Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Sein
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót | Haruki Murakami

[Lấy địa chỉ]
81#
 Tác giả| Đăng lúc 11-8-2012 20:57:43 | Chỉ xem của tác giả


Chương 20
Chuyện Của Nhục Đậu Khấu



Akasaka Nhục đậu khấu phải mất mấy tháng mới kể xong chuyện đời mình cho tôi nghe. Đó là một câu chuyện dài, rất dài, nên những gì tôi ghi lại ở đây chỉ là một bản tóm tắt đã được lược giản hóa rất nhiều (tuy không hẳn là ngắn) của toàn bộ câu chuyện. Tôi không thể tự tin tuyên bố rằng câu chuyện tóm lược này hàm chứa được những gì cốt tử của câu chuyện đời Nhục đậu khấu, song ít nhất nó cũng chuyển tải được nét đại cương các sự kiện quan trọng xảy ra vào những thời điểm then chốt của cuộc đời bà.

° ° °


Nhục đậu khấu cùng mẹ chạy thoát từ Mãn Châu về Nhật Bản, của quý duy nhất họ mang theo được là nữ trang mang trên người. Từ cảng Sasebo họ dắt díu nhau về Yokohama để sống với gia đình của mẹ bà, vốn từ lâu đã làm chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm ăn chủ yếu với Đài Loan. Hồi trước chiến tranh gia đình làm ăn phát đạt, nhưng từ khi Nhật Bản mất Đài Loan thì họ cũng mất gần như toàn bộ doanh thu. Người cha đã mất vì bệnh tim, còn người con trai thứ của gia đình, vốn là cánh tay phải của người cha, thì chết trong một cuộc không kích ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Người con trai trưởng bỏ nghề dạy học để cáng đáng cơ nghiệp của gia đình, song vì khí chất không thích hợp với nghề buôn nên ông không gây dựng lại nổi gia sản trước kia. Nhà cửa đất đai thì họ vẫn còn, nhưng đó không phải là một nơi dễ sống đối với Nhục đậu khấu cùng mẹ, những kẻ giờ đây chỉ là thêm mấy miệng ăn vào thời buổi khó khăn sau chiến tranh. Họ luôn luôn cố gắng càng thu mình lại càng hay, đến bữa ăn thì lấy phần mình ít hơn người khác, buổi sáng dậy sớm hơn, việc nhà thì tự gánh vác nhiều hơn. Từng món đồ mà Nhục đậu khấu mặc - từ găng tay, tất đeo chân, thậm chí cả quần lót - đều là đồ cũ của các anh chị họ để lại. Bút chì thì cô bé nhặt nhạnh những mẩu bút thừa người khác vứt đi. Nội chuyện mỗi sáng thức dậy cũng đã là khổ sở đối với cô bé. Chỉ cần nghĩ rằng một ngày mới đang bắt đầu là ngực cô đã đau nhói lên.

Cô muốn thoát khỏi căn nhà này, để sống một mình với mẹ ở đâu đó nơi họ không phải luôn cảm thấy bị gò bó, cho dù phải sống bần hàn. Nhưng mẹ cô không bao giờ tìm cách bỏ đi. "Mẹ tôi vốn luôn luôn là người hoạt động," Nhục đậu khấu nói. "Nhưng từ khi từ Mãn Châu chạy về đây, bà cứ như cái vỏ sò rỗng. Dường như bao nhiêu sức mạnh để sống còn ở trong bà đã biến đâu mất hết". Bà không còn có thể tỉnh thức trước bất cứ việc gì. Bà chỉ còn làm được mỗi một việc là kể đi kể lại với Nhục đậu khấu về những ngày hạnh phúc xưa kia. Điều đó khiến cho Nhục đậu khấu phải trông vào tài tháo vát của chính mình đặng có thể tiếp tục sống.

Nhục đậu khấu không hẳn là không thích học hành, nhưng bà hầu như không chút quan tâm đến các môn người ta dạy ở trường trung học. Bà không tin nổi rằng cứ nhồi vào đầu cả mớ ngày tháng lịch sử hoặc quy tắc ngữ pháp tiếng Anh hay bằng thức hình học thì có lợi gì cho bà. Điều bà muốn hơn hết thảy là học một kỹ năng hữu ích để có thể tự lập càng sớm càng tốt. Những gì bà quan tâm hoàn toàn khác với đám bạn cùng lớp, những kẻ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống học đường.

Điều duy nhất bà bận tâm hồi đó là thời trang. Từ sáng đến tối tâm trí bà tràn ngập toàn những ý nghĩ về quần áo. Chẳng phải bà có đủ tiền để mặc theo mốt này mốt nọ đâu: bà chỉ có thể đọc tới đọc lui các tạp chí về thời trang tìm được, và vẽ đầy vào sổ tay các mẫu áo váy bắt chước những mẫu trong các tạp chí hay những thứ quần áo tự bà nghĩ ra. Bà không hề biết những chiếc áo váy lạ đời kia có gì mà hút hồn mình đến vậy. Nhục đậu khấu nói, có thể đó là do bà vẫn có thói quen nghịch cái tủ quần áo to đùng của mẹ bà hồi ở Mãn Châu. Mẹ bà đúng là một cái giá phơi quần áo. Bà có nhiều bộ kimono và váy áo kiểu âu đến nỗi bao nhiêu tủ cũng không chứa xuể, và cô bé Nhục đậu khấu hễ có cơ hội là lập tức lôi ra sờ mó. Hầu hết các áo váy và bộ kimono này họ đã phải bỏ lại Mãn Châu, còn những gì họ nhét vào ba lô được thì dọc đường đã phải đổi lấy cái ăn hết cả. Mỗi lần như vậy, mẹ bà lại trải chiếc áo váy sắp đem đổi ra, thở vắn than dài rồi mới cho đi.

"Thiết kế quần áo là cánh cửa bí mật của tôi để bước vào một thế giới khác", Nhục đậu khấu nói. "Một thế giới chỉ thuộc riêng tôi. Trong thế giới đó, sức tưởng tượng là tất cả. Ta càng có khả năng tưởng tượng những gì ta muốn thì lại càng có thể lánh xa thực tại hơn. Và cái mà tôi thích nhất ở công việc này là nó tự do. Không tốn một đồng nào. Thật tuyệt vời! Nhưng tưởng tượng ra những quần áo đẹp trong trí mình rồi chuyển lên mặt giấy không chỉ là một cách để tôi xa lìa thực tại mà bước vào cõi mộng. Tôi phải làm việc này còn là để sinh nhai nữa. Việc đó với tôi cũng tự nhiên và hiển nhiên như là hít thở. Thành thử tôi cứ cho rằng người khác cũng làm thế. Khi tôi nhận ra rằng người khác chẳng ai làm thế, rằng thậm chí dù có cố họ cũng không làm được, tôi bèn tự nhủ: "Ta vốn khác người, vì vậy cuộc sống của ta cũng phải khác người."

Nhục đậu khấu bỏ trường trung học mà chuyển sang trường dạy cắt may. Để có tiền đóng học phí, bà xin mẹ bán đi một trong những món nữ trang cuối cùng còn lại. Với số tiền đó, bà đã có thể học khâu, cắt, vẽ kiểu và những kỹ năng hữu ích khác trong hai năm. Khi tốt nghiệp, bà thuê một căn hộ rồi bắt đầu sống một mình. Để có thể tiếp tục theo học một trường đào tạo thiết kế thời trang chuyên nghiệp, bà đi làm hầu bàn ở nhà hàng và làm những việc vặt như khâu vá thuê. Tốt nghiệp trường này xong, bà đi làm cho một nhà sản xuất trang phục phụ nữ cao cấp, ở đây bà được vào làm ở phòng thiết kế.

Không nghi ngờ gì nữa, bà có một tài năng độc đáo. Bà không chỉ vẽ giỏi mà ý tưởng và quan điểm của bà luôn luôn khác mọi người. Bà luôn có hình dung rõ rệt về những cái mình muốn làm; mà đó không phải do bà vay mượn từ bất cứ ai: đó luôn luôn là ý tưởng của chính bà, nảy sinh từ bà một cách tự nhiên. Bà đeo đuổi từng chi tiết cỏn con của cái ý tưởng kia với sự riết róng và mãnh liệt của con cá hồi bơi ngược dòng sông lớn về nguồn. Bà chẳng có thời gian để ngủ. Bà yêu công việc và chỉ mơ đến ngày trở thành nhà thiết kế độc lập. Bà không bao giờ nghĩ tới thú vui ngoài giờ làm việc: trên thực tế, bà không biết gì về những trò tiêu khiển thông thường của người đời.

Chẳng bao lâu, các sếp nhận ra chất lượng công việc của bà và quan tâm đến những đường nét phóng túng, đầy khinh khoái trong phong cách của bà. Thế là kết thúc những năm học việc của bà, từ nay bà được giao phụ trách hẳn một bộ phận nhỏ, đó là một sự thăng tiến phi thường.

Nhục đậu khấu tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc hết năm này qua năm khác. Tài năng và nghị lực của bà thu hút sự chú ý không chỉ của người trong công ty mà của cả ngành thời trang. Giới thiết kế thời trang là một giới khép kín, nhưng đồng thời là một giới rất công bằng, một xã hội được thống trị bằng quy luật cạch tranh. Thực lực của nhà thiết kế được xác định bởi một điều duy nhất: số lượng đơn hàng lớn có được nhờ các bộ quần áo mà anh hay chị ta thiết kế. Hoàn toàn không nghi ngờ gì chuyện ai thắng ai thua: nhìn con số là đủ rõ. Nhục đậu khấu không bao giờ cảm thấy mình đang cạnh tranh với ai, song thành tựu của bà thì không thể phủ nhận.

Bà làm việc quên mình đến khi xấp xỉ tuổi ba mươi. Bà từng gặp nhiều người qua công việc, một vài người đàn ông đã tỏ ra quan tâm đến bà, nhưng quan hệ giữa bà với họ thường ngắn ngủi và hời hợt. Nhục đậu khấu không bao giờ có thể quan tâm một cách sâu sắc tới những người sống. Tâm trí bà tràn ngập hình ảnh những quần với áo, và những mẫu thời trang đàn ông có tác động trực tiếp tới bà hơn bất cứ người đàn ông sống thật nào.

Tuy nhiên, khi bà bước qua tuổi hai mươi bảy, ở một buổi dạ hội của giới thời trang nhân dịp năm mới người ta giới thiệu Nhục đậu khấu với một người trông là lạ. Đường nét anh ta cũng bình thường thôi, nhưng đầu tóc anh ta rối bù, mũi và cằm anh ta sắc nét như những công cụ làm bằng đá. Anh ta giống một tay thuyết giáo giả cầy hơn là nhà thiết kế thời trang phụ nữ. Anh ta trẻ hơn Nhục đậu khấu một tuổi, có cặp mắt sâu không đáy. Từ chiều sâu không đáy đó anh ta nhìn mọi người bằng cái nhìn soi mói như thể cố tình buộc người ta phải thấy khó chịu. Tuy nhiên, trong mắt anh ta, Nhục đậu khấu thấy hình phản chiếu của chính mình. Lúc đó anh ta là một nhà thiết kế hãy còn vô danh nhưng có triển vọng, hai người gặp nhau mới lần đầu. Dĩ nhiên bà đã nghe người ta nói về anh. Họ nói anh ta có tài năng độc đáo, nhưng anh ta kiêu căng, vị kỷ và lý sự, hầu như chẳng ai ưa.

"Hai chúng tôi cùng một loại," Nhục đậu khấu nói. "Cả hai đều ra đời ở đại lục. Cũng như tôi, anh ấy hồi hương sau chiến tranh, nhưng là từ Triều Tiên, bị mất hết của cải. Cha anh ấy là quân nhân chuyên nghiệp, gia đình vô cùng khốn quẫn những năm hậu chiến. Mẹ anh ấy mất vì sốt phát ban khi anh ấy còn rất nhỏ, tôi cho rằng chính vì vậy anh ấy mới đâm ra quan tâm mạnh mẽ đến y phục nữ giới. Anh ấy tài thì có tài, nhưng không hề biết cách giao tiếp với mọi người. Chẳng gì thì cũng là nhà thiết kế trang phục nữ, nhưng cứ hễ trước mặt đàn bà là anh đỏ bừng mặt lên và cư xử rồ dại. Nói cách khác, cả hai chúng tôi là những kẻ lạc loài, tách biệt khỏi bầy."

Họ lấy nhau vào năm sau đó, 1963, và đứa con mà họ sinh vào mùa xuân năm sau nữa (năm diễn ra đại hội Olympic Tokyo) là Quế. "Tên cậu ấy là Quế phải không?" Chẳng bao lâu sau khi sinh Quế, Nhục đậu khấu đưa mẹ về sống chung nhà để nhờ bà trông cháu. Bản thân Nhục đậu khấu làm việc từ sáng đến tối không ngừng nghỉ, chẳng có đâu thì giờ chăm con mọn. Vậy là Quế ít nhiều được dưỡng dục nhờ bà ngoại.

° ° °


Nhục đậu khấu chẳng bao giờ biết rõ liệu mình có thực sự yêu chồng như một người đàn ông không. Bà không có bất cứ tiêu chí nào để có thể phán xét như vậy, và điều này cũng đúng đối với chồng bà. Họ gắn bó với nhau chỉ là do gặp gỡ tình cờ và do cả hai cùng đam mê nghề thiết kế thời trang. Dù sao, mười năm đầu chung sống mang lại cho hai người khá nhiều thành quả. Ngay sau khi kết hôn, cả hai đều rời bỏ công ty mình đang làm việc rồi cùng mở một xưởng thiết kế thời trang độc lập trong một căn hộ ở một tòa nhà nhỏ nhìn về hướng Tây ngay sau xa lộ Aoyama. Bởi thông gió kém lại không có điều hòa không khí nên vào mùa hè chỗ ấy nóng đến nỗi mồ hôi làm cho bút chì tuột khỏi tay. Ban đầu việc làm ăn không được thuận buồm xuôi gió. Cả Nhục đậu khấu lẫn chồng đều thiếu năng lực kinh doanh thực tế đến kỳ lạ, hậu quả là họ bị những kẻ vô liêm sỉ trong giới thời trang lừa bịp dễ dàng, hoặc không đáp ứng được đơn hàng bởi không biết gì về lối làm ăn hay phạm phải những sai lầm sơ đẳng. Nợ nần chồng chất đến nỗi có lúc dường như họ chỉ còn giải pháp duy nhất là bỏ trốn. Bước đột phá xảy ra khi Nhục đậu khấu tình cờ gặp một nhà quản trị kinh doanh giỏi biết nhìn nhận tài năng của họ và phục vụ họ một cách trung thành tận tụy. Từ đó trở đi, công ty phát đạt đến nỗi bao nhiêu vấn đề trước kia của họ chỉ còn như là một giấc mơ rồi. Doanh số của họ năm sau cao gấp đôi năm trước, cho tới năm 1970 thì cái công ty nhỏ họ gây dựng nên gần như từ hai bàn tay trắng đã đạt được thành công thần kỳ đến nỗi ngay cả đôi vợ chồng cao ngạo, xa rời thực tế kia, người khai sinh ra nó, cũng phải lấy làm kinh ngạc. Họ thuê thêm nhân viên, chuyển đến một tòa nhà lớn trên đại lộ và mở những cửa hàng của riêng mình ở những khu sang trọng như Ginza, Aoyama và Shinjuku. Phong cách thiết kế độc đáo của họ thường được giới thiệu trên phương tiện truyền thông và nức tiếng xa gần.

° ° °


Khi công ty đã lớn mạnh đến một độ nhất định, cách phân chia công việc giữa hai vợ chồng bắt đầu thay đổi. Tuy thiết kế và may quần áo là một quá trình sáng tạo, nhưng khác với điêu khắc hay viết tiểu thuyết, nó cũng là một ngành kinh doanh có liên quan đến số phận của nhiều người. Người ta không thể cứ ngồi nhà sáng tạo ra bất cứ cái gì mình thích được. Phải có ai đó đi ra ngoài, trình "bộ mặt" của công ty ra với mọi người. Các giao dịch của công ty ngày càng có quy mô lớn thì nhu cầu ngày càng tăng. Một trong hai người phải có mặt tại các bữa tiệc và show thời trang, phát biểu dăm câu và chén chú chén anh với khách khứa, trả lời phỏng vấn. Nhục đậu khấu không hề có ý định đóng vai trò đó, thế là chồng bà đành phải nhận. Vốn cũng là người kém quảng giao như bà, đầu tiên ông thấy phải làm những trò đó là cả một cực hình. Ông không biết nói năng khéo léo trước mặt nhiều người lạ, nên sau mỗi buổi như vậy về đến nhà là ông kiệt sức. Tuy nhiên, sau nửa năm, ông nhận ra rằng việc đó không còn làm ông khổ sở lắm nữa. Ông vẫn không phải là người khéo nói, nhưng phản ứng của thiên hạ đối với cung cách vụng về thô lỗ của ông đã khác với hồi ông còn trẻ: nay người ta dường như lại thấy ông đầy lôi cuốn. Họ cho cái phong thái nói năng cộc lốc của ông (vốn là do bản tính trời sinh hướng nội) không phải là bằng chứng của thói ngạo đời lập dị mà là của một tư chất nghệ sĩ đầy quyến rũ. Ông bắt đầu thực sự thích thú cái vị thế mới này, nơi ông tìm thấy chính mình, và chẳng bao lâu ông được người ta xưng tụng như là một người hùng văn hóa của thời đại.

- Chắc hẳn cậu từng nghe tên ông ấy, - Nhục đậu khấu nói. - Nhưng trên thực tế, tới hai phần ba công việc thiết kế là một tay tôi làm. Những ý tưởng táo bạo, độc đáo của ông ấy đều thành công lớn về thương mại, và ngần đó ý tưởng của ông ấy đã là thừa đủ để duy trì công ty của chúng tôi. Việc của tôi là phát triển, triển khai các ý tưởng đó, định hình cho chúng. Dù công ty có lớn mạnh đến đâu, chúng tôi vẫn chẳng bao giờ thuê người khác thiết kế. Nhân viên ngày càng đông, nhưng phần việc cốt yếu nhất thì chúng tôi tự làm. Chúng tôi chỉ muốn nhằm một điều là làm ra những trang phục mình muốn làm, không quan tâm đến những người sẽ mua trang phục đó. Chúng tôi không nghiên cứu thị trường, không tính giá, cũng không hoạch định chiến lược. Một khi đã quyết định mình cần làm một cái gì, theo cách nào đó là chúng tôi thiết kế theo đúng cách ấy, dùng những chất liệu tốt nhất có thể tìm được, và tốn bao nhiêu thời gian cũng được, để làm. Những gì các nhà khác làm trong hai bước, chúng tôi làm trong bốn bước. Ở đâu họ chỉ dùng ba thước vải thì chúng tôi dùng bốn. Chúng tôi đích thân kiểm tra và duyệt từng cái áo, cái quần xuất khỏi cửa hàng của chúng tôi. Cái gì không bán được, chúng tôi thanh lý. Chúng tôi không bao giờ bán giảm giá. Giá của chúng tôi rất cao, dĩ nhiên. Dân trong nghề cho chúng tôi điên, nhưng trang phục của chúng tôi đã trở thành biểu tượng của thời đại, ngang hàng với Peter Max, Woodstock, Twiggy, Easy Rider, vân vân. Hồi ấy chúng tôi thiết kế quần áo thật là vui biết mấy! Chúng tôi có thể làm những thứ điên rồ nhất, thế mà mình ở đâu là khách hàng có đó ngay. Dường như chúng tôi đã mọc những đôi cánh khổng lồ, muốn bay đâu cũng được.

° ° °


Tuy nhiên chính lúc việc làm ăn của họ đang đi vào ổn định thì Nhục đậu khấu và chồng ngày càng trở nên xa cách. Ngay cả những khi làm việc bên nhau, thỉnh thoảng bà nhận thấy tâm hồn ông cứ vơ vẩn ở đâu đâu. Mắt ông dường như đã mất cái tia đói khát mà trước kia từng có. Tính tình hung bạo, trước kia ông thường ném vật này vật nọ, song nay cái hung bạo đó hầu như không bao giờ trỗi dậy nữa. Thay vào đó bà hay bắt gặp ông nhìn đăm đăm vào khoảng không như đang đắm mình suy nghĩ. Hai người hiếm khi nói chuyện với nhau ngoài nơi làm việc, và càng ngày ông càng hay đi suốt đêm không về. Nhục đậu khấu cảm thấy giờ đây ông có tới mấy người đàn bà khác, nhưng bà không lấy đó làm đau khổ. Bà coi chuyện đó là không thể tránh được, bởi đã từ lâu họ không có quan hệ về thể xác với nhau (chủ yếu vì Nhục đậu khấu đã mất sự thèm muốn về tình dục).

° ° °


Vào cuối năm 1975, khi Nhục đậu khấu bốn mươi tuổi và Quế mười một tuổi, chồng bà bị giết. Người ta tìm thấy xác ông bị chặt ra thành từng mảnh trong một phòng khách sạn ở Akasaka. Người hầu phòng phát hiện ra ông khi cô ta dùng chìa khóa mở cửa vào phòng để quét dọn lúc 11 giờ trưa. Bồn rửa mặt trông như vừa trải qua một cuộc tắm máu. Bản thân cái xác gần như đã cạn hết máu, không còn tim, dạ dày, gan, cả hai trái thận và lá lách, bởi kẻ nào giết ông đã cắt những cơ quan đó ra khỏi xác rồi cho vào túi nhựa hay một đồ chứa tương tự đặng mang đi đâu đó. Cái đầu bị chặt khỏi thân, đặt trên nắp bệ xí, quay ra ngoài, mặt bị băm nát. Rõ ràng kẻ giết người đã chặt cái đầu và băm vằm khuôn mặt trước, sau đó mới thu các cơ quan nội tạng.

Để cắt các cơ quan đó ra khỏi thân người thì phải có những dụng cụ đặc biệt sắc và kỹ năng đáng kể. Hung thủ đã dùng cưa để cưa đứt vài cái xương sườn, một công việc mất nhiều thời gian và đẫm máu. Người ta không rõ sao lại có người chịu bỏ ra bao nhiêu công phu để làm việc như vậy.

Vì quá bận rộn do đang là ngày nghỉ nên nhân viên quầy tiếp tân chỉ nhớ được rằng chồng của Nhục đậu khấu đã nhận phòng trên tầng mười hai vào lúc 10 giờ đêm hôm trước cùng với một phụ nữ - một phụ nữ xinh đẹp chừng ba mươi tuổi, mặc áo khoác ngoài màu đỏ, người không cao lắm. Cô ta không mang gì khác ngoài một cái ví nhỏ. Giường nằm có dấu vết của hoạt động tình dục. Sợi lông và chất lỏng tìm được trên đệm trải giường là lông dương vật và tinh dịch của ông. Căn phòng đầy dấu tay, nhưng vì có quá nhiều dấu nên không dùng để điều tra được. Chiếc va li nhỏ bằng da của ông chỉ đựng một quần lót để thay, vài món đồ rửa mặt cạo râu, một cặp hồ sơ đựng ít tài liệu liên quan đến công việc, một tờ tạp chí. Ví của ông có hơn một trăm ngàn yên và vài thẻ tín dụng, nhưng một cuốn sổ mà lẽ ra ông phải mang theo người thì không tìm thấy. Không có dấu vết đánh nhau trong phòng.

Cảnh sát điều tra tất cả những người quen biết ông nhưng không tìm thấy người đàn bà nào khớp với mô ta của tiếp tân khách sạn. Một vài người đàn bà mà họ tìm thấy thì không có lý do gì để nuôi mối thâm thù hoặc ghen tuông đối với nạn nhân, và đều có chứng cớ ngoại phạm vững chắc. Có khá nhiều người ghét ông trong giới thời trang (vốn không hề được tiếng là một giới thân thiện và gần gũi), nhưng không ai có vẻ thù ghét ông đến độ phải giết ông, và không ai được huấn luyện kỹ năng cắt các cơ quan nội tạng ra khỏi xác ông.

Vụ ám sát một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng dĩ nhiên là được đưa tin rộng rãi trên báo chí, với ít nhiều chi tiết giật gân, nhưng cảnh sát đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ để ém nhẹm thông tin về việc cắt các cơ quan nội tạng, nhằm tránh không cho một vụ giết người quái đản như vậy thu hút quá nhiều sự chú ý của công chúng. Cái khách sạn có uy tín kia dường như cũng đã tạo áp lực để người ta càng ít nhắc đến họ trong vụ việc này càng tốt. Báo chí gần như chẳng đưa tin gì hơn chuyện ông đã bị đâm chết trong một phòng ở khách sạn họ. Có một dạo người ta đồn đại rằng trong vụ này có "cái gì đó không bình thường", nhưng cụ thể là gì thì không rõ. Cảnh sát tiến hành điều tra diện rộng, nhưng không bắt được kẻ sát nhân, cũng không xác định được động cơ giết người.

- Căn phòng khách sạn đó có lẽ đến giờ vẫn đang niêm phong, - Nhục đậu khấu nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

82#
 Tác giả| Đăng lúc 11-8-2012 21:00:48 | Chỉ xem của tác giả


Năm trước chồng bị giết thì mùa xuân năm sau Nhục đậu khấu bán toàn bộ công ty - cả các cửa hàng bán lẻ, kho hàng, thương hiệu - cho một nhà sản xuất thời trang lớn. Khi viên luật sư được bà thuê để tiến hành đàm phán mang hợp đồng đến cho bà, Nhục đậu khấu chẳng nói chẳng rằng đóng triện lên, gần như không buồn liếc qua giá bán.

Bán công ty xong, Nhục đậu khấu mới phát hiện ra rằng niềm đam mê của bà đối với nghề thiết kế thời trang đã biến sạch không còn dấu vết. Dòng suối khát vọng mãnh liệt từng có thời là ý nghĩa cuộc đời bà nay đã cạn khô. Thỉnh thoảng bà vẫn nhận đơn hàng và thực hiện với toàn bộ kỹ năng của một chuyên gia hàng đầu, nhưng không có chút niềm vui. Đó cũng giống như ăn mà chẳng thấy có mùi vị gì. Bà có cảm giác như "bọn họ" đã lôi hết gan ruột của bà ra. Những ai từng biết đến nghị lực và kỹ năng của bà trước kia vẫn còn nhớ đến Nhục đậu khấu như một huyền thoại: đơn hàng vẫn không ngừng đến từ những người như vậy, nhưng ngoại trừ số rất ít mà Nhục đậu khấu không thể từ chối, bà khước từ tất cả. Theo lời khuyên của kế toán, bà đầu tư vào cổ phiếu và bất động sản, và tài sản của bà khuếch trương lên dần trong những năm tăng trưởng đó.

Nhục đậu khấu bán công ty chưa được bao lâu thì mẹ của bà qua đời vì bệnh tim. Bà cụ đang tưới nước vỉa hè bên ngoài nhà vào một buổi chiều tháng tám nóng nực thì bỗng kêu thấy "khó ở". Bà nằm xuống ngủ, ngáy to một cách đáng ngại, chẳng mấy chốc sau thì bà mất. Nhục đậu khấu và Quế còn lại bơ vơ trên cõi đời. Nhục đậu khấu giam mình trong nhà suốt hơn một năm, ngày nào cũng ngồi trên sofa nhìn ra vườn, như muốn tìm lại sự bình an êm ả bà đã đánh mất trong đời mình từ bấy lâu nay. Bà hầu như không ăn gì, ngủ mỗi ngày mười tiếng đồng hồ. Quế - lúc đó ở độ tuổi mà như trẻ thông thường là bắt đầu vào trung học - liền thay mẹ cáng đáng gia đình, những lúc rảnh sau khi làm việc nhà thì cậu chơi các bản xô nát của Mozart, Haydn và học được mấy ngoại ngữ.

Giai đoạn gần như trống rỗng và tĩnh lặng này trong đời Nhục đậu khấu kéo dài được một năm, cho tới khi bà tình cờ phát hiện rằng mình có một "năng lực" đặc biệt nào đó, một sức mạnh kỳ lạ mà trước kia bà không hề biết tới. Bà cho rằng cái năng lực đó khởi sinh tự bên trong bà để thay cho nỗi đam mê mãnh liệt đối với thời trang mà nay đã khô kiệt. Và quả thực, cái năng lực đó đã trở thành nghề mới của bà, mặc dù tự thân bà không tìm kiếm nó.

° ° °


Người đầu tiên được thụ hưởng năng lực kỳ lạ của bà là vợ của chủ nhân một siêu thị, một phụ nữ thông minh, năng nổ thời trẻ từng là ca sĩ opera. Bà ta từng thừa nhận tài năng của Nhục đậu khấu từ lâu trước khi bà trở thành nhà thiết kế nổi tiếng và vẫn thường xuyên bảo bọc cho sự nghiệp của bà. Không có sự hỗ trợ của người đàn bà này thì công ty của Nhục đậu khấu hẳn đã lụt bại ngay từ buổi đầu. Do quan hệ đặc biệt giữa hai người, Nhục đậu khấu đồng ý giúp người phụ nữ này và con gái bà ta chọn và phối hợp trang phục cho đám cưới của cô con gái, một việc mà bà thấy cũng không lấy gì làm vất vả.

Nhục đậu khấu và người đàn bà đang tán gẫu trong khi chờ cô con gái thử quần áo thì bỗng nhiên người đàn bà ép cả hai tay lên đầu và lảo đảo quỳ sụp xuống sàn nhà. Nhục đậu khấu hoảng hốt ghì lấy bà ta cho khỏi ngã và xoa xoa thái dương trái của bà ta. Bà làm việc đó theo phản xạ, không suy nghĩ gì, nhưng ngay khi lòng bàn tay bắt đầu di chuyển, bà cảm thấy "có một cái gì đó", như thể bà đang cảm nhận được một vật bên trong chiếc túi vải.

Bối rối, Nhục đậu khấu nhắm mắt lại cố nghĩ đến một cái gì khác. Bà chợt nhớ đến vườn thú ở Tân Kinh; vườn thú vào một ngày đóng cửa, chỉ có một mình bà ở đó, ấy là một biệt lệ chỉ mình bà được hưởng do là con gái của bác sĩ trưởng vườn thú. Đó là thời hạnh phúc nhất trong đời bà, cái thời bà được đùm bọc, thương yêu, che chở. Đó là ký ức đầu đời của bà. Vườn thú vắng tanh. Bà nghĩ đến những mùi, đến làn ánh sáng rực rỡ, đến hình dáng mỗi đám mây trôi trên trời. Bà tha thẩn một mình từ chuồng này sang chuồng khác. Đang thu, bầu trời sáng rõ cao vời vợi, từng đàn chim từ Mãn Châu về chuyền từ cây này sang cây khác. Đó là thế giới bản lai của bà, cái thế giới mà theo nhiều nghĩa là vĩnh viễn đã mất. Không biết bao nhiêu thời gian đã qua trong khi Nhục đậu khấu mơ màng như vậy, nhưng rốt cuộc người đàn bà đứng thẳng dậy và cảm ơn bà. Bà ta nói, bà vẫn còn mất phương hướng, nhưng cơn nhức đầu dường như đã qua. Mấy ngày sau, Nhục đậu khấu sửng sốt khi nhận được khoản thù lao lớn hơn bà tưởng rất nhiều cho việc bà đã làm.

Chừng một tháng sau vợ của ông chủ siêu thị gọi điện thoại cho Nhục đậu khấu mời bà đi ăn trưa. Sau khi ăn xong, bà ta đề nghị hai người cùng về nhà bà, ở đó bà nói với Nhục đậu khấu: "Không biết bà có vui lòng đặt tay lên đầu tôi như bà đã làm lần trước không. Có đôi điều tôi muốn kiểm tra". Nhục đậu khấu chẳng có lý do gì để từ chối. Bà ngồi cạnh người phụ nữ kia, đặt lòng bàn tay lên thái dương bà ta. Bà cũng cảm thấy "cái gì đó" giống như lần trước. Để nắm rõ hơn hình dạng của cái đó, bà tập trung chú ý vào nó, nhưng cái hình dạng đó bắt đầu uốn éo và biến đổi. Nó là vật sống! Nhục đậu khấu cảm thấy sợ. Bà nhắm mắt lại nghĩ về vườn thú ở Tân Kinh. Việc này đối với bà không khó. Bà chỉ việc hồi tưởng lại câu chuyện từng kể cho Quế, những cảnh tượng bà đã mô tả cho cậu. Ý thức của bà rời khỏi thể xác bà, lang thang một hồi trong những không gian giữa ký ức và câu chuyện, rồi quay trở lại. Khi bà lấy lại ý thức, người đàn bà kia nắm lấy tay bà mà cám ơn. Nhục đậu khấu không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra, bà ta cũng chẳng giải thích gì. Cũng như trước, Nhục đậu khấu thấy hơi mệt, một lớp mồ hôi mỏng rịn trên trán. Khi bà ra về, người đàn bà kia cảm ơn bà đã dành thời gian và bỏ công đến thăm, rồi toan đưa bà một phong bì đựng tiền, nhưng Nhục đậu khấu từ chối, một cách nhã nhặn nhưng kiên quyết. "Tôi làm việc này không phải để kiếm tiền, - bà nói. - Vả lại, lần trước bà đã trả tôi quá nhiều rồi." Bà ta không nài thêm.

Mấy tuần sau, người đàn bà kia giới thiệu Nhục đậu khấu với một bà khác. Bà này trạc giữa tứ tuần. Bà ta bé nhỏ, có cặp mắt sắc, trũng sâu. Quần áo bà ta mặc thuộc loại tuyệt hảo, nhưng ngoài một thắt lưng đám cưới bằng bạc ra bà không có trang sức nào khác. Khi sắc thái toát ra từ bà thấy rõ bà không thuộc hạng người thường. Bà vợ ông chủ siêu thị đã nói với Nhục đậu khấu: "Bà ta muốn bà cũng làm với bà ta như đã làm với tôi. Lần này xin bà đừng từ chối, và khi bà ta đưa tiền, đừng nói gì cả, cứ nhận. Về lâu dài, đây sẽ là một điều quan trọng đối với bà, cả với tôi nữa".

Nhục đậu khấu đi vào một phòng phía trong cùng với người đàn bà kia rồi đặt lòng bàn tay lên thái dương bà ta như những lần trước. "Cái gì đó" trong người đàn bà này thì khác. Nó mạnh hơn cái ở trong bà vợ ông chủ siêu thị, chuyển động của nó nhanh hơn. Nhục đậu khấu nhắm mắt lại, nín thở, cố kìm chuyển động đó lại. Bà tập trung mạnh hơn và đeo đuổi những ký ức của mình một cách riết róng hơn. Đào sâu vào những nếp gấp nhỏ nhất tìm thấy ở đó, bà chuyển hơi ấm của ký ức mình vào "cái gì đó" kia.

- Và đó trở thành nghề của tôi từ lúc nào không biết, - Nhục đậu khấu nói. Bà nhận ra rằng mình đã bị một dòng chảy lớn bao trùm lấy. Và khi Quế lớn lên, cậu trở thành trợ lý cho mẹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

83#
 Tác giả| Đăng lúc 11-8-2012 21:02:59 | Chỉ xem của tác giả


Chương 21
Bí Ẩn Căn Nhà Có Dớp (2)


SETAGAYA, TOKYO: NHỮNG KẺ TRONG "CĂN NHÀ CÓ DỚP"

Cái bóng của vị chính khách lừng danh:

Thoắt hiện thoắt biến

Bức màn vô hình kỳ lạ, tinh vi:

Nó che dấu bí mật gì?

[Trích tuần báo____, ngày 21 tháng mười một]

Trong số ra ngày 7/11 vừa qua chúng tôi đã thông tin cho quý bạn đọc rằng có một căn nhà ở khu dân cư yên tĩnh Setagaya mà người dân địa phương gọi là "nhà có dớp". Tất cả những ai từng sống trong căn nhà đó đều gặp số phận bi thảm và kết thúc cuộc đời bằng cách tự sát, phần lớn là treo cổ.

[Lược bỏ phần tóm tắt bài lần trước].

Các cuộc điều tra do chúng tôi tiến hành đã dẫn đến một sự thực hiển nhiên duy nhất: rằng dù chúng tôi có thử đường nào để hòng biết được danh tính chủ nhân mới của "căn nhà có dớp" thì thể nào ở cuối đường cũng có một bức tường gạch án ngữ. Chúng tôi đã công phu lắm mới tìm được công ty xây dựng đã xây căn nhà này trước kia, song người ta cự tuyệt cung cấp cho chúng tôi bất cứ thông tin gì về nó. Công ty mà người ta đã dùng làm bình phong để mua lô đất này là công ty hợp pháp 100% và cũng không có kẽ hở nào. Khi ký kết hợp đồng người ta đã tính toán chi ly đến từng chi tiết nhỏ, nên chúng tôi chỉ có thể cho rằng toàn bộ vụ này phải có một lý do nào đó.

Một điều khác khơi dậy nỗi tò mò của chúng tôi, ấy là công ty kế toán từng hỗ trợ trong việc thành lập công ty bình phong đã mua lô đất. Điều tra của chúng tôi cho thấy công ty này được thành lập cách đây năm năm như một thứ "nhà thầu phụ" núp bóng một công ty kế toán nổi tiếng trong giới chính khách. Công ty kế toán lắm tên tuổi này có một số "nhà thầu phụ" như vậy, mỗi nhà phụ trách một loại công việc riêng, trong trường hợp gặp rắc rối thì sẽ bị vứt bỏ ngay lập tức như thằn lằn hễ gặp nguy là ngắt đuôi để thoát thân. Bản thân công ty kế toán này chưa bao giờ bị phòng công tố tiến hành điều tra, nhưng theo một nhà báo chuyên về chính trị cho một nhật báo lớn thì "Cái tên của công ty này đã dính đến nhiều vụ xì-căng-đan chính trị, thành thử dĩ nhiên là chính quyền đã để mắt tới nó rồi". Nếu vậy thì chẳng khó đoán rằng có một mối liên hệ nào đó giữa chủ nhân mới của "căn nhà có dớp" với một chính khách đầy quyền lực nào đó. Kín cổng cao tường, an ninh cực kỳ nghiêm ngặt bằng những thiết bị điện tử tối tân nhất, chiếc Mercedes đen đi thuê, việc khôn khéo thành lập công ty làm bình phong che đậy - tất cả những thủ thuật tinh vi này khiến ta nghĩ rằng ắt phải có một nhân vật chính trị chóp bu nhúng tay vào.

Bí mật hoàn toàn


Nhóm điều tra của báo chúng tôi đã tiến hành theo dõi những hoạt động ra vào "căn nhà có dớp" của chiếc Mercedes đen. Trong khoảng thời gian mười ngày, chiếc xe đến chỗ căn nhà tổng cộng hai mươi mốt lần, tức bình quân hai lần một ngày. Những chuyến thăm này diễn ra theo một khuôn đều đặn. Đầu tiên, chiếc xe xuất hiện lúc 9 giờ sáng, sau đó ra đi lúc 10 giờ 30. Người lái xe rất đúng giờ, ngày nào cũng vậy, có lệch chăng thì cũng không quá năm phút. Tuy nhiên, ngược lại với những chuyến thăm vào buổi sáng, những chuyến thăm vào buổi chiều lại bất thường hơn nhiều. Các chuyến thăm buổi chiều hầu hết diễn ra trong khoảng từ 1 giờ đến 3 giờ chiều, nhưng thời gian đến và đi khác nhau đáng kể. Khoảng thời gian chiếc xe đỗ trong khuôn viên nhà cũng có sự chênh lệch đáng kể, từ dưới hai mươi phút đến tròn một tiếng.

Dựa trên các sự kiện này, chúng tôi có thể đưa ra các giả thuyết sau:

1. Các cuộc viếng thăm đều đặn vào buổi sáng: từ đây có thể suy ra rằng xe "đưa đón" một người nào đó đến căn nhà này. Tuy nhiên, danh tính của "nhân vật" này chưa rõ, vì toàn bộ cửa xe lắp kính dày màu đen.

2. Các cuộc viếng thăm không đều đặn vào buổi chiều: từ đây có thể suy ra rằng xe đưa khách đến thăm, giờ giấc được bố trí sao cho tiện nhất cho khách. Các vị "khách" này đến một mình hay từng nhóm thì chưa rõ.

3. Hình như không có hoạt động gì ở căn nhà vào ban đêm. Cũng không rõ liệu có ai sống ở đó không. Nhìn từ bên ngoài không thể biết có ngọn đèn nào bật sáng không.

Một điểm quan trọng nữa: vật duy nhất ra vào cơ ngơi này trong vòng mười ngày điều tra của chúng tôi là chiếc Mercedes đen. Không có chiếc xe nào khác, không một người đi bộ. Nếu suy theo cách thông thường thì ắt hẳn phải có sự gì lạ lắm đang diễn ra ở đây. "Ai đó" sống trong căn nhà này không bao giờ ra ngoài để mua sắm hay tản bộ. Người ta đến rồi đi hoàn toàn chỉ bằng chiếc Mercedes lớn màu đen có kính râm. Nói cách khác: vì lý do nào đó, họ không muốn bất cứ ai thấy mặt mình trong bất cứ tình huống nào. Lý do đó là gì? Tại sao họ lại cất công và bỏ ra lắm tiền đến thế để làm những việc cần làm một cách tuyệt đối bí mật?

Ở đây chúng tôi có thể bổ xung rằng cánh cổng trước là lối ra vào duy nhất của cơ ngơi này. Có một cái ngõ hẹp chạy đằng sau lô đất, song cái ngõ này chẳng dẫn đến đâu cả. Cách duy nhất để ra hay vào cái ngõ này là phải băng qua đất của người khác. Theo những người hàng xóm, hiện không một cư dân nào ở khu này sử dụng cái ngõ đó, chắc hẳn vì vậy mà nhà kia không có cổng mở ra phía ngõ. Ở đó chỉ có một bức tường cao ngất như thành lũy pháo đài.

Trong vòng mười ngày điều tra, mấy lần có những người trông ra vẻ là người chào bán báo hoặc nhân viên tiếp thị đến nhấn chuông hệ thống intercom ở cổng trước, nhưng chẳng ai trả lời. Nếu ở trong nhà có người thì ắt hẳn họ đã sử dụng hệ thống camera để quan sát xem người nhấn chuông là ai. Không hề có ai đến đưa thư hay phát bưu phẩm.

Vì những lý do đó, hướng điều tra duy nhất còn lại cho chúng tôi là bám đuôi chiếc Mercedes để xác định xem nó đi đâu. Theo sau chiếc xe bóng lộn luôn chạy chậm giữa dòng xe cộ trong thành phố không phải là việc khó, nhưng chúng tôi cũng chỉ bám theo được từ cổng cho đến bãi đỗ xe ngầm dưới đất của một khách sạn năm sao ở khu Akasaka. Có một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đứng trực ở đó, muốn vào thì phải có thẻ thông hành đặc biệt, cho nên xe chúng tôi không thể theo chiếc Mercedes vào trong bãi. Khách sạn này là nơi thường diễn ra nhiều hội nghị quốc tế, nghĩa là ở đây có nhiều nhân vật VIP cũng như nhiều nhân vật có tiếng tăm từ nước ngoài đến. Để bảo đảm an ninh và quyền riêng tư, bãi đỗ xe dành cho VIP được bố trí cách biệt với bãi đỗ xe của khách thường, một số buồng thang máy cũng được dành riêng cho khách VIP sử dụng, nhìn bên ngoài không thể biết họ lên hay xuống tầng mấy. Nhờ vậy mà các vị khách đặc biệt này có thể đến và đi mà không bị ai quấy rầy. Chiếc Mercedes này rõ ràng là đỗ ở một trong các lô dành cho khách VIP. Trả lời những câu hỏi của chúng tôi, ban quản trị khách sạn chỉ nói một cách ngắn gọn và đắn đo cân nhắc rằng các lô chuyên dụng này "thường" được cho thuê với mức đặc biệt chỉ với một số pháp nhân đầy đủ tư cách đã được "thẩm tra toàn diện", nhưng chúng tôi không thể moi được thêm thông tin chi tiết nào về điều kiện sử dụng hoặc nhân thân những người sử dụng.

Khách sạn này có một khu mua sắm, vài quán cà phê và nhà hàng, bốn đại sảnh dành cho đám cưới, ba đại sảnh dành cho hội nghị hội thảo. Thế có nghĩa là từ sáng đến tối khách sạn luôn luôn có lắm người vào ra. Nếu không có thẩm quyền đặc biệt thì chẳng cách nào xác định được danh tính các hành khách đi chiếc Mercedes. Người ta có thể ra khỏi xe, bước vào một trong những buồng thang máy đặc biệt dành riêng cho họ ở gần đó, bước ra ở tầng nào tùy ý họ rồi hòa mình vào đám đông. Qua đó có thể thấy rõ ràng hệ thống bảo mật tuyệt đối ở đây vận hành hoàn hảo tới mức nào. Ta có thể suy ra rằng đằng sau tất cả chuyện đó là một hệ thống thế lực đồng tiền và quyền lực chính trị vô cùng mạnh mẽ. Như có thể thấy qua lời giải thích của ban quản trị khách sạn, để thuê và sử dụng một trong những lô đỗ xe VIP ở khách sạn này không phải dễ. Nhất định là trong cái gọi là "thẩm tra toàn diện" mà họ nói, cái quan trọng nhất là để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các yếu nhân ngoại quốc, nghĩa là phải có mối liên hệ nào đó về chính trị ở đây. Có tiền không thôi chưa đủ, mặc dù hiển nhiên nếu không có nhiều tiền thì không thể nào kham nổi mấy vụ này.

[Lược bỏ phần đưa ra giả thuyết rằng cơ ngơi này đang được sử dụng bởi một tổ chức tôn giáo mà đằng sau là một chính trị gia có thế lực].
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

84#
 Tác giả| Đăng lúc 11-8-2012 21:04:50 | Chỉ xem của tác giả


Chương 22
Sứa Từ Khắp Thế Giới

Sự Vật Biến Hình



Đúng giờ đã hẹn, tôi ngồi xuống trước máy vi tính của Quế rồi dùng mật khẩu để truy cập chương trình gửi và nhận tin. Đoạn tôi nhập dãy số mà Ushikawa đã cho. Phải mất năm phút để kết nối. Tôi nhấp tách cà phê đã pha sẵn rồi tập trung điều hòa hơi thở. Tuy nhiên, cà phê chẳng có vị gì, còn không khí tôi hít vào thì lại nham nhám.

Máy tính kêu bíp và một thông điệp hiện lên trên màn hình, thông báo rằng kết nối đã được thiết lập và máy đã sẵn sàng để truyền tin hai chiều. Tôi chỉ định rằng cước phí của cuộc gọi này do người được gọi trả tiền. Nếu cẩn thận không để giao dịch này được ghi lại trong máy, tôi có thể ngăn không cho Quế phát hiện ra tôi đã sử dụng máy (tuy rằng tôi chẳng lấy gì làm tự tin về chuyện đó. Đây là mê cung của anh ta, còn tôi chẳng qua chỉ là một người lạ không có chút sức mạnh nào).

Phải đợi lâu hơn tôi tưởng rất nhiều, nhưng rốt cuộc cũng hiện ra thông điệp nói rằng phía bên kia đã chấp nhận sẽ trả tiền. Bên ngoài màn hình này, ở đầu bên kia cái dây cáp bò suốt qua bóng tối lòng đất Tokyo, có thể là Kumiko. Nàng cũng có thể đang ngồi trước một màn hình, hai bàn tay đặt trên bàn phím. Trên thực tế, tôi chỉ thấy mỗi cái màn hình đang khe khẽ rít lên âm thanh điện tử. Tôi nhấp vào hộp chọn chế độ Send rồi gõ vào những câu mà tôi đã ôn đi ôn lại nhiều lần trong óc.

> Anh muốn hỏi em một câu. Cũng không hẳn là hỏi, chẳng qua là anh muốn kiểm chứng xem đầu bên kia có đúng em không. Thế này nhé: Lần đầu tiên chúng mình đi với nhau ấy, từ lâu trước khi mình cưới nhau, chúng mình đã đến công viên thủy sinh. Anh muốn em cho anh biết em thích xem cái gì nhất ở đó...

Tôi nhấp vào biểu tượng gửi thông điệp đi (Anh muốn em cho anh biết em thích xem cái gì nhất ở đó.) Rồi tôi chuyển sang chế độ Receive.

Câu trả lời đến sau một khoảng lặng ngắn. Câu trả lời không dài.

> Sứa. Sứa từ khắp nơi trên thế giới.

Câu hỏi của tôi và câu trả lời cho nó xếp hàng ở nửa trên và nửa dưới màn hình. Tôi nhìn cả hai câu một lát. Sứa. Sứa từ khắp nơi trên thế giới. Đây phải là Kumiko. Đúng là Kumiko thật. Nhưng điều đó chỉ khiến nỗi đau tràn ngập lòng tôi. Tôi cảm thấy như những gì bên trong mình đang bị xé toạc ra. Tại sao đây là cách duy nhất để hai ta nói chuyện với nhau? Tuy nhiên tôi không có cách nào khác, đành chấp nhận. Thế là tôi bắt đầu gõ.

> Cho anh báo tin lành trước nhé. Mùa xuân năm nay con mèo đã về. Hoàn toàn bất ngờ. Nó hơi bị đói, nhưng khỏe mạnh, lành lặn. Từ đó đến giờ nó vẫn ở nhà. Anh biết chuyện này đáng lẽ anh phải hỏi ý em trước, nhưng anh đã đặt tên mới cho nó. Tên là Cá thu. Tên loài cá ấy mà. Anh và em sẽ quen dần thôi. Đây thì chắc là tin lành.

Phải đợi mất một lát. Tôi không biết ấy là do cách truyền tin này vốn dĩ buộc ta phải chờ như thế hay là do Kumiko im lặng.

> Được biết là con mèo vẫn còn sống, em vui lắm! Em lo cho nó quá.

Tôi nhấp một ngụm cà phê cho thấm miệng, rồi lại bắt đầu gõ.

> Giờ đến lượt tin xấu. Thật ra, ngoài chuyện con mèo đã về nhà thì dường như mọi thứ còn lại đều là tin xấu cả. Trước hết, anh vẫn chưa thể giải được bất cứ câu đố nào.

Tôi đọc lại những gì mình vừa viết rồi gõ tiếp:

Câu đố đầu tiên: Giờ em đang ở đâu? Em đang làm gì ở đó? Sao em vẫn tiếp tục lẩn tránh anh? Sao em không muốn gặp anh? Có nguyên nhân nào không? Ý anh là có quá nhiều điều mà em và anh cần phải nói chuyện trực tiếp, mặt đối mặt. Em có nghĩ vậy không?

Nàng phải mất một hồi để trả lời. Tôi hình dung nàng ngồi trước bàn phím, cắn môi suy nghĩ. Cuối cùng, con trỏ bắt đầu nhấp nháy di chuyển ngang qua màn hình, ứng với chuyển động của các ngón tay nàng.

> Mọi điều muốn nói với anh em đã viết trong thư cả rồi. Điều cốt nhất em muốn anh hiểu là, về nhiều mặt, em không còn là Kumiko như trước nữa. Người ta có thể thay đổi vì đủ thứ nguyên nhân, và trong một số trường hợp sự biến đổi có thể khiến người ta trở nên tồi tệ. Chính vì vậy em không muốn gặp anh. Cũng chính vì vậy em không muốn quay về với anh.

Con trỏ khựng lại, nhấp nháy mãi ở một chỗ, tìm lời. Tôi dán mắt vào nó khoảng mười giây, hai mươi giây, đợi nó tạo thành những câu chữ mới trên màn hình. Sự biến đổi làm người ta trở nên tồi tệ?

Nếu có thể, em muốn anh hãy quên em càng sớm càng tốt. Việc tốt nhất cho cả hai ta là anh hãy hoàn tất thủ tục ly hôn và bắt đầu một cuộc sống mới. Em đang ở đâu, đang làm gì, chuyện ấy không quan trọng. Điều quan trọng nhất là, dù bởi nguyên nhân gì đi nữa, anh và em đã bị tách rời thành hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Không cách gì trở lại như chúng ta ngày trước nữa. Hãy cố hiểu em đau lòng đến mức nào khi phải nói chuyện với anh như thế này. Anh không thể hình dung em đau xé đến nhường nào đâu.

Tôi đọc lại những lời của Kumiko đến mấy lần. Tôi không thấy ở đó một chút nào là ngắc ngứ, một chút nào cho thấy những lời này không xuất phát từ một xác tín sâu xa, đau đớn. Chắc hẳn nàng đã tập đi tập lại mấy câu này trong đầu không biết bao nhiêu lần. Dẫu vậy, tôi vẫn phải tìm cách nào đó để làm lung lay cái bức tường không thể xuyên qua ấy của nàng, dù chỉ làm nó rung lên thôi cũng được. Tôi lại gõ bàn phím.

> Điều em nói hơi mơ hồ, anh thấy khó hiểu. Em nói em đã trở nên tồi tệ, nhưng chính xác ra thì thế nghĩa là gì? Anh thật không hiểu. Cà chua trở nên tồi, những cái ô trở nên tồi, cái đó anh hiểu được. Cà chua ủng, ô thì cong vẹo chẳng ra hình thù gì. Nhưng bảo em đã "trở nên tồi tệ" thì ý là sao? Nói thế anh không hình dung được gì rõ ràng cả. Trong thư em có nói em đã ăn nằm với một người khác, nhưng chuyện đó có làm em "trở nên tồi tệ" được không? Phải, dĩ nhiên chuyện đó làm anh bị sốc. Nhưng chuyện đó hơi khác với việc làm cho một con người "trở nên tồi tệ" chứ.

Sau đó là một khoảng lặng dài. Tôi bắt đầu lo rằng Kumiko đã biến đi đâu đó. Nhưng rồi những chữ cái nàng gõ bắt đầu dàn ra trên màn hình.

> Có thể anh nói đúng, nhưng không chỉ có thế.

Rồi lại im lặng. Nàng đang cẩn thận chọn từ, như thể đang lôi chúng từ trong ngăn kéo ra.

Đó chỉ là một cách nói. "Trở nên tồi tệ" là một quá trình diễn ra trong thời gian dài. Đó là một quá trình đã quyết định từ trước, trong một căn phòng tối om, bởi một người nào khác mà không có mặt em. Khi em gặp và lấy anh, dường như em có hẳn một loạt khả năng mới. Em đã hy vọng mình sẽ thoát được theo một lối ra ở đâu đó. Nhưng hình như đó chỉ là ảo tưởng. Xung quanh chúng ta đâu cũng toàn dấu hiệu, chính vì vậy em mới lo sốt vó về việc tìm con mèo khi nó đi lạc lúc đó...

Tôi nhìn chăm chăm vào thông điệp trên màn hình, nhưng mãi vẫn chưa thấy dấu Send xuất hiện. Máy của tôi vẫn trong chế độ Receive. Kumiko đang nghĩ xem nên viết tiếp cái gì. "Trở nên tồi tệ" là một quá trình diễn ra trong thời gian dài. Nàng muốn nói gì với tôi vậy? Tôi tập trung chú ý vào màn hình, nhưng chỉ nhìn thấy ở đó một bức tường vô hình. Một lần nữa các con chữ bắt đầu dàn ra trên màn hình.

Nếu có thể, em muốn anh nghĩ về em như thế này: em đang chết dần mòn vì một chứng bệnh không chữa được, một chứng bệnh làm cho mặt và thân mình em bị phân hủy dần từng tí một. Dĩ nhiên đây chỉ là một ẩn dụ. Trên thực tế mặt và thân mình em không bị phân hủy. Nhưng điều em nói cũng rất gần với sự thực. Chính vì vậy mà em không muốn lộ diện trước mặt anh. Em biết, một ẩn dụ mù mờ này sẽ không thể giúp anh hiểu được mọi điều về tình trạng hiện nay của em. Em không mong nó sẽ thuyết phục được anh tin vào sự thực của những gì em nói. Em cảm thấy thế là quá tệ, nhưng em không thể nói gì hơn nữa. Anh không có cách nào hơn là chấp nhận thế thôi.

Một căn bệnh không chữa được.

Tôi kiểm tra xem máy của mình đã được chuyển sang chế độ Send chưa rồi bắt đầu gõ.

> Nếu em bảo em muốn anh chấp nhận cái ẩn dụ của em, thì anh chấp nhận cũng được, không sao cả. Nhưng có một điều anh không hiểu được. Cứ cho là em đã "trở nên tồi tệ" như em nói, và em đang bị "một căn bệnh không chữa được", nhưng cớ sao em lại phải mang từng ấy chuyện mà đến với Wataya Noboru, bao nhiêu người khác thì không đến? Sao em không ở đây với anh? Tại sao chúng ta không ở bên nhau? Chẳng lẽ chúng ta lấy nhau không phải là vì thế hay sao?

Im lặng. Tôi hầu như cảm thấy sức nặng và độ rắn của nó trong hai bàn tay mình. Tôi cụp hai bàn tay lại đặt lên bàn rồi hít thở sâu mấy lần. Rồi câu trả lời xuất hiện.

> Em ở đây bởi vì đây là nơi thích hợp cho em, dù em có muốn hay không. Đây là chỗ em phải ở. Em không có quyền chọn chỗ nào khác. Dù có muốn gặp anh, em cũng không gặp được. Anh nghĩ là em không muốn gặp anh sao?

Có một khoảng lặng, dường như Kumiko đang nín thở. Rồi các ngón tay nàng lại chuyển động.

Vì vậy xin anh đừng hành hạ em kiểu này thêm nữa. Nếu có một điều gì anh có thể làm cho em, ấy là anh hãy quên sự tồn tại của em đi, càng nhanh càng tốt. Hãy xóa sạch những năm chúng ta sống bên nhau ra khỏi ký ức anh, như chưa hề có. Rốt cuộc thì đó là điều tốt nhất cho cả hai ta. Em thật sự tin như vậy.

Tôi liền trả lời:

> Em nói em muốn anh quên tất cả. Em nói em muốn anh cứ để mặc em. Nhưng đồng thời, ở nơi nào đó trên thế gian này, em vẫn đang cầu cứu anh. Cái giọng cầu cứu đó yếu ớt, từ đâu đó rất xa vẳng tới, nhưng vào những đêm tĩnh mịch anh vẫn nghe rõ. Đó chắc chắn là giọng em, không thể lầm được. Anh có thể chấp nhận rằng có một Kumiko đang cố hết sức rời xa anh, cô ấy hẳn có lý do để làm như vậy. Nhưng còn có một Kumiko khác cũng đang cố hết sức lại gần anh. Anh tin chắc như thế. Dù em có nói gì với anh ở đây đi chăng nữa, anh vẫn phải tin vào Kumiko kia, người đang mong anh giúp đỡ, đang cố nhích lại gần anh. Dù em nói gì với anh đi nữa, dù những lý do của em chính đáng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể nào quên em dễ dàng như vậy, không thể nào tống khứ khỏi tâm khảm anh những năm chúng ta đã sống bên nhau. Anh không thể làm vậy vì những năm ấy đã thực sự diễn ra, là một phần của cuộc đời anh, nên và không có cách nào xóa sạch chúng đi được. Làm thế khác nào xóa sạch chính mình. Anh phải biết liệu có lý do chính đáng nào để làm như vậy không.

Lại một khoảng lặng nữa. Tôi cảm nhận được sự im lặng của nàng qua chiếc màn hình. Như một làn khói nặng, nó bò vào qua một góc màn hình mà tuôn ra khắp phòng. Tôi biết rõ những lúc im lặng như vậy của Kumiko. Tôi đã từng gặp chúng, từng kinh qua chúng không biết bao nhiêu lần trong những năm cùng Kumiko chung sống. Lúc này nàng đang nín thở, ngồi trước màn hình vi tính, mày nhíu lại trong cơn tập trung cao độ. Tôi chìa tay lấy tách nhấp một ngụm cà phê lạnh. Rồi, ấp chiếc tách rỗng trong hai bàn tay, tôi nín thở nhìn chăm chăm vào màn hình, như Kumiko đang làm. Hai chúng tôi gắn bó với nhau bằng những mối dây im lặng nặng nề xuyên qua bức tường ngăn cách hai thế giới của chúng tôi. Chúng tôi cần nhau hơn bất cứ gì khác. Điều đó là chắc chắn.

> Em không biết.

> Anh thì anh biết.

Tôi đặt tách xuống rồi hối hả gõ trên bàn phím, như thể cố túm lấy cái đuôi của thời gian đang trốn chạy.

> Anh biết. Anh biết anh muốn tìm đường đến chỗ em đang ở - em, cô Kumiko đang cần anh đến cứu kia. Tiếc thay, anh lại chưa biết làm sao đến được đó, cái gì đang chờ đợi anh ở đó. Suốt một thời gian dài từ khi em bỏ đi, anh luôn sống với cảm giác mình đang bị ném vào trong bóng tối mịt mùng. Tuy vậy, chầm chậm nhưng chắc chắn, anh đang ngày một tiến gần hơn đến cốt lõi, đến nơi mà cốt lõi của sự vật nằm ở đó. Anh muốn em biết điều ấy. Anh đang tiến gần hơn đến chỗ em và sẽ còn đến gần hơn nữa.

Tôi đặt tay trên bàn phím đợi nàng trả lời.

> Em hoàn toàn không hiểu gì hết.

Kumiko gõ vậy, rồi chấm dứt cuộc nói chuyện.

Tạm biệt.

° ° °


Màn hình cho biết phía bên kia đã ngắt mạch. Cuộc nói chuyện đã kết thúc. Thế nhưng tôi vẫn ngồi trước màn hình, đợi một điều gì đó xảy ra. Có thể Kumiko sẽ đổi ý mà trở lại tiếp tục trò chuyện trực tuyến. Có thể nàng sẽ sực nhớ mình đã quên nói điều gì đó. Nhưng nàng không trở lại. Đợi được hai mươi phút thì tôi chịu thua. Tôi lưu file, rồi xuống bếp uống một cốc nước lạnh. Tôi đứng thở đều bên tủ lạnh, đầu không nghĩ ngợi gì. Im lặng khủng khiếp dường như trùm lên mọi vật. Tôi cảm thấy cả thế giới như đang lắng nghe ý nghĩ tiếp theo của tôi. Nhưng tôi không thể nghĩ gì hết. Đáng tiếc, tôi không thể nghĩ được bất cứ cái gì.

Tôi trở lại máy tính, ngồi đó đọc lại toàn bộ cuộc trao đổi của hai chúng tôi từ đầu đến cuối: tôi nói gì, nàng nói gì, cái này tôi trả lời sao, cái nọ nàng trả lời sao. Toàn bộ vẫn còn đó trên màn hình, sinh động đến lạ lùng. Dõi mắt theo những hàng ký tự mà nàng đã gõ, tôi nghe được giọng của nàng. Tôi nhận ra được những chỗ trầm chỗ bổng, những sắc thái và khoảng lặng tinh tế của nó. Con trỏ trên dòng cuối vẫn còn đang nhấp nháy, đều như nhịp đập của trái tim, nín thở đợi từ kế tiếp. Nhưng không có từ nào nữa.

Sau khi ghi khắc toàn bộ cuộc nói chuyện vào tâm trí (tôi đã quyết định tốt nhất là không in ra), tôi nhấp vào hộp tùy chọn để thoát khỏi chế độ truyền tin. Tôi chỉ thị cho chương trình không lưu lại thông tin về cuộc nói chuyện này trong bộ nhớ, rồi tắt máy. Máy kêu bíp bíp, đoạn màn hình chuyển sang trắng bệch. Tiếng u u đều đều cơ khí bị nuốt chửng vào im lặng của căn phòng, như một giấc mơ sinh động bị xé toạc bởi bàn tay của hư vô.


° ° °


Tôi không biết từ lúc đó đến nay đã bao lâu. Nhưng khi sực tỉnh, tôi thấy mình dán mắt vào hai bàn tay mình đang nằm trên bàn. Hai bàn tay in dấu đôi mắt tôi riết róng nhìn vào chúng suốt một thời gian dài.

"Trở nên tồi tệ" là điều diễn ra trong một thời gian dài.

Dài là bao lâu?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

85#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:16:18 | Chỉ xem của tác giả


Chương 23
Đếm Cừu

Vật Giữa Vòng Tròn



Ít hôm sau cuộc viếng thăm đầu tiên của Ushikawa, tôi nhờ Quế mỗi khi đến Dinh thì mang cho tôi một tờ báo. Đã đến lúc tôi phải tiếp xúc với thực tại của thế giới bên ngoài. Dù ta cố tránh chúng đến đâu đi chăng nữa, nhưng hễ đã đến lúc là chúng đến với ta.

Quế gật đầu, và từ đó trở đi ngày nào anh ta cũng mang ba tờ báo đến.

Tôi thường nhìn qua các tờ báo sau khi ăn sáng. Đã từ lâu không buồn đọc báo, nay tôi thấy chúng thật lạ lùng: lạnh và trống rỗng. Mùi mực in kích thích thần kinh làm tôi thấy nhức đầu, những cụm chữ nhỏ đen nhánh như chọc thủng mắt tôi. Bố cục và kiểu chữ các tít bài cũng như giọng điệu của lối viết dường như phi thực đối với tôi. Tôi thường phải đặt tờ báo xuống, nhắm mắt thở dài. Trước kia thì không như vậy. Trước kia đọc báo hẳn phải là một việc bình thường hơn thế này nhiều. Cái gì đã thay đổi quá nhiều ở chúng vậy? Hay đúng hơn, cái gì đã thay đổi đến vậy ở chính tôi?

Sau khi đọc báo một lúc, tôi có thể hiểu rõ một điều về Wataya Noboru: hắn đang xây dựng cho mình một vị thế ngày càng vững chắc hơn bao giờ hết trong xã hội. Đồng thời hắn đang tiến hành một chương trình hoạt động chính trị cực kỳ tham vọng với tư cách một thành viên hứa hẹn của hạ viện, đồng thời thường xuyên phát biểu trước công chúng bằng cách giữ một chuyên mục trên báo chí và làm bình luận viên truyền hình. Đâu đâu tôi cũng thấy tên hắn. Vì lý do nào đó tôi không hiểu nổi, người ta lắng nghe các ý kiến của hắn, đã thế còn lắng nghe ngày càng háo hức hơn. Hắn là lính mới trên chính trường, nhưng đã được tung hô như một trong các chính khách trẻ tuổi hứa hẹn làm được nhiều việc lớn. Trong một cuộc điều tra ý kiến bạn đọc của một tạp chí phụ nữ, hắn được mệnh danh là chính khách nổi tiếng nhất nước. Người ta xưng tụng hắn là một trí thức dấn thân, một kiểu chính khách trí thức mà trước nay chưa hề có.

Khi hết đọc nổi về các sự kiện hiện thời và vai trò nổi bật của Wataya Noboru trong đó, tôi chuyển sang thu thập ngày càng nhiều sách về Mãn Châu quốc. Quế mang đến cho tôi tất cả những gì anh ta tìm được về chủ đề này. Thế mà, ngay cả ở đây, tôi cũng không thoát nổi cái bóng của Wataya Noboru. Hôm đó cái bóng của hắn trỗi dậy từ những trang trong một cuốn sách về thống kê. Sách ấn hành năm 1978, bản của thư viện này trước đây chỉ được cho mượn một lần duy nhất khi sách hãy còn mới, và được trả lại gần như ngay lập tức. Có lẽ chỉ những người thân của trung úy Mamiya mới quan tâm đến các vấn đề thống kê ở Mãn Châu quốc mà thôi.

Theo tác giả, ngay từ năm 1920, quân đội Thiên Hoàng đang tìm nguồn tích lũy một lượng lớn quân trang cần thiết cho mùa đông để chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực chống liên bang Xô Viết. Trang bị cho quân đội khả năng chiến đấu trong cái lạnh cắt da được coi là nhiệm vụ cấp bách, bởi người ta còn thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế trong điều kiện mùa đông cực kỳ khắc nghiệt ở Siberia. Nếu một xung đột biên giới dẫn tới đột ngột tuyên chiến với Liên Xô (điều hoàn toàn có thể xảy ra hồi đó), quân đội sẽ chưa sẵn sàng cho một chiến dịch mùa đông. Vì vậy, một nhóm nghiên cứu trực thuộc văn phòng bộ tổng tham mưu đã được thành lập để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh giả thiết với Liên Xô, trong đó bộ phận hậu cần chịu trách nhiệm nghiên cứu việc mua sắm quần áo đặc biệt cho mùa đông. Để thực sự biết thế nào là cái lạnh họ đi lên cực bắc đảo Sakhalin vốn từ lâu là điểm tranh chấp giữa Nhật Bản với nước Nga sa hoàng về sau là liên bang Xô Viết, và sử dụng một đơn vị tác chiến thực thụ để kiểm tra các đôi bốt, áo choàng và đồ lót cách nhiệt. Họ tiến hành kiểm nghiệm kỹ lưỡng các trang thiết bị mà quân đội Xô Viết hồi đó đang sử dụng cũng như loại quần áo mà quân đội Napoléon đã dùng trong chiến dịch đánh nước Nga, để rồi kết luận rằng với trang thiết bị hiện tại thì quân đội Nhật Bản sẽ không sống nổi trong mùa đông ở Siberia. Họ dự tính rằng hai phần ba số bộ binh trên tiền tuyến sẽ bị loại khỏi vòng chiến vì tê cóng.

Quần áo chống rét của quân đội Nhật hiện nay chỉ để dùng cho mùa đông miền Bắc Trung Quốc vốn ít khắc nhiệt hơn, ngoài ra số lượng hiện có quá ít, không đủ cho tất cả. Nhóm nghiên cứu đã tính số cừu cần thiết để sản xuất đủ quần áo mùa đông cho mười sư đoàn (lúc đó trong nhóm có lưu truyền mẩu chuyện cười rằng họ quá bận đếm cừu đến nỗi không còn thì giờ để ngủ) rồi đưa số liệu này vào báo cáo, cùng với dự toán số thiết bị cơ khí cần thiết để xử lý ngần ấy len cừu.

Báo cáo viết rằng lượng cừu hiện có ở quần đảo Nhật Bản không đủ cung ứng cho một cuộc chiến kéo dài ở các lãnh thổ miền bắc chống lại liên bang Xô Viết trong trường hợp Nhật Bản bị trừng phạt hay phong tỏa kinh tế, vì vậy nhất thiết Nhật Bản phải đảm bảo được nguồn cung cấp len ổn định (không chỉ cừu và cả thỏ mà các loài có lông khác) ở vùng Mãn Châu - Mông Cổ và thiết bị cơ khí để xử lý số len đó. Người được giao nhiệm vụ tiến hành quan sát thực địa ở Mãn Châu quốc vào năm 1932, ngay sau khi chế độ bù nhìn ở đó được thành lập, là một nhà kỹ trị trẻ tuổi vừa tốt nghiệp trường Võ bị với bằng thống kê học; tên là Wataya Yo****aka.

Wataya Yo****aka! Đây chỉ có thể là bác ruột của Noboru. Chẳng có nhiều Wataya lắm trên đời này, còn cái tên Yo****aka thì không nghi ngờ gì nữa.

Sứ mạng của ông ta là tính toán khoảng thời gian cần thiết để có thể bảo đảm nguồn cung cấp len ổn định ở Mãn Châu quốc. Wataya Yo****aka chộp lấy ngay vấn đề này như một trường hợp mẫu cho thống kê học hiện đại và tiến hành phân tích số liệu một cách vô cùng thấu đáo.

Khi ở Mukden, Wataya Yo****aka xin được gặp thiếu tướng Ishiwara Kanji và ngồi uống rượu đàm đạo thâu đêm với người này.

Ishiwara Kanji. Lại một cái tên mà tôi biết rõ. Ông bác của Wataya Noboru đã tiếp xúc với Ishiwara Kanji, kẻ đầu sỏ trong việc dựng lên việc Trung Quốc tấn công quân đội Nhật Bản một năm trước đó, sự kiện được mệnh danh là "Sự biến Mãn Châu" và được Nhật Bản dùng làm cái cớ để biến Mãn Châu thành Mãn Châu quốc, cũng là sự kiện mà về sau sẽ chứng tỏ hành vi xâm lăng đầu tiên trong suốt mười lăm năm chiến tranh.

Ishiwara lúc đó đã đi khắp Trung Hoa đại lục và đâm ra tin tưởng rằng một cuộc chiến toàn diện với Liên Xô không những là không tránh khỏi mà mấu chốt để thắng trong cuộc chiến này nằm ở việc tăng cường lực lượng hậu cần của Nhật Bản; muốn vậy thì phải cấp tốc hiện đại hóa đế quốc Mãn Châu vừa mới khai sinh và thiết lập một nền kinh tế tự cấp tự túc. Ông ta trình bày ý tưởng của mình với Wataya Yo****aka một cách hùng hồn, đầy nhiệt huyết. Ông ta cũng lập luận rằng điều quan trọng là phải đưa nông dân từ Nhật sang để tổ chức lại ngành trồng trọt và chăn nuôi của Mãn Châu quốc, tăng năng suất của các ngành này.

Ý kiến của Ishiwara là Nhật Bản không nên biến Mãn Châu quốc thành thêm một thuộc địa của mình như Triều Tiên hay Đài Loan, mà nên làm Mãn Châu quốc trở thành một nhà nước châu Á kiểu mới. Tuy nhiên, Ishiwara vẫn tỉnh táo một cách đáng khâm phục khi thừa nhận rằng Mãn Châu quốc nên đóng vai trò cơ sở hậu cần cho cuộc chiến với Liên Xô - thậm chí cả với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Ông ta tin rằng Nhật Bản nay là nước châu Á duy nhất có khả năng tiến hành cuộc chiến sắp tới chống phương Tây (mà ông ta gọi là "cuộc chiến tối hậu") và rằng các nước khác có nghĩa vụ hợp tác với Nhật Bản để có thể tự giải phóng mình khỏi ách nô dịch phương Tây. Không một sĩ quan nào khác trong quân đội Thiên Hoàng lúc đó có mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề hậu cần đồng thời có kiến thức uyên thâm như Ishiwara. Hầu hết sĩ quan Nhật lúc đó coi hậu cần là thứ công việc "yếu đuối nữ nhi", họ cho rằng phàm đã là "người lính của Thiên Hoàng" thì phải chiến đấu anh dũng quên mình dù trang bị nghèo nàn đến đâu đi nữa, rằng danh dự đích thực của người lính là ở chỗ chiến thắng kẻ thù hùng mạnh với quân số và trang bị hơn hẳn. Đánh bại quân thù và tiến quân "thần tốc đến nỗi hậu cần không theo kịp", đó mới là con đường dẫn tới vinh quang.

Đối với Wataya Yo****aka, nhà kỹ trị thuần thành, thì cái triết lý này là một thứ hoàn toàn vô nghĩa. Theo ông, khởi đầu một cuộc chiến lâu dài mà không có hậu cần vững chắc thì chẳng khác gì tự sát. Người Liên Xô đã tăng cường và hiện đại hóa mạnh mẽ khả năng quân sự của mình trong thời gian kế hoạch năm năm phát triển kinh tế tập trung của Stalin. Năm năm đẫm máu trong Thế chiến thứ nhất đã hủy diệt nhiều giá trị của thế giới cũ, và chiến tranh cơ giới hóa đã làm thay đổi tận gốc cách nghĩ của châu Âu về chiến lược và vai trò của hậu cần. Từng làm tùy viên quân sự trong hai năm ở Berlin, Yo****aka thấu hiểu điều đó đến tận xương tủy, nhưng não trạng của hầu hết giới quân nhân Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi cơn ngất ngây vì thắng lợi trong cuộc chiến Nga - Nhật gần ba mươi năm trước.

Trở về Nhật, Wataya Yo****aka đã là một người hết lòng ngưỡng mộ Ishiwara, các lập luận, quan điểm cũng như tính cách vô cùng lôi cuốn của ông này. Hai người vẫn duy trì quan hệ thân thiết suốt nhiều năm sau đó. Ông thường đến thăm Ishiwara ngay cả khi vị sĩ quan kiệt xuất này được chuyển từ Mãn Châu về nước để chỉ huy ngôi pháo đài biệt lập ở Maizuzu. Trở về Nhật, Wataya Yo****aka đệ trình ngay lên bộ chỉ huy bản báo cáo cực kỳ tỉ mỉ và chính xác về việc nuôi cừu và xử lý lông cừu ở Mãn Châu quốc; bản báo cáo được đánh giá cao. Tuy nhiên, do thất bại đau đớn của Nhật trong trận Nomonhan năm 1939, và do Hoa Kỳ cùng Anh siết chặt trừng phạt kinh tế, giới quân sự bắt đầu chuyển sang nhòm ngó về phương Nam; thế là nhóm nghiên cứu nhằm chuẩn bị một cuộc chiến giả định với Liên Xô được phép thôi hoạt động dần. Dĩ nhiên, chính kết luận của nhóm này rằng, "trong điều kiện trang thiết bị hiện nay, chúng ta không có khả năng tiến hành một chiến dịch mùa đông chống lại quân đội Xô Viết" đã là một yếu tố tác động đến quyết định sớm chấm dứt trận đánh ở Nomonhan vào đầu mùa thu chứ không để phát triển thành chiến tranh lớn. Ngay khi những cơn gió thu bắt đầu thổi, bộ tổng tham mưu vốn luôn bị ám ảnh vì vấn đề thể diện của quân đội Thiên Hoàng, đã bất ngờ quyết định phủi tay trong trận đánh này, và thông qua đàm phán ngoại giao, nhường vùng thảo nguyên Hulunbuir trơ trụi cho quân đội Ngoại Mông và Xô Viết.

Trong một cước chú, tác giả cho biết, Wataya Yo****aka bị chính quyền chiếm đóng của MacArthur cấm không được giữ các chức vụ trong nhà nước, đành lui về sống ẩn dật mấy năm ở quê nhà Niigata. Nhưng khi lệnh cấm này được bãi bỏ, Đảng bảo thủ đã thuyết phục được Yo****aka tham gia chính trường. Ông làm nghị sĩ Thượng viện trong hai nhiệm kỳ rồi chuyển sang Hạ viện. Trên tường phòng làm việc của ông có treo một cuộn thư pháp của Ishiwara Kanji.

Tôi không biết ông bác của Wataya Noboru đã là một nghị sĩ ra sao hay ông đã làm được gì với tư cách một chính khách. Ông đã có lúc là bộ trưởng trong Nội các, nhưng chưa bao giờ trở thành một thủ lĩnh chính trị có tầm cỡ quốc gia. Nay thì di sản chính trị của ông đã được truyền lại cho đứa cháu là Wataya Noboru.


° ° °


Tôi bỏ cuốn sách qua một bên rồi chắp tay sau đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ, ngó mông lung về phía cổng trước. Chẳng bao lâu nữa cổng sẽ mở vào trong, chiếc Mercedes-Benz sẽ tiến vào, Quế ngồi sau tay lái. Anh ta sẽ đưa tới một "khách hàng" khác nữa. Những "khách hàng" này và tôi gắn kết với nhau bởi vết bầm trên má tôi. Ông ngoại của Quế và tôi cũng gắn kết với nhau bởi vết bầm trên má tôi. Ông ngoại của Quế và trung úy Mamiya ràng buộc với nhau bởi thành phố Tân Kinh. Trung úy Mamiya và ông Honda có tài thấu thị gắn kết với nhau bởi cùng tham gia nhiệm vụ đặc biệt ở biên giới Mãn Châu - Mông Cổ, còn Kumiko và tôi thì được gia đình Wataya Noboru giới thiệu với ông Honda. Trung úy Mamiya và tôi gắn bó với nhau bởi cả hai đều đã biết thế nào là ở dưới giếng - ông Mamiya thì ở Mông Cổ, tôi thì trên mảnh đất đang ngồi lúc này đây. Một vị sĩ quan từng chỉ huy quân đội ở Trung Hoa cũng có dạo sống trên khu đất này. Tất cả đều gắn kết với nhau như trong một vòng tròn mà tâm điểm là Mãn Châu thời trước chiến tranh, Đông Á đại lục và cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở Nomonhan năm 1939. Nhưng cớ sao Kumiko và tôi lại bị cuốn vào trong chuỗi mắt xích nhân quả lịch sử này, tôi không thể nào hiểu nổi. Tất cả những sự kiện ấy đã diễn ra từ lâu trước khi cả tôi và Kumiko chào đời.

Tôi ngồi ở bàn làm việc của Quế, đặt tay trên bàn phím. Những ngón tay tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác cuộc trò chuyện với Kumiko vừa qua. Cuộc nói chuyện qua máy tính này bị Wataya Noboru giám sát, chắc chắn như vậy. Hắn đang cố biết được đôi điều từ đó. Dứt khoát là hắn đã bố trí cho chúng tôi liên lạc với nhau bằng cách ấy không phải vì lòng tốt. Hầu như chắc chắn rằng hắn và lâu la của hắn đang tìm cách tận dụng khả năng truy cập vào máy của Quế để biết được những bí mật của nơi này. Nhưng điều đó chẳng làm tôi bận tâm. Chiều sâu của chiếc máy tính này chính là chiều sâu của bản thân Quế. Bọn họ sẽ chẳng bao giờ biết nổi những chiều sâu đó khôn dò đến mức nào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

86#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:36:21 | Chỉ xem của tác giả


Chương 24
Báo Động Đỏ

Cánh Tay Dài Từ Xa Vươn Tới


Lúc 9h sáng hôm sau Quế không đến một mình. Ngồi sau lưng anh ta, trên ghế dành cho khách là mẹ anh, Akasaka Nhục đậu khấu. Đã hơn một tháng rồi bà không đến đây. Lần đó bà cũng đến cùng với Quế mà không báo trước, ăn điểm tâm với tôi rồi nói dăm chuyện phiếm, sau đó chừng một tiếng thì bà đi.

Quế cởi áo khoác, mở băng bản Concerto Grosso của Handel (mà anh ta đã nghe suốt ba ngày liên tục) rồi xuống bếp pha trà và làm món bánh mì nướng cho mẹ, bà vẫn chưa ăn sáng. Món bánh mì anh ta làm luôn luôn thật tuyệt, cứ như trong một đoạn phim quảng cáo. Trong khi anh dọn dẹp lau chùi bếp như mọi khi, Nhục đậu khấu và tôi ngồi uống trà bên chiếc bàn nhỏ. Bà ta chỉ ăn một lát bánh mì phết chút bơ. Ngoài kia mưa lạnh buốt đang rơi. Nhục đậu khấu nói ít, tôi cũng nói ít - chỉ nhận xét đôi câu về thời tiết. Tuy nhiên, dường như bà có điều gì muốn bộc bạch. Điều đó thấy rõ qua nét mặt và cách nói của bà. Bà xé từng mẩu bánh cỡ con tem cho vào miệng, từng miếng một. Chốc chốc chúng tôi lại nhìn ra ngoài mưa, như thể mưa là người bạn quen biết lâu năm của cả hai chúng tôi.

Khi Quế đã dọn bếp xong và bắt đầu lau nhà, Nhục đậu khấu dẫn tôi vào "phòng chỉnh lý". Gian này đã được thiết kế sao cho giống hệt như phòng chỉnh lý tại văn phòng ở Akasaka. Kích thước và hình dáng gần như là một. Cửa sổ cũng có hai lớp rèm, cũng mờ mờ ảo ảo dù giữa ban ngày. Rèm không bao giờ mở lâu quá mười phút mỗi lần, khi Quế lau dọn phòng. Ở đây có một chiếc sofa bọc da, một bình hoa bằng thủy tinh được cắm đặt trên bàn, một cây đèn chân đế cao. Giữa phòng là một chiếc bàn làm việc trên đó có một chiếc kéo, những mẩu vải, một chiếc hộp gỗ đầy ắp kim chỉ, bút chì, cuốn sổ vẽ kiểu (trong đó đã có phác họa một số kiểu), cùng một vài công cụ chuyên dùng mà tôi không biết tên và công dụng. Một chiếc gương lớn bằng cỡ người thật treo trên tường, ở góc phòng được ngăn ra bằng màn làm chỗ thay đồ. Khách hàng đến thăm Dinh luôn luôn được mời đến căn phòng này.

Tôi không hiểu tại sao Quế và mẹ anh ta thấy cần phải tái tạo một bản sao hoàn hảo của căn "phòng chỉnh lý" nguyên thủy tại văn phòng ở Akasaka. Ở đây thì đâu cần phải ngụy trang như vậy. Có lẽ là họ (và khách hàng của họ) đã quá quen với căn "phòng chỉnh lý" kia đến nỗi không nghĩ ra được ý tưởng nào mới để trang hoàng căn phòng này. Dĩ nhiên họ cũng có thể đặt câu hỏi: "Phòng chỉnh lý thì đã sao nào?" Dù lý do gì đi nữa, bản thân tôi thích chỗ này. Nó thật sự là "phòng chỉnh lý", không phải căn phòng nào khác, và tôi thấy một cảm giác bình an kỳ lạ ở đó, khi quanh mình là đủ thứ dụng cụ cắt may quần áo. Nó là một khung cảnh siêu thực, nhưng không phi tự nhiên.

Nhục đậu khấu ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế sofa, rồi ngồi bên cạnh tôi.

- Sao, cậu thấy thế nào? - Bà hỏi .

- Cũng được, - tôi đáp.

Nhục đậu khấu mặc bộ áo váy màu xanh lơ nhạt. Váy ngắn, những cúc áo lớn hình sáu cạnh dài kín tận yết hầu như kiểu áo khoác của Nehru ngày xưa. Hai bên vai có miếng đệm cỡ chiếc bánh mì tròn. Bà ta làm tôi nhớ tới một bộ phim khoa học viễn tưởng xem đã lâu, lấy bối cảnh tương lai gần. Hầu như tất cả các phụ nữ trong phim đều ăn mặc như thế này và sống trong một thành phố vị lai chủ nghĩa.

Nhục đậu khấu đeo đôi hoa tai cỡ lớn, bằng nhựa, cũng màu xanh tuyền hệt như bộ áo váy. Đó là một màu xanh thẫm dường như được tạo ra nhờ kết hợp một số màu, theo một đơn đặt hàng đặc biệt sao cho đi với bộ đồ. Mà cũng có thể ngược lại mới đúng: bộ đồ được làm ra cho khớp với đôi hoa tai, kiểu như ta làm một cái hốc trong tường theo đúng hình dạng của một cái tủ lạnh. Có khi cũng nên nhìn sự vật như thế, tôi nghĩ. Khi đến, bà ta đeo kính râm mặc dù trời mưa, đôi mắt kính hầu như chắc chắn là cũng xanh lơ. Đôi tất của bà ta cũng xanh lơ. Ngay cả ngày hôm nay hẳn cũng màu xanh lơ nốt.

Bằng một chuỗi động tác nhịp nhàng như thường lệ. Nhục đậu khấu rút một điếu thuốc từ trong túi xách, đưa lên môi, châm thuốc bằng chiếc bật lửa, môi hơi cong cong. Ít ra thì chiếc bật lửa không phải màu xanh lơ, mà vẫn là chiếc bằng vàng, mỏng mảnh, có vẻ rất đắt tiền mà bà ta luôn dùng. Tuy nhiên, nó rất hợp với màu xanh lơ. Rồi Nhục đậu khấu bắt tréo cặp chân mang tất màu xanh lơ. Bà vừa kiểm tra đầu gối mình vừa sửa lại váy. Sau đó, như thể đó là một phần nối dài của đôi đầu gối, bà nhìn sang mặt tôi.

- Cũng được, - tôi lại nói - Cũng như mọi khi.

Nhục đậu khấu gật đầu.

- Cậu không mệt à? Cậu có thấy cần phải nghỉ một chút không?

- Không, không mệt lắm. Chắc tôi cũng quen việc rồi. Bây giờ dễ hơn nhiều so với hồi đầu.

Nhục đậu khấu không nói gì. Khói thuốc bà ta bay thẳng lên trời như sợi dây thừng bị một thầy phù thủy Ấn Độ đọc thần chú cho dựng đứng lên, rồi bị hút vào lỗ thông hơi trên trần. Theo chỗ tôi biết, đây là thiết bị thông hơi nhạy êm nhất và mạnh nhất trên thế giới.

- Bà thì thế nào? - Tôi hỏi.

-Tôi ấy à?

-Bà thì có mệt không?

Nhục đậu khấu nhìn tôi.

- Trông tôi có vẻ mệt sao?

Quả thật là ngay lúc bà ta mới đến, nhìn mắt nhau, tôi đã cảm thấy bà đang mệt. Khi tôi bảo bà như vậy, bà khẽ thở dài.

- Lại thêm một bài báo nữa trên một tạp chí sáng nay nói về cái chỗ này. Trong loạt bài "Bí mật của căn nhà có dớp". Nghe như nhan đề một bộ phim kinh dị vậy.

- Đây là bài thứ hai phải không? -Tôi hỏi.

- Thì đấy, bài thứ hai, - Nhục đậu khấu nói. - Thật ra một tờ báo khác mới đây cũng đăng một bài về đề tài này, cũng may chưa ai nhận ra có mối liên hệ giữa bài này với bài kia. Tạm thời thì chưa.

- Họ có nói gì mới không? Về chúng ta ấy?

Bà chìa tay lấy gạt tàn dụi tắt điếu thuốc. Rồi khẽ lắc đầu. Đôi hoa tai của bà chấp chới như những cánh bướm đầu xuân.

- Mới thì không hẳn mới, - bà nói, rồi ngừng một chút, - Chúng ta là ai, chúng ta làm gì ở đây, chưa ai biết. Tôi sẽ đưa cậu một bản copy, nếu cậu quan tâm thì đọc. Nhưng điều mà tôi muốn hỏi cậu là, hôm nọ có người rỉ tai tôi rằng cậu có người anh vợ là một chính khách trẻ nổi tiếng. Có đúng không?

- Đáng tiếc là đúng, - tôi nói.

- Anh của cô vợ đã bỏ cậu mà đi phải không?

- Đúng vậy.

- Liệu anh ta có biết phong phanh gì về chuyện cậu làm gì ở đây không?

- Anh ta biết tôi ngày nào cũng đến đây và tôi đang làm cái gì đó. Anh ta thuê người ta điều tra. Tôi nghĩ anh ta rất lo không biết tôi đang làm cái gì. Nhưng chắc anh ta chưa biết được gì đâu.

Nhục đậu khấu ngẫm nghĩ một hồi lâu về câu trả lời của tôi. Đoạn bà ngẩng mặt lên nhìn tôi hỏi:

- Cậu không ưa ông anh vợ này lắm phải không?

- Không ưa lắm.

- Anh ta cũng không ưa cậu.

- Nói thế còn nhẹ.

- Giờ thì anh ta đang lo không biết cậu làm gì ở đây. Tại sao?

- Nếu em rể bị phanh phui là dính vào một vụ mờ ám thì sẽ rất tai tiếng cho anh ta. Nói gì thì nói, anh ta đang là nhân vật thời nay, thành thử anh ta bận tâm đến những chuyện này thì cũng tự nhiên thôi.

- Vậy anh ta không thể là kẻ đang tiết lộ thông tin về nơi này cho báo chí phải không?

- Thành thật mà nói, tôi không biết Wataya Noboru đang nghĩ gì. Nhưng cứ suy theo lối thông thường, nếu tiết lộ chuyện này cho báo chí thì hắn có được lợi lộc gì đâu. Với hắn tốt nhất là cứ mặc cho đừng ai biết gì hết.

Nhục đậu khấu xoay xoay chiếc bật lửa mỏng mảnh bằng vàng trên mấy ngón tay một hồi lâu. Trông như chiếc cối xay gió bằng vàng vào một ngày ít gió.

- Sao cậu không nói gì về ông anh vợ này với chúng tôi? - Nhục đậu khấu hỏi.

- Không chỉ với bà và Quế đâu. Tôi không bao giờ nhắc đến hắn với bất cứ ai, - tôi nói, - ngay từ đầu tôi với hắn đã không ưa nhau, đến giờ thì thật sự là căm ghét. Không phải tôi giấu không nói với bà về hắn. Chỉ là tôi nghĩ không cần phải đưa chuyện đó ra.

Nhục đậu khấu thở dài.

- Lẽ ra cậu nên kể với chúng tôi.

- Có lẽ vậy, giá tôi kể thì hơn, - tôi nói.

- Chắc cậu đang hình dung được chuyện ở đây liên quan đến cái gì. Khách hàng của chúng ta toàn trong giới chính trị và doanh nhân. Những người có thế lực. Và đủ loại người nổi tiếng. Danh tính của họ phải được tuyệt đối giữ kín. Chính vì thế chúng tôi mới lo xa hết mức như vậy. Cậu biết mà.

Tôi gật đầu.

- Quế đã dành biết bao thời gian công sức để lập ra cái hệ thống chính xác và phức tạp hầu duy trì bí mật của chúng tôi - một mê cung toàn những công ty giả, những tài khoản ẩn dưới bao nhiêu lớp ngụy trang, một chỗ đỗ xe nặc danh trong cái khách sạn ở Akasaka, quản lý khách hàng cẩn trọng, kiểm soát thu chi chặt chẽ, cả thiết kế căn nhà này nữa: tất cả đều sinh ra từ đầu óc nó. Cho tới giờ, hệ thống vẫn vận hành gần như hoàn hảo theo tính toán của nó. Dĩ nhiên, duy trì một hệ thống như vậy thì tốn bộn tiền, nhưng với chúng tôi tiền không thành vấn đề. Điều quan trọng là các bà đến với chúng tôi thấy an tâm rằng họ được bảo vệ tuyệt đối.

- Bà muốn nói rằng sự an toàn đó đang bị đe dọa.

- Phải, đáng tiếc là như vậy.

Nhục đậu khấu lấy hộp thuốc là ra, rút một điếu, nhưng kẹp hồi lâu giữa mấy ngón tay mà không châm lửa.

- Đã vậy tôi lại có tay anh họ chính trị gia nổi danh này nữa, càng dễ gây tai tiếng.

- Đúng vậy,- Nhục đậu khấu nói, môi cong lên.

- Quế phân tích thế nào về tình hình này?

- Nó không nói gì cả. Như một con sò lớn dưới đáy biển vậy. Nó vùi mình vào bản thân, khóa chặt cửa phòng, miên man suy nghĩ điều gì đó.

Mắt Nhục đậu khấu dán vào tôi. Rốt cuộc, như sực nhớ ra điếu thuốc cầm trên tay, bà châm lửa. Rồi bà nói:

- Đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ mãi về chuyện đÓ về chồng tôi, về cách anh ấy bị giết. Tại sao người ta phải ám sát anh ấy? Tại sao người ta phải cho căn phòng khách sạn kia ngập máu, phải moi phủ tạng của anh ấy ra mà mang đi? Tôi nghĩ mãi mà không ra nguyên do để ai đó làm như vậy. Chồng tôi không phải loại người để bị giết một cách khác thường như thế.

Nhưng không chỉ cái chết của chồng tôi. Tất cả những sự kiện không thể giải thích được từng xảy ra trong đời tôi từ trước đến nay - niềm đam mê mãnh liệt nghề thời trang đột ngột bùng phát lên trong tôi rồi cũng đột ngột biến mất, Quế bỗng nhiên ngừng nói, rồi tôi bị cuốn vào cái công việc kỳ lạ chúng ta đang làm đây. Tất cả dường như đã được lập trình sẵn ngay từ đầu nhằm mục đích đưa tôi đến đây, chính chỗ này đây. Tôi không tài nào gạt bỏ được cái ý nghĩ đó. Tôi như thấy mỗi động tác của mình đều bị chi phối bởi một cánh tay dài vươn ra từ nơi nào đó rất xa, rằng đời tôi chẳng qua chỉ là một ngõ thông thuận lợi cho những sự kiện đó đi qua.

Từ phòng bên khẽ vẳng lại tiếng Quế đang hút bụi. Anh ta đang thi hành nhiệm vụ của mình một cách tập trung có hệ thống như mọi khi.

- Có bao giờ cậu cảm thấy như vậy không? - Nhục đậu khấu hỏi tôi.

- Tôi không bao giờ cảm thấy mình bị "cuốn vào" một cái gì hết, -tôi đáp, - Tôi ở đây lúc này là bởi tôi cần phải ở đây.

- Để cậu có thể thổi cây sáo thần và tìm thấy Kumiko?

- Đúng vậy.

- Cậu có cái gì để tìm kiếm, - bà ta vừa nói vừa chậm rãi đổi sang bắt tréo chân kia, - Cái gì cũng có cái giá của nó.

Tôi im lặng.

Cuối cùng, Nhục đậu khấu kết luận:

- Chúng tôi đã quyết định không đưa khách hàng đến đây trong một thời gian. Đó là quyết định của Quế. Bởi có mấy bài báo và sự xuất hiện của ông anh cậu, tín hiệu đã chuyển từ vàng sang đỏ. Ngày hôm qua chúng tôi đã hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn còn lại, bắt đầu từ cuộc hẹn hôm nay.

- "Một thời gian" là bao lâu?

- Cho tới khi nào Quế vá được lỗ hổng trong hệ thống và chúng tôi có thể tin chắc mình đã hoàn toàn vượt qua được mọi khủng hoảng. Rất tiếc, nhưng chúng tôi không muốn liều lĩnh, hoàn toàn không. Quế vẫn sẽ đến đây hàng ngày, nhưng khách hàng thì sẽ không có nữa.

° ° °


Khi Quế và Nhục đậu khấu đã đi khỏi thì cơn mưa buổi sáng vừa dứt. Nửa tá chim sẻ đang rửa lông trong một vũng nước trên lối đi dành cho ô tô. Khi chiếc Mercedes của Quế khuất dạng, cánh cổng tự động đã đóng lại tôi ngồi nơi cửa sổ nhìn lên bầu trời mùa đông trĩu mây trên những cành cây. Những lời của Nhục đậu khấu hiện lên trong trí tôi: "một cánh tay dài vươn ra từ chỗ nào đó rất xa". Tôi tưởng như thấy cánh tay từ những đám mây tối thẫm, thấp lè tè kia thò xuống, như bức minh họa trong cuốn truyện tranh nói về điềm gở.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

87#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:41:26 | Chỉ xem của tác giả


Chương 25
Tai Ba Góc

Lục Lạc



Suốt ngày hôm đó tôi ngồi đọc về Mãn Châu quốc. Chẳng việc gì phải vội quay về nhà. Sáng nay, khi chuẩn bị ra khỏi nhà, tôi đã tính trước rằng có thể mình sẽ về muộn nên đã lấy sẵn thức ăn khô đủ hai ngày cho Cá thu. Có thể nó sẽ không thích ăn lắm, nhưng ít ra đói thì không đói. Chính vì vậy tôi càng ngán ngẩm khi nghĩ đến chuyện phải lê xác về nhà. Tôi muốn nằm xuống đánh một giấc. Tôi lấy chăn gối trong một cái tủ ra, trải trên chiếc sofa trong "phòng chỉnh lý" rồi tắt đèn. Đoạn tôi nằm xuống, nhắm mắt mà nghĩ về Cá thu. Tôi muốn mình thiếp đi khi vẫn đang nghĩ đến cá thu. Nó thì đã trở về với tôi. Từ nơi nào đó xa xôi, nó đã về được với tôi. Đó hẳn là một thứ hồng phúc. Nhắm mắt nằm đó, tôi nghĩ về những núm thịt mềm mềm dưới bốn chân con mèo, hai cái tai mát rượi hình tam giác, cái lưỡi hồng hồng của nó. Trong trí tôi, Cá thu năm cuộn tròn ngủ yên lành. Tôi nghe hơi ấm của nó trên lòng bàn tay tôi. Tôi nghe được nhịp thở đều đặn của nó. Thần kinh tôi đang bị kích động hơn nhiều so với bình thường, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã ngủ, một giấc ngủ sâu không mộng mị.

Tôi sực tỉnh lúc nửa đêm. Dường như tôi nghe thấy tiếng lục lạc từ đâu đó xa xa, như âm thanh nền trong một bản nhạc Giáng sinh.

Tiếng lục lạc ư?

Tôi ngồi dậy trên sofa, mò mẫm tìm chiếc đồng hồ đặt trên bàn cà phê. Kim đồng hồ có dạ quang chỉ 1 giờ 30. Không ngờ tôi lại ngủ ngon đến thế. Tôi ngồi yên lắng nghe, nhưng âm thanh duy nhất nghe được là tiếng đập nho nhỏ, khô khan của chính trái tim tôi. Chắc hẳn tôi chỉ tưởng tượng ra tiếng lục lạc ấy thôi. Có khi ấy chỉ là do nằm mơ. Dẫu sao tôi vẫn quyết định kiểm tra một vòng quanh nhà. Tôi xỏ chân vào dép rồi rón rén xuống bếp. Càng đi xa khỏi phòng, âm thanh đó nghe càng rõ. Quả thật là như tiếng lục lạc, dường như phát ra từ phòng làm việc của Quế. Tôi đứng một lúc bên cánh cửa, lắng nghe, rồi gõ cửa. Nhưng không có tiếng trả lời. Tôi mở hé cửa dòm vào trong.

Đâu đó trong bóng tối, ngang tầm thắt lưng, có một mảng ánh sáng trăng trắng hình vuông. Đó là ánh sáng của màn hình máy vi tính, còn tiếng lục lạc là tiếng bíp lặp đi lặp lại của máy (một kiểu tiếng bíp khác, trước giờ tôi chưa nghe). Máy tính đang gọi tôi. Như thể bị ai kéo, tôi ngồi xuống trước màn hình đang tỏa sáng và đọc thấy thông điệp sau"

Bây giờ bạn có quyền truy cập chương trình "Biên niên ký sự của chim vặn dây cót". Chọn một tài liệu . (1-16)

Ai đó đã bật máy lên và truy cập vào các tài liệu có nhan đề "Biên niên ký sự của chim vặn dây cót". Chẳng còn ai khác trong nhà này ngoài tôi ra. Liệu có thể ai đó đã khởi động hệ thống từ bên ngoài chăng? Nếu có, đấy chỉ có thể là Quế. "Biên niên ký sự của chim vặn dây cót" ư?

Ánh sáng, và cái âm thanh vui vẻ nghe như tiếng lục lạc, vẫn tiếp tục phát ra từ chiếc máy, cứ như vào buổi sáng giáng sinh. Dường như nó đang giục tôi lựa chọn. Ngần ngừ một chút, tôi chọn số 8, chẳng vì lý do gì đặc biệt. Lập tức tiếng chuông dứt, và một tài liệu mở ra trên màn hình như một bức tranh cuộn trải ra theo chiều ngang trước mắt tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

88#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:45:09 | Chỉ xem của tác giả


Chương 26
Biên Niên Ký Sự Số 8 Của Chim Vặn Dây Cót
(Hay Cuộc Thảm Sát Vụng Về Thứ Hai)


Chưa tới 6 giờ sáng, viên bác sĩ thú y người Nhật đã thức giấc. Rửa mặt bằng nước lạnh xong, anh làm bữa điểm tâm. Mùa hè trời rạng sớm, hầu hết thú trong vườn thú Tân Kinh đã dậy rồi. Cửa sổ mở để lọt vào tiếng kêu của bầy thú, cùng với làn gió mang theo mùi của chúng, cái mùi giúp cho anh biết thời tiết mà không phải nhìn ra ngoài. Đó là một phần thủ tục hàng ngày của anh ở Mãn Châu: lắng nghe, sau đó hít bầu không khí buổi sáng, thế là anh đã sẵn sàng cho một ngày mới.

Tuy nhiên, hôm nay phải khác hẳn ngày hôm trước. Không thể không khác. Quá nhiều giọng, quá nhiều mùi đã không còn nữa! Hổ, báo, sói, gấu, tất cả đã bị thanh trừng bởi những người lính chiều hôm trước. Giờ đây, sau khi ngủ một đêm, viên bác sĩ thú y cảm thấy như những sự kiện đó là một phần của cơn ác mộng lờ đờ mà anh đã mơ từ lâu, lâu lắm. Nhưng anh biết, những sự kiện đó thực sự đã xảy ra. Tai anh vẫn còn đau âm ỉ vì tiếng gầm của những họng súng. Đó không thể là giấc mơ được. Giờ đang là tháng Tám năm 1945, và anh đang ở đây, thành phố Tân Kinh; quân đội Xô Viết đã tràn qua biên giới và mỗi giờ một áp sát hơn. Đây là thực tại - cũng thực như cái chậu và bàn chải răng mà anh đang thấy trước mặt mình.

Tiếng rống của lũ voi khiến anh thấy nhẹ lòng đôi chút. À vâng, lũ voi thì sống sót. May thay, viên trung úy trẻ đảm trách nhiệm vụ ngày hôm qua vẫn còn sự nhạy cảm thông thường của con người để loại lũ voi ra khỏi danh sách bị thanh trừng, bác sĩ thú y vừa rửa mặt vừa nghĩ. Từ khi tới Mãn Châu, anh đã gặp vô khối những tay sĩ quan trẻ kiêu ngạo và cuồng tín đến từ đất nước anh, và những cuộc gặp đó luôn luôn khiến anh sửng sốt. Hầu hết bọn họ là con nhà nông, tuổi niên thiếu của họ trôi qua trong thời kỳ suy thoái những năm 30, chìm trong thảm kịch đói nghèo, lại bị nhồi sọ bởi một chủ nghĩa dân tộc tự cao tự đại. Họ sẵn sàng tuân lệnh cấp trên mà không suy nghĩ, dù lệnh đó có kỳ quặc đến đâu. Nếu nhân danh Thiên Hoàng người ta ra lệnh cho họ đào một cái lỗ xuyên qua trái đất tới Brazil, họ sẽ chộp lấy xẻng đào ngay. Một số người gọi đây là "sự thuần khiết", nhưng viên bác sĩ thú y có từ khác để gọi nó. Là con trai một bác sĩ ở thành thị, được giáo dục trong môi trường tương đối tự do của Nhật Bản trong thập niên 1920, viên bác sĩ thú y không bao giờ hiểu được những tay sĩ quan trẻ đó. Bắn chết dăm con voi lẽ ra còn dễ hơn nhiều so với đào hầm xuyên trái đất tới Brazil, nhưng gã trung úy ngày hôm qua, mặc dù nói năng hơi nhuốm giọng nhà quê, dường như là một kẻ mang nhiều tính người hơn so với những tay sĩ quan khác - có giáo dục hơn và biết suy xét hơn. Bác sĩ thú y cảm nhận được điều đó qua cách ăn nói và cư xử của người sĩ quan này.

Dù thế nào đi nữa, lũ voi đã không bị giết, và bác sĩ thú y tự nhủ, có lẽ anh cần phải biết ơn về điều ấy. Cả những người lính ắt cũng vui vì khỏi phải làm việc đó. Các công nhân Trung Hoa thì hẳn là tiếc hùi hụi vì lũ voi đã được tha mạng, không thì họ đã có thể tha hồ xẻ thịt và lấy ngà voi.

Bác sĩ thú y đun nước, thấm ướt râu bằng một cái khăn nóng rồi cạo râu. Sau đó anh ăn điểm tâm một mình: trà, bánh mì và bơ. Suất ăn ở Mãn Châu còn lâu mới đủ no, nhưng so với những nơi khác thì vẫn còn hậu hĩ lắm. Đây là tin tốt lành cho cả anh lẫn lũ thú. Bọn thú tỏ ra phẫn nộ khi phần ăn của chúng bị cắt giảm, nhưng tình hình ở đây còn tốt chán so với các sở thú ở quê nhà Nhật Bản, nơi nguồn thức ăn đã cạn kiệt đến mức không thể nào cạn kiệt hơn. Không ai tiên đoán được tương lai, nhưng ít nhất là hiện giờ, cả vật lẫn người đều chưa đến nỗi quá đói ăn.

Anh tự hỏi giờ này vợ và con gái đang làm gì. Họ đã trở về Nhật từ mấy hôm trước, nếu xuôi chèo mát mái thì giờ này chuyến tàu chở họ hẳn đã đến bờ biển Triều Tiên. Sau đó họ sẽ lên tàu biển về Nhật. Bác sĩ thèm được nhìn thấy họ như anh vẫn thấy mỗi buổi sáng khi thức dậy. Anh thèm được nghe giọng nói liến thoắng của hai mẹ con khi họ chuẩn bị bữa điểm tâm. Một sự im lặng trống rỗng ngự trị căn nhà. Đây không còn là căn nhà mà anh từng yêu thương, nơi chốn mà anh từng là một phần của nó. Thế mà hiện giờ anh lại không thể không cảm thấy một niềm vui kỳ lạ khi được ở lại một mình trong cái chốn cư ngụ chính thức trống trơ này, giờ đây anh có thể cảm nhận được trong chính xương thịt mình cái sức mạnh bất khả cưỡng của số mệnh.

Số mệnh ở đây là căn bệnh chết người của chính viên bác sĩ thú y. Từ khi còn trẻ, anh đã có một nhận thức minh bạch kỳ lạ rằng "ta, với tư cách cá nhân, đang sống dưới sự kiểm soát của một thế lực ở bên ngoài ta". Đây hẳn là vì vết bầm màu xanh dương sống động trên má phải của anh. Từ nhỏ, anh đã căm ghét vết bầm, cái dấu ấn này chỉ mình anh chứ không ai khác phải mang trên da thịt. Mỗi khi những đứa trẻ khác chòng ghẹo anh hay người lạ nhìn chằm chặp vào anh, anh chỉ muốn chết quách cho xong. Giá như có thể lấy dao cắt phăng phần cơ thể đó của mình đi thì tốt biết mấy! Nhưng khi trưởng thành, anh dần lặng lẽ chấp nhận vết bầm trên mặt mình, rằng "nó sẽ chẳng bao giờ biến đi cả". Đây có thể là một nhân tố giúp anh hình thành nên một thái độ điềm tĩnh trước tất cả những gì liên quan đến số mệnh.

Hầu như bất cứ lúc nào, uy lực của số mệnh cứ dai dẳng như một bè đệm êm ả và đơn điệu chỉ tô thêm sắc màu cho những đường viền của cuộc đời anh. Hiếm khi anh nhớ tới sự tồn tại của nó. Nhưng cứ từng lúc, đột ngột, thế cân bằng thay đổi (mà cái gì điều khiển thế cân bằng đó thì anh không hề biết: anh không phát hiện được sự đều đặn lặp lại nào trong sự thay đổi đó); cái lực đó thường tăng lên, nhấn anh vào một trạng thái cam chịu gần như tê liệt. Những lúc đó, anh không có cách nào khác ngoài từ bỏ tất cả và phó mặc mình cho dòng chảy. Bằng kinh nghiệm anh biết, anh không thể làm hay nghĩ ra bất cứ cái gì để thay đổi tình thế. Số mệnh sẽ đòi phần của nó, và chừng nào chưa nhận được phần mình, nó sẽ không đi đâu cả. Anh tin chắc điều đó.

Chẳng phải vì anh là kẻ thụ động, thật ra, anh là người quyết đoán hơn hầu hết kẻ khác, anh luôn luôn thông suốt trong quyết định của mình. Trong nghề nghiệp cũng vậy, anh là người xuất chúng: một bác sĩ thú y có kỹ năng tuyệt vời, một nhà giáo dục không mệt mỏi. Có thể anh thiếu chút gì đó sáng tạo, nhưng hồi còn đi học anh luôn giành điểm cao và thường được chọn là học sinh đầu lớp. Ở nơi làm việc cũng vậy, ai cũng nhìn nhận rằng anh là người vượt trội, những người dưới đều ngưỡng mộ anh. Nhất định anh không phải là người theo thuyết định mệnh theo nghĩa người ta thường nghĩ. Thế nhưng, chưa bao giờ anh được nếm trải niềm xác tín vững chãi rằng chính anh chứ không phải ai khác là người quyết định mọi việc. Anh luôn luôn có cảm giác rằng chính số mệnh đã buộc anh phải quyết định việc này việc kia miễn sao lợi cho nó. Thảng hoặc, sau phút chốc hài lòng rằng mình đã quyết định điều gì đó bằng ý chí tự do, anh mới nhận ra rằng mọi việc đã được định đoạt từ trước bằng một thế lực ngoại tại nguỵ trang một cách khôn ngoan thành ý chí tự do, ấy chỉ là miếng mồi ném ra trước mặt anh để nhử cho anh hành xử như thể đó là do ý của chính anh. Những việc duy nhất anh đã tự mình quyết định một cách hoàn toàn độc lập thảy đều là những chuyện vặt vãnh mà nếu xét kỹ sẽ thấy thật ra chẳng cần phải quyết định gì hết. Anh thấy mình như một quốc vương trên danh nghĩa, chẳng biết làm gì khác ngoài việc ấn con triện hoàng gia lên các văn kiện theo lệnh một quan nhiếp chính, kẻ thật sự thao túng quyền lực trong vương quốc - khác nào vị hoàng đế của cái đế quốc bù nhìn Mãn Châu này.

Bác sĩ yêu vợ và con gái. Có vợ con là điều tuyệt diệu nhất từng xảy đến với anh, đặc biệt là con gái, người mà anh yêu đến gần như mê muội. Vì họ, anh có thể vui lòng hy sinh tính mạng mình. Mà thật, anh vẫn thường tưởng tượng như vậy, và trong tâm trí anh, những cái chết mà anh đã hứng chịu vì vợ con dường như là những cái chết ngọt ngào nhất người ta có thể tưởng tượng ra. Thế nhưng, mỗi khi đi làm về, nhìn thấy hai mẹ con, anh lại tự nhủ: Nói cho cùng, những kẻ này là những con người riêng biệt, mỗi người một cõi, ta không có mối liên hệ nào với họ hết. Họ là một cái gì đó khác mà anh không thực sự hiểu, tồn tại ở nơi nào đó rất xa bên ngoài anh. Và mỗi khi cảm thấy như vậy, anh lại thoáng qua ý nghĩ rằng thực ra anh đã không hề tự chọn lấy người này hay người nọ cho bản thân; tuy nhiên, điều đó không ngăn anh yêu thương họ vô điều kiện, quên mình. Đối với viên bác sĩ, đây là một nghịch lý lớn, một mâu thuẫn không thể giải quyết được, là cái bẫy khổng lồ giăng sẵn cho suốt cuộc đời anh.

Tuy nhiên, khi còn trơ lại một mình ở căn nhà trong vườn thú, anh cảm thấy cái thế giới mà mình thuộc về đã trở nên đơn giản hơn, dễ hiểu hơn nhiều. Giờ anh chỉ còn mỗi việc chăm nom lũ thú. Vợ con đã đi rồi. Không cần nghĩ về họ nữa. Viên bác sĩ có thể ở một mình cùng định mệnh.

Mà trên tất cả, chính định mệnh, cái uy lực to lớn của định mệnh, chính nó mới là cái cầm chịch nơi đây, chứ không phải đội quân Quan Đông, không phải quân đội Xô Viết, không phải quân của Đảng cộng sản Trung Quốc hay của Quốc dân đảng. Ai cũng có thể thấy rằng chính định mệnh là chúa tể nơi đây, còn ý chí cá nhân chẳng là cái quái gì. Hôm trước, chính định mệnh đã tha mạng cho lũ voi nhưng chôn vùi lũ hổ, báo, sói và gấu. Còn hôm nay nó sẽ chôn vùi ai, và sẽ tha mạng cho ai? Đó là những câu hỏi không người nào có thể trả lời.

Viên bác sĩ thú y rời nhà để chuẩn bị cho bầy thú ăn sáng. Cứ đinh ninh sẽ chẳng ma nào tới làm việc nữa, nhưng anh lại gặp hai thằng bé Trung Hoa đang đợi anh ở văn phòng. Anh không biết chúng. Hai đứa trạc mười ba, mười bốn tuổi, gày gò, da đen xỉn, cặp mắt thú láo liên. "Người ta bảo tụi cháu giúp ông", một đứa nói. Viên bác sĩ gật đầu. Anh hỏi tên chúng, nhưng hai đứa không trả lời. Gương mặt chúng vô cảm, như không hề nghe thấy câu hỏi. Hiển nhiên là hai đứa trẻ này do mấy người Trung Hoa vẫn còn làm việc ở đây cho tới ngày hôm qua cử đến. Có lẽ giờ đây những người đó đã chấm dứt mọi tiếp xúc với người Nhật để chờ chế độ mới, nhưng họ cho rằng trẻ con thì chắc sẽ không bị người ta hạch tội. Bọn trẻ được cử tới như một cử chỉ thiện chí. Các công nhân biết rằng bác sĩ sẽ không thể một mình xoay xở cho lũ thú ăn.

Viên bác sĩ cho mỗi đứa trẻ hai cái bánh quy, rồi cắt đặt công việc để chúng giúp anh cho lũ thú ăn. Họ dắt một chiếc xe la kéo từ chuồng này qua chuồng nọ, cho từng con thú ăn thức ăn dành riêng cho chúng và thay nước. Lau rửa chuồng thì họ không làm. Giỏi lắm họ chỉ có thể lấy vòi phun qua loa cho sạch phân. Nói gì thì nói, vườn thú đang đóng cửa nên dù có khăm khẳm một chút thì cũng chẳng ai than phiền.

Hoá ra nhờ không còn hổ, báo, gấu và sói mà công việc lại nhẹ đi rất nhiều. Chăm sóc lũ thú ăn thịt cỡ lớn vừa rất vất vả lại vừa nguy hiểm. Dù viên bác sĩ cảm thấy bứt rứt đến đâu khi bước ngang qua dãy chuồng của chúng nay trống rỗng, anh vẫn không nén được cảm giác nhẹ nhõm do không còn phải làm cái công việc kia.

Họ bắt đầu làm từ tám giờ và kết thúc lúc mười giờ hơn. Sau đó bọn trẻ biến mất mà không nói một lời. Bác sĩ cảm thấy kiệt sức vì làm việc vất vả. Anh quay lại văn phòng để báo cáo với giám đốc vườn thú rằng bọn thú đã được cho ăn.

° ° °


Ngay trước buổi trưa, viên trung uý quay lại vườn thú cùng với chính tám người lính mà y đã mang tới hôm qua. Cũng lại võ trang đầy mình, họ đi đến đâu là súng ống va leng keng đến đấy, người chưa xuất hiện mà từ xa đã nghe thấy tiếng. Áo họ lại cũng đen nhẻm vì mồ hôi. Ve sầu cũng kêu râm ran trên cây giống hôm qua. Tuy nhiên, hôm nay toán lính tới đây không phải để giết thú. Viên trung uý giơ tay chào giám đốc vườn thú rồi nói: "Chúng tôi cần biết tình hình vườn thú hiện nay còn bao nhiêu xe kéo và vật kéo có thể sử dụng được". Giám đốc cho y hay, vườn thú có đúng một con la và một cái xe. "Hai tuần trước chúng tôi đã đóng góp cho quân đội chiếc xe tải duy nhất cùng hai con ngựa", ông ta lưu ý. Viên trung uý gật đầu và thông báo rằng y sẽ trưng dụng ngay con la cùng chiếc xe, theo lệnh của Bộ Tư lệnh đội quân Quan Đông.

- Đợi một chút, - viên bác sĩ thú y cắt ngang. - Chúng tôi cần cái xe với con la để cho thú ăn hai lần một ngày. Đám công nhân người địa phương của chúng tôi đi cả rồi. Không có con la với cái xe thì bọn thú sẽ chết đói. Dù có đi nữa thì chúng tôi cũng đã khó lòng trụ được rồi.

- Tất cả chúng ta đều khó lòng trụ được, thưa ông, - trung uý nói, cặp mắt đỏ ngầu, mặt lởm chởm râu ria. - Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo vệ thành phố. Ông có thể thả bọn thú ra khỏi chuồng bất cứ lúc nào nếu cần. Chúng tôi đã thanh toán xong đám thú ăn thịt nguy hiểm. Lũ còn lại thì chẳng gây hại cho ai. Đây là quân lệnh, thưa ông. Ông phải tự xoay xở lấy thôi.

Viên trung uý cắt ngang cuộc trò chuyện và ra lệnh cho binh lính đi lấy con la và chiếc xe. Khi họ đã đi khỏi, bác sĩ thú y và giám đốc vườn thú nhìn nhau. Giám đốc nhấp trà, lắc đầu, không nói gì.

Bốn tiếng đồng hồ sau, đám lính quay lại dẫn theo con la và chiếc xe goòng, trong xe có chất cái gì đó lù lù trồi lên, phủ kín bằng một tấm vải bạt dày. Con la thở hổn hển, sùi bọt mép vì cái nắng chang chang và phải kéo quá sức. Tám người lính dùng lưỡi lê điệu bốn người Trung Quốc đi đằng trước - đó là những người rất trẻ, hẳn chỉ độ hai mươi tuổi, mặc đồng phục bóng chày, tay trói quặt sau lưng. Những vết bầm tím trên mặt cho thấy rõ họ đã bị đánh tơi bời. Mắt phải của một người sưng húp đến nỗi hầu như nhắm tịt lại, người khác môi còn rỉ máu loang đỏ ối cả chiếc áo bóng chày màu sáng. Ngực áo họ không ghi chữ nào, nhưng có những hình chữ nhật nhỏ nơi mà bảng tên đã bị giật ra. Con số trên lưng họ là 1, 4, 7 và 9. Viên bác sĩ thú y không thể nào hình dung vì sao, tại đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng này, bốn gã trai Trung Quốc kia lại mặc đồng phục bóng chày, hoặc vì sao họ bị đánh tơi bời và bị toán lính Nhật điệu tới đây. Quang cảnh có vẻ như không thuộc về thế giới này, mà là tranh vẽ của một bệnh nhân tâm thần.

Viên trung uý hỏi mượn giám đốc vườn thú vài cái cuốc, xẻng. Trông y còn xanh xao phờ phạc hơn trước. Bác sĩ dẫn y cùng đám lính tới chỗ giá để dụng cụ ở phía sau văn phòng. Viên trung uý chọn hai cái cuốc và hai cái xẻng cho toán lính. Rồi y bảo bác sĩ đi cùng y. Sau đó, bỏ đám lính lại, y đi về phía một bụi cây phía bên kia đường. Viên bác sĩ thú y theo sau. Viên trung uý đi tới đâu, những con châu chấu to đùng túa ra tán loạn tới đó. Mùi cỏ mùa hè thoảng trong không khí. Lẫn trong tiếng ve sầu kêu đinh tai, tiếng rống the thé của lũ voi từng chặp vẳng tới như một lời cảnh báo xa xăm.

Viên trung uý lẳng lặng đi giữa những hàng cây, cho đến khi tìm thấy một khoảng đất trống giữa khu rừng. Khu vực này đã được lát đá để xây một quảng trường dành riêng nuôi những con thú nhỏ cho trẻ con chơi. Tuy nhiên kế hoạch đó đã bị hoãn vô thời hạn do tình hình chiến sự ngày càng tồi tệ khiến vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm. Cây cối đã bị dọn quang tạo thành một khoảnh đất tròn trơ trụi, mặt trời rọi sáng cái khoảnh đất này trong khu rừng như ánh đèn sân khấu. Viên trung uý đứng ngay giữa vòng tròn đó mà đưa mắt nhìn quanh. Rồi y sục sục gót giày xuống đất.

- Chúng tôi sẽ đóng quân ở đây một thời gian. - y vừa nói vừa quỳ gối xuống lấy tay vốc một nắm đất.

Bác sĩ thú y gật đầu để trả lời. Anh không hiểu nổi vì sao người ta lại phải đóng quân trong vườn thú, nhưng anh quyết định không hỏi. Ở Tân Kinh này, kinh nghiệm đã dạy anh chớ bao giờ đặt câu hỏi với đám quân nhân. Những câu hỏi chỉ tổ làm họ nổi giận, và trong bất cứ trường hợp nào họ cũng không bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi.

"Đầu tiên chúng tôi đào một cái lỗ to ở đây", viên trung uý nói như với chính mình. Y đứng dậy rút một gói thuốc lá từ trong ngực áo. Vừa cho một điếu lên mồm, y vừa mời viên bác sĩ thú y một điếu, sau đó y đánh diêm châm lửa cho cả hai. Hai người tập trung hút để lấp đầy sự im lặng. Viên trung uý lại lấy giày sục xuống mặt đất. Y vẽ một hình gì đó trên mặt đất rồi xoá đi. Cuối cùng, y hỏi viên bác sĩ thú y: "Anh sinh ở đâu?".

- Ở Kanawaga, - Bác sĩ nói. - Tại một thị trấn gọi là Ofuna, gần biển, cách Tokyo chừng một hai giờ xe.

Viên trung uý gật đầu.

- Còn anh sinh ở đâu? - Bác sĩ thú y hỏi.

Thay vì trả lời, viên trung uý nheo mắt nhìn sợi khói bay lên từ giữa những ngón tay y. Không, đặt câu hỏi cho một quân nhân thì chẳng bao giờ được gì hết, bác sĩ thú y tự nhủ một lần nữa. Họ thích đặt câu hỏi nhưng họ sẽ không bao giờ trả lời anh. Có hỏi họ bây giờ là mấy giờ họ cũng không trả lời, thật sự là vậy.

- Ở đó có một xưởng phim, - viên trung uý nói.

Phải mất mấy giây bác sĩ thú y mới hiểu ra rằng tay trung uý đang nói về Ofuna. "Đúng vậy, một xưởng phim lớn. Nhưng tôi chưa vào đó bao giờ".

Viên trung uý thả điếu thuốc hút dở xuống mặt đất rồi dí chân lên.

- Tôi hy vọng anh sẽ có thể quay về đó, - y nói. - Dĩ nhiên, từ đây về Nhật Bản còn phải băng qua một đại dương. Có lẽ tất cả chúng ta sẽ chết ở đây. - Y vừa nói vừa nhìn đăm đăm xuống đất. - Nói tôi nghe, bác sĩ, anh có sợ chết không?

- Tôi cho rằng còn tuỳ anh chết theo cách nào, - viên bác sĩ thú y nói sau một thoáng suy nghĩ.

Trung uý ngước mắt lên nhìn viên bác sĩ như thể bị khơi gợi trí tò mò. Rõ ràng là y chờ đợi một câu trả lời khác. - Anh nói đúng, - y nói. - Điều đó còn tuỳ anh chết theo cách nào.

Hai người im lặng một lát. Nom bộ dạng viên trung uý, y có thể đứng nguyên vậy mà ngủ gục tới nơi. Rõ ràng y đã sức cùng lực kiệt. Một con châu chấu to lạ lùng đập cánh vù vù bay qua trên đầu họ như một con chim rồi biến mất trong một bụi cỏ đằng xa. Trung uý liếc đồng hồ.

- Tới giờ rồi, - y nói mà không rõ là với ai. Rồi y bảo với viên bác sĩ thú y. - Tôi muốn anh ở lại đây một lát. Có thể tôi sẽ nhờ anh làm một việc.

Viên bác sĩ thú y gật đầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

89#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:51:05 | Chỉ xem của tác giả


Đám lính dẫn các tù nhân Trung Hoa ra khoảng trống trong rừng rồi tháo dây trói. Tay hạ sĩ dùng gậy bóng chày vẽ một vòng tròn trên mặt đất - viên bác sĩ thú y lại thấy thêm một điều huyền bí: tại sao người lính lại có cây gậy bóng chày - rồi dùng tiếng Nhật ra lệnh những người tù đào một cái hố sâu có kích thước bằng vòng tròn đó. Bốn người đàn ông mặc đồng phục bóng chày dùng cuốc xẻng lẳng lặng đào. Phân nửa đội lính Nhật canh chừng đám tù nhân, nửa kia nằm dài ra dưới bóng cây. Dường như họ đang buồn ngủ đến chết được, vừa đặt lưng xuống đất, họ liền ngáy ngay tức thì. Bốn người lính còn lại vẫn thức canh chừng việc đào hố, súng gác ngang hông, mũi lê cắm đầu họng súng, sẵn sàng sử dụng ngay lập tức. Viên trung uý và viên hạ sĩ thay phiên nhau, người giám sát công việc, kẻ tranh thủ chợp mắt dưới bóng cây.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ, bốn tù nhân Trung Hoa đã đào xong một cái hố đường kính khoảng bốn mét, sâu tới cổ. Một người hỏi xin nước bằng tiếng Nhật. Viên trung uý gật đầu, tên lính liền xách lại một xô nước đầy. Bốn người Trung Hoa lần lượt tợp nước trong xô, nốc ừng ực, vẻ khoan khoái ra mặt. Họ gần như uống cạn cả xô nước. Đồng phục họ mặc gần như đen nhẻm máu, bùn và mồ hôi.

Viên trung uý ra lệnh cho hai người lính kéo chiếc xe goòng tới gần cái hố. Tay hạ sĩ giật tấm vải bạt ra để lộ bốn xác chết chất đống trong xe. Mấy cái xác cũng mặc đồng phục bóng chày như các tù nhân, và hiển nhiên cũng là người Trung Hoa. Hẳn là họ đã bị bắn chết, đồng phục của họ nhoè nhoẹt máu đen kịt. Những con ruồi to tướng bắt đầu bâu lấy đống xác. Xét qua những chỗ máu đông, bác sĩ đoán rằng họ đã chết được khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Viên trung uý ra lệnh cho bốn tù nhân Trung Hoa ném mấy tử thi xuống cái hố họ vừa đào xong. Mặt trắng bệch, chẳng nói chẳng rằng, các tù nhân lôi mấy cái xác ra khỏi chiếc xe goòng rồi ném từng cái một xuống hố. Mỗi cái xác rơi chạm đất đánh bịch một tiếng trầm đục. Con số in trên đồng phục của mấy người chết là 2, 5, 6 và 8. Viên bác sĩ thú y ghi nhớ mấy con số.

Khi mấy người Trung Hoa đã ném xác xuống hố xong, mấy tên lính trói mỗi người vào một gốc cây gần đó. Viên trung uý chìa cổ tay ra nhìn đồng hồ với vẻ nghiêm trang. Rồi y ngẩng lên nhìn hồi lâu một điểm trên bầu trời như thể tìm cái gì ở đó. Y giống như tay trưởng nhà ga đứng trên sân ga đợi một đoàn tàu đã quá trễ giờ. Nhưng thật ra y chẳng nhìn gì hết. Y chỉ muốn để cho một khoảng thời gian nào đó trôi qua. Thời gian chờ đợi đã qua, y quay về phía viên hạ sĩ và cộc lốc ra lệnh đâm chết ba trong bốn tù nhân - mang số 1, 7 và 9 - bằng lưỡi lê.

Ba binh sĩ được chọn ra để đứng vào vị trí trước mặt ba người Trung Hoa. Mấy người lính thậm chí còn xanh xao hơn cả những kẻ mà họ sắp sửa giết. Mấy người Trung Hoa có vẻ mệt mỏi tới mức không còn trông mong bất cứ cái gì. Viên hạ sĩ mời mỗi người một điếu thuốc, nhưng họ từ chối. Y đút gói thuốc vào lại túi áo.

Tay trung uý kéo viên bác sĩ thú y ra đứng cách những người lính khác một quãng. "Anh nên xem vụ này", y nói. "Đây là một cách chết khác".

Bác sĩ gật đầu. Tay trung uý không nói câu này với mình, anh nghĩ. Y đang nói với chính y.

Bằng giọng dịu dàng, viên trung uý giải thích: "Bắn có lẽ là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giết chúng, nhưng chúng tôi được lệnh không phí phạm dù chỉ một viên đạn, nhất là không được phí đạn để giết người Trung Hoa. Chúng tôi phải để dành đạn cho bọn Nga. Bọn này chúng tôi chỉ giết bằng lưỡi lê, nghe thì dễ, nhưng không phải đâu. Mà này, bác sĩ, trong quân đội người ta có dạy anh cách dùng lưỡi lê không?

Viên bác sĩ giải thích rằng anh là bác sĩ thú y nên không được huấn luyện dùng lưỡi lê.

- Giết người bằng lưỡi lê cho đúng cách thì phải làm thế này: Trước tiên, phải thọc lưỡi lê vào dưới xương sườn, ở đây này. - Viên trung uý chỉ vào thân thể chính mình, ngay phía trên dạ dày. - Kế đó phải ngoáy lưỡi lê thành một vòng tròn rộng, sâu bên trong cơ thể tử tội, để xáo tung các cơ quan nội tạng. Sau đó thì thọc lên trên để đâm thủng tim. Đừng mong chỉ thọc lưỡi lê vào mà hắn chết được. Lính tráng chúng tôi được người ta dạy tới điều này không biết bao nhiêu lần. Đánh nhau tay đôi bằng lưỡi lê và tập kích ban đêm là niềm tự hào của quân đội Thiên Hoàng, mặc dù chủ yếu vì đánh nhau kiểu này rẻ hơn nhiều so với xe tăng, máy bay và đại bác. Dĩ nhiên, huấn luyện gì mà chẳng được, nhưng nói gì thì nói, anh cũng chỉ đâm một con búp bê nhồi rơm chứ đâu phải một thằng người thật. Nó không chảy máu, không biết thét lên, cũng không đổ ruột xuống đất. Mấy thằng lính đây đã bao giờ thật sự giết người bằng cách này đâu. Tôi cũng chưa hề.

Viên trung uý nhìn tay hạ sĩ và gật đầu. Viên hạ sĩ quát to ra lệnh cho ba tên lính vừa lập tức lấy tư thế nghiêm. Thế rồi ba tên lính lùi lại nửa bước và chĩa lưỡi lê ra, hướng mũi lê về phía vào mỗi người tù. Một trong ba người Trung Hoa (số 7) gầm gừ mấy chữ bằng tiếng Trung Hoa nghe như một lời rủa và nhổ nước bọt với vẻ ngang tàng - đống nước bọt chẳng bao giờ chạm đất mà dây rớt vào vạt trước bộ đồng phục bóng chày của anh ta.

Nghe lệnh kế tiếp, ba tên lính vận hết sức bình sinh thọc lưỡi lê vào mình mấy người Trung Hoa. Sau đó, như viên trung uý đã nói, họ ngoáy lưỡi lê để xé toạc lục phủ ngũ tạng các tù nhân, rồi thọc mũi lê về phía trên. Tiếng kêu của mấy người Trung Hoa không quá to; chúng giống như những tiếng nấc trầm trầm hơn là tiếng thét, như thể họ đang trút sạch ra ngoài toàn bộ hơi thở còn sót lại trong người qua một lỗ thoát duy nhất. Đám lính rút lưỡi lê ra, lùi lại. Viên hạ sĩ lại quát to ra lệnh, và đám lính lại lặp lại quy trình giống hệt như trước - thọc, ngoáy, chọc lên trên, rút ra. Viên bác sĩ thú y chết lặng nhìn cảnh đó, bị choáng ngợp bởi cảm giác mình đang bắt đầu bị tách làm hai. Anh đồng thời trở thành kẻ đâm và kẻ bị đâm. Anh có thể cảm thấy cả tác động của lưỡi lê khi nó thọc vào cơ thể nạn nhân lẫn cái đau khi tạng phủ của chính mình bị xé thành từng mảnh.

Mấy người Trung Hoa lâu chết hơn anh tưởng nhiều. Thân thể họ bị xé toang, tuôn máu xối xả lên mặt đất, nhưng thậm chí dù nội tạng đã bị xé ra từng mảnh, họ vẫn khẽ giật giật thêm hồi lâu. Tay hạ sĩ dùng lưỡi lê của chính mình để cắt dây thừng trói những người đàn ông vào mấy gốc cây, sau đó y hạ lệnh cho mấy tên lính nãy giờ không tham gia vào việc hạ sát lôi những cái xác vừa sụm xuống đất kia mà vứt xuống hố. Những cái xác này khi chạm đáy hố cũng phát ra một tiếng đùng đục, nhưng bác sĩ không khỏi cảm thấy âm thanh này khác với âm thanh phát ra bởi mấy cái xác trước kia. Có lẽ vì những người này chưa chết hẳn.

Giờ chỉ còn sót lại người tù Trung Hoa trẻ tuổi mang áo số 4. Ba người lính mặt tái nhợt xé lá dưới chân chùi lấy chùi để những lưỡi lê đẫm máu. Lưỡi lê không chỉ nhuộm máu mà còn vấy những chất lỏng cơ thể có mầu sắc kỳ lạ và dính những tảng thịt. Đám lính phải dùng rất nhiều lá mới trả được những lưỡi lê về màu kim loại trơn ban đầu.

Viên bác sĩ thú y tự hỏi tại sao chỉ một mình người số 4 vẫn còn sống, nhưng anh không nói gì. Viên trung úy lấy ra thêm một điếu thuốc rồi châm lửa. Y mời bác sĩ một điếu, anh này lặng lẽ nhận, đút vào giữa hai môi rồi tự châm lửa lấy. Tay anh không run, dường như nó mất hết cảm giác, như thể anh đang mang găng tay dày.

- Mấy tên này là học viên trường Dự bị Sĩ quan Quân đội Mãn Châu quốc, - viên trung úy nói. - Chúng từ chối tham gia phòng thủ Tân Kinh. Đêm qua chúng giết hai vị thầy người Nhật rồi tìm cách bỏ trốn. Chúng tôi tóm được chúng trong khi tuần đêm, giết bốn thằng ngay tại chỗ và bắt sống bốn đứa. Trời tối thành thử có hai đứa thoát được. - Viên trung úy dùng lòng bàn tay xát râu cằm. - Chúng toan trốn thoát bằng cách mặc đồng phục bóng chày. Tôi đoán chúng cho rằng nếu bị bắt trong khi đang mặc quân phục thì sẽ bị khép vào tội đào ngũ. Hoặc có thể bọn này sợ quân đội Cộng sản sẽ làm thịt chúng nếu gặp chúng mặc quân phục Mãn Châu quốc. Dù thế nào đi nữa, ngoài đồng phục học viên sĩ quan thì ở trại cả bọn chỉ có mỗi bộ đồng phục bóng chày. Thế là chúng xé mấy cái tên in trên đó ra rồi tìm cách mặc bộ đồng phục đó chạy trốn. Tôi không rõ anh có biết việc này không, trường sĩ quan có một đội bóng chày rất cừ. Tụi nó thường sang Đài Loan và Triều Tiên thi đấu giao hữu. Thằng đó, - viên trung úy chỉ về phía gã trai đang bị trói vào thân cây, là đội trưởng và là tay đánh chính 1. Chúng tôi cho rằng cũng đích thị hắn bày ra trò đào tẩu này. Hắn giết hai ông thầy Nhật bằng một cây gậy bóng chày. Các ông thầy biết ở trại đang có chuyện lôi thôi nên sẽ chẳng bao giờ phát vũ khí cho đám học viên ngoại trừ trong trường hợp tối khẩn. Nhưng họ quên mấy cây gậy bóng chày. Cả hai người đều bị đánh toác sọ. Có lẽ họ đã chết ngay tức khắc. Hai cú đánh không chê vào đâu được. Cây gậy đó đây.

Viên trung úy ra lệnh cho hạ sĩ đem cây gậy tới. Y chuyển cây gậy cho anh bác sĩ thú y. Anh này cầm lấy bằng hai tay, chìa nó ra trước mặt, kiểu như một đấu thủ đang bước vào vị trí đánh bóng. Đó chỉ là một cây gậy bình thường, chế tác không khéo lắm, đầu tù tù, vân không đều. Tuy nhiên nó khá nặng, đã dùng nhiều. Tay cầm đen nhẻm vì mồ hôi. Trông nó không có vẻ gì là một chiếc gậy vừa được dùng để giết hai mạng người. Sau khi cảm nhận sức nặng của cây gậy, bác sĩ đưa trả cho viên trung úy. Tay này cầm lấy vụt vài cái nhẹ nhàng ra vẻ một tay chơi nhà nghề.

- Anh có chơi bóng chày không? - trung úy hỏi viên bác sĩ.

- Hồi còn nhỏ thôi.

- Giờ thì lớn quá rồi hay sao?

- Không còn bóng chày bóng chiếc gì nữa, - bác sĩ nói. Suýt nữa anh đã hỏi "Thế còn anh, trung úy?", nhưng kịp nuốt mấy chữ ấy lại.

- Tôi được lệnh đánh chết thằng này bằng chính cây gậy mà nó đã dùng, - viên trung úy vừa nói bằng giọng khô khan vừa lấy đầu gậy chọc chọc xuống đất. - Ăn miếng trả miếng. Nói riêng giữa tôi với anh thôi nhé, tôi thấy cái lệnh này thật là thối. Đi giết mấy thằng nhóc này thì lợi lộc chó gì? Chúng ta chẳng còn cái máy bay nào, tàu chiến cũng không, những đơn vị thiện chiến nhất đi tong hết rồi. Mới mấy hôm trước một thứ bom đặc biệt nào đó đã quét sạch cả thành phố Hiroshima trong có một giây. Hoặc chúng ta sẽ bị quét sạch khỏi Mãn Châu hoặc chúng ta sẽ bị giết cả lũ, rồi Trung Hoa lại thuộc về người Trung Hoa thôi. Chúng ta đã giết quá nhiều người Trung Hoa rồi, giết thêm vài mạng thì có khác gì. Nhưng lệnh là lệnh. Tôi là người lính thì phải tuân lệnh. Hôm qua chúng tôi đã giết lũ hổ và báo, hôm nay chúng tôi phải giết mấy gã trai này. Thành thử, hãy nhìn cho kỹ, bác sĩ ạ. Đây là một cách chết khác dành cho con người. Anh là bác sĩ, chắc anh đã quen với dao kéo, máu me, gan ruột, nhưng chắc hẳn anh chưa từng thấy ai bị đánh đến chết bằng gậy bóng chày.

Viên trung úy ra lệnh cho tay hạ sĩ dẫn gã số 4, tay đánh chính, đến cạnh mép hố. Một lần nữa người ta trói quặt tay anh ta sau lưng, bịt mắt rồi buộc anh quỳ xuống đất. Anh ta là một gã trai cao lớn, vạm vỡ, hai cánh tay đồ sộ to cỡ bắp đùi người thường. Viên trung úy gọi một tay lính trẻ tới, đưa cho cậu ta cây gậy. "Giết nó bằng cái này", y nói. Tay lính trẻ đứng nghiêm chào trước khi nhận cây gậy, nhưng sau khi đã cầm nó trên tay, hắn vẫn đứng đực ra như hóa đá. Dường như hắn không thể hình dung nổi cái khái niệm đánh chết một người Trung Hoa bằng một cây gậy bóng chày.

- Cậu đã bao giờ chơi bóng chày chưa? - Viên trung úy hỏi tay lính (kẻ mà rốt cuộc sẽ bị một cai tù người Xô Viết dùng xẻng đánh toác sọ trong một khu mỏ gần Irkutsk).

- Thưa ngài, chưa bao giờ, - tay lính đáp rõ to. Cả ngôi làng ở Hokkaido nơi hắn chào đời lẫn ngôi làng ở Mãn Châu nơi hắn lớn lên đều nghèo rớt mồng tơi đến nỗi cả bên này lẫn bên kia chẳng gia đình nào đủ tiền để đụng tới những thứ xa xỉ như bóng chày hay gậy bóng chày. Suốt thời niên thiếu y chạy tung tăng ngoài đồng, bắt chuồn chuồn và chơi trò đánh kiếm gậy với chúng bạn. Cả đời y chưa hề chơi bóng chày, thậm chí chưa hề xem một trận bóng chày. Đây là lần đầu tiên y cầm một cây gậy bóng chày.

Viên trung úy liền chỉ cho hắn cách cầm gậy, dạy hắn những điểm cơ bản về cách dùng gậy đánh, rồi tự mình thị phạm mấy lần. - Hiểu chưa? Quan trọng là hai bên hông, - y làu bàu, răng nghiến chặt. - Lùi lại lấy thế, rồi xoay người từ thắt lưng trở xuống. Đầu gậy sẽ tự động di chuyển theo. Hiểu chưa? Nếu tập trung quá nhiều vào việc vung gậy thì toàn bộ lực của cậu sẽ dồn vào hai cánh tay, cú đánh sẽ mất uy vũ. Phải vặn người từ dưới hông.

Tên lính xem ra không hiểu lắm những gì trung úy nói, nhưng hắn vẫn nhấc cái dụng cụ nặng trịch của hắn lên theo lệnh và vụt qua vụt lại một hồi để tập. Ai nấy đều quan sát hắn. Viên trung úy đặt tay lên tay hắn để giúp điều chỉnh tư thế cầm gậy. Y là một giáo viên cừ. Chẳng mấy chốc, cú đánh của tên lính, tuy còn đôi chút vụng về, đã vung lên mạnh mẽ trong không trung. Kỹ thuật thì tên lính còn thiếu, bù lại y có sức lực cơ bắp nhờ đã quen công việc đồng áng.

- Được rồi, - viên trung úy vừa nói vừa lấy mu bàn tay lau mồ hôi rịn ra trên lông mày. - Giờ làm đi, cố vụt một cái duy nhất cho ra trò. Đừng để nó đau đớn.

Thật ra điều y muốn nói là: "Tao cũng chẳng muốn làm việc này hơn gì mày. Ai đời lại nghĩ ra một trò ngu xuẩn như vậy cơ chứ? Giết người bằng gậy bóng chày..." Nhưng phàm là sĩ quan thì không bao giờ có thể nói như vậy với binh lính.

Tên lính bước lại phía sau người Trung Hoa bị bịt mắt đang quỳ trên mặt đất. Khi tên lính nâng gậy lên, những tia nắng chói của mặt trời đang lặn hắt cái bóng dài, bè bè của cây gậy lên mặt đất. Thật là gở, viên bác sĩ thú y nghĩ. Tay trung úy nói đúng: ta chưa bao giờ thấy ai bị giết bằng gậy bóng chày. Tên lính giữ cây gậy trên không một hồi lâu. Bác sĩ thấy đầu gậy run run.

Viên trung úy gật đầu với tay lính. Gã này hít một hơi dài, lùi lại lấy thế rồi lấy hết sức bình sinh quật cây gậy vào phía sau đầu tay học viên sĩ quan Trung Hoa. Hắn làm việc đó cừ khôi lạ lùng. Hắn xoay hông đúng hệt như viên trung úy đã dạy, nhãn hiệu của cây gậy giáng thẳng vào phía sau tai gã trai, gậy cứ thế theo sau, chính xác không chê vào đâu được. Có một âm thanh nứt gãy đùng đục, đó là hộp sọ bị vỡ. Bản thân gã trai không kêu một tiếng. Thân hình y treo trên không một hồi trong tư thế kỳ lạ rồi đổ vật về phía trước. Y nắm úp má xuống đất, máu tuôn từ một bên tai. Y không cục cựa. Viên trung úy nhìn đồng hồ. Tên lính trẻ vẫn nắm chặt cây gậy bóng chày, nhìn trân trối vào khoảng không, miệng há hốc.

Viên trung úy là người làm việc gì cũng chi li cẩn trọng. Y đợi hẳn một phút. Khi đã tin chắc gã trai Trung Hoa kia hoàn toàn không động đậy, y bèn bảo viên bác sĩ thú y: "Anh làm ơn kiểm tra xem hắn đã chết hẳn chưa".

Viên bác sĩ gật đầu, đi lại phía gã trai Trung Hoa đang nằm, quỳ xuống gỡ dải băng bịt mắt y. Mắt người đàn ông mở to, con ngươi trợn ngược, máu đỏ tươi từ trong tai túa ra. Miệng y hé mở để lộ cái lưỡi cong vẹo bên trong. Cú đánh làm cho cổ của y vặn nghiêng thành một góc kỳ lạ. Lỗ mũi y thốc ra từng bụm máu đặc, làm thành những vết ố đen sịt trên mặt đất khô. Một con ruồi đặc biệt nhạy - và đặc biệt lớn - đã bay vù vù về phía một trong hai lỗ mũi để đẻ trứng. Bác sĩ cầm lấy cổ tay y để bắt mạch, chỉ để cho chắc. Mạch không còn, dĩ nhiên không còn mạch ở chỗ lẽ ra phải có. Tên lính trẻ đã kết liễu cuộc đời gã đàn ông sức tày Hạng Võ này bằng một cú gậy bóng chày duy nhất, cú đánh đầu tiên bằng gậy bóng chày trong đời hắn. Viên bác sĩ thú y nhìn viên trung úy gật đầu, ra hiệu rằng gã đàn ông quả thật đã chết, chẳng nghi ngờ gì nữa. Làm xong nhiệm vụ, anh bắt đầu chầm chậm đứng lên khi cảm thấy mặt trời chiếu sau lưng bỗng trở nên càng chói gắt.

Đúng lúc đó, gã cầu thủ bóng chày người Trung Hoa trẻ tuổi mang số 4 ngồi dậy như vừa mới tỉnh giấc. Không một chút hồ nghi hoặc phân vân - hay có lẽ những người có mặt chỉ cảm thấy như vậy? - y túm lấy cổ tay viên bác sĩ. Mọi chuyện xảy ra trong có một giây. Viên bác sĩ không hiểu nổi; gã này đã chết, anh tin chắc điều đó. Thế mà lúc này, nhờ một giọt sức sống cuối cùng dường như vọt lên chẳng biết từ đâu, gã đàn ông đang siết cổ tay viên bác sĩ, mạnh như cái kìm thép. Mí mắt căng hết cỡ, con ngươi vẫn lộn ngược lên trên, gã trai trẻ ngã chúi xuống hố kéo theo bác sĩ. Viên bác sĩ ngã xuống bên trên y và nghe rõ tiếng xương sườn của y gãy răng rắc khi khối nặng thân thể y chạm đất. Thế mà gã cầu thủ bóng chày người Trung Hoa vẫn tiếp tục siết cổ tay anh. Những người lính thấy toàn bộ cảnh đó, nhưng họ sửng sốt đến nỗi không làm được gì khác ngoài đứng nhìn. Viên trung úy trấn tĩnh trước tiên, bèn nhảy xuống hố. Y rút súng lục ra khỏi vỏ, chĩa họng súng vào đầu gã Trung Hoa, bóp cò ba lần. Hai tiếng rắc sắc lạnh, lẫn vào nhau vang lên, một cái lỗ lớn màu đen mở hoác ra nơi thái dương gã đàn ông. Giờ thì sự sống của y đã tắt hẳn, thế nhưng y vẫn chưa chịu buông cổ tay viên bác sĩ. Trung úy quỳ xuống, một tay cầm súng, tay kia khó nhọc gỡ dần từng ngón tay của cái xác chết. Bác sĩ nằm trong hố, xung quanh là tám xác chết Trung Hoa câm lặng mặc đồng phục bóng chày. Dưới đáy hố, tiếng kêu ran ran của ve sầu nghe rất khác với ở trên mặt đất.

Sau khi viên bác sĩ thú y đã thoát khỏi bàn tay siết của người chết, bọn lính kéo anh và viên trung úy lên khỏi cái huyệt. Bác sĩ ngồi bệt xuống cỏ, thở mấy hơi thật sâu. Rồi anh nhìn cổ tay mình. Những ngón tay của gã trai để lại năm cái dấu đỏ lựng. Đang giữa buổi chiều tháng Tám nồng nực mà bác sĩ cảm thấy lạnh thấu ruột thấu gan. Ta sẽ không bao giỡ rũ được cái lạnh này nữa, anh nghĩ. Gã đàn ông đó quả thật đã ra sức lôi ta theo tới bất cứ chốn nào y tới.

Viên trung úy cài lại khóa an toàn rồi cẩn thận đút súng lục vào bao. Đây là lần đầu tiên y nã súng lục vào một con người. Nhưng y cố không nghĩ về điều đó. Chiến tranh sẽ còn tiếp diễn ít nhất là một thời gian nữa, người ta sẽ tiếp tục chết nữa. Chuyện nghiền ngẫm sâu xa này nọ, y có thể để dành về sau. Y chùi lòng bàn tay mướt mồ hôi vào quần rồi ra lệnh cho những tên lính ban nãy không tham gia hành hình lấp hố lại. Một bầy ruồi kếch xù đã đến để săn sóc đống xác chết.

Tay lính trẻ vẫn đứng trơ ra đó, như hóa đá, tay nắm chặt cây gậy bóng chày. Dường như hắn không thể nào buông tay ra. Viên trung úy và hạ sĩ để hắn đứng một mình. Có vẻ như hắn đã quan sát toàn bộ chuỗi sự kiện quái đản kia - gã Trung Hoa "đã chết" bất ngờ chộp lấy cổ tay viên bác sĩ thú y, cả hai ngã xuống cái huyệt, viên trung úy nhảy vào kết liễu đời gã Trung Hoa, còn bây giờ đám lính đang lấp hố lại. Nhưng kỳ thực hắn chẳng quan sát bất cứ cái gì. Hắn lắng nghe một con chim trên cây ở đâu đó đang kêu "Quick! Quick" như thể đang vặn một sợi dây cót. Tên lính ngước lên, cố định vị xem tiếng kêu phát ra từ hướng nào, nhưng không thấy tăm hơi gì của con chim vặn dây cót. Hắn thấy hơi buồn nôn trong cổ họng.

Trong khi nghe tiếng vặn dây cót, tên lính trẻ nhìn thấy những hình ảnh theo nhau rời rạc hiện lên rồi mờ đi trước mắt hắn. Sau khi quân Nhật bị quân đội Xô Viết tước vũ khí, tay trung úy sẽ bị bàn giao cho người Trung Hoa, y sẽ bị treo cổ vì trách nhiệm của y trong những cuộc hành hình này. Viên hạ sĩ sẽ chết vì bệnh dịch hạch tại một trại tập trung ở Siberia: hắn sẽ bị ném vào một lều cách ly rồi bỏ mặc đó đến chết, mặc dù trên thực tế hắn chỉ gục ngã vì thiếu ăn và không hề mắc bệnh dịch hạch, ít nhất là không mắc bệnh trước khi bị ném vào lều cách ly. Viên bác sĩ thú y sẽ chết vì tai nạn một năm sau: là thường dân, anh ta sẽ bị người Liên Xô đưa đi phục vụ cho quân đội, sẽ làm việc nặng nhọc ở một trại tập trung Siberia khác, anh đang làm việc ở tầng sâu trong một mỏ than Siberia thì một trận lũ sẽ cuốn phăng anh cùng với nhiều người lính. Còn mình... tên lính trẻ nghĩ, tay nắm chặt chiếc gậy bóng chày - nhưng hắn không thể nhìn thấy tương lai của chính mình. Thậm chí hắn không thể nhìn thấy những sự kiện đang xảy ra ngay trước mắt. Hắn nhắm mắt lại lắng nghe tiếng kêu của con chim vặn dây cót.

Thế rồi, bất chợt, hắn nghĩ tới đại dương - cái đại dương mà hắn nhìn thấy từ trên boong con tàu đã đưa hắn từ Nhật sang Mãn Châu tám năm về trước. Cho tới khi đó hắn chưa hề nhìn thấy đại dương, từ đó đến giờ cũng không một lần thấy lại. Hắn vẫn còn nhớ rõ mùi không khí mằn mặn. Đại dương là một trong những điều kỳ diệu nhất hắn từng thấy trong đời - lớn lao và sâu thẳm hơn bất cứ cái gì hắn từng hình dung. Nó thay đổi mầu sắc, hình dạng và sắc thái tùy theo thời điểm, nơi chốn và thời tiết. Nó làm dậy lên một nỗi buồn sâu sắc trong lòng hắn, đồng thời lại mang đến cho lòng hắn sự bình an khuây khỏa. Liệu có bao giờ hắn lại thấy biển nữa không? Hắn nới lỏng tay buông chiếc gậy bóng chày xuống đất. Cây gậy chạm đất vang lên một tiếng khô khốc. Sau khi cây gậy rời khỏi tay, hắn thấy buồn nôn hơn một chút.

Con chim vặn dây cót vẫn tiếp tục kêu, nhưng không ai khác nghe thấy tiếng kêu của nó.


° ° °


Đây là hết "Biên niên ký sự Chim vặn dây cót số 8".

--------------------------------
1.Nguyên văn: cleanup batter. Trong môn bóng chày đây là cầu thủ đánh bóng thứ tư, thường dành cho người rất khỏe mạnh, vì đòi hỏi phải vừa đánh bóng mạnh vừa chạy nhanh - ND.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

90#
 Tác giả| Đăng lúc 3-9-2012 11:55:18 | Chỉ xem của tác giả


Chương 27
Những Mắt Xích Còn Thiếu Của Quế

Đến Đây Là Hết "Biên Niên Ký Sự Của Chim Vặn Dây Cót Số 8


Tôi thoát khỏi tài liệu rồi quay về trình đơn ban đầu và nhấp vào "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 9". Tôi muốn đọc phần tiếp theo câu chuyện. Nhưng thay vì một tài liệu mới, tôi lại thấy thông điệp:

Không được phép truy cập "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 9" dựa trên Mã R24.

Hãy chọn một tài liệu khác.

Tôi chọn số 10, nhưng kết quả cũng như vậy.

Không được phép truy cập "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 10" dựa trên Mã R24.

Hãy chọn một tài liệu khác.

Kết quả cũng không khác khi tôi chọn số 11 và tất cả các tài liệu còn lại, kể cả số 8. Tôi chẳng biết Mã R24 là gì, nhưng giờ thì nó đã phong tỏa không cho tôi truy cập gì nữa. Chắc là khi mở "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8" thì tôi đã có thể truy cập bất cứ tài liệu nào, nhưng một khi tôi đã mở Số 8 và đóng lại thì bây giờ lối vào tất cả các tài liệu đó đã bị khóa. Có lẽ chương trình này chỉ cho phép truy cập mỗi lần một tài liệu mà thôi.

Tôi ngồi trước máy vi tính, tự hỏi phải làm tiếp cái gì. Nhưng tôi không thể làm tiếp cái gì cả. Đây là một thế giới được tổ chức một cách chuẩn xác, hình thành trong trí óc Quế và vận hành dựa trên các nguyên tắc của anh ta. Tôi không biết luật chơi. Tôi đành thôi không cố nữa và tắt máy.


° ° °


Không nghi ngờ gì nữa, "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8" là một truyện do Quế viết. Anh ta đã nhập mười sáu truyện vào máy tính dưới nhan đề "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót", và tôi đọc Số 8 chỉ là do ngẫu nhiên. Xét theo độ dài của một truyện thì cả mười sáu truyện nếu in ra sẽ thành một cuốn sách khá dày.

"Số 8" có thể có ý nghĩa gì? Xét theo từ "biên niên ký" trong nhan đề thì các truyện này được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Số 8 tiếp theo Số 7, Số 9 tiếp theo Số 8, vân vân. Đó là một giả định hợp lý, tuy không nhất thiết đúng. Các truyện này cũng có thể được sắp xếp theo một thứ tự khác. Tỉ như theo chiều ngược lại, từ hiện tại về quá khứ. Hoặc táo bạo hơn nữa, đó có thể là mười sáu dị bản khác nhau của cùng một truyện được kể song song. Dù thế nào đi nữa, câu chuyện tôi đọc là phần tiếp theo câu chuyện mà Nhục đậu khấu, mẹ của Quế đã kể về những người lính giết thú trong vườn thú Tân Kinh vào tháng Tám năm 1945. Chuyện xảy ra trong bối cảnh cùng một sở thú đó, vào ngày hôm sau, và nhân vật chính vẫn là viên bác sĩ thú y vô danh, cha của Nhục đậu khấu, ông ngoại của Quế.

Khó mà biết được bao nhiêu phần của câu chuyện là thật. Phải chăng Quế hư cấu ra từ đầu đến cuối, hay nhiều phần là dựa trên những sự kiện có thật? Nhục đậu khấu có bảo tôi rằng sau khi chia tay cha lần cuối, bà hoàn toàn không biết tin tức gì về ông nữa. Vậy có nghĩa, không thể toàn bộ câu chuyện này đều là thật. Tuy nhiên, cũng có thể một số chi tiết là dựa trên sự thực lịch sử. Trong thời kỳ hỗn loạn ấy, có thể một số học viên trường sĩ quan Mãn Châu quốc đã bị hành hình và chôn vào một cái hố trong vườn thú Tân Kinh. Rằng viên sĩ quan Nhật chịu trách nhiệm trong vụ hành hình đó đã bị xử tử sau chiến tranh. Các vụ đào ngũ và nổi loạn trong quân đội Mãn Châu quốc không phải là chuyện hiếm vào lúc đó, và chuyện các học viên người Trung Hoa bị giết khi đang mặc đồng phục bóng chày tuy nghe hơi lạ nhưng cũng có thể xảy ra lắm. Biết các sự kiện có thật đó, Quế có thể đã kết hợp chúng với hình dung của anh về ông ngoại để làm nên câu chuyện của mình.

Nhưng sao Quế lại viết những câu chuyện đó? Sao cứ phải là truyện mà không phải thể loại khác? Và sao lại phải dùng từ "biên niên ký" trong nhan đề? Tôi ngồi trên sofa trong phòng chỉnh lý, vừa xoay xoay một cây bút chì màu vẽ kiểu trong tay vừa miên man nghĩ về điều đó.

Muốn tìm lời đáp cho những câu hỏi ấy hẳn tôi phải đọc tất cả mười sáu truyện, nhưng dù chỉ mới đọc truyện Số 8, tôi cũng đã có một ý niệm tuy mờ nhạt về việc Quế đang theo đuổi cái gì khi viết. Anh đang cố tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của mình. Và anh hy vọng có thể thấy được bằng cách tìm vào những sự kiện đã xảy ra trước khi anh chào đời.

Để làm vậy, Quế phải điền vào những chỗ trống trong quá khứ mà anh không thể với tay tới được. Bằng cách dùng đôi tay đó của mình để viết nên một câu chuyện, anh cố mang lại những mắt xích còn thiếu kia. Từ những câu chuyện được nghe mẹ kể hàng bao nhiêu lần, anh rút ra những câu chuyện khác, hòng tái tạo hình ảnh bí ẩn của ông ngoại mình trong một bối cảnh mới. Anh thừa hưởng từ những câu chuyện của mẹ cái phong cách cơ bản mà anh dùng một cách nguyên vẹn, không thay đổi trong truyện của mình; cụ thể là cái phong cách thực tế có thể không phải là sự thật, và sự thật không nhất thiết là cái xảy ra trong thực tế. Đối với Quế, việc trong truyện của anh phần nào là chuyện thực, phần nào không chẳng lấy gì làm quan trọng lắm. Điều quan trọng không phải là ông ngoại anh đã làm gì mà là ông ngoại anh có thể đã làm gì. Ngay khi kể xong câu chuyện thì anh cũng biết được lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Các truyện của anh dùng "Chim vặn dây cót" như một cụm từ khóa và hầu như chắc chắn là anh đưa câu chuyện về tận ngày hôm nay dưới dạng biên niên ký (mà cũng có thể không phải dưới dạng biên niên ký). Nhưng Chim vặn dây cót không phải là một cụm từ do Quế nghĩ ra. Trước đó, trong một bữa ăn cùng tôi tại nhà hàng ở Aoyama, mẹ của anh là Nhục đậu khấu đã nhắc tới cụm từ này trong khi kể một câu chuyện. Hầu như chắc chắn khi đó Nhục đậu khấu không biết tôi đã được đặt cho cái biệt danh "Ông Chim vặn dây cót". Nghĩa là bằng sự kết hợp nhiều điều ngẫu nhiên, tôi lại có liên quan đến câu chuyện của họ.

Tuy vậy, tôi cũng không thể tin chắc vào điều đó. Cũng có thể khi đó Nhục đậu khấu đã biết cái biệt danh này của tôi. Hẳn mấy chữ đó đã tác động đến câu chuyện của bà (đúng hơn là của hai mẹ con), có thể đã ăn sâu vào câu chuyện ở tầng vô thức. Câu chuyện chung này của hai mẹ con có thể không tồn tại dưới một dạng cố định duy nhất mà vẫn tiếp tục thay hình đổi dạng và lớn lên như thường thấy ở các câu chuyện truyền khẩu.

Dù có phải do tình cờ hay không, "Chim vặn dây cót" có một sức mạnh lớn lao trong truyện của Quế. Tiếng kêu của nó chỉ một vài người nghe được, mà hễ đã nghe là cầm chắc cái chết không tránh khỏi. Ý chí con người chẳng là cái quái gì vào lúc đó, theo cảm nhận của viên bác sĩ thú y. Con người ta chẳng gì hơn là những con búp bê trên mặt bàn, lò xo quấn chặt sau lưng, búp bê chỉ có thể chuyển động theo những cách không phải do nó chọn, đi về những hướng không phải do nó chọn. Hầu như tất cả những ai nằm trong tầm tiếng kêu của con Chim vặn dây cót đều gặp tai ương, đều bị hủy diệt. Hầu hết là chết, do rơi khỏi mép bàn.

° ° °


Rất có thể Quế đã giám sát cuộc trò chuyện giữa tôi và Kumiko. Hẳn là anh ta biết tất cả những gì diễn ra trong chiếc máy vi tính này. Anh ta đã đợi đến khi tôi xong đâu đấy mới bày cho tôi xem "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8". Điều này xảy ra không phải do tình cờ hay một thoáng bốc đồng. Quế đã lập trình máy với một mục đích rất rõ ràng và cho tôi xem chỉ một truyện. Tuy nhiên, anh ta lại cũng gợi ý cho tôi rằng có thể còn cả một loạt truyện như thế nữa.

Tôi nằm xuống sofa, nhìn lên trần "phòng chỉnh lý" đang tranh tối tranh sáng. Đêm sâu thẳm, nặng trĩu, xung quanh lặng ngắt đến đau đớn. Trần nhà trắng lốp như một mũ băng dày chụp lên căn phòng.

Ông ngoại của Quế, viên bác sĩ thú y vô danh và tôi có nhiều cái chung đến kỳ lạ: một vết bầm trên mặt, cây gậy bóng chày, tiếng kêu của con chim vặn dây cót. Lại còn viên trung úy xuất hiện trong câu chuyện của Quế: y làm tôi nhớ tới Trung úy Mamiya. Trung úy Mamiya cũng được giao nhiệm vụ ở Bộ tham mưu đội quân Quan Đông tại Tân Kinh vào thời kỳ đó. Tuy nhiên, trong thực tế không phải là sĩ quan phát lương mà chỉ phục vụ trong tiểu ban vẽ bản đồ, và sau chiến tranh ông không bị treo cổ (số mệnh từ chối không cho ông chết) mà chỉ mất bàn tay trái trong chiến trận và quay về Nhật Bản. Dẫu vậy tôi vẫn không rũ được cái cảm giác rằng trên thực tế chính Trung úy Mamiya này đã chỉ huy cuộc hành hình các học viên sĩ quan Trung Hoa. Chí ít, nếu như đó quả thật là Trung úy Mamiya thì cũng hoàn toàn chẳng có gì lạ.

Rồi lại còn chuyện những cây gậy bóng chày. Quế biết tôi đang cất một cây gậy như vậy ở dưới đáy giếng. Nghĩa là hình ảnh cây gậy ắt đã ăn sâu bén rễ vào câu chuyện, cũng như mấy từ "Chim vặn dây cót". Tuy nhiên, cứ cho là vậy đi nữa thì trong chuyện gậy bóng chày vẫn có đôi điều không dễ giải thích: gã trai mang thùng đàn ghi-ta đã dùng gậy bóng chày tấn công tôi ở tiền sảnh căn nhà cho thuê bỏ hoang. Đó chính là người đã diễn trò dùng lửa nến đốt lòng bàn tay mình trong một quán bar ở Sapporo và sau đó dùng gậy đánh tôi chỉ để rồi chính tôi dùng gậy đánh anh ta. Anh ta chính là người đã nộp cây gậy cho tôi.

Còn nữa. Vì sao tôi lại có vết bầm cùng kích thước, cùng màu với vết bầm của ông ngoại Quế? Có phải đó cũng lại là do sự hiện diện của tôi đã hằn sâu vào câu chuyện của anh ta? Liệu trên thực tế viên bác sĩ thú y có vết bầm trên mặt không? Chắc chắn là Nhục đậu khấu chẳng việc gì phải thêu dệt chi tiết đó khi mô tả với tôi về cha mình. Chính vì vết bầm này, giống hệt như của cha bà, mà bà mới "tìm thấy" tôi ở khu Shinjuku. Mọi cái đều xoắn xuýt vào nhau, phức tạp như một câu đố ba chiều, một câu đố mà trong đó sự thật không nhất thiết là sự kiện có thực và sự kiện có thực không nhất thiết là sự thật.


° ° °


Tôi đứng dậy khỏi sofa, sang phòng làm việc của Quế lần nữa. Tôi ngồi ở bàn, tì cùi chỏ lên mặt bàn, nhìn chòng chọc vào màn hình máy tính. Ắt hẳn Quế đang ở trong kia. Trong đó những lời câm lặng của anh sống động và hít thở như những câu chuyện. Chúng biết suy nghĩ, biết tìm kiếm, chúng có thể trưởng thành, có thể tỏa ra hơi nóng. Nhưng màn hình trước mắt tôi vẫn sâu hun hút, chết cứng như mặt trăng, giấu kín những lời của Quế trong rừng rậm mê cung. Chiếc màn hình lẫn bản thân Quế đằng sau nó, không bên nào kể gì với tôi hơn nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách