Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 7186|Trả lời: 103
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót | Haruki Murakami

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 31-7-2012 20:17:58 | Xem tất |Chế độ đọc



THÔNG TIN TÁC PHẨM

Tác phẩm: Biên niên kí chim vặn dây cót
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng
Tình trạng sáng tác: hoàn thành
Nguồn: vietmessenger.com


Giới thiệu sơ lược:

Tiếng hót của con chim vặn giây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh khắc thấu suốt cảm giác về Định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm hoạ khốc liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng đi tìm chân lý. Tiếng hót của chim vặn giây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim giây cót xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lớn của Haruki Murakami

Câu chuyện đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi: “Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.” Những thiếu nữ, như Kano Kreta, tự kết liễu đời mình để giải thoát những cơn đau triền miên có thể gặp phải bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều gì nhưng không thành. Phải trả nợ một khoản tiền lớn cho hãng bảo hiểm, không do dự, cô đi làm gái điếm. Những Dân biểu nghị viên như Wataya Noburu, leo cao trong danh vọng nhờ tài lừa dối đám đông và khả năng khơi dậy những bản năng sa đoạ ở người khác… Trong thế giới ấy, nhân vật chính của Biên niên ký chim vặn giây cót, Okada Toru, chàng trai giản dị và chân thành, phải đối mặt với biến cố lạ lùng: Kumiko, người vợ yêu dấu của anh bỗng nhiên biến mất không một lời nhắn gửi. Sự kiện phi lý này khơi nguồn cho sự thức tỉnh trong Okada, thúc đẩy anh ngắm nhìn, chứng nghiệm lại thế giới tràn đầy cái phi lý chung quanh mình, bằng con mắt bản thể. Với Murakami, thế giới đầy những điều bất thường, phi lý trở thành động lực để con người lên đường trở lại với bản thể chính mình.Cũng tại thời điểm này, Toru Okada nghe thấy tiếng hót của con chim vặn giây cót, như tiếng vọng của bản ngã chính anh. Watanabe bắt đầu cuộc hành trình nhận thức, cuộc hành trình tràn đầy những xúc cảm mãnh liệt khám phá lại cuộc sống và tình yêu đã qua, cuộc sống đang diễn ra, của chính mình và những người xung quanh. Với Okada, từ đây cũng mở ra một thế giới siêu thực với những giấc mơ đầy ám ảnh tính dục, những căn phòng tối đen ngào ngạt phấn hoa cất giấu bí mật về sự lệ thuộc và nô dịch, bóng tối thẳm sâu của bản ngã và xa rời bản ngã, Thiền, và những năng lực tâm linh siêu hình. Trong những mối quan hệ đầy cảm thông và gần gũi với những phụ nữ khác, Kasahara May, mẹ con nhà tạo mẫu Akasaka Nhục đậu khấu, hay Kano Kreta…, Okada dần dần hiểu ra bản chất của cuộc sống con người, không phải một mắt xích của thế giới vật chất cơ giới từ bên ngoài, mà chính là những năng lực tưởng tượng sáng tạo của nội giới, những ám ảnh tinh thần truyền từ người nọ sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Okada cũng nối lại trong mình sợi dây liên kết bí ẩn mà mạch lạc với quá khứ xa xăm, nhờ những câu chuyện của các chiến binh xưa và nhân chứng sống như Akasaka. Một thế giới khác, giấc mộng bá chủ không thành của quân đội Thiên hoàng trên cao nguyên Nội Mông, trận Normohan, Trân Châu Cảng, những cuộc tàn sát man rợ trong và sau Thế chiến 2, khi con người từng rơi vào vực thẳm bởi chính sự tàn ác và lầm lạc của chính mình. Okada đã giác ngộ, không còn cách nào khác, chỉ có cương quyết diệt trừ cái ác, bắt đầu từ trong chính những - giấc - mơ của con người, đấu tranh chống lại nó trong chính thực tại hôm nay. Đó cũng là con đường để giải thoát cho người vợ thân yêu của anh đang bị giam cầm trong vết thương tinh thần như một ác mộng khủng khiếp về con quỷ Râu xanh, do chính người anh vợ, chính khách Wataya Noburu gây nên.

Okada và Watanabe của Rừng Nauy, là loại nhân vật quen thuộc của Murakami. Chân thành và giản dị, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ khuôn mẫu xã hội nào, sống và yêu thương với bản tính tự nhiên và hiện sinh, đồng thời lắng nghe, cảm thông, kết nối con người với nhau - các nhân vật thể hiện trọn vẹn và sâu sắc tinh thần nhân đạo của Murakami.

Bạo lực và tình dục, những yếu tố thịnh hành của thể loại tiểu thuyết đen phổ biến trên thế giới, xuất hiện trong tác phẩm của Murakami chỉ như một trong những phương diện miêu tả và khám phá đời sống. Vẻ đẹp tràn đầy tác phẩm là sự tinh tế và mãnh liệt của tinh thần và bản ngã con người, đủ để đưa Murakami đứng vào hàng các tác gia vĩ đại trên thế giới.


Nhận xét của báo chí

Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót (theo Báo Người lao động)


Biên niên ký chim vặn dây cót*
(22-09-2006 )
(NLĐO)- Một ngày, con mèo của Toru Okada, một luật sư vừa bỏ việc, đột ngột biến mất. Tiếp theo, Kumiko, vợ của Toru Okada cũng bỏ đi, chỉ để lại một lời nhắn duy nhất anh đừng tìm cô vô ích.

Không dễ dàng để mất đi những người thân yêu nhất của mình, Toru nỗ lực tìm vợ và con mèo, nhưng việc tìm kiếm đó liên tục bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của những nhân vật kỳ lạ. Một cô gái điếm mắc bệnh tâm thần gọi đến quấy rối tình dục anh qua điện thoại, hai chị em thầy đồng, một cô bé 16 tuổi bị ám ảnh bởi cái chết của bạn trai gọi anh là “chim vặn dây cót”, một cựu chiến binh kể lại cho anh câu chuyện về nỗi kinh hoàng của binh lính Nhật trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ hai tại cao nguyên Mông Cổ và trên đất Trung Hoa.

Trong những ngày tìm kiếm vợ, Toru đã dành rất nhiều thời gian cho việc ngồi trầm tư mặc tưởng dưới đáy một cái giếng cạn, cố gắng đi sâu vào thế giới tinh thần của chính mình. Việc đó đẩy anh đến xung đột với Noburo, người anh rể đầy quyền lực của minh...

Những ngày tìm kiếm ấy cũng là quá trình nhập cuộc của Toru chiến đấu chống lại cái ác, tìm ra cách thế tồn tại trong hành động, để giải thoát nỗi đau và những ám ảnh tinh thần của mình. Toru Okada chỉ là một người đàn ông Nhật bình thường trong xã hội hiện đại, nhưng những gì xảy đến với anh lại là những điều chẳng hề bình thường. Chúng là hiện thân của sự bất an tiềm tàng trong cuộc sống bình thản hàng ngày, sự sống dậy của quá khứ đã bị bỏ quên, sự phi lý trong cuộc sống tuân theo quy luật thông thường, là cái kì ảo và bất khả tri trong thế giới hiện thực.

Vừa mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết trinh thám vừa mang tinh thần hoài niệm lịch sử, vừa là những trang viết về cuộc sống đời thường, vừa là sự khám phá thế giới tinh thần siêu nghiệm, Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami (từng được biết đến tại Việt Nam qua tiểu thuyết Rừng Nauy) đã kết hợp một cách tuyệt vời những yếu tố kì ảo, phi lý với hiện thực lịch sử. Cuốn sách đã được được nhiều nhà phê bình đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Murakami chính bởi sự biến hóa, kết hợp tài tình những yếu tố tưởng chừng đối lập đó của ông.

Sinh năm 1949, Murakami từng học về kịch tại đại học Waseda, Tokyo. Cuốn sách đầu tay của ông Lắng nghe gió hát đã giành được giải thưởng văn học Gunzou cho tài năng trẻ nhưng danh tiếng của ông thực sự được biết đến qua cuốn Rừng Nauy. Năm 1995, Biên niên ký chim vặn dây cót xuất bản, được các nhà phê bình ngợi khen như tác phẩm thành công nhất của Murakami và giành được giải thưởng văn học Yomiuri. Tác phẩm mới nhất của Murakami là tập truyện ngắn Liễu mù, đàn bà ngủ gồm 25 tác phẩm được xuất bản.
Yến Anh.


Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót (theo Báo Tuổi trẻ)
(Thứ Ba, 26/09/2006)

Khởi đầu từ việc người đàn ông thất nghiệp Toru Okada tìm kiếm con mèo mất tích, sau đó tìm kiếm người vợ cũng đột nhiên biến mất của anh ta, Murakami, với trí tưởng tượng siêu việt của mình, đưa người đọc đến một thế giới cực kỳ phức tạp và lạ lùng, thực và ảo, quá khứ và hiện tại đan quấn vào nhau, nơi những con người kỳ quặc vừa sống vừa tự hỏi không biết có phải mình đang sống không, nơi mà những giá trị tưởng như hiển nhiên của cuộc sống đương đại chỉ được vọng đến như những tiếng ồn từ mặt đất xuống đáy giếng cạn, hay khúc xạ như ánh mặt trời buổi trưa chiếu qua lỗ hẹp ở miệng giếng trên sa mạc.

Kỳ quặc như vậy, phi hiện thực như vậy nhưng vẫn ôm trọn hầu như tất cả cuộc sống đương đại của xã hội Nhật Bản đang đầy hoang mang: một chính trị gia trẻ suy đồi hợp mốt, một bà đồng, một thiếu phụ bỏ chồng vì quá yêu anh ta mà không bảo vệ được, một cựu binh Thế chiến thứ hai không bao giờ thoát khỏi ám ảnh về chiến tranh, một thiếu nữ 16 hình như mắc bệnh tâm thần...

Toru Okada - biệt hiệu “chim vặn dây cót”, đã hồi tưởng tất cả những cuộc gặp gỡ với các nhân vật và số phận ấy, đã trải nghiệm tất cả sự hư vô của cuộc đời trong lòng một cái giếng cạn để rồi đứng lên, thoát ra và bắt đầu cuộc sống mới của mình, với nguyên vẹn tình yêu.

Quá dày (708 trang khổ 15x24, co chữ nhỏ), quá nặng, nhưng Biên niên ký chim vặn dây cót (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) thật sự là một kiệt tác của tài năng trời phú và tình yêu con người.

THU HÀ

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:26:47 | Xem tất


Quyển một
Chim ác là ăn cắp

CHƯƠNG 1
Chim vặn dây cót ngày thứ ba

Sáu ngón và Bốn vú



Tháng 6 và tháng 7 năm 1984


Khi điện thoại reo, tôi đang nấu dở món spaghetti trong bếp, mồm huýt sáo theo bản overture Chim ác là ăn cắp của Rossini phát qua đài FM. Vừa nấu spaghetti vừa nghe bản nhạc này thì còn gì bằng.

Tôi muốn lờ cuộc gọi đi, không chỉ vì món spaghetti sắp chín mà còn bởi Claudio Abbado đang đưa dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn lên đến cao trào âm nhạc. Nhưng rốt cuộc tôi chịu thua. Nhỡ ai đó đang muốn gặp tôi về chuyện việc làm thì sao. Tôi vặn nhỏ bếp gas, đi ra phòng khách, nhắc ống nghe.

- Cho tôi xin mười phút, - giọng nữ ở đầu bên kia nói.

Tôi vốn có trí nhớ tốt về giọng người, nhưng giọng này tôi không quen.

- Xin lỗi? Chị muốn gặp ai?

- Dĩ nhiên là gặp anh. Tôi chỉ xin mười phút thôi, thế là đủ để chúng ta có thể hiểu nhau, - giọng cô ta trầm trầm, mềm mại, nhưng thật khó phân biệt.

- Hiểu nhau?

- Hiểu cảm xúc của nhau.

Tôi cúi xuống nhìn qua khe cửa bếp. Nồi spaghetti đang sôi sùng sục, Claudia Abbo vẫn đang điều khiển bản Chim ác là ăn cắp.

- Xin lỗi, chả là tôi đang nấu dở nồi spaghetti. Chị gọi lại sau được không?

- Spaghetti á? Ai lại đi nấu mì spaghetti lúc 10 rưỡi sáng kia chứ?

- Đấy không phải việc của cô, - tôi nói, hơi nổi cáu. - Tôi muốn ăn cái gì, ăn lúc nào là quyền của tôi.

- Thôi được, tôi sẽ gọi lại sau, - cô ta nói, giọng cô ta giờ khô khan, vô cảm. Thật lạ, một thay đổi nhỏ trong tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng đến giọng nói người ta đến thế.

- Đợi một chút, - tôi nói trước khi cô ta gác máy. - Nếu có muốn chào hàng chào hiếc gì đó thì đừng gọi lại mất công. Tôi đang thất nghiệp nên không thể mua sắm gì đâu.

- Đừng lo, tôi biết.

- Cô biết? Cô biết cái gì?

- Rằng anh đang thất nghiệp. Tôi biết. Đi mà nấu cho xong món spaghetti quý giá của anh đi.

- Nhưng mà... Cô này! - nhưng cô ta đã cúp máy.

Tức anh ách mà không biết xả vào đâu, tôi nhìn trân trân một lúc cái ống nghe đang cầm trong tay rồi mới sực nhớ tới món spaghetti. Tôi xuống bếp, tắt gas rồi trút chỗ mì trong nồi ra cái chao cho ráo nước. Vì cuộc gọi vừa rồi mà món spaghetti hơi bị chín quá, nhưng cũng không đến nỗi chết ai. Tôi vừa ăn vừa ngẫm nghĩ.

Hiểu nhau? Hiểu cảm xúc của nhau trong vòng mười phút? Cô ta nói năng cái gì vậy? Có lẽ chỉ là gọi để chơi xỏ thôi. Hay là lại một chiêu tiếp thị bán hàng gì đó. Gì thì gì, chẳng liên quan đến tôi.

Ăn trưa xong, tôi lên phòng khách, ngồi trên sofa đọc cuốn sách mượn của thư viên, chốc chốc lại liếc nhìn điện thoại. Làm sao có thể hiểu nhau trong vòng mười phút cơ chứ? Hai con người có thể hiểu gì về nhau trong vòng mười phút? Thử nghĩ mà xem: cô ta dường như tin chắc một cách quái lạ vào cái mười phút ấy: chẳng phải đó là câu đầu tiên cô tá thốt ra đấy sao. Cứ như thể chín phút thì quá ít còn mười một phút lại quá nhiều. Chính xác từng phút một, cũng như nấu món spaghetti vừa chín tới.

Tôi không đọc được nữa, bèn bỏ đấy đi là áo sơ mi. Tôi luôn luôn đi là quần áo mỗi khi trong lòng bứt rứt bực bõ. Một thói quen có từ lâu. Tôi chia việc là áo thành muời hai công đoạn. Đầu tiên là cổ cồn (mặt ngoài), cuối cùng là măng sét tay trái. Trật tự này bất di bất dịch, tôi vừa là vừa đếm ngược từng công đoạn. Nếu không thì sẽ rối tung lên cả.

Tôi là ba chiếc sơ mi, kiểm tra xem còn chỗ nghăn nào không rồi treo lên mắc áo. Sau khi tắt bàn là rồi cất vào tủ cùng cái giá là quần áo, đầu tôi thấy minh mẫn hẳn ra.

Tôi quay xuống bếp định rót một cốc nước thì điện thoại lại reo. Tôi chần chừ một giây rồi quyết định trả lời. Nếu cũng lại người đàn bà kia, tôi sẽ bảo là đang bận là quần áo rối cúp máy.

Lần này là Kumiko. Đồng hồ chỉ 11 rưỡi.

- Anh thế nào? - nàng hỏi.

- Ổn cả, - tôi đáp, nhẹ cả người khi nghe giọng vợ.

- Anh đang làm gì đấy?

- Mới là quần áo xong.

- Có chuyện gì vậy? - giọng nàng nhuốm chút căng thẳng. Nàng biết, thường chỉ trong tâm trạng thế nào đó tôi mới đi là quần áo thôi.

- Có gì đâu. Anh là mấy cái áo sơ mi thôi mà. - Tôi ngồi xuống, chuyển ống nghe từ tay trái sang tay phải. - Em gọi có chuyện gì?

- Anh có biết làm thơ không? - nàng hỏi.

- Thơ!?

Thơ ấy à? Nàng có ý gì vậy... thơ ư?

- Em có người quen ở một tạp chí chuyên đăng truyện cho các thiếu nữ. Họ đang tìm một người chuyên lựa chọn và chỉnh lý các bài thơ do độc giả gửi tới. Nhưng trước hết người đó hàng tháng phải viết một bài thơ ngắn. Lương họ trả cao mà viêc thì nhàn. Với lại chỉ làm bán thời gian thôi. Nhưng họ có thể giao thêm một ít việc biên tập nêu người đó...

- Việc nhàn ư? - tôi cắt ngang. - Đợi đã. Anh tìm là tìm việc trong ngành luật, chứ không phải thơ với thẩn.

- Em cứ tưởng anh từng viết lách hồi còn đi học cơ mà.

- Ừ thì viết cho báo tường: thi đấu bóng đá đội nào thắng, hay thầy dạy lý ngã cầu thang nằm viện - đại loại thế. Nhưng thơ thì không. Anh không biết làm thơ.

- Hẳn rồi, nhưng em không nói chuyện thơ thứ thiệt, mà chỉ là ba thứ nhăng nhít cho mấy cô nữ sinh thôi. Có ai bắt thơ của anh phải đi vào văn học sử đâu. Nhắm mắt anh cũng làm được. Anh không hiểu à?

- Nghe đây: anh không biết làm thơ, nhắm hay mở mắt cũng vậy thôi. Anh chưa bao giờ làm thơ và sẽ không làm đâu.

- Thì thôi, - Kumiko nói, giọng buồn buồn. - Nhưng tìm việc làm trong ngành luật khó lắm.

- Anh biết. Chính vì vậy anh mới phải đi gõ đến ngần ấy cửa. Tuần này chắc sẽ có thư trả lời. Nếu không được, anh sẽ tính cách khác.

- Thôi được, cứ cho là vậy. À, hôm nay thứ mấy?

Tôi nghĩ một chút rồi đáp: - Thứ Ba.

- Vậy anh chạy ra ngân hàng trả tiền gas và điện thoại nhé?

- Ừ, đằng nào anh cũng phải ra ngoài mua đồ ăn tối.

- Anh định làm món gì?

- Anh chưa biết. Đến cửa hàng rồi sẽ tính.

Nàng ngừng một chút. - Anh nghĩ kĩ đi, - nàng nói, giọng trở nên nghiêm trang.- Anh chẳng việc gì phải hối hả tìm việc làm như vậy đâu.

Câu nói đó khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. "Tạo sao?", tôi hỏi. Phải chăng toàn thể phụ nữ trên thế giới đã chọn chính ngày hôm nay để làm tôi ngạc nhiên qua điện thoại?

- Sớm muộn gì trợ cấp thất nghiệp của anh cũng sẽ cạn. Anh không thể ngồi không mãi được.

- Đúng thế, nhưng em vừa được tăng lương, thi thoảng có việc làm thêm, lại còn tiền tiết kiệm của chúng mình nữa, nếu biết dè xẻn thì vẫn sống được. thật ra có gì là nước sôi lửa bỏng đâu. Hay anh không thích ở nhà làm nội trợ như thế này? Sống như vậy anh bứt rứt khó chịu lắm à?

- Anh không biết, - tôi đáp rất chân thành. Quả thực là tôi không biết.

- Thôi, anh cứ từ từ suy nghĩ, - nàng nói. - À, thế con mèo đã về chưa?

Con mèo. cả buổi sáng nay tôi không hề nghĩ tới con mèo.

- Không, - tôi nói. - Chưa về.

- Anh thử tìm quanh khu hàng xóm xem Nó đi cả tuần nay rồi.

Tôi ừ hử, chẳng ra đồngý cũng chẳng ra không rồi chuyển ống nghe sang tay trái. Nàng nói tiếp:

- Em tin chắc là nó lảng vãng chỗ căn nhà không người ở đằng cuối ngõ ấy. Căn nhà mà trước sân có cái tượng chim ấy. Em vẫn hay thấy nó ở đó mà.

- Cái ngõ? Em tới cái ngõ ấy từ hồi nào vậy? Em chưa hề nói gì về...

- Thôi nào ! Em phải chạy đi đây. Nhiều việc phải làm quá. Đừng quên chuyện con mèo đấy.

Nàng cúp máy. Tôi lại nhìn chằm chằm cái ống nghe. Rồi tôi đặt lại lên giá đỡ.

Tôi tự hỏi điều gì đã dẫn Kumiko đến cái ngõ ấy. Từ chỗ nhà chúng tôi, muốn đến cái ngõ ấy thì phải trèo qua bức tường bê tông. Mà có mất công trèo đi nữa thì tới đó cũng chẳng để làm gì.

Tôi xuống bếp uống một cốc nước, rồi đi ra hàng hiên để xem đĩa thức ăn cho mèo. Mớ cá sardin không có ma nào động tới từ tối qua. Không, con mèo không về. Tối đứng đó nhìn ra khu vườn nhỏ của vợ chồng tôi đẫm trong ánh nắng đầu hè. Đây chẳng phải là loại vườn có khả năng an ủi về tinh thần khi ta nhìn ngắm nó. Mặt trời chỉ len tới được đây trong một khoảng thời gian ít ỏi mỗi ngày, nên mặt đất luôn đen và ẩm, và toàn bộ cây cối gọi là có ở trong vườn vẻn vẹn chỉ là mấy bụi tú cầu lầm lụi trong một góc, mà tôi thì chẳng ưa hoa tú cầu. Gần đấy có một rặng cây nhỏ, đứng ở đó ta có thể nghe tiếng kêu như bằng kim khí của một con chim, nghe như nó đang vặn dây cót đồng hồ vậy. Chúng tôi gọi nó là con chim vặn dây cót. Cái tên do Kumiko đặt. Chúng tôi chẳng biết đúngra con chim đó tên gì, hình thù nó ra sao, nhưng điều đó chẳng làm con chim vặn dây cót bận tâm. Ngày nào cũng vậy, nó đến đậu trên rặng cây nhà hàng xóm để lên dây cho cái thế giới nhỏ bé tĩnh lặng của chúng tôi.

Thế là bây giờ tôi phải đi lùng mèo. Xưa nay tôi vẫn yêu mèo. Riêng con này tôi càng yêu hơn. Nhưng mèo có lối sống riêng của chúng. Chúng không đần độn. Nếu một con mèo thôi sống ở nơi ta ở, thế nghĩa là nó đã quyết định chuyển đi nơi khác. Nếu mệt và đói bụng, nó sẽ trở về. Dù vậy nhưng, rốt cuộc, để Kumiko vui lòng, tôi sẽ phải đi tìm conmèo của vợ chống tôi. Tôi chẳng có việc gì hay hơn để làm.
° ° °
Tôi nghỉ việc từ hồi đầu tháng Tư - tôi vốn làm việc ở công ty luật này đã lâu, kể từ khi tốt nghiệp. Tôi thôi việc chẳng phải vì lý do gì đặc biệt. Đơn giản là tôi không ưa công việc. Chẳng có gì lý thú, nhưng lương bổng khá, đồng nghiệp thì thân thiện.

Chả cần phải sĩ làm gì, vai trò của tôi ở công ty là anh loong toong chạy giấy. Tôi làm việc đó rất cừ. Có thể nói, tôi thực sự có tài trong việc thi hành những sự vụ thực tiễn. Tôi học hỏi nhanh, làm gì cũng hiệu quả, không bao giờ ta thán và là người thực tế. Chính vì vậy mà khi tôi thông báo sẽ thôi việc, vị cổ đông chính của công ty (đây là một công ty luật kiểu cha con, ông này là cha) thậm chí còn đề nghị tăng lương cho tôi chút đỉnh.

Nhưng tôi vẫn thôi. Chẳng phải là để thực hiện một hoài bão hay dự tính gì đặc biệt. Chẳng hạn, việc tôi ghét nhất trên đời chính là đóng cửa học bài chuẩn bị cho kì thi luật sư. Tôi biết chắc như đinh đóng cột rằng tôi không muốn làm thầy cãi. Nhưng tôi cũng biết mình không muốn cứ chôn chân một chỗ làm mãi công việc đã làm bấy nay. Đằng nào cũng thôi việc thì thôi ngay bây giờ cho xong. Nếu còn nấn ná chỗ cũ, ắt tôi sẽ làm ở đó suốt đời. Dù gì tôi cũng đã ba mươi tuổi.

Trong lúc ăn tối tôi đã bảo Kumiko rằng tôi đang tính chuyện thôi việc. Nàng chỉ trả lời: "Em hiểu". Tôi không biết ý nàng là nàng hiểu cái gì, nhưng hồi lâu sau nàng chẳng nói gì thêm.

Tôi cũng yên lặng, cho đến khi nàng tiếp: "Nếu anh đã muốn nghỉ việc thì cứ nghỉ. Đây là cuộc đời anh, anh muốn sống thế nào thì cứ sống như thế ấy". Nói xong, nàng bắt đầu chăm chú dùng đũa tách xương cá để riêng ra mép đĩa.

Kumiko kiếm được khá nhiều tiền bằng nhề biên tập cho mộttạp chí chuyên về thực phẩm dưỡng sinh, thỉnh thoảng nàng còn nhận vẽ minh hoạ cho bạn bè ở các tap chí khác, nhờ vậy còn kiếm thêm một khoản thu nhập đáng kể nữa. (Nàng học khoa thiết kế ổ trường cao đẳng và từng mơ ước làm hoạ sỹ minh họa tự do). Ngoài ra, nếu nghỉ việc, tôi vẫn được nhận tiền trong một thời gian từ quỹ trợ cấp thất nghiệp. Thế nghĩa là dù tôi ở nhà làm nội trợ, hai vợ chồng vẫn đủ tiền cho đồ ăn thức uống, giặt ủi và những chi phí khác, và cuộc sống của chúng tôi vẫn chẳng thay đổi là mấy.

Thế là tôi nghỉ việc.
° ° °
Tôi đang cất thức ăn vào tủ lạnh thì điện thoại reo. Lần này tiếng chuông có vẻ nóng nảy, riết róng. Tôi vừa mới mở một gói nhỏ đựng đậu phụ, thế là phải cẩn thận đặt lên bàn nhà bếp sao cho nó khỏi chảy nước, rồi đi lên phòng khách nhấc điện thoại

- Giờ thì anh ăn xong món spaghetti rồi chứ, - người đàn bà nói.

- Ăn rồi. Nhưng giờ tôi phải đi tìm con mèo.

- Chuyện ấy để mườiphút nữa cũng chẳng sao. Không phải như nấu món spaghetti.

Vì lý do nào đó tôi không cắt ngang cuộc gọi được. Có gì đó trong giọng cô ta buộc tôi phải chú ý.

- Thôi được, nhưng không quá mười phút đâu đấy.

- Giờ thì chúngta sẽ có thể hiểu nhau, - cô ta nói khẽ nhưng có vẻ quả quyết. Tôi có thể cảm thấy cô ta đang ngồi thoải mái xuống ghế bành, bắt tréo hai chân.

- Để xem, - tôi nói. - Trong vòng mười phút thì cô hiểu được gì nào?

- Mười phút có thể là dài hơn anh tưởng đấy, - cô ta nói.

- Có chắc là cô biết tôi không?

- Dĩ nhiên là chắc. Chúng ta đã gặp nhau hàng trăm lần rồi.

- Ở đâu? Hồi nào?

- Một lúc nào đó, một nơi nào đó, - cô ta nói. - Nhưng nếu em giải thích rõ thì mười phút không đủ đâu. Quan trọng là thời gian ta có lúc này đây. Hiện tại. Anh đồng ý không?

- Có thể. Nhưng tôi muốn có bằng chứng là cô có biết tôi.

- Bằng chứng gì kia?

- Tôi bao nhiêu tuổi chẳng hạn?

- Ba mươi, - cô ta trả lời ngay. - Ba mươi tuổi hai tháng. Được chưa?

Tôi cứng họng. Hiển nhiên là cô ta biết tôi, nhưng tôi không tài nào nhớ ra giọng cô ta.

- Giờ tới lượt anh, - cô ta nói, giọng mơn trớn. - Cố hình dung ra em đi. Từ giọng nói của em. Hình dung xem em thế nào. Em bao nhiêu tuổi. Em đang ở đâu. Em ăn mặc ra sao. Nào, anh nói đi chứ?

- Tôi biết gì đâu mà nói.

- Thôi nào, cố lên đi, - cô ta nói.

Tôi nhìn đồng hồ. Nãy giờ mới có một phút năm giây trôi qua. - Tôi chẳng biết gì đâu, - tôi lặp lại.

- Thế để em giúp anh nhé, - cô ta nói. - Em đang nằm trên giường. Em vừa mới tắm xong, người em chẳng mặc gì hết.

Hừ, được lắm. Lại cái trò sex qua điện thoại đây.

- Hay anh thích em mặc trên người một thứ gì đó? Một cái gì có đăng ten. Hay tất dài chẳng hạn. Anh có thích vậy hơn không?

- Thế nào cũng được, mặc cô. Cô muốn làm gì thì làm, - tôi nói. - Thích thì mang vài thứ trên người. Còn muốn trần truồng thì cứ việc. Xin lỗi, nhưng tôi không quan tâm đến những trò chơi qua điện thoại kiểu này. Tôi có quá nhiều thứ phải...

- Mười phút thôi, - cô ta nói. - Dành cho em mười phút thì anh có chết đâu nào, phải không? Chỉ cần trả lời vài câu hỏi của em thôi. Anh muốn em trần truồng hay mang vài thứ trên người? Em có nhiều thứ để mang lắm. Quần ren màu đen này...

- Thôi thì trần truồng đi.

- Được rồi. Anh muốn em trần truồng.

- Ừ, trần truồng.

Bốn phút rồi.

- Lông mu em vẫn còn ướt, - cô ta nói. - em sấy chưa kỹ lắm. Ôi, người em ướt quá chừng! Vừa ấm vừa ẩm ướt. Lại còn mềm nữa. Mềm thật là mềm, đen nhay nháy. Sờ em thử xem.

- Nào nào, tôi xin lỗi, nhưng mà...

- Xuống dưới cũng vậy. Xuống nữa. Dưới ấy thật là ấm, như là bơ ấy. Ấm quá chừng! Ôi ôi ôi. Lại còn chân em nữa. Anh thử nghĩ xem em đang ở trong tư thế nào nào? Đầu gối phải nhấc lên, chân trái dạng sang bên vừa đủ. Như hai cái kim đồng hồ lúc chỉ mười giờ năm phút vậy.

Từ giọng nói cô ta, tôi hiểu rằng cô ta không nói phét. Cô ta quả thật đang giạng chân ra như lúc kim đồng hồ chỉ mười giờ năm phút, âm hộ cô ta ấm áp và ẩm ướt.

- Sờ thử hai vành môi xem, - cô ta nói. - Châ-ậ-m-m thôi. Giờ thì vạch ra. Thế. Chậm thôi, thật chậm. Hãy để những ngón tay anh mơn trớn chúng. Ôi, thật châ-ậm-m-m. Giờ lấy tay kia sò vú phải của em đi. Đùa với nó. Mân mê nó. Lên trên nữa. Giờ bóp nhẹ núm vú đi. Lần nữa. Lần nữa. Lần nữa. Em sắp ra rồi đây.

Không nói một lời, tôi cúp ống nghe. Duỗi nguời trên ghế sopha, tôi nhìn đồng hồ và thở một hơi dài. Cuộc nói chuyện kéo dài gần sáu phút.

Mười phút sau điện thoại lại reo, nhưng tôi không đụng tới ống nghe. Chuông reo mười lăm lần. Khi nó ngừng reo, một nỗi im lặng sâu thẳm, lạnh lẽo trùm xuống căn phòng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:31:48 | Xem tất


Ngay trước 2 giờ chiều, tôi trèo qua bức tường bê tông để sang bên cái ngõ, đúng hơn là chỗ mà chúng tôi gọi là cái ngõ. Thật ra nó chẳng phải là "ngõ" theo đúng nghĩa; hẳn là chẳng có từ nào thích hợp để gọi nó cả. Nó không phải là "đường", không phải "lối đi", cũng chẳng ra cái "ngõ". Dù "đường" hay "ngõ" thì cũng phải có lối vào và lối ra, phải dẫn ta tới một chỗ nào đó nếu ta đi theo nó. Nhưng cái "ngõ" này chẳng có lối vào cũng chẳng có lối ra. Cũng không thể gọi là "ngõ cụt", vì ít ra ngõ cụt cũng còn có lối vào. Còn cái ngõ này thì cả hai đầu đều cụt. Người dân xung quanh cứ gọi là "ngõ" cho tiện. Nó dài khoảng trăm mét, len lỏi giữa những khoảnh sân sau của các căn nhà dọc hai bên. Bề ngang nó chỉ tròm trèm một mét, ở vài chỗ thậm chí phải lách người qua mới qua được giữa những hàng rào thòi ra giữa lối đi hoặc phải tránh những đống đồ phế thải.

Về cái ngõ này, ông cậu tôi, người cho vợ chồng tôi thuê căn nhà này với giá gần như cho không, bảo rằng xưa kia nó cũng có đầu vào đầu ra, từng đóng vai trò kiểu như một lối đi tắt giữa hai con phố. Nhưng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào giữa thập kỷ 1950, hàng dãy nhà mọc lên trên các lô đất trống dọc hai bên ngõ, ép nó lại cho tới khi chỉ còn là một lối đi hẹp. Dân tình không thích kẻ lạ đến gần nhà và sân của mình, thế nên chẳng bao lâu một trong hai đầu ngõ bị người ta ngăn lại, đúng hơn là che lại bằng một hàng rào xộc xệch. Một người đia phương quyết định nới rộng khoảng sân của mình, thế là xây luôn một bức tường bê tông bít kín đầu ngõ. Như để đáp trả, một hàng rào dây thép gai được dựng ở đầu bên kia, ngay lũ chó cũng không qua lọt. Hàng xóm chẳng ai kêu ca gì, bởi có ai dùng cái ngõ này làm lối đi đâu, thậm chí họ còn hài lòng là khác, bởi nhờ bức tường rào này họ lại có thêm một lớp bảo vệ trước những phường bất hảo. Kết quả là cái ngõ chỉ còn như một kênh đào bị bỏ hoang, không ai dùng tới, có chăng chỉ là một vùng đệm giữa hai dãy nhà, thế thôi. Lũ nhện chăng mạng dày đặc trong những lùm cây mọc um tùm.

Cớ sao Kumiko hay lui tới một nơi như vậy? Bản thân tôi chỉ mới đi trên cái "ngõ" này không quá hai lần, Kumiko thì sợ nhện nhất trần đời. Nhưng thôi, quỷ tha ma bắt - nếu Kumiko đã bảo tôi ra ngõ kiếm con mèo thì tôi cần phải ra ngõ kiếm con mèo. Chuyện gì sẽ tới hẵng nghĩ sau. Đi ra ngoài thế này vẫn tốt chán so với ngồi nhà chờ điện thoại reo.

Ánh nắng chói đầu hè rọi qua bóng những cành cây trải rộng trên đầu, vẽ những đốm tròn lỗ chỗ xuống bề mặt ngõ. Không có ngọn gió nào lay động cành lá, những bóng cây trông như những vết ố mà số trời đã định là sẽ in lên mặt đường này vĩnh viễn. Dường như không thứ tiếng động nào lọt được đến nơi này. Hầu như tôi có thể nghe những ngọn cỏ phập phồng trong ánh nắng. Vài đám mây nhỏ trôi qua bầu trời, bóng của chúng rõ rệt, sắc nét, như những đám mây trong tranh khắc thời trung cổ. Tôi cảm nhận mọi thứ một cách rõ ràng đáng sợ đến nỗi chính thân thể tôi bỗng như trở nên mơ hồ, vô hạn, tuôn chảy và... nóng bỏng.

Tôi mặc áo thun, quần mỏng bằng vải bông, mang giày tennis, nhưng khi đi dưới ánh nắng hè, tôi cảm thấy một lớp mồ hôi mỏng đọng dần dưới hai cánh tay và trên hõm ngực. Chiếc áo thun và quần sợi bông này lâu nay bị nhét trong cái hộp lèn chặt quần áo mùa hè, tôi chỉ mới lấy ra mặc sáng nay, nên mùi băng phiến hăng hắc xộc vào trong lỗ mũi tôi.

Những căn nhà dọc hai bên ngõ chia làm hai loại khác hẳn nhau: những căn nhà cũ và những căn nhà mới xây. Những căn nhà mới thì nhỏ hơn, sân cũng nhỏ hơn. Những chiếc sào phơi quần áo trong sân thường thò hẳn ra ngoài ngõ, khiến nhiều lúc tôi phải len lỏi giữa những bức màn chắn bằng khăn mặt, khăn trải giường, đồ lót. Bên kia vài bức tường hậu vẳng ra tiếng ti vi, tiếng nước dội toa lét, thoang thoảng mùi nấu cà ri.

Những căn nhà cũ thì ngược lại, hầu như không có dấu hiệu sự sống. Chúng được ngăn cách bằng những bụi cây và hàng dậu ngay hàng thẳng lối, xen giữa là những mảnh vườn tỉa tót công phu.

Một cây thông Giáng sinh già nua, nâu xỉn, khô héo đứng trong góc một khu vườn. Một khu vườn khác đã hóa thành bãi rác để người ta vứt bỏ bất cứ món đồ chơi nào của con người, rõ ràng là nơi vứt bỏ hàng mấy thế hệ tuổi thơ. Nào chiếc xe đạp ba bánh, vòng gỗ, kiếm nhựa, bóng ca su, nào những con rùa đồ chơi, những chiếc mũ bóng chày bé xíu. Một khu vườn có một khoảnh chơi bằng bóng rổ, một vườn khác nữa có những cái ghế xinh xẻo xếp quanh chiếc bàn bằng gốm. Bụi đóng dày trên những chiếc ghế vốn dĩ màu trắng, hình như chẳng ma nào đụng tới nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rồi. Mặt bàn phủ đầy những cánh hoa mộc lan tím bị mưa dập vùi tan nát.

Tôi thấy rõ một căn phòng khách qua một cánh cửa ngoài bằng nhôm. Phòng khách gồm một bộ sofa và ghế bành bằng da, một cái tivi lớn, một tủ buýp phê (trên đó có một bể nuôi cá nhiệt đới và hai món chiến lợi phẩm gì đó), một cây đèn đứng để trang trí. Căn phòng trông như bối cảnh cho một vở kịch truyền hình. Một cái cũi chó to đùng chiếm lĩnh phần lớn diện tích một khu vườn khác, những chẳng có con chó nào, cửa nhà thì mở toang. Tấm lưới cửa cũi chó bị vênh ra ngoài, như thể ai đó đã tựa vào đó liên tục hàng mấy tháng trời.

Căn nhà không người ở mà Kumiko nói với tôi nằm ngay sau khoảnh sân có cái chuồng chó kếch xù kia. Chỉ cần liếc qua cũng biết căn nhà này không có người ở đã khá lâu rồi. Đó là một căn nhà hai tầng trông cũng mới, nhưng mấy cánh cửa chớp bằng gỗ trông lại quá ư cũ kỹ, chấn song bên ngoài các cửa sổ trên tầng hai phủ đầy gỉ sét. Căn nhà có một khu vườn nhỏ xinh xinh, trong đó hiển nhiên là có bức tượng chim. Tượng đặt trên một cái bệ cao ngang ngực, xung quanh cỏ dại um tùm. Đầu mút những nhánh xiêm gai vàng 1 gần như bén tới chân chim. Con chim - tôi chịu không đoán nổi giống chim gì - giang rộng cánh như thể muốn thoát khỏi chốn khó ưa này càng nhanh càng tốt. Ngoài con chim ra chẳng còn vật trang trí nào khác trong khu vườn. Dăm chiếc ghế nhựa không biết tự đời thuở nào đứng chỏng chơ ở vách tường, cạnh đó là một bụi đỗ quyên phô những đóa hoa đỏ tươi, màu sắc có vẻ là lạ, không thực. Còn lại toàn là cỏ dại.

Tôi tựa vào hàng rào mắt cáo ngang ngực, ngắm khu vườn một hồi lâu. Chốn này hẳn là thiên đường cho lũ mèo, nhưng chẳng thấy mèo đâu cả. Điểm xuyết vào khung cảnh chỉ có tiếng kêu đều đều của một con bồ câu đơn độc vắt vẻo trên chiếc ăngten truyền hình. Bóng của con chim đá đổ lên mặt cỏ dưới chân bệ tượng, bị cắt làm hai mảnh.

Tôi rút trong túi quần ra một viên kẹo chanh, bóc giấy gói rồi cho vào mồm. Tôi từng coi việc nghỉ làm ở công ty là một cơ hội để bỏ thuốc lá, nhưng bây giờ đi đâu tôi cũng không thể thiếu mấy viên kẹo chanh. Kumiko bảo tôi nghiện kẹo chanh mất rồi và cảnh cáo rằng chẳng mấy chốc tôi sẽ sâu hết cả hàm răng, nhưng tôi không bỏ kẹo được. Trong khi tôi đứng ngắm khu vườn, con bồ câu đậu trên ăngten vẫn kêu gù gù, như một tay cạo giấy đóng số lên một tệp giấy. Tôi không biết mình đã đứng đó tựa rào trong bao lâu, nhưng tôi nhớ mình đã nhổ kẹo ra khi cảm thấy nó đã tan một nửa và lấp đầy miệng cái vị ngọt dinh dính. Tôi vừa chuyển cái nhìn sang bóng chim đá thì có cảm giác ai đó vừa gọi mình từ phía sau.

Tôi quay lại thì thấy một cô gái đừng trong khu vườn bên kia ngõ. Người cô nhỏ nhắn, tóc tết bím. Cô đeo kính râm thẫm, gọng màu hổ phách, mặc áo phông cộc tay màu xanh nhạt. Mùa mưa vẫn chưa dứt hẳn, thế mà cô đã kịp làm cho đôi tay mảnh dẻ của mình có một màu rám nằng mềm mại ưa nhìn. Cô đút một bàn tay vào túi quần soóc. Bàn tay kia đặt lên một cánh cổng hằng tre ngang thắt lưng xem ra chẳng càn được ai. Hai chúng tôi chỉ cách nhau chừng hơn một thước.

- Nóng quá, - cô bảo.

- Ừ, nóng, - tôi đáp.

Sau mẩu trao đổi ngắn ngủi này cô lại đứng đó nhìn tôi. Rồi cô móc trong túi ra một bao "Hope", rút một điếu, đút vào giữa miệng. Cô có cái miệng nhỏ, môi trên hơi vểnh. Cô quẹt diêm chấm thuốc. Khi cô khẽ nghiêng đầu, tóc cô lệch sang bên để lộ một chiếc tai có hình dáng tuyệt đẹp, nuột nà như vừa mới nặn, vành tai ánh lên vẻ dịu dàng của lớp lông tơ.

Cô búng que diêm đi rồi chúm môi phà khói. Đoạn, cô nhìn lên tôi như thể đã quên mất là có tôi ở đó. Tôi không nhìn thấy mắt cô sau cặp tròng thẫm của chiếc kính râm.

- Anh sống gần đây à? - cô hỏi.

- Ừ, - tôi muốn chỉ về phía nhà mình, nhưng để tới được đây tôi đã len lách quá nhiều đến nỗi giờ tôi chịu không biết nhà mình ở hướng nào nữa. Tôi đành chỉ hú họa.

- Tôi đi tìm con mèo, - tôi vừa nói như để thanh minh vừa chùi lòng bàn tay mướt mồi hôi vào quần. - Nó đi vắng cả tuần rồi. Có người thấy nó quanh quẩn chỗ này.

- Con mèo trông thế nào?

- Mèo đực, to khỏe. Có vằn nâu. Chót đuôi hơi quặp.

- Tên gì?

- Noboru. Wataya Noburu.

- Không, không phải tên anh. Tên con mèo cơ.

- Thì tên con mèo đấy.

- Chà, ấn tượng quá!

- Thực ra đấy là tên ông anh vợ anh. Con mèo có gì đó giống ông ấy. Bọn anh lấy tên ông ấy đặt cho con mèo, để cho vui thôi mà.

- Con mèo giống ông ấy chỗ nào cơ?

- Anh không biết. Nhìn chung là thế. Dáng đi chẳng hạn. Hay là cái nhìn chả biểu lộ gì hết.

Lần đầu tiên cô mỉm cười, nụ cười khiến cô giống trẻ con hơn nhiều so với ấn tượng ban đầu. Cô không quá mười lăm, mười sáu tuổi. Môi trên cô vểnh thành một góc kì lạ. Tôi nghe như thấy giọng nói "Sờ em đi", giọng người đàn bà trong điện thoại. Tôi lấy mu bàn tay lau mồ hôi trên trán.

- Con mèo có vằn nâu, chóm đuôi hơi quăn, - cô gái nói. - À, nó có đeo vòng cổ không?

- Đeo vòng cổ màu đen, để trị bọ chét.

- Cô đứng ngẫm nghĩ chứng mươi, mười lăm giây, bàn tay vẫn đặt trên cánh cổng. Rồi cô vứt điếu thuốc đang hút dở xuống đất, lấy bàn chân đi xăngđan giẫm lên.

- Có lẽ em đã gặp một con mèo như thế, - cô bảo. - Em không biết đuôi có quặp không, nhưng con mèo vàng nâu, giống như cọp ấy, hình như có đeo vòng cổ.

- Em thấy khi nào?

- Thấy khi nào á? Chà... Mới ba bốn hôm trước thôi. Sân nhà em cứ như là nơi quá cảnh của tất cả mèo hàng xóm ấy mà. Chúng đi tắt qua nhà em từ nhà Takitani tới nhà Miyawaki.

Cô chỉ về phía căn nhà không người ở, nơi con chim đá vẫn đang giang cánh, cây xiêm gai vàng đang đón nắng hè và con bồ câu vẫn tiếp tục gù gù đơn điệu trên cần ăngten tivi.

- Em có ý này, - cô nói. - Sao anh không đợi ở đây? Tất cả lũ mèo sớm muộn gì cũng đi qua nhà em trên đường tới nhà Miyakawi. Anh cứ đi tới đi lui kiểu này thì coi chừng người ta gọi cảnh sát bắt đấy. Có người bị như thế rồi.

Tôi lưỡng lự.

- Đừng lo, - cô nói. - Ở đây chỉ có em thôi. Chúng mình cứ ngồi sưởi nắng, đợi con mèo ló mặt ra. Em sẽ nhìn giúp anh. Thị lực của em những hai mươi-hai mươi cơ đấy.

Tôi nhìn đồng hồ. Hai giờ hai mươi sáu phút. Những gì tôi phải làm hôm nay, từ giờ cho đến tối là mang đồ đến hiệu giặt và làm bữa tối.

Tôi bước qua cổng vào trong vườn, theo sau cô bé băng qua bãi cỏ. Chân phải cô hơi khập khiễng. Cô đi vài bước rồi dừng, quay lại nhìn tôi.

- Em bị ngã xe máy từ ghế sau, - cô nói như thể chuyện ấy chẳng có gì quan trọng.

Nơi rìa bãi cỏ có một cây sồi lớn. Dưới bóng cây có hai ghế xếp bằng vải bạt, trên một chiếc có trải tấm khăn tắm màu xanh dương. Trên chiếc ghế kia lỉnh kỉnh một bao "Hope""chưa mở, cái gạt tàn, chiếc bật lửa, một cuốn tạp chí, một chiếc máy nghe nhạc ngoại cỡ. Máy đang phát một bản hard rock âm lượng không to lắm. Cô bé tắt nhạc rồi trút hết mớ đồ đạc trên chiếc ghế thứ hai xuống cỏ để lấy chỗ cho tôi. Ngồi trên chiếc ghế này tôi thấy rõ khoảng sân căn nhà không người ở bên kia - con chim đá, cây xiêm gai vàng, hàng rào mắt cáo. Hẳn là cô bé đã quan sát tôi suốt cả thời gian tôi đứng ở bên kia.

Vườn nhà này lớn thật. Có một bãi cỏ rộng dài thoai thoải, đó đây có mấy khóm cây. Bên trái hai chiếc ghế là một hồ nước to mép bằng bê tông, phơi cái đáy cạn khô dưới nắng. Trông cái màu xanh xanh thì đủ biết đã bao lâu hồ không có nước. Chúng tôi ngồi xoay lưng lại căn nhà thấp thoáng sau màn cây. Nhà không lớn, kiến trúc chẳng cầu kỳ. Chỉ khu vườn thênh thang được chăm sóc cẩn thận là nom bề thế mà thôi.

- Vườn rộng quá, - tôi vừa nói vừa nhìn quanh. - Rộng thế này thì chăm sóc cũng mệt.

- Hẳn rồi.

- Hồi bé anh có làm việc cho một công ty chuyên xén cỏ thuê.

- Thế à? - rõ là cô bé chẳng quan tâm gì đến chuyện cỏ kiếc.

- Em luôn ở đây một mình à? - tôi hỏi.

- Vâng, lúc nào cũng một mình. Trừ một bà đến mỗi sáng và chiều, dọn dẹp ấy mà. Còn lại thì suốt ngày chỉ mình em thôi. Anh muốn uống gì lạnh không? Nhà có bia đấy.

- Không, cảm ơn.

- Thật á? Đừng khách sáo đấy nhé.

Tôi lắc đầu.

- Em không đi học à?

- Thế anh không đi làm à?

- Có việc gì làm đâu mà đi.

- Thất nghiệp à?

- Đại loại thế. Anh mới thôi việc vài tuần trước.

- Trước anh làm gì?

- Anh là trợ lý luật sư. Anh đến các cơ quan chính phủ để lấy tài liệu, sắp xếp hồ sơ đâu vào đó, kiểm tra các tiền lệ pháp lý tiến hành thủ tục tố tụng... kiểu kiểu thế.

- Nhưng anh thôi việc rồi.

- Ừ.

- Vợ anh có việc làm không?

- Có.

Con bồ câu ở khoảnh sân bên kia chắc đã thôi gù gù mà bay đi nơi khác. Đột nhiên tôi nhận thấy một sự im lặng chết chóc bao phủ quanh tôi.

- Kia là chỗ lũ mèo hay qua lại, - cô nói, tay chỉ về phía đằng kia bãi cỏ. - Anh có thấy cái máy đốt rác trong sân nhà Takitani không? Chúng nó chui ra từ dưới hàng rào ngay ở chỗ ấy, đi qua bãi có, rồi chui qua cổng sang mảnh sân bên kia. Lần nào cũng đúng lộ trình ấy.

Cô lật kính lên trán, nheo mắt nhìn khu vườn rồi kéo kính xuống, phà ra một làn khói. Trong khoảng thời gian đó tôi kịp thấy cô có một vết xước dài khoảng năm phân gần mắt trái, loại vết xước có khả năng để sẹo suốt đời. Chiếc kính râm hẳn là để che vết xước ấy. Khuôn mặt cô bé không phải là đẹp lắm nhưng có cái gì đó thật quyến rũ, có thể là cặp mắt sống động hay đôi môi hình dáng khác thường.

- Anh có biết nhà Miyakawi không? - cô hỏi.

- Chả biết gì cả, - tôi đáp.

- Gia đình họ từng sống trong căn nhà không có người ở kia. Gia đình rất nền nếp. Họ có hai cô con gái, cả hai đều học trường tư dành cho nữ sinh. Ông Miyakawi là chủ mấy cái nhà hàng.

- Sao họ không ở đó nữa?

- Có lẽ vì ông ấy nợ nần. Họ bỏ trốn, biến mất vô tung tích chỉ trong một đêm. Đâu như một năm trước. Họ bỏ lại căn nhà, mặc cho cỏ dại và lũ mèo. Mẹ em cứ than phiền suốt.

- Có nhiều mèo đến thế sao?

Vẫn ngậm điều thuốc trong miệng, cô bé ngẩng lên nhìn trời.

- Đủ thứ trên đời. Con thì trụi lông, con thì chột mắt... ở cái chỗ trước kia là con mắt giờ chỉ còn cục thịt. Eo ôi!

Tôi gật đầu.

- Em có người bà con mỗi bàn tay đều có sáu ngón. Chị ấy lớn hơn em một chút thôi. Bên cạnh ngón út chị ấy lại có thêm một ngón thừa, như ngón tay trẻ sơ sinh ấy. Chị ấy biết cách gập nó lại nên hầu như không ai nhận thấy cả. Mà chị ấy đẹp lắm cơ.

Tôi lại gật.

- Anh nói thử xem, đó có phải là do di truyền không? Gọi thế nào ấy nhỉ... từ trong huyết thống ấy mà?

- Anh không biết nhiều lắm về di truyền.

- Cô ngừng nói. Tôi mút viên kẹo chanh và chú mục vào lối đi của lũ mèo. Nãy giờ chẳng thấy con mèo nào cả.

- Thực tình anh không muốn uống gì à? - cô hỏi. - Em đi lấy Coca đây.

Tôi nói tôi không cần uống gì cả.

Cô đứng dậy khỏi ghế và biến mất sau hàng cây, chân phải hơi khập khiểng. Tôi nhặt tờ tạp chí từ dưới cỏ lên, lật lật các trang. Hoàn toàn bất ngờ, tôi nhận ra đó là một tạp chí dành cho nam giới, loại nguyệt san bìa láng. Trên trang ảnh là một ả ngồi ghế, hai chân dạng rộng thành một góc kỳ quái, quần bó chẽn mỏng dính phô ra toàn bộ chỗ kín với lớp lông đen nhánh. Tôi thở dài đặt tạp chí xuống, khoanh tay lên ngực, lại chú mục vào lối đi của lũ mèo.

Mãi rất lâu sau cô bé mới trở lại, tay cầm cốc Coca. Cái nóng *********** chiều đang hành hạ tôi. Ngồi dưới nắng, tôi nghe đầu mình cứ ong ong. Tôi hoàn toàn không muốn nghĩ gì hết.

- Nói em nghe, - cô tiếp tục đề tài bỏ dở. - Nếu anh yêu một cô gái nhưng hóa ra cô ấy có những sáu ngón tay thì anh sẽ làm gì?

- Đưa cô ấy tới rạp xiếc, - tôi đáp.

- Thật à?

- Không, dĩ nhiên là không, - tôi nói. - Đùa thôi mà. Chắc là chuyện ấy chẳng làm anh bận tâm lắm đâu.

- Cho dù con cái anh có thể dũng bị do di truyền?

Tôi nghĩ một chút rồi mới trả lời.

- Không, thực tình anh nghĩ là sẽ không bận tâm về chuyện đó mà. Thừa một ngón tay thì đã sao?

- Thế nếu cô ấy có bốn vú?

Tôi lại phải nghĩ một hồi.

- Anh không biết.

Bốn vú? Cứ cái đà này thì nói mãi không hết. Tôi quyết định chuyển đề tài.

- Em bao nhiêu tuổi?

- Mười sáu. Mới đây thôi là sinh nhật tròn mười sáu của em đấy. Em vừa lên năm đầu trung học đệ nhị cấp.

- Em nghỉ học lâu chưa?

- Nếu em đi nhiều thì chân vẫn đau. Em lại còn bị vết xước gần mắt nữa. Trường em họ nhiễu sự lắm. Người ta mà biết em bị ngã xe máy thì sẽ bàn tán vào chẳng thiếu chuyện gì. Thành thử em nghỉ ốm. Em được nghỉ trọn một năm nhé. Chả việc gì phải vội lên lớp cả.

- Ừ thì thế.

- Thì thế là sao? Vừa rồi anh bảo là cô gái có sáu ngón thì anh vẫn lấy, nhưng có bốn vú thì không...

- Anh không nói vậy. Anh chỉ bảo là anh không biết.

- Anh không biết gì nào?

- Anh không biết - ý anh là khó tưởng tượng được chuyện ấy.

- Một cô gái có sáu ngón tay thì anh hình dung được chứ?

- Chắc là được.

- Thế sao bốn vú thì lại không? Có gì khác nhau nào?

Tôi lại phải nghĩ thêm một hồi nữa, nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời.

- Em hỏi nhiều quá phải không?

- Người ta bảo em vậy à?

- Thỉnh thoảng.

Tôi lại quay về phía lối mèo đi. Tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy?

Tự nãy đến giờ chẳng có con mèo nào ló mặt. Tay vẫn khoanh trước ngực, tôi nhắm mặt lại chừng ba mươi giây. Tôi nghe mồ hôi túa ra khắp mình khắp mẩy. Ánh mặt trời đổ lên tôi với một sức nặng kỳ lạ. Mỗi khi cô gái di chuyển cốc Coca, những mẩu nước đá lại kêu lanh canh như cái lục lạc buộc cổ bò.

- Nếu anh buồn ngủ thì ngủ đi, - cô thì thầm. - Con mèo xuất hiện em sẽ gọi anh.

Mắt vẫn nhắm, tôi lẳng lặng gật đầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:33:13 | Xem tất


Trời đứng gió, xung quanh lặng ngắt như tờ. Con bồ câu đã bay mất tự đời nào. Tôi nghĩ mãi về người đàn bà gọi điện thoại. Mình có biết cô ta không nhỉ? Hoàn toàn chẳng có gì quen thuộc trong giọng nói hay cung cách ăn nói của cô ta. Nhưng nhất định là cô ta biết tôi. Tôi có cảm giác mình đang nhìn vào một bức tranh của de Chirico 2: cái bóng dài thậm thượt của người đàn bà cắt qua một con phố vắng mà vươn về phía tôi. Một cái chuông cứ kêu leng keng không ngừng bên tai tôi.

- Anh ngủ à? - cô gái hỏi bằng giọng khẽ đến nỗi tôi không chắc mình nghe ra.

- Không, anh có ngủ đâu.

- Em xích lại gần một chút được không? Nói khẽ thì... dễ chịu hơn.

- Anh sao cũng được, - tôi nói, mắt vẫn nhắm.

Cô ta dịch ghế lại gần cho đến khi chạm vào ghế tôi làm phát ra tiếng gỗ khô khốc.

Thật lạ, giọng cô bé khi mình mở mắt thì nghe thế này, khi nhắm mắt thì lại nghe khác hẳn.

- Em nói chuyện được không? Em sẽ nói thật khẽ và anh không phải trả lời đâu. Thậm chị anh ngủ luôn cũng được.

- Ừ, - tôi nói.

- Khi người ta chết thì tuyệt lắm nhỉ.

Lúc này miệng cô bé kề bên tai tôi, nên những lời cô nói xuyên thẳng vào tôi cùng với hơi thở ấm áp, ẩm ướt.

- Sao lại thế?

Cô đặt một ngón tay lên môi tôi như thể niêm kín lại.

- Không hỏi gì cả, cũng không mở mắt. Được chứ?

Cái gật đầu của tôi cũng khẽ như giọng nói của cô.

Cô nhấc ngón tay khỏi môi tôi và đặt lên cổ tay tôi.

- Em ước gì có con dao mổ. Em sẽ rạch chỗ này ra mà nhìn vào trong. Không phải nhìn thịt của người chết đâu... mà nhìn vào cái chết. Em tin là có cái gì đó giống như cái chết. Nó tròn tròn, nhun nhũn giống như quả bóng mềm có cái lõi cứng bằng những sợi thần kinh chết. Em muốn lôi nó ra khỏi cơ thể người chết rồi rạch nó ra mà nhìn vào trong. Em luôn luôn tự hỏi nó giống cái gì. Cũng có thể nó cứng ngắc, như kem đánh răng bị khô trong ống vậy. Anh nghĩ sao? Không, đừng trả lời. Bên ngoài nó mềm nhũn, càng vào trong lại càng rắn. Em muốn rạch da để lôi cái cục mềm mềm nhu nhũn đó ra, dùng dao mổ và một dụng cụ kiểu như cái đè lưỡi để lần vào trong, càng vào trong thì cục mềm nhũn đó lại càng rắn, cho đến khi gặp cái lõi nhỏ xíu kia. Nó bé tí, như hòn bi trong ổ bi ấy, và rất là cứng. Hẳn là vậy phải không?

Cô hắng giọng mấy lần.

- Mấy hôm nay em cứ nghĩ mãi chuyện ấy. Có lẽ vì ngày nào em cũng có quá nhiều thời gian rảnh. Mỗi khi không có việc gì làm, ý nghĩ của mình đi xa, rất xa, xa đến nỗi mình không theo kịp ấy.

Cô nhấc ngón tay khỏi cổ tay tôi và uống nốt chỗ Coca còn lại. Nghe tiếng những mẩu nước đá, tôi biết cái cốc giờ đã rỗng.

- Đừng lo chuyện con mèo, em sẽ canh cho. Nếu thấy Wataya Noboru, em sẽ báo cho anh ngay. Anh cứ nhắm mắt. Em tin chắc Wataya Noburu chỉ quanh quẩn đâu đây thôi. Nó có thể ló mặt ra bất cứ lúc nào. Wataya Noburu đang đến đấy. Em biết là nó đang đến - nó len qua bão cỏ, luốn dưới hàng rào, dừng lại nửa đường đề ngửi những bông hoa. Càng lúc càng gần, Wataya Noburu, từng bước từng bước một. Hãy hình dung cảnh đó, đưa hình ảnh đó vào trong tâm trí anh.

Tôi cố mường tượng ra con mèo, nhưng cố lắm cũng chỉ thấy một hình ảnh mờ mờ như bức ảnh bị thiếu ánh sáng. Ánh nắng xuyên qua mí mắt tôi làm chao đảo và tán xạ cái bóng tối bên trong tôi, khiến tôi không thể vẽ nên một hình ảnh chính xác về con mèo. Thay vào đó tôi chỉ nặn ra được một bức chân dung tồi, một bức tranh méo mó, thiếu tự nhiên, có vài nét hao hao giống nguyên bản song phần quan trọng nhất thì lại thiếu vắng. Thậm chí tôi không nhớ nổi dáng đi của con mèo ra sao nữa.

Cô gái lại đặt ngón tay lên cổ tay tôi, dùng đầu ngón tay vẽ một thứ ký hiệu lạ lùng nào đó. Như thể đáp lại, một thứ bóng tối khác - khác về chất so với bóng tối mà tôi cảm thấy nãy giờ - bắt đầu xâm nhập vào ý thức tôi. Có lẽ tôi đã thiếp đi. Tôi không muốn điều đó xảy ra, nhưng không cách nào cưỡng lại được. Cơ thể tôi như cái xác chết - xác chết của một ai khác - đang chìm sâu vào chiếc ghế xếp bằng vải bạt.

Trong bóng tối, tôi thấy bốn cái chân của Wtaya Noburu, bốn cái chân tĩnh lặng màu nâu bên trên bốn bàn chân với những cái núm chân mềm như bằng cao su, những cái chân đang giẫm lên đâu đó mặt đất tịnh không một tiếng động.

Nhưng ở đâu?

"Chỉ cần mười phút thôi", người đàn bà trên điện thoại đã nói thế. Không, cô ta lầm. Đôi khi mười phút không phải là mười phút. Nó có thể giãn ra co lại. Điều đó thì tôi biết rõ.

Khi thức dậy tôi chỉ có một mình. Cô gái đã biến mất, ghế xếp của cô vẫn kê sát vào ghế tôi. Chiếc khăn tắm, hộp thuốc lá và cuốn tạp chí vẫn nằm đấy, nhưng cốc và máy nghe nhạc thì không còn đó nữa.

Mặt trời đã bắt đầu lặn về phía Tây, bóng một cây sồi vắt ngang qua ngang đầu gối tôi. Đồng hồ của tôi chỉ 4 giờ 15. Tôi ngồi dậy nhìn quanh. Bãi cỏ rộng, cái hồ cạn, hàng rào, con chim bằng đá, cây xiêm gai vàng, cần ăngten tivi. Vẫn không thấy bóng dáng con mèo. Hay cô gái.

Vẫn ngồi trên ghế, tôi đưa mắt nhìn lối mèo đi, chờ cô gái quay lại. Mười phút trôi qua, nhưng cả mèo và cô gái vẫn biệt tăm. Chẳng có gì động đậy. Tôi cảm thấy như trong khi ngủ mình đã già khọm đi.

Tôi đứng dậy đi về phía căn nhà, nơi không có dấu hiệu sự sống. Kính cửa sổ phản chiếu ánh hoàng hôn. Tôi đành không đợi nữa, băng qua bãi cỏ về nhà. Vẫn chưa tìm thấy con mèo, nhưng tôi đã cố hết sức rồi.
° ° °
Ở nhà, tôi thu quần áo phơi vào rồi chuẩn bị một bữa tối đơn giản. Điện thoại reo mười hai lần lúc 5 giờ 30, song tôi không trả lời. Ngay cả khi điện thoại đã ngừng reo, tiếng chuông vẫn còn treo trong bóng tối đang sẫm dần của căn phòng như những hạt bụi lơ lửng trong không khí. Bằng những cây kim có đầu mút cứng, đồng hồ để bàn gõ nhịp đều đều lên một chiếc bảng trong suốt trôi trong không trung.

Tại sao không viết một bài thơ về con chim vặn dây cót nhỉ? Ý nghĩ này làm tôi như sực tỉnh, song chẳng làm cách nào cho dòng đầu tiên nảy ra trong đầu được. Nhưng liệu các cô nữ sinh có thích một bài thơ viết về con chim vặn dây cót không?
° ° °
Kumiko về nhà lúc 7 giờ 30 tối. Tháng rồi nàng ngày càng đi làm về muộn. Chẳng hiếm khi nàng về sau 8 giờ, thậm chí đôi khi sau 10 giờ. Nay thì đã có tôi ở nhà nấu ăn nên nàng chẳng phải vội về nhà nữa. Nàng bảo tòa soạn neo người quá, với lại gần đây một trong các đồng nghiệp của nàng xin nghỉ ốm.

- Xin lỗi nhé, - nàng nói. - Việc nhiều quá, mà con bé làm bán thời gian thì chả được tích sự gì.

Tôi xuống bếp nấu nướng: cá xốt bơ, xà lách, súp miso 3. Kumiko ngồi vào bàn bếp, làm động tác duỗi người.

- Lúc 5 rưỡi anh đi đâu? - nàng hỏi. - Em điện về báo là về muộn mà.

- Hết bơ, anh ra cửa hiệu mua. - tôi nói dối.

- Anh có ra ngân hàng không?

- Có.

- Còn con mèo?

- Không tìm thấy. Anh có đến chỗ căn nhà không người ở như em dặn, nhưng không có nó ở đó. Anh đánh cuộc là nó đã đi xa hơn nhiều.

Nàng chả nói gì.

Sau bữa tối, khi tôi tắm xong, Kumiko đang ngồi trong phòng khách, không mở đèn. Ngồi thu lu trong bóng tối, mặc áo sơ mi màu xám, nàng trông như một chiếc vali đặt không đúng chỗ.

Tôi vừa lau tóc bằng khăn tắm vừa ngồi xuống ghế sofa đối diện Kumiko.

Bằng giọng khẽ đến nỗi khó khăn lắm tôi mới nghe ra, nàng nói: - Em chắc là con mèo chết rồi.

- Nào, đừng ngốc thế, - tôi đáp. - Anh chắc là nó đang tung tăng vui vẻ đâu đó thôi. Khi nào đói thì nó sẽ mò về. Chuyện đó xảy ra một lần rồi, em nhớ chứ? Hồi mình sống ở Koenji 4 ấy...

- Lần này khác, - nàng nói. - Lần này thì anh lầm. Em biết. Con mèo chết rồi. Nó đang thối rửa trong một bãi cỏ ở đâu đó. Anh có tìm trên bãi có quanh căn nhà không có người ở không?

- Không. Nhà không có người ở nhưng vẫn là nhà có chủ. Anh đâu có tự tiện xông vào được.

- Thế thì anh tìm ở đâu chứ? Em dám cá là anh không hề tìm thử. Chính vì vậy mà anh không tìm ra.

Tôi thở dài, lại lau tóc bằng chiếc khăn tắm. Tôi đã toan nói, nhưng lại thôi khi nhận thấy Kumiko khóc. Dễ hiểu thôi, nàng rất thương con mèo. Nó đã ở cùng chúng tôi ngay từ sau đám cưới. Tôi ném khăn tắm vào chiếc giỏ đựng đồ ướt trong buồng tắm rồi xuống bếp lấy một lon bia lạnh. Hôm nay thật là một ngày ngu ngốc. Một ngày ngu ngốc trong một tháng ngu ngốc của một năm ngu ngốc.

Wataya Noburu, mày ở đâu? Lẽ nào con chim vặn dây cót đã quên vặn dây cót cho mày?

Mấy câu này nảy ra trong đầu tôi như những dòng thơ.

Wataya Noburu
Mày ở đâu?
Lẽ nào con chim vặn dây cót
Đã quên vặn dây cót cho mày?

Tôi đang uống dở lon bia thì điện thoại lại reo.

- Em nghe máy nhé? - tôi thét vào bóng tối trong phòng khách

- Không, - Kumiko đáp. - Anh đi mà nghe.

- Anh không muốn.

Điện thoại vẫn reo, khuấy động những hạt bụi lơ lửng trong bóng tối. Không ai nói một lời. Tôi uống bia, còn Kumiko tiếp tục khóc lặng lẽ. Tôi đếm được hai mươi hồi chuông thì chịu thua. Đếm mãi cũng chẳng có ý nghĩa gì.

--------------------------------
1.Tiếng Anh: goldelrod, một loại cây cao có hoa vàng, nở hoa vào cuối mùa hè, có nguồn gốc từ châu Âu và Bắc Mỹ - ND.

2.Giorgio de Chirico (1888-1978): họa sĩ và điêu khắc gia Ý, một trong những đại diện xuất sắc nhất của trường phái siêu thực.

3.Miso: một loại tương đặc nổi tiếng trong truyền thống ẩm thực Nhật Bản, làm chủ yếu bằng đậu tương, ngoài ra còn bằng một số loại ngũ cốc khác. Được dùng làm súp miso và nguyên liệu cho nhiều món ăn Nhật Bản - ND.

4.Một quận ở Tokyo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:35:57 | Xem tất


CHƯƠNG 2.
Trăng tròn và nhật thực

Về những con ngựa chết trong chuồng


Nói cho cùng, liệu người ta có hoàn toàn hiểu nhau không?

Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thời gian và công sức hòng hiểu được người khác, nhưng rốt cục chúng ta tiếp cận được tới đâu cái bản chất xấu xa của con người đó? Ta tự thuyết phục mình rằng ta biết rất rõ người kia, nhưng liệu ta có biết được điều gì hệ trọng về một ai đó không?

Tôi bắt đầu suy ngẫm những chuyện như vậy một cách nghiêm túc từ khoảng sau khi thôi việc ở công ty luật. Trước đó - suốt khoảng thời gian trước đó của tôi - tôi chưa bao giờ vật lộn với những câu hỏi như thế này. Tại sao nhỉ? Có lẽ vì đối với tôi, nội việc sống thôi, đã đủ lắm rồi. Đơn giản là tôi quá bận bịu nghĩ về bản thân mình.

Một sự kiện vặt vãnh đã là cú huých để tôi biết suy ngẫm, nhưng ở đời hầu hết những chuyện hệ trọng nhất đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Có một buổi sáng nọ, sau khi Kumiko nuốt vội cho xong bữa sáng để đi làm, tôi ném quần áo bẩn vào máy giặt, dọn giường, rửa bát và hút bụi sàn nhà. Sau đó, có con mèo bên cạnh, tôi ra ngoài hiên ngồi đọc các mục quảng cáo tuyển người và rao vặt mua bán. Đến trưa tôi ăn trưa rồi ra siêu thị. Ở đó tôi mua thức ăn dành cho buổi tối rồi mua thuốc tẩy rửa, khăn giấy và giấy vệ sinh ở quầy giảm giá. Lại về nhà, sửa soạn bữa tối rồi nằm xuống ghế sofa đọc sách chờ Kumiko về.

Tôi vừa mới thất nghiệp nên cảm thấy sống kiểu này thật thoải mái. Không còn phải tất tả đi làm trên những toa xe điện ngầm lèn cứng như cá hộp, không còn phải gặp những người tôi không muốn gặp. Và hơn hết, tôi có thể đọc bất cứ cuốn sách nào mình thích, bất cứ lúc nào mình muốn. Tôi chả biết cái lối sống phong lưu này sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng ít nhất là lúc này, mới sau một tuần, tôi vẫn còn đang thích thú và cố không nghĩ đến tương lai. Đây là kì nghỉ hè lớn của đời tôi. Sẽ đến lúc nó chấm dứt, nhưng từ giờ tới đó tôi quyết tâm tận hưởng an nhàn.

Dù vậy, tối hôm đó tôi không thể đắm mình vào thú vui đọc sách vì Kumiko về muộn. Nàng không bao giờ về muộn quá sáu rưỡi, và nếu cho rằng mình sẽ về muộn dù chỉ mười phút, nàng luôn báo cho tôi biết. Nhưng hôm đó là ngoại lệ. Mãi sau 7 giờ nàng vẫn chưa về, mà cũng không gọi điện. Thịt và rau đã sẵn sàng, chỉ đợi nàng về là tôi sẽ nấu ngay. Chẳng phải tôi định bày vẽ thịnh soạn gì: tôi sẽ chỉ xào mấy lát thịt bò, hành tây, ớt xanh, giá đỗ, thêm ít muối, tiêu, nước tương và một chút bia, đó là món tôi học được từ hồi còn độc thân. Cơm đã chín, xúp miso đương nóng, rau đã thái, xếp gọn từng chồng trên một cái đĩa to, sẵn sàng cho vào chảo. Chỉ còn thiếu mỗi Kumiko. Tôi khá đói nên đã nghĩ đến chuyện tự nấu phần mình rồi ăn trước, nhưng lại thôi. Làm vậy hình như không phải lắm.

Tôi ngồi ở bàn bếp, vừa nhấp bia vừa nhai vài cái bánh quy xôđa nhão nhoét tìm được sau tủ bếp. Kim chỉ giờ của đồng hồ nhích tới vị trí bảy giờ rưỡi rồi chầm chậm bò qua.

Mãi sau 9 giờ Kumiko mới về. Nàng có vẻ mệt bã người. Mắt nàng đỏ ngầu, sưng húp: dấu hiệu không tốt. Mỗi khi mắt nàng đỏ là y như rằng có chuyện không hay.

- Được rồi, - tôi tự nhủ. - Cứ bình thản, đừng nói gì thừa, hãy tự nhiên, hãy làm như không có gì xảy ra. Đừng nổi nóng.

- Em xin lỗi, -Kumiko nói. - Cái công việc này thật chẳng ra sao cả. Em đã định gọi cho anh, nhưng chẳng lúc nào bỏ ra được.

- Không sao, chuyện vặt ấy mà. Đừng áy náy gì cả, - tôi cố nói bằng giọng càng bình thường càng tốt. Mà thật, tôi cũng chẳng thấy khó chịu gì cho lắm. Chuyện ấy từng xảy ra với tôi hàng bao nhiêu lần. Đi làm đâu có phải là việc nhẹ nhàng gì, đâu có phải an nhàn dễ chịu như ngắt đóa hoa hồng đẹp nhất trong vườn để tặng người bà bị ốm sống cách hai khu phố và nán lại suốt ngày ở bên bà. Hễ đã đi làm, đôi khi ta phải làm những việc tẻ ngắt, phải gặp những người khó chịu, đã thế lại chẳng rảnh phút nào để gọi về nhà. Ba mươi giây là đủ để nói: "Hôm nay anh về muộn", điện thoại thì đâu cũng có, thế mà vẫn không sao gọi được.

Tôi bắt đầu nấu nướng: bật bếp gas lên, rót dầu vào chảo. Kumiko lấy một chai bia trong tủ lạnh và một cái cốc trong chạn, nhìn qua những thứ tôi sắp nấu rồi lẳng lặng ngồi xuống bàn bếp. Xem vẻ mặt thì biết nàng uống bia mà chẳng thấy ngon lành gì.

- Đáng lẽ anh cứ ăn, đừng đợi em, - nàng nói.

- Chả sao cả. Anh cũng không đói lắm.

Trong khi tôi xào thịt và rau, Kumiko đi tắm. Tôi nghe tiếng nàng rửa mặt và đánh răng. Lát sau nàng ra khỏi buồng tắm, tay cầm cái gì đó. Ấy là giấy vệ sinh và khăn giấy tôi mua ở siêu thị.

- Anh mua cái thứ này làm gì? - nàng hỏi, giọng mệt mỏi.

Tay cầm chảo, tôi nhìn nàng. Rồi tôi nhìn xuống hộp khăn giấy và cuộn giấy vệ sinh. Tôi không hiểu nàng muốn nói gì.

- Ý em là sao? Thì khăn giấy và giấy vệ sinh thôi mà. Mình cần chứ. Thật ra mấy thứ này ở nhà vẫn còn, nhưng có mua thêm thì để lâu một chút chúng cũng có mục ra đâu.

- Dĩ nhiên là không. Nhưng việc gì anh phải mua khăn giấy màu xanh dương và giấy vệ sinh in hoa?

- Anh không hiểu, - tôi nói, cố trấn tĩnh. - Mấy thứ này bán hạ giá. Khăn giấy xanh có làm mũi em xanh lè ra đâu. Có gì to tát cơ chứ?

- Có. Em ghét khăn giấy xanh và giấy vệ sinh in hoa. Anh không biết à?

- Không, anh không biết. - tôi nói. - Sao em lại ghét?

- Làm sao em biết được tại sao em ghét? Em không chịu được, có thế thôi. Anh thì ghét khăn phủ điện thoại, ghét mấy cái chai giữ nhiệt có trang trí hoa, ghét quần bò rách te tua có cúc bấm, ghét em làm móng tay. Anh cũng có nói được tại sao đâu. Đó là ý thích của mỗi người.

Thực ra tôi có thể giải thích lý do tất cả những chuyện nàng vừa kể nhưng dĩ nhiên tôi chẳng giải thích gì.

- Thôi được, - tôi nói. - Cứ cho đó là ý thích mỗi người. Nhưng liệu em có thể bảo anh rằng suốt sáu năm kể từ ngày mình lấy nhau chưa một lần nào em mua khăn giấy màu xanh hay giấy vệ sinh có in hoa không?

- Không bao giờ. Không một lần nào.

- Thật chứ?

- Thật. Khăn giấy của em chỉ màu trắng, vàng hay hồng thôi. Và em không bao giờ mua giấy vệ sinh có vẽ này vẽ nọ. Em thật sự bị sốc vì anh đã sống với em suốt thời gian qua mà lại không biết chuyện ấy.

Bản thân tôi cũng bị sốc khi nhận ra rằng suốt sáu năm qua tôi chưa một lần nào dùng khăn giấy màu xanh hay giấy vệ sinh có vẽ hình.

- Và hễ đã nói thì để em nói nốt, - nàng tiếp. - Em ghét cay ghét đắng món thịt bò rán với ớt xanh. Chuyện ấy anh không biết à?

- Không, anh không biết. - tôi đáp.

- Phải, em ghét cay ghét đắng. Anh cũng đừng hỏi tại sao. Đơn giản là em không chịu nổi mùi của hai thứ nấu trong cùng một chảo.

- Em muốn nói là suốt sáu năm qua chưa một lần nào em nấu thịt bò với ớt xanh?

Nàng lắc đầu. - Ớt xanh làm rau trộn thì em ăn. Em rán thịt bò với hành. Nhưng em chưa bao giờ nấu thịt bò chung với ớt xanh cả.

Tôi thở dài.

- Anh chả bao giờ thấy chuyện đó là lạ sao? - nàng hỏi.

- Thấy lạ á? Anh chưa bao giờ nhận ra điều đó, - tôi vừa nói vừa ngẫm nghĩ một chút: chẳng lẽ suốt từ khi lấy vợ tôi chưa bao giờ ăn món nào vừa có thịt bò vừa có ớt xanh. Dĩ nhiên là tôi không nhớ nổi.

- Anh sống với em ngần ấy năm nhưng có mấy khi quan tâm tới em. Anh chỉ quan tâm tới bản thân mình thôi.

- Khoan đã nào, - tôi vừa nói vừa tắt bếp và đặt chảo lên mặt bếp. - Mình không nên lạc đề. Có thể em nói đúng. Có thể anh đã không quan tâm đầy đủ tới những chuyện như khăn giấy hay giấy vệ sinh hay thịt bò và ớt xanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh chẳng quan tâm gì đến em. Anh cóc cần biết khăn giấy anh dùng có màu gì. Nếu màu đen thì, ờ, chắc cũng hơi rợn một tí, nhưng trắng hay xanh... với anh có khác gì nhau đâu. Thịt bò với ớt xanh cũng vậy. Nấu riêng, nấu chung, việc gì tới anh chứ? Món thịt bò xào với ớt xanh có hoàn toàn biến khỏi trái đất này thì anh cũng chẳng quan tâm. Nó chẳng liên quan gì đến em, đến những gì là tinh tuý của em. Anh nói thế không đúng sao?

Thay vì trả lời, nàng nốc hai ngụm hế cốc bia rồi nhìn chăm chăm vào cái chai rỗng.

Tôi trút các thứ trong chảo vào thùng rác. Này thì thịt bò, này thì ớt xanh, hành tây, giá đỗ. Lạ thật: mới đây là đồ ăn, nhoáng cái đã thành rác. Tôi mở một chai bia rồi nốc từ cổ chai.

- Sao anh làm vậy?

- Em ghét món này lắm mà.

- Nhưng lẽ ra anh có thể ăn chứ.

- Tự nhiên anh không thích thịt bò xào ớt xanh nữa.

- Tuỳ anh thôi, - nàng nhún vai.

Nàng khoanh hai tay lên bàn rồi úp mặt vào, ngồi như vậy một hồi lâu. Rõ là nàng không khóc cũng chẳng ngủ. Tôi nhìn cái chảo rỗng trên bếp, nhìn Kumiko rồi nốc cạn cốc bia. Điên rồ quá. Việc gì phải ầm ĩ về chuyện khăn giấy, giấy vệ sinh và ớt xanh cơ chứ?

Tôi lại gần vợ, đặt tay lên vai nàng.

- Thôi được, - tôi nói. - Anh hiểu rồi. Anh sẽ không bao giờ mua khăn giấy xanh hay giấy vệ sinh in hoa nữa. Mai anh sẽ mang trả lại siêu thị và đổi hàng khác. Nếu họ không chịu đổi, anh sẽ đốt ở ngoài sân. Anh sẽ ném tro xuống biển. Cũng sẽ không bao giờ có món thịt bò và ớt xanh nữa. Không bao giờ nữa. Chẳng mấy chốc mùi cũng sẽ bay đi, và chúng mình cũng sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện này nữa. Đồng ý nhé?

Nhưng nàng vẫn chẳng nói gì. Tôi ước gì có thể ra ngoài đi dạo chừng một giờ, trở về thì thấy nàng đã vui vẻ lại, nhưng tôi biết chuyện đó sẽ không xảy ra đâu. Tôi phải tự giải quyết chuyện này thôi.

- Nghe này, em mệt rồi, - tôi nói. - Nghỉ một chút đi, rồi chúng mình đi đâu đó ăn pizza. Lần cuối mình ăn pizza là khi nào nhỉ? Ăn với cá trồng và hành. Mình sẽ gọi một suất chia đôi. Lâu lâu tự cho phép mình ra ngoài ăn hàng một lần thì cũng có sao đâu.

Vẫn không ăn thua. Nàng vẫn gục mặt xuống hai cánh tay.

Tôi chẳng biết nói gì nữa. Tôi ngồi xuống nhìn nàng từ phía bên kia bàn. Một tai nàng lộ ra qua mái tóc đen cắt ngắn. Nó có đeo một chiếc hoa tai mà tôi chưa bao giờ thấy, một cái hoa tai nhỏ bằng vàng hình con cá. Nàng mua ở đâu ra cái của này vậy? Tôi muốn hút thuốc. Tôi hình dung mình rút gói thuốc và bật lửa ra khỏi túi quần, lấy một điếu đút vào mồm, châm lửa. Tôi hít vào một hơi đầy phổi và đột nhiên cảm thấy cái mùi gắt của thịt bò xào rau. Tôi đói cồn cào cả ruột gan.

Mắt tôi bắt gặp tấm lịch trên tường. Tấm lịch này cho biết các tuần trăng. Sắp đến tuần trăng tròn. Ừ thì dĩ nhiên: sắp đến kỳ kinh nguyệt của Kumiko.

Chỉ từ khi thành người có vợ tôi mới thật sự ngộ ra rằng mình là một công dân của Trái đất, hành tinh thứ ba trong hệ mặt trời. Tôi sống trên trái đất, trái đất quay quanh mặt trời, và quay quanh trái đất là mặt trăng. Dù ta có muốn hay không, điều đó sẽ tiếp diễn vĩnh viễn (hay ít nhất là cái gọi là vĩnh viễn khi so sánh với cuộc đời tôi). Điều đã khiến tôi đâm ra nhìn sự vật theo cách đó chính là chu kỳ kinh nguyệt tuyệt đối chính xác của vợ tôi, hai mươi chín ngày, lại trùng khớp hoàn toàn với chu kỳ trăng khuyết trăng tròn. Những ngày có kinh của Kumiko luôn thật khổ sở. Từ mấy ngày trước đó nàng đã trở nên bất an, thậm chí trầm uất. Vì vậy chu kỳ của nàng cũng trở thành chu kỳ của tôi, mặc dù nó chỉ liên quan với tôi một cách gián tiếp. Tôi phải cẩn thận không gây những phiền phức không cần thiết vào những ngày đó trong mỗi tháng. Trước khi chúng tôi lấy nhau, tôi chả mấy khi nhận thấy chu kỳ của mặt trăng. Nó có thể lọt vào mắt tôi khi tôi nhìn lên bầu trời, nhưng tôi không hề bận tâm đến hình dạng của nó vào lúc này hay lúc khác. Nay thì tôi luôn luôn để ý theo dõi hình dáng của mặt trăng.

Tôi từng gần gũi vài phụ nữ trước khi gặp Kumiko, dĩ nhiên mỗi người đều có kỳ kinh nguyệt riêng. Ở vài người kỳ kinh nguyệt diễn ra rất nhọc nhằn, vài người khác thì nhẹ không, có người chỉ ba ngày là xong, người khác phải một tuần; có người đều đặn, có người lại muộn những 10 ngày khiến tôi sợ chết khiếp; người này khi có kinh thì đâm bẳn tính, người khác hầu như không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, trước khi cưới Kumiko, tôi chưa hề sống với một phụ nữ nào. Cho tới khi đó, vòng tuần hoàn của tự nhiên đối với tôi chỉ có nghĩa là bốn mùa thay đổi. Mùa đông tôi mặc áo khoác, mùa hè tôi đi dép lê. Từ khi lấy vợ, tôi không chỉ có một người chung sống mà còn có thêm một ý niệm mới về tính tuần hoàn: chu kỳ của mặt trăng. Chỉ có một lần nàng bị rối loạn kinh nguyệt trong vòng vài tháng; đó là khi nàng có thai.

- Em xin lỗi, - nàng ngẩng lên nói. - Em không có ý trút hết mọi chuyện lên đầu anh. Em mệt quá, với lại tâm trạng không thoải mái.

- Không sao đâu, - tôi nói. - Đừng nghĩ ngợi gì cả. Mỗi khi mệt mỏi thì cũng nên xả vào một ai đó. Rồi em sẽ thấy dễ chịu hơn.

Kumiko chầm chậm hít vào một hơi dài, nén lại một lát rồi thở ra.

- Còn anh thì sao? - nàng hỏi.

- Thì sao là thế nào?

- Mỗi khi anh mệt, anh chẳng bao giờ xả vào ai cả. Còn em thì có, tại sao vậy?

- Anh chẳng bao giờ nhận ra điều ấy, - tôi lắc đầu. - Lạ thật.

- Chắc là bên trong anh có một cái giếng sâu, anh hét xuống giếng: "Nhà vua có tai lừa !", thế là mọi chuyện ổn cả.

Tôi nghĩ một chút.

- Có thể, - tôi đáp.

Kumiko lại nhìn cái chai rỗng. Nàng nhìn chăm chăm vào nhãn chai, sau đó nhìn cổ chai, rồi xoay xoay cổ chai trong mấy ngón tay.

- Em xắp có kinh, - nàng nói. - Có lẽ vì vậy mà em khó chịu.

- Anh biết. Đừng lo nghĩ về chuyện đó. Em không phải là kẻ duy nhất đâu. Hàng lô ngựa cũng chết vào đêm trăng tròn đấy.

Nàng nhấc tay khỏi chai, há hốc mồm nhìn tôi.

- Này, sao tự dưng anh lôi chuyện ngựa nghẽo gì đó ra đây thế?

- Hôm nọ anh đọc trong báo mà. Anh đã định kể cho em nghe nhưng quên mất. Đấy là bài phỏng vấn một bác sỹ thú y. Hóa ra, ngựa là loài bị ảnh hưởng ghê gớm bởi chu kỳ của mặt trăng, cả về thể chất lẫn tâm lý. Mỗi khi sắp đến kỳ trăng tròn, dao động não của chúng trở nên tán loạn, chúng lại còn bị đủ thứ triệu chứng khó ở. Thế rồi, vào đúng đêm trăng tròn, nhiều con ngã bệnh, nhiều con nữa lăn ra chết. Không ai biết vì sao, nhưng số liệu thống kê chứng minh là chuyện đó có. Vào các đêm trăng tròn, bác sỹ thú ý chẳng có thì giờ đâu mà ngủ vì nhiều việc quá.

- Thú vị nhỉ, - Kumiko nói.

- Nhưng nhật thực lại càng tệ hơn. Chẳng thiếu gì thảm kịch cho lũ ngựa. Em không thể hình dung số ngựa chết vào ngày nhật thực toàn phần đâu. Dù sao đi nữa, điều anh muốn nói là ngay lúc này đây, ngựa đang chết ở khắp nơi trên thế giới. So với chuyện đó thì chuyện em trút nỗi bực dọc lên người khác chẳng có gì là ghê gớm cả. Vì vậy đừng bận tâm làm gì. Hãy nghĩ về lũ ngựa bất hạnh kia. Hãy hình dung chúng nằm trên ổ rơm chuồng ngựa dưới ánh trăng tròn, sùi bọt mép, mồm ngáp ngáp trong cơn hấp hối.

Nàng có vẻ nghĩ ngợi một chút về những con ngựa đang chết trong chuồng.

- Thôi được, - nàng nói với giọng nhượng bộ. - Em phải thừa nhận là anh có thể thuyết phục bất cứ ai về bất cứ chuyện gì.

- Vậy em thay đồ đi, rồi mình đi ăn pizza.

Đêm đó, nằm bên Kumiko trong căn phòng ngủ tắt đèn, tôi nhìn lên trần nhà và tự hỏi mình thực sự biết những gì về người phụ nữ này. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Nàng đang ngủ say. Trong bóng tối, tôi nghĩ về những cái khăn giấy màu xanh dương và giấy vệ sinh in hoa, về thịt bò và ớt xanh. Tôi đã sống với nàng suốt thời gian qua mà không hề biết nàng ghét những thứ đó đến nhường nào. Tự thân chúng chẳng có gì quan trọng hết. Thật ngu xuẩn. Lẽ ra phải cười xòa rồi quên đi, đừng nên chuyện bé xé to. Toàn những điều vặt vãnh, chỉ hai ba hôm là ta sẽ quên béng đi ngay.

Nhưng chuyện này thì khác. Có cái gì đó mới mẻ, không bình thường, nó làm tôi bứt rứt như một mẩu xương cá hóc trong cuống họng. Có thể - chỉ là có thể thôi - chuyện này quan trọng hơn tôi tưởng nhiều. Hoàn toàn có thể là một cái gì đó thật nguy hại. Hay thậm chí đây chỉ mới là khởi đầu cho một cái gì đó thật sự nghiêm trọng và bi thảm. Có thể tôi đang đứng trước ngưỡng cửa một cái gì đó lớn lao mà trong đó là một thế giới chỉ thuộc về Kumiko thôi, một thế giới mênh mông mà tôi chưa hề biết. Tôi thấy nó như một căn phòng rộng, tối tăm. Tôi đứng đó tay cầm một cái bật lửa, ngọn lửa bé tí của nó chỉ soi cho tôi thấy một phần rất nhỏ của căn phòng.

Liệu có thể nào tôi nhìn thấy phần còn lại không? Hay là cho đến già, đến khi xuống lỗ tôi vẫn chẳng bao giờ thực sự biết được vợ mình? Nếu quả thật đời tôi sẽ thế thì cái cuộc sống vợ chồng này có ý nghĩa gì cơ chứ? Cuộc đời tôi có ý nghĩa gì nếu suốt đời tôi ngủ chung giường với một người đàn bà xa lạ vẫn hoàn xa lạ.
° ° °

Đó là những gì mà suốt đêm đó tôi nghĩ miên man và sau đó thỉnh thoảng vẫn tiếp tục miên man nghĩ. Chỉ rất lâu sau tôi mới vỡ ra rằng mình đã tìm được đường đến tận cốt lõi của vấn đề.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:39:27 | Xem tất


Chương 3

Cái Mũ Của Malta Kano

Màu Kem Quả, Allen Ginsberg Và Các Hiệp Sĩ Thập Tự Chinh


Tôi đang làm bữa trưa thì điện thoại reo. Tôi vừa cắt hai lát bánh mì, phết bơ và mù tạc, kẹp mấy lát cà chua và pho mát vào giữa, đặt cả lên thớt và đang sắp sửa dùng dao cắt làm đôi thì chuông điện thoại vang lên.

Tôi để điện thoại reo ba tiếng rồi mới cắt chiếc sandwich làm đôi. Sau đó tôi đặt hai nửa bánh vào đĩa, lau sạch dao, đặt vào ngăn để dao, rồi rót một cốc cà phê vừa mới đun.

Điện thoại vừa reo. Dễ đến mười lăm lần. Tôi chịu thua, đành ra nghe máy. Tôi chẳng thích trả lời, nhưng nhỡ người gọi là Kumiko thì sao.

- Alô, - ở đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ mà tôi chưa hề nghe. Không phải giọng Kumiko, cũng không phải giọng người đàn bà lạ đã gọi tôi hôm nọ khi tôi đang nấu dở món spaghetti. - Chẳng hay có phải tôi đang nói chuyện với ông Toru Okada không ạ? - giọng kia nói, như thể chủ nhân của nó đang đọc thành tiếng một văn bản đã soạn sẵn.

- Đúng rồi, - tôi đáp.

- Ông là chồng của Okada Kumiko phải không ạ?

- Đúng, Okada Kumoko là vợ tôi.

- Và anh trai của bà Okada là Wataya Noburu?

- Lại đúng nữa, - tôi nói, tỏ ra tự chủ đến đáng khâm phục. - Wataya Noburu là anh trai của vợ tôi.

- Thưa ông, tôi tên là Kano.

Tôi đợi cô ta nói tiếp. Việc cô ta bất ngờ nhắc tới anh trai của Kumiko khiến tôi phải cảnh giác. Tôi lấy cái đầu cùn của cây bút chì đặt cạnh điện thoại mà gãi sau cổ. Năm giây hay hơn thế trôi qua, người đàn bà im lặng. Hoàn toàn không có âm thanh gì phát ra từ ống nghe, như thể người đàn bà kia đã lấy khăn tay bịt ống nói để nói chuyện với người bên cạnh.

- Alô, - tôi nói, giờ đã hơi bồn chồn

- Xin ông thứ lỗi, - giọng nói lại bật lên. - Trong trường hợp đó tôi xin phép được gọi lại ông sau.

- Này, đợi đã, - tôi nói. - Đây là...

Ngay khi đó cô ta gác máy. Tôi nhìn cái ống nghe, rồi lại áp vào tai. Chẳng nghi ngờ gì nữa: người đàn bà đã gác máy.

Cảm thấy bất mãn một cách mơ hồ, tôi trở lại bàn bếp uống cà phê, ăn bánh sandwich. Trước khi điện thoại reo tôi đang nghĩ về chuyện gì đó, nhưng giờ thì chịu không nhớ nỗi là chuyện gì. Ban nãy khi cầm dao sắp sửa cắt bánh làm đôi, nhất định là tôi đang nghĩ về một điều gì đó. Một điều rất quan trọng. Một điều mà đã bao lâu nay tôi cố nhớ nhưng hoài công. Nó đã nảy ra trong đầu tôi đúng vào khoảnh khắc tôi sắp cắt bánh làm đôi, nhưng giờ nó đã lại biến mất. Tôi vừa nhai sandwich vừa ra sức khơi lại điều đó, nhưng vô ích. Nó đã quay về vùng âm u trong ký ức tôi, nơi nó vẫn hằng nằm yên cho đến khoảnh khắc đó.

° ° °

Tôi vừa ăn xong và đang rửa bát thì điện thoại lại reo. Lần này tôi nhấc máy ngay.

Một lần nữa tôi lại nghe giọng nữ nói "Alô", nhưng lần này là Kumiko.

- Anh sao rồi?, - nàng hỏi. - Ăn trưa chưa?

- Rồi. Em thì ăn gì?

- Chẳng ăn gì cả, - nàng đáp. - Bận túi bụi. Chắc em sẽ mua sandwich sau vậy. Anh ăn gì?

Tôi mô tả cái sandwich của mình.

- Hiểu rồi, - nàng nói, không một chút ghen tị. - À, tiện thể, có chuyện này suýt nữa em quên bảo anh sáng nay. Hôm nay sẽ có một cô Kano nào đó gọi điện cho anh.

- Cô ta gọi rồi, - tôi nói. - Vừa gọi xong. Cô ta chỉ toàn kể tên nhà mình - tên anh, tên em, tên ông anh trai em. Chẳng nói cô ta muốn gì. Thế là thế nào vậy?

- Cô ta gác máy à?

- Bảo là sẽ gọi lại.

- Nghe này! Khi nào cô ta gọi lại, em muốn anh làm tất cả những gì cô ta bảo. Điều này thật sự quan trọng đấy. Em nghĩ là anh sẽ phải đi gặp cô ta.

- Khi nào? Hôm nay à?

- Thì đã sao? Anh đã có kế hoạch làm gì đó à? Anh sắp phải gặp ai sao?

- Không. Chẳng có kế họach nào hết. - Hôm qua không, hôm nay không, ngày mai không; hoàn toàn không có kế hoạch gì. - Nhưng cái nhà cô Kano này là ai? Cô ta muốn gì ở anh chứ? Anh muốn biết đôi điều trước khi cô ta gọi lại. Nhưng nếu đây là chuyện việc làm của anh mà lại dính dáng tới ông anh của em thì quên đi. Anh không muốn dây và anh ta. Em biết mà.

- Không, ở đây chẳng liên quan gì đến việc làm cả, - nàng nói, thoáng chút bực bội. - Là về con mèo.

- Con mèo?

- Xin lỗi, em phải chạy đi đây. Có người đang đợi em. Lẽ ra em không nên gọi điện cho anh vào giờ này. Em đã nói mà: thậm chí chẳng có lúc nào mà ăn nữa. Khi nào rỗi em sẽ gọi lại ngay cho anh.

- Khoan đã nào, anh biết em rất bận, nhưng em phải giải thích một chút chứ, đừng làm anh rối tung lên chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Mèo là thế nào? Cái cô Kano này là...

- Cô ta bảo anh làm gì thì anh cứ làm, nhé? Hiểu không nào? Chuyện này hệ trọng đấy. Anh cứ ở nhà đợi cô ta gọi. Thôi em đi đây.

Nàng gác máy.

° ° °


Khi điện thoại reo lúc 2 giờ rưỡi, tôi đang ngủ trên sofa. Thoạt tiên tôi nghĩ là đồng hồ báo thức. Tôi với tay bấm nút tắt, nhưng đồng hồ không có đó. Tôi không nằm trên giường mà trên sofa, và bây giờ không phải buổi sáng mà là xế trưa. Tôi dậy đi ra chỗ điện thoại.

- Alô? - tôi nói.

- Alô, - một giọng nữ nói. Đó là người đã gọi lúc sáng. - Ông Okada Toru phải không ạ?

- Vâng, tôi đây, Okada Toru.

- Thưa ông, tên tôi là Kano, - cô ta nói.

- Cô vừa mới gọi đây phải không?

- Vâng. Tôi e rằng mình đã quá ư thất lễ. Nhưng thưa ông Okada, xin ông cho biết liệu chiều nay ông có rãnh không?

- Chắc là rảnh.

- Nếu vậy, tôi biết thế này quả thật là đường đột, nhưng liệu chúng ta có thể gặp nhau không?

- Khi nào? Hôm nay? Ngay bây giờ sao?

- Vâng.

Tôi nhìn đồng hồ. Thực ra thì chẳng cần nhìn - cách đây nửa phút tôi vừa nhìn đồng hồ xong - mà chỉ để cho chắc. Vẫn đang 2 giờ rưỡi.

- Có lâu không?

- Chắc không lâu lắm đâu. Tuy nhiên tôi có thể lầm. Ngay lúc này tôi không thể nói hoàn toàn chính xác được. Xin ông thứ lỗi cho.

Dù là thế nào đi nữa, tôi cũng không có cách nào khác. Kumiko đã bảo tôi phải làm theo lời người đàn bà này, bởi chuyện rất hệ trọng. Một khi nàng đã nói là hệ trọng thì đúng là hệ trọng, và tốt nhất là tôi nên làm theo.

- Tôi hiểu, - tôi đáp. - Ta nên gặp nhau ở đâu?

- Chẳng hay ông có biết khách sạn Pacific bên cạnh ga Shinagawa không?

- Có.

- Có một tiệm cà phê ở tầng một. Tôi sẽ đợi ông ở đó lúc 4 giờ. Thế có tiện cho ông không ạ?

- Được, - tôi nói.

- Tôi ba mươi mốt tuổi, tôi sẽ đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.

Thật lạ lùng. Có cái gì đó kì quặc trong cách nói năng của người đàn bà này, nó khiến tôi bối rối một lát. Nhưng tôi không thể lý giải có gì khác thường trong lời lẽ của cô ta. Cũng chẳng có luật nào cấm phụ nữ ba mươi mốt tuổi đội nón vinyl màu đỏ cả.

- Tôi hiểu, tôi sẽ nhận ra cô.

- Thưa ông Okada, ông có thể vui lòng cho tôi biết ông có những nét bề ngoài nào nổi bật dễ nhận diện không?

Tôi cố nghĩ xem mình có thể có những "nét bề ngoài nổi bật" nào. Mình có không nhỉ?

- Tôi ba mươi tuổi. Tôi cao 1,72 mét, nặng 63 cân, tóc cắt ngắn, không đeo kính. - Trong khi liệt kê mấy nét trên, tôi nhận ra rằng vị tất đó là những đặc điểm bề ngoài dễ nhận diện. Có thể có tới năm chục người đàn ông như vậy trong quán cà phê ở khách sạn Pacific. Tôi từng tới đó rồi, quán cà phê rộng mênh mông. Phải là nét gì nổi bật hơn thì cô ta mới nhận ra được. Nhưng tôi chẳng nghĩ được gì cả. Nói thế không có nghĩa là tôi chả có nét gì nổi bật. Tôi có một bản Sketchy of Spain của Mils Davis có chữ ký của tác giả. Tôi có nhịp tim rất chậm: bình thường bốn mươi bảy, khi nào lên cơn sốt cũng không quá bảy mươi. Tôi vừa thất nghiệp. Tôi thuộc tên tất thảy các anh em nhà Karamazov. Nhưng chẳng có nét nào trong số đó là nét bên ngoài cả.

- Ông sẽ ăn mặc thế nào? - cô ta hỏi.

- Tôi không biết. Tôi chưa quyết định. Chuyện này đột ngột quá.

- Thế thì xin ông hãy mang cà vạt chấm hạt đỗ, - cô ta nói với vẻ quyết đoán. - Liệu ông có chiếc cà vạt chấm hạt đỗ nào không?

- Chắc là có, - tôi nói. Tôi có một cái cà vạt xanh kiểu lính thuỷ có những hạt đỗ li ti màu kem. Đó là quà sinh nhật của Kumiko tặng tôi vài năm trước.

- Vậy xin ông hãy mang cái cà vạt ấy, - cô ta nói. - cám ơn ông đã đồng ý gặp tôi lúc 4 giờ. - Rồi cô ta gác máy.

° ° °


Tôi mở tủ tìm cái cà vạt chấm hạt đỗ. Không thấy trên giá treo cà vạt. Tôi lục tất cả các hộc. Tôi tìm trong mấy cái hộp đựng quần áo. Cái cà vạt chấm hạt đỗ chẳng thấy đâu. Không thể có chuyện cái cà vạt vẫn đang ở trong nhà mà tôi không thể tìm ra. Kumiko là người rất kỹ tính, với nàng quần áo trong tủ luôn phải ngăn nắp đâu ra đó, nên cái cà vạt không thể ở đâu khác ngoài nơi từ trước đến nay vẫn dùng để cất nó. Thực vậy, tôi thấy mọi thứ - cả quần áo của nàng và của tôi - đều rất chỉn chu. Các sơ mi của tôi xếp gọn trong hộp dành cho chúng. Các áo len của tôi nằm trong mấy cái hộp lèn chặt băng phiến đến nỗi vừa mở nắp ra là mắt tôi đã cay xè. Một hộp đựng các thứ quần áo nàng mặc hồi còn đi học: một bộ đồng phục kiểu lính thuỷ, một bộ váy áo mini kẻ hoa, những bức ảnh ưa thích trong một album cũ. Giữ lại những thứ này để làm gì chứ? Có lẽ nàng vẫn mang chúng theo chỉ vì chưa tìm được cơ hội để tống khứ đi. Hoặc có thể nàng định gửi chúng sang Bangladesh hoặc một ngày nào đó sẽ đem bán như là vật phẩm văn hóa. Nói gì thì nói, chẳng kiếm đâu ra cái cà vạt chấm hạt đỗ của tôi.

Tì tay lên cửa tủ, tôi cố nhớ lại lần cuối cùng mình đeo cái cà vạt là khi nào. Nó là một cái cà vạt khá sành điệu, rất có gu, chỉ có điều mang đi làm thì hơi điệu quá. Nếu tôi mang nó tới cơ quan thì ắt hẳn trong bữa ăn trưa sẽ có người lại gần trầm trồ nào màu sắc tuyệt đẹp, nào hình dáng tinh tế. Mà đấy chính là một kiểu cảnh cáo. Ở công ty tôi làm trước đây, được khen về cà vạt mình đeo thì chẳng hay ho gì. Vì vậy tôi chẳng bao giờ đeo cái cà vạt chấm hạt đỗ đi làm cả. Tôi chỉ đeo nó trong những dịp riêng tư và tương đối trang trọng, chẳng hạn nghe hòa nhạc hoặc ăn tối trong một nhà hàng có hạng, nghĩa là những hôm nào Kumiko bảo "Hôm nay em muốn vợ chồng mình ăn mặc lịch sự" (thật ra những dịp như thế không có nhiều). Cái cà vạt ấy đi với chiếc áo sơ mi màu xanh thẫm của tôi rất hợp, và Kumiko rất thích. Thế nhưng tôi vẫn không nhớ nổi lần cuối mình đeo nó là khi nào.

Tôi kiểm lại lần nữa tất cả mọi thứ trong tủ quần áo rồi chịu thua. Vì lý do nào đó, cái cà vạt chấm hạt đỗ đã không cánh mà bay. Thôi vậy. Đành phải mặc bộ comple xanh thẫm, sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc. Chẳng sao cả. Cô ta có thể không nhận ra tôi, nhưng tôi thì chỉ cần tìm người đàn bà nào trạc ba mươi tuổi đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.

Vận quần áo đâu đấy xong, tôi ngồi lên ghế sofa nhìn chăm chăm vào tường. Lần cuối tôi vận bộ comple đã lâu lắm rồi. Bình thường ra, mùa này mà mặc bộ comple xanh thẫm này có thể là quá nặng, nhưng hôm ấy trời lất phất mưa, lại còn se lạnh nữa. Đó chính là bộ comple tôi đã mặc vào hôm cuối cùng đi làm (dạo tháng Tư). Chợt tôi nhận ra có cái gì đó ở một trong các túi. Trong túi ngực tôi tìm thấy một cái biên lai đề ngày từ mùa thu trước. Nó là một cái biên lai taxi, loại mà trước kia tôi hay mang về cơ quan làm thủ tục thanh toán lại. Giờ thì muộn quá rồi. Tôi vò mảnh biên lai vứt vào sọt rác.

Từ lúc thôi việc cách đây hai tháng, tôi chưa lần nào mặc lại bộ com lê này. Giờ đây, sau ngần ấy thời gian mới mặc lại, tôi cảm như thân thể mình biến thành một chất liệu khác. Nó nặng trịch, thô cứng, dường như không khớp với đường viền thân thể tôi. Tôi đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, đứng lại trước gương, kéo thẳng tay áo và vạt áo để bộ com-lê ôm khít người hơn. Tôi duỗi thẳng hai tay, hít mộ hơi dài rồi gập người xuống ngang thắt lưng đặng kiểm tra xem dáng người tôi có thay đổi không trong hai tháng vừa qua. Tôi lại ngồi xuống sofa, nhưng vẫn thấy bứt rứt bất an như trước.

Mãi đến mùa xuân vừa rồi, ngày nào tôi cũng mặc com-lê đi làm mà không hề cảm thấy nó là cái gì lạ lẫm. Công ty tôi có quy định tương đối khắt khe về chuyện ăn mặc, họ yêu cầu ngay cả những nhân viên hạng tép riu như tôi cũng phải mặc com-lê. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì về điều đó cả.

Tuy nhiên, lúc này đây, mặc bộ com lê mà ngồi trên sofa, tôi có cảm giác mình đang thực hiện một hành vi vô đạo, kiểu như làm sơ yếu lý lịch giả hay cải trang thành phụ nữ. Có cái gì đó rất gần với mặc cảm có tội tràn ngập trong lòng khiến tôi càng lúc càng khó thở.

Tôi bước ra phòng ngoài, lấy đôi giày màu nâu ra khỏi giá, dùng cái bót đi giày để xỏ chân vào. Bề mặt đôi giày phủ một lớp bụi mỏng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:43:17 | Xem tất


Hóa ra tôi không phải tìm người đàn bà nọ mà chính cô ta nhận ra tôi. Bước vào tiệm cà phê, tôi nhìn quanh một lượt tìm chiếc mũ đỏ. Chẳng có người đàn bà nào đội mũ đỏ cả. Đồng hồ của tôi chỉ 4 giờ kém mười. Tôi tìm chỗ ngồi, uống cốc nước người ta mang tới rồi gọi một cốc cà phê. Ngay khi hầu bàn vừa đi khỏi, tôi nghe giọng một phụ nữ vang lên sau lưng: "Chắc hẳn ông là Okada Toru?". Tôi ngạc nhiên ngoái đầu lại. Từ khi tôi nhìn quanh phòng rồi ngồi xuống gọi cà phê đến giờ mới chưa đến ba phút.

Cô ta mặc áo khoác trắng, áo blouse lụa màu vàng, đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ. Theo phản xạ, tôi đứng dậy đối diện với cô ta. Hiển nhiên có thể gọi cô ta là "đẹp". Ít nhất là đẹp hơn nhiều so với tôi hình dung khi nghe giọng qua điện thoại. Thân hình cân đối, thon thả, trang điểm chừng mực. Cô ta biết cách ăn mặc. Áo khoác và áo blouse cắt may tuyệt khéo. Trên cổ áo khoác lấp lánh một cái ghim bằng vàng hình lông chim. Nhìn bên ngoài có thể cho cô ta là thư ký của một công ty tầm cỡ nào đó. Duy có chiếc mũ đỏ là không hợp tí nào. Chẳng hiểu tại sao, sau khi bỏ công chăm chút ngần ấy cho quần áo cô ta lại đội lên đầu cái mũ bằng vải vinyl màu đỏ không đâu vào đâu kia. Chắc hẳn cô ta làm thế để người ta dễ nhận ta cô trong những tình huống như thế này. Nếu quả vậy thì ý đó thật không tồi. Giữa đám đông người, cô ta nổi bật lên ngay.

Cô ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, tôi thì ngồi xuống ghế của mình.

- Lạ nhỉ, làm sao cô biết là tôi, - tôi nói. - Tôi không tìm ra cái cà vạt chấm hạt đỗ. Tôi biết chắc nó ở đâu đó thôi, nhưng không cách nào tìm ra. Nên tôi đành phải đeo cà vạt kẻ sọc. Tôi cứ nghĩ mình sẽ phải tìm cô, nhưng làm cách nào cô lại nhận ra tôi thế?

- Dĩ nhiên là tôi biết ông, - cô ta vừa nói vừa đặt chiếc xách tay màu trắng lên bàn. Cô ta giở chiếc mũ màu đỏ ra, đậy kín lên chiếc xách tay. Tôi có cảm tưởng cô ta sắp biểu diễn một trò ảo thuật: khi cô ta nhấc mũ lên, chiếc xách tay đã biến mất.

- Nhưng tôi đeo cà vạt khác mà, - tôi độp lại.

- Cà vạt khác nào nhỉ? - Cô ta liếc nhìn cái cà vạt của tôi với vẻ băn khoăn, như thể muốn nói: Cái gã dở người này đang nói chuyện gì ấy nhỉ? Rồi cô ta gật đầu: - Chuyện ấy không quan trọng, xin ông chớ bận tâm.

Đôi mắt cô ta có cái gì đó thật lạ. Chúng thiếu chiều sâu một cách bí hiểm. Đôi mắy ấy đẹp thì đẹp thật, nhưng dường như chúng chẳng nhìn bất cứ cái gì. Chúng phẳng lì, như thể làm bằng thủy tinh. Song, dĩ nhiên đó không phải là cặp mắt thủy tinh. Chúng chuyển động, chớp chớp mi mắt, như mọi cặp mắt bình thường.

Làm sao cô ta nhận ra tôi trong đám đông ngồi chật cứng quán cà phê này? Thật không hiểu nổi. Hầu như ghế nào cũng có người, trong số đó có nhiều người trạc tuổi tôi. Tôi muốn yêu cầu cô ta giải thích, nhưng kìm mình lại. Tránh khơi lên những chuyện ngoài lề thì tốt hơn.

Cô ta vẫy tay một hầu bàn đi ngang qua, gọi một suất Perrier. Anh ta bảo nhà hàng không có Perrier, nhưng có thể thay bằng nước tonic. Cô ta suy nghĩ một chút rồi đồng ý. Trong khi đợi nhà hàng mang nước tonic ra, cô ta im lặng, tôi cũng vậy.

Đến một lúc, cô ta nhấc cái mũ đỏ lên, mở khuy móc cài chiếc xách tay nằm bên dưới, rút từ trong đó ra một hộp da đen bóng nhỏ hơn chiếc băng cát sét đôi chút. Đó là một chiếc hộp con đựng danh thiếp. Cũng như chiếc xách tay, nó được cài bằng khuy móc - lần đầu tiên tôi thấy một hộp đựng danh thiếp cài khuy móc như vậy. Cô ta rút trong hộp ra một tấm danh thiếp trao cho tôi. Tôi bèn đút tay vào túi ngực tìm danh thiếp của mình thì mới nhận ra rằng trong người chẳng có tấm nào.

Danh thiếp của cô ta làm bằng nhựa mỏng, hình như thoảng mùi trầm hương. Khi đưa nó lại gần mũi, mùi hương đó càng rõ rệt. Không nghi ngờ gì nữa: chính là trầm hương. Danh thiếp mang vỏn vẹn một dòng chữ cái màu đen:
Kano Malta

Malta? Tôi lật xem mặt bên kia. Nhưng ở đó chẳng có gì.

Trong khi tôi ngẫm nghĩ về ý nghĩa của tấm danh thiếp, tay hầu bàn đến đặt trước mặt cô ta một chiếc cốc đầy nước đá rồi rót nước tonic đến lưng chừng cốc. Trên vành cốc có găm một mẩu chanh. Rồi một cô hầu bàn đến, tay bưng khay đựng một ấm cà phê màu bạc. Cô ta đặt một chiếc tách trước mặt tôi rồi rót cà phê vào. Sau đó len lén như kẻ đang dúi những que xăm xúi quẩy vào tay người khác, cô ta để hóa đơn lên bàn rồi bỏ đi.

- Ở đấy chẳng có ghi gì đâu, - Kano Malta bảo tôi.

Tôi vẫn đang nhìn chăm chăm nhìn vào mặt sau của tấm danh thiếp.

- Chỉ có tên tôi mà thôi. Không cần ghi địa chỉ hay số điện thoại. Chẳng ai gọi điện cho tôi cả. Tôi luôn luôn tự gọi cho người khác.

- Tôi hiểu, - tôi nói. Câu trả lời vô nghĩa đó treo lơ lửng trong không trung một hồi như hòn đảo bồng bềnh trên bầu trời trong Gulliver du ký.

Giữ cốc bằng cả hai tay, cô ta uống một ngụm nước qua ống hút. Khuôn mặt thoáng cau lại, cô ta đẩy cốc sang bên, như thể không quan tâm gì đến nó nữa.

- Malta không phải là tên thật của tôi, - Kano Malta nói. - Kano là họ thật, nhưng Malta là biệt danh nghề nghiệp. Theo tên hòn đảo Malta. Ông Okada đã bao giờ đến Malta chưa?

Tôi bảo là chưa. Tôi chưa bao giờ đến Malta, cũng chưa có kế hoạch đến Malta trong tương lai gần. Thậm chí tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ đó. Tất cả những gì tôi biết về Malta là bản nhạc jazz kinh khiếp của Herb Albert có tựa đề Cát Malta.

Tôi gật đầu, nhấp một ngụm cà phê.

- Vâng, nước ở Malta mùi vị thật khó chịu, nhưng một nguồn nước ở đó lại có tác dụng kì diệu lên cấu trúc thân thể của chúng ta. Đó là một thứ nước đặc biệt, thậm chí phải nói là huyền bí, chỉ một nơi duy nhất trên đảo mới có mà thôi. Dòng suối đó ở sâu trong núi, phải trèo mấy tiếng đồng hồ từ một ngôi làng dưới chân núi mới lên tới được. Nước ấy không thể vận chuyển đi nơi khác. Nếu mang đi nơi khác, nó sẽ mất hiệu lực ngay. Cách duy nhất để uống nước ấy là phải tự mình đến tận nơi. Người ta thường nhắc đến thứ nước này trong các văn bản từ thời Thập tự chinh. Người ta gọi nó là nước thần. Allen Ginsberg từng đến uống nước đó. Keith Richard cũng vậy. Tôi đã sống ở đó suốt ba năm trong ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Tôi trồng rau và học nghề đan. Ngày nào tôi cũng leo lên dòng suối để uống thứ nước đặc biệt ấy. Từ năm 1976 đến năm 1979. Có lần, suốt một tuần, tôi chỉ uống nước đó mà không ăn một tí gì. Suốt một tuần không được cho cái gì khác vào miệng ngoại trừ thứ nước đó. Đó là một sự huấn luyện mà ai cũng phải làm. Theo tôi có thể gọi đó là một kiểu tu hành. Ta làm thế là để thân ta thanh khiết. Đối với tôi, cảm giác đó thật kỳ diệu. Vì vậy khi trở về Nhật, tôi chọn Malta làm biệt danh nghề nghiệp của mình.

- Xin lỗi, cho tôi hỏi nghề của cô là gì?

Cô ta lắc đầu.

- Nói đúng ra đấy không phải là nghề. Tôi làm không lấy tiền. Tôi là chuyên gia tư vấn. Tôi trò chuyện với mọi người về các thành tố của cơ thể. Tôi cũng nghiên cứu về loại nước có tác dụng tốt đối với các thành tố của cơ thể. Kiếm tiền không phải là chuyện khó đối với tôi. Tôi có tất cả các phương tiện mình cần. Cha tôi là bác sỹ, ông có mua cổ phiếu và bất động sản cho thuê nhắm chu cấp cho tôi và em gái tôi. Tôi có một kế toán lo sổ sách thu chi. Thu nhập hàng năm của tôi khá bộn. Tôi cũng viết vài cuốn sách kiếm được ít tiền. Còn việc tư vấn về các thành tố của cơ thể, tôi làm không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, danh thiếp của tôi không có địa chỉ lẫn số điện thoại. Tôi luôn chủ động gọi cho người khác.

Tôi gật đầu, nhưng đó chỉ là cử động thuần tuý vật lý của cái đầu: tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì những điều cô ta nói. Tôi có thể hiểu những từ cô ta nói, nhưng ý nghĩa chung của chúng thì không sao nắm bắt được.

Các thành tố của cơ thể?

Allen Ginsberg?

Càng lúc tôi càng bứt rứt khó chịu. Tôi không phải loại người có trực giác thiên phú, nhưng càng ngồi lâu với người đàn bà này, tôi càng như ngửi thấy mùi những điều phiền toái.

- Xin lỗi cô, - tôi nói, - không biết cô có thể giải thích mọi chuyện từ đầu, từng bước một được chăng? Vừa rồi tôi có nói chuyện với vợ tôi, cô ấy bảo tôi gặp cô để bàn chuyện con mèo đi lạc. Thành thật mà nói, tôi không hiểu nãy giờ cô nói những điều kia với tôi để làm gì. Có liên quan gì đến con mèo không?

- Có chứ. Nhưng trước khi đề cập tới việc đó, có một điều tôi muốn báo cho ông biết, thưa ông Okada.

Cô ta mở khóa xách tay, lấy ra một cái phong bì trắng. Trong phong bì có một bức ảnh, cô đưa cho tôi. "Em gái tôi", cô nói. Đó là một bức ảnh màu chụp hai phụ nữ. Một người là Kano Malta, trong một bức ảnh cô cũng đội mũ, một chiếc mũ đan màu vàng. Một lần nữa cái mũ rõ ràng không hợp với quần áo cô ta mặc. Cô em gái mặc bộ đồ màu lam nhạt, đội một chiếc mũ cùng tông, loại mũ thịnh hành vào thập niên 1960. Tôi nhớ đâu như tông màu này được gọi là tông "màu kem quả". Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: hai chị em đều thích đội mũ. Kiểu tóc của cô em chính là kiểu của Jacqueline Kenedy hồi còn là phu nhân tổng thống, keo xịt tóc bóng nhẫy. Cô ta trang điểm hơi quá tay, tuy nhiên vẫn có thể gọi là đẹp. Cô ta trạc hai mươi lăm tuổi. Tôi đưa trả bức ảnh cho Kano Malta, cô cất ảnh vào phong bì, đút phong bì vào xách, cài khóa móc lại.

- Em gái tôi nhỏ hơn tôi năm tuổi. Nó bị Wataya Noburu phá trinh. Cưỡng hiếp tàn bạo.

Ôi chao! Tôi muốn đứng phắt dậy mà bỏ đi, không nói không rằng, ngay lập tức. Nhưng không thể làm thế được. Tôi rút khăn mùi soa khỏi túi áo com-lê, lau miệng rồi lại đút vào. Rồi tôi hắng giọng.

- Thật kinh khủng, - tôi thốt lên. - Tôi không hề biết chuyện đó. Nếu em gái cô đã bị cưỡng hiếp, tôi xin có lời thông cảm chân thành. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng anh vợ tôi và tôi không có liên quan gì với nhau. Cho nên, nếu vì chuyện đó mà cô muốn...

- Không phải thế, ông Okada ạ, - cô ta tuyên bố với vẻ quả quyết. - Tôi hoàn toàn không bắt ông chịu trách nhiệm đâu. Nếu có một người phải chịu trách nhiệm cho chuyện đã xảy ra thì kẻ đó trước hết phải là tôi. Bởi tôi đã thiếu quan tâm. Bởi tôi đã không bảo vệ được nó mặc dù lẽ ra tôi phải bảo vệ. Thật không may, có một số sự kiện đã khiến tôi không làm được việc đó. Trên đời vẫn có những chuyện như thế, ông Okada ạ. Ông biết đó, chúng ta sống trong một thế giới đầy bạo lực và hỗn loạn. Và trong thế giới này, có những nơi còn bạo lực hơn, còn hỗn loạn hơn thế. Ông Okada có hiểu ý tôi không? Điều gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Em gái tôi sẽ hồi phục khỏi sự tổn thương này, khỏi vết nhơ này. Nó phải hồi phục được. Tạ ơn trời, cũng không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng. Như tôi đã nói với em tôi, lẽ ra còn có thể xảy ra những chuyện còn tồi tệ hơn thế nhiều. Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là các thành tố của cơ thể nó.

- Thành tố của cơ thể, - tôi lặp lại. Cái "thành tố của cơ thể" này hẳn là cái chủ đề trước sau như một của cô ta.

- Tôi không thể giải thích chi tiết cho ông rõ những tình huống này có liên quan với nhau ra sao. Chuyện rất dài và phức tạp, và mặc dù khi nói thế này tôi không có ý coi nhẹ ông, nhưng quả thật là ở giai đoạn này ông sẽ không có khả năng hiểu thấu ý nghĩa đích thực của câu chuyện đó. Dĩ nhiên, ông hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì về chuyện đã xảy ra. Tôi chỉ muốn ông biết rằng các thành tố của cơ thể em gái tôi đã bị ông Wataya làm ô uế, dù chỉ tạm thời. Ông và cô ấy sẽ có liên hệ với nhau bằng cách này hay cách khác trong tương lai. Như tôi đã nói, cô ấy là trợ lý của tôi. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ tốt nhất là cho ông biết chuyện gì đã xảy ra giữa cô ấy với ông Wataya. Và tôi muốn ông biết rằng những chuyện như thế có thể xảy ra trên đời này.

Một thoáng im lặng. Kano Malta nhìn tôi như muốn nói: Hãy nghĩ kỹ về những gì tôi vừa nói với ông. Và tôi suy nghĩ. Về việc Wataya Noburu đã cưỡng hiếp em gái của Kano Malta. Về mối liên hệ giữa việc đó với các thành tố của cơ thể. Và về mối liên hệ giữa những điều đó với việc con mèo của chúng tôi biến mất.

- Có phải là cô muốn nói, - tôi rụt rè lên tiếng, - rằng cô và em gái cô đều không có ý định làm đơn tố cáo công khai về việc đó... hoặc báo cảnh sát?

- Không, dĩ nhiên chúng tôi không làm thế, - Kano Malta nói, vẻ vô cảm. - Nói đúng ra chúng tôi không buộc ai chịu trách nhiệm về chuyện đó. Chúng tôi chỉ muốn hiểu tận ngọn ngành những nguyên nhân nào khiến một chuyện như vậy xảy ra. Chừng nào chúng tôi chưa giải quyết được vấn đề đó thì có thể sẽ còn xảy ra những điều đáng sợ hơn thế nữa.

Tôi nhẹ người phần nào khi nghe nói vậy. Tôi hoàn toàn không chút động lòng nếu Wataya Noburu bị buộc tội cưỡng dâm và phải đi tù. Hắn ta mà đến nước ấy thì cũng đáng lắm. Nhưng anh trai của Kumiko là kẻ có tiếng tăm. Hắn ta mà bị bắt và phải ra tòa thì chắc chắn báo chí sẽ làm rùm beng lên, và đó sẽ là một cú sốc ghê gớm đối với Kumiko. Tôi không muốn điều đó xảy ra, dù chỉ để tâm trí mình được thanh thản.

- Ông cứ yên tâm, hôm nay tôi xin được gặp ông chỉ là về chuyện con mèo đi lạc thôi, - Kano Malta nói. - Ông Wataya đề nghị tôi cho lời khuyên về việc này. Phu nhân ông, bà Okada, đã nhờ anh trai là ông Wataya tư vấn về việc con mèo đi lạc, và đến lượt mình ông ta lại nhờ tôi tư vấn.

Ra là vậy! Giờ thì tôi đã hiểu. Kano Malta là loại người có thính giác thấu thị hay gì đó tương tự, và những người kia đã nhờ cô ta tìm tung tích con mèo. Gia đình Wataya xưa nay vẫn ưa mấy cái đoán hậu vận, "phong thủy" và những thứ tương tự thế. Vậy cũng chẳng sao: ai muốn tin việc gì cứ tin. Nhưng việc gì hắn phải đi hiếp em gái người cố vấn tinh thần của mình? Dấy lên những chuyện phiền toái không đâu như vậy để làm gì?

- Đó là lĩnh vực chuyên môn của cô phải không? Giúp người ta tìm những vật thất lạc? - tôi hỏi.

Cô ta nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt không có chiều sâu kia, cặp mắt như đang nhìn vào cửa sổ một căn nhà không người ở. Xét theo biểu hiện của chúng thì cô ta đã không hiểu nghĩa câu hỏi của tôi.

Không trả lời, cô ta nói:

- Ông Okada đang sống ở một nơi rất lạ lùng phải không?

- Tôi ấy à? Lạ lùng theo nghĩa nào?

Thay vì đáp lại, cô ta đẩy chiếc cốc nước tonic nãy giờ hầu như không động tới ra xa thêm chừng mười xăng-ti-mét nữa.

- Ông biết đấy, mèo là loài vật hết sức nhạy cảm.

Im lặng lại trùm lên giữa hai chúng tôi.

- Vậy là chỗ chúng tôi ở rất lạ lùng, và mèo là loài vật nhạy cảm, - tôi nói. - Cứ cho là thế. Nhưng hai vợ chồng với con mèo sống ở đó bao lâu nay. Sao bỗng dưng nó lại quyết định bỏ chúng tôi mà đi? Sao nó không bỏ đi từ trước?

- Điều đó tôi không nói với ông được. Có lẽ vì dòng chảy đã thay đổi. Có lẽ một cái gì đó đã ngăn dòng chảy.

- Dòng chảy...

- Tôi không biết con mèo của vợ chồng ông còn sống hay đã chết, nhưng có một điều chắc chắn: nó không quanh quẩn ở gần nhà ông bà nữa. Ông bà sẽ không bao giờ tìm thấy nó trong khu hàng xóm kia đâu.

Tôi nâng cốc lên nhấp một ngụm cà phê giờ đã hơi nguội. Ngoài cửa sổ, trời đang mưa lâm thâm. Bầu trời trĩu mây đen. Một đoàn người và ô buồn thảm trèo lên trèo xuống chân cầu ở đằng xa.

- Ông cho tôi xem tay nào, - cô ta nói.

Tôi đặt bàn tay phải lên bàn, lòng bàn tay ngửa ra, nghĩ rằng cô ta định xem chỉ tay tôi. Nhưng không, cô ta chìa tay ra, úp lòng bàn tay mình lên lòng bàn tay tôi. Rồi cô ta nhắm mắt lại, không nói không rằng trong tư thế đó, như thể đang lặng lẽ trách móc một người tình không chung thuỷ. Cô hầu bàn đến rót đầy tách của chúng tôi, vờ như không nhận thấy Kano Malta và tôi đang làm gì. Khách ở các bàn bên nhìn trộm chúng tôi. Tôi chỉ cầu mong đừng có người quen nào đang ngồi trong quán lúc này.

- Tôi muốn ông hình dung trong đầu một vật mà ông nhìn thấy trước khi đến đây.

- Chỉ một thôi sao?

- Chỉ một thôi.

Tôi nghĩ tới chiếc váy mino in hoa mà tôi đã thấy trong hộp đựng quần áo của Kumiko. Tôi không hiểu sao chính cái ấy chứ không phải gì khác nảy ra trong đầu tôi lúc đó.

Chúng tôi úp lòng bàn tay vào nhau như thế thêm năm phút nữa - năm phút dường như quá dài đối với tôi, không chỉ vì tôi bị người ta nhìn ngó mà còn bởi sự đụng chạm của lòng bàn tay Kano Malta có cái gì đó khiến tôi ngay ngáy, bất an. Bàn tay cô ta bé nhỏ, không nóng cũng chẳng lạnh. Không phải cái đụng chạm thân ái của bàn tay người yêu, cũng không phải cái đụng chạm nghề nghiệp của bàn tay bác sỹ. Bàn tay cũng có tác động đến tôi như cặp mắt của cô ta, nó biến tôi thành căn nhà không có người ở. Tôi cảm thấy mình trống rỗng: không bàn ghế, không rèm, không khảm. Chỉ là một cái vỏ chứa rỗng không. Cuối cùng Kano Malta rút tay lại, hít thở sâu mấy hơi liền. Rồi cô gật gật đầu.

- Thưa ông Okada, tôi tin rằng đời ông đang bước vào giai đoạn trong đó nhiều sự kiện sẽ xảy ra. Việc con mèo của vợ chồng ông biến mất chỉ là sự khởi đầu mà thôi.

- Nhiều sự kiện... Tốt hay xấu?

Cô ta nghiêng đầu suy nghĩ.

- Cả tốt lẫn xấu. Xấu song ban đầu ngỡ như tốt, và tốt song ban đầu tưởng là xấu.

- Nói vậy thì trừu tượng quá, - tôi nói. - Cô có thể nói cụ thể hơn không?

- Vâng, hẳn những gì tôi đang nói nghe có vẻ chung chung. Nhưng ông Okada ạ, khi nói về yếu tính của sự vật, thường ta chỉ có thể nói một cách chung chung như thế. Những gì cụ thể thì dễ khiến ta chú ý, nhưng đa phần chúng chỉ là những hiện tượng tầm thường, vặt vãnh. Ta càng thử nhìn sự vật từ một khoảng cách thì chúng càng có tính chung chung, khái quát hơn.

Tôi lặng lẽ gật đầu, tuy hoàn toàn không hiểu cô ta đang nói cái gì.

- Tôi có được phép gọi điện cho ông lần nữa không? - cô ta hỏi.

- Dĩ nhiên, - tôi nói, mặc dù thực ra tôi không muốn bất kỳ ai gọi cho tôi cả. "Dĩ nhiên" có lẽ là câu trả lời duy nhất tôi có thể thốt ra lúc này.

Kano Malta giật chiếc mũ đỏ trên bàn, túm lấy chiếc xách tay nãy giờ giấu dưới mũ rồi đứng dậy. Không biết phải phản ứng thế nào, tôi cứ ngồi nguyên tại chỗ.

- Tôi có thể cho ông biết một thông tin nho nhỏ, - đội mũ xong, Kano malta nhìn xuống tôi mà nói. - Ông sẽ tìm thấy chiếc cà vạt chấm hạt đỗ, nhưng không phải trong nhà ông
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:47:04 | Xem tất


Chương 4
Tháp Cao Và Giếng Sâu (Hay Là Xa Nomonhan)


Kumiko về nhà trong tâm trạng vui vẻ. Quá vui là khác. Gặp Kano Malta xong, tôi về tới nhà thì đã gần sáu giờ chiều nên không còn đủ thì giờ làm bữa tối cho ra hồn trước khi vợ đi làm về. Đành phải làm một bữa ăn quấy quá bằng những gì có trong tủ lạnh. Hai chúng tôi ăn tối uống bia. Kumiko kể chuyện về công việc. Nàng luôn luôn kể về công việc những khi tâm trạng vui vẻ: nào là nàng gặp ai ở cơ quan, nàng đã làm gì, đồng nghiệp nàng ai có năng lực, ai không. Đại loại thế.

Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu hoặc thốt vài câu lấy lệ. Tôi chỉ nghe thấy không quá một nửa những gì nàng nói. Chẳng phải vì tôi không thích nghe nàng nói những chuyện ấy. Không kể nội dung câu chuyện, tôi thích ngắm nàng ngồi bên bàn ăn say sưa nói về công việc của mình. Đây chính là "gia đình", tôi tự nhủ. Ở đây mỗi người đang làm đúng phận sự đã được phân công trong gia đình. Nàng nói về công việc của mình, còn tôi, làm bữa tối xong thì giờ lắng nghe nàng nói. Cảnh này rất khác với hình ảnh "gia đình" mà tôi từng hình dung trước khi lấy vợ. Nhưng đây là cái gia đình chính tôi đã chọn. Dĩ nhiên, tôi từng có gia đình, khi còn bé. Nhưng đó không phải cái gia đình mà tôi tự chọn cho mình. Tôi đã sinh ra trong gia đình đó, nhận lấy gia đình đó như một sự đã rồi. Còn nay tôi sống trong một thế giới do mình chọn bằng ý chí. Đó là gia đình tôi. Nó có thể khồng hoàn hảo, nhưng nguyên tắc của tôi về gia đình của mình là hãy chấp nhận nó cùng với mọi vấn đề nảy sinh từ đó. Bởi nó là lựa chọn của tôi, và nếu có những vấn đề này nọ nảy sinh thì hầu như chắc chắn phải tìm cội rễ sâu xa của chúng ở trong chính tôi.

-Thế con mèo thì sao? - nàng hỏi. Tôi tóm tắt cho nàng nghe cuộc gặp với Kano Malta tại khách sạn ở Shinagawa, Tôi kể với nàng về cái cà vạt chấm hạt đỗ; rằng chả thấy nó đâu trong tủ quần áo. Rằng dẫu vậy Kano Malta vẫn nhận ra tôi trong quán cà phê đông nghẹt khách. Rằng cô ta ăn mặc và nói năng khác người, và khác người ra sao. Kumiko tỏ vẻ thích thú nghe về chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ, nhưng khi tôi không thể nói rõ về tung tích của con mèo đi lạc thì nàng hết sức thất vọng.

- Vậy ra cô ta cũng không biết con mèo ở đâu? - Kumiko hỏi gặng. - Chỉ nói được mỗi một điều là nó không còn quanh quẩn bên hàng xóm nữa?

- Thì thế, - tôi nói. Tôi quyết định không đả động gì đến cái "dòng chảy bị ngăn" của nơi vợ chồng tôi đang sống hay về chuyện điều đó có thể liên quan tới chuyện con mèo bỏ nhà đi. Tôi biết điều đó sẽ khiến Kumiko lo lắng, mà chúng tôi đã có quá nhiều chuyện phải lo rồi. Nếu biết mình đang sống ở một "nơi không tốt", Kumuki sẽ nằng nặc đòi dọn đi nơi khác. Mà với tình hình tài chính hiện nay của chúng tôi thì dọn nhà là chuyện ngoài tầm tay.

- Cô ấy bảo anh thế, - tôi nói. - Con mèo không còn ở quanh đây nữa.

- Nghĩa là nó sẽ không bao giờ về nữa?

- Anh không biết. Cô ta nói gì cũng mơ hồ, không rõ ràng. Toàn bóng gió, gợi ý thôi. Tuy nhiên cô ta bảo nếu tìm được gì mới thì sẽ báo cho mình hay.

- Anh có tin cô ta không?

- Ai mà biết được? Anh có biết mô tê gì về những chuyện này đâu.

Tôi rót cho mình thêm ít bia rồi nhìn bọt lắng xuống. Kumiko chống cùi chỏ lên bàn, tựa cắm lên lòng bàn tay.

- Cô ta ắt có nói với anh rằng cô ta không nhận tiền thù lao hay quà cáp gì hết. - nàng nói.

- Ờ, ít ra cũng được điểm ấy, - tôi nói. - Đã vậy thì có vấn đề gì nào? Cô ta không lấy tiền chúng mình, không đánh cắp linh hồn chúng mình, không nhốt nàng công chúa trong lâu đài. Chúng mình chả mất gì cả.

- Anh phải hiểu một điều. Con mèo rất quan trọng đối với em. Nói đúng hơn là với cả em và anh. Chúng mình cũng tìm thấy nó chỉ một tuần sau ngày cưới. Anh còn nhớ chứ?

- Dĩ nhiên anh nhớ.

- Nó bé tí, ướt như chuột lột dưới trời mưa tầm tã. Em đội ô ra ga đón anh. Chú nhóc tội nghiệp. Chúng mình gặp nó trên đường về nhà. Ai đó đã vứt nó vào một thùng bia ở quán rượu. Nó là con mèo đầu tiên em nuôi. Nó rất quan trọng đối với em, nó như một thứ biểu tượng vậy. Em không thể mất nó được.

- Anh hiểu mà, - tôi nói.

- Vậy nó đâu? Nó đi mất mười hôm nay rồi. Chính vì vậy mà em gọi cho ông anh trai. Em nghĩ anh ấy có thể biết một người lên đồng hay một nhà ngoại cảm, ai đó có thể tìm ra một con mèo đi lạc. Em biết anh không muốn hỏi han anh trai em bất cứ chuyện gì, nhưng anh ấy học cha em, anh ấy rất rành những chuyện như vậy.

- À phải, truyền thống của gia đình Wataya, - tôi nó, lạnh tanh như cơn gió chiều lùa qua eo biển. - Nhưng Wataya Noboru có quan hệ thế nào với người đàn bà đó?

Kumiko nhún vai.

- Hẳn anh ấy tình cờ gặp cô ta ở đâu đó. Dạo sau này anh ấy có rất nhiều mối quan hệ.

- Chuyện đó thì khỏi bàn.

- Anh ấy bảo cô ta có những năng lực khác thường, song cô ta khá kỳ lạ. - Kumiko lấy nĩa chọc chọc một cách máy móc vào món macaroni. - Tên cô ta là gì ấy nhỉ?

- Kano Malta. Cô ta từng theo một kiểu tôn giáo khắc kỷ để tự hoàn thiện mình ở đảo Malta.

- Ra thế. Kano Malta. Anh nghĩ sao về cô ta?

- Khó nói. - Tôi nhìn hai bàn tay mình đang đặt trên bàn. - Ít nhất là cô ta không làm mình chán. Đó là điều tốt. Ý anh là trên đời đã có quá nhiều chuyện không thể giải thích, nên phải có ai đó lấp đầy cái khoảng trống này. Giao du với người không làm mình chán vẫn hơn với người làm mình chán. Đúng không nào? Như ông Honda chẳng hạn.

Kumiko phá lên cười khi nghe nhắc tới ông Honda.

- Ông già ấy thật tuyệt phải không anh? Em thích ông ấy lắm.

- Anh cũng thế, - tôi nói.

° ° °


Từ khoảng một năm sau khi cưới nhau, tôi và Kumiko bắt đầu đến thăm ông Honda mỗi tháng một lần. Ông là người chuyên lên đồng, một trong những kiểu nhà ngoại cảm mà dòng họ Wataya coi là của quý, nhưng ông cực kỳ nặng tai. Thậm chí dù có mang máy trợ thính ông cũng chỉ nghe câu được câu chăng những gì chúng tôi nói. Chúng tôi phải hét to đến nỗi những tấm vách ngăn phòng bằng giấy shooji muốn bục cả ra. Tôi thường tự hỏi, đã nặng tai đến cỡ đó thì liệu ông có nghe các linh hồn nói gì không. Nhưng có khi ngược lại không chừng: càng nặng tai, người ta càng có khả năng nghe thấy lời của các linh hồn. Ông bị mất thính giác từ hồi chiến tranh. Là một sĩ quan phi tác chiến đóng tại doanh trại Mãn Châu của đạo quân Quan Đông 1, ông bị vỡ màng nhĩ khi một vỏ đạn đại bác, quả lựu đạn hay một cái gì đó nổ ngay bên cạnh ông trong một trận đánh với một đơn vị hỗn hợp Hồng quân Liên Xô - Ngoại Mông ở Nomanhan 2 trên biên giới Ngoại Mông và Mãn Châu.

Chúng tôi hay đến thăm ông Honda chẳng phải vì tin ở năng lực tâm linh của ông. Tôi chả bao giờ quan tâm đến những chuyện như thế, còn ở Kumiko, khuynh hướng tin vào những điều siêu nhiên cũng ít hơn nhiều so với cha mẹ và anh trai. Nàng cũng có chút mê tín, nàng có thể lo sốt vó vì những điềm được coi là gở, nhưng nàng chẳng bao giờ ra khỏi nhà để tham gia những việc như bói toán, lên đồng.

Lý do duy nhất để chúng tôi đến thăm ông Honda là cha của Kumiko bắt phải đến. Đó là điều kiện duy nhất ông đưa ra để chúng tôi có thể cưới nhau. Một điều kiện quả là hơi kỳ quặc, nhưng chúng tôi chấp thuận để tránh những điều rắc rối. Cả tôi và Kumiko không hề trông đợi mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái với gia đình nàng. Cha nàng là quan chức chính phủ. Là con thứ trong một gia đình trung nông chả lấy gì làm khấm khá ở Niigata, ông xin được học bổng để theo Đại học Tokyo danh giá, tốt nghiệp bằng ưu và giành được một vị trí cao cấp trong Bộ Giao thông. Điều đó thật đáng khâm phục. Song, cũng như hầu hết những ai đã kinh qua con đường tiến thân như thế, ông ta là kẻ kiêu căng tự mãn. Đã quen ra lệnh, ông hoàn toàn không chút hoài nghi về giá trị của cái thế giới mà ông là một thành phần. Với ông, tôn ti trật tự là tất cả. Ông là kẻ thượng đội hạ đạp. Ông khúm núm trước cấp trên mà không hề thắc mắc và chà đạp những kẻ dưới mình mà không do dự mảy may. Cả Kumiko và tôi không hề tin rằng một người như vậy lại có thể nhận làm con rể một thằng khố rách áo ôm mới hai mươi bốn tuổi đầu, không địa vị, không dòng dõi, học chẳng lấy gì làm xuất sắc, tiền đồ công danh chẳng có, như tôi. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng sau khi cha mẹ nàng khước từ chúng tôi sẽ tự làm đám cưới, tự xây dựng cuộc sống và chả liên hệ gì với họ.

Dẫu vậy tôi vẫn làm việc phải làm. Tôi đến gặp cha mẹ Kumiko để cầu hôn nàng. Bảo rằng họ đón tiếp tôi một cách lạnh nhạt là quá nhẹ. Có cảm tưởng như tất cả các cánh cửa tủ lạnh trên thế giới này đều mở toang ra cùng một lúc.

Nhưng cuối cùng họ cũng vẫn cho phép tôi, dù miễn cưỡng. Mọi việc đã diễn biến gần như nhờ một phép màu, nhưng ở đây công lao hoàn toàn thuộc về ông Honda. Ông đã hỏi cha mẹ Kumiko tất cả những gì hai ông bà biết về tôi, đoạn tuyên bố dứt khoát rằng nêu muốn gả chồng cho con gái họ thì chẳng có đám nào tốt hơn tôi, rằng một khi Kumiko đã chọn tôi làm ý trung nhân thì dù có thế nào họ cũng không được ngăn cản, nếu không thì sẽ phải hứng chịu những hậu quả khủng khiếp. Hồi đó cha mẹ Kumiko chuyện gì cũng nhất nhất tin cậy ông Honda, thế nên họ chẳng còn cách nào khác ngoài nhận tôi làm rể.

Dẫu vậy, tôi luôn luôn là người ngoài, khách không mời mà đến. Kumiko và tôi tới thăm gia đình họ và ăn tối hai lần một tháng, đều đặn như một cái máy, vậy thôi. Những lần như vậy thật đến là lộn mửa, nói không ngoa, một cái gì đó nằm giữa sự hành xác không đâu với cực hình tàn bạo. Suốt bữa ăn, tôi có cảm tưởng như cái bàn ăn nhà họ dài như cái ga tàu hỏa. Họ ngồi vừa ăn vừa trò chuyện gì đó ở mãi đầu bên kia, còn tôi ngồi đầu bên này, xa tít tắp đến nỗi họ không nhìn thấy. Điều đó kéo dài khoảng một năm, cho tới khi cha của Kumiko và tôi cãi nhau một trận nảy lửa, từ đó trở đi tôi và ông ra không bao giờ gặp lại nhau. Tôi thở phào nhẹ nhõm, gần như sướng điên lên. Không có gì bào mòn sinh lực con người cho bằng sự nỗ lực vô nghĩa và vô ích.

Dẫu vậy, suốt một thời gian sau khi cưới, tôi đã nỗ lực hết mình để duy trì quan hệ tốt với cha mẹ vợ. Và không nghi ngờ gì nữa, trong tất cả những nỗ lực ấy, cái ít làm tôi mệt mỏi hơn hết là những cuộc gặp gỡ hàng tháng với ông Honda.

Mọi chi phí liên quan đến ông Honda đều do cha của Kumiko chu tất. Chúng tôi chỉ có mỗi việc đến chơi nhà ông Honda ở Meguro mỗi tháng một lần, xách theo một chai rượu sake to, nghe ông kể chuyện, xong thì về. Rất đơn giản.

Chúng tôi thích ông Honda ngay lập tức. Ông là một cụ già dễ mến, khuôn mặt luôn bừng sáng mỗi khi thấy chai rượu sake chúng tôi mang đến cho ông. Chúng tôi thích ông ở mọi phương diện, có chăng chỉ trừ một nỗi ông luôn mở tivi to hết cỡ vì ông nặng tai quá.

Chúng tôi luôn đến nhà ông chơi vào buổi sáng. Đông cũng như hè, ông ngồi trong phòng khách tiếp chúng tôi, hai chân thọc vào dưới chiếc bàn sưởi thấp 3. Mùa đông ông quấn mền bông từ thắt lưng trở xuống để giữ nhiệt tỏa ra từ ngọn lửa than. Mùa hè thì ông chẳng cần mền lẫn lửa. Ông rõ là một người xem bói khá nổi tiếng, nhưng ông sống rất giản dị, thậm chí phải nói là khắc khổ. Nhà ông bé tí, sảnh đón chỉ vừa đủ chỗ cho một người duy nhất cởi hay mang giày. Những tấm chiếu tatami trải trên sàn nhà ông sờn rách, xác xơ, cửa kính nứt dán lại quấy quá bằng băng dính. Bên kia đường là một xưởng sửa ôtô, lúc nào cũng có ai đó đang thét lác chói tai. Ông Honda vận một bộ kimono nửa như áo ngủ nửa như áo khoác công nhân. Bộ đồ đó xem ra đã lâu chưa giặt. Ông sống một mình, chỉ có một bà hay lui tới để quét dọn và nấu nướng. Tuy nhiên, vì lý do nào đó ông chẳng bao giờ cho bà ta giặt bộ kimono. Đôi má hõm sâu của ông lởm chởm chòm râu quai nón bạc phơ.

Nếu có một cái gì đó đáng gọi là gây ấn tượng trong căn nhà của Honda, thì đó là chiếc tivi màu to tướng. Trong căn nhà bé tẹo như thế, kích cỡ khổng lồ của nó thật choáng ngợp. Nó luôn luôn được vặn sang kênh NHK của nhà nước. Khó mà nói được đó là do ông thích kênh NHK, do ông chẳng buồn chuyển sang kênh khác hay vì chiếc tivi này chỉ bắt được mỗi kênh NHK mà thôi, chỉ biết rằng ông luôn xem đọc một kênh đấy.

Thay vì một bình hoa hay một cuộn thư pháp, tokonoma 4 trong phòng khách của ông được dùng để chứa cái tivi to đùng đó, và mỗi khi đến, chúng tôi luôn thấy ông ngồi đối diện cái tivi, đảo qua đảo lại mấy cây que bói trên nắp chiếc bàn sưởi trong khi đài NHK phát không thôi nào chương trình nấu ăn, dạy chăm sóc cây cảnh, nào tin mới nhất và các thảo luận chính trị.

- Nghề luật có khi chẳng tốt cho con đâu, con ạ, - một hôm ông Honda nói, nhưng không rõ ông nói với tôi hay với ai đó đang đứng sau lưng ông tới hai chục mét.

- Sao ạ?

- Ừ, đúng thế đấy. Rốt cuộc thì luật pháp cũng chi phối mọi sự trên thế gian này. Cái thế giới nơi bóng tối là bóng tối, ánh sáng là ánh sáng, âm là âm và dương là dương. Tôi là tôi, anh ta là anh ta. "Tôi là tôi / anh ta là anh ta / Tàn thu". Nhưng con ạ, riêng con thì không thuộc về cõi đó. Con thuộc về một cõi nằm trên hoặc nằm dưới cõi đó.

- Vậy cõi nào hơn? - tôi hỏi, chỉ vì tò mò. - Trên hay dưới?

- Vấn đề không phải cõi nào hơn, - ông nói. Ông khúng khắng ho rồi khạc đờm lên một mảnh khăn giấy, săm soi một hồi rồi mới vò mảnh khăn mà ném vào giỏ rác. - Vấn đề không phải cõi nào hơn. Quan trọng là không cưỡng lại dòng chảy. Khi nào phải đi lên thì đi lên, khi nào phải đi xuống thì đi xuống. Hễ đã đi lên thì phải chọn ngay cái tháp cao nhất mà trèo lên đỉnh. Hễ đã đi xuống thì hãy tìm cái giếng sâu nhất mà chui xuống đáy. Khi nào không có dòng chảy thì đứng yên. Nếu cưỡng lại dòng chảy, vạn vật sẽ khô kiệt. Nếu vạn vật khô kiệt, thế gian này sẽ tối đen. "Tôi là anh ta / Anh ta là tôi / Sấm tối mùa xuân". Khi ta xả bỏ cái tôi thì có cái tôi.

- Hiện thời có phải là lúc không có dòng chảy không? - Kumiko hỏi.

- Gì kia?

- HIỆN THỜI CÓ PHẲI LÀ LÚC KHÔNG CÓ DÒNG CHẲY KHÔNG? - Kumiko gào to lên.

- Hiện thời thì không có, - ông Honda vừa nói vừa gật đầu với chính mình. - Hiện thời là lúc cần phải đứng yên. Chớ làm gì cả. Chỉ cần thận trọng về nước nôi. Biết đâu trong tương lai anh bạn trẻ này rồi sẽ phải nếm mùi thống khổ mà chuyện đó có liên quan đến nước. Nước không nằm ở nơi lẽ ra nó nằm. Nước hiện diện ở nơi lẽ ra không có nó. Dù thế nào đi nữa, các con phải thận trọng, hết sức thận trọng về chuyện nước.

Kumiko ngồi cạnh tôi, gật gù với vẻ vô cùng nghiêm trọng, nhưng tôi thấy rõ nàng đang cố kìm để không phá lên cười.

- Ông muốn nói loại nước gì kia ạ? - tôi hỏi.

- Ông không biết. Nước là nước thôi.

Trên tivi một giáo sư đại học nào đó đang nói rằng việc người ta sử dụng ngữ pháp tiếng Nhật một cách bừa bãi là hoàn toàn tương ứng với sự bừa bãi trong lối sống của họ. "Dĩ nhiên, nói đúng ra, chúng ta không thể gọi là bừa bãi. Ngữ pháp cũng như không khí: ai đó ở trên có thể ra sức định ra những quy tắc cho việc sử dụng nó, nhưng người ta không nhất thiết phải nghe theo". Nghe thì cũng thú, nhưng ông Honda vẫn tiếp tục nói về nước.

- Nói thật với các con, ông đã từng phải chịu khốn khổ vì nước - ông nói. - Ở Nomonhan hoàn toàn không có nước. Tiền tuyến thì hỗn loạn, nguồn tiếp tế bị cắt. Nước không. Lương thực không. Bông băng không. Đạn dược không. Thật khủng khiếp. Các vị tai to mặt lớn ngồi ở hậu phương chỉ quan tâm một điều: chiếm đất càng nhanh chóng càng tốt. Chẳng ai nghĩ đến việc tiếp tế. Suốt ba ngày trời ông hầu như không có một giọt nước. Trải rộng khăn tay ra, đến sáng nó sẽ đẫm sương. Vắt ra cũng được vài giọt uống, nhưng chỉ có thế. Hoàn toàn không có thứ nước nào khác. Khổ không sao chịu thấu, chỉ muốn chết thôi. Trên đời này chẳng có gì đáng sợ hơn là khát như thế. Chỉ muốn lao ra ngoài ăn một viên đạn cho xong. Những người bị trúng thương ở bụng gào thét đòi nước. Vài người phát điên vì khát. Như là địa ngục trần gian vậy. Ngay trước mặt bọn ông là một dòng sông lớn, ai cũng thấy, ăm ắp bao nhiêu là nước, tha hồ uống. Nhưng không thể đến đó được. Giữa bọn ông và dòng sông là một dãy dài dằng dặc những xe tăng Xô Viết kếch xù có súng phóng hỏa. Ở các vị trí xung yếu, súng máy chĩa lên tua tủa trông như những cái gối cắm kim. Các tay bắn tỉa dàn đội hình trên những điểm cao, đêm đêm lại bắn pháo sáng. Lính tráng bọn ông mỗi thằng có độc một khẩu súng trường bộ binh M38 với hai mươi lăm viên đạn. Thế nhưng hầu hết lũ bạn ông đều cố ra bờ sông cho bằng được. Họ không chịu nổi nữa. Không một ai trở về. Họ chết sạch. Chính vì vật ông mới nói: khi nào cần ngồi yên, hãy ngồi yên.

Ông rút ra một chiếc khăn giấy, xì mũi ầm ĩ, tỉ mẩn khảo sát kết quả thu được rồi mới vò khăn vứt vào sọt rác.

- Đợi cho tới khi dòng chảy bắt đầu thì cũng cam go đấy, - ông nói. - Nhưng hễ đã cần đợi thì phải đợi. Trong khi chờ đợi, hãy làm như mình đã chết.

- Có phải ý ông là tạm thời cháu chết thì hơn? - tôi hỏi.

- Gì kia?

- CÓ PHẲI Ý ÔNG LÀ TẠM THỜI CHÁU CHẾT THÌ HƠN?

- Ừ, thế. "Chết là cách duy nhất / để bạn được bơi tự do / Nomonhan".


° ° °


Ông còn kể chuyện Nomonhan thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi chỉ ngồi nghe. Chúng tôi đã được lệnh "nhận lời giáo huấn" của ông, nhưng trong suốt một năm đều đặn đến nhà ông hàng tháng, hầu như ông chẳng bao giờ có lời "giáo huấn" nào để chúng tôi "nhận" cả. Ông hiếm khi bói toán khi có mặt chúng tôi. Trước sau ông toàn kể về trận Nomonhan thôi: nào chuyện một quả đại bác làm vỡ tung nửa hộp sọ viên thiếu úy ở ngay bên cạnh ông, nào chuyện ông nhảy lên một chiếc xe tăng Xô Viết rồi đốt cháy nó bằng một quả cock-tail Molotov 5, nào chuyện họ vây bắt và bắn chết một phi công Xô Viết buộc phải nhảy dù xuống sa mạc. Những câu chuyện ấy đều thú vị, thậm chí rất hấp dẫn, nhưng cái gì cũng vậy, đã nghe đến lần thứ bảy thứ tám rồi thì cũng mất dần vẻ đẹp ban đầu. Mà cũng chẳng phải ông Honda "kể" chuyện. Ông gào lên những câu chuyện ấy thì đúng hơn. Có cảm giác như ông đang đứng bên bờ vực thẳm vào một ngày gió ùn ùn thổi, lấy hết sức bình sinh thét lên với chúng tôi ở bờ vực bên kia. Khác nào ngồi ở hàng ghế đầu một rạp chiếu phim tồi tàn mà xem một bộ phim cũ của Kurosawa 6. Lần nào cũng vậy, ra khỏi nhà ông Honda, vợ chồng tôi ù đặc cả hai tai mất một hồi.

Dẫu vậy, hai chúng tôi - hay ít nhất là tôi - vẫn thích nghe ông Honda kể chuyện. Các câu chuyện đó hầu hết đều đẫm máu, nhưng khi được thốt ra từ miệng một ông lão kề miệng lỗ mặc bộ đồ cũ mèm bẩn thỉu, chi tiết của những trận đánh mất đi vẻ hiện thực mà nghe cứ như cổ tích. Gần nửa thế kỷ trước, đơn vị của ông Honda đã có trận kịch chiến trên một mảnh đất hoang khô cằn trên biên giới Mãn Châu - Mông Cổ. Trước kia tôi hầu như chẳng biết gì về trận chiến Nomonhan, giờ mới được nghe ông già kể. Thế mà đó là một trận chiến thật bi tráng. Hầu như tay không, thế nhưng họ đã đương đầu với lực lượng Xô Viết trang bị cơ giới và mạnh hơn gấp nhiều lần và họ đã bị đè bẹp. Lần lượt từng phân đội bị giết sạch. Một số sĩ quan tự ý ra lệnh cho đơn vị mình rút lui để tránh bị tiêu diệt; thế là cấp trên buộc họ phải tự sát. Nhiều binh sĩ bị quân đội Xô Viết bắt giữ đã từ chối trở về Tổ quốc khi hai bên trao đổi tù binh sau chiến tranh, sợ rằng nếu trở về sẽ phải ra toà vì tội đào ngũ. Những người đó rốt cuộc gửi lại nắm xương mình ở đất Mông Cổ. Còn ông Honda nhờ bị nặng tai nên được giải ngũ trong danh dự, về nhà làm nghề xem bói.

- Trong rủi có may, - ông nói. - Giá như không bị lãng tai thì hẳn ông đã bỏ xác ở Nam Thái Bình Dương rồi. Hầu hết các đơn vị sống sót sau trận Nomonhan đều chịu chung số phận như vậy. Trận Nomonhan là một nỗi nhục cho quân đội Thiên hoàng, thành thử bất cứ ai sống sót sau trận đó đều bị đẩy đến những nơi chiến địa ác liệt nhất, khác gì vào chỗ chết. Còn các sĩ quan tham mưu đã làm bao nhiêu binh lính chết như rạ ở Nomonhan kia thì lại thăng quan tiến chức lên bộ tham mưu trung ương. Một vài tên khốn nạn trong lũ đó thậm chí còn trở thành chính trị gia sau chiến tranh. Còn những chàng trai đã xông pha chiến đấu theo lệnh chúng thì hầu như chết sạch.

- Nhưng tại sao quân đội lại cảm thấy nhục nhã đến thế vì trận Nomonhan? - tôi hỏi. - Quân đội đã chiến đấu anh dũng, rất nhiều người đã hy sinh kia mà. Tại sao những người sống sót lại bị ngược đãi đến vậy?

Nhưng dường như ông Honda không nghe thấy câu hỏi của tôi. Một lần nữa ông lại đảo mấy cây que bói. - Hãy cẩn thận với nước, - ông nói.

Cuộc trò chuyện đến đấy là chấm dứt.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:49:36 | Xem tất


Sau cuộc cãi vã om sòm với cha của Kumiko, vợ chồng tôi không đến nhà ông Honda nữa. Tôi không thể tiếp tục đến thăm ông một khi đã biết chi phí cho những chuyến đi này là bố vợ tôi thanh toán, mà vợ chồng tôi thì không có khả năng bỏ tiền túi ra cho mấy khoản đó. Hồi đó hai vợ chồng tôi vất vả lắm mới đắp đổi được qua ngày. Thế là chúng tôi quên bẵng ông Honda, cũng như hầu hết đám thanh niên bận rộn thường lãng quên hầu hết những người già.

o O o


Đêm đó, nằm trên giường, tôi cứ miên man nghĩ mãi về ông Honda. Cả ông lẫn Kano Malta đều nói với tôi về nước. Ông Honda đã cảnh báo tôi cần phải thận trọng. KanoMalta thì đã trải qua những nghi thức khổ hạnh trên đảo Malta liên quan đến việc nghiên cứu của cô ta về nước. Có lẽ ấy chỉ là trùng hợp, nhưng cả hai đều có mối liên hệ sâu xa đến nước. Giờ thì chuyện đó bắt đầu khiến tôi lo âu. Thế rồi hình dung cảnh chiến trường Nomonhan: xe tăng Xô Viết và các ụ súng máy, dòng sông chảy sau lưng họ. Cơn khát không thể nào chịu nổi. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng chảy của dòng sông.

- Anh Toru, - Kumiko thầm thì gọi tôi. - Anh còn thức không?

- Ờ.

- Về cái cà vạt ấy mà. Em nhớ ra rồi. Em mang nó đến hiệu giặt từ hồi tháng Chạp cơ. Nó nhàu cả rồi, cần phải là. Chắc là em quên lấy.

- Tháng Chạp cơ à? Thế là nửa năm rồi còn gì hở Kumiko!

- Em biết. Anh cũng biết đó, thường thì em có thế đâu. Em chả bao giờ quên gì cả. Với lại, cái cà vạt ấy đẹp thế kia mà. - Nàng đặt tay lên vai tôi. - Em mang nó đến hiệu giặt gần nhà ga ấy. Anh thử nghĩ xem họ có còn giữ không?

- Mai anh sẽ tới đó. Chắc là vẫn còn.

- Sao anh lại nghĩ vậy? Sáu tháng rồi chứ có ít đâu. Hầu hết các hiệu giặt đều thanh lý tất cả những thứ không có người nhận trong vòng ba tháng. Họ có quyền làm thế. Luật là vậy mà. Sao anh lại nghĩ nó vẫn còn ở đó?

- Kano Malta bảo anh sẽ tìm thấy nó. Nhưng không phải ở trong nhà.

Tôi cảm thấy nàng nhìn tôi trong bóng tối.

- Vậy là anh tin cô ấy?

- Anh đang bắt đầu tin.

- Chả mấy chốc nữa anh và anh trai em sẽ có thể nhìn mặt nhau cho mà xem, - nàng nói, giọng nhuốm vẻ hài lòng.
- Chuyện gì cũng có thể, - tôi nói.

Sau khi Kumiko đã ngủ, tôi vẫn miên man nghĩ về chiến trận Nomonhan. Lính tráng đều đang ngủ. Bầu trời trên đầu chi chít những sao, cơ man nào là dế kêu ra rả. Tôi nghe tiếng dòng sông. Đang lắng nghe tiếng chảy của dòng sông thì tôi ngủ thiếp đi.

------------------------------------
1.Đạo quân Quan Đông: một đơn vị của quân đội hoàng gia Nhật. Tên gọi này đặt theo tên nơi đạo quân đồn trú là bán đảo Quan Đông. Đại bản doanh đặt tại Tân Kinh (Hsinching hay Xinjing, nay là thành phố Trường Xuân (Changchun), tỉnh Cát Lâm (Jilin), đông bắc Trung Quốc). Là một trong các đơn vị lớn và có uy tín nhất của quân đội hoàng gia Nhật. Nhiều nhân vật cao cấp của đạo quân này được cất nhắc lên những vị trí cao trong cả quân đội và chính phủ dân sự, như Đại tướng Tojo Hideki sau trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng cho tới khi Nhật bại trận năm 1945 - ND.

2.Một ngôi làng ở Mông Cổ (tên đầy đủ là Nomon-Han-Burd-Obo), trong thập niên 30-40 của thế kỷ 20 ngay gần ngôi làng này là biên giới giữa Mông Cổ với quốc gia bù nhìn Mãn Châu Quốc do Nhật dựng lên và giật dây. Mùa hè năm 1939, tại vùng này đã diễn ra cuộc xung đột vũ trang lớn giữa quân đội hỗn hợp Liên Xô - Mông Cổ với một phần đạo quân Quan Đông của Nhật đồn trú tại Mãn Châu. Sự kiện này được giới sử học gọi là "sự biến Nomonhan", riêng tại Liên Xô (cũ) và Nga, nó được gọi là "cuộc chiến ở Khalkhin - Gol". Theo BTN.

3.Nguyên tác: kotatsu, thiết bị dùng để sưởi ấm trong nhà người Nhật, gồm một chiếc bàn thấp, ở dưới bàn là lò sưởi, phía trên bàn phủ mền (futon). Ngày xưa lò sưởi đặt ở dưới sàn nhà, đốt bằng than. Ngày nay bàn sưởi kotatsu có thiết bị sưởi ấm - dùng bóng đèn hoặc cắm điện - ngay dưới mặt bàn - ND.

4.Tokonoma: hốc tường trong căn nhà truyền thống của người Nhật, nơi trưng bày hoa, thư pháp hoặc các vật phẩm trang trí khác - ND.

5.Biệt danh của loại bom đơn giản, cầm tay, sử dụng chất nổ tự tạo - thường là xăng trộn thêm một số chất khác. Đặt theo tên của Vyacheslav Mikhailovich Molotov, một chiến sĩ cách mạng Bônsevich, người sáng chế ra loại vũ khí này vào năm 1906 - ND.

6.Kurosawa Akira (1910 -1998): đạo diễn điện ảnh lừng danh Nhật Bản, tác giả những bộ phim kinh điển quen thuộc với nhiều người Việt Nam như Rashomon, Bảy võ sĩ đạo, Rao v.v .. - ND.[/
font]
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 31-7-2012 20:52:26 | Xem tất


Chương 5
Nghiền Kẹo Chanh

Chim Không Bay, Giếng Không Nước



Ăn sáng và rửa bát xong, tôi đạp xe đến tiệm giặt là gần nhà ga. Chủ tiệm, một người đàn ông gầy gò xấp xỉ năm mươi tuổi, trán hằn sâu những nếp nhăn, đang nghe băng hòa tấu Phiên chợ Ba Tư phát từ một chiếc máy nghe nhạc đặt trên giá. Đó là một chiếc JVC to đùng có thêm vài chiếc loa trầm, bên cạnh là một đống băng cátxét. Dàn nhạc đang chơi Chủ đề Tara, phần tráng lệ nhất của nhóm đàn dây. Chủ nhân đang ở sâu trong tiệm, vừa huýt sáo theo điệu nhạc vừa là sơ mi bằng một chiếc bàn là hơi, động tác của ông ta vừa sắc gọn vừa mạnh mẽ. Tôi đến gần quầy, vừa thông báo vừa xin lỗi cho đúng phép rằng hồi cuối năm ngoái tôi có mang đến tiệm một chiếc cà vạt nhưng quên lấy. Với cái thế giới nhỏ bé bình yên của ông ta lúc 9 giờ rưỡi sáng thế này, lời thông báo của tôi chẳng khác nào sự xuất hiện một sứ giả mang theo hung tin trong bi lịch Hy Lạp.

- Chắc không còn biên lai phải không? - ông ta nói bằng giọng là lạ, xa vắng. Ông ta không nói với tôi mà hướng về phía tấm lịch trên tường bên cạnh quầy. Trên trang lịch tháng Sáu là dãy Alpes - thung lũng xanh, đàn bò gặm cỏ, một đám mây trắng sắc cạnh đang trôi qua đỉnh Mont Blanc, đỉnh Matterhorn hay đỉnh gì gì đó. Thế rồi ông ta nhìn tôi, vẻ mặt như muốn nói: "Đã quên bẵng cái cà vạt chết giẫm kia lâu đến thế thì sao không quên phứt luôn cho xong!". Cái nhìn đó thẳng thừng và thật hùng hồn.

- Từ cuối năm ngoái kia à? Gay đấy. Hơn sáu tháng rồi còn gì. Thôi được, tôi sẽ tìm xem, nhưng không chắc là có đâu.

Ông ta tắt bàn là, đặt lên giá là, rồi vừa huýt sáo theo giai điệu Một chốn hè vừa lục lọi ở phòng trong.

Bộ phim Một chốn hè tôi đã xem cùng bạn gái từ hồi trung học. Diễn viên chính là Troy Donnahue và Sandra Dee. Chúng tôi xem một suất chiếu kép - ngoài phim kia ra còn xem cả Đuổi theo bọn trẻ của Connie Francis. Phim thì làng nhàng thôi, song lúc này đây, mười ba năm sau, nghe lại bản nhạc trong bộ phim, tôi chỉ nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào ngày đó.

- Cà vạt xanh dương chấm hạt đỗ phải không? Tên là Okada.

- Đúng rồi, - tôi nói.

- Ông gặp may đấy.

Về nhà xong tôi gọi ngay cho Kumiko. - Tìm ra cái cà vạt rồi, - tôi nói.

- Thật không thể tin được! Anh cừ lắm, - nàng nói.

Lời khen nghe khá máy móc, kiểu như bà mẹ khen con trai đi học về khoe điểm cao. Điều đó làm tôi thấy không thoải mái. Lẽ ra tôi đợi đến giờ nghỉ trưa hẵng gọi thì hơn.

- Em nhẹ cả người. Nhưng em đang nói chuyện dở với người khác. Xin lỗi nhé. Trưa anh gọi lại được không?

- Ừ, anh sẽ gọi, - tôi nói.

Gác ống nghe xong, tôi cầm tờ báo ra ngoài hiên. Cũng như mọi khi, tôi nằm sắp, trải rộng trước mặt các trang quảng cáo tuyển dụng, nhẩn nha đọc từ đầu chí cuối, các cột báo đầy những mật mã và ký hiệu lạ lùng. Còn thứ nghề nào mà trên đời này không có! Mỗi nghề đều được phân một ô giữa những hàng chữ đều tăm tắp của trang báo, cứ như trong bản đồ nghĩa địa.

Cũng như mỗi sáng, tôi lại nghe con chim vặn dây cót đang vặn dây cót đâu đó trên ngọn cây. Tôi gấp báo, ngồi tựa lưng vào một thanh cột hàng hiên, nhìn ra vườn. Chẳng mấy chốc con chim lại cất tiếng kêu ken két lần nữa, từ trên ngọn thông nhà hàng xóm. Tôi căng mắt nhìn qua những cành cây, nhưng chẳng thấy chim đâu, chỉ nghe thấy tiếng kêu. Cũng như mọi khi. Vậy là thế gian đã được lên dây cót cho ngày mới.

Ngay trước 10 giờ, trời đổ mưa. Mưa không to. Những hạt mưa mịn đến nỗi khó lòng biết chắc có mưa hay không, nhìn kỹ mới thấy mưa. Thế giới tồn tại dưới hai trạng thái: mưa và không mưa. Giữa hai trạng thái đó hẳn phải có đường phân giới. tôi ngồi ngoài hiên thêm một lát mà nhìn chăm chăm vào đường phân giới đó, cái đường lẽ ra phải có ở đây.

Tôi nên làm gì từ giờ đến trưa nhỉ? Đi bơi ở hồ bơi gần nhà hay ra ngõ tìm con mèo? Tựa vào cột hàng hiên, nhìn mưa rơi trong vườn, tôi cứ phân vân giữa hai đằng.

Hồ bơi.

Con mèo.

Con mèo thắng. Kano Malta đã nói con mèo không còn lai vãng quanh hàng xóm nữa. Nhưng sáng hôm đó tôi cảm thấy một nỗi thôi thúc khó cắt nghĩa rằng mình phải tới đó tìm con mèo. Lùng con mèo đã thành một phần cuộc sống hàng ngày của tôi. Hơn nữa Kumiko hẳn sẽ hài lòng nếu biết tôi đã thử tìm thêm lần nữa. Tôi khoác chiếc áo mưa nhẹ. Tôi quyết định không cầm ô. Tôi mang giày tennis rồi ra khỏi nhà, trong túi áo khoác là chìa khóa nhà với mấy cái kẹo chanh. Tôi băng qua khoảnh sân, nhưng khi tôi đặt một bàn tay lên bức tường bê tông thì điện thoại reo. Tôi đứng yên, căng tai nghe, nhưng không thể nhận ra đó là điện thoại nhà mình hay nhà hàng xóm. Ngay khi mình ra khỏi nhà thì điện thoại nào reo nghe cũng như nhau. Tôi phẩy tay chịu thua và trèo qua tường.

Tôi cảm thấy mặt cỏ mềm mại qua lớp đế mỏng của đôi giày tennis. Ngõ tĩnh mịch hơn mọi khi. Tôi đứng yên một lát, nín thở lắng nghe, nhưng chẳng có âm thanh nào. Điện thoại đã ngừng reo. Không nghe tiếng chim, cũng chẳng nghe tiếng động ngoài phố. Bầu trời trên đầu tuyền một màu xám. Vào những ngày như thế này, những đám mây dường như nuốt chửng mọi âm thanh từ mặt đất. Không chỉ âm thanh mà cả mọi vật. Cảm giác chẳng hạn.

Thọc hai tay vào túi áo mưa, tôi luồn vào ngõ hẹp. Chỗ nào những chiếc sào phơi quần áo nhô ra giữa lối đi thì tôi lách mình giữa các bức tường. Tôi băng qua ngay bên dưới mái hiên những căn nhà khác. Cứ thế tôi lặng lẽ lần theo cái lối đi tựa như con kênh bị bỏ hoang. Đôi giày tennis của tôi bước trên mặt cỏ không một tiếng động. Âm thanh duy nhất tôi nghe thấy trong đoạn hành trình ngắn của mình là tiếng radio phát ra từ nhà nọ. Đài đang phát một chương trình kiểu như "gỡ rối tơ lòng" cho những người gọi điện đến. Một ông trung niên than phiền với người dẫn chương trình về bà mẹ vợ của mình. Tôi nghe câu được câu chăng, đâu như bà ta đã sáu mươi tám tuổi nhưng vẫn máu mê đua ngựa. Khi tôi đã đi qua căn nhà đó, tiếng radio nhỏ dần đến khi không còn gì nữa, dường như cái đang dần dần biến vào hư vô kia không chỉ là tiếng radio mà cả ông trung niên và bà mẹ vợ nghiền đua ngựa của ông ta, cả hai phải đang tồn tại ở đâu đó trên thế giới này.

Cuối cùng tôi cũng đến chỗ căn nhà trống. Nó vẫn đứng nguyên đấy, lặng ngắt mọi khi. Trên nền trời xám trĩu nặng, căn nhà hai tầng với những cánh cửa đóng im ỉm trồi lên đen thẫm. Nó trông như một con tàu chở hàng khổng lồ đâm vào đá trong một đêm bão táp đã từ lâu lắm và bị thủy thủ đoàn bỏ rơi cho đến mục rữa dần. Nếu không có lớp cỏ mọc cao hơn kể từ lúc tôi tới đây lần trước thì có thể tin rằng riêng tại nơi này thời gian đã ngừng lại. Nhờ mưa rơi liên tục nhiều ngày qua, những nhánh cỏ óng ánh màu xanh thẫm, dậy lên mùi hương hoang sơ rất đặc trưng cho những gì cắm rễ sâu vào đất. Ngay giữa cái biển cỏ này là bức tượng chim, trong chính cái tư thế tôi đã thấy trước đây, dang rộng cánh như sẵn sàng bay vút lên. Dĩ nhiên, đây là con chim không bao giờ có thể cất cánh. Tôi biết điều đó, con chim cũng biết. Nó sẽ còn phải đứng đó đợi cho tới ngày bị lôi đi nơi khác hoặc đập ra thành từng mảnh. Không còn khả năng nào khác để nó rời bỏ được khu vườn này. Vật duy nhất chuyển động nơi đây là một con bướm nhỏ màu trắng lượn trên cỏ, một con bướm ra đời hơi muộn, mấy tuần sau khi mùa bướm đã qua. Nó tiến về phía trước một cách ngập ngừng, như một người đang tìm kiếm mà chẳng nhớ mình tìm gì nữa. Sau năm phút săn tìm không hiệu quả, con bướm bay đâu mất.

Tôi mút một cái kẹo chanh, tựa lưng vào hàng rào mắt cáo mà ngắm khu vườn. Chẳng có dấu hiệu gì của mèo. Chẳng có dấu hiệu của bất cứ cái gì. Chốn này như một cái ao tù mà dòng chảy đã bị một sức mạnh to lớn nào đó hãm lại.

Tôi cảm thấy có ai đó sau lưng, liền ngoái lại. Nhưng nào thấy ai. Chỉ có hàng rào bên kia ngõ, cái cổng nhỏ trong hàng rào, nơi cô gái kia đã đứng. Nhưng lúc này cổng đóng, trong sân không một bóng người. Mọi vật ẩm ướt và câm lặng. Chỉ dậy mùi. Mùi cỏ. Mùi mưa. Mùi áo mưa tôi. Mùi cái kẹo chanh đã tan một nửa trong miệng. Tôi hít một hơi dài, thế là tất cả các mùi nhập vào nhau làm một. Tôi quay lại kiểm tra xung quanh mình lần nữa, nhưng chẳng có ai. Lắng tai nghe, tôi bắt được tiếng đùng đục của cánh quạt trực thăng ở xa xa. Ai kia đang ngồi trên đó, bay trên những đám mây. Nhưng ngay cả âm thanh đó cũng lặng dần, tĩnh mịch lại bao trùm.

Rào mắt cáo bao quanh ngôi nhà không người ở có một cánh cổng cũng mắt cáo. Tôi thử đẩy. Nó mở ra dễ dàng đến mức hầu như khiến mình mất hứng, như thể nó giục tôi vào vậy. "Không sao đâu, cứ đi thẳng vào", dường như nó bảo tôi thế. Tuy nhiên, không cần phải học luật tám năm trời tôi cũng biết rằng đường đột vào nhà người khác, cho dù nhà không người ở, là phạm pháp. Nếu một người hàng xóm phát hiện thấy tôi trong căn nhà không người ở và báo cảnh sát, họ sẽ xộc tới tra hỏi ngay. Tôi sẽ nói rằng tôi đi tìm mèo; nó đi đâu mất, tôi đang tìm nó khắp các nhà hàng xóm. Họ sẽ yêu cầu cho biết địa chỉ và nghề nghiệp. Tôi sẽ phải bảo họ tôi đang thất nghiệp. Họ sẽ chỉ càng nghi ngờ hơn. Gần đây cảnh sát đang lo sốt vó về những tên khủng bố cánh tả; họ đinh ninh rằng chúng nhan nhản khắp nơi ở Tokyo, chúng giấu hàng kho súng và lựu đạn tự chế. Họ sẽ gọi điện đến văn phòng Kumiko để kiểm chứng những gì tôi nói. E rằng Kumiko sẽ rất buồn phiền.

Thế nhưng tôi vẫn vào. Vào rồi khép cổng lại sau lưng. Chuyện gì tới, cứ tới. Nếu chuyện gì đó muốn xảy ra, cứ để nó xảy ra.

Tôi băng qua vườn, nhìn kỹ xung quanh. Đôi giày tennis của tôi giẫm lên cỏ vẫn êm ru như mọi khi. Có vài cây ăn trái thâm thấp mà tôi không biết tên, và một bãi cỏ khá rộng. Cỏ đã mọc qua cao, trùm lấp mọi thứ. Những dây trường xuân xấu xí bò kín lên hai trong số các cây ăn quả như thể muốn siết cho chết ngạt. Hàng cây bụi dọc bờ rào đã biến thành màu trắng ma quái do bị phủ một lớp trứng côn trùng. Một con ruồi nhỏ ngoan cố kêu vù vù bên tai tôi hồi lâu.

Băng qua bức tượng đá, tôi đi đến chỗ một chồng ghế nhựa trắng dưới mái hiên. Chiếc ghế trên cùng bụi đóng dày, nhưng chiếc ngay bên dưới thì không đến nỗi quá bẩn. Tôi lấy tay phủi bụi rồi ngồi lên. Cây dại mọc um tùm giữa nơi này với hàng rào khiến người ta không thể nhìn thấy tôi từ ngoài ngõ, hàng hiên thì cho tôi trú mưa. Tôi ngồi, vừa huýt sáo vừa ngắm khu vườn đang hứng cơn mưa lâm thâm. Thoạt tiên tôi không biết mình đang huýt sáo bản gì, nhưng rồi tôi nhận ra đó là giai điệu vở Chim ác là ăn cắp của Rossini, chính giai điệu mà tôi đang huýt sáo khi người đàn bà kỳ lạ nọ gọi điện lúc tôi đang nấu dở món spaghetti.

Ngồi trong vuờn thế này, chung quanh không có một ai, nhìn bãi cỏ và con chim đá, huýt sáo (tồi) một giai điệu, tôi có cảm giác mình trở lại thời thơ ấu. Tôi đang trốn ở một nơi không ai nhìn thấy được. Điều đó khiến tôi yên lòng. Tôi thấy như mình vừa ném một hòn đá- nhỏ thôi cũng được - vào cái đích nào đó. Con chim đá hẳn là một cái đích tốt. Hòn đá sẽ đập vào con chim vừa đủ mạnh để nghe một tiếng "cạch" nhỏ. Hồi nhỏ tôi rất hay chơi một mình như vậy. Tôi dựng một cái hộp rỗng, lùi lại, ném đá vào cho đến khi hộp đầy. Tôi có thế chơi như vậy hàng giờ. Tuy nhiên, lúc này dưới chân tôi chẳng có hòn đá nào. Thì thôi vậy. Trên đời này có chốn nào để mình cần gì là có nấy đâu.

Tôi co chân lại, gập đầu gối, kê cằm lên bàn tay. Rồi tôi nhắm mắt. Vẫn tuyệt không tiếng động. Bóng tối đằng sau đôi mí mắt khép lại của tôi giống như một bầu trời đầy mây, chỉ có điều màu xám sẫm hơn. Cứ mỗi năm phút ai đó lại đến tô lên màu xám đó một màu xám có sắc độ khác đi một chút, pha chút vàng, xanh lục hoặc đỏ. Tôi ngạc nhiên thấy màu xám lại có nhiều sắc độ đến vậy. Chỉ cần ngồi yên nhắm mắt khoảng mười phút thôi là sẽ mở ra vô vàn sắc độ màu xám ấy.

Trong khi lần giở cuốn sách gồm các mẫu màu xám ấy, tôi lại bắt đầu huýt sáo, trong đầu không nghĩ đến một điều gì.

- Này, - ai đó nói.

Tôi mở bừng mắt. Tựa người lên một tay, tôi nhổm dậy cố nhìn thấy cánh cổng qua ngọn các bụi cây. Cổng mở. Mở toang. Ai đó đã theo tôi vào vườn. Tim tôi đập thình thịch.

- Này, - ai đó lại lên tiếng. Giọng nữ. Người đó bước ra từ sau bức tượng và bước về phía tôi. Đó à cô bé đã tắm nắng trong sân phía bên kia ngõ. Cô bé vẫn mặc áo phông hiệu Adidas màu xanh nhạt và quần soóc. Và cô ta vẫn đi hơi khập khiễng. Điều duy nhất khác lần trước là cô ta đã gỡ kính râm.

- Anh làm gì ở đây? - cô ta hỏi.

- Đi tìm con mèo, - tôi đáp.

- Thật không đấy? Em có thấy thế đâu. Anh chỉ ngồi đây mà huýt sáo, mắt thì nhắm tịt lại. Ai lại đi tìm con mèo kiểu ấy?

Tôi cảm thấy mình đỏ mặt.

- Với em thì thế nào cũng được, - cô nói tiếp, - nhưng nhỡ ra ai đó không biết anh mà nhìn thấy anh, họ sẽ nghĩ anh là một tên đồi bại. Anh không phải là kẻ đồi bại chứ?

- Chắc là không, - tôi đáp.

Cô bé lại gần, săm soi rất kỹ chồng ghế nhựa rồi chọn một chiếc không quá bẩn, lại nghiên cứu cẩn thận thêm hồi nữa rồi mới đặt nó xuống cỏ mà ngồi lên.

- Mà anh huýt sáo thì thật kinh quá, - cô nói. - Em không biết là bản gì, nhưng chả có giai điệu gì sất. Anh không phải là gay ấy chứ?

- Chắc là không. Sao em hỏi vậy?

- Có người bảo em dân gay huýt sáo rất tồi. Có đúng không?

- Ai biết được?

- Nhưng dù anh có là gay hay kẻ đồi bại thì với em cũng thế thôi. Mà này, tên anh là gì? Em chả biết gọi anh thế nào cả.

- Okada Toru.

Cô bé nhẩm lại cái tên tôi mấy lần.

- Tên cũng làng nhàng thôi phải không?

- Nói thế nào nhỉ? Lúc nào anh cũng nghĩ tên mình nghe như tên của ông Bộ trưởng Ngoại giao thời trước chiến tranh: Okada. Đúng không?

- Chuyện đó có nói em cũng chẳng hiều gì đâu. Sử là môn em chúa ghét; em học môn ấy kém nhất mà. Nhưng thôi. Mà này, anh có biệt danh nào không? Cái tên nào dễ hơn là Okada Toru ấy?

Tôi không nhớ nổi mình đã bao giờ có biệt danh hay chưa. Cả đời chưa một lần nào. Sao thế nhỉ?

- Anh chả có biệt danh nào cả, - tôi đáp.

- Không hề cơ á? "Gấu" chẳng hạn? Hay "Ếch"?

- Không.

- Thôi thì nghĩ ra cái tên nào đó vậy?

- Chim vặn dây cót, - tôi nói.

- Chim vặn dây cót? - cô bé há hốc mồm nhìn tôi. - Nó là giống gì vậy?

- Con chim vặn dây cót ấy mà, - tôi nói. - Sáng nào nó cũng vặn dây cót trên ngọn cây. Nó vặn dây cót mùa xuân thời gian. Két...két...

Cô bé vẫn nhìn tôi trân trân.

Tôi thở dài.

- Chợt nảy ra trong đầu anh thế thôi, - tôi nói. - Chẳng nghĩ được gì hơn. Con chim ấy ngày nào cũng bay qua nhà anh rồi đậu lên ngọn cây nhà hàng xóm mà kêu Kétkéééét. Nhưng chẳng ai nhìn thấy nó cả.

- Thôi cũng được. Em sẽ gọi anh là Chim vặn dây cót. Gọi cũng líu lưỡi chứ chẳng không, nhưng so với Okada Toru thì vẫn tốt chán.

- Cám ơn em.

Cô kéo chân lên ghế, tựa cằm lên hai đầu gối.

- Còn em tên gì? - tôi hỏi.

- Kasahara May. May... như là tháng Năm trong tiếng Anh ấy mà.

- Em sinh vào tháng Năm à?

- Còn phải hỏi! Có ai sinh vào tháng Sáu mà tên là tháng năm, thiên hạ họ cười cho.

- Em nói có lý. Chắc em vẫn chưa đi học?

- Em ngắm anh từ lâu lắm rồi, - cô đáp, lờ đi câu hỏi của tôi. - Từ phòng em. Em dùng ống nhòm. Em thấy anh đi qua cổng. Em luôn có một cái ống nhòm trong tầm tay, để quan sát những gì xảy ra trong ngõ. Chắc là anh không biết: ở đây có đủ loại người lai vãng. Mà không chỉ người. Cả thú vật nữa. Nãy giờ ở đây một mình anh làm cái gì vậy?

- Có gì đâu? Thư giãn một chút. Ngẫm ngợi về quá khứ. Huýt sáo.

Kasahara cắn móng tay.

- Anh lạ lắm, - cô nói.

- Anh chả có gì lạ cả. Ai người ta cũng làm vậy.

- Có thể, nhưng chẳng ai lại đi sang nhà hàng xóm để làm việc ấy ngoài anh ra. Nếu muốn thư giãn, nhớ về quá khứ và huýt sáo thì ngồi ở vườn nhà mình cũng được mà.

Cô ta hoàn toàn có lý.

- Này, thế Wataya Noburu vẫn chưa về nhà à?

Tôi lắc đầu.

- Chắc là sau hôm trước em cũng không thấy nó lần nào phải không?

- Không, em cũng đang tìm nó đây. Mèo nâu, vằn như lông cọp, chóp đuôi hợi quặp, đúng không?

Cô ta rút trong túi quần ra một gói Hope rồi châm một điếu. Rít vài hơi xong, cô nhìn thẳng vào tôi mà nói:

- Dạo gần đây anh có rụng tóc một chút phải không?

Tay tôi bất giác đưa lên vuốt phía sau đầu.

- Không phải ở đó, đồ ngốc. Tóc đằng trước kia mà. Anh có nhận thấy là nó mọc cao hơn bình thường một ít không?

- Anh chả thấy gì cả.

- Em thì có. Anh sẽ bị hói ở chỗ đó đấy. Tóc trên trán anh ngày càng lùi lên cao hơn, như thế này này. - Cô túm một nắm tóc của trán mình mà kéo ngược ra sau rồi chìa cái trán trần trụi ra trước mặt tôi. - Anh phải để ý đấy.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách