mint.doli Tại 3-8-2013 00:01:35

[Truyện ngắn | K] Năm Tháng Yêu Người | Mint | No Casting | Completed

Năm Tháng Yêu Người



http://i1004.photobucket.com/albums/af161/mintdoli/Flower_o2_zpse1ef643f.jpg



Tác giả: Mint (Cừu :3 )

Giới hạn độ tuổi: K

Nhân vật chính: Fic không đề tên nhân vật

Disclaimer: Fic được viết dựa trên trí tưởng tượng của người viết, thuộc hoàn toàn quyền sở hữu của người viết và người được tặng fic.

Thể loại: Tình cảm

Tình trạng: Hoàn thành



-


Câu chuyện này được viết để dành tặng tri kỷ thanhduongtu9x (aka Dương Dương Paris).

Xin lỗi vì món quà trễ gần một năm, nhưng dù sao ta cũng yêu nàng =))

Chúc nàng mọi điều lành :x

mint.doli Tại 3-8-2013 00:13:49

Sài Gòn, 1971

Họ gặp nhau trong một buổi chiều nhạt nắng, cạnh đài phun nước trước quảng trường Lam Sơn.

Năm ấy, anh hai mươi tuổi, là phóng viên ảnh của một tòa soạn báo. Người Hà Nội từ trong gốc gác.

Thời bấy giờ, Sài Gòn, tọa lạc phía cực Nam đất nước, lung linh và phồn hoa như hòn ngọc quý đã được mài dũa cẩn trọng từ những bàn tay tài hoa đệ nhất. Những tòa nhà kiên cố mang phong cách kiến trúc Châu Âu, cổ điển mà hút hồn. Những đại lộ thênh thang trải dọc phố phường, hoa lệ và toàn bích. Sài Gòn duyên dáng như thiếu nữ Đông phương, lại trộn pha vẻ gợi tình của cô gái trời Tây, mỹ miều kiêu sa giữa một khoảng đất trời. Sài Gòn của một thời từng được trân quý xướng tên “Paris phương Đông” – ghép bên mình danh xưng của thành phố lãng mạn và xinh đẹp bậc nhất thế giới.

Năm ấy, cô chưa đầy mười sáu, là nữ sinh trường trung học tiếng tăm nhất nước lúc bấy giờ. Con gái Huế thuần chất.

Từ Hà Nội, anh vào Sài Gòn, say mê với những khung cảnh đẹp xinh sẵn sàng hút tâm tình của một chàng trai đam mê nhiếp ảnh.

Từ Huế, cô vào Sài Gòn, say đắm và ngỡ ngàng với thành phố tưởng như tách biệt khỏi nếp nhìn phương Đông mà từ nhỏ, Huế đã tạc ghi trong lòng và đến lúc trưởng thành vẫn cứ dưỡng nuôi.

-

Đó là một ngày nắng óng mượt. Chiều xuống, gió nhảy múa theo khúc ca của trời, mang bóng mây lướt qua tóc, mang hơi thở dịu dàng luồn lách qua những kẽ tay. Nắng đan vào mắt lá, đâm xiên thành những tia mỏng mảnh, rải sáng lung linh dọc khắp phố phường. Như ve vuốt những đôi vai người. Như kí họa những tòa nhà xinh đẹp. Sài Gòn trong mắt nhìn hóa lộng lẫy, nên thơ.

Giữa một buổi chiều trong veo như thế, anh lần đầu tiên gặp cô ấy.

Cô gái lặng lẽ đứng đó, tà áo dài tím không họa tiết mà bật lên giữa muôn vàn phục trang Tây phương diêm dúa qua lại khắp Sài Gòn. Man mác cô tịch mà dịu hiền, thướt tha. Chiếc máy ảnh đưa lên, như không tự giác mà xoay chiều, bấm chụp mọi góc độ. Như cũng không tự giác nữa mà bước chân lại gần, hòng mong lấy được bức chân dung cận cảnh.

Cô lặng lẽ ngắm nhìn những tia nước tung lên, rồi chao thân đâm xuống, hòa tan cùng với dòng chảy xoay vòng. Mắt cô màu trầm nâu, nương theo những tia nước mà nắng xuyên chiếu, óng ánh một thần thái mê hoặc. Cô hoài nghĩ mông lung, hoài cảm nhận vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho nguồn tinh khiết này, đăm đắm, mãi cho đến khi bị tiếng máy ảnh chụp đánh động.

Cái khoảnh khắc cô ấy xoay người, chăm chú nhìn người chụp lén. Cái nhìn như xuyên thấu nội tâm, có chút bất ngờ, có chút hoảng hốt, có chút tò mò.

Khoảnh khắc ấy, chàng trai Hà Nội lặng người nhìn đôi mắt đẹp tựa gấm nhung, chưa từng nghĩ bản thân mình đã định sẵn sẽ chìm đắm trong đó. Cả đời.

-

Họ quen nhau ở Sài Gòn. Quen nhau, như cách bình thường nhất của những con người ngẫu nhiên gặp nhau, ngẫu nhiên vướng vào nhau trên muôn nẻo đường đi xuyên dọc một đời.

Nửa tháng sau, cả hai rời khỏi chốn phồn hoa đó, trở về cố hương.

Anh quay lại thủ đô thanh lịch nền nã, nơi kiến tạo khí chất nho nhã lịch lãm không ngừng tới khi trưởng thành.

Cô trở về kinh thành cổ thơ mộng quý phái, chốn ấp ủ cốt cách ngọc ngà mềm dịu kéo dài từ thuở ấu thơ.

Một năm sau đó, cuộc sống của họ đan vào nhau.



Huế, 1972.

Anh vào Huế tác nghiệp, tình cờ gặp lại cô trước cổng trường Gia Long. Giống như một năm chỉ là một chớp mắt, họ lại có thể tự nhiên đến không ngờ, tựa những người bạn xa nhau lâu ngày tái ngộ.

Thời gian đó, anh phải đi đi về về giữa Huế và Hà Nội, cứ tầm chừng đôi ngày lại đi một lần. Cô bỗng trở thành hướng dẫn viên cho anh ở Huế. Họ thường trò chuyện với nhau rất lâu, bất kể là gặp mặt hay trên điện thoại. Nói chuyện trên trời dưới biển, nói tất cả mọi điều. Dù rằng anh Bắc, cô Trung. Dù rằng anh thích lang thang mọi nẻo chốn, cô lại sống khép kín ít khi đi xa. Bất kể khoảng cách, sở thích hay tuổi tác. Mọi trở ngại như khói loãng tan.



Hà Nội, 1972.

Anh gọi điện cho cô ngay sau khi trở về thủ đô.

Từ đầu dây bên kia, giọng cô vẫn đều đều, mà như ướp mật đường. Giọng con gái Huế luôn thế, ngọt lịm, truyền cảm, tình tứ mà không hề phóng đãng. Chất giọng như rượu ủ lâu năm, thoáng nghe hương đã say, nhấp một ngụm, có thể nhớ cả một đời.

Anh lại kể cho cô nghe về những chuyến đi. Suốt cả cuộc chuyện, cô im lặng lắng nghe, chỉ thỉnh thoảng cười hoặc vâng dạ tán đồng. Anh nói rất nhiều. Đến một lúc, bỗng dưng ngừng bặt.

Cô ngạc nhiên hỏi, “Anh sao thế?”

Từ đầu dây bên kia là tiếng thì thào đáp lại “Bạn bè anh đều nói, tại sao vẫn chưa yêu em?”

Cô lặng thinh.

“Xa xôi thế này, nhiều cách trở thế này, nếu yêu, có bền lâu không?”

“Anh yêu em, có được không?”

“Anh có thể yêu em chứ?”

Bàn tay cô nắm chặt ống nghe điện thoại. Nắm đến độ những đường gân thoáng ẩn hiện trên mu bàn tay trắng mịn.

Cô nghe lời anh thủ thỉ trong ống nghe, từng câu từng câu. Chất Hà Nội trong giọng nói thanh lịch mà trang nhã, chẳng quá nồng đượm thắm thiết, lại ủ giữ một loại tình cảm nhẹ nhàng mà bền dai. Tim cô như lên men, từ tận sâu trong đáy lòng có những bong bóng nhỏ nổi lên, rung động. Ánh cười cô bay bên môi, phấp phới.



Hà Nội, 1973.

Một năm họ yêu nhau.

Anh chuyển sang làm biên tập viên của tòa soạn. Nhiệm vụ là nhận những tin tức từ phóng viên chuyển về và tổng hợp, chỉnh sửa lại thành bài báo hoàn chỉnh. Công việc càng ngày càng bận rộn, giữa tình thế chiến tranh căng thẳng lúc bấy giờ. Sự bận rộn ấy chẳng cho phép anh đánh rơi thời gian vào những chuyến đi như hai năm trước.

Một năm đó là một năm cô cứ đi đi về về giữa Huế và Hà Nội. Vào những ngày nghỉ. Chỉ ở lại thăm anh một ngày. Ngày hôm sau lại lên đường. Anh thương cô vất vả, mỗi lần cô đến đều hết sức chăm sóc, chiều chuộng, nâng niu.

Rất nhiều lần anh nói, “Em đừng đi lại vậy nữa. Mệt mỏi và lắm hiểm nguy – một cô gái một thân một mình đi xa như thế. Anh sẽ cố gắng thu xếp công việc vào Huế thăm em. Bất cứ khi nào có thể”.

Mỗi lần như vậy, cô chỉ cười, lặng im. Vẫn đều đặn đi lại giữa hai miền. Cái có thể của anh cũng thành xa vời khi bị quay tròn trong vòng xoay công việc.

Gia đình cô thuộc hạng quyền quý ở Huế. Điều này anh biết. Nhưng anh chưa từng hay, để có tiền ra Hà Nội thăm anh, cô phải đi làm thêm, phải chắt bóp từng đồng. Vì không muốn để gia đình hay biết. Một gia đình có tiếng tăm nào bao giờ chấp nhận việc con gái mình cứ một tháng lại vượt xa xôi tìm đến đàn ông.

Anh đưa cô về nhà thăm bố. Ông không vừa mắt cô từ khi nghe kể. Gia đình anh không phải giàu có, lắm tiền nhiều của, nhưng là một gia đình Hà Nội gốc gác. Bố anh sống rất quy củ và nền nếp. Ông – cũng như gia đình cô, không thể chấp nhận “loại con gái tối ngày đi tìm trai”. Ông cho rằng cô không biết xấu hổ, không có cốt cách khuê các của con dâu mà ông tìm kiếm.

Những buổi cô gặp bố anh là những ngày trôi đi trong tột cùng nặng nề. Ông tìm đủ mọi cách chê bai, giễu cợt cô. Anh cãi bố, ông đổ lỗi tại cô. Anh bênh cô, cô lại là người bị mắng. Ông nói, một đứa con gái vung tiền nhằng nhẵng theo đuôi đàn ông ắt hẳn chẳng tốt đẹp gì. Nhưng ông không biết, để gặp được con trai ông, cô gái đó phải làm thêm vất vả kiếm tiền làm lộ phí. Ông cũng không biết, một cô gái mười tám tuổi, một mình lặn lội đường xa tới Hà Nội hôm trước, ngay ngày hôm sau lại trở về Huế, mệt mỏi và lắm lúc hoảng sợ thế nào. Ông cũng không biết, suốt cả hành trình đó, cô gái ấy đơn độc ra sao. Cũng không hề hay, trên vai cô còn là áp lực tâm lý, là nỗi lo nơm nớp về một ngày nào đó đột nhiên bị phát hiện. Là nỗi sợ điều tiếng vẫn âm ỉ trong tim. Mệt nhoài.



Huế, 1973.

Cuối năm, anh sắp xếp công việc vào Huế thăm cô. Hai ngày. Nhưng đúng ngày 29 và 30 Tết.

Đêm giao thừa, người ta nôn nao đổ ra đường, đón đợi giờ phút thiêng liêng nhất của năm, ấp ủ ước ao những ngày tương lai đủ đầy hạnh phúc.

Anh nắm tay cô hòa vào dòng người đông nghịt, rồi họ chọn một khoảng nhỏ bên gần sông Hương, an tĩnh lắng nghe tiếng thở của nhau.

Sông Hương – nguồn cảm hứng quyền năng nhất cho những người nghệ sĩ. Bất kể là âm nhạc, thi phú hay tranh họa, văn chương. Bất kể thăng trầm lịch sử hay năm tháng đổi thay, cuốn xóa bao nhiêu chuyện cũ, sông vẫn lặng im hiền hòa ôm lấy Huế bằng trọn vẹn mến thương như thế. Sông Hương duyên dáng và dịu dàng, e ấp mà quyến rũ tựa thiếu nữ khuê cách danh giá nơi kinh thành cũ. Cái khí chất ấy, bẵng qua trăm ngàn khói bụi, vẫn một mực chẳng lắng phai.

Anh ngắm nhìn dòng sông được mệnh danh thơ mộng nhất chiều dài đất nước, uốn lượn lung linh dưới những ánh đèn màu của một đêm không an tĩnh. Vài sợi tóc mềm của người con gái đứng bên theo gió nhẹ vuốt ngang má, mang hương thơm như có như không. Đêm trôi.

Mặc ồn ào huyên náo xung quanh, anh cảm nhận mái đầu dựa bên bờ vai, nghe tim mình an ổn lạ kỳ. Đời người có trăm sóng ngàn gió, triệu vui vạn buồn, tất cả đổi lại, thì ra cũng không bằng một vài phút giây bình yên như thế.

Cô thì thào, nghe chính giọng mình hòa tan trong không khí.

“Em vui vì anh ở đây, lúc này. Cảm ơn anh cùng em chờ đón giây phút đầu tiên của năm”

“So ra những việc em từng vì anh, có đáng kể gì” Anh cười.

“Nếu ba anh vẫn không chấp nhận em, anh có buông tay em ra không?” Cô thình lình hỏi.

Thoáng im lặng.

Anh phóng tia nhìn ra mênh mông sông nước. Ở đó có những ánh đèn màu nhấp nhoáng trên dòng chảy đen óng ánh. Những tia sáng đan mắt anh thành tấm lưới nhiều màu. Thoạt nhìn, tựa như trong đó là trùng trùng hỗn độn của tâm tư móc vào nhau. Thế rồi bỗng những ánh đèn vụt tắt. Mắt anh trở về màu đen tĩnh lặng, để rồi một giây sau, sáng bừng lên theo ánh pháo rực rỡ thổi bay âm u cả một khoảng trời.

“Chừng nào anh còn có thể. Em còn có thể. Thì bàn tay này, anh sẽ luôn giữ chắc. Nhất định.”

Một khoảnh khắc ấy, tim cô bỗng hóa sụt sùi. Nhắm mắt, cọ má vào vai người yêu, cảm thấy bao nhiêu cố gắng cả cuộc đời người con gái như mình, mãi mãi không thể vững chãi bằng bờ vai người đàn ông này.

Cô đan những ngón tay mình vào tay anh, giọt long lanh trào khỏi bờ mi, uốn lượn trên gò má mềm, trượt xuống khóe môi mỉm cười. Vỏn vẹn là một câu nói, không phải thề non hẹn biển, hứa hẹn trăm năm, mà khiến tâm cô mãn nguyện đến thế.

Ngẩng đầu, cô chạm tay vào từng đường nét trên khuôn mặt người yêu. Thời gian như yên trôi, giữa ồn ào chúc tụng, cô vẫn nghe rõ tiếng tim mình và tim anh đập hòa vào nhau, đồng nhịp. Gió hôn vệt nước trên má cô, phẩy lệ bay hơi thành những phân tử khí nhỏ li ti, mất hút.

Cô mỉm cười.

Anh lặng người, đắm chìm trong nụ cười dịu dàng như gió xuân. Phút đó, anh biết mình yêu nụ cười ấy. Cả một kiếp này.

“Chúc mừng năm mới.”



Huế, 1974.

Cuối năm, anh thu xếp công việc tòa soạn, vào miền Trung thăm người yêu. Dĩ nhiên cô rất vui. Lần đó, cô cũng chính thức đưa anh về giới thiệu cùng gia đình.

Điều không may nhất, bố mẹ cô chẳng vừa mắt anh. Cô là tiểu thư Huế danh giá, còn anh, gia cảnh bình thường, lại ở rất xa, điều đó tạo cho bố mẹ cô cảm giác không an toàn. Họ cũng không thích nghiệp báo chí anh theo đuổi, cho rằng nghề đó lắm gian truân, cô sẽ phải vất vả theo chồng, hoặc phải có những ngày một mình vò võ khi anh đi công tác xa.

Đỉnh điểm của cuộc cự cãi, là khi bố mẹ cô phát hiện suốt những tháng ngày qua cô vẫn đều đặn tới Hà Nội thăm anh, bằng tiền tự kiếm qua những công việc làm lụng nhọc nhằn. Họ nổi trận lôi đình. Con gái vàng ngọc từ khi sinh ra chưa từng chịu vất vả, nay vì một người đàn ông, cái gì cũng không tiếc. Hơn thế. con gái đơn thân đi đi về về hai miền Trung Bắc “tìm trai”, chuyện này thật mất thể diện gia đình. Bố mẹ cô cực lực phản đối, cuối cùng, nhốt cô trong nhà, cấm gặp anh, cũng sắp xếp gả cô cho người môn đăng hộ đối.

Chuyện nghe cứ như phim. Mà cũng chẳng lạ lắm, gia đình cô thuộc tầng lớp quý tộc ở Huế, có quan hệ với hoàng tộc xưa. Họ sống đặc phong kiến. Cô yêu anh, đã nhiều cách trở lại càng thêm khó khăn.

Anh từng đứng dưới nhà cô cả đêm, hằng mong sự chân thành lay động những bề trên khó tính. Nhưng không được. Cô bỏ ăn bỏ ngủ, ngày ngày ở trong phòng khóa kín, trông ra ngoài cửa sổ, nhìn bóng dáng người yêu bên dưới. Anh thường ngẩng lên làm ký hiệu anh yêu em, cười đến sáng lạn. Như chuyện của họ không từng có trắc trở. Có lẽ để cô an tâm.

Cô cảm động, nhưng cũng đau lòng. Anh tiều tụy quá.

Cô đổ bệnh, mà nhất quyết không theo gia đình đi khám, cũng không uống thuốc bố mẹ mua. Nửa đêm, anh chạy bộ gần năm cây số, tìm được thuốc cho cô, lại chạy bộ gần năm cây quay về. Cô chỉ uống những viên thuốc đó.

Bệnh tình chuyển nặng, cô vẫn một mực không đi bệnh viện chữa trị. Bố mẹ cô hết cách, phải để anh vào khuyên, nhưng chuyện tình cảm, họ vẫn không đồng ý.

Bên giường, anh nắm tay cô rất chặt. Mắt đan mắt. Trong mắt cô là nồng nàn yêu thương, trong mắt anh là ngổn ngang đau lòng.

Anh hôn lên mi cô, thủ thỉ ngàn vạn lời yêu thương cùng khuyên bảo. Cuối cùng cô cũng gật đầu.

Anh cười. Nụ cười vẫn trang nhã mà đượm tình cảm. Rồi anh đặt vào tay cô một tấm ảnh, họ chụp cùng nhau trong một lần cô tới miền Bắc thăm anh.

Trong ảnh, anh mặc sơ mi trắng, sơ vin quần âu đen, rất lịch lãm. Cô mặc áo dài tím, xinh đẹp và dịu dàng như một tấm lụa mềm. Hà Nội đan cài trong Huế, hóa thành nét quyến rũ trữ tình, làm lòng người như ủ men rượu lâu năm, càng ngắm càng say.

Mãi sau này cô vẫn nhớ, câu cuối cùng anh nói, cô nghe được, trước khi chìm vào cơn mê.

Anh bảo, “Đợi anh.”

-

Cô được đưa vào bệnh viện. Khám tổng hợp, xác định bệnh tình cô không có gì nghiêm trọng, chỉ là do bị áp chế về mặt tinh thần, cộng với suy nhược cơ thể dẫn đến hôn mê. Điều dưỡng một thời gian là khỏi. Lúc đó, anh mới thở phào.

Cùng khi ấy, anh nhận được công điện khẩn từ tòa soạn ở Hà Nội. Trước khi đi, anh cũng không được chào từ biệt cô, vì bố mẹ cô không cho phép. Nhưng anh không nản. Anh đi với niềm tin, sớm thôi, họ nhất định sẽ được bên nhau. Anh đã có rất nhiều kế hoạch trong đầu. Chắc chắn cưới được cô làm vợ.

Nhưng anh không ngờ. Một lần ấy anh đi, là anh mất cô mãi mãi.

Thời điểm anh rời Huế, cô ngồi trên giường bệnh, cầm tờ bệnh án, tay run run, trắng bệch. Từng mạch máu trong người rung bật, tưởng vỡ tung. Lời an ủi của bác sĩ đập bên tai, cô nghe vụn vỡ.

Rồi lần đầu tiên, cô biết khóc òa. Khóc đến nát tan.

Lúc ấy, cô đưa ra một quyết định. Tự tước đi tình yêu mà mình hằng nâng niu trân quý, gần như cả một cuộc đời.



Hà Nội, 1974.

Ngày đó, nhận được điện thoại của cô, báo về thời gian tổ chức đám cưới của cô với một người lạ. Trong một khắc, anh tưởng như thế giới quanh mình tắt lịm.

Anh không hiểu, nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi. Điều gì khiến cô đổi thay chóng vánh như thế? Gặng hỏi nguyên nhân, cúp máy rồi lại nhấc máy, cô không nói, chỉ khóc. Một mực khóc.

Cô lặp lại có lẽ phải đến trăm lần lời xin lỗi. Anh nghe đi nghe lại, ngẩn ra. Xin lỗi... Vãn hồi được hết tình cảm, xóa biến được hết ký ức, tẩy nhòa hết cả yêu thương? Được sao?

Anh cúp máy, không đủ dũng cảm chúc cô hạnh phúc. Nhưng không níu kéo. Vì biết chuyện có nguyên do. Điều gì có thể làm cô gái như cô – chân thành, dịu dàng và sắt son – thay lòng đổi dạ? Không gì cả. Anh tin như thế.

Nhiều năm sau đó, anh vẫn nghĩ, có lẽ nguyên nhân vẫn là gánh nặng gia đình. Cô rất truyền thống, gia đình cô lại cực kỳ bảo thủ. Anh trách cô không được. Người yêu có thể có nhiều, bố mẹ, chỉ có một mà thôi.

Có lẽ tình yêu của họ chưa đủ lớn để từ bỏ tất cả. Vì bản thân anh, cũng chưa chắc quay lưng được với bố mình – người đã “gà trống nuôi con” sau ngày mẹ mất lúc vừa sinh anh ra.

Ngày hôm ấy, lần đầu tiên trong đời từ khi trưởng thành, anh khóc. Nước ậng trong tròng mắt, lem ướt mi. Một lần chớp, là cả một giọt lớn rơi xuống, kéo theo từng giọt, từng giọt sau, quệt thành vệt dài trên má.

Nước mắt đàn ông rất quý giá. Nhưng quý bằng ngọc ngà châu báu, cũng không đổi được tình yêu khắc cốt ghi tâm.



Huế, 1975.

Năm ấy, chiến tranh lan vào kinh thành cổ, là một trong những trận lớn nhất của cuộc chiến dai dẳng ba mươi năm.

Mọi cơ quan báo chí đều tất bật với sự kiện lớn này. Tin tức cần được truyền khắp cả nước từng ngày, thậm chí từng giờ. Không được chậm trễ.

Bạn đồng nghiệp anh được cử vào Huế tác nghiệp. Lúc ấy là thời điểm khói lửa phủ trùm kinh đô cũ, là thời điểm mạng người một mất một còn. Chẳng phải ai cũng tình nguyện dấn thân vào chốn đạn bom như mưa. Vậy mà anh xin cấp trên cho đi.

Huế trong mắt anh ngày đó là một ngày không hề đẹp trời. Những đường phố khói bụi, những âm thanh chuyển rung nền đất, những tiếng người đan vào nhau căng thành một mớ hỗn loạn. Anh tìm Huế trong một thoáng mộng mơ như suối tóc đen của người con gái ngày nào, của một thuở từng sợi mảnh mềm như tơ nhung ấy vuốt qua má, dịu dàng đến cực cùng cảm xúc. Nhưng chẳng còn.

Qua những tin tức nghe ngóng được từ mạng lưới quen biết rộng rãi, anh biết tin cô theo gia đình chồng rời Huế đi lánh nạn. Rời đi đâu, anh không hay biết. Cũng không muốn hỏi. Cô bình an – đối với anh, hiểu biết thế đã là quá đủ.

Anh tìm đến trường Gia Long. Không vì cầu mong gặp lại ai đó. Chỉ là nhớ.

Lặng người ngắm nhìn khoảng không gian trước cổng trường. Một tích tắc đó, thời gian như lưu chuyển, trong mắt anh là mơ hồ khói sương.

Anh quay lại một ngày xa mà như không xa của ba năm về trước. Huế của lần đầu biết đến ngọt ngào như một khúc thơ ngâm. Cổng trường nữ trung học áo dài trắng thướt tha đi về. Thiếu nữ mười bảy tuổi, nét cười nét mắt êm tựa gấm nhung. Chàng trai Hà thành đóng bộ sơ mi trắng, quần tây, nhìn cô ấy ngỡ ngàng, trong tim là mừng vui đan móc với bất ngờ... Mà thời gian như hoa trôi trên sông. Một thời yêu, một thời say, chớp một lần mi là ba năm thoáng qua như phút chốc. Chuyện cũ hóa cát, theo gió... cuốn trôi.

Anh lắc đầu, thoát ra khỏi dòng tơ tình cũ. Tự cười mình đa tâm. Cái cười lem vị chát đắng.



Hà Nội, 1975.

Hồ Tây buổi bình minh. Yên ả lạ lùng. Nắng sớm tí tách rơi xuống mặt hồ phủ sương, đâm qua làn nước trong trẻo, loang loáng tựa những ánh lửa mờ ảo nhen nhóm giữa đêm đông, óng ánh như những sợi tơ vàng phủ trên tấm gương trong vắt. Cảnh đẹp ngỡ chỉ có trong họa.

Một người đàn bà luống tuổi gánh những bó hoa sen đi ngang hồ, tìm kiếm trong những dáng người một vị khách yêu hoa. Bà quanh quất mãi, rồi ngừng lại bên một cô gái còn rất trẻ đang lặng người đứng nhìn tầng tầng ánh sáng lưu chuyển nơi mặt hồ. Cô gái rất đẹp. Và trong cái đẹp như liễu mai đó, bà nhìn thấy một thoáng đượm buồn của ánh mắt đang trôi mãi tận chốn xa.

“Cô gái trẻ, hoa sen mùa này rất đẹp. Cô sẽ muốn vài bông chứ?” Bà trưng lên môi nụ cười cầu tình.

Cô quay lại, ghim mắt vào những đóa sen. Ánh nhìn chiếu vào bà như ngập ngừng muốn hỏi điều gì. Chỉ một thoáng như thế. Rồi đột nhiên cô mỉm cười.

“Cảm ơn bà. Cháu mua một bó.”

Người đàn bà thở một hơi nhẹ nhõm. Còn là buổi sáng sớm đã bán được dễ dàng như vậy, ắt đây sẽ là một ngày mua bán tốt. Bà nhanh nhẹn bó một bó hoa cho cô gái. Giữa lúc đó, bà cũng nhận ra cô gái chỉ là một vị khách phương xa ghé thăm Hà Nội. Giọng cô đặc Huế. Nhưng bà cũng chẳng bận tâm.

Mùi sen thơm dịu nhẹ loang loáng trong không gian, vờn yêu luồng gió sớm trong trẻo. Cô đưa tay ve vuốt những cánh sen êm mịn, thu cả thủ đô nền nã vào trong tầm mắt, hít thở luồng khí thanh thanh của Hà Nội sớm mùa hạ.

Giữa những điều ám hơi thủ đô một cách sâu sắc nhất, thốt nhiên cô thấy lòng mình ngân lên một nhịp, rung động.

Hà Nội. Thành phố trang nghiêm mà cũng nên thơ, là đầu não của đất nước. Nơi sản sinh lớp lớp anh hùng. Nơi giản dị mà nền nếp khôn cùng. Nơi mà đến từng con đường, từng ngách phố cũng tỏa ra hơi thở thanh tao...

Nơi cô gửi tim mình suốt những năm tháng vàng ngọc nhất của thời thiếu nữ.

Cô chưa từng nghĩ cùng chồng mình đi lánh nạn, rời Huế, mà tới không phải nơi nào khác, lại là Hà Nội. Chốn này, ấp ủ bao ký ức của mối tình đầu. Chốn này, cô nhớ mãi một người con thủ đô gốc gác. Chàng trai được Hà Nội dưỡng nuôi, cốt cách ấp ủ trong thân anh là từng nét của thủ đô quý phái. Hà Nội của anh. Sông Hồng cuồn cuộn. Hoàn Kiếm trầm mặc. Long Biên lộng gió. Tây Hồ rải sóng. Những vòng xe đạp trên đường Nguyễn Du hoa sữa nồng nàn. Ngọc Hà thơm hoa nắng tỏa lung linh. Đường Cổ Ngư thênh thang gió hồ. Anh đều đã dẫn cô đi. Một lần. Để rồi mãi nhớ.

Cô không gặp lại chàng trai ấy nữa. Dù đang ở giữa Hà Nội, nhìn quanh quất mọi nơi đều như còn nguyên vẹn dấu chân anh. Nhưng cô cũng không có tâm tư tìm kiếm. Duyên đứt gãy, cô đã có gia đình riêng của mình. Còn anh, một ngày nào đó cũng sẽ là như thế...

Chuyện xưa không quên, cũng quên không được. Nhưng vĩnh viễn chỉ còn là một đoạn đời đã-đi-qua.



Sài Gòn, 1976.

Cạnh đài phun nước bên quảng trường Lam Sơn, những người sống ở đó chiều hôm ấy đều cảm thấy rất lạ lùng. Một chàng trai trẻ đã ngồi đó vài giờ đồng hồ. Hoàn toàn im lặng. Mắt cứ đăm đắm vào đường phố tấp nập. Dưới chân anh có một vali lớn, có vẻ như là hành lý. Nắng rọi, gió thổi, anh không bận tâm. Vài người đến hỏi liệu có thể giúp gì, anh cũng chỉ mỉm cười lắc đầu. Không một ai để ý anh đến đó từ lúc nào, chỉ biết anh ngồi nơi ấy trọn cả buổi chiều, trầm tĩnh như tách biệt hẳn với Sài Gòn huyên náo.

Thật lâu sau, khi chiều đã cạn nắng, phía trên cao ánh sáng nhạt dần, rồi chuyển thành màu tối, anh mới đứng lên. Có một chút lảo đảo vì ngồi lâu, nhưng anh lấy lại cân bằng rất gấp.

Và anh làm một động tác rất kỳ lạ. Cầm một chiếc lọ nhỏ, cổ dài, mở nắp, đưa nó lên cao lắc lắc một chút, sau đó đóng lại. Rồi thản nhiên đi. Từng bước dứt khoát. Không một lần quay đầu. Như chưa từng có bất cứ một vương vấn luyến lưu nào bỏ lại nơi đây.

Ngày sau hôm ấy, Sài Gòn tiễn một người con Hà Nội rời xa đất nước mình.

mint.doli Tại 3-8-2013 00:26:20


Paris, 2013.

Chris vừa làm xong thủ tục cuối cùng cho chuyến bay từ Pháp về Việt Nam, trước đêm giao thừa đúng một ngày. Anh thảnh thơi ngồi trên ghế đợi, lật qua lật lại vài trang của một quyển tạp chí văn hóa. Thần thái có vẻ không mấy tập trung.

Bỗng có âm thanh lớn đánh động, khiến anh ngẩng đầu, cau mày nhìn quanh sảnh đợi. Một ông già tóc đã bạc, loay hoay giữa đống hành lý và một cái vali bung nắp. Cách chỗ anh ngồi không xa.

Như bản năng, Chris đứng dậy, bước tới chỗ ông, hỏi bằng tiếng Pháp lịch thiệp nhất.

“Que puis-je faire pour vous ?” (Tôi giúp được gì cho ông không?)

Ông già ngẩng lên. Trong khoảnh khắc mắt đối mắt đó, Chris thoáng giật mình. Thời gian phủ bụi tuổi tác, nhưng những đường nét trên khuôn mặt thời-trẻ-hẳn-điển-trai này anh cảm thấy vô cùng quen thuộc. Như đã từng nhìn thấy ở đâu đó từ rất lâu, nhưng một chút mơ hồ ấy không đủ để anh rành rọt tất cả.

Ông già lặng lẽ quan sát anh một lúc, rồi mỉm cười. Nét cười hiền hậu pha lịch lãm, điển hình của một thời trai trẻ nho nhã.

“Cảm ơn, chàng trai.” Ông nói, bằng tiếng Việt rõ ràng. Chất giọng hơi trầm và rất vững chãi.

Chris không mấy bất ngờ, bởi đây là chuyến bay về Việt Nam. Cũng sẽ có rất nhiều khách lữ hành sau một chuyến du lịch xa trở về quê hương vào thời điểm này. Anh chỉ ngạc nhiên tại sao một ông già ở vào tầm tuổi cũng phải sáu mươi có lẻ này lại đơn độc một mình trên một hành trình quá xa xôi như thế. Nhưng anh không vội hỏi điều ấy.

“Sao ông biết tôi là người Việt Nam?”

“Tạp chí cậu cầm tay kìa, đó là một tạp chí tiếng Việt” Ông già vịn vào cánh tay Chris đưa ra, đứng lên, trong khi anh giúp ông nhặt những món đồ cuối cùng xếp vào vali.

-

Trên đời quả thực có những đụng độ ngầm duyên. Chris cảm thấy khá thú vị khi anh và ông lão người Việt lại có chỗ ngồi cạnh nhau trên máy bay. Dẫu sao cũng là một quãng đường dài, còn gì tuyệt vời hơn gặp được đồng hương cùng chia sẻ.

“Cậu, người Hà Nội gốc. Phải không?” Ông lão hỏi, vẫn bằng chất giọng trầm ổn đó.

“Ồ. Sao ông biết?”

“Tôi nhận ra chất giọng thủ đô từ những âm điệu đầu tiên. Tôi nhạy cảm mãnh liệt với giọng người Hà Nội. Câu đầu tiên cậu nói chuyện với tôi, là tiếng Pháp. Nhưng chỉ là tiếng. Còn giọng, cậu vẫn đặc chất Hà thành.”

“Tôi lai Anh. Bố tôi người Việt, còn mẹ tôi là con gái Anh quốc. Nhưng bà theo ông sang Việt Nam. Hà Nội dưỡng dục tôi từ thuở mới thành hình. Chỉ đôi khi tôi mới theo mẹ về thăm quê ngoại.” Chris cười, tay cầm cốc cà phê nhấp một ngụm. “Còn ông? Phải chăng cũng là một người con Hà Nội?”

“Phải vậy. Nhưng Hà Nội và tôi đã cách nhau gần nửa thế kỉ rồi.”

Ông già nhận cốc cà phê từ nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp. Không uống. Chỉ đặt nó xuống khay để thức ăn. Đôi mắt ông găm vào làn khói mỏng mảnh tỏa ra từ cốc cà phê vẫn còn nóng nguyên, đằm xuống.

Chris quay qua và bắt gặp ánh nhìn đăm chiêu đó. Trong một khoảnh khắc rất mỏng, anh chợt tò mò về những câu chuyện cất giữ trong đôi mắt sâu thẳm ấy.

“Tôi có thể biết vì sao ông lại một thân một mình trở về Việt Nam, ở tuổi này?” Chris buột hỏi.

“Còn cậu? Bạn gái đâu? Cậu đi làm ăn hay du lịch, mà một mình?” Ông hỏi ngược lại.

“Đi chơi thôi.” Chris lấy từ trong túi ra một bình thủy tinh hình trụ nhỏ, bên trong đựng một mô hình tháp Eiffel bé xíu. “Tôi tìm Sài Gòn cũ trong Paris. Sài Gòn của một thời được mệnh danh là Paris phương Đông nức tiếng. Tôi đã từng được nhìn thấy trong những tấm ảnh của bà nội, và rồi trót đem lòng say mê. Thời gian chảy trôi, những nét Âu hóa của Sài Gòn một thời mỹ miều bậc nhất châu Á đã mai một nhiều. Những bức ảnh của bà nội tôi, tuy cổ, nhưng rất tuyệt vời. Tôi muốn tìm lại bóng dáng đó.”

“Bà nội cậu hẳn là người hoài cổ. Giữ những tấm ảnh đã gần nửa thế kỉ... Người Hà Nội, sao đắm đuối Sài Gòn đến thế?”

“Bà tôi không phải người Hà Nội. Gốc Huế. Nhưng lỡ yêu Sài Gòn, những tấm ảnh bà giữ là quà tặng của người yêu xưa. Bà gặp người ấy lần đầu tiên ở thành phố cực Nam đất nước. Ông nội tôi bỏ đi khi biết bà vẫn tương tư một người suốt nhiều năm, và hơn nữa, vì bà bẩm sinh mắc chứng không sinh được con. Sau một thời gian dài bạo hành.” Giọng Chris đanh lại. Nhưng mắt anh hóa dịu dàng rất nhanh. “Bà luôn nói đó là cái giá xứng đáng phải trả cho ông, khi ngay từ ban đầu đã dối ông một trái tim.”

“Hai miền thống nhất, rồi ông đi, nhưng bà không về Huế. Bà nhận nuôi bố tôi – một đứa trẻ bị bỏ rơi tại Hà Nội. Từ đó đến giờ bà lưu lại thủ đô, nói rằng, Hà Nội cho bà cảm giác kề cận người yêu xưa.”

Thoáng ngừng lại, rồi Chris thấy tự ngạc nhiên với chính mình. Không đâu anh đi bộc bạch trọn gia cảnh với một người đàn ông xa lạ. Anh nhìn vào gương mặt của ông, chợt thấy tâm tình đặc như cháo quánh. Anh rất quen những đường nét này.

Cúi đầu, anh thì thào.

“Phụ nữ đôi khi thật kỳ lạ. Và vĩ đại nữa. Họ có thể dành trọn một đời yêu một người, dẫu rằng không còn gặp lại.”

“Cậu vẫn còn quá trẻ cho những trải nghiệm.” Ông già cười. “Đàn ông, cũng có thể dành trọn tim cho riêng một người phụ nữ. Cả đời.”

“Ông đã từng yêu như thế?” Chris hỏi, giọng gần khẳng định.

“Không phải đã-từng. Là vẫn-đang.” Ông thở dài. “Cô ấy dịu dàng, êm đềm và trữ tình. Như Huế. Chúng tôi đều còn rất trẻ, khi ấy, yêu nhau dù cách nhau xa xôi. Cả hai gia đình phản đối. Tôi định cùng cô ấy trốn đi, thì bỗng nhận được tin cô ấy đồng ý lấy chồng. Người gia đình sắp đặt. Cậu không biết, khi đó cô ấy còn chưa tròn hai mươi.”

“Cuộc điện thoại cuối cùng, cô ấy khóc, lần đầu tiên khóc như vỡ nát, xin lỗi tôi, nhưng không nói lý do chia tay. Tôi không giận không trách điều gì, vì tim chết rồi. Sau đó chiến tranh tiếp diễn, rồi bao biến cố, tôi mất tin cô ấy. Bố - người thân duy nhất của tôi - cũng qua đời. Tôi sang Paris tìm quên, có sự nghiệp ở đây, nhưng không lập gia đình.”

“Giờ tôi muốn được nhìn lại Huế của cô ấy, Hà Nội của tôi, và Sài Gòn lần đầu gặp gỡ. Mỗi nơi một lần, biết đâu đấy, có thể là lần cuối trước khi nhắm mắt.”

“Ưm...” Chris thoáng bối rối không biết nói gì, khi đột nhiên ông trút hết cùng anh câu chuyện đời mình. Anh nhìn quanh quanh, rồi cầm bình thủy tinh đựng tháp Eiffel trên bàn, vân vê nó trên tay, sắp xếp những câu từ trong não để chuẩn bị tiếp chuyện ông.

“Cái gì vậy?” Ông chỉ vào bình thủy tinh, nhìn nó bằng ánh mắt lạ.

“Không khí của Paris.” Chris lắc lắc chiếc bình. “Tôi có thói quen này từ bà nội. Bà dặn tôi, đi tới đâu, nhớ “đóng hộp” chút khí trời mang về cho bà. Nhưng bà chỉ cần lọ không đựng khí thôi, còn tôi muốn cho thêm chút điểm nhấn.” Anh chỉ vào tháp Eiffel tí hon. “Tuổi trẻ mà, chúng tôi năng động và sáng tạo.”

Như thêm phần sinh động cho câu chuyện, anh lấy từ trong túi hành lý đem theo lên máy bay hai chiếc bình thủy tinh cùng cỡ, rỗng ruột.

“Ông thấy không, đây là Huế. Cái này là Sài Gòn. Tôi đi dọc đất nước trước khi sang Pháp. Còn Hà Nội, suốt những năm qua bà tôi vẫn cất giữ.”

Không có tiếng trả lời. Chris ngẩng lên, bắt gặp ông già đang trừng mắt nhìn những chiếc lọ trên tay anh. Sau đó ông ngước lên, nhìn thẳng vào mặt anh, chăm chú và đầy dò xét. Trong đôi mắt ông sóng sánh những hồ nghi quái lạ.

Ban đầu, Chris thoáng bối rối. Rồi từ bối rối, anh chuyển sang bực mình trước cái nhìn kỳ dị. Nhưng trước khi anh lên tiếng, ông già đã lấy trong vali ra ba chiếc lọ thủy tinh nhỏ, đặt lên khay đựng đồ ăn.

“Tôi cũng có Huế và Sài Gòn ở đây. Còn đây, là Hà Nội.” Ông chỉ lần lượt vào ba chiếc lọ. “Tôi còn Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng, Vũng Tàu, Tây Nguyên... còn rất nhiều ở nhà. Năm xưa, tôi là phóng viên, đi khắp nơi trên đất nước. Cô ấy luôn dặn tôi, dù đi tới đâu, nhớ mang về cho cô ấy chút khí trời của vùng đất từng đặt chân qua...”

Chris nhìn đôi mắt thẳm sâu của ông, con ngươi lấp lánh những hồi ức đan móc với hiện tại. Và anh còn nhìn thấy cả những hy vọng mong manh lấp lóe trong đôi mắt tinh anh đó.

Thế rồi anh ngắm nhìn khuôn mặt của ông già. Những sợi mơ hồ trong não anh bện vào nhau, dệt thành ký ức rõ nét.

Anh nhớ ra rồi.

Khuôn mặt thời niên thiếu của người này – anh chắc hẳn đã từng được nhìn rất nhiều lần, từ rất lâu về trước. Trong bức ảnh chụp mà bao nhiêu năm, bà nội luôn mang theo bên mình.

Máy bay chuyển động, rồi vút lên trời cao. Như con chim sắt dang rộng đôi cánh xé mây trời. Mang trong nó đủ loại tâm tình của những con người không giống nhau, từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Chuyến hành trình tới thủ đô của Việt Nam – Hà Nội.



Hà Nội, 2013.

Sân bay Nội Bài, tối gần-cuối-năm đông nghịt.

Một người đàn ông trạc tứ tuần đứng trên hành lang ngoài trời, bên cạnh ông là người phụ nữ cỡ gần sáu mươi. Họ không đem theo hành lý, có vẻ như đến sân bay đón người thân.

Người đàn ông, với khuôn mặt điềm tĩnh và góc cạnh, luôn một mực quan tâm người phụ nữ bên cạnh. Thỉnh thoảng, ông lại quay sang đưa cho bà đồ ăn, hoặc nước uống, nhưng bà từ chối.

Người phụ nữ, đã có tuổi tác. Thời gian phủ trên gương mặt bà một lớp bụi mỏng, nhưng không nguôi ngoai được những nét xinh đẹp của một thời-thiếu-nữ-ắt-hẳn-giai-nhân. Bà dịu dàng và đằm thắm khó ngờ trong từng cử chỉ, từng nét mắt, từng nụ cười. Dung nhan ấy, thời trẻ, chắc chắn làm nhiều người đắm say.

“Mẹ, mẹ không khỏe, đâu cần vất vả thế này. Chris đã lớn rồi, nó có thể tự về nhà.” Người đàn ông thu lại chai nước, nói với bà.

“Gọi nó là Trí.” Bà thoang thoảng cười. “Mẹ rất nhớ nó. Đã ba tháng rồi. Hơn nữa nó sẽ rất vui khi biết chúng ta đến đón. Người xa quê mà, ai không mừng vui trước tình cảm của người thân.”

“Vâng vâng. Mẹ lúc nào cũng chu toàn thế.” Người đàn ông cũng cười. Ông nhìn đồng hồ, rồi ngẩng lên, chỉ tay lên bầu trời. “Mẹ xem, đã tới giờ hạ cánh dự kiến. Có lẽ đó là chuyến bay mang Trí về.”

Bà ngước lên, nhìn chiếc máy bay rực sáng giữa trời đêm. Lòng bà như đơm những bông hoa nho nhỏ, rực niềm hân hoan khi nghĩ đến phút giây được ôm lấy đứa cháu mình hẳng yêu quý, sau nhiều ngày xa cách.

Một làn gió lạnh thổi qua. Hà Nội căm căm rét vào những ngày cuối năm, nên người với người, nhiều khi chỉ muốn sát cạnh bên nhau. Gió đưa tóc quệt má, vờn quanh thân khiến bà thoáng rùng mình, đặt bàn tay hơi tê vào chiếc túi nhỏ - đựng những vật bất ly thân mà bao năm qua, bà vẫn mang bên người – hòng tìm kiếm chút hơi ấm.

Ngón tay vô tình chạm vào một lớp kính trơn loáng. Chẳng cần nhìn, bà cũng biết. Một khung ảnh tí hon, ép trong đó là tấm hình được chụp từ rất lâu về trước. Trong hình, cô gái Huế và chàng trai Hà Nội – tay đan tay, trong mắt là yêu thương đong đầy, tỏa ra những hạnh phúc. Lung linh, lung linh...

Đã rất nhiều năm rồi. Tháng năm không chờ, người đi qua thời gian cũng sẽ lãng quên. Nước chảy hoa trôi, chắc gì ai đó còn nhớ đôi tình nhân phận mỏng, mà niềm tin về những ngày hạnh phúc bên nhau mãi chỉ là mơ ước xa vời...

Khép mắt cho những nhớ nhung cũ xưa tan loãng vào không khí, bà mỉm cười, nói với con trai.

“Ta vào trong thôi. Có lẽ Trí xuống máy bay rồi.”

Gió vẫn ào ạt những hơi thở rét lạnh. Trời không sương, đêm giăng bóng tối khắp mặt đường rải nhựa. Nhưng Hà Nội vào đêm càng lấp lánh sáng. Đèn màu tỏa rạng muôn nơi, đâu đó vẫn còn tiếng nhạc êm trôi, văng vẳng. Thủ đô vĩnh viễn trang nhã và thanh lịch với khí chất kiêu kỳ vốn có tự ngàn xưa, và mỗi tháng năm qua lại càng trở nên đẹp xinh rực rỡ.

Chiếc đồng hồ trên tay người đàn ông vẫn gõ từng nhịp, tích tắc, tích tắc. Một năm cũ lại sắp trôi qua...


.

thanhduongtu9x Tại 3-8-2013 09:01:03

Cảm ơn nàng rất nhiều! {:460:}
Truyện hay và cảm động lắm nàng ạ. Ta đọc đi đọc lại mấy lần, lần đầu tiên đọc là khóc rất nhiều, những lần sau thì ngân ngấn nước mắt không dám để tràn ra ngoài.{:541:}
Nàng đưa ta đi dọc chiều dài địa lý lẫn chiều sâu của lịch sử Việt Nam.
Cảm ơn nàng lần nữa. {:540:}
P.S: mãi mãi yêu nàng =)))
trang: [1]
Phiên bản đầy đủ: [Truyện ngắn | K] Năm Tháng Yêu Người | Mint | No Casting | Completed