grace_Mk Tại 5-12-2011 20:57:36

Truyền thuyết hoa Mộc Miên( Hoa Gạo )

Ở một bản nọ có chàng trai nghèo khoẻ mạnh, yêu cô sơn nữ xinh đẹp. họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung.



Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin người xem xét lại”.

Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc xao nhãng”.

Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin người giữ chàng trai này lại giúp thần làm mưa”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng trào ra.

Nói về cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nên thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thoả nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống.

Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/hoagao.jpg
http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/hoaga-1.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 20:59:15

Truyền thuyết hoa diên vĩ

Tiếng Hy Lạp, “Iris” có nghĩa là Cầu Vồng. Trong thần thoại Hy Lạp, Iris là tín sứ của thần Zeus và nàng thường xuất hiện dưới hình một chiếc cầu vồng. Nàng là người đưa tin trên đỉnh Olympus, Iris mang thông điệp của các vị thần linh từ “con mắt Thiên Đường” xuống cho nhân loại trên trái đất qua vòng cung cầu vồng rực rỡ. Từ Iris cũng có nghĩa là “con mắt Thiên Đường” (the eye of Heaven). Iris, như ta đã biết, là tên của một nữ thần Hy Lạp, một loài hoa, và nó còn có nghĩa là tròng đen trong con mắt chúng ta.

Điều này ngụ ý rằng mỗi chúng ta đều mang trong mình một mảnh của Thiên Đường. Những người đàn ông Hy Lạp thường trồng hoa Diên Vĩ tím trên mộ những người phụ nữ mà họ yêu thương để tỏ lòng tôn kính nữ thần Iris, người mang sứ mệnh dẫn dắt những linh hồn phụ nữ này đến chốn Thiên Đàng (the Elysian fields).

Diên Vĩ là loài cây lưu niên có thân thảo vươn cao, lá hình lưỡi kiếm và những đóa hoa to nhiều màu sắc với ba cánh và ba đài hoa rũ xuống. Có hơn 200 loài hoa Diên Vĩ xinh đẹp khác nhau với các màu xanh da trời nhạt, tím, vàng, trắng, hồng, cam, nâu đỏ…đa dạng như màu sắc cầu vồng. Hoa Diên Vĩ được xem như sứ giả mang đến những điềm lành. niềm hy vọng. Ba cánh hoa Diên Vĩ đại diện cho lòng Trung Thành, sự Khôn Ngoan và lòng Dũng Cảm. Hoa Diên Vĩ vàng là biểu tượng của ngọn lửa và niềm đam mê

Hoa Diên Vĩ đã từng được thấy ở sa mạc, đầm lầy hay cả miền Bắc cực Siberia lạnh giá, nhiều nhất vẫn là ở các vùng khí hậu ôn hòa. Hoa Diên Vĩ thường được vẽ trong những bức tranh tĩnh vật, như của các danh họa Vincent van Gogh, Monet…Có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và phía Nam Châu Âu, hoa Iris đã từng được những người Hy Lạp cổ đặt trên trán của Nhân Sư và trên vương trượng của đức vua xem như là biểu tượng của quyền lực. Vào năm 1479 trước Công Nguyên, ở Ai Cập, để ghi nhớ chiến công tại Syria, vua Thutmose III đã cho vẽ những bông hoa Diên Vĩ trên bức tường ngôi đền thờ của mình.

Nhà thờ La Mã xem hoa Lily là hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh. Do có ba cánh đặc biệt, fleur-de-lis cũng được làm hình ảnh tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi linh thiêng (the Holy Trinity).

Hoa Diên Vĩ đã là biểu tượng của hoàng gia và sự che chở thần thánh suốt hàng thế kỷ trên khắp thế giới. Loài hoa đầy sức thu hút này được rất nhiều người ngưỡng mộ. Các vị vua chúa nước Pháp đã dùng nó làm biểu tượng hoàng gia và gọi nó là Fleur-de-lis. “Fleur-de-lis” có nguồn gốc từ tên “Fleur-de-Louis”, sau thời vua Louis VII, năm 1147. Theo thời gian, tên đó chuyển thành “Fleur-de-luce”, có nghĩa là hoa của ánh sáng (flower of light), cuối cùng đến ngày nay, nó được gọi là “Fleur-de-Lys”, hay Flower of the Lily (Lily : Hoa Huệ Tây, Loa Kèn, Bách Hợp). Fleur-de-Lis đã là biểu tượng của nước Pháp từ thế kỷ 13. Hoàng gia Pháp trang trí hoa Diên Vĩ trên áo choàng, các đồ vật trong cung điện và trên những bức tường như biểu hiện của sự toàn bích, ánh sáng và cuộc sống. Có nhiều truyền thuyết khác nhau giải thích tại sao hoa Diên Vĩ được chế độ quân chủ Pháp chọn làm biểu tượng . Tương truyền rằng, Clovis, vua nước Pháp triều đại Mêrôvê khi đối mặt với đội quân thiện chiến của Alamanni (Đức) đến xâm chiếm vương quốc mình, ông đã nói với hoàng hậu Clotida rằng ông sẽ theo đạo và chịu rửa tội nếu như Chúa phù hộ ông đánh thắng trận đấu này (trước đó hoàng hậu đã nhiều lần khuyên chồng mình vào đạo nhưng ông vẫn không nghe). Cuối cùng, ông thắng thật và nhận fleur-de-lis làm biểu tượng. Tiếp đó, vào thế kỷ 12, vua Louis trở thành hoàng đế nước Pháp đầu tiên khắc họa hoa Diên Vĩ trên chiếc khiên của mình. Nữ anh hùng nước Pháp, Joan of Arc (Jeanne d’Arc) đã mang theo lá cờ trắng có biểu tượng Chúa hộ mệnh của hoàng gia (hoa Diên Vĩ ) khi bà đánh bại quân Anh tại Orléans (1429).

Ở Nhật, hoa Diên Vĩ tượng trưng cho chí khí anh hùng và dòng dõi quý phái. Hoa Diên Vĩ là một phần quan trọng trong lễ hội mùa xuân dành cho các bé trai.

Được xem như một loài hoa thiêng, người ta tin rằng hoa Diên Vĩ có khả năng chữa bệnh và đã được dùng làm thuốc từ thời xa xưa. Vào thế kỷ đâu tiên sau Công Nguyên, vị y sĩ Hy Lạp Dioscorides đã đưa ra bài thuốc dùng rễ cây hoa Diên Vĩ uống với mật ong, giấm hay rượu vang để chữa ho, cảm lạnh, khó tiêu và chứng đau thần kinh tọa. Rễ cây hoa Diên Vĩ cũng được dùng để tạo hương thơm.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/irisflower65814.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:00:35

Truyền thuyết hoa long đởm

là loài hoa dại của mùa thu có màu xanh lộng lẫy và cánh hoa có tua viền một cách sắc sảo. Nó mang tên của Geneus, một vị vua xứ Illyria, người đã phát hiện ra việc loài cây này rất tác dụng trong việc chữa trị nhiều chứng bịnh.

Các thầy thuốc thời xưa đã sử dụng cây hoa này để trị nhiều bệnh khác nhau như chó cắn, xơ gan, suy nhược, gãy tay chân, dịch hạch. ở Hungary, cây hoa này được gọi là Sanctus Ladislas Regis Herba để tưởng nhớ đến một vị vua mà dưới thời của ông đã xảy ra một trận dịch hạch lớn với nhiều tổn thất. Quá tuyệt vọng, vua Ladislas mang cung và tên đi ra một cánh đồng. Ông cầu nguyện rằng, khi ông bắn ngẫ nhiên một mũi tên, Chúa trời hãy hướng mũi tên đó cắm vào loại cây nào có thể dùng để ngăn chặn sự tàn phá của dịch bệnh khủng khiếp này. Và mũi tên ấy đã cắm vào cây Long Đởm. Thật phi thường, nó đã trị được bệnh dịch này. Tuy nhiên không ai giải thích được tại sao bông hoa xanh hiếm thấy này lại có nghĩa là “sự kiêu hãnh trong trắng”.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/HoaLongm.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:02:10

Truyền thuyết hoa Mười Giờ

Truỵện kể rằng ở một đất nước nọ, quanh năm chỉ có mùa đông băng giá, người đời không hề biết tới sư tồn tại của một ngôi làng nhỏ bé, nơi tràn ngập ánh nắng và qui tụ tất cả các loại hoa đẹp trên đời. Đó cũng là nơi yên tĩnh nhất và thơ mộng nhất trên thế gian. Trưởng làng là một người đàn bà góa chồng, 1 mình nuôi dưỡng đứa con trai độc nhất.

Thời gian cứ thế trôi đi, thằng bé năm nào còn nằm trong nôi nay đã to khoẻ và tuấn tú lạ thường. Kế thừa bản tính nhân hậu của người mẹ, hắn thường hay giúp đỡ dân làng trong những việc nặng nhọc nên rất được mọi người quí mến, nhà nào có con gái đến tuổi lấy chồng cũng ước ao con mình được lấy hắn về làm rể.

Rồi ngày đó cũng tới, trái tim của cậu bé bắt đầu biết rung động : phải hắn đã yêu. Trai tài gái sắc, người con gái có một vẻ đẹp thuần khiết khiến ai ai cũng ngưỡng mộ. Ban ngày 2 người nắm tay nhau tản bộ trên bờ biển hoặc dong duổi trên những ngọn đồi phủ đầy cỏ xanh, đi xuyên qua những bóng cây cổ thụ râm mát. Buổi trưa họ trải mình trên tấm nệm cỏ. Xế chiều họ cùng nhau nô đùa trên bãi cát trắng cho tới chiều tối. Cô gái mồ côi cha mẹ từ bé nên chỉ có người con trai là người thân duy nhất nên dành trọn tất cả tình cảm vào thằng bé. Ngược lại cậu trai còn người mẹ già nên thường phải về nhà trước khi mặt trời lặn. Cô gái lại phải chờ tới sáng hôm sau để được gặp chàng trai.

Ngày này qua ngày khác, cứ đúng 10 giờ hai người hẹn nhau, tay trong tay vui đùa trước biển xanh. Tình yêu của họ tưởng chừng không gì có thể chia rẽ được. Nhưng một ngày nọ chàng trai không tới chỗ hẹn, cô gái đứng đợi, lâu rất lâu nhưng vẫn không thấy bóng dáng của người con trai.

Rồi thời gian trôi qua, cô đã chờ được 1 ngày nhưng vẫn không thấy hắn đâu, ngay lúc đó, người con gái tưởng chừng như bầu trời muốn sụp đổ. Cô muốn òa khóc nhưng sợ rằng người con trai tới nơi thấy đôi mắt đỏ hoe của mình sẽ buồn và lo lắng nên cô nuốt những giọt nước mắt đó vào trong lòng.

Thời gian lại trôi qua cô gái đã chờ được 1 tuần, cô muốn chạy đi tìm chàng trai nhưng sợ hắn sẽ tới và không thấy cô đâu rồi sẽ bỏ đi. Nghĩ vậy nên cô ghìm bước chân lại và tiếp tục chờ. Cho tới khi sức lực cạn kiệt cô gái quị xuống và trút hơi thở cuối cùng, trước khi chết cô không hề oán hận người con trai mà chỉ tự trách tình yêu của mình dành cho người con trai không đủ để tiếp sức cho cô ta tiếp tục chờ đợi và hy vọng.

Sau này xác của cô gái dược sóng mang ra giữa biển và chìm vào trong lòng của đại dương. Nơi người con gái ngã xuống mọc lên 1 loài hoa màu tím, cứ khi chuông đổ 10h là hoa lại nở rộ, từng cánh hoa một hứng lấy những hạt nắng của mặt trời để sưởi ấm cho những giọt nước mắt chất chứa trong lòng của người con gái. Người ta ví hoa 10 giờ chính là hiện thân của cô gái si tình đó, hoa nở tượng trưng cho lời hẹn ước năm nào của cô đối với chàng trai; Dù thời gian có trôi đi nhưng lời hứa của cô không hề phai tàn, cô vẫn tin vào 1 câu hẹn ước và vẫn tiếp tục đợi cho dù người con trai đó sẽ không bao giờ tới.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/hoa-muoi-gio.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:03:15

Truyền thuyết hoa phi yến

Loài hoa này mang ý nghĩa nhẹ nhàng với nét thanh thoát duyên dáng của bông hoa. Theo truyền thuyết, hoa Phi yến đã mọc lên từ máu của Ajax, một chiến binh dự chiến thành Troy. Thất vọng trong việc phân chia chiến lợi phẩm, Ajax nóng tính chạy ra đồng và trút cơn giận dữ của mình lên một đàn cừu, anh ta đã giết một số cừu trước khi thức tỉnh khỏi cơn điên loạn. Xấu hổ do chính cảnh tượng mình gây ra, Ajax đã quay gươm tự sát. Máu của anh ta chảy đầy trên mặt đất và sau đó nảy ra những bông hoa, gọi là hoa Delphinium Ajacis.



Một số người lại cho rằng sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì hình dáng của nó trông giống cái mũi nhọn trên đầu con cá heo. Thật ra, mỗi người lại nhìn thấy hình dáng của loài hoa này thành một thứ khác nhau, vì vậy nó còn được gọi là Larkspur vì nó trông giống cái mào của con chim chiền chiện(lark).

Hoa phi yến được gieo trồng từ thời các vua Pharaon, lúc đó chúng được xem là một loại cây quan trọng vì người thời đó dùng nó để làm thuốc trừ sâu…

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/Anh-hoaphiyen.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:04:28

Truyền thuyết hoa thủy vu

Trên các bãi cỏ mọc đầm lầy trong những khoảng rừng sâu hẳn là các bạn đã có dịp trông thấy một loài hoa kỳ lạ mọc trên nước, duy nhất chỉ có một cái cánh trắng muốt ôm lấy một cái nhụy vàng.


Ở làng quê người ta gọi đó là Hoa Ráy còn ở thành phố gọi là Hoa Thủy Vu, thường được trồng trong các chậu cảnh. Thuở nhỏ tôi đã được nghe ông nội kể về gốc tích của nó.

Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Lanhít. Cậu luôn được ánh nắng mặt trời ve vuốt và bàn tay của mẹ chăm chút nên khi lớn lên cậu cũng là một đứa trẻ vui tính hoạt bát như mọi đứa trẻ khác trong làng. Nhưng thật không may, một căn bệnh quái ác đã cướp mất của cậu người mẹ thân yêu. Cuộc sống của cậu bắt đầu trở nên khó khăn. Chẳng bao lâu người cha lại rước về nhà một mụ mẹ kế ác độc, ích kỷ, chỉ cần một cái liếc mắt của mụ là Lanhít đã sợ khiếp vía.

Mẹ kế còn mang về nhà chồng cả một bầy lợn lông trắng lông đen lốm đốm để làm của hồi môn và bắt Lanhít phải chăn dắt suốt từ bình minh cho đến hoàng hôn, từ mùa xuân xanh cho đến mùa thu vàng vọt. Ở đầu bãi chăn thả có một cái ao vừa sâu lại vừa bẩn, đàn lợn thường quen xuống đó tắm mát. Phía bên kia bờ ao là cả một con lợn ranh ma thường vượt sang đó để đào khoai ăn, khiến Lanhít phải vất vả lội xuống bùn lấm để xua đuổi con vật. Mỗi buổi chiều về nhà, toàn thân Lanhít bám đầy những bùn đất hôi hám, đã thế mẹ kế lại không hề cho cậu một giọt nước để tắm rửa. Chân tay chẳng mấy chốc đã khô nứt hệt những vết rạn.

Trước đây, Lanhít có rất nhiều bạn bè cùng vui đùa, nay đám trẻ tìm cách xa lánh cậu bé chăn lợn bẩn thỉu. Lanhít đành phải đứng từ xa trông đám trẻ vui đùa và khe khẽ huýt sáo bài ca “Mặt trời nhỏ”. Một hôm, vì mãi suy nghĩ, cậu không để ý thấy một con lợn dẫn cả đàn con vượt qua ao sâu, tấn công đám ruộng trồng khoai tây. Mấy đứa con của mẹ kế biết chuyện, không thèm nói cho Lanhít biết mà chạy về mách mẹ. Sợ hãi, cậu bỏ chạy thục mạng và trong lúc lúng túng cậu đã bị ngã xuống ao nước bẩn. Cậu cố leo lên bờ, mẹ kế lại tiếp tục dồn đánh. Ðiều kỳ lạ là tuy bị lấm bùn từ đầu đến chân, song một phía sườn của cậu vẫn còn sạch nguyên trông hệt như một cánh hoa trắng muốt.

- Ê, cánh hoa trắng bé xíu! Hoa ráy tụi bay ơi! – Lũ trẻ hét lên với một vẻ thích thú.

Không ngờ tiếng kêu đó đã cột chặt đời Lanhít vào kiếp bùn đen. Cậu đã phải mang một cái tên khác, kể cả cha cậu, mỗi lần bí mật xoa đầu cậu vẫn gọi cậu là “Hoa ráy của ta!”

Ðó là một mùa hè khốc liệt. Cỏ cây khô héo, những cánh đồng lúa mì chết rụi. Cái ao sâu hôi hám cũng bị cạn kiệt, nứt nẻ như đá, muôn loài không còn chỗ mà tắm mát nữa. Ðàn lợn hung dữ lại bươn bả khắp các bãi chăn thả, lùng xục cả vào rừng, hy vọng tìm được một bãi cỏ xanh tươi. Ngay cả hồ nước giờ đây cũng đã cạn phơi đáy, duy chỉ có ở giữa lòng hồ còn lộ ra một cái hố nhỏ đen ngòm, không một tia sáng mặt trời lọt vào.

Nạn hạn hán càng hoành hành dữ dội. Riêng cái hố nhỏ như có một con mắt đen kia lại có sức hấp dẫn muôn loài đi tìm kiếm nguồn nước mát.

Trong số những muông thú dại dột ấy có một con lợn của mẹ kế đã liều mình lao xuống cái hố đó để tắm mát và lập tức bị chìm nghỉm. Lanhít sợ hãi chạy về nhà kêu cứu. Nhưng cặp mắt của mẹ kế chợt vằn lên trông dữ dằn như cái hố nhỏ đen ngòm giữa lòng hồ khô cạn. Mụ túm lấy một tai Lanhít và kéo xềnh xệch ra miệng hố.

- Mày phải tự nhảy xuống hố lôi con lợn lên cho ta!

Cậu bé bất hạnh bị quẳng xuống cái hố nhỏ, chỉ còn thấy nhô lên một cái tai trắng của con lợn. Lanhít bèn túm lấy cái tai con lợn nhưng cái hố nhỏ quái ác đã dìm sâu cậu xuống. Chỉ còn có cái tai lợn và nắm tay nhỏ sần sùi của cậu là nổi lên trên mặt nước.

- Mày cứ ở lại dưới đó, Hoa ráy ạ! – Mẹ ghẻ rít lên từng tiếng một.

Ngày hôm sau, cái hố nhỏ đó cũng bị cạn khô và ngay chỗ đó người ta thấy mọc lên một bông hoa như một cánh hoa trắng muốt.

- Hoa Thủy Vu! Xem kìa, một bông Hoa Thủy Vu – một cô gái trẻ chạy qua thốt lên. Từ đấy, loài hoa ấy có tên gọi là Hoa Thủy Vu.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/17thuyvu.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:05:51

Truyền thuyết hoa trinh nữ

Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình, đều chôn chân thờ chồng đi lính.
Hai người đàn ông lần lượt ra đi, nhưng người về thì chỉ một. Người chiến binh dũng cảm ấy về làng trong tiếng tiền hô hậu ủng, xênh xang trong mũ áo vua ban và làm vẻ vang cho dòng họ. Nhưng khi đón chồng, người đàn bà thứ hai khóc thầm: “Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban… tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!…”



Vậy nên, kiếp đàn bà thứ ba vừa lọt lòng và nhoe nhoe khóc, thì cả bà, cả bố và mẹ cô bé chắp tay: “Lạy Phật! Lại thêm một cái tội nữa. Nhưng lần này, chúng ta sẽ không gả nó cho bất kỳ một người lính nào đâu nhé. Hai đời, chúng ta đã đợi chờ đến bạc tóc, thế còn chưa đủ sao?”.

Cô bé lớn lên mơn mởn như nụ hồng. Từ nhỏ đến lớn cả nhà không cho cô được nói chuyện với bất cứ một người lính nào để cô giữ lời nguyền thuở trước.

Một buổi sáng, xa xa vẳng tới tiếng trống ngũ liên. Cô gái bước ra vườn, đến bên bờ giậu đẫm sương. Chàng trai nhà bên đang gấp gáp khăn gói lên đường. Vốn là đôi trẻ vẫn cũng nhau chơi trò “đố lá”, họ cùng nhìn nhau rồi cùng cúi mặt, lớp lông măng ngăm ngăm trên mép chàng trai khẽ rung. Tiếng trống thúc dồn. Chàng trai đánh bạo:

- Thế… có chờ… không?

- Sao không hỏi xem bông tầm xuân có nở trước khi mặt trời lên không? – Cô gái cắn môi, nước mắt lăn tròn trên má.

Và thế là mặt chàng trai đỏ đến tận chân tóc. Lâng lâng như vừa được chắp cánh, chàng bấm bụng: “Ta có thể ra đi, dù “da ngựa bọc thây”.

Cô gái trở vào, mắt ngấn nước và thẫn thờ như người ốm, trong tiếng trống ngũ liên xa xa thúc dồn. Vậy là cả nhà biết. Họ trách lẫn nhau, rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Bà cô gái thắp ba nén hương khấn người chồng quá cố: “Ông ơi! Có lẽ cháu ông đúng, bởi tôi nghiệm rằng, nếu bây giờ ông sống dậy, lại ra trận, thì tôi vẫn chờ ông. Ôi! Cái kiếp đàn bà!…”. Mẹ cô gái nức nở: “Chỉ tại mẹ thôi, chính mẹ đã truyền cho con dòng máu “đợi chờ”! Con làm sao khác được!”. Ông bố cố gạt đi: “Thì cũng phải có một đứa con gái nào đó chờ thằng bé ấy chứ, cũng như ngày xưa, trong căn nhà này bà chờ tôi vậy! Bây giờ, chỉ còn biết mong sao thằng bé ấy trở về!”.

Nhưng thằng bé không sớm trở về. Chàng tân binh hăng hái giết giặc trong vài trận rồi ngôi sao chiếu mệnh mỉm cười với chàng ta, đấng quân vương vốn giỏi chọn người, vừa nhìn thấy chàng trai đã nhận ra ngay rằng đây là một tên lính hầu trung thành vô hạn. Thế là, ngài cho rút chàng trai về, ngày đêm cận kề bên ngài, một bước cũng không được rời xa. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương.

Đã mười bảy năm rồi, cô gái chờ người lính ấy. Từ một thiếu nữ như nụ hoa chớm hé, nàng đã trở thành một cô gái quá lứa nhỡ thì. Bà nàng, rồi cha mẹ nàng theo nhau lần lượt trở về cõi Phật. Trước khi nhắm mắt, họ đều gọi con gái đến bên giường dặn dò: “Mai ngày nếu sinh con gái…”. Cô gái lặng lẽ khóc khi bà và bố mẹ mất, lặng lẽ khóc khi người yêu của chúng bạn trở về hay tử trận và cuối cùng, lặng lẽ để tang người yêu năm xưa, vì đã mười mấy năm rồi, chàng biệt vô âm tín.

Thế rồi một buổi chiều có tiếng vó ngựa ghé sát bên thềm.

Bước xuống từ yên ngựa là một người đàn ông phong trần và nhìn mọi vật từ trên xuống qua ánh mắt lạnh lẽo như thép. Ngang lưng anh ta thắt chiếc đai vàng vua ban. Đó là phần thưởng sau khi anh ta lập được công đâm vào lưng người bạn cũ. Người bạn này đã cả gan ngăn vua khi ngài hạ lệnh chém một danh tướng. Ông này chỉ vì mắt kém mà trót dâng vua một quả táo bị sâu ăn. Sau bữa tiệc ngập máu ấy, vua đã cất nhắc anh ta và cho phép anh ta về thăm nhà sau mười mấy năm xa cách. Mười mấy năm qua, người lính đó vẫn không quên người yêu xưa. Giữa cuộc đời bụi bậm, giữa triều đình đầy mưu kế sâu độc, cô trinh nữ nhà lành cắn môi cố nuốt giọt nước mắt chia ly vẫn không mờ nhạt mà thật lạ kỳ, lại càng như vầng trăng xa thẳm gọi anh về.

Người con gái lỡ thì bước tới vài bước rồi sững lại. Nàng hoang mang tự hỏi, không biết đó có phải là chàng trai hàng xóm năm xưa rụt rè mãi mới dám hỏi: “Thế… có chờ… không?”. Nhưng khi người đàn ông ấy gọi tên nàng bằng giọng nói thân thuộc, nàng khóc, tiếng khóc nghe như ngàn mảnh thủy tinh rơi, vì nàng phải chờ đợi quá lâu, và người nàng chờ nay đã biến thành người đàn ông có cái nhìn lạnh lẽo như thép.

Làng xóm đua nhau chúc mừng nàng. Các ông làm nghề “gõ đầu trẻ” đem mối tình chung thủy của hai người rao giảng trong các lớp học. Thế là từ đấy có thêm nhiều cậu bé chỉ mơ về chiến trận. Mơ về một mai mình được hầu cận đấng quân vương. Còn những cô bé thì chỉ ao ước sao mai này lớn, được chờ người yêu đến khi lỡ thì!

Không chậm trễ gì, người ta làm lễ cưới cho đôi tình nhân chung thủy. Vua ban áo tím cho nàng trinh nữ lỡ thì và đám cưới trọng thể hết chỗ nói. Hoàng hôn xuống, cạnh chén rượu bên mâm cỗ, quan khách tròn xoe mắt nghe chú rể kể chuyện. Mười mấy năm hầu cận vua, anh ta đã quen tính kín miệng. Và chỉ bốc lên khi rượu đã ngà ngà. Nhưng anh không biết nói chuyện gì khác, ngoài chuyện chém giết. Anh kể về những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị ngập máu trong thời bình và say sưa mô tả các kiểu chết của nhiều người khác nhau dưới tay kiếm của anh. Cuối cùng, vì sao vua đã ban cho anh ta chiếc đai vàng.

Người trinh nữ nghe chuyện của chồng mới cưới và nàng đứng không vững nữa. Lảo đảo, nàng lùi dần về buồng. Nép mình trên giường trong bóng tối, nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, và trên mặt nàng như có làn môi lạnh toát của những oan hồn lướt qua. Nàng vùng dậy, run lật bật, vội vàng châm lửa lên tất cả các ngọn đèn dầu lạc mà nàng tìm được trong buồng. Ánh đèn chập chờn đỏ quạch càng làm nàng thêm sợ hãi.

Vừa lúc đó, có tiếng kẹt cửa. Thân hình to lớn của người chồng mới cưới chếnh choáng tiến vào. Theo thói quen, anh ta vẫn mang theo thanh kiếm. Nàng nhìn lên, và thấy anh không vào một mình. Theo liền sau anh là một người đàn bà trong veo, tóc xoã – chỉ có bộ tóc là còn màu sắc – mặc quần áo đại tang, đang cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên và cất giọng đều đều một cách kỳ lạ, lặp đi lặp lại như không bao giờ dứt:

-Hãy trả chồng cho ta! Kẻ giết bạn kia, trước khi mi bước vào giường cưới! Hãy trả cha cho năm đứa con thơ dại của ta! Hãy trả…

Vậy mà chồng nàng không nghe thấy gì cả, anh dựng thanh kiếm vào vách, rồi xáp tới đặt tay lên ngực nàng. Ngay lúc đó, nàng nhìn thấy máu từ tấm áo trong tay người đàn bà xoã tóc rỏ xuống hai bàn tay người chồng mới cưới. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi:

- Ôi kìa, máu! Máu nhiều quá! Máu đỏ cả hai bàn tay!

Chồng nàng giật mình nhìn lại. Anh vẫn không thấy gì cả, ngoài những vết sẹo ngang dọc nơi bàn tay mình. Anh dỗ dành:

- Ồ! Can đảm lên, cô em ủy mị! Chẳng qua là vì em quá hồi hộp đó thôi! Đã bao ngày ta chờ phút giây này. Nào, hãy vui lên.

Anh nói vậy, nhưng miệng không cười và mắt vẫn lạnh như thép, cũng như từ ngày về đến giờ, chưa một ai nhìn thấy anh cười. Người trinh nữ bỏ hai bàn tay che mặt. Nàng không nhìn thấy người đàn bà tóc xoã nữa, nhưng trên khuôn mặt đang gần xuống mặt nàng, nàng chỉ thấy khóe miệng mím chặt và cái nhìn lạnh lẽo như cái nhìn của Thần Chết. Lại sợ hãi cuống quít, nàng van vỉ:

-Hãy mỉm cười đi anh! Em van đấy! Hãy cười lên để em thấy anh của ngày xưa. Bao năm chờ đợi, em đâu muốn anh buồn…

Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hẳn hai hàm răng chắc khỏe.

Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói. Ngay lập tức, vợ anh co rúm lại và quay mặt vào trong, thổn thức cố kìm tiếng khóc.

Người chồng buồn bã soi trong tấm gương cười, ngắm kỹ mình, rồi tuyệt vọng:

- Thôi, thế là hết, cả một đời chờ đợi! Em chối từ ta, em ghê tởm ta ư?

Anh rũ xuống thành giường, rồi gầm lên như một con thú bị thương:

- Tại sao em chờ ta cả đời, để rồi chối từ ta? Tại sao em bắt ta phải cười! Còn đâu nữa chàng trai với lớp lông măng trên mép ngày xưa! Ta đã trở thành “người đàn ông không cười” của triều đình, từ khi bàn tay này nhúng vào máu bạn bè, bên những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị. Đấng quân vương sai ta giết hết những kẻ bất tuân thượng mệnh bằng các chiếc đũa. Trong mọi chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc đều có một lưỡi dao tinh tế giấu ở trong…

Anh nức nở, đôi vai rung lên dữ dội:

- Ôi! Bạn ta! Người bạn đã cùng ta tựa vào lưng nhau tìm hơi ấm chống đỡ cơn gió lạnh chiến hào. Thôi, thế là hết và đây là đêm tân hôn vĩnh biệt, phần thưởng cuối cùng cho người lính quá nửa đời phụng sự đấng quân vương.

Tiếng nức nở dữ dội của người chồng mới cưới rung chuyển cả căn phòng. Rồi xách kiếm trên tay, anh bỏ đi biệt xứ. Có người nói rằng anh đã đến tìm vua, định bắt vua phải đền tội đã biến anh thành người đàn ông không biết cười. Nhưng vua đã kịp giết chết anh trước, bằng chính một trong những chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc. Cũng có người bảo rằng anh lại lao vào những cuộc chém giết mới không ghê tay cho quên ngày tháng.

Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng, mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật hễ có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được.

Một hôm, người xã trưởng được mời đến để làm giấy chứng tử cho nàng. Nàng chết mà hai tay che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.

Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.

Những loài hoa cỏ mọc đầy chung quanh lấy làm lạ lùng lắm về chuyện đó. Một hôm, chúng chặn chàng Gió lại:

- Này, anh Gió! Ở đây, không có ai già như anh và trẻ như anh. Vậy anh hãy nói cho chúng tôi biết vì sao loài cây mới đến kia, tầm thường đến vậy, lòa xòa bên vệ cỏ, khách bộ hành dễ dàng giẫm lên, có gì đặc biệt đâu mà phải gìn giữ, hơi một tí lại lấy tay che mặt, điệu đà làm vậy?

Từng trải như chàng Gió mà cũng không trả lời được.

Thế là một đêm thanh tĩnh, dịu dàng, muôn hoa cỏ đang mơ màng trong giấc ngủ êm đềm, chàng Gió lướt tới bên loài cây tầm thường ấy, khẽ hỏi:

- Này cô em bé bỏng! Sao em hay che mặt thế? Ở đây có ai chọc ghẹo em sao? Em hay e thẹn lắm à? Nếu không, tại sao người ta lại gọi em là cây trinh nữ?

Đắn đo một chút, rồi loài cây ấy nhẹ nhàng đáp:

- Không phải thế đâu, mặc dù chết đi, em vẫn là trinh nữ. Em che mặt vì sợ. Ngày nay người ta càng tranh giành nhau dữ hơn, những bàn tiệc ngập máu vẫn còn nhiều. Vậy nên, mỗi va chạm, mỗi bước chân tạt qua đều làm em giật thót mình. Em sợ người ta sẽ gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa chẳng biết cười.

Cây trinh nữ chợt co mình lại vì vừa nghe tiếng chân qua. Đó là bước chân sóng đôi của một đôi trai gái đang đi trong sương mù. Trước khi cẩn thận khép những mắt lá lại, cây trinh nữ cầu khẩn: “Ôi! Lạy Phật! Cầu cho đây không phải là bước chân của những người phải tiễn nhau về nơi ấy…”.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/12trinhnu.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:06:53

Truyền thuyết hoa long đởm

là loài hoa dại của mùa thu có màu xanh lộng lẫy và cánh hoa có tua viền một cách sắc sảo. Nó mang tên của Geneus, một vị vua xứ Illyria, người đã phát hiện ra việc loài cây này rất tác dụng trong việc chữa trị nhiều chứng bịnh.

Các thầy thuốc thời xưa đã sử dụng cây hoa này để trị nhiều bệnh khác nhau như chó cắn, xơ gan, suy nhược, gãy tay chân, dịch hạch. ở Hungary, cây hoa này được gọi là Sanctus Ladislas Regis Herba để tưởng nhớ đến một vị vua mà dưới thời của ông đã xảy ra một trận dịch hạch lớn với nhiều tổn thất. Quá tuyệt vọng, vua Ladislas mang cung và tên đi ra một cánh đồng. Ông cầu nguyện rằng, khi ông bắn ngẫ nhiên một mũi tên, Chúa trời hãy hướng mũi tên đó cắm vào loại cây nào có thể dùng để ngăn chặn sự tàn phá của dịch bệnh khủng khiếp này. Và mũi tên ấy đã cắm vào cây Long Đởm. Thật phi thường, nó đã trị được bệnh dịch này. Tuy nhiên không ai giải thích được tại sao bông hoa xanh hiếm thấy này lại có nghĩa là “sự kiêu hãnh trong trắng”.
http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/hoaquynh.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:08:23

Truyền thuyết hoa thủy tiên

Dân gian có câu: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", ngẫm mà đúng. Cặp vợ chồng nhà thần Kêphít và Lavơriôna sinh hạ được một cậu con trai có gương mặt trắng trẻo, cặp mắt sáng, mái tóc quăn tít, đặt tên là Narơxít thay cha làm hà bá, trị vì một vùng sông nước.


- Ôi, chàng mới đẹp làm sao! Thật là một đứa con tuyệt vời! - Các nữ thần đến thăm Lavơriôna đều tấm tắc khen.


Nhưng các thần cũng giống như con người đều có tính hay ghen ghét, đố kỵ trước những thành đạt của người khác. Loài cá bơi từ Đông sang Tây đã loan tin về vẻ đẹp tráng kiện và trí tuệ của con trai nữ thần Lavơriôna. Nữ thần Sứa biết được tin này, ả có một đứa con trai vốn xấu xí lại ngốc nghếch; khi nghe những lời khen của thiên hạ dành cho Narơxít thì ả nổi điên lên, đến nỗi những con rắn phủ trên đầu ả thay cho tóc bỗng dựng ngược lên, phun lưỡi phì phì. Nữ thần Sứa nghiến răng trèo trẹo:


- Vẻ đẹp của mi sẽ giết chết mi, mi sẽ phải lòng chính cái hình bóng của mi, mi sẽ trở nên tốt bụng chỉ vì lòng hiếu danh, sẽ trở nên người thông minh chỉ vì thói kiêu căng. Cái khoảnh khắc mà mi nhìn thấy bóng hình mình trong gương chính là lúc mi bắt đầu phải chấp nhận cái chết. Những con cá bơi ngược lại từ Tây sang Đông mang tin về lời nguyền của nữ thần Sứa đến lưu vực sông do Kêphít trị vì.



Thần Kêphít đập vỡ tất cả các loại gương có dưới thuỷ cung, còn các mảnh kính vụn thì cho quẳng lên đất liền. Từ khi còn nhỏ, Narơxít mới chỉ nghe nói về vẻ đẹp và về trái tim nhân hậu của mình, bây giờ chàng nghĩ rằng chàng cần phải là một người nhân hậu và thông minh, mặc dù làm được việc đó không phải là dễ. Khi lũ con của các nữ thần khác dành một chút trong khẩu phần ăn sáng hoặc bữa trưa của mình cho cá, thì Nanơxít cũng không muốn chịu tiếng là keo kiệt bèn ném cho cá một ít thức ăn.

Dù chỉ là bớt lại một chút nhỏ nhoi lượng phần ăn, nhưng chàng tin rằng việc thiện mà chàng đã làm còn tốt hơn nhiều so với những người khác, bởi lẽ chàng đã hy sinh không phải là một món ăn dân dã mà là món ăn của nhà thần. Nhưng sau đó chàng lại khôn ngoan ngầm giữ lại khẩu phần của mình mà lấy khẩu phần của mẹ để đem cho, khiến lũ con các thần phải thán phục về sự hào hiệp và quên mình của chàng.


Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Mới hồi nào Narơxít còn chơi đùa với lũ cá, nhặt nhạnh những vỏ hến, vỏ sò trang điểm cho nơi ở của mình, bây giờ chàng đã lớn phổng lên thành một chàng trai chững chạc. Khi xưa, lũ con của các thần thường cùng với chàng nuôi cá, nay lớn lên mỗi đứa lại có một sở thích riêng.



Đứa nào cũng muốn tỏ ra khôn ngoan linh lợi. Chúng đọc cho nhau nghe những bài thơ tự sáng tác, hát những bài ca tự nghĩ ra và thi xem ai nhảy lên lưng cá ĐenPhin khéo léo hơn và bơi đi xa hơn. Narơxít cũng sáng tác thơ và chẳng bao lâu chàng hiểu rằng có một đứa con trong lũ con nhà thần tỏ ra trội hơn chàng, chàng liền đem lòng ghen ghét, phỉ báng cả bè bạn.
- Đó là một chàng trai thông minh và tài hoa! Con gái thần nào mà được chàng lấy làm vợ thì thật là diễm phúc, - Các nữ thần có tuổi xì xào, tỏ ý ghen tỵ với người vợ tương lai của Narơxít.


Nếu các nữ thần có tuổi bị chàng trai tuấn tú, đôn hậu và thông minh cảm hoá, thì cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi các nữ thần trẻ trung đã rắp tâm quyến rũ chàng bằng vẻ đẹp ưng ý, cuối cùng chàng quyết định kết hôn với Ekhô, cô gái đẹp nhất trong đám các tôn nữ nhà thần.


Trước ngày cưới, Ekhô bảo Narơxít lên bờ sông hái cho nàng bông hoa Anh Đào dại để nàng gài lên mái tóc xanh của mình. Narơxít đã hái cả một bó hoa và khi cúi gập người toan nhảy xuống nước, thì bỗng nhiên thấy một vùng nước tôi tối có bóng hình của mình.
- Đẹp quá! Kể từ khi khai thiên lập địa chưa một ai được chứng kiến một sự tuyệt diệu như thế này! - chàng thốt lên rồi sững người như bị bỏ bùa mê. Trong khi nhìn chằm chằm vào cái bóng của mình, chàng quên khuấy cả Ekhô, người mà ngày mai chàng sẽ tổ chức lễ cưới đón nàng. Chàng ném những bông hoa xuống cỏ và khi đứng dậy chàng lại bị mê mẩn với cá bóng của chàng lại bị mê mẩn với cái bóng của chàng trong gương nước.


- Đúng rồi, ta không chỉ là một chàng trai thông minh, đôn hậu nhất mà còn đẹp nhất nữa - Narơxít dương dương tự đắc.
Đợi mãi không thấy người tình trở về, Ekhô đành phải ngoi lên mặt nước. Tức thì nàng bị người tình mắng nhiếc thậm tệ, chỉ vì nàng đã làm gương nước xao động.
Ekhô không tin rằng Nanơxít lại quá giận dữ, vừa làm lành với chàng vừa xoa cho mặt nước trở lại phẳng lặng.
- Ta biết, em ghen với vẻ đẹp của ta, vì vậy em tìm cách cản trở ta. Đừng vờ vĩnh nữa, hãy trở lại thuỷ cung đi.


- Chàng thân yêu! Em là cô gái đẹp nhất trong đám tôn nữ nhà thần, cớ sao em lại ghen ghét vẻ đẹp của chàng? - Ekhô nói và vẫn nghĩ rằng người tình nói đùa.
- Anh cứ nghĩ em là một người đẹp, đó là khi anh chưa trông thấy mình. Hãy nhìn vào gương mặt này, vào cái hình người này, em sẽ hiểu chính Aphơrôđita còn chưa xứng đáng trở thành vợ ta, huống hồ nàng - Narơxít đáp và lại mê mẩn với vẻ đẹp của mình.
Đối với Ekhô cũng như đối với người đàn bà đội rắn trên đầu thay tóc, thì không có gì đáng giận hơn là việc người tình không thừa nhận sắc đẹp của nàng, còn nếu như nàng quả là không đẹp thì nàng cũng không thích bị lừa dối.


Những lời nói của Narơxít khiến Ekhô tức tối đến nỗi nàng gọi chàng là một kẻ ngu ngốc tự say đắm mình. Nàng liền đem chuyện này kể lại cho mẹ nàng nghe và nói rằng chàng đã bị mất trí. Kephít đã hoài công thuyết phục con trai quay trở lại thuỷ cung, và những giọt nước mắt cầu xin của người mẹ cũng trở thành vô nghĩa.


Narơxít đã ở lại hẳn trên bờ, và trong khi đưa mắt nhìn xuống nước, chàng vẫn không ngớt lải nhải về sắc đẹp của mình cho tới khi người chàng teo tóp lại và hoá thân về với trần thế.
Không hiểu vì sao đối với người chết, người đời lại tỏ ra bao dung, độ lượng hơn so với người đang sống.
Khi Narơxít chết rồi, Ekhô thường bơi đến chỗ có vùng nước tối mà người tình của nàng đã từng soi mình vào đó.


"Tình yêu của ta mới tuyệt diệu làm sao..." - Ekhô thở dài. Để giữ lại mãi mãi những kỷ niệm về Narơxít, nàng bèn trồng ngay lên chỗ đất chàng nằm một bông hoa có sắc trắng hệt như da mặt của Narơxít. Đó chính là Hoa Thủy Tiên

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/Thuytien1.jpg

grace_Mk Tại 5-12-2011 21:09:25

Truyền thuyết hoa kim ngân
Truyện kể rằng ngày xưa, rất xưa ở một làng hẻo lánh gần rừng núi có hai vợ chồng nông phu rất phúc hậu. Họ sống nghèo nàn nhưng rất thương yêu quí mến nhau. Và dù phải làm lụng vất vả để sinh sống họ vẫn thấy tràn đầy hạnh phúc.
Nỗi khổ tâm duy nhất là tuy kết hôn đã lâu năm vẫn chưa có con. Hai người ngày đêm cầu nguyện cũng như tìm thầy xin thuốc khắp nơi để mong được hoài thai.



Không biết lời cầu nguyện của vợ chồng nông phu được đáp ứng, hay uống thuốc hữu hiệu, một năm sau sinh đôi được hai gái. Dù sao họ tin tưởng là Trời Phật đã cảm lòng thành nên sung sướng vô cùng, đặt tên cô chị là Kim Hoa, và cô em là Ngân Hoa.

Kim Ngân Hoa được cha mẹ cưng chiều, nhưng rất ngoan và khỏe mạnh quanh năm không hề có bệnh tật gì.

Ngày tháng trôi qua, hai cô càng lớn càng xinh đẹp, làng trên xóm dưới đều nghe danh tiếng. Suốt ngày mối mai tấp nập.

Những người giàu sang quyền quí cũng như bạn bè thân sơ của cha mẹ Kim Ngân Hoa đều muốn cưới một trong hai cô về làm con dâu nhà mình. Vợ chồng nông phu thương con nên không theo phong tục cổ gả chồng sớm cho con. Hai cô càng lớn càng xinh đẹp và càng nhất quyết không sống rời xa nhau, nên cũng từ chối tất cả những lời cầu hôn.

Đến năm 16 tuổi, một hôm khí trời sang thu lạnh, Kim Hoa bỗng sinh bệnh. Ban đầu cô cảm thấy đầu nặng chân nhẹ, toàn thân rất đau đớn khó chịu. Ban ngày tuy nói cười được nhưng ban đêm thì lên cơn sốt nóng như lửa đốt. Miệng và lưỡi đều khô bỏng nức nở, cả thân mình hiện đầy chấm mụn đỏ lở loét.

Vợ chồng nông phu kinh hoảng lo lắng, đón mời thầy thuốc đến thăm bệnh. Thầy nào thăm xong cũng chỉ nhìn, cho vài vị thuốc cầm chừng lắc đầu bảo bệnh nặng quá, chỉ còn nhờ Trời.

Kim Hoa uống thuốc gì cũng không bớt, trái lại bệnh càng nặng thêm. Ngân Hoa săn sóc chị ngày đêm không rời. Kim Hoa bảo em tránh xa mình vì thầy lang bảo bệnh này sẽ bị truyền nhiễm. Ngân Hoa quyết tâm ở lại cạnh chị săn sóc, chỉ tiếc rằng không thay được chị chia sẻ bớt đau khổ. Kim Hoa nhất định đuổi em ra khỏi phòng bệnh, bảo em phải sống để phụng dưỡng cha mẹ già. Ngân Hoa vẫn không vâng lời, ở lại săn sóc chị và nhắc chị lời thề “Sống cùng giường, chết cùng mồ”, mà hai chị em đã hứa với nhau.

Chỉ mấy hôm sau Ngân Hoa bị lây bệnh và cùng chị nói lời trối cuối cùng với bố mẹ: “Chúng con chết rồi nhất định sẽ biến thành một thứ dược thảo, để cứu sống những người mắc bệnh đậu mùa. Chúng con xin bố mẹ tha tội chúng con đi trước, chúng con sẽ đợi bố mẹ ở thế giới bên kia, và xin cảm đội công ơn bố mẹ nuôi dưỡng.”

Vợ chồng nông phu trong sự đau đớn cùng cực, chôn hai con gái chung một mồ để hai cô giữ trọn lời nguyền.

Cách ít lâu, từ trong mộ của Kim Hoa và Ngân Hoa mọc ra một thứ cây leo. Chỉ vài tháng sau, cây trưởng thành, lá màu lục đậm rất sum suê. Đến mùa hạ, cây nở ra thứ hoa đối chiếu nhau màu vàng và màu trắng sóng đôi.

Hoa rất xinh đẹp, rất hòa hợp nở từ cạnh của cành dây leo, và cũng rất dễ bị tổn thương vì hoa quá mong manh.

Người làng đến thăm mộ Kim Ngân Hoa để xem giống hoa lạ, và mách miệng nhau lời thề nguyện của hai chị em: “Chết rồi sẽ biến thành một thứ dược thảo để cứu người” nên đặt tên hoa ấy là Kim Ngân Hoa.

Dược thảo Kim Ngân Hoa

Dược thảo Kim Ngân Hoa cũng có tên Nhẫn Đông vì chịu được khí lạnh của mùa đông. Hoa hái lúc mới chớm nở từ tháng 3 đến tháng 6. Lá hái quanh năm. Phơi hoặc sấy khô để dành pha thay trà uống chống dị ứng, thanh nhiệt, giải độc. Có tác dụng kháng khuẩn,chữa mụn nhọt, lỡ ngứa, ban sởi, đậu mùa, rôm sảy, thấp khớp, viêm mũi dị ứng.

Theo Trung y, Kim Ngân vị ngọt, tính hàn, không độc, đi vào 4 kinh Phế, Vị, Tâm và Tỳ.

Dùng chữa bệnh ngày từ 4 đến 8g hoa, hoặc 10 đến 20g cành có lá, dùng như cách sắc thuốc, cao thuốc hoặc ngâm rượu.

Kim Ngân Hoa tươi hay khô, hoa hay lá đều có thể dùng như trà .

Cháo Kim Ngân Hoa dùng khi muốn thanh nhiệt, giải độc .

Cháo trắng nấu riêng. Kim Ngân Hoa nấu riêng. Khi ăn, hâm cháo sôi lên, pha thêm trà Kim Ngân Hoa đã nầu riêng vào cháo . Ăn ngọt mặn tùy thích. Những người Tỳ Vị hư hàn, không có nhiệt độc không nên dùng.

Cho đến bây giờ, không biết đã qua bao nhiêu trăm năm, vào khoảng tháng 5, tháng 6 lúc Kim Ngân Hoa hàm tiếu, thơm ngát cả một vùng trời, những bà mẹ quê lại kể huyền thoại Kim Ngân Hoa cho các con nghe, để học tính chất một dược thảo và cũng để nhắc nhỡ các con là tình chị em sâu đậm đến chết không phai.

http://i1234.photobucket.com/albums/ff418/grace_Mk/25kimngan.jpg
trang: 1 2 3 4 [5] 6 7 8 9 10
Phiên bản đầy đủ: [Other] Ý nghĩa các loài hoa