Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Gumi
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Dạt Vòm | Phan Hồn Nhiên

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 11-1-2012 14:09:22 | Chỉ xem của tác giả
Phần 10


Tháng mười hai là một tháng nghiệt ngã. Nhưng tôi bắt đầu tìm thấy lại sự cân bằng. Tháng mười hai, mọi người xung quanh tôi đều có vẻ bận rộn và căng thẳng. Họ nói chuyện, cãi vã, cười đùa vì những vấn đề nào đó. Các âm thanh và hình ảnh trở nên xa xăm, như ngăn cách với tôi bởi một tấm màn mờ ảo. Chỉ có điều may mắn là chẳng ai để mắt đến tôi nữa, ngay cả bà chủ nhà và con chó phốc cấm cẳn. Tranh thủ mọi khoảng rảnh rỗi, dù ngắn ngủi nhất, tôi lao vào bệnh viện. Châu nằm một mình trong căn phòng nhỏ sơn trắng. Dãy hành lang im lặng. Hôm nào không mệt quá, cô nhóc ngồi trên giường, đôi vai gầy nhom so lên, hai cẳng chân mảnh khảnh buông thõng, khẽ đu đưa. Nắng len lỏi ngoài cửa sổ, chảy vào phòng các vệt sáng mềm mại. Từ sàn nhà, ánh sáng ấy dâng cao lên chậm rãi, bao phủ cô gái thương yêu của tôi trong lớp màu xanh nhạt mềm xốp, dịu dàng. Tôi thường chạy thật nhanh, băng tắt qua thảm cỏ sân bệnh viện, gõ hối hả bên ngoài lớp kính cửa sổ. Nếu không nghe tiếng động bên trong, tức là người nhà hay bạn bè Châu vào thăm, tôi có thể tự vặn chốt, thò đầu vào. Đôi mắt nâu biết cười của cô nhóc sẽ hướng về ô vuông nhỏ, ánh nhìn rạng rỡ, như bảo rằng cô chờ tôi đã rất lâu, mong tôi đến với cô biết mấy...

Trên đường chạy đến bệnh viện, tôi suýt đâm sầm vào một người bán hoa dạo đi xe đạp. Thay lời xin lỗi, tôi mua hộ bác ta tất cả chỗ hoa còn lại, thứ hoa tôi chẳng biết tên, lốm đốm trắng, lá dày và xanh thẫm. Mua hoa thì dễ. Nhưng đem đến cho người ốm thì chẳng thoải mái chút nào. Tôi đành bọc chúng trong mảnh báo lớn, khổ sở ôm trên một cánh tay. Vừa nhìn thấy bọc giấy to, Châu lặng đi, gương mặt tái nhợt như sáp. Rồi cô thốt lên khó nhọc:

- Anh mua hoa cho em?

- Ừ, chẳng phải mọi các cô gái đều thích hoa? - Tôi thử mỉm cười.

- Em chưa bao giờ thích hoa! Mùi của chúng buộc em nghĩ đến cuộc chia tay cuối cùng - Cô nhóc nói khẽ, quay mặt vào tường, kéo chăn lên đến tai.

- Anh hoàn toàn không cố ý đâu, Châu ạ... - Tôi lạnh toát sống lưng với sai lầm khủng khiếp.

- Em xin lỗi. Em không nghĩ gì nữa.

- Có thể anh chưa hiểu em nhiều. Châu, cho anh thêm chút ít thời gian.

- Thời gian. Là bao lâu nữa, hả anh? - Tiếng thì thào vẳng ra từ dưới lớp chăn.

Tôi im sững choáng váng. Những ngày sống của cô gái tôi yêu quý chẳng còn bao lâu. Cả tháng nay tôi gắng học cách chấp nhận sự thật như vậy đấy. Và cả cách lãng quên nó đi. Chỉ tập trung vào từng ngày trước mắt. Tôi đã can đảm. Thế mà giờ đây, khi sự thật tình cờ bị chạm tới, cất lên thành lời, thì tôi lại bị đốn ngã, không sao chịu được. Xung quanh tôi, mọi thứ tối sầm. Hệt như ma xui quỷ khiến, tôi ném mạnh bó hoa xuống sàn gạch, cuồng loạn dẫm đạp lên. Những cú dẫm giận dữ, cay đắng. Âm thanh dập nát. Mùi hoa thảm thương. Ừ, dưới chân tôi không còn là bó hoa mang điềm gở, mà cả vô vàn giận dữ vì nỗi bất công không sao lý giải nổi. Tại sao bao nhiêu người khác tha hồ sống tiếp, tha hồ mơ ước tính toan, thậm chí khối kẻ cặn bã sử dụng thời gian quý giá vào những việc tàn nhẫn thấp hèn, còn Châu của tôi đã phải nhìn thấy hạn mức ngắn ngủi sát ngay trước mặt? Tại sao khi tôi vừa tìm thấy một người của riêng mình, để yêu thương, tin cậy và chia sẻ, thì cô ấy lại không thuộc về tôi nữa? Tôi dẫm chân mạnh hơn. Những ý nghĩ điên rồ, phẫn uất khiến đầu tôi như sắp vỡ bung. Châu lồm cồm ngồi dậy, bước xuống sàn, giằng lại bó hoa. Mấy nhánh nhỏ phía đầu cành vẫn còn nguyên vẹn. Cô nhóc bẻ chúng ra, gom thành bó nhỏ, cắm vào chiếc cốc thuỷ tinh đặt trên ô cửa sổ. Những bông cúc khuy áo trắng tinh, bé bỏng và ngơ ngác đã tươi tắn trong một tuần. Suốt tuần lễ ấy, mỗi khi nhìn cuống hoa xanh tốt khúc xạ trong làn nước trong vắt, tôi lại cồn lên niềm hy vọng thiết tha. Ừ, chẳng ai mà sống mãi. Năm tháng trôi đi, ai rồi cũng sẽ già nua, nhuốm phải một bệnh tật nào đó. Nhưng đó là tương lại. Tương lai u ám hay sáng tươi tôi không thiết tha. Tôi chỉ nhìn vào sự thật và hiện tại lúc này. Chúng mạnh hơn mọi đe doạ phía trước. Vì thế, tôi cần phải dũng cảm đương đầu, chiến đấu với những buồn bã lo sợ. Không phải chỉ cho Châu thấy, Châu vững tin, Châu không lo sợ. Mà còn cả cho chính bản thân tôi.

Có vài ngày, trời đột ngột lạnh và mưa. Không khí như thế học và làm việc thật dễ chịu. Nhưng nó lại khiến Châu mệt lả, xanh xao đến mức đáng ngại. Hoàn tất bản vẽ ở phòng thiết kế buổi tối, quãng 9 giờ, tôi lao đến bệnh viện. Căn phòng Châu nằm trống rỗng. Tim tôi đập cuồng lên. Tôi lảo đảo chạy tìm phòng điều trị. Vài người đi trên hành lang hoảng hốt dạt sang một bên nhường lối. Cửa phòng bật mở. Bác sĩ trực đang khám cho Châu. Cô nhóc ngước nhìn tôi, mỉm cười tươi tắn, nhưng các đốm tàn nhang trên gò má thì nhợt nhạt đáng thương. Cô vòng ngón trỏ và ngón cái, ra dấu OK cho tôi yên tâm. Lúc Châu theo y tá sang phòng bên tiêm thuốc, vị bác sĩ trực đêm rủ tôi ra ngoài sân. Tôi lủi thủi bước theo ông, đứng dưới mái hiên. Ông mời tôi điếu thuốc. Tôi từ chối. Tôi chỉ mong vị bác sĩ già nhiều kinh nghiệm sẽ nói cho tôi nghe một tin tức tốt lành. Nhưng chừng như ông ấy chỉ mải mê với mùi thơm hăng nồng và hơi ấm mà điếu thuốc đem đến. Tôi cất tay vào túi áo khoác, bỗng buồn khôn tả. Ông bác sĩ đột ngột lên tiếng:

- Cậu thất vọng lắm, phải không?

- Vâng! - Giống như ai đó ngoài tôi cất tiếng.

- Buồn thảm chẳng giải quyết được gì cả.

- Cháu biết điều ấy - Tôi gật nhẹ.

- Cậu có muốn biết cô ấy còn sống được bao lâu chứ?

Câu hỏi dịu dàng như mũi dao nhọn lách qua những sợi cơ trong lồng ngực tôi. Móng tay tôi bấm chặt vào lòng bàn tay:

- Không!

- Tôi hiểu tâm trạng của cậu. Nhưng cậu nghe tôi khuyên vài câu, nhé!

Khi ông nói, tôi chăm chú lắng nghe, mắt dõi ra các vòm cây tỉa tròn, như các cụm khói rùng mình trên thảm cỏ. Đám mưa bụi chuyển màu ngũ sắc bao bọc ngọn đèn cao áp, ngỡ như bất động nhưng thật ra đang rơi không ngớt. Có con chim bay vụt qua khoảng trời tím mờ... Mọi thứ đều chuyển động theo một quy luật bí ẩn. Và cuối cùng, dù muốn hay không, tôi cũng phải tuân theo chúng.

Ông bác sĩ nhắc tôi trở vào phòng trực. Châu ngồi sẵn trong xe lăn, để tôi đẩy về phòng. Tôi chạm vào tay nắm lạnh giá, buông ra ngay. Thôi để mai, tôi sẽ nghe theo lời khuyên của ông bác sĩ tốt bụng. Còn giờ đây, tôi chẳng cần gì sất. Chẳng cần sắm vai lạc quan. Chẳng cần giả vờ xem mọi việc là bình thường. Tôi chỉ muốn làm gì đấy để cô nhóc yêu quý của tôi vui, thế thôi. Dù có người nhìn, tôi vẫn thản nhiên chìa lưng bảo Châu ngồi lên. Cô bỡ ngỡ, rụt rè nhìn quanh. Tôi cõng cô nhóc băng qua thảm cỏ. Mưa lất phất. Châu trùm trên đầu cái áo khoác của tôi. Chao ôi, giá như quãng đường này cứ dài thêm. Giá như đôi tay khẳng khiu vòng quanh cổ tôi mãi. Giá như khoảng ngực nóng ran gầy gò cứ áp nhẹ trên lưng. Và hơi thở khò khè vang nhẹ bên tai. Và những sợi tóc mềm vương vào má. Tất cả đừng bao giờ rời xa tôi... Cô nhóc chợt hỏi: "Em nặng, làm anh mệt, đúng không?". Tôi lắc, bảo cô hát đi. What a little moonlight can do, bài hát ngộ nghĩnh cũ xưa vang lên khe khẽ. Trong bóng tối có bài hát. Trong bóng tối có một cô nhóc thanh thản mỉm cười. Và trong bóng tối, có những hạt nước to ứa trên mí mắt, bất kể tôi đã cố gắng kìm chế ra sao.

Sau nhiều chờ đợi, thốt lên các lời cầu nguyện gửi tới ông trời và cả những nguyền rủa gửi cho những đứa con bận rộn ở nước ngoài, cuối cùng bà chủ nhà tôi thuê trọ cũng được một người con mời sang Hà Lan sống cùng hai tháng. Bà giao chìa khoá nhà và nhờ tôi chăm sóc hộ con phốc. Thấy tôi trợn mắt kinh ngạc, bà cụ chỉ nói giản dị: "Tôi chẳng dặn dò gì đâu. Tôi tin cậu. Cứ sống trong nhà này thoải mái!".

Một sáng sớm cuối tuần, tôi nảy ra ý định kỳ quặc. Thay bộ đồ khá khẩm nhất, không quên vơ theo mấy chiếc áo khoác, mũ và khăn quàng, tôi lao thẳng tới bệnh viện. Chẳng khó khăn gì để đưa Châu trốn khỏi phòng bệnh. Tôi quấn cho cô nhóc đầy quần áo, chỉ để hở đôi mắt nâu, chắc chắn là cô được ấm áp. Rồi trên chiếc xe máy phóng nhanh, chúng tôi đi về phía biển. Cô nhóc ôm chặt lưng tôi. Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi ngồi trên kè đá, nhìn ra mặt biển. Làn nước xám của mùa đông. Những chiếc thuyền nhỏ xa tít tắp. Dải khăn mềm buộc quanh cổ Châu bay phần phật trước gió mặn. Tôi ngồi im. Thế giới quá rộng lớn. Những con người bé nhỏ cứ đi mãi, đi mãi trên khắp các con đường. Thế rồi tình cờ, hai trong số họ gặp nhau. Nói với nhau vài câu rồi rời đi. Giúp đỡ nhau tí chút để trở thành bạn bè. Hay nhiều hơn nữa, họ ở lại bên nhau, nương tựa nâng đỡ tâm hồn nhau. Bao nhiêu phương án có thể xảy ra. Tôi chợt hiểu, để tìm thấy một người khiến thật tâm mình rung động, yêu thương không tính toan, trao gửi hết tất cả bí mật mới khó khăn và thiêng liêng làm sao. Khám phá ấy mạnh mẽ và bất ngờ đến độ tôi lặng đi, không nói được gì. Đến cả động nhẹ một ngón tay để chạm vào tay Châu, tôi cũng không làm nổi. Và trong cái buổi sáng bất thường đối diện biển, cái buổi sáng tràn ngập thương yêu và xót xa ấy, tôi đã hiểu. Mai này, dù tôi có già đi, hài lòng hay thất vọng với cuộc sống này, vĩnh viễn đọng lại trong tôi những ngày tự do, với tuổi trẻ đắm say không toại nguyện. Những mơ ước đau đớn, không một vết nhơ. Cái phần nhỏ bé chân thành lẩn khuất sâu kín trong con người tôi, cuối cùng, cô gái nhỏ đã đánh thức... Khám phá ấy thét lên trong tôi, như một hồi kèn vang động trên cây trumpet đỏ, làm tôi kiệt sức.

Quay về thành phố. Buổi chiều mưa to. Chân chúng tôi ướt lạnh. Tôi đưa Châu về nhà tôi trọ, thay quần áo khô. Cô nhóc bước vào phòng. Căn phòng nhỏ xơ xác bỗng ấm bừng lên. Trong khi tôi lụi hụi ủi cái quần jeans ướt sũng của Châu, cô nhóc ngồi co ro giấu đôi chân gầy guộc dưới tấm chăn. Mưa vẫn như trút nước. Trời tối dần. Châu chợt hỏi: "Em ở lại với anh được không? Thêm một lần nữa". Tôi lặng đi. Khi cô nhóc gọi điện thoại báo về nhà, tôi vào bếp nấu bữa tối.

Chưa bao giờ tôi thật sự chú tâm đến việc bếp núc. Chỉ là làm vài món ăn thôi mà, có gì quan trọng đâu. Nhưng giờ đây, tôi bỗng phấn khích kỳ lạ. Tôi nấu cơm, rán trứng, luộc một ít mì và đậu. Khi làm những việc ngộ nghĩnh ấy, tôi chỉ chú tâm vào bếp, vào lửa, vào những đồ dùng làm bếp luôn khua lên loảng xoảng. Tôi và Châu cùng ăn. Cô ăn ngon lành, thích thú đặc biệt, rõ ràng không phải để làm tôi vui lòng. Cô ngoẹo đầu cười tự nhiên: "Ngon lắm anh ạ. Hệt như một trăm năm rồi, em không ngửi thấy mùi cơm!"

Chúng tôi xem TV đến tiết mục cuối cùng. Cảm giác bối rối lơ lửng trong không trung. Châu nằm cuộn tròn trong chăn, đôi mắt trong suốt nhìn tôi:

- Anh sẽ ngủ ngoài sân như lần trước ư?

- Không - Tôi nhìn cô gái hàng trăm lần tôi mơ ước, bỗng thật buồn rầu.

- Chúng ta sẽ không nghĩ gì cả - Đôi mắt trong suốt thì thầm.

- Ừ...

Trong cái đêm lạ lùng ấy, tôi đã giữ chặt thân thể gầy gò tội nghiệp của Châu. Bởi cái ngày cô sẽ tan biến đi chẳng còn xa nữa. Cái mũi nhỏ mềm ướt như gấu Koala dụi mãi vào cổ tôi, kiếm tìm một điều gì đó dẫn cô thoát khỏi nỗi sợ hãi và đơn độc. Từ trong cô, tôi cảm nhận mình đang biến đổi, lớn khôn lên, là một người khác, hoàn toàn mới mẻ, cô đơn, nhưng can đảm hơn...

Chúng tôi nằm im, ấm áp, thì thầm nói chuyện. Châu chùi nước mắt, nói khẽ: "Lần gặp anh trên xe bus đầu tiên, sáng hôm đó em từ bệnh viện về nhà. Đấy là thời điểm tràn đầy sợ hãi. Em đánh cắp chiếc ví của anh. Em đã ao ước có một ai đó khổ sở cùng với mình...".

Thật là một ý tưởng tội nghiệp đến kỳ lạ. Nó làm tôi khóc. Những kỷ niệm của ngày hôm qua. Tôi nhắm mắt, thở nhè nhẹ.

Ban mai thức dậy, cúi nhìn nhìn mái đầu rối tinh như chú sẻ nâu nằm ngủ ngoan trên gối, bỗng dưng, lòng tôi tràn đầy niềm xúc động kỳ dị.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 11-1-2012 14:10:44 | Chỉ xem của tác giả
Phần 11


Tôi vừa nộp bài thi học kỳ. Mọi việc ổn thoả. Thế nhưng ẩn ngay phía sau sự ổn thoả ấy, lại là trạng thái khó chịu. Hệt như khi người ta mặc trên người một cái áo ướt, dấp dính trên da, lạnh giá nhưng không sao thoát ra được. Thời gian rảnh, đám bạn trong lớp la cà quán xá, tụ tập tán dóc hoặc ngồi co ro trong các phòng máy tính. Bỗng dưng, những điều bình thường đó lại khiến tôi cáu kỉnh phát điên lên. Bên trong tôi, luôn có một thứ gì đấy như đã nứt vỡ, sắp bung toác ra. Thỉnh thoảng, trong lúc vẽ bài trên lớp, tôi lại cãi vã với một ai đó, toàn các nguyên cớ không đâu. Có lần, một cậu bạn ba hoa về sex và bọn con gái bằng mớ ngôn từ nhố nhăng, tôi lao đến túm chặt cổ áo, toan nện đầu cậu ta vào bức vách. Thế nhưng khi nhìn cái đầu thất thần trong hai bàn tay nổi giận của mình, tôi lại chán nản khôn tả. Tôi quay lưng bỏ đi trong tiếng càu nhàu chửi bới với theo từ nạn nhân. Tụi bạn nhìn tôi ái ngại. Hầu hết đều nghĩ tình trạng không bình thường của tôi, bắt đầu từ khi rời bỏ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để lao vào cuộc sống bấp bênh vô định, đang ngày càng trầm trọng. Tốt nhất là im lặng. Không cần thiết chia sẻ với những người hời hợt chung quanh. Họ sẽ diễn giải vấn đề của tôi theo những cách kỳ dị và chỉ khiến tôi thấy mình thêm lạc lõng.

Một lần nữa, tôi lại cần tiền khủng khiếp. Công việc buổi tối ở phòng thiết kế đủ sống. Tuy nhiên giờ đây, tôi muốn kiếm được nhiều hơn. Tôi không sao chịu đựng nổi mỗi khi đi cùng nhau, muốn làm cho Châu vui, tôi lại phải tính toán như một kẻ keo kiệt khốn kiếp. Vậy đấy, tiền bạc chẳng làm cho người ta tử tế gì mấy. Nhưng ít nhất, nó cũng cho anh chút ít tự tin và tự do thực hiện vài điều cần thiết. Tranh thủ mọi buổi sáng rảnh rỗi, tôi lại chạy xe ôm. Các khu phố mùa đông đầy ắp người hay hoàn toàn yên tĩnh. Những mái nhà cũ kỹ ướt át mưa hay các cao ốc mới tinh phản chiếu mặt trời mùa đông. Rồi nhóm người cười nói xôn xao phóng vút đi trên các xe máy đắt tiền sẽ được nối tiếp bởi những người buồn bã ủ dột đi bộ trên hè phố... Cứ thế, từng chút một, các mảnh nhọn của thế giới bên ngoài len lỏi đâm vào da thịt tôi. Những ý nghĩ buồn bã làm cuộc sống xám màu đi, như đợt nước biển tàn nhẫn nhấn chìm tôi xuống. Rồi tôi lại trồi lên. Dù sao đi nữa thì vẫn phải tin những điều tốt lành. Có thể ít ỏi. Có thể chưa gặp. Nhưng chúng vẫn vẫn hiện diện đâu đó trong cuộc đời này. Tôi không nên u ám nặng nề nữa

Đôi lần tôi lạc đường chạy lòng vòng hoặc chở khách đi quá địa chỉ cần đến. Họ gắt gỏng ầm lên. Khi trả tiền, họ nhìn tôi hoang mang, đầy bực bội. Mấy lúc như vậy, tôi chẳng còn hơi sức đâu để biện minh hay tranh cãi. Ừ, suy cho cùng, thật sâu xa, thật ra tôi làm tất cả những điều này đâu chỉ vì tiền. Công việc bận rộn là một rào chắn tốt nhất ngăn cách tôi với thực tế buồn rầu đến kinh hãi mỗi khi tôi thốt nghĩ về Châu. Cuộc sống tôi đang đối diện ngoài kia là thế. Tình yêu giấu kín trong tôi là thế. Chừng như các sự kiện không sao hoà nhập nổi vào nhau. Tôi mắc kẹt ở giữa. Và tôi không cho phép mình thất bại. Nếu tôi để lộ nỗi tuyệt vọng, dù chỉ là một mảy may, mọi thứ tốt đẹp cuối cùng mà tôi đang gắng gỏi dựng lên quanh Châu sẽ sụp xuống, vỡ tan hết cả.

Châu chuyển sang giai đoạn điều trị ngoại trú. Gia đình cô nhóc thoạt tiên hẳn đã chết khiếp khi biết mối quan hệ của cô con gái yêu quý với một tên xe ôm nhếch nhác như tôi. Có phen họ đuổi tôi biến đi thẳng cánh. Nhưng rồi dần dần họ cũng phải quen những buổi sáng tôi đến trước nhà, kiên nhẫn ngồi lì trên yên xe bên ngoài cánh cổng lớn, đón Châu, đưa cô nhóc đến bệnh viện. Có lần, họ còn mời tôi vào nhà. Một phòng khách với những cái ghế bọc da mềm mại. Đồ đạc tiện nghi sáng bóng. Nhạc hoà tấu rỉ ra từ cái loa nào đó giấu kín. Cốc cà phê sữa toả khói trên bàn, nước đọng trên thành ly như những con mắt tò mò, đầy chế nhạo. Bỗng dưng tôi chán ngấy cái bầu không khí này. Khác nào ngôi nhà tôi đã rời đi. Mọi thứ đều đẹp đẽ hoàn hảo. Các đồ đạc đều gợi nên cảm giác đầy đủ ấp áp. Nhưng thật ra bên trong là gì chứ? Các thành viên trong nhà đều bận rộn đuổi theo các mục đích riêng. Chẳng ai còn đủ thời gian để quan tâm đến nhau thực thụ. Ngay cả khi một thành viên đau ốm, bất hạnh, thì sự chia sẻ duy nhất mà người thân có thể thực hiện là chu cấp tiền bạc, vài lời hỏi han, những động viên chẳng đâu vào đâu. "Mọi thứ rồi sẽ tốt lên", "Đừng đánh mất hy vọng!". Ai cũng thừa sức phun ra những cây nói như thế, với nụ cười kẻ cả. Nhưng cứ thử đặt mình vào tình thế ấy xem. Tốt lên ở chỗ nào chứ nếu mỗi ngày ta gầy rộc đi, tóc rụng nhiều hơn? Hy vọng vào đâu khi mỗi hơi thở còn cảm thấy là sự may mắn, cuộc sống cứ co hẹp lại không thể cưỡng chống, chẳng còn biết bám víu chắc chắn vào thứ gì cả? Tôi nhổ toẹt vào những biểu lộ ngọt ngào nhưng che giấu sự ích kỷ vô tâm. Tôi chẳng ốm đau gì, thế mà giai đoạn trước khi bỏ nhà đi, tôi đã chán ghét tất tật mọi thứ. Đến nỗi tôi giam mình cả tháng trời trong phòng, vùi đầu đọc hàng đống sách, lang thang trên net, rúc vào mọi xó xỉnh, chui vào các chat room bắt chuyện linh tinh với hết thảy mọi kẻ không quen biết mà chẳng để làm gì... Tôi sẽ như thế mãi, sẽ phát điên hoặc chết mục, nếu không sớm rời nhà ra đi. Tình thế của Châu còn tệ hơn tôi nhiều. Biết vậy, nên bất kể chuyện gì xảy ra, những người sang trọng trong nhà cô có coi rẻ tôi, thiếu thốn và vất vả, nhất định tôi chẳng bỏ cuộc. Tôi chỉ biết một điều duy nhất, là lúc này đây, tôi cần cho người yêu của tôi hơn bao giờ hết.

Đầu tuần vừa rồi, ông kiến trúc sư ở phòng thiết kế, nơi tôi làm thêm, đưa cho tôi một cặp vé xem kịch. Tôi từ chối phắt. Tâm trí đâu mà kịch cọt nữa chứ. Ông kiến trúc sư đã trố mắt nhìn tôi như quái vật: "Thế hệ chú mày chẳng biết hưởng thụ văn hoá gì sất!". Phải lúc khác, tôi sẽ ngoác mồm chứng minh cho ông ta rõ văn hoá nằm ở khối nơi khác, đâu chỉ ẩn náu trong mấy vở kịch hay vài buổi trình diễn nhạc cổ điển. Khối kẻ chui vào nhà hát chỉ để cười hềnh hệch hay ngủ gà ngủ gật, chẳng thu lượm nổi tí ti văn hoá nào. Nhưng lúc ấy, tranh cãi chẳng để làm gì cả. Tối khuya, gọi điện thoại cho Châu, tôi thử nói với cô về vở kịch. Tôi đã sợ cô nhóc sẽ cười phá lên, nghĩ tôi chỉ là một gã nhảm nhí hạng nặng. Thế nhưng, bất ngờ làm sao, Châu vui mừng kỳ lạ. Cô hỏi mãi không ngớt nội dung vở diễn. Tôi đành trộn lẫn Sherk với siêu phẩm Titanic. Nếu không tính đến việc con gái vẫn ưa thích những câu chuyện uỷ mị kiểu Titanic, thì tôi chỉ cải biên phim bộ phim hoạt hình 3D ưa thích mà thôi.

Tối thứ bảy, tôi được nghỉ làm việc. Từ chiều, tôi đã mượn phòng tắm của bà chủ nhà, tắm nước nóng sạch sẽ. Trước đó, tôi còn là ủi cẩn thận bộ cánh bảnh nhất, tức là bộ quần áo cất dưới đáy ba-lô, chỉ dành những dịp nghiêm trọng, không đem ra dùng khi chạy long rong xe ôm. Tắm xong, mặc quần áo vào người, tôi thoáng sững lại. Cái quần jeans Levi's hồi nào tôi mặc thật vừa giờ đây rút lên trên mắt cá. Chiếc áo pull mềm mặc trong cũng ngắn lên, lơ lửng ngang thắt lưng. Chỉ có chemise mặc ngoài còn khả dĩ, rộng lùng thùng nên chẳng phát hiện được gì. Ngồi thừ trên mí giường, tôi chợt hiểu tôi vẫn đang lớn lên. Bàng hoàng. Ừ, nếu người khác, hẳn họ sẽ vui lắm. Còn tôi, tôi chỉ biết nhìn vào sự thật là tôi còn cao hơn, sẽ trở thành người trưởng thành thực thụ, sống tiếp cuộc đời này. Trong khi đó, Châu chấm dứt. Cô mãi mãi là một cô gái bé thơ, không chia sẻ với tôi bao điều tốt lành phía trước nữa. Ý nghĩ ập đến, với tất cả sức mạnh đau đớn của nó, biến thành cú đấm choáng váng, làm tôi ngã sấp trên giường. Điện thoại cô nhóc gọi, nhắc tôi đừng đến đón muộn. Tôi dắt xe ra đường. Bộ quần áo ngắn lỗi mốt, đôi giày cũ không đủ ấm chẳng làm tôi bận tâm nữa. Tất cả mọi thứ chỉ là lớp vỏ, bọc kín nỗi cay đắng buồn thảm. Mà tôi nói rồi. Tôi không để Châu đoán ra ý nghĩ bi quan cất giấu bên trong tôi đâu.

Nghe tiếng xe tôi, cô nhóc hiện ra ngay từ sau cánh cổng. Tôi há hốc miệng. Chúa ơi! Dù hàng trăm lần tôi biết cô nhóc rất đáng yêu, nhưng chưa bao giờ tôi nhận ra cô còn hơn thế nữa. Dùng chữ gì nhỉ? Một cô gái đặc biệt ư? Nghe rất thường. Nhưng làm sao nói hết được vẻ kỳ diệu của cô ấy, trong cái áo hở vai màu trắng và chiếc khăn len to xanh nhạt quấn quanh cổ trùm xuống cánh tay, trên đôi giày cao gót có chiếc nơ lấp lánh trong bóng tối, và nhất là mái đầu nhỏ xinh, tóc xơ xác bay tung trước gió vào lúc này cơ chứ? Tôi im thít như một anh ngốc, chở Châu đi trên đường, rồi cùng vào khán phòng. Khối cặp mặt nhìn theo hai chúng tôi, chế nhạo hay ghen tị. Nhưng tôi mặc kệ đấy. Có một lúc, tôi len lén cầm bàn tay Châu nữa cơ, bàn tay mềm, ấm áp tin cậy khi đặt vào lòng tay tôi có những vết chai sần. Tôi siết nhẹ bàn tay yêu thương. Cứ thế, thời gian trôi qua.

Vở kịch ra sao tôi cũng chẳng rõ. Chắc là chẳng tệ. Các diễn viên nổi tiếng. Tiếng la hét thất thanh. Tiếng khóc nức nở. Tiếng cười vang động. Rất nhiều câu pha trò ngốc nghếch xen lẫn những câu triết lý cao xa. Châu cười thành tiếng, vui vẻ. Nhưng có khi cô lặng thinh. Mấy lúc như thế, tôi hoảng sợ ngoảnh sang, ngỡ cô đã biến mất. Cô nhóc ngước nhìn tôi, mỉm cười, đôi mắt lấp lánh, sáng trong, trìu mến. Lúc tan vở, mọi người chen nhau đi về phía cửa. Tôi nắm nhẹ khuỷu tay Châu, nép vào bên lối đi, chờ vãn.

Bất thần, một người lao về phía chúng tôi. Một gã cao lớn, ăn mặc sành điệu. Nhìn cái áo khoác xám khói da mềm gã vắt hờ bên tay thì biết. Gã vươm cổ về phía trước, như một con công khoan thai, hài lòng với bộ cánh đẹp đẽ, luôn ngầm bảo với thiên hạ xung quanh rằng hãy ngắm ta đi, hãy khâm phục ta đi! Chẳng buồn liếc qua tôi, gã bảnh choẹ ấy bất thần vồ lấy cô nhóc, đúng cách của một con công đỏm dáng vồ lấy con gà bông yếu ớt:

- 100 năm rồi anh mới gặp em đấy, Châu à! - Giọng gã mới du dương làm sao. Cách ví von nghe hay ho gớm. Những ngón tay của gã dài khác thường, trắng bệch.

- Ôi, anh Bảo! - Cô nhóc cũng reo lên - Anh vẫn học bên nhạc viện chứ?

- Tất nhiên. Làm sao khác được. Tuần tới anh có buổi diễn với dàn nhạc đấy. Em có muốn đến xem không?

- Cho em hai vé nhé! - Cô nhóc đề nghị.

- Vé gì chứ? - Bây giờ thì con công liếc nhìn qua tôi. Đôi mắt sắc lẻm chẳng buồn che giấu tia nhìn giễu cợt khi soi thẳng vào ống quần jeans ngắn hở cả đôi tất mỏng nhăn nhó của tôi. Gã ngước nhìn Châu, cười khoe hàm răng sáng bóng - Tốt nhất là anh ghé qua nhà, đón em và dẫn vào chỗ khách mời đặc biệt.

Cô nhóc mỉm cười, bàn tay vẫn nắm nhẹ tay tôi. Cả hai nói chuyện về các đĩa nhạc, về những kẻ xa lạ nào đó đang ở khắp nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng, giữa câu chuyện, một trong hai người lại cười thành tiếng, đầy vui thích. Mọi thứ hoàn toàn xa cách với tôi, một gã sinh viên quèn. Một tên hoạ viên nghèo khổ. Một tên xe ôm khốn đốn kiếm từng đồng cắc một. Thốt nhiên, tôi thấy trọn vẹn sự lố bịch của mình. Quá đủ rồi. Rút nhẹ tay khỏi tay Châu, tôi rảo bước ra ngoài nhà hát. Gió mát lạnh. Tôi đi thẳng ra bãi gửi xe. Rồi như một tên điên, tôi rồ ga, lao vào bóng tối phía trước.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 11-1-2012 14:11:56 | Chỉ xem của tác giả
Phần 12


Tiếng xe máy rít lên, xé màn đêm ra làm hai mảnh xanh thẫm. Hai chiếc cánh bóng tối dang rộng, bay phần phật, trở thành người đồng hành bám sát bên tôi. Tôi giữ chặt tay lái, mở căng mắt nhìn về phía trước. Bao nhiêu thời gian đã mất? Bao nhiêu con đường đã ở lại sau lưng? Yên xe phía sau tôi trống trải. Chẳng có gò má nương tựa dịu dàng. Chẳng còn hơi thở ấm và nhẹ. Chỉ là một phát hiện thoáng qua, nhưng làm nỗi cô độc trong tôi đậm lên bất thần. Chưa bao giờ, kể ngày rời nhà ra đi, tôi cảm thấy trống rỗng đến như vậy. Một nửa vỏ não tôi, cái nửa tỉnh táo, lạnh lẽo bên ngoài điều khiển xe chạy. Nửa còn lại hướng vào bên trong, không nguôi sôi sục, như miệng núi lửa nóng chảy, vỡ ra các bọt khí đớn đau. Bộ quần áo bảnh choẹ đắt giá. Khoé miệng cười nhếch tự tin. Đôi bàn tay với những ngón dài xanh tái. Từng phần, từng phần của Bảo chậm rãi hịên ra. Đồng thời, tôi gắng sức phục dựng hình ảnh của Châu. Chiếc váy lụa mềm. Khăn len rộng buông trên khuỷu tay dài. Hương thơm dịu ngọt của nước hoa có mùi táo. Ký ức chung của họ về âm nhạc. Những cuộc sống đồng dạng, dễ dàng và vô tư lự... Tất cả các mảnh rời rạc ấy dần dần tìm đúng vị trí, như một trò chơi xếp hình, gắn kết vào nhau, hoàn toàn tương thích. Tôi vỡ lẽ. Đúng rồi, Châu thuộc về thế giới ấy. Cô bước ra từ thế giới ấy và cô sẽ quay về với nó. Chẳng qua, tôi chỉ là một khoảnh khắc chuếnh choáng, giúp Châu bước lạc ra ngoài nhịp điệu đều đặn nhàm chán thời điểm nào đó mà thôi. Ừ, sự nỗ lực, tình cảm chân thành mà tôi tin tưởng như cái phần tốt đẹp của thế giới này dùng vào việc gì chứ? Rốt cuộc, chỉ cần một cái áo đẹp, một vẻ ngoài sành điệu cũng có thể giành mất của tôi người mà tôi thương yêu...

Mới tuần trước, tôi đọc lại Gatsby vĩ đại. Quyển sách cũ khiến tôi nằm im, thẫn thờ nghĩ về sự sụp đổ chuỗi ảo giác mà chàng Gatsby khốn khổ đã bỏ ra cả tuổi thanh xuân để theo đuổi, nỗi thất vọng lớn lao. Thật không sao ngờ được, chỉ một tuần sau, lúc này đây, chính tôi đang trải nghiệm tình huống chua xót ấy. Càng nghĩ, nỗi cay đắng càng dâng trào, làm mắt tôi mờ đi, như phủ một màn sương đục. Tôi lên gas. Bánh xe lướt trên đường nhựa như trượt trên dải lụa trơn mượt. Một chiếc xe tải ngược chiều, đèn sáng choá. Cũng như tôi, nó lao với tốc độ kinh hoàng. Chỉ một tích tắc, tôi sẽ bị hất tung lên. Rơi xuống. Nghiền nát như cám. Cho đến khi tấp xe vào lề đường, tôi mới nhận ra tình huống khủng khiếp vừa vượt qua. Mùi cá khô mà chiếc xe hàng chở đầy còn phảng phất trong không khí. Cả mùi nhựa khen khét khi bánh xe thắng gấp. Không, tôi chẳng sợ hãi gì sất. Tôi cũng chẳng cảm thấy may mắn vì đã thoát chết. Tuy nhiên, các ngón tay tôi run lẩy bẩy, các múi cơ lồng ngực co thắt, đau điếng. Phản ứng của cơ thể với cái chết nhìn thấy trước mắt. Tôi dừng hẳn xe, tắt máy, gạt chống, ngồi thừ trên yên. Ừ, nếu lúc này có điếu thuốc, thì tôi cũng thử hút một chút. Tôi hoàn toàn bình tĩnh. Nhưng đằng sau trạng thái tê liệt ấy, tôi sững sờ với ý nghĩ vừa khám phá ra: Tôi không mạnh như tôi tuởng. Chẳng có ai là quá mạnh mẽ. Biên giới của cuộc sống và cái chết sao thật mỏng manh. Sẽ có lúc nào, tôi cần nương tựa vào một ai đó. Cũng như bây giờ, đang có một ai đó cần được nương tựa vào tôi.

Tôi đang ngồi bên cánh đồng ngoại ô. Những thân cây bạch đàn trồng hai ven đường lờ mờ trong bóng tối. Ánh sáng mờ nhạt của vầng trăng như một con thú cuộn tròn, ẩn mình sau các vệt mây nhờ nhờ xám. Gió đêm chạy cuồng khắp chốn, giật lìa từng túm lá khô xác trên cành, quật ngang vào mặt tôi. Lạnh, nhưng gió xua tan các phỏng đoán muộn phiền. Suy nghĩ trong tôi lại trôi về Châu. Kể từ sau buổi tối đầu tiên bên nhau, tôi biết, tôi gắn kết với cô bằng một điều gì còn lớn hơn cả tình yêu. Trước kia, mỗi khi nghĩ về cánh con gái, ý nghĩ tôi thường chỉ chạm đến lớp vỏ ngoài: Việc tỏ tình, những buổi đi chơi, các giận hờn, nỗi nhớ nhung, vài thói quen buồn phiền hay dễ chịu. Nhưng với Châu, mọi việc hoàn toàn chệch ra ngoài cái phác thảo tầm thường ấy. Cô đau yếu, cô thường níu chặt lấy tôi, sợ hãi mỗi khi tôi biến mất. Cô trao tặng cho tôi cảm giác trưởng thành và vững tin vào bản thân. Bởi qua cô, tôi nhận ra mình có thể là chỗ dựa cho một ai khác ngoài mình. Ngược lại, điều mà cả Châu lẫn tôi đều chưa biết, là tôi cũng cần cô, thiết tha chẳng kém. Nếu không có Châu, hẳn tôi đã là một kẻ bê tha, sống bừa bãi với những đồng tiền kiếm được. Một kẻ trống rỗng, lạnh nhạt, đầy nghi hoặc, chẳng còn tin vào điều gì tốt lành... Thốt nhiên, điều gì đó trong tôi tỉnh ra. Tôi giật thót. Phải chăng tôi đã cư xử chẳng khác nào một tên ngốc, ghen tuông u tối và hoang dại. Tại sao tôi lại bỏ mặc Châu, để cô còn lại một mình với cái gã chơi piano ba trăm lần chết băm ấy chứ?

Tôi quay về thành phố. Mưa bụi lất phất. Tôi chẳng màng dừng lại trùm áo mưa. Ý nghĩ có thể Châu vẫn chờ tôi bên ngoài sân khấu tôi xui khiến tôi lao đi. Lao như điên. Nhanh, nhanh nữa. Những vệt đèn đường. Những chiếc xe hàng ban đêm lừ đừ chạy vào thành phố. Những người đi làm ca đêm mệt mỏi túa ra túa ra khỏi các cánh cổng nhà máy tối đen, co ro trên xe, hối hả trở về nhà... Ai cũng cần tìm về cái bến đậu của họ, dù ngắn ngủi. Và tôi cũng thế.

Cổng nhà hát lớn. Ánh sáng trắng đục dưới những vòm lá cổ thụ. Cánh cổng đóng kín. Tôi nhảy xe lên lề. Không có ai cả. Nhưng trong một vệt bóng đổ của cây cổ thụ, chỗ bức tường gấp khúc, hình như có bóng người động đậy. Tôi xuống xe, tiến lại gần. Một đôi tình nhân bụi đời đang ôm nhau. Thấy tôi nhìn sững, gã thanh niên buông cô gái ra, tiến tới, nhanh như chớp, đấm thẳng vào mũi tôi, kèm một lời rủa cục cằn. Sau đó, gã thản nhiên quay về với cô ả có mái tóc đỏ rực. Tôi xuống đường, vòng qua khu trung tâm thành phố. Đồng hồ bưu điện chỉ gần 1 giờ. Một ngày mới đã sang. Hai ngàn cuối cùng trong tài khoản mobile của tôi vừa vặn tan biến. Ý định gọi điện cho Châu phá sản...

Một quán cà phê nhỏ đèn vàng bên khu phố Tây. Trông quen quen. Phải rồi, nơi này tôi đã từng đón vị khách đầu tiên khi bắt đầu vào nghề xe ôm. Tấm bảng điện thoại công cộng treo dưới bảng tên quán làm tôi mừng húm. Tôi ghé vào. Tôi run run bấm số của cô. Giọng đọc nghẹt mũi thông báo số máy ngoài vùng phủ sóng. Ban nãy, lúc xem kịch, Châu cẩn thận khoá máy. Lẽ nào, cô vẫn chưa sử dụng lại mobile từ lúc tan vở đến giờ. Tôi tê điếng với ý nghĩ cô đang vui vẻ cùng Bảo và lũ bạn bè của họ ở một quán xá nào đó. Cô ấy dễ với mình, thì cũng có thể... Ý nghĩ đen tối bay qua đầu. Không, tôi không thể để cho sự tưởng tượng đê hèn ấy xâm chiếm. Lưỡng lự thật lâu, tôi quyết định sẽ gọi về số nhà cô. Dù việc phải đối thoại với những giọng nói kẻ cả làm tôi nóng lạnh. Những tiếng tút tút báo máy bận. Hình như ai đó sử dụng net ban đêm. Tôi buông ống nghe. Lúc ra khỏi quán cà phê đêm, tôi vấp chân, suýt đâm sầm vào một người đàn bà ngồi dặt dẹo trên chiếc ghế chân cao. Cô ta ngẩng nhìn tôi. Đôi mắt sâu hốc hắt ra ánh nhìn hờ hững, lơ đãng. Chóp mũi thẳng căng trắng toát. Chỉ có khuôn miệng biểu cảm ghê rợn, nó rúm ró, phơi bày một nỗi đau đớn bí ẩn. Ánh hồi quang của trí nhớ bất thần ập về. Người chơi đàn violon mà tôi từng chở đi trong đêm, qua các điểm diễn. Ôi chao, chỉ có vài tháng mà chị ta biến đổi đến không ngờ. Người chơi đàn không nhận ra tôi. Làm sao mà nhận ra chứ. Chị ta vươn tay, chạm nhẹ vào vai tôi, xin một điếu thuốc. Giọng nói kéo dài, khản đặc. Kinh nghiệm lăn lóc ngoài đời báo cho tôi biết chị ta nghiện hàng trắng. "Không có!" - Tôi đáp, run run. Chị ta nhìn tôi, nở nụ cười ma quái: "Tôi sắp chết rồi!". Tôi sởn gai ốc. Thọc tay vào túi áo chemise mặc ngoài, còn vài chục ngàn, tôi đưa cho chị ta nốt. Những ngón tay lạnh đẫm mồ hôi, khiến tôi rùng mình. Chạy về hướng nhà Châu, bỗng dưng tôi tức giận. Tức đến muốn vỡ bụng. Tại sao khi bao nhiêu người thèm được sống, sung sướng với từng ngày còn được nhìn thấy mặt trời trên trái đất này, lại có những kẻ tự nguyện lao thẳng vào cái chết? Tại sao điên rồ và ngu xuẩn như vậy chứ?

Cổng nhà Châu. Tôi bấm chuông. Người giúp việc hoảng hốt mở ô cửa sổ nhỏ trên cổng, đưa mắt nhìn ra. Ơn Chúa, đây là người dễ chịu nhất trong nhà Châu. Mắt bác ấy trợn tròn khi nhận ra tôi:

- Cô nhà đâu? - Câu hỏi thì thào ném về tôi.

- Châu chưa về ư, bác? - Tôi bỗng hiểu ngay. Sống lưng lạnh toát.

- Cô ấy đi với cậu mà! - Giọng bác ta cất cao hơn, gần như the thé.

Không nói thêm gì nữa, tôi nhảy lên xe, lại phóng vút đi. Tôi đảo qua tất cả những nơi tôi và cô nhóc từng đến. Cửa rạp xem phim. Quán cà phê. Các lối mòn viền ngoài công viên... Vắng vẻ. Trống trải. Những cánh cửa đóng kín như những con mắt say ngủ, thờ ơ với nỗi lo thắt lòng trong tôi. Càng về sáng trời càng lạnh. Tôi chỉ còn niềm xác tín mạnh mẽ: Châu không đi với ai hết. Nếu vậy lúc này cô nơi đâu? Mưa làm mặt tôi ướt mèm. Đưa tay chùi mặt, tôi nhận ra có một vệt ấm nóng, đỏ tươi. Máu mũi tôi đang chảy. Cú đẫm đáng nể của gã bụi đời. Tôi đi lòng vòng, càng lúc càng tuyệt vọng. Kim trên đồng hồ xe báo sắp hết xăng. Tôi đành phải quay về nhà trọ.

Con hẻm quen thuộc. Mùi hoa mận nhan nhát trong mưa cũng quen thuộc. Điều khác thường thuộc về một bóng người ngồi trên tường rào. Cái dáng ngồi mảnh khảnh quá đỗi thân thuộc. Chiếc váy lụa nổi lên trắng mờ trong bóng tối quá đỗi tinh khiết, dịu dàng. Cô nhóc ngủ, cái đầu nghiêng nghiêng gục trên đầu gối. Chiếc khăn choàng len tuột xuống bờ tường, cuộn quanh chỗ cô ngồi. Hệt như một con cá trắng muốt bay lên khỏi đám bọt nước xanh lơ...

"Châu!" Tôi thì thầm gọi. Cô nhóc mở choàng mắt, tỉnh táo ngay, như chưa hề ngủ thiếp đi. Một phản ứng đến là kỳ lạ. Và cô mỉm cười với tôi ngay, chẳng trách móc gì, chỉ nói giản dị: "Em chờ anh lâu quá!". Tôi đưa tay, ôm ngang lưng, đỡ cô nhóc bước xuống. Cái váy lụa dính bết nước mưa. Người cô nóng rãy. Trong bóng tối, mà đôi môi cô nổi lên, như một viên than nhỏ đỏ rực. Suốt đêm còn lại, trong cái giường của tôi, cô nhóc sốt cao chưa từng thấy. Tôi ngồi im bên cạnh, ủ trong tay mình bàn tay nhỏ xíu, lúc bình tĩnh, lúc lại sợ phát điên lên.

Trận sốt lần ấy khiến sức Châu suy sụp nhanh không sao tin nổi. Cô lại phải nhập viện. Những buổi sáng, tôi đứng im lìm bên cửa, nhìn lên trời. Các ý nghĩ mọc lên trong đầu tôi, liên tiếp, rậm rạp, như một cánh rừng nhiệt đới mùa mưa. Tôi nghĩ về Minh, chị tôi, với các mong muốn không rõ hình thù. Tôi bỗng nghĩ về Xuyên, về nỗi thèm khát được thương yêu, được ấm áp của cậu ta, về hy vọng lạc lối khi chọn cuộc sống biết rõ tận cùng chỉ là một dấu chấm đã được tô đen. Rồi tôi nhớ về em gái tôi, con bé Hoan, sự gắn bó chân thành, bất vụ lợi phải chăng chỉ còn khi người ta chưa phải đâm đầu vào cuộc sống vất vả, với đủ mọi vật lộn tầm thường cho sự tồn tại trần trụi? Người ta sống để làm gì, nếu cuối đường là sự cô độc, bị lãng quên như bà chủ nhà của tôi? Năm tháng cuốn trôi. Có người sống đến già. Có người phải chọn điểm dừng sớm. Nhưng không bao giờ được đánh mất thương yêu. Không bao giờ được khô cạn niềm hy vọng. Những kẻ như tôi không được phép ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình. "Anh ạ..." - Tiếng cô nhóc gọi khẽ, vang lên sau lưng. Tôi ngoảnh lại. Không, Châu vẫn ở đây. Hiện tại mạnh hơn hết thảy. Khi tôi còn nhìn thấy đôi mắt trong veo ấy, nụ cười rạng rỡ ấy, thì tôi không được nghĩ gì khác.

Tôi lại mua một chiếc kèn trumpet đồ chơi màu đỏ. Tôi thổi mãi. Cho cô nhóc và cho tôi. Âm thanh cao vút, như chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa cho phép tôi chạm vào cảm giác bí ẩn: Niềm hạnh phúc được yêu thương. Niềm hạnh phúc vì mỗi ngày cuộc sống lại tràn vào mắt, vào tai, vào phổi, vào tâm hồn tươi trẻ của chúng tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 11-1-2012 14:13:12 | Chỉ xem của tác giả
Phần 13


Cuối năm. Không khí mát lạnh và sáng sủa. Bỗng có các ngày mưa tầm tã. Bất kể lúc nào, trời cũng có thể sập xuống một cơn mưa giông. Tôi trèo lên nóc nhà thông vũng nước đọng và bị ngã sái khớp vai. Không có nhiều tiền để đến bệnh viện, tôi đành ghé phòng mạch của một ông bác sĩ, là người quen cũ của gia đình, nhờ ông ta băng bó. Lúc điện thoại xin cuộc gặp, một lý do khác khiến tôi dè dặt. Ông ta là bác ruột của Linh, cô bạn thân thiết cũ của tôi. Tôi nói thật với ông là trong túi chỉ còn gần một triệu. Nếu vỡ xương vai, chắc chắn là tôi không có tiền làm phẫu thuật. Ông bác sĩ nhìn tôi bằng đôi mắt tò mò pha lẫn ngạc nhiên kín đáo. Ông nghe phổi tôi chăm chú, vạch mắt mũi tôi ra xem xét kỹ lưỡng, như kiểm tra một con chuột thí nghiệm. Hồi tôi còn là thằng oắt bé tí teo, mẹ đã mang tôi đến đây. Rồi bây giờ, tôi hơn 19 tuổi, biết đủ thứ chuyện trên đời, ông vẫn nhìn tôi với cùng một ánh nhìn. Thật lạ lùng, dù người ta có lớn lên, trưởng thành, bao nhiêu là thay đổi, thì tại sao họ vẫn cứ mãi mãi phải giữ hình ảnh bất biến trong mắt những người già nua? Khám và băng bó vai bên trái cho tôi xong, ông bác sĩ chùi tay bằng cái khăn đẫm mùi cồn, bất thần đặt câu hỏi:

- Khi nào thì hồi gia đây, cậu nhóc?

- Cháu không nghĩ đến chuyện ấy! - Tôi lẩm bẩm sau hồi lâu nín lặng.

- Đừng bướng bỉnh và cũng đừng sĩ diện. Về nhà là lựa chọn đúng đắn. Cứ xem như hoàn chất chuyến du lịch xa và bây giờ đã đến lúc trở lại. Tôi bảo đảm ba mẹ cậu sẽ xem như không có gì suốt mấy tháng qua. Và thâm tâm cậu cũng mong muốn được về nhà, chắc chắn là vậy!

- Cháu không nghĩ đến chuyện ấy! - Tôi nhắc lại, rõ ràng hơn, nhìn thẳng vào ông bác sĩ một cách cương quyết - Thành thật là thế. Bác đừng tốn công thuyết phục.

- Thôi đành vậy. Đó là lựa chọn của cậu. Nhưng ở vị trí bác sĩ, tôi mong cậu về nhà. Vì lợi ích của cậu thôi. Nói thẳng thắn nhé, sức khoẻ của cậu có vấn đề đấy. Cậu nghĩ gì khi một là một gã trai cao 1m74, mà chỉ có 56kg? Nếu tôi bảo cậu đi chụp phổi, sẽ phát hiện ra ít nhất một đốm nám. Cậu đang tuổi lớn, còn cao lên, cần được bồi dưỡng đầy đủ. Thế mà cậu ăn gì? Cậu đã làm cái quái quỷ gì đến nỗi gầy rộc như thế này, hả? Cậu có thấy rằng bỏ nhà đi, lao đầu vào cuộc sống tăm tối thiếu thốn là vô cùng điên rồ không?

-Cháu sắp chết ư? - Tôi lơ đãng đặt một câu hỏi hình như chẳng ăn nhập.

Ông bác sĩ già thẫn thờ nhìn tôi, không biết nói sao nữa. Làm sao ông ấy biết được viễn ảnh ốm đau chẳng khiến tôi sợ hãi mảy may. Trái lại, nó làm tôi như được an ủi. Vâng, an ủi nhiều lắm. Mỗi khi nhìn Châu yếu ớt, mỗi ngày thêm hốc hác, đôi mắt to tướng trên gương mặt nhỏ thó, tan biến dần dần vào hư không, trong khi đó, tôi lại mạnh khoẻ nhởn nhơ, tôi lại thấy hệt như mình có lỗi.

Buổi chiều thì mưa mịt mù trời đất. Những con đường lênh lang nước. Có nhiều đoạn ngập lụt, xe chết máy phải dắt bộ từng quãng dài. Chạy xe ôm thật kinh khủng. Lắm hôm tôi chỉ mặc chiếc áo đi mưa loại mỏng dính, nhường lại cái áo poncho thoải mái cho khách. Rét run. Ướt át. Tôi ho suốt. Nhưng tôi chẳng nghỉ ngơi. Gần tết nhất, ai cũng bận rộn, di chuyển nhiều. Con chiến mã Viva của tôi nhờ thế mà đắt khách ra trò.

Có nhiều tiền trong túi, tôi tự do làm những điều mình muốn. Khi Châu cảm thấy không mệt quá, tôi đưa cô đi chơi khắp nơi. Xem phim hành động. Vào khán phòng nhạc viện nghe jazz châu Âu. Có lần, hai đứa tôi còn chơi sang, dốc hết tiền trong ví, lên một nhà hàng sang trọng , một con thuyền du lịch trên sông. Châu chẳng ăn uống được gì. Nhưng việc được nhìn thấy thành phố quen thuộc từ góc độ lạ lẫm của những con thuyền làm cô nhóc vui sướng kỳ dị. Chúng tôi chọn cái bàn nhỏ sát lan-can. Tiếng máy tàu rầm rì. Tiếng sóng nước vỗ lanh tanh. Mùi trái cây chín rục từ các khu vườn xa xăm theo nước chảy về. Gió ẩm và lạnh. Tôi cầm chặt bàn tay người yêu. Vài sợi tóc yếu ớt trên đầu cô mơn man chóp mũi tôi. Tàu chạy sang bờ bên kia. Bảng điện quảng cáo nước ngọt nhấp nháy, kéo vệt dài đỏ thắm trên các bụi cây ven bờ, hắt xuống làn nước tối sẫm. Các vòng tròn của những dòng chữ điện nhỏ hơn nối tiếp cũng phản chiếu xuống sống, loang ra từng vùng sáng màu ngọc bích mê hoặc. Trên màn hình chiếu phim khổng lồ nổi lên trên các nóc nhà im lìm, chiếu cảnh quay chậm một đoá hoa trắng muốt nở ra trong một cái bình thuỷ tinh trong suốt. Đột nhiên, tôi quên mất mình đang ở giữa chốn đông người. Hệt như hai chúng tôi được bình yên, trong cái hộp thuỷ tinh trong suốt, ngăn cách với thế giới ồn ào sặc sỡ ngoài kia. Châu còn ở sát bên tôi. Đoá hoa trắng muốt vẫn còn ở sát bên tôi. Giây phút này quý giá siết bao. Phát hiện dịu dàng đến thắt đau.

Khuya hôm ấy, tôi về muộn. Gã chồng chị bán xe thuốc lá vẫn kiên nhẫn chờ tôi. Lúc tôi đưa tiền, ông ta cũng chẳng buồn nhìn tôi nữa. Vẫn cái mùi ngai ngái của mồ hôi bám trên quần áo cũ. Vẫn tia mắt cú mèo ánh lên ma quái trong bóng đêm. Nhưng đôi vai nẹp nhôm không còn thẳng dẵng kiêu căng mà héo rũ rủ xuống. Ông ta đang trong quá trình tự huỷ hoại bí mật. Bất giác, tôi nhận ra có những người mình tiếp xúc hàng ngày, nhưng mình chẳng còn nhớ rõ hình dáng họ nữa. Sự biến mất ngay trước mắt của những điều quen thuộc. Như gã cú đêm này... Tôi rẽ vào hẻm. Bỗng vang lên tiếng la thất thanh của chị sún răng. Một tiếng tát mạnh. Gã chồng đánh vợ thì phải. Nếu trước kia, hẳn tôi sẽ lao vào, nện cho những gã vũ phu một trận. Tuy nhiên giờ đây, lăn lóc ngoài đời đã dạy cho tôi rằng cứ để mặc bọn họ. Mọi việc dù có ghê gớm đến đâu thì tự nó cũng sẽ tìm ra được kết thúc êm xuôi. Tiếng hét một lần nữa vóng lên, xé rách sự tĩnh mịch. Tôi ngoảnh lại. Chị vợ đã ngã khuỵu xuống lề đường, nằm phủ phục khuất sau xe thuốc lá. Gã chồng đang co chân liên tiếp đá vào người chị vợ. Tôi quay xe. Phóng đến. Nhảy xuống. Như một con sói điên, tôi túm lấy cổ áo gã đàn ông, giằng mạnh ra. Cánh tay tôi vung cao, quai thẳng vào quai hàm đối phương. Gã hộc lên, xoay người, phang cùi chỏ vào mặt tôi. Tôi đấm mạnh cú nữa. Gã chồng vũ phu lảo đảo như một con trốt cũ kỹ rồi ngã bịch xuống, đầu nằm luôn vào vũng nước mưa. Lạy Chúa, gã yếu hơn tôi tưởng. Chị vợ khốn khổ lồm cồm ngồi dậy. Chị ta khóc thút thít, rồi quáng quàng đỡ đầu gã chồng lên. Chị ta ngước nhìn tôi, một mắt biết ơn, một mắt tràn đầy oán giận. Thật kỳ quặc! Tôi bỏ đi, thở dài. Vậy đấy. Tôi tưởng mình khôn ngoan, cứng rắn, đủ sức lạnh nhạt với vấn đề khốn khổ của kẻ khác. Thế rồi tôi vẫn không thể.

Đêm lạnh. Tôi thay quần áo, chuẩn bị rúc vào chăn thì mobile rung lên. Máu trong người tôi đông lại. Hàng trăm lần tôi đã lo sợ cú điện thoại bất thường, báo tin của Châu. Nhưng chẳng phải. Số máy bàn quen quen. Đầu dây bên kia vang lên một giọng nói êm mượt và dịu dàng. Linh, cô bạn gái cũ. Cô rụt rè hỏi tôi có ổn không. Tôi đờ đẫn, rồi sực tỉnh, trả lời qua quýt. Chừng như đọc được tâm trạng tôi, khi tôi sắp tắt máy, cô kêu lên thảng thốt.

- Sao Linh gọi khuya thế? - Tôi hỏi lạnh nhạt.

- Huy đang mất sức, đang gầy lắm. Bác sĩ bảo thế!

- Chẳng có gì ghê gớm cả! - Tôi xoa nhẹ gương mặt khô rát, thản nhiên - Linh gọi mình chắc không phải vì vấn đề ấy. Nào, nói đi, có chuyện gì vậy?

- Ba mẹ Huy đã tìm được một trường kiến trúc rất tốt ở Hà Lan để Huy sang học. Nhà mình cũng tìm được một trường có ngành truyền thông, để cho mình sang học ở đấy. Chúng ta sẽ đi cùng nhau. Mọi thứ thật thuận lợi và dễ dàng, Huy ạ...

Tôi nhìn xuống sàn, nơi tôi đang đứng. Khoảng cách từ đây ra cửa. Những ô vuông được chia ra rõ ràng, như các bước đi sáng rõ, chẳng cần băn khoăn. Giọng Linh vẫn vẳng đến tai tôi, đều đều. Những hình ảnh hấp dẫn, sáng sủa lôi cuốn, nhưng thật ra chẳng có gì mới mẻ. Những quy ước về con đường thành đạt và hạnh phúc có sẵn. Tôi bấm nút cắt đứt cuộc gọi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 11-1-2012 14:15:40 | Chỉ xem của tác giả
Phần 14


Cái chết của Châu đã bứng đi khỏi tôi một điều gì đó. Khoang bụng tôi trống rỗng. Vòng tay tôi trống rỗng. Và đầu óc tôi cũng trống rỗng. Tôi sống với khoảng không mênh mông, hoang mang hơn tất cả những gì tôi đã cố hình dung trước đấy. Tôi không khóc, cũng cũng buồn thảm kiệt quệ. Chỉ đơn giản là tôi vắng vẻ đến cùng cực. Bà chủ nhà đã trở về sau chuyến du lịch châu Âu. Tôi giao lại chùm chìa khoá cho bà cụ, rồi đeo ba-lô lên đường.

Tôi đi về miền tây, ngồi trên ghe đi qua các kênh rạch. Sau đó tôi vòng ra miền trung, đi dọc theo quốc lộ. Tôi sống vạ vật. Một ngày ăn hai lần. Chỉ nhớ đổ xăng đầy bình. Rồi lang thang theo đường viền chân núi. Thỉnh thoảng ghé vào một nhà trọ rẻ tiền, trú mưa. Chẳng có địa chỉ nào cụ thể. Điện thoại tôi khoá lại. Có một đêm, tôi đắp áo gió, ôm mũ bảo hiểm trước bụng, ngủ trên băng ghế đá, dưới những cây phi lao gần sát mí biển Nha Trang. Khi tỉnh dậy, có một người trung niên ngồi gần phía chân tôi, hút thuốc. Ông ta đội một cái mũ nhung mềm, xụp xuống trán. Tôi ngỡ kẻ gian định lấy trộm xe. Nhưng người trung niên ấy bảo tôi cứ việc ngủ. Ông ta không phải là kẻ nguy hiểm. Tôi ngồi dậy, bên cạnh một kẻ hoàn toàn xa lạ, chẳng nói gì, nhìn biển. Mặt trời mọc lên phía tay trái tôi, ửng đỏ. Còn bên tay phải, màn nước vẫn bị bóng tối âm u ngậm trong vòm miệng. Phải chăng mọi thứ trên đời này đều bị phân chia làm đôi. Đêm và ngày. Ánh sáng và bóng tối. Sức khoẻ và ốm đau. Một người vẫn sống, đi lại, trò chuyện và hít thở. Một người vĩnh viễn lặng im và dừng lại. Tôi đọc ở đâu đó nói rằng, cái chết chẳng có gì đáng sợ. Nó không phải là mặt trái của sự sống, mà chỉ là vùng tối cần thiết, một phần phải có và thuộc về cuộc sống mà thôi. Biết vậy, nhưng tôi vẫn không sao thoát được ý nghĩ cả tôi và cô ấy giờ đây đều chịu sự đơn độc, mà không sao chạy đến nâng giúp cho nhau được nữa...

Người đàn ông mời tôi một cốc cà phê mà ông mang theo trong cái phích màu đỏ. Ông ta biết tôi ở thành phố, khi nhìn bảng số xe. Ông hỏi tôi có chuyện gì đau lòng hay không mà lang thang ra đến tận đây. Tôi gật. Ông ấy ta bỗng bảo vợ ông ta mất năm ngoái. Vì thế mà buổi sáng, ông thích đi ra đây nhớ vợ của mình, và ôn lại những ngày đã qua, từ khi còn là một chàng trai trẻ, nhẫn tâm, mải chơi và vô trách nhiệm. "Thật khó tin một kẻ trải đời như tôi uỷ mị thế này. Nhưng tôi cho phép mình không cứng rắn trong một thời gian. Kiên cường quá, đôi khi cũng không để làm gì!" - Người đàn ông lầm bầm. Tôi uống trong nắp phích từng ngụm nhỏ cà phê đắng, tỉnh táo. Tôi chẳng buồn chia sẻ. Chẳng ai hiểu được tôi đâu. Người đàn ông cũng không gạn hỏi gì. Ông ta lại hỏi tôi có đói bụng không và cho tôi một miếng bánh mì cất trong túi áo. Thật vô cớ, bỗng dưng nước mắt ứa đầy mặt tôi. Tôi úp mặt vào lòng tay, khóc nức nở. Nước mắt nóng chảy qua kẽ ngón, ướt nhoè lớp da tay bám đầy cát, khô rám và cáu ghét. Người đàn ông đứng dậy, mặc tôi khóc một mình cho thoả. Trước khi đi, ông ta cho tôi cái mũ nhung. "Từ đây về thành phố còn xa. Lúc nào không đội mũ bảo hiểm thì cậu đội cái này. Dù sao cũng cần phải giữ gìn đầu óc..."

Tôi về thành phố vào lúc 6 giờ sáng. Tôi ghé vào một cây xăng ở ngoại ô, rửa mặt và đánh răng. Trong gương, một người xa lạ, râu lởm chởm, mặt mũi cháy nâu nhìn thẳng vào mắt tôi. Tấm lịch sau lưng tôi cũng in hình vào gương. Đó là ngày bắt đầu học kỳ mới. Mình trở lại trường đại học luôn sáng nay, tôi tự nhủ. Tôi khởi động lại mobile và nổ máy xe. Bỗng, mobile trong túi áo tôi vang lên tiếng nhạc. Linh gọi cho tôi. Cô ấy trách móc tôi luôn miệng, vì đêm qua tôi đã khoá điện thoại. Tôi im sững hồi lâu, rồi mới hiểu ra. Ừ, thì chỉ là tình cờ. Hẳn hôm qua cô ấy mới gọi lại cho tôi sau nhiều tuần giận dữ. Một chi tiết nhỏ xíu, mà khiến tôi bàng hoàng. Trong khi người này đang vỡ ra, đau đớn lớn lên, thì với người kia, cuộc sống vẫn bình lặng tuôn chảy theo nhịp điệu cũ. Hệt như chẳng có gì ghê gớm đã xảy ra giữa những lần nói chuyện thế này. Tôi đồng ý gặp lại cô bạn, nói chuyện tử tế về việc du học, cho cô an lòng. Rồi tôi tắt máy.

Điện thoại lại rung lên. Con bé Hoan em tôi. Nó thầm thì hối hả: "Anh này, em nhớ anh điên lên. Anh này, em khỏi hẳn ốm rồi đấy. Anh có muốn nghe tiếng kèn trumpet em thổi không?". Tôi thử mỉm cười. Biết nói gì với một góc tâm hồn bé nhỏ trong thời điểm này? Tôi mãi đứng im ngay giữa con đường rộng. Âm thanh chói loà vang lên trong tai tôi, toả ra ánh sáng đỏ rực, chói chang.

END
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách