậy. Rồi nó xưng xưng, nó nói:

- Bác vừa phát tài mà tôi túng quá, giúp tôi một ít cho tôi tiêu.

Tôi cũng nể, hỏi:

- Bác lấy mấy đồng?

Nó:

- Độ chừng bốn chục.

Bốn chục? Bốn chục??? Thế thì ra nó định bóc lột tôi ư?... Tức quá, không chịu được, tôi gắt rằng:

- Tôi được có bốn chục mà bác đòi lấy cả bốn! Bác vô lí quá!...

Nó điềm nhiên, dịu dàng:

- Bốn chục cũng không có nghĩa gì cả!

Tôi dồn một hồi:

- Thế nào mới có nghĩa? Thế nào? Bao nhiêu???

Nó vẫn điềm nhiên:

- Danh giá bác còn to hơn.

Tôi nghĩ mãi, không hiểu ý nó thế nào. Sau nó giơ ra cái thư tôi đã gửi cho ấm B... khi trước:

- Cái này gửi về hầu cụ còn to chuyện hơn.

Thì ra (lạ chưa?) lúc tôi viết thư ấy thì không thấy gì mà bây giờ chỉ đọc tôi cũng đủ xấu hổ. Rành rành bút tích mình đó, lại cả đến câu: chính ông thân tôi là mòng. Nguy chưa? Chuyện này sở dĩ mà có, nó sở dĩ giở mặt được với mình cũng chỉ tại cái ảnh con Dung quàng cổ mình đây! Nó bắt chẹt tôi ý như ông ấm B... bắt chẹt Nguyễn Đinh Mầu khi xưa vậy! Sau khi tôi trao cho nó bốn chục rồi, nó nhăn răng ra cười, trả tôi cái thư mà rằng:

- Có dịp khác, tôi sẽ trả lại bác! Cảm ơn!...

Thôi tử tế vuốt đuôi kể gì.

Thành thử bấy giờ mình thành ra trần, trong túi chỉ còn một hào hai! Chú cố trợ lực tôi, thuyết ông cụ mau gửi tiền cho tôi để tôi về chứ quần áo, mũ giày, sang trọng thế này, nhỡ đi ra đường, chạm phải hàng bánh đa thi khốn. Thôi, tôi xin kệch đến già. Làng B... có nhiều nhân vật khó chơi quá! Vậy chú giúp tôi đi, tôi lạy chú.

Bái thư Vân

TB. Hôm nay tôi bói Kiều, nhìn đến dòng: Tấm lòng trinh bạch, từ nay xin chừa. Tôi thấy ứng vào cái lòng "cải tà quy chinh" của tôi. Vậy xin đổi rằng: Tấm lòng... đi bịp, từ nay xin chừa vậy.

o O o

Tôi chưa hết cơn buồn cười, bà cụ, đẻ anh Vân, đã đẩy cửa phòng bước vào hỏi:

- Vân nó viết thư nói những gì với anh?

Tôi phải làm một bộ mặt rất nghiêm:

- Anh con bảo còn chờ dăm ngày, có hi vọng thành việc !

Bà cụ quay ra, xuống gác.

Tôi thấy giọng lanh lảnh của bà cụ cự ông cụ:

- Ô hay! Việc nó là việc cần, sao ông không ra nhà Dây thép đi mà còn ngồi mãi thế?

Rồi thấy ông cụ gắt lại:

- Tôi biết rồi, làm gì mà bà phải rối lên?

- Khốn nhưng tính ông cứ đận đà...

- Chứ không đận đà à? Việc gì mà vội?

Giọng bà cụ thấy mỉa mai, gay gắt thêm mấy độ nữa:

- Phải rồi! Thằng Vân nó không là con ông! Dễ thường nó là... con riêng tôi đấy !

Tiếc thay, anh Vân lại không ở đây, lúc này...

[n]Chú thích

1. Hà Nội ngày 20 tháng 6 năm 1933.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 11-6-2014 09:29:07 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12: Nạn Kinh Tế, Sở Liêm Phóng Với Ông Ấm B...

Hai ống quần của tôi, lúc này nếu đem gột tạm thì mấy gáo nước dội vào nó tất thành một thứ nước có phù sa; đôi giày tôi dận có đến mấy lớp bùn bao bọc quánh lại, trông không thấy giày đâu nữa, thật là hai cái chân một bác thợ cày. Cái áo tơi của tôi hầu như đã ngấm lâu vào nước và cái mũi thì thật là hai cái ống máng lúc giời mưa to. Ấy tôi ăn mặc như thế, đang đi tìm một người.

Nếu tôi đã có thêm được cái đèn và cái thùng thì tôi đã thành ông Diogène 1"cả xương lẫn thịt".

- Mời ông ngồi chờ cho một lát, ba con cũng sắp về rồi, chỉ độ 15 phút nữa thôi...

Đó là lời cậu con trai ông ấm B..., một đứa trẻ kể vào hạng thường ra thì chưa biết gì nhưng sinh vào cửa con một người như ông này, đã thành ra rất tinh khôn, ăn nói lễ phép, xem ra ý có thể được giáo dục cho một cách chu đáo lắm. Tôi kéo ghế ngồi, vẫn nóng ruột lắm, nhưng cũng dễ chịu: sống lưng được dịp đỡ mỏi, hai ống chân đỡ nhức.

Ngoài giời, như một đứa trẻ tinh nghịch, sau mỗi lúc ngót được dăm phút lại tuôn nước xuống ào ào. Đã sang hè rồi, không ngờ còn có trận mưa ít có ấy: suốt từ sáng đến trưa! Suốt từ sáng đến trưa, tôi đã đội giời mưa đi lùng gần khắp Hà Thành, thoạt đầu đến gõ cửa nhà ông ấm này, vì chủ nhân vắng nhà, tôi lại chạy lại đằng kí Vũ, kí Vũ bảo xuống tận ô tìm nhà lão Sinh, lão Sinh lại mách tôi nhà của tham Ngọc ở tận gần ô Yên Phụ để cho sau cùng tham Ngọc lại tống cổ tôi bò về đằng ông ấm B... Mang trong lòng cái bực tức, trong hai chân ngót mười cây số đã đến lúc không sao được nữa, tôi vẫn chưa xong cái phận sự: tìm một người.

Một vị quốc sĩ nào mà quốc dân giao cho tôi cái phận sự đi cầu chăng? Hay đó là con ông Hoàng, bà Chúa nào lạc mà tôi, một kẻ gia nhân, tôi có bổn phận đi tìm? Hay là... hay là... ông cụ nhà tôi sống lại đấy?

Thưa không ạ ! Người tôi phải đi tìm chỉ là một người thường như chúng ta cả, hoặc khác chúng ta là hiện lúc ấy không biết là bịp hay là mòng đang đóng cái vai "Càn Long du Giang Nam", ông anh tham quý hoá của tôi ông Vân đấy.

Sau khi ra dây thép mua ngân phiếu gửi sang cho ông con chục bạc rồi, ông bố với bà mẹ ở nhà đêm ngày chờ tin. Một tờ lịch bóc, hai tờ lịch bóc, ba... mười, mười hai, mười sáu tờ lịch bóc, không thấy tăm hơi gì, ông cụ phán, bà cụ phán đến phải hoảng cả lên như có đứa con lên năm vừa lạc đâu mất vậy.

Nhà giàu, con một, sau khi cho cả ông thân sinh ra mình vào xiếc rồi, anh Vân đã về Hà Nội, rồi gây cho cha mẹ cái cảnh "bụi hồng khuất nẻo dứt đường cá chim" kia. Do đó, việc tôi phải về tìm... Tìm một người đã bước xuống âm cung để dỗ dành cho quay về Dương thế vậy.

- Thầy không có nhà à? Hở em?

Tôi quay lại xem ai cất giọng thì thào to nhỏ ra vẻ bí mật ấy. Thì ông Mỹ Bối!... Ông ta nhìn tôi, khẽ gật đầu một cái rồi mỉm cười. Tôi phải cố nhịn cười vì trước mắt mình thật là một vai com mích 2 đặc biệt, đại đặc biệt.

- Ông ngồi chờ ông ấm thế chắc ông ta cũng sắp về thì phải.

- Vâng... Rước ông cứ lên.

Ông khệ nệ lên rồi kéo ghế, ngồi đánh sình một cái. Nghĩ bụng: mời ông ta bằng câu "rước ông" cũng phải.

- Thế nào, Hà Thành độ này có gì lạ không, ông?

- Chẳng có gì lạ... Vẫn săn mòng, két như thường.

- Ông phát tài?

- Phát tài phải gió !

- Sao ông bảo vẫn săn mòng, két như thường?

- Đã đành thế rồi mòng, két vẫn có đấy nhưng ít con có lườn lắm, mà tạ mỗi ngày một đông tấy lên, chia năm xẻ bảy đi, còn ăn thua gì nữa!

- Số tạ đông lắm à? Hiện ông biết thì độ bao nhiêu?

Ông Mỹ Bối lắc đầu:

- Không đếm được !... Bằng cát tó duy dê 3 ...

- Gớm, đông đến thế kia? Thế thì nguy cho bọn mòng lắm nhỉ?

- Nào nó có nguy chi cho mòng! Nó lại nguy cho b... mới cực chứ!... Ông nghĩ kĩ sẽ hiểu: bọn "sộp" xưa nay là mòng nhưng nay đã thành b... cả thì nguy cho b... hay cho mòng?

Tôi tìm câu kết cho lời nói chí lí ấy:

- Nói cho cùng, chỉ tại kinh tế thôi.

Ông Mỹ Bối thở dài:

- Tại nhiều ông ạ. Tại nạn kinh tế khủng hoảng tại ông ấm, tại ông, tại tôi ! Chính chúng ta đã quá tay, đã quên mất công cuộc gây mòng. Không nuôi mà cứ nhổ tất phải diệt. Rồi Thần Đỏ Đen sẽ phải bông xua xứ này mà đi. Bảo đó sẽ là một việc đáng đốt pháo mừng cũng được hoặc phải ngẩn ngơ tiếc, tuỳ ý... nhưng tôi hãy hỏi ông đã nhé: Nếu hết nạn cờ bạc, chiến công bội tinh hạng nhất đáng về phần ai?

- Đáng về cả ba thì mới phải.

- Không được, ông nói thế, ông nhầm. Người ta dù xo rụi về kinh tế thế nào mặc lòng vẫn có thằng đánh bạc. Sở Liêm phóng 4 vẫn hết sức tầm nã nhưng thế nào cũng không thể bắt giam hết được những quân cờ bạc. Ông có biết những quân gá chứa bây giờ có những thủ đoạn gì không? Việc đóng cửa cài then cho kĩ lưỡng đã đành họ phải cẩn thận rồi, nhưng bây giờ họ thường làm vài mâm cỗ nữa. Bàn thờ có đèn hương cẩn thận, bọn "con công đệ tử cứ" việc tha hồ ngồi chầu Tổ, nhỡ ra có cớm thì... bài họ vứt vào hoả lò trong khi một thằng nhỏ ra mở cửa, con sen ở trong đã bưng cỗ xuống chiếu bạc rồi. Sở Liêm phóng vào?... Thì người ta ăn uống về việc hiếu, hỉ! Nếu đầu chạy đuôi lọt thì, canh bạc tan rồi, người ta cũng... chén! Cái lối vừa gá bạc vừa bán cao lâu ấy lại càng lợi thêm cho chủ gá vì nó có tính cách rình người. Sở Liêm phóng chẳng thể độc lực trừ nổi nạn cờ bạc, dù có nhiều người chỉ vì đánh chắn cũng bị toà phạt mười sáu quan tiền Tây 5. Nhưng ông cũng là b... tôi cũng là b... ai cũng là đồ đệ hoặc chim mồi của ông ấm B... thì... hỡi ơi thương thay !... Làm sao cho cứ có mòng mãi được !
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 11-6-2014 09:32:33 | Chỉ xem của tác giả
- Ông nói cũng có lí lắm.

- Thật đấy, chính tôi đã biết những anh xưa kia vẫn bán giời không văn tự cả, nay cũng tu chí, cũng hoá ra bụt cả rồi. Đã cờ bạc thì phải ngồi với người lạ thì mới húc được chứ trong anh em thân nhau, còn thịt nhau lấy cái gì? Mà ngồi với người lạ thì tất là bị bịp !... Có anh sợ bịp quá, sợ quá đi mất, đến nỗi đánh với anh em rất thân, đen rồi thua mà ngờ cả cho anh em có ngón! Thôi, chẳng qua là ông ấm đến lúc xấu số vì ông pô-pu-le 6 quá rồi... Danh vọng tôn sư đến lúc về chiều, chúng mình cũng liệu mà... hưu đi thôi!

Ông Mỹ Bối nói câu này rồi rung rinh hai vai, trông khôi hài một cách lạ Tôi gợi ý:

- Ông nghĩ thế nào chứ tôi thì tôi đã bắt đầu chán nghề b... Không nước gì, suông lắm.

Ông ta:

- Vẫn hay rằng suông nhưng tôi thấy nó có lắm cái hay hay thì tôi chưa thể... li dị nó được. Ở đời này, bao nhiêu sự ám muội tôi cũng muốn dúng tay vào hết, chỉ cốt để được từng trải mà thôi. Ông tưởng tôi sống được về nghề này à? Tôi chỉ lợi được về sự: biết cuộc đời đối với tôi mới thật là cuốn sách có giá trị.

- Nghề gì mà ám muội ông cũng muốn dúng tay vào?

- Chính thế. Mà dúng được vào thì khoái lắm. Những việc ấy tuy có hại cho người nhưng không có hại cho tôi. Anh em phố Hàng Bạc đã cột tôi là "người mà khối óc là một tủ sách chứa những ý nghĩ tinh ma" thật cũng không oan gì. Cái lối xử thế của tôi bây giờ? Tôi mang trong đời cái "nhân nghĩa" của một anh thầy cò và những lời "cam đoan" của một thầy lang chữa thuốc lậu!

Những ý nghĩ này, phát lộ ra bằng một giọng ngạo mạn chứa chan những vẻ căm hờn, khiến tôi phải tưởng tượng đến những cảnh ba đào dồn dập về cuộc đời của con người nói nó ra. Tôi đánh bạo một câu:

- Muốn chừng ông cũng đã... cũng đã... từng trải lắm.

Ông Mỹ Bối nhìn xuống chiếu:

- Đã nhiều phen lắm!... Xuống chó nhiều quá mà lên voi chỉ được một hồi. Hiền lành tử tế vào thời buổi này không sống được, ông ạ. Thời buổi này là thời buổi...bá đạo, ông có nhận ra không?

Tôi đứng lên, bắt tay ông Mỹ Bối một cách chặt chẽ, nồng nàn. Ông đã mục tôi vào hàng tri kỉ nên mới... tâm sự đến bậc ấy, dù chúng tôi hãy còn trong thời kì sơ giao. Từ đấy, ông Mỹ Bối chỉ đăm đăm nhìn xuống chiếu, không nói thêm gì. Tôi để ông ta mặc thích ngồi trầm ngâm, giữa chúng tôi là một không khí im lặng.

Tôi nghĩ đến cái lòng căm hờn của người ta có hai bậc. Tôi nghĩ đến những kẻ "đắc vị" rửa hờn: Tần Thuỷ Hoàng lúc đốt sách, Robespierre trước ngày Thermidor, Mussolini, Hitler 7...

Rồi tôi nghĩ đến ông Mỹ Bối, hạng người "không đắc vị" nhưng khối óc cứ đi đôi với thời gian, cố nghĩ đủ mọi phương tiện để trả thù...

Nhưng cái số đúng là bao nhiêu ở xã hội mình, những người cùng tâm thuật với ông Mỹ Bối?

- Kìa, ông sang bao giờ thế?

Hai chúng tôi đứng cả dậy, ông ấm đã về. Tôi đáp:

- Tôi sang tối hôm qua.

- Sang chơi hay có việc gì?

- Sang tìm anh Vân... anh ấy đi lâu quá! Tôi tìm khắp cả mà không thấy không biết ông ấy có còn ở Hà Thành này không hay đã đem thiếc sang Tân Thế Giới rồi!

Ông ấm cười :

- Ông nói đúng đấy ! Tân Thế Giới thực ! Mà Tân Thế giới ở phố Đường Thành kia!

Ông ấm cởi áo ra, bỏ kính, lên ngồi giường, rồi tiếp:

- Ông Vân hiện giờ đang đóng một vai trò mòng giúp tôi.

Chúng tôi ngẩn người ra, không hiểu. Làng b... xưa nay chỉ thấy nói đến vai thiện xạ, vai hướng đạo (chim mồi) chứ có thấy nói đến việc đóng vai mòng bao giờ đâu! Mà ông ấm, chơi ác, cứ bắt chúng tôi đấu trí mãi, cứ ngồi yên ngắm chúng tôi chớ nhất định không nói năng gì. Sau cùng, thấy chúng tôi chịu cả, ông mới xé "cẩm nang":

- Các ông chịu là phải lắm. Xưa nay không ai lại đóng vai mòng.

Nhưng bây giờ tôi mới nghĩ ra được ngón đòn trá hàng thì việc kia phải có. Tôi có một Thị Mẹt ở phố Đường Thành, vốn là người "quen thuộc" tôi. Thị có một nhân tình làm thầu khoán đánh bạc thạo, dễ thường về xì cũng biết được lối đánh giác, nhờ Thị tìm hộ con mòng. Hôm qua, Thị lại tâu thế với tôi. Nghĩ bụng, mới nho nhoe ra đời đã đòi ăn thịt người thì cho chết; tôi mới rỉ tai cho thị biết cái ngón trá hàng. Tôi bày thế trận này: Vân vờ là mòng mà Thị tìm cho anh kia. Ngồi vào đánh, anh kia chắc yên trí là người yêu sẽ cản trở cho mình, nhưng té ra Thị lại cản trở cho Vân để vào Vân Nam, giấu biến đi cỗ bài giác của nó. Sa hố, nó tất thua to. Đến lần vào Vân Nam, thứ hai của Vân thì nó... phải chết. Các ông nên biết, người cản đã là một Thị Mẹt lúc bò nhoài ra với lấy bao diêm lại đè ngực lên đùi ông thầu khoán cho đùi ông thầu khoán "làm quen" với hai "quả dừa" thì... ối thôi!...

Ông Mỹ Bối sướng quá, cười sằng sặc, vội hỏi:

- Thế cụ đã "xếp cảnh" đâu đấy chưa?

- Kịch đang diễn rồi. Bây giờ thì dễ thường đã hạ màn ấy!

Tôi tháo giày, ông ấm vứt mấy cái gối ra giữa giường; ba chúng tôi nằm dài ra một lượt.

Ông Mỹ Bối tán:

- Giời mưa thế này mà nằm tán dóc thế này thì còn gì khoái hơn!

Ông ấm lại kể với ông Mỹ Bối:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 11-6-2014 09:33:36 | Chỉ xem của tác giả
- À này, thằng Năm Kèn, em lão chủ báo Tam Dân ấy mà... có đến van lạy tôi để lại cho hắn cỗ trạc xếch lưỡng diện.

- Thế à? Nhưng nó định bắt ai kia chứ?

- Thì Hàng Bạc có mấy tay sộp nhất là nó muốn thịt cả đấy. Nguyên sau khi thấy mấy anh chàng kia phải nhờ đến mình trong cái "Việt Hoa chiến kỉ" để thịt vợ chồng thằng Cắm, Năm Kèn tưởng mấy tay kia bây giờ bử lắm...

- Nhưng họ đã gỡ đủ số tiền thua thằng Cắm đâu?

- Thì đã đành, đòn Vân Nam của mình địch thế nào lại với đòn... đòn... ăn non của thằng Cắm được ! Đã đành phải nhờ đến b... là mình, mấy "quan hàn" chỉ tổ mang tiếng mà chung quy, thua vẫn hoàn thua. Nhưng nào thằng Năm Kèn nó có nghĩ thế ! Nó tưởng bọn kia phát tài lắm, cũng có thể sắp đi đấu xảo ngoại quốc rồi. Cho nên nó mới muốn tậu khí giới của mình, ý ông nghĩ sao?

- Nhưng nó trả bao nhiêu chứ?

- Nó trả tới hai chục rồi, nhưng tôi còn muốn bóp nữa.

- Thôi, cứ để quách cho nó đi. Hai chục bạc vào lúc kinh tế này, cũng là một số tiền đấy.

- Nhưng cỗ trạc xếch lưỡng diện đối với nó lúc này cũng là... ken cờ sôi 8.

- Có đồ nó ngu! Bắt thế nào được họ? Có hoạ nó về cất mả lại. Thấy người ta ăn cũng gắp... bỏ bị... cụ cứ để quách cho nó đi !

- Để cho nó là làm ơn cho nó và cũng là giết nó. Chắc rồi nó cũng đến sa hố mất.

- Cái thằng anh nó cũng đã có lần bị vào xiếc đấy. Trăm sáu mươi ba đồng bạc một canh tài bàn. Ông chủ báo mê gái, ông chủ báo híp mắt lại, ông chủ báo vào cạm. Mà bịp là thằng nhãi con, thằng Vũ chứ đâu cần phải thánh thần như ai !

Ông Mỹ Bối kết luận:

- Trò đời thế thì lắm cái tuyệt thật!

Giời xem chừng đã tạnh mưa. Phố xá đã có chỗ thấy rọi sáng những tia lửa rơi qua cái "sàng" mây dưới mặt giời...

o O o

- Tôi đứng đây chờ chứ vào làm gì? Nhỡ ra "thằng nhân tình" còn đấy, mà nhỡ ra xưa kia đã có lần mình cho nó vào cạm, nay nó nhận ra mặt mình thì khốn. Hai ông đi vào, lượn qua nhà không thấy người nào lạ mặt thì ra hiệu cho tôi...

Nghe lời dặn, tôi với ông Mỹ Bối tránh những vũng nước, tìm lối vào một cái ngõ trong Đường Thành. Khi nhận thấy số nhà rồi, tôi liếc mắt nhìn vào trong.

Một người đàn bà đang ngồi chống nẹ ở giường nói nói, cười cười với một người nữa, vận Âu phục, ngồi quay mặt vào phía trong. Giữa bàn là một tập giấy bạc.

Thấy chúng tôi, người đàn bà ngẩng lên nhìn khiến người đàn ông cũng quay đầu ra nốt. Tôi quay lại vẫy ông ấm. Người đàn ông là anh Vân ! Rồi ba chúng tôi kéo ùa vào nhà. Ông ấm trách:

- Mãi không báo tin cho người ta biết! Làm người ta cứ sợ không khéo sa hố mất rồi.

Anh Vân nhe răng ra cười:

- Người cản là... bà đầm này thì sa hố thế nào được?

Mỹ nhân đỏ mặt, nhìn trộm tôi vì lúc nãy vừa bị đôi mắt thóc mách tôi bắt được quả tang cái vẻ lả lơi trước mặt anh Vân một cách thái quá.

Tôi bấm anh Vân ra ngoài:

- Thế nào? Ông cụ, bà cụ bắt tôi đi tìm ông đây. Thế ông có định về cho hay không thì bảo?

Anh Vân thản nhiên:

- Dăm hôm nữa, chúng ta sẽ cùng về.

Tôi lộn cả ruột:

- Không thể thế được đâu !

- Làm gì mà không được? Hay là chú cứ về trước đi vậy.

Tôi tìm một câu thật đau đớn :

- Tôi lấy làm tiếc cho cái công trình ăn học của anh. Tôi tiếc thay, thương thay cho cả cái bằng Cao đẳng Thương mại...

Anh Vân cau mặt, có can đảm nói xưng xưng:

- Chú nói dốt lắm ! Thế nghề b... không phải là Thương mại thì là gì?

Chú thích

1. Triết gia cổ Hy Lạp (413 - 323 TCN) khinh thường mọi của cải ở đời mọi người, mọi vật, đúng giữa trưa đi giữa thành phố Athmai tay xách cái đèn sáng, ai hỏi thì nói: "Ta tìm một con người ".

2. Phiên âm tiếng Pháp comique nghĩa là khôi hài.

3. Phiên âm tiếng Pháp quatorze juillet nghĩa là ngày 14 tháng 7 tức là ngày quốc khánh Pháp. ý nói đông như ngày quốc khánh Pháp dân ta đi xem hội.

4. Sở Liêm phóng là Sở mật thám.

5. Tức là 16 đồng phơrăng của Pháp, giá bằng một đồng sáu hào bạc Đông Dương, thời ấy có thể ăn phở được hơn năm chục bát.

6. Tiếng Pháp populaire nghĩa là nổi tiếng.

7. Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, lên ngôi Hoàng đế năm 230, đốt hết sách, chôn sống nhà Nho. Robespierre (1758 - 1794) thực hiện nền chuyên chinh trong cách mạng Pháp đưa bao nhiêu ngươi lên mây chém, rồi bị lật đổ và chém đầu ngày 9 tháng Thermidor năm 1 794. Mussolmi (1883 - 1945) và Hitler (1889 - 1945), độc tài nước ý và nước Đức đã liên minh với nhau gây ra Đại chiến.

8. Tiếng Pháp quelque chose nghĩa là ít nhiều gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách