Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Xem: 3562|Trả lời: 2
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[US.2014][4,5/5] 300: RISE OF AN EMPIRE - NỮ THẦN CHIẾN TRANH ÂU CŨNG LÀ ĐÀN BÀ...

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Trước khi đi xem 300: Rise of an Empire, những từ tui mường tượng trong đầu là kỳ vĩ, choáng ngợp, ngỡ ngàng... Và đến khi tui coi xong thì còn hơn những gì tui tưởng tượng. Bên cạnh chàng Themistocles có đôi mắt xanh tuyệt đẹp hay những trai tráng vạm vỡ, chuẩn 6 múi hoặc các trận tranh hùng long trời lở đất hay nhiều khung hình đẹp như mơ thì điều gây ấn tượng sâu sắc nhất với tui chính là nàng nữ thần chiến tranh Artemisia đẹp chết người. Và đúng là nàng ấy khiến người chết thiệt!




Trước tiên, xin vắn tắt chút ít về nội dung phim.

Năm 2007, Zack Snyder khiến các phòng vé phát sốt với 300 bất chấp phim ngập cảnh máu me, bạo lực. Các nhà phê bình phim xem xong phán ngon trớn: kỳ quan màn ảnh rộng. 300 lấy cảm hứng từ trận đánh Thermopylae nổi tiếng trong lịch sử. Bộ phim miêu tả cuộc chiến không cân sức giữa 300 chiến binh Sparta, dưới sự chỉ huy của vua Leonidas, và 1 triệu quân của đế chế Ba Tư cổ đại, đứng đầu là Xerxes đại đế. Đúng 7 năm, Zack Snyder và đội ngũ làm phim cho ra mắt phần 2 của bộ phim mang tên 300: Rise of an Empire.




Phần 2 dựa trên bộ truyện tranh Xerxes của tác giả Frank Miller, đưa khán giả đến với trận chiến hào hùng trên biển của vị tướng lừng danh Themistocles – người đã đoàn kết các thành bang của Hi Lạp chống lại đoàn quân xâm lược hung tàn do đế vương Xerxes và nữ thần chiến tranh Artemisia dẫn đầu. Với việc hoàng hậu Gorgo xứ Sparta nổi dậy trả thù cho chồng là vua Leonidas đã hi sinh ở cuối phần 1, bộ phim được khéo léo kết nối liền mạch với phần trước thành một câu chuyện xuyên suốt. Phim tái hiện hai trận thủy chiến đẫm máu và những màn giáp đấu ác liệt trong lịch sử cổ đại: trận Artemisium và Salamis lừng danh diễn ra vào mùa Đông năm 480 trước Công nguyên. Hai nhân vật cũ là hoàng hậu Gorgo và đại đế Xerxes trở lại nhưng chỉ điểm xuyết cho bộ phim. Phần còn lại nhường chỗ cho hai nhân vật chính là Themistocles và Artemisia. Họ đấu với nhau đủ kiểu: đấu trí, đấu sức và cả đấu tình. Hè hè...máu lửa rùi hén!




Vâng...giữa một rừng gươm bao gồm những chàng trai cao (cỡ 1m8 trở lên), to, vạm vỡ... anh nào anh ấy từ tướng đến lính đều cơ bắp cuồn cuộn, bụng 6 múi chuẩn không cần chỉnh thì Artemisia như là bông hoa lạc lõng ở đấy. Bông hoa ấy vừa có gai vừa có độc vừa có hương và cũng vừa có sắc.





Gai của bông hoa ấy sẵn sàng đâm chết bất cứ tên nào dám chống lệnh, làm sai ý hay đơn giản là khiến nữ thần chiến tranh không hài lòng. Chỉ một nhát, nhẹ tựa lông hồng và mỏng như lá lúa là đi về với các vị thần luôn.





Độc dược của bông hoa ấy còn kinh khủng hơn tất cả thể loại độc cộng lại. Chất độc trong con người nàng là sự trộn lẫn giữa các tham vọng, ham muốn, dã tâm, hiếu chiến, lạnh lùng, khát máu, tàn độc. Sự ô nhục và nỗi uất hận của nàng đối với Hy Lạp chất cao ngất hơn cả núi, rộng hơn cả biển, nóng hơn cả lửa và lạnh hơn cả băng.





Nàng muốn san bằng Hy Lạp, lật đổ đế chế. Nàng muốn tất cả dân Hy Lạp phải quỳ mọp dưới chân nàng. Tài năng, vị thế, tham vọng không đủ để nàng đạt được điều đó. Do đó, nàng găm chất độc thù hận của nàng vào chàng trai hiền lành, yêu thương cha (xin lỗi không nhớ tên). Để rồi, chỉ một lời thỏ thẻ của nàng, chàng trai ấy chấp nhận bán linh hồn cho quỷ, gột rửa phần người để trở thành một thực thể khác được gọi là thần thành, được gọi là Xerxes đại đế. Vâng, một trong những nguồn gốc ra đời cơn thịnh nọ của thần thánh đổ ập lên thần dân Hy Lạp chính là người đàn bà được phong danh nữ thần chiến tranh Artemisia.





Vậy còn hương thì sao? Người đàn bà này có thừa. Nếu chỉ có những tham vọng kia thôi mà không có cái đầu thì cũng bằng thừa trong cuộc chiến với vị tướng lừng danh Themistocles. Nhưng, giá trị nàng ấy sở hữu không chỉ là những đường kiếm điêu luyện mà còn là tài thao binh khiển tướng. Xét về kiếm thuật, nàng trên cơ tất cả tướngdưới trướng của nàng. Ngay cả khi đấu tay đôi với dũng tướng Hy Lạp Themistocles, nàng cũng không yếu thế. Từng đường kiếm sắc sảo, dứt khoát, không có lấy một khoảnh khắc do dự đôi lúc khiến vị dũng tướng kia cũng e dè. Khi Themistocles kề gươm lên cổ nàng cũng chính là lúc lưỡi kiếm của Artemisia dí vào yết hầu của Themistocles.








Ngang sức ngang tài và ngang cả tầm nhìn. Trong trận thua đầu tiên, chỉ đứng quan sát, Artsemisia đã biết đối thủ của mình là ai? Nàng thua nhưng chỉ cười khẩy. Điều khiển những 10 vạn tinh binh mà chỉ cần một cái nhìn, nàng đã biết ai là gián điệp. Việc Themistocles chiến thắng cũng chỉ là một trong những chiến thuật của nàng để đong đo thực lực của đối thủ. Để rồi khi thua liên tiếp 2 trận, nàng xuống một nước cờ: mời dũng tướng Themistocles về "trò chuyện". Và sau khi việc chiêu dụ Themistocles bất thành, nàng trở lại với trái tim sắt đá và chỉ một mũi duy nhất, Artemisia hạ bệ toàn bộ tướng, lính, quân của Themistocles. Thậm chí, người bạn chí cốt của Themistocles cũng không vượt qua nổi mũi tên xa tít mù tắp của Artemisia. Thêm một điều nàng có nữa là sự tự tin. Nàng tự tin vào tài năng, tầm nhìn của nàng. Nàng tự tin vào chính bản thân nàng mà không cần nhờ vả bất cứ ai. Bởi vậy, dù bị Xerxes giáng một cú trời sập, máu me đầy miệng thì nàng vẫn hiên ngang bước đi, coi lời cảnh cáo của đại đế như cỏ rác.






Và bông hoa lạc giữa rừng gươm này cũng ngàn ngạt hương sắc quyến rũ. Nàng đẹp. Chao ôi đẹp ngất ngây. Nàng đẹp từ mái tóc, đôi mắt, làn da, khuôn miệng, thân hình cho đến từng cử chỉ, điệu bộ. Chỉ một cái nhìn, chỉ một cái nhếch môi...nàng khiến mọi người điên đảo.




Sức quyến rũ toát ra từ nàng có thể khiến hàng trăm gã đàn ông sẵn sàng quỳ mọp dưới chân, mặc cho nàng ra sức hành hạ. Vị dũng tướng Themistocles cũng không thoát khỏi mê cung nhan sắc của nàng. Bởi vậy, lần gặp đầu tiên, họ đã trao nhau ánh mắt của một chàng trai và một cô gái dù thực tế, cả hai là kẻ thù không đội trời chung. Lần đầu gặp nhau, họ đã yêu nhau. Yêu bằng con tim và yêu bằng hành động.





Uầy...tới chỗ này mới nhớ, 4 phút sex của hai anh chị bị cắt không thương tiếc khi lên màn ảnh rộng Việt. Không phải tui ham hố coi mà vì đang ở cái câu: Hãy giết chết em vào mỗi đêm và hồi sinh em vào mỗi bình minh, hãy về với phe em, nàng vừa đặt môi nàng vào môi chàng thì "pặc" (pặc ác ôn hôn?), ở đâu lòi ra cái cảnh nàng - chàng đã "trùi lũi" và chàng hùng dũng hét: Không. Nàng đá văng chàng ra và sai lính vứt cái thứ rác rưởi này ra khỏi chỗ của nàng. Đấy... thế có điên không cơ chứ? Chàng - một tướng tài, thao lược binh sách đầy sáng tạo, bất ngờ và có hiệu quả. Nàng - một nữ tướng hô phong hoán vũ với những chiến thuật đầy sắc sảo, thâm sâu. Họ chẳng phải là sinh ra để giành cho nhau sao? Cả hai đều nhận ra điều đó. Dưới sự giám sát của Zack Snyder, cảnh sex đó sẽ không đơn giản là sự thỏa mãn về xác thịt mà còn chứa đựng nhiều điều. Đó có thể là tình yêu vừa chớm nở nhưng cũng đã như từ lâu của hai người. Đó có thể là sự đồng điệu về tâm hồn, tính cách, tài năng... (tất nhiên là không có sự đồng điều về lý tưởng zồi)...những điều ấy sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể qua góc nhìn điện ảnh. Haizzz...hông chỉ tui tiếc mà thiên hạ đi coi với tui cũng...tiếc hùi hụi...hà hà.



cái cảnh này không có trong phim đâu à!



Nhưng tất cả rồi sao? Nữ thần chiến tranh ư? Khát máu ư? Hiếu chiến ư? Âu cũng là đàn bà. Một khi tay đã nhúng chàm thì khó mà gột rửa. Tình yêu bằng xác thịt chỉ qua một đêm là biến mất nhưng một khi đã cảm nhận được sự đồng điệu về tâm hồn, con tim thì nỗi đau để lại rất lớn. Đó là lý do tại sao nàng quay lưng, cuối mặt sau khi cho tàu của Themistocles nổ tung. Đó là lý do tại sao khi đã chiến thắng trong trận Artemisium và về bên Xerxes đại đế, nàng ngồi một góc gửi đôi mắt đi nơi nào không biết mà buồn xo. Đó là lý do tại sao khi Themistocles nhanh tay đâm vào bụng nàng. Themistocles chỉ đâm một 1/3 lưỡi gươm. Còn nàng, ôm lấy vai Themistocles mà nhấn sâu vào lút tới cán kiếm... Chậc...không nhớ là nàng đẩy người ra hay Themistocles rút kiếm ra. Đấy...dù nàng là nữ thần chiến tranh thì nàng cũng chỉ là một cô gái, một phụ nữ khát khao tình yêu thương.




Tuổi thơ kinh hoàng đã tước mất của nàng hai chữ "tình yêu". Nàng nắm trong tay binh quyền. Nàng có sắc đẹp, quyền lực, trí thông minh. Cả thế giới dường như nằm dưới chân nàng. Thế nhưng, lòng thù hận và sự chà đạp của con người đã vùi nàng lún sâu vào vũng máu. Nàng không còn nước mắt. Đối với nàng, chỉ có máu và máu, chỉ có một khát khao duy nhất là biến Hy Lạp thành đám tro tàn. Càng bước đi trên con đường ấy, nàng càng trơ trọi và cô độc. Nàng không tin ai. Nàng không coi trọng ai. Không ai coi nàng là quan trọng. Cũng không ai dám tiến gần tới nàng. Sự cô độc ấy khiến nàng bi thương không kém. Đấy... nàng, nữ thần chiến tranh âu cũng chỉ là một người đàn bà.






300: Rise of an Empire vẫn giữ đúng tinh thần của "người anh" 300. Phim không thiếu những cảnh máu me, bạo lực... (về Việt Nam đã cắt một cơ số). Phim hằng hà vô số trai cao to vạm vỡ, cởi trần chỉ mặc độc một cái khố. Dù trai đó là tướng, vua hay nô lệ thì cũng giống nhau một khuôn. Ai cũng cơ bắp cuồn cuộn và 6 múi rõ rành rành.





Phim vẫn sử dụng thường xuyên, liên tục các cảnh slow motion khiến các cảnh chiến đấu chân thực, rõ ràng hơn bao giờ hết. Đại cảnh của hai trận thủy chiến thật xứng đáng với các mỹ từ: kỳ vĩ, choáng ngợp... Sự sáng tạo trong binh pháp của Themistocles cũng là một trong những nét thu hút của phim. Bất ngờ, thú vị là điều người xem sẽ cảm nhận được khi thưởng thức những chiến thuật dùng binh của Themistocles và cả Artemisia. Âm nhạc thì khỏi nói. Bữa coi phim ngồi ngay hàng B, mấy cái loa to đùng cứ nhằm thẳng màng nhĩ mà đánh tới. Ra khỏi rạp, phải mất một lúc tai mới hết lùng bùng. Ngay khi coi trailer, mọi người cũng đủ bị thu hút bởi âm nhạc. Đủ dồn dập cho các trận chiến, đủ nhẹ nhàng trong những phân cảnh tĩnh lặng, đủ bi thương cho lúc rơi nước mắt và đủ lắng đọng trong các cảnh slow motion, âm nhạc của phim sử dụng chất liệu rock là chủ yếu nhưng rất hợp người hợp cảnh.








Về diễn xuất, tui quánh giá cao khả năng diễn xuất bằng mắt của dàn diễn viên trong phim. Eva Green trong vai Artemisia thì khỏi nói. Đôi mắt biết nói của cô ấy hừng hực chuyển tải đầy đủ mọi cảm xúc: giận dữ, thất vọng, mỉa mai, dịu dàng, thích thú, buồn rầu... Duy chỉ có một điểm chung, dù ở trạng thái nào, đôi mắt cũng vô cùng quyến rũ. Ngay cả cái nhếch miệng của cô ấy cũng khiến người khác rụng rời.




Đôi mắt xanh biển tuyệt đẹp của Sullivan Stapleton trong vai Themistocles cũng khiến màu sắc tăm tối của phim sáng sủa hơn. Đôi mắt ấy dù ở trạng thái nào vẫn không thể hiện bất cứ một tham vọng độc ác . Dù chiến đấu, chia sẻ, xúc động hay yêu đương, đôi mắt ấy đều toát lên sự nghĩa khí ,anh dũng của một vị tướng tài năng thiên bẩm.





Đôi mắt của Xerxes thì lạnh lùng từ trong hốc mắt. Lúc chưa rủ bỏ tính người, đôi mắt ấy hiền lành, đẹp đẽ và ngoan ngoãn như một chú mèo. Và sau khi đánh đổi linh hồn, gột trụi lũi (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì đôi mắt ấy chỉ còn một màu đen lạnh ngắt.





Còn hoàng hầu Gorgo, chỉ xuất hiện một vài phân đoạn nhưng đôi mắt của bà ấy cũng chuyển tải đầy đủ sự uy dũng của một bà hoàngkhi ngồi vào vị trí chỉ huy và cả những bi thương, đau đớn khi mất đi người chồng yêu quý - vua Leonidas.





Tui viết cùng nhiều rồi á! Ai muốn cảm nhận thêm thì hãy đi xem. Nói chung là nội dung được liên kết khá khéo léo. Cách giải thích vấn đề để người xem hiểu cũng dễ chịu hơn rất là nhiều so với các tác phẩm khác (điển hình như cách kể chuyện dài lê văn thê của Robocop). Ra rạp coi bộ phim này cũng không tiết tiền. Nhưng nếu ai muốn thưởng thức trọn vẹn thì ráng chờ bản uncut...bao giờ có thì tui không biết chứ ra rạp Việt, 300: Rise of an Empire bị cắt nhiều lắm à...Tất nhiên là cắt mấy cảnh yêu đương và phụt máu từa lưa hay các cảnh chặt đầu...


Phim này 16+ nhé các tình yêu!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
Đăng lúc 24-3-2014 20:35:48 | Chỉ xem của tác giả
phim này xem trailer đã thấy hoành tráng rồi

bài cảm nhận của bạn chi tiết thật ^^~ đọc xong muốn lên mạng coi ngay (ra rập bị cắt thì cũng hơi nản)

mình thấy đi xem phim mỹ thì đấm nhau vẫn là hay nhất

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
Đăng lúc 9-4-2014 18:46:44 | Chỉ xem của tác giả
Phim này toàn cảnh hot hot à, phần một đã máu me bê bết phần này thì sẹc xi nhiều hơn  )

Bình luận

phần này cũng máu me bê bết nhưng ra rạp nên cắt rụp hết đó bạn! Hồi đó, 300 đâu có được ra rạp Việt!  Đăng lúc 10-4-2014 09:26 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách