Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Jonnny
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Giấc Mơ Của LIPPEL | Paul Maar (Hết)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 00:57:30 | Chỉ xem của tác giả
Asslam gật đầu và kể tiếp:

- Khi nghe thầy Sinh Bá kể chuyện, tôi muốn chạy ngay về cung điện để báo cho vua cha biết là mình vẫn còn sống. Nhưng thầy Sinh Bá khuyên nên chờ đến sáng mai. Thầy có lí vì lúc đó tôi cảm thấy mệt đến độ không đứng nổi nữa và phải ngủ lại tại nhà thầy. Khi trời vừa hửng sáng, tôi và con Mực len lỏi vào hoàng cung.

Hamide nói to:

- Hay quá! Cha của chúng ta nói gì? Rất tiếc là em không đi theo.

- May là em không đi theo! Khi anh vừa định băng qua sân trước để vào bên trong, thì bỗng nhiên có ba tên lính núp gần đâu đó nhào đến, rút kiếm ngay định đâm anh, vì họ không cần bắt sống mà chỉ muốn giết chết thôi.

Hamide giận dữ:

- Đâm chết à?

- Đúng vậy! Họ muốn giết chết anh. Họ không thể để cho bà thím và cả vua cha biết là chúng ta còn sống, vì như vậy âm mưu của họ sẽ bại lộ. Chính vì vậy mà tối hôm qua họ cứ cưỡi ngựa quanh thành phố để tìm chúng ta. Họ đoán là thế nào chúng ta cũng tìm cách trở về hoàng cung nên lục soát cả thành phố để tìm.

Lippel sốt ruột:

- Bạn chưa kể cho biết làm cách nào thoát chết khi họ dùng kiếm đâm bạn?

- Nếu không có con Mực thì giờ đây các bạn không còn nhìn thấy tôi nữa rồi. Ngay đúng lúc đó, con Mực sủa to và phóng đến bọn lính. Họ phải quay ra chống lại với con Mực nên tôi mới chạy thoát được. Đến khi họ lên ngựa đuổi theo, thì tôi đã ra đến bức tường bên ngoài và chạy theo con đường nhỏ rồi gặp được Lippel. Phần cuối thì bạn đã biết rồi.

Lippel gật đầu rồi chợt nhớ ra:

- Nhưng bạn có nói là chỉ hai người kị mã đi tìm bạn. Còn người thứ ba thì sao?

- Hắn ở lại để canh chừng, hễ chúng ta về đến hoàng cung là ra tay giết chết, trong khi hai người kia ra chợ tìm chúng ta.

Hamide nói một cách tức giận:

- Nhưng trong hoàng cung không chỉ có hai người lính, còn những người khác đâu hết rồi? Tại sao họ không đến giúp anh?

- Những người lính khác ở tận bên trong hoặc gác ở sân chính, còn ba người này chận anh từ phía sân trước nên không ai hay biết gì cả. Mà cho dù có nghe tiếng đi nữa, thì họ cũng tưởng rằng người ta đang đuổi một đứa bé hay là một tên trộm ra khỏi cung điện.

Asslam vừa nói vừa ngắm nghía bộ đồ rách rưới dơ bẩn mà mình đang mặc:

- Tôi thật không giống một hoàng tử chút nào!

Sau một hồi im lặng, Hamide lên tiếng:

- Phải nghĩ ra cách gì để vào hoàng cung, chúng ta không thể ở mãi nơi đây. Em muốn gặp lại ba má.

Lippel an ủi:

- Bạn hãy bình tĩnh, thế nào cũng có cách.

Hamide hỏi với vẻ thiếu kiên nhẫn:

- Cách gì đây?

Lippel trả lời:

- Chúng ta hãy suy nghĩ.

Ba người ngồi bên nhau trên tấm nệm rơm, chống tay lên cằm và suy nghĩ.

Lippel có cảm giác sẽ tìm được giải pháp, cậu nghĩ ra một ý tưởng nhưng chưa được chắc lắm vì còn một vài điểm vướng mắc. Cậu nghĩ ngợi căng thẳng và phương cách ngày càng rõ dần. Lippel sắp tìm ra lời giải thì đột nhiên bà Jakob đến đánh thức cậu:

- Philipp! Philipp! Dậy đi, 7 giờ kém 15 rồi.

Cậu không còn cách nào khác hơn là để Asslam và Hamide tiếp tục suy nghĩ còn mình phải thức dậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 01:14:28 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22


Gia đình Guney


Sau khi ăn sáng xong, Lippel lấy cặp táp và mặc áo mưa vào vì không muốn bị ướt như ngày hôm qua. Nhưng sáng sớm hôm nay trời lại nắng gắt, không một chút mây. Đi được nửa đường, cậu muốn trở về nhà bỏ áo mưa lại nhưng sợ trễ giờ học nên đành đi tiếp và cố quên nó đi. "Thật ra cũng rất tiện lợi, khi đến trường mình sẽ máng áo mưa vào móc áo, lúc tan học nếu trời mưa thì có sẵn để mặc vào". Ý nghĩ này khiến cho cậu thấy vui.

Lippel càng vui hơn khi vừa quẹo vào đường Herder đã nhìn thấy Arslan và Hamide. Lippel chạy nhanh đến gặp họ và cùng đi đến trường. Hamide hỏi:

- Bữa nay bạn đến nhà chúng tôi ăn cơm chứ?

- Đúng, sau giờ học tôi sẽ cùng đi đến nhà bạn.

- Tốt lắm!

Lippel tò mò:

- Bữa trưa chúng ta sẽ ăn gì?

Arslan nhún vai:

- Tôi không rõ.

Hamide tiếp lời:

- Tôi không biết sẽ có món gì. Nhưng tôi biết sẽ không có món gì?

Lippel hỏi:

- Không có món gì vậy?

Hamide cười:

- Cà chua! Khi chúng ta đi học về sẽ chưa có đồ ăn vì má tôi phải làm việc đến 12 giờ. Nhưng sau đó má sẽ nấu rất nhanh.

- Không sao, tôi đợi được. Hôm qua tôi không ăn trưa, đến tối mới ăn.

- Nhưng bạn không phải chờ đến tối đâu, vì như vậy tôi sẽ bị chết vì đói.

Ngày hôm đó hai tiết đầu là môn văn. Cô Klobe phát bài chính tả cho học sinh, Lippel bị một lỗi, Hamide mười bốn lỗi còn Arslan đến ba mươi bảy lỗi! Sau giờ chơi đến giờ thể dục tại sân vận động kế bên trường. Các em tham gia môn chạy đua. Arslan được hạng nhất, Hamide thứ mười một và Lippel thứ mười chín. Tiếp theo là giờ thực nghiệm, các học sinh phải trở lại lớp.

Buổi học qua mau. Sau khi tan học, Lippel cùng Arslan và Hamide trở về nhà. Lippel có cảm giác là lạ khi đi tới đường Friedrich mà không quẹo về nhà mình, lại đi theo đường Herder thẳng đến đường Bahnhof. Trước cửa nhà hai bạn, Lippel lẩm nhẩm đọc bảng tên: "Guney". Một phụ nữ mập mạp bước ra mở cửa. Arslan giới thiệu:

- Mẹ tôi đó.

Lippel lễ phép chào:

- Gule, gule.

Bà mẹ cười to, Arslan và Hamide cũng cười theo. Lippel ngượng ngùng hỏi:

- Sao vậy? Tôi đọc sai à? Đó không phải là lời chào theo tiếng Thổ Nhĩ Kì ư?

Hamide giải thích:

- Phải, nhưng đó là dùng để nói khi từ giã, giống như "Auf Wiedersehen" (hẹn gặp lại) của tiếng Đức. Mới gặp nhau mà bạn đã "hẹn gặp lại" thì người ta phải cười chứ sao!

Lippel cũng cười theo:

- Thì ra vậy. Nhưng tôi chưa muốn từ giã đâu.

Ba người theo bà Guney vào phòng khách. Trên bàn ăn dài phía tay trái đã được sắp sẵn chén dĩa. Lippel tò mò ngó quanh phòng. Thật ra căn phòng này cũng giống như nhà bà Jeschke, điểm khác biệt duy nhất là chiếc máy cát-xết với băng nhạc bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì. Trên tường treo nhiều hình và ngay trên chiếc ghế bành dài, là một bức tranh to thêu hình một thành phố. Lippel nhìn kĩ bức tranh. Arslan giải thích:

- Đó là Ankara, thủ đô của nước Thổ Nhĩ Kì, nơi tôi sinh ra.

Lippel sửa lại:

- Nơi tôi được sinh ra. Ankara có lớn không?

Arslan cười đáp lại một cách tự hào:

- Mười lần lớn hơn thành phố này! Tất cả đều to. Không như ở đây, tất cả đều nhỏ: Một thành phố nhỏ.

Lippel hơi ngạc nhiên vì không hề có cảm giác là thành phố này nhỏ:

- Bạn nghĩ vậy sao? Nhưng còn những người này là ai?

- Đó là ông nội và bà nội tôi.

Lippel khen ngợi:

- Bạn nói tiếng Đức giỏi lắm. Tôi không hiểu tại sao bạn lại không chịu nói.

Bà Guney bưng đồ ăn để trên bàn. Những món này hoàn toàn không giống món ăn Lippel vẫn dùng ở nhà: bánh mì dẹp và tròn gần giống như bánh xèo. Một dĩa thịt thái nhỏ, một chén sữa chua trộn với dưa chua và tỏi làm sốt dùng cho cải xà lách. Lippel suy nghĩ có nên hỏi xin bà mấy điểm penny trên hộp sữa chua hay không Nhưng cậu còn e ngại nên quyết định sẽ hỏi sau khi ăn xong. Ngoài ra còn có món ớt tây nhồi thịt với cơm. Họ uống nhiều nước suối.

Bà Guney giải thích cho Lippel từng món ăn và đọc tên chúng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì nên Lippel không nhớ được. Bà nói tiếng Đức thông thạo hơn Arslan và gần bằng Hamide. Có lẽ nhờ bà làm việc cho một tiệm tạp hóa. Tuy nhiên có nhiều chỗ bà nhấn giọng rất lạ, nên Lippel phải cố gắng lắm mới hiểu hết. Món tráng miệng có tên là Hawa hay Hama hoặc một cái tên gì tương tự như vậy, rất ngọt và ngon.

Ăn xong, Lippel hỏi bà Guney về mấy nắp hộp sữa chua. Bà cho biết đã vất nó vào thùng rác. Arslan và Hamide cùng với Lippel lục tìm được hai nắp hộp sữa nhưng trên mặt nắp không có in điểm penny, vì bà Guney mua của hãng khác. Bà hứa lần sau sẽ để ý khi mua sữa.

Sau khi chơi vài ván cờ "cá ngựa" với Hamide và Arslan, Lippel từ giã ra về. Lúc từ giã, Lippel xin phép bà Guney cho Arslan và Hamide ngày mai đến nhà mình dùng cơm trưa. Bà Guney muốn biết liệu ba má của Lippel có đồng ý hay không? Lippel trả lời:

- Chắc chắn ba má cháu sẽ bằng lòng. Nhưng hiện nay ba má cháu không có nhà. Có bà Jakob đến nấu ăn cho cháu.

Bà Guney chấp nhận. Dĩ nhiên Arslan và Hamide cũng không phản đối. Họ tiễn Lippel đi một đọan đường về gần đến nhà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 01:28:31 | Chỉ xem của tác giả
BÀ JESCHKE TÌM RA MỘT LỐI THOÁT

- Này, cậu ăn ngon không? - Bà Jakob hỏi: - Chỗ nào ngon hơn? Ở đây do tôi nấu hay ở nhà bạn cậu?

Lippel trả lời rất "ngọai giao":

- Mỗi chỗ ngon một cách khác nhau.

Vì bà hỏi về chuyện ăn uống nên Lippel hỏi luôn:

- Ngày mai cháu muốn mời bạn về đây ăn trưa.

- Bao nhiêu người vậy?

- Chỉ có hai người, hai anh em. Trưa nay cháu mới ăn ở nhà họ.

- Được, tôi sẽ nấu cho bốn người ăn. Nhưng bạn cậu tên họ là gì? Không chừng tôi cũng biết họ.

- Guney.

- Guney? Họ nghe lạ quá! Họ đến ở đây lâu chưa? Bạn cậu tên gì?

- Người anh tên Arslan còn cô em là Hamide.

- Họ là người ngọai quốc phải không?

- Dạ phải. Họ là người Thổ Nhĩ Kì.

- Thổ Nhĩ Kì? Không, họ không được đến đây. Cậu nghĩ sao mà mời họ vậy?

Lippel ngạc nhiên:

- Tại sao họ lại không thể đến đây? Họ đã làm sai hay sao?

Bà Jakob nói với vẻ trách móc:

- Cậu còn phải hỏi à? Ba má cậu sẽ nói gì, nếu ông bà biết là mấy người Thổ Nhĩ Kì đã đến đây ăn trưa? Không thể tưởng tượng được!

Lippel thất vọng:

- Nhưng cháu đã mời họ rồi. Cháu không thể nói lại. Ba má sẽ không phản đối đâu, cháu chắc chắn như vậy.

- Mặc kệ! Những người ngọai quốc này không được đến đây khi tôi còn chịu trách nhiệm trong nhà này. Rủi có thiếu món gì, ba má cậu sẽ đổ thừa tôi.

Lippel khó chịu:

- Bác muốn nói là Hamide và Arslan ăn cắp sao? Hôm nay cháu đến nhà họ ăn trưa nên cháu muốn ngày mai mời họ lại.

Bà Jakob to tiếng:

- Cậu muốn ra lệnh cho tôi phải không? Chúng ta không bàn thêm nữa. Ngày mai họ không được đến đây. Chấm dứt!

Lippel buồn bã bỏ chạy lên phòng. Đúng ra chiều nay Lippel phải làm bài tập, nhưng đầu óc cậu chỉ quay cuồng xung quanh Hamide và Arslan và lời mời ăn trưa của cậu. "Mình phải làm gì bây giờ? Ai có thể giúp mình? Chỉ có bác Jeschke. Đúng rồi! Bác Jeschke! Mình sẽ đến thăm và hỏi ý kiến bác. Mà mình cũng chưa kể cho bác nghe chuyện về con Mực". Vì vậy, Lippel quyết định sang nhà bà Jeschke và tạm gác chuyện làm bài tập sang một bên. Để bà Jakob khỏi hay, cậu nhón gót nhẹ nhàng lách mình ra khỏi nhà và băng qua đường đến nhà bà Jeschke. Bà tỏ vẻ vui mừng về cuộc viếng thăm này:

- Chào Lippel. Sao bữa nay cháu có vẻ không vui vậy? Gương mặt của cháu trông bí xị. Có chuyện gì phải không?

- Đủ mọi chuyện bác ạ, chỉ vì bà Jakob: Trước hết là bà ấy kêu người đến bắt mất con chó, kế đó bà không cho hai bạn Hamide và Arslan đến nhà.

Lippel kể đầu đuôi câu chuyện cho bà Jeschke nghe. Bà lắc đầu:

- Chuyện con Mực bác còn có thể hiểu được, mặc dù bác rất muốn giữ nó lại để cho ăn...

- Cháu cũng vậy.

- Nhưng chuyện hai người bạn của cháu thì quả thật bác không hiểu được. Chúng ta làm sao bây giờ? Ngày mai cháu không thể nói với bạn: "Các bạn không đến nhà tôi được vì các bạn là người Thổ Nhĩ Kì".

- Đúng vậy! Họ sẽ rất buồn và sẽ không bao giờ nói chuyện với cháu nữa. Cháu biết nói cách gì để từ chối đây?

- Cháu không cần phải nói gì cả! Cả ba người sẽ đến nhà bác ăn cơm. Cháu biết không, ăn ở nhà cháu hay ở đây thật ra cũng như nhau cả thôi.

Lippel vui mừng khôn xiết:

- Bác nói thật không?

Bà Jeschke mỉm cười:

- Dĩ nhiên là cháu không thể nói với họ là cháu ở đây: chúng ta không nên nói dối họ. Nhưng cháu cũng không nên nói những lời không hay của bà Jakob cho họ nghe. Cháu chỉ cần nói đơn giản là ba mẹ cháu không có nhà nên cháu đến nhà bác ăn.

Lippel thừa nhận:

- Đúng vậy!

Và cậu vui vẻ trở về nhà. Trong bữa ăn tối, thấy Lippel không đá động đến chuyện mời bạn ăn trưa, bà Jakob hỏi:

- Như vậy cậu đã chấp nhận việc ngày mai những bạn Thổ của cậu không đến đây ăn trưa phải không?

Lippel nói một cách vui vẻ:

- Dạ, cháu cũng không ăn ở đây. Cả ba chúng cháu sẽ ăn trưa ở nhà bác Jeschke.

Bà Jakob ngạc nhiên, suýt chút nữa làm rơi cái nĩa xuống đất:

- Sao? Xin lỗi tôi nghe không rõ! Ăn ở nhà bà Jeschke?

Lippel gật đầu. Bà nói một cách cứng rắn:

- Cậu không được làm vậy.

- Bác nói gì?

- Ngày mai cậu ăn ở nhà, tại đây!

- Cháu ăn chung với Hamide và Arslan. Nếu họ ăn ở đây thì cháu sẽ ăn cơm ở nhà.

- Cậu muốn ép tôi phải không? Cậu phải ăn cơm ở nhà với tôi và ngoài ra không có ai nữa cả.

Lippel mạnh dạn:

- Không.

- Cậu là một đứa trẻ khó dạy. Lên giường ngay, nghe không! Và hãy suy nghĩ kĩ về việc ngày mai ăn ở đâu.

Lippel trở về phòng mình, thay quần áo ngủ và lên giường nằm. Cậu nghĩ ngợi về Hamide và Arslan, nhưng cố gắng xua đuổi ý nghĩ về hai người bạn và chỉ giữ lại những ý tưởng liên hệ đến giấc mơ. Cậu nghĩ đến kinh thành, đến con đường nhỏ, đến nhà trọ Thanh Tâm, đến sân hoàng cung. Khi nghĩ đến lúc cả ba người ngồi trong nhà trọ, cậu bắt đầu ngủ và mơ tiếp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 01:50:52 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23


Giấc mơ thứ năm


Lippel hỏi hai bạn:

- Sao, các bạn có tìm ra giải pháp nào chưa?

Asslam lắc đầu, trả lời ngắn gọn:

- Không.

Hamide thêm vào:

- Rất tiếc tôi cũng không.

Lippel tiếc rẻ:

- Tôi đã nảy ra một ý nhưng lại quên mất.

Có tiếng gõ cửa phòng, Asslam chạy đến cửa và lắng nghe. Cậu ta hỏi nhỏ:

- Ai đó?

- Tôi, bà chủ nhà đây.

Bà bước vào phòng nhìn quanh và hỏi:

- Đã gần trưa rồi mà sao các em vẫn chưa ăn? Các em làm gì trong đây?

Asslam trả lời:

- Chúng tôi đang suy nghĩ.

Bà ngạc nhiên:

- Cậu nói được rồi à? Một người câm vừa nói lại được, thế mà mọi người buồn bã ngồi với nhau! Tôi không hiểu nổi. Các em có bị gì không?

Lippel nói với hai bạn:

- Thật ra chúng ta có thể nói sự thật cho bà biết, chắc chắn bà sẽ không báo cho bọn lính đâu.

Bà chủ nhà hỏi:

- Nói cái gì?

Asslam nói một cách trịnh trọng:

- Tôi là hoàng tử Asslam, con trai duy nhất của nhà vua và là người nối ngôi sau này. Và đây là công chúa Hamide, em gái nhỏ nhất của tôi.

Bà chủ nhà cười to:

- Cậu là một hoàng tử? Hai đứa trẻ dơ bẩn, áo quần rách rưới mà lại là hoàng tử và công chúa sao?

Hamide cởi chiếc vòng tay ra đưa cho bà chủ nhà:

- Bà hãy đọc những chữ ghi trên chiếc vòng này.

Bà chủ nhà cầm lấy chiếc vòng đồng thời ngó Asslam và Hamide với cặp mắt ngờ vực. Bà xem xét chiếc vòng tay thật kĩ lưỡng rồi kinh ngạc kêu lên:

- Đây là biểu tượng của hoàng gia! Các em không lấy trộm của người ta chứ?

Bà quan sát Asslam và Hamide lần nữa, giọng nói lần này không có vẻ coi thường:

- Bây giờ tôi không hiểu gì nữa, không biết có nên tin hay không?

- Bà có thể tin tôi, bà chủ quí mến. Chiếc vòng tay này là của tôi. Tôi là công chúa Hamide.

Bà chủ nhà trọ hoàn toàn bối rối:

- Tại sao các người lại đến nhà trọ của tôi? Những bộ quần áo này ở đâu ra? Chuyện gì đã xảy ra? Mọi người có biết các em ở đây hay không?

- Có lẽ chúng ta phải giải thích cặn kẽ cho bà biết.

Lippel nói rồi ba người kể cho bà chủ nhà nghe những gì họ đã trải qua. Bà chủ nhà nói với vẻ thương cảm:

- Tội nghiệp cho những đứa trẻ khốn khổ, ý tôi muốn nói là, những vị hoàng thân khốn khổ. Các vị cần tôi đến hoàng cung báo cho nhà vua biết không?

Asslam nói:

- Không được, vì người ta sẽ không để bà đến gặp vua cha đâu. Hơn nữa hiện nay ông đang giam mình trong phòng riêng và không muốn tiếp bất cứ ai.

Bà suy nghĩ rồi đề nghị:

- Chúng ta phải dụ mấy người lính gác ra khỏi hoàng cung, sau đó quí vị có thể chạy nhanh vào trong. Và khi đã vào được bên trong thì không còn gì nguy hiểm cả.

Asslam tán thành:

- Đúng rồi. Nhưng làm sao dụ bọn lính đây?

Lippel chen vào:

- Về việc này tôi đã có cách. Tôi sẽ dụ họ ra. Chỉ cần hai bạn lẻn vào bên trong được là xong.

Hamide hỏi:

- Nhưng làm sao chúng ta có thể đến lâu đài được? Hai người lính gác sẽ khác phá ra.

Bà chủ nhà trọ nói:

- Tôi có ý kiến. Chúng tôi có một miếng vườn nhỏ nằm gần lâu đài, thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến đó chăm sóc vườn. Chúng tôi có thể giấu hai vị trong xe, dùng bao bố che lại, như vậy sẽ không bị lộ. Từ khu vườn đến hoàng cung không xa lắm.

Ba người nhìn nhau, đây có vẻ là một giải pháp tốt. Bây giờ chỉ còn vấn đề là làm sao Lippel có thể dụ bọn lính gác ra ngoài mà không bị nguy hiểm đến tính mạng. Bà chủ nhà trọ lại nảy ra một ý:

- Cậu nên leo lên tường thành đi lại và hét to. Bọn lính sẽ chạy đến ngay.

Lippel ngần ngại hỏi:

- Bức tường thành có cao và rộng không?

Asslam cũng lo lắng:

- Liệu có dễ bị té xuống đất không? Và chúng ta phải làm sao nếu bọn lính trèo lên tường bắt Lippel?

Bà chủ nói:

- Từ từ, tính chuyện này xong rồi hãy nghĩ sang chuyện khác! Bức tường không cao lắm, nhưng cũng không rộng đến độ có thể phóng ngựa lên đó. Nếu Lippel đủ can đảm nhảy từ bức tường xuống thì tôi sẽ có cách.

Lippel hỏi:

- Cách gì?

- Lippel dụ người lính gác cổng đến gần mình rồi nhảy xuống phía bên ngoài tường thành. Đến khi bọn lính trèo lên tường rồi nhảy xuống theo thì cậu đã có đủ thì giờ chạy đến trốn vào trong xe của tôi. Nếu bọn lính có hỏi thì tôi sẽ trả lời là Lippel đã chạy về hướng con đường nhỏ, để gạt chúng rượt đuổi theo.

Ba đứa trẻ đều kêu lên:

- Hay quá!

Và như vậy, chúng bắt đầu thi hành kế họach. Asslam, Hamide và Lippel vào nằm trong xe, bà chủ nhà trọ lấy bao bố trùm lại, cột con lừa vào và đưa cả ba đến miếng vườn gần tường thành. Bà ngừng lại, cẩn thận nhìn quanh và nói:

- Không có bọn lính kị mã nào ở gần đây. Các vị có thể ra được rồi.

Ba người xuống xe tìm cách đi qua tường thành. Phía bên trong tường là một khoảng trống, đi thêm một đọan thì đụng một bức tường cao với cái cổng thật to. Một người lính dựa lưng vào bót gác nhìn thẳng ra con đường trước mặt. Asslam và Hamide đi men theo tường thành, thỉnh thoảng lại nép vào những hốc nhỏ dọc theo bức tường, để tránh khỏi bị phát hiện mỗi khi người lính quay mặt về phía họ. Cứ như vậy, họ lần hồi đến được gần cổng và nép mình sau một bụi cây rậm rạp.

Chờ cho các bạn núp yên ổn, Lippel bèn nhảy lên và đi dọc theo tường, đến gần nơi đối diện với cổng. Trong lúc nằm trên xe kéo, Lippel đã nghĩ ra một bài hát và bắt đầu cất cao giọng:

- "Nơi đây ta dạo trên tường,
Giữa ngày nắng chiếu, bốn phương khắp nhà,
Đằng kia chú lính chạy ra,
Tìm bắt không được cười khà rồi đi!"

Người lính gác nhìn trân trối vào Lippel, miệng mở to và không tin vào cặp mắt mình. Hắn từ từ bước lại gần, Lippel hát tiếp:

- "Tường cao ta lên đó,
Ngẩn ngơ ông lính ngó,
Khôn ngoan cậu bé nhỏ,
Lính to ngu như bò!"
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 02:08:02 | Chỉ xem của tác giả
Người lính tức giận rời bót gác chạy nhanh đến tường, quyết tâm tìm bắt cho được tên ngông cuồng này. Lợi dụng cơ hội đó, Asslam và Hamide lẩn vào bên trong. Bà chủ nhà gọi to từ phía sau tường:

- Cẩn thận Lippel. Hãy coi chừng.

Nhưng Lippel cười nói:

- Anh ta không bắt được cháu đâu. Anh ta còn ở xa lắm.

Lippel có hơi chủ quan, cậu thản nhiên đọc tiếp hai câu thơ nữa:

- "Lippel chạy theo đường tắt,
Ông lính già không thể bắt."

Bà chủ nhà lại gọi to, giọng có vẻ cấp bách:

- Lippel.

Lippel không hiểu bà gọi để làm gì, vì người lính gác cổng vẫn chưa đến gần cậu, tuy nhiên cậu vẫn làm theo ý bà và quay lưng lại định nhảy xuống tường. Nhưng cậy giật mình, tim như ngừng đập. Phía bên ngoài tường thành là hai người lính khác. Họ đã khám phá ra Lippel và theo dõi trong lúc cậu nhảy lên tường để ca hát chọc ghẹo người lính gác. Một trong hai người tìm cách nắm lấy chân cậu kéo xuống. Lippel la to:

- Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Cậu đạp mạnh vào tay người lính tìm cách thoát thân. Nhưng bên trong tường là người lính gác cổng, bên ngoài là hai người lính hộ vệ. Một trong hai người lính quay đi, Lippel đoán được ý định của hắn. Hắn định chạy đi lấy ngựa để từ trên lưng ngựa có thể bắt Lippel dễ dàng hơn. Lippel quay đầu chạy ngược lại và la to:

- Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Nhiều cánh cửa sổ phía trong hoàng cung mở ra, vài người đứng nhìn để xem ai kêu cứu. Mấy người lính gác ở sân trong cũng tò mò đi ra khỏi cổng. Lippel gọi to:

- Xin hãy cứu tôi!

Lippel thu hết can đảm nhảy vào khoảng đất trống phía trong tường thành. Cậu tìm cách thoát khỏi người lính gác cổng, nhưng ông ta đã nhanh nhẹn chụp lấy tay và giữ chặt Lippel lại rồi rút kiếm ra. Lippel vùng vẫy dữ dội. Trong lúc đó, những người lính ở sân trong và những người giúp việc trong hoàng cung đã đến gần Lippel. Một người nói:

- Anh không cần phải dùng đến kiếm để trị một đứa bé như vậy.

Một người khác nói to có vẻ ngạc nhiên:

- Xem kìa, đây là tên lạ mặt đã bị đày chung với hoàng tử. Không biết nó từ đâu trở về đây.

Một người lính nói:

- Có thể hắn biết rõ về cái chết của hoàng tử và công chúa. Chúng ta hãy mang hắn đến cho nhà vua.

Trong chốc lát họ đã trói chặt tay của Lippel, một người lính ra lệnh:

- Đi theo ta vào hoàng cung. Đừng hòng tìm cách thoát thân.

Lippel trả lời:

- Điều đó ông khỏi lo. Tôi không trốn đâu. Xin vui lòng đưa tôi đến gặp nhà vua.

Mấy người lính dẫn Lippel băng qua sân trước vào bên trong cung điện và sau cùng họ đến trước cửa phòng của nhà vua. Cánh cửa phòng từ từ mở ra. Đột nhiên, Lippel cảm thấy lo sợ:

- Không, xin đừng mở cửa!

Nhưng bà Jakob đã xô cánh cửa phòng và gọi to:

- Thức dậy Philipp, đã 6 giờ 45 rồi.

Lippel thức dậy.

Trong khi ăn sáng bà Jakob hỏi:

- Sao, cậu đã suy nghĩ kĩ chưa?

- Dạ, suy nghĩ gì?

- Cậu biết rồi mà, về bữa ăn trưa.

Lippel nhún vai im lặng và tiếp tục ăn sữa chua. Bà Jakob nghĩ là cần phải nói rõ hơn:

- Cậu về đây ăn cơm trưa và không ăn ở nhà bà Jeschke. Cậu có nghe không?

Lippel trả lời cứng rắn:

- Cháu ăn ở nhà bà Jeschke.

Bà Jakob giận dữ:

- Nếu cậu làm như vậy thì đừng bao giờ trở về nhà nữa. Và...

Lippel thận trọng:

- Và làm sao?

Bà đứng dậy:

- Rồi cậu sẽ rõ. Tôi cảnh cáo cậu đó. Cậu ngồi ăn sáng một mình đi. Tôi hết muốn ăn rồi.

Nói xong bà rời khỏi nhà bếp. Lippel cũng không thích ngồi ăn một mình. Cậu đứng dậy lấy cặp sách và đi đến trường.

Sau giờ tan học, Lippel, Hamide và Arslan đến nhà bà Jeschke. Lippel đưa bạn đi phía bên này đường, tránh không đi phía nhà mình, cậu sợ bà Jakob có thể từ trong nhà chạy ra nắm lấy tay cậu kéo vào. Lippel giải thích cho Arslan và Hamide:

- Phía bên kia là nhà của tôi.

Arslan đứng lại:

- Thế thì chúng ta đi đâu đây?

Lippel kéo tay Arslan:

- Ba má tôi không có ở nhà, các bạn đã biết rồi đó. Vì vậy chúng ta ăn trưa ở nhà một người bạn là bác Jeschke.

Đến trước nhà bà Jeschke, họ đã ngửi được mùi thức ăn thơm phức. Lippel giới thiệu hai bạn với bà Jeschke, bà vui vẻ chào họ, Lippel cùng Hamide giúp bà dọn chén dĩa. Trước hết là món súp với nui có hình mẫu tự. Mỗi người tìm cách ghép chúng lại thành tên mình. Sau đó bà Jeschke mang lên một dĩa thịt bò bít-tết và một tô khoai tây luộc.

Arslan và Hamide chưa ăn món này bao giờ nên chia nhau một phần để ăn thử. Arslan không thích lắm nên vô bếp lấy bánh mì trong khi Hamide rất thích nên ăn hết cả hai phần. Đối với Lippel thì ngon nhất vẫn là món tráng miệng "đào nấu". Theo đề nghị của Lippel, bà Jeschke ngồi lại bàn để cho ba đứa trẻ vào bếp rửa chén.

Sau đó họ chơi cờ "cá ngựa" với bà Jeschke. Khi đồng hồ chỉ 4 giờ, Arslan và Hamide phải về nhà. Ba người tạm biệt bà Jeschke và cám ơn bà một lần nữa, xong họ chia tay. Lippel đưa hai bạn đến đường Herder rồi từ giã trở về.

- Thứ hai sẽ gặp lại ở trường nhé.

Arslan lặp lại:

- Thứ hai sẽ gặp lại ở trường.

Lippel hỏi:

- Thế thì chiều thứ hai chúng ta sẽ làm gì?

Hamide đề nghị:

- Đi chơi chung với nhau.

Lippel tán thành:

- Ý kiến hay.

- Vậy hẹn đến thứ hai nhé.

Hamide nói và cùng Arslan đi về nhà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 07:03:34 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24


Bà Jeschke can thiệp


Sau đó Lippel trở về nhà bà Jeschke. Thấy cậu, bà ngạc nhiên:

- Lippel? Cháu chưa muốn về nhà sao?

Lippel do dự:

- Dạ, nhưng...

- Sao cháu không về? Có chuyện gì vậy?

Lippel thú thật:

- Cháu không dám về.

Bà nhìn Lippel dò hỏi:

- Cháu không dám về? Tại sao?

Lippel nói nhỏ:

- Cháu sợ bà Jakob sẽ đánh cháu. Sáng nay bà cảnh cáo cháu rằng, nếu không về ăn trưa ở nhà thì sẽ có chuyện xảy ra.

Bà Jeschke phẫn nộ:

- Không thể tưởng tượng nổi. Bác sẽ cùng đi với cháu về nhà. Bà Jakob sẽ không dám đánh cháu đâu. Cháu đợi bác mặc áo một chút, chỉ 5 phút thôi.

Bà Jeschke bỏ đôi dép thường mang trong nhà và xỏ chân vào đôi giày đen. Họ cùng đi qua bên kia đường và bấm chuông, mặc dù Lippel có chìa khóa nhà. Bà Jakob ra mở cửa.

- À, ra là cậu. Vào đây.

Giọng nói của bà đầy vẻ hăm dọa. Bà Jakob không nhìn bà Jeschke, coi như bà ấy không có mặt và còn định đóng cửa không cho bà vào, nếu Lippel không kịp kéo tay bà Jeschke vào nhà. Khi đã đứng trong phòng khách, bà Jeschke lịch sự nói:

- Chào bà, tôi là Jeschke.

Bà Jakob trả lời:

- Tôi cũng nghĩ vậy. Bà có ý sang thăm chúng tôi?

- Tôi theo Lippel sang đây...

Bà Jakob ngắt lời:

- Theo ai?

Lippel nói thay:

- Theo cháu.

Bà Jakob nói :

- À, theo Philipp.

Bà Jeschke bình tĩnh:

- Tôi về cùng với Lippel vì cậu sợ bị đòn chỉ vì bữa trưa nay ăn cơm tại nhà tôi.

Bà Jakob vừa cười vừa nói:

- Tôi đánh Philipp? Vô lí! Đó chỉ là những ý nghĩ điên khùng của Philipp. Tôi không đánh đập ai bao giờ. Tuy nhiên, Philipp buộc phải ở lại trong phòng.

Bà Jeschke phẫn nộ:

- Bà không thể nhốt Lippel trong phòng chỉ vì cháu ăn trưa tại nhà tôi! Như vậy là không thể chấp nhận được.

- Xin lỗi, chuyện này bà phải để cho tôi xử lí. Hơn nữa tôi là người chịu trách nhiệm về Philipp chứ không phải là bà.

Bà Jeschke lớn tiếng:

- Không, tôi không thể để cho bà làm vậy đâu. Tôi đã mời cháu.

Bà Jakob lạnh nhạt:

- Đó là lỗi của bà chứ không phải của tôi.

Bà Jeschke đến gần và đặt tay lên vai bà Jakob:

- Bà có thể đi.

- Đi? Bà muốn nói gì?

- Bà được phép nghỉ sớm một ngày. Tối nay tôi ở lại đây với Lippel.

Bà Jakob phẫn nộ:

- Không thể được. Hơn nữa tôi được trả tiền thù lao cho đến cuối tuần.

- Nếu chỉ vì việc trả tiền thì tôi có thể sắp xếp được. Tôi sẽ nói chuyện với ông Mattenheim. Chắc bà có số điện thọai của ông ấy chứ?

- Không, tôi không có.

Lippel nói chen vào:

- Nó nằm kế bên máy điện thọai.

Trong khi bà Jeschke quay số, bà Jakob đứng kế bên với vẻ mặt hầm hầm, tưởng như muốn lấy máy điện thọai đập vào mặt bà Jeschke.

- Chào ông, ông có thể cho tôi nói chuyện với ông Mattenheim?

Bà chờ một chút rồi nói tiếp:

- A lô, ông là ông Mattenheim? May quá, ông có mặt ở khách sạn. Tôi là bà Jeschke ở đối diện nhà của ông. Vâng, chúng tôi có một vấn đề. Tôi dự định sẽ ở lại nhà ông đến trưa mai để trông chừng Lippel, - bà nhìn sang Lippel và nói tiếp: - tôi tin là Lippel cũng muốn như vậy.

Lippel hét to vào ống điện thoại:

- Rất muốn! Trăm lần thích hơn! Ba!

Bà Jeschke lắng nghe tiếng nói trong điện thọai, một hồi sau bà nói: "Vâng",... "Vâng", và "Đúng, tôi rất tiếc." Cuối cùng bà hỏi:

- Ông không phản đối nếu bà Jakob nghỉ việc từ bữa nay và nhận đủ tiền cho bảy ngày? Tốt, như vậy thì không có gì trở ngại nữa.

Bà đưa ống điện thọai cho bà Jakob:

- Ông Mattenheim muốn nói chuyện với bà.

Với bộ mặt lạnh như tiền, bà Jakob cầm lấy ống điện thọai. Lippel hồi hộp theo dõi, nhưng bà chỉ nói: "Vâng" và "vâng" và "nếu ông muốn". Sau cùng bà dằn mạnh ống điện thọai xuống máy. Lippel than phiền:

- Nhưng cháu cũng muốn nói chuyện với ba.

Bà Jakob quay qua Lippel:

- Chuyện này hiện giờ không quan trọng. Trước hết chúng ta phải giải quyết những chuyện cần kíp khác, - bà lẩm bẩm trong miệng: - Thật không thể tưởng tượng được! Thật là bất lịnh sự! Đuổi tôi ra khỏi nhà! Nhưng trong gia đình này thì người ta có thể đoán trước rồi!

Bà Jeschke đáp lại:

- Không ai đuổi bà đi cả. Bà được phép nghỉ sớm một ngày.

- Nhưng làm sao tôi về nhà đây? Tôi phải đi bộ xuyên qua cả thành phố với cái va li nặng trên tay?

Lippel mở sổ điện thọai ra tìm và quay số.

- Cậu gọi ai vậy?

- Cháu gọi taxi cho bà.

Bà Jakob hỏi:

- Vậy tôi phải trả tiền taxi hay sao?

Lippel trả lời:

- Dạ không, dĩ nhiên là không.

- Vậy cậu lấy tiền ở đâu ra?

- Trong hộp gỗ nhỏ của cháu. Cháu có cất trong đó một ít tiền để dùng cho những trường hợp khẩn cấp.

Bà Jeschke thêm vào:

- Phải, những lúc như thế này có thể coi là trường hợp khẩn cấp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 07:14:38 | Chỉ xem của tác giả
Mười lăm phút sau bà Jakob rời khỏi nhà mà không một lời từ giã. Lippel và bà Jeschke nhìn qua cửa sổ thấy bà lên taxi. Khi chiếc xe đã chạy khỏi, bà quay sang Lippel nói:

- Bây giờ chúng ta sẽ có một buổi tối thoải mái.

Lúc Lippel lên giường thì trời đã khá tối. Bà Jeschke về nhà lấy quần áo ngủ và các đồ dùng cần thiết. Họ dùng cơm tối chung và cùng dọn dẹp. Sau đó chơi cờ và xem truyền hình. Giờ đây Lippel cảm thấy mệt, lên giường nằm, ngáp to và chìm vào giấc ngủ.

Chủ nhật.

Cuốn sách của Lippel.

Bà Jeschke đang chuẩn bị thức ăn sáng thì Lippel cũng vừa bước ra khỏi phòng. Trông cậu có vẻ còn ngái ngủ, tóc dựng đứng trên đầu. Bà Jeschke vui vẻ nói:

- Chào Lippel.

- Chào bác.

- Có chuyện gì vậy? Cháu giận bác à? Có phải tiếng hát của bác đã đánh thức cháu không?

- Dạ không. Cháu không có phiền bác, chỉ có điều cháu tiếc là tối qua không nằm mơ được.

Bà ngạc nhiên:

- Thật vậy sao?

- Cháu có nằm mơ nhưng chỉ gặp Arslan, Hamide, trường học. Hình như cũng có gặp bác. Nhưng lại không mơ tiếp được giấc mơ cũ, nên bây giờ cháu cũng không biết câu chuyện kết thúc ra sao.

Bà Jeschke thông cảm:

- Như vậy thì tiếc thật.

Lippel quả quyết:

- Cháu sẽ mơ câu chuyện đó vào tối mai.

- Bác chỉ sợ khó xảy ra. Nếu câu chuyện trong mơ bị ngưng, chắc chắn là khó mơ tiếp được nữa.

Lippel tiếc nuối:

- Vậy cháu phải làm sao đây? Chỉ còn thiếu có đọan cuối, cháu rất muốn biết đoạn kết như thế nào?

Bà Jeschke suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Hình như cháu có kể cho bác nghe bà Jakob lấy một quyển sách của cháu, trong đó có câu chuyện giống như trong giấc mơ?

- Dạ, đúng rồi. Nhưng bà Jakob đã giấu quyển sách đó, chắc chúng ta sẽ không tìm ra đâu.

- Chờ chút.

Bà Jeschke nói và đi vào phòng ngủ của ba má Lippel, chỉ mấy phút sau bà trở ra với quyển sách trên tay.

- Đúng, đây là quyển sách của cháu. Bác tìm thấy nó ở đâu vậy?

- À, tối hôm qua bác muốn tìm sách đọc trước khi đi ngủ. Bác thấy một quyển sách trên tủ có nhiều câu chuyện rất lí thú. Cháu có đọc truyện về bà Hoàng hậu rắn chưa?

- Dạ chưa. Truyện này cháu chưa muốn đọc. Cháu thích đọc truyện về ông vua và đứa con của ông trước.

Lippel hồi hộp cầm quyển sách đi nhanh đến giường, run run lật từng trang, tìm được ngay câu chuyện và bắt đầu đọc. Một lúc sau, Lippel trở xuống bếp tìm bà Jeschke và ngồi xuống ghế, vẻ thất vọng:

- Lại xảy ra chuyện gì nữa đây? Cháu có bộ mặt giống như bị ai đó lấy mất quyển sách của mình!

- Câu chuyện trong sách không giống giấc mơ gì cả, chỉ có đọan đầu là giống. Trong đó không có bà thím. Người xấu tên là Odaliske, cháu không biết Odaliske là gì?

- Odaliske? Bác cũng không biết. Nhưng ba má cháu chắc có cuốn tự điển?

- Dạ có, ở trong phòng làm việc của ba.

- Vậy chúng ta thử tìm xem.

Hai người tìm trong cuốn tự điển nghĩa chữ odaliske. Lippel đọc to và tỏ vẻ hờn dỗi:

- Odaliske là một người nô lệ da trắng. Nhưng bà thím không phải là người nô lệ!

- Cháu không nên giận quyển sách cũng như cuốn tự điển. Chúng đâu có lỗi gì. Cháu đã mơ câu chuyện riêng của cháu. Cháu tưởng tượng ra nó, như vậy rất đẹp.

Lippel ngập ngừng:

- Dạ, nhưng... nhưng làm sao cháu biết được đoạn kết của câu chuyện?

- Cháu cứ tự nghĩ ra đoạn kết. Hãy tưởng tượng tiếp.

- Không, không được. Cháu sợ rằng đoạn kết cháu tưởng tượng không đúng với câu chuyện.

Bà Jeschke choàng tay qua vai Lippel và cùng đi vào nhà bếp:

- Bác đề nghị chúng ta hãy tạm quên câu chuyện. Có thể tối nay hay ngày mai cháu sẽ mơ tiếp. Còn bữa nay, lát nữa đây ba má cháu sẽ về nhà. Chúng ta sẽ đón họ với một bữa ăn thật ngon. Cháu nghĩ sao?

Lippel thừa nhận đây là một đề nghị rất hay. Trước tiên họ ăn sáng, sau đó dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn trưa. Bà Jeschke rất thích cái máy xay trái cây bằng điện của ba. Bà làm cho mỗi người một ly cam vắt, một ly nước cà rốt và sau cùng là một ly nước táo.

Tuy bà đưa ra lý do mọi người cần đến sinh tố, nhưng Lippel biết rõ sở dĩ bà làm nhiều lọai là vì muốn thử máy. Sau khi chuẩn bị thức ăn và sắp đặt xong bàn ăn, bà Jeschke chạy về nhà lấy một keo trái lê nấu làm đồ tráng miệng. Như vậy là việc chuẩn bị đã hoàn tất, tất cả đều sẵn sàng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 07:32:37 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25


NGÀY TRỞ VỀ


Đúng 12 giờ trưa có tiếng chuông reo, Lippel chạy nhanh ra mở cửa. Ba má đã về đến! Mẹ Lippel để vali xuống, ôm hôn Lippel âu yếm:

- Lippel, má rất nhớ con.

Lippel thổn thức:

- Con rất mừng là ba má đã về.

Mẹ hỏi liên tục:

- Tuần lễ qua ra sao? Con có khỏe không? Có nhớ ba má không? Con có vấn đề gì với bà Jakob phải không? Chuyện gì vậy? Tại sao bà Jeschke lại đến đây?

Ba của Lippel sốt ruột nói:

- Trước khi con kể cho mẹ nghe, ba muốn hôn con một cái đã.

Lippel ôm hôn ba. Sau đó bà Jeschke từ nhà bếp đi ra. Ông bà Mattenheim lễ phép chào bà và bà cũng lịch sự đáp lễ. Bốn người vào phòng ăn và ngồi vào bàn. Bà Jeschke nói:

- Rất tiếc Lippel phải ăn món giống ngày hôm qua. Tôi phải nấu những gì mà bà Jakob đã mua.

Lippel nói:

- Nhưng hôm qua ăn với khoai tây nghiền còn hôm nay ăn với nui. Hơn nữa món thịt bò chiên của bác rất ngon, cháu có thể ăn nó hằng ngày.

Ông Mattenheim ngạc nhiên:

- Hôm qua bà Jeschke đã nấu cho con ăn rồi à, ba tưởng bà Jakob còn ở nhà?

- Đúng rồi, bà còn ở đây nhưng con và hai người bạn ăn trưa ở nhà bác Jeschke.

Ông Mattenheim hỏi:

- Với hai bạn con?

Bà Mattenheim nhận xét:

- Càng lúc con càng có vẻ bí mật hơn.

Lippel cười:

- Họ là những người bạn mới của con.

- Bạn mới? Tốt lắm! Con quen họ ở đâu? Tại sao các con lại ăn trưa ở nhà bà Jeschke? Tốt nhất con nên kể đầu đuôi câu chuyện trong tuần qua, lúc không có ba má ở nhà.

Lippel kể cho ba má về bà Jakob, về trường học, con Mực và gia đình Guney. Ba má cậu chăm chú lắng nghe, sau đó bà Mattenheim quay sang nói với bà Jeschke:

- Chúng tôi phải cám ơn bà ba lần: Vì bà đã mời Lippel và bạn đến ăn trưa, đã yêu cầu bà Jakob đi khỏi nhà và vì bữa ăn ngon trưa nay.

Ba Lippel tiếp lời:

- Và cả món tráng miệng.

Bà Jeschke lúng túng:

- Không có gì đáng kể đâu.

Sau khi ăn xong, ông Mattenheim hỏi con:

- Lippel, con sưu tầm được đủ 100 điểm penny chưa?

- Nếu bà Jakob không quăng bỏ mấy điểm của con thì con có thể đổi lấy hình rồi. Con vừa có được 98 điểm.

Ba Lippel cười và nói với vợ:

- Em mở bóp đi.

Bà Mattenheim mở bóp lấy ra bốn điểm penny. Lippel ngạc nhiên:

- Ở đâu mà ba má có? Ở Wien cũng có sữa chua với điểm penny sao?

- Không, nhưng trên xe lửa ba má đã dùng sữa chua.

Lippel mừng rỡ:

- Hay quá, bây giờ con có trên 100 điểm rồi.

- Nhưng đó không phải là thứ duy nhất mà ba má mang từ Wien về cho con.

Ba Lippel vừa nói vừa lấy ra trong vali một quyển sách to nhiều màu và đưa cho cậu. Lippel lật từng trang một cách thích thú. Ông Mattenheim nói tiếp:

- Đây là chuyện kể về cậu thiếu niên Nê-Mô. Mỗi tối Nê-Mô đều nằm mơ và trong mỗi giấc mơ đều xảy ra những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm.

Câu chuyện ông Mattenheim đã gợi cho Lippel nhớ đến giấc mơ còn đang dở dang của mình. Cậu để quyển sách sang một bên, rồi buồn bã ngồi xuống chiếc ghế bành và thẫn thờ nhìn ra ngoài. Bà Mattenheim hỏi con bằng giọng lo âu:

- Có chuyện gì vậy con?

Ba Lippel cũng hỏi một cách lo lắng:

- Tại sao con lại buồn vậy?

- Tôi biết tại sao rồi, - bà Jeschke nói và quay sang Lippel: - Quyển sách này làm cháu nhớ đến đoạn kết của câu chuyện trong giấc mơ. Phải vậy không cháu?

Lippel gật đầu. Mẹ Lippel thắc mắc:

- Đoạn kết của giấc mơ? Câu chuyện thế nào, con hãy cho mẹ nghe.

Lippel bắt đầu kể từ khi nhận được quyển sách, phần đầu câu chuyện trong sách cho đến khi bắt đầu nằm mơ về hoàng tử Asslam và công chúa Hamide, đến thành phố ở xứ Trung Đông, hoàng cung, nhà trọ và đến phần kết của câu chuyện. Cuối cùng Lippel nói một cách thất vọng:

- Và bây giờ, con không biết câu chuyện kết thúc thế nào, chỉ còn thiếu một chút ở phần cuối khi con bị bắt và được đưa đến gặp nhà vua. Con muốn nói con trong mơ kia. Ba má hiểu chứ?

Bà Mattenheim suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Má biết câu chuyện kết thúc như thế nào rồi.

- Sao má lại biết? Má đã nghe câu chuyện này hay đã đọc nó ở đâu rồi ạ?

- Con đừng thắc mắc, miễn là má biết được phần kết thì thôi.

Và mẹ của Lippel bắt đầu kể...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2014 07:49:28 | Chỉ xem của tác giả
Đọan kết của câu chuyện.


Lippel được đưa vào hoàng cung. Người lính bắt Lippel giao lại cho toán lính trong hoàng cung vì những người gác cổng không được phép vào bên trong. Những người này lại giải cậu đến cấp trên và cuối cùng, Lippel được chuyển đến những người lính cận vệ của nhà vua. Viên đội trưởng cận vệ nghiêm khắc hỏi Lippel:

- Ngươi là ai? Ngươi muốn gì?

Lippel trả lời:

- Tôi là Lippel. Người ta bắt tôi vào đây. Ông "được phép" đưa tôi đến nhà vua.

Người cận vệ giận dữ:

- Được phép à! Ngươi sẽ hết đùa cợt khi đứng trước mặt nhà vua.

Nhà vua rời phòng nghỉ và đến chỗ làm việc. Người cận vệ dẫn Lippel đến trước mặt ngài và rất ngạc nhiên khi nghe nhà vua ra lệnh:

- Mở dây trói ra và mang đến cho hắn một cái ghế nệm, một ly nước trái sung và một dĩa trái cây tươi.

Lippel ngồi xuống và nói:

- Cám ơn ngài. Nếu được, xin ngài cho tôi sữa chua thay vì nước trái sung.

Nhà vua nói với những người cận vệ:

- Các ngươi có nghe không? Hãy mang đến cho hắn mấy hũ sữa chua ngon nhất trong tủ lạnh của hoàng cung.

Nhà vua quay sang Lippel và yêu cầu cậu kể lại những gì đã xảy ra. Lippel kể cho nhà vua nghe tất cả, từ âm mưu của bà thím đến chuyện chạy trốn ở sa mạc, gặp bão cát, chuyện ba người lính, nhà trọ với bà chủ mập và sau cùng là chuyện bị bắt giữ. Nhà vua lắng nghe và thỉnh thoảng gật đầu như xác nhận những điều ông đã biết.

Những người hầu cận và lính hộ vệ nghe câu chuyện đều xúc động và tức giận. Viên đội trưởng cận vệ tâu:

- Xin bệ hạ cho phép hạ thần bắt ngay ba tên tội phạm, nếu không chúng có thể trốn thoát.

Nhà vua hạ lệnh:

- Hãy bắt ba tên đó ngay và giam chúng vào ngục tối. Đưa bà chủ nhà trọ Thanh Tâm đến đây. Và cho mời người vợ của em trẫm đến! Nhưng các ngươi nhớ không được tiết lộ cho ai biết những gì vừa nghe thấy.

Một lát sau, người hầu mang đến cho Lippel mấy hũ sữa chua. Sữa khá ngon nhưng Lippel sẽ thích hơn nếu trên nắp hộp có mấy điểm penny, thay vì đựng trong hũ bằng vàng. Tiếp đó, người lính cận vệ đưa bà chủ nhà trọ vào. Bà run rẩy nhìn quanh, bắt gặp Lippel đang vui vẻ ngồi trước mặt nhà vua nên có phần yên tâm, vì dù sao bà cũng đã giúp đỡ Lippel khi cậu chống chọi với mấy tên lính gác. Nhà vua phán:

- Quả thật khanh là người có tấm lòng vàng! Trẫm sẽ không bao giờ quên ơn của khanh đã giúp đỡ những đứa con của trẫm và sẽ trả ơn xứng đáng. Bây giờ khanh hãy ngồi tạm một bên chờ xem sự công bằng sẽ đến.

Người em dâu được đưa vào. Thấy Lippel đang ngồi trước mặt nhà vua, bà ta tái mặt và lảo đảo, vì cứ đinh ninh rằng Lippel đã chết cùng với hoàng tử và công chúa. Nhưng bà nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và trịnh trọng, bước tới cúi rạp mình trước mặt nhà vua:

- Tâu hoàng thượng vĩ đại, ngài cho gọi thần đến để sai bảo chuyện gì?

Nhà vua chỉ tay vào Lippel:

- Cậu bé này tên là Lippel. Cậu cho ta biết, nhà ngươi đã âm mưu hại hoàng tử Asslam và công chúa Hamide, bằng cách cho ba tên lính hộ vệ một túi vàng để chúng giết chết con của trẫm. Có đúng như vậy không?

Bà quả quyết:

- Muôn tâu bệ hạ, Lippel là một đứa nói láo! Nó là một người lạ, một đứa con nít ngoại quốc chứ không phải là người bản xứ. Nó đáng tội chặt đầu vì đã dám nói láo với nhà vua.

Nhà vua giận dữ:

- Nhà ngươi chối tội à?

- Thần không nói dối, tâu bệ hạ. Thần không hề dám động đến sợi lông của hoàng tử, cho dù chỉ trong ý nghĩ. Khi hay tin hoàng tử và công chúa chết, thần buồn rầu đau đớn khôn tả. Thần sẵn sàng trả mọi giá để đổi lấy mạng sống của hoàng tử.

- Ngươi có thể trả giá bằng cái đầu của ngươi.

Bà ta lo sợ:

- Bệ hạ nói thế là có ý gì?

Nhà vua không trả lời thẳng câu hỏi mà đứng dậy kéo tấm màn phía sau. Đằng sau là hoàng tử Asslam, công chúa Hamide và con Mực. Vậy là con Mực vẫn còn sống, mặc dù không được khỏe lắm: nó bị mất lỗ tai bên trái và bị thương ở chân trước. Nhà vua hét như sấm:

- Đồ khốn khiếp! Ngươi định hại chết hai đứa con của trẫm. Mi sẽ bị hình phạt y như mi đã định làm với Lippel.

Bà ta quì xuống van xin:

- Xin bệ hạ tha mạng.

Nhà vua ra lệnh:

- Bêu đầu người này cho ta!

Asslam vội vã chạy đến quì trước mặt vua cha. Điều hoàng tử nói ra sau đây chứng tỏ kết quả tốt đẹp mà chàng đã học từ nhà thông thái Sinh Bá:

- Tâu phụ vương, trước đây người đã từng đưa ra một quyết định vội vàng và nặng nề khi ra lệnh đày biệt xứ chúng con. Mặc dù sau đó Người đã hối hận nhưng đã quá trễ và không rút lại được nữa. Chính điều đó đã làm cho phụ vương đau khổ. Vì vậy, kính xin phụ vương bớt giận và giảm hình phạt cho bà.

- Cha phải làm gì? Con đề nghị hình phạt ra sao?

- Theo con thì bà nên nhận hình phạt đúng như bà đã làm cho chúng con: bị đuổi ra khỏi xứ sở.

Nhà vua nghe theo lời khuyên của hoàng tử. Ngài cũng ban thưởng cho bà chủ trọ tốt bụng bằng cách, phong bà làm người cai quản vườn thượng uyển và lãnh nhiệm vụ nấu sung chín cho hoàng cung. Ngoài ra, vợ chồng bà cũng nhận được một năm tiền lương được miễn thuế.

Mẹ Lippel nhìn mọi người và hỏi:

- Sao? Ba người có thích câu chuyện của tôi hay không?

Lippel hỏi lại:

- Ý má muốn nói là đoạn kết trong câu chuyện của con phải không?

- Phải, má tin rằng cuối cùng mọi chuyện đều tốt đẹp.

Ông Mattenheim thêm vào:

- Rất tốt đẹp!

Bà Jeschke cũng gật gù tán đồng.

Lippel vui sướng ngồi dựa vào ghế bành, chậm rãi lật từng trang của quyển sách mới. Hôm nay là một ngày chủ nhật thật tuyệt vời: ba má đã trở về, cậu có đủ 100 điểm sưu tầm, chiều mai sẽ được dịp vui chơi với bạn bè! Và tuyệt vời hơn hết, là câu chuyện về xứ Trung Đông đã chấm dứt với đoạn kết vô cùng đầy đủ và tốt đẹp!

Hết
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách