Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 1147|Trả lời: 9
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Bảy Bước Tới Mùa Hè | Nguyễn Nhật Ánh

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Tên tác phẩm: Bảy bước tới mùa hè
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Độ dài: 29 chương + 4 phụ bản
Thể loại: hiện đại
Nhà xuất bản : Nhà xuất bản Trẻ
Ngày xuất bản:  31/12/2015


"Để nhớ Bông, Mừng, Hiền, Lộ, Luật, Cận... những năm tháng ấu thơ ở Cẩm Lũ"
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 24-1-2017 12:54:58 | Chỉ xem của tác giả
Chương 1

Khoa kẹp chân vào cán chổi, hai đầu gối cụng vào nhau để giữ thăng bằng, cứ thế Khoa đong đưa trong gió như một con diều.

Theo cung cách mà Khoa thể hiện thì Khoa đúng là chàng phù thủy trẻ tuổi đang cưỡi chổi bay trong một ngày đầu hè tuyệt đẹp. Có thể thấy ráng chiều đỏ ối phía chân trời phản chiếu óng ánh trên mặt chàng.

Ở trên cao, lưng chừng trời, chàng phù trẻ mắt vẫn không ngừng bám cứng hàng rào mồng tơi nhà hàng xóm, miệng ngân nga một giai điệu chả biết có đúng phép tắc âm nhạc hay không nhưng chắc chắn là rất rực rỡ trữ tình:

-        Trên chiếc chổi bay này tôi nhớ em
Giữa cơn gió lạnh tê người này tôi nhớ em

Em ở đây, trong trí não của chàng phù thủy trẻ tuổi tên Khoa, là nhỏ Trang con gái bà Chín Ghe.

Nhỏ Trang vào giờ giờ này thường ra sau hè ngồi lặt rau, vo gạo.

Khoa biết vậy nên nó cứ đu đưa trên cây chổi mà gào thật to, giống như kiểu các thợ săn vẫn gõ thanh la để đánh động thú rừng.

Cây chổi được treo toòng teng trên nhánh ổi bằng hai sợi dây cột ở hai đầu, trông từa tựa cái xích đu nhưng thế ngồi của Khoa đúng là thế ngồi hùng dũng của một kị sĩ đang xông ra chiến trường (ở đây là… tình trường).

Một tay nắm chặt cán chổi, tay kia níu nhánh cây trên đầu cho khỏi ngã, chàng phù thủy bạo dạn và lãng mạn của chúng ta cứ kẹp cứng lấy cây chổi mà buông ra những lời nhăng nhít. Trời lưng lửng chiều, nóng hầm hập, nhưng Khoa vẫn ca cẩm “giữa cơn gió lạnh tê người” cho ra vẻ thống thiết.

Nhưng nhỏ Trang chẳng biết biến đi đằng nào. Khoa ra sức gào rát cả họng nhưng chẳng thu hoạch được gì.

Đã thế, cái trò tán tỉnh rẻ tiền của nó chỉ đem lại tai họa.

- Mày làm cái trò om sòm gì thế, thằng khỉ kia?

Dì Liên thò đầu ra khỏi cửa ngách, quát.

Rồi nhác thấy thằng cháu bảo bối đang lơ lửng trên cây, mặt dì từ đỏ chuyển qua xanh:

- Ối trời ơi! Mày leo lên tám tầng trời làm gì thế, có xuống nhanh đi không!

Giọng dì chợt dịu xuống, lo lắng khi thấy Khoa đang luống cuống:

- Từ từ thôi cháu! Coi chừng té gãy cổ bây giờ! Từ từ mà trèo xuống, dì không phạt cháu đâu…

Đang chuyển giọng ngọt ngào, dì chợt nhận ra cái mà Khoa đang kẹp giữa hai chân là cây chổi dì tìm mỏi mắt từ trưa đến giờ, thế là dì chuyển giọng một lần nữa – lần này là từ thấy lên cao:

- Trời ơi là trời! Thế ra là mày đã lấy cây chổi của tao mà nghịch đấy!

- Dạ… dạ…

Khoa ấp úng đáp, chả biết mình phun ra từ gì, vì vậy ý nghĩa của chuỗi “dạ… dạ” kia thật vu vơ, vừa đảo mắt tìm chỗ đặt chân.

Chân nó khều khều huơ huơ trong khoảng không, một lát cũng mò trúng được chỗ chạc ba. Nó dồn trọng tâm lên chân phải, nhưng đến khi nó rút chân trái ra khỏi chiếc “xích đu” gót chân nó lại vướng vào cán chổi.

“Phựt” một tiếng, sợi dây treo đứt ngang, cây chổi chúc một đầu xuống đất nhưng vẫn lơ lửng trên không bởi sợi dây bên kia vẫn còn bám chắc trên cành. Trong khi đó, Khoa mất đà, bổ nhào xuống cỏ. Khác với cây chổi, Khoa đã lao là lao thẳng một lèo.

Khoa không nhớ mình tiếp đất bằng bộ phận nào, nó chỉ nghe một tiếng “binh”, rất giống tiếng mít rụng,mông đau nhói.

Nhánh ổi mà Khoa treo cây chổi thực ra cao chưa tới hai mét nên cú ngã của nó không lấy gì làm đau khổ tang thương cho lắm.

Nhưng mà ngã xuống rồi thì Khoa rú lên một tiếng như còi xe lửa, lăn qua lăn lại kha khá vòng – một động tác chỉ có ở người sắp về chầu ông bà, và tất nhiên cuối cùng là nó nằm bất động như một thằng người bằng gỗ - lần này thì là tư thế của kẻ đã gặp ông bà rồi.

Chàng phù thủy Khoa không chỉ gan dạ, lãng mạn, tình tứ mà còn một ưu điểm nữa là rất ranh mãnh. Chàng nghĩ mình chỉ có chết đi thì dì của chàng mới không tóm lấy tai chàng lôi xềnh xệch vào nhà và sau đó trừng phạt những tội trạng mà chàng đã gây ra bằng một thứ gì đó có hình thù na ná cây chổi, nhỏ hơn nhưng mềm hơn, vì vậy đét vô mông thì đau hơn. Vũ khí đáng rờm đó, xưa nay dân gian vẫn gọi là “roi”.

Khoa nghĩ quả không sai. Dì Liên đã rắp tâm sẽ tóm lấy vành tai thằng cháu hoang đàng khi nó đặt chân xuống đất và tiếp theo sẽ nghĩ ra nhưng hình phạt đích đáng cho nó, nhưng khi thấy Khoa không đặt chân mà đặt mông xuống đất (và sau khi lao xuống đất bằng tư thế khó coi đó rồi thì Khoa có vẻ không chết cũng đã trọng thương) thì dì không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện trừng phạt thằng bé nữa.

Hồn vía lên mây, dì quýnh quíu chạy lại phía Khoa, miệng mồm mếu xệch:

- Khoa, Khoa! Cháu có sao không?

Khoa vẫn nằm im lìm, trông bộ dạng thì có vẻ sẽ không bao giờ dậy nữa.

Nước mắt ròng ròng trên má, dì Liên ôm vai Khoa lay lay như người ta đang lắc một chiếc xe cạn xăng, hy vọng sẽ đánh thức một giọt sinh khí còn sót lại đâu đó trong cơ thể bất động kia.

- Ôi, cháu làm sao thế Khoa! Cháu vừa nói chuyện với dì đây mà!

Dì Liên nức nở ghê quá khiến Khoa cảm thấy mềm lòng. Nhưng hồn nó đã trót lìa khỏi xác, Khoa cố mím chặt cả môi lẫn mắt, biết rằng bất cứ một sự bất cẩn nào cũng khiến cặp mông nó trả giá. Thậm chí nó ép mình nín thở càng lâu càng tốt.

Dì Liên sờ tay lên mũi nó, thấy cháu mình hoàn toàn tắt thở thì khóc rống lên:

- Ôi, tội nghiệp thằng bé! Nó chỉ nghịch cây chổi thôi mà mình khiến nó ra nông nổi này. Cây chổi thì có dáng gì cơ chứ. Ngoài chợ người ta bán hàng mớ, muốn mua mấy cây chả được. Thế mà thằng bé phải bỏ mạng chỉ vì một cây chổi vứt đi!

Dì khóc, nói một tràng, nhưng khóc để xì mũi rồi tiếp tục ca cẩm trong đau thương, rồi lại tự dằn vặt bản thân, trông cái cách dì kịch liệt lên án mình có cảm tưởng nếu có thể tống được mình vào tù dì không ngần ngại gì mà không dám. Cuối cùng dì quyết định bày tỏ sự hối hận to lớn đó bằng hành động.

Dì lục lọi trong túi áo, moi ra một cây compa, đặt vào bàn tay “giá lạnh” của Khoa:

- Dì trả cho cháu nè. Sáng nay dì tịch thu nó chẳng qua sợ cháu dùng nó đánh nhau với bạn…

Khoa mừng quá, suýt chút nữa nó đã co các ngón tay lại để nắm lấy món đồ tưởng đã ra đi không bao giờ trở lại đó.

Dì lục túi áo bên kia, lần này dì tìm thấy một hòn đá đen, nhẵn thín, lớn bằng quả ổi sẻ. Lại đặt vào bàn tay kia của Khoa, không để ý bàn tay đó vừa rồi nắm hờ nay đã xòe ra từ lúc nào:

- Dì trả cho cháu luôn hòn đá khi nảy này. Bây giờ thì cháu không thể dùng nó để ném vỡ đồ đạc nữa rồi.

Dì nhìn cây compa bên tay này của Khoa, rồi nhìn hòn đá bên tay kia của Khoa, bất giác động lòng ôm mặt khóc rấm rứt.

Dì mải khóc làm Khoa sốt ruột quá. Nó nhớ dì Liên đã tịch thu của nó bao nhiêu là thứ và không có cơ hội nào thuận lợi hơn lúc này để thu hồi tài sản.

Thế nhưng sau khi trả lại cho Khoa hai món đồ, dì dường như quên mất chuyện tiếp tục bày tỏ sự hối hận với thằng cháu tội nghiệp bằng cách trả lại món thứ ba, thứ tư…

Khoa he hé mắt liếc trộm dì, thấy dì vẫn vùi mặt vào giữa hai bàn tay, thút tha thút thít, và cứ cái kiểu này có vẻ dì không còn nhớ gì đến những món đồ đã thu giữ của Khoa.

Sau một thoáng lưỡng lự, Khoa liều cất tiếng:

- Còn bộ bài cát-tê nữa…

- Ờ, bộ bài dì giấu trong ngăn tủ quần áo. – Dì Liên thôi bưng mặt, dì dùng cườm tay quẹt nước mắt lẫn nước mũi và lảo đảo đứng lên – Để dì vào nhà lấy…

- Còn con dao nhíp… - Khoa nhắc, lòng tham ùn ùn trỗi dậy.

- Cháu yên tâm! - Dì gật đầu dễ dãi, giọng tràn ngập bao dung – Dì nhớ con dao đó rồi…

Nhưng vừa dợm bước, như sực nhớ ra điều gì, dì Liên quay ngoắc lại, miệng há hốc:

- Ủa, Khoa!

Trong nháy mắt, dì Liên biến thành con người khác, tương phản hoàn toàn với con người dịu dàng vừa rồi. Giọng dì rít lên, the thé:

- Tao tưởng mày chết rồi mà, Khoa! Thế ra…

Không đợi dì Liên nói hết câu, Khoa trượt đi bằng hai gót chân, thoát khỏi cú tóm của dì. Thêm một cái chỏi tay nữa, Khoa lật người lại, lồm cồm bò dậy và nhanh như cheo, nó lạng tuốt ra xa, phóng về phía hàng rào cuối vườn, tay vẫn nắm khư khư hai món đồ béo bở.

Khoa nghe rất rõ tiếng giậm chân bình bịch và tiếng gọi í ới của dì nó ở phía sau nhưng nó mặc kệ. Như một vận động viên nhảy cao, nó búng người bay qua hàng giậu mồng tơi, vướng chân vào bụi tơ hồng, ngã đánh uỵch.

Khoa nén đau, lóp ngóp đứng lên, quay mặt đá chân vào hàng giậu để trả thù cú té rồi tập tễnh đi tiếp.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 24-1-2017 21:08:21 | Chỉ xem của tác giả
Chương 2

Gần như hè năm nào, Khoa cũng được ba mẹ cho về chơi quê ngoại.

Vì vậy, nó chẳng lạ gì nhỏ Trang, con bà Chín Ghe.

Nhà bà Chín Ghe là hàng xóm của ông nó. Hai khu vườn cách nhau một bờ giậu mồng tơi.

Nhưng xưa nay Khoa chẳng bao giờ để nhỏ Trang vào mắt. Con bé này chỉ nhỏ hơn Khoa một tuổi nhưng Khoa vẫn xem nó là đồ con nít ranh.

Nhỏ Trang hay mặt bộ đồ vải hoa, thỉnh thoảng chạy qua nhà ông nó, lúc thì xin dì Liên cho nó hái măng tre ở bờ rào hoặc lang thang trong vườn hái nấm, lúc thì mượn cái siêu sắc thuốc bắc hay xin rơm về lót ổ cho gà đẻ.

Nhỏ Trang còn chạy qua nhà ông nó vì nhiều lý do linh tinh khác nữa, nhưng Khoa không nhớ hết.

Khoa chỉ nhớ là nó không bao giờ chơi với con nhỏ này. Có một quy ước bất thành văn của bọn con trai với nhau: đứa con trai nào chọc cho con gái khóc, đứa đó là anh hùng; còn đứa nào đánh bạn với con gái, đứa đó là đồ bỏ đi, không xứng mặt nam nhi và dĩ nhiên bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh.

Khoa tất nhiên tự coi mình là anh hùng. Vì trước đây nó khiến nhỏ Trang khóc không biết bao nhiêu lần.

- Ê, mày đánh cắp chai xì dầu của nhà tao hả Trang?

Chẳng hạn có lần, trước mặt thằng Mừng, Khoa ra oai khi thấy nhỏ Trang cầm chai xì dầu từ trong nhà bếp của ông nó bước ra sân.

Nhỏ Trang quay mặt lại, rụt rè:

- Dạ, đâu có. Em hỏi mượn dì Liên mà.

- Xạo đi mày! Mày hỏi mượn dì Liên sao tao không biết.

Dĩ nhiên là Khoa không thể biết. Vì dì Liên ở trong bếp, còn Khoa đang ngồi chơi với thằng Mừng trên bậc thềm trước hiên. Nhưng nó vẫn nạt nộ nhỏ Trang như thể nó bắt tận tay con bé này đang lấy trộm chai xì dầu.

Thấy Khoa giở giọng ngang phè, nhỏ Trang đứng thộn mặt giữa sân, cái lưỡi thụt đi đâu mất.

- Còn đứng ì ra đó nữa hả! – Khoa lại gầm lên, rất ghê, như sắp phun khói qua lỗ mũi – Đem chai xì dầu trả lại cho nhà tao đi!

Nước mắt bắt đầu ứa ra trên mặt nhỏ Trang. Nó bị khép tội ăn cắp thật là oan ức mà, Đã vậy, lúc này có tới bốn con mắt đang nhìn nó chằm chằm khiến nó ngượng chín cả người. Khi bạn không làm gì sai, nhưng bỗng có một người kết tội bạn, còn người đứng bên cạnh không những không lên tiếng bênh vực bạn lại trố mắt ra nhìn bạn như nhìn một tên tội phạm, tự nhiên bạn có cảm giác bạn giống như là tội phạm thật. Nhỏ Trang đang rơi vào cảm giác tồi tệ đó. Thế là một tay nắm chặt chai xì dầu, một tay quẹt nước mắt, nó cúi đầu lầm lũi đi vào nhà bếp.

Tự nhiên Khoa thấy tội con nhỏ. Nó thấy nó ra oai như thế đủ làm cho thằng Mừng nhìn nó bằng cặp mắt lé xẹ rồi.

Thế là Khoa lại quát:

- Thôi, tha cho mày! Tao cho mày mượn chai xì dầu đó, đem về cho mẹ mày đi!

Dĩ nhiên nhỏ Trang đâu có thèm nghe Khoa. Tủi thân, uất ức, xấu hổ, bẽ bàng, cả mớ cảm xúc đang trút lên người con bé như một đống gạch khiến tai nó ù đi. Nhưng cho dù nghe rõ những gì Khoa nói thì nhỏ Trang chắc chắn cũng chẳng dừng chân.

- À, mày dám bướng với tao hả? Tao… tao… tao…

Khoa vừa giận vừa thẹn, giận con bé cứng cổ không thèm nghe lời nó và thẹn với thằng bạn đang thô lố mắt chứng kiến cái cảnh đó, cho nên Khoa cứ ngắc ngứ mãi vẫn không nói được hết câu.

Đúng lúc Khoa định rượt theo cốc đầu con nhỏ này một cái cho hả tức thì dì Liên đột ngột xuất hiện trước cửa bếp.

Mắt dì mở to khi thấy nhỏ Trang cầm chai xì dầu quay lại:

- Ủa, sao cháu không đem chai xì dầu về nhà cho mẹ đi cháu?

- Anh Khoa bắt cháu trả lại.

- Sao lại trả?

- Ảnh bảo cháu ăn cắp…

Nói tới đây, như không nén được, nhỏ Trang òa ra tức tưởi. Từ lúc bị Khoa hiếp đáp, nước mắt đã chảy dài trên mặt con bé nhưng nó cố kiềm tiếng khóc. Nó không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt bọn con trai. Nhưng câu hỏi của dì Liên giống như một mũi khoan xoáy vào nỗi đau của nó. Thế là lòng nó thủng một lỗ to tướng: bao nhiêu dồn nén tích tụ nãy giờ bất thần xì ra. Nhỏ Trang khóc ồ ồ như vòi phun.

Dì Liên ôm lấy con bé, dỗ dành và trợn mắt về phía bậc thềm:

- Thằng quỷ con kia! Mày hết chuyện làm rồi sao mà bắt nạt con gái hả?

Nhưng cũng như mọi lần, Khoa đã mất dạng từ hồi nào. Thằng bạn nó cũng biến nhanh như khói. Hiên nhà vắng tanh như chưa từng có ai ngồi đó

***
Đó không phải là lần duy nhất Khoa chọc nhỏ Trang khóc.

Giật đồ chơi, giật tóc, cốc đầu, véo tai, đá đít, tóm lại không có trò mất dạy nào là Khoa không làm với nhỏ Trang trước ánh mắt tán thưởng của thằng Mừng. Và mỗi lần lập được thành tích, mặt Khoa lại nghênh nghênh y như nó vừa đánh thắng một ông mãnh nào lớn xác lắm chứ không phải bắt nạt một đứa con gái bé bỏng.

Nhưng đó là nói những mùa hè trước đây. Là chuyện đã qua.

Năm nay nhỏ Trang vẫn là con gái bà Chín Ghe, vẫn là hàng xóm của nó, vẫn thỉnh thoảng qua nhà ông nó để chơi với dì nó nhưng nhỏ Trang không còn là nhỏ Trang như nó từng biết.

Mới hè năm ngoái đây thôi, nhỏ Trang vẫn còn là một con bé mảnh khảnh và đen đúa, hễ nhìn thấy là Khoa ngứa mắt chỉ muốn cốc đầu giật tóc.

Thế mà chỉ sau một năm không gặp, nhỏ Trang xuất hiện trong mắt Khoa y như một con người khác. Mười bốn tuổi, con bé tự nhiên lớn phổng lên, đã ra dáng một thiếu nữ hẳn hoi. Tóc nó dài ra, cơ thể nó đầy đặn lên, cặp mắt nó long lanh và đen lay láy như hai hạt nhãn.

Cách đây nửa tháng, Khoa vừa xách ba lô bước vào cổng nhà ông ngoại nó đã thấy nhỏ Trang đi ra. Nhỏ Trang nhận ngay ra Khoa nhưng Khoa thì không nhìn ra con bé.

Đến khi nhỏ Trang bẽn lẽn cất tiếng chào thì Khoa mới ngớ ra:

- Ủa… ủa…

Khoa chỉ thốt được mấy tiếng chẳng đâu vào đâu. Đến khi Khoa định thần, tính khen “Em mau lớn quá hả Trang?” thì nhỏ Trang đã khuất dạng bên kia bờ giậu mồng tơi.

Khoa đứng đực giữa sân có đến một lúc, thấy lòng tự nhiên bâng khuâng lạ. Con bé hàng xóm sao bữa nay trông khác quá. Ngay cả Khoa nữa, Khoa cũng thấy mình khang khác. Những mùa hè trước đây, mỗi lần về quê gặp nhỏ Trang, việc đầu tiên Khoa làm là giật tóc con này cho nó la oai oái chơi.

Lần này Khoa không những không nhấc tay nhấc chân nổi mà nói cũng khổng ra hơi.

Đã thế, tuy chưa thốt nên lời những mẫu câu Khoa định nói cũng tự nhiên thay đổi:
“Em mau lớn quá hả Trang?”. Trước nay, Khoa toàn xưng tao gọi mày với con nhỏ này. Bữa nay Khoa đột ngột gọi nó bằng “em”, dù là gọi trong tâm tưởng. Chỉ nhớ lại thôi, Khoa đã thấy kỳ kỳ: Sao lạ vậy ta? Khoa tự hỏi, nghĩ ngợi, không tìm ra câu trả lời rồi tự hỏi thầm lần nữa, vẫn thấy đầu óc tối mò mò, đành tặc lưỡi xách ba lô đi thẳng vô nhà.

Buổi chiều, mải theo thằng Mừng đi lặn hụp đi lặn hụp ở sông Đá Nhọn, hôm sau lại theo thằng này đi bắn chim tận Gò Thung đến tối mịt mới về, Khoa quên mất nhỏ Trang.

Nhưng qua ngày thứ ba, Khoa đang tha thẩn chờ thằng Mừng qua rủ đi xem tát đìa, bỗng thấy nhỏ Trang bước qua.

Nhỏ Trang liếc Khoa một cái rồi lật đật đi một mạch vô bếp. Nó sợ Khoa kêu lại rồi ngứa tay cốc đầu giật tóc như trước đây.

Nhỏ Trang không biết thằng Khoa năm nay không còn là thằng Khoa quen bắt nạt như nó từng biết.

Thằng Khoa năm nay vừa nhác thấy nhỏ Trang, bụng giật thót một cái và hấp tấp quay mặt đi chỗ khác.

Đợi nhỏ Trang đi một quãng, nó rụt rè ngoái cổ nhìn theo rồi lịa quay đầu nhìn ra giàn hoa giấy trước cổng, đầu óc tự dưng nghĩ ngợi vẩn vơ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 26-1-2017 19:47:25 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3:

Rốt lại, về quê được nửa tháng rồi mà Khoa chưa trò chuyện với nhỏ Trang được lần nào.

Khoa bắt gặp nhỏ Trang qua nhà ông nó không ít lần nhưng lần nào cũng vậy, Khoa chỉ biết đưa mắt nhìn trộm con nhỏ này, mỗi khi thấy con nhỏ này sắp quay mặt về phía Khoa thì Khoa lại vội nhìn đi đâu đó như thể ta đây đang mải mê ngắm cảnh.

Khoa cố nghĩ như vậy thật, tự đánh lừa mình rằng thực sự nhỏ Trang là cái thá gì mà phải quan tâm nhưng đến khi nhỏ Trang ra về rồi thì Khoa lại thở dài, tự trách mình sao mà nhát cáy.

Cũng có khi Khoa chạy qua nhà bà Chín Ghe và gặp nhỏ Trang ở đó.

Đó là những hôm Khoa làm dì Liên tròn xoe mắt trước sự nhiệt tình đột xuất của nó.

- Để cháu đi cho dì.

- Cái gì? Cháu qua nhà bà Chín Ghe mượn cái sàng cho dì thật à? Ối trời ơi, mày có định làm cho dì xỉu không vậy, thằng lười chảy thây kia?

Khoa trả lời dì bằng cách vọt ra cửa, vù qua nhà bà Chín Ghe theo cái cách của người hăm hở đi dự tiệc.

Nhưng tới nơi rồi thì vẻ hùng hổ của Khoa lập tức tiêu tan, y như một thực khách vừa tới nơi bỗng thấy bàn tiệc đã bị dọn mất.

Khoa đứng lấp ló trước cửa, lấm lét nhìn vào nhà. Bà Chín Ghe đang ngồi trên chõng loay hoay lặt bông cỏ trong thúng  gạo  trước mặt, còn nhỏ Trang đang ngồi đằng bàn học bài. Con nhỏ này học bài thật hay giả vờ thế nhỉ? Đang nghỉ hè kia mà! Khoa nhủ bụng, cảm thấy phân vân quá.

Khoa không nghĩ sẽ gặp bà Chín Ghe. Vào giờ này, lẽ ra bà đã xách giỏ đi chợ hoặc xắn quần lội ruộng thăm lúa. Nhưng làm như biết trước Khoa sẽ mò qua chọc ghẹo con gái mình, bà quyết tâm ở nhà để canh chừng kẻ gian hay sao ấy. Đó là những ý nghĩ xuất hiện trong đầu của kẻ “có tật giật mình” là Khoa, và khi suy đoán như vậy, Khoa thấy trái tim trong ngực nó bắt đầu giã gạo.

Đúng vào lúc Khoa dợm chân định bỏ chạy, bà Chín Ghe bất giác ngẩng đầu nhìn ra sân.

- Ô! – Bà kêu lên khi nhác thấy mái tóc bù xù của Khoa thập thò ngoài cửa – Cháu đi đâu đó, Khoa?

Mặt Khoa đỏ như gấc, rõ ràng là vẻ mặt của tên trộm bị bắt quả tang.

- Dạ… dạ… - Khoa ú ớ, nhất là khi nó biết nhỏ Trang cũng quay đầu nhìn nó mặc dù Khoa không dám đánh mắt về phía bàn học.

Bà Chín Ghe gỡ bí cho thằng bé:

- Cháu vào nhà đi đã.

Y như tháo được miếng băng keo vô hình dán ngang miệng, đôi môi Khoa lập tức hoạt động trơn tru:

- Dì Liên sai cháu qua nhà bác mượn cái sàng về sàng gạo.

Bà Chín Ghe quay sang nhỏ Trang:

- Con ra sau nhà lấy cái sàng đưa cho anh đi con.

Khoa đã bớt sợ, ngực nó nhẹ dần. Bà Chín Ghe dịu dàng quá. Hôm nay bà không ra khỏi nhà chắc là vì bà phải nhặt bông cỏ chứ không phải để canh chừng mà thộp cổ Khoa như Khoa tưởng tượng.

Khoa thử nhúc nhích vai và hông, thấy cơ thể không còn căng cứng như khi nãy. Khoa hít vào một hơi, kiểm tra lại lưỡi và môi, sung sướng thấy mọi thứ đâu vẫn còn nguyên đó.

Nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích được gì cho Khoa. Khi nhỏ Trang cầm cái sàng từ nhà bếp lên đưa cho Khoa, Khoa lại thấy tay chân yếu ớt như không còn chút hơi sức, chỉ lí nhí được hai tiếng cảm ơn rồi quay mình đi như chạy.

Thật chả ra làm sao! Khoa tự mắng mỏ mình, đá tung một hòn gạch trước mặt, kêu “oái” một tiếng vì hòn gạch cứng quá, rồi đi cà nhắc về nhà.

***

Nhỏ Trang ngồi đằng bàn chúi mặt vào tập hôm nọ hóa ra là nó học bài thật chứ không phải giả vờ. Khoa phát hiện ra điều đó khi nhìn thấy con nhỏ ôm tập đi ngang trước cổng nhà ông nó.

Nó chui hàng rào, chạy qua nhà thằng Mừng.

- Ê, nghỉ hè rồi mà sao tao thấy nhiều đứa trong làng vẫn ôm tập đi học hả mày?

- Tụi nó đi học hè.

Dò hỏi một hồi, Khoa biết thầy Tám đang mở lớp dạy hè cho tụi học trò đang chuẩn bị vô lớp chín. Nhỏ Trang đang học lớp này.

Thế là hôm sau, Khoa nằng nặc xin dì Liên cho nó đi học.

- Mày siêng học từ bao giờ thế, Khoa?

- Cháu siêng học lâu rồi, tại dì không biết đó thôi.

- Tao mà không biết mày á? Tao còn lạ gì mày hả Khoa! – Dì Liên rọi mắt vào mặt Khoa, như muốn lục lọi xem sự dối trá nấp ở đâu đằng sau vẻ thật thà đáng ngờ của thằng bé – Những mùa hè trước tao thấy mày toàn chạy nhảy nghịch phám, tập vở mày vứt tận đâu đâu kia mà.

Khoa nặn ra vẻ mặt của một con mèo giận dỗi:

- Tại những năm trước cháu còn bé. Năm nay cháu lớn rồi mà dì.

Dì Liên nghiêng đầu qua một bên, dùng mắt soát xét thằng bé từ đầu tới chân, rồi từ chân lên đầu. Dì rà rà như vậy một lúc rồi gật gù đổi giọng:

- Ờ, cháu lớn rồi mà dì không để ý.

Dì âu yếm đặt tay lên vai Khoa, giọng ngọt ngào như làm từ mía:

- Dì nói là nói thế thôi. Cháu mà để tâm đến chuyện học, dù chỉ bằng nauwr con mắt thôi, dì cũng đã vui lắm rồi!

- Dì vui thì cho tiền cháu đóng học phí đi chứ! – Khoa nhắc.

- Học phí bao nhiêu vậy cháu?

- Cháu nghe nói hai tháng là sáu trăm ngàn.

- Ối trời ơi, tao làm gì có tới chừng đó tiền. Mày tưởng tao là cái ngân hàng hả Khoa?

- Thì dì hỏi xin ông hộ cháu!

Thế là Khoa ôm tập đi học. Nó vô lớp muộn hơn tụi bạn nửa tháng nhưng thầy Tám vẫn nhận vì nó đóng đầy đủ học phí cả hai tháng. Thầy dạy toán, lý hóa, bảng đen hôm nào cũng chằng chịt những chữ số trông nhức cả mắt.

Dĩ nhiên là Khoa chả coi những bài toán trên bảng ra cái củ cà rốt gì. Khoa chuẩn bị vô lớp mười, nó chui vào lớp dành cho tụi học trò vừa xong lớp tám chỉ để có dịp ngồi gần trò chuyện với nhỏ Trang thôi.

Dì Liên chả biết thằng cháu của mình học thứ gì, ở lớp nào, chỉ thấy một đứa quanh năm lêu lổng như Khoa bỗng nhiên ham học là dì mở cờ trong bụng, đâu có biết nó đánh lừa dì lấy tiền chui vô cái lớp mà nó đã học qua rồi.

Trong làng, chỉ có thằng Mừng là ngạc nhiên.

Ngay ngày đầu tiên Khoa đi học, vừa ra về đã bị thằng Mừng chặn đường hỏi ngay:

- Ra là mày đi học đấy?

Cái kiểu hỏi giống như chế giễu của thằng này làm Khoa chột dạ:

- Ờ… ờ…

- “Ờ ờ” cái gì! – Mừng nhếch mép – Năm ngoái mày đã học lớp chính tại sao bây giờ mày lại chui vô lớp dành cho mấy đứa sắp lên lớp chín?

Mặc dù biết trước thế nào thằng Mừng cũng hỏi câu này, Khoa vẫn đực mặt ra một lúc. Rồi Khoa vờ ngẩng đầu nhìn trời?

- Tại sao hả? Ờ, tao cũng không biết tại sao nữa. Để tao nhớ xem…

Thằng Mừng nhìn Khoa như nhìn một đứa vừa va đầu phải gốc cây:

- Mày… mày…

- À, tao nhớ rồi – Khoa toét miệng cười – Năm ngoái tao học lớp chín nhưng cuối năm tao phải ở lại lớp vì bị xếp loại học sinh yếu.

Khoa nhìn Mừng bằng ánh mắt đắc thắng, sung sướng vì đã nghĩ ra được cách nói dối. Khoa bảo mình bị lưu ban mà vẻ mặt nó tươi hơn hớn như đang khoe mình đứng nhất lớp.

Nhưng Mừng đã làm Khoa cụt hứng:

- Nếu mày bị lưu ban thì năm nay mày tiếp tục học lớp chín chứ có tụt xuống lớp tám đâu mà phải học chung với tụi lớp tám?

Khoa gần như chết đứng trước câu hỏi vặn vẹo của Mừng. Nó quên phắt sự thật đơn giản đó. Mặt ửng lên, Khoa đưa tay gãi gáy:

- Ờ há! Vậy để tao nhớ lại lần nữa xem…

- “Nhớ, nhớ” cái đầu mày! – Mừng hừ mũi, vẫn nhìn lom lom vô mặt Khoa – Mày nói thật đi! Mày chui vô lớp học của thầy Tám để làm gì vậy?

Lần này Khoa biết mình không thể vòng vo được nữa. Khoa duỗi ra co vào mười ngón tay, đầu xoay như chong chóng. Mãi một lúc Khoa mới ngập ngừng:

- Tao nói với mày, mày không được nói lại với ai đó nhé!

- Ờ. – Mừng mau mắn gật đầu, nó hồi hộp nhìn chằm chằm vào đôi môi Khoa, làm như nếu như Khoa há miệng thế nào cũng có một con chuột hay con mèo từ trong đó nhảy ra.

- Sở dĩ tao theo học lớp này là vì… là vì…

- Vì sao? – Mừng giục.

- Là vì… là vì…

Khoa ấp úng mãi vẫn không sao nói tiếp nửa câu sau. Dù thằng Mừng là bạn thân của Khoa, Khoa vẫn thấy ngường ngượng nếu thú thật mục đích đi học hè của mình.

Mừng há hốc miệng, không biết thằng bạn thường ngày mồm mép như tép nhảy hôm nay phải thứ gì mà ngọng líu ngọng lo.

Nó sốt ruột quá, co chân đá vào chân Khoa:

- Vì sao, mày nói lẹ lên đi! Tao sắp phải về nhà nấu cơm cho bà tao rồi.

Khoa nhắm mắt lại, như thế nếu mở mắt nó sẽ không đủ can đảm thốt ra câu trả lời:

- Là vì… tao muốn được… ngồi cạnh nhỏ Trang.

- Ngồi cạnh nhỏ Trang?

- Ờ.

- Nhỏ Trang con bà Chín Ghe hả?

- Ờ.

- Mày ngồi cạnh nó để làm gì?

- Thì…để trò chuyện với nó.

Mừng ngẩn tò te:

- Chỉ vậy thôi?

- Chỉ vậy thôi.

- “Chỉ vây thôi” cái con khỉ! – Mừng đá Khoa cái nữa – Nó ở cạnh nhà ông mày, lại thường xuyên chạy qua chơi, mày muốn trò chuyện với nó lúc nào mà chẳng được, sao phải chui vô lớp của thầy Tám để trò chuyện?

Thắc mắc của Mừng chính đáng quá. Nhưng vì vậy mà nó làm Khoa bối rối. Khoa nuốt nước bọt hai lần, bụng rủa thầm thằng bạn đần độn này tơi bời.

Mừng lại thắc mắc, như thể muốn chứng minh Khoa chửi thầm nó là đúng:

- Mà mày định trò chuyện gì với nó? Với tụi con gái, cốc đầu đá đít là đủ rồi, có gì mà phải trò chuyện!

Nếu như thằng Mừng thốt ra câu này vào mùa hè năm ngoái, Khoa sẵn sàng công nhận đó là chân lý. Nhưng bây giờ là mùa hè năm nay.Mùa hè năm nay, Khoa thở ra:
- Tao hết muốn cốc đầu đá đít nó rồi.

Cặp mắt Mừng tròn xoe:

- Sao vậy?

Khoa thở ra lần thứ hai?

- Tao cũng không biết nữa.

- Bây giờ mày chỉ muốn trò chuyện với nó? – Mừng chớp mắt, vẻ ngờ ngợ.

- Ờ, chỉ muốn trò chuyện. – Khoa liếm môi, thừa nhận một cách khó khăn.

Mặt Mừng lộ vẻ căng thẳng, có cảm giác nó đang gồng người lên:

- Tức là mày muốn kết bạn với nó?

- Ờ.

Mừng ngơ ngác mất một lúc. Đến khi biết chắc mình không nghe lầm, nó xì nước bọt qua kẻ răng:

- Đồ tồi!

- Ờ.

- “Ờ” là sao?

Khoa xụi lơ:

- “Ờ” tức là tao nhận tao là “đồ tồi’!

Mừng không ngờ Khoa nhận tội một cách tỉnh bơ như vậy. Nó gầm lên:

- Tao không chơi với mày nữa! Đồ phản bội!

- Tao mà phản bội á?

- Chớ gì nữa! Mày phản bội giao kèo của tụi con trai. Con trai là không chơi với bọn con gái mít ướt!

Cảm thấy đã là con gái mà chỉ có tội “mít ướt” thì nhẹ quá, Mừng hằm hè bổ sung:

- Vừa mít ướt vừa nhiều chuyện. Lại ưa mách lẻo nữa!

Nói xong, Mừng phẩy tay một cái, điệu bộ hết sức là kiên quyết, rồi đùng đùng bỏ đi.

Khoa nhìn theo bạn, muốn nói một câu gì đó để Mừng quay lại nhưng nó không biết phải nói gì, đành thò tay vặn mạnh một nhánh cây bên đường rồi lủi thủi ôm tập rể sang hướng khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2017 10:48:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4

Bị thằng Mừng tẩy chay, Khoa buồn lắm.

Buồn nhất là Khoa không biết phải giải thích với Mừng như thế nào để thằng này đừng giận nó.

Bọn con trai trong làng thật ra có giao kèo giao ước gì đâu, nhưng xưa nay vậy: đã là con trai thì chỉ chơi với con trai, con gái thì túm tụm với con gái.

Con trai không đời nào thèm chơi các trò nhảy lò cò, nhảy dây hay banh đũa của bọn con gái. Bọn con gái tất nhiên không thích trèo cây, đá bóng, vật nhau hay ném đất như tụi con trai.

Tự nhiên mà thành luật.

Con trai không chơi với con gái, chỉ có chọc cho con gái khóc. Con gái khóc, con gái về méc mẹ thì lại thêm cái “tội” mách lẻo, con trai càng có cớ để châm chọc, lên án.

Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Khoa lớn lên trong thế giới chia đôi đó, không chút thắc mắc. Khoa hồn nhiên tuân thủ luật lệ không biết do ai bày ra, cảm thấy đã là con trai thì phải như thế, phải “làm trai cho đáng nên trai”. Không chỉ ở làng, ngay ở trường thị trấn Khoa cũng chỉ chơi với đám bạn trai. Con gái thì Khoa cạch. Ngược lại, tụi nó cũng không thèm chơi với Khoa.

Thế mà không hiểu sao, mùa hè năm nay Khoa bỗng nhiên không muốn tuân thủ luật lệ đó nữa. Khoa không muốn rứt tóc hay cốc đầu nhỏ Trang, không muốn chọc cho nhỏ Trang khóc. Khoa chỉ muốn trò chuyện với nhỏ. Vậy có phải là “phản bội” không ta? Khoa tự hỏi cả trăm lần trên đường về và khi về tới nhà rồi Khoa lại tự vấn lương tâm thêm một trăm lần nữa để rốt cuộc khổ sở nhận ra đầu óc mình vẫn mít đặc.

Thực ra, cho đến lúc đó Khoa vẫn chưa nói chuyện với nhỏ Trang được câu nào trong lớp.

Lúc Khoa lò dò xin vô học, lớp đã kín học trò và chỗ ngồi đã được sắp xếp đâu vô đó. Rốt cuộc thầy Tám nhét Khoa vào dãy bàn thứ hai, tự dưng trống một chỗ do có đứa xin nghỉ học ngày hôm trước.

Trong lớp có vài đứa biết Khoa nhưng không đứa nào biết Khoa đang học lớp mấy nên chẳng cái miệng nào đặt dấu chấm hỏi về động cơ học hè của Khoa.

Không bị nghi ngờ hay gặng hỏi, Khoa cảm thấy yên tâm, Chỉ yên tâm thôi, chứ chẳng thích thú gì. Vì Khoa ngồi bàn hai trong khi mục tiêu của Khoa là nhỏ Trang lại ngồi bàn năm – cách nhau ba dãy bàn mà sao Khoa thấy khoảng cách vời vợi như trái đất với mặt trăng. Khoa rầu rĩ nghĩ bụng: Kiểu này chắc tới tết Công Gô mình mới mong trò chuyện được với nó.

Qua ngày thứ hai, Khoa nghỉ ra được một kế. Khoa lại gần thằng nhãi mặt mụn ngồi gần nhỏ Trang trong lớp, gạ:

- Mày đổi chỗ với tao đi, Bông!

- Đổi chỗ là sao?

- Là mày lên chỗ tao ngồi, tao xuống chỗ mày. Tao bị cận thị, muốn xuống bàn dưới ngồi nhìn bảng cho rõ.

Chỗ này rõ ràng Khoa phịa. Những đứa cận thị càng ngồi xa càng không thấy chữ trên bảng. Nhưng thằng Bông không để ý. Nó thờ ơ buộc miệng:

- Vậy hả?

- Ờ - Khoa gật đầu, thấp thớm mừng thầm – Ngày mai bắt đầu đổi ha?

- Tao thích ngồi bàn dưới hơn. – Bông bất ngờ từ chối – Ngồi bàn dưới khỏi sợ thầy Tám kêu lên bảng.

Gặp phải thằng học hành dốt đặc cán mai rồi! Khoa chán nản nhủ bụng, cảm thấy hy vọng cận kề người đẹp sắp tiêu tan.

- Thôi được. – Bông chợt nói.

Y như người chết đuối vớ được phao, mắt Khoa sáng trưng:

- Mày đổi ý rồi hả?

- Ờ. – Bông nhếch môi, ranh mãnh – Nhưng với một điều kiện.

- Điều kiện gì?

- Sáng mai mày mua cho tao một ổ bánh mì thịt.

Đề nghị trắng trợn của Bông khiến Khoa tức muốn đổ đom đóm mắt. Khoa rất muốn đá thằng này một cái nhưng nó cố kềm lại, một phần vì Bông to con hơn Khoa, phần khác Khoa không kế hoạch mà nó hài công sắp xếp bị đổ bể.

- Vậy cũng được.

Khoa gượng gạo gật đầu, bụng chỉ mong thằng Bông tối nay trúng gió nằm bẹp một đống cho rồi. Như vậy thì Khoa vẫn được xuống ngồi cạnh nhỏ Trang mà khỏi phải tốn một ổ bánh mì.

**

Sáng hôm sau, Khoa dậy từ tờ mờ sáng, đau khổ vét hết tài sản dành dụm được, co giò chay lên tiệm bánh mì bà Ký trên đường quốc lộ.

Cầm ổ bánh mì trên tay, Khoa vừa thèm vừa tức. Khoa chả bao giờ được điểm tâm bằng bánh mì. Bánh mì thịt là thứ xa hoa, thỉnh thoảng Khoa mới được dì Liên mua cho một ổ, thường là vào một dịp đặc biệt nào đó. Buổi sáng, Khoa toàn ăn cơm chiên với nước mắm.

Săm soi ổ bánh mì một hổi, càng nhìn càng thấy ổ bánh mì hấp dẫn quá, Khoa nuốt nước bọt liên tục. Cuối cùng, không nhịn được, Khoa mở hé ổ bánh mì, nhón một lát chả cho vào miệng, chóp chép nhai.

Khi Khoa chạy tới lớp, Bông đã đứng đợi ngay cổng. Nó đón lấy ổ bánh mì trên tay Khoa, đưa lên miệng cắn một phát, chẳng mảy may nghi ngờ.

Khoa nhìn thằng này ngốn ngấy ổ bánh bằng ánh mắt thèm thuồng và bực bội:

- Vậy lát vô lớp, tao xuống ngồi chỗ mày nha?

- Ờ. – Bông nhòm nhoàm đáp.

Nhưng số Khoa là số con rệp. Bữa đó Khoa tốn một ổ bánh mà chẳng được tích sự gì.

Thầy Tám vô lớp, đảo mắt một vòng, phát hiện thằng Bông từ bàn năm đã  nhảy tót lên bàn hai.

Thầy chỉ tay vô người Bông, trừng mắt:

- Trò Bông sao lại lên trên này?

Bông đứng dậy, quay đầu nhìn xuống chỗ Khoa ngồi:

- Thưa thầy, em và bạn Khoa đổi chỗ cho nhau ạ.

Thầy Tám quét mắt về phía Khoa:

- Trò Khoa đứng lên.

Khoa rụt rè đứng lên, mặt lộ vẻ hoang mang.

Thầy khoát tay:

- Hai trò về lại chỗ cũ đi! Cao ngồi sau, thấp ngồi trước, tôi đã sắp xếp rồi, các trò không được tự tiện đổi chỗ!

Rốt cuộc, Khoa mới đặt mông ngồi xuống cạnh nhỏ Trang, chưa nói được tiếng nào, đã phải ôm tập lủi thủi quay về chỗ cũ. Lúc thằng Bông ôm tập bước ra khỏi bàn, Khoa lấy vai huých vai thằng này này, rít khẽ:

- Thầy không cho đổi chỗ, sáng mai mày phải mua trả ổ bánh mì lại cho tao đó!

- Trả cái cùi chỏ tao đây nè! – Bông không vừa, gầm gừ vặc lại.

Hai đứa đi ngang qua nhau, hằm hè nhìn nhau – giống hệt hai con sói con. Nếu không có thầy Tám đứng trên bảng nhìn xuống, thế nào cũng xảy ra đánh nhau.

Sau đó mười phút thì xảy ra đánh nhau thật. À, không phải là đánh nhau. Vì chỉ cso một bên đánh, còn bên kia bị đánh.

Bên đánh là thầy Tám, còn bên bị đánh là chàng Khoa xui xẻo của chúng ta.

Chẳng qua do Khoa buồn quá. Không được ngồi cạnh nhỏ Trang, đời Khoa coi như toi. Toi ổ bánh mì thịt. Toi luôn sáu trăm ngàn học phí. Quan trọng là toi luôn kế hoạch lãng mạn của Khoa.

Vừa buồn vừa chán, chẳng biết làm gì, học thì chẳng có gì để ọc, Khoa lấy bút ra vẽ bậy vào tập để giải khuây.

Khoa vẽ một người đàn ông. Vẽ thế thôi chứ Khoa chẳng có chủ đích vẽ ai. Khoa vẽ mặt người, thêm khúc mình, rồi thêm tay thêm chân. Tay và chân dài loằng ngoằng trông rất gớm ghiếc.

Ngắm bức tranh một lúc, Khoa loay hoay vẽ thêm râu.

Khoa loay hoay thêm lúc nữa, trên đầu người đàn ông mọc lên hai cái sừng.

Lúc này Khoa bắt đầu nghĩ đến thầy Tám. Càng nghĩ lòng nó càng dậy lên nôi oán hờn.

Thế là Khoa bổ sung thêm cái đuôi cho hình nhân dị dạng kia. Rồi Khoa khoái trá ghi hay chữ “thầy Tám” thật to bên dưới bức chân dung.

Trong khi Khoa đang cặm cụi tô thật đậm hai chữ “thầy Tám” thì thằng bạn ngồi cạnh ghé mắt nhìn.

Thế là tai họa ập xuống đầu Khoa. Thằng này lập tức phun ra một tràng âm thanh rùng rợn như đang bị ai thọc lét:

- Há há há…

Chuỗi cười kinh dị và rất không đúng lúc đó khiến cả lớp đồng loạt quay mặt nhìn về chỗ bàn hai.

Rất nhanh, thậm chí là quá nhanh so với tuổi tác của thầy, thầy Tám đã đứng sững ngay đầu bàn của Khoa, không biết thầy di chuyển bằng cách nào.

- Trò nào vừa cười? – Thầy quét mắt khắp dãy bàn, hừ mũi hỏi, cây thước kẻ trên tay thầy rung rung đầy đe dọa.

Thủ phạm rụt rè đứng lên, lí nhí:

- Thưa thầy, em ạ!

- Trò tưởng lớp học là cái chợ vịt hả, Ninh?

Thầy Tám gầm lên, tay giơ cao cây thước kẻ.

Trong khi cả lớp nín thở chờ cây thước vụt xuống, cánh tay thầy đột ngột dừng lại trên không.

Mắt xoáy vào tên học trò mặt mày xanh lét, thầy gằn giọng:

- Nhưng trước khi ăn đòn trò hãy nói cho tôi biết tại sao trò rú lên một cách ngu ngốc như thế?

Thằng Ninh bây giờ mới sực nhớ ra suýt chút nữa nó bị đòn oan. Ờ, có phải tự nhiên nó phá ra cười đâu.Nó đâu có khùng.

Thế là Ninh sung sướng giải thích cho thầy nó hiểu:

- Thưa thầy, em nhìn thấy bức tranh bạn Khoa vẽ ạ.

Ngay từ khi thằng Ninh vừa cất lên tiếng cười, Khoa đã linh cảm được chuyện chẳng lành, liền nhanh tay gấp cuốn tập lại và nhét sâu vào trong ngăn bàn.

- Bức tranh nào?

Thầy Tám lia mắt sang Khoa, thấy Khoa đang ngồi khanh tay trên bàn và giương đôi mắt ngây thơ lên nhìn thầy, dáng vẻ ngoan ngoãn và trong sáng đến mức ai nhìn thấy cũng liên tưởng ngay đến một thiên thần
.
- Bức tranh bạn Khoa vẽ trong tập ạ. – Ninh tiếp tục tố cáo, quyết không để thầy Tám bị vẻ mặt thánh thiện của Khoa đánh lừa.

Ninh còn tích cực chỉ chỗ Khoa cất giấu tang vật:

- Bạn Khoa giấu cuốn tập trong ngăn bàn đó thầy.

Thầy Tám chìa tay trước mặt Khoa:

- Trò Khoa lấy cuốn tập ra đây!

Khoa thù thằng Ninh lẻo mép này đến bầm gan, nhưng Khoa không dám từ chối yêu cầu của thầy.

Khoa nơm nớp thò tay vào ngăn bàn, cố mò mẫm thật lâu để kéo dài thời gian, bụng chỉ mon cuốn tập đột nhiên biến mất vô hình nhưng dĩ nhiên là cuốn tập vẫn nằm sờ sờ ra đó và cuối cùng Khoa vẫn phải đau khổ lôi tập ra nộp cho thầy.

Trong khi thầy Tám nôn nóng săm soi cuốn tập thì cả lớp hồi hộp săm soi gương mặt thầy.

Trừ thằng Ninh, không đứa nào biết Khoa vẽ gì trong tập. Vì vậy, tụi nó hết sức ngạc nhiên khi thấy vầng trán thầy Tám đột ngột nhăn tít, mày cau lại, môi thầy mím chặt và đến một lúc thì tụi nó không thấy đôi môi thầy đâu, chỗ là cái miệng bây giờ chỉ còn là một đường kẻ nằm ngang. Mặt thầy nhảy từ vàng qua trắng, rồi nhảy qua xanh, và chưa hết xanh lại chuyển tiếp sang đỏ khiến hai màu này phối hợp với nhau để cho ra màu tím bầm là cái màu cuối cùng tụi học trò nhìn thấy trước khi thấy tiếp một hình ảnh còn ghê gớm hơn trong buổi sáng hôm đó: thầy Tám bất thần vung tay ra xa, không nói tiếng nào, và quất vút cây thước kẻ vào lưng Khoa.

Cú đánh quá nhanh, quá manhk. Cả lớp chỉ thấy nháng lên một tia ngoằn ngoèo, đã nghe một tiếng “cốp”, cây thước gãy làm đôi, mỗi mẩu văng mỗi hướng.

Khoa đảo người một cái, chắc đau lắm nhưng nó cắn chặt hai hàm răng vào nhau.

Thầy Tám ném “xoạch” cuốn taajo xuống trước mặt Khoa, chỉ phát tay ra cửa, mắt vằn những gân đỏ và gầm lên như một con sư tử vừa bị chọc gậy vào mũi:

- Ra khỏi lớp ngay, đồ mất dạy!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2017 14:29:02 | Chỉ xem của tác giả
Chương 5

Khoa vừa đi vừa khóc. Khóc bằng cả mắt lẫn mũi.

Nhưng Khoa cứ để mặt mình ướt mèm như thế, chả buồn lấy tay lau.

Chắc chắn Khoa khóc không phải vì đau. Mà vì tức. Tức thầy Tám ra tay ác độc. Lại ra tay trước mặt cả lớp. Đặc biệt là trong lớp đó có một con nhỏ tên Trang.

Thầy vụt thước vào lưng Khoa, nhưng với Khoa thì hành động của thầy chẳng khác nào thấy đâm xuyên cây thước qua tim nó.

Tim nó từ nay đã thủng một lỗ to ơi là to. Khoa cạy cục xin tiền dì Liên để đi học lớp của thầy Tám chẳng qua để được ngồi cạnh nhỏ Trang và trò chuyện với con nhỏ này.

Thế mà mộng ước của Khoa bỗng chốc tan thành mây khói. Khoa chẳng được ngồi gần nhỏ Trang đã đành, còn bị ê mặt trước người đẹp khi thầy Tám vụt thước vào lưng và đuổi nó ra khỏi lớp.

Khoa vừa đi vừa ngẫm nghĩ, oán trách và thở than. Rồi Khoa đi đến chỗ quyết định nghỉ học luôn. Ngày mai nếu Khoa quay lại xin lỗi thầy một câu thế nào Khoa cũng được vào lớp. Nhưng Khoa đã quyết rồi. Nghỉ luôn. Bỏ hẳn. Chẳng một đấng nam nhi chân chính nào lại vác mặt quay trở lại cái nơi mình vừa bị hạ nhục. Hơn nữa, cái lớp ấy chẳng quan trọng gì với Khoa. Người quan trọng nhất với Khoa là nhỏ Trang thì từ nay chắc nhỏ đã nhìn Khoa như nhìn một con cóc ghẻ rồi.

Khoa sì sà sì sục một hồi, thấy cảnh vật trước mắt càng lúc càng nhòe đi, bèn giơ cườm tay lên chùi nước mắt, rồi hạ thấp tay xuống một chút để lau chiếc mũi cũng đang ướt đẫm.

Khi gương mặt Khoa đã thoáng đãng như bầu trời vừa được lau sạch những đám mây thì Khoa thấy trước mắt hiện ra một bóng người mà Khoa không chờ đợi một chút nào: thằng Mừng.

Mừng đứng tựa lưng vào gốc cây sầu đông bên đường, thô lố mắt ra nhìn Khoa.

- Mày vừa khóc đấy à?

Mừng sửng sốt hỏi, khi Khoa đến gần.

Thoạt đầu Khoa định chối biến, vì một đứa con trai mà khóc lóc giữa đường thì xấu hổ quá. Nhưng trong khi Khoa đang xoay chuyển ý nghĩ, chưa kịp tìm ra cách nói dối nào xuôi tai, Mừng đã chặn họng ngay:

- Mày đừng có chối! Tao đã nhìn thấy hết rồi!

- Tao có định chối gì đâu! – Khoa nhún vai, gượng gạo đáp.

Mừng nhìn đăm đăm vào mặt Khoa, liếm môi hỏi:

- Ai làm gì mày vậy?

Biết không thể giấu giếm, Khoa đành buông một tiếng thở dài não nuột:

- Thầy Tám đánh tao.

- Thầy Tám á? Sao ổng đánh mày?

Sau khi nghe câu chuyện bi thương của Khoa (tất nhiên Khoa không nhắc gì đến chuyện năn nỉ đổi chỗ với thằng Bông), Mừng hừ mũi:

- Tao sẽ trả thù giùm mày.

- Trả thù á?

- Trả thù chứ sao! Tao sẽ chặn đường hỏi tội thằng Ninh.

Nghe nhắc đến Ninh, đầu Khoa lập tức nóng bừng:

- Tao sẽ đi với mày.

- Tụi mình sẽ vật ngửa nó ra đất.

Khoa hào hứng:

- Ờ, vật ngửa ra đất.

Mừng vung tay:

- Tao và mày sẽ cưỡi lên người nó cho nó xẹp ruột chơi.

- Nhất định rồi, phải cho nó xẹp ruột!

Đang hăng hái phụ hạo, Khoa bỗng khựng lại:

- Ủa, xẹp ruột có chết người không hở mày?

- Chết sao được mà chết! – Mừng trấn an bạn – Ruột nó chỉ xẹp một lát thôi, khi tụi mình đứng lên ruột nó sẽ phồng trở lại như cũ.

Nghe Mừng giải thích, Khoa cảm thấy yên tâm. Và Khoa sực nhớ tới ổ bánh mì:

- Đi tìm thằng Bông nữa.

- Chi vậy?

- Đòi lại ổ bánh mì.

- Bánh mì gì vậy? – Mừng tròn xoe mắt

- Ờ… ờ…

Khoa lúng túng, sực nhớ khi nãy nó cố tình giấu nhẹm chuyện này. Trước cái nhìn dò hỏi của bạn, Khoa ấp úng giải thích:

- Tao kêu thằng Bông đổi chỗ ngồi với tao. Chỉ có vậy mà nó đòi tao phải mua cho nó một ổ bánh mì thịt.

-  Thế là mày mua?

- Không mua thì nó không chịu đổi.

- Thì đừng đổi nữa. – Mừng tỏ vẻ ngạc nhiên – Mày đi học lớp này có phải là học thật đâu mà cần nhìn bảng cho rõ. Mày chỉ cần trò chuyện với nhỏ Trang thôi mà.

Khoa nhún vai:

- Thì vậy.

Câu trả lời của Khoa không rõ ràng gì cả. Nhưng Mừng hiểu ngay. Nó búng tay một cái “troóc”, gật gù:

- À, thì ra thằng Bông ngồi kế nhỏ Trang, còn mày ngồi chỗ khác?

- Thì vậy.

Khoa tiếp tục đáp xụi lơ, bụng đinh ninh thằng Mừng sẽ lại chửi mình là “đồ tồi”. Nó vờ nhìn ra xa, tránh ánh mắt bén như dao của Mừng, thấp thỏm chờ thằng này lên án nó là “đồ phản bội” và tuyên bố “nghỉ chơi” lần hai.

Nhưng Mừng chẳng nói gì cả. Nó cứ im lặng nhìn Khoa bằng tia nhìn dò xét. Cái cách nhìn y như thầy giáo nhìn một đứa học trò phạm lỗi làm Khoa nhột nhạt quá. Khoa chịu hết nổi, quay phát lại, giọng gây gổ:

- Làm gì mày nhìn tao chằm chằm vậy?

- Mày không phải là đồ tồi. – Mừng nói, chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của Khoa.

Trong khi Khoa kinh ngạc đến há hốc miệng, Mừng gật gù tiếp:

- Mày cũng không phải là đồ phản bội.

Khoa nghe tai mình kêu ong ong, biết Mừng hết giận mình nhưng sự thay đổi thái độ đột ngột của thằng này vẫn khiến nó ngờ vực.

Khoa muốn nói một câu gì đó nhưng nghĩ mãi vẫn không biết nên nói gì, miệng cứ ú ớ:

- Ơ… ơ…

- “Ơ” gì mà “ơ”! – Mừng vỗ vai bạn, mỉm cười – Mày thích nhỏ Trang phải không?

Khoa không nói “có” hay “không” nhưng mặt nó ửng lên như cà chua sắp chín.

- Tao biết mày thích nhỏ Trang. Ờ, năm nay mày lớn rồi đó, Khoa.

Mừng nói với Khoa như thể cha nói với con nhưng Khoa chẳng lấy đó làm phật lòng. Nó vẫn chưa ra được ngoài rìa của sự sửng sốt, và khi ra được rồi nó lại qơi vào nỗi băn khoăn: Sao thằng Mừng tự dưng nó “thông thái” hẳn lên vậy nhỉ?

Tiếng thằng Mừng vẫn đều đều bên tai Khoa, bây giờ hai đứa đang bá cổ nhau rảo bước dọc đường về:

- Lúc con bé thì con trai con gái không chơi với nhau. Nhưng khi lớn lên thì con trai con gái thích nhau mày ạ.

Thằng Mừng nói đúng quá. Nó tổng kết kinh nghiệm sống như một bậc từng trải làm Khoa phục sát đất. Khoa đang định mở miệng khen bạn, chọt một chớp lóe lên trong óc nó. Khoa liền buông vai Mừng, nhích ra xa một chút để có thể nhìn thẳng vào mắt thằng này:

- Mày cũng đang thích con nhỏ nào phải không?

- Tao ấy à? – Mừng có vẻ bối rối trước câu hỏi của bạn.

Khoa nheo mắt:

- Thì mày chứ ai? Tao đang hỏi mày mà!

- Tao… tao cũng không biết nữa. – Mừng nuốt nước bọt, thấy miệng tự nhiên khô rang.

Tình thế bỗng dưng đảo ngược. Tới lượt Khoa làm quan tòa, thằng Mừng làm bị cáo và Khoa bắt đầu lên giọng:

- Thích hay không thích, sao mày không biết được?

- Tao không biết thật mà. – Mừng đưa tay vò tóc, giọng đột nhiên mơ màng – Xưa nay tao không bao giờ chơi với nó. Thế nhưng chiều hôm qua lúc nó chạy sang ngồi lặt rau phụ với bà tao, tự nhiên tao thấy nó dễ thương quá chừng!

- Nó là ai? – Khoa tò mò.

- Nhỏ Đào.

Khoa giật mình:

- Nhỏ Đào rốn lồi con bà Hai Mến hả?

- Tao đập mày nghe, Khoa! Sao mày biết nó rốn lồi? – Mừng gầm giừ, tay vung lên hăm dọa.

- Thì tao có biết đâu. – Khoa toét miệng ra cười, vừa đáp nó vừa dạt ra xa – Tao nghe tụi nó đồn vậy mà.

- Mày đừng nghe tụi nó nói bậy. Một đứa con gái dễ thương như thế không thể nào lồi rốn.

Lập luận của Mừng nghe không khoa học chút nào. Nhưng Khoa không buồn bắt bẻ. Thằng Mừng không lên án nó, không đòi nghỉ chơi với nó là vui rồi. Mừng thích nhỏ Đào, dù con nhỏ này có lồi rốn hay không, Khoa vẫn khoái. Khoa không ngờ chỉ mới có một ngày một đêm mà sự đời thay đổi quá thể.

- Thế mày đã trò chuyện với nó chưa? – Khoa nhìn Mừng, tiếp tục thăm dò.

- Chưa. Hôm qua nó toàn ngồi cạnh bà tao, tao có nói được gì đâu. – Mừng thở dài – Nhưng nếu không có bà tao ở đó, tao cũng chẳng biết nói gì.

Khoa nhớ đến tình cảnh của mình. Nó thích nhỏ Trang nhưng mỗi lần nhỏ Trang qua chơi nhà ông nó, nó chỉ biết đứng nhìn từ xa. Nó không hiểu tại sao khi mình không thích một đứa con gái nào đó, miệng mình nổ lốp bốp như bắp rang, còn đã thích đứa con gái đó rồi, mồm mình bỗng trơ khấc như có mụn nhọt mọc ngay lưỡi.

- Thế mày không nói với nhỏ Đào được câu nào à? – Khoa lại hỏi.

Mừng tặc lưỡi:

- Thực ra thì tao cũng nói với nó được một câu lúc nó ra về.

- Câu gì?

- Tao nói “Coi chừng chó cắn!”.

Khoa giật nảy:

- Thật hay giỡn đó mày?

- Giỡn gì! – Mừng gãi cổ - Tại lúc đó con Vện nhà tao đang nằm ngoài sân.

“Thành tích” của Mừng khiến Khoa ôm bụng cười ngặt nghẽo. Khoa cười chảy cả nước mắt nước mũi vẫn không sao ngừng được.

- Cười cái đầu mày! – Mừng nổi cáu – Mày cũng đâu có nói với nhỏ Trang được câu nào!

- Sao lại không! – Khoa quẹt nước mắt – Hai bữa nay tao với nó ở trên lớp trò chuyện với nhau như bắp rang.

- Xạo đi mày! – Mừng bĩu môi -Ở trên lớp mày có được xếp ngồi cạnh nó đâu!

Câu nói của Mừng kéo Khoa về với thực tại. Tự dưng Khoa không buồn ba hoa nữa. Cũng không buồn chế giễu Mừng. Nó chỉ thấy lòng chùng xuống. Nó chợt nhớ nso đã bị thầy Tám làm cho mặt trước cả lớp. Nó đã mất điểm thê thảm trong mắt nhỏ Trang. Mai mốt nhỏ Trang qua chơi với dì Liên, chắc nó trốn biệt.

Khoa cúi đầu nhìn xuống chân, giọng bỗng nhiên xìu như bún:

- Ờ thì tao xạo!

- Là sao?

- Là đến giờ tao vẫn chưa trò chuyện với nhỏ Trang được câu nào! – Khoa chán nản thú nhận.

Khi nói câu đó, mặt Khoa tối sầm như có mây kéo qua. Thằng Mừng tính nhân cơ hội này chọc ngoáy lại Khoa nhưng trồn thấy vẻ mặt buồn của bạn, nó hết ham trả đũa.

Nỗi buồn là thứ hay lây. Nhớ tới nhỏ Đào, Mừng nhận ra lòng mình cũng man mác buồn. Nó đưa tay gãi gáy, thấy cảm giác man mác như đang len lỏi trong từng khe tóc, liền bỏ tay xuống.

Hai đứa lặng lẽ đi bên nhau như ai chiếc bóng. Trên đầu hai chú nhóc, mặt trời lên cao dần, chuẩn bị ngả về trưa. Trong không trung không một miếng gió. Những cành sầu đông hau bên đường im lìm, uể oải, lá treo nhưu buồn ngủ. Trời đất tự nhiên mà tịch mịch.

Chỉ khi về gần đến nhà, Mừng mới nói được một câu:

- Trò chuyện với đứa con gái mình thích, sao khó ghê mày há?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2017 20:55:14 | Chỉ xem của tác giả
Chương 6

Cách nhà ông ngoại Khoa khoảng ba cây số về phía Nam có một khu rừng thưa. Rừng trồng dương liễu và bạch đàn. Lác đác vài bụi cây dại mọc xen kẽ.

Nhà thằng Ninh ở xóm Gà, mỗi lần tới lớp phải đi bộ xuyên qua khu rừng này.

Đó là lý do sáng nay Khoa và Mừng quyết định phục kích “kẻ thù” ở đây.

Tụi nó đã hủy bỏ kế hoạch gặp thằng Bông.Sau khi hỏi đi hỏi lại cặn kẽ câu chuyện đổi chỗ ngồi, thằng Mừng tuyên bố Bông “vô tội”. Bông đã trót ăn ổ bánh mì thịt của Khoa nhưng rõ ràng nó đã giữ lời hứa. Khoa không được xếp ngồi cạnh nhỏ Trang trong lớp, nguyên nhân là ở thầy Tám. Từ đó Mừng kết luận Khoa mất toi ổ bánh mì là do… sự an bài của số phận, thằng Bông không có lỗi trong chuyện này.

Mừng nói tới đâu, Khoa gật đầu tới đó vì nó thấy bạn mình phân tích chí lí quá. Khoa không phải người làng này nên không biết Bông là anh họ của nhỏ Đào. Đó mới là lý do quan trọng khiến thằng Mừng hùng biện đến sùi bọt mép để tránh một cuộc đụng độ với… anh vợ tương lai của nó.

Mừng hỏi, khi hai đứa nấp sau một bụi cây dại:

- Dì mày có biết mày đi đánh nhau không?

- Không, dì tao tưởng tao đi học.

Mừng ngoảnh cổ về phía bìa rừng:

- Lát nữa mày xông ra trước hay tao xông ra trước?

Nhớ đến cặp đùi to đùng, cườm tay chắc nịch của thằng Ninh, Khoa liếm môi ngập ngừng:

- Mày xông ra trước đi. Khi nào trận chiến đến chỗ gay cấn, tao sẽ nhảy ra đánh phụ với mày.

Mừng gật đầu.

- Lâu rồi tao không gặp thằng Ninh. Nhưng tao nghĩ một mình tao đủ sức hạ nó.

Mừng vỗ vai Khoa, hào hứng dặn dò:

- Đợi tao vật ngửa nó ra đất, mày chạy ra cưỡi lên bụng nó nghe chưa.

- Dĩ nhiên rồi. Tao sẽ làm nó xẹp ruột! – Khoa vừa nói vừa thu nắm tay đấm mạnh vào không khí.

Mừng nói rất ngon nhưng khi thằng Ninh ôm tập từ xa đi tới, nó lại ngồi im ru sau bụi cây.

Khoa ngồi bên cạnh, hết nhìn thằng Ninh lại quay sang Mừng, ngạc nhiên thấy bạn mình không có vẻ gì chuẩn bị xông trận. Hay nó đợi thằng Ninh đi tới ngay trước mặt mới bất thần xông ra cho thằng kia hoảng vía chơi? Khoa nghĩ bụng, thầm khen bạn mình mưu mẹo.

Nhưng đến khi thằng Ninh trờ tới ngay trước bụi cây hai đứa nấp, Mừng vẫn không động đậy, bất chấp cái khuỷu tay của Khoa không ngừng thúc vào hông mình. Trông nó như người chết rồi.

- Mày làm sao thế? – Khoa quay sang bạn nhăn nhó hỏi, khi Ninh đã đi xa.

Mừng ấp úng:

- Nó… nó…

- Nó sao?

Mừng đỏ mặt:

- Nó to con quá. Lâu ngày không gặp, tao không ngờ nó lớn vọt lên như thế.

Mừng đưa tay quẹt mũi, tìm cách khỏa lấp sự ngượng ngập.

- Chẳng hiểu thằng này nó ăn thứ gì mà mau lớn ghê.

Khoa xì nước bọt qua kẻ răng:

- Nhát cáy thế mà đòi trả thù giùm tao!

- Nó to như ông hộ pháp thế kia mà. – Mừng nhìn về hướng thằng Ninh vừa bỏ đi, tặc lưỡi chống chế - Tao và mày xúm lại chưa chắc đã địch lại nó.

Chỗ này thì Khoa công nhận Mừng nói đúng. Thằng Ninh tướng dềnh dàng như con gấu, Khoa và Mừng liều mạng xông vào không khéo bị nó dề cho xẹp ruột chứ không phải ngược lại.

- Thế bây giờ sao? – Khoa thở hắt ra – Chẳng lẽ mình chịu thua?

- Thua sao được mà thua! – Mừng nghiến răng – Không dùng sức được thì tụi mình dùng mẹo. Trưa mai tao và mày lại chờ nó ở đây.

Khoa nheo mắt:

- Để ngồi im sau bụi cây ngắm dáng đi oai vệ của nó?

- Bậy! Tụi mình sẽ làm cho nó xẹp lép như con tép!

**

Hóa ra thằng Mừng có mẹo thật.

Nếu Khoa mê truyện phù thủy thì thằng Mừng suốt ngày chúi mũi vô các tập truyện tranh kể chuyện các hiệp sĩ giang hồ như “Tráng sĩ và giai nhân”, “Tướng cướp si tình”, “Hiệp sĩ rừng xanh”, “Độc Nhãn Long phục hận”…

Mừng học tới lớp sáu thì nghỉ ngang, sau ba năm ở nhà lêu lỏng trình độ nó bây giờ chắc tụt xuống ngang lớp hai, bắt nó đọc truyện chữ chẳng khác nào bắt con Vện nhà nó học tiếng Anh.

- Tao và mày sẽ đóng vai tướng cướp. – Mừng hào hứng vạch kế hoạch.

Khoa tái mặt:

- Đi ăn cướp hả mày?

- Bậy! – Mừng hất mặt – Mày đọc truyện “Tướng cướp si tình” chưa?

- Chưa?

Mừng nheo mắt:

- Thế truyện “Độc Nhãn Long phục hận”?

- Cũng chưa.

Mừng nhún vai:

- Vậy mày không biết là đúng rồi. Các tướng cướp trong truyện này là những tay hiệp nghĩa, chuyên lấy tiền của bọn tham quan ô lại và bọn nhà giàu để chia cho người nghèo…

Khoa gật gù, những hình ảnh đó không xa lạ gì với những truyện mà nó đã đọc dù nó chưa xem các tập truyên tranh Mừng kể. Nhưng mặt nó vẫn lộ lo lắng:

- Tức là vẫn đánh cướp…

- Mình không đánh cướp. – Mừng lật đật trấn an Khoa – Mình chỉ đóng vai tướng cướp để hù dọa thằng Ninh thôi.

Thấy Khoa vẫn đực mặt nhìn mình, Mừng khoa tay:

- Tao và mày sẽ trùm đầu kín mít, chỉ chừa hai con mắt thôi. Tay mỗi đứa sẽ cầm một con dao…

- Dao thật á? – Bụng Khoa thót lại.

- Dao thật càng tốt. – Mừng vỗ vai Khoa, như muốn dập tắt nỗi lo trong lòng bạn – Nhưng nếu mày sợ, tao sẽ đẽo hai thanh gươm bằng gỗ rồi lấy sơn đen sơn lên. Hà hà, tụi mình sẽ có hai thanh hắc kiếm.

Khoa vẫn chưa yên tâm, nó rụt rè góp ý:

- Hay là tụi mình rủ thêm thằng Bông? Tao sợ hai đứa mình không làm gì được thằng Ninh.

Khoa làm Mừng tự ái quá xá. Nó phồng mang giọng sặc mùi kiếm hiệp – rõ ràng nó bắt chước ngôn ngữ trong truyện:

- Hai tướng cướp rừng xanh mà không làm gì được tên thảo dân tay không tấc sắt à?
Vẻ hùng hổ của Mừng làm đầu Khoa nóng ran. Có vẻ như bây giờ đến lượt thằng Mừng chê nó nhát cáy.

- Nhưng nó to con hơn mình. – Khoa gãi tay, ấp úng – Gươm của mình lại bằng gỗ. Nhỡ nó quyết chống lại…

Mừng hừ mũi:

- Nhưng sáng mai thằng Bông bận đi học, làm sao rủ nó nhập bọn được?

- Tao sẽ rut được.

Mừng ngớ ra trước giọng điệu quả quyết của Khoa. Nhưng rồi nó hiểu ngay:

- Bằng bánh mì thịt á?

Thằng Bông đúng là đứa mê tít bánh mì thịt. Nghe tới bánh mì thịt là nước miếng nó ứa ra đầy mồm. Đối với nó, một ổ bánh mì có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với một buổi ngồi học trong lớp thầy Tám.

Vì vậy mà chiều đó, nghe Mừng và Khoa dụ dỗ, nó đồng ý ngay tắp lự. Bông nhận lời còn vì nó khoái cái khoản làm tướng cướp rừng xanh, mặc dù khu rừng mà tụi nó hoạt động chỉ cso loe hoe dương liễu và bạch đàn.

Nhưng trở thành tướng cướp chỉ làm Bông khoái sơ sơ. Cái biệt danh mà thằng Mừng khoác cho nó mới làm nó khoái dữ: Ngày mai nó sẽ là tướng cướp khét tiếng Độc Nhãn Long gánh trên vai lời nguyền phục hận.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 4-2-2017 10:50:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Biệt danh của ba tướng cướp nhóc tì dĩ nhiên đều do thằng Mừng đặt. Nó đọc nhiều truyện tranh, thuộc tên nhiều hiệp sĩ, tráng sĩ và tướng cướp. Theo những gì nó đọc được trong truyện, tráng sĩ, hiệp sĩ và tướng cướp là một, vì vậy nó chẳng băn khoăn gì về chuyện rủ nhau vô rừng làm cướp.

Theo sự phân công của Mừng, ngày mai Bông sắm vai tướng cướp Độc Nhãn Long, nó là hiệp sĩ rừng xanh, còn Khoa vào vai Bàn Tay Máu trong truyện “Tướng cướp si tình”.

Chiều hôm đó, Mừng ra sau chuồng heo, tháo ba thanh gỗ trên nóc chuồng hì hục đẽo gươm, xong quét sơn đen thùi lùi rồi đem phơi ngoài bờ rào. Trong khi đó, Khoa và Bông lấy vải đen mai thành ba cái túi bải trùm đầu. Mỗi túi khoét hai cái lỗ ngay chỗ hai con mắt để khi tròng vào còn thấy đường mà … hành hiệp. À, riêng cái túi của thằng Bông, Mừng dặn chỉ được khoét một lỗ.

- Vậy làm sao tao thấy đường? – Bông la oai oái.

- Sao không thấy? Tao chừa cho mày một lỗ chứ có bịt kín hết đâu!
Bông tiếp tục giãy nảy:
- Sao tụi mày khoét hai lỗ mà tao chỉ có một lỗ? Tao không chịu đâu!

- Không chịu cái đầu mày! – Mừng bực mình, gắt – Mày là Độc Nhãn Long, tức là Rồng Một Mắt. Một mắt mà nhìn bằng hai mắt thì còn ra cái cóc khô gì nữa!

Bấy giờ thằng Bông mới biết cái biệt danh của nó “oách” thì “oách” thật nhưng xem ra bất tiện quá:

- Vậy thôi tao không làm Độc Nhãn Long nữa. Tụi mày đổi cho tao làm Hiệp Sĩ Rừng Xanh hay Bàn Tay Máu đi!

- Không đổi tới đổi lui gì hết á. – Mừng nổi cáu – Tướng cướp gì mà nhõng nhẽo y như con gái!

Nói tới đây, sực nhớ thằng Bông là anh họ nhỏ Đào, Mừng lập tức im thít, chửi nó cho sướng miệng, mai mốt nhỡ có chuyện nhờ vả nó, nó ngoáy đít bỏ đi thì kẹt. Nghĩ vậy nên Mừng đưa mắt ngó lơ chỗ khác.

- Thôi dược! – Bông nói, sau một hồi đấn đo.

Mừng ngoảnh lại, thấp thỏm:

- “Thôi được” là sao?

Bông đưa tay gãi chóp mũi:

- Là tụi mày muốn tao làm Độc Nhãn Long cũng được, nhưng với một điều kiện…

Khoa từ đầu không tham gia vào chuyện đôi co giữa Mừng và Bông. Nó ngồi một góc, cắm cúi lấy kéo cắt vải. Chợt câu “nhưng với một điều kiện” của thằng Bông lọt vào tai khiến Khoa giật nảy như bị ong đốt. Nó ngẩng phắt đầu lên, gân cổ làm một tràng:

- Sao câu này nghe quen quá Bông? Đòi bánh mì nữa hả? Không có chuyện nó đâu nha!

Chưa hả, Khoa “thuổng” luôn câu của dù Liên:

- Bộ mày tưởng tao là cái ngân hàng hả Bông?

Bị Khoa tấn công tới tấp, thằng Bông nghe tay mình ù như xay thóc. Nó liếc Mừng bằng ánh mắt cầu cứu nhưng thằng Mừng láu cá đã kịp xoay lưng về phía nó.
Biết không xong, Bông đành xuống nước:


- Thì tao nói vậy thôi. Không bánh mì thì không bánh mì!

Bánh mì không có cũng được, nhưng phục trang thì bắt buộc phải có. Mừng lục lọi trong tủ được một cái áo đen, rồi ba chân bốn cẳng phóng qua nhà cậu nó kiếm thêm một cái áo đen và một cái áo nâu nữa đem về liệng trên bàn:

- Tụi mày mỗi đứa cầm về một cái đi. Sáng mai mặc áo này ra giang hồ.

Bông cúi nhìn chiếc áo sọc xanh trên người:

- Mặc áo này không được sao?

Mừng cười hê hê:

- Chiếc áo này mày mặc một tuần ba lần, thằng Ninh chỉ liếc qua một cái đã biết ngay màu là thằng Bông thèm bánh mì rồi, còn đóng vai Độc Nhãn Long gì được nữa!

Khoa nhìn Mừng bằng ánh mắt thán phục. Thằng Mừng này chưa đi ăn cướp ngày nào mà nó chỉ đạo sáng suốt hệt như một tướng cướp đày kinh nghiệm. Nó mà đi ăn cướp thật chắc cái làng này không còn cái nồi nấu cám cho heo! Khoa nhủ bụng và lắng tay nghe Hiệp Sĩ Rừng Xanh dặn dò tiếp những điều quan trọng, nào là lúc gặp tên “thảo dân” Ninh, tụi nó phải sửa giọng ra làm sao cho đối phương không nhận ra, phải huơ kiếm hăm dọa vào lúc nào, rồi phải đối qua đáp lại như thế nào để thằng Ninh vỡ mặt, vân vân và vân vân.

Nghệ thuật của nghề ăn cướp được thằng Ninh vẽ ra thật lỗng lẫy mê ly, Bông nghe như nuốt từng lời, quên phắt thằng này vừa đá xoáy cái thói “thèm bánh mì” của nó
.
Hôm sau, khoảng mười giờ rưỡi, tức là gần đến giờ lớp học hè của thầy Tám ra về, Hiệp Sĩ Rừng Xnh, Độc Nhãn Long và Bàn Tay Máu đã phục sẵn trong khu rừng thưa.

Chẳng may cho ai đi ngang khu rừng giờ đó: Không cần nghe các tướng cướp hăm he đòi lấy mạng, chỉ nhác thấy ba cái bóng lù lù, che kín mít từ đầu đến chân, tay đang vung vẩy một thanh gươm đen thùi lùi, người yếu bóng vía chắc sẽ xỉu lăn đùng ra đất.
Mừng quét mắt một vòng qua khe hở của chiếc túi trùm:

- Tụi mày nhớ hết những gì tao dặn chưa?

- Nhớ. – Khoa và Bông rập ràng đáp.

- Quan trọng là đừng để thằng Ninh nghi ngờ. – Mừng nhấn mạnh.

- Tụi tao biết rồi. – Ba con mắt cùng chớp và hai cái miệng cùng đáp.

- Gặp trường hợp khó xử thì để tao lên tiếng trước. – Mừng lên giọng thủ lĩnh – Tụi bay quýnh quíu nói lung tung thì ỏng bét!

Khoa trước nay ỷ mình học giỏi vẫn có ý coi thường Mừng về khoản kiến thực. Nhưng riêng kiến thức về lãnh vực làm cướp thì nó biết Mừng ăn đứt nó. Mừng luyện cả đống truyện tranh về đề tài này, chắc nó học được biết bao nhiêu mẹo hay ho.

Nhưng Khoa không có thì giờ nghĩ ngợi lan man. Bóng thằng Ninh xuất hiện ở bìa rừng khiến ngực nó bỗng nhiên tức nghẹn. Khoa cảm thấy mồ hôi ứa ra trên lưng áo, không rõ do trời nóng hay do hồi hộp.

- Bình tĩnh! – Mừng thì thầm khi Ninh rảo bước tới gần – Chừng nào nghe tao hô, ba đứa cùng xông một lượt, nhớ chưa?

Ba cái mông nhấp nhỏm sau bụi cây, nín thở quan sát.

Ninh vẫn vô tâm đi tới, một tay ôm tập, tay kia vẽ ngoằn ngoèo vào không khó. Chả rõ nó vẽ công thức toán vừa mới học hay hôm nay được thầy khen mà trông nó rất phởn.

- Tên kia đứng yên! – Mừng quát lớn khi Ninh vừa trờ tới trước mặt, vừa hét nó vừa phóng ra khỏi chỗ nấp.

Gần như cùng lúc, Khoa và Bông cũng vèo ra theo. Trong nháy mắt, ba đứa đứng ba góc, quây thằng Ninh vào giữa.

Ninh như bị sét đánh ngang tai. Cuốn tập trên tay rớt bộp xuống đất. Và sau khi nhìn kĩ bộ dạng của những kẻ chặn đường mình, mặt nó không còn một hột máu và người nó lập tức rụng xuống theo.

Thằng này ngó vậy mà gan bé tí! Mừng khoái chí nhủ bụng và hít vào một hơi, nó sửa giọng ồm ồm
:
- Tên kia, giơ hai tay lên!

Ninh run run làm theo mệnh lệnh, vẫn ngồi bệt dưới đất, miệng mếu xệch:

- Các ông là… là… ai?

Mừng chưa kịp đáp, thằng Bông nhanh nhẩu vọt miệng:

- Ta là Độc Nhãn Long phục hận.

Vừa nói nó vừa vỗ bồm bộp thanh gươm vào ngực, ra oai.

Ninh nhìn chiếc túi trùm đầu của Độc Nhãn Long, thấy có một con mắt, nó sợ đến điếng người, hai gò má giật liên tục.

Mừng khoa thanh gươm:

- Ta là Hiệp Sĩ Rừng Xanh, từ nay sẽ cai quản khu rừng này.

- Còn ta là Bàn Tay Máu! – Khoa cũng không chịu kém – Mày đã nghe danh tướng cướp Bàn Tay Máu bao giờ chưa?

- Dạ… dạ… chưa.

- Vậy là mày chưa đọc truyện…

Hiệp Sĩ Rừng Xanh vội ho mộ tiếng to như sấm để chặn cái miệng bộp chộp của tướng cướp Bàn Tay Máu lại.

Ninh ngơ ngác:

- Đọc truyện gì cơ?

Để thằng Ninh quên đi câu nói hớ của Khoa, Mừng vung tay trỏ mũi gươm vào ngực thằng này, nạt lớn:

- Mày là tù binh, không được quyền hỏi bọn tao. Bây giờ mày nghe theo lệnh của tao đây! Nằm ngửa ra!

- Mấy ông đừng giết con! – Thằng Ninh bật khóc hu hu – Con xưa nay ăn ở hiền lành, có làm nên tội gì đâu!

- Mày ăn ở hiền lành hả? – Lời xin tha của Ninh làm Khoa nổi nóng, quên phắt vừa rồi nó mới phạm một lỗi tày đình – Vậy chớ hôm trước đứa nào tố cáo tao với…

Trong vòng một phút, Hiệp Sĩ Rừng Xanh lần thứ hai phải rặn ra một tiếng ho sấm sét.

Khoa chợt nhận ra mình lại vừa sấy miệng, lập tức nín thinh, nếu không nhờ chiếc túi trùm thằng Ninh sẽ thấy nó mặt đỏ bừng.

Ninh không thấy, nhưng nó bắt đầu có cảm giác ngờ ngợ. Nó nhìn chằm chằm vào mặt Khoa, ánh mắt như muốn xuyện qua lớp vải che mặt:

- Mày là… mày là…

Khi thốt ra câu đó, trông Ninh có vẻ đã lấy lại bình tĩnh. Nó đã thôi khóc, cặp mắt ráo hoảnh, chứa đầy ngờ vực.

Mừng phát hiện nguy cơ, bèn múa gươm gõ bốp lên đầu Ninh, gầm gừ:

- Ai cho phép mày kêu các ông nội mày là “mày” hả?

Thằng Bông bắt chước, thúc mạnh mũi gươm vô lưng tên tù bình.

- Giơ thẳng hai tay lên coi!

Vẫn chưa yên tâm, Mừng quay phắt sang Khoa, hỏi theo kịch bản đã sắp xếp lúc ở nhà:

- Cái xác hôm qua mày đã chôn kĩ chưa, Bàn Tay Máu?

- Rồi. Nhưng sáng nay bọn chó hoang moi lên hai cánh tay. Để lát nữa tao phi tang.

Lúc Độc Nhãn Long ra lệnh “giơ thẳng tay lên”, Ninh vẫn chần chừ. Nhưng đến khi nghe những lời đối đáp rùng rợn giữa Hiệp Sĩ Rừng Xanh và Bàn Tay Máu, hai cánh tay nó lập tức giơ lên thẳng tưng không cần ai nhắc.

Mừng liếc Ninh qua khóe mắt, nở từng khúc ruột khi thấy thằng này yếu bóng vía hơn nó tưởng. Nó huơ gươm chỉ thằng Bông, cất giọng gằn gằn:

- Độc Nhãn Long, hai cái tay của thằng cứng đầu kia đâu rồi?

Bông ứng tiếng đáp:

- Hai cái tai nó dai nhách, tao cứa hoài không đứt!

- Vậy chiều nay mày xẻo cái mũi nó đưa tao nhắm rượu nghe chưa!

Mừng đột ngột chĩa mũi gươm vô ngực Ninh, quát:

- Tao bảo mày nằm ngửa ra, sao mày còn ngồi trơ mắt ếch ra đó!

Đang nơm mớp nghe bọn cướp kháo nhau về vụ cắt tai xẻo mũi, bất thần bị quát giật, Ninh hồn phi phách tán, người lập tức ngửa ra đất.

Hai tay bụm hai tai, nó khóc rống lên:

- Tha cho con! Đừng cắt tai con!

- Ai thèm cắt tay dơ hầy của mày làm gì!

Mừng hừ mũi, rồi nó nhìn Khoa, hất đầu ra hiệu.

Chỉ đợi có vậy, Khoa hấp tấp cưỡi lên bụng thằng Ninh.

Thằng Bông khoái quá, không đợi Hiệp Sĩ Rừng Xanh cho phép, lật đật đặt mông lên cặp giò nạn nhân, lấy đầu gối kẹp chặt hai chân thằng này.

- Ối! Ối! Chết con! – Ninh bật la hoảng.

- Chết gì mà chết! – Khoa nạt, cố nín cười – Cho tụi tao cưỡi ngựa chút coi!.

Thằng Ninh tức bụng quá, mấy lần muốn lấy tay xô tướng cướp Bàn Tay Máu ra nhưng có Hiệp Sĩ Rừng Xanh cầm gươm lăm lăm đứng đó, nó không dám.

Biết không bị giết, cũng không bị mất mũi mất tai, Ninh đã thôi khóc. Bây giờ nó chỉ mong có ai trong làng đi ngang qua để giải cứu nó. Nhưng một lúc lâu, chẳng thấy bóng người nào thấp thoáng quanh khu rừng vắng.

Ninh đành gồng mình chịu trận, miệng rên hừ hừ, nước mắt chảy ròng ròng trên mà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 15-2-2017 20:25:05 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8

Khoa nhấp nhỏm trên bụng thằng Ninh một hồi đã bắt đầu thấy chán.

Sau khi thỏa sức “hành hạ” kẻ thù, lòng nó đã vơi được mối hận hôm nào trên lớp. “Kẻ thù” tuy to xác nhưng “mít ướt” quá cũng góp phần làm Khoa mất hứng. Phần khác Khoa sợ thằng Ninh chẳng may bể bao tử lan đùng ra chết, cả đám sẽ phải đi tù.

Nghĩ vậy, Khoa chống gươm đứng lên:

- Thôi, tha cho mày đó!

Khoa đứng lên, tức nhiên thằng Bông cũng đứng lên theo.

Bông đập má gướm vào chân Ninh đánh “bốp”:

- Đứng dậy đi mày!

Nhìn thằng Ninh lồm cồm bò dậy, Mừng tặc lưỡi dọa:

- Hôm nay coi như mày gặp hên đó! Từ sáng đến giờ tụi tao giết người đủ số rồi, nhờ vậy mày mới bị… dư ra!

Ninh rón rén nhặt cuốn tập dưới đất lên, lấm lét hỏi:

- Dạ con về được chưa?

Bông cung gươm, trợn “con mắt chột”:

- Xéo!

Chỉ đợi có vậy, Ninh hấp tấp quay mình định vọt chạy. Nhưng nó chưa kịp nhích chân, Mừng đã gọi giật:

- Khoan đã!

- Tiếng quát của Mừng làm Ninh giật bắn. Nó hoang mang nhìn quyanh, mặt mếu xệch:

- Mấy ông hứa tha con rồi mà.

Mừng không đáp. Nó làm thinh bước tới một bước, chĩa mũi gươm vào ngay túi áo Ninh, hất mạnh một cái.

Cây viết máy văng ra khỏi túi, rơi xuống đất.

Mừng hất đầu về phía Ninh:

- Bây giờ mày đi được rồi đó!

- Cây viết của con… - Ninh cúi đầu nhìn cây viết, giọng van lơn.

Một tiếng “hừ” phát ra từ sau chiếc khăn trùm đầu của Mừng, rồi một giọng nói âm u rờn rợn bay ra:

- Giữa cái đầu trên cổ và cây viết dưới đất, mày muốn giữ lại cái nào?

Không đợi Hiệp Sĩ Rừng Xanh hỏi đến lần thứ hai, Ninh rùng mình một cái, co giò chạy biến.

Mừng nhìn theo Ninh một lúc. Đến khi thằng này chỉ còn là một dấu chấm, nó quay sang Khoa, cười hì hì:

- Vậy là mày đã trả được thù.

Khoa chớp mắt, giọng phục lăn:

- Công nhận mẹo của mày hay thật.

Thằng Bông toét miệng cười phụ họa:

- Ha ha, thằng Ninh khi nảy chắc són ra quần.

- Ờ, tao không ngờ thằng này gan thỏ đế…

Đang nói, Khoa nhác thấy cấy viết máy của Ninh, lúc này Mừng đã lượm lên giắt vào túi áo, liền buột miệng thắc mắc:

- Cưỡi lên người nó là được rồi, mày còn lấy cây viết của nó để làm gì?

- Phải lấy một cái gì đó, nếu không nó sẽ nghi- Mừng hắn giọng giải thích, rất ra dáng ông trùm – Bàn Tay Máu, Độc Nhãn Long gì mà hiền như đất, không giết người, cũng không cướp của, thế nào về tới nhà nó cũng đặt dấu hỏi! Chưa kể lúc nãy mày nói mấy câu hớ hênh…

- Ê, có ai tới kìa!

Tiếng thằng Bông kêu khẽ khiến Mừng và Khoa ngoảnh phắt lại.

Một đứa con gái đang đi giữa hai dãy bạch đàn và dương liễu, tiến về phía tụi nó. Con nhỏ này có vẻ đang trên đường đi tới xóm Gà.

Mải chuyện, “ba tướng cướp” không nhìn thấy người vào rừng. Đến khi kịp phát giác, con nhỏ kia đã đến rất gần.

Khi tụi nó nhìn thấy con nhỏ thì con nhỏ cũng vừa nhìn thấy tụi nó.

Con nhỏ hơi khựng lại, nhướn mắt như cố đoán xem ba bóng người kia là ai, không nghĩ trong rừng lại có cướp.

Nhưng đến khi bước thêm vài bước và thấy rõ bộ dạng quái đản của tụi thằng Khoa, có nhỏ hớt hải kêu lên một trằng “Ma…ma… ma…” rồi lập tức đứng chết trân, người run bần bật. Trông thái độ thì con nhỏ này rất muốn bỏ chạy nhưng chân cẳng nó đã bị sự sợ hãi ghim chặt xuống đất.

- Làm sao đây tụi mày? – Khoa phân vân hỏi, biết rằng có muốn ẩn nấp cũng không kịp.

Đáp lại Khoa là tiếng kêu sửng sốt của thằng Bông?

- Í, hình như là nhỏ em họ tao.

Khoa mau mắn:

- Thì ra là nhỏ Đào lồi… lồi…

Trong khi Khoa cố gắng nuốt chữ “rốn” vào bụng thì Mừng nhanh chóng quyết định. Bây giờ mà vứt gướm, lột túi trùm đầu ra để trấn an nhỏ Đào thì quá dễ, nhưng như thế chuyện giúp Khoa trả thù thằng Ninh sẽ vỡ lở. Nhưng cũng không thể để nhỏ Đào đứng thất thần giữa trời nắng, hồn vía lên mây, nhất là không biết lúc nào nó lăn ra bất tỉnh. Nghĩ vậy, Mừng thong thả tiếng về phía “người thương”, cố ôn lại những mẫu đối đáp trong truyện “Tráng sĩ và giai nhân” rồi lấy giọng thật dịu dàng:

- Công nương đừng sợ. Kẻ hèn này không phải là ma.

Câu nói của Mừng đối với nhỏ Đào có giá trị ngang mười hai viên thuốc trợ tim. Nó như choàng tỉnh, nhưng khi thần trí đã trở lại thì nó nhận ra trước mặt mình không phải là ma chưa chắc đã hay. Nó lắp bắp, lưỡi dính vào răng:

- Mấy người… là…là ai? Hu hu… trông còn ghê hơn ma nữa!

Mừng tiếp tục êm ái:

- Kẻ hèn này là Hiệp Sĩ Rừng Xanh, nguyện suốt đời bảo bọc công nương.

Thằng Mừng thốt được câu đó thì sung sướng lắm. Đó là câu tỏ tình trong truyện. Nói được với nhỏ Đào câu đó, dù nói trong lốt tướng cướp, nps cũng cảm thấy rất hả dạ.

Nhưng giai nhân Đào ngoài đời không hề giống giai nhân trong truyện. Giai nhân trong truyện khi nghe Hiệp Sĩ Rừng Xanh nói như vậy, đã đáp trả bằng giọng rưng rưng cảm động:

- Thiếp đây cũng nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi cho tráng sĩ.

Giai nhân Đào ngoài đời đáp cộc lốc:

- Khỏi, khỏi! Tôi không cần ai bao bọc.

Đã thế còn xua tay như đuổi tà:

- Thôi, thôi, tránh đường cho tôi đi. Hu hu…

Hiển nhiên nhỏ Đào vội vàng như vậy là do nó quá sợ hãi. Nó nói nhanh, lưỡi líu lại. Nó muốn rời khỏi khu rừng, muốn tránh xa “kẻ hèn” kia càng sớm càng tốt.

Khoa và Bông đứng sau lưng Mừng, lẳng lặng theo dõi. Thằng Bông dĩ nhiên tuyệt đối nín thinh. Hai anh em nó quá quen giọng nói của nhau, nó sửa giọng không khéo nhỏ Đào sẽ nhận ra ngay. Khoa thì biết mình không giỏi khoa ăn nói… theo kiểu tướng cướp, đành câm miệng hến, lỏ mắt nhìn. Nhưng Khoa không buồn nhìn mặt nhỏ Đào, chỉ nhòm lom lom vạt áo trước bụng con nhỏ này, tò mò xem vạt áo có bị cái rốn đội lên không.

- Công nương cứ đi thoải mái. - Ở phía trước, Hiệp Sĩ Rừng Xanh vẫn giữ giọng ngọt ngào. – Nhưng trước khi công nương rời khỏi đây, kẻ hèn này muốn tặng công nương một báu vật. Xin công nương đừng từ chối!

Trong khi Khoa và Bông chẳng biết bạn mình định giở trò gì, Mừng đã nhanh tay rút cây viết trong túi áo ra, chìa tới trước mặt nhỏ Đào.

- Tôi không lấy đâu! Cho tôi đi đi!

Lời từ chối thẳng thừng của “công nương” Đào chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt chàng tráng sĩ đa tình. Hiệp Sĩ Rừng Xanh “quê” quá, nhất là khi chàng nghe tiếng “híc, híc” của các bạn chàng vọng lại từ sau lưng.

Chàng cố ý huơ thanh gươm trước mặt nhỏ Đào, huơ nhẹ thôi nhưng vẫn là huơ:

- Công nương nhận báo vật này đi rồi công nương sẽ rời khỏi đây an toàn!

Giọng Mừng nhẹ nhàng nhưng ý tứ thì quá rõ: nếu nhà ngươi không lấy cây viết thì đừng hòng đào tẩu!

Nhỏ Đào biến sắc khi nhận ra sự đe dọa trong câu nói của đối phương. Nó thò tay giật vội cây viết trên tay Mừng. Nhận ra cây viết quen quen, nó đưa lên sát mắt săm soi, và bật kêu:
- Cây viết của bạn Ninh đây mà. Có khắc chữ “Ninh” nè.

- Kẻ hèn này chẳng biết tên thỏ đế đó là Ninh hay Nang. – Mừng tặc lưỡi khoe khoang – Nhưng vừa rồi bọn ta đã hạ nó.

Y như bị cây rớt trúng đầu, nhỏ Đào cảm thấy tối tăm mặt mũi. Nó xanh mặt nhìn quanh, giọng thảng thốt, trông nó đã rất muốn òa ra khóc:

- Bạn Ninh chết rồi sao?

Mừng hừ giọng:

- Ai thèm giết tên đó làm gì cho bẩn tay! Bọn ta đã phóng thích nó rồi.

Lời xác nhận của Mừng khiến nhỏ Đào thở phào. Nó áp tay lên ngực để xoa dịu trái tim vẫn còn đập binh binh, cảm thấy không nên nấn ná ở chỗ hiểm nguy này nữa. Ngày mai lên lớp, nó sẽ trả cây viết cho thằng Ninh, đồng thời dặn cả lớp không nên đi ngang khu rừng thưa một mình. Nó cũng sẽ báo với chính quyền về hành tung của bọn bí ẩn lạ mặt này.

Quyết định xong, nhỏ Đào hối hả quay mình bước đi:

- Tôi đi nha.

- Công nương bảo trọng! – Mừng vẫy nhẹ thanh gươm, giọng hảo hán.

Mừng có gươm, thằng Khoa cũng có gươm. Trong khi Mừng vẫy gươm để đưa tiễn thì Khoa bất ngờ vung gươm để chặn lại:

- Công nương khoan đi đã!

Hành động của Khoa hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của những đứa có mặt. Trong một giây, Bông, Mừng và nhỏ Đào, sáu con mắt (đúng ra là năm) ngạc nhiên quay nhìn Khoa.

Khoa phớt lờ sự sửng sốt của đám bạn. Nó bắt chước cách xưng hô của Hiệp Sĩ Rừng Xanh:

- Trước khi đi, công nương có thể làm một chuyện nhỏ nhỏ theo đề nghị của kẻ hèn này không?

- Ông muốn tôi làm gì? – Nhỏ Đào run run hỏi lại.

Khoa trỏ mũi gươm ngay bụng nhỏ Đào:

- Công nương hãy vén vạt áo phía trước lên…

Nhỏ Đào chưa kịp phản ứng trước đề nghị bất ngờ của Khoa, Mừng thình lình vung gươm đánh bạt thanh gươm của Khoa sang một bên, cất giọng cười giả lả:

- Bạn ta đùa đấy! Công nương đi đi!

Đợi nhỏ Đào đi một quãng xa, Mừng quay sang Khoa, sừng sộ:

- Chơi trò gì mất dạy vậy mày?

- Taoc hỉ muốn xem nó có thật là rốn… rốn…

- “Rốn, rốn” cái đầu mày! Bộ mày hết chuyện làm rồi sao mà suốt ngày cứ rốn lồi với rốn lõm?

- Lồi đâu mà lồi! – Thằng Bông cười hê hê – Hồi bé tao hay cởi truồng tắm mưa với nó, có thấy gì khác lạ đâu!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 27-2-2017 12:28:31 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9

Thầy Tám xuất hiện vào lúc bất ngờ nhất.

Thầy cưỡi xe đạp, từ phía lớp học chạy tới. Cũng như Ninh và nhỏ Đào, thầy băng rừng để đi về xóm Gà.

Thằng Ninh thì không nói làm gì. Nhà nó ở xóm Gà. Nhưng thầy Tám và nhỏ Đào đi về phía này làm gì vào lúc trưa trờ trưa trật vậy kìa? Tụi thằng Khoa băn khoăn quá. Sau đó tụi nó mới biết không chỉ nhỏ Đào và thầy Tám mà rất nhiều người ở xóm trên kéo xuống xóm Gà để mua trứng vít. Vít là một loài rùa biển, thường kéo nhau lên bờ đẻ trứng vào mùa hè. Trứng vít luộc lên ăn béo ngậy, lòng trắng không đặc lại như trứng gà trứng vịt mà lỏng bỏng, sền sệt. Trứng gà, trứng vịt tuy ngon, nhưng không gây nghiện. Còn trứng vít, nhiều người ăn hoài đâm ghiền, không có là nhớ nhung.

Xóm gà ở gần biển nên hằng năm cứ đến mùa hè dân miệt biển lượm trứng vít chất vào bao tải, thuê xe thồ chở lên bán ở chợ xóm. Đã thành lệ, hôm nào có trứng vít về, người xóm Gà lại bắn tin khắp làng.

Đó là sau này tụi thằng Khoa mới tìm hiểu kỹ càng được như thế. Chứ lúc này thầy Tám đột ngột xuất hiện, mắt tụi nó như đứng tròng.

Trong bọn, Khoa sợ thầy Tám nhất. Nó chưa từng thấy ông thầy nào hung dữ như ông thầy này. Mỗi khi nhớ lại cú vụt thước vào lưng, bụng nó giật thon thót. May mà nó chỉ học hè, nếu học chính khóa gặp ông thầy hắc ám như vậy chắc đời nó tiêu ra cám.
- Chạy đi, tụi bay! – Khoa lắp bắp nói.


Bông sốt sắng hùa theo:

- Chui ra sau bụi cây hả?

- Không chạy đi đâu hết! Đứng đó! – Mừng hét lớn, nó giơ ngang thanh gươm cản đường hai đứa bạn.

- Cái gì? – Khoa và Bông há hốc mồm, nhìn Mừng như nhìn một quái vật.

- Tao ghét ông thầy này! – Mừng thản nhiên – Tao sẽ hù ổng chơi!

Khóa tái mặt:

- Ê, học trò không được hù thầy nha mày!

- Ổng đâu có phải là thầy tao. – Mừng nhếch môi – Lúc tao nghỉ học thì ổng còn chưa về trường.

Bông nuốt nước bọt:

- Nhưng dù có là như vậy…

Mừng lầm lì cắt ngang:


- Không có “dù” hay “ô” gì hết! Ổng từng đánh thằng Khoa. Tao phải trả thù cho nó.

- Tao không cần trả thù! – Khoa vọt miệng, cảm thấy trả thù thằng Ninh và trả thù thầy Tám là hai chuyện khác nhau xa. Thậm chí ý nghĩ trả thù thầy Tám không hề có trong đầu nó.

Mừng nghiến răng:

- Vậy thì tao trả thù cho em tao!

- Xạo đi! – Bông chớp mắt – Mày làm gì có em!

- Thằng em con ông chú. Nó từng bị ông thầy này bạt tai giữa lớp, chỉ vì chiếc quần xanh dương của nó chưa kịp khô nó phải mặc chiếc quần màu xanh lá cây vô lớp.

Khoa không nói nữa, cũng không biết nói gì. Nó biết Mừng ghét thầy Tám thậm tệ. Có lẽ cũng không ít đứa ghét thầy, vì thầy hay tượng cẳng chân hạ cẳng tay với học trò. Nhưng đã là học trò, không đứa nào nghĩ đến chuyện trả thù thầy cô. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy “phạm thượng” rồi.

Nếu còn đi học, thằng Mừng chắc không dám nảy ra ý định chặn đường thầy. Bỏ học mấy năm nay, nó tự đặt nó ra “ngoài vòng pháp luật”. Mừng lại suốt ngày chìm trong truyện rừng xanh, nhiễm cách sống giang hồ “ân đền oán trả”. Vì vậy Độc Nhãn Long không buồn phục hận nhưng Hiệp Sĩ Rừng Xanh cứ nhất quyết phục thù.

Trước thái độ kiên quyết của Mừng, dạ dày Khoa co bớp liên tục vì lo lắng.

Thầy Tám chưa nhìn thấy tụi nó, vẫn đang cắm cúi đạp xe dọc đường mòn xuyên rừng. Lúc này, Khoa hoàn toàn có thể vọt chạy. Nhưng nó lại không cho phép mình bỏ bạn giữa đường, nhất là đưa sbanj đó vừa giúp nó cưỡi lên bujgn thằng Ninh đê rtrij tội bẻm mép của thằng này.

Trong khi các ý nghĩ trong đầu Khoa đang chạy đua thì bánh xe của thầy Tám đã lăn tới gần.

Thầy vừa nhác thấy tụi nó, thằng Mừng đã giơ thanh gươm ra, giọng ồm ồm:

- Đứng lại!

Xe thầy trượt đi một quãng mới dừng hẳn lại. Và thầy kinh ngạc đảo mắt nhìn bọn lâu la gớm ghiếc trước mặt, người vẫn ngồi trên xe, chỉ hai chân chống đất.

- Leo xuống xe!

Trong khi Mừng buông giọng lạnh lẽo thì Khoa và Bông bắt đầu run.

Đằng trước mặt, thầy Tám chậm rãi leo xuống khỏi yên. Thầy dựng xe vào thân cây bạch đàn rồi thong thả đi về phái tụi nó. Trông thầy đã trấn tĩnh sau thoáng bất ngờ. Có lẽ sau một hồi quan sát vóc dáng bojnc ướp, thầy đoán đây là ba tên cướp oắt con.

Hiệp Sĩ Rừng Xanh dẫu sao cũng là một nhóc tì. Sau khi hù dọa thành công hai nhóc tì khác là thằng Ninh và nhỏ Đào, nó tưởng thầy Tám cũng là một nhóc tì dễ bị bắt nạt. Nhưng thầy Tám là một người lớn, thậm chí là một người lớn gan dạ và hung dữ.

Người lớn hung dữ đó từ từ tiến tới trước mặt bọn cướp, đằng hắng một tiếng thật to:

- Tụi mày là ai?

Thái độ cứng cỏi của thầy Tám làm Mừng hơi chột dạ. Nó cố rống to hơn, vừa rống vừa huơ thanh gươm gỗ:

- Ta là Hiệp Sĩ Rừng Xanh đây.

Cái biệt danh “Hiệp Sĩ Rừng Xanh” dường như chẳng gây ấn tượng gì với thầy Tám. Thầy cười khẩy một tiếng rồi hất đầu về phía thằng Bông, nhếch mép:

- Còn mày?

- Ta là… là… Độc Nhãn Long!

Bông đáp, cố giữ giọng đừng run, cái uy của thầy Tám vẫn làm nó sợ hãi. Nó muốn vung mạnh thanh gươm cho đỡ sợ nhưng tay nó tự nhiên không còn chút hơi sức khiến nó phải chống thanh gươm xuống đất để giữ thăng bằng.

Thầy Tám vẫn lầm lì nhìn tụi thằng Mừng. Thầy không hé môi nhưng Khoa có cảm giác một nụ cười tinh quái đang trôi qua trên môi thầy. Đang thấp thỏm nghĩ ngợi, Khoa bỗng giật bắn khi thầy Tám đột ngột chỉ tay vào nó, quát lớn:

- Còn mày?

- Ta là…

Đang định xưng danh, chọt bắt gặp ánh mắt sắc như dao của thầy Tám chĩa thằng vào mặt mình, Khoa sợ quíu lưỡi. Nó mấp máy môi, không những nói năng vấp váp mà còn tự động đổi cách xưng hô:

- E, là… em là… Bàn… Bàn… Bàn…

Tướng cướp Bàn Tay Máu tự nhiên chuyển qua xưng “em” khiến hai đồng bọn của nó là Hiệp Sĩ Rừng Xanh và Độc Nhãn Long than trời trong bụng.

Thấy tên tướng cướp oắt con này đang bối rối (bây giờ thì thầy Tám xác định tên cướp đang đối diện với mình không những là oắt con mà còn là học trò của mình), thầy liền cao giọng trấn áp:

- “Bàn, bàn” cái gì! Ở trên lớp trò ngồi bàn thứ mây?

Ba chữ “Bàn Tay Máu” Khoa nói hoài không xong, thế mà nghe thầy Tám nạt một tiếng, nó hoảng hồn đáp ro ro:

- Dạ, em ngồi bàn thứ hai!

Từ “Bàn Tay Máu” biến thành… “bàn thứ hai”, Khoa khiến hai đứa bạn nó muốn khóc thét. Thầy Tám dĩ nhiên mở cờ trong bụng. Thấy đứa học trò sụp bẫy, thầy lập tức vọt người tới, thò tay giựt phắt túi trùm đầu của Khoa.

Khoa hoàn toàn không đền phòng, giá như có đề phòng nó cũng không thể tránh được cú ra tay nhanh như chớp của thầy.

Nhìn thấy gương mặt xanh lè của Khoa phơi ra dưới nắng, thầy Tám gầm lên một tiếng:

- À, thì ra là trò!

Thầy chộp vành tai Khoa xoắn mạnh:

- Trò là con cái nhà ai? Tôi phải báo cho phụ huynh trò biết chuyện này mới được!

Khoa bị thầy xoắn tai đâu đến ứa nước mắt. Nó cố ngọ nguậy đầu nhìn quanh.Nhưng Mừng và Bông không còn ở chỗ cũ. Hiệp Sĩ Rừng Xanh và Độc Nhãn Long khi thấy Bàn Tay Máu lộ nguyên hình đã vội vàng lỉnh mất.

Vành tai Khoa vẫn bị thầy Tám nắm chặt, nó vừa đâu vừa lo, nhất là khi nó nhác thấy từ bìa rừng có nhiều bóng người đang đi tớ.

Túng quá hóa liều, bằng hai tay Khoa ôm lấy cánh tay thầy Tám kéo giật xuống rồi há miệng ngoạm một cú thật mạnh vào cổ tay thầy.

Thầy Tám kêu “oái” một tiếng, tức khắc buông vành tai của Khoa ra.

Chỉ đợi có vậy, Khoa co giò phóng thục mạng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách