Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 8898|Trả lời: 74
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Thép Đã Tôi Thế Đấy | Nhicalai Axtơrốpxki

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Tên tác phẩm: Thép Đã Tôi Thế Đấy
Tên tác giả: Nhicalai Axtơrốpxki
Tên dịch giả: Thép Mới và Huy Vân
Thể loại: Khác
Độ dài (không bắt buộc):
Tình trạng sáng tác: đã hoàn thành
Nguồn tác phẩm: tự type
Giới thiệu sơ lược (không bắt buộc):


LỜI GIỚI THIỆU


Thép đã tôi thế đấy không chỉ là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki. Là một chiến sỹ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki viết Thép đã tôi thế đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể. Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sỹ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quý phẩm chất của con người cách mạng.

Thép đã tôi thế đấy có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô và nền văn học tiên tiến thế giới. Cách mạng tháng Mười thắng lợi, cuộc chiến vĩ đại chưa từng có bao giờ của nhân dân lao động trên một dải đất Liên bang Xô Viết rộng lớn hàng ngày đề ra và đòi hỏi không biết bao nhiêu là anh hùng. Nhân dân Liên Xô, nhân loại tiến bộ chờ đợi văn học phản ánh và đào sâu cho mình hình ảnh con người anh hùng mới ấy. Lần đầu tiên trong văn học, N. A-xtơ-rốp-xki thu gọn được con người mới trong nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Pa-ven không những khác hẳn với những tác phẩm văn nghệ của những năm đầu cách mạng, thường ca ngợi lòng dũng cảm vô tổ chức, tả sức mạnh tràn trề, lớn khỏe của quần chúng như một sức mạnh bột phát, tự nhiên. Thép đã tôi thế đấy cho ta thấy từng con người trong một quần chúng rộng lớn nảy nở như thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Thép đã tôi thế đấy ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô viết đầu tiên.

Thép ở đây là Pa-ven, là Xê-ri-ô-gia, là Va-li-a, là Giắc-ky, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh thật trường kỳ gian khổ, thật là tự lực cánh sinh của cách mạng tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu của cách mạng. Đảng lần lượt lãnh đạo chiến tranh, đảm bảo cung cấp, tổ chức vận tải, xây dựng đường sắt, trấn áp tàn dư phản cách mạng, tổ chức lực lượng nhân dân rộng lớn và thiết lập chính quyền cách mạng vững mạnh, lãnh đạo phục hồi sản xuất và kiến thiết, dẫn dắt nhân dân đi vào xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - chưa từng có bao giờ. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pa-ven chiến thắng. Pa-ven từng bước một trưởng thành, trở thành một chiến sỹ cách mạng mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pa-ven là thép đã tôi rồi nên đã thắng, toàn thắng.


Cuốn sách của N. A-xtơ-rốp-xki trả lời chúng ta: "Thế nào là thép đã tôi?" Đồng chí Liêu Thừa Chi, chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ Trung Quốc, vào năm 1950, viết: "Vì ngọn cờ của chúng ta mà xung phong, mà bất khuất trước quân thù, những việc đó tương đối chưa phải là hết sức khó khăn. Rất khó khăn như Pa-ven, còn sống phút nào cũng đều là quên mình, chỉ nghĩ đến công tác, đến Đảng, đến nhân dân, đến sự nghiệp của giai cấp vô sản, kiên quyết phấn đấu đến cùng, đó mới là việc khó mà làm được thì đáng quý nhất".

Đọc Thép đã tôi thế đấy trước hết truyền cho chúng ta lòng ham sống và ham chiến đấu. Đấy là bản chất giai cấp của Pa-ven. Đấy là bản chất thanh niên của Pa-ven. Đấy là phẩm chất cách mạng mà Đảng và đấu tranh thực tế đã xây dựng cho anh. Không phải ngọn lửa rơm sốc nổi hay cái ngang tàng rởm của chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Một tinh thần ham sống và ham chiến đấu có nghĩa lý nhất, có cơ sở nhất. Không gì mạnh bằng lòng tin tưởng của Pa-ven ở những mục đích chiến đấu của mình. Pa-ven say mê đem toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hi sinh cá nhân của mình một cách nồng nhiệt lãng mạn, không bao giờ do dự, khồng hề tính toán, tất cả vì sự nghiệp giai cấp, vì hạnh phúc nhân loại. Không hiểu mục đích đấu tranh của Pa-ven luôn luôn vui sướng vì anh luôn luôn đấu tranh và luôn luôn thắng lợi. Đó là chủ nghĩa lạc quan của Pa-ven. Đó là sức mạnh, đó là hạnh phúc của Pa-ven.
Thép đã tôi thế đấy là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như cuốn thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục công tác.
Thép đã tôi thế đấy giải quyết cho chúng ta nhiều vấn đề nhân sinh quan mới, dạy chúng ta biết yêu biết ghét một cách chính xác và sâu mạnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho chúng ta một quan niệm về tình yêu trong sáng. Thép đã tôi thế đấy còn là một kho báu kinh nghiệm công tác cách mạng rất thực tế để nhìn cho sáng hơn nhiều vấn đề mới mà cuộc sống đề ra cho mỗi tập thể và mỗi con người, để thực hiện "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".


Nhà văn Xô Viết I-ly-a Ê-ren-bua gọi Thép đã đã tôi thế đấy là 'thánh kinh mới” của thanh niên Xô Viết. Bà mẹ của nữ anh hùng Dôi-a đã từng cổ vũ cả một thế hệ thanh niên thế giới chống phát xít trong đại chiến thế giới lần thứ hai, cho biết: "Thép đã tôi thế đấy là sách gối đầu của con tôi".

Cuốn sách được nhiều người đọc nhất ở Liên Xô trong thời kỳ kháng chiến chống Đức. Rất nhiều chứng cớ cụ thể tỏ ra là nó đã nêu gương sáng cho muôn vạn Pa-ven mới. Giữa đại hội anh hùng chiến đấu Trung Quốc năm 1950, đồng chí Trương Minh, một chiến sĩ giải phóng quân có nhiều thành tích, kiêm một nhà văn bộ đội trẻ, phát biểu: "Đọc Thép đã tôi thế đấy đã để lại một ảnh hưởng sâu sắc cho đời cách mạng và văn nghệ của tôi. Những sách như Thép đã tôi thế đấy nâng cao tinh thần chiến đấu và phẩm chất con người". Ở nhiều nước dân chủ nhân dân, Thép đã tôi thế đấy được coi là một tài liệu học tập của Đoàn thanh niên. Trên báo Tiền phong của thanh niên Pháp đã đăng đi đăng lại nhiều lần cuốn tiểu thuyết Pa-ven ấy. Thanh niên thế giới yêu mến Pa-ven người anh đi trước của tất cả chúng ta, người anh thuộc thế hệ cách mạng tháng Mười, thế hệ mở đường gian khổ nhất, anh dũng nhất và vẻ vang nhất.

Ở nước ta, trong cuộc đấu tranh yêu nước lâu dài, phần lớn thanh niên Việt Nam đã được trải qua nhiều cảnh ngộ mà Pa-ven đã sống. Năm năm chống phát xít Nhật - Pháp, chín năm chống xâm lược Pháp - Mỹ, một thế hệ thanh niên đông đảo nhất đã chọn con đường của Pa-ven. Nhiều anh chị em của chúng ta đã nếm tra tấn, khủng bố của nhà tù đế quốc Trong những vùng sau lưng địch, nhiều đồng chí và bạn thân của chúng ta hy sinh bất khuất trước quân thù như Va-li-a. Trên các chiến trường Việt Nam, biết bao Xê-ri-ô- gia đã bỏ mình và hàng vạn Giắc-ky sinh sôi nẩy nở. Dưới sự lãnh đạo của Hồ chủ tịch và Đảng lao động Việt Nam, chúng ta sống những chiến đấu của Pa-ven, những gian khổ của Pa-ven, cùng do một tình cảm cách mạng như Pa-ven mà phấn đấu. Cả một thế hệ thanh niên Cách mạng tháng 8 lớn lên trong kháng chiến, lớn lên cùng với chế độ dân chủ cộng hòa. Chúng ta cảm thấy Pa-ven rất gần với mình. Thép đã tôi thế đấy gợi ý cho chúng ta đòi hỏi nền văn nghệ trẻ mới của nước nhà phản ánh và đào sâu nhiều hơn nữa hình ảnh con người anh hùng mới Việt Nam. Và trong khi chờ đợi, hình ảnh Pa-ven lúc này giúp chúng ta nhìn rõ chúng ta hơn, sống lại những kinh nghiệm đã qua, củng cố và bồi bổ bài học của thực tế cách mạng, sống mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh vẻ vang và còn nhiều gian khổ ngày nay, càng hăng hái, càng dũng cảm, tiếp tục những chiến đấu của Pa-ven, phát huy những thắng lợi của Pa-ven, làm sáng tinh thần của Pa-ven hơn nữa.

Bản dịch tác phẩm lớn này, về căn bản không đầy đủ, trong phương pháp còn nhiều thiếu sót. Đầy lòng yêu mến và trân trọng với A-xtơ-rốp-xki, chúng tôi tự lấy làm chưa thỏa mãn về công việc mình làm. Chỉ dám mong góp phần nhỏ mọn phục vụ nhu cầu đọc sách ngày một lớn của bạn đọc trẻ tuổi nước nhà.

Bạn đọc trẻ tuổi đang giở trang sách này, xin giới thiếu với bạn anh Pa-ven, người bạn thân, người đồng chí đi trước của chúng ta.



THÉP MỚI

Rate

Số người tham gia 4Sức gió +19 Thu lại Lý do
leciel89 + 5 Ủng hộ 1 cái!
pharmcop + 4 tuyệt vời
camngoc + 5 Quá ý nghĩa!
tokpokki + 5 Ủng hộ 1 cái!

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

75#
Đăng lúc 9-12-2017 07:58:51 | Chỉ xem của tác giả
Mẹ mình là U60 nên biết thích truyện này lắm
giờ khi nói về nga mẹ kể sơ mình nghe và mình cũng thấy hay hay...
lên mạng tìm mấy ep phim xưa xem thấy cảm động nên có làm clip tặng sn mẹ...
nay vào kites tìm ko thấy forum phm nhưng thấy truyện của bạn post
cám ơn bạn nhiều nha


by me
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

74#
 Tác giả| Đăng lúc 25-6-2012 17:30:49 | Chỉ xem của tác giả
khoanhkhac_cb88 gửi lúc 24-6-2012 17:16
CHUƠNG IX

Câu chuyện trong quyển sách này đã được chuyển thể thành phim, thực ra mình xem phim trước, ấn tượng quá nên tìm mua sách về đọc lại. Thực sự rất hay và sâu sắc. Đến giờ mình vẫn thấy ấn tượng. Chia sẻ cùng mọi người.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

73#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 17:16:55 | Chỉ xem của tác giả
CHUƠNG IX


Gia đình Pa-ven dọn về ở Mát-xcơ-va đã khá lâu, ở một buồng kho lưu trữ công văn của một cơ quan; đồng chí thủ trưởng cơ quan đó ra sức giúp Pa-ven, tìm cách đưa anh vào chữa ở một bệnh viện chuyên khoa.

Mãi đến giờ Pa-ven mới hiểu rằng, thân còn cường tráng, máu còn thanh niên mà đứng vững thì hãy còn là chuyện tương đối dễ và thường thôi. Nhưng giờ bị cuộc đời dồn ép vào một vòng đai thép như thế này, mà vẫn không nao núng, thì đấy mới là tiết tháo.

Mười tám tháng đau liên miên.

Ở bệnh viện, giáo sư A-véc-bác đã nói thẳng với Pa-ven là không thể nào chữa cho anh khỏi mù được. Nếu sau này, mắt anh không sưng nữa - nào biết bao giờ khỏi được sưng - thì sẽ thử dùng cách giải phẫu mổ con ngươi xem sao. Trong khi chờ đợi, để cho mắt khỏi sưng tấy lên nữa, thầy thuốc đề nghị mổ chỗ mắt đau.

Hỏi ý kiến Pa-ven thì Pa-ven cho phép muốn làm gì thì làm, tùy các thầy thuốc xét thấy cần thiết.

Anh nằm trên bàn mổ hàng giờ, trong khi dao mổ rạch thịt cổ và cắt hạch lấy tuyến giáp thì cánh đen của thần chết ba lần suýt quệt vào anh. Nhưng sự sống vẫn bám chắc rễ trong người Pa-ven. Thai-a chờ đợi lo hãi từng giờ, lúc được vào thăm thì thấy anh tái mét như người chết, nhưng Pa-ven vẫn còn sống và vẫn bình tĩnh, dịu dàng như mọi khi. .

- Em đừng lo, em ạ, làm anh ngoẻo được không phải là dễ đâu. Anh còn sống hằng năm và anh sẽ nhảy múa nữa cho mà xem, dù chỉ để cải chính những tính toán máy móc của các thầy lang thông thái ấy chơi. Bảo cơ thể anh suy kiệt thì các thầy đều có lý cả, nhưng bảo anh trăm phần trăm là một người tàn phế thì nhầm quá lắm. Rồi mà xem.

Pa-ven quyết tâm chọn con đường đưa anh trở về hàng ngũ nhũng con người xây dựng cuộc đời mới.

Mùa đông qua. Mùa xuân đã tới, mở toang các cửa sổ ra, và Pa-ven gầy rộc đi qua lần mổ vừa rồi, thấy rằng không thể ở bệnh viện lâu hơn được nữa. Sống bằng ấy tháng trời, chung quanh toàn là những con người đau đớn bệnh tật, giữa tiếng kêu la rên xiết của những người bệnh tuyệt vọng, anh thấy khổ hơn là chịu đựng những đau đớn của riêng bản thân mình.

Khi thầy thuốc bảo nên mổ nữa thì anh trả lời, lạnh lùng và dứt khoát:

- Tôi không mổ nữa đâu. Mổ thế là đủ. Tôi đã hiến cho khoa học một phần máu của tôi rồi. Chỗ máu còn lại tôi còn phải để dùng vào việc khác.

Ngay ngày hôm ấy, Pa-ven viết thư đề nghị Trung ương thu xếp cho anh ở lại Mát-xcơ-va, sợ sau này phải đi lại mất công, vả chăng vợ anh cũng có công tác ở đấy rồi. Đây là lần đầu tiên anh phiền đến Đảng, xin Đảng giúp anh. Đáp lại lời đề nghị đó, Xô-viết Mát-xcơ-va xếp cho anh một căn phòng. Pa-ven liền ra viện với một mong ước độc nhất là không bao giờ phải trở lại đấy nữa.

Nhà anh chỉ là một căn phòng giản dị ở ngõ rẽ ra phố Cơ-rô-pốt-kin . Anh cho thế là đã sang trọng nhất rồi. Thỉnh thoảng giữa đêm, Pa-ven thức dậy, anh vẫn không tin là mình chỉ vừa mới rời khỏi bệnh viện.

Thai-a được công nhận là đảng viên chính thức. Chị làm việc bền bỉ, tuy cả tấn bi kịch của đời tư cứ đè trĩu trên người, chị vẫn không kém các nữ công nhân xung kích; và tập thể theo dõi người nữ công nhân ít nói ấy, đem lòng tín nhiệm chị và bầu chị vào ủy ban công xưởng. Lòng tự hào về vợ nay đã trở thành một chiến sĩ bôn-sê-vích cũng làm cho Pa- ven dịu bớt đau buồn về cảnh ngộ.

Ba-gia-nô-va có công tác đi qua, vào thăm Pa-ven. Hai người nói chuyện với nhau lâu. Pa-ven nói với bạn một cách say sưa về con đường trong một tương lai gần đây sẽ đưa anh về hàng ngũ chiến đấu.

Ba-gia-nô-va nhận thấy tóc ở thái dương Pa-ven đã bạc. Chị dịu dàng nói:

Tôi thấy anh đã trải nhiều gian khổ mà vẫn giữ được lòng hăng hái không gì dập tắt được. Cuốn sách mà anh nghĩ đã năm năm, giờ anh định bắt đầu viết phải không? Nên lắm anh ạ. Nhưng anh làm thế nào mà cầm bút viết được.

Pa-ven mỉm cười, nói cho bạn khỏi lo:

- Mai người nhà sẽ làm cho tôi một thứ bìa để kê giấy viết. Không có bìa kê ấy, không viết được, dòng chữ sẽ lên xuống, đè lên nhau. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách ấy. Những mảnh bìa ấy sẽ làm cho tôi không đưa chệch ngọn bút chì ra khỏi dòng thẳng. Viết mà không trông thấy điều mình viết thì khó viết lắm, nhưng không phải là không viết được. Tôi tin như thế. Tôi tập viết đã lâu mà không được. Nhưng giờ thì tôi rút kinh nghiệm, tôi viết chậm thôi, tôi nắn nót từng chữ, và kết quả thì cũng khá.

Pa-ven bắt đầu làm việc.

Anh dự định viết một truyện về sư đoàn anh dũng Cô-tốp-ski. Tên cuốn sách do ngay chủ đề cuốn sách mà ra:

"Ra đời trong bão táp".

Từ hôm ấy, anh sống chỉ để mà viết cuốn sách đó. Dần dần mọc ra hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác. Anh quên hết mọi việc, chỉ miệt mài với những hình tượng. Lần đầu tiên anh biết cái đau đớn của sáng tác, khi anh thấy mình không tài nào ghi hết lên giấy được những cảnh đời rực rỡ không sao quên được, hồi tưởng lại rất nồng cháy, thế mà viết ra thì nhợt nhạt, thiếu lửa, thiếu tình.

Tất cả những điều anh đã viết, anh phải nhẩm trong óc, nhớ từng chữ một. Đôi khi anh quên khuấy mất dòng văn thì công việc dừng cả lại. Bà mẹ nhìn con hí hoáy viết cả ngày thì rất đỗi kinh sợ.

Anh phải đọc lại bằng trí nhớ hàng trang sách, có khi hàng cả chương sách nữa, mới có thể lại tiếp tục viết được nữa. Những lúc ấy bà mẹ ngỡ là con hóa dại. Trong khi con còn đang mải viết, bà mẹ không dám lại gần. Nhưng khi nào bà cụ đến nhặt những tờ giấy vương rơi dưới đất thì ngập ngừng, rồi ngần ngại khẽ bảo Pa-ven:

- Con đừng viết thế nữa, Pa-vơ-lu-sa ạ. Mẹ chẳng trông thấy ai viết lắm như thế bao giờ.

Thấy mẹ lo, anh bật cười vui và nói cho mẹ vui và nói cho mẹ yên tâm là anh chưa đến nỗi hóa rồ hẳn đâu.

Ba chương cuốn sách anh định xây dựng đã viết xong. Pa-ven gửi đi Ô-đét-xa cho mấy đồng chí cũ trong sư đoàn Cô-tốp-ski đọc để lấy ý kiến. Ít lâu sau, anh nhận được thư.họ trả lời tỏ ý khen ngợi. Song bản thảo gửi trả lại lạc mất. Toi công sáu tháng trời. Anh rụng rời điếng người, tiếc cay tiếc đắng sao lại gửi đi bản thảo duy nhất của cuốn sách mà không chép lại một bản giữ ở nhà. Anh nói chuyện với Lê- đê-nhếp về việc mất bản thảo đó.

- Ai lại vô ý đến thế. Nhưng, đừng buồn bực, chú ạ. Bực tức giờ cũng vô ích.Thôi, chú lại chịu khó viết lại đi

- Nhưng, bác Lê-đê-nhếp ơi, thế là cướp không mất của tôi sáu tháng trời, quần quật làm căng óc tám giờ một ngày. Trời ơi, chúng nó là đồ ăn hại, ba lần chết tiệt!

Lê-đê-nhếp tìm lời khuyên nhủ cho anh nguôi lòng.

Phải viết lại từ đầu. Lê-đê-nhếp kiếm giấy cho anh viết. Bản thảo viết ra, đồng chí lại đem đi nhờ đánh máy lại. Được sáu tuần thì làm sống lại được chương thứ nhất.

Gia đình Pa-ven ở chung nhà với gia đình A-lêc- xê-ép. Gia đình này có con trai lớn là A-lêc-xan-đơ- rơ, làm bí thư quận Đoàn thanh niên. Em gái A-lêc- xan-đơ-rơ là Ga-li-a, mười tám tuổi, đã tốt nghiệp trường dạy nghề của nhà máy.

Ga-li-a đang tuổi chan chứa lòng yêu đời. Pa-ven nhờ mẹ hỏi xem cô ấy có ưng giúp làm "thư ký" cho anh không. Ga-li-a vui vẻ nhận lời. Cô niềm nở, vui cười sang gặp Pa-ven. Khi cô em được biết là anh đang viết một cuốn tiểu thuyết, thì bảo với anh rằng:

- Em vui lòng giúp anh lắm, đồng chí Pa-ven ạ. Chép tiểu thuyết cho anh còn thú vị hơn là thảo cho thầy em những thông tri về việc giữ gìn vệ sinh trong các phòng.

Từ hôm ấy, công việc tiến hành nhanh gấp đôi. Qua một tháng thì viết được đã khá, đến Pa-ven cũng phải lấy làm lạ. Ga-li-a, với tính tình vui tươi và giàu lòng trắc ẩn, đã làm cho công việc sáng tác của anh đỡ vất vả nhiều. Ngọn bút chì của cô nhẹ nhàng đưa sột soạt trên mặt giấy; những đoạn cô thú nhất, cô thường đọc đi đọc lại, thấy Pa-ven viết được thành công như thế, thì cô lấy làm vui thích lắm. Có lẽ, trong nhà này, cô là người duy nhất tin tưởng vào công việc của Pa-ven làm. Những người khác thì cho là viết thế chẳng đi đến đâu, chẳng qua bị bắt buộc phải ngồi không thì Pa-ven vẽ ra làm cho đời đỡ trống trải.

Lê-đê-nhếp có công tác trở lại Mát- xcơ-va. Đồng chí đọc xong những chương đầu, nói với Pa-ven:

- Cứ viết đi chú ạ. Nhất định là thành công đấy. Đồng chí Pa-ven ơi, đồng chí sẽ còn được sống những niềm vui lớn. Tôi tin tưởng chắc chắn là mộng ước của chú trở về trong đội ngũ sẽ thực hiện được. Đừng ngã lòng, con ạ.

Đồng chí già ra về rất hài lòng: đồng chí nhận thấy Pa-ven đang tràn đầy nghị lực.

Ngày ngày, Ga-li-a lại sang, bút chì của cô siết trên giấy, những hàng chữ mọc lên kể lại dĩ vãng không bao giờ quên được. Những khi Pa-ven nghe thấy những kỉ niệm cũ trào lên, lặng suy nghĩ thì mi mắt mấp máy, mắt như động đậy phản ánh những ý nghĩ trôi qua. Những lúc ấy, Ga-li-a khó mà tin được là mắt anh không nhìn thấy, bởi vì ở đôi con ngươi trong vắt không có lòng đen kia trông có tinh thần, có sự sống.

Mỗi ngày viết xong, Ga-li-a đọc lại, Pa-ven lắng nghe, nét mặt đăm chiêu, mày cau lại.

- Sao anh lại cau mày, hở anh? Đoạn này viết hay lắm cơ mà!

- Không hay đâu Ga-li-a ạ. Còn tồi lắm.

Những trang không vừa ý thì anh lại tự tay viết lại. Tay bị bó trong những mảnh bìa kê chật hẹp, lắm lúc anh viết chệch ra ngoài dòng: anh liền bỏ cả không viết nữa. Những lúc ấy, anh tức giận như điên, như dại, giận thân, giận đời đã bắt anh mù. Anh bẻ gãy bút chì, và trên môi cắn chặt rớm mấy giọt máu.

Công việc gần xong, nhưng những tình cảm tiêu cực càng hay đến trong lòng, mặc dù ý chí của anh lúc nào cũng tỉnh táo cố kìm những tình cảm ấy lại. Đấy là nỗi buồn vô hạn vì những tình cảm nồng cháy, tha thiết, những tình cảm mà con người ai cũng có, ai cũng có quyền được hưởng, thế mà riêng anh không được Nếu anh không biết tự chủ, dù chỉ để cho một trong những tình cảm kia lôi cuốn, thì cuộc đời sẽ kết thúc bằng một tấn thảm kịch mất.

Thai-a đi làm mãi khuya mới về, nói chuyện thầm với mẹ dăm ba câu, rồi đi ngủ ngay.

Chương cuối cùng đã viết xong. Suốt mấy hôm, Ga-li-a đọc lại cuốn tiểu thuyết cho Pa-ven nghe.

Mai là ngày gửi bản thảo đi Lê-nin-gơ-rát cho Ban tuyên huấn của Đảng ủy khu. Nếu ở đấy người ta cấp cho cuốn sách " giấy thông hành vào đời" - và đưa sang nhà xuất bản cho in thì... Pa-ven những nghĩ mà hồi hộp. Nếu được thế thì...

Thế sẽ là bắt đầu một cuộc đời mới, giành lại được bằng bao nhiêu năm khó nhọc, làm cật sức và bất chấp gian nan.

Số phận cuốn sách sẽ quyết định số phận Pa-ven. Nếu bản thảo bị từ chối, không in được thì đấy sẽ là cảnh chiều tàn cuối cùng của đời anh. Song nếu không bị bỏ đi tất cả, thì còn có phương có chữa, anh sẽ tiếp tục sửa đi sửa lại, bắt tay vào ngay một trận tiến công mới..

Mẹ đem ra nhà dây thép gửi đi một gói giấy nặng. Những ngày lo lắng đợi chờ... Trong đời chưa bao giờ anh đợi thư đến một cách sốt ruột khắc khoải đau xót như lúc này. Cuộc đời anh trông vào ngày hai buổi sớm chiều phát thư của nhà dây thép. Lê-nin- gơ-rát vẫn tuyệt vô âm tín.

Sự im hơi lặng tiếng của nhà xuất bản làm anh phát lo.

Càng ngày càng đinh ninh là thất bại đến nơi rồi, và Pa-ven thú thật với mình rằng nếu cuốn sách bị bác đi, thì đời anh thế là hết: anh chẳng còn sống làm gì nữa.

Những lúc nghĩ thế, anh lại nhớ tới cái buổi chiều hôm nào ở khu vườn ngoại ô bên bờ biển, và một lần nữa anh tự hỏi:

"Để trở về chỗ đứng của mi trong đội ngũ, làm cho đời mi còn có ích, mi đã làm hết cách để giựt tung vòng đai thép đang chịt lấy cổ mi chưa?

Và lần này anh tự trả lời:

"Lần này thì ta đã cố hết phép rồi !"

Ngày lại ngày, cảnh chờ đợi đau đớn đến cùng cực. Bỗng một hôm, mẹ chạy vào phòng, mẹ cũng cảm động như con, mẹ kêu lên:

- Có dây thép ở Lê-nin-gơ-rát đánh về!

Dây thép của Đảng ủy khu. Mấy chữ vắn tắt trên một bức điện trả lời có mẫu sẵn: "Tiểu thuyết được nhiệt liệt tán thành xuất bản. Bắt đầu in. Xin có lời chúc mừng thắng lợi của đồng chí”.

Tim Pa-ven đập gấp. Mong ước thế là thành! Anh đã giựt tung được vòng đai thép. Với vũ khí mới, anh đã giành lại được chỗ của anh trong đội ngũ và trong cuộc sống.



END

Bình luận

mình được tặng lại quyển truyện tay này, thỉnh thoảng đọc lại vẫn làm mình cảm nhận sâu sắc và thích thú ^o^  Đăng lúc 25-6-2012 01:42 PM
Bạn thêm ở cuối chữ "Hết" hoặc "End" để mọi người dễ theo dõi nhé  Đăng lúc 24-6-2012 08:44 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

72#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 16:57:46 | Chỉ xem của tác giả
Đời cứ thế mà trôi. Thai-a đi làm, Pa-ven ngồi đọc sách. Hôm ấy, anh chưa đến giờ lãnh đạo nhóm nghiên cứu thì một tai họa mới ngầm đến hại anh. Cả hai chân anh bị liệt. Giờ chỉ có tay phải giơ lên giơ xuống được nữa thôi. Anh cắn môi đến chảy máu cho đến khi cố gượng mãi cũng chẳng ăn thua gì, anh hiểu ra rằng thế là từ nay không nhúc nhích được nữa rồi. Thai-a can đảm chịu đựng, cố giấu không để lộ ra mặt nỗi thất vọng trong lòng và niềm chua xót không sao giúp đỡ chồng được. Còn Pa-ven cười gượng như một kẻ có tội, bảo Thai-a:

- Thai-a ơi, chúng mình nên li dị thôi. Khi hai đứa đính ước với nhau có ngờ đâu có chuyện thế này. Hôm nay anh đã nghĩ kỹ rồi mới nói với em như thế, em bé gái của anh ạ.

Thai-a không để cho Pa-ven nói. Nhưng cũng không sao cầm được nước mắt. Chị khóc nức nở, áp đầu Pa- ven vào ngực mình.

A-rơ-chom được tin về chuyện không may mới của em; anh viết thư nhắn mẹ. Thế là mẹ bỏ mặc nhà cửa đấy, đến ở với con út. Bà cụ và Thai-a ăn ở rất thích hợp tính nết với nhau.

Pa-ven vẫn tiếp tục học tập.

Một buổi tối mùa đông, Thai-a đem về cho anh xem thành tích đầu tiên của Thai-a: tấm thẻ đại biểu Xô-viết thành phố. Từ đấy, Pa-ven ít khi trông thấy mặt vợ. Thai-a thôi không làm chân rửa bát ở ban cấp dưỡng nhà an dưỡng này nữa. Chị sang Xô-viết công tác ở ban phụ vận mà tối nào cũng khuya mới về nhà, người mệt nhưng phấn khởi lắm. Đã gần đến ngày được kết nạp làm đảng viên, Thai-a hết sức hồi hộp phấn khởi thì một tai họa mới nữa giáng xuống gia đình Pa-ven. Bệnh tật cứ phát triển sức tàn phá ác độc của nó. Mắt phải Pa-ven bị sưng đau nhức nhối không thể nào chịu được, rồi đau lại truyền sang cả mắt trái. Lần đầu tiên trong đời, Pa-ven hiểu thế nào là bị mù, tất cả chung quanh bị một tấm màn đen phủ kín.

Thế là trên con đường đời, có một trở lực ghê gớm, không thể nào vượt qua được, đã lẳng lặng trồi lên, chẹn lấy lối đi. Mẹ và Thai-a thất vọng đến cùng cực. Nhưng Pa-ven kiên tĩnh tự bảo mình:

"Phải chờ xem thế nào đã. Nếu quả thật là mình không sao ngoi lên được nữa, cái bệnh mù này ngăn hết đường không cho mình cố gắng để làm việc được, nếu thật sự từ nay mình không còn hy vọng gì trở về chỗ đứng của mình trong đội ngũ thì phải kết liễu cuộc đời".

Pa-ven viết thư cho các bạn thân. Anh nhận được thư của các bạn trả lời, khuyến khích anh kiên trì và vững lòng phấn đấu.

Vào những ngày thật là cay đắng cho anh này, Thai-a sung sướng vui mừng báo tin cho anh biết:

- Anh Pa-vơ-lu-sa ơi, em được kết nạp làm đảng viên dự bị rồi.

Và Pa-ven nghe vợ kể chi bộ kết nạp nữ đồng chí mới như thế nào, cũng gợi lại cho vợ nghe những bước đầu tiên của mình đi vào con đường của Đảng. Anh nắm tay vợ:

- Nữ đồng chí Ca-rơ-sa-ghin-na này, thế là hai vợ chồng mình họp thành một đảng đoàn cộng sản trong nhà này rồi đấy!

Ngày hôm sau, anh viết thư mời đồng chí bí thư quận ủy địa phương đến cho anh gặp. Tối hôm ấy, một chiếc xe hơi lấm bê bết bùn đỗ trước nhà anh. Đồng chí Von-me, một người Lét-tô-ni đã đứng tuổi, râu quai nón, bắt tay Pa-ven:

- Sao, anh thấy trong người có khá không? Sao anh cứ nằm lì mãi thế ? Đấy, có xe hơi đây, dậy đi thôi. Quận ủy phái anh đi công tác ngay lập tức ở nông thôn. - Và đồng chí cười cố làm cho vui.

Đồng chí bí thư quận ủy ở chơi với Pa-ven hai giờ liền, quên khuấy là tối nay có họp. Đồng chí người Lét-tô-ni ấy đi đi lại lại trong phòng nghe câu chuyện thật cảm động của Pa-ven. Cuối cùng, đồng chí nói:

- Thôi, anh đừng nói đến nhóm nghiên cứu nữa nhớ. Anh phải nằm nghỉ cho khỏe. Với lại, phải quyết định thế nào về chuyện đôi mắt đi. Có thể là chưa đến nỗi hỏng cả đâu. Hay là về Mát-xcơ-va chữa, anh thấy thế nào?

Pa-ven ngắt lời:

- Tôi thì tôi chỉ cần được tiếp xúc với những con người, đồng chí Von-me ạ, những người đang sống kia kìa! Nếu để tôi lẻ loi, mình tôi sống với tôi thôi, thì tôi đến tắt ngấm mất. Lúc này hơn lúc nào hết, tôi cần có người làm bạn. Đồng chí cho bọn trẻ đến đây. Bọn trẻ ở nông thôn thì dễ "tả" lắm, nông trang tập thể chưa vừa ý, đòi đến công xã ngay. Nếu để mặc không người chỉ bảo, thì Côm-xô-môn dễ tiền  phong chủ nghĩa. Tôi hiểu, vì chính tôi lúc trẻ cũng y như thế.

Von-me dừng bước lại:

- Ai nói mà anh biết được tình hình ấy thế. Mãi hôm nay người ta mới cho tôi hay tin có tình hình ấy xảy ra trong quận đấy.

Pa-ven cười:

- Đồng chí có lẽ không nhớ ra vợ tôi? Hôm qua vợ tôi được kết nạp vào Đảng. Cô ấy cho tôi biết tin ấy đấy.

- À chị Ca-rơ-sa-ghin-na, làm nghề rửa bát có phải không? Vợ anh đấy à? Thế mà tôi không biết đấy! Suy nghĩ một lát, Von-me mới vỗ trán nói:

- Thôi, để chúng tôi bảo Lép Béc-xê-nhếp sang đây làm bạn với anh. Không có đồng chí nào tốt hơn để đi lại với anh hơn đồng chí đó! Hai người lại rất hợp tính nhau nữa. Thật là hai cái máy biến thế điện cao. Ấy là vì tôi trước kia có làm thợ điện nên ví von như thế. Với lại, Lép sang đây sẽ mắc giúp anh cái ra-đi-ô. Anh ấy rất cừ về môn này. Nhiều khi tôi ở lì bên nhà anh ta nghe ra-đi-ô đến hai giờ đêm. Đến nỗi mụ nhà tôi sinh ra ngờ vực; mụ ấy truy tôi: đêm hôm khuya khoắt la cà đi đâu đấy, hở cái nhà ông lão quỷ khập khiễng này?

Pa-ven mỉm cười hỏi lại Von-me:

- Béc-xê-nhếp? Đồng chí ấy là ai thế nhỉ?

Von-me đi đi lại lại cũng mệt, ngồi xuống một cái ghế dựa, kể lai lịch Béc-xê-nhếp cho Pa-ven nghe.

- Béc-xê-nhếp là công chứng viên ở tòa án đây. Nhưng kiểu anh ấy lâm công chứng viên cũng như tôi làm nhà vũ đạo ấy mà. Cách đây không lâu, anh giữ một chức vụ quan trọng. Vốn là một chiến sĩ cách mạng kỳ cựu, tham gia từ 1912 và vào Đảng từ tháng Mười. Trong nội chiến, làm ở tòa án cách mạng quân đoàn kỵ binh thứ hai. Đã tham gia diệt bọn rệp trắng ở Cô-ca-dơ. Đã từng ở Xa-ri-xưn và ở mặt trận Nam. Sang Viễn Đông, làm chủ tịch tòa án quân sự tối cao nước Cộng hoà. Cũng đã trải lắm mùi đời. Anh ta bị bệnh lao quật ngã. Được đổi từ Viễn Đông sang đây. Thoạt đầu về Cô-ca-dơ, làm chánh án tỉnh, phó chánh án xứ. Song phổi bị rữa hết rồi. Giờ mới đổi về đây, để khỏi nghoẻo mất. Lịch sử đồng chí công chứng viên kỳ lạ của chúng ta là như thế. Công tác công chứng viên đỡ mệt; cũng để cho anh ấy thở một tí. Nhưng rồi người ta cứ từ từ giao cho anh ấy phụ trách một chi bộ, rồi nhét cho anh ấy phụ trách trường Đảng, rồi lại cử vào ban kiểm tra; anh ấy là ủy viên thường trực của các tiểu ban điều tra về các vụ án hóc búa và phức tạp. Ngoài ra lại là một tay đi săn và chơi ra-đi-ô rất ham. Anh ấy chỉ còn một bên phổi thôi thế mà chẳng ai tưởng là anh lao cả. Sức sống anh ta trào ra khắp mọi lỗ chân lông. Thế nào rồi cũng có hôm chết giữa đường chạy từ quận ủy về tòa án cho mà xem.

Pa-ven gắt lên ngắt lời Vôn-me:

- Sao các đồng chí dồn cho anh ấy lắm việc thế ! Công tác đồng chí ấy lại nặng hơn trước.

Von-me lấy mắt nguýt Pa-ven.

- Ấy thế đấy, khi tôi giao đồng chí nhóm học tập với thêm một công tác gì nữa thì Lép bấy giờ cũng kêu lên: "Cậu ấy có phải là ngựa thồ đâu". Nhưng chính anh ấy lại bảo là: "Thà sống một năm, làm cho ra làm, còn hơn sống mòn mỏi năm năm, cứ ốm ngoặt, ốm ngoẹo". Chỉ có xây đựng chủ nghĩa xã hội xong rồi thì mới nói đến chuyện con người ta thôi phải làm việc quá sức được

- Đúng như thế. Tôi cũng tán thành sống cho ra sống một năm còn hơn sống vật vờ năm năm. Nhưng nhiều khi chúng ta phung phí sức lực của chúng ta một cách tội lỗi vô cùng. Tôi bây giờ mới hiểu rằng cái tính bồng bột liều lĩnh không suy nghĩ, chẳng lấy gì làm anh hùng lắm. Mãi bây giờ tôi mới nhận ra tôi không có quyền phá hoại không thương tiếc sức khỏe của tôi. Làm như thế có phải là anh hùng đâu. Nếu đừng có sống cái cách khắc khổ cực đoan thì có phải bây giờ tôi còn đứng vững được nhiều năm nữa. Nói tóm lại, một trong những nguy cơ chính sinh ra cái tình cảnh tôi bây giờ là cái bệnh ấu trĩ tả khuynh ấy.

"Giờ thì anh chàng nói vậy. Nhưng mà giá đứng dậy đi được thì lại quên ngay cả trời đất mà thôi". Vôn-me nghĩ vậy, nhưng không nói ra.

Tối hôm sau Lép đến tìm Pa-ven. Mãi nửa đêm, hai người mới chia tay nhau. Khi từ biệt người bạn mới, Lép có cảm tưởng như gặp lại một đứa em trai đã lâu năm biệt tăm.

Sáng ngày ra, anh em đến trèo lên mái nhà Pa- ven trồng cột dây ăng-ten; Lép mắc máy ra-đi-ô trong buồng Pa-ven, vừa làm vừa kể chuyện những bước đường say mê đã qua của đời mình. Pa-ven không trông thấy Lép, nhưng nhờ Thai-a tả, anh biết là Lép có tóc vàng, có mắt sáng, người dong dỏng cao, dáng dấp nhanh nhẹn, nghĩa là đúng y như Pa-ven tưởng tượng trong óc, ngay từ những phút đầu tiên mới gặp nhau.

Chiều đến, mở máy ra-đi-ô. Lép trịnh trọng đưa Pa-ven khoác vào tai cái ống nghe. Không gian ồn ào ầm ĩ trăm ngàn tiếng động lộn xộn. Tiếng máy điện báo ngoài cảng ríu rít như chim (chắc biển đâu gần đây); ngoài biển cả, một chiếc máy phát thanh trên tàu biển truyền đi, báo hiệu. Trong đám tiếng động và âm thanh chằng chịt, máy bắt được luồng điện và phát ra tiếng nói bình tĩnh và vững tin:

- Đây là đài phát thanh Mát-xcơ-va.

Dây ăng-ten máy nhỏ này bắt được sáu mươi đài trên khắp thế giới. Cuộc sống ngoài kia mà Pa-ven đã phải xa lìa, nhờ cái màng thép đó mà ập vào phòng này, Pa-ven cảm thấy hơi thở mãnh liệt của cuộc sống ấy.

Thấy mắt bạn có tia sáng rọi lên, Béc-xê-nhếp tuy mệt, cũng mỉm cười.

Trong tòa nhà lớn này, ai nấy ngủ yên cả. Thai- a ngủ mê, nói lẩm bẩm. Đêm nào cũng đến khuya, chị mới về, mệt lả, rét run. Pa-ven không mấy khi gặp vợ. Thai-à bị hút vào công việc, bận tíu tít thì càng ít có tối rỗi ở nhà. Pa-ven nhớ lời Béc-xê-nhếp nói với mình:

- Nếu vợ một người bôn-sê-vích mà cũng là một đồng chí Đảng thì hai người thật ít có dịp trông thấy nhau. Như thế có hai cái lợi: không bao giờ chán nhau được mà cũng không có thời giờ cãi nhau nữa!

Pa-ven có thể lấy điều đó làm phàn nàn không? Không, anh phải chịu như thế. Có một hồi Thai-a tối nào cũng về với anh. Dạo ấy gần gũi hơn, âu yếm hơn. Nhưng dạo ấy Thai-a chỉ có là bạn trăm năm, là vợ của anh thôi. Bây giờ thì Thai-a còn là học trò anh và đồng chí Đảng của anh.

Anh hiểu Thai-a càng tiến thì càng ít có thời giờ săn sóc đến anh. Anh nhận như thế, điều đó tất nhiên.

Đảng giao anh lãnh đạo một nhóm nghiên cứu.

Tối đến, nhà lại huyên náo. Những tối họp với bọn trẻ làm cho nghị lực của anh như được tôi luyện lại.

Ngoài những lúc ấy ra, anh chỉ mắc ống nghe vào tai, bà mẹ vất vả mới bảo anh bỏ ra được để ăn cơm.

Anh mù không đọc được sách thì nay ra-đi-ô lại giúp anh học tập. Lòng ham học không gì thắng nổi làm anh quên hết đau đớn quằn quại của cơ thể tàn tạ quên đôi mắt nhức hỏng và quên tất cả cuộc đời anh thật lắm gian truân mà ít được trìu mến.

Khi qua làn dây ăng-ten, máy phát ra tiếng nói từ công trường xây dựng Ma-gơ-nhi báo tin những thành tích mới của lớp trẻ dưới ngọn cờ Đoàn đang xông lên thay thế cho thế hệ của những Pa-ven, thì Pa-ven cảm thấy vui sướng sâu xa.

Anh tưởng tượng cơn bão tuyết, hung hãn như đàn sói dữ, những trận rét ghê người ở vùng U-ran. Gió gầm thét và trong đêm sâu, mưa tuyết dưới ánh đèn than cháy rực, một đơn vị thanh niên cộng sản thuộc thế hệ thứ hai đang gội tuyết trèo lên lợp kính trên những tòa nhà khổng lồ, để bảo vệ những xưởng đầu tiên mới xây dựng của khu công nghiệp lớn vào hạng nhất thế giới này, chống lại bão tuyết và gió lạnh. So với chiến công của họ, cuộc đấu tranh chống lại bão táp của lớp thanh niên cộng sản đầu tiên thành Ki-ép ở công trường trong rừng sâu ngày trước thật chẳng thấm vào đâu.

Đất nước đã lớn lên, những con người cũng lớn lên.

Trên sông Đơ-nhi-ép, thác lũ đổ về, cuốn băng những đập chôn xoáy người và máy móc. Những thanh niên cộng sản lao mình vào trấn ngự cơn nước lũ tràn bờ. Đấu tranh hai ngày ác liệt, không ngủ, không nghỉ qua một phút, họ mới dẫn được dòng nước lũ lui về nép mình trong bờ thép. Thế hệ thanh niên cộng sản mới lại đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh vĩ đại. Trong danh sách những anh hùng được đọc tên ở máy truyền thanh, Pa-ven sung sướng đón nghe cái tên chí thân chí thiết: Pan-cơ-ra-tốp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

71#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 16:42:35 | Chỉ xem của tác giả
Lão già đêm đêm không thấy ánh sáng lọt qua khe cửa sổ ở góc nhà nữa. Và bà cụ An-bi-na thì nhận ra đôi mắt của Thai-a có long lanh một niềm vui không giấu hết được. Quanh cặp mắt ánh rực lửa lòng nồng cháy, mờ mờ có quẳng thâm vì những đêm không ngủ. Trong căn nhà nhỏ lại thường văng vẳng tiếng đàn ghi-ta và tiếng hát của Thai-a.

Thai-a lòng xuân đã động, cảm thấy đau đớn vì tình yêu hình như có chiều lén lút vụng trộm. Nghe tiếng động nhỏ cũng giật mình, lúc nào cũng ngỡ là có tiếng chân bà mẹ. Thai-a rất khổ tâm mỗi lần nghĩ đến: nếu nhỡ ai hỏi tại sao đêm lại đóng cửa buồng mình, cài then kỹ thế thì sẽ trả lời thế nào? Pa-ven hiểu nỗi lòng của Thai-a, lựa lời âu yếm, làm người yêu yên lòng.

- Em làm sao mà sợ kia chứ? Anh với em hoàn toàn làm chủ ở đây. Em cứ ngủ yên. Không ai bước chân được vào đời tư của chúng mình cả.

Thai-a áp má vào ngực anh, và vững lòng hơn, ôm ghì lấy người yêu mà ngủ. Anh để tai nghe Thai-a thở một lúc lâu, nằm yên không động, để cho Thai- a được ngon giấc. Anh thấy lòng thương quá, mến quá người con gái đã gửi gắm tất cả đời mình vào anh rồi.

Li-ô-la là người đầu tiên hiểu duyên cớ vì đâu cặp mắt Thai-a bừng sáng. Từ hôm ấy, chị em đối với nhau có chiều hướng xa cách. Bà mẹ rồi cũng biết, hay nói đúng hơn, bà cũng đoán ra. Bà để ý đề phòng. Bà cụ có ngờ đâu Pa-ven lại thế. Một hôm, bà cụ nói với Li-ô-la:

- Con bé Thai-a không xứng đôi được với cậu ta đâu chẳng biết rồi sẽ ra sao?

Bà thấy lo. Nhưng không lần nào dám hỏi thẳng Pa-ven cả.

Bọn thanh niên bắt đầu lui tới phòng Pa-ven. Đôi khi anh em ngồi đông chật gian phòng nhỏ tí. Lão già nghe cứ ồn ồn như đàn ong vỡ tổ. Nhiều lần, cánh trẻ lại hát đồng thanh:

"Biển của ta quang vắng
Ngày đêm có tiếng sóng gầm"

và bài hát mà Pa-ven thích nhất:
"Thế gian bao la này tràn đầy nước mắt”.

Đấy là anh chị em cán bộ Đảng đến họp Câu lạc bộ công nhân. Đảng ủy địa phương từ khi nhận được thư của Pa-ven đòi được làm công tác tuyên truyền đã giao cho anh phụ trách câu lạc bộ đó. Ngày tháng của Pa-ven cứ như thế mà trôi qua.

Thế là anh đã lại hai tay giữ vững được lái con thuyền và sau đôi lúc ngả nghiêng, anh đã hướng đời anh vào đích mới. Anh mơ ước lấy việc nghiên cứu học hỏi và công tác văn học để trở về chỗ đứng của anh trong đội ngũ.

Nhưng cuộc đời cừ dồn dập hết trở lực này đến trở lực này khác. Anh thấy trở lực hiện ra mà lo: trở lực sẽ ngăn trở anh đến độ nào trên đường tiến tới đích của mình?

Bỗng nhiên Gioóc-giơ, anh chàng sinh viên thi trượt vào đại học từ Mát-xcơ-va dẫn xác về với con vợ. Nó xuống ở nhà bố vợ làm luật sư, rồi cứ từ bên ấy mà về bòn tiền của bà mẹ.

Gioóc-giơ về làm mọi quan hệ trong gia đình càng rắc rối thêm. Nó chẳng do dự, vào phe ngay với bố, rồi thông đồng với nhà vợ, vốn sẵn có tư tưởng bài Xô-viết bắt đầu phá đám, tìm cách đuổi bằng được Pa-ven đi, bắt Thai-a phải lìa anh.

Mười lăm hôm sau, khi Gioóc-giơ về đến nhà, thì Li-ô-la kiếm được việc làm ở một quận bên cạnh. Chị đem mẹ già và con thơ ở với nhau bên ấy. Còn Pa- ven và Thai-a cũng đem nhau đi đến một thành phố xa ở gần biển.


A-rơ-chom ít khi nhận được thư Pa ven. Nhưng mỗi lần anh thấy trên mặt bàn giấy của anh ở Xô- viết thành phố có chiếc phong bì màu xám, đề chữ viết gãy góc quen thuộc, thì anh lật lật trang giấy, lòng không giữ nổi bình tĩnh như thường nữa. Lần này cũng thế, tay mở phong bì, anh nghĩ thầm trong bụng, với nhiều cảm động âu yếm mà anh cố không để lộ ra mặt: "Pa-vơ-lu-sa, Pa-vơ-lu-sa ơi! Giá lúc này em ở gần anh, thì thằng bé em của anh sẽ giúp ý kiến cho anh, tốt biết mấy".
"Anh A- rơ-chom !
Em muốn kể cho anh nghe cảnh ngộ của em bây giờ. Những thư thế này chỉ có gửi cho anh, em mới viết thôi. Anh biết tính em và sẽ hiểu rõ từng chữ em viết.

Trên mật trận đấu tranh giành lại sức khỏe của em, cuộc đời vẫn bi lắm, anh ạ. Chưa khỏi chứng này đã sinh ra tật nọ. Em vừa mới khỏi trận này đã lại bị giáng một trận khác bi đát hơn. Mà ghê sợ nhất là em không sao gắng gượng được nữa. Tay trái em liệt, em đã khổ lắm, giở lại thêm hai chân nó phản em. Và giờ em chỉ có thể hơi nhích được người đi (nhích trong bốn bức tường phòng em thôi) em khó nhọc lắm mới lê được từ giường em nằm ra bàn viết. Thế chưa phải là hết tội đâu, em chắc thế. Mai kia của nợ còn sinh ra thế nào nữa em chưa biết được.

Em ru rú ở nhà không đi đâu cả, chỉ ngày ngày nhìn qua cửa sổ trông ra được một góc biển. Có thể nào có một tấn kịch thảm hơn là bi kịch của một người như em, thân thể thì bại liệt không sao sai khiến được nữa mà trái tim người bôn-sê-vich ở em thì cứ lôi cuốn em không thể nào cưỡng lại được, lôi cuốn về với công tác, về với anh em, về với đội quân chiến đấu đang tiến trên khắp mặt trận, đang xung phong tiến công như một dòng thác thép?

Em vẫn còn tin em sẽ trở về đứng trong đội ngũ, tin mũi súng của em sẽ xuất hiện trong hàng trận xung phong. Em không thể nào không tin như thế, em không có quyền không tin như thế. Mười năm giáo dục của Đảng và Đoàn đã rèn cho em nghệ thuật chống chọi với cuộc đời, và lời của lãnh tụ cũng đúng cả vào trường hợp của em nữa: "Không có thành trì nào mà người bôn-sê-vích không đánh chiếm được".

Đời em bây giờ là học tập, là đọc sách, đọc sách nhiều và đọc sách nữa. Em đã học được khá rồi, anh A-rơ-chom ạ. Em đã đọc kỹ được hết các sách văn học cổ điển của ta. Em đã học xong năm thứ nhất của Trường đại học cộng sản hàm thụ. Tối tối em lãnh đạo một nhóm nghiên cứu gồm các đồng chí đảng viên trẻ. Chính qua đám đồng chí trẻ ấy mà em liên hệ được với công tác thực tế của tổ chức. Rồi đời em còn có Thai-a nữa. Thai-a tiến bộ trong học tập, tiến tới trong công tác, và sau hết là chúng em yêu nhau, người bạn đời bé bỏng của em chiều em thắm thiết. Chúng em sống hợp nhau lắm. Kinh tế gia đình em cũng giản dị thôi: chúng em có 32 rúp trợ cấp của em và tiền lương tháng của Thai-a, Thai-a đi vào Đảng cũng theo con đường như em. Thai-a cũng đi làm chân dọn dẹp bếp nước và bây giờ làm nghề rửa bát trong một quán cơm (nơi em không có nhà máy nào).

Mấy hôm gần đây, Thai-a khoe với em tấm giấy chứng nhận đầu tiên của mình, thẻ hội viên chi hội phụ nữ. Đối với Thai-a, chứng minh thư không phải là chỉ một mẩu bìa. Em để ý xem ở Thai-a đang thoát thai ra một con người mới. Em cố giúp cho Thai-a tiến. Rồi sẽ có ngày nhà máy lớn với anh chị em thợ sẽ làm cho Thai-a thành hẳn một con người mới. Chúng em còn ở đây thì Thai-a vẫn còn phải đi theo con đường duy nhất có thể đó.

Bà mẹ Thai-a hai lần đến tìm. Bà mẹ, vì thương con, đã vô tình tìm cách kéo Thai-a tụt lại, lôi về với cuộc đời nhỏ nhen, với những suy tính cá nhân bần tiện. Em đã cố cắt nghĩa cho bà cụ An-bi-na hiểu, để bà ta đừng đem bóng tối của đời bà ta che tối con đường Thai-a đã chọn. Nhưng nói mãi cũng vô ích. Em cảm thấy thế nào cũng có ngày bà ta ngáng trở con đường Thai-a tiến đến một cuộc đời mới. Và phải đấu tranh với bà ta, không thể nào tránh khỏi được.
Em bắt tay anh.
Em Pa-ven của anh”.


Nhà an dưỡng số 5 Ở phố Sta-rai-a Ma-xét-sta. Một toà nhà hai tầng xây bằng đá, trên miếng đất bằng, đẽo vào sườn núi. Chung quanh là rừng; con đường chữ chi chạy xuống dốc. Cửa sổ các buồng đều mở, gió hiu hiu thổi tạt vào mùi nước có chất diêm sinh của những con suối dưới chân núi bốc lên. Pa-ven ở một mình trong buồng. Mai sẽ có nhiều đồng chí khác đến và anh sẽ có bạn láng giềng. Ngoài kia có tiếng chân đi và.giọng ai quen thuộc. Có tiếng nhiều người nói chuyện với nhau, nhưng cái giọng trầm và sang sảng kia, anh đã nghe thấy ở đâu ấy nhỉ? Anh bắt trí nhớ làm việc căng thẳng và moi trong óc ra một cái tên chôn sâu trong ký ức chứ không phải là quên mất: "Lê-đê-nhếp In-nô-ken-ti Páp-vơ-lít-sơ. Chắc là đồng chí ấy thôi". Pa-ven không nghi ngờ gì nữa. Anh gọi to lên. Một phút sau, Lê-đê-nhếp đã ngồi ở đầu giường anh và mừng rỡ lắc mãi tay anh.

- A chú bé, còn sống cơ à? Có chuyện gì vui kể cho lão nghe đi chú? Sao chú có vẻ muốn ốm thật sự nhỉ? Lão không đồng ý chú như thế đâu nhớ? Chú hãy theo gương lão. Các thầy thuốc cũng định cho lão ra rìa đấy. Nhưng lão vững lắm, cứ nhất định không nghe làm họ tức điên lên - Và cụ già Lê-đê-nhếp cười rất hồn nhiên.

Pa-ven nhận thấy trong nụ cười có ẩn chút lòng thương hại và lo buồn.

Hai người nói chuyện với nhau suất hai tiếng đồng hồ. Cụ già Lê-đê-nhếp kể tin tức Mát-xcơ-va. Nhờ ông cụ, Pa-ven mới biết được hai nghị quyết trọng yếu nhất của Đảng về tập thể hóa nông nghiệp và tổ chức lại nông thôn. Pa-ven nghe thèm khát, uống từng lời một.

- Thế mà lão cứ tưởng chú đang hoạt động ở đâu dưới U-cơ-ren nhà chú cơ mà. Bực nhỉ. Nhưng, không việc gì mà buồn, cảnh lão còn bi hơn. Lão đã tưởng nằm liệt rồi cơ đấy. Bây giờ, chú xem, lão cố cưỡng lại. Không thể nào đang lúc này cứ khoanh tay để mặc cho nước chảy bèo trôi được, chú hiểu không. Không thể thế được! Có lúc lão nghĩ: mình phải nghỉ thôi để lấy lại sức Lão còn trẻ đâu nữa, mà làm ngày mươi, mười hai tiếng cũng khá gay. Nhưng mỗi lần lão nghĩ như thế, lão xem lại công việc để giải quyết nốt, thì lần nào cũng thế, hễ lão định "giải quyết nốt" thì lại chúi đầu vào đến quá mười hai giờ đêm cũng chưa về đến nhà được. Bộ máy càng chạy khỏe, bánh xe lại càng phải quay nhanh. Ở nước chúng ta như thế đấy. Nhịp điệu công việc mỗi ngày một dồn dập, cho nên bọn già như lão, dù muốn hay không, cũng cứ phải sống như hồi còn thanh niên.

Lê-đê-nhếp đưa tay lên vuốt cái trán cao và nói ân cần như cha với con:

- Thôi bây giờ chú kể cho lão nghe về chú đi.

Lê-đê-nhếp nghe Pa-ven kể những trận thử thách của anh, và Pa-ven thấy người bạn già nhìn anh bằng cặp mắt long lanh ra chiều khuyến khích.

Ở góc sân, dưới bóng cây rậm rạp, một nhóm người bệnh của nhà an dưỡng ngồi chơi. Khơ-ri-xan Séc- nô-cô-dốp ngồi đọc báo "Sự thật" bên chiếc bàn nhỏ, cặp mày rậm nhíu lại. Sơ-mi anh bằng xa-tanh đen, mũ cát-két đã sờn, mặt anh gầy gò, rám nắng, râu lâu ngày không cạo, mắt xanh sâu hoắm, trông rõ ra vẻ một người thợ mỏ chính tông. Mười hai năm trước đây, anh đã từ bỏ cuốc chim, được điều động ra làm công tác lãnh đạo vùng này. Thế mà xem dáng anh đi, cách anh nói và những tiếng anh dùng, người ta tưởng anh vừa mới ở mỏ ra.

Sec-nô-cô-dốp là ủy viên thường vụ xứ ủy Đảng và có chân trong Chính phủ. Một ác bệnh - chứng hoại thư ở chân - làm người anh kiệt sức. Anh căm thù cái chân đau đã bắt anh nằm liệt giường nửa năm nay.


Trước mặt anh là Gi-ghi-rê-va đang ngồi hút thuốc nghĩ ngợi. A-lêc-xan-đơ-ra A-lếch-xê-ep-na Gi-ghi-rê- va năm nay ba mươi bảy tuổi. Chị vào Đảng đã mười chín năm nay. Lúc ấy "Su-rốt-ca, cô thợ kim khí” - đấy là bí danh của chị hồi hoạt động bí mật ở Pê-téc- bua (Tên trước cách mạng của thành phố Lêningơrát) - còn trẻ măng, gần như là một cô bé con, thế mà đã phải nếm mùi đi đày ở Xi-bê-ri rồi.

Người thứ ba cùng ngồi ở bàn là Pan-cốp. Anh nghiêng nghiêng cái đầu đẹp như một bức tượng thời cổ đọc một tờ tạp chí tiếng Đức, chốc chốc lại sửa đôi kính to tướng bằng đồi mồi trên mũi. Thật quái lạ người thanh niên ba mươi bảy tuổi ấy to lớn như một lực sĩ, thế mà khó nhọc mới nhích được cái chân bại liệt. Pan-cốp là biên tập viên báo kiêm nhà văn, cán bộ của Bộ dân ủy quốc gia giáo dục. Anh đã từng ở châu Âu đọc được nhiều tiếng nước ngoài. Trong óc anh có cả một kho kiến thức giàu có, cho nên đến cả Séc-nô-cô-dốp, vốn tính dè dặt, cũng phải tỏ ra kính nể anh.

Gi-ghi-rê-va hất đầu chỉ chiếc ghế bành và bánh xe đun mà Pa-ven đang ngồi, khẽ hỏi Séc-nô-cô-dốp:

- Đồng chí ấy ở cùng buồng với anh có phải không?

Séc-nô-cô-dốp ngừng đọc báo, nét mặt anh bỗng chốc tươi hẳn lên:

- Phải, Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin đấy. Chị nên làm quen với cậu ta, Su-ra ạ (Tên gọi thân của Gi-ghi-rê-va). Bệnh tật đã thọc một đống gậy vào bánh xe của cậu ta rồi. Chứ không thì cậu bé ấy sẽ đắc lực ra trò ở những nơi đang gặp khó khăn ấy. Một tay thanh niên cộng sản thuộc lớp đầu tiên. Nói tóm lại, nếu ta hết sức nâng đỡ cậu ấy - mà tôi thì nhất định giúp đấy - cậu ta còn có thể làm việc được.

Pan-cốp để tai nghe. Su-ra Gi-ghi-rê-va vẫn giọng khe khẽ hỏi tiếp:

- Đồng chí ấy đau bệnh gì đấy?

- Hậu quả của năm một nghìn chín trăm hai mươi. Xương sống cậu ấy bị làm sao ấy. Tôi đã hỏi thăm các thầy thuốc. Họ ngại là vết giập ở xương sống làm cậu ta có thể sinh ra bại liệt toàn thân. Chị trông mà xem?

- Để tôi đem ghế đồng chí ấy lại đây.

Thế là quen nhau. Lúc ấy Pa-ven có ngờ đâu Gi-ghi-rê-va và Séc-nô-cô-dốp sau này đã trở nên những người bạn thân của anh, những người đầu tiên nâng đỡ tinh thần cho anh trong những năm bệnh hiểm nghèo sắp đến với anh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 16:23:05 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG VIII

Dưới chân núi, sóng biển vỗ bì bõm vào một đám đá mọc lởm chởm. Gió hanh từ bên Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi thổi đến mơn vào mặt. Cảng này, có tường chắn sóng bằng bê-tông cốt sắt ngăn với biển cả, chạy khoằm vào đất liền theo hình vòng cung gãy góc. Đèo cao của rặng núi tràn lên mặt biển. Và những nếp nhà quét vôi trắng của ngoại ô thành phố này, mọc trèo lên lưng đèo thoai thoải.

Khu vườn tàn tạ của ngoại ô yên ả không một tiếng động. Cỏ mọc lấp lối đi lâu ngày không dọn bỏ hoang. Gió thu dứt lá những cây phong vàng úa lả tả rơi xuống dần dần phủ lên lối đi ấy.

Một ông già Ba Tư đánh xe ngựa đưa Pa-ven từ trong phố ra đấy. Khi đỗ cho người khách lạ lùng này xuống xe, ông lão xà-ích không nhịn được nói ra miệng điều ông nghĩ bụng:

- Tại sao ông lại đến đây, hở ông? Ở đây chẳng có gái đẹp, chẳng có rạp hát. Chỉ có độc giống sói lang đi rình mò …Ông đến đây làm gì? Tôi không hiểu sao ông lại đến đây. Thôi, quay về đi, ông đồng chí ạ.

Pa-ven trả tiền, và ông lão xà-ích lại đánh xe đi. Khu vườn vắng tanh, vắng ngắt. Pa-ven tìm thấy một tấm ghế dài kê trên mỏm đá trông thẳng ra biển. Anh ngồi xuống, ngửa mặt đón ánh nắng lúc bấy giờ đã tàn rồi.

Anh đến đây, đến chốn tịch mịch này, để suy nghĩ xem nên tổ chức đời sống của mình ra sao và dùng đời mình làm việc gì bây giờ. Đây là lúc kiểm điểm lại cuộc đời và phải quyết định mọi bề.

Từ lúc anh trở lại, những mâu thuẫn trong gia đình Quýt-xam trở nên sâu sắc đến cực độ. Khi biết tin anh đến thì lão già đùng đùng nổi trận lôi đình, ầm ĩ cửa nhà lẽ tất nhiên, có sự phản kháng trong gia đình này chống lại lão già là do Pa-ven lãnh đạo. Lão già đột nhiên bị hai con gái và vợ cưỡng lại một cách quyết liệt, và ngay hôm đầu tiên Pa-ven đến nhà, gia đình này liền chia làm hai phe đối địch, thù ghét nhau. Cửa vào buồng ông bà già đã đem chắn lại; một phòng nhỏ của nhà ngang thì cho Pa-ven thuê. Pa-ven đưa tiền nhà trước cho lão già và chẳng bao lâu lão thậm chí cũng có vẻ yên lòng, vì các con gái rời lão ra như thế, chẳng có đòi lão cung cấp cho đồng nào để sống.

Để cho người ngoài khỏi nói, bà cụ An-bi-na vẫn ở lại bên nhà lão già, chồng bà. Lão ta không bước chân sang bên bọn trẻ bao giờ, không muốn trông thấy mặt cái anh chàng mà lão chí ghét. Ngược lại, ra đến sân thì lão thở hồng hộc như cái đầu tàu xe lửa để tỏ ra rằng lão là chủ cái nhà này.

Trước khi vào làm ở hợp tác xã, lão có hai nghề: nghề thợ khâu giày và nghề thợ mộc. Đến nay, lúc rỗi rãi, lão cũng làm thêm hai nghề ấy kiếm ra tiền; chỗ làm của lão trước đặt ở nhà dưới, sau lão vác bàn thợ đến làm ngay bên cửa sổ buồng Pa-ven để chọc tức anh chơi. Mỗi lần đóng đinh, lão ra tay đập búa chan chát, như điên, như giận, và lấy thế làm thích thú lắm. Lão hiểu lão làm thế thì Pa-ven có ngồi đọc sách cũng khổ với lão.

Lão rối rít lên trong chòm râu.

- Rồi biết tay ông, ông sẽ tống cổ mày đi cho mà xem.


Xa xa, mãi tít gần chân trời có con tàu đi qua, nhả làn khói đặc như một thoáng mây đen. Một đàn chim hải âu vừa bay vừa kêu, chúc đầu xuống mặt biển.

Pa-ven, tay ôm đầu, triền miên suy nghĩ. Chuỗi hình ảnh của đời anh, từ tấm bé đến bây giờ diễu qua trước mặt. Hai mươi bốn năm qua anh có sống trọn hay chăng cái đạo làm người? Như một vị quan tòa công minh, anh kiểm điểm lại trong trí nhớ cuộc đời mình từng năm một. Đời anh sống cũng không đến nỗi hỏng lắm, anh nhận thấy như thế và thâm tâm lấy làm hài lòng với mình. Đành rằng anh cũng sai lầm không phải ít, vì ngu xuẩn, vì bồng bột, nhưng sai lầm nhất là vì anh không hiểu biết. Song về căn bản không đến nỗi nào. Anh đã không bỏ trôi qua những ngày nồng cháy nhất, anh đã chọn ngay chỗ đứng của anh trong cuộc chiến đấu thép lửa để giành chính quyền và trên lá cờ đỏ chói của cách mạng cũng có vài giọt máu của anh nhuộm thắm.

Còn chút sức lực nào thì anh vẫn chưa chịu rời đội ngũ. Giờ đây, bị thương nặng, anh không đấu tranh ở tiền tuyến được. Anh chỉ còn có cách lùi về những bệnh viện hậu phương. Anh nhớ lại cái ngày Hồng quân ào ào như sóng cuộn tiến quân vào gần thành Vác-xô-vi. Quân đang tiến thì đạn thù bắn trúng một chiến sĩ. Chiến sĩ ngã lăn ra đất, nằm dưới chân ngựa. Anh em đồng đội hối hả băng bó lại, rồi trao chiến sĩ cho quân y và xông tiếp lên, mải truy kích quân thù. Mất một chiến sĩ, đơn vị không vì thế mà ngừng xông lên đuổi địch. Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp chung cao cả, thường như thế đấy, mà phải như thế đấy. Đành rằng có những trường hợp đặc biệt. Như anh đã từng trông thấy những chiến sĩ bắn súng máy cụt chân, ngồi trên xe ngựa ta-san-ca. Đấy là những con người làm quân thù khiếp sợ: súng máy của họ vẫn gieo chết chóc và tàn phá vào hàng ngũ địch. Họ bắn rất vững, mắt nhắm rất trúng, khiến cho cả trung đoàn lấy làm tự hào. Nhưng, những con người như vậy, hiếm lắm.

Con người anh phải làm gì bây giờ, sau cuộc thất trận này, khi anh chẳng còn chút hy vọng gì trở về chỗ anh trong đội ngũ. Anh đã làm cho bác sĩ Ba- gia-nô-va chẳng có lần đã phải nói thật với anh là trong tươi lai, anh phải đề phòng mọi sự bất thần ghê khiếp hơn nữa xảy ra đấy ư? Làm gì bây giờ? Câu hỏi đề ra không cách giải quyết này hiện ra trước mắt anh như một vực thẳm đen ngòm ghê sợ.

Khi đã mất thứ quý báu nhất là khả năng chiến đấu thì còn sống làm gì nữa? Ngày hôm nay và ngày mai đây đầy u ám, làm thế nào để chứng minh là đời mình còn đáng sống? Lấy gì lấp được nỗi trống trải của cuộc đời? Hay đành là chỉ biết ăn, biết uống và biết thở hít khí trời mà thôi? Chỉ còn cách khoanh tay trố mắt đứng nhìn các đồng chí của mình chiến đấu và tiến lên hay sao? Như thế để rồi sống báo cô tập thể ư? Rồi đến phải huỷ quách tấm thân tàn phế phản phúc này đi thôi? Một viên đạn vào giữa tim và thế là xong, đời hết vướng! Đã biết sống phải đạo làm người thì cũng cần phải biết chết đi vào đúng lúc nên chết. Ai dám kết tội người chiến sĩ không muốn kéo dài cơn hấp hối của mình?

Bàn tay anh sờ vào túi, nắn khẩu Bơ-rao-ninh dèm dẹp; ngón tay anh, theo thói quen, nắm lấy báng súng. Anh từ từ rút khẩu súng ngắn ra.

- Có ai ngờ mi lại sống đến một ngày tận số như thế này?

Nòng súng nhìn thẳng vào mắt anh khinh bỉ. Pa- ven đặt súng lên đầu gối và thốt ra một câu chửi giận dữ.

- Thế chỉ là anh hùng rơm đây thôi mi ạ! Tự sát như thế, một thằng khốn nạn bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng làm được. Đấy là lối thoát dễ nhất mà cũng là hèn nhất. Sống có khó khăn thì làm một phát cho xong đời. Nhưng mi đã thử chiến thắng cuộc đời hóc hiểm ấy chưa? Mi đã làm hết cách để dứt ra khỏi vòng đai thép đang chịt lấy cổ mi chưa? Mi quên rồi sao, trước thành Nô-vô-gơ-rát - Vô-lưn-ski, mi và đồng đội của mi đã từng tung mười bảy đợt xung phong một ngày và đã biết chống lại tất cả để chiếm kỳ được lấy thành? Thôi hãy cất súng đi và đừng có hở chuyện này với ai. Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa. Hãy làm cho đời mi còn có ích.

Anh đứng dậy và đi theo con đường cái. Một đồng bào ở núi cho anh lên ngồi nhờ xe ngựa và đáp về phố. Về đến phố, anh xuống một ngã tư mua tờ báo tỉnh. Báo đăng tin có họp toàn thể Đảng bộ thành tối nay ở câu lạc bộ Đê-mi-an Bét-đơ-ni.

Pa-ven đi họp đến khuya mới về. Trong buổi họp ấy anh đã lên nói chuyện và nào có hay đấy là lẩn nói cuối cùng của anh trước một hội nghị lớn.

Thai-a không ngủ được. Pa-ven đi mãi không về làm cô lo ngại. Có việc gì xảy ra với anh ấy? Anh Pa- ven ở đâu bây giờ? Hôm ấy, Thai-a thấy trong mắt nhìn của Pa-ven, trước kia anh nhanh nhẹn bao nhiêu, giờ có một cái gì lạnh lùng và khắc khổ. Pa-ven ít nói đến anh, song Thai-a đoán là anh đang trải qua một thử thách ghê gớm.

Lúc có tiếng cổng con ngoài vườn đóng sập, lại thì bên phòng mẹ, đồng hồ vừa buông hai tiếng. Thai- a khoác áo ngoài lên vai, chạy ra mở cửa. Chị Li-ô- la ngủ ở buồng, nói mê lẩm bẩm. Thai-a thấy Pa-ven đã về thì mừng quá; khi Pa-ven bước vào nhà, Thai- a nói thầm:

- Thế mà em cứ lo cho anh mãi.

- Anh còn sống thì không có việc gì mà phải lo cho anh đâu, em ạ, Li-ô-la ngủ rồi à, hở em? Em biết không, anh chẳng muốn ngủ tí nào. Hôm nay anh muốn nói với em. Thôi, ta sang buồng ngủ đi em, kẻo lại làm thức giấc chị Li-ô-la mất. - Pa-ven nói, giọng cũng thì thào.

Thai-a lưỡng lự. Như thế là thế nào? Đêm hôm khuya khoắt nói chuyện với anh ấy ư? Nhỡ mẹ biết thì sao? Nhưng nói thế nào để anh Pa-ven hiểu điều ấy nhỉ? Không nên, anh ấy giận mất. Mà anh ấy định nói chuyện gì thế nhỉ?

Nghĩ thế, Thai-a vẫn đi về phòng.

Khi hai người đã ngồi trong phòng tối, mặt đối mặt, gần sát nhau đến nỗi Thai-a nghe rõ hơi thở của anh, thì Pa-ven bắt đầu nói, giọng khàn khàn:

- Chuyện thế này, Thai-a ạ. Chuyện đời xoay ra đến chỗ anh cũng lấy làm lạ quá. Những ngày gần đây anh thấy hết sức khó chịu trong người. Có một điều anh cứ luẩn quẩn nghĩ mãi không biết nên thế nào: anh làm thế nào mà tiếp tục sống được bây giờ! Anh chưa bao giờ gặp cơn đen vận bĩ như thế. Nhưng hôm nay, anh đã họp "bộ chính trị" trong đầu anh và anh đã quyết nghị một điều rất là quan trọng. Em đừng lấy làm lạ, anh nói em nghe đây.

Anh kể cho Thai-a nghe tất cả những điều anh cảm thấy trong những tháng gần đây và một phần lớn những điều anh đã suy nghĩ ngoài khu vườn ngoại ô.

- Hiện tình thì như thế này. Anh nói ngay vào điểm chính. Câu chuyện ngang trái trong gia đình em hiện nay chỉ mới là bước đầu thôi. Ta phải bỏ đi, đến nơi không khí tươi lành, tránh được càng xa càng hay cái hang đen tối này. Ta phải làm lại cuộc đời. Đời của riêng em cũng như đời của anh lúc này đều đang bi cả. Anh định đốt lửa lên sưởi nóng cuộc đời hai đứa chúng ta. Em hiểu như thế nghĩa là như thế nào không? Anh hỏi em làm vợ của anh thì em có đồng ý không, em?

Thai-a nghe Pa-ven nói từ đầu đến giờ, trong lòng hết sức xúc động. Nghe đến câu sau cùng thì Thai- a giật mình sửng sốt.

- Anh không bảo em phải trả lời anh ngay bây giờ đâu Thai-a ạ. Em nghĩ cho kỹ. Em có lẽ không hiểu tại sao anh có thể nói với em điều đó mà không ướm ý em trước, không tán tỉnh em,v.v... Những trò ấy đều chẳng cần. Em bé ơi, anh đưa tay cho em cầm nhé, tay anh đây, em này. Nếu em tin anh thì em sẽ không bao giờ phải lo là bị lừa dối đâu. Ở anh, có nhiều điều mà em cần đến, và ngược lại, anh cũng thấy ở em như thế. Anh quyết định như thế này nhớ: chúng mình ước với nhau, cho đến ngày em lớn, em trưởng thành nên người - anh sẽ giúp em tiến bộ, nếu anh không giúp thế thì con người anh chẳng đáng một đồng kẽm nhỏ giữa chợ phiên đâu. Cho đến ngày ấy ta không được bội ước với nhau. Khi nào em lớn rồi thì tha hồ tùy em quyết định. Biết trước thế nào được? Có thể lúc bấy giờ thì anh đã hóa ra thân tàn ma dại. Nếu như gặp cảnh ngộ ấy thì em nên nhớ rằng, anh chẳng nỡ cột đời em vào đời anh đâu.

Anh im một lát, rồi lại âu yếm và nồng nàn:

- Ngay giờ đây, anh mong em hãy nhận ở anh tình bạn thân và lòng yêu thương em.

Anh không buông những ngón tay của Thai-a mà anh vẫn giữ trong tay anh, lòng bình tĩnh dường như là Thai-a đã ưng ý rồi.

- Anh có giữa đường bỏ em không?

- Không thể bằng vào lời nói miệng được. Thai- a. Em chỉ cần hiểu rằng: Những con người như anh không có bội bạc đâu. Quý hồ người ta đừng có bội bạc với anh.

Anh nói hết câu mà lòng chua xót.

Thai-a đáp lại: - Hôm nay, em chưa trả lời anh được: tất cả chuyện này đối với em thật đột ngột quá.

Pa-ven đứng dậy: - Thôi, em đi ngủ đi. Trời sắp sáng rồi.

Anh về phòng riêng, không cởi quần áo, cứ thế mà lăn ra giường. Đầu vừa áp gối đã ngủ say.

Trong phòng Pa-ven, ở mặt bàn, gần cửa sổ, có những chồng sách lấy ở thư viện Đảng về, một chồng báo và nhiều sổ tay viết chi chít. Một chiếc giường, hai cái ghế và trên cánh cửa thông sang buồng Thai- a treo một tấm bản đồ Trung Hoa, khổ rất rộng, trên lấm chấm những lá cờ nhỏ tí, đen và đỏ. Pa-ven đến Đảng ủy điều đình được với văn phòng gửi cho anh sách văn nghệ. Ngoài ra, các đồng chí còn hứa chỉ thị cho đồng chí phụ trách thư viện lớn nhất của cảng liên lạc với anh, làm "người đỡ đầu" về văn hóa cho anh. Chẳng bao lâu, thư viện cảng bắt đầu gửi đến cho anh từng bó sách nguyên. Li-ô-la lấy làm lạ, thấy hôm nào Pa-ven cũng miệt mài đọc sách và ghi sổ tay trong suốt ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối, chỉ nghỉ một chốc lát ăn cơm sáng và trưa, tối đến thì chị em Li-ô-la lại sang buồng Pa-ven ngồi chơi. Pa-ven kể lại cho chị em Li-ô-la những điều mình đọc được ban ngày.

Thường quá nửa đêm, lão già Quýt-xam đi ra sân, lần nào cũng thấy kẽ cửa sổ buồng anh chàng ở thuê đáng ghét có vệt đèn sáng. Lão rón rén năm đầu ngón chân bước lại gần nhìn qua kẽ cửa sổ, thấy cái đầu kia cứ cúi xuống bàn.

"Mọi người thì ngủ, còn nó thì cứ chong đèn suốt đêm. Nó thức canh nhà, làm như nó là chủ ở đây. Mấy con bé nghe nó đã giở quẻ rồi". Lão già nghĩ bụng thế, lấy làm bực tức và bỏ đi.

Tám năm nay, lần đầu tiên Pa-ven mới có dịp được thư thả thời giờ và không mắc một công việc gì hết. Anh đọc một cách say sưa, thèm khát như một cậu thiếu niên chưa bước vào đời. Ngày làm việc mười tám tiếng. Cứ cái đà làm việc như thế thì ảnh hưởng đến sức khỏe của anh như thế nào, nếu một hôm, Thai-a không buột miệng nói ra những lời này:

- Em đã kê dịch cái tủ chặn cửa buồng em ra rồi. Anh có muốn nói chuyện với em thì mở cửa sang thẳng bên em, không cần qua phòng chị Li-ô-la nữa.

Pa-ven đỏ ửng mặt. Thai-a mỉm cười, vui sướng: thế là đã hẹn ước với nhau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 15:57:42 | Chỉ xem của tác giả
Mấy hôm sau, Pa-ven đáp xe lửa về Khác-cốp. Thai- a, Li-ô-la, bà cụ An-bi-na và em bà cụ là bà Ra-da đi ra ga tiễn anh. Lúc chia tay, bà cụ nhắc, và Pa- ven hứa không quên hai cô em, sẽ giúp hai cô thoát khỏi cái vũng lầy gia đình này. Đám người ra tiễn Pa-ven từ biệt anh như từ biệt một người nhà thân thiết. Thai-a ứa nước mắt. Tàu đi đến xa, Pa-ven còn trông thấy Li-ô-la vẫy khăn tay trắng và cái áo cộc kẻ sọc của Thai-a.

Đến Khác-cốp, Pa-ven không muốn phiền Đô-ra, vào nhà bạn quen là Pê-chi-a Nô-vi-cốp. Anh nghỉ ở đây và tới trụ sở Trung ương gặp A-kim. Đến lúc trong phòng chỉ có hai người, Pa-ven đề nghị giao ngay công tác cho anh. A-kim lắc đầu:

- Không được, Pa-ven ạ. Chúng mình đã nhận được kết luận của ban y tế và của Trung ương Đảng ghi rõ như sau: "Vì bệnh Pa-ven trầm trọng, phải đưa đồng chí ấy vào viện thần kinh học để được điều trị và không thể cho đồng chí ấy công tác được"

- Bao giờ họ chẳng viết thế, anh A-kim ạ. Tôi tha thiết đề nghị anh cho tôi được làm việc. Tôi lang thang trong các bệnh viện mãi cũng vô ích thôi.

A-kim từ chối:

- Đã có quyết định thì bọn mình không thể nào không thi hành. Cậu nên hiểu, Pa-ven ạ, như thế chỉ là tốt cho cậu thôi.

Nhưng Pa-ven cố tình đòi mãi, khiến A-kim không nỡ chối từ, đành phải đồng ý.

Ngày hôm sau, Pa-ven đã làm ở văn phòng mật của ban bí thư Trung ương Đảng. Anh tưởng cứ bắt tay vào việc là đủ cho sức khỏe đã mất đi có thể dần dần trở lại. Nhưng mới ngày đầu, anh đã nhận thấy là mình nhầm. Anh ngồi bàn giấy tám giờ liền không ăn uống gì, vì không đủ sức từ tầng ba đi xuống ăn bữa sáng và bữa trưa ở nhà ăn bên cạnh: chốc chốc, lúc thì tay bại hẳn, lúc thì chân liệt đi. Đôi khi cả người bại liệt và ngây ngấy sốt. Có hôm đã đến giờ đi làm mà anh không làm sao bước chân xuống giường được. Mãi mới nhấc được người dậy, đến cơ quan, anh thất vọng nhận ra mình đi chậm mất một tiếng đồng hồ. Nhiều lần như thế, anh em mới phê bình anh, và anh hiểu: đấy là bước đầu đi đến những điều anh ghê sợ nhất trong đời anh - phải xa rời đội ngũ.

A-kim còn cố giúp anh hai lần nữa, giao cho anh công tác khác. Nhưng điều không tài nào tránh khỏi đã xảy ra: Đến tháng thứ hai thì anh phải nằm liệt trên giường. Anh mới nhớ đến bác sĩ Ba-gia-nô-va lúc chia tay và viết thư cho bác sĩ. Bác sĩ ngay hôm ấy đến thăm anh. Anh được bác sĩ cho biết điều cốt yếu nhất đối với anh: anh đau như thế không nhất thiết phải đưa vào nhà thương.

- Vậy ra đời tươi đến nỗi tôi không cần đi chữa bệnh nữa. - Anh cũng nói đùa một câu cho vui, song không lòng nào cười được.

Vừa hơi lại người một chút, Pa-ven đã lại đến Trung ương đề nghị trao công tác. Nhưng lần này thì A-kim rất nghiêm. Anh cương quyết bắt Pa-ven vào nhà thương. Pa-ven giọng nghẹn ngào:

- Tôi không đi đâu hết, đi là vô ích, tôi biết có ý kiến chuyên môn bảo thế. Tôi chỉ còn một cách: Xin Đảng cấp cho tiền trợ cấp và xin thôi công tác. Nhưng tôi nhất định không làm thế. Các đồng chí không có quyền cắt đứt công tác của tôi. Tôi mới có hai mươi bốn tuổi đầu, tôi không muốn lang thang mãi trong các nhà thương mà sống nốt cuộc đời tàn tật, trong khi biết rằng nằm nhà thương mãi cũng không đi đến đâu. Các đồng chí phải cho tôi một công tác thích hợp tình cảnh của tôi. Tôi còn có thể làm việc tại nhà riêng hay ở hẳn một cơ quan nào đó . . . Có điều là đừng bắt làm một anh cạo giấy, ghi sổ công văn đi đến. Công việc phải làm cho tôi vui thích, để tôi khỏi cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Giọng Pa-ven càng nói càng vang lên và càng xúc cảm.

A-kim thấu hiểu những tình cảm sôi nổi trong lòng người thanh niên mới gần đây còn tràn đầy biết bao lửa sống. Anh hiểu tấn bi kịch của Pa-ven; anh biết rằng nếu phải xa rời chiến đấu và lùi tít về hậu phương, đối với Pa-ven, một người đã từng hiến cả cuộc đời ngắn ngủi của mình cho Đảng, điều đó ghê sợ đến nhường nào. Anh quyết định dùng mọi biện pháp thuộc phạm vi anh giải quyết để cứu Pa-ven.

- Thôi được, Pa-ven ạ, cậu đừng lo nữa. Mai ban bí thư sẽ họp. Mình sẽ đặt vấn đề cậu. Mình hứa với cậu hết sức cố gắng giải quyết.

Pa-ven nặng nề đứng dậy và chìa tay ra bắt tay A-kim.

- Anh A-kim ơi, anh có thể nào đinh ninh được rằng cuộc đời tôi sẽ dồn tôi vào một góc và sẽ đè bẹp tôi không? Trái tim tôi còn đập ngày nào - nói đến đây anh nắm tay A-kim kéo đặt lên ngực mình và A-kim thấy rõ tiếng tim đập thình thịch và gấp. - Không ai bắt được tôi xa rời Đảng. Chỉ có cái chết mới làm tôi từ bỏ đội ngũ mà thôi. Anh nhớ thế cho, anh A-kim nhé.

A-kim im không nói. Anh biết những lời Pa-ven vừa nói không phải là những câu nói thường, mà là tiếng kêu của một chiến sĩ bị thương nặng. Anh hiểu rằng những người như Pa-ven không thể nào nói và làm khác được.

Hai hôm sau, A-kim báo tin cho Pa-ven biết là đã xếp cho anh một công tác phụ trách ở bộ biên tập báo của Trung ương; nhưng muốn được nhận công tác ấy cần phải kiểm tra trình độ văn hóa, xem có thể phục vụ trên địa hạt văn học được không. Bộ biên tập báo niềm nở tiếp anh. Phó tổng biên tập là một nữ chiến sĩ già, công tác bí mật lâu năm, nay là ủy viên Ban kiểm tra Trung ương Đảng U-cơ-ren. Đồng chí ấy hỏi Pa-ven mấy điểm:

- Đồng chí đã theo học đến đâu?

- Chỉ có ba năm tiểu học thôi.

- Đồng chí đã theo học ở Trường Đảng nào chưa?

- Chưa ạ.

- Điều đó không quan trọng, có nhiều trường hợp không học ở một trường nào mà vẫn trở nên một người viết báo giỏi. Đồng chí A-kim đã nói chuyện với chúng tôi về đồng chí. Chúng tôi có thể trao công tác cho đồng chí, không phải việc ở đây, mà việc mang về nhà làm được và nói chung chúng tôi sẽ tạo những điều kiện làm việc thích hợp với hoàn cảnh đồng chí. Song muốn làm được công tác ấy, phải hiểu nhiều, biết rộng mới được. Nhất là về mặt văn học và ngôn ngữ học.

Mới nghe mấy câu mào đầu, Pa-ven cũng có linh cảm thấy không xuôi rồi. Trong nửa giờ nói chuyện với đồng chí phó tổng biên tập, anh thấy đã rõ mình thiếu nhiều hiểu biết quá. Đồng chí phó tổng biên tập đưa anh viết thử một bài, Pa-ven viết xong, đồng chí ấy lấy bút chì đỏ gạch đít có đến ba mươi chỗ văn viết sai mẹo luật và nhiều lỗi về chính tả nữa.

- Đồng chí Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin ạ, đồng chí có nhiều khả năng lắm. Nếu đồng chí chịu khó tích cực học tập thì tương lai có thể trở nên một cán bộ trợ lý văn học. Nhưng hiện thời đồng chí viết chưa thạo. Xem bài đồng chí viết thấy là đồng chí chưa nắm được văn Nga. Điều đó không lạ: đồng chí đâu có thời giờ học. Nhưng có điều rất tiếc là chúng tôi không xếp công tác cho đồng chí được. Tuy nhiên, tôi cũng nhắc thêm lại lần nữa: đồng chí rất có khiếu về văn. Nếu bài đồng chí viết, vẫn nội dung ấy mà đem chữa văn đi thì sẽ là một bài báo rất hay. Song ở đây thì chúng tôi lại cần người có trình độ chữa được bài người khác kia.

Pa-ven chống gậy đứng dậy. Lông mày mắt phải mấp máy giậm giật.

- Đồng chí nói, tôi rất đồng ý. Văn hay chữ tốt gì tôi ấy! Tôi đốt lò giỏi, chữa điện được, biết cưỡi ngựa tài, huấn luyện thanh niên thạo, nhưng trên mặt trận của các đồng chí thì tôi là một tên vũ dũng không hợp.

Pa-ven cáo từ ra về.

Đến chỗ hành lang rẽ sang bên, anh suýt ngã. Một bà đang cầm cặp ở tay lại đỡ anh.

- Đồng chí sao thế? Trông đồng chí mặt tái xanh quá.

Mất mấy giờ đồng hồ, anh mới hồi lại được. Anh khẽ ẩy bà kia ra, rồi nặng nhọc chống gậy lê chân đi.

Từ ngày hôm ấy đời Pa-ven xuống dốc. Không còn nghĩ đến công tác được nữa. Càng ngày anh càng phải nằm liệt giường, có khi suốt cả mấy ngày, không bước đi đâu được. Trung ương miễn công tác cho anh và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội Trung ương phát trợ cấp cho anh. Anh nhận tiền trợ cấp cùng với giấy chứng nhận tàn phế không lao động được. Trung ương cũng cấp cho anh một số tiền và bản lý lịch của anh cùng với giấy phép đi đâu tùy anh chọn. Anh nhận được thư Ma-rơ-ta mời anh về nghỉ ở nhà mình. Anh cũng có ý định lên Mát-xcơ-va với hy vọng mong manh là đề nghị với cơ quan Trung ương Đảng toàn Liên Xô cho anh một công tác nào không phải đi lại. Nhưng đến Mát-xcơ-va, các đồng chí cũng lại bảo phải nghỉ mà chữa cho khỏi và hứa đưa anh vào nằm một bệnh viện tốt. Anh từ chối.

Mười chín ngày sống ở nhà Ma-rơ-ta trôi qua lúc nào không biết, Ma-rơ-ta có bạn là Na-đi-a Pê-tác- sơn. Ban ngày, Pa-ven ở nhà một mình, Ma-rơ-ta và Na-đi-a sáng sáng đi làm, mãi đến tối mới về. Pa-ven đọc liên miên không lúc nào rời sách. Nhà Ma-rơ-ta nhiều sách. Tối đến, có các bạn lại chơi.

Anh nhận được nhiều thư ở dưới cảng miền Nam gửi lên. Gia đình Quýt-xam mời anh về chơi: Cuộc đời lại càng siết chặt thêm cái dây thòng lọng, bà cụ và hai cô con gái cầu cứu anh.

Một buổi sáng Pa-ven từ giã căn nhà yên tĩnh ở phố Gút-xi-át-nhi-xốp ra đi. Con tàu tốc hành đưa anh về phương Nam, đi ra miền duyên hải ấm áp ở Nam Cơ-ri-mê, tránh cho anh cái mùa thu ẩm ướt, mưa sùi sụt của phương Bắc. Ngồi trên tàu, anh nhìn qua cửa sổ, trông những cột dây thép chạy qua. Đôi mày cau nhíu lại và trong đôi mắt ủ dột của anh thầm ẩn ý chí cưỡng lại số mệnh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 11:50:10 | Chỉ xem của tác giả
Trong một góc vườn có kê nhiều ghế mây, một chiếc bàn tre, hai ghế bành có xe đun. Bộ "năm" mà anh em gọi đùa là "ban chấp hành của Quốc tế cộng sản" thường ra đấy nghỉ sau mỗi lần làm thuốc.

Ép-ne ngả người trên một chiếc ghế bành; Pa-ven thì bác sĩ không cho đi lại cũng ngồi trên chiếc ghế bành kia. Ba người bệnh nữa là đồng chí Vai-man béo phục phịch, người Ét-stô-ni, cán bộ giúp việc ở Bộ dân ủy thương mại nước cộng hòa Cơ-ri-mê; nữ đồng chí Ma-giơ-ta La-u-rin, người Lét-tô-ni, còn trẻ, mắt nâu, trông tưởng chừng như con gái mười tám, và đồng chí Lét-đê-nhếp, người Xi-bê-ri cao lớn, tóc ở thái dương đã hoa râm. Thế là năm người thuộc năm dân tộc: Một người Đức, một người Ét-stô-ni, một người Lét-tô-ni, một người Nga và một người U- cơ-ren. Ma-rơ-ta và Vai-man nói tiếng Đức, hai người làm phiên dịch cho Ép-ne và Pa-ven thân nhau vì ở cùng buồng, Ép-ne gần với Ma-rơ-ta và Vai-man vì nói chuyện được với nhau bằng tiếng Đức. Còn Pa- ven và Lê-đê-nhếp thân nhau vì cùng thích đánh cờ.

Trước khi Lê-đê-nhếp chưa đến đây thì Pa-ven là "vô địch" ở nhà an dưỡng. Anh đã đấu kịch liệt với Vai-man mới giành được chức đó. Vì thua cờ, anh chàng người Ét-stô-ni lầm lì này phát cáu. Anh ta từ lâu nuôi hận với Pa-ven vì trận thua cờ này. Nhưng rồi có một ông cụ già cao lớn đến nhà an dưỡng. Ông lão năm mươi tuổi mà trông trẻ lạ lùng, ông cụ ấy là Lê-đê-nhếp. Một hôm, Lê-đê-nhếp gạ Pa-ven đánh một ván cờ. Pa-ven có ngờ đâu ông cụ là tay lợi hại, đấm tốt đầu. Pa-ven là tay "vô địch" nên được ra đương đầu với bất cứ tay cờ nào mới đến nhà an dưỡng. Những trận như thế, người ta thường xúm lại xem đông. Đến nước đi thứ chín thì Pa-ven nhận ra Lê-đê-nhếp đi rất chắc, đã bắt đầu thế công, anh hiểu rằng anh đang đương đầu với một đối thủ nguy hiểm. Lúc ấy anh mới thấy anh đã ra quân không kín nước là dại.

Ván cờ ròng rã ba tiếng. Mặc dù đem hết cố gắng, đem hết tâm lực, Pa-ven cũng phải xin thua. Anh đã thấy, trước tất cả năm người chầu rìa, là mình thua mất. Nhìn sang đối thủ: ông cụ Lê-đê-nhếp tủm tỉm cường một cách độ lượng. Lẽ tất nhiên ông cụ cũng thấy là Pa-ven thua rồi. Nhưng người xem vẫn chưa biết thắng bại về ai, cả Vai-man là người mong Pa- ven thua ra mặt, cũng chưa hề biết.

- Tôi bao giờ cũng kháng cự đến quân cuối cùng. Pa-ven nói thế. Và Lê-đê-nhếp gật đầu đáp lại câu nói mà chỉ có riêng cụ hiểu.

Pa-ven đánh với cụ Lê-đê-nhếp mười ván trong năm ngày: Thua bảy, được hai, hòa một.

Vai-man khoái quá.

- Cám ơn đồng chí Lê-đê-nhếp nhé! Đồng chí già hay thật ! Đáng đời cu cậu Pa-ven lắm ! Nó đã đánh bại những tay lão tướng chúng tôi. Giờ thì nó cũng lại bị một lão tướng đánh bại, ha, ha, ha!

Rồi anh ta quay ra trêu người đã thắng mình nay thất trận.

- Sao cậu, thua có thú không, cậu?

Pa-ven đành phải nhường chức "vô địch" cờ, song mất cái danh vọng trẻ con đó, anh đã được làm quen với Lê-đê-nhếp và ông cụ đối với anh sau này rất thân, rất quý. Pa-ven thua cờ là phải. Anh mới chỉ đi nước nào biết nước ấy, nên phải chịu thua bậc thầy đã nắm được hết phép bí truyền của cờ thế .

Rồi lại thêm một ngày kỷ niệm chung làm đồng chí già và đồng chí trẻ càng thêm gần gũi. Pa-ven sinh năm mà Lê-đê-nhếp vào Đảng. Cả hai là tiêu biểu rất điển hình của lớp vệ quân trẻ và lớp vệ quân già bôn-sê-vích. Một người giàu kinh nghiệm về đời và kinh nghiệm chính trị, đã từng qua nhiều năm đấu tranh bí mật, ra vào ngục tù của Nga hoàng và sau đó đã từng làm công tác chính quyền, giữ trọng trách của nhà nước. Một người thì mới qua một thời thanh niên sôi nổi và mới chỉ có tám năm tuổi đấu tranh thôi, nhưng sống thời thanh niên và tám năm ấy tốn sức hơn cả một đời người. Cả hai người, già cũng như trẻ, lòng còn hăng, máu còn nóng, nhưng sức khỏe đã hư rồi.

Tối đến ở phòng 11 là phòng của Ép-ne và Pa-ven, ồn ào, ầm ĩ như một câu lạc bộ vậy. Từ đấy truyền đi các tin tức thời sự chính trị. Thường thường Vai- man tìm cách tương vào một câu chuyện tiếu lâm tục tĩu mà anh rất lấy làm thú, nhưng cứ mở mồm kể thì bị Ma-rơ-ta và Pa-ven trừng mắt nhìn lại ngay. Ma-rơ-ta dùng lời mỉa mai tế nhị và sâu sắc bắt anh ta im và nói mỉa không xong, thì Pa-ven lại phải dính vào.

- Vai-man, anh tưởng chúng tôi thưởng thức cái lối pha trò của anh đấy phỏng? - Pa-ven cất giọng đùng đùng nổi giận: - Tôi không hiểu làm sao anh có thể dung hoà những quan điểm . . .

Vai-man bĩu làn môi dày, mắt ti hí liếc nhìn mọi người có vẻ chế nhạo:

- Ta phải lập một cơ quan thanh tra đạo đức bên cạnh cơ quan Tổng giám đốc giáo dục quốc dân và đề cử đồng chí Pa-ven làm tổng thanh tra mới được. Ma-rơ-ta chọi lại thì còn có lý. Chị và phe phụ nữ, đối lập nhà nghề với tôi rồi. Còn Pa-ven lại làm ra bộ ngây thơ cụ hay như người ta thường nói, làm ra bộ tí nhau của Côm-xô-môn... Tôi ấy à, tôi không ưa cái lối trứng đòi dạy khôn vịt.

Sau cuộc tranh cãi về đạo đức cộng sản ấy, vấn đề tục tĩu được đưa ra thảo luận về nguyên tắc. Ma- rơ-ta dịch cho Ép-ne nghe những quan điểm khác nhau. Ép-ne tuyên bố.

- Chuyện tục tĩu không tốt.Tôi tán thành ý kiến của Pa-ven.

Vai-man phải rút lui ý kiến, nói dăm câu bông phèng để đánh trống lảng, nhưng rồi thôi không kể những chuyện tủ ấy của anh nữa.

Pa-ven tưởng Ma-rơ-ta cũng là Côm-xô-môn. Anh trông mặt Ma-rơ-ta đoán mới mười chín tuổi. Anh rất đỗi ngạc nhiên, một hôm nói chuyện với Ma-rơ- ta biết chị vào Đảng từ năm 1917, chị đã ba mươi mốt tuổi rồi và chị là một trong những cán bộ đắc lực nhất của Đảng cộng sản Lét-tô-ni. Năm 1918 chị đã bị bọn trắng kết án tử hình, song nhờ Chính phủ Xô-viết trao đổi tù binh, chị được lấy về cùng nhiều đồng chí khác. Hiện chị công tác ở báo "Sự thật" và đồng thời học nốt đại học. Hai người trở nên thân thiết lúc nào Pa-ven cũng không biết: Ma-rơ-ta thường hay sang chơi bên buồng Ép-ne, bắt đầu không rời "bộ năm" ra nữa.

Đồng chí Ê-gơ-lít, cán bộ bí mật, cũng người Lét- tô-ni, thường chế chị một cách tinh nghịch:

- Này Ma-rơ-ta, thế còn anh chàng Ô-dôn tội nghiệp ở lại Mát-xcơ-va một mình thì sao đây? Không được đâu nhớ!

Sáng sáng, cứ trước khi có chuông một phút thì có tiếng gà gáy lên giòn giã. Ép-ne bắt trước gà gáy rất tài. Nhân viên nhà ăn cứ nháo lên đi tìm con gà nào lạc vào trong các phòng, song tìm mãi không ra, Ép-ne lấy làm thú vị về chuyện đó lắm.

Đến cuối tháng, Pa-ven thấy bệnh nặng thêm lên. Thầy thuốc bắt anh nằm. Ép-ne thương bạn, rất buồn. Anh thấy quý người thanh niên bôn-sê-vích giàu sức sống, sôi lên sùng sục không hề chán nản bao giờ, mà đã sớm mất sức lực. Đến khi Ma-rơ-ta kể cho Ép- ne nghe là các thầy thuốc đều nói bệnh Pa-ven sẽ phát triển đến chỗ bi đát thì Ép-ne đau đớn rụng rời.

Suốt cả thời gian nằm điều trị Pa-ven bị cấm không được đi lại.

Pa-ven giấu được những cơn đau bệnh của mình để chung quanh không ai thấy. Chỉ có Ma-rơ-ta trông thấy mặt anh tái mét là đoán được anh đau lắm. Một tuần trước khi rời nhà an dưỡng này anh nhận được thư của Trung ương đoàn thanh niên U-cơ-ren cho phép anh nghỉ thêm hai tháng và căn cứ vào kết luận của các thầy thuốc nhà an dưỡng, Đoàn nhận thấy tình hình sức khỏe anh không cho phép anh trở về nhận lại công tác được. Kèm theo thư, Đoàn gửi cho anh một món tiền.

Pa-ven chịu đựng cái cú đầu tiên này như xưa kia anh đã từng chịu đựng những cú của Giu-khơ-rai dạy anh học quyền Anh: Xưa kia bị Giu-khơ-rai đấm, anh ngã khuỵu, nhưng rồi lại dậy ngay được.

Bỗng anh nhận được thư mẹ. Bà cụ viết cho anh bảo là ở hải cảng ngay cạnh Ơ-pa-tô-ri-a, bà cụ có bà bạn cũ tên là An-bi-na Quýt-xam đã mười lăm năm nay không gặp lại. Mẹ nhắn Pa-ven thế nào cũng sang thăm bà bạn. Bức thư ấy đã đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc đời Pa-ven.

Một tuần sau, Hội ái hữu của nhà an dưỡng tiễn chân Pa-ven ra tận bến tàu. Ép-ne ôm chặt lấy Pa- ven, hôn anh như hôn em trai của mình. Còn Ma- rơ-ta thì biến đâu mất. Pa-ven đi không gặp được Ma-rơ-ta để chào biệt.

Sáng hôm sau, Pa-ven lên bến, đáp xe ngựa, xe đỗ trước một căn nhà nhỏ có vườn chung quanh, Pa- ven nhờ bác xà-ích vào hỏi thăm, đúng là gia đình bà Quýt-xam ở nhà này.

Gia đình Quýt-xam có năm người : Bà cụ An-bi- na, người đẫy đà, có cái nhìn chậm chạp lờ đờ của đôi mắt đen, trên khuôn mặt nhăn nheo còn tàn dư của vẻ đẹp thời con gái, ông lão Quýt-xam, dáng người thô lỗ, khinh khỉnh, trông y như lợn ỉn.

Ông lão làm hợp tác xã; cô gái út là Thai-a thì ở nhà trông nom bếp nước, cô gái lớn là Li-ô-la trước kia đi đánh máy chữ, gần đây li dị với chồng là một tên vô lại say rượu bí tỉ. Hiện chị không có việc làm, ở nhà trông con và giúp mẹ chăm lo việc trong nhà.

Ông bà Quýt-xam còn có cậu con trai tên là Gioóc- giơ, xong Gioóc-giơ hiện ở Lê-nin-gơ-rat.

Nhà Quýt-xam niềm nở đón Pa-ven. Chỉ có ông lão nhìn khách một cách hằn học, nghi kỵ.

Pa-ven kiên nhẫn ngồi kể hết chuyện nhà cho bà cụ An-bi-na nghe và hỏi thăm lại về cảnh gia đình bà cụ.

Li-ô-la hai mươi hai tuổi. Tính tình rất đơn giản, tóc màu hạt dẻ cắt ngắn, nét mặt nở nang, cởi mở, cô thân ngay được với Pa-ven và không ngần ngại cho anh biết hết những chuyện uẩn khúc trong gia đình. Pa-ven nhờ đó biết được lão già Quýt-xam hành hạ cả nhà như một tên ác chúa, động ai có ý kiến gì hay ý định gì là lão ta đàn áp ngay. Lão ta ngu xuẩn, thiển cận, ti tiện, cả ngày gieo rắc khủng bố trong gia đình, cho nên con cái hờn oán, và bà cụ đã hai mươi năm trời nay phải đấu tranh với tính độc đoán ấy cũng sinh ra thù ghét lão. Các con gái luôn đứng về phía mẹ, chuyện lục đục, liên tiếp xảy ra trong gia đình làm cả nhà đều khổ sở. Ngày nào cũng như ngày nào, rặt những chuyện bực mình lớn, nhỏ.

Còn một con quỷ nữa trong gia đình là Gioóc-giơ. Cứ theo chuyện Li-ô-la kể thì nó thật là một thằng chẳng làm được trò trống gì, mà cứ lên mặt ta đây, huênh hoang hết sức, chỉ thích ăn ngon mặc đẹp, uống rượu chết thôi. Học hết trường chín năm, Gioóc- giơ cậy là con út được cưng, đòi mẹ cho tiền ra thủ đô học .

- Tôi muốn học lên đại học. Li-ô-la bán nhẫn đi. còn mẹ bán quần áo, đồ đạc. Tôi cần tiền tiêu. Các người làm thế nào cho tôi thì làm.

Gioóc-giơ biết mẹ không từ chối mình bao giờ, và hắn lợi dụng mẹ chiều, thẳng tay đục khoét. Đối với hai chị thì khinh bỉ ra mặt, tự coi như bề trên nhìn xuống kẻ dưới. Thôi thì bà cụ bòn được ông lão đồng nào và Thai-a làm ra được đồng nào là bà gửi cho con trai tất. Thằng con thì thi gì cũng trượt liểng xiểng, vậy mà chẳng buồn tí nào. Nó ở trọ nhà chú nó, đánh dây thép liên tiếp về đòi mẹ gửi tiền ra, làm bà cụ phát hoảng.

Cô gái út là Thai-a, Pa-ven tới khuya mới trông thấy cô ta. Mẹ Thai-a đón ở cửa, khẽ nhắc con nhà có khách. Thai-a bối rối chìa tay ra bắt tay Pa-ven và trước mặt người khách lạ còn trẻ, cô thẹn đỏ chín má. Tay Pa-ven không buông ngay bàn tay nhỏ, cứng rắn, có nốt chai ấy.

Thai-a năm nay mới vừa mười chín tuổi. Người không lấy gì làm đẹp, song có đôi mắt nâu, cặp lông mày nhỏ xếch, cái mũi dọc dừa, cặp môi tươi và bậu khiến cho ai cũng ưa nhìn. Ngực trẻ của Thai-a bó căng trong chiếc sơ-mi cộc tay kẻ dọc.

Hai chị em ở hai buồng nhỏ xíu liền nhau. Buồng Thai-a có cái giường sắt hẹp, một chiếc tủ đứng đựng đồ vật bề bộn, với một gương con và trên tường treo chừng ba chục tấm ảnh chụp và ảnh in. Ở mặt cửa sổ hai chậu hoa tươi: hoa hương diệp và hoa thúy cúc hồng nhạt, màn cửa bằng tuyn có buộc băng xanh màu da trời.

- Thai-a không thích để cho đàn ông vào buồng mình đâu, nhưng đối với anh, anh xem, thật là đặc biệt đấy. - Li-ô-la nói đùa cô em như thế.

Tối hôm sau cả nhà ngồi uống trà bên buồng ông bà già, Thai-a ở lại phòng riêng, ngồi đấy, lắng nghe mọi người nói chuyện. Lão Quýt-xam vừa đưa tay quấy đường trong cốc nước, vừa nghếch mắt qua cặp kính nhìn khách ngồi trước mặt một cách chẳng ưa lành gì.

- Tôi không tán thành luật hôn nhân gia đình thời bây giờ. Muốn lấy nhau thế nào thì lấy tùy thích. Muốn bỏ nhau thì bỏ, chẳng ai ngăn được. Tha hồ là tự do.

Lão già cầm ngang thìa húp trà và lên một cơn ho. Khi đã ngớt cơn lão lại lấy tay chỉ mặt Li-ô-la:

- Như con bé này đây chẳng hạn. Nó ăn ở với nhân tình nó chẳng có phép tôi, rồi nó bỏ nhau cũng chẳng nói qua gì với tôi. Giờ thì mới sung sướng chứ, phải rước lấy mà nuôi cả cô ả lẫn thằng con chẳng biết bố là đứa nào. Đẹp mặt thật!

Li-ô-la đỏ nhừ mặt và quay nhìn Pa-ven mắt trào lệ. Pa-vẹn trừng cặp mắt nảy lửa, giặn dữ nhìn lão già hỏi lại:

- Sao cụ lại nói thế ? Theo ý cụ thì bắt cô ấy ở đời với thằng ăn hại ấy hay sao?

- Lấy chồng thì cũng phải xem cái mặt thằng chồng nó thế nào đã chứ!

Bà cụ An-bi-na phải nói chen vào. Bà cụ giận quá không sao nén hết giận được, nói bằng một giọng hổn hển:

- Ông lão này, sao lại đem chuyện ấy mà nói trước mặt khách! Thiếu gì chuyện để nói cơ chứ!

Lão già cũng chồm lên:

- Tao biết tao nói gì, không phải dạy! Người nhà này dám mở mồm mắng lại tao từ lúc nào thế ?

Đêm hôm ấy, Pa-ven nghĩ mãi về cảnh nhà Quýt- xam. Anh vô tình đến đây, tự nhiên bị tham gia vào tấn bi kịch gia đình này mà nào anh có muốn dây vào làm gì. Anh nghĩ cách giúp bà cụ và hai cô gái thoát cảnh áp chế của lão già. Cuộc đời riêng của chính bản thân anh khiến anh phải bó tay: bao nhiêu vấn đề không giải quyết được nảy sinh trong óc. Lúc này hơn lúc nào hết, anh thấy hành động quyết liệt khó khăn thật.

Chỉ có một biện pháp - tách gia đình này ra, mẹ với hai cô gái phải từ bỏ hẳn không bám vào lão già nữa. Nhưng cách đó chẳng đơn giản đâu. Ở tình thế anh, anh không thể dính đến cuộc cách mạng gia đình này được; vài ngày nữa thôi, anh sẽ đi khỏi đây, có lẽ chẳng còn bao giờ gặp lại những người trong nhà này nữa. Thôi, đành để cho đời mặc sao hay vậy, mà chẳng nên khuấy động bụi bặm cái nhà bé bằng lỗ mũi này lên làm gì. Nhưng cái mặt lão già cứ ám ảnh anh. Pa-ven vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác kế hoạch nào cũng thấy không thể thực hiện được.

Hôm sau là ngày chủ nhật, khi Pa-ven ra phố về, thì thấy ở nhà chỉ còn một mình Thai-a. Cả nhà đã đi sang chơi bên nhà người họ.

Pa-ven vào buồng Thai-a, người mệt, ngồi xuống một cái ghế dựa, Pa-ven hỏi:

- Sao cô không đi chơi đâu cho khuây khỏa?

Thai-a thỏ thẻ trả lời:

- Em chẳng muốn đi đâu cả.

Pa-ven sực nhớ đến những kế hoạch nằm nghĩ đêm qua và định bụng thử xem kế hoạch của mình thế nào.

Anh liền bắt đầu nói thẳng vào đề ngay, nói vội vã để nhỡ có ai vào khỏi đứt quãng:

- Thai-a ơi, chúng ta sẽ xưng hô với nhau bằng "anh em" cho thân mật. Việc gì phải giữ cái kiểu lễ phép phương Đông làm gì! Anh sắp đi khỏi đây. Anh đến nhà em giữa lúc tình cảnh anh cũng đang lúc khó khăn, chứ không anh đã làm cho câu chuyện xoay hẳn chiều hướng khác. Trước đây một năm thì anh đã đem cả bà cụ và hai em đi nơi khác. Đối với những bàn tay như em và Li-ô-la thế nào cũng kiếm được việc làm. Không tài nào làm ông lão chuyển được đâu. Nhưng bây giờ thì anh không thể giải quyết như thế được. Chính anh cũng chẳng biết đời anh sẽ ra sao, cho nên thật như người ta nói, anh đã bị tước khí giới trước cuộc đời rồi. Giờ thì làm thế nào? Anh sẽ thử về xin được đi công tác xem sao. Các thầy thuốc viết về bệnh anh những cái quái gì ấy và các đồng chí của anh bắt anh phải nghỉ chữa bệnh mãi không biết đến bao giờ. Nhưng ta phải làm thay đổi ngược cảnh này ngay tại đây . . . Anh sẽ viết thư cho mẹ anh và sẽ nghĩ cách chấm dứt tình cảnh này. Anh thế nào cũng không bỏ mặc cụ với hai em. Nhưng Thai- a này, anh hỏi em nhớ: cảnh sống của nhà này và nhất là riêng đời em cần phải đảo lộn lại tất cả. Em có đủ can đảm làm như thế không và em có muốn làm thế không?

Thai-a ngẩng mặt lên và khẽ trả lời:

- Muốn thì em muốn lắm, nhưng không biết em có đủ can đảm không.

Pa-ven hiểu vì sao Thai-a trả lời còn lưỡng lự.

- Không sao, em ạ. Quý hồ em cũng muốn như thế thì ta sẽ thu xếp được thôi. Nhưng anh hỏi em, em có nặng tình gia đình ràng buộc không?

Thai-a bị hỏi đột ngột, không trả lời ngay. Mãi sau mới nói:

- Em rất thương đẻ em. Thầy em làm khổ đẻ em suốt một đời người. Thằng Gioóc-giơ lại bòn rút hết của đẻ. Em nghĩ tội cho đẻ em lắm. .. Tuy đẻ quý thằng Gioóc-giơ hơn em...

Hai người nói chuyện với nhau nhiều lắm. Khi cả nhà đi chơi gần về, Pa-ven hỏi đùa:

- Cũng lạ thật! Làm thế nào mà ông lão chưa bắt em lấy chồng nhỉ?

Thai-a giãy nảy:

- Em không lấy. Em cứ trông chị Li-ô-la là đủ biết rồi. Em thế nào thì thế, nhất định chẳng bao giờ lấy chồng đâu!

Pa-ven cười:

- Ra cô thề suốt đời ở vậy phải không? Thế nếu có người hiền lành dễ thương thì sao?

- Em không lấy! Khi còn lượn qua cửa nhà mình ve vãn thì anh nào cũng hiền lành dễ thương lắm.

Pa-ven làm lành đặt tay lên vai người con gái:

- Thôi, chẳng nói nữa. Chẳng lấy chồng, đời người ta vẫn có thể sống được. Nhưng em đã quá giận đám thanh niên đấy. May quá anh lại không bị em ngờ là anh có ý hỏi em, không thì anh cũng rất khó xử lý - Nói rồi, Pa-ven thân ái đặt lòng bàn tay lạnh ngắt của mình lên mu bàn tay người con gái đang bối rối thẹn thùng.

Thai-a dịu dàng:

- Những người như anh chọn những đám khác, chứ chọn những đứa con gái như em làm gì?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 24-6-2012 09:14:33 | Chỉ xem của tác giả
A-rơ-chom mở như xé đôi phong bì và không hiểu sao lòng bồi hồi, giở thư ra đọc. Mắt ngốn mấy dòng đầu rồi đọc lướt một mạch cả thư.

"Anh A-rơ-chom!

Em với anh rất ít khi viết thư cho nhau. Mỗi năm chỉ một hai lần. Nhưng cốt nội dung thư, chứ cần gì viết nhiều, anh nhỉ? Trong thư trước, anh cho em hay tin anh đã đem gia đình rời Sê-pê-tốp-ca đến làm ở một kho đầu máy nhà ga Ca-da-chin, để "dứt cho đứt rễ”. Em hiểu: rễ ấy là chị Schi-ô-sa, là ông bà sinh ra chị, là cái tư tưởng tư hữu nhỏ lạc hậu của họ... Cải tạo những người như chị Schi-ô-sa chẳng phải chuyện dễ. Em lo là đến anh cũng không cải tạo được chị ấy đâu. Anh cứ bảo: "Không còn tuổi thanh niên thì học khó vào". Vậy mà anh học tiến bộ lắm đấy. Anh cứ khăng khăng không chịu bỏ sản xuất để nhận công tác chủ tịch Xô-viết thành phố. Như thế không đúng, anh ạ. Anh đã chiến đấu giành chính quyền có phải không, anh? Vậy thì anh phải nắm lấy chính quyền. Ngay ngày mai, anh nhận trách nhiệm ấy đi và bắt tay vào công tác.

Giờ nói đến em. Có chuyện không hay, anh ạ. Em phải đi nằm bệnh viện. Bác sĩ làm thịt hai lần, đổ mất khá máu, sức mất đi nhiều, thế mà đến tận bây giờ, không ai dám nói là bao giờ em khỏi.

Em phải bỏ công tác, tìm ra được một cái nghề mới, cái nghề "con bệnh". Em chịu trăm sự đau đớn giày vò và kết quả là đầu gối bên phải tê liệt, trên người bao nhiêu là sẹo và sau hết, sự khám phá cuối cùng của các thầy thuốc: cách đây bảy năm, em bị đá giáng vào xương sống. Ngày nay, thầy thuốc bảo vết thương ấy gay cho em lắm. Em sẵn sàng chịu đựng hết thảy, quý hồ sẽ được trở về vị trí của em trong đội ngũ.

Đối với em, trong đời không gì đáng kinh sợ hơn là sẽ phải xa rời đội ngũ. Thậm chí em cũng không dám nghĩ đến cảnh ấy nữa. Cho nên em đề nghị các bác sĩ tha hồ làm thế nào thì làm. Chữa mãi chẳng ăn thua gì mà mây đen kéo đến lại càng dày hơn trước. Lần mổ thứ nhất đã khỏi, em vừa chập chững đi được em đã lại công tác ngay. Nhưng chẳng bao lâu lại quy lại bị đưa vào bệnh viên. Hiện nay em đã có giấy đi nghỉ tại nhà an dưỡng "Mai-nắc" ở Ơ- pa-tô-ri-a. Mai em sẽ lên đường. Anh đừng lo, anh A-rơ-chom ạ, chẳng dễ mà đem em đi chôn được đâu. Em đủ sức để sống ba đời người. Chúng ta sẽ thắng cuộc đời lần nữa, anh ạ! Anh giữ gìn sức khỏe, anh nhớ. Đừng có làm gì quá sức kẻo sau đó lại phải chữa chạy tốn kém cho Đảng. Năm tháng cho ta kinh nghiệm với hiểu biết, không phải để ta mang kinh nghiệm với hiểu biết đó vào nằm dài ở nhà thương.

PA-VEN CA-RƠ-SA-GHIN"


Trong khi A-rơ-chom cau đôi mày rậm, đọc bức thư này thì Pa-ven từ giã bác sĩ Ba-gia-nô-va. Bác sĩ bắt tay Pa-ven và hỏi anh:

- Mai đồng chí mới đi Cơ-ri-mê? Vậy ngày hôm nay đồng chí định đến chơi đâu?

Pa-ven trả lời:

- Chị Đô-ra chốc nữa sẽ đến đón tôi. Tôi đến ở chơi nhà Đô-ra qua đêm nay, và sáng mai chị ấy sẽ đưa tôi ra tàu.

Bác sĩ Ba-gia-nô-va biết Đô-ra là người con gái thường đến thăm Pa-ven.

- Đồng chí Pa-ven, ta đã đồng ý với nhau là trước khi đi, đồng chí sẽ đến gặp cha tôi, đồng chí có nhớ không? Tôi đã nói chuyện với cha tôi về đồng chí, đã trình cha tôi hiểu cặn kẽ về bệnh của đồng chí rồi đấy. Tôi rất muốn được ông khám bệnh cho đồng chí. Tối nay, đồng chí có thể đến để ông xem cho được.

Pa-ven đồng ý ngay.

Ngay tối hôm đó, nữ bác sĩ Ba-gia-nô-va đưa Pa- ven vào phòng thăm bệnh rộng lớn của cha.

Trước mặt con gái, nhà phẫu thuật nổi tiếng chăm chú khám bệnh cho Pa-ven, Ba-gia-nô-va đã đem ở bệnh xá về những ảnh chiếu điện cho những bản phân tích về bệnh của Pa-ven. Ông cụ bỗng nói một tràng dài bằng tiếng la-tinh. Pa-ven nhận thấy Ba-gia-nô- va đột nhiên tái mặt. Anh nhìn chăm chăm chiếc đầu hói của ông cụ, cố đoán một điều gì trong đôi mắt sắc của vị giáo sư già. Song ông cụ Ba-gia-nốp hết sức điềm tĩnh không lộ một vẻ gì.

Khi Pa-ven mặc lại quần áo rồi thì bác sĩ Ba-gia- nốp chào biệt anh; ông cụ phải đến dự một cuộc họp và ủy cho con gái nói để Pa-ven biết nhận xét của ông về bệnh của anh.

Trong gian phòng của Ba-gia-nô-va, đồ đạc bày biện cầu kỳ, Pa-ven nằm ra đi-văng nghỉ, đợi Ba-gia-nô- va nói. Nữ bác sĩ không biết bắt đầu thế nào và nói gì bây giờ, nên rất lúng túng. Cha của bác sĩ vừa tuyên bố : y học hiện thời chưa có phương tiện ngăn được sức tàn phá của chứng viêm ngày một phát triển trong cơ thể Pa-ven. Ông cụ không tán thành chủ trương dùng giải phẫu để trị bệnh này. "Chàng trẻ tuổi này chẳng chóng thì chầy sẽ bị tê liệt một cách bi đát. Thầy thuốc chúng ta bất lực, không có cách gì ngăn được đâu”.

Bác sĩ Ba-gia-nô-va tự nghĩ mình vừa là thầy thuốc, vừa là bạn, không thể nào nói hết sự thật cho Pa- ven nghe được, chỉ tìm lời nhẹ nhàng thuật cho Pa- ven một phần nhỏ sự thật mà thôi.

- Tôi tin chắc là bùn nóng vùng Ơ-pa-tô-ri-a sẽ có tác dụng quyết định và chỉ mùa thu này thôi đồng chí sẽ có thể trở lại làm việc.

Bác sĩ quên là có đôi mắt sắc đang chăm chú nhìn bác sĩ.

- Theo những lời bác sĩ nói, hay đúng hơn theo những lời bác sĩ không nói hết, tôi đoán hiểu bệnh của tôi trầm trọng đến mức nào. Bác sĩ chẳng còn nhớ tôi đã yêu cầu bác sĩ bao giờ cũng cứ nói thật hết với tôi. Đừng giấu tôi điều gì. Tôi nghe điều dữ chẳng đến nỗi ngất đi đâu và cũng chẳng cắt cổ họng tự tử đâu. Song tôi nhất định muốn biết tương lai bệnh tình của tôi sẽ ra sao? - Pa-ven nói dằn từng tiếng.

Ba-gia-nô-va dùng một câu bông đùa để đánh trống lảng.

Thế là tối hôm ấy, Pa-ven vẫn không làm sao tìm được sự thật. Khi hai người chia tay, nữ bác sĩ thủ thỉ:

- Đồng chí chớ quên có tôi là bạn của đồng chí, đồng chí Pa-ven ạ; cuộc đời đồng chí rồi đây phải đề phòng tất cả mọi sự bất thần xảy ra. Nếu đồng chí cần tôi giúp đỡ hay tham gia ý kiến, xin cứ viết thư. Tôi có thể làm được việc gì, xin làm hết sức.

Nữ bác sĩ ngó qua cửa sổ, nhìn theo bóng người cao lớn, mặc áo bành-tô da đang khó nhọc chống gậy bước chân xuống thềm đi ra xe ngựa.


Lại về Ơ-pa-tô-ri-a. Trời phương Nam nóng nực. Người miền Nam da rám nắng, đội mũ nồi nhỏ thêu chỉ vàng, tính tình ưa náo động. Chỉ mươi phút, xe ca đã đưa hành khách tới tòa nhà hai tầng xây bằng đá màu xám, nhà an dưỡng "Mai-nắc".

Bác sĩ thường trực phân phối bệnh nhân vào buồng. Khi bác sĩ đến trước phòng số 11, bác sĩ quay hỏi Pa-ven:

- Cơ quan nào gửi đồng chí đến đây?

- Trung ương Đảng cộng sản U-cơ-ren.

- Nếu vậy thì chúng tôi xếp đồng chí vào ở buồng này với đồng chí Ép-ne. - Bác sĩ giải thích thêm: - Đồng chí ấy người Đức, có đề nghị được ở chung với một đồng chí người Nga.

Bác sĩ gõ cửa. Có tiếng Nga lơ lớ trả lời.

- Cứ vào!

Pa-ven đặt va-li xuống sàn và quay ra nhìn người nằm trên giường có mái tóc vàng hoe, có một đôi dép màu xanh biếc. Đồng chí người Đức cười hồn nhiên đón chào Pa-ven.

- Gúd moóc-ghen, ghê-nô-xen (Tiếng Đức: Chào đồng chí, vào buổi sáng ). Tôi muốn nói: Chào đồng chí. - Rồi giơ bàn tay xanh xao, ngón tay thon thon ra bắt tay Pa-ven.

Mấy phút sau, Pa-ven đến ngồi đầu giường Ép-ne và đôi bên trò chuyện sôi nổi bằng tiếng "quốc tế”, thứ tiếng mà chữ nghĩa chỉ là phụ, mỗi câu nói không hiểu thì lại dùng thêm óc đoán, tay chỉ trỏ và nét mặt làm điệu bộ - nói tóm lại, dùng thêm đủ mọi phép của một thứ quốc tế ngữ không văn tự.

Pa-ven đã hiểu ngay được là Ép-ne vốn là thợ bên Đức trong cuộc khởi nghĩa năm 1923 ở Hăm-bua, đồng chí bị đạn vào hông; vết thương cũ bây giờ lại loét ra, bắt đồng chí nằm liệt giường. Tuy bị đau đớn như vậy, đồng chí vẫn tươi tỉnh, và đức dũng cảm đó được Pa-ven rất lấy làm kính nể.

Pa-ven không thể nào mơ ước một người bạn nằm cạnh tốt như thế. Một người bạn "láng giềng" như vậy sẽ chẳng nói nhiều về bệnh mình và chẳng than thở luôn mồm từ sáng đến tối đâu. Trái lại, ở cùng buồng với một người như vậy, có thể quên hết nỗi đau buồn của chính bản thân mình. Pa-ven thầm nghĩ "Tiếc thật, mình chẳng biết một tiếng Đức quái nào cả".
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách