Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: lonelygirl1812
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Cổ Đại - Xuất Bản] Mê Hiệp Ký - Tam Mê Hệ Liệt | Thi Định Nhu (Huyền Ẩn) (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 17-3-2013 08:59:31 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3 - cont


Trong rừng đã tối tới mức chỉ còn nhìn thấy hai bóng người.

Hà Y lạnh lùng hừ một tiếng, nói: "Không phải. Chính ngươi giết Thẩm Bân?"

Kẻ áo xám đáp: "Không hề."

Hà Y hỏi: "Các hạ là ai?"

"Tạ Đình Vân."

"Tạ tổng quản?", Hà Y kinh ngạc: "Tôi là Sở Hà Y, ngài ... sao ngài lại ở đây?"

Kẻ áo xám thoáng động, cũng rất ngạc nhiên, nói: "Là Sở cô nương? Tại hạ và Đường môn có chút thù riêng, đang ở chỗ này giải quyết. Đang giao đấu với Đường Thập, hắn bị thương bỏ chạy.", ông ta ngừng một lát rồi nói tiếp: "Độc của Đường Lục không làm cô nương bị thương chứ?"

Thì ra là Đường môn. Độc của Đường môn, dính phải một chút coi như mất mạng.

Hà Y bán tín bán nghi nói: "Không sao. Ngài quả đúng là Tạ tổng quản?"

Người đó cười, nói: "Chúng ta mới rồi còn ở đình giữa hồ gặp mặt, sao cô nương mau quên thế?"

Quả nhiên là Tạ Đình Vân.

Hà Y thầm nhủ trong lòng một tiếng "Thật xấu hổ". Giả sử trong hai người có một người võ công kém hơn một chút, há chẳng phải đã thành ma sao? Vân Mộng cốc quả là nơi ngọa hổ tàng long.

Hà Y thở ra một hơi, nói: "Tạ tổng quản sao biết được tôi không phải là Đường Thập? Lẽ nào Đường Thập cũng là nữ nhân?"

Tạ Đình Vân đáp: "Không những là nữ nhân, mà còn là một nữ nhân cực kỳ lợi hại. Cứ theo tính tình của cô ta, trong vòng mười chiêu nhất định sẽ phóng ra ngũ độc thần châm. Mà cô nương sau ba mươi chiêu vẫn không phóng ám khí, bởi thế tôi mới đoán có thể không phải là Đường Thập. Có điều tại hạ có may mắn lĩnh giáo 'Tố Thủy Băng Tiêu' của cô nương rồi."

Hà Y nói: "Xin hãy theo tôi.". Nàng dẫn Tạ Đình Vân đến chỗ Thẩm Bân bị giết, lại phát hiện ra thi thể của Thẩm Bân đã biến mất, đến bao hành lý của mình trên lưng ngựa cũng chẳng thấy đâu nữa.

Tạ Đình Vân nói: "Xem ra đến khu rừng này hôm nay không chỉ có một nhóm người. Giết người thu xác tuyệt đối không phải là tác phong của Đường môn."

Hà Y chau mày nói: "Có lẽ là người của chính phái Nga My làm. Thẩm Bân tới tìm tôi, nhất định có không ít sư huynh đề biết chuyện. Hoặc giả bọn họ sợ có điều gì ngoài ý muốn nên lén bám theo đến đây, vừa hay thu dọn thi thể."

"Hy vọng không dẫn tới hiểu lầm gì", Tạ Đình Vân thở dài một tiếng: "Phái Nga My người đông thế mạnh, nhưng gần đây trên giang hồ lại liên tục chịu nhục ..."

Hà Y lên ngựa, cười khổ nói: "Hiểu lầm giữa tôi với phái Nga My đã chẳng ít. Tôi còn có việc, xin đi trước đây."

"Cô nương cẩn thận."

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 17-3-2013 16:31:54 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3- cont


Phong lai tứ diện ngọa đương trung.

Ngô Du để chân trần, cuộn mình nằm trên giường nhỏ đan bằng mây đặt trên gác nhỏ. Đôi chân của nàng mềm mại, tinh tế, móng chân sơn màu mận chín.

Mái tóc đen tuyền rủ từ giường buông chạm đất.

Trên tóc có vương một vài chiếc lá ngô đồng khô vàng, nhưng nàng chỉ nhìn chúng, lười không đưa tay gỡ xuống.

"Tiểu thư, nên ăn cơm chiều thôi.", Nguyệt Nhi đặt một đĩa bánh sữa, một đãi bánh mật ong lên chiếc bàn trước giường. Bưng bát canh long nhãn tới trước mặt nàng.

Ngô Du ngồi dậy, uống được hai ngụm rồi đăm đăm nhìn bát canh, ngây người ngơ ngẩn.

"Lại nghĩ ngợi linh tinh rồi", Nguyệt Nhi than thở: "Tuy đúng là ngài ấy thích ăn canh long nhãn nhất nhưng tiểu thư có nhìn đắm đuối bát canh ý đến chết cũng chẳng thấy được ngài ấy đâu."

Vừa nhắc tới chàng, trong lòng Ngô Du nhói đau, cáu gắt: "Em lại nói linh tinh gì thế. Cái gì mà ta với ngài ấy. Em phải đi lấy bệnh án tiên sinh phê cho ta mới đúng."

Nguyệt Nhi lấy trong người ra một tập giấy, nói: "Chẳng phải đây rồi sao? Nguyệt Nhi có bao giờ dám quên đem theo bảo bối của tiểu thư chứ? Chỉ là bệnh án hôm nay quá nhiều, em sợ tiểu thư xem đến hoa mắt, cho nên chỉ đem một nửa tới thôi."

Tiện tay rút ra một tờ giấy mai hoa, bên trên có mấy chữ lối tiểu khải ngay ngắn cẩn thận do chính tay nàng viết:

Trẻ nhỏ ho về đêm, đau bụng, mặt xanh xao, ấy là chứng nhiễm lạnh. Một nhánh tỏi, năm phần trầm hương, giã nhuyễn vê thành viên to bằng hạt cải, mỗi lần uống bảy viên, chiêu bằng sữa. Lại thấy, co quắp chân mà ho, dáng vẻ như động kinh, có đổ mồ hôi lạnh. Dùng viên An tức hương. Lại thêm một tiền nghệ, mạt dược, trầm hương mỗi thứ hai tiền lấy ngọn, dùng mật vê thành viên to bằng hạt đỗ, mỗi lần uống một viên, rang câu đằng sắc nước để uống.

Bên dưới "viên An tức hương" có phê mực đỏ của chàng: "Nên dùng canh tía tô"

Chữ viết có chút đã thảo. Xem ra hình như viết vào lúc tinh thần không tốt. Hay là ... lại bệnh rồi?

Bình thường, lúc tinh thần của chàng tốt nhất, chữ viết, từng nét từng dòng đều nắn nót không khác lối trong Ngô Hưng Phú. Nhưng lúc bệnh phong thấp tái phát, nét bút lại có phần cứng chắc của Liễu thể. Lúc cực kỳ mệt mỏi, thì có thể viết thành chữ hành thảo, khi bệnh tình nghiêm trọng hơn thì sẽ là chữ tiểu khải của Trần đại phu chép lại lời chàng. Chàng nghiêm khắc nhắc các đại phu tránh viết bệnh án theo lối thảo thư, bởi vì chữ thảo khó nhìn rõ, có lúc chỉ sai một chữ đã là mạng người rồi.

Còn nhớ lần đầu tiên nàng viết bệnh án, viết chính là bằng lối thảo thư mình quen tay nhất, kết quả là bị chàng nghiêm khắc dứt khoát trả về, bắt phải viết lại.

Chàng là người không tùy tiện nói cười. Rất ít khi cười, cũng ít khi uể oải, ủ rũ. Phần lớn thời gian, trên mặt chàng chẳng thể hiện chút biểu cảm nào.

Cứ cách mười ngày, trong cốc lại có một lần y hội, các đại phu từ bốn phương tám hướng đều đến, có người trong cốc, có người ngoài cốc, người quen biết có, người không hề quen biết cũng có. Mọi người họp lại một chỗ, nghiên cứu các chứng bệnh khó chữa, có lúc cũng nói chuyện phiếm, chuyện cười. Sái đại phu là người cao hứng nhất trong ngày này. Sái đại phu thích náo nhiệt, lúc gặp gỡ luôn là người mồm miệng liến thoắng.

Những người tranh nhau đến tiếp chuyện chàng đương nhiên rất nhiều. Có nhiều vị đại phu đến từ những nơi cách Vân Mộng cốc mất trăm dặm. Họ chớp lấy cơ hội, hỏi mãi không thôi. Mà chàng mỗi khi nói đến việc y thì luôn thao thao bất tuyệt.

Nhưng kể cả những lúc như thế, chàng cũng rất ít khi cười. Trước sau rất khiêm tốn, khách khí mà tiếp chuyện mọi người. Bây giờ thịnh cái kiểu nhà Nho học sách y, các đại phu ai nấy đều là người từng học đạo thánh hiền, luôn tin một điều "không thành được tể tướng nổi danh, thì thành danh y nức tiếng". Có lúc chàng cũng cùng bọn họ lý luận chuyện chữ nghĩa.

Có khi bên ngoài tổ chức kỳ bình văn, đôi khi cũng có đại phu trong cốc tới tham gia. Nhưng chàng luôn từ chối.

Thực ra đúng là vì việc chữa bệnh bận rộn. Nhưng cũng là vì đi đứng bất tiện, mỗi lần ra khỏi cửa đều không tránh khỏi người đưa kẻ đón.

Chàng ghét nhất là làm phiền đến người khác, thậm chí đối với chính bản thân mình cũng hà khắc quá mức.

Chàng không thích người khác nhắc tới bệnh tật của mình. Lúc phát bệnh cũng không chịu để người khác thăm khám.

Việc gì có thể lo liệu, chàng đều tự mình lo liệu. Cho đến khi thực sự không làm nổi nữa mới để Trần đại phu thay mặt làm.

Mỗi ngày, trước lúc đi ngủ, chàng đều phải phê duyệt tất cả bệnh án của các đại phu trong cốc. Những cái quan trọng thì tuyển chọn, sưu tầm biên thành sách rồi truyền cho các đại phu đọc. Những cái không quá quan trọng thì trả về, để các đại phu tự lưu giữ.

Mười năm nay, chỉ cần chàng không ốm nặng, việc phê duyệt chưa hề gián đoạn.

Đúng là không thể nghĩ tới, một người thân thể yếu ớt như chàng lại có thể kiên cường cứng cỏi đến vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 17-3-2013 20:44:10 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3 - end


Không biết vì sao, lần đầu tiên gặp chàng, khuôn mặt nàng đã đỏ ửng, tim đập thình thịch như muốn bắn ra khỏi ngực, hồi hộp tới mức khi đó chàng đang hỏi mình cái gì cũng không sao nhớ nổi.

Chàng vẫn đang trai trẻ, chỉ lớn hơn nàng vài tuổi. Dáng vẻ vô cùng anh tuấn, cũng lạnh lùng vô cùng. Nhưng lại không có nửa phần ngạo mạn mà ngược lại đối với bản thân vẫn giữ thái độ khách khí. Tuy nàng là nữ đệ tử của chàng, nhưng trước giờ chàng đều gọi nàng là "Ngô đại phu".

Có một lần hai người ngẫu nhiên gặp nhau trong hành lang, nàng bỗng thấy hốt hoảng, cũng chẳng rõ vì sao mặt mũi đỏ lựng lên, chân nhũn đi, tim đập dữ dội. Miệng thì lắp ba lắp bắp, nói mãi không thành câu.

Chàng vẫn rất bình tĩnh, điều khiển xe lăn sang một bên, nhường đường cho nàng, nàng thì cứ thế mà cắm đầu chạy như gió.

Ngày hôm sau là ngày có y hội, bản thân nàng cảm thấy giữa mình và chàng có một bức tường vô hình ngăn cách. Mọi người ai cũng muốn tiếp cận chàng, còn nàng ngược lại luôn giữ mình cách chàng một khoảng, không có dũng khí thu hẹp khoảng cách, hoặc mặt đối mặt nói chuyện. Cứ đến lúc đó là nàng cảm thấy hình như bản thân bị một sức mạnh vô hình nào đó trói buộc rồi, chỉ cần lại gần chàng một bước thôi là muốn xỉu.

Ngô Du đến Vân Mộng cốc đã ba năm, nói chuyện với Mộ Dung Vô Phong, ngoài lúc ở y hội luận bàn việc khám bệnh không thể không trao đổi ra, cộng lại cũng chẳng được ba chục câu.

Chàng có bệnh nhân riêng của mình, không nhiều nhưng là những ca bệnh khó khăn nhất. Trong cốc có người mắc chứng bệnh nguy cấp khó chữa, những đại phu khác không xử lý nổi nữa, cuối cùng đều chuyển tới tay chàng. Có lúc các đại phu gặp phải ca khó, cũng có thể mời chàng dời bước đến phòng mạch của mình để bàn bạc. Nếu như không bận, chàng sẽ đi. Có khi lưu lại cả một ngày, cơm trưa, cơm tối đều ăn ở hiên nhỏ bên cạnh phòng mạch. Các đại phu thì đến từ nhiều miền khác nhau, cho nên nhà ăn của mỗi người đều nấu những món khác nhau. Chàng không kén chọn. Chàng ăn không nhiều nhưng cái gì cũng có thể ăn được. Cơ hội để thân thiết hơn với chàng, chẳng có ai muốn bỏ qua. Ngô Du cũng từng mời chàng đến Ngẫu Phong hiên của mình hai lần. Ca bệnh làm nàng mất ăn mất ngủ mấy ngày, đến tay chàng thì nhanh chóng thuốc vào bệnh hết. Cơm trưa do nàng từ buổi sớm đã cẩn thận chú tâm chuẩn bị, thanh đạm mà tinh tế, thế nhưng chàng đều lấy cớ có việc mà khước từ, nhanh chóng bỏ đi.  Từ trước đến nay chàng chưa từng dùng cơm ở Ngẫu Phong hiên.

"Tổng cộng có mỗi năm chữ, có cần phải xem lâu đến vậy không?", Nguyệt Nhi nhìn dáng vẻ ngẩn ra của nàng, cũng nhón lấy tờ giấy: "Để em xem xem, 'canh tía tô', có phải tiểu thủ mê chữ của ngài ấy rồi? Hay là đang thầm làm thơ đấy?"

"Nói linh tinh", nàng đẩy Nguyệt Nhi ra, cẩn thận thu tờ giấy ấy lại. Nói cho cùng đây cũng là nét chữ do chính chàng viết.

"Tối nay làm gì?"

"Đọc sách. Tranh thủ xem cho kỹ tránh để tiên sinh lại dùng mực đỏ phê lại cho ta."

"Đơn thuốc lại có gì sai rồi?"

"Cũng không sai, chỉ là còn thiếu gì đó thôi. Tối nay ta cần tập trung, em ở cùng mài mực cho ta, gọi cả Cầm Nhi nữa."

Nguyệt Nhi chớp chớp mắt nhìn nàng: "Tối nay cốc chủ làm gì, tiểu thư có biết không?"

"Làm gì?", nàng hỏi bâng quơ.

"Em vừa gặp Tiểu Bối chỗ Triệu tổng quản, cô ấy nói tối nay cốc chủ muốn ra ngoài, mà chỉ đem theo hai tùy tùng. Dọa cho Triệu tổng quản thiếu chút nữa là quỳ xuống lạy ngài ấy."

"Hả!", Ngô Du kinh hãi: "Sao tiên sinh lại làm thế? Sao có thể như thế?"

"Tuy chân cốc chủ đi lại không tiện nhưng vẫn có thể cưỡi ngựa. Chỉ là không biết ngài ra khỏi cốc có việc gì?"

"Tất nhiên là có bệnh nhân nguy kịch, ra ngoài chẩn bệnh."

"Không phải đâu. Trước nay cốc chủ không bao giờ ra ngoài chẩn bệnh.", Nguyệt Nhi từ nhỏ đã ở trong cốc, những việc biết được tất nhiên là nhiều hơn Ngô Du nhiều.

"Hôm trước em nhắc tới vị Sở cô nương ấy ... cô ta ... có phải cô ta vẫn ở tại Trúc Ngô viện?"

"Việc này ... em không biết. Chỉ biết sáng nay cốc chủ dậy rất muộn, lại còn ... hình như thân thể của ngài có chút không khỏe. Đến chỗ Sái đại phu, ngồi lại chưa được nửa giờ đã về Trúc Ngô viện rồi."

Tâm tình Ngô Du hỗn loạn, không nhịn được hỏi: "Sao tiên sinh lại không khỏe? Liệu có phải bệnh tim tái phát rồi?"

"Có lẽ thế. Dù không phải bệnh tim tái phát, mấy ngày nay sương nồm trời ẩm, cốc chủ chịu không nổi."

"Nhưng mà, tối nay tiên sinh vẫn muốn ra ngoài?"

"Vâng. Nếu không Triệu tổng quản sao phải lo lắng đến thế?"

"Tiên sinh vẫn không chịu quan tâm đến sức khỏe của bản thân", nàng nhè nhẹ thở dài một tiếng, rồi lại tựa xuống giường: "Nguyệt Nhi, giúp ta đem đèn lên. Ta muốn ở đây đọc sách một lúc. Em với Cầm Nhi đi nghỉ đi."

Đột nhiên nàng cảm thấy tối nay chẳng còn hứng thú làm gì nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 19-3-2013 12:51:02 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4


Đèn bắt đầu được thắp, có thể trông thấy Thần Nông trấn thấp thoáng trong khói bếp lơ lửng trên không trung. Vó ngựa đạp lên những viên đá xanh lát đường cũ kỹ phát ra những âm thanh giòn giã, vừa qua cổng trấn, tiếng vó ngựa dần chìm vào sự ồn ã chốn đông người.

Vốn "Thính Phong Lâu" có tên là "Lâm Giang Tiên", là chỗ lớn nhất, có khí thế nhất trong Thần Nông trấn. Chỉ bởi nơi này nằm bên sông, bất kể anh có ngồi đâu đi chăng nữa đều có thể nghe thấy âm thanh vù vù của gió thổi, cho nên mới đổi tên như hiện nay. Chỗ đặc biệt của Thần Nông trấn so với những nơi khác, ngoài việc tiệm thuốc nhiều, phòng mạch lắm, khách điếm nhan nhản ra thì chính là nhiều tửu lâu, cơ hồ cứ mười bước lại có một quán. To nhỏ khác nhau, phục vụ đầy đủ cho mọi loại du khách. Những người tới đây tìm thầy tìm thuốc bệnh thường không nhẹ, cho nên hơn nửa đều phải ở lại trong trấn mười ngày nửa tháng. Bệnh nhân, lại thêm người đi theo chăm sóc, tự nhiên phải có chi phí rồi. Cho nên, quán rượu tuy nhiều nhưng quán nào cũng có việc cả. Lại thêm bệnh tật đến chẳng phân thời tiết, thời điểm nào trong năm cũng có người bệnh tìm đến, cho nên việc làm ăn ở đây đơn giản là không phân biệt mùa đắt khách, mùa không. Thính Phong lâu tính ra chính là nơi tấp nập nhất.

Trà thơm được rót ra, khói nghi ngút bốc cao. Hà Y vừa tiến vào cửa lớn lập tức có tiểu nhị ân cần chào hỏi. Nàng đang cảm thấy khát cho nên trước tiên gọi một chén trà hoa cúc. Chén trà làm bởi sứ men đen, vừa rót nước sôi vào, qua một lúc, hoa cúc đã nở trong chén, thật giống như tranh thủy mặc. Quán hạng nhất đương nhiên dùng đồ hạng nhất, chén sứ men đen này làm phỏng theo hình dạng chén thời Tống, người thời Tống rất thích so sánh trà, màu trà quý ở chỗ trắng, cho nên dùng chén sứ đen thì có thể làm sắc trà hiển hiện rõ ràng nhất. Như bây giờ tuy trên thị trường đồ mô phỏng nhiều nhưng phần lớn vẫn là các nhà giàu có cất giữ. Hà Y lăn lộn trong giang hồ, đã uống trà ở không biết bao nhiêu quán rượu, nhưng quán dùng đồ thưởng trà quý nhường này thì thật sự hiếm thấy. Chẳng qua, giá cả ở Thính Phong lâu cũng đắt đến dọa người ta khiếp vía.

Tiểu nhị nói: "Cô nương là khách lần đầu ới, bản quán có lệ khách lần đầu tới đều giảm giá bốn phần. Không biết cô nương muốn dùng thứ gì."

Hà Y nghĩ, hôn qua vừa kiếm được một khoản lớn, tuy vừa mất đứt hai trăm lượng ngân phiếu trong bọc hành lý, nhưng vẫn quyết định phải tiêu xài một phen. Dù sao đây cũng là lần đấu tiên trong đời nàng thoải mái tiêu pha. Bèn nói: "Quán các vị có món gì ngon, đặc sắc thì cứ đem lên đi."

Tiểu nhị đáp: "Có, đương nhiên có. Bản quán gần đây có đề ra một suất ăn Đạo gia thất tinh, tùy theo khách nhiều hay ít phân thành ba loại lớn, vừa, nhỏ. Cô nương dùng bữa một mình,đồ không cần quá nhiều, gọi loại nhỏ là được rồi."

Hà Y nói: "Gọi như thế đi, nhanh đem lên."

Một lát sau, tiểu nhị bưng lên sáu đĩa thức ăn nhỏ, xem ra có vẻ rất cầu kỳ tinh tế. Nhưng ở giữa lại có một chiếc đĩa trống không. Hà Y hỏi: "Cậu nói là bảy món, thế thì phải có bảy đĩa mới đúng, thế nào lại chỉ có sáu đĩa? Cái đĩa trống ở giữa có phải dùng để bỏ xương không?"

Tiểu nhị khẽ cười, sớm đã dự liệu nàng sẽ hỏi như thế, bèn đáp: "Không phải đâu. Đĩa trống ấy cũng là một món. Tên gọi là 'Hỗn nguyên nhất khí'."

Hà Y trợn tròn mắt hỏi: "Ông chủ chỗ các vị muốn phát tài đến phát cuồng rồi sao? Một cái đĩa trống mà cũng tính là một món?"

Tiểu nhị đáp: "Cô nương không biết rồi, khách đến bản quán đa phần đều xuất thân từ dòng dõi thư hương. Món này chính là chỉ cái ý lấy không làm có mà Đạo gia nhắc tới. Chẳng giấu gì cô nương, bản quán giới thiệu món này ra đã hơn hai tháng, những người nếm qua đều khen là có ý tứ. Không ít quan khách còn cố tình dẫn theo bạn bè đến ăn, chuyên gọi món này để thể hiện trình độ học vấn. Còn nữa, cái đĩa đựng món này làm bằng sứ men xanh Châu Quang của trấn Cảnh Đức, trắng như ngọc, sáng như gương, mỏng như giấy, gõ vào âm thanh trong như tiếng khánh. Chỉ mỗi cái đĩa không đã có giá năm lượng bạc rồi."

Hà Y vừa ăn vừa lắc đầu, mới ăn xong một đĩa đã nghe thấy trên lầu có tiếng đánh lộn vọng xuống. Chỉ là lầu dưới đông khách, mọi người ai nấy đều lo việc của mình, vui đùa uống rượu, ồn ào huyên náo che lấp luôn tiếng đánh nhau kia. Hà Y không nhịn được hỏi tiểu nhị: "Trên lầu hình như không được yên ổn cho lắm?"

Tiểu nhị gật đầu nói: "Là huynh đệ của Thủy Long bang và Phi Ưng đường có chút quá khích, làm loạn lên ở trên ấy. Đây là việc bình thường, cô nương không cần phải lo sợ", vừa nói xong, chợt nghe "bịch, bịch" hai tiếng, hai đại hán cường tráng đã bị người ta quăng từ lan can lầu hai xuống dưới. Hai người kia nặng nề rơi xuống đất, làm vỡ một cái bàn lớn, rượu và đồ nhắm vung vãi khắp nơi. Khách ở lầu dưới gặp việc lạ mà cứ như không, ai nấy chỉ quay đầu nhìn một cái rồi lại quay đi tiếp tục ăn uống.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 19-3-2013 13:39:25 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4 - cont


Tại cái bàn vừa bị vỡ tan kia có hai thanh niên áo đen ăn cơm, một người rất cao, mắt to mày rậm, vận áo vải gọn gàng, dáng vẻ từng trải. Người kia thấp hơn nửa cái đầu, nhưng vẫn cao hơn người bình thường rất nhiều, eo thon, tay dài, khoác một cái áo khoác màu xám. Hai người này từ bên ngoài tới và rõ ràng đã tới nhầm nơi. Trên bàn của người khác toàn thức ăn ngon lành, bọn họ thì mỗi người một bát cơm trắng, trên bàn trống không. Hai người này trông thấy có người rơi tới, liền nhanh chóng bưng bát cơm của mình, chuyển đến một cái bàn khác sát tường, tiếp tục và cơm ăn. Vừa ăn xong một miếng, trên lầu lại có hai người nữa bị ném xuống, lại thấy sắp rơi xuống bàn của họ, chỉ thấy người cao hơn vươn tay tới lưng của kẻ đang ngã xuống, một đỡ một đẩy, kẻ bị ngã kia vốn đang trong tư thế chân tay chống hết lên trời, vậy mà bị anh ta, giữa không trung tính chuẩn như dùng bàn tính, xoay một vòng, hai chân liền đứng vững, vừa chạm đất một cái lập tức cắm đầu cắm cổ vội vàng chạy ra ngoài. Người còn lại rơi xuống bên cạnh thanh niên áo đen thấp hơn, anh ta chẳng thèm để ý, mặc kệ kẻ kia lổm ngổm trước mắt. Chỉ nghe thấy người cao hơn hỏi: "Trên kia rốt cuộc có chuyện gì vậy?"

Người đi cùng đáp: "Có người rơi xuống, lại chẳng phải tự họ nhảy, tất nhiên là có chuyện rồi."

Người cao hơn nói: "Để đệ lên xem sao", nói xong cất bước định đi. Người đi cùng kéo lại, nói: "Đệ chớ đi. Nơi đây lắm người, nhiều chuyện phức tạp, không dưng chớ có đi tìm phiền phức. Phải nhớ cho kỹ điều thứ tám trong nguyên tắc an toàn khi hành tẩu giang hồ: Tài cao phải sợ gan lớn."

Hà Y vừa nghe được, khúc khích một tiếng, thiếu chút nữa thì phì cười.

Người cao hơn rõ ràng không màng đến lời người kia, nói: "Đệ muốn lên xem xem, rốt cuộc là kẻ nào ngang ngược ở đây.". Không dợi người kia đáp lời, thân hình của anh ta đã biến mất tựa khói, đi lên trên rồi. Chẳng bao lâu sau, lại nghe thấy "bịch" một tiếng , có một người ngã xuống. Người áo đen kia ở dưới lầu vội vươn tay đỡ được người bạn của mình, trên mặt người ấy đã bị đánh cho ứa máu, người kia vội giúp bạn đứng dậy, nói: "Đã bảo đệ chớ đi, đệ cứ nằng nặc không nghe. Cứ để người ta đánh cho sưng mặt rồi mới thôi.". Thanh niên cao hơn hiển nhiên không phục, đưa tay quệt máu trên mặt một cái, đẩy bạn mình ra rồi lại xông lên.

Hà Y vẫn điềm nhiên ngồi uống trà hoa cúc, cảm thấy hai thanh niên này rất thú vị. Chẳng bao lâu sau, trên lầu lại vang lên tiếng ồn ào, có mấy người bay qua cửa sổ văng ra ngoài, hàng loạt tiếng loảng xoảng chén đĩa vỡ tan tành. Sau đó mọi thứ yên lặng trở lại, người thanh niên cao lớn kia nghênh ngang đắc ý từ trên lầu đi xuống.

Người thấp hơn hỏi: "Đòi được công bằng chưa?"

Người cao hơn đáp: "Đòi được rồi."

Người thấp hơn hỏi: "Cuối cùng thì tại sao bọn họ lại đánh lộn?"

Người cao hơn đáp: "Đệ không biết."

Người kia cười khổ: "Đệ không biết? Đệ cũng không hỏi?"

Người cao hơn nói: "Đông người quá, hỏi không nổi. Chẳng qua là chút ân oán giang hồ, giống như đàn bà cãi nhau thôi, vĩnh viễn chẳng biết được ai đúng ai sai.", còn đang nói, chợt nhìn thấy một người trung niên béo lùn không biết từ lúc nào đã vô thanh vô tức tới đứng sau lưng mình, tủm tỉm cười. Người trung niên này bụng to, eo tròn, mang một dáng vẻ nhàn nhã, thung dung. Ông ta một bên vuốt cái thắt lưng gấm xanh mới toanh trên người, dường như cực kỳ hài lòng với chất liệu của trang phục, một bên dùng một chiếc khăn lau đi lau lại cái nhẫn làm bằng ngọc thời Hán có vân trên ngón trỏ, có vẻ như đang đợi thanh niên áo đen cao hơn nói xong.

Thanh niên áo đen cao lớn hỏi: "Các hạ tìm tôi có việc gì?"

Người trung niên nói: "Không dám. Tại hạ là Ông Anh Đường, là chủ của cái quán nhỏ này. Vừa rồi công tử đập vỡ của bản quán năm mươi hai cái đĩa, lại đánh hỏng ba cái bàn. Loại đĩa này là bản quán nhập từ trấn Cảnh Đức vê, bàn bằng gỗ hồng, tất cả cộng lại là năm trăm linh ba lượng, năm tiền. Nếu như trên người công tử có sẵn tiền vậy phiền công tử thanh toán; bằng như không tiện thì ngân phiếu cũng được. Ngân phiếu của Đại Thông, Bách Hối, Long Nguyên, Bảo Phong tứ đại tiền trang chúng tôi đều nhận."

Người thanh niên kia cười lạnh, nói: "Vừa rồi những kẻ kia cũng đập phá của ông bao nhiêu đồ, phá của ông bao nhiêu bàn? Ông cũng muốn bọn chúng bồi thường à?

Ông Anh Đường đáp: "Bọn họ đã bồi thường rồi. Không tin thì công tử nhìn xem, đây chính là bằng chứng."

Quả nhiên ông ta đưa ra một tờ kê với một ngân phiếu. Thanh niên cao lớn kia nhíu mày, nói: "Tôi không có nhiều tiền như thế."

Ông Anh Đường nói: "Như thế này thật quá kỳ lạ rồi. Cái bàn này không phải đồ của nhà công tử, công tử cũng không định đền, vậy tại sao công tử đập vỡ nó? Vừa rồi những người kia sở dĩ đập phá, ấy là bởi bọn họ đã báo trước với tôi bọn họ chuẩn bị đầy đủ tiền bồi thường rồi, tôi mới để bọn họ đập phá."

Thanh niên cao lớn nói: "Đám người ấy, lẽ nào bọn họ ăn no rửng mỡ? Vừa đập đồ đạc vừa đền tiền?"

Ông Anh Đường cười nói: "Thế thì có gì là lạ? Hai bang tranh chấp, muốn tìm một chỗ giải quyết. Bọn họ cùng bàn với nhau chọn đúng chỗ này của tôi, cảm thấy đập bàn phá chén cũng rất thú vị, chỉ cần có đủ tiền, cứ vô tư mà phá. Ấy là bởi chỗ này người ra kẻ vào tấp nập, tin tức lan đi rất nhanh. Bọn họ là muốn danh tiếng, để người trên giang hồ biết thế lực của Thủy Long bang và Phi Ưng đường, lại muốn biểu diễn một chút, cũng định tổ chức ở đây, cho nên đã lo liệu hết rồi. Các hạ hồ đồ nhảy vào, phá bao nhiêu là đồ đạc. Người hai bang ấy đều nói họ chỉ bồi thường những thứ họ phá, họ không quen biết các hạ, cho nên không thể tùy tiện bồi thường giúp được."
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 22-3-2013 12:26:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4 - cont


Thanh niên cao lớn bị ông ta nói một tràng như thế, cũng cảm thấy mình đuối lý, nói: "Việc này ...", dáng vẻ rất bối rối.

Hà Y đứng bên cạnh nói: "Tiền vị công tử này nợ, tôi trả giúp là được."

Ba người đều quay sang nhìn nàng. Thanh niên cao lớn nói: "Đa tạ. Có điều tại hạ không hề quen biết cô nương, không dám tùy tiện nhận ân tình này. Món tiền này, tại hạ tự nghĩ cách."

Hà Y nói: "Công tử cả nghĩ rồi. Tiền tài là vật ngoài thân, có rồi mất chẳng qau cũng chỉ là phút chốc mà thôi", nàng rút ra một tờ giấy hoa văn tinh tế, bên trên kín mít các loại hoa văn. Ông Anh Đường vừa trông thấy ngân phiếu, nụ cười trên mặt lại càng tươi như hoa, nói: "Được, được, chỉ cần có người bỏ tiền là được. Tiền cũng chẳng có ai ký tên, tiền của ai cũng không thành vấn đề", ông ta săm soi hoa văn, chợt biến sắc, nói: "Cô nương, xin hỏi tờ ngân phiếu này từ đâu mà có?"

Hà Y đáp: "Chẳng lẽ ngân phiếu là giả?"

Ông Anh Đường nói: "Ngân phiếu thì đúng là thật. Chỉ có điều, tờ ngân phiếu này là của Vân Mộng cốc phát ra. Phải chăng cô nương là người của Vân Mộng cốc."

Hà Y đáp: "Tuy là không phải, nhưng tờ ngân phiếu này đúng là do Mộ Dung tiên sinh đưa cho tôi."

Ông Anh Đường hỏi: "Trong cốc có khá nhiều người mang họ Mộ Dung, không biết người cô nương nhắc tới là vị Mộ Dung nào?"

Hà Y đáp: "Mộ Dung Vô Phong."

Ông Anh Đường trợn tròn mắt nhìn nàng, nhìn chằm chằm cả buổi mới nói: "Cô nương từng gặp Mộ Dung cốc chủ?"

Hà Y nói: "Đã gặp."

Ông Anh Đường bỗng nhiên cúi thấp đầu nói: "Cô nương tuy rộng rãi, nhưng tại hạ lại không dám nhận tiền của cô nương."

Hà Y hỏi: "Tại sao?"

Ông Anh Đường kéo Hà Y sang một bên, nhỏ giọng nói: "Việc hôm nay, cũng mong sau này cô nương đừng có nói với cốc chủ."

Hà Y lại hỏi: "Tại sao?"

Ông Anh Đường nghĩ ngợi một lúc rồi nói: "Nguyên cớ bên trong không tiện nhiều lời", nói xong quay người lại cười xởi lởi với thanh niên áo đen, nói: "Công tử, việc hôm nay không tính toán nữa. Sau này hạ cố tới bản quán, thấy có người đánh nhau cũng xin công tử hỏi trước một câu rồi hãy đánh."

Thanh niên áo đen cao lớn trợn mắt nhìn ông ta, bộ dạng tỏ ra không thèm nhận món ân tình này. Nhưng người đi cùng đứng bên cạnh lại nói ngay: "Đương nhiên, đương nhiên."

Ông Anh Đường cười ha hả nói: "Nói hay lắm, nói hay lắm, chuyện vừa rồi quấy rầy ba vị dùng bữa, đồ ăn xem ra cũng nguội cả rồi. Xin ngồi đợi một chút, tôi lập tức kêu người chiếu theo các món cũ mà mang lên đồ mới, coi như là một chút tâm ý của tôi."

Thanh niên cao lớn nhìn ông ta rời đi, nói: "Kỳ quái. Sao ông ta tự nhiên lại rộng rãi thế?"

Người đi cùng nói: "Xem ra ắt là đối với thần y Mộ Dung có chút úy kị."

Anh ta ngừng một chút rồi nói tiếp: "Việc vừa rồi đa tạ cô nương giúp đỡ, tôi họ Uất Trì, gọi là Uất Trì Tĩnh Lôi. Đây là tiểu đệ, Uất Trì Tĩnh Đình", nói rồi chỉ sang người thanh niên cao lớn vừa nãy xông lên lầu.

Thì ra là một cặp huynh đệ, thảo nào tướng mạo giống nhau đến thế.

Hiển nhiên Hà Y chưa từng nghe tới hai cái tên này, nói: "Hân hạnh. Tôi họ Sở, gọi là Sở Hà Y."

Uất Trì Tĩnh Lôi kinh ngạc đổi sắc mặt, nói: "Lẽ nào chính là Sở cô nương, một kiếm đánh bại Phi Ngư đường? Chúng tôi đã từng đọc trên Giang hồ khoái báo rồi."

Hà Y hỏi: "Giang hồ khoái báo?"

Uất Trì Tĩnh Lôi nói: "Chẳng lẽ cô nương không biết Giang hồ khoái báo của Phần Trai tiên sinh? Giang hồ danh nhân bảng mỗi năm đều đăng trên đó."

Hà Y nói: "Thế sao?"

Uất Trì Tĩnh Lôi nói: "Chúng tôi tới từ vùng Tây Bắc. Cô nương đã từng nghe tới phái Côn Lôn chưa?"

Trên giang hồ, ấn tượng về phái Côn Lôn đơn giản là giống hệt như ấn tượng về dãy Côn Lôn xa tít mù tắp. Tựa như chỉ tồn tại trong truyền thuyết thôi. Ít nhất là trong vòng hai ba chục năm gần đây, chẳng hề thấy một ai thuộc phái Côn Lôn vào trung nguyên hành tẩu.

Hà Y cười chiếu lệ, nói: "Đương nhiên là có nghe qua."

Uất Trì Tĩnh Lôi vui mừng nói: "Tuy mười mấy năm gần đây, phái Côn Lôn không có ai tới trung nguyên nhưng nếu Sở cô nương từng đọc Giang hồ cựu văn san của Phần Trai tiên sinh, nhất định sẽ không thấy lạ lẫm với phái chúng tôi."

Uất Trì Tĩnh Đình cũng sáp lại nói: "Sư tổ của chúng tôi, 'Côn Lôn nhị lão', năm xưa ở Tây Bắc, điểm những người dám bằng vai phải lứa với hai vị cũng chỉ có mỗi mình Thiên Sơn Băng Vương thôi. Chỉ đáng tiếc hai vị lão gia một lòng theo đạo, cả năm  không xuống núi, cho nên mới khiến cho cả trung nguyên chỉ biết tới mỗi Thiên Sơn Băng Vương mà không biết còn có Côn Lôn nhị lão."

Hà Y nói: "Chẳng trách, chẳng trách. Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu. Danh tiếng của Côn Lôn nhị lão, không chỉ ở vùng tây bắc mà ngay cả ở trung nguyên cũng vang dội không thôi."

Hai huynh đệ ấy nghe nàng nói vậy, ngay lập tức lộ vẻ vui mừng nói: "Sư phụ chúng tôi lúc lâm chung có dặn dò, muốn chúng tôi nhất định phải khiến cho phái Côn Lôn danh chấn giang hồ, cô nương cũng là người nổi tiếng trong võ lâm, liệu có thể chỉ bảo cho một, hai điều chăng?"

Uất Trì Tĩnh Lôi nói: "Danh hiệu của chúng tôi là Côn Lôn song hùng, cũng gọi là Côn Lôn song kiệt. Cái tên này nghe cực hay, chúng tôi phải mất đứt ba tháng mới nghĩ ra được đấy."

Hà Y nói: "Hành tẩu trong giang hồ, đương nhiên là phải có danh hiệu nghe hay ho, chỉ là …"

Hai huynh đệ kia lập tức hỏi: "Chỉ là sao? Lẽ nào cái tên ấy nghe không hay?"

Hà Y nói: "Nếu như hai vị lấy hiệu là song hùng, ví như người khác không ưa hai vị thì sẽ có thể thay chữ 'hùng' trong anh hùng, thành chữ 'hùng' trong chữ cẩu hùng. Nếu như hai vị gọi là song kiệt, những bậc giang hồ lão luyện có thể sẽ không thích. Bởi vĩ lão làng trong giang hồ thích nghe những danh hiệu khiêm tốn hơn một chút."

Hà Y nói: "Chẳng bằng gọi là 'Côn Lôn song kiếm' đi. Một là hai vị đều dùng kiếm, hai làc hữ 'kiếm' chỉ là tên binh khí, bất kể các vị bây giờ chưa nổi tiếng hay là sau này nổi tiếng, đều dùng được."

Uất Trì Tĩnh Lôi vừa nghe xong, mừng rơn, nói: "Hay lắm hay lắm, Côn Lôn song kiếm, chính là cái tên này. Chúng tôi đến đây chính là để xem tỉ thí. Trận chiến ở Phi Ngư đường, chúng tôi đã bỏ lỡ mất, nhưng cuộc chiến ở Phi Diên cốc này chúng tôi thế nào cũng quyết không bỏ lỡ."

Uất Trì Tĩnh Đình nói: "Ngày mai hai người chúng tôi và Thẩm công tử phái Nga My có hẹn so kiếm ở Phi Diên cốc. Nếu có thể thắng được vị ấy, chúng tôi hẳn được xếp hạng thứ mười hai rồi. Cô nương giả như có thời gian hay là cũng tới xem."

Tay Hà Y chợt run run, nói: "Thẩm công tử? Thẩm Bân?"

Hai huynh đệ nhà Uất Trì gật đầu, nói: 'Đúng vậy. Xin thứ lỗi, không thể tiếp tục chuyện trò rồi, hai huynh đệ chúng tôi tối nay còn phải luyện kiếm. Cáo từ.". Hà Y đang do dự, có nên đem chuyện Thẩm Bân chết thảm nói ra không, vừa ngẩng đầu lên, hai huynh đệ đã ra khỏi cửa lớn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
Đăng lúc 22-3-2013 21:23:12 | Chỉ xem của tác giả
Đọc truyện này chẳng biết hai nhân vật chính yêu nhau nào khi nào nữa.
Nó cứ đến một cách tự nhiên  giống như Tiểu Thu - Lịch Xuyên.
Mộ Dung Phong là một thần y có thể chữa bệnh cho bao nhiêu người vậy mà bệnh của chính minh thì lại đành bó tay. Đúng là bi kịch!  Mình nhớ đọc Convert sau này anh còn mất một chân nữa. Ôi sao số anh lại khổ thế!

Bình luận

aiz, số anh còn khổ dài dài, qua cuốn 2, lúc mà anh nghĩ chị Hà Y chết rồi ấy, đọc đoạn đó buồn lắm  Đăng lúc 23-3-2013 09:58 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 23-3-2013 11:59:49 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4 - cont


Đưa mắt nhìn theo hai người đó, trong lòng Hà Y đột nhiên dâng lên một nỗi muộn phiền không tên. Hai người này xem ra vẫn còn là hai thanh niên chân chất thuần phác không hơn, trong đầu tràn đầy nhiệt huyết và mộng tưởng, hăng hái bừng bừng bước chân vào giang hồ. Giống như tất cả những người vừa vào giang hồ, họ theo bước những người nổi tiếng, đi bốn phương khiêu chiến, tranh thủ từng cơ hội để nổi danh.

Còn phải rất lâu nữa họ mới có thể biết được quy tắc vận hành của giang hồ, nhưng sẽ rất nhanh thôi hiểu được cái hung hiểm của nó.

Hay gặp trên đường nhất, quá nửa là thiếu niên thế cô lực mỏng, bọn họ thường trước bái sư học nghệ, gia nhập vào một môn phái có tiếng tăm. Mà môn phái này tất nhiên thế nào cũng có thù oán truyền đời với một, hai môn phái nào đó khác nữa. Mỗi năm, đệ tử của hai phái sẽ lại khiêu khích nhau, sau đó là một trường đại chiến, do các đệ tử ưu tú của hai phái tham gia, từ đồ đệ tỉ thí rồi đến sư phụ lên đài, phân rõ thắng bại. Bên thua tất sẽ phải nghiến răng nghiến lợi, ngậm đắng nuốt cay mà luyện tập gian khổ để năm sau rửa nhục.

Tất nhiên, đã là người thân mang tuyệt kỹ, con đường đi đương nhiên sẽ khác. Con đường ấy ngắn hơn, trực tiếp và nguy hiểm hơn.

Con đường ấy chính là tìm đến kẻ có tiếng mà khiêu chiến, đánh bại kẻ ấy thì chính mình nổi danh. Đương nhiên, nếu xui xẻo mà thua, hậu quả tất yếu hoặc mất mạng đương trường, hoặc tàn phế cả đời, hoặc bị trục xuất khỏi võ lâm.

Người đi trên con đường thứ hai, đương nhiên cũng có cách thức riêng mà theo. Đối với kiếm khách mà nói, chính là một câu: phải thường xuyên quan sát. Anh phải biết tường tận những nhân vật kiệt xuất trong giang hồ mấy năm gần đây, từ cuộc sống cho đến hành vi của họ đều phải nắm rõ như lòng bàn tay. Trước khi cầm chắc chiến thắng, anh phải bám sát họ, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để quan sát kiếm pháp.

Loại khát vọng thành danh này đang thúc đẩy các kiểu tỉ thí trên giang hồ.

Linh Tiên đài của Hoa Sơn, Phi Diên cốc của Vân Mộng và Thí Kiếm sơn trang của Tạ gia ở Giang Nam là ba địa điểm tỉ thí vang danh nhất giang hồ. Lúc náo nhiệt nhất, ở ba nơi ấy cơ hồ trong một năm tháng nào cũng có mấy cuộc tỉ thí.

Trong ba nơi ấy, Phi Diên cốc lại càng là nơi tấp nập nhất. Nguyên nhân thì cực kỳ đơn giản: Đánh nhau thì tất có tử thương, mọi người ai cũng muốn chọn nơi nào gần thần y Mộ Dung một chút.

Thẩm Bân đương nhiên là cao thủ thành danh theo con đường thứ nhất. Nga My phái người nhiều thế mạnh, trong đám đệ tử, người kiệt xuất cũng không ít, nổi tiếng nhất đương nhiên là Hạ Hồi, thứ đến chính là Thẩm Bân, Thẩm Đồng và Lưu Côn. Ngoài ra vẫn còn ba vị đạo nhân trung tuổi, tuy danh tiếng không lớn nhưng công phu thì cực kỳ cao thâm, chính là sư huynh đệ của chưởng môn Phương Nhất Hạc. Đạo hiệu của họ lần lượt là Tùng Phong, Tùng Lôi và Tùng Vân, được người đời xưng tụng  là "Nga My tam Tùng". Ba vị này rất ít xuất hiện trong võ lâm, nhưng trên núi Nga My thì có uy vọng cực cao, kể như Phương Nhất Hạc, khi gặp họ, nói năng cũng cực kỳ khách khí. Thẩm Bân chính là đệ tử của Tùng Lôi.

Hà Y không nhịn được nghĩ tới bộ dạng chết thảm của Thẩm Bân. Ánh mắt của Thẩm Bân khi ấy rõ ràng là rất kinh ngạc với kết cục của chính mình. Hiển nhiên y không ngờ tới bản thân lại chết bất ngờ, chết một cách hồ đồ như vậy, rất nhanh chóng trên người có thêm một vết thương, thiếu đi một thứ rồi đi đời.

Theo cách nhìn của Hà Y, mỗi con người, trong suốt cuộc đời mình hình như đều theo đuổi một mục tiêu nào đó đã được định sẵn, mà mục tiêu này thì mỗi người một kiểu, nghìn sai vạn khác. Mộ Dung Vô Phong đã được định sẵn phải làm một thần y, Thẩm Bân định sẵn phải chết bởi kiếm, còn anh em nhà Uất Trì thì đã định sẵn phải trở thành Côn Lôn song kiếm. Mỗi người đều vì mục tiêu đã được định sẵn của chính mình mà bôn ba bận rộn. Mộ Dung Vô Phong bận hành nghề y, Thẩm Bân bận tỉ kiếm, còn anh em nhà Uất Trì thì bận đọc số mới nhất của Giang hồ khoái báo. Dường như bọn họ đều hiểu rất rõ bản thân đang bận rộn cái gì, tại sao phải bận rộn.

Còn chính nàng thì sao? Đang bận rộn cái gì? Tại sao lại bận rộn? Nàng hoàn toàn không biết.

Còn may là Hà Y vẫn nhớ mục đích tại sao bản thân lại chạy đến đây. Ngân lượng.

Nàng không ghét ngân lượng. Thường vì ngân lượng mà nhận làm những việc hoang đường.

Bây giờ, cuối cùng nàng cũng có chút ngân lượng, vậy mà lại cảm thấy trống rỗng thế này.

Nàng chợt cảm thấy, đời người đúng là không do chính bản thân mình chi phối. Nổi tiếng cũng vậy mà không nổi tiếng cũng thế, đều có thể bị người khác chi phối.

Những thiếu niên giang hồ được những câu chuyện truyền kỳ hun thêm bầu nhiệt huyết, thứ đầu tiên bị thiêu cháy, cuối cùng chính là bản thân họ.

Nghĩ tới đây, trong lòng nàng dấy lên một nỗi buồn bực và phiền muộn, bèn đúng dậy rời bàn, bước ra lan can bên ngoài hít thở bầu không khí mát lạnh lúc đêm xuống.

Đối diện với lan can chính là con đường lớn nhất trong trấn. Hàng rong hai bên đường vẫn chưa tan hết. Ở cái trấn nhỏ muôn phần xa lạ này, cảnh về đêm lại thân thuộc đến vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 23-3-2013 21:17:24 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4 - cont


Ở đằng xa có tiếng vó ngựa văng vẳng vọng tới. Dõi theo thì thấy một cỗ xe ngựa màu đỏ thẫm, do bốn con ngựa khỏe kéo, không nhanh không chậm từ tốn chạy đến.

Đằng sau xe ngựa còn có hai người mặc áo xám cưỡi ngựa theo hầu.

Hà Y nhớ tới lần đầu tiên mình ngồi xe ngựa. Nàng trước giờ đều cưỡi ngựa, vậy mà lần đầu tiên ngồi xe lại ngồi trên một cỗ xe xa hoa như vậy. Bên trong còn trải cả da hổ, rộng rãi giống như một căn phòng.

Thế mà cỗ xe này so với cỗ xe mình từng ngồi còn lớn hơn nhiều.

Cỗ xe đi đến cửa Thính Phong lâu thì từ từ dừng lại. Hai người áo xám nhảy xuống ngựa, đến bên cỗ xe cung kính thưa: "Thưa cốc chủ, chúng ta đến nơi rồi."

Thì ra là Mộ Dung Vô Phong, phải sớm đoán ra mới đúng.

Chỉ nghe thấy tiếng người mệt mỏi từ trong xe truyền ra: "Nơi đây ồn ào quá, không biết trên lầu có chỗ nào yên tĩnh hơn một chút không?"

Quả nhiên là chàng. Chỉ là âm thanh cực kỳ mệt nhọc.

"Trên lầu hai có một gian phòng riêng của ông chủ Ông, ở góc phía bắc, chúng ta có thể mượn dùng."

Lời chưa dứt, Ông Anh Đường đã từ bên trong sải bước đi tới nghênh đón, đến trước xe ngựa vái chào, kính cẩn nói: "Cốc chủ hạ cố, Anh Đường không tiếp đón từ xa thật thất lễ."

Trong xe truyền ra một giọng lãnh đạm: "Ông chủ Ông khách khí quá rồi. Tôi muốn mượn một gian phòng trên lầu hai dùng một lúc, không biết có được không?"

Ông Anh Đường nói: "Hiện còn hai phòng trống. Nhưng ở lầu bắc tại hạ có một gian phòng riêng sạch sẽ hơn, ngày thường dùng để nghỉ ngơi, cực kỳ yên tĩnh. Hay là xin cốc chủ cứ tạm đến lầu bắc trước rồi tính sau?"

Mộ Dung Vô Phong nói: "Không cần. Một gian phòng trống là được rồi."

Người áo xám mở cửa xe, đầu tiên đưa chiếc xe lăn xuống trước rồi mới nhẹ nhàng đưa Mộ Dung Vô Phong xuống sau.

Chàng vẫn mặc một bộ y phục màu trắng cực kỳ thanh nhã như lúc trước, ngồi trên chiếc xe lăn, lưng thẳng như bút. Tuy đầu mày còn vương chút mệt mỏi nhưng ánh mắt vẫn nguyên vẻ sắc bén.

Người hầu cận áo xám quỳ xuống, giúp chàng chỉnh lại vạt áo vừa rồi bị gió thổi lệch.

Ông Anh Đường nói: "Xin theo tại hạ. Cửa trước mùi rượu quá nồng, sợ cốc chủ không quen. Đằng sau có cửa riêng của quán, thông thẳng lên lầu hai."

Mộ Dung Vô Phong ho khan hai tiếng, nói: "Còn phải phiền ông chủ Ông làm giúp một việc."

"Xin cứ sai khiến."

"Tôi có hẹn một vị cô nương họ Sở tới bàn việc. Nếu như Sở cô nương tới, phiền ông mời cô ấy đến chỗ tôi."

"Có phải là Sở Hà Y, Sở nữ hiệp?"

Lần đầu tiên Hà Y nghe thấy có người gọi mình là "nữ hiệp", trong lòng buồn cười, thiếu chút nữa cười thành tiếng.

Quả nhiên Mộ Dung Vô Phong nhíu mày, nói: "Chính là người này. Chẳng qua, cô ấy từ bao giờ lại đã thành nữ hiệp rồi?"

Ông Anh Đường cười nói: "Cốc chủ có chỗ chưa rõ, mấy năm nay trên giang hồ, chỉ cần là người cầm kiếm, nhân cách không tệ hại là có thể xưng hiệp rồi. Mà trong đó, nữ kiếm khách đã ít lại càng ít, không gọi nữ hiệp cũng không được."

Mộ Dung Vô Phong cười nhạt, nói: "Xưng vị trên giang hồ hóa ra đều rất có ý tứ.", nói xong, người hầu cận đẩy xe cho chàng hướng về bên trái, chuẩn bị rời đi, chợt nghe thấy đằng sau có tiếng bước chân lộn xộn. Một kẻ thét lên: "Người đằng trước đứng cả lại!"

Người qua lại trước cửa quán vốn rất đông, nghe thấy tiếng thét giận dữ ấy có đến mười mấy người đứng lại.

Mấy người Mộ Dung Vô Phong cứ tiếp tục đi tiếp.

Chỉ thấy một bóng vàng vụt qua, một thân hình nhỏ nhắn tung mình nhảy tới, đáp xuống trước mặt Mộ Dung Vô Phong.

Mọi người nhìn kỹ, hóa ra là một cô gái mười bảy, mười tám tuổi, mày nhỏ mắt lớn, mặc một bộ y phục màu vàng nhạt, mái tóc dài mượt mà dùng một chiếc khăn màu tía buộc lại, tai đeo một đôi khuyên bằng đá quý màu tím, rủ xuống mười mấy hạt đá quý ngũ sắc to bằng hạt gạo, theo cử động của thân thể mà phát ra tiếng "lanh canh". Trong tay nàng ta là kiếm, mũi kiếm chỉ thẳng vào mặt Mộ Dung Vô Phong, nói: "Vừa rồi chính ngươi nhắc tới tên của Sở Hà Y?"

Người hầu áo xám duỗi ngón trỏ, đặt vào mũi kiếm, ung dung hất thanh kiếm khỏi mặt Mộ Dung Vô Phong, trầm giọng nói: "Cô nương có gì muốn nói, xin bình tĩnh mà nói.", rồi tiện tay búng lên mũi kiếm một cái, chỉ nghe "keng" một tiếng, mũi kiếm đã gãy đôi.

Hà Y rùng mình, chỉ lực thật lợi hại!

Nàng ta nhìn thanh kiếm của mình, vừa giận vừa sợ, nói: "Ngươi dám phá hỏng kiếm của ta?"

Người hầu áo xám lạnh lùng nghiêm nghị, nói: "Kẻ dám vô lễ trước mặt công tử, không chỉ bẻ một thanh kiếm mà thôi."

Người này xem ra tuổi hơn ba mươi, eo thon vai rộng. Mặt hẹp mà dài, lại có chiếc mũi khoằm như chim ưng, khi nói, mắt nheo thành khe hẹp. Còn người kia tuy tuổi tác tương đương, xem ra văn nhã thanh tú hơn nhiều.

Một ánh chớp rạch ngang không trung, trời bỗng đổ mưa nhỏ. Hai người hầu cận lại như họa lớn đến nơi, vội nâng Mộ Dung Vô Phong đưa vào hành lang dưới hiên.

Tiểu cô nương kia lằng nhằng không thôi, nói: "Nếu các người chịu giao Sở Hà Y ra, mọi việc giữa chúng ta đều bỏ qua. Còn không bản cô nương đây ...", rồi lại chỉ thanh kiếm gãy trong tay vào mặt Mộ Dung Vô Phong. Trong mắt chẳng rõ vì sao lại tràn đầy nước mắt và hận thù. Biết rõ là không địch lại, vậy mà bộ dạng như bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị lao vào liều mạng.

"Khoan hãy động thủ!", một thanh niên áo gấm chớp mắt đã lao tới, khẽ vung tay một cái đã nhẹ nhàng đẩy cánh tay của nàng ta đi.

Người vừa đến là một thanh niên cao ráo thanh tao tựa ngọc, chắp tay nói: "Tại hạ là Thẩm Đồng phái Nga My. Vừa rồi ngẫu nhiên nghe thấy các vị nhắc tới một người mà bản phái đang truy tìm khắp nơi, không khỏi quá kích động. Tệ sư muội tuổi nhỏ chưa biết gì, mạo muội đắc tội rồi.", nói xong lại vái một vái. Đằng sau Thẩm Đồng còn có bốn người khác, y phục tuy khác nhau nhưng trên chuôi kiếm đều có khắc hình đồ bát quái, rõ ràng là kiếm của riêng phái Nga My chuyên dùng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 26-3-2013 21:07:44 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4 - cont


Ông Anh Đường ha ha cười, cũng chắp tay đi tới, nói: "Chẳng hay ngọn gió nào đưa Nga My thất kiếm tới Thính Phong lâu của chúng tôi vậy?", ông ta bao nhiêu năm làm ông chủ, nhìn người vô số, người trên giang hồ mà Ông Anh Đường không nhận ra thật không nhiều: "Vị này nhất định là thiên kim tiểu thư của Phương chưởng môn, Phương Li Châu cô nương rồi. Chớp mắt đã lớn bằng chừng này! Cha cô vẫn khỏe chứ?", rồi đưa mắt sang: "Chu Tôn Thập, Diệp Bá Thắng, Từ Khuông Chi, Hà Thụy, ai da, sao lại chỉ có sáu người? Ha ha, ta biết rồi, Thẩm Bân tay nghiện rượu đó, nhất định đã chạy vào quán nốc rượu rồi."

Ông Anh Đường không nhắc tới Thẩm Bân thì thôi, vừa nhắc tới Thẩm Bân. sáu người kia trên mặt đều toát lên vẻ bi phẫn.

Thẩm Đồng nói: "Chúng tôi tìm Sở Hà Y chính là vì việc của Thẩm Bân."

Ông Anh Đường thấy bọn họ thần sắc nặng nề, không nhịn được mà ngây người ra, hỏi: "Thẩm công tử làm sao rồi?"

"Huynh ấy bị người ta sát hại rất tàn nhẫn, chúng tôi vừa mới tìm lại được thi thể. Nếu các vị có thể nói cho chúng tôi biết hành tung của Sở Hà Y, tại hạ vô cùng cảm kích."

"Tôi ở đây.", Hà Y chậm rãi từ trong bóng tối bước ra.

Nàng liếc nhìn Mộ Dung Vô Phong, phát hiện chàng cũng đang nhìn mình.

Tay rút kiếm của sáu người phái Nga My đồng thời gồng lên, sát khí cuồn cuộn. Mấy năm gần đây, Nga My thất kiếm tiếng tăm đang thịnh, nhất là từ một năm trước sau khi họ đại phá Võ Đang thất tinh kiếm pháp. Trên giang hồ truyền rằng, không có một ai có thể an toàn thoát khỏi bảy người ấy hợp công.

"Sở cô nương đã chịu xuất hiện, vậy những ai không liên can tới việc này, xin hãy lùi xa mười trượng. Phái Nga My không muốn làm bị thương người vô can.", Thẩm Đồng nói.

Sáu người chia hai hàng, bắt đầu bày trận.

Hà y cười lạnh nói: "Sao đây, các vị đến việc quý sư huynh cuối cùng đã chết như thế nào cũng lười không thèm hỏi, cứ thế bày trận, chẳng phải có hơi vội vàng sao?"

Phương Li Châu hét lên: "Còn phải nói gì nữa, nếu chẳng phải ngươi dùng âm mưu quỷ kế, sư huynh ta sao có thể bỏ mạng dễ dàng thế được?", nói rồi vung kiếm chuẩn bị xông tới. Thẩm Đồng kéo nàng lại rồi nói với Hà Y: "Được, cô nói đi.", xem ra y là người rất điềm tĩnh.

"Thẩm Bân đúng là có tới tìm tôi, nhưng chúng tôi vốn chưa hề động thủ."

"Không phải là cô, vậy thì là ai?", Thẩm Đồng lạnh lùng hỏi, rõ ràng đối với lời của Hà Y, một chữ cũng không tin: "Lúc đi rõ ràng huynh ấy nói với tôi là đi tìm cô. Ở hiện trường lại có ngựa với túi hành lý của cô."

Hà Y nhìn thanh kiếm của mình, nói: "Lời tôi nói đều là thật. Nếu như tôi muốn che giấu đã không tự mình bước ra đây."

"Cô muốn nói, cô biết ai là hung thủ thực sự?"

Hà Y nhìn lên mái nhà đối diện, từng chữ từng chữ nói ra: "Biết, bởi chúng đã tới đây rồi."

Chữ "rồi" chưa nói xong, chợt nghe thấy âm thanh "đinh đang", hai bóng xám tóc dài như ma quỷ từ phía xa lướt tới. Phương Li Châu quát: "Kẻ đang tới là ai?"

"Tránh ra!", Hà Y đẩy Phương Li Châu một cái, chỉ nghe "đang" một tiếng, một vật hình ống trong tay bóng xám đã phát xạ, Phương Li Châu theo đó mà ngã xuống.

Nàng vừa ngã xuống, năm người còn lại đã vay lấy kẻ vừa tới.

Bóng xám kia thì ta có một nam một nữ, nữ thì mắt ngọc mày ngài, áo dài chấm đất, lúc đáp xuống đất nhẹ nhàng hệt như một chiếc lá vừa bị gió thổi rụng từ trên cây xuống. Còn nam nhân bên cạnh, dáng vẻ ngạo mạn, nhưng cũng mày rậm mắt sáng, cực kỳ anh tuấn. Dưới nách phải của nam nhân kia có kẹp một chiếc quải trượng đen tuyền, y phục phơ phất, eo bên phải trống không, chân phải đã cụt tận gốc. Hắn ta nhìn nữ nhân kia lấy ra một ống độc châm nheo mày nói: "Lão thập, lần sau có thể đổi một loại độc khác không, mùi của ống độc châm này thực là khó ngửi.", nói xong bèn rút trong người ra một chiếc khăn thêu hoa, vẻ chán ghét mà bịt mũi lại.

Trong đầu Hà Y thoáng hiện lên một cái tên: Đường Thập. Lão thập của Đường gia, đó là một nữ nhân thích dùng độc.

Nữ nhân cười vang: "Tam ca, mùi khó ngửi nhưng lại thực sự hiệu nghiệm, muội đã làm riêng cho huynh một bình thuốc giải rồi.", nói rồi đưa ra một cái bình nhỏ: "Mở ra, xoa một ít vào dưới mũi là không ngửi thấy gì nữa rồi.", hai người đó rõ ràng đang bị năm thanh kiếm vây lấy, vậy mà coi như không, cười nói tự nhiên.

Thẩm Đồng hừ một tiếng, nói: "Đường, Thập, Đường Tam, hại vị muốn cúi đầu chịu trói, nộp ra thuốc giải, hay bị loạn kiếm phanh thây?"

Đường Thập yểu điệu cười: "Tam ca, bọn họ hỏi chúng ta kìa. Huynh xem chúng ta cúi đầu chịu trói thì được, hay bị loạn kiếm phanh thây mới tốt?"

Đường Tam cười nhạt: "Không tốt như nhau.", mắt lại nhìn Mộ Dung Vô Phong: "Gần đây trên giang hồ dường như kẻ què không ít. Ngoài ta ra, ở đây vẫn còn một tên."

Hà Y nhìn Mộ Dung Vô Phong có chút căng thẳng. Cứ như sự kiêu ngạo của chàng nghe thấy hai chữ "kẻ què" kia, nhất định rất tức giận.

Trên mặt Mộ Dung Vô Phong tuyệt nhiên chẳng biểu hiện gì. Chàng từ tốn nói: "Ta với giang hồ chẳng có liên quan gì. Nhưng Đường gia vừa ra tay đã dùng một ống ' Bách lạc thần mang', trên phương diện giết người rất có uy lực. Trước nay nghe nói người Đường Môn tuân thủ môn quy rất nghiêm, thông thường không dễ dàng ra tay, đối với độc dược lại càng cẩn thận. Xem ra, đó hẳn là tin đồn nhảm, hoặc là môn quy đã loạn rồi. Cuối cùng vẫn là đời sau chẳng bằng đời trước."

Sắc mặt Đường Thập khẽ biến. Ám khí trên tay ả, từ hình dạng bên ngoài mà trông thì giống hệt 'Bạo vũ lê hoa châm' trong truyền thuyết, nhưng ả thường dùng khi đi lại trên giang hồ chính lại là 'Ngũ độc thần châm'. Món 'Bách lạc thần mang' này là ám khí mật truyền của Ngũ Tiên giáo miền Vân Nam, thường dùng nỏ giấu trong ống tay áo để bắn ra. Sau khi có được, Đường Thập cải tiến, trang bị thêm ống độc châm, một lần có thể bắn ra hơn trăm mũi châm độc, đây vẫn là lần đầu sử dụng. Thế mà người này chỉ liếc mắt một cái mà đã nhìn ra ngọn ngành. Ả cười cười, trong nụ cười có chút xấu hổ, nói với Đường Tam: "Kẻ này thật thú vị, muội rất thích. Đợi chút nữa đi khỏi phải nhớ mang hắn theo. Nhà chúng ta chẳng phải vẫn thiếu một tay thầy thuốc sao?"

Đường Tam lạnh nhạt đáp: "Người này, ài, chúng ta chưa chắc đã hầu nổi."

"Sao lại không hầu hạ nổi? Vị đại ca này tên họ là gì? Một bữa ngươi ăn nhiều lắm sao?", ả một mặt cười cười nói nói, một mặt đã vung tay, năm cây phi tiêu độc bay tới. Lại thấy một bóng người chớp động, Ông Anh Đường đã đưa hai tay lên, dùng bàn tay không bắt hết phi tiêu, bình thản như hái đậu vậy. Đường Thập nhìn đôi tay của ông ta nói: "Gan của ông chủ Ông càng ngày càng lớn đấy, đến cả độc tiêu của bản cô nương cũng dám bắt.", đôi tay ấy đáng ra phải lập tức sưng lên, rồi nhanh chóng thối rữa mới đúng. Bây giờ nhìn qua, đừng nói là sưng, đến da gà cũng chẳng thèm nổi.

Ông Anh Đường nói: "Đâu có, đâu có. Sớm đã nghe Đường gia đời sau chẳng bằng đời trước. Ví như độc dược đời trước Đường gia phối chế, quả thật tại hạ không dám tiếp."

Mộ Dung Vô Phong lãnh đạm nói: "Thứ của đời trước, chẳng qua cũng thế này thôi. 'Phùng Ất tán' bôi trên cây tiêu độc này chính là do một nha hoàn họ Phùng của Đường gia trước đây phối ra. Sau này thị được gả cho Đường Tuyển, tuy chỉ làm thiếp nhưng cũng là con dâu Đường gia."

Mặt của Đường Thập càng đỏ rần, chợt nhận ra người trước mặt mình là ai.

Đó chính là vị thần y tàn phế, đến việc ra khỏi giường cũng rất khó khăn trong truyền thuyết. Người suốt mười mấy năm nay liên tục đối đầu với Đường môn đất Thục, chuyên hóa giải độc dược của Đường gia, Mộ Dung Vô Phong.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách