Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Trong Gia Đình | Hector Malot

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 03:47:58 | Chỉ xem của tác giả
Những lời khuyên bảo ân tình của cô Benlom tốt bụng càng làm cho Perin không yên tâm. Em lo ngại trong lúc chờ đợi bà Brơtônơ đến thăm.
   Thật ra vị trí của Perin còn khó khăn hơn những lời cô giáo nói. Những khát vọng nhen nhóm chung quanh ông Vunphran khiến hai bà mẹ đang lao vào một cuộc chiến đấu. Họ muốn chỉ một mình con trai họ được thừa hưởng cái gia tài, như người ta nói, có đến hơn một trăm triệu và những nhà máy ở Marôcua.
   Bà Xtanphran Panhđavoan, vợ ông anh cả của ông Vunphran, đang khát khao những thú vui phù phiếm. Bà chờ đợi ông chồng, một nhà buôn lớn, buôn các loại vải thô ở đường Săngchiê cho bà một cuộc sống giàu sang mà bà nghĩ bà có quyền được hưởng. Ông chồng bà không gặp vận may, nên không thỏa mãn được tham vọng của bà. Bà lại khắc khoải chờ đợi Têôdo thừa hưởng cái gia tài của người chú để cho bà chiếm được cái địa vị mơ ước trong xã hội Paris mà bà chưa đạt được.
   Bà Brơtônơ, chị ruột của ông Vunphran, kết duyên cùng một thương gia ở Bulônhơ, ông này làm nhiều nghề mà chẳng trở nên giàu có. Là đại lý sở thuế quan, hãng bảo hiểm đường thủy, ông còn buôn bán xi măng, thầu đóng tàu, làm môi giới cho việc gởi hàng đường thủy v.v… Bà vợ ông muốn chiếm cái gia tài người em ruột cũng vì thích của cải, mặt khác, muốn phỗng tay trên bà chị dâu mà bà ta ghét cay, ghét đắng.
   Trong thời gian ông Vunphran và người con trai sống hòa thuận, hai bà phụ nữ ấy chỉ giới hạn việc bòn rút ông em bằng cách mượn tiền mà không hoàn lại. Họ dựa vào thế lực của ông Vunphran để đảm bảo việc kinh doanh của họ, tất cả những gì mà người em giàu có không thể từ chối với họ được.
   Từ dạo Étmông được phái qua Ấn Độ mua đay cho nhà máy để chịu hình thức kỷ luật của ông bố vì đã tiêu xài hoang phí, hai bà chị đã nghĩ đến việc lợi dụng tình trạng này. Khi người con ấy chống lại ông bố, cưới một cô vợ không được thừa nhận, thì mỗi bà lại bắt đầu, mỗi người một phía. Chuẩn bị cho con trai mình một ngày nào đó, có thể chiếm đoạt cái chỗ của Étmông.
   Dạo ấy, Têôdo chưa đầy hai mươi tuổi, công việc kinh doanh không thích hợp với anh ta. Được bà mẹ nuông chiều và truyền cho anh con cùng những ý nghĩ, những ham thích xa hoa của mình. Têôdo sống chỉ để đi dạo, đi xem hát. Anh thích những thú vui mà Paris cống hiến cho các cậu công tử những gia đình mà túi tiến căng phồng cũng như xẹp lép dễ dàng. Anh ta vỡ mộng khi phải khép mình về nông thôn với ông chú nghiêm khắc chỉ biết có công việc. Ông Vunphran cũng gắt gao với cháu như với một nhân viên hạng bét ở nhà máy. Têôdo trong lòng khinh bỉ, mà vẫn phải chịu đựng cuộc sống bực bội vì nó bắt anh phải khó nhọc, phiền muộn, chán nản. Có đến mười lần trong ngày, anh muốn bỏ đi nơi khác. Anh không thể làm thế vì anh hy vọng dầu sớm hay muộn rồi đây anh cũng sẽ là ông chủ, ông chủ duy nhất của cái nhà máy quan trọng này. Anh có thể kêu cổ đông để rồi bắt nó làm việc bằng cách điều khiển từ trên cao và từ xa, thật xa, nghĩa là từ Paris. Lúc đó, anh sẽ bù lại những ngày gian khổ. Khi Têôdo vào làm việc với ông Vunphran thì Casimia mới 11, 12 tuổi. Anh ta còn quá trẻ để ngồi bên cạnh người anh họ. Mẹ anh ta không hề thất vọng! Một ngày nào đó, anh sẽ chiếm lại cái chỗ ấy, sẽ bù lại cái thời gian mất đi. Kỹ sư Casimia sẽ chế ngự ông Vunphran cùng một lúc đè bẹp ông anh con cậu, chẳng có bằng cấp gì. Vì thế, bà đã cho con vào trường Bách khoa. Ở đó, con bà chỉ cần học những môn mà nhà trường bắt thi với tỉ lệ của các hệ số: 58 về các môn Toán, 10 về môn Vật lý, 5 về môn Hóa học, 6 về môn tiếng Pháp. Nhưng ở Marôcua, những hiểu biết thô thiển thông thường lại có ích hơn là lý thuyết, nên đã xảy ra cái kết quả mà Casimia không lấy gì làm hài lòng. Ông kỹ sư không chế ngự được ông chú và cũng chẳng đè bẹp được ông anh họ có kinh nghiệm mười năm kinh doanh. Ông này chẳng phải thông thái, ông ta cũng đồng ý như thế. Nhưng ít nhất, ông ta thực dụng như ông thường khoe. Ông biết đó là đức tính đầu tiên đối với chú ông.
   - Người ta nào có được học cái gì có ích đâu, - ông Têôdo nói – bởi vì họ không viết nổi một bức thư quan trọng với nội dung rõ ràng và đúng phép chính tả!
   - Thật là khốn khổ, Casimia phân bua giải thích, ông anh họ tôi tưởng tượng người ta chỉ sống ở Paris chứ không sống ở nơi khác được! Không có chuyện ấy thì anh tôi hẳn đã giúp cậu tôi được nhiều việc! Nhưng còn chờ đợi gì ở anh ấy được! Từ ngày thứ năm, trí óc anh ấy bị ám ảnh chỉ mong chiều thứ bảy là chuồn về Paris. Anh sắp xếp mọi thứ, xáo trộn tất cả, chỉ vì cái mục đích duy nhất ấy. Rồi từ sáng thứ hai đến thứ năm anh ấy bị tê liệt vì những kỷ niệm của ngày chủ nhật ở Paris.
   Hai bà mẹ chỉ còn phóng đại hai bản luận văn bằng cách tô vẽ thêm cho đẹp. Bà này nói chỉ Têôdo mới có thể là người phụ tá của ông chú. Bà kia khoe Casimia mới là người duy nhất, xứng đáng là người con trai thật sự của ông. Hai bà mẹ đã làm cho ông Vunphran sẵn sàng nghĩ về Têôdo như những gì mà bà mẹ Casimia nói về anh, còn nghĩ về Casimia theo lời nói của bà Têôdo. Đáng lẽ họ làm ông Vunphran quyết định thì họ làm cho ông không thể tin cậy người này hay người kia, trong hiện tại cũng như trong tương lai.
   Ông Vunphran đã dàn xếp cách đối xử với họ khác với dự định của hai bà mẹ đang tham lam theo đuổi. Ông xem họ chỉ là những người cháu, chứ không phải là người con trai của ông. Về mọi phương diện, trong cách cư xử, người ta dễ thấy ông có giữ cho phân biệt ấy thật rõ rệt. Tuy có những lời yêu cầu trực tiếp hay bí mật mà người ta che đậy, ông Vunphran chưa bao giờ đồng ý cho họ ở trong tòa lâu đài. Ở đấy, không phải là thiếu phòng, tuy ông cô đơn và rất buồn, ông cũng không cho họ chia xẻ cuộc sống thân mật với ông.
   - Tôi không muốn người ta cãi cọ, ganh tị quanh tôi! – Ông Vunphran thường trả lời như thế.
   Xuất phát từ đó, ông cho Têôdo cái nhà ông ở trước khi xây lâu đài. Ông xếp cho Casimia ở cái nhà ông cựu kế toán trưởng mà ông Môngblơ thay thế. Vì thế họ không khỏi kinh ngạc và tức giận khi thấy một con bé xa lạ, một con “lang thang” đã chễm chệ đóng đô trong tòa lâu đài. Nơi đây chỉ khi nào họ được mời, mới được vào.
   - Chuyện mày nói là cái gì thế?
   - Con bé này là ai?
  - Người ta phải em sợ nó vì cái gì ấy nhỉ?
Đó là những điều bà Brơtônơ đã hỏi con trai bà. Những câu trả lời đã không làm bà thỏa mãn. Bà muốn tự mình điều tra để được sáng tỏ. Bà khá ái ngại khi mới đến. Nhưng Perin đóng rất đạt cái vai mà cô Benlom đã nhắc cho em nên sau một thời gian ngắn, bà đã được yên tâm.
   Ông Vunphran không phải là không quý khách song ông không muốn các cháu ở với ông. Ông rất rộng rãi, hào phóng với gia đình khi bà chị ruột hoặc bà chị dâu, ông anh ruột hoặc ông anh rể đến Marôcua thăm viếng. Trong những dịp ấy, lâu đài không có bình thường mà có dáng những ngày lễ. Những bếp lò rực lửa vì phải nấu nhiều. Bọn giúp việc mặc áo lễ, xe và ngựa rời khỏi nơi cư trú với những bộ yên cương lộng lẫy. Buổi chiều, trong bóng tối, người ta thấy trong tòa lâu đài, đèn thắp sáng trưng từ tầng trệt lên các cửa sổ trên nóc nhà. Từ Píchkynhi đến Amiêng, từ Amiêng đến Píchkynhi, bác đầu bếp và bác bếp đi lại như con thoi. Chở lương thực về.
   Để đón bà Brơtônơ, người ta cũng theo cái lẽ thường ấy. Xuống ga Píchkynhi, bà thấy ngay chiếc xe bốn bánh với người đánh xe và người bồi đi đón bà về Marôcua. Xuống xe, Bátxchiêng đưa bà về phòng, vẫn cái phòng ấy dành riêng cho bà ở tầng một. Tuy vậy, nhịp sống lao động của ông Vunphran và mấy người cháu, kể cả Casimia, không hề thay đổi. Ông Vunphran gặp bà chị trong buổi tối, các bữa ăn. Ông trò chuyện với bà chị vào buổi tối. Không có gì hơn! Công việc trước hết rồi mới đến phần con cháu. Ông đối với họ vẫn thế! Họ ăn cơm sáng, cơm chiều ở tòa lâu đài. Buổi tối, họ muốn ở lại muộn mấy cũng được. Chỉ thế thôi! Còn như những giờ ở bàn giấy là thiêng liêng! Những giờ ấy thiêng liêng đối với hai người cháu. Nó cũng thiêng liêng với ông Vunphran và cũng thiêng liêng với Perin. Bà Brơtônơ vì thế, không thể tổ chức và theo dõi cuộc điều tra về cái con “lang bạt” như ý muốn của bà. Hỏi Bátxchiêng và chị hầu phòng ư? Đến bà mẹ Prăngxoadơ để khôn khéo moi ở bà cụ rồi cả dì Đênôbi và Rôdali? Chuyện ấy rất đơn giản! Về phía ấy, bà đã có những thông tin mà người ta có thể cung cấp về con bé “lang bạt”, khi nó đến cái xứ này và lúc đó, nó sống ra sao. Rồi nó được sắp xếp bên cạnh ông Vunphran hình như nhờ nó biết tiếng Anh. Nhưng bà muốn tự quan sát Perin trong khi nó không rời ông Vunphran nửa bước, bắt nó nói cho rõ. Bà muốn tìm những lý do về sự thắng lợi đột xuất của nó, những cái khó trông thấy.
   Trong bữa ăn, Perin không nói một câu. Buổi sáng, em đi với ông Vunphran. Sau bữa trưa, em lên ngay phòng riêng. Sau khi đi thăm các nhà máy trở về, học tập với cô Benlom. Buổi tối, sau bữa ăn em lên phòng riêng. Thế thì bà làm thế nào để nói chuyện riêng với nó, để tự do xoay nó! Vào giờ nào? Bà Brơtônơ không có cách nào thi thố tài năng nên trước khi ra về bà quyết định đến gặp Perin ngay trong phòng riêng của em. Vào lúc ấy, em tưởng đã thoát nạn, đang ngủ ngon giấc. Có tiếng gõ cửa. Em ngồi dậy, mò mẫm đi ra phía cửa và hỏi:
   - Ai đó?
   - Mở cửa đi em! Tôi đây mà!
   - Bà Brơtônơ phải không, thưa bà?
   - Đúng thế!
   Perin kéo chốt. Nhanh nhẹn, bà Brơtônơ lách vào phòng, trong lúc Perin bấm đèn.
   - Em cứ nằm! – bà Brơtônơ nói. – Như vậy chúng ta nói chuyện tiện hơn.
   Bà lấy chiếc ghế, ngồi về phía chân giường để Perin ở trước mặt, rồi bà bắt đầu.
   - Tôi muốn nói chuyện với em về ông Vunphran, cậu em tôi. Tôi dặn em một vài điều. Bây giờ, em thay Guydôm ở bên cạnh ông chủ, em có thể săn sóc sức khỏe của cậu ấy. Guydôm tuy có những tật xấu, nhưng vẫn chăm sóc ông chủ chu đáo. Em coi bộ thông minh, ngoan ngoãn. Nếu em muốn em có thể giúp chúng tôi những công việc như Guydôm. Tôi xin hứa với em là chúng tôi không quên công ơn của em đâu.
   Thoạt nghe vài câu đầu, Perin có thể yên tâm vì người ta muốn nói chuyện với em về ông Vunphran, em chẳng có gì phải lo ngại. Nhưng khi em nghe bà Brơtônơ nói em có vẻ thông minh, em nghi ngờ ngay. Không thể nào bà Brơtônơ thông minh và tinh vi lại có thể thành thật trong lời nói. Em phải đề phòng vì bà ta giả dối.
   - Cháu xin cảm ơn bà, - em cười toét miệng, cố làm cho nổi bật nụ cười đần độn. – Cháu chỉ xin bà giao cho cháu những việc của chú Guydôm. Em nhấn mạnh phần cuối câu hỏi, để cho người ta hiểu, họ có thể bảo em làm gì cũng được.
   - Tôi đã nói là em thông minh – Bà Brơtônơ tiếp tục, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tin cậy ở em!
   - Xin bà hãy ra lệnh!
   Trước hết em phải rất chú ý săn sóc sức khỏe của cậu em tôi. Phải đề phòng cẩn thận để cậu khỏi cảm lạnh vì có thể nguy hiểm đến tính mạng cậu ấy. Bị cảm lạnh có thể gây tụ huyết ở phổi hoặc làm cho phế quản viêm nặng thêm. Em có biết nếu chữa được bệnh viêm phế quản thì người ta có thể làm phẫu thuật đem ánh sáng cho đôi mắt mù lòa! Em hãy nghĩ chúng tôi và tất cả mọi người ở đây lúc ấy sẽ vui mừng biết bao!
   Lần này, Perin đáp:
   - Cháu cũng thế, cháu sẽ rất sung sướng!
   - Qua lời nói, tôi thấy em rất tốt bụng. Nhưng dầu em có nhớ ơn cậu em tôi, em cũng không là người trong dòng họ.
   Perin lại càng làm ra vẻ ngớ ngẩn:
   - Thật thế, nhưng điều ấy không ngăn cản cháu gắn bó với ông Vunphran, xin bà hãy tin cho.
   - Đúng quá, em có thể tỏ rõ sự gắn bó của em. Tôi sẽ hướng dẫn cho em, không phải chỉ chống nhiễm lạnh mà phải tránh đừng cho câu ấy bị những cảm xúc mạnh bất ngờ có thể giết chết cậu ấy. Tôi biết qua các quý ông, hiện nay cậu em tôi đang chờ những tin tức ở Ấn Độ về người con trai, cháu Étmông thân thương của chúng tôi.
   Bà ta nghỉ một lát, nhưng chẳng cần thiết, vì Perin không trả lời vào vấn đề ấy. Em biết chắc các “ông ấy” là hai người cháu. Họ không thể nói chuyện với em về việc tìm kiếm ấy. Casimia đã gọi bà mẹ đến gặp em. Hẳn thế chứ! Têôdo thì làm sao nhờ bà được chứ!
   - Mấy ông ấy cho tôi hay em dịch những lá thư và đưa cho cậu em tôi. Điều này rất quan trọng, nếu những tin ấy không được tốt, như chúng tôi dự đoán, con tôi phải được báo trước mọi người. Nó sẽ đánh điện cho tôi. Từ Bôlônhơ đến đây không xa. Tôi sẽ đến ngay để nâng đỡ câu em tôi. Em hiểu chứ, bà chị ruột, là bà chị sẽ biết cách an ủi cậu tốt hơn là bà chị dâu.
   - Ôi, đúng thế! Thưa bà! Cháu hiểu, hình như thế!
   - Thế thì chúng tôi có thể trông cậy ở em chứ?
   Perin chần chừ một lát, nhưng em không thể không trả lời:
   - Để phục vụ ông Vunphran, cháu sẽ làm tất cả những gì cháu có thể làm được.
   - Và những gì em làm cho ông Vunphran có nghĩa là em giúp chúng tôi đấy! Cũng như những gì em giúp chúng tôi cũng là làm cho ông Vunphran. Ngay bây giờ tôi muốn cho em biết chúng tôi không phải là người vong ân. Em có thích may một chiếc ao dài không?
   Perin không muốn nói gì. Em mĩm cười thay cho câu trả lời.
   - Một chiếc áo dài rất đẹp, vạt sau có đuôi gọn! Bà Brơtônơ vẫn tiếp tục.
   - Cháu đang có tang.
   - Có tang thì có tang chứ ai cấm mình mặc áo dài có đuôi sát đất. Ngồi ăn cùng với cậu em tôi mà ăn mặc như thế này ư? Em ăn mặc lôi thôi như một con chó làm trò ấy.
   Perin biết mình ăn mặc không đẹp. Thế nhưng khi nghe người ta so sánh em với con chó làm trò thì em cảm thấy nhục nhã, nhất là cách so sánh ấy có dụng ý hạ thấp. Em trả lời:
   - Cháu lấy những gì cháu tìm thấy ở cửa hiệu bà Lasedơ.
   - Khi em còn là “một con lang thang” là Lasedơ có thể cung cấp áp cho em được. Còn bây giờ em được cậu em tôi để ý, cho ngồi ăn cùng bàn, chúng tôi không thể để em ăn mặc như thế này, xấu hổ cho chúng tôi lắm. Chuyện này chúng ta chỉ nói riêng ở đây thôi nhé!
   Nghe nói thế, Perin quên mất em đang đóng kịch, em buồn rầu kêu lên:
   - Ôi!
   - Em không có ý niệm gì về cái áo Bờlu của em sao? Trông em kỳ cục quá!
   Bà Brơtônơ khi nhắc đến chiếc bờlu bật cười, như thấy trước mắt chiếc bờlu đó.
   - Chuyện ấy rồi sẽ sửa chữa thôi em ạ. Tôi muốn em xinh đẹp. Khi em mặc chiếc áo dài trong phòng ăn khi em đi xe với cậu em tôi, em mặc một bộ quần áo xanh. Rồi em sẽ nhớ đến tôi. Tôi nghĩ đò mặc trong cũng ngang tầm với chiếc áo dài này thôi. Nào, ta hãy xem sao!
   - Vừa nói, với dáng điệu của người có quyền thế, bà ta vừa mở tủ soát các ngăn kéo. Rồi bằng một động tác đột ngột, bà đóng cửa tủ và nhún vai tỏ vẻ thương hại:
   - Tôi nghĩ thế mà đúng. Bà ta nói tiếp, thật không xứng đáng với em chút nào?
   Tức tối, nghẹn ngào, Perin im lặng.
   Thật may mắn cho em. Bà Brơtônơ vẫn tiếp tục. Tôi đã đến Marôcua và chịu trách nhiệm lo cho em.
   Perin muốn từ chối ngay. Em chẳng cần người ta săn sóc em với những cung cách như vậy. Nhưng em có đủ sức tự kiềm chế. Em không quên là em đang diễn kịch. Em phải đóng cho đạt cái vai mà em đã tự nhận. Với lại lời lẽ của bà ta quá thô bạo phũ phàng, trái với ý định “chứa chan những điều tốt đẹp” của bà.
   - Tôi sẽ nói với cậu em tôi. Bà Brơtônơ lại nói, đặt cho em một chiếc áo dài ở một chị thợ khâu ở Amiêng. Tôi sẽ ghi địa chỉ cho cậu ấy. Em rất cần chiếc áo dài và bộ y phục đi xe ngựa. Rồi đây, một bà bán quần áo sẽ đến trang bị cho em đầy đủ. Em hãy tin tôi. Tôi hy vọng, mỗi lúc nhìn thấy áo quần em sẽ nhớ đến tôi. Thôi, chúc em ngủ ngon! Đừng quên những gì tôi vừa nói với em.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 03:50:47 | Chỉ xem của tác giả
Làm tất cả những gì em có thể làm được cho ông Vunphran, đối với Perin không phải cùng nghĩa với ý nghĩ của bà Brơtônơ. Vì thế em phải đảm bảo bí mật tuyệt đối về những chuyện tìm kiếm ở Ấn Độ và Anh. Em không nói gì với Casimia. Ấy thế mà, khi anh này gặp Perin một mình anh có cách nhìn riêng cô bé như khuyến khích cô thổ lộ tâm tình. Nhưng Perin có thể thổ lộ tâm sự gì đây? Em cũng không muốn phá tan sự im lặng mà ông Vunphran đã ra lệnh cho em.
   Những tin tức từ Đaka, Đôra và Luân Đôn đều lờ mờ và có khi trái ngược. Nó không đầy đủ với những lỗ thủng khó tránh nhất là về năm cuối. Nhưng chuyện ấy không làm cho ông Vunphran nản lòng và mất niềm tin. Có lần ông đã nói: “Chúng ta đã làm được cái khó, đã soi sáng được những thời gian xa xôi. Tại sao ánh sáng lại không dọi đến chỗ gần chúng ta? Một sáng một chiều, rồi sợi chỉ sẽ liên kết. Chúng ta cứ việc lần theo”.
   Nếu bà Brơtônơ không thành công về phía ấy ít nhất thì bà cũng dặn dò Perin săn sóc ông Vunphran chu đáo. Trước đó, những hôm trời mưa, Perin không dám vén tấm bạt che trước xe ngựa và những hôm trời lạnh hay có sương mù cũng thế. Em cũng không dám nhắc ông Vunphran phải cẩn thận hơn, khoác chiếc áo tơi hay quấn chiếc khăn quanh cổ. Em cũng không dám những buổi chiều mát lạnh đóng các cửa sổ của gian buồng. Nhưng từ dạo bà Brơtônơ cho em hay cái lạnh, sự ẩm thấp, sương mù, cơn mưa có thể làm cho căn bệnh của ông Vunphran thêm nặng, em đã hết rụt rè. Bây giờ, trước khi lên xe, dù thời tiết tốt hay xấu Perin vẫn chú ý đến chiếc áo khoát để ở chỗ thường lệ với chiếc khăn nằm ở trong túi. Khi có ngọn gió se lạnh, tự tay em lấy áo khoác choàng  lên vai ông Vunphran hay bắt ông khoác áo. Hễ có một giọt mưa, em dừng xe ngay và kéo tấm vải bạt che xe. Buổi chiều nào trời không đẹp em từ chối không đi chơi. Lúc đầu khi bọn họ đi bộ. Perin đi bình thường và ông Vunphran đi theo em. Ông không hề kêu ca gì bởi vì ông rất ghét than phiền và cũng chẳng muốn nghe ai than phiền. Nhưng bây giờ em đã biết ông Vunphran đi nhanh sẽ mệt rồi bị ho nghẹt thở, nhịp tim đập nhanh. Lúc nào em cũng tìm được những lý lẽ để nói tuy không nói đúng lý do. Em nghĩ rằng muốn cho ông Vunphran đỡ mệt thì ông cần phải vận động có mức độ để không những không có hại mà còn có lợi cho ông. Một buổi chiều, trong lúc đi bộ qua làng họ gặp cô Benlom. Cô chào ông Vunphran và sau mấy câu lễ phép, cô cáo biệt và nói:
   - Tôi để ông cho Ăngtigôn(1) của ông bảo vệ.
   Câu nói ấy nghĩa là gì? Perin không hiểu. Em hỏi ông Vunphran. Ông cũng không biết gì hơn. Đến một buổi, em hỏi cô giáo. Cô giải thích cho em hay Ăngtigôn là ai bằng cách cho em đọc một bài giải thích về đời sống Ơdíp vủa Xôphôdờ phù hợp với tuổi trẻ thông minnh nhưng còn dốt nát thời đại cổ xưa. Mấy hôm sau, em ngừng đọc quyển vòng quanh thế giớ mà đọc câu chuyện ấy cho ông Vunphran nghe. Ông tỏ vẻ cảm động vì câu chuyện y hệt hoàn cảnh của ông.
   - Đúng thật, ông nói: cháu là Ăngtigôn con gái Ơdíp khốn khổ, chỉ săn sóc, âu yếm đối với người bố của mình thôi.
   Qua lời nói đó, Perin thấy em đã tiến một đoạn đường khá dài trong việc tranh thủ tình cảm của ông Vunphran, bởi thường ông rất dè xẻn trong sự bộc lộ. Em xúc động đến nổi cầm lấy tay ông mà hôn.
   - Ừ! Ông nói – cháu là một cô gái tốt bụng! Rồi ông đặt bàn tay lên đầu em và nói thêm:

-------------------
(1)Ăngtigôn: (thần thoại Hy Lạp) là người con gái hiếu thảo đã từ bỏ cung điện đi theo người cha mù lòa để chăm sóc…
------------------------
   - Cháu sẽ không rời bác! Con trai bác có trở về cũng vậy thôi! Nó sẽ hiểu cháu đã giúp bác như thế nào.
   - Cháu chẳng làm được gì trong lúc cháu muốn làm rất nhiều bác ạ!
   - Bác sẽ nói với nó về cháu. Những chắc là nó sẽ nhìn thấy ngay vì con trai bác là người có tấm lòng nhân hậu.
Đã nhiều lần ông dùng lời lẽ như thế và nhiều lời tương tự để nói về con trai. Nhiều khi, em có ý nghĩ muốn hỏi: Nếu con trai ông mà thế thì tại sao ông lại quá nghiêm khắc với chú ấy như vậy? Em quá xúc động nên mỗi lần muốn hỏi, những lời nói lại nghẹn ngào ngừng lại giữa cổ họng. Bàn về một vấn đề như thế là một việc quá quan trọng đối với em. Chiều hôm ấy, những sự việc vừa xảy ra khuyến khích em, em cảm thấy mạnh dạn hơn. Chưa lúc nào có thời cơ thuận lợi như thế này. Chỉ một mình em với ông Vunphran trong gian buồng của ông, chưa bao giờ có ai vào đây nếu không được gọi. Em đang ngồi gần ông, dưới ánh sáng của ngọn đèn. Em còn phải do dự lâu nữa ư? Em không nghĩ thế. Hồi hộp giọng run run, em nói:
   - Ông cho phép cháu hỏi ông một điều cháu không hiểu mà lúc nào cháu cũng nghĩ tới nhưng không dám nói.
   - Cháu nói đi!
   - Điều mà cháu không hiểu là tại sao ông yêu thương người con trai ông như thế, ông lại có thể để cho chú ấy ở xa ông?
   - Ở tuổi cháu người ta chỉ hiểu, chỉ cảm thấy về tình thân ái mà không nghĩ đến nhiệm vụ. Đấy, vì nhiệm vụ của người cha mà bác phải bắt thằng con trai của bác phải chịu một hình phạt như là một bài học vì nó phạm những lỗi lầm có thể kéo nó đi sâu vào tội lỗi nặng hơn. Nó phải biết ý muốn của bác là ở trên ý muốn của nó. Vì thế bác phái nó đi Ấn Độ, bác có ý định để nó ở đấy một thời gian ngắn thôi, và bác đã cho nó một địa vị không làm cho nó thổ hẹn bởi là người đại diện cho nhà máy của bác. Nào bác có lường trước được là nó sẽ mê cái con khốn nạn ấy và đã đi đến cuộc hôn nhân điên rồ! Quả là điên rồ.
   - Nhưng mà cha Phinđơ nói: Người mà chú ấy cưới không phải là một con khốn nạn.
   - Nó là một con khốn nạn vì nó đã chấp nhận một cuộc hôn nhân vô hiệu lực ở Pháp. Lúc ấy, bác không thể nhận nó là con dâu của bác. Bác cũng không gọi thằng con về với bác vì nó không muốn xa vợ nó. Bác sẽ không làm nhiệm vụ của một người cha cùng lúc từ bỏ ý muốn của bác. Một con người như bác không thể đi đến đó được, bác muốn cái gì đều là vì bổn phận. Bác không thể hòa giải một bên là bổn phận một bên là ý muốn được.
Ông nói điều ấy với một giọng cứng nhắc làm Perin lạnh mình. Rồi ngay tức khắc ông tiếp tục:
   - Bây giờ cháu có thể tự hỏi tại sao bác không muốn đón con trai bác về sau đám cưới. Lúc ấy bác muốn gọi nó về với bác. Những điều kiện lúc ấy không phải như ngày nay. Sau mười ba năm kết hôn. Con bác chắc cũng đã chán cái con khốn nạn ấy và cuộc sống khốn khổ mà nó bắt con bác phải chịu bên cạnh nó. Mặt khác, những điều kiện về phía bác cũng thay đổi. Bác ốm, bác mù và bác chỉ còn trông thấy được nếu ca phẫu thuật thành công. Việc ấy đòi hỏi bác phải được bình tĩnh để bảo đảm những may mắn cho sự thành công. Khi thằng con bác biết tất cả những điều ấy, cháu nghĩ nó có ngần ngại gì để không xa người đàn bà ấy mà bác sẽ bảo đảm một cuộc sống đầy đủ với đứa con trai. Nếu bác thương con thì hẳn con bác cũng thương bác chứ! Chắc nó cũng phải hối tiếc nếu nó biết sự thật, cháu sẽ thấy nó trở về ngay.
   - Thế thì chú ấy phải xa vợ và con gái chú ấy sao?
   - Nó không có vợ! Nó không có con!
   - Cha Phinđờ nói chú ấy tổ chức đám cưới trong nhà thờ truyền đạo có cha Lơcờléc ban phúc.
   - Cái đám cưới ấy vô hiệu ở Pháp vì trái với luật pháp.
   - Nhưng ở Ấn Độ nó cũng vô hiệu lực sao?
   - Bác sẽ xin giáo hoàng ở La mã hủy bỏ…
   - Nhưng còn đứa con gái?
   - Pháp luật không công nhận đứa con ấy!
   - Pháp luật có phải là tốt cả đâu?
   - Cháu muốn nói gì vậy?
   - Không phải pháp luật làm cho ta yêu hay không yêu con gái, bố mẹ chúng ta. Không phải vì pháp luật mà cháu yêu ông bố khốn khổ của cháu mà vì bố cháu tốt, âu yếm, thương yêu, ân cần chăm sóc cháu. Bởi vì cháu sung sướng khi được bố hôn. Cháu vui khi được nghe bố nói những lời dịu dàng hay bố mĩm cười nhìn cháu. Bởi cháu tưởng tượng không có gì tốt hơn là ở với bố trong lúc bố chẳng chú ý đến cháu vì còn bận công việc riêng. Còn bố cháu, thương cháu vì ông đã nuôi cháu, cho cháu tình thương yêu, những sự chăm sóc và hơn nữa cháu nghĩ rằng ông cũng cảm thấy cháu thương ông với tất cả tấm lòng. Pháp luật không dính dáng gì đến đây cả! Cháu cũng chẳng tự hỏi có phải pháp luật đã làm ra bố cháu, bởi vì cháu tin chắc đó là tình thương yêu của bố con cháu đối với nhau.
   - Cháu muốn đi đến đâu?
   - Xin ông tha lỗi nếu cháu đã nói những lời làm ông cho là dại dột, nhưng cháu nói to lên những điều cháu nghĩ.
   - Cũng vì thế mà bác lắng nghe cháu, bởi vì những lời của cháu, tuy không thông qua những kinh nghiệm, nhưng ít nhất cũng là những lời nói của một cô gái ngoan.
   - Thế thì, thưa ông, cháu muốn kết thúc ở đây là nếu ông thương yêu con trai ông thì về phàn chú ấy hẳn chú cũng thương yêu đứa con gái của chú và muốn nó ở bên cạnh chú.
   - Giữa ông và đứa con gái thì nó không do dự đâu. Với lại cái đám cưới ấy mà bị hủy thì con bé ấy sẽ chẳng là gì đối với nó cả. Những cô gái Ấn Độ trưởng thành sớm, nó có thể gây dựng cho con bé, của hồi môn mà bác cho việc ấy ấy dễ thôi. Nó không dại dột gì mà không rời một đứa con gái khi con bé muốn xa bố để đi theo chồng. Với lại, cuộc đời chúng ta không phải chỉ xây dựng trên tình cảm, có những thứ mà trọng lượng đè lên những quyết định của chúng ta. Khi Étmông đi Ấn Độ gia tài của bác không phải như bây giờ. Khi nó trông thấy, bác sẽ chỉ cho nó cái địa vị của nó đứng đầu nên công nghiệp của cả nước, tương lai hứa hẹn với nó, với tất cả những sự thỏa mãn về của cải, danh vọng. Đây không phải là vì một con bé lai mà nó từ chối!
   - Nhưng con bé lai ấy có lẽ cũng không đến nỗi ghê sợ như bác tưởng tượng.
   - Một con Ấn Độ!
   - Những sách cháu đọc cho ông đều nói người Ấn Độ trung bình đẹp hơn người Âu Châu.
   - Đó là những thêm thắt của mấy ông khách du lịch.
   - Họ có chân tay mềm dẻo, khuôn mặt trái xoan thanh thoát, đôi mắt sâu thẳm với cái nhìn tự tin, đổi môi cắn chỉ, gương mặt hiền dịu. Họ khéo tay, dáng điệu dễ thương, họ điều độ kiên nhẫn, dũng cảm trong lao động, họ chăm chỉ trong học tập.
   - Thưa ông, ta phải nhớ những gì ta đã đọc chứ? Từ những sách đọc ta có thể kết luận một cô gái Ấn Độ không phải là cái gì đáng sợ như ông đã tin như vậy.
   - Bác chẳng cần biết hơn vì bác sẽ không thừa nhận nó.
   - Nhưng nếu ông biết cô gái ấy, có thể ông chú ý đến cô ta, thương yêu cô ta.
   - Không khi nào! Chỉ nghĩ đến nó và mẹ nó là bác đã ghê tởm rồi!
   - Nếu ông biết cô ta… có lẽ ông bớt giận.
   Ông Vunphran nắm chặt bàn tay trong một phút giận dữ làm Perin bối rối. Tuy vậy em nói:
   - Cháu tin là cô bé ấy không giông tí nào như người ông tưởng tượng. Cha Phinđơ có nói là bà mẹ cô ấy có những đức tính dễ thương, thông minh, tốt bụng, dịu dàng.
   - Cha Phinđơ là một cố đạo tốt, nên ông chỉ nhìn thấy cuộc đời và con người với quá nhiều độ lượng. Với lại cha cũng không biết người phụ nữ ấy.
   - Cha nói là đã tập hợp những nhận xét của nhiều người từng quen biết người phụ nữ ấy. Những nhận xét của mọi người không phải là quan trọng hơn ý kiến cá nhân sao? Với lại nếu ông đón cô cháu nội ông trong nhà này, có lẽ cô bé sẽ săn sóc ông thông minh hơn cháu?
   - Cháu đừng nói những gì không lợi cho cháu.
   - Cháu không nói vì lợi cho cháu hay hại cho cháu mà chỉ nói vì lẽ công bằng.
   - Công bằng ư?
   - Như thể cháu cảm thấy thôi, có lẽ vì cháu ngu dốt nên cháu cho như thế là hợp lý! Bởi vì cô bé ấy sinh ra đã bị đe dọa và ghét bỏ, khi được đón nhận chắc sẽ cảm động và biết ơn sâu sắc. Chỉ riêng điều đó, ngoài tất cả các lý do khác, khiến cô bé sẽ hết lòng thương yêu ông.
   Perin chắp tay nhìn ông Vunphran như là ông có thể nhìn thấy em, với một niềm hăm hở làm cho giọng nói của em vang lên:
   - Ôi! Thưa ông, ông không muốn cháu gái ông thương yêu ông sao?
   Ông Vunphran bực tức đứng lên: - Bác đã nói với cháu chẳng bao giờ bác coi nó là cháu gái của bác. Bác căm ghét nó, cũng như căm ghét mẹ nó! Mẹ con chúng cướp thằng con bác rồi giữ riết nó lại. Nếu chúng không mê hoặc thằng con bác, thì nó đã về với bác từ lâu rồi! Chẳng lẽ mẹ con chúng nó là tất cả đối với thằng đó, trong khi bác, ông bố của nó lại chẳng là gì cả sao?
   Ông nói một cách giận dữ trong khi đi lại trong gian phòng với những bước chân thấp cao gấp gáp. Ông đang ở trong cơn cuồng nộ mà Perin chưa bao giờ trông thấy. Bất thình lình, ông đứng trước mặt em và nói:
   - Cháu về buồng, và đừng khi nào, cháu nghe rõ chưa! Đừng khi nào cháu được nhắc với bác về những con khốn nạn ấy! Với lại cháu dính líu vào việc đó làm gì? Ai bảo cháu nói với bác về chuyện ấy?
   Một chút sững sờ, rồi Perin bình tĩnh lại:
   - Ôi! Thưa ông, cháu xin thề chẳng có ai bảo cháu nói. Trong khi cháu, chính là con bé mồ côi, cái gì quả tim cháu nói, cháu tự đặt mình vào địa vị cô cháu của ông.
   Ông Vunphran dịu lại, nhưng với giọng dọa dẫm, ông nói thêm:
   - Nếu cháu không muốn bác cháu ta giận nhau, thì từ nay về sau cháu đừng đề cập đến chuyện ấy vì cháu thấy đó, chuyện ấy đối với bác đau đớn quá! Cháu đừng làm bác tức giận.
   - Xin ông tha thứ cho cháu. Em nói với giọng vỡ ra trong nước mắt vì thất vọng. Có lẽ cháu nên im lặng.
   - Phải đấy, nhất là vì những gì cháu nói đều vô ích!
   Để bổ sung những tin tức mà các thông tin viên không thể cung cấp cho ông về đời sống của người con trai trong ba năm cuối, ông Vunphran đăng lên những tờ báo chính ở Cancútta, Đaka, Bôngbay, Luân Đôn mẩu tin ngắn. Mẩu tin được nhắc lại hằng tuần, hứa hẹn món tiền thưởng 40 livrơ cho những ai cung cấp một tin tức, dù mong manh nhưng phải chắc chắn, về Étmông Panhđavoan. Ông Vunphran có nhận được một lá thư từ Luân Đôn nói về một dự định của Étmông sẽ đi từ Ai Cập và có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã mở rộng lời rao này đến tạp chí ở Lôkerơ, ở Alecxăngdri, ở Côngxtăngtinốp. Không nên bỏ qua một cơ hội nào cả! Những cái không thể xảy ra cũng đều có khả năng xảy ra. Không phải chính cái không có khả năng xảy ra lại trở nên hiện thực trong cuộc đời chìm nổi của ông đó sao? Ông không muốn để địa chỉ của ông vì sợ người ta quấy nhiễu bằng những yêu cầu ít nhiều gian dối, ông để địa chỉ của chủ nhà băng của ông ở Amiêng. Bởi vậy, chính ông này nhận những lá thư mà người ta gởi cho mong lĩnh 10.000 phờrăng và chuyển về Marôcua. Chính Perin đọc những lá thư ấy và dịch lại. Nói chung, những lá thư ấy chẳng mách được gì nhưng cũng không làm cho ông Vunphran nản lòng và cũng chẳng làm cho ông mất tin tưởng. “Chỉ có lời rao lặp đi, lặp lại mới có tác dụng”. Ông thường nói thế và không hề chán nản, ông vẫn tiếp tục đăng lời rao của mình. Một hôm, có một lá thư từ Saraglôvơ, ở Bôtxni đem đến một đề nghị đáng chú ý. Bức thư viết bằng tiếng Anh chập chững, nói với ông Vunphran cứ gửi 40 livrơ đã hứa ở mẫu rao của tờ Thời Báo cho một nhà băng ở Larađôvô thì người ta cam kết sẽ cho biết những tin tức chắc chắn của ông Étmông Panhđavoan cho đến tháng 11 năm trước. Nếu người ta nhận được lời giao ước này thì trả lời ở hộp thư lưu ở Saraglôvô với số 917.
   - Ấy! Cháu thấy bác nói có sai đâu, ông Vunphran reo lên, tháng 11 gần chúng ta lắm cháu ạ!
   Ông Vunphran tỏ vẻ vui mừng, đó cũng như lời thú nhận sự ngại lâu nay của ông vì bấy giờ ông có thể nói Étmông còn sống với những bằng chứng trong tay chứ không phải chỉ là lòng tin tưởng của người bố mà thôi. Từ dạo ông tập hợp những tin tức, đây là lầu đầu ông nói về con trai của ông với hai người cháu và Taluen.
   - Tôi rất vui mừng cho mấy người hay tôi vừa nhận được tin của Étmông. Tháng 11, nó ở Bôtxni.
   Cái tin ấy lan nhanh chóng trong vùng, gây một xúc  động rất lớn. Trong trường hợp ấy, như thường lệ người ta tô vẽ thêm:
   - Ông Étmông sắp về!
   - Có thể như thế được chăng?
   - Nếu anh muốn đích xác, hãy nhìn bộ mặt mấy người cháu và Taluen.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:14:36 | Chỉ xem của tác giả
Thật vậy, các bộ mặt ấy thật là kỳ quặc. Têôdo có vẻ bận rộn cũng như Casimia với cái gì đó và dường như gượng gạo. Trái lại, Taluen có vẻ hớn hở. Đã từ lâu, ông này luôn có thói quen tỏ ra trên mặt cũng như lời nói của mình, chính điều trái ngược với những cảm nghĩ thầm kín. Thế nhưng, cũng có những người không muốn tin ông Étmông sẽ trở về. Họ nói:
   - Ông già thật quá khắc nghiệt! Anh con trai mắc một vài món nợ, không đáng phải tống qua Ấn Độ. Xa gia đình, anh ấy phải xây dựng một gia đình khác ở bên ấy chứ!
   - Với lại, Bôtxni, xứ Tuyếcki, điều đó vẫn không có nghĩa là người ta đang trên đường về Marôcua. Con đường từ Ấn Độ qua Pháp có đi qua Bôtxni không nhỉ?
   Đó cũng là ý nghĩ của Benđi. Ông này có cái tỉnh táo của người Anh, thường nhận xét mọi việc chỉ theo quan niệm thực dụng, không hề để tình cảm xen vào. Ông nói thêm:
   - Cũng như anh, tôi mong ông Étmông trở về. Điều ấy sẽ làm cho nhà máy bền vững. Nhưng không phải tôi mong muốn cái gì thì tôi tin cái ấy sẽ đến. Cái đó là chuyện của người Pháp không phải là chuyện của người Anh. Anh biết đấy, tôi là người Anh.
   Nhưng suy nghĩ ấy đúng là của một người Anh đã làm cho người ta nhún vai. Ông chủ nói về chuyện anh con trai trở về, thì phải tin thôi, ông ta đâu phải con người dễ bốc đồng. Nói về kinh doanh thì đúng là thế, nhưng ở đây đâu phải là việc của một nhà kinh doanh công nghiệp, ở đây là tấm lòng của người cha!
   Cứ giây lát, ông Vunphran lại trao đổi với Perin về những hy vọng của mình:
   - Cháu ạ! Bây giờ chỉ còn vấn để thời gian nữa thôi! Bôtxni không phải Ấn Độ, một đại dương mà ở đó người ta có thể biến mất. Nếu chúng ta có những nguồn tin chắc chắn về tháng 11, chúng ta sẽ có những dấu vết dễ dàng lần theo.
   Ông muốn Perin tìm trong thư viện những quyển sách nói về xứ Bôtxni. Ông tìm trong sách nhưng chẳng thấy một lời giải thích thỏa mãn. Ông chẳng hiểu cậu con trai đến cái xứ hoang vu này để làm gì? Ở đấy, khí hậu khắt nghiệt, công nghiệp, thương mại chẳng có gì.
   - Có thể chú ấy chỉ đi ngang qua đấy mà thôi, Perin thêm vào.
   - Cũng có thể thế! Đó cũng là một dấu hiệu để chứng minh nó sắp trở về. Hơn nữa, nếu nó chỉ đi ngang qua đấy thì hình như nó không đưa vợ con nó theo. Bôtxni chẳng phải là nơi du lịch. Thế thì, chúng nó có thể ly thân rồi.
   Tuy muốn nói, Perin vẫn không dám trả lời. Ông Vunphran nổi cáu:
   - Tại sao cháu không nói gì?
   - Thưa ông, cháu sợ nói ra thì sẽ không hợp với ý ông.
   - Cháu cũng biết bác muốn cháu nói với bác tất cả những suy nghĩ của cháu mà!
   - Ông muốn cháu nói những ý kiến của cháu về chuyện này, nhưng ông không muốn nghe những ý kiến của cháu về chuyện khác! Chẳng phải là ông đã cấm cháu không được nói đến những gì liên quan đến cái… con bé ấy. Cháu không muốn làm ông giận cháu!
   - Cháu không làm ông giận đâu khi nói những lý do vì sao cháu cho là mẹ con chúng cũng đến Bôtxni.
   - Thưa ông, trước hết Bôtxni không phải là một xứ sở mà phụ nữ không đến được, khi những người phụ nữ ấy đã đi trong rừng núi của Ấn Độ mà những khó khăn nguy hiểm còn hơn hẳn ở khu rừng núi ở Bancăng. Với lại, về phía khác, nếu chú Étmông chỉ đi ngang qua Bôtxni, cháu không thấy có điều gì trở ngại để vợ và người con gái không cùng đi, bởi vì những lá thư ông nhận được trong mọi vùng của Ấn Độ đều nói mẹ con họ cùng đi với chú Étmông. Với lại, còn có một lý do khác mà cháu không dám thưa bởi vì nó trái với lòng mong mỏi của ông.
   - Cháu hãy cứ nói đi!
   - Cháu sẽ nói, nhưng trước hết cháu xin ông đừng thấy trong những lời của cháu chỉ là niềm lo ngại sức khỏe của ông, khi sự mong chờ sẽ là niềm thất vọng. Thưa ông, chuyện ấy có thể xảy ra phải không ạ?
   - Cháu cứ nói rõ ràng xem?
   - Chú Étmông đã ở Xavadơve. Từ đó ông kết luận chú ấy phải về đây nay mai?
   - Đúng thế!
   - Tuy vậy người ta không tìm thấy chú ấy nữa…
   - Bác không quan niệm như vậy!
   - Chú ấy có lý do này hay lý do khác để không trở về. Cũng có thể chú ấy mất tích!
   - Mất tích!
   - Chú ấy lại trở về Ấn Độ chẳng hạn hay ở đâu đấy, chú ấy cũng có thể qua châu Mỹ.
   - Nhưng “nếu như” xâu chuỗi ấy sẽ dẫn đến sự vô lý.
   - Cũng có thể thế. Thưa ông, nhưng trong lúc lựa chọn cái người ta thích và xua đuổi những cái khác, người ta có thể…
   - Làm sao?
   - Đâu phải là chỉ sự nôn nóng! Từ dạo ông nhận được cái tin ở Saraglôvơ, ông hãy xem ông xúc động thế nào? Trong lúc đó, chưa đến thời hạn nhận thư trả lời, hình như lúc ấy ông không ho nữa. Bây giờ, hàng ngày ông lên cơn nhiều lần, hồi hộp, khó thở. Sắc mặt ông thường đỏ rần, tĩnh mạch của ông căng lên. Rồi sẽ ra sao nếu ông phải chờ đợi bức thư trả lời đó… và nhất là… bức thư ấy không đáp ứng lòng mong mỏi, tin tưởng của ông. Ông thường quen nói: “Chuyện ấy là thế đó, không thể khác được” và không thể không lo ngại… Khi người ta đợi chờ tin tốt, thật đáng sợ nếu phải nhận được cái tin thật xấu. Cháu nói như thế vì chuyện ấy đã xảy ra với cháu. Sau khi lo ngại về bố cháu, mẹ con cháu tin tưởng bố cháu sẽ chóng bình phục ngay cái hôm bố cháu chết! Mẹ cháu và cháu như phát điên lên! Có lẽ cái tang bất ngờ ấy đã giết chết mẹ cháu. Mẹ cháu không gượng dậy nổi. Sáu tháng sau, mẹ cháu mất. Thế nên khi nghĩ đến những điều ấy, cháu tự nhủ… Em không nói hết được! Những tiếng nấc bóp nghẹt cổ họng em. Em muốn tự kiềm chế bởi vì em hiểu những tiếng nấc ấy, nếu không giải thoát nó chỉ làm em nghẹt thở.
   Đừng có nhắc những kỷ niệm buồn ấy, cháu bé khốn khổ của ông! Ông Vunphran nói, tuy cháu đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ, nhưng đừng tưởng trên đời này chỉ có tai họa. Chuyện ấy chẳng hay ho gì đối với cháu! Với lại như thế thì thật là vô lý.
   Thật thế, những gì em sắp nói, em sẽ làm cũng chẳng lay chuyển niềm tin ấy. Ông Vunphran chỉ muốn tin cái gì phù hợp với lòng mong đợi của ông. Perin chỉ còn biết chờ đợi, trong khi hồi hộp tự hỏi cái gì sẽ xảy ra, nếu bức thư trả lời từ Saraglôvơ do ông chủ nhà băng ở Amiêng chuyển đến.
   Nhưng không phải một lá thư đến mà chính ông chủ nhà băng đích thân đến.
   Một buổi sáng, như thường lệ, hai tay bỏ vào túi áo, Taluen đi dạo trên cái “cầu chỉ huy”. Ông cũng đưa mắt theo dõi không bỏ sót một chuyện vặt vãnh nào xảy ra trong sân nhà máy. Thế mà một ông chủ nhà băng đến chứ không phải một lá thư. Taluen thấy ông chủ nhà băng khá quen biết xuống xe và tiến về phía cái phòng làm việc, bước đi nghiêm nghị, dáng điệu trịnh trọng, vẻ người buồn thiu. Taluen vội vàng nhảy từ cầu thang ở hành lang ông ta, chạy đến trước mặt ông chủ nhà băng. Khi đến gần, Taluen nhận thấy nét mặt của ông ấy phù hợp với dáng đi và điệu bộ của ông. Không tự chủ được, Taluen hét lên:
   - Tôi nghĩ rằng tin tức không được tốt phải không thưa ngài?
   - Xấu.
   Câu trả lời chỉ có thế. Taluen khẩn khoản!
   - Nhưng…
   - Xấu.
   Rồi, ông vội thay đổi đề tài:
   - Ông Vunphran có ở trong phòng làm việc không?
   - Có lẽ có!
   - Tôi cần trao đổi với ông ấy trước đã.
   - Thế nhưng…
   - Xin ông hiểu cho!
   Nếu ông chủ ngân hàng không nhìn xuống đất vì lúng túng thì chắc đã thấy dáng vẻ của Taluen, ông sẽ đoán được nếu một ngày kia Taluen lên làm chủ các nhà máy ở Marôcua, ông ta sẽ bắt ông phải trả giá đắt cho sự kín đáo của ông lúc này như thế nào! Taluen tỏ ra khúm núm vì hy vọng nắm được những gì mà ông ta muốn biết, thì bây giờ lại cang thô bạo khi thấy người ta từ chối sự săn đón của mình.
   - Ông sẽ gặp ông Vunphran trong buông giấy!
   Taluen vừa nói vừa bước đi xa, hai tay bỏ trong túi áo. Không phải đây là lần đầu ông chủ nhà băng đến Marôcua. Ông không phải mất thời gian để tìm phòng làm việc của ông Vunphran. Đến cửa phòng, ông dừng lại chuẩn bị tư thế. Ông chưa gõ cửa thì một giọng nói, giọng ông Vunphran vang lên:
   - Mời vào!
   Không còn chần chừ được nữa, ông bước vào tự giới thiệu:
   - Kính chào ông Vunphran!
   - Thế nào? Ông đấy à? Ông đến Marôcua ư?
   - Vâng, sáng nay tôi có chút việc ở Píchkynhi. Tôi đi thẳng đến đây để chuyển tin tức ở Saragalôvơ đến cho ông.
   Perin đang nhồi ở bàn của em, không cần nghe cái tên Saragalôvơ, Perin đã biết ai vừa vào phòng. Em như chết điếng tại chỗ. Ông Vunphran nôn nóng hỏi:
   - Thế nào đấy?
   - Những tin này không đúng như ông mong mỏi, như tất cả chúng tôi mong mỏi.
   - Tên kia muốn cướp không một nghìn phờrăng của chúng ta ư?
   - Hình như đó là một người lương thiện.
   - Thế nghĩa là tay ấy chẳng mách được gì à?
   - Những lời mách bảo của y lại xác thực mới khổ chứ!
   - Khổ?
   Đó là lời nghi vấn đầu tiên của ông Vunphran. Có một phút im lặng. Gương mặt ông Vunphran không sáng sủa nữa! Người ta thấy ông đang ngạc nhiên, lo lắng.
   - Từ tháng mười  một người ta không có tin tức gì của Étmông sao? – Ông nói.
   - Người ta không có gì nữa!
   - Nhưng ở thời gian ấy người ta có những tin gì? Những tin tức ấy có chính thức và chính xác không?
   - Chúng tôi có những giấy tờ chính thức có sự chứng nhận của ông lãnh sự Pháp ở Saragalôvơ.
   - Ông cứ nói đi! Hãy nhắc lại chính những tin ấy.
   - Tháng mười một ông Étmông đến Saragalôvơ làm ảnh.
   - Thế nào? Ông muốn nói Étmông mang theo những máy làm ảnh ấy à?
   - Với một chiếc xe chụp ảnh dạo. Trong xe có cả gia đình. Ông ta đem theo cả vợ và con gái. Ông ở đó mấy hôm và chụp ảnh chân dung trên một địa điểm của thành phố.
Ông tìm trong đống giấy tờ của ông đã mở ra trên bàn giấy của ong Vunphran.
  - Ông đã có giấy tờ thì hãy đọc lên. Ông Vunphran nói. Như thế nhanh hơn.
  - Tôi sắp đọc cho ông nghe đây. Tôi đã nói là ông ấy đã làm thợ ảnh ở một địa điểm công cộng tức là nơi giao lộ Philippôvi vào đầu tháng mười một, ông ấy rời Saraglôvơ để đi... đi...
  Ông chủ ngân hàng lại xem giấy tờ lần nữa.
  - Đi Trăpních và nghĩa là khi đi đến một làng ở quãng giữa hai thành phố ấy thì đã ốm rồi...
  - Trời ôi! - Ông Vunphran vùng hét to - Chao ôi trời!
  Và ông chắp hai bàn tay lại, mặt mày thất sắc toàn thân run lên bần bật như là có bóng hình người con hiện ra trước mặt.
  - Ông chủ là một người rất có nghị lực, cho nên...
  - Không có nghị lực nào chống nổi với cái chết của con tôi!
  - Thế thì, vâng, ông cần được biết một sự thật ghê gớm này: Ngày mồng bảy tháng mười một... Ông Étmông... đã mất ở Buxôvasa vì bệnh... tụ huyết ở phổi!
  - Vô lý!
  - Than ôi! Tôi cũng vậy, tôi cũng đã nói "vô lý" khi tiếp nhận những tờ giấy kia, mặc dù bản dịch những tờ ấy đã được ngài lãnh sự Pháp ở Đaka thị thực. Nhưng mà giấy khai tử của Étmông Panhđavoan sinh ở Marôcua (tỉnh Xommơ), ba mươi bốn tuổi không phải đã đem lại cho thông tin ấy một sự chính xác không chỗi cãi được hay sao? Tuy vậy, tôi đã điện hỏi ông lãnh sự của ta ở Saraglôvơ, và ông ấy đã điện trả lời như sau: "Giấy tờ chính xác, chắc chắn là chết".
  Nhưng ông Vunphran không tỏ vẻ gì là đã lắng nghe. Ông ngồi lút mất trong ghế bành, cụp người lại, đầu cuối về phía trước, gục trên ngực mình, không còn vẻ gì là người còn sống! Còn Perin thì hoảng hốt, điên dại, nghẹt thở, tưởng rằng ông cụ đã chết. Đột nhiên, ông già ngẩng lên, mặt đầm đìa nước tuôn ra từ hai con mắt mù loà, và đưa tay ấn trên những chiếc chuông điện gọi về các buồng giấy của Taluen, Têođo và Casimia. Chuông gọi vang to quá cho nên cả ba đều đến ngay.
  - Các anh đã đến, ông Vunphran hỏi, hở Taluen, Têođo, Casimia?
  Cả ba đều đáp "vâng" đồng loạt.
  - Tôi vừa được báo tin là con trai tôi đã chết! Tin chắc chắn rồi. Anh Taluen hãy cho ngừng việc tức khắc và khắp mọi nơi cho đến ngày kia. Ngày mai thì làm lễ cầu hồn cho Étmông ở các nhà thờ trong năm thị trấn có nhà máy của chúng ta.
   Hai người chát cùng kêu lên, kẻ thì “chú ôi!” kẻ thì “cậu ôi!”
   Ông Vunphran ra hiệu cho họ ngừng lại và nói:
   - Tôi cần ngồi một mình! Hãy để mặc tôi!
   Mọi người đều lui ra, chỉ còn mỗi một mình Perin ở lại. Ông Vunpgran hỏi.
   - Ôrêli, cháu có ở đấy không?
   Cô bé nấc lên. Ông già bảo:
   - Bác cháu ta về đi!
   Cũng như mọi hôm, ông Vunpgran đặt bàn tay lên vai Perin và họ đi như thế giữa lượt thợ đầu tiên đã rời khỏi các xưởng. Ông già và cô gái nhỏ đi qua làng, trong khi cái tin kia từ cửa này truyền qua cửa kia. Mỗi người thấy ông già và cô bé ấy đi qua để tự hỏi liệu ông già có thể sống sót sau cái tai ương nặng nề này không? Ông cụ thường ngày bước đi rất vững chắc, mà hôm nay đã hóa nên còm cõi người gập xuống như một cổ thụ bị bão đám gãy từ giữa thân cây. Câu hỏi ấy, chính Perin tự đặt cho mình với một nỗi khắc khoải gấp bội, bởi vì em cảm thấy, qua những cái giật giật của bàn tay, ông cụ chuyền qua vai em, ông đau thương sầu nặng dường nào, tuy không nói năng than thở gì! Khi em đưa đến buồng ông, ông bảo em trở về buồng em và nói:
   - Cháu hãy giải thích cho người ta biết vì sao bác muốn ngồi một mình! Không để ai vào! Không ai được hỏi han gì bác!
   Khi Perin sắp đi ra ông nói:
   - Thế mà bác đã không tin lời cháu!
   - Nếu ông cho phép cháu…
   - Để mặc bác! Ông cộc cằn nói   
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:16:26 | Chỉ xem của tác giả
Cái đêm hôm ấy, tòa lâu đài ồn ào náo nhiệt. Khách từ các nơi lần lượt đến. Từ Paris được Têôđo báo, có ông bà Xtanitloix Pânhđvoan.Từ Bôlơnhơ, ông bà Brơtônơ nhận điện của Casimia cùng với chồng và các con. Không ai vắng mặt trong buổi lễ cầu hồn của chàng Étmông tội nghiệp. Với lại người ta phải có mặt ở đấy để giữ vị trí của người ta và còn để kiểm soát lẫn nhau nữa chứ? Bây giờ cái vị trí ấy trống và sẽ trống mãi mãi! Ai sẽ chiếm chỗ ấy? Đó là lúc mà mọi người phải dùng mọi mánh khóe khôn ngoan với tất cả nghị lực, sự thông minh để chiếm lĩnh. Tai hại biết bao nếu những nhà máy ấy, trong những cơ sở đứng đầu nền kỹ nghệ nước nhà rơi vào tay một người bất tài như Têôđo. Và cũng khốn khổ biết bao nếu một người thiển cận như Casimia nắm quyền điều hành! Không một ai trong gia đình ấy có ý nghĩ thỏa thuận một sự hợp tác, chia sẻ quyền lợi giữa hai anh em con cô con cậu. Mỗi người đều muốn chiếm tất cả cho mình còn người kia có quyền gì có trong ấy mà đòi hỏi chứ!   
Perin tưởng bà Brơtônơvà bà Panhđavoan sẽ đến thăm em vào sáng sớm. Nhưng không bà nào đến cả. Em hiểu rằng người ta không cần đến em nữa, ít nhất trong lúc này. Nói cho đúng em là cái gì trong ngôi nhà này kia chứ! Bây giờ chính là ông anh ông Vunphran, bà chị ruột, mấy người cháu trai, cháu gái, những người thừa kế, rồi đây họ sẽ là những người chủ ở đây.   
Perin chờ ông Vunphran gọi em đưa ông đi nhà thờ như mấy chủ nhật trước, từ dạo em thay thế Guydôm. Nhưng không ai gọi em. Khi nghe tiếng chuông, từ tối qua, cứ mười lăm phút lại rung lên một lần, báo có lễ tang, bây giờ đây báo lễ cầu hồn, em thấy ông Vunphran dựa vào cánh tay ông anh ruột bước lên xe lăngđô có bà chị ruột và bà chị dâu đi theo. Những người trong gia đình lên ngồi trên những chiếc xe khác. Thế rồi, để khỏi chậm trễ vì đi bộ từ tòa lâu đài đến nhà thờ, em vội vàng đi rất nhanh. Perin rời khỏi ngôi nhà đã khoác chiếc liệm của thần chết. Khi đi qua các xóm làng, em ngạc nhiên nhận thấy như những ngày chủ nhật khác, các quán rượu vẫn chật ních, thợ thuyền đang uống rượu và nói chuyện huyên thuyên ồn ào nhức óc. Mấy bà phụ nữ gồi trên thềm hay trên ngưỡng cửa đang trò chuyện, trong sân lũ trẻ nô đùa. Không ai đi dự lễ chăng? Thế mà Perin cứ lo là không vào được nhà thờ! Khi em vào, em thấy nhà thờ trống một nửa. Gia đình đứng bên khu lễ ca. Những vị chức sắc của địa phương, những người cung cấp nguyên liệu, nhân viên cao cấp của các nhà máy đến đã có mặt trong buổi lễ. Ngày hôm nay có thể có hậu quả nghiêm trọng đối với họ. Thế mà những người thợ: đàn ông, đàn bà, trẻ em lại rất thưa thớt. Họ chẳng có ý nghĩ đến cùng cầu nguyện với ông chủ! Ngày chủ nhật, vị trí của Perin là ở bên cạnh với ông Vunphran. Nhưng em không phải là người của gia đình để chiếm một chỗ của gia đình nên em ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh Rôdali. Bạn em đưa bà ngoại mặc đại tang, đi dự lễ.  
  - Tội nghiệp thằng Étmông bé nhỏ của tôi, bà nhũ mẫu già vừa khóc vừa nói. Quả là một tai họa lớn lao, cụ Vunphran nói gì vậy?  
Buổi lễ bắt đầu đã miễn lời đáp cho Perin. Về phần Rôdali cũng như mẹ Prăngxoadơ, thấy Perin quá xúc động, họ không nói chuyện với em nữa.  Ra khỏi nhà thờ, cô Benlom đón em. Cũng như mẹ Prăngxoadơ, cô muốn hỏi em về ông Vunphran. Em phải trả lời với cô: Từ tối hôm qua, em chưa được gặp ông chủ.
  - Em đi bộ? Cô giáo hỏi.
  - Vâng, thưa cô.
  - Này! Chúng ta hãy cùng đi đến khu các trường học!  
Perin muốn đi một mình nhưng em không thể từ chối và em phải theo dõi câu chuyện của cô giáo.
  - Khi thấy ông Vunphran đứng lên, ngồi xuống, quỳ trong buổi lễ như một người kiệt quệ, không đứng lên nổi. Em có biết không? Hôm nay, đây là lần thứ nhất cô nghĩ rằng ông Vunphran mù lòa cũng là tốt cho ông ấy thôi.  
  - Tại sao ạ?
  - Để ông chẳng phải thấy cảnh nhà thờ vắng người! Sự thờ ơ của thợ thuyền đối với nỗi bất hạnh của ông sẽ càng làm cho ông thêm đau khổ!
  - Thật thế, thợ thuyền đến ít quá!
  - Ít ra, ông đã không trông thấy điều đó.Nhưng em có chắc là ông ấy không biết gì khi im lặng trống trải của nhà thờ đi song song với sự náo nhiệt của các quán rượu lúc ông đi ngang qua các đường trong làng? Ông sẽ tưởng tượng được sự việc nhờ đôi tai. Như vậy, sẽ thêm một nỗi buồn phiền nữa cho ông Vunphran, con người đáng thương ấy, thế nhưng…
Cô giáo nghỉ một phút để cố bớt đi những điều cô toan nói, nhưng vì cô không có thói quen che đậy những điều suy nghĩ của mình, nên cô thêm:
  - Và cũng sẽ là một bài học, một bài học to lớn. Bởi vì em thấy  đó, chúng ta chỉ có thể đòi hỏi những người khác chia xẻ nỗi đau khổ của họ, ta có thể nói vậy bởi vì đây là một chân lý trần trụi. Cô hạ thấp giọng.
  - Đây không phải là trường hợp của ông Vunphran, một người công bằng đối với thợ thuyền, cho họ nhận những gì mà ông nghĩ họ có quyền hưởng và chỉ thế thôi. Điều công bằng đơn thuần như là luật lệ ở trên đời này, đó không phải là tất cả! Nếu chỉ công bằng thôi thì đó là bất công! Thật là đáng trách khi ông Vunphran không có ý nghĩ ông có thể là một người cha với những người thợ của ông. Nhưng ông bị lôi kéo, bị những công việc to lớn thu hút, ông chỉ đem cái trí tuệ hơn người của ông vào công việc kinh doanh đơn thuần! Trong lúc ấy, ông có thể làm bao nhiêu điều tốt lành không phải chỉ ở nơi đây thôi, cái đó cũng là đáng kể mà ở tất cả mọi nơi do tấm gương của ông. Nếu ông Vunphran mà như thế đó, em có thể chắc chắn là chúng ta sẽ không phải thấy cảnh tượng như hôm nay.   
Điều ấy có thể đúng, nhưng Perin không thể ở vị trí nhận xét cách sử thế do chính miệng cô giáo em nói về người mà em kính yêu. Một người khác có thể có những ý nghĩ ấy thì em vẫn thờ ơ, nhưng em đau xót vì đây là những lời của một người phụ nữ mà em rất tin cậy. Khi đến trước cổng trường, em vội chia tay với cô giáo.
  - Tại sao em không vào đây, chúng ta cùng ăn trưa, cô Benlom nói. Cô cũng đoán hôm nay Perin không ngồi cùng bàn với gia đình.
  - Em xin cám ơn cô. Ông Vunphran có thể cần em.
  - Thế thì, em về đi!   
Nhưng khi Perin về đến lâu đài, em thấy ông Vunphran không cần đến em vì Bátxchiêng mà em gặp trong hành lang cho em biết sau khi xuống xe, ông Vunphran đã vào buồng riêng đóng cửa lại và không cho ai vào.
  - Trong một ngày như hôm nay, ông Vunphran cũng không muốn ăn cơm trưa cả với gia đình nữa!
  - Gia đình của ông ấy ở lại ư?
  - Có lẽ cô cũng đoán ra là không chứ! Sau bữa cơm trưa, mọi người đã về hết. Tôi nghĩ rằng ông chủ cũng tránh không muốn nhận lời chào từ biệt của họ. Ôi! Buồn phiền đè nặng trên nguời ông quá! Trời ơi! Rồi chúng ta sẽ như thế nào đây, cô giúp đỡ chúng tôi nhé!
  - Cháu mà giúp được gì!
  - Cô có thể giúp được lắm đấy! Ông Vunphram tin cô và thương yêu cô lắm!
  - Ông Vunphran thương yêu cháu?
  - Tôi biết chắc những gì tôi nói. Cô được thương yêu như thế là quý lắm đấy!  
Như bà Bátxchiêng đã nói. Sau bữa trưa, tất cả mọi người trong gia đình đều ra về. Perin ở trong buồng riêng mãi đến chiều tối, nhưng vẫn không nghe ông Vunphran gọi. Mãi đến lúc gần đi ngủ. Bátxchiêng mới đến nói cho em biết là ông báo cho em hãy sẵn sàng để sáng mai đi với ông theo giờ thuờng nhật. Ông ấy muốn trở lại với công việc, nhưng liệu ông có thể làm nổi không? Nếu được như thế thì tốt quá! Công việc đó là đời sống của ông.   
Sáng hôm sau, đến giờ làm việc, Perin đứng chờ ngoài hành lang. Em thấy ông Vunphran buồn rầu đi ra, Bátxchiêng ra hiệu cho em hay tối qua, ông chủ trằn trọc, không ngủ được.
  - Ôrêli có ở đấy không?
Ông Vunphran hỏi bằng một giọng yết ớt, mệt mỏi như một em bé đang ốm. Perin vội tiến lên:
  - Thưa ông! Có cháu đây!
  - Hãy lên xe!  
Perin muốn hỏi thăm sức khỏe ông, nhưng không dám. Lên xe ông Vunphran ngồi vật xuống, đầu ngả về phía trước, không nói gì. Dưới các bậc tam cấp các phòng làm việc Taluen đã chờ sẵn để đón ông và giúp ông xuống xe, một cách đon đả.
  - Tôi nghĩ rằng ông đủ nghị lực để đến đây.
Taluen nói với một giọng thương cảm nhưng ánh mắt của ông ta thì vẫn sáng quắc.
  - Tôi chẳng thấy khỏe hơn tí nào, nhưng tôi đến đây bởi vì tôi phải đến!
  - Ấy ấy, tôi cũng muốn nói như thế!  
Ông Vunphran cắt ngang lời của Taluen và gọi Perin đưa ông vào phòng giấy của ông. Bây giờ là lúc khui đống thư báo đồ sộ gồm từ hai ngày nay. Ông để cho họ làm công việc ấy không một lời nhận xét, không một mệnh lệnh nào, có vẻ như là ông điếc và đang ngủ gà, ngủ gật. Tiếp đến, là cuộc họp những trưởng ban, trong cuộc họp hôm nay cần quyết định một việc quan trọng liên quan đến lợi ích của nhà máy. Nên bán số đay dự trữ khá lớn ở Ấn Độ và ở Anh chỉ giữ lại một số cần thiết để đủ cho các nhà máy sản xuất trong một thời gian? Hay là ta cần mua thêm đay nữa? Tóm lại là ta cần đón giá lên hay chờ giá hạ? Thông thường, những công việc này được bàn bạc một cách nghiêm túc, không một ai né tránh. Lần lượt, ông Vunphran lắng nghe theo thứ tự, người trẻ nhất cho ý kiến trước và trình bày những lý do. Cuối cùng ông Vunphran cho biết quyết định mà ông đề nghị chấp hành. Chuyện ấy không phải để nói ông ấy làm y theo quyết định. Người ta kết lại, đã có lần, sau sáu tháng, cũng có khi một năm, ông làm ngược lại điều ông đã nói. Nhưng trong mọi trường hợp, ông phát biểu rất rõ ràng, khiến nhân viên khâm phục ông, và khi nào cuộc tranh luận cũng đạt đến kết quả. Sáng hôm ấy, cuộc tranh luận vẫn theo trình tự bình thường. Mỗi người nêu ra những lý lẽ của mình về việc mua, bán. Đến lượt Taluen, ông ta không nói lời khẳng định mà phát biểu một nghi vấn:
  - Chưa bao giờ tôi cảm thấy bối rối như hôm nay, có nhiều lý do rất hay để mua, những cũng có những lý do mạnh mẽ để bán.  
Taluen thành thật, khi thú nhận sự bối rối ấy! Ông ta vẫn thường có thói quen theo dõi nét mặt của ông chủ để tùy đó mà phát biểu ý kiến. Nhưng sáng hôm ấy, gương mặt ông Vunphran không phản ánh gì hết! ông ấy muốn mua hay muốn bán? Thật ra hình như ông không bận tâm đến việc mua bán. Ông như xa vắng, hững hờ, lạc lõng trong một thế giới khác với thế giới công việc. Sau Taluen, có hai ý kiến nữa rồi đến lượt ông chủ kết thúc. Cũng như mọi khi, lại còn nghiêm túc hơn nữa, một sự im lăng kính cẩn bao trùm hội nghị, trong lúc mọi con mắt hướng về phía ông chủ. Mọi người chờ đợi, nhưng ông Vunphran không nói gì. Người ta đưa mắt thầm hỏi nhau. Ông chủ đã mất trí chăng hay ông không còn ý thức được thực tại nữa? Cuối cùng, ông đưa tay lên và nói:
  - Tôi xin thú thật với các ông. Tôi không biết quyết định như thế nào?  
Thật là kinh khủng! Thật vậy ư? Ông ta đã đến mức ấy sao? Đây là lần đầu tiên, ông Vunphran do dự. Ông vốn là một con người quyết đoán, một con người rất tự chủ mà? Những ánh mắt vừa tìm kiếm nhau bây giờ lại tránh gặp nhau. Có người vì thông cảm. Những người khác đặc biệt đôi mắt của Taluen và hai người cháu thì lo sợ người ta nhìn thấy nội tâm của mình. Ông Vunphran còn nói:   
   - Để rồi chúng ta sẽ xem xét lại sau.   
Thế rồi người ta rút lui. Không ai nói một lời. trên đường đi, cũng không ai trao đổi cảm nghĩ riêng của mình. Ông Vunphran ở lại với Perin. Em vẫn ngồi bên chiếc bàn nhỏ của mình không hề đổi chỗ, ông Vunphran hình như không để ý đến các nhân viên của mình vừa rời khỏi phòng họp. Ông vẫn giữ cái dáng điệu tiều tụy của mình. Thời gian trôi qua, ông không hề cử động. Thế rồi, đột nhiên ông lấy hai tay ôm mặt. Ông tưởng là ông đang ngồi một mình, ông không nghĩ đến việc người ta có thể nghe thấy ông kêu lên – Lạy chúa! Lạy Chúa! Chúa không còn ở với tôi! Nào tôi đã làm gì để Chúa nỡ từ bỏ tôi! Thế rồi sự im lặng lại trở về, nặng nề, buồn thảm. Mặc dù Perin không thể đo hết chiều rộng và chiều sâu của nỗi thất vọng trong tiếng kêu ấy, nó cũng xé gan ruột của em. Trường hợp của ông Vunphran có vẻ đúng như ông kêu than vì cái gia tài to lớn và cái địa vị của ông, ông nghĩ rằng ông là người có số đỏ, đã được tạo hóa chọn mặt gửi vàng, đưa ông lên để dìu dắt mọi người. Từ một địa vị thấp kém, làm thế nào ông vươn lên được cao như thế nếu chỉ có đơn thuần trí tuệ của ông! Một bàn tay đầy quyền lực đã kéo ông khỏi đám đông để làm những việc to lớn, dìu dắt ông, cho nên lúc nào những ý nghĩ của ông cũng như những hoạt động của ông, luôn đi theo hướng thắng lợi. Những gì ông mong muốn đều đạt được. Ông đã thắng trong các trận đánh và lúc nào đối phương cũng bị ông cho đo ván. Thế mà đột nhiên, đây là lần đầu, cái mà ông tha thiết mong muốn, cái mà ông tin tưởng chắc chắn sẽ nhận được lại không được thực hiện! Ông chờ đợi anh con trai. Ông biết là anh ấy sắp về. Cả cuộc đời ông trong  tương lai đã được sắp đặt cho cuộc họp mặt ấy. Những anh con ông đã chết!   Thế thì sao?   Ông không hiểu được hiện tại lẫn quá khứ.   Ông đã là gì?   Hiện nay ông là gì?   Trong bốn mươi năm ông là gì, theo như ông từng nghĩ thì tại sao ông lại không như thế nữa?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:18:48 | Chỉ xem của tác giả
                                               Phần VIII : CHIẾC ĐŨA THẦN CỦA NÀNG TIÊN

Tình trạng ngớ ngẩn kéo dài sức khỏe của ông Vunphran không được tốt: bệnh viêm phế quản, sự hồi hộp làm bệnh tim nặng dần rồi sưng phổi tiếp theo bắt ông phải ở trong phòng mất một tuần. Taluen được điều hành chỉ huy trọn vẹn tất cả các nhà máy, lấy làm đắc thắng.
   Những rắc rối ấy bớt dần trong khi tình trạng ngớ ngẩn tinh thần không thuyên giảm và qua mấy hôm, ông thấy thuốc Ruysông đâm ra lo ngại. Đã nhiều lần, Perin muốn hỏi bác sĩ Ruysông nhưng ông này không phải là người quan tâm đến những điều tò mò của các cô bé. May thay, ông không từ chối trả lời cho Bátxchiêng và cô Benlom. Khi buổi chiều tối, ông đi thăm bệnh thường gặp họ. Perin lo ngại, và được người đầy tờ già cùng cô giáo cho biết ít nhiều những tin tức lờ mờ về bệnh trạng của ông Vunphran.
   - Không có gì nguy hiểm đến tính mạng, Bátxchiêng nói, nhưng ông Ruysông muốn thấy ông chủ trở lại với công việc!
   Cô giáo không hà tiện lời nói. Khi đến tòa lâu đài để lên lớp, cô nói chuyện ông Ruysông. Cô sẵn sàng nhắc lại những lời ông nói cho Perin nghe, tóm tắt bằng một câu lúc nào cũng thế: “ Ông Vunphran phải có một sự chấn động! Tinh thần ông bị tê liệt nhưng cái lò xo lớn hình như không bị đứt! Phải có một cái gì lên giây cái máy ấy!”
Từ lâu, người ta lo nghĩ sự chấn động ấy bất ngờ xảy ra; đã nhiều lần ca phẫu thuật mổ cườm mắt ấy phải hoãn lại, đợi tình trạng sức khỏe cho phép. Phải có sự chấn động để ông Vunphran quan tâm đến công việc! Cả cuộc đời của ông là ở đấy! Người ta hy vọng sẽ thành công, rồi đây sẽ dùng phẫu thuật. Bây giờ thì người ta không lo sợ những cảm xúc mạnh của sự trở về hay cái chết của con ông nhưng về phương diện chuyên môn người ta vẫn còn lo ngại.
   Nhưng làm thế nào để gây sự chấn động ấy? Người ta tự hỏi trong khi chẳng tìm ra được câu trả lời. Hình như ông Vunphran không quan tâm đến việc gì cả! Ông cũng chẳng muốn tiếp Taluen và hai người cháu trong lúc ông lâm bệnh. Lúc nào, ông cũng bảo Bátxchiêng trả lời cho Taluen, ông này kính cẩn, mỗi ngày hai lần, đến nhận mệnh lệnh vào buổi sáng và buổi chiều.
   - Hãy ra quyết định thế nào cho tốt!
   Và lúc ra khỏi giường bệnh, ông Vunphran trở lại bàn giấy cũng chẳng cần kiểm tra Taluen đã quyết định như thế nào. Còn Taluen quá khôn ngoan, quá khéo léo, quá xảo quyệt và lại quá thận trọng để không chọn một biện pháp nào khác với ông chủ khi ông khỏe mạnh.
   Sự thờ ơ ấy không làm ngưng thói quen của Perin hàng ngày đưa ông Vunphran đi thăm các nhà máy như trước kia, nhưng khác trước, ông thường im lặng trên đường đi, không trả lời cho Perin về những nhận xét mà chốc chốc em nêu lên. Đến các nhà máy, khi những quản đốc báo cáo, ông cũng ít chú ý.
   - Để tốt hơn, ông thường bảo, các anh nên trao đổi với Taluen.
   Tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ?
   Một buổi chiều, sau khi đi thăm các nhà máy họ về gần đến Marôcua. Con ngựa già buồn ngủ đang đi nước kiệu thì nghe trong làn gió như có hồi kèn báo động.
   - Hãy dừng lại, ông Vunphran nói, hình như người ta báo động: Có đám cháy!
   Cỗ xe dừng lại, tiếng kèn nghe rất rõ.
   - Có đám cháy, ông Vunphran nói, cháu có thấy gì không?
   - Một cơn lốc, khói đen sì.
   - Về phía nào?
   - Ở giữa đám cây dương. Cháu chưa nhận ra là ở xóm nào.
   - Bên phải hay bên trái?
   - Hình như bên trái.
   - Bên trái, thế là về phía nhà máy.
   - Chúng ta có phải cho ngựa phi lên không? Em hỏi.
   - Không, nhưng cháu cho đi nhanh lên!
   Đến gần, tiếng kèn càng rõ, khi họ đi quanh cái hốc đất có hàng dương bao bọc, Perin không thể nắm chính xác địa điểm đám cháy. Hình như ở giữa làng, chứ không phải ở nhà máy, Perin nói cái nhận xét ấy với ông Vunphran, ông không trả lời. Em tin như thế là vì bây giờ em nghe tiếng kèn về phía tay trái, nghĩa là khu vực quanh nhà máy.
   - Người ta không thổi kèn có lửa. Em nói.
   - Đó là lời giải thích rất hay. Ông Vunphran đáp.
   Nhưng ông nói câu trả lời ấy với một giọng thờ ơ như là ông chẳng cần biết đám cháy xảy ra ở đâu. Chỉ đến khi vào trong làng họ mới được rõ.
   - Đừng vội, ông Vunphran ạ! Một bác nông dân nói to. Lửa không phải ở chỗ ông! Nhà bà Tibuyxơ cháy đấy!
   Bà Tibuyxơ là một bà già nghiện rượu, bà trông những đứa trẻ còn quá nhỏ mà nhà trẻ không nhận. Bà ở một mái nhà tranh dột nát, gần sập, nằm ở bên phải sau một cái sân gần các trường học.
   - Chúng ta đi đến đó! Ông Vunphran nói.
   Họ chỉ cần theo các bác nông dân đang chạy. Bây giờ người ta trông thấy khói và lửa bốc lên cuồn cuộn trên mái nhà và người ta ngửi thấy mùi khét nghẹt. Trước khi đến đó, họ phải dừng lại, sợ cán phải những người tò mò, đang bươn bả đi xem, dầu có bị cán, cũng chẳng chịu tránh ra. Ông Vunphran xuống xe. Perin dìu ông đi qua đám đông. Khi họ đến gần ngôi nhà, Phabry đến gặp họ, anh đội mũ cát, đang chỉ huy đội cứu hỏa nhà máy.
   - Chúng tôi đã làm chủ được ngọn lửa, anh nói, nhưng cái nhà thì đã bị bốc cháy! Nghiêm trọng hơn là nhiều em bé, có lẽ năm sáu em đã chết. Một em bị vùi trong ngôi nhà đổ, hai em chết ngạt, còn ba em nữa người ta chưa tìm thấy!
   - Lửa bốc cháy vì đâu?
   - Mụ Tibuyxơ sau rượu rồi nằm ngủ - bây giờ mụ vẫn còn say. Mấy đứa bé lớn lấy diêm ra chơi. Khi thấy lửa bén, chúng chạy trốn. Mụ Tibuyxơ hoảng hốt, cũng bỏ chạy, quen lửng mấy đứa bé còn đang nằm trong nôi.
   Có tiếng ồn ào ở phía sân rồi tiếng la hét. Ông Vunphran muốn đi về phía đó.
   - Ông đừng đi đến đó! Phabry nói. Đó là hai bà mẹ có con bị chết ngạt đang khóc con.
   - Họ là ai?
   - Nữ công nhân của nhà máy.
   - Tôi phải nói chuyện với họ.
   Ông đè mạnh tay lên vai Perin để nói em phải đưa ông đi. Phabry đi trước để dọn đường. Họ vào trong sân. Ở đó đội cứu hỏa đã tưới nước tràn ngập ngôi nhà đổ sập chỉ có bốn bức tường còn đứng. Dưới mấy vòi nước, có những ngọn lửa bốc lên với tiếng nổ lốp bốp. Họ nghe những tiếng kêu la từ một góc đối diện có nhiều phụ nữ xúm xít. Phabry dẹp đường cho ông Vunphran, đi theo sau Perin, đến gặp hai bà mẹ đang ôm con trên đầu gối. Họ khóc, một người có lẽ tin tưởng đến một sự cứu chữa thiêng liêng, khi nhận ra chỉ là ông chủ, thì đưa một cánh tay về phía ông hăm dọa:
   - Hãy đến xem! Các người đã làm gì con cái chúng tôi! Trong lúc chúng tôi làm việc cật lực cho ông, ông có cứu nó sống lại được không chứ? Ôi, thằng bé tội nghiệp của tôi!
   Rồi nghiêng mình trên thằng bé, bà mẹ la hét và khóc nức nở. Ông Vunphran dừng lại, do dự một lát, rồi nói với Phabry:
   - Anh nói có lý! Chúng ta đi thôi!
   Họ trở về buồng giấy. Không ai nói đến chuyện hỏa hoạn nữa cho đến khi Taluen vào báo cáo cho ông Vunphran hay trong sáu đứa bé người ta tưởng chết thiêu, thì ba đứa còn mạnh khỏe đang ở bên mấy nhà gần đây. Trong lúc hỗn loạn người ta đã bế chúng nó ra khỏi đám cháy. Như vậy, chỉ có ba đứa chết và ngày mai sẽ mai táng chúng. Taluen đi rồi, Perin chìm đắm trong suy tư, từ lúc trở về nhà máy, bỗng em nhất quyết thưa chuyện với ông chủ:
   - Ông có định đến dự lễ mai táng các cháu chết cháy không? – Giọng em run run vì xúc động, hỏi.
   - Tại sao bác lại phải đến kia chứ?
   - Bởi vì đó là câu trả lời của ông, câu trả lời nghiêm túc nhất cho những lời tố cáo của bà mẹ khốn khổ ấy!
   - Bọn thợ có đến cầu hồn cho con trai bác đâu!
   - Họ không chia sẻ nỗi đau buồn của ông, còn ông, ông phải chia sẻ nỗi đau buồn của họ, đó cũng là một cách trả lời và cái đó chắc chắn họ sẽ hiểu!
   - Cháu không biết là bọn thợ thuyền vong ân đến chừng nào!
   - Vong ân, vì sao thưa ông? Vì số tiền họ nhận được? Có thể như thế, và chuyện đó có thể họ quan niệm số tiền họ nhận được không cùng một cách với số người phát tiền. Họ có quyền được hưởng số tiền về sự đóng góp công sức của họ chứ? Sự vong ân ấy có thể như ông nói. Nhưng còn vong ân về đối xử ân tình, về sự giúp đỡ bạn hữu, ông có nghĩ là giống như sự vong ân kia hay không? Hữu ái sinh ra hữu ái. Ta yêu mến những ai mà ta cảm thấy yêu mến mình. Cháu nghĩ rằng nếu chúng ta là bạn của họ chúng ta sẽ làm cho họ trở thành bạn bè của chúng ta. Giúp đỡ những người khốn khổ cho nhẹ bớt đói nghèo, đó là việc lớn lắm, nhưng chia sẻ nỗi khổ của họ, làm cho họ bớt đau khổ còn to lớn hơn nhiều!
   Hình như Perin còn có nhiều điều muốn nói nhưng ôg Vunphran không trả lời. Ông hình như không nghe em nói, nên em không dám tiếp tục. Em định bụng sẽ trở lại câu chuyện đó lúc khác. Khi họ đi ngang trước hàng hiên của Taluen để trở về tòa lâu đài, ông Vunphran dừng lại, nói với viên quản đốc.
   - Anh tin cho cha xứ hay rằng tôi chịu những phí tổn trong việc chôn cất mấy đứa bé bị nạn. Nói với cha hãy tổ chức một buổi lễ đàng hoàng. Tôi sẽ đến dự.
   Taluen giật mình đánh thót. Ông Vunphran vẫn tiếp tục.
   - Anh cho dán áp phích ngày mai ai muốn đến nhà thờ đều được tự do. Cái đám cháy ấy thật là một tai họa lớn!
   - Chúng ta không nên chịu trách nhiệm!
   - Trực tiếp thì không.
   Đó không phải là nỗi ngạc nhiên duy nhất của Perin. Sáng hôm sau, nghe đọc các thư tín và hội ý với mấy ông trưởng ban xong ông Vunphran giữ Phabry ở lại.
   - Anh không bận việc gì gấp chứ? Tôi nghĩ thế!
   - Không thưa ông.
   - Nào, anh đi Ruăng ngay! Tôi được biết ở đó người ta vừa xây dựng một nhà trẻ mẫu, áp dụng những cái gì tốt nhất ở mọi nơi. Không phải của thành phố đâu, nếu mà của thành phố thì hẳn có một cuộc thi sau đó chỉ sinh ra một kiểu xây dựng cũ rích. Một tư nhân để tưởng nhớ những người thân, đã tìm làm việc thiện. Anh hãy nghiên cứu cái nhà trẻ ấy với mọi chi tiết: cách xây dựng, hệ thống lò sưởi, lò đun bếp, hệ thống quạt trần, giá thành xây dựng, lắp ráp và chi phí bảo quản. Rồi anh hỏi ông kiến trúc sư xem ông ta đã theo mẫu những nhà trẻ nào, anh cũng sẽ đi đến tận nơi có mẫu ấy tìm hiểu và trở về đây càng nhanh càng tốt! Trước ba tháng, chúng ta phải mở cửa các nhà trẻ ở mấy nhà máy của tôi. Tôi không muốn một tai họa như ngày hôm qua lại tái diễn! Tôi tin cậy anh. Chúng ta không phải gánh một trách nhiệm nặng nề như về tai họa vừa qua nữa!
   Buổi chiều, khi có cô Benlom đến lớp, cô rất phấn khởi được nghe Perin kể lại sự việc quan trọng ấy. Câu chuyện bị cắt đứt, khi ông Vunphran bước vào thư viện.
   - Cô giáo, – Ông nói – nhân danh cá nhân và thay mặt dân địa phương, tôi đến nhờ cô giúp cho một việc lớn lao, kết quả của nó có tầm quan trọng bậc nhất. Tôi cũng thừa nhận, việc ấy đòi hỏi về phần cô một sự hy sinh lớn lao.
   Rồi ông trình bày. Đó là việc cô giáo phải xin từ chức để điều khiển năm nhà trẻ mà ông sắp xây dựng. Ông đã tìm và chỉ thấy cô giáo là người thông minh, có nghị lực, có nhiệt tình, có thể đảm đang nhiệm vụ khá nặng nề ấy! Nhà trẻ xây dựng xong, ông Vunphran sẽ biếu cho các xã Marôcua, Xanh Pipô, Hécchơ, Bacua Phêxen với một số vốn đủ để duy trì mãi mãi. Ông chỉ đòi hỏi một điều kiện: Người điều khiển các nhà trẻ phải là người ông hết sức tin cậy, để đảm bảo kết quả và sự tồn tại sự nghiệp của ông. Được trình bày như thế, lời yêu cầu không thể từ chối. Nhưng cô Benlom, trong sự hy sinh, không phải là không đau xót, như ông Vunphran nói:
   - Ôi, thưa ông! – Cô kêu lên – Ông chưa rõ công việc giáo dục là gì?
   - Đưa lại cho trẻ sự hiểu biết, cái ấy là rất lớn! Tôi hiểu. Nhưng cho các cháu sức khỏe, sự sống cũng là cái gì đấy chứ? Và cái ấy sẽ là công việc của cô! Nó cũng khá to lớn để cô không thể từ chối được.
   - Và tôi sẽ không xứng đáng với sự lựa chọn của ông, nếu tôi nghe theo những sở thích cá nhân. Tôi sẽ là người học trò của chính tôi, có bổn phận phải học hỏi để làm nhiệm vụ mới này. Cái nhu cầu dạy dỗ, rèn luyện của tôi sẽ được ứng dụng rộng rãi. Tôi sẽ hết lòng phục vụ ông. Lòng tôi quá xúc động không nói nên lời. Nói rất biết ơn, rất kính phục.
   - Nếu cô muốn nói đến sự biết ơn, thì không nên nói với tôi, mà phải nói với cô bé học trò của cô đấy. Thưa cô, chính những lời cháu ấy nói, những ý nghĩ trước đây rất xa lạ với tôi! Cô bé đưa tôi đến một con đường mà tôi mới đi được vài bước, chưa đáng kể vì đường còn dài!
   - Ôi, thưa ông, - Perin kêu lên. Niềm vui và tự hào làm em bạo dạn – Ước gì ông đi thêm một bước nữa!
   - Để đi đâu chứ?
   - Đi một nơi mà tối nay cháu sẽ đưa ông đến!
   - Ấy, cháu muốn dẫn bác đi đâu tối nay đây?
   - Đến một chỗ mà sự có mặt của ông chỉ trong vài phút có thể mang lại những kết quả phi thường.
   - Một lần nữa, cháu có thể nói cho bác hay cái chỗ bí mật ấy ở đâu, là chỗ nào không?
   - Nếu cháu nói trước, tác dụng mà cháu chờ đợi ở cuộc đi thăm của ông sẽ mất đi! Chiều nay đẹp trời, ấm áp, ông không sợ bị cảm lạnh. Xin ông hãy đồng ý đi!
   - Hình như người ta có thể tin cậy ở em này – Cô giáo nói – Tuy lời đề nghị được trình bày dưới dạng hơi… kỳ quái và trẻ con.
   - Cháu sẽ được như ý! Chiều nay bác sẽ đi với cháu! Cháu hãy định mấy giờ thì chúng ta làm cuộc thám hiểm?
   - Càng về đêm, càng tốt.
   Trong buổi chiều tối, ông Vunphran nhắc nhiều lần đến cuộc thám hiểm, nhưng Perin vẫn không nói rõ.
   - Cháu có biết là cháu đã làm cho bác sinh ra tò mò không?
   - Khi cháu chỉ đạt được có thế thì không phải là đã đạt được một phần rồi sao? Để ông mơ tưởng về ngày mai hay ngày kia không hơn là để ông luyến tiếc một hy vọng đã tiêu tan trong quá khứ?
   - Tốt hơn nếu bác còn có một ngày mai! Cháu muốn bác mơ về một tương lai nào đó? Nó còn buồn hơn là quá khứ đối với bác, bởi vì nó trống rỗng.
   - Thưa ông không phải thế! Nó không quá trống rỗng nếu ông nghĩ đến người khác! Khi còn bé… và không được sung sướng, người ta thường nghĩ đến, có phải thế không ạ. Một tay thuật sĩ cao tay, nếu người ta gặp được, sẽ làm cho những ước mơ của ta được thực hiện. Nhưng khi chính họ là người thuật sĩ ấy, không biết có lần nào họ nghĩ rằng họ phải làm cho người khổ sở được sung sướng dù những người khốn khổ ấy là trẻ con hay người lớn? Khi người ta cầm quyền hành trong tay, dùng nó không phải là thích thú sao? Cháu nói thích thú vì chúng ta ở trong tiên cảnh. Nhưng trong thực tế, thì có một từ khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:20:39 | Chỉ xem của tác giả
Buổi chiều trôi qua với những câu chuyện ấy. Nhiều lần, ông Vunphran hỏi đã đến giờ đi chưa, nhưng em cứ lùi mãi. Cuối cùng Perin báo có thể lên đường. Buổi tối ấm áp như em đã dự đoán. Không có gió, sương mù, mà có những luồng nhiệt thường kích động bầu trời. Họ đi vào trong làng. Mọi người đang ngủ. Không có ánh sáng ở các cửa sổ khép kín. Không có một tiếng động ngoài tiếng nước đổ từ các đập giữ nước trên sông.
   Như tất cả những người mù, ông Vunphran nhận ra phương hướng trong đêm tối. Ra khỏi tòa lâu đài, ông đi theo con đường của ông, y như là đôi mắt không mù.
   - Chúng ta đã đến trước nhà bà Prăngxoadơ? – Ông nói thế.
   - Đúng là chúng ta đến mẹ Prăngxoadơ. Xin phép ông, đừng trò chuyện nữa. Cháu sẽ nắm tay dắt ông. Cháu xin báo với ông: chúng ta phải leo lên một cầu thang để đi, và lên thẳng chứ không quanh co. Ở trên cầu thang ấy, cháu sẽ mở cửa và chúng ta đi vào. Chúng ta ở lại một hay hai phút, tùy ông.
   - Cháu muốn bác thấy gì cơ chứ. Vì bác mù kia mà!
   - Ông không cần thấy!
   - Thế thì làm gì?
   - Để có đến! Cháu quên nói với ông, trong lúc đi lên xuống chúng ta có gây tiếng động cũng chẳng sao!
   Mọi việc tiến hành như Perin đã nói. Khi vào đến sân trong, một ánh chớp chỉ cho họ con đường lên cầu thang. Họ leo lên và Perin mở cửa, kéo nhẹ nhàng ông Vunphran vào rồi khép cửa lại. Họ cảm thấy nóng nực, làm họ ngột ngạt. Một giọng lè nhè hỏi:
   - Ai đó?
   Perin bóp bàn tay ông Vunphran, có ý bảo ông đừng trả lời. Cái giọng ấy tiếp tục:
   - Nằm ngủ đi chứ, Lanoyden!
   Lần này, Perin cảm thấp bàn tay của ông Vunphran cho em hay là ông muốn đi ra. Perin lại mở cửa. Họ leo xuống cầu thang, trong lúc có những tiếng thì thầm đuổi theo họ.
   Khi đã ra ngoài đường cái, ông Vunphran nói:
   - Cháu muốn cho bác biết cái phòng cháu đã nằm ngủ đêm đầu tiên khi đến đây phải không?
   - Cháu muốn ông biết một trong nhiều phòng ngủ ở Marôcua và các làng khác. Thợ thuyền của ông: đàn ông, phụ nữ, trẻ em nằm ngủ ở đấy. Chúng ta chỉ ngửi cái không khí ô nhiễm trong một phút thôi cũng đủ để cho ông hiểu nó đã giết bao nhiêu mạng người khốn khổ bấy nay!

^^^^

   Một chủ nhật đẹp trời, Perin đến Marôcua khốn khổ và thất vọng. Lúc bấy giờ, em tự hỏi rồi đây có may mắn nào sẽ đến với em không? Ngày lại ngày, mười ba tháng đã trôi qua! Trời hôm nay vẫn đẹp như lúc ấy! Nhưng Perin và xóm làng đã khác năm qua!
   Ngay chỗ Perin buồng rầu ngồi cả buổi chiều bên bìa rừng nhỏ bao quanh quả đồi, và cố gắng tìm hiểu xóm làng, những nhà máy nằm trong thung lũng ở phía dưới, thì nay nhiều ngôi nhà mới đang được xây dựng. Một bệnh viện khang trang ở vị trí rất đẹp đã nhô cao lên trên xứ này. Những thợ thuyền trong các nhà máy ông  Vunphran cư trú ở Marôcua hay các nơi khác, sẽ được bệnh viện nhận.
   Từ nơi này, người ta có thể theo dõi dễ dàng những thay đổi trong vùng. Những thay đổi thật là phi thường nhất là đối với thời gian ít ỏi vừa trôi qua! Trong các nhà máy, sự thay đổi không rõ lắm, phát triển toàn diện, chỉ còn có việc đi theo bước đều đều của tất cả cái gì đã được vạch ra rất nghiêm túc.
   Nhưng ở gần cửa chính, nơi trước đây có mấy túp lều của hai nhóm giữ trẻ như bà Tibuyxơ, cách dây mấy tháng, một mái đỏ nổi lên. Đó là nhà trẻ có mặt tiền một nửa màu hồng, một nửa màu xanh da trời. Ông Vunphran đã cho xây dựng trên vị trí của mấy túp lều đổ nát mà ông đã mua lại. Ông trao đổi với mấy người chủ nhà rất rõ ràng và thành thật. Ông mời họ đến, giải thích cho họ thấy ông chịu trách nhiệm về các cháu, con của những nữ công nhân của ông. Ông không muốn để chúng nó có thể bị thiêu hay chết bệnh do sự thiếu săn sóc. Ông sẽ cho xây dựng một nhà trẻ. Các cháu sẽ được nuôi dạy ở đây không phải trả tiền cho đến ba tuổi. Chắc không ai phản đối việc vào nhà trẻ của ông và gửi con ở đấy. Nếu họ muốn bán nhà, ông mua cho họ với một số tiền nhất định và một số lợi tức hàng năm hưởng trọn đời. Nếu họ không đồng ý thì họ giữ lấy nhà của họ. Đất, ông không thiếu. Họ có thời gian để quyết định đến mười một giờ sáng hôm sau. Đúng giờ, mười hai giờ trưa sợ trễ rồi!
Giữa làng nổi lên những mái nhà đỏ cao hơn, dài hơn, oai vệ hơn. Đó là những nhà vừa mới hoàn thành trong đó có những phòng riêng, những nhà ăn, hàng cơm, căngtin, cung cấp thực phẩm cho những người thợ độc thân nam và nữ. Để xây dựng những cái nhà này, ông Vunphran cũng áp dụng cái phương pháp lấy đất như bên nhà trẻ. Ông nói: Tôi quyết định xây dựng hai khách sạn trong đó tôi cho nam nữ công nhân thuê phòng mỗi tháng ba phờrăng. Tôi sẽ sử dụng tầng trệt làm nhà ăn và hàng cơm. Tôi lấy mỗi suất ăn bản mươi xăngtim và cho ăn trưa có xúp, ragu hay rôti với bánh mì và rượu cần.
   Rải rác khắp nơi trên khoảng đất ấy, người ta thấy có những mái ngói mới đỏ tươi, những ngôi nhà bé nhỏ sạch sẽ, mới lợp, khác hẳn những mái nhà cũ kĩ, phủ đầy rêu. Đó là những nhà ở cho thợ thuyền vừa mới bắt đầu xây dựng gần đây. Những ngôi nhà ấy sẽ ở rải rác giữa một khu vườn nhỏ, trong ấy sẽ ở rải rác giữa một khu vườn nhỏ, trong ấy người ta có thể thu hoạch rau tự túc cho gia đình. Người chỉ phải trả tiền thuê một trăm phờrăng một năm và sẽ có niềm vui tự hào được một tổ ấm thoải mái, đầy đủ tiện nghi.
   Nhưng thật ra sự thay đổi đập vào mắt ta mạnh nhất, làm ta giật mình sửng sốt, nếu ta vắng mặt một năm ở Marôcua. Đó là sự đảo lộn trong hoa viên của ông Vunphran. Trong những bãi cỏ nếu kéo dài sẽ gặp các hốc đất và sẽ lẫn lộn với chúng. Cái phần ở dưới thấp, từ trước gần như ở trạng thái tự nhiên, đã cắt xén khỏi hoa viên và thay đổi rất nhanh. Bây giờ, ở phía trong một ngôi nhà lớn bằng gỗ nổi lên. Bên cạnh là những ngôi nhà nhỏ bùng quê, hay những kiốt xây dựng đơn sơ. Nhìn chung, ở đây có vẻ như một công viên vì có đủ các trò chơi bằng những dụng cụ thể dục: những cây đu, trường đua ngựa gỗ, bắn cung, bắn nỏ, bắn súng ngắn và súng thật, những cột thoa mỡ, đua xe đạp, một nhà hát con rối, một cái bệ cho các nhạc sĩ biểu diễn.
   Thực ra, đây đúng là một công viên chung cho thợ thuyền ở các nhà máy Hécsơ, Xanh Pipô, Bacua, Phơxen. Ông Vunphran cho xây dựng nhà cửa ở các nơi ấy như nhau, nhưng ông lại muốn những người thợ của ông chỉ có một nơi hội họp và vui chơi giải trí. Ở đó họ sẽ gặp gỡ, quan hệ và gắn bó với nhạu. Cái thư viện của ông cũng đã thay đổi, chắng biết do ảnh hưởng của ai! Trong cái vườn rộng mênh mông, quanh những phòng đọc, phòng họp, choán cái nhà gỗ lớn ở trung tâm, những trò chơi các loại cũng tập trung ở đấy. Sự phát triển đòi hỏi mất một phần hoa viên của ông. Đến nỗi bây giờ Câu lạc bộ công nhân bảo vệ tòa lâu đài.
   Những thay đổi ấy đã được ý thức và thực hiện rất nhanh chóng cũng đã gây nên một sự xúc động mạnh mẽ. Hơn nữa, đã tạo nên sự náo động trong vùng.
   Những người thù địch, nhất là bọn chủ có nhà cho thuê có quán rượu, tiệm tạp hóa. Bọn họ kêu la bị sạt nghiệp và bị áp bức! Chẳng phải là một sự bất công, một tội ác xã hội hay sao khi người ta cạnh tranh với họ, ngăn cản họ tiếp tục buôn bán như cũ? Từ khi thành lập nhà máy, bọn chủ trại đã chống lại vì nhà máy cướp những người thợ cày của họ hay bắt họ phải trả tiền công tăng lên! Những tiểu thương cũng đứng về phía nông dân để góp thêm những lời than vãn. Khi ông Vunphran cùng với Perin đi ngang qua các nẻo đường của xóm làng người ta la ó đuổi theo như đối với bọn bất lương. Lão chẳng phải đã giàu to rồi, cái lão già mù lòa ấy, sao lại còn muốn làm những người khốn khổ sạt nghiệp! Cái chết của người con trai không làm cho ông ta có một chút lòng nhân từ, bác ái trong lòng hay sao? Tụi thợ thuyền đều ngu đần để không hiểu tất cả những cái ấy chẳng có mục đích gì khác hơn là để xiềng xích họ chặt hơn nữa, đưa tay lấy lại cái gì bàn tay kia hình như vừa mới cho bọn họ? Nhiều cuộc họp được tổ chức, để người ta thảo luận xem bọn họ cần phải làm gì. Trong những cuộc hội họp ấy, nhiều người đã bảo họ không phải là những người ngu đần như bao nhiêu người nói họ.
   Trong gia đình ông Vunphran những cải cách ấy cũng gây nên khá nhiều lo ngại cũng như nhiều lời lẽ phê bình. Ông Vunphran điên rồi sao? Ông ấy sẽ đi đến phá sản nghĩa là làm cho bọn họ phá sản! Chẳng phải là cẩn thận nếu can thiệp cho pháp luật hủy những quyền hành của ông lại hay sao? Thật ra, ông ta nhu nhược trước cái con bé ấy: nó bắt ông ta làm những gì mà nó muốn! Đó là một bằng chứng về chứng điên của người già mù lòa mà toà án không thể lường trước được hết. Tất cả những ai oán hờn đều hướng về cái con ranh con nguy hiểm ấy, cái con chằng biết nó đang làm cái gì! Với cái con ấy, tiền bạc có tiêu xài hoang phí, nào phải là của nó!
   May thay cho con bé, nó cảm thấy có những người nâng đỡ chống lại sự giận dữ ấy! Nó nhận trực tiếp hay gián tiếp những trận đòn ở mọi lúc, thì có những tình bạn động viên và an ủi nó.
   Cũng như thường lệ, nịnh thần của các thắng lợi, Taluen đứng về phía Perin. Ông ấy bảo là em đã thành công tất cả những gì mài em trù tính; em khiến ông Vunphran làm tất cả những gì mà em muốn, do đó em là kẻ thù của hai người cháu. Kỳ thực nói cho đúng, dù ông Vunphran có tiêu xài những số tiền lớn, thì cũng sẽ làm tăng tài sản của các nhà máy lên thôi. Số tiền ấy, người ta có lấy của Taluen đâu! Trái lại, các nhà máy ấy có thể là của ông ta một ngày nào đó. Vì thế, khi Taluen dự đoán được một sự thay đổi mới đang được nghiên cứu, ông ta không bỏ lỡ cơ hội để “cho rằng” cũng như ông chủ của ông ta, thời gian này rất thuận lợi để thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có những cảm tình mà Perin thấy vui thích hơn cảm tình của Taluen. Đó là cảm tình của bác sĩ Ruysông, của cô giáo Benlom, của kỹ sư Phabry và những người thợ đã được ông Vunphran cho bầu vào ban Hội đồng bảo vệ các nhà máy. Thấy con bé “ranh con” đã đem lại cho ông Vunphran  nguồn nghị lực, ông thầy thuốc cũng thay đổi cách đối xử với em. Bây giờ đó là một sự âu yếm lẫn vị nể. Ít ra, ông cũng cho cô bé này là một nhân vật có sức tác động lớn. Cô bé này đã làm được hơn ngành y, ông nói, không có cô ấy, tôi cũng chẳng rõ ông Vunphran sẽ ra sao?
   Cô giáo không cần thay đổi cách đối xử nhưng rất tự hào vì em. Mỗi ngày, sau bài giảng vài phút, cô biểu lộ thành thật những cảm tình của cô, tuy vẫn thú nhận cách biểu lộ có thể chưa thật đúng với quan hệ “thầy và trò”.
   Còn về phía Phabry, ông ta có sự liên hệ mật thiết với tất cả những gì phải làm, cho nên không thể không đồng tình, nhất trí với Perin. Lúc đầu, ông chẳng đẻ ý đến em, nhưng em đã nhanh chóng chiếm một vị trí quá quan trọng trong xí nghiệp, cho nên ông chỉ còn là một công cụ trong bàn tay em.
   - Ông Phabry, ông đi Noyđen, nghiên cứu những ngôi nhà của công nhân!
   - Ông Phabry, ông đi Anh, tìm hiểu Câu lạc bộ liên hiệp công nhân!
   - Ông Phabry, ông đi Bỉ, nghe Câu lạc bộ lao động!
   Và ông Phabry đi, nghiên cứu những gì người ta dặn ông, và không quên những gì tự ông cho là đáng để ý. Lúc trở về, sau khi trao đổi rất lay với ông Vunphran để quyết định kế hoạch tiến hành, ông phụ trách việc kiến trúc qua viên kiến trúc sư và những người chỉ đạo công trình giúp viẹc trong bàn giấy của ông. Buồng giấy của Phabry đã trở thành nơi quan trọng nhất của nhà máy. Chẳng bao giờ em dự vào các cuộc tranh luận, tuy em có mặt ở đấy. Thật là ngu xuẩn để không hiểu em đã chuẩn bị đã gợi ý. Thật ra, em đã gieo hạt trong trí óc hay trong lòng ông chủ. Hạt đã nảy mầm và có quả.
   Cũng như Phabry, những người thợ đắc cử do sự lựa chọn của bạn bè thấy rõ vai trò của Perin. Tuy trong các phiên họp của Hội đồng công nhân, Perin không tự cho phép nói một tiếng, làm một cử chỉ, họ cũng biết rất rõ ảnh hưởng của em. Với họ, đó là một cơ sở để tin tưởng về giới mình và là một niềm tự hào vì em đứng trong hàng ngũ của họ.
   - Anh biết đấy, cô ta trước có làm ở xưởng suốt!
   - Có phải không, nếu cô ta không xuất thân từ lao động thì cô ta đâu có được như thế này.
   Trước mặt mấy người ấy, không nên nói chuyện la ó khi Perin đi qua các con đường làng. Những lời la ó sẽ bị tắc nghẹn từ cổ họng.
   Cách đó mấy hôm, Phabry được phái đi một cuộc điều tra mà ông Vunphran giữ kín không cho ai hay, nên chủ nhật hôm ấy ông Vunphran đang chờ Phabry về. Từ Paris, buổi sáng, Phabry có đánh về một bức điện chỉ có mấy chữ: “Tin tức đầy đủ, có văn bản chính thức, sẽ về trưa nay!”
   Quá trưa đến nửa giờ mà Phabry cũng chưa về. Trái với thường lệ; ông Vunphran tỏ ra nôn nóng. Ông ăn bữa trưa nhanh hơn mọi hôm. Trở về phòng riêng với Perin, chốc chốc ông đến bên cửa sổ mở rộng trên các khu vườn, để nghe ngóng.
   - Lạ quá, sao Phabry chưa về!
   - Có lẽ tàu bị trễ!
   Nhưng ông Vunphran không chịu nghe và đứng mãi ở cửa sổ. Perin muốn kéo ông ra chỗ khác. Trong vườn và khu bồn hoa đang diễn ra những sự việc mà Perin không muốn cho ông hay. Mấy bác làm vườn đang khẩn trương hoàn thành việc lưới bao những chùm hoa. Trong lúc đó, những người khác đào, bưng đem đi nơi khác, trồng cây lạ rải rác trên mấy bãi cỏ. Cửa ra vào mở rộng và ở phía Câu lạc bộ công nhân. Những lá cờ và cờ đuôi nheo đang tung reo phần phật trong làng gió nhẹ của biển.
  Ông Vunphran bấm nút gọi bác hầu phòng. Bác xuất hiện. Ông dặn bác nếu có ai đến gặp ông, thì nói với họ hôm nay ông không tiếp khách. Perin rất ngạc nhiên khi nghe cái mệnh lệnh ấy. Ngày chủ nhật, ông Vunphran thường tiếp tất cả những ai muốn gặp ông, dầu lớn hay bé. Trong cả tuần, ông rất hà tiện lời nói sợ mất thời gian tính ra thành tiền bạc. Trái lại, ngày chủ nhật, ông lại thao thao, khi thời gian của ông và của những người khác không còn có giá trị như trước. Có tiếng bánh xe lăn trên con đường vào các hốc đất, nghĩa là từ Píchkynhi đến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:23:34 | Chỉ xem của tác giả
                                                       Đoạn Kết

- Phabry về đó! Ông Vunphran nói bằng một giọng khác thường, trong đó có sự lo ngại chen lẫn với sung sướng nữa.
   Đúng thế! Phabry đi nhanh vào trong buồng giấy. Ông ấy cũng thế, hình như đang ở trong một trạng thái lạ lùng! Ông ta đưa mắt nhìn Perin trước làm em bối rối, mà chẳng hiểu vì sao.
   - Xe hỏng máy nên tôi về chậm. – Ông nói.
   - Anh về, đó mới là cái chính!
   - Tôi đã đánh điện báo cho ông.
   - Bức điện của anh ngắn và lờ mờ quá. Khó đem hy vọng lại cho tôi. Cái tôi cần là những khẳng định chắc nịch kia!
   - Tôi có được phép báo cáo trước mặt cô?
   - Được chứ, nếu những tin ấy vẫn như anh đã nói.
   Đây là lần đầu, Phabry báo cáo một nhiệm vụ đặc biệt, mà lại hỏi ông chủ, có thể làm việc ấy khi có mặt Perin không? Em đang bối rối, thì câu chuyện giữa ông Vunphran và Phabry, qua giọng nói cảm động, dáng điệu khác thường của họ chỉ làm tăng thêm nỗi lo lắng cho em.
   - Như lời dự đoán của vị thám tử của ông, - Phabry nói, và không nhìn Perin. – Cái con người nhiều lần không để lại dấu vết, đã đến Paris. Tại đây, trong lúc đọc cái bản khai tử, người ta đã tìm thấy vào tháng sáu năm ngoái, một bản mang tên Mari Đôrétsany, quả phụ của Étmông Vunphran Panhđavoan. Đây là một bản sao.
   Phabry đặt tờ giấy trong hai bàn tay run rẩy của ông Vunphran.
   - Ông có muốn đọc không?
   - Anh đã kiểm tra tên họ chưa?
   - Hẳn là có!
   - Thế thì, đừng đọc, chúng ta sẽ xem sau, anh nói tiếp.
   - Tôi không phải chỉ cầm chắc cái bản khai tử. – Phabry tiếp tục. – Tôi đã hỏi ông Hạt Muối, chủ ngôi nhà trọ mà chị Mari đã chết ở đấy. Tôi cũng đã tìm gặp những người đã chứng kiến cái chết ấy! Bà “Hầu tước” một người hát rong ở đường phố. Bố Cá Chép, cụ già sửa giày dép. Do kiệt sức vì đói khổ, mệt nhọc, nên chị đã chết! Tôi cũng đã gặp bác sĩ Xăngđri, người đã săn sóc chị ở đường Riblét. Bác sĩ muốn gửi chị đi bệnh viện nhưng vì không muốn xa con gái nên chị không chịu đi! Để cuộc điều tra được đầy đủ, họ đưa tôi đến con đường lâu đài Răngchiê để gặp La Rucơri, bà buôn bán phế liệu, phế phẩm. Mãi đến hôm qua, tôi mới được bà gặp, vào lúc bà ở thôn quê về.
   Phabry dừng lại. Lần đầu tiên ông quay về phía Perin, kính cẩn chào cô bé.
   - Tôi có trông thấy Palica. Thưa cô, nó vẫn khỏe mạnh!
   Perin đã đứng lên. Em đang nhìn, đang lắng nghe, nghẹn ngào xúc động, nước mắt tuôn như suối, Phabry tiếp tục.
   - Lần theo tông tích của người mẹ, tôi chỉ còn việc tìm hiểu con gái của chị ấy bây giờ ra sao? La Rucơri đã kể cho tôi nghe câu chuyện gặp gỡ trong khu rừng Xăngtydi. Nhờ con lừa, nên bà đã cứu được một cô bé sắp chết đói!
   Quay về phía Perin đang run rẩy, ông Vunphran kêu lên:
   - Rồi cháu sẽ nói cho ông hay tại sao con bé ấy không chịu tự giới thiệu! Cháu sẽ phải giải thích.
   Perin bước về phía ông. Ông vẫn nói:
   - Tại sao nó không nhào vào đôi tay mở rộng của ông…?
   - Trời ơi!
   - Cánh tay của ông nội nó mà!
   Phabry rút lui để ông Vunphran và Perin hai ông cháu nói chuyện tâm tình.
   Họ không nói nên lời vì quá cảm động. Họ cầm tay nhau, chỉ gọi nhau bằng những từ ây yếm:
   - Con gái của ông đây. Con cháu nội thân thương của ông!
   - Ông nội ơi!
   Cơn xúc động qua rồi, ông Vunphran hỏi:
   - Tại sao trước đây, cháu không tự xưng lai lịch ra?
   - Không phải cháu đã nhiều lần thử rồi sao? Ông không nhớ cái hôm ấy, lần cuối mà cháu ám chỉ đến mẹ con cháu, ông dặn: “Đừng bao giờ. Cháu nghe chứ! Đừng bao giờ nói về những con khốn nạn ấy với bác!”
   - Nào ông có thể ngờ cháu là cháu nội của ông!
   - Nếu đứa cháu ấy đến gặp ông và thành thật tự giới thiệu, biết đâu ông lại không xua đuổi nó, chẳng thèm nghe nó nói?
   - Ai biết được ông sẽ làm gì?
   - Thế thì cháu quyết định chỉ để người ta biết cháu cái ngày mà, như lời mẹ cháu dặn, cháu đã chiếm được tình thương.
   - Cháu đã phải đợi chờ lâu thế sao? Cháu không thấy ông thương yêu cháu ư?
   - Phải chăng đó là tình thương của người ông? Cháu chưa dám tin như thế!
   - Và phải trải qua đấu tranh gian khổ, những do dự, hy vọng và hoài nghi để mối nghi ngờ của ông được sáng tỏ! Cháu có thể tránh cho ông, nếu cháu tự giới thiệu sớm hơn! Ông phải nhờ Phabry để bắt cháu nhào vào lòng ông!
   - Niềm vui ngày hôm nay không đủ chứng minh sự việc tiến triển như thế là tốt sao?
   - Cuối cùng tốt đẹp cả! Nhưng phải xét lại việc đó. Đáng ra cháu nói cho ông hay cái điều mà cháu giấu ông, bắt ông phải tiếp tục tìm kiếm. Với một lời nói, cháu có thể làm sáng tỏ ngay!
   - Bằng cách tự xưng tông tích?
   - Cháu nói cho ông biết về cha cháu. Gia đình cháu đến Saradơ bằng cách nào? Tại sao cha cháu làm thợ ảnh?
   - Về cuộc sống của gia đình cháu ở Ấn Độ, ông có thể…
   Ông Vunphran ngắt lời Perin:
   - Gọi ông nội! Con đang nói với ông nội con chứ không phải đang nói với ông Vunphran!
   - Chắc ông nội đã hình dung cuộc sống của chúng con ở Ấn Độ qua mấy lá thư đã nhận được. Sau này con sẽ kể những cuộc đi lùng cây thảo mộc, đi săn thú. Ông nội sẽ thấy bố con dũng cảm như thế nào, mẹ con kiên tâm ra sao? Con không thể nói về cha con mà không nhắc đến mẹ con.
   - Khi Phabry cho ông biết mẹ con không chịu vào bệnh viện để được cứu chữa vì không muốn xa con, ông rất cảm động!
   - Ông nội sẽ thương mẹ con, sẽ yêu quý mẹ con, nhất định là thế!
   - Con sẽ kể với ông nội về người phụ nữ ấy!
   - Con sẽ nói với ông nội về người con dâu của ông nội. Con sẽ làm cho ông nội thương yêu mẹ con. Con lướt qua phần này. Chúng con từ giã Ấn Độ để về Pháp. Đến Xuê, cha con mất hết tiền bạc mang theo. Bọn chạy việc đã lấy hết sạch! Con chẳng hiểu bằng cách nào.
   Ông Vunphran có một cử chỉ. Hình như ông muốn nói phần ông, ông hiểu “tại sao?”
   - Không còn tiền bạc, đáng lẽ đi trực tiếp về Pháp, chúng con phải đi qua Hy Lạp để đỡ tốn kém. Đến Aten, vì cha con có sẵn những dụng cụ để làm ảnh, nên ông chụp chân dung để kiếm tiền độ nhật. Ông mua một cỗ xe, một con lừa, con Palica, con lừa sau này đã cứu con khỏi bị chết đói. Cha con muốn theo đường bộ trở về Pháp, vừa đi vừa chụp ảnh trên đường đi. Nhưng chao ôi! Người chụp ảnh ít quá! Con đường xuyên qua núi lại rất gian khổ. Nó nhỏ hẹp và rất khó đi. Có ngày Palica suýt chết đến vài mươi lần! Con đã nói với ông nội là cha con lâm bệnh ở Busôvátcho. Hôm nay, xin ông đừng bắt con kể cha con chết như thế nào? Khi cha con không còn nữa, mẹ con chúng con cũng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình. Chúng con thu nhập ít quá! Con phải tìm mối để cho cha con chụp ảnh. Bây giờ, không còn cha con, nên thu nhập càng ít hơn! Rồi con sẽ kể cho ông nội nghe những chặng đường đói khổ ấy, nó kéo dài từ tháng mười một đến tháng năm, từ giữa mùa đông cho cả lúc đến Paris nữa, ông Phabry vừa cho ông nội hay mẹ con chết ở nhà trọ bác Hạt Muối. Sau này, con sẽ nói về cái chết của mẹ con, những lời trối trăn của bà dặn con đến đây…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 04:25:10 | Chỉ xem của tác giả
  Có những tiếng ồn ào mơ hồ từ những khu vườn hoa trong không khí, trong lúc Perin kể.
   - Cái gì thế? Ông Vunphran hỏi.
   Perin đi về phía cửa sổ. Trên các bãi cỏ và con đường, thợ thuyền: Đàn ông, đàn bà, trẻ em, diện áo quần đẹp, đứng đen nghịt. Trên đầu họ, phất phới những lá cờ. Có đến sáu, bảy nghìn người đứng chen chúc. Đám quần chúng ấy kéo dài ra phía ngoài hoa viên trong khu vườn có Câu lạc bộ. Tiếng ồn ào từ các nẻo đường, đồng ruộng phát ra, làm ông Vunphran ngạc nhiên không chú ý đến cây chuyện rất hứng thú của Perin.
   - Cái gì thế? Ông nhắc lại.
   - Hôm nay là ngày sinh nhật của ông nội, thợ thuyền ở tất cả các nhà máy đã quyết định tổ chức buổi lễ để cám ơn ông nội đã săn sóc họ.
   - Ồ, thật vậy ư? Thật vậy ư!
   Ông Vunphran đến bên cửa sổ như là ông có thể nhìn thấy họ. Người ta đã nhận ra ông. Ngay tức khắc, từ nhóm này sang nhóm khác, có tiếng ồn ào kéo dài và trở nên dữ dội.
   - “Trời ôi! Họ sẽ đáng sợ biết mấy khi họ muốn chống lại chúng ta”. Ông thì thầm Đây là lần đầu tiên ông cảm thấy sức mạnh của những đám người mà ông chỉ huy.
   - Vâng, nhưng họ cùng đi với chúng ta vì chúng ta ở cùng một phía với họ!
   - Nhờ con mà có chuyện ấy, cháu nội của ông ạ! Hôm nay thật là khác xa cái hôm làm lễ cầu hồn cho cha con trong ngôi nhà thờ trống rỗng.
   - Đây là chương trình buổi lễ đã được ban điều hành duyệt: đúng hai giờ, con đưa ông nội đến bậc tam cấp. Ông nội đứng trên cao và mọi người sẽ nhìn rõ ông. Mỗi nhà máy đều có một đại diện lên đứng trên bậc tam cấp. Thay mặt mọi người, cụ Gatôdơ sẽ đọc một bài diễn văn ngắn chúc mừng ông nội.
   Vừa lúc ấy, chuông đồng hồ điểm hai giờ. Họ đến bậc tam cấp. Tiếng hoan hô vang dậy! Như đã sắp xếp, lúc ấy các đại biểu bước lên tam cấp. Cụ Gatôdơ, người thợ chải sợi gai lớn tuổi, tiến lên trước các bạn vài bước để bắt đầu những lời chúc tụng ngắn mà sáng nay, người ta bắt cụ lặp lại đến chục lần.
   - Kính thưa ông Vunphran, để chúc mứng ông… để chúc mừng ông…
   Cụ dừng lại, vung cánh tay lên. Quần chúng khi thấy những cử chỉ hùng hồn ấy, ngỡ là cụ đang đọc bài diễn văn. Sau vài giây cố gắng quá độ cụ đã bứt hết mấy nhúm tóc muối tiêu y như cụ đang chải sợi gai của cụ, cụ nói:
   - Và thế này: tôi có một bài diễn văn để chúc mừng ông chủ. Nhưng tôi rất bực mình vì bây giờ tôi không nhớ! Để chúc mừng ông, để cám ơn ông, thay mặt tất cả mọi người, với tấm lòng thành thực:
   Cụ trịnh trọng đưa bàn tay lên:
   - Tôi xin thề, lời thề của Gatôdơ.
   Tuy rời rạc, bài diễn văn ấy cũng đã làm cho ông Vunphran xúc động. Ông đang ở trong trạng thái mà người ta không dừng lại ở lời nói. Bàn tay ông vẫn vịn vào vai Perin, ông tiến đến bao lơn của tam cấp như đang đứng trên bục và quần chúng nhìn rõ ràng.
   - Các bạn, ông nói với một giọng chắc nịch, những lời chúc mừng thân ái của các bạn cho tôi một niềm vui càng to lớn hơn vì các bạn đã gửi đến trong cái ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, cái ngày mà tôi vừa tìm được chá nội, con của người con trai mà tôi đã mất! Các bạn biết cháu, đã thấy cháu làm việc. Hãy yên lòng, cháu sẽ tiếp tục và phát triển những gì mà ông cháu chúng tôi đã cùng làm. Các bạn có thể nói tương lai của các bạn, của con các bạn, nằm trong những bàn tay tin cậy!
   Vừa nói, ông nghiêng mình về phía Perin, khiến em không kịp lẫn tránh và ông ôm em trong hai cánh tay còn khỏe, nhấc bổng em lên. Thế là tiếng hoan hô vang dậy và lặp lại trong nhiều phút từ mấy nghìn cái miệng đàn ông, đàn bà, trẻ em. Theo chương trình buổi lễ, cuộc diễu hành bắt đầu. Mỗi người, khi di qua trước mặt ông chủ và cô cháu, đều cất mũ hay nghiêng mình chào cung kính.
   - Nếu ông nội thấy được những gương mặt tươi tỉnh ấy, - Perin nói.
   Thế nhưng cũng có những gương mặt không được rạng rỡ! Đó gương mặt của hai người cháu. Sau buổi lễ, họ đến chúc mừng “cô em họ”. Vì không muốn để lỡ dịp nịnh hót cô thừa kế của các nhà máy ấy, Taluen đã cùng đi với hai người cháu và nói:
   - Riêng tôi, thì tôi vẫn “đoán” như thế!...
   Những xúc động loại ấy không có lợi cho sức khỏe ông Vunphran. Trước hôm sinh nhật, ông cảm thấy hơn mọi ngày. Ông không ho, không nghẹt thở, ăn được, ngủ ngon. Trái lại hôm sau ngày lễ, bệnh ho và cơn nghẹt thở lại tái phát! Những gì thuộc về sức khỏe khó khăn mới giành được, hình như lại mất hết! Bác sĩ Rusông được mời đến.
   - Chắc ông hiểu! – Ông Vunphran nói.
   - Tôi ao ước được nhìn thấy cháu nội của tôi! Ông phải chuẩn bị cho tôi nhanh chóng để chịu đựng ca phẫu thuật.
   - Xin ông tĩnh dưỡng trong nhà, đừng đi ra ngoài. Trong một thời gian, ông phải theo chế độ ăn sữa. Hãy bình tĩnh và nói ít. Nhờ tốt trời như thế này, tôi bảo đảm với ông: bệnh ho, những cơn hồi hộp sẽ biến mất! Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành thuận lợi để bảo đảm sự thành công.
   Những dự đoán của ông Rusông được thực hiện. Sau ngày sinh nhật một tháng, hai ông thầy thuôc từ Paris được mời về, đều chứng nhận sức khỏe của ông Vunphran khá tốt, để mổ mắt. Người ta muốn cho thuốc mê, ông phản đối không chọi và nói:
   - Không cần, nhưng tôi yêu cầu cháu nội tôi có đủ can đảm để cầm tay tôi! Bác sĩ sẽ thấy cái đó làm cho tôi thêm vững chắc. Có đau lắm không?
   - Cocain sẽ làm giảm bớt đau đớn!
   Ca phẫu thuật tiến hành xong. Năm, sáu hôm sau mắt ông vẫn dán băng. Đối với hai ông cháu, những ngày chờ đợi sao mà dài thế! Tuy một ông thầy thuốc khoa mắt, ở lại trong tòa lâu đài để tự tay tháo băng cho ông, đã khẳng định là thuận lợi, nhưng ông ấy đâu phải là tất cả! Nếu ông Vunphran bị viêm phổi lại thì sao? Một cơn ho, một cái hỷ mũi có thể làm hỏng tất cả. Một lần nữa, Perin lại cảm thấy những lo lắng đã đè nặng trên người em trong những lần cha, mẹ em lâm bệnh. Có phải em được gặp ông nội để rồi mất ông? Rồi một lần nữa, em lại bơ vơ, trơ trọi trên đời này hay sao? Thời gian trôi qua. Trong một gian phòng đóng kín cửa chớp, kéo mèn che, ông Vunphran được phép sử dụng đôi mắt đã mổ.
   - A, nếu ông có đôi mắt sáng! – Ông Vunphran reo lên, - sau khi nhìn thấy Perin, chắc là ngay khi mời gặp ông đã nhận ra con rồi! Con giống bố con quá! Thế mà ở đây, chúng nó ngu ngốc, không nhận ra được!
   Người ta không để cho ông kéo dài những lời thổ lộ chân tình đó. Phải tránh xúc động không để ông hồi hộp rồi lo.
   - Hượm đã!
   Ngày thứ mười lăm, người ta thay cái băng bịt chặt mắt có nhiều lớp bằng một dải buông thõng. Ngày thứ hai mươi, không phải thay băng nữa. Đến ngày thứ ba lăm ông thầy thuốc khoa mắt về Paris, nay trở lại đã quyết định cho ông Vunphran đeo số kính viễn thị nào để đọc sách và nhìn thấy từ xa. Có lẽ công việc sẽ tiến hành nhanh đối với một người bệnh bình thường. Với ông Vunphran giàu có, người ta dại gì mà không săn sóc ông thận trọng và đi lui, đi tới nhiều lần!
   Cái mà ông Vunphran ao ước, bây giờ đã được nhìn thấy cô cháu nội của ông, được đi thăm những công trình của ông. Nhưng cái đó đòi hỏi những dự phòng mới và bắt buộc ông lại phải chờ đợi. Ông Vunphran không muốn ngồi trong chiếc xe hòm sang trọng, đóng kín các cửa kính. Ông muốn dùng cỗ xe ngựa trần bốn bánh cũ kĩ của ông để Perin cầm dây cương điều khiển. Ông sẽ xuất hiện trước mọi người với cô cháu nội của ông. Vì thế, phải chọn một ngày không nắng, không rét và không có gió.
   Thế rồi cái ngày như ý muốn ấy đã đến. Một ngày dịu dàng với một bầu trời xanh nhạt như người ta thường gặp ở xứ này. Sau bữa ăn sáng, Perin bảo Bátxchiêng cho thắng Côcô vào cỗ xe trần.
   - Có ngay! Thưa cô!
   Cái giọng nói của câu trả lời và nụ cười Bátxchiêng làm em ngạc nhiên nhưng em chẳng chú ý. Em đang bận mặc áo quần cho ông nội, để tránh cho ông khỏi rét, khỏi nóng. Lát sau, Bátxchiêng trở lại báo có xe. Hai ông cháu đi đến tam cấp, Perin không rời mắt khỏi ông nội, em bây giờ đang đi một mình và đã đến bậc cuối. Tiếng kêu dữ dội của một con lừa làm Perin quay đầu lại:
   - Có thể như thế được chăng?
   Một con lừa được thắng vào cỗ xe trần. Con lừa ấy giống Palica nhưng là Palica có bộ lông được chải bóng, các móng sáng ngời. Nó khoác một bộ yên cương đẹp, màu vàng với những mao ngựa màu xanh da trời. Con lừa vẫn tiếp tục kêu, vươn cổ về phía trước. Nó muốn đến với Perin, nhưng chú tiểu đồng giữ nó lại.
   - Palica!
   Rồi em nhảy lên trên đầu nó và ôm hôn nó.
   - Ôi! Ông nội ơi! Thật là một bất ngờ thú vị!
   - Không phải nhờ ông mà cháu có được! Niềm vui này là nhờ Phabry đấy! Anh ta hỏi La Rucơri để mua lại nó. Nhân viên các văn phòng muốn tặng món quà này cho cô bạn cũ của họ!
   - Ông Phabry thật là tốt bụng!
   - Đúng vậy! Đúng vậy! Anh ta có một ý kiến mà hai ông anh chú bác của con không thể có được! Ông cũng đã có ý kiến của ông. Ông đã đặt mua ở Paris một chiếc xe xinh đẹp cho Palica. Vài hôm nữa, xe sẽ đến, Palica kéo chiếc xe ấy vì cỗ xe mui trần không phải để cho nó kéo.
   Họ lên xe, Perin cầm cương.
   - Chúng ta bắt đầu từ đâu đây, hở ông nội?
   - Từ đâu ư? Từ lều cỏ vậy! Con không nghĩ là ông muốn nhìn thấy cái tổ con đã sống và từ nơi đó, con đi ra sao?
   Với cái đống lộn xộn cây cỏ của rừng hoang, lều cỏ vẫn y như năm ngoái khi Perin đi khỏi. Không ai sờ mó vào đấy. Thời gian cũng tôn trọng nó. Chỉ làm tăng thêm tính chất hoang dã của nó.
   - Thật là kỳ lạ! Ông Vunphran nói.
   - Chỉ cách hai bước một trung tâm thợ thuyền, giữa nền văn minh, con lại có thể sống ở đó một cuộc đời hoang dã!
   - Ở Ấn Độ, giữa cuộc sống hoang dã, chúng con có tất cả. Ở đây trong cuộc sống văn minh, con không có quyền được hưởng gì hết. Con đã nhiều lần nghĩ như thế.
   Sau lều cỏ, ông Vunphran muốn cuộc thăm viếng đầu tiên của ông dành cho nhà trẻ ở Marôcua.
   Ông tưởng là đã biết đường đến đó vì đã nhiều lần tranh luận và duyệt những kế hoạch với ông Phabry. Nhưng khi ông đứng trước cổng và liếc mắt nhìn các phòng, trong phòng ngủ, bọn trẻ mặc may ô đang nằm trong những chiếc nôi hồng hay xanh da trời đã phân biệt bé trai và bé gái! Phòng chơi dành cho các cháu lớn, biết đi, rồi nhà bếp, nhà tắm. Ông Vunphran ngạc nhiên và thích thú khi nhận ra những cách bố trí khéo léo vì dùng những cánh cửa rộng, kiến trúc sư đã thực hiện cái ý tưởng khó khăn nghĩa là, làm cái nhà trẻ thật sự là một cái nhà kính. Người mẹ đứng ngoài đều thấy rõ những gì đang xảy ra ở các phòng mà chị không cần vào.
   Qua phòng ngủ, họ đến phòng chơi. Các cháu bé vôi chạy đến bên Perin, đưa ra khoe những đồ chơi đang cầm trong tay: một cái kèn, cái mõ, con ngựa gỗ, con gà, con búp bê…
   - Ông thấy ở đây người ta biết con. – Ông Vunphran nói.
   - Biết thôi ư? – Cô Benlom cãi lại, trong khi cùng đi với hai ông cháu – hãy nói: được yêu, quý mến! Perin là người mẹ nhỏ tuổi của các cháu. Không ai biết hướng dẫn các cháu chơi hơn em!
   - Cô giáo nhớ chứ, ông Vunphran đáp. – Cô đã nói tôi: “Việc sáng tạo ra những cái cần thiết cho những nhu cầu của chúng ta là một đức tính căn bản!”. Nhưng hình như còn một đức tính nữa cho những người khác! Và chính cái đó, cháu tôi đã làm! Nhưng chúng ta chỉ bắt đầu thôi! Xây dựng những nhà trẻ, những nhà ở có đủ tiện nghi, những Câu lạc bộ cho công nhân mới là a, b, c của vấn đề xã hội. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể đi xa hơn, sâu hơn. Không phải với những cái đó mà chúng ta giải quyết vấn đề. Chúng ta mới ở điểm xuất phát: rồi cô sẽ thấy, sẽ thấy…
   Khi họ trở về phòng ngoài, một phụ nữ vừa cho con bú xong, vội vàng bế đứa bé đứng lên, đưa cho ông Vunphran và nói:
   - Thưa ông Vunphran! Hãy nhìn cháu xem! Cháu xinh đấy chứ?
   - Đúng! Thằng bé xinh lắm!
   - Ấy, nó đúng là của ông đấy!
   - Ra thế ư?
   - Trước kia, tôi đã sinh ba đứa, chúng nó chết cả! Nhờ ai mà cháu này sống? Ông thấy chưa, nó đúng là của ông thôi! Cầu chúa phù hộ cho ông và cô cháu nội của ông!
   Sau khi đi thăm nhà trẻ, họ đi một vòng thăm một ngôi nhà của công nhân, rồi khách sạn, nhà ăn. Câu lạc bộ. Rời Marôcua, họ đến Xanh Pipô, Phơxen, Bacua, Hécchơ, Palica vui vẻ, tự hào được cô chủ nhỏ cầm cương, đi nước kiệu trên đường cái. Bàn tay của Perin dịu dàng hơn bàn tay La Rucơri. Cô chủ nhỏ của nó khi nào sắp lên xe cũng hôn nó. Nó đáp lại cái cử chỉ âu yếm ấy bằng những cái vẫy tai rất có nghĩa với những ai hiểu được!
   Trong các thôn kể trên nhiều ngôi nhà được xây dựng nhưng hẳn là không hoàn thành trước ngôi nhà ở Marôcua. Tuy nhiên, người ta cũng có thể xác định được thời gian hoàn thành.
   Ngày hôm sau, ông cháu họ đã sử dụng đầy đủ. Gần tối, họ cho xe thủng thẳng trở về. Khi đi từ ngọn đồi này qua ngoạn đồi khác, họ ở trên cao của vùng. Khắp mọi nơi, những nóc nhà mới mọc lên chung quanh những ống khói cao đang khạc những cơn lốc khói. Ông Vunphran đưa cánh tay ra và nói:
   - Đây là công trình của con! Đó là những sáng tạo! Ông không có thì giờ để suy nghĩ tới vì bị cơn sốt các công việc lôi cuốn. Nhưng để cho nó tồn tại và phát triển con phải có một người chồng xứng đáng với con. Chú ấy sẽ làm việc cho chúng ta và mọi người. Chúng ta không đòi hỏi ở chú ấy điều gì khác. Và ông nghĩ chúng ta có thể gặp con người tốt bụng mà chúng ta cần! Rồi chúng ta sẽ sống hạnh phúc… trong gia đình.

                                                             HẾT
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
Đăng lúc 26-4-2012 16:58:41 | Chỉ xem của tác giả
Quyết định tối này mần truyện này:">
đã đọc Không gia đình còn cuốn này mới nghe nói thôi:X
đọc xong sẽ edit ạ:">

Bình luận

cô mà ở SG tôi cho cô mượn sách,dày lắm :((  Đăng lúc 26-4-2012 07:15 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách