Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lãng Mạn - Xuất Bản] Lý Trí Và Tình Cảm | Jane Austen (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
61#
 Tác giả| Đăng lúc 26-5-2013 17:30:03 | Chỉ xem của tác giả
Chương 39

Hai chị em nhà Daswood giờ lưu lại thành phố đã trên hai tháng, và mỗi ngày Marianne càng nôn nóng muốn trở về. Cô khát khao bầu không khí, cuộc sống tự do và vẻ êm đềm của miền quê; và cho rằng nếu có nơi nào tạo được tĩnh lặng cho cô, thì đấy là Barton. Elinor cũng nôn nóng không kém, nhưng còn ngần ngại vì nghĩ đến những khó khăn của chuyến đi đường dài như thế mà Marianne không thể lường được. Tuy nhiên, cô bắt đầu nghiêm túc xem xét khả năng, đề cập với bà chủ tốt bụng về ý muốn của hai chị em. Bà phản đối với mọi hùng biện trong thiện ý, rồi đề nghị một kế hoạch tuy giữ họ lại thêm ít tuần, nhưng đối với Elinor xem chừng có thể chấp nhận được. Vào cuối Tháng Ba, hai vợ chồng Palmer sẽ đi Cleveland để nghỉ lễ Phục sinh; và bà Jennings cùng với hai cô cháu nhận được lời mời rất tha thiết của Charlotte để cùng đi với họ. Lời mời tự nó vẫn chưa đủ để đáp ứng tính tế nhị của cô Daswood; – nhưng có thêm anh Palmer trợ lực bằng cả lịch sự chân chính, qua thái độ thêm thành khẩn từ khi họ biết chuyện không vui của cô em. Vì thế, cô vui vẻ nhận lời.

Tuy nhiên, khi cô nói chuyện với Marianne, câu trả lời đầu tiên cô nhận được không thuận lợi lắm.

Marianne thốt lên trong dao động:

- Cleveland! Không, em không thể đi Cleveland.

Elinor dịu dàng:

- Em đã quên, nhưng vị trí… không phải gần với –

- Nhưng nó gần với Somersetshire… Em không thể đi Somersetshire… Ở đấy, là nơi mà em đã mong đi đến… Không, chị Elinor, chị không thể mong em đi đến đấy.

Elinor không thể tranh luận là em gái phải tỏ ra đúng mực mà vượt qua cảm nghĩ như thế; cô chỉ gắng dùng luận cứ khác làm đối trọng. Cô trình bày rằng kế hoạch này sẽ định thời gian trở về với bà mẹ thân yêu mà em gái tha thiết muốn gặp lại, theo cách phù hợp hơn, thoải mái hơn bất kỳ kế hoạch nào khác, và có lẽ không bị chậm trễ nhiều. Từ Cleverland, vì chỉ cách Bristol vài dặm, quãng đường về Barton không mất quá một ngày; và gia nhân của bà mẹ có thể dễ dàng đi đến đấy để đón họ, và vì không có cơ hội lưu lại Cleverland quá một tuần, hai chị em có thể về nhà sau hơn ba tuần. Tình thương chân thành của Marianne dành cho bà mẹ dễ dàng chiến thắng mọi điều tệ hại mà em gái chỉ tưởng tượng.

Chưa mệt mỏi vì khách, nên bà Jennings sốt sắng mời hai chị em trở lại với bà từ Cleverland. Elinor cảm ơn bà đã bận tâm, nhưng không thể thay đổi kế hoạch: bà mẹ đã chấp thuận, và mọi việc liên quan đến chuyến trở về nhà đã được sắp xếp. Riêng Marianne tìm thấy chút ít nhẹ nhõm khi nghĩ về thời gian ngắn còn ngăn cách cô với Barton.

Khi ông Đại tá đến thăm, bà Jennings nói:

- Này! Ông Đại tá, tôi không biết ông và tôi sẽ làm gì khi không có hai cô nhà Daswood ở đây, vì họ quyết tâm quay trở về nhà; và chúng ta sẽ cô đơn đến thế nào, khi tôi trở về! Chúa ơi! Chúng ta sẽ ngồi và ngáp dài với nhau buồn chán như hai con mèo.

Qua cách phác thảo sinh động về nỗi buồn chán trong tương lại của họ, có lẽ bà Jennings hy vọng ông tỏ lộ tâm tư ấy để ông thoát ra được. Nếu thế, chẳng bao lâu sau bà có lý do chính đáng để nghĩ mục đích của mình đã đạt được; vì lẽ, khi Elinor đi đến khung cửa sổ để đo kích thước của một bản vẽ mà cô sẽ chép cho bạn của cô, ông đi theo cô với dáng vẻ nói lên một ý nghĩa đặc biệt, rồi trò chuyện với cô trong vài phút. Hiệu quả của ngôn từ ông cũng không thoát khỏi tầm quan sát của bà, vì mặc dù quá trọng danh dự nên bà không muốn cố ý nghe lén, thậm chí khi đổi chỗ đến ngồi kế bên chiếc dương cầm Marianne đang chơi với mục đích không thể nghe được, bà vẫn để mắt theo dõi và thấy Elinor đang đỏ mặt, có vẻ dao động, và quá chăm chú về lời ông nói nên không thể tiếp tục công việc của cô. Vẫn muốn xác nhận thêm hy vọng của bà, trong khoảng thời gian Marianne chuyển từ một bài tập sang bài khác, vài tiếng nói của ông Đại tá không tránh khỏi lọt đến tai bà, theo đấy dường như ông đang xin lỗi vì ngôi nhà quá tệ.

Điều này xác định chắc chắn vụ việc. Bà phân vân tại sao ông nghĩ cần thiết phải nói như thế, nhưng đoán đây là phép tắc đúng mực. Bà không thể nghe Elinor trả lởi ra sao, nhưng xem qua cách đôi môi cô mấp máy, cô không nghĩ điều này là trở ngại đáng kể; và trong thâm tâm bà Jennings khen cô đã chân thật đến thế. Rồi họ tiếp tục trò chuyện thêm vài phút mà bà không nghe được tiếng nào, rồi khi đoạn nhạc của Marianne ngưng lại, bà nghe giọng điềm đạm của ông Đại tá:

- Tôi e việc này không thể tiến hành nhanh được.

Ngạc nhiên và bị sốc với câu nói không có vẻ là của người đang yêu, bà gần như thốt lên: “Chúa ơi! Có gì mà trở ngại!” – nhưng bà kiềm chế được. “Điều này thật quá lạ lùng! Chắc chắn ông không cần phải đợi đến khi già thêm.”

Tuy nhiên, việc trì hoãn về phía ông Đại tá dường như không xúc phạm hoặc làm nhục cô cháu gái xinh đẹp gì cả, vì sau khi hai người chấm dứt trao đổi và từ biệt, bà nghe rõ ràng Elinor nói, qua giọng cho thấy lộ rõ ý tình như cô nói:

- Tôi sẽ luôn luôn nghĩ mình hàm ơn ông rất nhiều.

Bà Jennings thấy vui với cách cô biết ơn, và chỉ thấy khó hiểu là sau khi nghe câu nói như thế, ông Đại tá lại có thể từ biệt qua vẻ vô cùng điềm tĩnh, và ra đi mà không đáp lại! Bà đã không nghĩ ông bạn già của mình lại là người theo đuổi tình yêu một cách dửng dưng như thế.

Những gì thật sự diễn ra giữa hai người là như thế này–

Qua lòng thương cảm sâu đậm, ông nói:

- Tôi đã nghe anh bạn Ferrars của cô đã chịu sự bất công từ gia đình; vì nếu tôi hiểu đúng, anh ấy đã bị gia đình anh từ bỏ hẳn vì muốn giữ hẹn ước với một phụ nữ trẻ rất xứng đáng. Liệu tôi nghe có đúng không? Sự việc có phải như thế không?

Elinor xác nhận với ông rằng đúng:

Với đầy cảm xúc, ông đáp:

- Thái độ tàn nhẫn – tàn nhẫn thất sách – quả là kinh khủng khi ngăn cách hoặc tìm đường ngăn cách hai người trẻ từ lâu đã gắn bó với nhau. Bà Ferrars không biết mình đang làm gì – sẽ đẩy con bà đến đâu. Tôi đã gặp anh Ferrars hai hoặc ba lần ở Phố Harley, và tôi rất mến anh ấy. Anh ấy không phải là người trai trẻ mà người ta có thể trở nên thân thiết trong thời gian ngắn, nhưng tôi đã đủ hiểu anh để chúc anh mọi điều tốt đẹp, và vì anh là bạn của cô, tôi muốn chúc thêm.

“Tôi được biết anh có ý định thụ phong. Xin cô vui lòng nói với anh ấy rằng chức vụ giáo sĩ ở Delaford, mà hôm nay tôi nhận được tin là vừa bị khuyết, được dành cho anh, nếu anh nghĩ đáng cho anh nhận; nhưng chuyện này… có lẽ tình cảnh của anh là bất hạnh, tuy có thể vô nghĩa lý mà hồ nghi; tôi chỉ mong có giá trị cao hơn. Đây là một khoản thu nhập của mục sư, nhưng nhỏ thôi; tôi tin người đương nhiệm không được quá hai trăm bảng mỗi năm, và dù chắc chắn có khả năng tăng thêm, tôi e vẫn không đủ để tạo mức thu nhập thoải mái lắm cho anh ấy. Tuy nhiên, dù như thế, tôi rất vui mà dành cho anh. Xin cô nói cho anh tin như thế.”

Nếu ông Đại tá có thật sự cầu hôn với cô, nỗi ngạc nhiên của Elinor khó thể lớn hơn là lúc này. Việc bổ nhiệm, mà chỉ hai ngày trước cô xem là vô vọng cho Edward, giờ đã được đề nghị để anh có thể kết hôn. Và trong bao nhiêu người trên thế gian, chính cô lại là người được chỉ định để ban phát! Bà Jennings đã nhận ra vẻ xúc động này của cô, nhưng cho là do nguyên nhân khác.

Dù có chút ít cảm nghĩ kém thuần khiết, kém vui mừng chen vào giữa xúc động, cô vẫn cảm nhận sâu sắc và nồng ấm bộc lộ ý tôn kính đối với nhân đức và lòng biết ơn cho nghĩa cử thân ái của ông Đại tá. Cô cảm ơn ông bằng cả tâm tư, nói về các nguyên tắc và tính khí của Edward qua lời khen ngợi mà cô biết anh xứng đáng được nhận. Cô hứa sẽ vui lòng thực hiện việc ông giao phó, nếu ông thật lòng muốn né tránh công việc dễ chịu đến thế nhưng lại nhờ người khác. Nhưng cùng lúc, cô không khỏi nghĩ là không ai có thể làm việc này tốt hơn ông, và cô sẽ rất vui được miễn vì không muốn làm Edward đau khổ phải chịu ơn cô. Nhưng Đại tá Brandon từ chối cũng vì lý do tế nhị, vẫn tha thiết muốn lời đề nghị được chuyển qua cô, nên cô không có lý do gì thêm để từ chối. Cô tin Edward vẫn còn ở thành phố, và may mắn là cô đã được nghe cô Steele nói đến địa chỉ của anh. Vì thế, cô có thể thông báo cho anh hay trong cùng ngày.

Sau khi việc này đã được thu xếp, Đại tá Brandon bắt đầu nói đến lợi điểm của ông khi tiếp nhận một người láng giềng đáng kính và dễ chịu như thế, và lúc này ông nói rất tiếc ngôi nhà quá nhỏ và lạnh lẽo, khuyết điểm mà Elinor không cho là quan trọng, ít nhất liên quan đến kích thước.

Cô nói:

- Tôi nghĩ hai người không cảm thấy bất tiện vì ngôi nhà nhỏ, vì nó tương hợp với gia đình và lợi tức của họ.

Ông Đại tá ngạc nhiên thấy vẫn cho hôn lễ của anh Ferrars là kết quả chắc chắn của việc bổ nhiệm, vì ông không nghĩ lợi tức của chức vụ giáo sĩ Delaford đủ cho hai người, nên ông nói:

- Giáo xứ nhỏ này có thể giúp cho anh Ferrars sống độc thân được thoải mái, nhưng không thể giúp anh đủ điều kiện để kết hôn. Tôi rất tiếc phải nói rằng việc bảo trợ của tôi chỉ đến thế, và mối quan tâm của tôi không thể đi xa hơn. Tuy nhiên, nếu có cơ hội bất chợt khiến tôi có khả năng phục vụ anh ấy nhiều hơn, tôi sẽ xét lại mức độ cho anh ấy khác hơn là bây giờ. Thật vậy, điều tôi đang làm hiện thời xem ra không là gì cả, vì nó giúp anh thăng tiến rất ít theo nguyên tắc của anh, theo mục đích duy nhất của anh về hạnh phúc. Hôn lễ của anh hẳn còn xa vời; ít nhất, tôi e việc này không thể tiến hành nhanh được.

Đây là câu nói đã xúc phạm đúng lý cảm nghĩ tế nhị của bà Jennings vì bị hiểu lầm. Nhưng lời cảm ơn của Elinor lúc hai người chia tay, dù nội dung có lẽ chung chung, nhưng không kém cảm động và ngôn từ không kém thích nghi hơn là khi có lời cầu hôn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

62#
 Tác giả| Đăng lúc 28-5-2013 08:19:31 | Chỉ xem của tác giả
Chương 40

Ngay sau khi ông đi khỏi, bà mỉm cười một cách sắc sảo:

- Này, cô Daswood, tôi không muốn hỏi ông Đại tá đã nói gì với cô; vì dù xin lấy danh dự tôi cố gắng không nghe lỏm, tôi vẫn bắt được ít lời đủ để tôi hiểu ý ông ấy. Và xin cô tin tôi chưa từng hài lòng như thế này trong đời, và bằng cả tấm lòng tôi chúc cô được vui.

Elinor nói:

- Xin cảm ơn bà. Tôi rất vui về chuyện này, và cảm nhận một cách sâu sắc nhất lòng tốt của Đại tá Brandon. Không có nhiều người đàn ông hành động như ông đã làm. Không mấy người có tâm hồn tình cảm như thế. Tôi chưa từng ngạc nhiên đến thế trong đời tôi.

- Chúa ơi! Cháu gái yêu, cô quá khiêm tốn. Tôi không hề ngạc nhiên tí gì, vì gần đây tôi thường nghĩ, chuyện này phải đến.

- Bà đã phán xét qua nhận thức của bà về tấm lòng ông Đại tá, nhưng ít nhất bà không thể tiên liệu cơ hội có thể đến nhanh như thế.

Bà Jennings lặp lại:

- Cơ hội! À! Về việc này, một khi người đàn ông đã quyết định cho chuyện như thế, bằng cách này hay cách khác ông ta sẽ sớm tìm ra cơ hội. Được, cháu gái yêu, tôi chúc và chúc cô thêm vui; và nếu đã từng có một đôi lứa hạnh phúc trên trần đời, tôi sẽ sớm biết phải tìm họ ở đâu.

Elinor mỉm nụ cười nhẹ:

- Tôi đoán, ý bà muốn nói đi theo họ đến Delaford.

- Đúng, cháu gái yêu ạ, tôi sẽ đi. Còn về việc ngôi nhà không được tốt, tôi không biết ông Đại tá muốn nói gì, vì ngôi nhà vẫn tốt như tôi từng thấy.

- Ông ấy nói nó cần được sửa chữa.

- À, và do lỗi của ai thế? Tại sao ông ấy không sửa chữa nó cơ chứ? Còn ai nếu không phải là chính ông ấy?

Hai người bị gián đoạn vì người hầu bước vào báo tin cỗ xe đang đợi ở cửa, và bà lập tức chuẩn bị ra đi, nói:

- Này, cháu gái yêu, tôi phải đi trước khi nói ra phân nửa câu chuyện. Nhưng chúng ta có thể bàn mọi việc vào buổi tốt, vì sẽ không có ai. Tôi không yêu cầu cô đi cùng tôi, vì tôi biết chắc đầu óc cô đang quá bận rộn với sự việc nên không muốn có người bên cạnh; và hơn nữa, cô hẳn muốn báo cho em cô về việc này.

- Thưa bà, chắc chắn vậy, tôi sẽ nói cho Marianne biết; nhưng lúc này tôi không đề cập với ai khác.

Bà Jennings tỏ ra khá thất vọng:

- À! Được rồi. Thế thì cô không muốn tôi nói với Lucy, vì hôm nay tôi định đi đến tận Holborn.

- Thưa bà, không, xin bà vui lòng đừng nói với ngay cả Lucy. Chậm trễ một ngày sẽ không là quan trọng; và trước khi tôi biên thư cho anh Ferrars, tôi nghĩ không nên đề cập chuyện này cho bất cứ ai khác. Tôi sẽ làm việc này ngay. Điều quan trọng là không để mất thời giờ với anh ấy, vì dĩ nhiên anh ấy phải làm nhiều việc để được thụ phong.

Câu này làm cho bà Jennings hoang mang cùng cực. Nhất thời bà không thể hiểu tại sao phải biên thư cho anh Ferrars gấp gáp như thế về chuyện này. Nhưng một ít suy nghĩ đã sinh ra một ý tưởng hạnh phúc, và bà kêu lên:

- Ô hô! Tôi hiểu cô. Anh Ferrars chính là người ấy. Thế thì, càng tốt cho anh. Này, chắc hẳn rồi, anh phải được thụ phong để sẵn sàng; và tôi rất hài lòng được thấy chuyện giữa hai người đã tiến khá xa. Nhưng, cháu gái thân, có phải như thế là khác thường không? Liệu ông Đại tấ có nên tự mình biên thư không? Đúng thế, ông viết thì hợp lý hơn.

Elinor không hiểu mấy phần mở đầu của bà Jennings, nghĩ không đáng hỏi thêm, nên cô chỉ trả lời phần kết luận:

- Đại tá Brandon là một người tế nhị, nên ông muốn nhờ người khác thông báo ý định của ông cho anh Ferrars.

- Và thế là cô bị bắt buộc phải làm. Đúng đây là kiểu tế nhị cổ lổ! Tuy nhiên, tôi không muốn quấy rầy cô (nhìn thấy đang chuẩn bị viết). Cô biết rõ hơn ai hết về các quan ngại của cô. Thế thì, tạm biệt. Tôi đã không nghe chuyện gì làm tôi vui như thế kể từ khi Charlotte ở cữ.

Bà ra đi, nhưng trong phút chốc quay lại:

- Tôi vừa nghĩ đến em gái của Betty. Tôi sẽ rất vui để tìm cho cô ấy một bà chủ tốt như thế. Tôi không thể nói liệu cô ấy chịu làm người hầu hay không. Cô ấy là một người quản gia xuất sắc, nữ công cũng rất giỏi. Tuy nhiên, cô có thể thong thả nghĩ về việc này.

Elinor nôn nóng được để yên một mình hơn là làm bà chủ của đề tài, nên cô không nghe hết câu nói của bà, chỉ đáp:

- Vâng, thưa bà.

Bây giờ mọi suy nghĩ của cô là nên bắt đầu như thế nào – cô nên tự mình bày tỏ ra sao trong lá thư của cô gửi Edward. Hoàn cảnh đặc biệt giữa hai người khiến việc này trở nên khó khăn, trong khi đối với bất kỳ ai khác là việc dễ dàng nhất trên thế gian. Cô ngồi suy nghĩ trên trang giấy với cây bút trên tay, vừa e mình nói quá nhiều hoặc quá ít, cho đến lúc cô bị gián đoạn, vì Edward bước vào.

Anh đến để trao thiệt giã biệt, và gặp bà Jennings tại cánh cửa khi bà đi ra cỗ xe. Bà xin lỗi vì không thể quay trở vào, mời anh vào, nói cô Daswood đang ở trên nhà và muốn nói với anh một việc rất đặc biệt.

Giữa cơn hoang mang, Elinor đang lấy làm mừng là, dù có thể khó khăn trình bày một cách đúng lý trong lá thư, ít nhất cũng còn tốt hơn phải thông qua lời nói. Vừa lúc này, người khách của cô bước vào, để bắt buộc cô phải nỗ lực tốt nhất qua cách thức khó khăn hơn.

Cô ngạc nhiên và bối rối cùng cực vì sự xuất hiện bất ngờ của anh. Cô đã không gặp lại anh từ khi chuyện hẹn ước của anh trở nên công khai. Qua ý thức cô đã nghĩ như thế nào về chuyện của anh và bây giờ phải nói với anh những gì, trong vài phút cô vô cùng ngượng nghịu.

Anh cũng rất khổ sở, và họ cùng ngồi xuống trong tâm trạng bối rối nhất. Anh không thể nhớ ra khi mới tự tiện bước vào anh đã xin lỗi cô hay chưa; nhưng để đúng phép, sau khi đã ngồi xuống và có thể cất tiếng nói lên điều gì đấy, anh cất tiếng xin lỗi. Anh nói:

- Bà Jennings bảo tôi rằng cô muốn tiếp chuyện tôi, ít nhất tôi hiểu bà ấy nói thế; nếu không, chắc chắn tôi đã không đường đột như thế này; dù rằng cùng lúc, tôi rất tiếc nếu phải rời London mà không gặp được cô và em gái cô; nhất là có lẽ một thời gian… có thể tôi không gặp lại cô nữa. Ngày mai tôi đi Oxford.

Đã trấn tĩnh lại và quyết định làm cho xong càng nhanh càng tốt việc mà cô rất ngại, Elinor nói:

- Tuy nhiên, anh không thể đi mà không nhận lời chúc tốt đẹp của chúng tôi, ngay cả nếu chúng tôi không thể trực tiếp chúc anh. Bà Jennings đã nói đúng. Tôi có chuyện cần thông báo cho anh, mà tôi vừa mới bắt đầu qua thư từ.

“Tôi được ủy nhiệm một công tác rất đẹp ý (thở nhanh hơn bình thường khi cô nói). Đại tá Brandon, vừa ở đây mười phút trước, nhờ tôi chuyển lời là, khi được biết anh có ý định xin thụ phong, ông ấy rất lấy làm vui tiến cử anh cho chức vụ giáo sĩ ở Delaford vừa mới bị bỏ khuyết, và ông ấy chỉ ước gì có giá trị cao hơn.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

63#
 Tác giả| Đăng lúc 28-5-2013 08:20:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 40
(tiếp theo)

“Xin cho phép tôi được chúc mừng anh đã có một người bạn đáng kính và có óc phán xét như thế, và tôi cũng mong chức vụ này – cho thu nhập khoảng hai trăm mỗi năm – có thể được khá hơn, đến mức cho phép anh… đến mức hơn là ổn định tạm thời… tóm lại, là mức giúp anh thực hiện mọi ý niệm của anh về hạnh phúc.”

Những gì mà Edward cảm nhận, khi anh không thể tự mình nói ra, lại không thể mong bất kỳ ai khác nói thay cho anh. Anh lộ vẻ mặt kinh ngạc với thông tin bất ngờ như thế, không thể trông mong như thế, không tránh khỏi gây phấn khích; nhưng anh chỉ có thể nói:

- Đại tá Brandon!

Có thêm bình tĩnh vì những gì tệ hại nhất đã qua, Elinor tiếp:

- Vâng, Đại tá Brandon tỏ ý đây là để minh chứng ông quan tâm đến chuyện vừa xảy ra – đến tình cảnh độc ác mà anh sa vào do thái độ không thể biện minh được của gia đình anh – mối quan tâm mà tôi tin chắc Marianne, tôi và bạn bè của anh đều phải chia sẻ. Đây cũng là chứng cứ cho thấy ông ấy quý trọng nhân cách của anh và đánh giá cao thái độ của anh trong vụ việc.

- Đại tá Brandon cho tôi một chức vụ giáo sĩ! Có thể như thế sao?

- Những người thân thuộc tàn nhẫn của anh đã khiến anh ngạc nhiên khi nhìn ra tình bằng hữu ở bất cứ nơi nào.

Qua ý thức thình lình trở lại, anh đáp:

- Không, tôi không ngạc nhiên nơi cô; vì tôi không thể quên tôi hàm ơn cô, hàm ơn lòng tốt của cô. Tôi nhận biết tất cả… Tôi sẽ nói ra nếu có thể… nhưng, như cô biết rõ, tôi không có khiếu hùng biện.

- Anh nhầm rồi. Tôi mong anh hiểu rằng hoàn toàn – ít nhất hầu như hoàn toàn – đấy là do phẩm chất của chính anh, và đấy là do óc nhận xét của Đại tá Brandon. Tôi không có công gì trong chuyện này. Cho đến khi hiểu ra ý định của ông ấy, tôi vẫn không biết là có chức vụ còn khuyết, hoặc tôi đã không nghĩ ra ông ấy có thể ban tặng món quà như thế. Vì là người bạn của tôi, của gia đình tôi, có lẽ ông ấy… đúng ra tôi biết ông ấy rất được vui mà đề nghị; nhưng thật lòng, anh không hàm ơn gì cả trong lời chúc mừng của tôi.

Sự thật bắt buộc cô phải thầm nhìn nhận có dính dáng một phần; nhưng cùng lúc cô không muốn lộ vẻ là ân nhân của Edward, nên cô nhìn nhận một cách miễn cưỡng, khiến cho anh có chút hồ nghi. Anh ngồi suy nghĩ một lúc sau khi Elinor đã dứt lời, rồi cuối cùng, như thể phải cần cố gắng, anh nói:

- Đại tá Brandon xem ra là một người có chân giá trị cao và đáng được kính trọng. Tôi đã luôn nghe thiên hạ nói về ông như thế, và tôi biết anh của cô rất quý trọng ông. Chắc chắn ông ấy là con người dễ cảm nhận, và với phong thái là một đấng quân tử chân chính.

Elinor đáp:

- Đúng thế. Tôi tin nếu quen biết ông ấy thêm, anh sẽ thấy người ta nói đúng mọi điều về ông; và vì anh sẽ là láng giềng gần gũi với ông (vì tôi hiểu tư dinh cha xứ khá gần với nhà ông), điều quan trọng là ông ấy phải giống như mọi điều người ta nói.

Một ít lâu sau, anh đứng dậy, nói:

- Theo tôi được biết, Đại tá Brandon ngụ ở Phố St.James.

Elinor cho anh biết số nhà:

- Thế thì tôi cần đi gấp để cảm ơn ông ấy trong khi cô không cho phép tôi cảm ơn cô; để cho ông tin ông đã làm cho tôi thành một người rất… người vô cùng hạnh phúc.

Elinor không muốn lưu anh ở lại lâu thêm. Hai người từ biệt nhau, về phía cô với lời chúc tốt lành cho hạnh phúc trường cửu của anh trong mọi hoàn cảnh thay đổi; và về phía anh, chỉ với gắng gượng hơn là khả năng ăn nói để đáp lại bằng cùng thiện ý.

Khi cánh cửa tiễn anh đi ra đã khép kín, Elinor thầm nói với chính mình: “Khi mình gặp lại anh ấy, mình sẽ gặp người chồng của Lucy.”

Qua mong đợi dễ chịu này, cô ngồi xuống để xem xét lại quá khứ, nhớ lại ngôn từ và cố gắng tìm hiểu mọi tâm tư của Edward; và, dĩ nhiên, ngẫm nghĩ về tâm tư của mình mà bất mãn.

-o0o-

Khi bà Jennings trở về, mặc dù đã gặp những người chưa từng gặp trước đây và có nhiều chuyện để nói về những người này, bí mật quan trọng của cô còn vẫn chế ngự đầu óc của bà hơn là các việc khác, đến nỗi khi vừa gặp Elinor bà quay lại chuyện cũ. Bà thốt lên:

- Này, cháu yêu, tôi đã bảo anh trai trẻ lên gặp cô. Tôi làm như thế có đúng không? Và tôi nghĩ cô không gặp khó khăn gì. Cô không thấy anh ấy ngần ngại chấp nhận đề nghị của cô chứ?

- Không, thưa bà; việc này khó xảy ra được.

- Được, và khi nào anh ấy sẵn sàng? Vì dường như mọi chuyện tùy thuộc vào việc này.

- Thế à? Tôi biết rất ít về loại thủ tục này, nên tôi khó đoán được thời gian hoặc những chuẩn bị cần thiết; nhưng tôi nghĩ hai hoặc ba tháng mới xong việc thụ phong.

Bà Jennings thốt lên:

- Hai hoặc ba tháng! Chúa ơi! Cô nói về chuyện này mà điềm tĩnh làm sao ấy, và liệu ông Đại tá có thể chờ đợi hai hoặc ba tháng! Xin Chúa phù hộ tôi! Tôi nghĩ tôi không đủ kiên nhẫn! Và dù người ta sẽ rất vui mà tử tế với anh Ferrars đáng thương, tôi nghĩ không đáng để chờ anh đến hai hoặc ba tháng. Chắc chắn có thể tìm ra bất kỳ ai đấy làm việc này – người nào đấy đã được thụ phong.

Elinor nói:

- Bà thân yêu, bà đang nghĩ về chuyện gì? Sao cơ, Đại tá Brandon có chủ đích chỉ muốn giúp anh Ferrars.

- Xin Chúa phù hộ tôi, cháu yêu! Chắc chắn ý cô không phải thuyết phục tôi là ông Đại tá cưới cô chỉ vì muốn trả cho anh Ferrars mười đồng guinea!

Sự ngộ nhận không thể tiếp tục sau câu nói này. Giải thích tiếp ngay theo sau, qua đấy cả hai cảm thấy khá buồn cười một lúc mà không bên nào bị mất vui, vì bà Jennings chỉ việc hoán chuyển một nguồn vui này thành một nguồn vui khác mà không từ bỏ ước mong cho nguồn đầu.

Sau một ít sôi sục vì ngạc nhiên và mãn nguyện, bà nói:

- Đúng, đúng, Tư dinh Cha xứ chỉ là một ngôi nhà nhỏ, và rất có thể cần sửa chữa; nhưng nghe một người đàn ông xin lỗi về một ngôi nhà tôi biết có năm phòng khách ở tầng trệt, và tôi nghe người quản gia bảo có thể đặt mười lăm giường ngủ! Và còn cô nữa, đã quen ở tại nhà nghỉ mát Barton! Nghe khá buồn cười. Nhưng, cháu gái yêu, chúng ta phải thúc dục ông Đại tá làm gì đấy cho Tư dinh Cha xứ trước khi Lucy dời đến đây.

- Nhưng Đại tá Brandon dường như có ý là lợi tức không đủ cho hai người cưới nhau.

- Ông Đại tá là người ngờ nghệch, cháu yêu ạ; bởi vì ông có hai nghìn mỗi năm, ông nghĩ không ai cưới nhau được với lợi tức nhỏ hơn. Tin tôi đi, nếu còn sống tôi sẽ đi thăm Tư dinh Cha xứ Delaford trước ngày Lễ Thánh Michael; và tôi sẽ không đi nếu không có Lucy ở đó.

Elinor có phần đồng ý với bà về khả năng đôi vợ chồng không cần thứ gì khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

64#
 Tác giả| Đăng lúc 28-5-2013 15:59:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 41

Sau khi đã đi cảm ơn Đại tá Brandon, Edward đến tìm Lucy tại Tòa nhà Barlett với cả hạnh phúc vô biên. Sáng hôm sau, bà Jennings đến để chúc mừng cô và được nghe rằng cô chưa từng thấy tinh thần anh phấn khởi như thế trong đời.

Ít nhất niềm hạnh phúc của chính cô và hưng phấn về tinh thần của cô là có thật, và cô phấn khởi cùng bà Jennings chờ đón cuộc sống thoải mái của họ ở Tư dinh Cha xứ Delaford trước Lễ Thánh Michael. Cùng lúc và muộn màng, cô làm điều mà đáng lẽ Edward phải làm, là khen ngợi Elinor, đến mức cô nói về tình bạn giữa hai người trong lòng tri ân nồng nàn nhất, sẵn sàng đáp lại mọi ân huệ cho cô bạn, và tuyên bố công khai rằng không có nghĩa cử nào của cô Daswood trong hiện tại và tương lai khiến cô còn ngạc nhiên, vì cô tin bạn mình có khả năng làm bất kỳ việc gì trên đời cho những người bạn mình quý mến.

Về phần Đại tá Brandon, không những cô tôn sùng ông như một vị thánh, mà còn tha thiết thấy ông cũng được trọng vọng như vậy trong mọi vấn đề trần thế; tha thiết muốn được thấy phần thuế giáo hội* của ông được tăng lên đến mức cao nhất; và mong ước được sử dụng, ở Delaford, càng nhiều càng tốt: gia nhân của ông, cỗ xe của ông, đàn bò của ông, và gia cầm của ông.

-o0o-

Bây giờ đã là hơn một tuần từ khi John Daswood đến thăm Phố Berkeley. Vì lúc này họ chưa nhận được thêm tin tức gì về thể chất của cô vợ anh ngoại trừ qua thăm hỏi bằng miệng, Elinor bắt đầu cảm thấy cần thiết đi thăm họ. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không những đi ngược lại ý thích của cô, mà còn bị những người chung quanh chống đối. Chưa hài lòng nên nhất mực từ chối đi cùng cô, Marianne lại khẩn thiết khuyên cô chị không nên đi. Mặc dù cỗ xe của bà Jennings luôn có sẵn để Elinor sử dụng, bà có ác cảm thậm tệ với cô John Daswood đến nỗi tính hiếu kỳ của bà muốn biết cô này hiện giờ ra sao, và ý muốn chống đối cô bằng cách bênh vực Edward, vẫn không thắng được tâm lý ngại ngần gặp mặt cô. Hậu quả là chỉ có một mình Elinor đi thăm chị dâu, chịu nguy cơ đối đầu với người phụ nữ mà hai phụ nữ kia có nhiều lý do để căm ghét.

Cô John Daswood không thể tiếp khách; nhưng trước khi cỗ xe quay về, chồng cô tình cờ bước ra. Anh bày tỏ rất vui được gặp Elinor, nói với cô rằng anh định đến thăm Phố Berkeley và, trấn an cô rằng Fanny sẽ rất vui được gặp cô, mời cô vào nhà.

Hai người bước lên thang lầu dẫn đến phòng gia đình. – Không có ai ở đây.

Anh nói:

- Anh đoán Fanny ở trong phòng cô ấy. Anh đi tìm cô ấy bây giờ, vì anh tin cô ấy sẽ chẳng nề hà gì mà gặp em – ngược lại là khác, thật đấy. Nhất là bây giờ không thể nào… tuy nhiên, chị em luôn rất mến em và Marianne. Tại sao Marianne không đến?

Elinor cố gắng giải thích lý do.

Anh đáp:

- Anh không lấy làm phiền gì khi gặp em một mình, vì anh có nhiều chuyện muốn nói với em. Chức vụ giáo sĩ của Đại tá Brandon… có thật không? Có phải ông ấy đã thật lòng trao chức vụ ấy cho Edward? Anh tình cờ nghe được tin này hôm qua, và đang định đi đến em để hỏi thêm.

- Đúng thật thế. Đại tá Brandon đã trao chức vụ giáo sĩ ấy cho Edward.

- À ra thế! Vậy là, thật đáng ngạc nhiên! – Không quan hệ họ hàng! – Không có quan hệ gì giữa hai người! – Và bây giờ những chức vụ giáo sĩ thật đáng tiền đến thế! Giá trị chức vụ này là bao nhiêu?

- Khoảng hai trăm một năm.

- Tốt lắm. Và để bổ nhiệm người kế tiếp ở giá trị ấy… giả sử người đương nhiệm già cả và bệnh hoạn, và chẳng bao lâu có thể từ nhiệm… anh đoán ông ấy có thể nhận… một nghìn bốn trăm bảng. Và tại sao ông ấy không thu xếp trước khi người đương nhiệm qua đời? Bây giờ thật ra đã là quá muộn để bán chức vụ này, nhưng một người có nhận thức như Đại tá Brandon! Anh thắc mắc tại sao ông lại không biết nghĩ xa trong vấn đề thông thường như thế, tự nhiên như thế! Nhưng rồi, anh tin có nhiều bất nhất trong mỗi tính cách con người. Tuy nhiên, anh đoán – khi nghĩ lại – rằng trường hợp có lẽ là thế này. Edward chỉ nắm chức vụ cho đến khi người mà ông Đại tá thật sự bán chức vụ này được đủ tuổi để tiếp nhận. Đúng, đúng, sự thật là thế.

Tuy nhiên, Elinor xác định một cách rất chắc chắn là không phải thế. Cô bắt buộc anh chấp nhận lời cô bằng cách kể lại việc Đại tá Brandon nhờ cô chuyển lời đề nghị đến Edward, và do vậy cô phải biết rõ các điều kiện.

Anh thốt lên sau khi nghe cô nói:

- Thật là đáng ngạc nhiên! Động lực của ông Đại tá có thể là gi?

- Rất đơn giản – để giúp anh Ferrars.

- Được, được; dù Đại tá Brandon là như thế nào, Edward là người rất may mắn. Tuy nhiên, xin cô đừng đề cập chuyện này với Fanny; vì dù anh đã báo tin cho cô ấy và cô chịu đựng rất khá, cô không muốn nghe người ta nói nhiều về việc này.

Ở đây, Elinor phải cố gắng lắm để kiềm chế nói lên lời nhận xét rằng cô nghĩ Fanny sẽ điềm tĩnh chịu đựng ông anh tiếp nhận của cải trong khi cô này hoặc đứa con không thể nào bị nghèo đi.

Hạ thấp giọng để cho thấy một việc rất quan trọng, anh tiếp:

- Bà Ferrars hiện chưa biết gì về chuyện này, và anh tin tốt nhất nên giữ kín với bà càng lâu càng tốt. Khi họ cử hành hôn lễ, anh e bà sẽ nghe tất cả.

- Nhưng tại sao phải cẩn thận như thế? Mặc dù không nên cho rằng bà Ferrars sẽ bằng lòng tý nào khi biết con trai của bà có đủ tiền để sống, ngay cả việc này khó xảy ra; nhưng dựa theo thái độ của bà vừa qua, tại sao lại cho rằng bà có cảm xúc? Bà đã xong chuyện với con trai bà, đã từ hẳn anh ấy, đã khiến những người chịu ảnh hưởng của bà cũng từ anh ấy như thế. Chắc chắn là, sau khi làm thế, không nên nghĩ bà sẽ có cảm nghĩ buồn thương hoặc vui mừng về chuyện của anh ấy – không thể nào bà bận tâm đến bất kỳ chuyện gì xảy ra với anh ấy. Bà không yếu đuối đến độ vứt bỏ sự thoải mái của một đứa con, nhưng lại kiềm chế nỗi lo lắng của một bà mẹ!

John nói:

- À! Elinor, lý luận của em rất hay, nhưng chỉ vì em không hiểu bản chất của con người. Khi hôn lễ vô phúc của Edward diễn ra, hãy tin là mẹ vợ anh sẽ cảm nhận như thể bà chưa từng cảm nhận từ anh ấy; và vì thế cần che giấu với bà càng lâu càng tốt mọi tình huống có thể thúc đẩy sự kiện này đến nhanh hơn. Bà Ferrars không bao giờ quên Edward là con trai của bà.

- Anh là em ngạc nhiên; em nghĩ hiện giờ điều này đã ra khỏi ký ức của bà.

- Em hiểu lầm bà rất nhiều. Bà Ferrars là một trong những người mẹ thương con nhất thế gian.

Elinor im lặng.

Sau một khoảnh khắc, anh Daswood tiếp:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

65#
 Tác giả| Đăng lúc 28-5-2013 16:00:47 | Chỉ xem của tác giả
Chương 41
(tiếp theo)

- Bây giờ gia đình nghĩ đến việc Robert sẽ cưới cô Morton.

Mỉm cười về vẻ quan trọng và quyết đoán trong giọng nói của anh, Elinor điềm tĩnh đáp:

- Em nghĩ, cô ấy không có quyền chọn lựa trong vụ việc.

- Chọn lựa! Em có ý nói gì?

- Em chỉ có ý rằng, theo cách anh nói, cô Morton là cùng một người cho dù cưới Edward hoặc Robert.

- Đúng thế, không thể có gì khác biệt; vì bây giờ Robert thực tế được xem là trưởng nam; và theo mọi phương diện khác, cả hai anh em đều là những thanh niên dễ chịu. Anh không thấy người nào hơn người nào.

Elinor không nói gì thêm, và John cũng im lặng trong chốc lát. Rồi suy tưởng của anh ngưng lại, anh trìu mến nắm lấy tay em cùng cha khác mẹ, thì thầm:

- Em gái thương, có một chuyện anh muốn trấn an em, và anh sẽ trấn an, bởi vì anh biết sẽ làm em vui. Anh có lý do để nghĩ… thật ra anh nghe qua người hiểu chuyện nhất, nếu không anh sẽ không lặp lại vì sẽ rất là sai lầm nếu nói như thế… nhưng anh nghe qua chính người hiểu chuyện nhất… không phải anh nghe chính xác qua bà Ferrars, nhưng con gái bà đã nói, và anh nghe qua cô ấy… rằng, tóm tắt, bất luận có phản đối về người nào… một người thân nào đấy – em hẳn hiểu anh – bà vẫn thấy đáng lẽ tốt hơn nhiều, có thể chỉ khiến bà phiền muộn phân nửa so với chuyện này.

“Anh rất vui mà nghe rằng bà Ferrars đã suy nghĩ theo chiều hướng này – một tình huống khiến mọi người chúng ta rất trân trọng, em hẳn biết. Bà bảo: ‘Không thể bì được, đỡ tệ hại hơn trong hai chuyện tệ hại, và bà sẽ lấy làm hài lòng mà dung hòa bây giờ vì không gì có thể tệ hại hơn nữa.’ Nhưng, tất cả đều không thể được… không nên nghĩ đến hoặc đề cập đến… em biết đấy, về chuyện tình cảm… không bao giờ có thể được – tất cả đã qua rồi.”

“Nhưng anh nghĩ anh sẽ nói cho em nghe chuyện này, vì anh biết em sẽ rất vui. Em Elinor thương, đấy không phải là lý do để tiếc nuối. Không còn nghi ngờ gì là em đã cư xử rất tốt, cũng tốt như – có lẽ tốt hơn – trong mọi việc. Gần đây em có gặp Đại tá Brandon không?”

Elinor đã nghe đủ để cô bị dao động và đầu óc bị lấp đầy, nếu không đủ để thỏa mãn thói phù phiếm và tự cho mình là quan trọng. Vì thế, cô vui mừng thấy anh Robert Ferrars bước vào, để cô không phải trả lời nhiều và không phải nghe gì thêm từ ông anh. Sau một lúc trò chuyện, chợt nhớ ra Fanny chưa được báo tin cô ở đây, John Daswood đi ra khỏi phòng để tìm vợ anh. Elinor được để ngồi lại để cải thiện mối giao tiếp với Robert. Anh này đã xác nhận ý kiến xấu nhất của cô về đầu óc và tâm hồn của anh qua thói vô tâm trong vui vẻ, tự mãn trong hạnh phúc để vui hưởng chia sẻ một cách bất công tình thương và phóng khoáng của bà mẹ, giành được qua lối sống phóng đãng mà phương hại đến người anh.

Chỉ sau hai phút trao đổi, anh bắt đầu nói về Edward; vì anh cũng đã nghe qua chuyện chức vụ giáo sĩ, và cảm thấy rất hiếu kỳ về vụ việc. Elinor lặp lại các chi tiết như cô đã kể với John. Phản ứng của Robert, mặc dù khác hẳn, không kém nổi bật đối với anh kia. Anh cười có phần thái quá. Ý tưởng về Edward làm giáo sĩ và sống trong một tư dinh cha xứ bé nhỏ khiến anh cười cợt thoải mái; và khi thêm vào đấy là hình ảnh tưởng tượng Edward rao giảng trong bộ áo lễ màu trắng và chủ đạo hôn lễ giữa anh John Smith nào đấy và cô Mary Brown nào đấy, anh chỉ thấy đó là chuyện kỳ quặc.

Trong khi im lặng và nghiêm nghị bất động để chờ đợi kết luận của lời lẽ điên rồ như thế, Elinor không thể kiềm chế đôi mắt dán lên anh với tia nhìn nói lên mọi khinh miệt. Tuy nhiên, tia nhìn được ban phát hợp lý, vì giúp cô giải tỏa mọi cảm nghĩ và không cho anh ta biết điều gì. Từ việc đùa cợt anh quay về sự khôn ngoan không phải vì bị cô trách móc, mà qua sự cảm nhận của anh.

Cuối cùng, anh ngưng tràng cười đã kéo dài cơn hoạt náo, và nói:

- Chúng ta có thể xem đây là chuyện đùa, nhưng trong thâm tâm tôi, đây là chuyện nghiêm túc. Tội nghiệp Edward! Anh ấy bị tiêu tan suốt đời. Tôi rất lấy làm tiếc cho anh vì tôi biết anh là người có tâm tính rất tốt; có lẽ là người có thiện ý như bất kỳ ai trên thế gian. Cô Daswood ạ, cô không nên phán xét anh ấy chỉ qua mối giao tiếp sơ qua của cô. Tội nghiệp Edward! Cách hành xử của anh ấy chắc chắn không phải cho hạnh phúc tốt đẹp nhất theo lẽ thường. Nhưng cô thấy đấy, tất cả chúng ta không phải sinh ra với cùng thiên bẩm, cùng tố chất.

“Tội nghiệp anh chàng! Nhìn thấy anh giữa một đám người lạ mặt! Đúng thật là đáng thương! Nhưng trong thâm tâm, tôi tin anh có con tim cũng tốt như bất cứ ai trong vương quốc này; và tôi cả quyết với cô mình chưa bao giờ bị sốc như thế trong đời, khi sự việc bùng ra. Tôi không thể tin được.”

“Mẹ tôi là người đầu tiên cho tôi biết chuyện này; và tôi, tự cảm thấy cần hành động cả quyết, nói ngay với bà : ‘Mẹ thân thương, con không rõ mẹ định làm gì về việc này, nhưng đối với con, con phải nói, nếu Edward phải cưới cô gái này, con sẽ không bao giờ nhìn mặt anh ấy nữa.’ Tôi đã nói ngay như thế. Tôi thật sự bị sốc một cách khác thường nhất! Tội nghiệp Edward! – anh đã tự mình gây ra hết – tự loại bỏ mình ra khỏi các mối giao hảo đàng hoàng! Nhưng như tôi đã nói ngay với mẹ tôi, tôi không hề ngạc nhiên chút nào; từ cách giáo dục của anh, chuyện này luôn xảy ra. Bà mẹ đáng thương của tôi gần như bị cuồng điên.”

- Anh đã từng gặp cô ấy chưa?

- Có; một lần, khi cô ấy đến ngụ ở nhà này, tình cờ tôi ghé qua trong mười phút; và tôi đã biết đủ về cô ấy. Một cô bé nhà quê vụng về chẳng có gì đáng bận tâm, không có phong thái hoặc vẻ thanh lịch, hầu như không đẹp. Tôi nhớ rất rõ về cô ấy. Là hạng gái mà tôi đoán chỉ có thể quyến rũ Edward đáng thương.

“Ngay sau khi mẹ tôi kể với tôi về vụ việc, tôi lập tức tình nguyện nói chuyện với anh ấy, khuyên anh nên từ bỏ cô; nhưng tôi thấy lúc ấy đã quá muộn không thể làm gì được, vì không may là lúc đầu tôi không dính dáng vào chuyện này và không hề hay biết gì cho đến khi chuyện vỡ lở, khi mà, cô biết đấy, tôi không có quyền ngăn trở. Nhưng nếu tôi được thông báo trước vài giờ, tôi nghĩ rất có thể đã tìm ra phương án gì đấy. Chắc chắn tôi có thể trình phương án này cho Edward qua luận cứ rất vững chắc. Tôi có thể nói: ‘Anh thân yêu ạ, hãy suy nghĩ anh đang làm gì. Anh đang có một mối quan hệ ô nhục nhất, và đó là quan hệ mà gia đìnnh đều nhất trí phản đối’.”

“Tóm lại, tôi không tránh khỏi ý nghĩ mình có thể tìm ra giải pháp. Nhưng bây giờ tất cả đều đã quá muộn. Anh hẳn sẽ bị đói, cô biết đấy; chắc chắn như thế: đói rách bươm ra.”

Vừa lúc anh kết thúc quan điểm qua vẻ trầm tĩnh cực độ, cô John Daswood đi vào và chấm dứt câu chuyện. Nhưng mặc dù cô này không bao giờ nói về vụ việc với người ngoài gia đình mình, Elinor có thể thấy ảnh hưởng lên tâm trí của chị dâu, trong vẻ gì đấy như hoang mang trên nét mặt, trong vẻ gắng gượng tỏ ra thân thiện với cô. Chị dâu cô còn đi xa đến độ tỏ ý tiếc được biết chẳng bao lâu Elinor và em gái sẽ rời thành phố, và hy vọng sẽ gặp lại hai em. Anh chồng dường như nhận ra mọi tình thương mến và phong nhã trong cố gắng của cô vợ anh.

Chú thích:

* Thuế giáo hội (Anh ngữ: tithe, có nghĩa “một phần mười”): phần thuế mà địa chủ, chủ nhân trang trại trích ra từ sản phẩm thu hoạch được (thường là một phần mười giá trị) để đóng góp cho giáo hội, chủ yếu dùng chu cấp cho giáo sĩ. Người đóng góp thuế này, như Đại tá Brandon, thường có quyền đề cử giáo sĩ cho giáo xứ của mình. Tuy thế, Đại tá Brandon có vẻ kém cỏi về kinh tế nên khoản chu cấp không cao.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

66#
 Tác giả| Đăng lúc 29-5-2013 08:23:09 | Chỉ xem của tác giả
Chương 42

Thêm một chuyến thăm viếng ngắn đến Phố Harley kết thúc sự giao hảo giữa người anh và hai em gái ở thành phố, sau khi người anh tỏ ý vui mừng vì hai chị em Elinor được di chuyển một phần đường về Barton mà không tốn kém, và vì một hoặc hai ngày sau Đại tá Brandon đi theo hai cô đến Cleveland. Fanny hời hợt mời hai cô ghé Norland mỗi khi có dịp đi ngang – điều khó thể xảy ra; còn John hứa với Elinor – nồng nàn hơn nhưng riêng tư hơn – sẽ sẵn sàng đi thăm cô tại Delaford. Đấy là tất cả những gì hứa hẹn cho những cuộc gặp gỡ trong tương lai ở miền quê.

Elinor buồn cười mà nhận xét là mọi người thân quen của cô dường như chủ ý muốn gửi cô đến Delaford, nơi mà, so với mọi nơi khác, cô không thiết tha thăm viếng hoặc cư ngụ. Không những ông anh cô và bà Jennings xem đấy là mái ấm gia đình tương lai của cô, mà ngay cả Lucy, khi từ biệt, cũng tha thiết mời cô ghé thăm mình ở đó.

Đầu Tháng Tư và vào giờ khá sớm trong ngày, hai nhóm từ Quảng trường Hanover* và Phố Berkeley khởi hành đến một điểm hẹn trên đường đi. Để hai mẹ con cô Charlotte được thoải mái, họ sẽ đi trước hai ngày; còn anh Palmer, vì cùng Đại tá Brandon di chuyển nhanh hơn, sẽ gặp họ ở Cleveland ngay sau khi họ đến.

Chỉ có ít thời gian được thoải mái ở London và từ lâu nôn nóng muốn rời xa thành phố này, Marianne nói lời từ giã, trong đau đớn cùng cực, với ngôi nhà trong đó lần cuối cùng cô đã mang hy vọng, và cũng là nơi mà niềm tin yêu dành cho Willoughby đã lịm tắt hẳn. Với những dòng lệ chảy dài, cô xa rời nơi mà Willoughby lưu lại, bận rộn trong những giao tiếp mới và những toan tính mới, mà cô không thể tham dự.

Elinor được hài lòng hơn. Cô không có đối tượng như thế để vương vấn tâm tư, cô không xa rời một người nào đã cho cô tiếc nuối trong giây phút là sẽ xa cách mãi, và cô vui vì được thoát khỏi sự hành hạ của quan hệ bằng hữu qua Lucy. Cô còn được dễ chịu vì mang em gái về mà em không gặp lại Willoughby từ khi anh kết hôn, và cô trông mong vài tháng tĩnh lặng ở Barton sẽ giúp hồi phục bình an trong tâm hồn của Marianne và cũng xác định bình an trong tâm hồn của chính mình.

-o0o-

Chuyến đi được bình an. Ngày thứ hai mang họ đến một hạt của Somerset mà nhiều người yêu thích nhưng trí tưởng tượng của Marianne cấm đoán, và vào buổi chiều ngày thứ ba họ đến Cleveland.

Cleveland là một ngôi gia cư rộng rãi, được xây dựng hiện đại, tọa lạc trên một thảm cỏ dốc. Không có hoa viên, nhưng cảnh quan của các sân chơi khá phong phú. Giống như mọi cơ ngơi khác có tầm quan trọng tương tự, cũng có những trảng cây bụi, lối đi dạo trong rừng, một con đường trải cuội sỏi chạy ngoằn ngoèo quanh đồn điền dẫn đến mặt trước, cây gỗ rải rác trên thảm cỏ, các cây linh sam**, bụi hồng dại và cây keo che chắn ngôi nhà, và một dải đầy các cây này, xen kẽ với những cây bạch dương, ngăn cách các phòng làm việc.

Marianne bước vào ngôi nhà với tâm tư ngập tràn xúc động qua ý thức rằng mình đang ở cách Barton chỉ tám mươi dặm, và cách Combe Magna không đến ba mươi dặm. Chỉ sau năm phút, trong khi những người khác bận rộn giúp Charlotte giới thiệu đứa bé với gia nhân, cô lẻn ra ngoài qua các lùm cây ngoằn ngoèo, bắt đầu một quang cảnh đẹp để đi đến một mô đất xa xa. Từ một ngôi nhà thời kiểu Hy Lạp nơi đây, cô dõi mắt lướt qua một dải đất thôn dã khoáng đãng đến hướng đông-nam, trìu mến chú mục đến chóp xa nhất của mấy dãy đồi phía chân trời, tưởng tượng được nhìn thấy Combe Magna từ các đỉnh đồi này.

Trong những khoảnh khắc u buồn quý giá như thế, cô hân hoan trong nước mắt đau khổ được đến Cleveland. Khi cô trở về ngôi nhà qua một lối khác, cảm nhận mọi đặc quyền hạnh phúc của cuộc sống thong dong nơi thôn dã, thẩn thơ đây đó trong cảnh tĩnh mịch tự do và phong phú, cô quyết định trong khi lưu lại với gia đình Palmer sẽ bỏ ra mỗi giờ trong mỗi ngày để đắm mình trong những ngao du cô tịch như thế.

Cô trở về vừa kịp để tháp tùng các người khác trong chuyến dạo chơi đến những khu vực lân cận. Phần còn lại của buổi sáng trôi qua dễ chịu bằng cách thơ thẩn trong khu vườn rau, ngắm các chùm hoa trên bờ tường khu vườn và nghe ông làm vườn ta thán về những bệnh thực vật, la cà trong nhà kính nơi Charlotte cười đùa vì các cây hoa cô thích bị phơi ra sương giá mà tàn rụi, đến thăm nhà nuôi gia cầm, nơi chủ nhân lấy làm thích thú thêm khi thấy cô nhân công bơ sữa bị thất vọng về các con gà mái bỏ ổ trứng hoặc bị cáo tha mất, hoặc về sự suy giảm của lứa con non có triển vọng.

Trời buổi sáng trong lành và hanh. Trong kế hoạch hoạt động ngoài trời, Marianne không tính đến sự thay đổi của thời tiết. Vì thế, cô vô cùng ngạc nhiên thấy một cơn mưa ngăn cản cô đi ra ngoài sau bữa ăn chiều. Cô đã định đi dạo trong bóng chiều chạng vạng để đến ngôi nhà thờ Hy Lạp, có lẽ lang thang khắp cả các cánh đồng, sẽ không nản chí vì se lạnh hoặc ẩm thấp. Nhưng với một cơn mưa lớn và dai dẳng, ngay cả cô không thể tưởng tượng đấy là thời tiết tốt để dạo chơi.

Số khách ghé lưu lại chỉ có ít, và thời khắc trôi qua êm đềm. Cô Palmer bận bịu với đứa trẻ; bà Jennings với việc đan tấm thảm của bà. Họ nói đến các người bạn còn ở lại, sắp xếp lịch công việc của Phu nhân Middleton, và tự hỏi liệu anh Palmer và Đại tá Brandon đã đến Reading tối nay hay chưa. Dù không quan tâm mấy về việc này, Elinor vẫn góp chuyện. Bằng mánh lới tự tìm lối đi trong mọi tòa nhà để đến phòng đọc sách cho dù gia đình không màng đến sách vở, chẳng bao lâu Marianne đã tìm được một quyển sách để đọc.

Cô vợ Palmer không có gì yếu kém trong việc vui đùa thân thiện để tiếp đãi các người khách của cô. Thái độ cởi mở và nồng nhiệt của cô vượt mức bù trừ cho sự thiếu kém về suy nghĩ và thanh lịch vốn thường làm cho cô kém lễ độ; lòng tử tế cộng thêm khuôn mặt rất xinh của cô thật thu hút; thói điên rồ của cô dù hiển hiện nhưng không đáng ghét vì không phải do dối trá. Elinor có thể bỏ qua tất cả ngoại trừ tiếng cười của cô.

Ngày kế, hai người đàn ông đến nơi và dự vào buổi ăn tối rất muộn, giúp mở rộng nhóm người trong không khí vui vẻ và đem đến thêm đề tài cho cuộc chuyện trò vốn đã khô cạn sau cơn mưa dai dẳng kéo dài cả buổi sáng.

Elinor đã nhận thấy rất ít nơi anh Palmer, và qua cái rất ít đó cô đã thấy thái độ anh luôn thay đổi đối với em cô và chính cô, đến nỗi cô không biết anh là người như thế nào trong gia đình anh. Tuy nhiên, cô thấy anh là một người quý phái chân chính trong cách đối xử với tất cả các vị khách, và chỉ thỉnh thoảng thô lỗ với cô vợ và bà mẹ vợ. Cô cũng thấy anh có khả năng trở thành một người bạn dễ chịu, nhưng không thể luôn luôn trở nên dễ chịu chỉ vì anh có tật quá tự kiêu khi tưởng tượng mình vượt trội thiên hạ, nhất là vượt trội so với bà Jennings và Charlotte. Về những phần còn lại trong cá tính và thói quen của anh, Elinor không thấy có gì bất thường trong giới tính và tuổi tác của anh. Anh tế nhị trong khi ăn uống, thất thường về giờ giấc; yêu mến đứa con tuy ra vẻ không đậm đà lắm; và lãng phí những buổi sáng bên bàn bi-a thay vì lo chuyện làm ăn.

Tuy nhiên, nói chung Elinor mến anh hơn là cô nghĩ lúc đầu, và trong thâm tâm cô không lấy làm tiếc là mình chẳng thể mến anh hơn; không lấy làm tiếc khi thấy tính sành ăn, ích kỷ và kiêu ngạo của anh, để dựa vào đấy mà hài lòng khi nhớ đến phong thái khoáng đạt, thú thưởng thức giản đơn và cảm nghĩ khiêm tốn của Edward.

Về Edward, hoặc ít nhất về vài mối quan tâm của anh, bây giờ Elinor được biết qua Đại tá Brandon, vì gần đây ông có ghé qua Dorsetshire. Đã xem cô là người bạn không vụ lợi của anh Ferrars và là người bạn tâm tình của mình, ông nói với cô nhiều về Tư dinh Cha xứ Delaford, mô tả các thiếu kém, cho cô biết ông định làm gì để nâng cấp. Thái độ của ông đối với cô trong các cuộc trò chuyện này cũng như về những chi tiết khác, tính cách vui vẻ bộc lộ với cô chỉ sau thời gian mười ngày xa cách, ý thích sẵn sàng tiếp chuyện với cô, và sự tôn trọng ý kiến của cô – tất cả đều minh chứng cho bà Jennings tin là ông yêu cô.

Có lẽ thế cũng đủ khiến Elinor trở nên nghi ngờ với chính mình, nếu như ngay từ đầu cô không tin Marianne là người ông yêu. Nhưng thật ra, ý nghĩ kia không hề len lỏi vào đầu cô, cho đến khi bà Jennins nhận xét. Nhưng cô vẫn tin trong hai người, mình là người quan sát tốt hơn: cô nhìn ánh mắt của ông trong khi bà Jennings chỉ nghĩ đến cử chỉ của ông. Ánh mắt của ông khi lo lắng cho tinh thần và sức khỏe của Marianne thoát khỏi sự quan sát của bà vì không thể diễn tả bằng lời. Riêng cô có thể thấy trong ánh mắt này các ý tình nhạy bén và vẻ hốt hoảng không cần thiết của một người đang yêu.

-o0o-

Trong ngày thứ ba và thứ tư sau khi Marianne đến, cô em có hai buổi chiều tà dạo chơi không chỉ trên con đường cuội sỏi, mà khắp cả cánh đồng, đặc biệt ở những khu vực xa nơi mà cây cối cao nhất, cỏ um tùm nhất và ẩm ướt nhất. Cách đi dạo này, cộng thêm thiếu cẩn thận khi giày vớ bị ẩm ướt, đã khiến cô bị một cơn cảm cúm mà trong một, hai ngày đầu cô xem thường hoặc phủ nhận, rồi trở nên nặng thêm trong nỗi âu lo của mọi người. Thuốc men đến từ mọi nơi, nhưng như thường lệ, đều bị từ chối. Cô em tin là dù có nặng và bị sốt cộng thêm nhức mỏi chân tay, chứng ho và khan cổ, chỉ cần một đêm nghỉ ngơi là có thể dứt hẳn. Elinor phải khó khăn lắm mới thuyết phục được em gái dùng một hoặc hai loại thuốc đơn giản nhất.

Chú thích:

* Quảng trường Hanover: như đoạn trước đã đề cập, chỉ nơi cư ngụ của vợ chồng Palmer ở London.

** Linh sam (Anh ngữ: fir): loại cây trong họ thông, có thân thẳng và tán lá hình nón, mọc phổ biến vùng ôn đới, thường được dùng làm “Cây Giáng Sinh”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2013 15:45:54 | Chỉ xem của tác giả
Chương 43

Marianne thức dậy sáng hôm sau vào cùng giờ như mọi ngày, và với mọi câu thăm hỏi đều trả lời cô đã khá hơn, cố tự chứng minh bằng cách vẫn làm các việc thường ngày. Nhưng một ngày trôi qua ngồi run rẩy bên lò sưởi với quyển sách trên tay mà cô không thể đọc, hoặc nằm trên ghế bành mà mệt mỏi và uể oải, không cho thấy tình trạng được cải thiện nhiều. Cuối cùng, khi đi nghỉ sớm, càng lúc cô càng yếu thêm. Đại tá Brandon chỉ ngạc nhiên về thái độ điềm tĩnh của cô chị; vì Elinor đã túc trực và chăm sóc em gái cả ngày, ngược lại với ý muốn của em, ép buộc dùng thuốc men vào buổi tối, giống như Marianne, với hy vọng là giấc ngủ sẽ giúp hồi phục, và không cảm thấy đáng lo thật sự.

Tuy nhiên, một đêm bứt rứt và nóng sốt làm cả hai thất vọng. Khi Marianne quyết tâm muốn thứ dậy, rồi thú nhận mình không thể ngồi dậy và tự nguyện nằm xuống giường trở lại, Elinor sẵn sàng nghe theo lời khuyên của bà Jennings mà gọi nhà bào chế thuốc* của gia đình Palmer.

Ông này đến, xem xét người bệnh, giúp Elinor phấn khởi mà tin rằng chỉ cần vài ngày để em gái bình phục. Tuy thế, khi cho biết tình trạng của cô em có xu hướng gây sốt và cho phép chữ “nhiễm trùng” thoát ra khỏi môi, ông lập tức khiến cô Palmer hoảng hốt vì nghĩ đến đứa trẻ của cô. Bà Jennings từ đầu đã nghĩ đến bệnh tình của Marianne một cách nghiêm túc hơn Elinor, bây giờ tỏ vẻ rất quan ngại qua báo cáo của ông Harris, đồng ý với nỗi lo sợ và tính thận trọng của Charlotte, nên bà khuyên hai mẹ con ra đi ngay. Dù xem nhẹ các âu lo, anh Palmer thấy không thể cưỡng lại sự lo lắng và nhũng nhiễu của cô vợ. Vì thế, họ quyết định là cô nên ra đi. Trong vòng một giờ sau khi ông Harris đến, cô mang đứa bé và người vú em đi đến nhà một người họ hàng gần của anh Palmer, cách vài dặm phía bên kia thị trấn Bath. Nghe theo lời khẩn khoản của cô vợ, anh chồng hứa sẽ đi sau trong một hoặc hai ngày.

Tuy nhiên, qua lòng tử tế từ thâm tâm khiến Elinor mến bà thật sự, bà Jennings tuyên bố nhất quyết không nhúc nhích ra khỏi Cleveland chừng nào mà Marianne còn yếu, và nỗ lực thế chỗ cho bà mẹ của cô qua sự săn sóc chăm chút của bà. Elinor luôn thấy nơi bà một người trợ giúp cần mẫn năng động, ước muốn chia sẻ mọi nhọc nhằn của cô, và thường giúp cho cô rất nhiều qua kinh nghiệm chăm nom người bệnh của bà.

Marianne đáng thương, dã dượi và suy sụp tinh thần do cơn bệnh và yếu ớt toàn thân, không còn nuôi hy vọng là ngày hôm sau sẽ được khỏe hơn. Chính ý nghĩ về ngày hôm sau sẽ mang đến điều gì càng khiến cơn bệnh trở nặng thêm, vì nếu không do cơn bệnh, ngày này họ đã bắt đầu chuyến đi trở về nhà; và được một gia nhân của bà Jennings hộ tống, hai chị em sẽ gây ngạc nhiên cho bà mẹ vào sáng hôm sau. Những gì cô có thể nói chút ít đều là ta thán sự chậm trễ này; dù cho Elinor cố gắng nâng đỡ tinh thần em gái và thuyết phục để em tin, nhưlúc ấy cô thực sự tin, rằng chỉ bị chậm trễ trong một thời gian ngắn.

Ngày hôm sau không cho thấy bệnh nhân có tiến triển tốt, chắc chắn cô không khá hơn nhưng không có vẻ tồi tệ hơn. Đoàn người bây giờ ít đi thêm; vì anh Palmer được Đại tá Brandon thuyết phục cuối cùng cũng giữ lời hứa với cô vợ, tuy anh không muốn đi một phần vì lý do nhân đạo và tốt bụng, một phần không muốn lộ vẻ sợ vợ. Trong khi anh đang sửa soạn, Đại tá Brandon, qua nỗ lực lớn hơn, cũng tỏ ý muốn ra đi. Tuy nhiên, ở đây lòng tốt của bà Jennings chen vào và được đánh giá cao nhất; vì bà nghĩ ông Đại tá ra đi trong khi người yêu của ông đang bối rối vì bệnh tình của em gái sẽ khiến cho cả hai hụt hẫng, nên bà nói ngay với ông rằng cần thiết ông phải ở lại Cleveland, rằng bà cần ông chơi bài vào buổi tối trong khi cô Daswood đang chăm sóc em gái trên lầu, vân vân. Bà khẩn thiết đến nỗi ông bằng lòng đáp ứng ý nguyện đầu tiên của con tim ông, và sau đấy không muốn ra vẻ lưỡng lự; đặc biệt khi anh Palmer nồng nhiệt ủng hộ bà Jennings, vì anh cảm thấy nhẹ nhõm để lại một người có năng lực như thế để giúp đỡ hoặc cố vấn cho cô Daswood trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Dĩ nhiên là Marianne không hề biết gì về các sắp xếp này. Cô không biết mình là nguyên do xua đuổi các chủ nhân của Cleveland đi xa, khoảng bảy ngày từ khi họ đến đây. Cô không ngạc nhiên khi không hề thấy cái gì thuộc về cô Palmer; và vì việc này không gây quan ngại cho cô, cô không bao giờ nhắc đến tên gia chủ.

Hai ngày sau khi anh Palmer đi, tình trạng của Marianne hầu như không đổi. Ông Harris đến chăm nom cô mỗi ngày, vẫn cam đảm nói về một sự hồi phục nhanh chóng, và cô Daswood cũng lạc quan tương tự; nhưng các người khác không phấn khởi như thế. Lúc đầu, bà Jennings đã xác định Marianne khó lòng vượt qua. Đại tá Brandon luôn lắng nghe và không thể chống lại ảnh hưởng của các linh tính của bà. Ông cố gắng lý luận từ tâm lý sợ hãi mà nhà bào chế thuốc dường như cho là vô lý; nhưng nhiều giờ mỗi ngày trôi qua ông được để hoàn toàn một mình khiến ông dễ chấp nhận tư tưởng u uẩn, và ông không thể loại ra khỏi đầu óc ý nghĩ là mình sẽ không còn thấy mặt cô nữa.

-o0o-

Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày thứ ba, các tiên đoán bi quan chứng tỏ là không đúng, vì khi ông Harris đến, ông cho biết bệnh nhân đã khá lên đáng kể. Mạch của cô đã mạnh hơn nhiều; mọi triệu chứng đều tốt hơn kỳ thăm bệnh trước. Elinor rất phấn khởi sau khi hy vọng của cô được xác nhận, vui mừng mà nghĩ lại rằng trong các lá thư gửi bà mẹ, cô đều trình bày phán đoán của mình thay vì là của ông bạn cô, để làm nhẹ nhàng việc họ trở về nhà muộn, và giờ đây cô gần như xác định được thời gian Marianne đủ sức để lên đường.

Nhưng ngày này kết thúc không được hứa hẹn như lúc khởi đầu. Vào buổi tối, Marianne lại trở bệnh thêm, lại nặng nhọc, bứt rứt và khó chịu hơn cả khi trước. Tuy thế, cô chị vẫn lạc quan, cho là em gái chỉ bị mệt mỏi vì phải ngồi dậy khi gia nhân dọn giường, cẩn thận cho em cô dùng thuốc trợ tim, hài lòng nhìn thấy em chìm vào giấc ngủ mà cô nghĩ sẽ cho kết quả tốt. Cô em ngủ được khá nhiều, tuy không ngon giấc như Elinor mong ước. Bổn chồn muốn được tự nhìn thấy kết quả giấc ngủ của em gái, Elinor ngồi luôn bên cạnh. Bà Jennings đi ngủ sớm hơn lệ thường, không biết gì đến diễn tiến của bệnh nhân; cô người hầu, là một trong những người chăm sóc chính, giải trí trong phòng quản gia, chỉ còn Elinor đơn độc cùng Marianne.

Cô em càng lúc càng trở nên bị chộn rộn. Chị cô vẫn liên tục quan sát mọi diễn tiến, nghe những tiếng than van đứt đoạn từ đôi môi em gái, vừa định đánh thức em từ giấc ngủ mộng mị, thì bất ngờ Marianne choàng tỉnh bởi một tiếng động trong ngôi nhà, ngồi bật dậy, với tiếng kêu điên cuồng trong cơn sốt:

- Mẹ có đến không?

Elinor che giấu nỗi kinh hoàng, giúp em gái nằm xuống:

- Chưa, nhưng chị mong mẹ sẽ đến đây sớm. Đường dài từ Barton đến đây, em biết mà.

Marianne thốt lên với cùng giọng gấp gáp:

- Nhưng mẹ không nên đi vòng qua London. Em không còn gặp được mẹ nữa nếu mẹ đi London.

Elinor hốt hoảng nhận ra em cô không còn tỉnh táo, và bắt mạch em khi cố gắng an ủi. Mạch yếu và nhanh hơn bao giờ; trong khi Marinne vẫn nói điên dại về bà mẹ, cô chị thêm hoảng hốt, quyết định mời gấp ông Harris và gửi tin nhắn đến bà mẹ ở Barton. Ngay lập tức cô muốn hỏi ý kiến Đại tá Brandon về cách thức tốt nhất cho việc thứ hai, và sau khi gọi cô hầu đến thế chỗ của cô kế bên em gái, cô vội đi đến phòng gia đình, vì biết ông thường ngồi ở đây đến khuya.

Không có thời gian để chần chừ. Các lo sợ và khó khăn của cô lập tức ở trước mặt ông. Các lo sợ của cô, ông không đủ can đảm, đủ tự tin để trấn an; ông im lặng lắng nghe trong chán nản. Nhưng các khó khăn của cô lập tức được hóa giải, vì qua lòng sốt sắng phù hợp với tình huống và hành động đã dự trù trong đầu, ông tình nguyện làm người đi đưa tin cho bà Daswood. Elinor thấy không dễ dàng từ chối. Cô cảm ơn ông ngắn gọn nhưng nồng nhiệt, và trong khi ông phái gia nhân của mình đi gọi gấp ông Harris và đặt thuê ngựa trạm**, cô viết ít dòng cho bà mẹ.

Ý tưởng yên tâm có một người bạn như Đại tá Brandon vào lúc như thế – có người đồng hành như thế cho bà mẹ, được cảm nhận trân trọng làm sao! – người đồng hành với óc suy xét giúp hướng dẫn, sự hiện diện để đỡ đần, và tình bằng hữu có thể an ủi cho cô! Nếu có cái gì có thể giúp giảm sốc cho cô khi nhờ đi gọi bà mẹ đến như thế, đấy chính là sự hiện diện của ông, cử chỉ của ông, tinh thần hỗ trợ của ông.

Trong lúc ấy, bất luận ông có thể nghĩ gì, ông hành động bằng cả rắn rỏi của một đầu óc tập trung, thu xếp mọi việc thật chóng vánh, tính toán chính xác thời gian cô có thể chờ ông trở về. Không một khoảnh khắc nào bị trễ nải. Các con ngựa đã đến sớm hơn dự đoán, và Đại tá Brandon chỉ nắm chặt tay cô với đôi mắt trang nghiêm, thêm ít lời nói quá nhỏ khiến cô nghe không rõ, rồi vội vã đi đến cỗ xe. Lúc này là mười hai giờ khuya, và cô trở lại phòng em gái để đợi nhà bào chế thuốc đến, và túc trực bên em gái suốt đêm.

Đây là đêm mà cả hai chị em đều khổ sở ngang nhau. Từng giờ trôi qua trong cơn đau nhức mất ngủ và mê sảng về phía Marianne, trong nỗi lo lắng tàn ác nhất cho Elinor, trước khi ông Harris xuất hiện. Nỗi lo lắng của cô, một khi đã dấy lên, càng nặng nề thêm do tư tưởng yên ổn lúc trước, công thêm cô hầu ngồi cùng, vì Elinor không cho phép gọi bà Jennings, tất cả chỉ tra tấn cô thêm qua những ẩn ý mà bà chủ luôn nghĩ đến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2013 15:51:12 | Chỉ xem của tác giả
Chương 43
(tiếp theo)

Tư tưởng của Marianne thỉnh thoảng vẫn rời rạc xoay quanh bà mẹ, và mỗi khi em gái nhắc đến tên bà lại khiến con tim tội nghiệp của Elinor nhói đau. Cô chị tự trách mình đã nhiều ngày xem thường cơn bệnh của em gái, bây giờ khốn khổ chờ đợi phương án cứu chữa cấp thời, tưởng tượng rằng mọi phương án đã bị trì trệ quá lâu, nghĩ đến cảnh bà mẹ đau khổ đến quá muộn không thể thấy mặt con gái yêu, hoặc không thể thấy lý lẽ của cô.

Đến lúc cô định cho người đi gọi ông Harris lần nữa, hoặc nếu ông ấy không thể đến, cho gọi người khác, thì ông đến – nhưng phải đợi đến năm giờ sáng. Tuy nhiên, ý kiến của ông không bù đắp cho sự chậm trễ, vì mặc dù công nhận người bệnh có thay đổi bất ngờ và theo chiều hướng xấu, ông vẫn cho là không có gì nguy hiểm, vẫn nói đến hiệu lực mà phương án chữa trị mới sẽ đem lại, qua phong thái tự tin phần nào có ảnh hưởng đến Elinor.

Ông hứa sẽ trở lại trong vòng ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, rồi ra về với cả người bệnh và người chăm sóc được trấn tĩnh hơn là trước khi ông đến.

Sáng hôm sau, bà Jennings nghe nói về những gì xảy ra trong đêm với quan ngại cùng cực, và với những lời trách móc đã không gọi cho bà. Các lo lắng của bà lúc trước, giờ được củng cố qua lý lẽ vững chắc hơn, khiến bà không hồ nghi về kết cục; và mặc dù cố an ủi Elinor, và bà tin cô em bị nguy hiểm, bà không thể an ủi trong hy vọng. Con tim của cô đau khổ thật sự. Tình trạng suy sụp nhanh chóng, cái chết của một thiếu nữ còn trẻ như thế, một cô gái xinh đẹp như Marianne, hẳn phải giáng mạnh vào tâm tư của một người dù quan tâm ít hơn.

Đối với bà Jennings còn hơn thế. Cô đã là bạn đồng hành của bà trong ba tháng, hiện vẫn còn dưới sự giám hộ của bà, và cô đã bị thương tổn tâm tư nặng nề, đau buồn qua thời gian dài. Đang hiện diện trước mặt bà còn có nỗi đau khổ của chị cô, người mà bà mến đặc biệt; – và về bà mẹ của hai cô, khi bà Jennings xét Marianne có ý nghĩa như thế nào đối với bà bạn cũng như Charlotte có ý nghĩa như thế nào đối với bà, sự cảm thông của bà đối với các khổ sở của cô em là rất chân thật.

Ông Harris đến đúng giờ lần kế tiếp; – nhưng ông đến để bị thất vọng về phương án chữa trị vừa rồi. Thuốc men của ông đã không công hiệu; – cơn sốt vẫn không giảm; và Marianne chỉ im lặng hơn – không còn là chính cô – vẫn trong trạng thái ngơ ngẩn nặng nề. Elinor đã nắm bắt được tất cả, và hơn cả tất cả, nỗi e sợ của ông trong phút chốt, và đề nghị mời người khác. Nhưng ông xét thấy không cần thiết; ông vẫn còn có cách khác để thử phương án mới nào đấy, mà ông tự tin ngang bằng với phương án trước là sẽ thành công. Chuyến viếng thăm của ông kết thúc với những lời trấn an chỉ đi vào tai cô, nhưng không thể đi vào tim của cô Daswood. Cô điềm tĩnh, ngoại trừ khi cô nghĩ về bà mẹ; nhưng cô gần như vô vọng.

Cô tiếp tục trong trạng thái như thế cho đến trưa, không mấy xê dịch khỏi giường của em gái. Các ý nghĩ của cô lan man từ một hình ảnh của đau thương, một người bạn khổ sở đến một hình ảnh khác. Tinh thần của cô bị suy sụp tột độ qua lời trò chuyện của bà Jennings, vì bà không đắn đo mà cho rằng cơn bệnh nguy hiểm này là kết quả của nỗi tuyệt vọng Marianne đã gánh chịu nhiều tuần trước. Elinor cảm thấy mọi sự hợp lý trong ý nghĩ của bà, và điều này mang lại thêm khổ sở cho các suy tưởng của cô.

Tuy nhiên, khoảng giữa trưa cô bắt đầu – nhưng với dè dặt, kinh hãi về nỗi thất vọng đã khiến cô im lặng một thời gian, ngay cả đối với bà – cô tưởng tượng, hy vọng nhận ra được chút ít hồi phục trong nhịp mạch của em gái. Cô đợi chờ, ngắm nhìn, rồi lại bắt mạch cho em gái. Cuối cùng, qua dao động khó che giấu dưới bề ngoài điềm tĩnh, cô nói lên hy vọng của mình. Bà Jennings cũng xem xét, và dù bị bắt buộc phải công nhận có hồi phục tạm thời, vẫn cố gắng bảo cô cháu trẻ không nên buông thả trong ý nghĩ rằng sự hồi phục sẽ tiếp tục. Ngẫm nghĩ về mọi sai khiến của bà để ngờ vực, Elinor cũng tự nhủ không nên hy vọng. Nhưng đã quá muộn. Hy vọng đã len vào đầu óc cô; và cảm nhận mọi run rẩy lo lắng, cô cúi xuống em gái để quan sát – cô không biết mình phải quan sát gì.

Thêm nửa giờ trôi qua, và triệu chứng tích cực bây giờ khiến cô vui mừng. Các người khác đến để xác nhận. Các dấu hiệu của sự hồi phục qua nhịp thở, sắc da và đôi môi của em gái, đều làm Elinor vui. Rồi Marianne dán mắt lên cô chăm chăm, tỉnh táo dù còn mệt mỏi. Lo lắng và hy vọng bây giờ trĩu nặng ngang nhau, không để cho cô yên phút giây nào cho đến khi ông Harris trở lại lúc bốn giờ. Các trấn an của ông, các chúc mừng của ông về sự hồi phục của cô em vượt quá mức hy vọng của ông, tất cả đều tạo cho cô tin tưởng, yên tâm, và những giọt nước mắt vì vui mừng.

Theo mọi phương diện, Marianne đều khá lên hẳn, và ông cho biết cô đã hoàn toàn qua khỏi cơn hiểm nghèo. Có lẽ đủ mãn nguyện dù các tiên liệu của bà trong cơ hốt hoảng vừa rồi chỉ đúng một phần, bây giờ bà Jennings cho phép mình tin tưởng nơi phán đoán của ông; và qua niềm vui không giả tạo rồi đi đến nỗi vui mừng dứt khoát, bà nhìn nhận người bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Elinor không thể lấy làm vui mừng. Niềm vui của cô thuộc loại khác, dẫn đến một điều gì đấy chứ không phải sướng thỏa. Marianne đã được khôi phục để trở lại với sự sống, sức khỏe, bè bạn, và với bà mẹ hay nuông chiều, đấy là ý tưởng lấp đầy tim cô bằng những xúc động qua an ủi thấm thía, và lan rộng trong cảm nghĩ tri ân nồng hậu; nhưng không dẫn đến biểu lộ vui sướng bên ngoài, không có ngôn từ, không có nụ cười. Tất cả trong tâm tư của Elinor chỉ là mãn nguyệ – mãn nguyện một cách âm thầm và mạnh mẽ.

Cô tiếp tục ở bên cạnh em gái với ít gián đoạn trong cả buổi xế chiều, trấn an mọi sợ hãi của em gái, thỏa mãn mọi câu hỏi của em về tinh thần yếu đuối của cô, giúp đỡ em mọi việc, quan sát mọi ánh mắt và mọi nhịp thở của em. Trong vài khoảnh khắc, khả năng về cơn tái phát dĩ nhiên xảy ra để nhắc nhở cô về lo lắng là như thế nào; nhưng qua những quan sát thường xuyên và cẩn thận, cô thấy mọi triệu chứng của sự hồi phục đều tiến triển. Vào lúc sáu giờ, cô thấy Marianne chìm vào giấc ngủ tĩnh lặng, êm đềm, và theo mọi dấu hiệu, thoải mái, nên cô dập tắt mọi nghi ngờ.

Thời gian kéo dài đến lúc có thể ngóng đợi Đại tá Brandon trở về. Cô tin là lúc mười giờ, hoặc ít nhất không muộn hơn nhiều, mẹ cô sẽ được giải thoát khỏi nỗi bồn chồn kinh khủng mà bà mang theo trên đường đi đến hai cô con gái. Ông Đại tá cũng thế! Có lẽ là một đối tượng đáng thương không kém mấy! Ôi! Thời gian trôi qua chậm làm sao khiến họ vẫn chưa được biết kết quả!

Lúc bảy giờ, rời khỏi Marianne vẫn còn đang ngủ êm đền, cô xuống dùng trà với bà Jennings trong phòng gia đình. Lúc điểm tâm cô đã vì những dòng lệ, bữa ăn chiều cô đã vì cơn bệnh nguy kịch, mà không thiết tha gì cả. Vì thế, với cảm nghĩ ổn cô cố mang đến, tuần trà bánh bây giờ được đón nhận một cách đặc biệt. Khi xong xuôi, bà Jennings thuyết phục cô đi nghỉ trước khi mẹ cô đến, và cho phép thế chỗ cô bên Marianne; nhưng Elinor không có cảm giác mệt mỏi, không thể ngủ vào lúc này trong khi nghĩ đến mẹ, không muốn rời xa em một thời khắc không cần thiết nào. Thế là bà Jennings đưa cô lên các bậc cầu thang dẫn vào phòng bệnh, để biết chắc mọi việc đều tiếp tục ổn thỏa, rồi để cô ở lại cùng người bệnh và cùng các suy tưởng của cô, và trở về phòng của bà để viết thư rồi đi ngủ.

Đêm trôi qua trong lạnh lẽo và giông bão. Gió hú chung quanh ngôi nhà và mưa dập trên các cánh cửa; nhưng Elinor ở bên trong hoàn toàn hạnh phúc, không để ý gì. Marianne ngủ say sưa qua mỗi luồng gió thổi; và hai người đang đi trên đường, họ có sẵn phần thưởng quý giá đang chờ đợi, để đền bù cho các khó nhọc hiện giờ.

Đồng hồ điểm tám giờ. Nếu là mười, Elinor hẳn đã tin rằng vào lúc này cô nghe tiếng cỗ xe chạy đến ngôi nhà; và cô tin tưởng mãnh liệt đến nỗi cô nghe thật sự, mặc dù hầu như không thể nào hai người đã đến, đến nỗi cô đi qua căn buồng thay quần áo kế bên, mở cánh cửa sổ để được thỏa mãn với sự thật. Cô thấy ngay là tai mình đã không lừa dối. Những ngọn đèn của một cỗ xe lập tức hiện ra trong tầm nhìn của cô. Qua ánh sáng chập chờn, cô nghĩ mình có thể nhận ra đấy là một cỗ xe tứ mã; và điều này giải thích giờ đến sớm, tuy cho thấy bà mẹ đáng thương đã lo lắng quá đáng mà thuê loại xe đắt tiền.

Chưa bao giờ trong đời, Elinor cảm thấy khó khăn giữ bình tĩnh đến thế, trong giây phút này. Ý tưởng về bà mẹ đang cảm nhận ra sao khi cỗ xe dừng trước cửa, – hoặc nỗi hồ nghi của bà – hoặc tâm trạng kinh hãi của bà – có lẽ ý tưởng tuyệt vọng của bà! – và chính cô sẽ nói những gì! – khó mà giữ điềm tĩnh qua những cảm nghĩ hỗn độn như thế. Mọi việc còn lại phải làm là cần gấp rút; và vì thế chỉ đợi người hầu của bà Jennings thế chỗ bên em gái, cô vội vã đi xuống các bậc thang lầu.

Khi cô đi dọc hành lang bên trong, tiếng lao xao nơi tiền sảnh cho cô biết rằng hai người đã bước vào nhà. Cô vội chạy đến phòng gia đình – cô bước vào, – và thấy chỉ có Willoughby.

Chú thích:

* Nhà bào chế thuốc (Anh ngữ: Apothecary): vào thời kỳ này, là những người bào chế dược phẩm nhưng cũng được mời khám bệnh trước khi cho toa.

** Ngựa trạm: loại ngựa để cưỡi hoặc kéo xe, được tổ chức cho thuê để có thể thay đổi ở từng trạm dọc đường đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2013 15:58:32 | Chỉ xem của tác giả
Chương 44

Bắt đầu thối lui với ánh mắt kinh hãi khi vừa trông thấy anh, Elinor tuân theo sự thôi thúc đầu tiên của con tim bằng cách lập tức bước rời khỏi gian phòng. Tay cô vừa chạm đến chốt cửa rồi ngưng lại, vì anh đã vội vã tiến đến, qua giọng như thể ra lệnh thay vì khẩn cầu:

- Cô Daswood, chỉ nửa giờ – chỉ mười phút – tôi xin cô nán lại.

Cô cứng cỏi đáp:

- Không, thưa anh, tôi sẽ không nán lại. Anh không thể có việc gì với tôi. Tôi đoán gia nhân quên nói cho anh biết là anh Palmer đã đi vắng.

Anh nóng nảy kêu lên:

- Dù cho họ có nói anh Palmer và mọi người thân của anh đã về âm phủ, tôi vẫn không quay ra. Tôi có việc với cô, và chỉ cô mà thôi.

Cô kinh ngạc tột độ:

- Với tôi! À, thưa anh, xin nhanh lên – và nếu có thể – đừng hùng hổ.

- Cô ngồi xuống, tôi sẽ nhanh và không hùng hổ.

Cô lưỡng lự, không biết phải làm gì. Điều khả dĩ ông Đại tá Brandon đến và thấy cô ở đây, chợt hiện ra trong trí cô. Nhưng cô đã hứa sẽ nghe anh, và nỗi hiếu kỳ ràng buộc cô không kém danh dự của cô. Vì thế, qua khoảnh khắc suy nghĩ, cô kết luận rằng sự cẩn trọng cần biện pháp giải quyết nhanh gọn, và cô sẽ giải quyết được nếu ưng thuận theo anh. Cô im lặng bước đến cái bàn, và ngồi xuống. Anh ngồi xuống chiếc ghế đối diện, và trong nửa phút không ai nói tiếng nào.

Elinor mất kiên nhẫn:

- Xin anh vui lòng nhanh lên. Tôi không có nhiều thời giờ.

Anh đang ngồi trong tư thái suy nghĩ trầm tư, dường như không nghe cô nói gì.

Thình lình, một khoảnh khắc sau, anh nói:

- Em gái của cô đã qua khỏi cơn hiểm nghèo. Tôi nghe gia nhân nói. Cảm ơn trời! Nhưng có thật không? – có đúng thật không?

Elinor không muốn nói. Anh lặp lại câu hỏi với thêm bồn chồn:

- Nói cho tôi biết, cô ấy đã qua khỏi nguy hiểm chưa, hay là sao?

- Chúng tôi hy vọng cô ấy đã qua khỏi.

Anh đứng dậy, đi vòng trong phòng, rồi trở lại ghế ngồi, giọng sôi nổi:

- Giá mà tôi biết thế chỉ nửa giờ trước. Nhưng vì tôi đang ở đây, điều này có nghĩa gì? Cô Daswood, chỉ một lần – có lẽ sẽ là lần cuối – xin cô và tôi cùng nhau được vui. Tôi đang có hứng để vui vẻ.

Màu ửng đỏ lan ra trên đôi má, anh tiếp:

- Xin thật lòng nói cho tôi biết, cô nghĩ tôi là kẻ đểu giả hay là tên ngu ngốc?

Elinor nhìn anh với nỗi ngạc nhiên hoyn bao giờ hết. Cô bắt đầu nghĩ anh hẳn đang say rượu; chuyến viếng thăm lạ lùng như thế này, cử chỉ như thế, dường như không thể hiểu cách nào khác. Qua ý nghĩ này cô lập tức đứng dậy, nói:

- Anh Willoughby, tôi khuyên anh bây giờ nên trở về Combe. Tôi không rảnh rỗi để tiếp anh thêm. Nếu anh có bất cứ việc gì với tôi, tốt hơn là để ngày mai anh nhớ lại mà giải thích.

Bằng nụ cười có ẩn ý và giọng nói hoàn toàn điềm tĩnh, anh nói:

- Tôi hiểu cô; vâng, tôi say lắm. Một vại bia đen cùng thịt nguội ở Marlborough đủ để làm tôi say.

Càng thêm hoang mang không hiểu anh có ý gì, cô thốt lên:

- Ở Marlborough!

- Vâng, tôi rời London lúc tám giờ sáng nay, và từ lúc ấy chỉ xuống xe trong mười phút để có bữa ăn nhẹ ở Marlborough.

Cử chỉ điềm đạm của anh và đôi mắt tinh anh khi anh nói khiến Elinor tin rằng, dù anh có bất luận lý do điên rồ không thể tha thứ nào để đến Cleveland, không phải là cơn say mang anh đến đây. Sau chút ít suy nghĩ, cô nói:

- Anh Willoughby, anh phải nghĩ, và tôi chắc chắn nghĩ – rằng sau những gì đã xảy ra – việc anh đến đây trong thái độ như thế này, và bắt buộc tôi phải tiếp anh, đòi hỏi một duyên cớ rất đặc biệt. Duyên cớ này là gì? Anh có ý gì?

Rất nghiêm nghị, anh nói:

- Tôi có ý, nếu có thể được, làm cho cô ghét tôi ít hơn một chút so với bây giờ. Tôi có ý đưa ra lời giải thích thế nào đấy, lời tạ lỗi thế nào đấy, về chuyện quá khứ… phơi bày tâm tư cho cô, bằng cách thuyết phục cô rằng mặc dù tôi luôn là kẻ ngu xuẩn, không phải lúc nào tôi cũng là kẻ bất lương… để được Ma… em gái cô, tha thứ cho tôi.

- Có phải đấy là lý do thật lòng để anh đến đây không?

- Bằng cả chân tình, đúng như thế.

Anh nồng nàn trong câu trả lời, khiến cô nhớ lại tất cả về Willoughby lúc trước, và mặc dù cô muốn nghĩ khác, cô vẫn tin anh thành thật.

- Nếu chỉ có thế, anh có thể thỏa nguyện được rồi; vì Marianne đã tha thứ cho anh – cô ấy đã quên anh từ lâu.

Anh thốt lên trong cùng giọng sôi nổi:

- Thật thế sao? Thế thì cô ấy đã tha thứ cho tôi rồi, sớm hơn là tôi mong đợi. Nhưng cô ấy sẽ tha thứ cho tôi lần nữa, với lý do chính đáng hơn. Bây giờ cô có muốn nghe tôi không?

Elinor cúi đầu ra dấu chấp thuận.

Sau một khoảnh khắc chờ đợi về phía cô và suy tư về phía anh, anh nói:

- Tôi không biết đã lý giải ra sao với em gái cô về hành vi của tôi, hoặc quy cho tôi động lực ác độc như thế nào. Có lẽ cô khó có thể nghĩ về mặt tốt của tôi, tuy nhiên nên xét đến, và cô sẽ nghe tất cả.

“Khi lần đầu được thân thiết với gia đình cô, tôi không có toan tính gì, không có ý gì khác hơn là vui chơi thoải mái trong khi tôi bắt buộc phải lưu lại Devonshire, thoải mái hơn lúc nào hết so với trước đây. Tư cách dễ thương và cử chỉ lôi cuốn của em gái cô chỉ làm cho tôi vui; và thái độ của cô ấy đối với tôi hầu như ngay từ đầu, là như thế nào ấy… Thật là lạ lùng, khi tôi nghĩ lại nó là cái gì và cô ấy là như thế nào, mà con tim tôi đã vô cảm đến như thế!”

“Nhưng tôi phải thú nhận, lúc đầu tôi chỉ cảm thấy thói phù phiếm của mình được tôn vinh. Không màng gì đến hạnh phúc của cô ấy, chỉ nghĩ đến các thú vui của riêng tôi, luôn buông thả trong cảm xúc, tôi cố dùng mọi phương cách trong khả năng của mình để làm cho cô ấy hài lòng về mình mà không có ý định đáp lại ý tình của cô ấy.”

Đến điểm này, cô Daswood cắt ngang, nhìn anh qua vẻ khinh bỉ giận dữ nhất, nói:

- Anh Willoughby, không còn có ích gì cho anh kể lại, hoặc cho tôi ngồi nghe. Sự khởi đầu như thế này không thể tiếp tục bằng bất cứ cách nào. Xin đừng làm tôi đau khổ vì phải nghe thêm bất cứ lời nào trong chuyện này.

Anh đáp:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2013 15:59:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 44
(tiếp theo)

- Tôi xin cô nghe toàn bộ câu chuyện. Gia sản của tôi không lớn, và tôi luôn chi tiêu nhiều – luôn có thói quen giao du với những người có lợi tức cao hơn mình. Từ lúc đến tuổi trưởng thành hoặc ngay cả từ trước, mỗi năm tôi đều mắc thêm nợ. Mặc dù khi bà Smith qua đời tôi sẽ thanh toán được hết nợ nần, ngay cả việc này vẫn chưa chắc và có lẽ còn xa vời, nên lâu nay tôi có ý định phục hồi tình trạng của mình bằng cách cưới một phụ nữ có sự sản khá. Vì thế, tôi không nghĩ đến việc gắn bó với em gái cô; và bằng những thói hèn hạ, ích kỷ, độc ác – tôi đã hành động qua cung cách như thế – để chiếm lấy tình cảm của cô ấy mà không hề nghĩ phải đáp lại. Mọi phẫn nộ, khinh bỉ, ngay cả từ cô, cô Daswood ạ, dù có chê trách tôi thế nào vẫn không đủ.

“Nhưng có thể nói về tôi một điều: ngay cả trong tình trạng kinh khiếp của thói phù phiếm ích kỷ như thế, tôi đã không lường trước được mức thương đau mà tôi gây ra, bởi vì lúc ấytôi không biết tình yêu là như thế nào. Nhưng liệu tôi đã nhận biết gì? Được rồi, có thể hồ nghi về điều này; vì lẽ, nếu tôi đã thật sự biết yêu, liệu tôi đã vứt bỏ được cảm xúc của mình cho thói phù phiếm, cho thói hám lợi hay không? – hoặc là, hơn nữa, liệu tôi đã vứt bỏ được các cảm xúc của cô ấy hay không?”

“Nhưng tôi đã vứt bỏ. Để tránh cảnh nghèo khó tương đối, tôi đã đánh mất mọi thứ chỉ vì mong được giàu có; vì tình cảm và giai cấp của cô ấy hẳn sẽ giúp cho tôi tránh mọi điều khủng khiếp của cảnh nghèo, trong khi đáng lẽ tôi phải thấy dù nghèo khó vẫn là may mắn hơn.”

Qua chút ít nhỏ nhẹ, Elinor nói:

- Thế thì, anh có tin rằng có lúc anh đã gắn bó với em gái tôi không?

- Chống chọi lại những hấp dẫn như thế, cưỡng lại những ngọt ngào như thế à! Có người đàn ông nào trên đời làm được như thế? Vâng, tôi thấy mình thật lòng mến cô ấy, qua mức độ vô cảm. Những thời khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi là khi gần bên cô ấy, khi mà những ý nghĩ của tôi là hoàn toàn trong danh dự, và những cảm xúc của tôi thì không chê trách được. Tuy nhiên, ngay cả lúc ấy, khi đã cả quyết tỏ tình với cô ấy, ngày qua ngày tôi đã tự cho phép mình trì hoãn giây phút ấy, vì tôi không muốn có một hẹn ước trong khi tình cảnh của tôi đang bị rối reng. Tôi không muốn lý luận ở đây; và tôi cũng không ngưng lại để cô dông dài về cái vô lý – và cái tệ hơn là vô lý – khi tôi lưỡng lự đặt niềm tin nơi tôi đã buộc danh dự của mình vào.

“Những gì tiếp theo sau đã chứng tỏ tôi là tên ngu ngốc xảo quyệt, là một dịp để làm cho tôi trở nên đê tiện và khổ sở. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đi đến quyết định, và tôi đã quyết tâm, ngay khi có cơ hội được gặp riêng cô ấy, lý giải cho các chăm chút của tôi dành cho cô ấy, thẳng thắn xác nhận với cô ý tình mà tôi đã trải qua đau khổ để thể hiện. Nhưng trong khi chờ đợi cơ hội như thế – trong những tiếng đồng hồ đang trôi qua – một tình huống xảy ra – một tình huống bất thường, để làm tàn lụi mọi quyết tâm của tôi, và theo đấy, tiêu tán mọi thoải mái của tôi.”

Ở đây, anh ngập ngừng và hạ thấp giọng:

- Bằng cách nào đấy, bà Smith đã được báo tin – tôi đoán qua một người có quan hệ xa muốn tước bỏ lòng quý mến bà dành cho tôi – về một chuyện tình cảm, chuyện vấn vương; nhưng tôi không cần tự mình giải thích thêm…

Đỏ bừng mặt và nhìn cô dò hỏi, anh tiếp:

- Có lẽ lâu rồi cô đã nghe cả chuyện này.

Cô cũng đỏ mặt, cứng cỏi lại để không phải cảm thông với anh:

- Tôi có nghe, tôi đã nghe mọi chuyện. Và làm thế nào anh biện hộ được cho bấy kỳ tội lỗi nào trong vụ việc kinh khiếp này, tôi thú thật không hiểu nổi.

Willoughby thốt lên:

- Xin nhớ cô đã được nghe ai kể. Đây có thể là vô tư hay không? Tôi nhìn nhận đáng lẽ mình phải tôn trọng hoàn cảnh và tư cách của cô ấy. Tôi không có ý biện minh cho tôi, nhưng cùng lúc tôi không thể để cho cô nghĩ rằng tôi không có gì để biện minh – rằng bởi vì cô ấy thương đau nên cô ấy không đáng trách, và vì tôi là con người phóng đãng nên cô ấy phải là một nữ thánh. Nếu ý tình của cô ấy không quá mãnh liệt, nhận thức của cô ấy không quá yếu kém… nhưng tôi không có ý tự bào chữa. Cô ấy đáng được đối xử tốt hơn thế vì tình cảm cô ấy dành cho tôi. Nhiều khi tôi tự trách mình rất nặng khi nhớ lại sự trìu mến mà, chỉ trong một thời gian ngắn, có mãnh lực khiến tôi đã đáp lại. Tôi mong – tôi khao khát mong – không bao giờ nên như thế.

“Nhưng tôi đã làm tổn thương không chỉ cô ấy; tôi còn làm tổn thương một người mà tình cảm dành cho tôi (tôi có thể nói như vậy được không?) cũng nồng nàn không kém cô kia và với tâm tư – ôi! Vô cùng vượt trội!”

- Tuy thế, thái độ dửng dưng của anh đối với cô gái bất hạnh kia – tôi phải nói thế – với tôi là không chấp nhận được, dù cho anh có nói thế nào đi nữa: thái độ dửng dưng của anh không thể biện minh việc anh tàn nhẫn bỏ rơi cô ấy. Đừng nghĩ anh được tha thứ vì bất kỳ lý do nào: hoặc anh đã yếu đuối, hoặc anh không hiểu cô ấy, trong cung cách tàn nhẫn phóng đãng hiển hiện qua con người anh. Đáng lẽ anh phải biết là: trong khi anh đang vui thú ở Devonshire, theo đuổi những ý đồ mới, lúc nào cũng nhiệt náo, lúc nào cũng vui vẻ, thì cô ấy đã sa vào cảnh khốn khổ tột cùng.

Anh nồng nàn trả lời:

- Nhưng, thật tình mà nói, tôi đã không biết việc này. Tôi không nghĩ ra rằng mình đã quên cho cô ấy biết tôi ở đâu, và chỉ cần nhận thức thông thường thì cô ấy đã có thể tìm được tôi.

- Được rồi, thưa anh, còn bà Smith nói gì?

- Bà ấy lập tức kết án tôi nặng nề, và cô có thể đoán tôi xấu hổ ra sao. Cuộc sống của bà ấy thuần khiết, những quan niệm của bà ấy thì nghiêm túc, bà không biết gì về thế giới bên ngoài – mọi yếu tố đều bất lợi cho tôi. Tôi không thể phủ nhận vụ việc, và mọi cố gắng để trình bày vụ việc theo hướng làm dịu đều vô vọng. Tôi tin bà ấy đã có định kiến để nghĩ hành vi của tôi nói chung là vô đạo đức, lại càng bất bình về mỗi chuyện vặt vãnh, về thời gian ít ỏi tôi đã dành cho bà.

“Tóm lại, kết cuộc là đi đến đổ vỡ. Nhưng có một giải pháp mà tôi tự cứu mình được. Qua đạo đức cao cả của bà, một phụ nữ tốt đẹp làm sao! Bà hứa sẽ quên chuyện quá khứ nếu tôi bằng lòng cưới Eliza. Nhưng không thể được; thế là tôi bị bà từ bỏ và đuổi ra khỏi nhà bà.”

“Cả đêm tiếp theo sau chuyện này – tôi sẽ ra đi sáng ngày sau – tôi cân nhắc suy nghĩ trong tương lai mình phải làm gì. Tôi đấu tranh tư tưởng dữ dội, nhưng kết thúc quá sớm. Tình cảm của tôi dành cho Marianne, lòng tin tưởng tuyệt đối về tình cảm cô ấy dành cho tôi – tất cả đều không đủ để trấn áp nỗi lo sợ bị nghèo khó, cũng không đủ để vượt qua những quan niệm sai lạc về sung túc vật chất mà tôi vẫn thường mang nặng và xã hội vẫn cổ vũ. Tôi có lý do để tin bản thân mình sẽ được ổn cố với người vợ của tôi hiện giờ, nếu tôi chọn cô ấy, và tôi nghĩ một khi đã chọn kế sách cẩn trọng thông thường thì không cần phải làm việc gì khác. Tuy nhiên, một cảnh nặng nề chờ đợi tôi trước mặt, trước khi tôi có thể rời Devonshire.”

“Tôi đã hẹn dùng bữa tối cùng gia đình cô đúng ngày hôm ấy, vì thế cần thiết có lời tạ lỗi theo cách nào đấy về việc tôi muốn dứt bỏ hẹn ước này. Nhưng liệu tôi có nên biên thư tạ lỗi hoặc chính mình nói ra là điều khiến tôi băn khoăn mãi. Tôi nghĩ sẽ rất khổ sở nếu tôi gặp Marianne, và tôi còn hồ nghi liệu mình có thể gặp lại cô ấy mà vẫn giữ nguyên ý định được không.”

“Tuy nhiên, trong điểm này, tôi đánh giá quá thấp tính đại lượng của mình, như những gì tiếp theo cho thấy; vì tôi đến, tôi gặp cô ấy, thấy cô ấy khổ sở, rồi để cô ấy ở lại với khổ sở – và ra đi mà không bao giờ hy vọng được gặp lại cô ấy.”

Elinor nói một cách trách móc:

- Nhưng tại sao anh lại đến đấy, anh Willoughby? Một lá thư nói lên được tất cả. Tại sao cần thiết phải đến?

- Cần thiết cho niềm hãnh diện của tôi. Tôi không thể chịu được nếu ra đi trong cách thức có thể khiến cô, hoặc những người khác trong vùng, nghi ngờ có chuyện gì đấy đã xảy ra giữa bà Smith và tôi. Thế là tôi quyết tâm đi đến nhà nghỉ mát, trên đường đi Honiton. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy em gái thân thương của cô, tôi thật là khổ tâm; và sự việc còn tồi tệ hơn nữa, là tôi thấy cô ấy đang một mình. Cả ba người khác trong gia đình cô đã đi vắng, tôi không biết đi đâu. Tôi vừa mới từ giã cô ấy buổi tối hôm trước với quyết tâm vững chắc sẽ làm việc phải làm! Chỉ thêm vài giờ đồng hồ nữa là cô ấy và tôi sẽ hẹn ước với nhau suốt đời. Tôi còn nhớ tôi đã hạnh phúc thế nào, tôi vui sướng thế nào, khi đi từ nhà nghỉ mát đến Allenham, mãn nguyện về mình, hân hoan với tất cả mọi người!

“Nhưng hôm ấy, buổi diện kiến cuối cùng của chúng tôi trong tình bạn, tôi gặp cô ấy với nhận thức về lỗi lầm tự nó hầu như lấy đi khả năng che giấu của tôi. Khi tôi nói với cô ấy rằng tôi bắt buộc phải đi khỏi Devonshire ngay, nỗi buồn của cô ấy, nỗi thất vọng của cô ấy, nỗi tiếc nuối sâu đậm của cô ấy – tôi sẽ không bao giờ quên; trong khi cô ấy nương tựa vào tôi như thế, tín nhiệm tôi như thế! Ôi, trời! Tôi là kẻ bất lương vô cảm!”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách