Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Gumi
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Tóc Ngắn | Nguyễn Thị Châu Giang

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 28-12-2011 19:31:43 | Chỉ xem của tác giả
Mười


Tám giờ tối chị Lương chở mẹ đi công chuyện chưa về. Tôi ăn tạm một tô mì ăn liền rồi ngồi bó gối trên divan, sách giở trước mặt mà không đọc chữ nào. Tôi nhớ quay quắt mỗi tối thứ bảy như vầy vào những ngày tưởng như xa xưa lắm. Lại ngồi bên nhau, cùng ăn bữa cơm thịnh soạn do mẹ nấu. Cũng chỉ là những món ăn bình thường nhưng vì có đủ ba mẹ, chị Lương và tôi, mọi người gắp thức ăn qua lại cho nhau nói cười vui vẻ làm căn phòng thêm ấm áp và bữa cơm ngon lạ lùng.
Bữa cơm cuối cùng đầy đủ thế là lâu rồi. Bây giờ chỉ có ba mẹ con trong căn nhà rộng. Ba thỉnh thoảng mới ghé về nhà, cho tôi quà xong lại đi ngay. Vội vàng như sợ không kịp thời gian. Chú Biên lại đứng ngoài cửa bấm còi tin tin, lại hỏi câu hỏi muôn năm cũ: “Bé vui khỏe chứ bé?” mà không để ý mặt tôi đang xị ra.
Có con gì ướt nhẹp bò lên chân. Tôi giựt thột. A, Mực! Tội nghiệp mày, bị bỏ đói à? Nào đi theo tao. Tao sẽ ráng kiếm cho mày một chút gì đó lót bụng nha. Rồi đợi mẹ về tụi mình sẽ đánh chén no nê.
Tôi mở tủ lạnh, lục chạn chén bát. Trống rỗng. Tôi đưa tay lên nóc tủ lạnh lấy một hộp thiếc bự nhất. Hà, hy vọng trong này còn nhiều bánh bích quy, món ăn khoái khẩu ngoài sức tưởng tượng của con Mực. Hôm nay thứ bảy mày sẽ được xơi một bữa ra trò Mực ạ.
Một tờ giấy gấp tư từ nóc tủ bay xuống đất. Tôi lượm lên, thấy vẫn còn luộm nhuộm vết mỡ, một vài chỗ phủ bụi mờ mờ. Tôi giở ra đọc, lướt qua những dòng chữ gạch xóa nhằng nhịt. Tôi nghĩ mình đã hoa mắt nên mở tủ uống một cốc nước lạnh rồi mới định thần đọc lại. Không tôi không lầm. Đây chính là bản nháp đơn xin ly hôn của ba mẹ tôi. Với một lý do vô cùng đơn giản: Không hợp nhau.
Tôi ngồi bẹt xuống đất. Hộp bánh hộp bánh tuột khỏi tay bung nắp, bánh đổ tung tóe. Tôi nhìn như nuốt chửng tờ giấy, hoàn toàn không để ý đến con Mực đang hết nhìn tôi lại nhìn đống bánh, dãi dớt lòng thòng. Đau đớn và thất vọng, mắt tôi bỏng rát. Ba mẹ đã lừa dối tôi. Chị Lương đã nói dối tôi. Tôi có còn là con nhóc nữa đâu. Tôi đã lớn rồi, tôi đã hiểu nhiều điều rồi, sao còn giấu tôi.
Con Mực áp mặt nóng hổi vào má tôi. Tôi cay đắng: “Chỉ có mỗi mày là hiểu tao. Ai cũng cho tao là một con ngốc. Họ coi thường tao”. Tôi chậm chạp dọn dẹp mọi thứ, chậm chạp khép cửa và chậm chạp chui vô giường. Tôi không muốn gặp mặt mẹ, ít nhất là trong lúc này.
Đồng hồ điểm chín tiếng. Tôi dỏng tai nghe tiếng mở cửa, tiếng con Mực rên ư ử và tiếng thì thào thẽ thọt của chị Lương. Tôi nghe thấy tất cả nhưng không muốn trở dậy.
Mẹ nhẹ nhàng đi vào phòng, khẽ mở mùng và nhìn tôi hồi lâu. Mẹ tưởng tôi đã ngủ nên chỉ hôn nhẹ vô trán tôi và âu yếm: “ Tội nghiệp con của mẹ lần nào ngủ cũng quên tắt đèn”. Mẹ tấn kỹ mùng rồi bỏ ra. Tôi vùi đầu vào gối. Không nín được, tôi bật khóc.
Tôi dậy rất sớm, rón rén ra mở cửa. Chị Lương và mẹ vẫn không hay biết. Hôm nay tôi lại trở thành cậu bé gái. Tôi đánh cái quần jean, áo tắng phong phanh, túi xách tòng teng trên vai. Tôi trèo lên xe lang thang qua các phố.
Đường phố vắng tanh. Trời ửng hồng, lơ lửng mảnh trăng khuyết đêm qua bỏ quên bạc thếch trên đỉnh đầu. Cây cối sau mọt đêm ngủ dài trở nên bóng mướt. Một người đàn bà ôm giỏ ngồi trên ghế đợi xe lam, nhìn tôi tò mò, mặt tôi hốc hác vì thiếu ngủ, đuỗn ra phờ phạc.
Cô giám thị đứng sững trước mặt: “Hôm nay em ăn mặc lạ thế?” Tôi nghẹn giọng: “Dạ nhà em có chuyện”. Cô nhìn tôi từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu như nhìn người hành tinh lạ, giọng thông cảm: “Thôi được lần này tôi tha – và e hèm – Hừm, lầm sau bất cứ lý do gì cũng không được chấp thuận. Nghe chưa?”
Lớp ồn ào tiếng cười nói. Phan túm tay tôi, rối rít chỉ lên bảng: “Bé trai thấy gì không?” (Phan học chung cấp hai với tôi và là người duy nhất kéo lê cái biệt hiệu khốn khổ của tôi từ đó đến giờ). Trên bảng dán một tờ giấy trắng vẽ nguệch ngoạc người đàn bà và người đàn ông nắm tay nhau, ở giữa có quả tim xẹo xọ bằng mực đen: “Biết cái gì không? Đố vui của SV’96 đó. Cho bà một phút suy nghĩ”. Luận đứng chống tay chờ đợi. Tôi trả lời như một cái máy: “Hạnh phúc gia đình”. Phan cười hềnh hệch: “Hổng dám đâu bé trai. Là Lam và Như Oanh đi dạo trong công viên chiều chủ nhật đó!” Lớp nháo nhào phản ứng. Như Oanh cúi gằm mặt không phản ứng.
Tôi quay mặt đi. Tôi thấy mấy trò ghép đôi này thật nhảm nhí, ngớ ngẩn. Tôi lại sực nhớ có một lúc ba mẹ tôi đã thật sự hạnh phúc như tấm hình đó.
Lớp bỗng lộn xộn. Lam chạy huỳnh huỵch lên bảng giật tờ giấy xé tan. Nó hằm hằm như muốn ăn tươi nuốt sống thằng Phan. Nó đang há mồm lắp bắp: “Tao chỉ đùa. Thiệt mà…” Bọn con gái ầm ĩ đẩy Lam ra. Mặt nó vẫn nặng trịch. Tôi nói với Lam: “Có thiệt người ta mới làm dữ vậy. Chớ mắc gì…” Nó trừng mắt nhìn tôi tóc dựng đứng rồi đột nhiên xuôi xị, lủi thủi về chỗ.
Tôi muốn khóc.
Tôi không nghe thấy tiếng giảng bài. Tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ lại hồi còn bé. Tôi vẽ chân dung ba, chân dung mẹ, chân dung chị Lương và tôi bằng màu nước mà nếu không đọc phụ đề thì không nhận ra ai được. Ba lồng tất cả trong một khung kiếng rồi trịnh trọng treo ở phòng khách. Mỗi ngày đi qua tôi lại nhìn lên đó, lại đem mình so sánh với Trúc và thấy sướng nhất vẫn là tôi. Một thời gian sau bức tranh bị gỡ ra để treo một tấm tranh phong cảnh to đẹp của nước ngoài.
Bức tranh gia đình của tôi bây giờ ở đâu nhỉ?
“Ly, Ly”. Bức tranh ấy đâu nhỉ? “Không, tôi không biết”. Tôi lẩm bẩm. “Ly sao vậy? Đứng lên chào cô kìa”. Tôi uể oải đứng dậy, sực nhớ sau nhiều lần chuyển nhà bức tranh đã bị bỏ quên ở đâu đó trong một góc tối ẩm mốc.
Tôi nằm xoài ra áp má vào mặt bàn mát lạnh. Nguyệt voi ghé bên cạnh bảo: “Bữa qua coi tivi đài Sông Bé không? Phim “Người nơi biên giới” hay hé – Nó thất vọng – Không coi à? Uổng. Nguyệt mê Lê Minh dễ sợ”. Xong thỏ thẻ: “Tối qua tụi nó thấy Lam chở Như Oanh đi chơi. Ghê chưa?” Tôi bảo tôi không thấy gì ghê cả. Nhưng khi nhìn xuống chỗ Lam, tôi nhồn nhột.
Tôi muốn khóc.
Lam nhận ra tôi đang ngó nó. Nhưng lúc này tôi đã không còn thấy Lam nữa, ngoài mảng tường vẽ hình cái lá sau lưng nó. Lam đi lên, thọc tay trong túi, nghênh ngáo rút bịch ô mai cho tôi và phân trần: “Tối qua Như Oanh không có xe phải nhờ Lam chở đi học. Hai đứa học thêm chung lớp”. Chẳng có gì để nói cả nhưng tôi cũng bảo: “Thế à?” Lam phật ý: “Thế đây!” – “Vậy cũng tốt. Lâu lâu làm việc thiện hén”. Chưa nghe xong hết câu Lam cau mặt bỏ đi.
Ba mẹ hay cãi nhau về một cô gái trẻ nào đó mà không muốn cho tôi biết. Cãi nhau rất lịch sự và nhỏ nhẹ nhưng cuối cùng là chia tay. Tại sao tôi không hề biết, không nhận ra chuyện ấy từ sớm? Tôi thật ngốc ngếch. Giá như mỗi người nhường một ít, chắc khác.
Nhưng họ đang đòi chia tay.
Tôi cúi gằm mặt. Tôi khóc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 28-12-2011 19:33:06 | Chỉ xem của tác giả
Mười Một


Mấy ngày sau đó, ở lớp cũng như ở nhà tôi âm thầm như một cái bóng. Không tâm sự cũng chẳng hỏi han ai cái gì. Không học bài cũng chẳng đi lang thang ngoài đường cho khuây khỏa. Tôi nằm nhà đắp chăn đến tận cằm, quạt quay vù vù vô người. Và lâu lâu thút thít khóc.
Xuyến hỏi: “Ly với Lam giận nhau à? Sao không thấy nói năng chi với nhau vậy?” Tôi khịt mũi: “Giận dỗi gì. Từ xưa đến nay thế rồi”. Xuyến ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Hình như Lam để ý Ly” – “Hổng có đâu!” Tôi giãy nảy, cố làm mặt vui: “Có người đẹp bên cạnh mắc gì để ý ai, anh Lam hén” – “Là ai?” – “Là nói chung” – “Sao lại không?” Lam vênh mặt nhìn tôi chòng chọc như chọc tức. Tôi chữa ngượng: “Tui không biết ông sao. Chứ tui thì nhất định thế rồi”.
Xuyến đưa tôi cục kẹo me: “Hồi này thấy Ly không được bình thường. Có cần gỡ rối tơ lòng thòng không?” – “Chi đâu. Chuyện gia đình”. Xuyến nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy tủi thân: “Ba mẹ Ly đòi chia tay. Cũng không biết là lâu chưa nữa”. Xuyến không nói chỉ vuốt vai tôi nhè nhẹ. Im lặng một lúc, Xuyến khuyên: “Nhưng đừng để ảnh hưởng đến học tập. Đợt kiểm tra vừa rồi điểm không cao phải không?: Tôi gật đầu, ứa nước mắt.
Buổi trưa tôi ghé nhà Thục. Nó vừa gội dầu xong, quấn một cái khăn lông bự xự trên đầu làm khuôn mặt trở nên bé xíu. Nó rú lên: “Đi đâu lạc vô đây đấy?” Tôi ngồi phịch xuống ghế: “Kiếm mày chớ đi đâu”. Tôi kéo nó ngồi xuống, kể lể mọi chuyện không đầu không đuôi, nước mắt dầm dề.
Thục nhướng cao mày: “Từ từ đã. Ba mẹ mày chia tay lâu chưa?” – “Tao không biết. Chỉ mới đọc được bản nháp. Nhưng tao không hỏi” – “Đồ ngốc. Mày phải hỏi cho ra lẽ để còn nước còn tát chứ. Bộ mày không biết con cái là chất hàn gắn vĩ đại nhất trong hạnh phúc gia đình à?” Tôi thật thà lắc đầu. Thục nhìn tôi thương hại: “Rõ nhà quê. Về hỏi cặn kẽ đi rồi tao quân sư quạt mo tiếp cho” – “Tao ngại. Tao không thích” – “Dẹp cái tự ái của mày đi. Hay muốn tao giúp” – “Thôi để tao. Ít ra nghe mày nói tao cũng thủng ra được một ít”.
Tôi đạp xe về. Nhưng rõ ràng tôi không thể nào dũng cảm như Thục được. Tôi đoán nhà có khách lạ. Một chiếc Cub dựng ở góc sân, con Mực ra nằm chắn ngang cửa, mõm ghếch lên chân, mắt nheo nheo vẻ suy nghĩ. Tôi hỏi: “Ai đó?” Nó nhoành miệng ra cuời, rít ư ử trong cổ họng.
Tôi vô phòng khách ngạc nhiên khi thấy Lam ngồi trên divan, chúi đầu vào tập tranh của tôi (mà có lẽ mẹ đã mang ra khoe, như thói quen cố hữu mỗi khi bạn tôi đến nhà mà không có tôi ở nhà). Tôi đằng hắng: “Tới lâu chưa vậy?” Lam trả lời không hề giật mình như đã biết tôi về từ nãy, chỉ có điều không thèm ra chào: “Đủ để nhận thấy đó phải là những bức tranh không tồi”. Tôi phổng mũi: “Tất nhiên rồi”. Tôi loay hoay đề nghị: “Ngồi chơi hén. Ly đi kiếm cái gì ăn” – “Thôi khỏi – Nó khoát tay vẻ người lớn – Tới chút thôi mà”. Nó nghiêng nghiêng cái đầu: “Ly đã nhận được tin của Trúc chưa?” – “Có. Nó bảo còn nhỏ nên dễ hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ. Chỉ có điều nhớ Việt Nam lắm”. Nó buột miệng: “Nhớ Ly thì có” – “Chớ sao nữa – Tôi tấn công lại – Giống anh Lam nhớ chị gì đó ở ngoài Bắc đó”. Nó gãi đầu loạt xoạt: “Tầm bậy. Đó là nhớ bạn bè nói chung” – “Thì đây cũng bạn bè chớ bộ”.
Hai đứa tự nhiên nín thinh. Một lát Lam e dè: “Ly đang có chuyện buồn phải không? – “Sao biết?” – “Thì đoán” – “Xạo. Con Xuyến nói cho anh biết chớ gì?” – “Không có tại Lam thấy Ly học kém đi, vô lớp ít nói chuyện hẳn. Đến cô chủ nhiệm cũng phải bảo Lam đến hỏi xem Ly có cần giúp gì không?” “Bộ hồi giờ trong lớp tui nhiều chuyện lắm à?” – Tôi hỏi giỡn không ngờ nó đáp tỉnh rụi: “Cũng gần thế. Nhất là cái hồi cãi nhau với Lam”. Tôi cáu kỉnh: “Tại ngồi gần ông tui mới đáng ghét vậy”. Nó vội quẳng cho tôi một cái phao an ủi: “Đâu có, dễ thương chớ. Vui hơn giờ nhiều” – “Xạo” – “Thật. Kiếm người để tranh luận ngang ngửa khó lắm. Nhất là người khi khí thông minh” – “Thôi đừng cho tui đi tàu bay giấy, té lộn cổ giờ” – “Thì có người đỡ lo gì” – “Ai?” – “Cứ biết là có người đỡ đi”. Nhìn mặt nó hài hước tôi phát bật cười. Thấy nhẹ nhõm hẳn.
“Nè nói thật đi. Ly không sao chớ?” – “Buổi trưa hổng có sao. Tối mới có” – “Vậy thôi về”. Lam nhỏm dậy. Tôi sợ mình lại đùa quá trớn nên cầu hòa: “Đùa thôi, ngồi chơi chút đã. Tự ba mẹ Ly đòi chia tay”. Tôi nói nhanh và trơn tru gần như không có cảm giác vì nó được lặp đi lặp lại trong đầu, trên miệng quá nhiều lần.
“Họ có hỏi ý kiến của Ly không?” – “Chưa thấy” – “Vậy là chưa có gì nghiêm trọng đâu”. Nó cầm tay tôi siết nhè nhẹ. Cái siết tay làm tôi bình tĩnh khủng khiếp.
Trường tổ chức thi đá banh. Trận khai mạc lớp tôi đấu với 10A5. Xuyến kéo tôi đi bằng được, mặc kệ lớp học thêm có ba đứa chiều nay chỉ còn lại một với ông giáo già dạy Pháp văn lọm khọm.
Mới hơn một giờ tụi nó đã dến đầy sân banh, quây thành từng tốp dưới bóng cây lớn. Vừa nhác thấy tôi Nguyệt voi réo: “Ly, Ly. Lớp mình đang thiếu cầu thủ dự bị, bồ tóc ngắn vô thế một chỗ nha?” – “Ừa. OK liền”. Cả bọn cười lao nhao. Nhìn tôi thân thiện. Kể từ hôm biết ba mẹ tôi sắp chia tay, bọn nó lúc nào cũng tìm kiếm cách để cho tôi vui, hoặc an ủi bằng những câu nói tưởng như rất vu vơ. Ôi các  bạn của tôi!
Một đứa hỏi nhóng lên: “Ai làm trung phong?” – “Thằng Lam. Nghe bảo nó chì lắm!” Tôi chép miệng. Không biết ông tướng có làm gì được không chớ công tử thường chạy hai ba bước là mệt phờ râu, lết còn chưa nổi chớ đòi chạy theo banh.
Trời nắng như đổ lửa. Bóng cây không che đủ chỗ tôi ngồi, nắng táp vào mặt bỏng rát.
Ra quân. Tôi không ngờ Lam mặc bộ đồ đá banh lại ra dáng thể thao đến thế. Chân dài, nó chạy rất nhanh. Mới đây mà đã thoắt biến tận cầu môn của đối thủ. Tụi con gái xầm xì “Thằng Lam đẹp trai thiệt” giúi đầu vào nhau cười và hét to khi bóng vào chân Lam “Lam, Lam cố lên. Cố lên. Vô đi Lam”. Tôi tưởng như Lam đang là vị cứu tinh của trận đấu, mặc dù nó chưa sút vô được trái nào.
Trống và các thùng sắt thiếc đập vào nhau ầm ầm. Giọng thằng Tuấn bên A3 cất lên ồm ồm: “Các anh có ý kiến thế nào về trận đấu? Quá tuyệt vời, quá tuyệt vời phải không thưa các bạn? Hiện nay bóng đang ở trong chân của tuyển thủ A1 Nguyễn Hoàng Lam”. Bọn con gái vỗ tay ầm ĩ. “Vâng, Lam là một cầu thủ bảnh bao, đẹp mã, hiện anh đang hết sức phấn khích vì có bao nhiêu holigan nữ ủng hộ cho anh. Banh vẫn đang ở trong chân Lam từ từ tiến vào vòng 16m50. Anh đã qua một… hai… ba… hậu vệ đối phương. Thật hồi hộp. có vào không? Trời ơi thằng khỉ! Qua trái, qua trái một chút. Vô… vô… vô”. Cả sân banh nhảy dựng lên, rộn rã “Ua… ua…” – “Thưa các bạn, trận đấu lại được tiếp tục sau khi thủ môn Phương kều vô lưới chụp banh. Nhiệt độ trên sân là 32o cộng với 5,5o C quá nhiệt tình của các ủng hộ viên. Nhiều holigan đã bắt đầu than mệt và khát nước… Chúng tôi đang truyền hình trực tiếp trận đá banh giữa hai đội tuyển…”
Dầu tôi nhức như búa bổ. Mắt hoa lên mòng mòng. Có khi tôi bị cảm nắng mất rồi.
Trời bỗng nhiên sụp xuống và mưa rất nhanh. Càng ngày càng to. Trắng xóa sân cỏ. Trận đấu bỏ dở khi tỉ số 1-0 vẫn nghiêng về lớp tôi.
Tôi đứng mé ngoài hiên, mưa táp vô lạnh buốt, kéo theo từng đợt rùng mình dợn da gà. Lam ở đâu chạy tới, ướt nhẹp từ chân lên đầu giúi vào tay tôi trái bắp nướng nóng hổi: “Ăn đi cho ấm” – “Ở đâu vậy?” – “Ngoài cổng”. Lam nháy mắt rồi hớt hải: “Ly lạnh?” – “Hình như không. Chỉ chóng mặt…” Trái bắp tuột khỏi tay. Tôi thấy những hình tròn xanh đỏ chạy vòng vòng, tiếng lao xao và tôi bước hụt xuống một cái hố đen ngòm. Tôi không biết gì nữa cả.
Tôi giật nảy mình, chỉ được bàn tay ấm sực của ai đó và chậm chạp mở mắt. Tay của Lam đang nằm trong tay tôi, mặt nó đầy lo lắng. Mẹ tôi và chị Lương đứng bên cạnh ướt nhòe mắt. Tôi nhìn quanh quất: “Đâu vậy?” – “Nhà Ly chớ đâu?” – “À. Ngoài kia ngớt mưa chưa?” Tôi từ từ nhớ lại mọi chuyện. “Tạnh rồi. Mưa chút xíu à”. Tôi lại nhìn chăm chú từng gương mặt: Mẹ, chị Lương, Lam, Xuyến, Phan, Nhật… đầy đủ cả, đang ướt mem vì mưa. Nhưng vẫn còn thiếu một gương mặt rất đỗi thân yêu và hiền từ. Ba! Ba!
Tôi yêu cầu: “mẹ, mẹ kêu ba về với Út nghen mẹ!” – “Ờ, ờ - mẹ bối rối – Được rồi, mẹ sẽ kêu… Giờ con ráng nhắm mắt ngủ chút xíu đi”. Tôi gượng gạo cảm ơn tất cả. Quay mặt vô tường, nước mắt tôi lặng lẽ chảy dài dưới gối làm tôi vô cùng khó khăn khi kìm tiếng nấc.
Mẹ vẫn nghĩ rằng tôi chưa biết gì cả.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
Đăng lúc 28-12-2011 19:34:22 | Chỉ xem của tác giả
Sori chủ thớt vỉ đã xen ngang^^
Mình thấy gout văn học của nàng thật là hợp với mình
Cuốn Tóc ngắn này mình đọc hồi lớp 9, rất rất thích
Dù đến giờ đã qua cái tuổi đọc truyện tuổi teen thế này lâu rồi nhưng mình vẫn thích đọc lại ko biết chán
Các nhân vật được xây dựng rất tính cách và thu hút, đúng kiểu tuổi mới lớn
Nhưng mà trong tập Tóc ngắn thực ra còn chen nhiều truyện ngắn nữa như: Con chim xanh yêu kiều, Trẻ con...
Mấy truyện này đọc cũng rất ấn tượng :x
Lần trước nàng có post tập truyện ngắn Người gác bình minh của chị Châu Giang. Cuốn này mình cũng đọc rồi^^
Không ngờ nàng cũng thích mấy truyện này
Thanks nàng đã post nhé :D
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 28-12-2011 19:34:51 | Chỉ xem của tác giả
Mười Hai


Tôi nằm mê man suốt hai ngày, nhiệt độ kiên trì cố thủ ở vị trí 39o C đến 40o C. Chỉ thường buổi chiều, cơn sốt có giảm nhưng kèm theo chóng mặt, nhức đầu rất khó chịu.
Ông bác sĩ có cái mũi dài và đỏ như của con két rà đi rà lại ống nghe, mặt mày nhăn lại ngộ nghĩnh. Ông đưa bàn tay bé như của trẻ con lên vuốt vài sợi tóc bạc lơ thơ trên đỉnh đầu, bảo với mẹ: “Cháu gái bị cảm nặng. Sốt lâu nên mất sức. Mà lạ cháu còn bé thế đã suy nhược thần kinh chị ạ”. Ông chép miệng “Nhưng không sao, chữa được thôi”. Ông ghi một tràng dài các loại thuốc như một tờ sớ táo quân, ngó tôi cười an ủi và độ lượng.
Chị Lương đi làm. Mẹ lục cục nấu ăn trong bếp. Tôi chăm chú nhìn lên trần. Một con ruồi bị mắc lại giữa đám mạng nhện, giãy dụa tích cực nhưng hoài công vô ích. Tôi định bò dậy cứu nó nhưng chóng mặt quá đành ohair nhắm mắt làm ngơ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Không, thật ra tôi không ngủ. Tôi chỉ đi lạc vào một cánh đồng đầy hoa vàng. Ở giữa có một hồ nước màu xanh ngọc lấp lánh vàng, lạnh buốt mặc dù mặt trời vẫm chiếu chói chang trên cao.
Biết là lạnh lắm, nhưng tôi vẫn cởi quần áo và đi xuống. Có người nào gọi thất thanh: “Đừng con”. Tôi quay lại thấy ba đang đứng vẫy tay. Tôi chạy về phía ba. Càng chạy càng thấy mình bé xíu lại, độ khoảng năm, sáu tuổi. Tôi trèo lên, ngồi trước ba. Đằng sau là chị Lương và mẹ. Ba chở ba mẹ con xuống Chợ Lớn, vô khu bán lồng đèn của người Tàu. Những chiếc lồng đèn sặc sỡ xoay tít mù. Tôi bật cười giòn giã.
Bỗng nhiên chiếc xe chòng chành. Ba bảo “Nặng quá” và dừng xe, đẩy tôi xuống đất. Chiếc xe lao đi để lại một màn khói mờ mịt mặc tôi kêu gào thảm thiết: “Ba, ba đừng bỏ con ba ơi”.
Tôi đập mạnh chân đánh rầm, choàng dậy. Vừa nhận ra ba đang ngồi sát bên cạnh, tôi túm lấy tay ba gào to: “Sao ba bỏ con?” Ba xoa nhẹ lên trán tôi: “Nào, nào, Út cưng. Út cưng của ba”. Tôi từ từ bình tĩnh lại, đưa mắt lờ đờ nhìn mẹ đang đứng sau lưng ba, hai bàn tay vặn vẹo vào nhau: “Sao ba mẹ giấu con?” – “Ba mẹ có giấu con gì đâu?” Trán ba hằn lên những nếp gấp lớn. “Ba mẹ giấu con. Cả chị Lương cũng giấu con. Ba mẹ định chia tay”. Tôi òa khóc: “Có phải tại con hư, con không ngoan nên ba bỏ con phải không ba? Con lớn rồi, ba nói đi, sao ba mẹ đòi bỏ nhau?” Tôi vật vã. Mẹ khóc nấc lên, vai run bần bật. Ba ôm chặt tôi vào lòng, lắp bắp: “Út cưng ơi, ba mẹ đã chia tay nhau đâu. Út cưng, Út cưng của ba”. Tôi rên ư ử như con chó con. Giường tủ, bàn ghế lại bắt đầu quay vòng như muốn hất ngược tôi xuống đất. Tôi gồng mình bám chặt vào thành giường một lúc mới tỉnh lại. Ba lo ngại: “Sao rồi con?” – “Ba mẹ đừng có bỏ nhau. Hồi nãy con nằm mơ cả nhà mình đi chơi chung vui lắm. Đi mua lồng đèn như hồi con bé xíu ấy”.
Tôi nức nở. Tôi thấy một giọt nước mắt đục ngầu nhỏ xuống má ba. Tôi lấy tay lau mắt  cho ba. “Đừng bỏ Út nghen ba”. Ba bảo: “Con hỏi ý mẹ xem”. Tôi nhìn mẹ chờ đợi, tim giật thon thót. Nước mắt tiếp tục trào ra. Mẹ không trả lời chỉ bảo: “Tối nay anh ở đây ăn cơm với ba mẹ con” và đưa tay lau mặt. Ba sung sướng siết chặt tôi vào lòng.
Tối đó ba ở lại nhà. Tôi có cảm giác từ lâu lắm rồi tôi mới có một tối yên bình và hạnh phúc như vậy.
Lam gọi điện thoại cho tôi, giọng sốt sắng: “Hôm qua Lam ghé mà Ly ngủ mất tiêu. Ly đỡ chưa? Uống thuốc gì chưa?” Tôi hớn hở: “Ly khỏe rồi, nhờ một phương thuốc vô cùng hữu hiệu” – “Thuốc chi vậy, chỉ bảo đệ tử rút kinh nghiệm coi” – “Đố đó” – “Vì Lam gọi điện thoại thăm Ly chứ gì?” – “Mơ đi ông ơi, ba mẹ Ly hòa với nhau rồi”. Bên kia Lam reo ầm ĩ: “Đấy, Lam bảo mà. Nhà thông thái cái gì cũng đoán trước được hết. Còn đoán là Ly đang cần gia sư chỉ bài mấy hôm nghỉ nữa” – “Khá lắm. Bây giờ đoán đi” – “Chịu” – “Ly buồn ngủ quá hà!” – “Ôi xin thua – Lam rối rít – Gặp lại sau nhé!” Cúp máy. Tôi khoan khoái duỗi người, nhắm mắt. Tôi không muốn nghĩ gì cả. Lòng chỉ mơ hồ buồn nhớ lớp 10A1 thân yêu với những mảng tường vỡ cuối lớp  in hình chiếc lá.
Xuyến, Nhật ra về sau khi nhắn nhủ: “Ráng mau hết bệnh nha. Ở lớp ai cũng nhắc Ly hết trơn. Cũng nhớ Ly hết trơn. Nhất là cái người ngồi bàn cuối cùng dãy đó”. Chúng nó cười òa nhấm nháy nhau ra cửa.
Được một lát Lam đến mang theo bó salun to tướng và lỉnh kỉnh tập vở. Tôi loay hoay cắm bông vô bình, mồ hôi tứa ra xông xênh (về khoản này tôi vô cùng tệ hại vì luôn quan niệm đây là chuyện riêng của bọn con gái tóc dài. Còn tôi lại là con gái tóc ngắn, phải làm những việc “vĩ đại” hơn).
Lam ngồi ngó tôi làm, buột miệng: “Giời ơi” – “Cái gì?” – Tôi nhớn nhác. Lam đổi giọng: “Tôi chịu thua bà luôn. Bông vầy mà cắm trong cái lọ vầy. Ly lấy cái lọ nào cao cổ ấy”. Tôi ngượng chín người, đánh bài chuồn: “Tại nhà Ly chỉ quen cắm bông ngắn. Chớ Ly biết chớ bộ”, và thầm tiếc phải chi hồi đó ráng ngồi học hỏi bà chị mình một chút, đỡ để Lam lên mặt. Tôi lé mắt ra sau, hết hồn thấy Lam đang nhìn soi mói đống bình trên tủ. Cũng may phước hôm nay chị Lương đã đem tống cổ hai cái bình cao cổ vô trong tủ. Chớ không chắc tôi không còn đất chui xuống.
Cuối cùng hoa cũng được cắm xong (sau khi bị cắt cuống gần hết) và đặt trang trọng trên bàn học. Lam hỏi :”Biết sao tặng hoa này không?” – “Chắc tại nó như ông chủ. Hoa tươi mà khô như bông giấy!” Lam nói thản nhiên không để ý tôi đang nói gì: “Tại nó không héo. Không sợ bị vứt đi. Lúc nào cũng đẹp mãi”. Tôi ậm ừ : “Thì thử xem mới biết được bao lâu” – Trong bụng không biết nó định ám chỉ cái gì.
Lam giở tập vở ra chỉ: “Mấy hôm nay tụi mình chỉ học bài này, bài này, bài này nữa. Giờ Lam giảng cho Ly hé”. Lam say sưa nói, người lắc la lắc lư, tóc tai dựng lên như quả chôm chôm. Trông cũng rất ra dáng ông thầy gõ đầu trẻ. Tôi bật cười: “Tự nhiên thèm ăn chôm chôm quá” – “Sao tự nhiên?” Lam nghi ngờ dừng lại. “Tại thấy đầu ông in quả chôm chôm’ – “Tưởng gì – Nó cười khoái chí – Vậy cứ để đầu hoài như vầy cho có người thích, Ly há”. Tôi “ hứ” một tiếng, bất giác đưa tay lên vuốt tóc thấy nó lơm xơm đến mang tai.
Lam ngưng giảng bài. Cả hai đứa ngồi cùng nhìn ra ngoài sân. Nắng vàng chấp chới trên mấy chậu cây cảnh. Con Mực nằm ưỡn giữa sân phơi cái bụng chang bang, mắt nhắm nghiền. Trên mặt nó hiện lên hai chữ thỏa mãn to tướng.
Mấy buổi học của chúng tôi thường trôi qua như thế. Nghĩa là luôn bị ngắt quãng bởi những câu nói vu vơ của hai đứa. Lúc thì vì tôi khệ nệ bưng ra hết đĩa mận đến đĩa xoài. Lúc thì vì Lam tung ra những câu nhận xét về con gái hết sức bất bình. Sau đó là những trận cãi vã nảy lửa không có hồi kết thúc nếu không có chuông đồng hồ điểm bính boong bốn tiếng.
Được khoảng bốn ngày tôi lại đến lớp mặc dù vẫn còn hơi nhức đầu. Bọn bạn đón tôi như đón người hùng. Đứa bắt tay đứa vỗ vai hỏi: “Khỏe chưa? Hết bệnh thiệt chưa bé trai” như cả thế kỷ nay chưa gặp mặt.
Lam cười tiếc rẻ: “Uổng quá”. “Uổng sao?” – “Thì lâu lâu mới được làm thầy chớ bộ”. Tôi cũng cười xòa: “Bộ định trù tôi ốm luôn sao ông?” Nó chối đây đẩy: “Không dám! Không dám!”
Tôi ngồi vô chỗ ngó quanh quát. Thấy một tuần nghỉ học thật là lâu. Thấy bạn bè bên mình sao dễ thương và đáng mến quá chừng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 28-12-2011 19:36:08 | Chỉ xem của tác giả
Kết


Sân trường rụng đầy cánh phượng. Mối buổi sáng đến lớp bọn con trai lại mang theo những cành phượng đỏ rực hao, cắm trên bàn giáo viên và treo đầy lên các ô cửa sổ. Tiếng ve ran hòa với tiếng mưa rì rào đến nao lòng. Mấy ngày cuối bọn học sinh chúng tôi chỉ còn hồi hộp chờ đợi kết quả thi hoặc ngồi túm năm túm ba tán gẫu với nhau, trông ra bầu trời đang hồng lên màu hoa phượng.
Thục Anh đề nghị kéo lớp về vườn trái của nội nó dưới Lái Thiêu. Bàn ra bàn vô đứa nào cũng đòi đi hai ngày. Thằng Lam hùng hổ đòi đi cả tuần cho biết mùi đời. Cả lớp cười bò, chọc nó mắt to hơn bụng làm cu cậu tự ái, ngồi im thin thít.
Tôi ghé bưu điện gửi thơ cho Trúc. Hôm qua ngồi mãi tôi chỉ viết được một câu:
“Trúc ơi ăn mừng được rồi. Ba Ly về luôn không đi công tác nữa đâu. Tụi mình cụng ly chúc mừng hén”.
Tôi nghĩ là Trúc sẽ hiểu vì sao tôi chỉ viết được ngần ấy. Nó với tôi lúc nào cũng thân và hiểu nhau như bạn tri kỷ.
Xuống đến nhà nội Thục Anh đã xế trưa. Mặt đứa nào cũng lem luốc vì bụi. Hai cái má núng nính của Nguyệt voi đỏ rực vì bám nắng. Xuyến ghẹo:
“Mày chết, mai về nó lột da, mặt như tắc kè bông”.
Nguyệt voi tưởng thật, le lưỡi xuýt xoa đến tội.
Lam đi tới, vai đeo một túi đầy nhóc bánh mì. “Ly mệt không?” – “Có. Mệt nhưng mà vui” – “Đi rửa mặt cho khỏe. Khăn nè…” Tôi nhìn Lam đầy cảm động. Chẳng là ngày xưa chỉ mối Trúc là biết tôi không bao giờ mang theo khăn tay bên mình. Vì ghét nhiều hơn là lười.
Cả bọn bám đuôi nhau chạy ào vào trong vườn. Lúc nhảy qua mương tụi con gái la hét chí chóe. Chỉ trong vòng nửa giờ cây mận của nội Thục Anh bị phá banh. Trái xanh trái chín vứt trắng gốc cây. Xuyến cảnh giác: “Coi chùng nội la”. Thục Anh hỉnh mũi: “Nội hiền khô à?’ Tôi la: “Bộ hiền rồi định ăn hiếp nội luôn hả?” Lại thấy nhớ bà nội Trúc, người nhỏ thó, tóc trắng như cước nhìn tôi móm mém cười, xong chống tay vào vách tường lần ra chỗ gốc mận già đang trổ đầy bông. Hồi đó tụi tôi thật trẻ con và lếu láo. Toàn lấy đất nặn thành trái rồi dán giấy bóng đỏ ném đầy gốc. Bà tưởng trái chín rụng ra lượm, còn tụi tôi trong này dấm dúi cười. Bây giờ biết nghĩ thì bà lại mất.
“Mơ mộng hả nhỏ?” – Xuyến réo vô tai tôi. “Đâu có. Đang tìm cách dứt điểm mục tiêu”. Tôi chỉ chùm mận lắc lỉu trên cành cao. “Cao quá ai hái được. Mình qua chỗ cây dâu với tụi nó đi Ly”. Tôi ngẩn mặt tiếc: “Nhưng Ly thích ăn mận nhứt!”
Chừng ăn trưa xong bọn nó ngà ngật muốn ngủ, nằm ngồi đủ kiểu trên ván dưới sàn. Tôi bỏ ra vườn nằm xuống đám lá khô ẩm. Trên đầu rậm rịt tán mít trổ bông tỏa hương ngọt ngào giữa trưa thanh vắng. Có hai con chim kêu lóe chóe trong tán cây nghe tiếng chân người bước vội bay vụt lên trời. Tôi mở he hé mắt. Lam đứng dạng hai chân chìa ra chùm mận hồi nãy tôi chỉ cho Xuyến thấy: “Cho Ly đó. Có đúng chùm này không?” – “Chắc đúng. Lam ngồi đây chơi. Sao biết giỏi vậy?” – “Vậy mới là Lam chứ - Nó thả phịch người xuống - Ủa hôm nay không gọi Lam bằng anh nữa ta?” Tôi cười hì hì: “Bạn ai lại gọi bằng anh bao giờ?”
Lam chun miệng, cúi xuống vạch đám cỏ. Nó bứt một túm cỏ và reo lên: “A. cỏ gà”. Tôi tò mò: “Đâu” – “Này, cỏ này chơi chọi hay lắm” – “Đâu phải cỏ gà. Cỏ mặt trời đó” – “Cỏ gà” – “Cỏ mặt trời mà – Tôi ngoan cố - Lam không thấy nó in mặt trời nhỏ à?” – “Thì chơi thử xem có phải cỏ gà không?” – Nó đưa cho tôi một cọng cỏ. Hai đứa quất hai đầu cỏ vào nhau bốn lần. Cả bốn lần đầu cỏ của tôi đều gãy phăng mất. Nó hỉ hả: “Rõ chưa?” Tôi xịu mặt: “Chán. Không chơi nữa đâu” và lấy tay che mắt để khỏi chói nắng vừa lọt qua mấy khe lá.
Sực nhớ đến lời hứa của Lam dạo nọ, tôi nài nỉ: “Lam kể cho Ly nghe sao hồi đó Lam đánh nhau vậy? Lam hứa kể đó mà” – “Ừm. hồi đó khác, giờ khác” – “Lam kể cho Ly nghe đi mà. Ly hổng nói cho ai nghe đâu” – “Ừ thì… - Lam ngập ngừng – Vậy Ly phải móc ngoéo không được giận cơ”. Nó chìa tay út cho tôi ngoắc vào lắc lên lắc xuông. “Tại… tại hồi mới đầu hai đứa cá cược chỉ trong vòng hai tuần Lam sẽ cưa… - Nó lấm lét – sẽ cưa được Ly”. Tôi giật nảy mình: “Bộ hết trò rồi à?” – “Xin lỗi. Nhưng càng chơi với Ly, Lam càng phục và mến. Bữa đó Lam rút lời cược, thằng Hòa chọc Lam nhát gan. Nó bảo… nó bảo Ly không đáng gì. Thế là Lam tức quá, quại cho nó một quả. Nhẹ thôi nhưng không ngờ miệng nó to quá hét ầm ĩ như cháy nhà. Thế là phải lên Ban giám hiệu. Có thế thôi…” – “Có thế thôi! Trời, nếu như không kịp nhận ra tui tuyệt vời vầy thì giờ này chắc ông với tui thành kẻ thù quá?” Lam cúi gằm mặt. Tôi cũng chẳng biết mình có nên giận không nữa. Tôi nằm thẫn mặt, nghe nắng luồn dưới chân lột nhột.
“Ly có giận không?” – Lam dè dặt nhìn tôi. “Chuyện cũ rồi mà. Cho qua cầu”. Tôi không ngờ mình trả lời được thế khi trong bụng vẫn còn ậm ạch tức. Phải hồi xưa chắc tôi nghỉ chơi luôn. Lam reo khe khẽ: “Ly bao giờ cũng tuyệt vời”. “Nhưng vẫn không đáng là gì”. Tôi nói móc một câu nhưng nó không để ý đến. Nó đang nghĩ gì đó và lẩm bẩm: “Cái cỏ này kêu bằng mặt trời cũng dễ thương thật”. Tôi tủm tỉm đắc ý. Thấy chưa, lúc nào tôi cũng là người có lý.
Buổi tối chúng tôi hè nhau nhóm lửa giữa vườn. Chiều có mưa nên không khí nặng trĩu nước. Sao nở lốm đốm trên trời, và một vầng lưỡi liềm mỏng tanh xuất hiện. Trong lúc ngồi chờ nồi chè chín con gái ra tay bóc sầu riêng. Từng quả tách ra mùi thơm lại ngầy ngậy bốc lên, đặc quánh. Một mùi thật thuần chất miệt vườn Nam Bộ.
Xuyến hỏi quanh: “Ai hổng biết ăn sầu riêng nhớ dành phần cho Xuyến nha” và nhe răng cười. Nó biết cả lớp chỉ có Lam không chịu được mùi sầu riêng nên láu cá, Thục Anh thương hại: “Lam lấy hột sầu riêng bỏ vô lùi, ăn còn ngon hơn hột mít luộc”. Lam nhanh nhảu đáp: “Là tôi để bụng ăn chè đó chứ” – “Á, thằng này lỏi” Luân vỗ đùi đánh đét xong nhăn mặt than đau. Con trai con gái giúi vào nhau cười ngả nghiêng.
Lửa nổ lép bép. Nghe thoang thoảng có tiếng trái cây rụng xung quanh, Thục Anh bảo: “Sầu riêng rụng đó” – “Thế còn sầu chung thì sao?”
“Sầu chung nào?’
“Hết ngày mai là chia tay rồi”
“Thôi đi ngốc ơi có ba tháng hè thôi mà”
“Thì ba tháng cũng là chia tay chớ bộ”
“Có nhớ không?”
“Nhớ cái mặt mèo của mi đó hả? Nhớ nhứ nhỏ”.
Mọi người ngồi mơ màng. Cả bọ con trai, những đứa long nhong nhất lớp cũng ngồi yên. Một cái gì buồn không gọi được thành tên len khẽ vào lòng.
Lam ôm lấy cây đàn, dạo một đoạn nhạc. Đêm tiếng đàn càng tha thiết. Tất cả đều sững sờ vì không ngờ Lam lại đàn hay đến thế.
Nó e hèm giọng, sửa lại dây đàn và hát giọng thực ấm:
“Chia tay này chưa phải là chia tay lần cuối…
Bạn thương ơi hãy ngồi xích lại gần bên nhau…
Ngày mai mặt trời sẽ nở hoa trên mỗi con đường chúng ta đi…
Chia tay lần này mình sẽ còn gặp lại…”
Lửa chiếu hồng rực những gương mặt thân quen của bạn bè tôi. Những đứa ngày thường tếu táo mà bây giờ tư lự hẳn. Xuyến ngả đầu vào vai tôi, một giọt nước rơi xuống, thấm qua áo nóng hổi. Mắt Lam nhìn tôi ấm áp và thiệt lạ lùng:
“Bạn thân yêu ơi, giờ chia tay đã đến…
Xin khắc ghi hình bóng bạn vào trong thương nhớ…
Dù chia tay này không phải là chia tay cuối…
Dù mai này mình vẫn bên nhau trên đường đời…”
Một cánh lá chạm rất êm xuống đất. Gió thổi nhè nhẹ như mang theo chiếc lá ấy cọ vào má tôi nhồn nhột. Tôi nhẹ nhàng đưa tay lên, chạm phải một mớ tóc. Chao ôi, tóc tôi đã dài gần đến vai rồi mà tôi đâu có hay…

HẾT

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách