Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết ] Tay Cự Phách | Sidney Sheldon

[Lấy địa chỉ]
41#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 04:37:37 | Chỉ xem của tác giả
Sự vắng mặt của David là cái chết đối với Kate. Nàng đã mất bao thời gian mới chiếm được chàng, và bây giờ nỗi lo sợ ghê rợn sẽ mất chàng cứ len lỏi trong tâm trí nàng trong từng giây phút của cuộc đời. Anh lúc nào cũng như ở bên nàng. Nàng tưởng như nghe tiếng anh qua giọng nói của một người lạ mặt, tiếng cười đột ngột nổi lên trên đường phố, một câu nói, một hương thơm, một điệu hát. Anh ở khắp mọi nơi. Mỗi ngày nàng viết cho anh một lá thư rất dài. Mỗi khi nhận được thư anh, nàng đọc đi đọc lại cho đến khi nó rách bươm ra. Anh vẫn mạnh khoẻ, anh viết thư cho nàng. Quân Đức có ưu thế trên không, nhưng điều ấy sẽ thay đổi. Có nhiều tin đồn cho biết rằng nước Mỹ sẽ giúp. Anh sẽ viết thư cho nàng, khi nào có thể. Anh yêu nàng.

“Đừng để chuyện gì xảy ra cho anh, anh yêu quý ạ, Nếu có chuyện gì, em sẽ ghét anh vô cùng.”

Nàng cố quên nỗi khổ sở cô đơn bằng cách vùi đầu vào công việc. Lúc chiến tranh bắt đầu, Pháp và Đức có những lực lượng chiến đấu được trang bị đầy đủ nhất Âu châu, nhưng quân đồng minh có nhân lực, tài nguyên và vật liệu lớn lao hơn. Nước Nga, với quân đội đông nhất, không được trang bị đầy đủ và cấp chỉ huy kém.

“Họ đều cần sự giúp đỡ”, Kate nói với Brad Rogers. “Họ cần xe tăng, súng ống và đạn dược”.

Brad Rogers cảm thấy khó chịu. “Kate ạ, David không cho rằng…”

“David không có mặt ở đây, Brad ạ. Tất cả đều do anh và tôi quyết định”.

Nhưng Brad đã hiểu ý của Kate. Tất cả đều do nàng quyết định.

Kate không thể nào hiểu được thái độ của David về việc chế tạo vũ khí. Quân đồng minh cần có vũ khí, và Kate nghĩ rằng nhiệm vụ yêu nước của nàng là cung cấp vũ khí cho họ. Nàng thảo luận vấn đề này với lãnh tụ của năm, sáu nước bạn, và trong vòng một năm, Công ty Hữu hạn Kruger-Brent chế tạo súng, xe tăng, bom và đạn dược. Công ty cũng cung cấp xe hoả, xe tăng, quân phục và súng. Kruger-Brent nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức phát triển nhanh chóng trên thế giới. Khi Kate trông thấy những con số lợi tức gần đây nhất, nàng nói với Brad Rogers, “Anh có thấy các con số này không? David sẽ phải thú nhận rằng anh ấy đã nhầm”.

Trong thời gian ấy, Nam Phi đang ở trong tình trạng xáo trộn. Các lãnh tụ các đảng phái cam kết ủng hộ đồng minh, và nhận trách nhiệm bảo vệ Nam Phi chống lại quân Đức, nhưng đa số người Afrikaner chống lại sự ủng hộ của đất nước họ đối với nước Anh. Họ không thể quên đi quá khứ một cách nhanh chóng.

Ở Âu châu, chiến tranh diễn ra không mấy tốt đẹp cho quân Đồng minh. Cuộc chiến đấu ở mặt trận phía Tây đi đến chỗ ngưng trệ. Cả hai phe đều đào hầm cố thủ, được bảo vệ trong các chiến hào trải dài ngang qua Pháp và Bỉ. Binh lính rất khổ sở. Nước mưa và bùn tràn ngập các hầm trú ẩn, chuột bò lúc nhúc trong các chiến hào. Kate mừng rằng David lúc ấy chỉ phải chiến đấu trên không.

Ngày 6 tháng tư, 1917, Tổng thống Wilson tuyên chiến. Như vậy là lời tiên đoán của David đã thành sự thực. Nước Mỹ bắt đầu động viên quân sĩ.

Lực lượng viễn chinh đầu tiên của Mỹ, dưới quyền chỉ huy của tướng John J. Pershing, bắt đầu đổ bộ vào Pháp vào ngày 26 tháng sáu, 1917. Tên của nhiều địa điểm mới trở thành quen thuộc trong ngôn ngữ của mọi người: Saint Mihiel… Château Thierry… Meuse Argonne … Belleau Wood … Werdun… Quân Đồng minh trở thành một lực lượng không ai chống cự nổi, và đến ngày 11 tháng mười một, 1918, cuộc chiến tranh kết thúc. Thế giới trở nên an toàn để xây dựng nền dân chủ.

David đang trên đường trở về nhà.

Khi David rời chiếc tàu chở quân lên bờ ở New York , Kate đã chờ đón anh ở đó. Hai người nhìn nhau tưởng chừng như vô tận, không còn biết gì đến những tiếng ồn ào của mọi người xung quanh. Kate nhảy xổ vào vòng tay David. Trông anh gầy đi và mệt mỏi. Lạy Chúa! Mình nhớ anh ấy quá. Nàng có sẵn hàng nghìn câu hỏi để hỏi anh, nhưng họ có thể chờ đợi. Kate nói, “Em sẽ đưa anh đến Ngôi nhà Trên Đồi Thông. Đó là một nơi tuyệt hảo để anh nghỉ ngơi”.

*     *     *

Kate đã chuẩn bị rất nhiều thứ trong ngôi nhà này để chở đón ngày trở về của David. Căn phòng khách rộng lớn, thoáng khí đã được bày biện sang trọng với hai chiếc ghế sô pha giống hệt nhau, bọc vải hoa màu hồng và xanh lục. Những chiếc ghế bành nhồi long tơ rất hợp với nhay được xếp xung quanh lò sưởi. Trên lò sưởi là những bức tranh vẽ hoa của Vlaminck, và ở mỗi bên có những cây đèn mạ vàng. Hai bộ cửa kiểu Pháp mở ra hàng hiên chạy dài theo toà nhà ở ba phía, được che bằng một tấm vải bạt có kẻ sọc. Các căn phòng đều sáng sủa, thoáng khí, và nhìn ra quang cảnh hải cảng thật là ngoạn mục.

Kate dẫn David đi suốt ngôi nhà, vừa đi vừa nói chuyện thật là vui vẻ. Anh trông có vẻ trầm ngâm một cách lạ lùng. Sau khi đã xem xong khắp nơi, Kate hỏi, “Anh có thích những gì em đã sắp đặt trong ngôi nhà này không, anh yêu quý?”

“Đẹp lắm, Kate ạ. Bây giờ, em hãy ngồi xuống, anh muốn nói chuyện với em”.

Nàng đột nhiên cảm thấy nôn nao. “Có chuyện gì vậy?”

“Có vẻ như chúng ta trở thành kẻ cung cấp súng ống, đạn dược cho một nửa thế giới”.

“Chờ đến khi nào anh xem xét sổ sách đã”. Kate nói. “Lợi nhuận của chúng ta đã…”

“Anh đang nói về một chuyện khác kia. Nếu anh nhớ không lầm, lợi nhuận chúng ta cũng rất khá lúc anh ra đi. Anh tưởng rằng anh với em đã đồng ý với nhau rằng chúng ta không dính dáng gì đến việc chế tạo các đồ trang bị quân sự”.

Kate cảm thấy cơn giận của nàng dâng lên. “Anh đồng ý, chứ em có đồng ý đâu”. Nàng cố dằn lại cơn giận của mình. “Thời buổi thay đổi rồi, David ạ. Chúng ta phải thay đổi cùng nó”.

Anh nhìn nàng, rồi lặng lẽ hỏi, “Thế em đã thay đổi hay sao?”

*     *     *

Nằm trên giường đêm hôm ấy, Kate tự hỏi không biết chính nàng đã thay đổi, hay là David. Nàng đã trở nên mạnh mẽ hơn hay là David đã yếu đi nhỉ? Nàng nghĩ đến luận cứ của chàng chống lại việc sản xuất vũ khí. Đó là một luận cứ yếu ớt. Dẫu sao, phải có người nào đó cung cấp hàng hoá cho quân đội, và lợi nhuận trong việc làm này rất là lớn. Đã có chuyện gì xảy ra ảnh hưởng đến ý thức kinh doanh của David? Lâu nay nàng vẫn coi chàng là một con người thông minh, tài giỏi nhất nàng từng thấy. Nhưng bây giờ, nàng cảm thấy mình có khả năng điều khiển công việc kinh doanh giỏi hơn David. Nàng trải qua suốt một đêm không ngủ.

Đến buổi sáng, Kate và David cùng ngồi ăn điểm tâm, rồi đi dạo quanh vườn.

“Thật là đẹp”. David nói, “Anh rất sung sướng được ở đây”.

Kate nói, “Về câu chuyện giữa chúng ta tối hôm qua…”

“Chuyện ấy giải quyết rồi. Lúc ấy anh đi vắng, và em đã làm những gì mà em cho là phải”.

Không biết mình có làm như vậy không, nếu lúc ấy David có mặt ở đây? Kate tự hỏi. Nhưng nàng không nói ý nghĩ ấy lên. Nàng đã làm những công việc ấy vì lợi ích của công ty. Phải chăng công ty còn quan trọng hơn cuộc hôn nhân của mình? Nàng sợ không dám đưa ra câu trả lời.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

42#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:13:20 | Chỉ xem của tác giả
Chương 17


Năm năm kế tiếp đó chứng kiến một thời kì tăng trưởng khó tin nổi trên khắp thế giới. Công ty Kruger-Brent đã được xây dựng trên cơ sở kim cương và vàng, nhưng nó đã được đa dạng hoá và mở rộng ra khắp thế giới, đến nỗi trung tâm hoạt động của nó không còn ở Nam Phi nữa. Gần đây công ty đã thụ đắc được một cơ sở xuất bản lớn, một công ty bảo hiểm và nửa triệu mẫu đất để trồng cây lấy gỗ.

Một buổi tối nọ, Kate lay David dậy và nói, “Anh yêu quý, chúng ta hãy di chuyển trụ sở chính của công ty”.

David lảo đảo ngồi dậy. “S… sao?”

“Trung tâm kinh doanh thế giới ngày nay là New York . Đó là nơi chúng ta nên đặt trụ sở chính cho công ty. Nam Phi lại quá xa mọi nơi. Ngoài ra, với điện thoại và điện tín như chúng ta có ngày nay, chúng ta có thể liên lạc với bất cứ văn phòng nào của chúng ta chỉ trong mấy phút”.

“Tại sao anh lại không nghĩ đến điều ấy nhỉ”. David lẩm bẩm, rồi lại lăn ra ngủ.

*     *     *

New York là một thế giới mới rất thú vị. Trong những lần viếng thăm đầu tiên nơi ấy, Kate đã cảm thấy nhịp đập nhanh của thành phố, nhưng sống ở đây chả khác nào như bị mắc kẹt vào giữa một ma trận. Trái đất có vẻ như quay nhanh hơn, mọi vật đều cử động theo một tốc độ nhanh chóng hơn.

Kate và David lựa chọn một địa điểm cho trụ sở mới của công ty trên đừơng Wall Strett, và các kiến trúc sư khởi sự công việc. Kate lựa chọn một số kiến trúc sư khác để vẽ kiểu một toà nhà lớn theo kiểu thời Phục hưng ở Pháp vào thế kỉ mười sáu.

“Thành phố này ồn ào kinh khủng”, David phàn nàn.

Đúng như vậy. Tiếng ầm ầm của máy tán đinh tràn ngập không khí ở khắp nơi trong thành phố, trong khi các nhà chọc trời bắt đầu mọc lên cao vút đến trời xanh. New York đã trở thành một thánh địa cho thương mại từ khắp nơi trên thế giới, là trung tâm đóng tàu, bảo hiểm, giao thông và chuyên chở. Đó là một thành phố đang nổ bùng lên với một sức sống độc đáo. Kate yêu thích nó, nhưng nàng cũng ý thức được nỗi khổ sở của David.

“David ạ, đây là tương lai. Nơi này sẽ tăng trưởng và chúng ta lớn lên cùng với nó”.

“Lạy Chúa, Kate, em còn muốn có được thêm bao nhiêu nữa?”

Không cần phải suy nghĩ, nàng đáp, “Tất cả mọi thứ trên đời này”.

Nàng không hiểu tại sao David lại đặt một câu hỏi như thế. Đã dấn thân vào trò chơi là phải thắng, và người ta thắng bằng cách đánh gục người khác. Điều đó thật là rõ ràng đối với nàng. Nhưng sao David lại không thể thấy được? David là một nhà kinh doanh giỏi, nhưng anh vẫn thiếu một thứ. Đó là sự khao khát, một sự thôi thúc mạnh mẽ là phải chinh phục, để trở thành kẻ lớn nhất, giỏi nhất. Cha nàng đã có tinh thần ấy, và nàng cũng có. Kate không biết rõ tư tưởng này đến với nàng từ bao giờ, nhưng ở vào một thời điểm nào đó trong đời nàng, công ty này sẽ trở thành ông chủ, còn nàng là tên nô lệ. Nó làm chủ nàng hơn là nàng làm chủ nó.

Khi nàng cố giải thích các cảm nghĩ của mình cho David thì anh cười rộ lên và nói, “Em đã làm việc quá nhiều”. Nàng sao giống cha nàng thế, David thầm nghĩ. Và chính anh hình như đã nhận ra một cách mơ hồ rằng điều ấy thật đáng lo ngại.

Làm sao người ta lại có thể làm việc quá nhiều được? Kate tự hỏi. Trong đời nàng không có gì vui thú hơn là công việc. Đó là lúc nàng cảm thấy sống động nhất. Mỗi ngày đem đến cho nàng một loạt vấn đề mới, và mỗi vấn đề là một thử thách, một câu đố cần phải tìm cách giải, một trò chơi cần phải thắng. Và nàng đã thành công tuyệt vời trong đó. Nàng bị mắc kẹt vào một thứ gì ngoài sự tưởng tượng. Nó không có liên quan gì đến tiền bạc hay thành tích; nó có liên qua đến quyền lực. Một thứ quyền lực kiểm soát đời sống của hàng nghìn con người trong mọi ngõ ngách của trái đất. Giống hệt như cuộc đời nàng trước kia đã từng bị những người khác kiểm soát. Chừng nào mà nàng có quyền lực, nàng sẽ không bao giờ cần bất cứ ai. Đó là một thứ vũ khí ngoài sức tưởng tượng.

Kate được mời dùng cơm với các vị vua, nữ hoàng và tổng thống. Tất cả đều mong đợi đặc ân, thiện chí của nàng. Một nhà máy Kruger-Brent có nghĩa là sự khác biệt giữa giàu và nghèo. Quyền lực. Công ty là một vật sống. Nó là một tên khổng lồ đang lớn, cần phải được cho ăn, và đôi khi cần có những sự hi sinh, vì tên không lồ ấy không thể bị còng chân lại được. Bây giờ Kate hiểu điều đó. Nó có một nhịp điệu, một nhịp đập, và nó đã thuộc về nàng rồi.

Vào tháng ba, sau khi đã chuyển đến New York , Kate cảm thấy trong người không được khoẻ. David khuyên nàng nên đi khám bác sĩ.

“Tên ông ấy là John Harley. Ông ta là một bác sĩ trẻ có tiếng tăm”.

Miễn cưỡng, Kate đến gặp ông bác sĩ. John Harley là dân Boston , người gầy còm, vẻ nghiêm trang, trạc hai mươi sáu tuổi, tức nhỏ hơn Kate năm tuổi.

“Tôi nói trước với ông nhé”, Kate nói với bác sĩ, “tôi không có thì giờ đâu để mà ốm”.

“Vâng, tôi xin nhớ điều đó, bà Blackwell ạ. Trong khi chờ đợi, tôi xin khám cho bà một chút”.

Bác sĩ Harley khám sức khoẻ nàng, làm một vài xét nghiệm, rồi nói, “Tôi chắc chẳng có gì đáng ngại đâu. Tôi sẽ có kết quả trong vòng một vài ngày. Xin bà gọi dây nói đến cho tôi vào ngày thứ tư”.

*     *    *

Sáng sớm ngày thứ tư, Kate gọi điện thoại cho bác sĩ Harley. “Tôi có tin mừng báo cho bà hay, bà Blackwell ạ”, ông nói một cách vui vẻ. “Bà sắp có cháu bé rồi đấy”.

Thật là giây phút vui mừng tột độ trong cuộc đời của Kate. Nàng nóng lòng báo cho David biết ngay tin này.

Nàng chưa bao giờ thấy David vui sướng đến như thế. Anh nhấc bổng nàng lên trong vòng tay khoẻ mạnh và nói, “Nó sẽ là con gái, nó sẽ giống hệt như em”. Anh thầm nghĩ, đây chính là điều mà Kate đang cần. Bây giờ, nàng sẽ phải ở nhà nhiều hơn. Nàng sẽ là một người vợ theo đúng nghĩa hơn.

Nhưng Kate lại có một ý nghĩ khác. Nó sẽ là một đứa con trai. Một ngày kia, nó sẽ nắm lấy công ty Kruger-Brent.

*     *     *

Khi ngày sinh đứa bé gần kề, Kate làm việc trong những khoảng thời gian ngắn hơn, nhưng nàng vẫn có mặt ở văn phòng mỗi ngày.

“Em hãy quên công việc và nghỉ ngơi đi”, David khuyên Kate.

Anh không hiểu được là công việc mới chính là lối nghỉ ngơi, làm nàng bớt căng thẳng.

Ngày sinh của đứa bé được dự trù vào tháng mười hai. “Em sẽ cố gắng sinh nó ra vào ngày hai mươi nhăm”, Kate hứa với David. “Nó sẽ là món quà Giáng sinh của chúng ta”.

Đó sẽ là một ngày Giáng sinh hoàn hảo, Kate thầm nghĩ. Nàng đứng đầu một tổ hợp công ty, lấy được người đàn ông mà nàng yêu, và nàng sẽ có một đứa con. Nếu có một sự mỉa mai trong thứ tự của các ưu tiên ấy của nàng, Kate cũng không nhận thức được.

*     *     *

Thân hình nàng đã lớn ra và khó coi, và mỗi ngày Kate lại càng thấy khó đi đến văn phòng, thế nhưng mỗi khi David hay Brad Rogers đề nghị nàng nên ở nhà thì nàng lại nói, “Trí óc của tôi vẫn đang hoạt động”. Hai tuần lễ trước khi đứa bé ra đời, David đang đi Phi châu, thanh tra vùng mỏ ở Pniel. Anh dự tính sẽ trở về New York trong tuần sau.

Kate đang ngồi ở bàn giấy thì Brad Rogers bước vào mà không báo trước. Trông thất nét mặt cau có của Brad, Kate liền hỏi, “Vụ giao dịch Shannon thất bại rồi, phải không?”

“Không, tôi… tôi vừa được tin xấu. Vừa xảy ra một tai nạn. Một vụ nổ ở mỏ”.

Nàng cảm thấy đau nhói, “Ở đâu vậy? Có tệ lắm không? Có ai bị chết không?”

Brad thở một cái thật sâu. “Sáu người. David cũng ở trong số đó, Kate ạ”.

Những tiếng nói ấy như tràn khắp căn phòng, rồi dội lại bức tường lót ván gỗ, mỗi lúc mội to hơn, cho đến khi chúng trở thành một tiếng kêu thét trong tai nàng, một ngọn thác Niagara bằng âm thanh đang dìm nàng xuống, rồi nàng cảm thấy mình như bị hút vào trung tâm, sâu hơn nữa, hơn nữa, cho đến khi nàng không còn thở được nữa.

Tất cả mọi vật đều tối sầm lại và im lặng.

Đứa bé ra đời một giờ sau đó, sớm hơn hai tuần. Kate đặt tên cho bé trai ấy là Anthony James Blackwell, theo tên cha của David. Mẹ sẽ yêu con vì mẹ; mẹ sẽ yêu con vì bố.

Một tháng sau, toà lâu đài mới trên đại lộ Năm đã hoàn tất, Kate, cùng với con trai và các gia nhân dọn đến đó ở. Hai toà lâu đài ở Ý đã được gỡ ra để trang bị cho ngôi nhà này. Đó là một nơi trưng bày các đồ gỗ chạm trổ công phu theo kiểu Ý thế kỉ mười sáu, những sàn nhà bằng đá cẩm thạch hồng viền bằng cẩm thạch đỏ sẫm. Thư viện lót ván gỗ phô trương những chiếc lò sưởi tuyệt đẹp kiểu thế kỷ mười tám, trên đó có treo một bức tranh hiếm của Holbein. Lại còn có một phòng trưng bày chiến lợi phẩm với bộ sưu tập súng của David, và một phòng tranh đầy những bức hoạ của Rembrandt, Verneer, Valsqueze và Bellini. Có một phòng khiêu vũ, một phòng khách có nhiều cửa lớn, một phòng ăn chính thức, và một phòng nuôi trẻ cạnh ngay phòng của Kate, và không biết bao nhiêu phòng ngủ. Trong các khu vườn có các pho tượng của Rodin, Augustus Saint Gaudens va Maillol. Đó là toà lâu đài thích hợp cho một vị vua. Và vị vua đang lớn lên ở đó, Kate thầm nghĩ.

Năm 1928, khi Tony lên bốn tuổi, Kate gửi nó đến một trường mẫu giáo. Nó là một đứa bé xinh đẹp, nghiêm trang, có cặp mắt xám và cái cằm bướng bỉnh của mẹ. Nó được học âm nhạc, và khi lên năm, nó theo học trường múa. Những thời gian vui sướng nhất của hai mẹ con là khi họ sống bên nhau ở Ngôi nhà Trên Đồi Thông ở Dark Harbor . Kate mua một chiếc thuyền buồm có gắn động cơ, dài chừng hai mươi sáu thước, mà nàng đặt tên cho là “Cướp Biển”. Nàng và Tony thường đi trên chiếc thuyền buồm ấy chạy dọc theo bờ biển Maine . Tony rất thích. Nhưng chính công việc mới làm cho Kate cảm thấy vui sướng nhất.

Có một vẻ thần bí về công ty Kruger-Brent mà Jamie McGregor đã thiết lập nên. Nó là vật sống, nó là người yêu, và sẽ không bao giờ chết vào một ngày mùa đông để lại nàng cô đơn. Nó sẽ sống vĩnh viễn. Nàng sẽ bảo đảm cho sự sống còn của nó. Rồi một ngày kia, nàng sẽ trao nó lại cho con nàng.

Điều duy nhất khiến nàng băn khoăn, lo nghĩ là nơi quê hương của nàng. Nàng rất lo lắng về Nam Phi. Những vấn đề chủng tộc ở đó mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng, khiến Kate cảm thấy băn khoăn. Ở đó hai phe chính trị đối lập nhau: nhóm “Verkramtes”, là nhóm người có đầu óc chật hẹp, chủ trương kì thị chủng tộc – và nhóm “Verligtes”, sáng suốt hơn, vẫn mong muốn cải thiện vị thế của người da đen. Ông thủ tướng James Hertzog cùng với Jan Smut đã thiết lập một liên minh và phối hợp quyền lực với nhau để cho thông qua một đạo luật mới về đất đai. Người da đen bị xoá tên khỏi các danh sách và không có quyền đi bầu hay làm chủ đất đai. Hàng triệu người thuộc các nhóm thiểu số khác nhau đều bị xáo trộn bởi đạo luật mới này. Các vùng không có các mỏ kim loại, không có các trung tâm kĩ nghệ hay các cảng, thì được dành cho những người da màu, da đen và Ấn Độ.

Kate xếp đặt một phiên họp với các viên chức cao cấp ở Nam Phi. “Đây là một trái bom”, Kate nói với họ, “Điều mà các ông đang làm là cố giữ tám triệu người trong vòng nô lệ”.

“Đó không phải là nô lệ, bà Blackwell ạ. Chúng tôi làm như thế là vì lợi ích của họ”.

“Thật vậy sao? Làm thế nào các ông giải thích được điều ấy?”

“Mỗi sắc tộc đều có cái gì đó để đóng góp. Nếu người da đen hoà lẫn với người da trắng, họ sẽ mất đi cá tính của mình. Chúng tôi cố bảo vệ cho họ”.

“Thật là vô nghĩa lý”, Kate cãi lại. “Nam Phi đã trở thành một địa ngục kì thị chủng tộc”.

“Điều đó không đúng. Người da đen từ những nước khác đã từ nghìn dặm đến đây để được vào xứ này. Họ trả đến năm mươi bảng Anh để có một giấy thông hành giả mạo. Người da đen được sống sung sướng ở đây hơn các nơi khác”.

“Vậy thì họ thật đáng thương hại”, Kate nói.

“Bọn chúng là những đứa trẻ con sơ khai thôi, bà Blackwell ạ. Đó chính là vì lợi ích cho họ”.

Kate rời khỏi phiên họp, trong lòng thất vọng và rất lo sợ cho đất nước của nàng.

Kate cũng lo lắng cho Banda. Mấy lâu nay, tên ông được nhắc nhiều lần trên báo chí. Các nhật báo ở Nam Phi gọi ông là “Cây địa du đỏ” và trong các câu chuyện họ kể vẫn có một vẻ thán phục miễn cưỡng. Ông trốn thoát khỏi tay cảnh sát bằng cách hoá trang thành một người cày ruộng, tài xế xe hơi hay gác cổng. Ông đã tổ chức một đạo quân du kích và đứng hàng đầu trong danh sách những người bị truy lùng gắt gao nhất. Một bài viết trên tờ báo Cape Times kể lại rằng ông được những người biểu tình khiêng trên vai, đi diễu một cách đắc thắng trên khắp các con đường của một làng da đen. Ông đi từ làng này đến làng khác để nói chuyện với các học sinh, nhưng mỗi khi cảnh sát được tin về sự xuất hiện của Banda thì ông lại biến đi đâu mất. Người ta bảo ông có một toán cận vệ đông đến hàng trăm người, gồm toàn bạn bè và những người trung thành với ông. Mỗi đêm ông ngủ tại một nhà khác. Kate biết rằng chỉ có cái chết mới làm ông ngưng hoạt động mà thôi.

Nàng phải tiếp xúc được với ông. Nàng gọi một tên đốc công trước kia của nàng, một người nàng có thể tin cậy, và hỏi anh ta, “William này, anh có thể tìm ra được Banda cho tôi không?”

“Chỉ khi nào ông ấy muốn thì mới được”.

“Vậy anh hãy thử đi. Tôi muốn gặp ông ấy”.

“Để tôi nghĩ xem có cách nào”.

Sáng hôm sau, viên đốc công ấy nói, “Nếu tối nay bà rảnh, sẽ có một chiếc xe đưa bà về đồng quê”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

43#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:14:37 | Chỉ xem của tác giả
Kate được đưa đến một ngôi làng nhỏ cách Johannesburg bảy mươi dặm. Người tài xế dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ. Kate bước vào bên trong. Banda đang ngồi ở đó chờ đợi nàng. Ông trông vẫn như hồi nàng gặp ông trước kia. Chắc bác ấy nay đã sáu mươi tuổi rồi, Kate thầm nghĩ. Ông đã đi trốn trong nhiều năm để thoát khỏi tay cảnh sát, thế nhưng trông ông vẫn trầm tĩnh, thoải mái.

Ông ôm lấy Kate và nói, “Mỗi lúc cô trông lại càng đẹp hơn”.

Nàng cười, “Tôi đã già đi. Ít năm nữa thôi, tôi sẽ bốn mươi tuổi rồi”.

“Tuổi tác không ảnh hưởng đến cô bao nhiêu cả”, Banda nói.

Hai người đi vào trong bếp, và trong khi Banda đang pha cà phê, Kate nói, “Tôi không thích những chuyện đang xảy ra, bác Banda ạ. Như vậy rồi sẽ đi đến đâu?”

“Rồi đây sẽ còn xấu hơn nữa”, Banda nói một cách đơn giản. “Chính phủ không cho phép chúng tôi nói chuyện với họ. Người da trắng đã phá hỏng những chiếc cầu thông cảm giữa chúng tôi và họ, rồi một ngày kia họ sẽ thấy cần những chiếc cầu như thế để đến với chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã có những vị anh hùng như Kate, Nehremish Tile, Mokone, Richard Msimang. Người da trắng khiêu khích chúng tôi, đẩy chúng tôi chạy loanh quanh giống như xua một bầy gia súc đi ăn cỏ”.

“Không phải người da trắng nào cũng như vậy”, Kate nói. “Bác có những người bạn đang chiến đấu để tạo nên những sự thay đổi. Điều này sẽ xảy ra một ngày nào đó, bác Banda ạ, nhưng cần phải có thời gian”.

“Thời gian giống như cát trong chiếc bình thuỷ tinh chỉ giờ. Nó sẽ cạn đi”.

“Bác Banda ạ. Ntame và Magena bây giờ ra sao rồi?”

“Vợ và con trai tôi đang lẩn trốn”, Banda nói với vẻ buồn bã, “Cảnh sát vẫn đang còn săn lùng tôi ráo riết”.

“Vậy thì tôi có thể làm gì được để giúp bác? Tôi không thể nào ngồi yên, chẳng làm gì cả. Tiền bạc có giúp được gì không?”

“Bao giờ tiền bạc cũng có ích lợi”.

“Tôi sẽ thu xếp chuyện đó cho bác. Còn gì nữa không?”

“Cầu nguyện, Kate ạ. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.

Sáng hôm sau, Kate lên đường trở về New York .

Khi Tony đã khá lớn, có thể đi du lịch được, Kate đem nó đi theo trong những cuộc hành trình công vụ, vào những dịp nghỉ của nó. Tony rất thích các viện bảo tàng, và có thể đứng hàng giờ ngắm các bức tranh và pho tượng của những nghệ sị bậc thầy. Ở nhà, Tony vẽ lại các bức họa treo trên tường, nhưng nó quá e thẹn, không dám đưa cho mẹ nó xem.

Nó rất dễ thương, thông minh và vui tính. Ngoài ra nó lại có tính bẽn lẽn, nhút nhát khiến cho mọi người cảm thấy dễ mến hơn nữa. Kate hãnh diện về con mình. Nó lúc nào cũng đứng đầu lớp. “Con đánh bại tất cả bọn chúng, phải không, con yêu quý của mẹ?” Thế rồi nàng cười to lên, ôm choàng lấy đứa con trong vòng tay.

Bé Tony lại cố gắng hơn nữa để xứng đáng với các kì vọng của mẹ nó.

Năm 1936, vào lần sinh nhật thứ mười hai của Tony, Kate trở về nhà sau một cuộc du hàng ở Trung Đông. Nàng rất nhớ Tony, và nóng lòng muốn gặp lại con. Tony đang ở nhà chờ mẹ. Nàng ôm nó vào lòng, hôn tíu tít và nói, “Mừng con nhân ngày sinh nhật! Ngày hôm nay con thấy có vui không?”

“Th… thưa m… mẹ. Co… con vu… vui lắm ạ”.

Kate lùi lại một bước, nhìn con chằm chằm. Nàng chưa hề thấy nó nói cà lăm như thế bao giờ. “Con có khoẻ không, Tony?”

“Kh… khoẻ. Cả… Cảm m… mơn m… mẹ”.

“Con không được nói cà lăm như thế. Nói thật chậm đi nào”.

“Vâng, th… thưa, M… mẹ”.

Trong năm tuần lễ kế tiếp đó, cái tật này của nó lại càng tệ hơn nữa. Kate quyết định phải nói chuyện với bác sĩ Harley. Sau khi khám xong, John Harley nói, “Về thể chất, chẳng có gì đáng ngại cả. Cậu ấy có bị một thứ áp lực gì đó không?”

“Con trai tôi à? Dĩ nhiên là không. Tại sao ông lại hỏi như vậy?”

“Tony là một đứa bé nhạy cảm. Tật cà lăm thường là một sự biểu hiện về mặt thể chất của một tâm trạng thất vọng, thấy mình không có khả năng đối phó”.

“Ông lầm rồi, bác sĩ ạ. Tony đứng hàng đầu về các trắc nghiệm học tập ở trường. Học kì vừa rồi, nó chiếm ba phần thưởng. Nó là một vận động viên hàng đầu, một học sinh giỏi nhất về mọi mặt, đứng đầu về các môn học nghệ thuật, văn chương. Không thể nói rằng như vậy là không có khả năng đối phó được”.

“À ra thế”, Ông nhìn thẳng vào mặt nàng. “Bà làm như thế nào mỗi khi cậu ấy nói cà lăm?”

“Cố nhiên là tôi sửa chữa cho nó”.

“Tôi đề nghị rằng bà không nên làm như thế. Bà càng cố sửa chữa, cậu ấy càng nói cà lăm nhiều hơn”.

Kate nổi giận, “Nếu Tony có vấn đề gì về mặt tâm lý, như ông nói, thì đó không phải là do mẹ nó. Tôi yêu quý nó. Nó cũng biết rõ điều ấy. Nó cũng biết rằng tôi cho nó là một đứa trẻ đặc biệt nhất trên thế gian này”.

Đó mới chính là cốt lõi của vấn đề. Không đứa trẻ nào có thể sống cho thật xứng đáng với điều kì vọng lớn lao ấy. Bác sĩ Harley nhìn xuống bản đồ biểu của ông. “Xem nào. Cậu bé lên mười hai rồi, phải không?”

“Phải”.

“Có lẽ tốt hơn hết bà cho cậu ấy đi xa một thời gian. Có thể đến một trường học tư ở một nơi nào đó”.

Kate nhìn ông bác sĩ chằm chằm.

“Để cho cậu ấy sống độc lập một thời gian. Cho đến khi cậu ấy học xong bậc trung học, Có một ít trường học rất tốt ở Thuỵ Sĩ”.

Thuỵ Sĩ! Ý tưởng cho Tony đi học xa như vậy thật là khủng khiếp đối với Kate. “Nó đang còn nhỏ, chưa được sẵn sàng, nó…” Ông bác sĩ Harley nhìn nàng, chờ đợi. “Tôi sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này”, nàng nói.

Trưa hôm ấy, nàng huỷ bỏ một phiên họp của ban giám đốc, trở về nhà sớm. Tony đang ở trong phòng làm bài tập ở trường.

Tony nói, “Hô… hôm n… nay co… on đư… được toàn đi… ểm A, m… mẹ ạ”.

“Con có muốn đi học ở Thuỵ Sĩ không?”

Mặt Tony sáng lên. “Có đư… được khô… không, m… mẹ?”

Sáu tuần lễ sau, Kate cho Tony lên một chiếc tàu thuỷ. Nó lên đường đến trường Le Rosey ở Rolle, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Geneva . Kate đứng ở cầu tàu tại New York , nhìn cho đến khi chiếc tàu tách rời khỏi các tàu kéo. Mẹ kiếp! Mình lại phải vắng nó rồi. Rồi nàng quay lại, trở về chiếc xe hơi đang đứng đợi để đưa nàng về văn phòng.

Kate thích làm việc với Brad Rogers. Anh đã bốn mươi sáu tuổi, lớn hơn Kate hai tuổi. Qua nhiều năm tháng làm việc chung, họ đã trở thành những người bạn thân. Kate mến anh vì anh rất trung thành với Công ty Kruger-Brent. Brad chưa lập gia đình và có khá nhiều cô bạn gái xinh đẹp, nhưng dần dần Kate nhận ra rằng anh đã yêu nàng. Nhiều lần anh đưa ra những nhận xét cố tình làm ra vẻ mập mờ, khó hiểu, nhưng nàng muốn giữ mối liên hệ giữa hai người ở mức độ khách quan, nặng nề tính công việc. Nhưng có một lần nàng đã phá thông lệ ấy.

Brad bắt đầu thăm viếng một người nào đó rất đều đặn. Anh thức khuya và sáng hôm sau đi dự các phiên họp với dáng điệu mệt mỏi. Anh có vẻ như đãng trí, đầu óc để ở đâu đâu. Thật là một dấu hiệu không tốt cho việc làm của công ty. Một tháng trôi qua, thái độ ấy của anh lại càng trắng trợn hơn nữa. Kate quyết định phải ra tay. Nàng nhớ lại xưa kia David cũng suýt rời bỏ công ty vì một người đàn bà. Nàng không thể để cho một việc tương tự xảy ra với Brad.

Kate chuẩn bị đi sang Paris để thâu nhận một công ty xuất nhập khẩu, nhưng vào phút cuối cùng, nàng yêu cầu Brad đi cùng với nàng. Ngày đầu tiên, khi họ đến nơi, hai người tham dự các phiên họp, rồi đến tối họ cùng ăn cơm ở Grand Véfour. Sau đó, Kate yêu cầu Brad đến gặp nàng ở dãy phòng nàng thuê tại khách sạn George V để cùng xem xét các báo cáo của công ty mới. Khi Brad đến nơi, Kate đang chờ đợi anh trong một chiếc áo choàng mặc ở nhà mỏng dính.

“Tôi đem đến cho chị bản đề nghị đã được sửa chữa”, Brad mở lời, “như vậy chúng ta…”

“Cái ấy có thể để sau hẵng tính”, Kate nói nhẹ nhàng. Trong giọng nàng có vẻ như mời mọc, khiến Brad phải nhìn vào mặt nàng lần nữa. “Tôi muốn chỉ có hai chúng ta ở đây thôi, Brad ạ”.

“Kate…”

Nàng ngả vào hai cánh tay của Brad, ôm chàng sát vào người.

“Lạy Chúa!” anh nói. “Anh đã yêu em quá lâu rồi”.

“Em cũng vậy, Brad ạ”.

Rồi cả hai người đi vào phòng ngủ.

Kate là một phụ nữ tràn đầy dục tính, nhưng tất cả năng lực của nàng được dồn vào các lĩnh vực khác. Nàng được hoàn toàn thoả mãn trong công việc. Nàng cần Brad vì những lí do khác…

Kate không bao giờ ân ái với Brad một lần thứ hai nữa. Khi anh tỏ ra không thể nào hiểu được lý do vì sao nàng từ chối anh, nàng nói, “Anh không biết được em yêu thích anh như thế nào, Brad ạ, nhưng em lo sợ rằng chúng ta sẽ không làm việc được với nhau lâu dài. Cả hai chúng ta phải hi sinh”.

Brad Rogers cũng đành phải chấp nhận như vậy.

Trong khi công ty mỗi ngày một bành trướng thêm mãi, Kate lập nên những cơ sở từ thiện đóng góp cho các trường đại học, các nhà thờ và trường học. Nàng tiếp tục bổ túc cho bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Nàng mua tranh của các danh hoạ thời kì Phục hưng và hậu Phục hưng như Raphael và Titian, Tintoretto và El Greco; và các hoạ sĩ thuộc xu hướng nghệ thuật baroque (1) như Rubens, Carevaggio và Van Dyck.

Bộ sưu tập của Blackwell nổi tiếng là bộ sưu tập của tư nhân quý giá nhất trên thế giới. Nổi tiếng, bởi vì không ai, ngoài các khách quý của gia đình, được phép xem bộ sưu tập ấy. Kate không cho phép người ta chụp ảnh các bức hoạ ấy, cũng không muốn thảo luận vấn đề với báo chí. Nàng có những quy tắc chặt chẽ, cứng rắn về báo chí. Cuộc sống riêng tư của gia đình Blackwell là điều không được ai xâm phạm. Cả gia nhân lẫn nhân viên công ty đều không được phép bàn luận về gia đình Blackwell. Dĩ nhiên, người ta không thể ngăn chặn được những tin đồn, những lời dự đoán, vì Kate Blackwell vốn là một nhân vật bí hiểm gây nhiều suy nghĩ, tò mò – một trong các phụ nữ giàu nhất, có quyền lực lớn lao nhất thế giới. Có hàng nghìn câu hỏi về nàng, nhưng rất ít lời giải đáp.

Kate điện thoại cho bà hiệu trưởng ở Le Rosey. “Tôi gọi điện thoại đến bà để hỏi xem Tony bây giờ ra sao”.

“À, cậu ấy học rất giỏi, bà Blackwell ạ. Con trai bà là một học sinh tuyệt vời…”

“Không, tôi không muốn hỏi về chuyện ấy”, nàng do dự một lát, như thể không muốn chấp nhận có một yếu kém nào trong gia đình Blackwell. “Tôi muốn hỏi về cái tật nói lắp của nó”.

“Thưa bà, tôi không thấy cậu ấy có dấu hiệu nào nói lắp cả. Cậu ấy hoàn toàn bình thường”.

Kate trút một tiếng thở dài khoan khoái. Nàng đã biết từ trước đến nay rằng cái tật ấy chì tạm thời thôi, một giai đoạn nào đó rồi sẽ phải qua đi. Mặc kệ các ông bác sĩ!

Tony trở về nhà bốn tuần lễ sau đó. Kate ra phi trường đón cậu. Tony trông có vẻ đẹp đẽ, khoẻ mạnh. Kate cảm thấy một niềm hãnh diện dâng tràn. “Chào con yêu quý của mẹ. Con khoẻ mạnh chứ?”

“Thư… thưa m… mẹ. Co… on vẫn kho… khoẻ. Thế cò… còn m… mẹ?”

Trong thời gian nghỉ ở nhà, Tony hăm hở muốn được xem những bức tranh mới mà mẹ cậu đã mua trong thời gian cậu vắng nhà. Cậu cảm thấy kinh hãi trước những bức hoạ của các bậc thầy, say mê với các bức tranh của các danh hoạ theo trường phái ấn tượng Pháp như Monet, Renoir, Manet và Morisot. Chúng gợi lên một thế giới thần bí đối với Tony. Cậu mua một bộ đủ các loại sơn, một cái giá vẽ, rồi bắt đầu làm việc. Cậu cho rằng những bức vẽ của cậu thật là kinh khủng nên không muốn đưa cho ai xem. Làm sao mà những bức hoạ của cậu có thể sánh được với những tác phẩm tuyệt tác ấy?

Kate nói với Tony, “Một ngày kia tất cả những bức hoạ này sẽ thuộc về con”.

Ý tưởng ấy gieo trong đầu óc của cậu bé mười ba tuổi một cảm giác khó chịu. Mẹ cậu không hiểu được cậu. Những bức hoạ ấy không bao giờ thực sự thuộc về cậu cả, bởi vì cậu đã không làm gì để có được chúng. Cậu có những cảm nghĩ mâu thuẫn khi thấy mình xa rời với mẹ cậu, vì tất cả mọi thứ xung quanh bà lúc nào cũng gây kích thích, sôi nổi. Bà ở ngay trung tâm điểm của một trận cuồng phong; bà đưa ra mệnh lệnh, thực hiện những vụ giao dịch lớn lao khó tưởng tượng nổi; bà đưa cậu đến những nơi xa lạ, giới thiệu cậu với những nhân vật nổi tiếng. Bà là một nhân vật đáng sợ, và cậu hãnh diện về bà vô cùng. Cậu cho rằng bà là một phụ nữ tuyệt vời, hấp dẫn nhất trên thế giới. Cậu cảm thấy vô cùng tội lỗi bởi vì chỉ khi trước mắt bà cậu mới nói lắp.

Kate không bao giờ có ý nghĩ rằng con trai bà rất kinh sợ bà cho đến một hôm, khi Tony về nhà trong dịp nghỉ, cậu hỏi, “Thư… thưa m…. mẹ, có… có… phải m… mẹ điều khi… iển cả thế giới không?”

Bà cười to và nói, “Dĩ nhiên là không rồi. Vì sao con lại đưa ra câu hỏi vớ vẩn như thế?”

“Tất cả… cả b… bạn bè con ở… ở trường đều nói về m… mẹ. Trời, mẹ thực sự là… là một c… cái gì đó…”

“Mẹ là “cái gì đó” thật, con ạ. Mẹ là mẹ của con mà”, Kate nói.

Tony muốn làm vừa lòng mẹ về tất cả mọi thứ. Cậu biết rằng đối với bà, công ty có một ý nghĩa rất lớn lao, bà đã làm biết bao nhiêu việc để chuẩn bị cho cậu sẽ đứng ra điều khiển nó một ngày nào đó, thế nhưng cậu lấy làm hối tiếc vì cậu biết cậu không thể làm như vậy được. Đó không phải là loại công việc mà cậu dự định sẽ làm trong cuộc đời mình.

Khi Tony giải thích điều này với mẹ thì bà cười to lên và nói, “Đừng có nói bậy, Tony ạ. Con đang còn ít tuổi quá, làm sao mà biết được việc gì con muốn làm trong tương lai?”.

Thế là cái tật cà lăm của Tony lại nổi lên.

Ý tưởng trở thành một hoạ sĩ khiến cho Tony cảm thấy thích thú. Bắt được cái đẹp, rồi giữ nó đông lạnh cho hậu thế vĩnh cửu, đó là một việc làm có ý nghĩa và thật là xứng đáng. Cậu muốn đi ra nước ngoài và theo học ở Pari, nhưng cậu biết rằng cậu sẽ phải đề cập đến vấn đề này với mẹ cậu một cách rất cẩn thận.

Hai mẹ con có những ngày vui tuyệt vời bên nhau. Kate là bà chủ của những bất động sản lớn lao. Bà đã mua những ngôi nhà ở Palm Beach và South Carolina , và một trại nuôi ngựa ở Kentucky . Bà và Tony vẫn thường đến thăm những nơi ấy trong các ngày nghỉ của Tony. Họ đi xem những cuộc đua tranh giải nước Mỹ ở Newport, và khi ở New York họ ăn cơm trưa tại nhà hàng Delmonico, dùng trà ở Plazza và ăn tối chủ nhật tại nhà hàng Luchow. Kate rất thích đua ngựa, và chuồng ngựa của bà được coi là tốt nhất thế giới. Khi nào một trong các con ngựa của bà tham gia cuộc đua và Tony có mặt ở nhà, bà thường đưa cậu đi đến trường đua. Hai người ngồi trong một lô riêng, và Tony thường ngạc nhiên nhìn thấy mẹ hò hét, hoan hô đến khản cả cổ. Cậu hiểu rằng sự vui sướng của bà không có liên quan gì đến tiền bạc.

“Nó sẽ thắng, Tony ạ. Nhớ điều đó nhé. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng nhất”.

Họ thường có những thời gian yên tĩnh, không làm gì cả, ở Dark Harbor . Họ mua sắm ở Pendleton và Coffin, ăn kem với sô đa ở tiệm Dark Harbor . Về mùa hè, họ đi thuyền, đi bộ, thăm viếng các bảo tàng. Về mùa đông, họ trượt trên băng, đi xe trượt tuyết. Họ ngồi trước lò sưởi trong thư viện, và Kate thường kể cho con trai nghe những chuyện xưa về gia đình, về ông nội của cậu, về Banda, và về buổi tặng quà mừng đứa trẻ mới sinh do bà Agnès và các cô gái đã tổ chức mừng bà nội của Tony. Thật là một gia đình nhiều màu sắc, một gia đình đáng hãnh diện và tràn đầy thương yếu.

“Kruger-Brent một ngày kia sẽ thuộc về con, Tony ạ. Con sẽ điều khiển nó và…”

“Co… con không muốn điều kh… khiển, mẹ ạ. Con không thích k… kinh doanh hay quyền lực”.

Chú thích:
(1) Nghệ thuật “baroque” là một loại nghệ thuật (tranh vẽ, kiến trúc) mà đặc điểm là dùng rất nhiều hình trang trí hoa hoè, và các đường cong, hơn là dùng các đường thẳng – Nghệ thuật này rất thịnh vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII (1550 – 1750).
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

44#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:17:35 | Chỉ xem của tác giả
Kate đùng đùng nổi giận, “Con điên rồi à? Con biết gì về kinh doanh lớn lao và quyền lực cơ chứ? Con nghĩ rằng mẹ đi khắp nơi trên thế giới để gieo rắc xấu xa hay sao? Làm hại người ta hay sao? Con nghĩ rằng Kruger-Brent là một bộ máy làm tiền tàn bạo đè bẹp tất cả những gì cản trở bước tiến của nó hay sao? Thôi, để mẹ nói cho con biết, con ạ. Nó là thứ tốt nhất nhì sau Chúa Giêsu đấy, con ạ. Chúng ta là sự phục sinh, chúng ta cứu sống hàng trăm nghìn người. Khi chúng ta mở một nhà máy trong một cộng đồng hay một xứ sở nghèo nàn, đình trệ, dân chúng ở đấy nhờ vậy mà có thể mở trường học, thư viện, nhà thờ; họ có thể cho con cái họ ăn mặc tử tề và có những phương tiện giải trí”. Bà thở thật mạnh, vì bị lôi cuốn trong cơn giận dữ. “Chúng ta xây dựng các nhà máy ở những nơi nào dân chúng đói khổ, không có việc làm, và nhờ chúng ta, họ có cuộc sống tử tế và có thể ngẩng đầu lên cao. Chúng ta trở thành những vị cứu thế. Từ nay, đừng để cho mẹ phải nghe những lời nhạo báng của con về kinh doanh lớn và quyền lực nữa”.

Tony chỉ cón biết thốt ra mấy lời, “Co… con xin lỗi m… mẹ”.

Nhưng trong thâm tâm, cậu vẫn nghĩ một cách bướng bỉnh, “Mình sẽ trở thành một nghệ sĩ”.

Khi Tony mười lăm tuổi, Kate đề nghị cậu nên nghỉ hè tại Nam Phi. Cậu chưa hề đến nơi ấy bao giờ. “Mẹ chưa thể đi được vào lúc này, Tony ạ, nhưng con sẽ thấy rằng nơi ấy hấp dẫn lắm. Mẹ sẽ thu xếp mọi thứ cho con”.

“Con hi vọng được… được nghỉ hè ở Dark Harbor , m… mẹ ạ”.

“Nghỉ hè sang năm”, bà nói giọng cương quyết. “Hè này mẹ muốn con ở Johannesburg ”.

Kate bàn luận cẩn thận với viên tổng đốc của công ty Johannesburg , và hai người cùng vạch ra lộ trình cho Tony. Mỗi ngày đều được sắp đặt cho một mục tiêu nhất định: tạo cho cuộc hành trình này trở nên thích thú tối đa đối với Tony, đồng thời giúp cậu nhận thức được tương lai của cậu gắn liền với công ty.

Kate nhận được báo cáo hàng ngày về con trai. Cậu đã được đi thăm một trong các mỏ vàng. Cậu đã trải qua hai ngày tại mỏ kim cương. Cậu đã được hướng dẫn đi thăm các nhà máy của Kruger-Brent và cùng tham dự một cuộc đi săn ở Kenya .

Một ít ngày trước khi kì nghỉ của Tony kết thúc, Kate điện thoại cho viên quản đốc công ty ở Johannesburg . “Tony bây giờ tiến bộ ra sao?”

“Ồ, cậu ấy vui thích lắm, thưa bà Blackwell. Thật thế, sáng nay cậu ấy hỏi thêm có thể ở lại lâu thêm chút nữa được không?”

Kate cảm thấy vui sướng tràn ngập. “Thật là tuyệt vời. Cảm ơn anh”.

Khi kì nghỉ hè chấm dứt, Tony đi Southampton, ở Anh; đến đó, cậu lên máy bay của hãng Pan American sang Mỹ. Kate thường đi máy bay của hãng Pan American khi nào có thể được. Nó làm cho bà không còn cảm thấy thích thú với các hãng máy bay khác nữa.

Kate bỏ một phiên họp quan trọng để đi đón con khi cậu vừa về đến tại trạm cuối cùng của hãng Pan Am ở phi trường mới xây La Guardia của thành phố New York . Nét mặt xinh đẹp của Tony rạng vẻ hăm hở.

“Con có vui không, con yêu quý?”

“Nam Phi là một thứ t… tuyệt vời, m… mẹ ạ. Mẹ có… biết họ lái m… máy bay cho con đi xem sa mạc Namib, nơi ông ngoại ăn cắp… cắp kim cương của cụ… cụ Van der Merwe không?”

“Ông ngoại không ăn cắp kim cương, Tony ạ”. Kate sửa chữa lại câu nói. “Ông ấy chỉ lấy lại cái thuộc về ông ấy mà thôi”.

“Cố nhiên rồi”, Tony nói. “Nhưng mà con đã đến nơi ấy. Không có sương mù, gọi là “mis”, nhưng vẫn còn… còn có người gác, chó và đủ… đủ mọi thứ”. Cậu nhe răng cười. “Họ không chịu cho con các mẫu kim cương”.

Kate cười vui vẻ. “Họ không cần phải cho con mẫu kim cương nào cả. Một ngày kia, tất cả sẽ thuộc về con”.

“Mẹ cứ nói với họ đi. Họ không… không chịu nghe… nghe lời con”.

Bà ôm hôn con trai. “Con vui thích thực sự, phải không?” Bà sung sướng, vì cuối cùng Tony đã tỏ ra thích thú với di sản của mình.

“M… mẹ có… có biết con thích cái gì nhất không?”

Kate cười âu yếm. “Cái gì hả con?”

“Màu sắc. Con… con vẽ nhiều phong cảnh ở đấy lắm. Con không muốn bỏ đi. Con muốn trở lại đó để… để vẽ”.

“Vẽ à?” Kate cố làm ra vẻ sốt sắng. “Có vẻ như đó là một trò giải trí thú vị đấy”.

“Không. Không phải là giải… giải trí đâu, m… mẹ ạ. Con muốn trở thành một hoạ… hoạ sĩ. Con đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Con sẽ… sẽ đi Paris để học. Con thực sự nghĩ con… con có năng khiếu”.

Kate cảm thấy căng thẳng. “Chắc con không muốn suốt đời làm nghề vẽ ấy”.

“Có. Con muốn như vậy, m… mẹ ạ. Đó là thứ duy nhất con thích”.

Thế là Kate biết rằng mình phải mất Tony rồi.

Nó có quyền được sống cuộc đời của nó. Kate thầm nghĩ. Nhưng làm thế nào mình có thể để nó phạm phải một sai lầm kinh khủng như vậy được?

Đến tháng chín năm ấy, quyết định ấy đã vọt ra khỏi tầm tay của cả hai người. Âu châu lâm vào cuộc đại chiến.

“Mẹ muốn con ghi danh theo học trường tài chánh và thương mại Wharton”, Kate nói với Tony. “Sau hai năm, nếu con vẫn còn thích làm một nghệ sĩ, mẹ cũng sẽ không phản đối gì”. Kate chắc chắn rằng đến lúc ấy Tony sẽ thay đổi ý kiến. Khó có thể tưởng tượng được rằng con trai bà sẽ chịu sống cả cuộc đời tô những màu bôi bác lên những miếng vải vẽ, trong khi nó có thể đứng đầu một tổ hợp công ty lớn mạnh nhất thế giới. Dẫu sao chăng nữa, nó cũng là con trai bà.

Đối với Kate Blackwell, Đại chiến II lại là một cơ hội lớn lao khác nữa. Khắp thế giới đều thiếu thốn các loại trang bị và vật liệu quân sự, nhưng Kruger-Brent vẫn có khả năng cung cấp các thứ ấy cho họ.

Một phân cục sản xuất của công ty chuyên cung cấp trang bị cho các lực lượng võ trang, một phân cục khác phụ trách các nhu cầu dân sự. Các nhà máy của công ty sẽ làm việc hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn.

Kate chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ không thể nào đóng vai trò trung lập được. Tổng thống Franklin D. Roosevelt kêu gọi xứ sở ông phải là một xưởng vũ khí đạn dược để phục vụ cho dân chủ, và dự thảo luật thuê mướn vũ khí, Lend Lease Contract, được thúc đẩy thông qua Quốc hội. Các tàu của Đồng minh vượt qua Đại Tây Dương bị đe doạ bởi cuộc phong toả của nước Đức. Các loại tàu ngầm Đức tấn công và đánh chìm hàng chục tàu thuyền của Đồng minh, chiến đấu theo từng đội gồm tám chiếc một.

Nước Đức trở thành một lực lượng khủng khiếp, có vẻ như không thể nào ngăn cản nổi. Bất kể đến Hiệp ước Versailles , Adolf Hitler đã xây dựng một trong các bộ máy chiến tranh lớn nhất trong lịch sử. Theo một kĩ thuật mới gọi là Blitzkrieg, Đức tấn công Ba Lan, Bỉ và Hà Lan, rồi lần lượt tiếp theo đó, bộ máy quân sự Đức nhanh chóng đè bẹp Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Pháp.

Kate ra tay hành động khi bà nhận được tin rằng những người Do Thái làm việc trong các xưởng Kruger-Brent, đã bị quân Quốc xã tịch thu tài sản, bắt bớ và đày tới tại các trại tập trung. Bà gọi điện thoại hai lần, và trong tuần lễ kế tiếp, bà lên đường qua Thuỵ Sĩ. Khi đến khách sạn Baur ở Zurich, bà nhận được thư của đại tá Brinkmann ngỏ ý muốn gặp bà. Brinkmann là quản đốc chi nhánh của Kruger-Brent ở Berlin . Khi xí nghiệp ở đấy bị chính phủ Đức trưng thu, ông ta được trao cấp bậc đại tá và được giữ lại để trông coi.

Ông ta đến gặp bà Kate Blackwell ở khách sạn. Đó là một người gầy còm, kĩ tính, với mái tóc hoe chải cẩn thận trên chiếc đầu gần như hói sọi.

“Tôi rất hân hạnh được gặp bà, thưa bà Blackwell. Tôi có lời nhắn của Chính phủ chúng tôi gửi đến cho bà. Tôi được phép đưa ra lời bảo đảm rằng ngay khi cuộc chiến tranh này chấm dứt, các nhà máy của bà sẽ được trả lại cho bà. Nước Đức sẽ là một cường quốc công nghệ lớn nhất thế giới, và chúng tôi hoan nghênh những người cộng tác như bà”.

“Nhưng nếu nước Đức thua trận thì sao?”

Đại tá Brinkmanm cố nở một nụ cười trên môi, “Cả bà lẫn tôi đều biết rằng một chuyện như vậy không thể nào xảy ra được, thưa bà Blackwell. Nước Mỹ đã khôn ngoan đứng ra bên ngoài các công việc của Âu châu. Tôi hi vọng rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

“Chắc chắn là ông tin như vậy, đại tá ạ”. Bà vươn người ra phía trước, nói tiếp, “Tôi đã nghe đồn rằng những người Do Thái đang bị đưa đến các trại tập trung và bị tiêu diệt. Điều ấy có đúng không?”

“Tôi đoan chắc với bà rằng đó chỉ là tuyên truyền của người Anh thôi. Đúng là người Do Thái được đưa đến các trại lao động, nhưng với tư cách là một sĩ quan, tôi xin cam đoan với bà rằng họ được đối xử một cách xứng đáng”.

Kate tự hỏi không biết ý nghĩa của câu nói ấy như thế nào. Bà dự định sẽ tìm hiểu cho ra.

Ngày hôm sau, bà có một cuộc hẹn với một thương gia hành đầu người Đức, tên là Otto Bueller, tuổi trạc ngũ tuần, là một người trông có vẻ sang trọng với một vẻ mặt thương xót và cặp mắt đã từng nhìn thấy nỗi đau khổ sâu sắc. Hai người gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ. Bueller chọn một chiếc bàn ở góc vắng vẻ.

Kate nói khe khẽ, “Tôi được nghe nói ông đã khởi sự một tổ chức bí mật nhằm lén lút đưa người Do Thái tới các nước trung lập. Có đúng như vậy không?”

“Không đúng đâu, bà Blackwell ạ. Một hành động như thế bị xem là phản bội lại Đệ tam Cộng hoà Đức Quốc xã”.

“Tôi cũng có nghe nói ông đang cần ngân quỹ để hoạt động”.

Bueller nhún vai, “Vì không có tổ chức bí mật nào cả nên tôi cần gì phải có ngân quỹ để điều hành nó, phải thế không?”

Mắt ông nhìn quanh ly cà phê với vẻ lo ngại. Đây là con người hít thở và ngủ với sự nguy hiểm mỗi ngày trong cuộc sống.

“Tôi hi vọng có thể giúp đỡ phần nào”, Kate nói một cách thận trọng. “Công ty Hữu hạn Kruger-Brent có nhà máy tại nhiều nước Đồng minh và trung lập. Nếu ai đó có thể đưa những người tị nạn đến các nơi ấy, tôi sẽ thu xếp cho họ có công ăn việc làm”.

Bueller vẫn tiếp tục ngồi nhấm nháp ly cà phê. Cuối cùng, ông nói, “Tôi không biết gì về chuyện này. Nhưng nếu bà quan tâm giúp đỡ một kẻ nào trong cơn hoạn nạn thì tôi xin giới thiệu một ông chú của tôi ở nước Anh. Ông ta đang bị bệnh tê liệt kinh khủng lắm. Tiền thuốc thang rất cao”.

“Bao nhiêu?”

“Năm mươi nghìn đô la một tháng. Cần phải thu xếp làm sao để ký gửi số tiền trả các chi phí thuốc thang ở London , rồi chuyển số tiền ký gửi ấy cho một ngân hàng Thuỵ Sĩ”.

“Chuyện ấy có thể thu xếp được”.

“Ông chú tôi sẽ vui mừng lắm”.

Chừng tám tuần lễ sau, một làn sóng dân tị nạn, không lớn lắm nhưng đều đặn, bắt đầu tuôn đến các nước Đồng minh để làm việc tại các nhà máy Kruger-Brent.

Tony rời trường học sau hai năm học tập. Anh đi đến văn phòng của Kate để báo cho bà biết tin này. “Con… con đã cố… cố gắng, mẹ ạ, thực sự cố gắng nhưng con đã… quyết định rồi. Con muốn học… học hội hoạ khi nào chiến tranh chấm dứt, con sẽ đi… đi Paris”.

Mỗi lời nói như một nhát búa.

“Con… con biết m… mẹ thất vọng lắm, nhưng con phải sống cuộc sống của riêng con. Con biết con có thể khá… rất khá”. Anh nhận ra được vẻ mặt của Kate. “Con đã làm những gì mẹ yêu cầu con phải làm. Bây giờ mẹ phải… phải cho con một cơ hội làm theo ý muốn của con. Trường nghệ thuật Chicago đã chấp thuận cho con theo học”.

Đầu óc Kate quay cuồng. Những gì Tony muốn làm thật là sự phí phạm kinh khủng. Bà chỉ còn có thể thốt ra một câu hỏi, “Khi nào con dự định sẽ đi đến đó?”

“Ghi danh bắt đầu vào ngày mười lăm”.

“Hôm nay là ngày mấy?”

“Sáu, tháng mười hai”.

Ngày chủ nhật, mồng bảy tháng mười hai, năm 1941, các phi đội oanh tạc Nakajiama và phi cơ chiến đấu Zero của hải quân Hoàng gia Nhật tấn công Trân Châu Cảng ( Pearl Harbor ), và ngày sau đó nước này lâm vào cuộc chiến. Trưa ngày hôm ấy, Tony đăng ký ra nhập thuỷ quân lục chiến Mỹ. Anh được đưa đến Quantico, Virginia, sau đó anh tốt nghiệp trường huấn luyện sĩ quan, rồi từ đó anh được đưa đến Nam Thái Bình Dương.

Cuộc chiến tranh với Nhật Bản tiến hành không mấy tốt đẹp. Các máy bay oanh tạc Nhật tấn công các căn cứ Mỹ ở Guam , Midway và đảo Wake. Quân Nhật chiếm cứ Singapore vào tháng hai năm 1942, rồi nhanh chóng tràn ngập New Britain, New Ireland, Admiralty và đảo Solomon. Tướng Douglas Mac Arthur buộc phải rút lui khỏi Phi Luật Tân. Các lực lượng dũng mãnh của phe Trục chậm rãi chinh phục toàn cầu, và bóng đen bao trùm khắp nơi. Kate lo sợ Tony bị bắt làm tù binh và bị hành hạ, tra tấn. Với tất cả quyền lực và ảnh hưởng của mình, bà không thể làm gì ngoài việc cầu nguyện. Mỗi lá thư của Tony là một tia hi vọng, một dấu hiệu cho biết rằng, một ít tuần lễ trước đó, Tony vẫn còn sống. “Họ không cho chúng con ở đây được biết chuyện gì cả”, Tony viết trong thư, “Người Nga còn giữ vững được không? Người lính Nhật tàn bạo, nhưng chúng ta phải kính phục họ. Họ không sợ chết…”

“Có chuyện gì xảy ra ở Mỹ? Các công nhân xí nghiệp có thực sự đình công để được lương cao hơn hay không?...”

“Loại tàu phóng ngư lôi “PT boat” hoạt động rất có hiệu quả ở đây. Những người điều khiển loại tàu ấy đều là những vị anh hùng cả…”.

“Mẹ có những quen biết lớn, vậy mẹ hãy gửi cho chúng con ít trăm chiếc tàu ngầm P4U, các chiến đấu cơ mới cho Hải quân. Rất nhớ mẹ…”

Ngày 7 tháng tám, 1942, quân Đồng minh bắt đầu các hoạt động tấn công của họ ở Thái Bình Dương. Thuỷ quân lục chiến của Mỹ đổ bộ ở Guadalcanal trên đảo Solomon, rồi từ nơi đó, họ chiếm lại các hòn đảo mà quân Nhật đã chiếm.

Ở Âu châu, phe Đồng minh vui mừng với một loạt thắng lợi liên tiếp. Ngày 6, tháng sáu, 1944, cuộc xâm lăng của phe đồng minh mở màn với các cuộc đổ bộ của quân Mỹ, Anh, Canada lên bãi biển Normandie, và một năm sau đó, ngày 7 tháng năm, 1945, nước Đức đầu hàng vô điều kiện.

Ở Nhật, ngày 6, tháng tám, 1945, một quả bom nguyên tử với sức tàn phá mạnh hơn hai mươi ngàn tấn TNT được thả xuống Heroshima. Ba ngày sau, một quả bom nguyên tử khác nữa được thả xuống thành phố Nagasaki . Ngày 14, tháng tám, người Nhật đầu hàng. Cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu cuối cùng đã kết thúc.

Ba tháng sau đó, Tony trở về nhà. Anh và bà Kate đang ở Dark Harbor , ngồi trên sân thượng nhìn xuống vịnh điểm lấm chấm những cánh buồm trắng xoá.

Chiến tranh đã làm cho nó thay đổi, Kate thầm nghĩ. Tony biểu lộ những nét trưởng thành mới mẻ. Anh đã để râu mép mỏng, nước da rám nắng, trông đẹp trai, khoẻ mạnh. Quanh mắt anh có những vệt nhăn, trước kia không thấy. Kate tin chắc rằng những năm sống ở nước ngoài đã cho anh thời gian suy xét lại quyết định không làm việc cho công ty.

“Bây giờ con dự tính làm gì, hở con?” Kate hỏi.

Tony mỉm cười. “Như con đã nói với mẹ trước đây, các dự tính của mình bị làm gián đoạn một cách thô bạo, mẹ ạ. Con sẽ đi Paris ”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

45#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:48:07 | Chỉ xem của tác giả
Chương 18


Tony đã đến Paris trước kia, nhưng lần này hoàn cảnh đã khác hẳn. Thành phố của ánh sáng đã bị mờ đi vì sự chiếm đóng của quân Đức, nhưng nó đã thoát sự tàn phá, khi thành phố ấy được tuyên bố bỏ ngỏ. Dân chúng đã phải khổ sở rất nhiều và quân Đức Quốc xã đã cướp bóc nhiều thứ quý giá ở Viện bảo tàng Le Louvre. Mặc dầu vậy Tony vẫn thấy Paris tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa, lần này anh sẽ sống ở đấy, sẽ là một thành phần của thành phố này, chứ không phải là một du khách. Anh có thể ở trong một dãy phòng của Kate trên đại lộ Maréchal Foch, không bị hư hại vì cuộc chiếm đóng, nhưng anh không làm như vậy. Anh thuê một căn hộ không có đồ đạc trong một ngôi nhà cổ sau lưng Grand Parnasse. Căn hộ này gồm một phòng khách có lò sưởi, một phòng ngủ nhỏ và một cái bếp xinh xắn không có tủ lạnh. Giữa phòng ngủ và bếp có xen một phòng tắm với một bồn tắm có chân, một chậu rửa nhỏ, hoen ố và một bàn toạ đã gãy, lúc có nước lúc không.

Bà chủ nhà mở miệng xin lỗi thì Tony đã vội ngăn lại, “Như thế này là tuyệt hảo rồi”.

Suốt ngày chủ nhật, anh có mặt ở chợ trời. Ngày thứ hai, thứ ba, anh đi rảo ở các tiệm đồ cũ dọc theo Tả ngạn, rồi đến ngày thứ tư, anh đã có những đồ đạc căn bản cần thiết. Một chiếc giường vừa dùng làm sô pha, vừa làm giường ngủ, một chiếc bàn dơ bẩn, hai chiếc ghế độn quá chặt, một tủ áo cũ chạm trổ công phu, đèn, một bàn làm bếp ọp ẹp, và hai chiếc ghế thẳng lưng. Mẹ mình mà trông thấy các thứ này chắc phải kinh hãi, Tony nghĩ thầm. Anh có thể nhét đầy căn hộ anh bằng những thứ đồ cổ vô giá, nhưng làm như thế là đóng vai trò của một nghệ sĩ trẻ người Mỹ ở Paris . Anh không muốn đóng vai trò mà dự định sẽ sống với vai trò ấy.

Bước kế tiếp là xin vào một trường hội hoạ tốt. Trường hội hoạ có uy tín nhất khắp nước Pháp là École des Beaux Arts của thành phố Paris . Tiêu chuẩn nhập học rất cao, và ít người Mỹ được được thâu nhận vào đó. Tony làm đơn xin vào học. Anh nghĩ thầm họ sẽ chẳng bao giờ nhận mình vào học. Nhưng biết đâu họ sẽ nhận? Anh phải chứng tỏ cho mẹ anh thấy rằng anh đã đưa ra quyết định đúng. Anh nộp ba bức tranh của anh và chờ đợi bốn tuần lễ xem họ có chấp nhận hay không. Vào cuối tuần thứ tư, người gác cổng đưa cho anh một lá thư của nhà trường. Anh phải đến trình diện vào ngày thứ hai sắp tới.

Trường Mỹ thuật Paris là một tòa nhà bằng đá lớn, cao hai tầng với hàng chục lớp học đầy nhóc sinh viên. Tony đến trình diện ông hiệu trưởng, giáo sư Gessand, một người cao to, trông có vẻ khó khăn, cổ rụt và môi mỏng dính.

“Các bức tranh của anh có vẻ tài tử”, ông nói với Tony, “nhưng anh cũng có nhiều hứa hẹn. Hội đồng đã lựa chọn anh vì những gì không có trong những tranh ấy hơn là những gì đã có trong ấy. Anh có hiểu không?”

“Thưa giáo sư, tôi không hiểu rõ lắm ạ”.

“Rồi sẽ đến lúc anh hiểu thôi. Tôi giao anh cho giáo sư Cantal phụ trách. Ông ấy sẽ là thầy giáo dạy anh trong năm năm tới, nếu anh còn tồn tại được lâu như vậy”.

Tôi sẽ tồn tại lâu như vậy, Tony tự hứa với mình.

Giáo sư Cantal là một người lùn tịt, với một cái đầu sói hoàn toàn, khiến ông ta phải che nó bằng một cái mũ nồi màu tím. Ông có cặp mắt nâu đậm, cái mũi củ hành và cặp môi giống như xúc xích. Ông chào đón Tony bằng câu nói: “Người Mỹ là hạng tay chơi tài tử, những kẻ man rợ. Tại sao anh lại đến đây?”

“Để học, thưa giáo sư”.

Giáo sư Cantal hứ một tiếng.

Có hai mươi lăm học sinh trong lớp, hầu hết là người Pháp. Các giá vẽ được bày ra khắp căn phòng. Tony lựa một chiếc gần cửa sổ nhìn xuống một quán rượu bình dân. Rải rác xung quanh phòng là những mấu đúc các bộ phận cơ thể bằng thạch cao theo các pho tượng Hi Lạp. Tony nhìn xung quanh để tìm một mẫu vẽ, nhưng chẳng cái nào cả.

“Bây giờ các anh bắt đầu”, giáo sư Cantal nói.

“Xin lỗi thầy, tôi… tôi không đem sơn màu theo”, Tony nói.

“Anh không cần sơn màu. Trong năm đầu tiên, anh chỉ học vẽ theo đúng cách thôi”.

Giáo sư chỉ các tượng Hi Lạp. “Anh sẽ vẽ những cái kia. Đối với anh, nó có vẻ đơn giản, nhưng tôi nói trước cho anh biết một điều: trước khi một năm học kết thúc, một nửa trong số các anh sẽ bị loại”. Giọng nói của ông trở nên sôi nổi, “Năm thứ nhất, anh học về cơ thể học. Năm thứ hai – cho những người nào qua được môn học ấy, anh sẽ vẽ theo những người mẫu sống, bằng sơn dầu. Năm thứ ba – tôi cam đoan với anh rằng lúc ấy sẽ còn rất ít người – anh sẽ vẽ tranh sơn màu với tôi, theo kiểu của tôi, tất nhiên là phải làm tốt hơn thế. Qua năm thứ tư và thứ năm, anh sẽ tìm ra được kiểu vẽ của riêng anh, tiếng nói của riêng anh. Thôi, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc”.

Lớp học bắt đầu làm việc.

Ông giáo sư đi quanh phòng, dừng lại ở từng giá vẽ để đưa ra lời chỉ trích hay bình luận. Khi đi đến bức vẽ của Tony, ông nói cộc lốc, “Không, như thế không được. Tôi chỉ thấy ở đây cái bên ngoài của cánh tay. Tôi muốn thấy cái bên trong kia. Bắp thịt, xương, các dây chằng. Tôi muốn biết rằng có máu đang chảy ở bên dưới. Anh có biết vẽ như vậy không?”

“Vâng, thưa thầy. Mình phải suy nghĩ, trông thấy và cảm thấy nó trước khi vẽ nó ra”.

Khi không đến lớp học, Tony thường vẽ trong căn hộ của anh. Anh có thể vẽ từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau. Hội hoạ tạo cho anh một cảm giác tự do mà anh không hề bao giờ được biết trước đó. Hành vi đơn giản ngồi trước giá vẽ với một cái cọ trong tay tạo cho anh cảm giác giống như là Thượng đế. Anh có thể tạo ra toàn thể các thế giới chỉ bằng một bàn tay. Anh có thể tạo ra một cái cây, một bông hoa, một con người, một vũ trụ. Thật là một công việc dễ làm say mê. Anh đã được sinh ra cho công việc này. Khi nào không vẽ, anh đi ra ngoài, lang thang trên các đường phố để thăm dò thành phố huyền thoại này. Bây giờ nó là thành phố của anh, nơi nghệ thuật của anh sẽ ra đời. Có hai Paris , phân chia bởi con sông Seine thành Tả ngạn và Hữu ngạn. Đó là hai thế giới tách biệt nhau. Hữu ngạn là dành cho những người giàu có, có địa vị. Tả ngạn thuộc về các sinh viên, nghệ sĩ, những kẻ tranh đấu. Nó là Montparnasse , Boulevard Romail, trà Saint Germain des Rué. Nó là cà phê Floce, Henry Miller và Eliot Paul. Đối với Tony, nó là quê hương. Anh vẫn thường ngồi hàng giờ ở Boule Blanche hay La Coupole với các bạn sinh viên, thảo luận với nhau về các thế giới bí mật của họ.

“Tôi nghe nói rằng viên giám đốc nghệ thuật của viện bảo tàng Guggenheim đang ở Paris , mua hết tất cả mọi thứ ông ta thấy”.

“Bảo ông ta hãy chờ tôi”.

Tất cả họ đều đọc những tạp chí giống nhau và chia cho nhau đọc, vì các tạp chí ấy đắt tiền: Studio, Cahiers d’Arts, Formes et Couleurs, và tờ Gazette des Beaux Arts.

Tony đã học tiếng Pháp ở Le Rosey, nên anh dễ dàng làm bạn với các sinh viên khác trong lớp, vì tất cả đều cùng chia sẻ một niềm say mê chung. Họ không biết chút gì về gia đình Tony, và chấp nhận anh như là một người trong bọn họ. Các nghệ sĩ nghèo, vật lộn với cuộc sống tập hợp lại với nhau ở quán cà phê Flore và Les Deux Maggots trên đại lộ Saint Germain. Họ ăn cơm ở Le Pot d’Etian trên đường Canettes và đường Rue d’Université. Không một người nào trong bọn họ đã từng bước chân vào Lasserre hay Maxim.

Năm 1944, những người khổng lồ trong hội hoạ đều thực thi nghệ thuật của họ tại Paris . Thình thoảng, Tony bắt gặp thoáng qua Pablo Picasso, và một hôm Tony cùng bạn anh đã nhìn thấy Marc Chagall, một con người to lớn, trông có vẻ hoa hoè, trạc trung tuần, với mớ tóc bù xù như chổi xể, bắt đầu nhuốm bạc. Chagall ngồi ở bàn căn bên kia quán cà phê, đang nghiêm trang nói chuyện với một nhóm người.

“Chúng mình thật là may mắn được gặp ông ấy”, bạn của Tony thì thầm nói, “Ông ấy ít khi đến Paris lắm. Nhà ông ấy ở Vence, gần bờ bề Địa Trung Hải”.

Anh thấy Max Ernest nhấm nháp rượu khai vị ở quán cà phê trên vỉa hè, và Alberto Giacometti vĩ đại đang đi xuống đường Rivoli, giống như các pho tượng của ông ấy, cao, gầy và xương xẩu. Tony ngạc nhiên nhận ra rằng chân ông ta bị vẹo. Tony gặp Hans Belmer một người đã tạo nên tên tuổi nhờ những bức tranh khiêu dâm, vẽ những cô gái giống như những con búp bê chặt đứt chân tay. Nhưng giờ phút vui sướng nhất của Tony là khi anh được giới thiệu với Braque. Nhà nghệ sĩ này rất thân thiện nhưng Tony thì ríu cả lưỡi, không nói được nên lời.

Các thiên tài tương lai thường lui tới các phòng tranh nghệ thuật, nghiên cứu sự cạnh tranh của họ. Phòng trưng bày Drouand David lúc ấy đang triển lãm tranh của một nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi, Bernard Buffet, đã từng theo học Trường Mỹ thuật, của Soutine, Utrillot và Dufy. Các sinh viên tụ họp tại Salon d’Automne, các phòng trưng bày Charpentier, Mille Roussa trên đường Rue de Seine, rồi trong những lúc rảnh rỗi họ bàn tán với nhau về các địch thủ thành công của họ.

Lần đâu tiên Kate thấy căn hộ của Tony, bà bị choáng váng, nhưng do bản tính khôn ngoan, bà không đưa ra lời bình phẩm nào. Bà nghĩ thầm, mẹ kiếp! Làm sao thằng con trai mình lại có thể ở trong một căn phòng tối tăm, ảm đạm như thế này? Bà nói, “Nó cũng rất xinh xắn, Tony ạ. Mẹ không thấy tủ lạnh đâu cả. Thể con để thức ăn ở đâu?”

“Để ở ngoài cửa sổ kia kìa”.

Kate bước đến cửa sổ, mở cánh cửa, chọn một quả táo đặt trên ngưỡng cửa số, ở phía ngoài. “Chắc mẹ không ăn một trong các đối tượng hội hoạ của con đấy chứ?”

Tony cười, “Ồ, không đâu, mẹ ạ”.

Kate cắn quả táo. “Nào con hãy kể về công việc hội hoạ của con đi”.

“Chưa có… có gì nhiều lắm để… để mà kể. Năm nay chúng con chỉ mới học vẽ đồ hoạ qua loa thôi”.

“Con có thích ông giáo sư Cantal không?”

“Ông ấy tuyệt… tuyệt vời. Điều quan trọng là ông ấy có thích con không. Chỉ có một phần ba số sinh viên được lên năm kế tiếp thôi”.

Không một lần nào bà nhắc nhở đến việc Tony về làm việc cho công ty.

Giáo sư Cantal không phải là người dễ dàng ban lời khen cho ai. Lời khen tặng lớn lao nhất ông ban cho Tony là một câu nói miễn cưỡng, “Tôi chắc là tôi đã thấy những bức tranh còn tệ hơn thế”, hay “Tôi mới hình như bắt đầu nhìn thấy được cái ở bên dưới”

Vào cuối học kì, Tony được chọn trong số tám sinh viên được lên năm thứ hai. Để ăn mừng, Tony và một số sinh viên khác, cũng được cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm như anh, cùng đi đến một hộp đêm ở Montmartre, uống rượu say mèm, rồi ngủ đêm với mấy cô gái người Anh đang đi du lịch ở Pháp.

Khi trường học mở cửa lại, Tony bắt đầu vẽ với sơn dầu và người mẫu. Thật là giống như vừa được thoát khỏi trường mẫu giáo. Sau một năm học về các bộ phận cơ thể, Tony cảm thấy anh đã biết rõ từng bắp thịt, đường gân và tuyến trên thân thể con người. Đó không phải là hội hoạ – nó chỉ là sự sao chép lại thôi. Bây giờ, với cái cọ trong tay và một người mẫu trước mắt, Tony bắt đầu sáng tạo. Ngay cả đến Cantal cũng phải chú ý.

“Anh biết nhận xét đấy”, ông nói một cách miễn cưỡng. “Bây giờ chúng ta phải học về kĩ thuật”.

Có hơn một chục người ngồi làm mẫu cho các lớp học ở trường. Những người mà giáo sư Cantal thường sử dụng nhiều nhất là Carlos, một chàng trai trẻ làm việc kiếm tiền để theo học trường thuốc; Annette, một cô giá da ngăm ngăm đen, thấp, khỏe mạnh, có một chòm lông đỏ ở hạ bộ và lưng có nhiều vết sẹo do mụn nhọt; và Dominique Masson, một cô gái xinh đẹp, tóc hoe lả lướt, với gò má xinh xắn và đôi mắt xanh đậm. Dominique đã từng làm mẫu cho nhiều hoạ sĩ danh tiếng. Nàng rất được mọi người ưa thích. Hằng ngày, sau buổi học, các nam sinh viên thường vây quanh nàng, tìm cách hẹn hò với nàng.

Nàng thường nói với họ, “Tôi không bao giờ lẫn lộn công việc làm ăn với vui chơi. Dẫu sao, như vậy cũng không công bằng. Các anh đã thấy tất cả những gì tôi có thể cống hiến. Làm sao tôi biết được các anh có cái gì để cống hiến cho tôi?”

Thế rồi lối nói chuyện thô tục ấy lại tiếp tục. Nhưng Dominique không bao giờ đi chơi với bất cứ ai ở trường này.

Vào một buổi chiều nọ, khi tất cả các sinh viên khác đều đã rời lớp học và Tony sắp vẽ xong một bức hoạ của Dominique, nàng bất ngờ đi đến phía sau lưng Tony và nói, “Cái mũi tôi dài quá”.

Tony bối rối. “Ồ, tôi xin lỗi, để tôi sửa lại”.

“Không, không. Cái mũi trong bức hoạ thì tốt rồi. Chính cái mũi của tôi mới dài quá thôi”.

Tony cười. “Thế thì tôi e rằng tôi phải chịu bó tay rồi”.

“Giá như một người Pháp thì người ấy sẽ nói, “Mũi của em thật hoàn hảo, “Chérie” ạ”.

“Tôi thích cái mũi của cô, nhưng tôi không phải là người Pháp”.

“Điều đó thì rõ ràng rồi. Anh không bao giờ rủ tôi đi chơi cả. Tôi không hiểu vì sao”.

Tony tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi… tôi không biết. Tôi nghĩ rằng ấy là vì mọi người khác đã làm như vậy, nhưng cô không đi chơi với ai cả”.

Dominique tủm tỉm cười. “Người nào cũng có một ai đó để đi chơi với mình chứ. Thôi chào anh nhé”.

Rồi nàng bỏ đi.

Tony nhận ra rằng bất cứ hôm nào anh ở lại trễ, Dominique mặc quần áo xong cũng trở lại đứng ở phía sau lưng anh để xem anh vẽ.

Một buổi chiều nọ, nàng nói, “Anh vẽ rất đẹp. Rồi đây anh sẽ là một hoạ sĩ danh tiếng”.

“Cảm ơn, Dominique, tôi hi vọng cô nói đúng”.

“Hội hoạ đối với anh quan trọng lắm à?”

“Phải”.

“Vậy thì một người sắp sửa trở thành một hoạ sĩ danh tiếng có chịu đãi tôi một bữa cơm tối không?”

Nàng nhìn thấy vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên mặt Tony. “Tôi không ăn gì nhiều đâu. Tôi phải giữ hình dáng của tôi”.

Tony cười. “Cố nhiên tôi rất lấy làm vui mừng”.

Họ cùng ăn cơm tối tại một quán ăn bình dân gần Sacré Coeur. Hai người bàn chuyện với nhau về các hoạ sĩ và hội hoạ. Tony nghe rất say mê các câu chuyện nàng kể về các nghệ sĩ danh tiếng đã từng nhờ nàng làm mẫu. Khi hai người dùng xong cà phê sữa, Dominique nói, “Tôi cần phải nói cho anh biết. Anh cũng giỏi như bất kì ai trong số ấy”.

Tony sung sướng vô cùng, nhưng anh chỉ nói, “Tôi còn xa lắm mới được bằng các ông ấy”.

Ra khỏi quán ăn, Dominique hỏi, “Anh có định mời tôi đến xem căn hộ anh đang ở không?”

“Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng tôi e rằng nó chẳng có gì đẹp đẽ lắm đâu”.

Đến nơi, Dominique nhìn quanh căn hộ bé nhỏ, ngổn ngang, rồi lắc đầu nói, “Anh nói đúng. Nó chẳng có gì đẹp đẽ thật. Ai trông nom cho anh?”

“Có một bà đến đây mỗi tuần để lau chùi”.

“Đuổi bà ấy đi. Nơi này bẩn thỉu quá. Thế anh không có một bạn gái nào sao?”

“Không”.

Dominique nhìn anh một lúc rồi hỏi. “Anh không thấy khó chịu à?”

“Không”.

“Tốt. Thật là phí phạm kinh khủng. Anh hãy kiếm cho tôi một xô nước và một ít xà phòng”.

Dominique bắt đầu lau chùi, cọ rửa căn hộ, rồi cuối cùng xếp đặt lại mọi thứ cho gọn ghẽ. Làm xong công việc nàng nói, “Hôm nay, như thế là tạm được rồi. Lạy Chúa, tôi cần phải tắm mới được”.

Nàng đi vào phòng tắm bé nhỏ, cho nước chảy vào bồn tắm. “Làm thế nào anh ngồi được trong cái này?” Nàng kêu to lên.

“Tôi co chân lại”.

Nàng cười. “Tôi muốn xem anh làm như vậy quá!”

Mười lăm phút sau, Dominique ra khỏi phòng tắm với chỉ có một chiếc khăn lông quấn xung quanh người, làn tóc hoe của nàng ướt đẫm và quăn lại. Nàng có một thân hình rất đẹp, ngực đầy đặn, eo nhỏ và dài, cặp đùi thon thon. Trước kia, Tony không bao giờ để ý đến nàng như là một người đàn bà. Nàng chỉ là một hình khoả thân để vẽ trên vải. Kì lạ thay, chiếc khăn lông ấy đã thay đổi tất cả mọi thứ. Đột nhiên, anh cảm thấy máu như dồn lên ở chỗ thắt lưng.

Dominique đang đứng nhìn anh. “Anh có muốn ân ái với em không?”

“Muốn lắm”.

Nàng chậm rãi thả tấm khăn lông ra. “Anh hãy chứng tỏ cho em xem đi”.

Tony chưa hề bao giờ được biết một người đàn bà nào như Dominique. Nàng tặng cho anh tất cả, nhưng không đòi hỏi một điều gì. Hầu như tất cả mọi buổi tối, nàng đến nấu ăn cho Tony. Khi hai người cùng đi ăn ở ngoài, nàng bao giờ cũng đòi phải đến những quán ăn rẻ tiền hay những quầy bán bánh sandwich. Nàng thường la rầy, “Anh phải biết dành dụm tiền. Bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn ngay đối với cả một nghệ sĩ tài giỏi. Mà anh cũng là một nghệ sĩ tài giỏi, “chéri” ạ”.

Họ đi với nhau đến Les Halles vào những lúc sáng sớm, và ăn súp hành ở Pied de Cochon. Họ cùng đi đến Bảo tàng Carnavalet và những nơi xa xôi các du khách thường không lui tới, chẳng hạn như Nghĩa địa Père Lachaise – nơi yên nghỉ của Oscar Wilde, Fédéric Chopin, Honoré de Balzac và Marcel Proust. Họ viếng thăm các hầm mộ, và trong những ngày nghỉ lễ họ thường đi xuôi con sông Seine trên một chiếc thuyền của một người bạn của Dominique.

Tony rất lấy làm vui sướng được sống bên cạnh Dominique. Nàng vui tính, thích khôi hài, và mỗi khi Tony có vẻ buồn bã, nàng cười to lên làm cho anh khuây khoả. Nàng có vẻ như quen biết rất rộng, và thường đưa Tony đến dự những buổi tiệc tùng rất thú vị để chàng có thể gặp những nhân vật danh tiếng thời ấy, chẳng hạn như thi sĩ Paul Élouard và André Breton, phụ trách phòng trưng bày Maeght rất có uy tín.

Dominique là một nguồn khích lệ thường trực. “Anh sẽ danh tiếng hơn tất cả những người ấy, “chéri” ạ. Hãy tin em đi. Em biết mà”.

Nếu Tony muốn vẽ vào ban đêm, Dominique cũng sẵn sàng ngồi làm mẫu cho anh vẽ, dù cho nàng có phải làm việc suốt cả ngày hôm ấy. Lạy chúa, mình thật là may mắn, Tony nghĩ thầm. Đây là lần đầu tiên trong đời anh tin chắc rằng có một người nào đó yêu mến anh vì bản chất của anh chứ không phải vì anh là ai.

Tony e ngại không muốn nói cho Dominique biết anh là người thừa kế một trong những tài sản lớn nhất thế giới, e ngại rằng nàng sẽ thay đổi, e ngại chàng sẽ mất đi những gì chàng hiện đang có. Nhưng đến ngày sinh nhật của Dominique, Tony không thể nào cưỡng lại ý định mua cho nàng một chiếc áo bằng lông mèo rừng của Nga.

“Đó là một thứ đẹp đẽ nhất em chưa từng thấy trong đời!” Dominique xoay tròn chiếc áo xung quanh người, nhảy múa khắp căn phòng. Đang xoay như vậy, bỗng nàng dừng phắt lại hỏi, “Cái này ở đâu mà có, Tony? Anh lấy tiền đâu mà mua cái áo này?”

Anh đã có sẵn câu trả lời. “Cái áo ấy mới bị ăn trộm. Anh mua nó từ trong tay một anh chàng bé nhỏ đứng bên ngoài bảo tàng Rodin. Hắn ta muốn bán tống bán tháo nó đi, cho nên giá chiếc áo ấy chẳng đắt hơn giá một chiếc áo vải loại tốt ở nhà hàng Au Printemps”.

Dominique nhìn anh một hồi, rồi phá lên cười. “Em sẽ mặc chiếc áo ấy dù cho cả hai chúng ta có phải ngồi tù”.

Rồi nàng choàng hai cánh tay ôm lấy Tony, rồi gào lên, “Ồ Tony, anh ngốc quá! Anh yêu quý, anh ngốc kinh khủng!”

Nói dối như vậy thật không uổng công chút nào, Tony nghĩ thầm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

46#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:50:16 | Chỉ xem của tác giả
Một buổi tối nọ, Dominique gợi ý với Tony rằng chàng nên dọn đến ở chung với nàng. Vừa làm việc ở Trường Mỹ thuật, vừa làm kiểu mẫu cho một số nghệ sĩ danh tiếng ở Paris, Dominique đã thuê được một căn hộ rộng rãi, hiện đại, trên đường Rue Prêtres - Saint Severain. “Anh không nên ở một nơi như thế này, Tony ạ. Nó kinh khủng lắm. Hãy đến sống với em, anh sẽ không phải trả một xu nào tiền thuê nhà. Em có thể giặt giũ, nấu cơm cho anh, và…”

“Không được, Dominique ạ. Xin cảm ơn em”.

“Nhưng tại sao?”

Làm sao anh có thể giải thích được? Lẽ ra, ngay từ lúc đầu, anh đã phải nói cho nàng biết rằng anh rất giàu có, nhưng lúc này thì đã quá trễ rồi. Nàng sẽ nghĩ rằng anh đã đánh lừa nàng. Nghĩ vậy, anh nói, “Anh muốn sống cách xa em. Em giúp đỡ cho anh quá nhiều rồi”.

“Vậy thì em sẽ dời bỏ căn hộ của em để đến ở đây. Em muốn ở bên cạnh anh”.

Nàng dọn đến ngay ngày hôm sau.

Giữa hai người có một sự thân ái tuyệt diệu và thoải mái. Vào những ngày cuối tuần, họ đi chơi với nhau về miền quê, dừng lại những quán trọ bên đường, rồi Tony dựng giá vẽ lên, vẽ phong cảnh. Khi nào họ đói bụng, Dominique trải ra trên có những thức ăn nàng đã nấu sẵn, rồi hai người cùng ăn chung với nhau giữa cánh đồng cỏ. Sau đó, họ ân ái với nhau thật lâu và thật thắm thiết. Tony chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như vậy.

Công việc học tập của anh tiến triển tốt đẹp. Một hôm giáo sư Cantal giơ một bức hoạ của Tony lên cho cả lớp xem, “Xem cái thân hình này. Các anh có thể thấy nó như đang thở”.

Tony hăm hở báo tin ấy ngay cho Dominique. “Em biết làm thế nào anh diễn tả được đúng cái hơi thở ấy không? Ấy là bởi vì đêm nào anh cũng ôm cái người mẫu ấy trong vòng tay”.

Dominique cười lên vui sướng, nhưng ngay sau đó nàng ra vẻ nghiêm nghị, “Tony ạ, em không nghĩ rằng anh cần học thêm ba năm nữa ở trường. Anh bây giờ đã sẵn sàng rồi. Mọi người ở trường đều nhận thấy như vậy. Cả ông Cantal nữa”.

Tony e ngại rằng như vậy vẫn chưa đủ. Anh chưa được khá lắm, anh chỉ là một hoạ sĩ khác thôi, và tác phẩm của anh sẽ bị chìm nghỉm trong hàng nghìn bức hoạ sản xuất bởi hàng nghìn hoạ sĩ trên thế giới mỗi ngày. Anh không thể chịu được với ý tưởng như vậy. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng, Tony ạ. Nhớ kĩ điều ấy.

Đôi khi anh vừa vẽ xong một bức tranh, anh thường thấy tràn ngập một nỗi hân hoan, rồi anh suy nghĩ, “Mình có tài năng. Mình thực sự có tài năng”. Lúc khác, anh nhìn lên tác phẩm của mình, rồi tự nhủ, “Mình chỉ là một tay tài tử khốn kiếp thôi”.

Được sự khuyến khích của Dominique, Tony mỗi lúc một thêm tin tưởng vào việc làm của mình. Anh đã hoàn tất được trên hai chục bức hoạ theo ý riêng của anh. Phong cảnh và tĩnh vật. Có một bức tranh vẽ Dominique đang nằm khoả thân dưới một lùm cây, ánh nắng lốm đốm trên thân hình nàng. Một chiếc áo vét và sơ mi đàn ông ở cận cảnh, khiến cho người xem có thể hiểu rằng người đàn bà đang chờ đợi người tình.

Khi trông thấy bức tranh ấy, Dominique kêu lên, “Anh phải có một cuộc triển lãm mới được”.

“Em điên rồi hay sao, Dominique? Anh chưa sẵn sàng đâu”.

“Anh lầm rồi, “mon cher” ạ”.

Tony về đến nhà trễ vào trưa hôm sau thì thấy Dominique đang có khách. Đó là Anton Goerg, một người đàn ông gầy, với một cái bụng phệ và đôi mắt lồi màu xanh nhạt. Ông ta là chủ nhân của phòng trưng bày nghệ thuật Goerg Gallery, một phòng trưng bày khiêm tốn trên đường Dauphine. Các bức hoạ của Tony trải khắp căn phòng.

“Có chuyện gì vậy, Dominique?”

Anton Goerg liền kêu lên, “Có chuyện là, thưa ông, các tác phẩm của ông thật là xuất sắc”. Ông đập nhẹ lên lưng Tony, “Tôi rất lấy làm hân hạnh được dành cho ông một cuộc trưng bày tại phòng tranh của tôi”.

Tony nhìn qua phía Dominique. Nàng cũng nhìn chàng, nét mặt rạng rỡ.

“Tôi… tôi không biết nói làm sao nữa”.

“Ông đã nói rất nhiều rồi đấy”, ông Goerg đáp, “Trên các bức tranh này đây”.

Tony và Dominique bàn với nhau về vấn đề này suốt cả nửa đêm ấy.

“Anh cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Các nhà phê bình sẽ treo anh lên thập tự giá”.

“Anh lầm rồi, “chéri”. Như thế này là tuyệt hảo cho anh. Đó là phòng trưng bày nhỏ thôi. Chỉ có những người địa phương đến xem tranh và phê phán thôi. Không có cách nào xúc phạm anh được. Ông Goerg không bao giờ đề nghị anh trưng bày tranh nếu ông ấy không tin tưởng ở anh. Ông ấy đồng ý với em rằng anh sẽ trở thành một nghệ sĩ quan trọng”.

“Thôi được rồi”, Tony cuối cùng phải chấp nhận. “Ai mà biết? Mình cũng có thể bán một bức tranh cũng chưa biết chừng”.

Bức điện văn viết: SẼ ĐẾN PARIS THỨ BẢY. ĐẾN DÙNG CƠM VỚI MẸ. THÂN YÊU. MẸ.

Ý nghĩ đầu tiên khi Tony trông thấy mẹ bước vào xưởng vẽ là, “Mẹ mình trông xinh đẹp quá!”. Bà nay đã trạc ngũ tuần, tóc không nhuộm, với những sợi tóc bạc xen lẫn tóc đen, nhưng bà vẫn rất linh hoạt. Có lần Tony hỏi bà vì sao bà không tái giá, thì bà trầm tĩnh trả lời, “Chỉ có hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời của mẹ. Đó là cha con và con”.

Bây giờ đứng trong căn hộ bé nhỏ ở Paris, đối diện với mẹ, Tony nói, “Con… con rất mừng được gặp m… mẹ”.

“Tony, con trông thật là tuyệt vời! Lại mới có cái chòm râu này nữa!” Bà cười, dùng các ngón tay vân vê chòm râu Tony. “Con trông giống như Abe Lincoln” . Bà đưa mắt nhìn khắp căn hộ bé nhỏ. “Lạy Chúa, con đã có một người hầu phòng thật giỏi. Nó giống như là một nơi khác hẳn”.

Kate đi đến giá vẽ, nơi Tony đang vẽ dở một bức tranh. Bà dừng lại, ngắm nhìn một hồi lâu. Tony đứng tại đó, lo lắng chờ đợi phản ứng của mẹ.

Khi Kate mở lời, giọng bà rất hiền dịu. “Thật là xuất sắc, Tony ạ. Rất xuất sắc”. Bà không có một cố gắng nào che giấu niềm hãnh diện của bà. Không ai có thể đánh lừa bà về mặt nghệ thuật, nên bà cảm thấy một niềm hân hoan nhận ra rằng con trai bà có tài năng thật sự.

Bà quay mặt về phía Tony, nói, “Cho mẹ xem thêm ít bức tranh nữa”.

Hai giờ kế tiếp đó, Tony và mẹ cùng xem xét cả một chồng tranh của anh. Họ bàn cãi từng bức tranh một thật chi tiết. Không có gì là vị nể trong lối nói của bà cả. Bà đã thất bại trong cố gắng kiểm soát đời sống của con trai bà, nhưng Tony phải thán phục và chấp nhận sự thất bại ấy thật là duyên dáng.

Kate nói, “Mẹ sẽ thu xếp việc trưng bày các bức tranh này. Mẹ có quen biết một số nhà buôn tranh…”

“Cảm ơn m… mẹ. Mẹ không… không cần phải bận tâm. Con sẽ có một cuộc triển lãm tranh vào ngày thứ sáu tuần sau. Một phòng tranh sẽ tổ chức việc triển lãm ấy cho con”.

Kate đưa hai tay ra, ôm chầm lấy Tony. “Thật tuyệt vời! Phòng triển lãm nào vậy?”

“Phòng triển lãm G… Goerg Gallery”.

“Hình như mẹ không nghe tên ấy bao giờ”.

“Nó nhỏ thôi, mẹ ạ. Con chưa sẵn sàng để trưng bày tranh tại Hammer hay W… Wildenstein”.

Bà chỉ bức tranh Dominique dưới lùm cây, “Con lầm rồi, mẹ cho rằng bức tranh này…”

Ngay lúc ấy có tiếng cánh cửa trước mở ra. “Em đang nổi hứng đây. Hãy cởi cái…” Dominique chợt thấy Kate, “Thôi chết tôi rồi! Xin lỗi bà. Tôi… tôi không có biết Tony đang có khách”.

Một phút im lặng băng giá.

“Dominique, đây là m… mẹ tôi. Mẹ ạ, con xin giới thiệu với mẹ cô Dominique Masson”.

Hai người đàn bà đứng nhìn nhau chằm chằm, như dò xét.

“Bà có được mạnh khỏe không ạ, thưa bà Blackwell?”

Kate nói, “Tôi đã được xem bức tranh con trai tôi vẽ cô”, phần còn lại được bỏ lửng, không nói ra.

Lại một phút im lặng ngượng nghịu khác nữa.

“Tony có nói cho bà biết về cuộc triển lãm sắp tới của anh ấy hay chưa, thưa bà Blackwell?”

“Có. Thật là một tin rất đáng mừng”.

“Mẹ có… có thể ở lại để tham dự không, mẹ?”

“Mẹ rất mong muốn có thể có mặt ở đó, nhưng ngày kia mẹ sẽ có một cuộc họp của ban giám đốc ở Johannesburg, không thể vắng mặt được. Giá như mẹ được biết sớm hơn, có lẽ mẹ đã sửa đổi lại được thời khóa biểu”.

“Thôi thế cũng được”, Tony nói. “Con hiểu”, Tony lo sợ rằng mẹ anh có thể sẽ nói thêm nữa về công ty trước mặt Dominique, nhưng may thay, trí óc của Kate chỉ nghĩ đến các bức tranh.

“Điều quan trọng là phải có những người xứng đáng đến xem cuộc triển lãm ấy”.

“Ai là những người xứng đáng, thưa bà Blackwell?”

Kate quay về phía Dominique. “Những người tạo dư luận, những nhà phê bình. Cân phải có một người nào đó như André d’Usseau – Ông ấy cần phải có mặt ở đó”.

André d’Usseau là một nhà phê bình nghệ thuật được kính trọng nhất ở Pháp. Ông là một con sư tử hung dữ canh gác ngôi đền nghệ thuật, mà chỉ một bài điểm tranh của ông cũng đủ để tạo nên hay để đánh ngã gục một nghệ sĩ chỉ qua một đêm. d’Usseau được mời khai mạc tất cả các cuộc triển lãm, nhưng ông chỉ tham dự những cuộc triển lãm quan trọng thôi. Các chủ phòng tranh, các nghệ sĩ run rẩy, chờ đợi các bài phê bình của ông xuất hiện trên báo chí. Ông là bậc thầy về “bon mot”, và những câu nói châm biếm của ông bay đi khắp Paris trên những chiếc cánh tẩm thuốc độc. Ông ta là người bị ghét nhất trong giới nghệ sĩ ở Paris, nhưng cũng là người được kính nể nhất. Lối phê bình hóm hỉnh và cay độc một cách tàn nhẫn của ông được tha thứ bởi vì khả năng chuyên môn của ông.

Tony quay về phía Dominique nói, “Bà ấy là mẹ của mình nên mới nói thế”. Rồi anh quay lại nói với mẹ. “André d’Usseau không đi đến dự những cuộc triển lãm nhỏ đâu”.

“Ồ, Tony, ông ấy thể nào cũng phải đến. Ông ta có thể giúp cho con nổi danh chỉ qua một đêm”.

“Hay đánh gục ngã con cũng chưa biết chừng”.

“Thế con không tin vào khả năng của con hay sao?” Kate nhìn con và nói.

“Cố nhiên là anh ấy tin.”. Dominique nói. “Nhưng chúng cháu không dám hi vọng rằng ông d’Usseau sẽ đến”.

“Tôi có thể tìm các người bạn quen biết ông ta”.

Mặt Dominique rạng hẳn lên. “Thế thì tuyệt vời!” Nàng quay lại nói với Tony, “Chéri, anh có biết nếu ông ấy đến vào ngày khai mạc thì điều ấy sẽ có ý nghĩa như thế nào không?”

“Mình sẽ rơi vào quên lãng hoàn toàn”.

“Đừng có nói đùa. Em biết sở thích của ông ấy, Tony ạ. Em biết ông ấy thích những gì. Chắc chắn ông ấy sẽ thích các bức hoạ của anh”.

Kate nói, “Mẹ không tìm cách mời ông ta đến, trừ khi con bằng lòng”.

“Dĩ nhiên anh ấy muốn rồi, thưa bà Blackwell”.

Tony thở mạnh một cái. “Con sợ… sợ quá, nhưng thôi, mình cứ thử làm như vậy xem sao”.

“Để mẹ sẽ tìm cách”, Kate nhìn bức tranh trên giá vẽ một hồi lâu, rất lâu, rồi quay lại nhìn Tony. Một vẻ buồn thoáng qua trong đôi mắt bà. “Con ạ, mẹ phải rời Paris ngày mai. Chúng ta có thể ăn cơm chung tối nay được không?”

Tony đáp, “Được lắm, mẹ ạ. Chúng con rảnh tối nay”.

Kate quay về phía Dominique và nói một cách duyên dáng, “Cô thích ăn cơm ở Maxim’s hay ở…”

Tony nói thật nhanh. “Dominique và con có biết một quán ăn nhỏ rất tốt, không xa đây lắm”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

47#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 05:51:32 | Chỉ xem của tác giả
Họ cùng đến một quán ăn rẻ tiền ở Place Victorie. Thức ăn ở đấy ngon và rượu cũng tuyệt hảo. Hai người đàn bà có vẻ ăn ý với nhau lắm. Tony cảm thấy hãnh diện về cả hai người. Đó là một đêm vui vẻ nhất trong đời mình, anh nghĩ thầm. Mình đang ở bên cạnh mẹ mình và một người đàn bà mình sẽ cưới làm vợ.

Sáng hôm sau, Kate gọi điện thoại từ phi trường. “Mẹ đã gọi điện thoại đến hơn chục nơi. Không ai trả lời dứt khoát về André d’Usseau cả. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Tony ạ, mẹ rất hãnh diện về con. Các bức tranh của con tuyệt vời. Tony, mẹ yêu con”.

“Con cũng yêu mẹ, mẹ ạ”.

Phòng triển lãm Goerg Gallery chỉ vừa đủ lớn để thoát khỏi cái mà người ta gọi là “Phòng triển lãm thân mật”. Chừng hai chục bức tranh của Tony đang được treo lên các bức tường trong một sự chuẩn bị gấp gáp vào giờ phút chót trước khi khai mạc. Trên một chiếc bàn cẩm thạch là những lát phó mát, bánh bích quy và những chai rượu Chablis. Phòng tranh vắng tanh, chỉ có mặt Anton Goerg, Tony, Dominique và cô phụ tá trẻ đang treo bức tranh cuối cùng lên tường.

Anton Goerg nhìn vào đồng hồ. “Các giấy mời ghi rõ “bảy giờ”. Chắc các quan khách sẽ bắt đầu đến ngay bây giờ đây”.

Tony không nghĩ rằng anh sẽ bồn chồn, sốt ruột. “Mình không bồn chồn, sốt ruột”, anh tự nhủ. “Mình chỉ cảm thấy hoảng sợ!”

“Nếu không ai đến cả thì sao nhỉ?” Anh hỏi. “Tôi muốn nói là, nếu không có một ma nào đến thì mình sẽ làm thế nào?”

Dominique mỉm cười, vuốt má Tony và nói, “Thì chúng mình tha hồ ăn uống, cho hết tất cả các thứ này!”

Khách khứa bắt đầu lục tục kéo đến. Thoạt tiên họ đến chậm rãi, nhưng sau đó họ đến đông hơn nhiều. Ông Goerg đứng ở cửa, niềm nở chào mọi người. Họ có vẻ không giống như là những khách mua tranh, Tony nghĩ thầm một cách bực bội. Con mắt nhận xét của anh phân chia họ ra làm ba hạng người: thứ nhất là những nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật tham dự các cuộc triển lãm để đánh giá sự cạnh tranh giữa họ với nhau; thứ hai, những nhà buôn bán tranh vẫn hay đến tất cả các cuộc triển lãm để họ có thể loan truyền những tin tức xúc phạm làm giảm uy tín những kẻ đang mong muốn trở thành hoạ sĩ; và thứ ba là đông đảo quần chúng làm ra vẻ ưa thích nghệ thuật, trong đó bao gồm số đông những kẻ đồng tính luyến ái nam và nữ. Những kẻ này dường như sống cuộc đời của họ quanh quẩn ở ven rìa thế giới nghệ thuật. Tony quả quyết, “Mình chắc sẽ không bán được một bức tranh khỉ khô nào”.

Ông Goerg vẫy tay ra dấu cho Tony từ bên kia phòng.

“Anh nghĩ rằng anh không muốn gặp bất kì ai trong số người này”. Tony thì thầm với Dominique, “Họ đến đây để xé toạc anh ra từng mảnh”.

“Nói bậy nào. Họ đến đây để được gặp anh. Bây giờ, anh hãy tỏ ra dễ mến đi, Tony”.

Và vì thế, anh tỏ ra dễ mến. Anh gặp tất cả mọi người, tủm tỉm cười luôn miệng, và thốt ra những lời lẽ thích hợp để đáp lại những lời khen tặng dành cho anh. Nhưng có thật đó là những lời khen tặng hay không? Tony tự hỏi. Qua bao nhiêu năm, người ta đã đặt ra trong các giới nghệ thuật một thứ ngôn ngữ để sử dụng khi nói về những cuộc triển lãm của các hoạ sĩ không có tên tuổi. Những câu nói, nói lên đủ mọi thứ, nhưng chẳng có nghĩa gì cả.

“Mình thực sự cảm thấy như mình đang hiện diện ở đó…”

“Thật tôi chưa hề được thấy một lối vẽ nào hoàn toàn giống như của anh…”

“Đó mới thực sự là một bức tranh!”

“Nó như nói lên với tôi…”

“Anh khó có thể làm tốt hơn thế được…”

Khách vẫn tiếp tục kéo đến. Tony tự hỏi sức thu hút ấy là do sự tò mò muốn biết về các bức tranh của anh hay là do phó mát và rượu được cung cấp miễn phí. Cho đến lúc ấy, chưa có bức tranh nào được bán, nhưng rượu và phó mát đang được tiêu thụ rất mạnh.

“Hãy kiên nhẫn”, ông Goerg thì thầm vào tai Tony. “Họ thích đấy. Thoạt tiên họ phải nếm mùi vị tổng quát của các bức tranh nào đó họ ưa thích, họ sẽ quay trở lại với bức tranh ấy. Một lát sau đó, họ hỏi giá, và khi họ rỉa vào cái mồi thì, A lê hấp! Cá đã cắn câu!”

“Lạy Chúa, anh có cảm tưởng như anh đang tham dự vào một cuộc đi câu cá vậy!” Tony nói với Dominique.

Ông Goerg hối hả chạy đến Tony, “Chúng ta bán được một bức rồi!”, ông kêu lên. “Bức phong cảnh Normandy. Năm trăm francs”.

Đó là những giây phút mà Tony sẽ nhớ mãi chừng nào anh còn sống. Một người nào đó đã mua một bức tranh của anh! Một người nào đó đã suy nghĩ khá kĩ về tác phẩm của anh để bỏ tiền ra mua, rồi treo nó ở nhà hay văn phòng, để được nhìn ngắm nó, sống với nó, trình bày nó cho các bạn xem. Nó là một mảnh nhỏ của sự bất diệt. Nó là một lối sống, hơn là một đời sống, được có mặt tại nhiều nơi trong cùng một lúc. Một nghệ sĩ thành công có mặt ở hàng trăm gia đình, văn phòng và viện bảo tàng trên khắp thế giới, đem đến sự vui thích cho hàng ngàn – có khi hàng triệu con người. Tony có cảm tưởng như mình đã bước vào đền thờ của Da Vinci, Michelangelo và Rembrandt. Anh không còn là hoạ sĩ tài tử nữa, anh đã trở thành chuyên nghiệp. Một kẻ nào đó đã trả tiền để mua tác phẩm của anh.

Dominique vội vã đến chỗ Tony, cặp mắt sáng lên sung sướng. “Mình lại vừa bán được một bức nữa, Tony ạ”.

“Bức nào?” Anh hăm hở hỏi.

“Bức tranh hoa”.

Phòng tranh bé nhỏ lúc này đã đông nghẹt người. Họ nói chuyện ồn ào, cụng ly với nhau lách cách. Bỗng một sự im lặng đột nhiên giăng khắp căn phòng. Có những tiếng thì thầm như sóng ngầm, rồi mọi con mắt đều hướng về phía cửa.

André d’Usseau đang đi vào phòng tranh. Ông ở vào trạc trung tuần, cao hơn người Pháp bình thường, với một khuôn mặt khỏe mạnh giống như sư tử, và một cái bờm tóc bạc. Ông mặc một chiếc áo choàng kiểu Tô Cách Lan, và đội một chiếc mũ Borsalino, và sau lưng ông là một đoàn tùy tùng gồm những kẻ “theo đóm ăn tàn”. Mọi người trong phòng tự động giãn ra để nhường lối cho d’Usseau. Không một ai hiện diện ở đó mà không biết ông là ai.

Dominique bóp chặt tay Tony, nói “Ông ấy đã đến kia! Ông ấy có mặt ở đây!”.

Một vinh dự lớn lao như vậy chưa hề bao giờ xảy đến với ông Goerg. Vì vậy, ông điên lên vì vui mừng, ông cúi đầu xuống, quỵ lụy, trước nhân vật vĩ đại; ông làm đủ mọi thứ, chỉ thiếu điều giựt mạnh chùm tóc trên trán ông mà thôi.

“Thưa ông d’Usseau”, ông lắp bắp nói, “Thật là một điều vui sướng, một vinh dự lớn lao! Xin cho phép tôi được mời ông chút rượu và ít lát phó mát”. Ông tự trách mình đã khônng mua thứ rượu sang hơn.

“Xin cảm ơn”, nhân vật vĩ đại nói. “Tôi đến đây chỉ để cho cặp mắt tôi được thoả mãn với cái đẹp thôi. Tôi muốn được gặp nghệ sĩ”.

Tony quá choáng váng, không còn có thể cử động được. Dominique đẩy anh ra phía trước.

“Ông ấy đây ạ”, ông Goerg nói. “Thưa ông d’Usseau, đây là Tony Blackwell”.

Lúc ấy Tony mới thốt được ra lời. “Xin kính chào ông. Cảm ơn ông đã đến thăm cuộc triển lãm”.

André d’Usseau khẽ cúi đầu, rồi đi thẳng đến các bức tranh treo trên tường. Mọi người lùi lại để nhường chỗ cho ông. Ông đi một cách chậm rãi, nhìn mỗi bức tranh thật lâu và cẩn thận, rồi lại tiếp tục đi đến bức tranh kế tiếp. Tony cố đọc các ý nghĩ của ông qua nét mặt, nhưng anh không thấy gì hết. d’Usseau không nhăn mặt cũng không cười. Ông dừng lại một hồi lâu trước một bức hoạ đặc biệt, đó là bức hoạ Dominique khoả thân, rồi lại tiếp tục di chuyển. Ông đi hết một vòng khắp căn phòng, không bỏ sót một bức tranh nào. Tony toát mồ hôi như tắm.

Xem xong d’Usseau bước đến chỗ Tony. “Tôi vui sướng được đến đây”. Ông chỉ nói vỏn vẹn có thế.

Chỉ trong vòng ít phút sau, khi nhà phê bình nổi danh ấy rời căn phòng, tất cả mọi bức tranh đều được bán hết. Một nghệ sĩ vĩ đại sắp ra đời, và mọi người đều muốn tham dự vào buổi khai sinh ấy.

“Tôi chưa hề chứng kiến một chuyện như thế này”, ông Goerg kêu lên. “André d’Usseau đến phòng tranh này. Phòng tranh của tôi! Tất cả Paris sẽ đọc thấy sự kiện này trên báo chí ngày mai. Ông ấy nói, “Tôi vui sướng đến đây”. Ông André d’Usseau không phải là một người chịu phí lời nói. Riêng chuyện này không cũng đáng phải gọi thêm rượu sâm banh rồi. Nào chúng ta hãy ăn mừng”.

Khuya hôm ấy, Tony và Dominique tổ chức cuộc ăn mừng riêng tư của họ. Dominique rúc vào cánh tay Tony và nói, “Em đã ngủ với nhiều hoạ sĩ trước kia, nhưng không có ai danh tiếng như anh sau này. Ngày mai cả Paris sẽ biết anh là ai”.

Dominique đã nói đúng.

Vào lúc năm giờ sáng hôm sau, Tony và Dominique hối hả mặc quần áo để đi ra ngoài mua số đầu tiên của một tờ báo xuất bản vào buổi sáng. Số báo này vừa được đưa đến sạp bán báo. Tony chụp lấy một tờ, lật sang trang Văn nghệ. Bài điểm tranh của d’Usseau là bài báo đăng ở trang đầu dưới cái tên André d’Usseau in ngay ở phía trên. Tony đọc lên thật to:

“Một cuộc triển lãm tranh của một hoạ sĩ trẻ người Mỹ, tên Anthony Blackwell, vừa được khai mạc đêm hôm qua ở phòng tranh Goerg Gallery. Đây là một kinh nghiệm học hỏi lớn lao đối với người viết bài phê bình này. Tôi đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh của các hoạ sĩ có tài năng đến nỗi tôi đã quên đi thế nào là những bức tranh thực sự là tồi. Đêm qua, tôi mới được nhắc nhở lại điều này…“

Mặt Tony tái mét lại…

“Thôi, đừng đọc nữa”, Dominique năn nỉ. Nàng cố giằng lấy tờ báo khỏi tay Tony.

“Để anh đọc tiếp”, Tony ra lệnh.

Anh tiếp tục đọc:

“Thoạt tiên, tôi tưởng rằng người ta muốn bày ra một trò đùa. Tôi không thể nào tin được một cách nghiêm chỉnh rằng có một kẻ nào đó lại bạo gan treo những bức tranh tài tử như thế và dám gọi đó là nghệ thuật. Tôi cố tìm chút tài năng rất nhỏ bé le lói trong những bức tranh ấy. Thế nhưng tôi chẳng thấy chút gì cả. Lẽ ra người ta nên treo cổ nhà hoạ sĩ ấy thay vì treo các bức tranh của anh ta lên. Tôi xin thành thực khuyên cái ông Blackwell loạn óc ấy nên trở về cái nghề thực sự của anh ta, mà tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng đó là nghề sơn nhà, sơn cửa.”

“Em không thể nào tin nổi”, Dominique thì thào, “Em không thể nào tin được rằng ông ấy không thấy tài năng của anh. Trời, cái lão chó đẻ ấy!” Dominique bắt đầu khóc sướt mướt.

Tony cảm thấy như ngực anh chứa đầy chì. Anh thấy khó thở quá. “Ông ấy đã thấy”, anh nói, “Ông ấy biết rõ tài năng của anh, Dominique ạ. Ông ấy biết rõ lắm”. Giọng anh tràn ngập đau khổ. “Đau đớn nhất chính là chỗ đấy. Lạy Chúa. Mình thật là một thằng điên!” Anh sắp sửa bước ra ngoài.

“Anh định đi đâu, Tony?”

“Anh không biết”.

Anh đi lang thang quanh các đường phố lạnh lẽo vào lúc rạng đông, không biết rằng những giọt nước mắt đang tuôn xuống mặt anh. Chỉ trong ít giờ đồng hồ nữa, cả Paris sẽ đọc bài bình luận ấy. Anh sẽ trở thành một đối tượng chế giễu. Nhưng đau đớn hơn thế nữa, anh đã tự lừa dối mình. Anh đã thực sự tin tưởng rằng anh có một sự nghiệp xán lạn trước mắt với tư cách là một hoạ sĩ. Ít nhất ông André d’Usseau đã cứu anh ra khỏi sự lầm lẫn ấy. Những mảnh nhỏ dành cho hậu thế! Tony nghĩ một cách chua chát. Những mảnh phân c… thì đúng hơn! Anh bước vào một quán rượu đầu tiên vừa mở cửa, rồi ngồi xuống uống rượu cho đến lúc không còn biết trời đất gì nữa.

Khi Tony cuối cùng trở về căn hộ thì đã năm giờ sáng hôm sau.

Dominique đang chờ đợi anh, lo sợ cuống cuồng. “Hôm qua đến giờ anh ở đâu, Tony? Mẹ anh đã tìm cách tiếp xúc với anh. Bà ấy lo lắng lắm”.

“Thế em có đọc bài báo ấy cho bà nghe chưa?”

“Có, bà ấy cứ đòi em phải đọc. Em…”

Tiếng điện thoại reo vang. Dominique đưa mắt nhìn Tony, rồi nhặt ống nghe lên. “Alô? Phải, thưa bà Blackwell, anh ấy mới về”. Nàng đưa ống nghe cho Tony. Anh do dự một lát, rồi cầm lấy.

“Alô, m… mẹ”

Giọng Kate có vẻ buồn bã. “Tony yêu quý, nghe mẹ nói đây này. Mẹ có thể yêu cầu ông ta rút lại lời tuyên bố ấy…”

“M… mẹ ạ”, Tony nói một cách chán chường. “Đây không phải là một vụ giao dịch mua bán. Đây là một nhà phê bình bày tỏ ý kiến của mình. Ý kiến của ông ta là con đáng bị treo cổ”.

“Con ạ, mẹ không thích để người ta xúc phạm đến con như thế. Chắc là mẹ không chịu đựng nổi rồi…” Nói xong bà ngưng bặt lại, không thể tiếp tục được nữa.

“Không hề gì đâu mẹ ạ. Con muốn thử tài con một chút. Con đã thử rồi và thất bại. Con không có cái mà nghề ấy đòi hỏi. Chỉ đơn giản có thế thôi. Con không thích lối nói của d’Usseau, nhưng ông ta là một trong những nhà phê bình nghệ thuật “chết tiệt” tài giỏi nhất trên thế giới. Con phải công nhận điều đó. Ông ấy đã giúp con thoát khỏi một sự lầm lẫn kinh khủng”.

“Tony ạ, mẹ ao ước có một điều gì đó mẹ có thể nói…”

“d’Usseau đã nói hết rồi. May mà con phát hiện được điều ấy ngay vào lúc này, còn hơn là chờ cho đến mười năm nữa, phải thế không mẹ? Con phải rời khỏi thành phố này”.

“Hãy ở đó chờ mẹ, con ạ. Mẹ sẽ đi Johannesburg ngày mai, rồi chúng ta sẽ cùng trở về New York với nhau”.

“Được rồi”, Tony nói. Anh đặt ống nghe xuống, quay về phía Dominique. “Xin lỗi Dominique, em đã chọn lầm một người bạn rồi”.

Dominique không nói gì. Nàng chỉ nhìn anh bằng những con mắt chứa đầy nỗi u sầu không nói được ra lời.

Trưa ngày hôm sau, ở văn phòng của Kruger-Brent trên đường Magnon, Kate Blackwell ngồi viết trên tấm ngân phiếu. Người ngồi đối diện với bà ở bàn viết thở dài nói, “Thật đáng tiếc. Cậu con trai bà có tài năng, bà Blackwell ạ. Lẽ ra anh ấy có thể trở thành một hoạ sĩ nổi danh”.

Kate nhìn ông ta, nét mặt lạnh lùng. “Ông d’Usseau ạ, hiện có hàng chục ngàn hoạ sĩ trên thế giới. Tôi không dự tính cho con trai tôi trở thành một trong đám đông người ấy”. Bà đưa tấm ngân phiếu ngang qua bàn viết. “Ông đã hoàn thành phần giao kèo của ông. Tôi cũng chuẩn bị làm tốt phần giao kèo của tôi. Hãng Kruger-Brent sẽ bảo trợ các Viện Bảo tàng nghệ thuật ở Johannesburg, London và New York. Ông sẽ phụ trách việc tuyển chọn các bức tranh – dĩ nhiên là ông sẽ nhận được tiền hoa hồng hậu hĩnh”.

Nhưng, sau khi d’Usseau đã ra về khá lâu rồi, bà ngồi ở bàn viết, tràn ngập một nỗi u sầu sâu đậm. Bà quá yêu thương con bà. Nếu như một ngày nào đó nó phát hiện ra điều này thì… Bà biết rõ điều rủi ro mà bà đã chấp nhận. Nhưng bà không thể ngồi đó để nhìn Tony vứt bỏ đi tài sản lớn lao nó sẽ thừa kế sau này. Dù cái giá phải trả như thế nào chăng nữa, Tony cũng phải được bảo vệ. Công ty phải được bảo vệ. Kate đứng dậy, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi. Đã đến lúc bứng Tony đi, đưa anh ta về nhà. Bà sẽ giúp Tony quên đi câu chuyện này, để có thể bắt tay vào thứ công việc anh ta đã được sinh ra để hoàn tất.

Đó là điều khiển công ty.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

48#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 06:15:11 | Chỉ xem của tác giả
Chương 19


Trong hai năm kế tiếp đó, Tony Blackwell cảm thấy mình như đang ở trên một cái cối xay khổng lồ, không đưa mình đi đến đâu cả. Anh là vị Hoàng thái tử thừa kế đế quốc Kruger-Brent, một tổng công ty lớn khủng khiếp đã được mở rộng ra để bao gồm cả các nhà máy giấy, một đường hàng không, nhiều ngân hàng và cả một dây chuyền bệnh viện. Tony nhận thức được rằng một cái tên chính là một chìa khóa mở tất cả mọi cánh cửa. Có những câu lạc bộ tổ chức và phe nhóm xã hội, mà ở đó yếu tố chủ yếu không phải là tiền bạc hay ảnh hưởng mà là tên tuổi. Tony được nhận làm hội viên cho nhiều câu lạc bộ danh tiếng, được tiếp đãi ở khắp mọi nơi, nhưng anh cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh. Anh không làm để xứng đáng với các thứ ấy. Anh chỉ là một cái bóng khổng lồ của ông ngoại anh; anh cảm thấy mình như luôn luôn được so sánh với ông ấy. Thật là không đúng, không công bằng, vì anh không bao giờ phải bò qua bãi mìn, không có tên bảo vệ nào bắn vào anh, không có những con cá mập đe doạ anh. Những câu chuyện xưa cũ về các hành động gan dạ không có liên quan gì đến anh cả. Chúng thuộc về thế kỉ trước, một thời đại khác, một nơi chốn khác, những hành động anh hùng thuộc về một nhân vật xa lạ.

Tony làm việc gấp đôi bất cứ người nào khác ở Kruger-Brent. Anh làm việc cật lực, cố vứt bỏ những kỉ niệm quá đau đớn, không thể chịu đựng nổi. Anh viết thư cho Dominique, nhưng các thư của anh đều bị trả lại nguyên vẹn. Anh điện thoại cho giáo sư Cantal, nhưng Dominique không còn làm người mẫu cho Trường Mỹ thuật nữa. Nàng đã biến mất rồi.

Tony giải quyết công việc một cách thành thạo và có phương pháp, nhưng không đam mê hay ham thích gì, và nếu anh cảm thấy một sự trống rỗng trong lòng thì cũng không một ai nghi ngờ gì. Cả Kate cũng không nghi ngờ điều đó. Bà vẫn nhận được những báo cáo hàng tuần về Tony và lấy làm hài lòng.

“Nó có năng khiếu tự nhiên về kinh doanh”, bà nói với Brad Rogers.

Đối với Kate, những giờ làm việc kéo dài của Tony là bằng chứng cho thấy anh yêu mến công việc đang làm. Mỗi khi nhớ lại rằng Tony đã có lần suýt vứt bỏ cả tương lai, bà vẫn thường rùng mình và cảm ơn trời đất rằng bà đã cứu anh ra khỏi cảnh ngộ ấy.

Năm 1948, Đảng Dân tộc nắm toàn quyền ở Nam Phi, cùng với nạn kì thị chủng tộc ở khắp nơi công cộng. Cuộc di cư bị kiểm soát chặt chẽ, và nhiều gia đình bị phân cách cho sự thuận tiện của Chính phủ. Mỗi người da đen đều phải mang một cái “bewshoek”. Cái này không phải chỉ là một thứ giấy thông hành mà nó còn là một thứ bùa hộ mệnh, một giấy khai sinh, một giấy cho phép làm việc, một biên lai trả thuế. Nó quy định tất cả các hoạt động, các sự di chuyển và đời sống của người ấy. Càng lúc càng có nhiều cuộc nổi loạn ở Nam Phi, nhưng tất cả đều bị đàn áp một cách tàn nhẫn bởi cảnh sát. Thỉnh thoảng, Kate đọc những bài báo kể về những vụ phá hoại, bất ổn, và tên Banda luôn được nhắc đến hàng đầu. Ông vẫn là lãnh tụ của những tổ chức bí mật, mặc dầu tuổi tác đã lớn. Dĩ nhiên, bác ấy chiến đấu cho đồng bào của bác, Kate thầm nghĩ. Bác là Banda mà.

Kate tổ chức lễ sinh nhật thứ năm mươi sáu một mình với Tony ở ngôi nhà trên Đại lộ Thứ năm. Bà nghĩ thầm. Người con trai hai mươi bốn tuổi đang ngồi ở bên kia chiếc bàn không thể là con trai của mình được. Mình còn quá trẻ. Tony nâng ly chúc mừng mẹ, “Mừng bà mẹ kì diệu của con. Chúc mẹ một ngày sinh nhật vui vẻ”.

“Con phải nâng ly chúc mừng bà mẹ già kì diệu mới phải”.

Bà nghĩ thầm, “Chẳng bao lâu nữa mình sẽ rút lui dưỡng già, nhưng con trai mình sẽ thay thế mình. Con trai của tôi”

Do lời yêu cầu khẩn khoản của mẹ, Tony đã dọn đến ở tại tòa lâu đài trên Đại lộ Thứ năm.

“Nơi ấy quá rộng lớn để mẹ đi lại trong đó một mình”, Kate nói với con trai. “Con sẽ có cả một chái phía tây dành riêng cho con, tha hồ yên tĩnh, kín đáo”. Tony thấy tốt hơn hết là nhượng bộ thay vì cãi lại bà.

Tony và Kate ăn điểm tâm với nhau mỗi buổi sáng. Đề tài nói chuyện của họ bao giờ cũng về công ty Kruger-Brent. Tony ngạc nhiên không hiểu vì sao mẹ anh lại có thể tha thiết như vậy với một thực thể không có linh hồn, không có mặt mũi, một tập hợp vô hình dạng những tên nhà, máy móc và những con số kế toán. Cái ma thuật ấy nằm ở đâu? Trước bao nhiêu những điều bí mật trên thế giới còn cần phải khám phá, tại sao lại có người muốn phí phạm thì giờ trong cuộc sống để tích lũy của cải cho mỗi lúc một nhiều hơn nữa và để thu thập lấy quyền hành càng ngày càng lớn mạnh? Tony không hiểu được mẹ anh. Nhưng anh yêu mẹ. Và anh cố gắng sống để đạt đến những mong ước của bà.

Chuyến bay của hãng Pan Am đi từ Rome đến New York mà không có gì trục trặc. Tony thích hãng máy bay này. Nó vừa dễ chịu vừa có hiệu quả. Anh ngồi xem xét các báo cáo của các cơ sở công ty ở nước ngoài từ lúc máy bay bắt đầu cất cánh, bỏ cả bữa ăn, không để ý đến những người chiêu đãi viên đem các thức uống, gối nằm và mọi thứ tiện nghi cho ông hành khách quý này của họ.

“Cảm ơn cô. Tôi cảm thấy dễ chịu rồi”.

“Thưa ông Blackwell, ông cần thêm thứ gì nữa không ạ?”

“Cảm ơn”.

Một người đàn bà trạc trung niên, ngồi bên cạnh Tony đang đọc một tạp chí thời trang. Trong khi bà giở trang báo, Tony chợt liếc mắt qua. Anh bỗng thấy lạnh người. Trên tờ báo có hình một người mẫu mặc một chiếc áo choàng. Đó là Dominique. Không thể lầm lẫn được. Cũng là đôi gò má cao, xinh xắn, cũng vẫn đôi mắt xanh màu lục sẫm và làn tóc hoe sum sê ấy. Mạch trong người Tony bắt đầu đập thật nhanh.

“Xin lỗi bà”, Tony nói với bà hành khách bên cạnh, “Bà có thể cho tôi mượn trang báo ấy được không?”

Sáng sớm hôm sau, Tony gọi điện thoại đến cửa hiệu bán áo dài phụ nữ để hỏi tên của hãng quảng cáo. Anh điện thoại đến nơi này. “Tôi muốn tìm địa chỉ của một người làm mẫu cho quý hãng”. Anh nói với nhân viên phòng điện thoại. “Cô có thể nào…”

“Xin chờ một lát”.

Tiếp đó là tiếng của một người đàn ông. “Thưa ông cần gì ạ?”

“Tôi trông thấy một bức hình trên số báo Vogue tháng này. Một người mẫu quảng cáo một chiếc áo dài khiêu vũ cho các cửa hiệu Rothman. Có phải quảng cáo ấy của quý ông không?”

“Phải”.

“Ông có thể cho tôi biết tên hãng giới thiệu người mẫu cho quý ông được không?

“Có lẽ đó là hãng Carleton Blessing”. Người ấy cho Tony số điện thoại.

Một phút sau, Tony nói chuyện với một người đàn bà ở hãng Carleton Blessing. “Tôi muốn tìm một trong các cô làm người mẫu của quý hãng. Cô ấy tên là Dominique Masson”.

“Xin lỗi, hãng chúng tôi đã có nguyên tắc không cung cấp mọi thông tin có tính cách cá nhân”. Đường dây điện thoại bị cúp.

Tony ngồi tại chỗ, nhìn chằm chằm vào ống nghe. “Chắc phải có cách tiếp xúc với Dominique”. Anh đi vào văn phòng của Brad Rogers.

“Chào anh Tony. Uống cà phê nhé?”

“Không, cảm ơn. Bác Brad, bác có nghe nói về hãng người mẫu Carleton Blessing không?”

“Có. Hãng ấy thuộc về chúng ta”.

“Sao?”

“Hãng ấy được đặt dưới sự bảo trợ của một trong các chi nhánh của chúng ta”.

“Chúng ta mua hãng ấy lúc nào vậy?”

“Chừng một vài năm trước đây. Ngay vào lúc anh bắt đầu vào làm việc cho công ty. Anh có gì phải quan tâm về hãng ấy?”

“Tôi cố tìm cho ra một người mẫu làm cho hãng ấy. Cô ta là một người bạn của tôi”.

“Chẳng có gì khó khăn cả. Tôi sẽ gọi điện thoại, rồi…”

“Bác khỏi bận tâm, để tôi tự làm việc ấy. Cảm ơn bác Brad”.

Một cảm giác mong đợi ấm áp dâng lên trong lòng Tony.

Chiều hôm ấy, Tony đi lên phố, đến văn phòng hãng Carleton, chìa danh thiếp của anh ra. Chỉ sáu mươi giây sau, anh ngồi tại văn phòng của ông chủ hãng, ông Tilton.

“Thưa ông Blackwell, đây là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Tôi hi vọng rằng không có vấn đề gì rắc rối cả. Tiền lời của chúng tôi trong quý trước là…”

“Chẳng có vấn đề gì cả. Tôi chỉ muốn gặp một người làm mẫu cho các ông, tên là Dominique Masson”.

Mặt của Tilton sáng lên. “Cô ấy đã trở thành một trong các cô làm mẫu khá nhất của chúng tôi. Bà thân mẫu của ông thật là một người có mắt”.

Tony tưởng rằng Tilton hiểu lầm câu nói của anh, “Tôi xin lỗi”.

“Chính bà thân mẫu của ông đích thân yêu cầu tôi nhận cô Dominique ấy vào làm việc. Đó cũng là một phần của hợp đồng khi Công ty Kruger-Brent tiếp quản chúng tôi. Tất cả đều ghi trong hồ sơ. Nếu ông muốn xem thì…”

“Không”, Tony không thể hiểu được chút nào về những gì anh vừa nghe. Tại sao mẹ anh lại…? “Ông cho tôi địa chỉ của cô Dominique được không?”

“Dĩ nhiên là được, thưa ông Blackwell. Cô ấy đang có một cuộc trưng bày ở Vermont hôm nay, nhưng cô ấy thể nào cũng trở về”. Tilton nhìn vào thời khóa biểu trên bàn – “vào trưa ngày mai”.

Tony đang chờ đợi ở bên ngoài tòa nhà, nơi có căn hộ của Dominique, thì một chiếc xe hơi đen dừng lại, và Dominique bước ra khỏi xe. Cùng đi với nàng là một anh chàng to lớn như lực sĩ đang vác một va li của Dominique. Dominique dừng phắt lại, đứng sững sờ khi nhìn thấy Tony.

“Tony! Lạy Chúa! Anh làm cái gì ở đây?”

“Anh cần nói chuyện với em”.

“Thôi, bữa khác đi, anh bạn”. Anh chàng lực sĩ ấy nói. “Trưa nay chúng tôi bận lắm”.

Tony không thèm để ý đến hắn ta. “Em bảo cái anh bạn này của em hãy đi chỗ khác đi”.

“Này, anh kia, anh nghĩ anh là cái quái gì mà…”

Dominique quay về phía anh chàng lực sĩ. “Thôi đi đi, Ben. Tôi sẽ gọi lại anh tối nay”.

Hắn ta do dự một lúc, rồi nhún vai nói, “Ô kê”. Hắn đưa mắt giận dữ nhìn Tony, trở lại chiếc xe, rồi rồ máy chạy thẳng.

Dominique quay về phía Tony. “Chúng ta nên đi vào trong nhà nói chuyện”.

Căn hộ của Dominique là một buồng hai tầng rộng lớn với những tấm thảm và màn màu trắng và đồ đạc tối tân, có vẻ rất đắt tiền.

“Em có vẻ làm ăn khá nhỉ”.

“Vâng. Em may mắn thôi”. Các ngón tay của Dominique bấu vào chiếc áo choàng, có vẻ bồn chồn. “Anh muốn uống thứ gì không?”

“Không, cảm ơn. Anh cố tìm cách liên lạc với em sau khi rời Paris ”.

“Lúc ấy em rời đi nơi khác”.

“Rời sang Mỹ phải không?”

“Phải”.

“Làm sao em kiếm được việc làm ở hãng Carleton Blessing này?”

“Em… em viết thư trả lời cho một mục quảng cáo trên báo”. Nàng ấp úng nói.

“Em gặp mẹ anh lần đầu tiên vào lúc nào?”

“Tại… tại căn hộ của anh ở Paris , anh không nhớ sao? Chúng mình…”

“Thôi đừng giở trò nữa”, Tony nói. Anh cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục. “Cái trò đùa ấy chấm dứt rồi. Tôi chưa hề bao giờ đánh một người đàn bà, nhưng nếu cô còn dối trá với tôi nữa, tôi hứa với cô rằng cái mặt của cô không còn được nguyên vẹn để chụp ảnh nữa đâu”.

Dominique định mở miệng nói, bỗng khựng lại vì cặp mắt giận dữ của Tony.

“Tôi hỏi cô lại một lần nữa. Cô gặp mẹ tôi lần đầu tiên ở đâu?”

Lần này, Dominique không còn do dự gì nữa. “Khi anh được nhận vào Trường Mỹ thuật Paris . Mẹ anh thu xếp cho tôi làm kiểu mẫu ở đó”.

Tony cảm thấy đau nhói trong lòng. Anh cố tiếp tục hỏi, “Như vậy để tôi có thể gặp cô, phải thế không?”

“Phải, em…”

“Rồi mẹ tôi trả tiền cho cô để cô làm nhân tình cho tôi, để giả vờ yêu tôi, phải thế không?”

“Phải. Lúc ấy chiến tranh vừa chấm dứt. Thật là kinh khủng. Em không có tiền, anh hiểu không? Nhưng, Tony ạ, anh hiểu cho em, em mến, em thực sự mến…,”

“Cứ trả lời thẳng câu hỏi của tôi”. Vẻ hung bạo trong giọng nói của Tony làm cho nàng hoảng sợ. Đây là một người lạ mặt đang đứng trước mặt nàng, một kẻ có thể trở nên hung bạo vô cùng.

“Mục đích là để làm gì?”

“Mẹ anh muốn em canh chừng anh”.

Anh nghĩ đến vẻ âu yếm của Dominique trước kia, đến những lúc hai người ân ái với nhau – tất cả đều do mẹ anh bỏ tiền ra mua. Anh cảm thấy đau đớn vì thẹn. Thì ra trong suốt thời gian ấy, anh chỉ là một tên bù nhìn của mẹ anh, bị kiểm soát, bị vận dụng. Mẹ anh đã coi anh chẳng ra cái quái gì. Anh không phải là con trai của bà ta. Anh là vị hoàng thái tử, là vị thừa kế của bà. Bà chỉ xem công ty của bà là quan trọng đối với bà mà thôi. Anh đưa mắt nhìn Dominique lần cuối cùng, rồi lảo đảo bước ra ngoài. Nàng nhìn theo anh, đôi mắt nhòa lệ. Nàng nói thầm trong bụng. “Em không nói dối về tình yêu của em đối với anh, Tony ạ. Em không nói dối về chuyện ấy đâu”.

Kate đang ngồi trong thư viện thì Tony bước vào, vừa uống rượu say mèm.

“Con… con vừa nói chuyện với Do… Dominique. Hai người chắc tha hồ vui thích, chế giễu sau lưng tôi…”

Kate lập tức cảm thấy hoảng sợ. “Tony…”

“Từ nay trở đi, con muốn mẹ đừng có xen vào cuộc sống riêng tư của con nữa, mẹ có nghe không?” Nói xong, anh quay người lại, loạng choạng bước ra khỏi phòng.

Kate nhìn theo, đột nhiên cảm thấy linh tính của bà báo trước một điều gì kinh khủng sẽ xảy ra.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

49#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 15:47:22 | Chỉ xem của tác giả
Chương 20


Ngày hôm sau, Tony thuê một căn hộ trong vùng Greenwich Village. Không còn có những bữa cơm thân mật với mẹ anh nữa. Mối liên hệ giữa anh với mẹ vẫn tiếp tục trên căn bản công việc, không mang tính chất tình cảm. Đôi lúc Kate cũng tìm cách giảng hoà với con, nhưng Tony làm như không để ý đến. Kate cảm thấy đau đớn trong tim. Nhưng bà đã làm những gì mà bà cho là đúng cho Tony, cũng y hệt như trước kia bà đã làm đúng cho David. Bà không muốn bất kì người nào trong hai người ấy rời bỏ công ty của bà. Tony là người duy nhất trên thế gian này mà bà yêu mến, nhưng bà nhận thấy anh mỗi ngày một tách rời, kín đáo, chối bỏ tất cả mọi người. Anh không có bạn bè nào. Nếu trước kia anh là một con người nồng nhiệt, cởi mở thì bây giờ anh trở nên lạnh nhạt, dè dặt. Anh đã xây dựng lên một bức tường xung quanh mình mà không một ai có thể phá vỡ được. “Nó cần có một người để chăm sóc nó”, Kate nghĩ thầm, “Và một đứa con trai để tiếp tục sự nghiệp của nó. Mình phải giúp đỡ cho nó mới được”.

Brad Rogers bước vào văn phòng của Kate và nói, “Tôi lo rằng chúng ta sẽ phải dính líu vào nhiều vụ rắc rối nữa, Kate ạ”.

“Có chuyện gì xảy ra vậy?”

Brad đặt một bức điện lên bàn. “Quốc hội Nam Phi đã đặt Hội đồng Đại diện các dân bản xứ ra ngoài vòng pháp luật và thông qua Đạo luật chống Cộng sản”.

Kate nói, “Lạy Chúa”. Đạo luật ấy chẳng có liên quan gì đến Cộng sản cả. Nó tuyên bố rằng bất cứ ai bất đồng ý kiến với chính phủ và cố thay đổi bằng bất cứ cách nào sẽ bị coi là phạm tội theo đạo luật chống Cộng sản ấy, và có thể bị tù.

“Đó là cách của họ nhằm phá vỡ phong trào chống đối của người da đen”, Kate nói. “Nếu…”, câu nói của bà bị cắt ngang vì cô thư ký của bà vừa lúc ấy bước vào và nói.

“Có điện thoại từ nước ngoài gọi đến, thưa bà. Đó là ông Pierce ở Johannesburg”.

Jonathan Pierce là giám đốc chi nhánh của bà ở Johannesburg. Kate nhấc điện thoại. “A lô, Johnny. Mạnh khoẻ chứ?”

“Vẫn khoẻ, thưa bà. Tôi có ít tin tức cần cho bà biết”.

“Chuyện gì vậy?”

“Tôi vừa nhận được báo cáo cho biết rằng Banda vừa bị bắt”.

Kate lên máy bay đi Johannesburg ngay trong chuyến bay kế tiếp đó. Bà đã báo động cho các luật sư của công ty và ra lệnh cho họ nghiên cứu xem có cách nào giúp đỡ Banda được hay không. Ngay đến cả quyền lực và uy tín của Kruger-Brent cũng có thể bất lực trong việc này. Banda đã bị xem như là kẻ thù của quốc gia, nên bà lo sợ mỗi khi nghĩ đến thứ trừng phạt mà Banda sẽ phải gánh chịu. Ít nhất bà cũng phải gặp Banda, nói chuyện với bác ấy và đề nghị mọi sự giúp đỡ có thể có được.

Khi máy bay hạ cánh xuống Johannesburg, Kate đi ngay đến văn phòng của bà, rồi điện thoại đến giám đốc các nhà tù.
“Thưa bà Blackwell, hắn ta bị nhốt trong một khu riêng biệt, không được phép tiếp khách khứa nào đến thăm. Thế nhưng trong trường hợp của bà, tôi sẽ tìm cách thu xếp…”

Sáng hôm sau, Kate có mặt ở nhà tù Johannesburg, mặt đối mặt với Banda. Ông bị xiềng xích chân tay, và có một tấm vách ngăn bằng kính giữa hai người. Tóc Banda đã hoàn toàn bạc trắng. Trước đó, Kate không biết lúc gặp Banda, bác ta sẽ có thái độ như thế nào – thất vọng, thách thức – thế nhưng, khi gặp bà, Banda nhoẻn miệng cười và nói, “Bác biết thế nào cháu cũng đến. Cháu y hệt như cha cháu. Cháu không thể nào tìm cách tránh xa mọi sự rắc rối hay sao?”

“Bác hãy nhìn kĩ xem ai đang nói chuyện với bác ở đây”, Kate cãi lại. “Mẹ kiếp! Làm thế nào đưa bác ra khỏi nơi này được?”

“Trong một chiếc quan tài. Đó là cách duy nhất họ sẽ cho phép bác ra khỏi nơi này”.

“Tôi có nhiều luật sư tài giỏi có thể…”

“Bỏ qua chuyện ấy đi, Kate ạ. Chúng nó bắt bác một cách đàng hoàng thì bây giờ bác cũng phải ra đi một cách đàng hoàng”.

“Bác nói gì lạ vậy?”

“Bác không thích các lồng sắt. Chẳng bao giờ thích cả. Thế nhưng chúng nó không bao giờ dựng lên thứ lồng sắt nào khả dĩ giữ bác lại được”.

“Bác Banda, bác đừng có làm thế. Tôi xin bác. Chúng nó sẽ giết bác mất”.

“Không thứ gì có thể giết bác được đâu”, Banda nói. “Cháu đang nói chuyện với một người đã từng gặp cá mập, bãi mìn và chó săn mà vẫn sống”. Một tia sáng lóe lên trong mắt Banda. “Cháu biết không, Kate? Có lẽ đó là những giờ phút thú vị nhất trong cuộc đời của bác đó”.

Khi Kate đến thăm Banda ngày hôm sau, viên giám thị nhà giam nói, “Tôi xin lỗi, thưa bà Blackwell. Chúng tôi bắt buộc phải di chuyển hắn đi nơi khác vì lí do an ninh”.

“Ông ta bây giờ ở đâu?”

“Tôi không được phép nói ra”.

Khi Kate thức dậy vào sáng hôm sau, bà nhìn thấy hàng tít lớn trên tờ báo được đem đến trên chiếc khay đựng các thức ăn điểm tâm. Dòng tít ấy như sau: LÃNH TỤ PHIẾN LOẠN BỊ GIẾT TRONG KHI CỐ GẮNG VƯỢT NGỤC. Một giờ sau, Kate đến văn phòng của viên quản đốc nhà giam.

“Hắn ta bị bắn chết trong khi cố gắng vượt ngục, thưa bà Blackwell. Thế là chấm dứt mọi thứ”.

Ông lầm rồi, Kate nghĩ thầm, còn nhiều hơn thế nữa chứ. Banda đã chết, nhưng ước mơ tự do của bác ấy cho đồng bào của bác có chết được không?

Hai ngày sau, sau khi xếp đặt công việc mai táng cho Banda, Kate lên máy bay trở về New York. Bà nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay để xem lại một lần cuối cùng vùng đất nước thân yêu của bà. Đất màu đỏ, giàu có và màu mỡ, và trong lòng đất của nó đang chứa đựng những kho tàng lớn vượt sức tưởng tượng của con người. Đó là đất lựa chọn của Chúa, và Người đã tỏ ra rất rộng lượng. Nhưng có một lời nguyền rủa trên đất nước ấy. Ta sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa, Kate thầm nghĩ. Không bao giờ.

Một trong các trách nhiệm của Brad Rogers là trông coi cục Quy hoạch Dài hạn của công ty Kruger-Brent. Anh tỏ ra rất xuất sắc trong việc tìm ra những dịch vụ kinh doanh đem đến nhiều lợi lộc cho công ty.

Một hôm, vào đầu tháng năm, anh bước vào văn phòng của Kate Blackwell “Tôi vừa bắt được một cơ hội rất hay, Kate ạ”. Anh đặt hai tập hồ sơ trên bàn. “Hai công ty. Nếu ta nắm được một trong hai công ty này thì đó sẽ là một việc làm phi thường”.

“Cảm ơn, Brad. Để tôi xem xét các hồ sơ này tối nay”.

Tối hôm ấy, Kate ăn cơm một mình, rồi nghiên cứu các báo cáo mật của Brad về hai công ty – Công ty dầu và công cụ Wyatt, và công ty Kĩ thuật Quốc tế. Các báo cáo ấy dài và đi sâu vào chi tiết, nhưng cả hai đều kết thúc bằng chữ NIS, một thứ mật mã của công ty viết tắt chữ NOT INTERESTED IN SELLING (Không muốn bán). Điều này có nghĩa là, nếu muốn thủ đắc công ty ấy, họ cần phải thực hiện một lối giao dịch kinh doanh không phải là đơn giản. Nhưng Kate thầm nghĩ, hai công ty này đều đáng được tiếp quản cả. Mỗi công ty ấy đều do tư nhân kiểm soát, đứng đầu là một cá nhân giàu có, cương quyết; điều này loại trừ mọi cố gắng tiếp quản, nếu có. Thật là một cuộc thử thách lớn, nhưng đã từ lâu Kate quen đương đầu với các cuộc thử thách rồi. Càng nghĩ đến chuyện này, Kate lại càng thấy các khả năng ấy trở nên hấp dẫn. Bà nghiên cứu lại một lần nữa các bản quyết toán mật về tài sản của các công ty ấy. Công ty Wyatt do một người vùng Texas làm chủ, tên là Charlie Wyatt, và tài sản của công ty này gồm có các giếng dầu, một công ty dịch vụ công cộng, và hàng chục hợp đồng cho thuê đất có dầu rất nhiều lợi lộc. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, Công ty Công cụ và Dầu Wyatt sẽ là một sự thủ đắc tốt đẹp cho Kruger-Brent.

Kate quay sự chú ý của bà sang công ty thứ hai. Công ty Kĩ thuật Quốc tế do một người Đức, Bá tước Frederick Hoffman làm chủ. Công ty này khởi sự bằng một nhà máy cán thép nhỏ ở Essen, rồi qua nhiều năm nó phát triển lên thành một tổ hợp công ty đồ sộ, với các xưởng đóng tàu, nhà máy hoá dầu, một đoàn tàu chở dầu và một chi cục điện toán.

Một công ty lớn như công ty Kruger-Brent cũng chỉ có thể “tiêu hoá” được một trong hai cơ sở khổng lồ ấy mà thôi. Kate đã biết được bà cần theo đuổi công ty nào. NIS, tờ báo cáo nói cho biết như vậy. Ta sẽ xem xét kĩ vấn đề này, Kate nghĩ thầm.

Sáng sớm hôm sau, bà cho mời Brad Rogers đến văn phòng. Bà cười và nói, “Tôi muốn biết bằng cách nào anh đã có được các bản quyết toán mật ấy. Hãy nói rõ về Charlie Wyatt và Frederick Hoffman cho tôi nghe”.

Brad đã chuẩn bị sẵn. Charlie Wyatt sinh ở Dallas. Một con người thích phô trương, ồn ào, điều khiển cả đế quốc của ông ta một cách rất khôn ngoan. Thoạt tiên, ông ta chẳng có gì cả, sau đó may mắn tìm được dầu nhờ ở tính liều lĩnh, và từ đó phát triển lớn mãi, cho đến bây giờ thì một nửa Texas đã thuộc về ông ta”.

“Ông ta bao nhiêu tuổi?”

“Bốn mươi bảy”.

“Có con cái gì không?”

“Một con gái, hai mươi lăm tuổi. Theo như tôi được nghe nói thì cô ta có sắc đẹp mê hồn”.

“Cô ấy có chồng chưa?”

“Ly dị chồng”.

“Còn Frederick Hoffman?”

“Hoffman trẻ hơn Charlie Wyatt chừng vài tuổi. Ông ta là một bá tước, xuất thân từ một gia đình quý tộc Đức từ thời Trung cổ. Ông ta goá vợ. Ông nội ông ấy khởi sự với một nhà máy thép nhỏ. Hoffman thừa hưởng tài sản ấy của cha, rồi xây dựng nó lên thành một tổ hợp công ty. Ông ta là một trong những người đầu tiên đi vào lĩnh vực điện toán. Ông ta nắm trong tay nhiều đặc quyền sáng chế các máy vi tính. Mỗi lần chúng ta sử dụng một máy điện toán, ông bá tước Hoffman hưởng quyền tác giả”.

“Còn các con ông ta?”

“Một người con gái, hai mươi ba tuổi”.

“Cô ta trông thế nào?”

“Tôi không thể tìm hiểu được”, Brad nói. “Đó là một gia đình rất kín đáo. Họ đi lại trong phạm vi nhỏ hẹp của riêng họ mà thôi”. Anh do dự một lúc rồi nói tiếp, “Có lẽ chúng ta sẽ phí mất thì giờ về vấn đề này thôi, Kate ạ. Tôi có lần uống rượu với vài nhân vật cao cấp trong hai công ty ấy. Cả Wyatt lẫn Hoffman đều không muốn bán, sát nhập hay hợp tác kinh doanh với ai. Như chị thấy trong các quyết toán tài chính của họ, chỉ nghĩ đến vấn đề ấy cũng đủ làm họ phát điên lên rồi”.

Cảm tưởng thách đố một lần nữa lại trỗi dậy trong con người Kate, lôi kéo, thu hút bà.

Mười ngày sau, Kate được Tổng thống Mỹ mời tham dự một hội nghĩ các kĩ nghệ gia hàng đầu quốc tế để bàn về việc trợ giúp các nước kém phát triển. Kate gọi điện thoại rồi một thời gian ngắn sau đó, Charlie Wyatt và bá tước Frederick Hoffman cũng nhận được giấy mời tham dự hội nghị.

Kate đã hình dung trong đầu óc hai con người ấy – một người gốc Texas, người kia gốc Đức – như thế nào, và khi gặp họ, bà thấy họ đúng gần như chính xác những gì bà đã suy nghĩ về họ. Bà chưa hề bao giờ gặp một người xứ Texas nào mà lại bẽn lẽn, nhút nhát. Charlie Wyatt không phải là ngoại lệ. Ông ta có dáng người to lớn, vai rộng, thân hình của một vận động viên bóng bầu dục, nhưng béo hơn một chút. Mặt ông ta tròn, hồng hào, giọng nói to, oang oang. Ông ta tỏ ra là một người đáng tin cậy, Charlie Wyatt xây dựng đế quốc của ông ta không phải do may mắn. Ông ta là một thiên tài trong lĩnh vực kinh doanh. Kate chỉ nói chuyện với ông không đầy mười phút đã nhận ngay ra rằng ông ta không phải là một con người có thể thuyết phục được, nếu ông ta không muốn. Ông ta khăng khăng giữ ý kiến của mình và có vẻ rất ngoan cố. Không ai có thể tán tỉnh, dụ dỗ, đe doạ hay lừa gạt ông ta ra khỏi công ty của ông ta được. Nhưng Kate đã tìm được điểm yếu của ông và như thế là đủ rồi.

Frederick Hoffman là một mẫu người trái ngược hẳn lại. Ông này là một con người đẹp đẽ, có vẻ mặt quý phái, tóc nâu nhạt điểm những sợi bạc ở màng tang. Ông ta có vẻ đứng đắn, nghiêm túc cho đến từng chi tiết, với thái độ cử chỉ lịch sự theo lối xưa cổ. Ngoài mặt, Hoffman rất vui vẻ, hoà nhã, nhưng bên trong Kate biết rằng ông ta rất sắt đá.

Hội nghị Washington kéo dài ba ngày và tiến hành rất tốt. Các cuộc hội họp đều được đặt dưới sự chủ toạ của Phó Tổng thống, và chính Tổng thống cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Mọi người đều có vẻ thán phục bà Blackwell. Bà là một người có uy tín và sức thu hút rất mạnh, đứng đầu một tổ hợp công ty lớn lao mà bà đã góp phần tạo dựng nên.

Khi Kate đứng riêng với Charlie Wyatt trong một lúc, bà hỏi, cố làm ra vẻ tự nhiên, “Ông có đem gia đình theo không, ông Wyatt?”

“Tôi có đem con gái tôi theo. Nó cần phải mua sắm ít thứ”.

“Ồ, thật thế à? Như vậy tuyệt quá!” Không ai biết rằng không những bà đã biết rằng con gái ông có đi theo mà còn biết loại áo dài mà cô ta vừa mua ở hiệu Garfinckel sáng hôm ấy. Bà nói tiếp, “Tôi sắp sửa tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor vào ngày thứ sáu này. Tôi rất hân hạnh nếu ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”.
Wyatt không do dự. “Tôi đã nghe nói về ngôi nhà của bà, bà Blackwell ạ. Chắc chắn là tôi muốn được đến đó xem”.
Kate mỉm cười. “Vậy thì tốt. Tôi sẽ chuẩn bị để đưa ông đến đó bằng máy bay vào tối mai”.

Mười phút sau, bà nói chuyện với Frederick Hoffman. “Ông đến Washington một mình hay sao, ông Hoffman?” bà hỏi. “Vậy bà nhà có đi theo không?”

“Nhà tôi mất cách đây mấy năm. Tôi hiện ở đây với con gái tôi”, Hoffman đáp.

Kate đã biết rằng hai người hiện đang ở tại khách sạn Hay Adams, trong dãy phòng số 418. “Tôi sắp tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor. Tôi muốn mời ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”.

“Tôi phải trở về Đức vào lúc ấy”, Hoffman đáp. Ông ta nhìn Kate một lúc như dò xét, rồi tủm tỉm cười nói, “Tôi chắc hoãn lại một vài ngày cũng không hề gì”.

“Vậy thì hay quá. Tôi sẽ sắp đặt việc đưa đón ông và quý tiểu thư”.

Kate có thông lệ tổ chức tiệc tùng ở Dark Harbor, hai tháng một lần. Khách khứa đến dự là những người rất quan trọng và có thế lực trên thế giới, và các cuộc gặp mặt như vậy thường rất có lợi. Kate dự tính sẽ làm sao cho buổi tiệc sắp tới phải rất đặc biệt. Vấn đề khó khăn đối với bà là làm sao tin chắc được rằng Tony sẽ đến tham dự. Trong năm qua, Tony ít khi muốn đến gặp bà, và mỗi khi đến anh chỉ có mặt chiếu lệ, rồi đi về ngay. Lần này thì bắt buộc anh ta phải đến và phải ở lại.

Khi Kate nhắc đến buổi tiệc cuối tuần này với Tony thì anh chỉ nói ngắn gọn, “Con… con không thể đến được. Con sẽ đi Canada ngày thứ hai, nhưng trước khi đi còn phải giải quyết cho xong một số công việc”.

“Buổi tiệc này quan trọng”, Kate nói. “Charlie Wyatt và Frederick Hoffman sẽ có mặt. Họ…”.

“Con biết họ là ai rồi”, Tony ngắt lời. “Con đã nói chuyện với Brad Rogers. Không có hi vọng gì thủ đắc được bất cứ công ty nào trong hai công ty ấy đâu”.

“Mẹ muốn thử cố gắng xem sao”.

Anh nhìn mẹ, hỏi “Mẹ định nhắm công ty nào?”

“Công ty dầu Wyatt. Nếu được như vậy nó sẽ làm tăng lợi nhuận của chúng ta lên mười lăm phần trăm, có lẽ hơn thế. Khi các nước Ả rập nhận thấy họ đã nắm thế giới ở ngay cổ họng, họ sẽ lập nên một “các-ten” (cartel), lúc ấy giá dầu sẽ tăng vọt lên. Dầu sẽ trở thành một thứ vàng nước”.

“Thế còn Công ty Kĩ thuật Quốc tế thì sao?”

Kate nhún vai. “Đó cũng là một công ty tốt, nhưng món bở nhất là công ty dầu Wyatt. Nó rất có lợi cho công ty ta. Mẹ muốn con có mặt hôm ấy. Việc đi Canada có thể hoãn lại it ngày”.

Tony ghét các buổi tiệc tùng. Anh ghét những cuộc chuyện trò chán ngắt, kéo dài như vô tận, các ông thì khoe khoang, còn các bà thì làm ra vẻ thông thái rởm. Nhưng đây là vì công việc.

“Thôi được, con sẽ dự”.

Như vậy là mọi thứ đều xếp đặt đâu vào đấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

50#
 Tác giả| Đăng lúc 18-6-2012 15:51:01 | Chỉ xem của tác giả
Hai cha con ông Wyatt được đưa đến Maine bằng chiếc máy bay Cessna của Công ty, rồi từ bến phà họ đi xe hơi đến Ngôi nhà trên đồi thông. Bà Kate đứng ở trước cửa để đón khách. Brad Rogers đã nói rất đúng về cô con gái của ông Wyatt. Thật là một cô gái xinh đẹp. Dáng người nàng cao, tóc đen, đôi mắt nâu điểm chấm vàng, nét mặt gần như hoàn hảo. Chiếc áo dài bóng mượt làm nổi bật lên dáng người mạnh khoẻ, tuyệt đẹp. Brad cũng cho biết rằng cách đây hai năm nàng đã bỏ chồng, một anh chàng người Ý, ăn chơi, giàu có. Kate giới thiệu Lucy với Tony, và để ý xem phản ứng anh ta như thế nào. Nhưng Tony không có phản ứng nào. Anh chào ông Wyatt và cô con gái với những cử chỉ lịch sự y hệt như nhau, rồi đưa họ đến quầy rượu, nơi người phục vụ đang đứng đợi để pha rượu cho khách.

“Căn phòng này thật là đẹp!” Lucy kêu lên. Giọng nàng nghe rất êm ái, dịu dàng, không mang một âm sắc nào của miền Texas cả. “Anh có hay đến nơi này không?”

“Không”.

Nàng chờ đợi Tony nói tiếp. Rồi, nàng hỏi, “Anh lớn lên ở đây sao?”

“Một phần nào”.

Bà Kate xen vào câu chuyện, cố khoả lấp sự im lặng của Tony. “Những kỉ niệm vui thích nhất của Tony là ở trong ngôi nhà này. Tội nghiệp, Tony quá bận rộn công việc nên ít khi có dịp ở lại vui chơi ở nơi này, có phải không, Tony?”

Anh đưa mắt lạnh nhạt nhìn mẹ, rồi nói, “Không. Lẽ ra tôi phải đi Canada…”

“Nhưng cậu ấy đã hoãn chuyến đi để được gặp cô và ông nhà đây”, bà Kate nói, trả lời hộ cho Tony.

“Thật là rất hân hạnh”, ông Wyatt nói. “Tôi đã nghe nói nhiều về cậu con bà”. Wyatt cười. “Cậu có muốn đến giúp việc cho tôi không?”

“Tôi không nghĩ rằng mẹ tôi có ý định như vậy, thưa ông Wyatt”.

Charlie lại nhe răng cười một lần nữa. “Tôi biết”. Rồi ông quay lại nhìn bà Kate. “Mẹ cậu đúng là một vị phu nhân tài giỏi. Phải trông thấy bà ấy dùng dây trói tay chân mọi người lại tại cuộc họp ở Nhà Trắng thì mới biết được. Bà…” Ông dừng lại, vì lúc ấy Frederick Hoffman và cô con gái, Marianne, đi vào trong phòng. Marianne là một hình ảnh mờ nhạt của cha cô. Cũng là những nét quý phái giống như vậy, nhưng cô có làn tóc màu hoe dài, Nàng mặc một chiếc áo sa trắng nhờ nhờ. Ngồi bên cạnh Lucy, nàng trông có vẻ phờ phạc.

“Tôi xin phép giới thiệu, đây là con gái tôi”. Bá tước Hoffman nói, “Tôi xin lỗi chúng tôi đã đến trễ. Máy bay bị chậm trễ ở La Gardia”.

“Ồ, như vậy thật tệ quá”, Kate nói. Nhưng Tony biết rằng mẹ anh đã xếp đặt việc chậm trễ này. Bà muốn cho hai gia đình Wyatt và Hoffman đi máy bay riêng, để làm sao cho cha con ông Wyatt phải đến trước, còn cha con Hoffman đến sau. Bà nói tiếp, “Chúng tôi mới dùng rượu thôi. Ông muốn dùng thứ gì ạ?”

“Cho tôi Scotch”, Bá tước Hoffman nói.

Kate quay sang Marianne. “Thế còn cô?”

“Cháu không uống gì cả. Xin cảm ơn bà”.

Ít phút sau, các khách khứa khác lục tục kéo đến. Tony đi đến hết người này, người kia, đóng vai chủ nhà lịch sự. Không một ai, ngoài Kate, biết rằng tiệc tùng đối với anh chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Bà biết rằng đó không phải là vì Tony cảm thấy buồn chán. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì anh tự tách rời ra khỏi những gì diễn ra xung quanh anh. Anh không vui thích tiếp xúc với ai cả. Điều này khiến Kate rất lo lắng.

Hai chiếc bàn đã được bày ra trong phòng ăn rộng lớn. Kate xếp đặt cho Marianne Hoffman ngồi giữa một vị thẩm phán Tối cao Pháp viện và một nghị sĩ ở một bàn, còn Lucy thì ngồi bên phải Tony ở bàn thứ hai. Tất cả mọi người đàn ông – dù đã có vợ hay chưa có vợ – đều đưa mắt nhìn Lucy. Kate lắng nghe Lucy đang cố kéo Tony vào câu chuyện. Rõ ràng là Lucy đã có cảm tình với Tony. Kate tủm tỉm cười với chính mình. Bước đầu như vậy là rất tốt.

Sáng hôm sau, ngày thứ bảy, vào lúc ăn sáng, Charlie Wyatt nói với Kate. “Bà có chiếc thuyền buồm rất đẹp đang đậu ở kia, bà Blackwell ạ. Nó dài bao nhiêu thước đấy nhỉ?”

“Tôi không rõ lắm”, Kate quay về phía con trai. “Tony này, chiếc “Corsaire” (cướp biển) ấy dài bao nhiêu, con nhỉ?”

Bà đã biết chán chiếc ấy dài bao nhiêu rồi, nhưng Tony vẫn trả lời cho phải phép, “Trên hai mươi ba thước”.

“Chúng tôi ở Texas không thích chơi thuyền lắm. Chúng tôi lúc nào cũng hối hả, nên đi đâu cũng đi bằng máy bay thôi”, Wyatt cười lên thật to. “Nhưng có lẽ tôi cũng nên thử một chút cho ướt đôi bàn chân, như thế cũng hay”.

Kate cười, “Tôi hi vọng ông sẽ cho phép chúng tôi đưa ông và cô đi chơi một vòng xung quanh đảo. Chúng ta có thể đi bằng thuyền vào ngày mai”.

Charlie Wyatt nhìn Kate, ra dáng suy nghĩ, rồi nói, “Như vậy thì tốt quá”.

Tony im lặng nhìn hai người, không nói câu gì. Thế là bước đầu tiên của mẹ anh đã được thực hiện. Anh tự hỏi không biết Charlie Wyatt có biết điều đó hay không. Chắc là không. Ông ta là một nhà kinh doanh rất khôn ngoan, nhưng chưa hề bao giờ phải đối phó với một người như bà Kate.

Kate quay về phía Tony và Lucy. “Hôm nay trời rất đẹp. Hai người nên đi chơi bằng thuyền buồm, có thích hơn không?”
Tony chưa kịp từ chối thì Lucy đã vội nói. “Thế thì thích quá”.

“Tôi xin lỗi”, Tony nói cộc lốc. “Tôi phải đợi điện thoại từ nước ngoài gọi về”. Tony trông thấy rõ vẻ bất mãn của mẹ trong đôi mắt của bà.

Kate quay về phía Marianne Hoffman. “Tôi không gặp thân phụ cô sáng nay”.

“Cha tôi đang đi thăm hòn đảo. Ông ấy có thói quen dậy sớm”.

“Tôi chắc cô thích cưỡi ngựa. Chúng tôi có nhiều ngựa rất tốt ở đây”.

“Cảm ơn bà, tôi muốn đi lang thang xung quanh đây, nếu bà cho phép”.

“Tất nhiên là tôi rất vui lòng”. Kate quay về phía Tony. “Con nhất định không đưa cô Wyatt đi chơi một vòng bằng thuyền buồm hay sao, Tony?”. Giọng nói của bà có vẻ cứng rắn như thép.

“Vâng, con không thay đổi ý kiến”.

Thật là một sự đắc thắng nhỏ nhoi, nhưng dẫu sao nó cũng là sự đắc thắng. Tony nhất định không chịu thua trong trận chiến lần này. Mẹ anh không còn có quyền lừa anh nữa. Bà đã từng có lần sử dụng anh như một quân cờ rồi, lần này bà lại muốn tái diễn thêm lần nữa. Nhưng bà sẽ thất bại. Bà muốn chiếm lấy công ty dầu hoả Wyatt, còn Wyatt thì không có ý định sát nhập hay bán công ty ấy đi. Nhưng người nào cũng có một yếu điểm, và bà Kate đã tìm ra được yếu điểm ấy. Đó là cô con gái của ông ta. Nếu Lucy trở thành con dâu của gia đình Blackwell thì một hình thức sát nhập nào đó là điều không thể tránh được. Tony nhìn mẹ ngang qua bàn ăn và cảm thấy một sự khinh bỉ âm thầm. Bà đã đặt mồi nhử trong cái bẫy một cách tài tình. Lucy không những xinh đẹp, nàng còn thông minh, hấp dẫn nữa. Nhưng cô ta cũng là một quân cờ trong trò chơi này, chẳng khác gì chàng, vì vậy anh không muốn động chạm đến nàng một chút nào. Đây là cuộc chiến giữa anh và mẹ.

Ăn cơm sáng xong, Kate đứng dậy. “Tony, trước khi có điện thoại gọi đến, sao con không đưa cô Wyatt đi xem các khu vườn một lát?”

Tony không còn cách nào từ chối được nữa. “Thế cũng được”. Anh nói. Nhưng anh dự định sẽ chỉ đi chơi trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi.

Kate quay về phía ông Wyatt. “Ông có thích đọc những cuốn sách hiếm không? Tôi có cả một bộ sưu tập trong thư viện”.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, bà quay về phía cô Marianne và hỏi. “Cô không có gì phiền hà chứ, cô Marianne thân mến?”

“Da không, xin cảm ơn bà Blackwell. Xin bà đừng bận tâm về tôi”.

“Vâng”, Kate nói.

Tony hiểu ý bà trong câu nói này. Cô Hoffman không ích lợi gì cho bà cả, vì vậy bà cho cô ra rìa. Bà thực hiện điều này với một vẻ duyên dáng và với một nụ cười, nhưng bên trong bà theo đuổi một mục đích tàn bạo duy nhất mà Tony rất ghét.
Lucy đang đưa mắt theo dõi Tony. “Anh sẵn sàng rồi chứ, Tony?”

“Vâng”.

Tony và Lucy đi về phía cửa. Chưa đi được xa bao nhiêu thì Tony thoáng nghe bà Kate nói, “Thật là đẹp đôi!”

Hai người đi xuyên qua những khu vườn rộng, hướng về phía bến tàu, nơi chiếc Corsaire đang đậu. Có hàng mẫu Anh trồng hoa đủ màu sắc chói lọi, toả hương thơm trong không khí mùa hạ.

“Thật là một cảnh thiên đường!” Lucy nói.

“Vâng”.

“Chúng tôi không có những hoa như thế này ở Texas”.

“Không sao?”

“Ở đây thật là lặng lẽ, thanh bình”.

“Vâng”.

Lucy đột nhiên dừng lại, quay mặt lại nhìn Tony. Anh trông thấy vẻ giận dữ hiện ra trên nét mặt nàng. “Không biết tôi có điều gì làm cô mất lòng không?”

“Chính anh không nói gì cả mới làm tôi mất lòng. Tôi chỉ nghe anh nói “Vâng” và “Không” thôi. Anh làm tôi có cảm tưởng như đang cố theo đuổi anh vậy”.

“Thật thế sao?”

“Phải, giá như tôi có thể dạy anh được cách nói chuyện, may ra anh mới có điều gì đó để mà nói”.

Tony nhoẻn miệng cười.

“Anh nghĩ gì vậy?” Lucy hỏi.

“Không”.

Anh đang nghĩ đến mẹ anh, và anh biết rằng mẹ anh không thích chịu thua bao giờ.

Kate dẫn Charlie Wyatt đi xem thư viện rất lớn, lát toàn bằng ván gỗ sồi. Trên giá sách là những ấn bản đầu tiên của Goldsmith, Laurence Sterne, Tobias Smolett và John Donne, cùng với bản thảo đầu tiên của Ben Johnson. Có cả tác phẩm của Samuel Butler, John Bunyan, và ấn bản đầu tiên của “Quenn Mab”, đã được in riêng vào năm 1813 và rất hiếm. Wyatt bước dọc theo các giá sách quý giá, mắt sáng rực lên. Ông dừng lại trước một ấn bản “Endymion”, đóng bìa da rất đẹp, của John Keats.

“Đây là bản của Roseberg” Charlie Wyatt nói.

Kate nhìn ông, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Phải, người ta biết chỉ có hai bản mà thôi”.

“Tôi có bàn thứ hai”. Wyatt nói.

“Thế mà tôi không được biết đấy”, Kate cười to. “Tôi đã bị lừa vì cái vẻ “anh chàng người Texas chất phác” của ông!”

Wyatt cười. “Thế hả? Biết che đậy như thế cũng giỏi đấy chứ!”

“Xưa kia, ông đi học trường nào vậy?”

“Trường mỏ ở Colorado, rồi học ở Oxford nhờ một học bổng Rhodes”, ông nhìn Kate một lát như dò xét, rồi nói tiếp. “Người ta bảo tôi rằng bà đã đề nghị mời tôi đến dự tại hội nghị ở Toà Bạch Ốc”.

Kate nhún vai. “Tôi chỉ nhắc tên ông thôi. Họ rất sung sướng có ông tham dự”.

“Bà thật là tốt bụng. Bây giờ chỉ có riêng chúng ta với nhau, tại sao mà không nói thẳng cho tôi biết bà đang có dự tính gì trong đầu?”

Tony đang làm việc trong phòng đọc sách riêng của anh, một căn phòng nhỏ cách xa hành lang chính ở tầng lầu dưới. Anh đang ngồi trên chiếc ghế bành thì nghe có tiếng cánh cửa mở ra, rồi một người đi vào. Anh quay mặt lại. Đó là Marianne Hoffman. Tony chưa kịp lên tiếng cho biết có anh ngồi ở đấy thì nghe tiếng Marianne thở hổn hển.

Nàng đang đi ngắm các bức tranh treo trên tường. Đó là những bức tranh của Tony – một số ít tranh anh đã đưa về đây từ căn hộ của anh ở Paris, và đây là căn phòng duy nhất anh cho phép treo các bức tranh ấy. Anh nhìn theo nàng bước đi quanh phòng, xem hết bức tranh này đến bức tranh khác. Quá chậm rồi, anh không nói được lời nào nữa cả.

“Không thể tin nổi”, Marianne nói lẩm bẩm.

Tony cảm thấy cơn giận dữ nổi lên đột ngột trong lòng. Anh biết rằng các bức tranh của anh không đến nỗi tồi tệ như thế. Trong khi anh cử động, miếng da trên ghế anh ngồi kêu ken két, khiến Marianne quay lại, nhìn thấy anh.

“Ồ, xin lỗi”, nàng nói. “Tôi tưởng không có ai ở đây”.

Tony đứng dậy. “Không hề gì”. Giọng anh có vẻ hơi cứng rắn. Anh không muốn ai xâm phạm nơi ẩn náu này của anh. “Cô đang tìm gì vậy?”

“À không, tôi chỉ đi lang thang thôi. Bộ sưu tập này của anh chắc hẳn thuộc về viện bảo tàng nghệ thuật”.

“Ngoại trừ những bức này”.

Nàng bối rối trước vẻ thiếu thiện cảm trong giọng nói của anh. Nàng quay lại nhìn các bức tranh lần nữa. Nàng trông thấy chữ kí. “Anh vẽ các bức này sao?”

“Rất tiếc là các bức ấy không hấp dẫn lắm đối với cô”.

“Những bức ấy thật tuyệt vời!” Nàng tiến về phía anh. “Tôi thực không hiểu. Nếu anh vẽ được những bức tranh như thế này, tại sao anh còn muốn làm việc gì khác nữa? Tuyệt! Tôi không nói anh là một hoạ sĩ giỏi, mà tôi muốn nói rằng anh thật tuyệt vời!”

Tony đứng yên một chỗ, không nghe cô ta nói, mà chỉ muốn nàng ra khỏi nơi này.

“Tôi muốn trở thành một hoạ sĩ”, Marianne nói. “Tôi theo học ông Oska Kokosckka trong một năm. Cuối cùng tôi phải bỏ vì biết rằng mình không bao giờ vẽ giỏi được như mình mong muốn. Nhưng mà anh thì khác thế!” Nàng lại quay về phía các bức tranh. “Anh có học ở Paris sao?”

Anh chỉ muốn nàng để yên cho anh ngồi một mình.

“Vâng”.

“Thế rồi anh bỏ ngang hay sao?”

“Phải”.

“Thật là uổng. Anh…”

“Kìa, cô ấy đây rồi!”

Cả hai người đều quay đầu lại. Kate đang đứng ở cửa. Bà nhìn hai người một lát, rồi bước đến gần Marianne. “Tôi đang tìm cô khắp nơi, cô Marianne ạ. Cha cô nói rằng cô thích các cây ngọc lan. Cô phải đến thăm các nhà kính của tôi mới được”.

“Cảm ơn bà”, Marianne lẩm bẩm. “Thực ra tôi…”

Kate quay về phía Tony. “Tony, con ra tiếp các vị khách đi”. Trong giọng nói của bà có vẻ không hài lòng.

Bà cầm lấy cánh tay Marianne, rồi cả hai rời khỏi phòng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách