Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 11354|Trả lời: 73
Thu gọn cột thông tin

[Thơ] Lục Vân Tiên | Nguyễn Đình Chiểu

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 11-9-2011 11:02:18 | Xem tất |Chế độ đọc


Tên tác phẩm: Lục Vân Tiên
Tên tác giả: Nguyễn Đình Chiểu
Thể loại: Truyện thơ
Độ dài: 2082 câu thơ
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Nguồn tác phẩm: RFVIET.COM

I - Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)

Ộng sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Ông xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy (người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; nay là xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833, cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.

Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.

Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu (1849). Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc. Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.

Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835-1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy... Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.

Khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất. Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.

II - Tác phẩm:

Lục Vân Tiên (陸雲僊) là một tác phẩm truyện thơ nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19 và được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889. Đây là một trong những sáng tác có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam.

Truyện Lục Vân Tiên (mà người miền Nam thường gọi là thơ Lục Vân Tiên) là một cuốn tiểu thuyết về luân lý, cốt bàn đạo làm người với quan niệm văn dĩ tải đạo. Tác giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường - đạo nghĩa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-9-2011 11:24:28 | Xem tất
Lục Vân Tiên Vào Truyện


1..Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
    Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
5..Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
    Có người ở quận Đông Thành
Tu nhân tích đức, sớm sinh con hiền
    Đặt tên là Lục Vân Tiên
10..Tuổi vừa hai tám, nghề chuyên học hành
    Theo thầy nấu sử sôi kinh
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao
    Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm ba lược, sáu thao ai bì...

Chú thích:

1. Truyện Tây Minh: chuyện không rõ lai lịch, hoặc một tiểu thuyết cũ của Trung Quốc, hoặc là tác giả bịa ra, đó còn là một điều nghi vấn. Xét trong sách Tính - lý, Tây Minh là một bài triết là do Trương Tái nhà nho học đời Tống soạn ra, luận về đạo hiếu và đạo nhân, có lẽ Nguyễn Ðình Chiểu mượn đầu đề ấy mà đặt tên cho truyện để nêu cao cái bản lĩnh hiếu và nhân của Lục Vân Tiên, mà tựu trong là phản ánh cái bản lĩnh của mình.
4. Dữ răn việc trước, lành dè thân sau: câu này ý nói là người nghe nên trông gương nhân vật trong chuyện mà răn sợ điều lành đạ hưởng phúc yên về sau.
6. Trau mình: sửa mình (tiếng miền Nam). Trau có nghĩa là làm cho tốt hơn, đẹp hơn.
7. Ðông Thành: tên một huyện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Những địa danh trong truyện Lục Vân Tiên không chắc chắn là chỉ những địa điểm ở Trung Quốc. Ở tỉnh An Giang (Châu Đốc) xưa kia cũng có Ðông Thành và con sông Ðông Thành.
8. Tu nhân tích đức: sửa điều nhân, chứa điều đức, nghĩa là làm cho lòng thương người, trí làm lành của mình ngày càng tăng thêm.
11. Nấu sử sôi kinh: học kinh và sử nhiều lần cho thật chín.
13. Khởi phụng đằng giao: con phượng trỗi dậy, con rồng bay cao, chỉ văn chương xuất sắc lỗi lạc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-9-2011 12:32:32 | Xem tất
Vân Tiên Tạ Thầy Về Đi Thi


15..Xảy nghe mở hội khoa thi,
Vân Tiên vào tạ tôn sư xin về:
    "Bấy lâu cửa thánh dựa kề,
Đã tươi khí tượng lại xuê tinh thần.
    Nay đà gặp hội phong vân.
20..Ai ai mà chẳng lập thân buổi này.
    Chí lăm bắn nhạn ven mây,
Danh tôi, đặng rạng, tiếng thầy bay xa.
     Làm trai trong cõi người ta,
Trước lo báo bổ sau là hiển vang."
25..Tôn sư bàn luận tai nàn,
Gẫm trong số hệ khoa tràng còn xa.
     Máy trời, chẳng dám nói ra,
Xui thầy thương tớ xót xa trong lòng.
     Sau dầu tỏ nỗi đục trong,
30..Phải toan một phép để phòng hộ thân:
     "Rày con xuống chốn phong trần,
Thầy cho hai đạo phù thần, đem theo.
     Chẳng may mà gặp lúc nghèo,
Xuống sông cũng vững, lên đèo cũng an."


Chú thích:

16. Tôn sư (si): thầy học đáng kính trọng. Chữ sư chính âm đọc là chữ si, ta đọc chệnh ra sư.
17. Cửa thánh: chỉ trường học đạo thánh, cũng như cửa Khổng.
18. Khí tượng: Nghĩa cũ: cái khí thế, cái dáng cách biểu hiện ra bên ngoài. Nghĩa mới: hiện tượng của không khí, như mưa gió, nóng lạnh v.v... Ðây dùng nghĩa cũ. Xuê: xinh tốt, đẹp đẽ (tiếng miền Nam). ý Vân Tiên nói: những đạo đức và nghề văn nghề võ mà thầy trau dồi cho bản thân tôi nó đã dành chứa ở phần tinh thần bên trong và biểu lộ ra phần khí tượng bên ngoài một cách tốt tươi.
20. Lập thân: lo cho thành người có sự nghiệp giúp dân giúp nước.
21. Ven: bên, quyết bắn nhạn bên mây, nghĩa là muốn trổ tài để thỏa chí.
22. Tôi: đây có nghĩa là học trò. Tác giả dùng chữ "tôi", tớ để chỉ học trò trong câu: Thầy đeo đoạn thảm tớ vương mối sầu.
29. Ðục trong: dịch chữ Hán thường: thanh trọc, những thói hay dở ở đời. Trong truyện Lục Vân Tiên cũng như trong những văn thơ khác, Nguyễn Ðình Chiểu thường dùng hai chữ đục, trong để hình dung một cách cụ thể đạo đức nhân nghĩa (trong) và bất nhân bất nghĩa (đục).
31. Phong trần: gió bụi. Danh từ này có ba nghĩa: 1) chỉ cõi đời rối ren hỗn tạp; 2) chỉ cảnh lữ khách gian khổ hay nói chung sự gian khổ ở đời; 3) chỉ việc giặc giã loạn lạc. Ở đây dùng chỉ cõi đời rối ren, phức tạp và gian khổ.
32. Phù thần: đạo bùa thiêng để hổ mệnh.
33. Nghèo: hiểm nghèo, nguy hiểm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-9-2011 12:58:20 | Xem tất
Vân Tiên Lo Sợ Cho Tương Lai


35..Tôn sư trở lại hậu đàng,
Vân Tiên ngơ ngẩn lòng càng sanh nghi:
    "Chẳng hay mình mắc việc chi?
Tôn sư người dạy khoa kỳ còn xa?
    Hay là bối rối việc nhà?
40..Hay là đức bạc hay là tài sơ?
    Bấy lâu lòng những ước mơ,
Hội này chẳng gặp còn chờ hội nao?
    Nên hư chẳng biết làm sao,
Chi bằng hỏi lại lẽ nào cho minh.
45..Đặng cho rõ nỗi sự tình,
Ngỏ sau ngàn dặm đăng trình mới an."

    Tôn sư ngồi hãy thở than,
Ngó ra trước án thấy chàng trở vô.
"Sao chưa cất gánh trở vô việc gì?
50..Hay là con hãy hồ nghi,
Thầy bàn một việc khoa kỳ ban trưa?"

    Vân Tiên nghe nói liền thưa:
"Tiểu sinh chưa biết nắng mưa buổi nào?
    Song đường, tuổi hạc đã cao",
55..Xin thầy nói lại âm hao, con tường."

    Tôn sư nghe nói thêm thương,
Dắt tay ra chốn tiền đường xem trăng,
    Nhân cơ tàng sự, dặn rằng:
"Việc người chẳng khác việc trăng trên trời.
60..Tuy là soi khắp mọi nơi,
Khi mờ, khi tỏ, khi vơi, khi đầy.
    Sao con chẳng rõ lẽ nầy,
Lựa là con phải hỏi thầy làm chi?
    Số con hai chữ khoa kỳ,
65..Khôi tinh đã rạng, Tử vi thêm lòa.
    Hiềm vì ngựa chạy đường xa,
Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan.
    Bao giờ cho tới Bắc phương,
Gặp chuột ra đàng, con mới nên danh.
70..Sau dầu đặng chữ hiển vinh,
Mấy lời thầy nói tiến trình chẳng sai.
    Trong cơn bĩ cực thái lai,
Giữ gìn cho vẹn việc ai chớ sờn."

    Vân Tiên vội vã tạ ơn,
75..Trăm năm dốc giữ keo sơn một lời.
    Ra đi vừa rạng chân trời,
Ngùi ngùi ngó lại nhớ nơi học đường.
    Tiên rằng: "Thiên cát nhất phương,

Thầy đeo đoạn thảm, tơ vương mối sầu.
80..Quản bao thân trẻ dãi dầu,
Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên.
     Bao giờ cá nước gặp duyên,
Đặng cho con thảo phi nguyền tôi ngay.


Chú thích:

35. Tôn sư (si): thầy học đáng kính trọng. Chữ sư chính âm đọc là chữ si, ta đọc chệnh ra sư.
38. Khoa kỳ: kỳ thi cử. Ðây nói thời kỳ thi đỗ.
40. Ðức bạc: đức mỏng, không được bao nhiêu; Tài sơ: sơ là thô sơ, ý nói không giỏi.
44. Minh: Rõ ràng.
46. Ðăng trình: lên đường.
48. Án: Bàn đọc sách.
53. Tiểu sinh: học trò nhỏ tuổi, tiếng xưng hô khiêm tốn.
54. Tuổi hạc: Hạc là loài chim sống lâu, tiêu biểu tuổi già.
55. Âm hao: Tin tức.
57. Tiền đường: nhà trước, nhà trên.
58. Nhân cơ tàng sự: nhân cơ hội coi trăng mà ngụ ý việc người trong lời nói bí ẩn để chỉ bảo Vân Tiên.
66. Ngựa chạy đường xa: ý nói thân thế Vân Tiên còn phải trải nhiều gian khổ, như con người, như con ngựa còn phải chạy hoài trên khoảng đường xa.
68. Bắc phương: phương Bắc, tính theo thập can, thuộc về \"nhâm\" và \"quý\". Bắc phương gặp chuột: tức \"nhâm\" gặp \"tí\", ám chỉ năm \"nhâm tí\". Mấy câu này cụ thể hóa \"máy trời\" và việc coi trăng mà Vân Tiên chưa hiểu rõ. Ðại ý là: Vân Tiên tuổi ngọ, cái tuổi còn nhiều vận hạn, đến năm Mão học thành tài đi lập công danh, nhưng năm dậu gặp tai nạn, phải đến năm Nhâm Tí mới công danh trọn vẹn. Ðối chiếu với tiểu sử Nguyễn Ðình Chiểu thì năm sinh nhằm năm Nhâm Ngọ (1822, tuổi ngựa), năm thi đỗ là Quý Mão (1843, Thỏ vừa ló bóng), năm bị mù là Kỷ Dậu (1849 - gà đã gáy tan), đúng với sự việc trong mấy câu này. Trong Lục Vân Tiên, tác giả đã tự thuật thân thế mình.
71. Tiến trình: bước đường trước mắt, tức là tương lai.
72. Bĩ cực thái lai: cái cùng đến hết mức thì cái thông trở lại, hết khổ đến sướng.
73. Việc ai chớ sờn: chớ sờn lòng về việc làm của người đời (ám chỉ những việc lừa đảo, bất nhân của Trịnh Hâm và Võ Công sau này).
75. Keo sơn: hai chất dẻo, dính dùng để gắn đồ vật. Người ta thường dùng để chỉ sự bẳn chặt khăng khít trong tình bạn bè. Ở đây có nghĩa là gắn bó đinh ninh.
78. Thiên các nhất phương: mỗi người một phương.
81. Tử Lộ: tên của Trọng Do, một hiền triết đời Xuân thu, học trò Khổng Tử, nhà nghèo, thường đội gạo thuê, lấy tiền nuôi mẹ.
82. Cá nước: Chỉ sự gặp gỡ mà tương đắc với nhau, như cá với nước. Ở đây chỉ sự thi đỗ, công danh thành đạt.
83. Phi nguyền: thỏa lòng. Cả hai câu ý nói: biết bao giờ cá nước gặp duyên, công danh thành toại, để con người trung hiếu sẽ làm rạng rỡ gia đình và thỏa chí giúp vua giúp nước.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 12-9-2011 19:11:20 | Xem tất
Vân Tiên lên đường gặp lũ Sơn Đài



85..Kể từ lướt dặm tới nay,
Mỏi mê hầu đã mấy ngày xông sương.
    Đoái nhìn phong cảnh thêm thương,
Vơi vơi dặm cũ nẻo đường còn xa.
    Chi bằng kiếm chốn lân gia,
90..Trước là tìm bạn sau là nghỉ chân.
  Việc chi than khóc tưng bừng,
Ðều đem nhau chạy vào rừng lên non
    Tiên rằng: "Bớ chú cõng con!",
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài
95..Dân rằng: "Tiểu tử là ai?"
"Hay là một đảng sơn đài theo tao?"
    Tiên rằng: "Cớ sự làm sao,
"Xin ngừng vài bước sẽ trao một lời."
    Dân nghe tiếng nói khoan thai,
100..Kêu nhau đứng lại bày lời phân qua:
    "Nhân rày có đảng lâu la,
"Tên là Đỗ Dự, hiệu là Phong Lai."
    "Nhóm nhau ở chốn sơn đài,
"Người đều sợ nó có tài khôn đương.
105.."Bây giờ xuống cướp thôn hương,
Thấy con gái tốt qua đường bắt đi
    "Xóm làng chẳng dám nói chi,
"Cảm thương hai gã nữ nhi mắc nàn!"
    "Con ai vóc ngọc mình vàng,
110.."Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng"
     E khi mắc đảng hành hung
Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu
     Thôi thôi chẳng dám nói lâu
Chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình
115..Vân Tiên nổi giận lôi đình
Hỏi thăm:"lũ nó còn đình nơi nao?"
    "Tôi xin ra sức anh hào",
"Cứu người cho khỏi lao đao buổi này."
    Dân rằng: "Lũ nó còn đây,"
120.."Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành."
    "E khi hoạ hổ bất thành,"
"Khi không mình lại xô mình vào hang."
     Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
125..Kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ!"
"Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân."
    Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
"Thằng nào lại dám lẫy lừng vào đây."
    "Trước gây việc dữ tại mầy,"
130.."Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng."
    Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.
    Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
135..Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.


Chú thích:

85. Lướt dặm: rời bước trên dặm đường.
86. Xông sương: xông pha sương gió.
88. Vơi vơi: nghĩa chính của tiếng Bắc là cạn bớt, cạn dần dần, hơi vơi. Ở đây,tác giả dùng theo tiếng miền Nam, nghĩa là "thăm thẳm. Ở câu 234 "Dặm dài vơi vơi", câu 279 " vơi vơi đất rộng trời dài" dưới đây cũng như ở câu này, chữ "vơi vơi" đẳu dùng với nghĩa thăm thẳm, mênh mông. Dặm cũ: tức dặm đường về nhà.
89. Lân gia: nhà hàng xóm. Ðây nói nhà ở gần đó.
95. Tiểu tử: chú bé. Nhân dân thấy Vân Tiên ít tuổi nên gọi là như thế.
96. Sơn đài: bọn cướp ở núi. Có lẽ trên quả núi mà bọn cướp ở có cái đài, nên gọi là sơn đài.
100. Phân qua: bày tỏ qua.
105. Thôn hương: thôn làng.
110. Lạnh lùng: tiếng miền Nam, ý nói dung nhan rất đẹp.
112. Thục nữ: người con gái có đức hạnh tốt, đoan chính dịu dàng; Thất phu: kẻ tầm thường, đâu là kẻ hèn mọn, thô bỉ.
114. Âu: tức ưu, là lo. Chữ này là chính âm là ưu, ta đọc chệch là ưu.
115. Lôi đình: sấm sét.
116. Ðình: dừng lại.
120. Qua, bậu: tiếng miền Nam "qua" là ta, "bậu" là người, mày.
121. Họa hổ bất thành: vẽ hổ không nên hình. Ðây nói: Vân Tiên muốn giúp người, nhưng e rằng làm không nên việc, lại gặp tai nạn.
126. Hồ đồ: lờ mờ, không rõ ràng. Ðây nói không nghĩa lý chính đáng.
130. Bịt bùng: kín mít.
131. Tả đột, hữu xông: đánh vào bên trái, xông sang bên phải. Tung hoành trong trận.
132. Triệu Tử: chàng họ Triệu. Triệu Vân tên là Tử Long, một tướng tài của Lưu Bị đời Tam quốc, một mình phá vòng vây của Tào Tháo ở trận Ðương Dương bảo vệ được A Ðẩu là con nhỏ của Lưu Bị.
136. Thân vong: thân mạng mất đi, tức là chết, nghĩa giống như chữ "mạng vong". Ðây nói là chết bỏ thân.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 12-9-2011 19:39:20 | Xem tất
Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga



    Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi: "Ai than khóc ở trong xe này?"
    Thưa rằng: "Tôi thiệt người ngay,
140."Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.
    "Trong xe chật hẹp khôn phô,
Cúi đầu trăm lạy, cứu cô tôi cùng."
    Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: "Ta đã trừ dòng lâu la."
145."Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
    Tiểu thư con gái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ.
    "Chẳng hay tên họ là chi?"
150."Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
    Trước sau chưa hãn dạ nầy,
Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra?"
    Thưa rằng: "Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tỳ tất tên là Kim Liên."
155."Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
    Sai quân đem bức thư về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
    Làm con đâu dám cãi cha,"
160.Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành!
    Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.
    Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
165."Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa:
    "Chút tôi liễu yếu đào thơ,
Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.
    Hà Khê qua đó cũng gần
170."Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.
    Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền không có, bạc vàng cũng không.
    Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi."
175.Vân Tiên nghe nói liền cười:
"Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
    Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì?
    Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
180.Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
    Đó mà biết chữ thủy chung,
Lựa là đây phải theo cùng làm chi."
    Nguyệt Nga biết ý chẳng đi,
Hỏi qua tên họ một khi cho tường.
185.Thưa rằng: "Tiện thiếp đi đường,
Chẳng hay quân tử quê hương nơi nào?"
    Phút nghe lời nói thanh tao,
Vân Tiên há nỡ lòng nào phôi pha:
    "Đông thành vốn thiệt quê ta,
190.Họ là Lục thị, tên là Vân Tiên."


Chú thích:

141. Khôn phô: Phô là bày ra. Ý nói trong xe chật hẹp, không để đứng lên để là lễ chào được.
148. Mang tai bất kỳ: thình lình gặp tai nạn.
150. Khuê môn: (quê môn) cửa phòng con gái. Chữ khuê chính là âm quê (chữ khuê là sao khuê cũng thế). Khuê môn phận gái: việc của con gái là chỗ buồng the, không đi ra ngoài.
151. Chưa hãn dạ nầy: tức dạ này chưa hãn, văn đặt đảo ngược. Hán chưa rõ (tiếng miền Nam). Ðây Vân Tiên nói: Lòng này nghi hoặc, chưa rõ sự tình thế nào?
154. Tỳ tất: đầy tớ gái.
155. Tây xuyên: tên một tỉnh xưa ở phía Tây tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), ở tỉnh An Giang (Châu Ðốc) nước ta xưa cũng có quận Tây Xuyên.
158. Nghi gia: chính nghĩa là hòa thuận cửa nhà (nói người con gái khi về làm dâu). Ðây chỉ việc lập gia đình, lấy chồng.
161. Bất bình: không thường, việc xảy ra trái ý mình.
162. Hay vầy: biết như thế này (thường dùng ở miền Nam); Ðăng trình: lên đường, cũng như thượng trình.
165. Quân tử: người có tài đức hơn người. Trong khi xưng hô giữa nam với nữ, tiếng quân tử có nghĩa là "chàng" như "Trách người quân tử bạc tình" (Ca dao) "Ðã lòng quân tử đa mang" (Truyện Kiều).
167. Chút tôi: cái tôi nhỏ, cũng như tiếng chút thân, chút phận, cách nói khiêm tốn.
168. Ðã phần: đã là phần của tôi.
169. Hà Khê: trong nguyên từ điển Trung Quốc không có địa danh này. Ở tỉnh Hà Tiên nước ta trước kia có những huyện Hà Châu, Hà Âm, Hà Dương. Có thể Nguyễn Ðình Chiểu đã dựa vào những tên ấy đã đặt ra tên Hà Khê chăng?
173. Báo đức thù công: đáp ơn đức, trả công lao.
179. Kiến ngãi (nghĩa)bất vi: thấy việc nghĩa không làm. Sách Luận ngữ có câu: "Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã", nghĩa là thấy việc nghĩa không làm, không phải là người mạnh vậy.
180. Phi anh hùng: chẳng phải anh hùng.
185. Tiện thiếp: người đàn bà hèn mọn. Tiếng xưng hô khiêm tốn của phụ nữ ngày xưa. Những danh từ quân tử và tiện thiếp chỉ thường dùng trong văn thư cổ.
187. Thanh tao: trong trẻo.
188. Phôi pha: nhạt đi, phai đi, kém vẻ đằm thấm, nhạt nhẽo lãnh đạm.
190. Lục thị: họ Lục
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 12-9-2011 20:41:18 | Xem tất
Vân Tiên, Nguyệt Nga Trao Đổi Tín Vật



    Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên,
Tai nghe lời nói tay liền rút trâm.
    Thưa rằng: "Nay gặp tri âm,
Xin đưa một vật để cầm làm tin".
195.Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn
Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na:
    "Vật chi một chút gọi là,
Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ
    Của này là của vất vơ,
200.Lòng chê cũng phải, mặt ngơ sao đành!"
    Vân Tiên khó nổi làm thinh,
Chữ ơn buộc lại chữ tình lây dây.
    Than rằng: "Đó khéo trêu đây,
Ơn kia đã mấy, của nầy rất sang"
205."Đương khi gặp gỡ giữa đàng,
Một lời cũng nhớ, ngàn vàng chẳng phai.
     Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,
Nào ai chịu lấy của ai làm gì,"
     Thưa rằng: "Chút phận nữ nhi,
210.Vốn chưa biết lẽ có khi mất lòng.
     Ai dè những đấng anh hùng,
Thấy trâm thôi lại thẹn thùng cùng trâm."
     Riêng than:" Trâm hỡi là trâm!"
"Vô duyên chi mấy ai cầm mà mơ?"
215."Đưa trâm chàng đã làm ngơ,
Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ."
     Vân Tiên ngó lại rằng: "Ừ,
Làm thơ cho kịp bấy chừ chớ lâu."
     Nguyệt Nga ứng tiếng xin hầu,
220.Xuống tay liền tả tám câu năm vần.
     "Thơ rồi này thiếp xin dâng,
Ngửa trông lượng rộng văn nhân thể nào?"
     Vân Tiên xem thấy ngạt ngào,
Ai dè sức gái tài cao bực nầy.
225."Đã mau mà lại thêm hay,
Chẳng phen Tạ nữ, cũng tày Từ phi."
     Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ,
Cho hay tài gái kém gì tài trai.
     Như vầy ai lại thua ai,
230.Vân Tiên họa lại một bài trao ra.
     Xem thơ biết ý gần xa,
Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai.
     Có câu xúc cảnh hứng hoài,
Đường xa vòi vọi, dặm dài vơi vơi.
235.Ai ai cũng ở trong trời,
Gặp nhau ta đã cạn lời thời thôi.


Chú thích:

191. Thuyền quyên: cái trạng thái tốt đẹp dễ coi, nói chung cả người và vật (như hoa, cây, trăng v.v...). Ta thường dùng để chỉ người "phụ nữ đẹp" hay người "phụ nữ" nói chung.
193. Tri âm: hiểu biết tiếng đàn. Nghĩa rộng là người biết mình, hiểu rõ mình, người bạn chí tình.
196. Thìn: tiếng miền Nam cũng như giữ gìn.
206. Một lời cũng nhớ, ngàn vàng chẳng phai: câu này đại là giữa đường gặp nhau, nếu lấy tình nghĩa, thì một lời nói, cũng đủ ghi nhớ mãi mãi, dù đem ngàn vàng nữa, cũng không làm phai nhạt được.
211, 212: Ai dè... Thấy trâm...: Hai câu này nói: dè đâu gặp người anh hùng, cho sự nhìn cây trâm là không chính đáng, nên có ngượng ngùng mà ngơ mặt đi.
218: Chừ: giờ, bây giờ (tiếng miền Nam). Chừ chừ: một loại "tiếng đôi" mà tác giờ hay dùng trong truyện để nhấn mạnh lời nói rõ thêm.
219. Hầu: xin vâng làm thơ hầu Vân Tiên.
220. Xuống tay: do chữ Hán "hạ thủ", nghĩa là bắt tay làm một việc gì. Ðây nói xuống tay làm thơ chép ra giấy; Tám câu năm vần: theo quy tắc thơ Ðường, mỗi bài thể "luật" ngũ ngôn (năm chữ) hay thất ngôn (bảy chữ) đều có tám câu và năm vần.
223. Ngạt ngào: mùi thơm nức lên. Nói lời và tứ thơ, sực nức như mùi hoa thơm, nghĩa là hay lắm.
226. Tạ nữ: Tạ Ðao Uốn, một phụ nữ có thi tài đời Tần. Nàng có câu thơ tả "tuyết" (ví bông tuyết như những bông tơ liễu gặp gió tung lên) được truyền tụng ở đời; Từ phi: Từ Huệ phi vợ Ðường Duệ Tông, giỏi văn chương lên 8 tuổi đã biết làm văn, bà có bài Tiểu Sơn soạn theo thể Ly Tao của Khuất Nguyên, có so tài mình với tài cổ nhân.
227. Dũ xuất dũ kỳ: càng phát ra càng hay lạ.
232. Mai: cây mơ, Ðiểu: chim. Mai điểu là bức tranh thể hiện sự phân phối hợp, đẹp đẽ của hoa với chim. Tác giả khen hai bài thơ xướng họa rất xứng với nhau.
233. Xúc cảnh hứng hoài: xúc cảm trước cảnh mà động lòng thơ.
234. Vơi vơi: thăm thẳm (tác giả dùng theo tiếng miền Nam, xem chú thích ở câu 88).
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-9-2011 18:22:04 | Xem tất
Nguyệt Nga Về Hà Khê



    Vân Tiên từ giã phản hồi,
Nguyệt Nga than thở: "Tình ôi là tình!"
    Nghĩ mình mà ngán cho mình,
240.Nỗi ơn chưa trả, nỗi tình lại vương.
    Hữu tình hai chữ uyên ương,
Chuỗi sầu ai khéo vấn vương vào lòng.
    Nguyện cùng nguyệt lão hỡi ông!
Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an.
245.Hữu tình chi mấy Ngưu Lang,
Tấm lòng Chức nữ, vì chàng mà nghiêng.
    Thôi thôi em hỡi Kim Liên!
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê."
    Trải qua dấu thỏ đàng dê,
250.Chim kêu vượn hú tứ bề nước non.
    Vái trời cho đặng vuông tròn,
"Trăm năm cho trọn lòng son với chàng."
    Phút đâu đã tới phủ đàng,
Kiều công xem thấy lòng càng sanh nghi.
255.Hỏi rằng: "Nào trẻ tùy nhi,
Cớ sao nên nỗi con đi một mình?"
    Nguyệt Nga thưa việc tiền trình
Kiều công tưởng nỗi sự tình chẳng vui.
    Nguyệt Nga dạ hãy ngùi ngùi
260.Nghĩ mình thôi lại sụt sùi đòi cơn:
    "Lao đao phận trẻ chi sờn,
No nao trả đặng công ơn cho chàng."
    Kiều công nghe nói liền can,
Dạy rằng: "Con hãy nghỉ an mình vàng."
265."Khi nào cha rảnh việc quan,
Cho quân qua đó mời chàng đến đây.
    Sao sao chẳng kịp thời chầy,
Cha nguyền trả đặng ơn nầy thời thôi.
    Hậu đường con hãy tạm lui,"
270."Làm khuây dạ trẻ cho vui lòng già"
    Tây lầu trống điểm sang ba
Nguyệt Nga còn hãy xót xa phận mình
    Dời chân ra chốn hoa đình
Xem trăng rồi lại chạnh tình cố nhân.
275. Than rằng: "Lưu thủy cao sơn,
Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm.
    Chữ tình càng tưởng càng thâm"
Muốn pha khó lợt, muốn dầm khôn phai.
    Vơi vơi đất rộng trời dài,
280.Hỡi ai nỡ để cho ai đeo phiền."
    Trở vào bèn lấy bút nghiên,
Đặt bàn hương án chúc nguyền thần linh.
    Làu làu một tấm lòng thành,
Họa ra một bức tượng hình Vân Tiên.
285.Than rằng: "Ngàn dặm sơn xuyên
Chữ ân để dạ, chữ duyên nhuốm sầu."


Chú thích:

241. Uyên ương: một loài chim nước, con đực gọi là uyên, con cái gọi là ương, hai con không rời nhau, lúc nào cũng đi thành đôi... Hình ảnh vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau. Ðây nói tình yêu Nguyệt Nga với Vân Tiên.
243. Nguyệt lão: tức "Nguyệt hạ lão nhân", ông già dưới trăng, một vị thần giữ việc xe duyên vợ chồng (ông tơ). Người ta cũng gọi người làm mối vợ chồng là Nguyệt lão.
244. Vẹn chữ tòng: vẹn đạo làm vợ. Do chữ Hán tam tòng; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) Ðây nói chữ tòng đối với chồng.
245. Ngưu lang: tức Khiên Ngưu lang, chàng chăn trâu (chàng Ngưu).
246.Chức nữ: nàng dệt vải (ả Chức). Theo sách Kinh sở tuế thời kỳ: Chức nữ là con trời (có sách chép là cháu trời) ở bên Ðông sông Ngân Hà làm nghề dệt vải rất siêng năng. Trời thương cảnh nàng cô độc gả cho Khiên Ngưu lang làm nghề chăn trâu ở bên Tây sông Ngân Hà. Từ khi Chức nữ về với Ngưu lang ham mê đường tình ái, chểnh mảng việc canh cửi, Trời phạt, lại bắt về bên Ðông sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ được qua sông gặp nhau một lần, tức đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch (chữ Hán gọi là "thất tịch"). Theo thiên văn của ta thì Khiên Ngưu, Chức nữ là hai ngôi sao bên bờ sông Ngân Hà, mỗi ngôi một bên thường ở cách xa nhau hoặc có khi thấy sao này mà không thấy sao kia, chỉ có đêm mồng bảy mới thấy hai sao gần nhau.
249. Dấu thỏ đàng dê: những đường lối khúc khuỷu khó đi (Ðường dê do chữ Hán dương trường": đường ruột dê, nói đường chật hẹp quanh co như ruột dê).
253. Phủ đàng: phủ đường, dinh thự của tri phủ.
255. Tùy nhi: bọn theo hầu Nguyệt Nga.
261. Chi sờn: Không sợ, không ngại.
262. No nao: tiếng cổ miền Nam, chưa biết lúc nào.
267. Sao sao: Làm sao, làm thế nào (xem chú thích ở câu 218).
271. Tây lầu: lầu phía Tây. Thời xưa trong cung vua hay nhà quan, nam giới thường ở phía Ðông (Ðông cung thái tử) nữ giới thường ở phía Tây (Tây cung thái hậu).
273. Hoa đình: có hai nghĩa: 1. sân có trồng hoa; 2. nhà xây ở giữa vườn để ngồi mát chơi hoa.
274. Cố nhân: người cũ, bạn cũ. Cũng dùng chỉ "chồng cũ", "vợ cũ".
275. Lưu thủy cao sơn: xem chú thích ở câu 193. Hai câu này ngụ nói: cái tâm tình lưu thủy cao sơn của mình, bao giờ được người tri âm biết đến, bao giờ được lại gặp nhau và hiểu nỗi lòng nhau.
283. Làu làu: rất trong sạch.
285. Sơn xuyên: núi sông.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-9-2011 20:19:25 | Xem tất
Vân Tiên gặp gỡ Hớn Minh



    Chuyện nàng sau hãy còn lâu,
Chuyện chàng xin nối thứ đầu nói ra.
    Vân Tiên từ cách Nguyệt Nga,
290.Giữa đường lại gặp người ra kinh kỳ.
    Xa xem mặt mũi đen sì,
Mình cao sồ sộ dị kỳ rất hung.
    Nhớ câu bình thủy tương phùng,
Anh hùng lại gặp anh hùng một khi.
295. Chẳng hay danh tánh là chi?
Một mình mang gói ra đi việc gì?
    Đáp rằng: "Ta cũng xuống thi,
Hớn Minh tánh tự, Ô Mi quê nhà".
    Vân Tiên biết kẻ chính tà,
300.Hễ người dị tướng ắt là tài cao.
    Chữ rằng bằng hữu chi giao,
Tình kia đã gặp lẽ nào làm khuây?
    Nên rừng há dễ một cây
Muốn cho có đó cùng đây luôn dần.
305.Kìa nơi võ miếu hầu gần,
Hai ta vào đó nghỉ chân một hồi.
    Cùng nhau bày tỏ tên rồi,
Hai chàng từ tạ đều lui ra đường.


Chú thích:

288. Thứ: (tiếng miền Nam) lớp tuồng, lớp truyện. Thứ đầu: lớp truyện kỳ đầu, nói kỳ nói chép truyện kỳ đầu.
290. Kinh kỳ: nói chung kinh đô và cả khu đất kế cận chung quanh hàng nghìn dặm. Ðây chỉ kinh đô, thủ đô.
292. Dị kỳ rất hung: nói tướng mạo lạ lùng trông đáng sợ.
293. Bình thủy tương phùng: bèo nước gặp nhau, nói sự gặp gỡ ngẫu nhiên, như bèo trôi theo nước, không định chỗ nào.
298. Tánh tự: họ và tên; Ô Mi: ở Trung Quốc và ở nước ta đều không có địa danh này nhưng tỉnh An Giang (Châu Ðốc) có cù lao Ô Châu, có sông Ô Môn và có làng đánh cá Ô Môn.
301. Bằng hữu chi giao: cái tình giao kết giữa bạn bè với nhau.
305. Võ miếu: miếu thờ một vị thần quan võ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-9-2011 18:00:28 | Xem tất
Hớn Minh đi trước, Vân Tiên về thăm nhà



    Hớn Minh đi trước tựu trường,
310.Vân Tiên còn hãy hồi hương viếng nhà.
    Mừng rằng: "Nay thấy con ta,
Cha già hằng tưởng mẹ già luống trông."
    Bấy lâu đèn sách gia công,
"Con đà nên chữ tang bồng cùng chăng?"
315.Vân Tiên quỳ lạy thưa rằng:
"Chẳng hơn người cổ, cũng bằng người kim."
    "Dám xin cha mẹ an tâm,
Cho con trả nợ thanh khâm cho rồi."
    Mẹ cha thấy nói thêm vui,
320.Lại lo non nước xa xôi ngàn trùng.
    Cho theo một đứa tiểu đồng,
Thư phong một bức dặn cùng Vân Tiên:
    Xưa đà định chữ lương duyên,
Cùng quan hưu trí ở miền Hàn Giang.
325.Con người là Võ Thể Loan,
Tuổi vừa hai bảy dung nhan mặn mà.
    Chữ rằng Hồ Việt nhất gia,
Con đi tới đó trao qua thư này.
    Con dầu bước đặng thang mây,
330.Dưới chân đã sẵn một dây tơ hồng.
    Song thân dạy bảo vừa xong,
Vân Tiên cùng gã tiểu đồng dời chân.
    Ra đi tách dặm băng chừng,
Gió nam rày đã đưa xuân qua hè,
335.Lại xem dặm liễu đường hòe,
Tiếng ong ngơ ngáo, tiếng ve vang dầy.
    Vui xem nước nọ non vầy,
Nước xao sóng dợn, non vầy đá cao.


Chú thích:

309. Tựu trường: đến nơi thi.
314. Tang bồng: do chữ "tang hồ bồng thỉ", là cung gỗ dâu, tên cỏ bồng. Tục xưa, khi đẻ con trai thì làm cung bằng gỗ dâu, để ngụ ý người con trai sau này phải giúp nước giúp đời. Tang bồng tiêu biểu cho chí nam nhi.
316. Người kim (câm): người nay - chữ "kim" chính âm là chữ "câm", ở đây nên đọc đúng âm, cho có vần với hai câu dưới.
318. Thanh khâm: áo cổ xanh, học trò Trung Quốc ngày xưa mặc áo cổ xanh. Trả nợ thanh khâm: trả nợ bút nghiên, tức là đi thi đỗ đạt.
323. Lương duyên: nhân duyên tốt lành.
324. Hưu trí: làm việc công vì tuổi già sức yếu; Hàn Giang: tên một con sông ở tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); ở tỉnh Ðịnh Tường cũ (Nam Kỳ) cũng có có sông Hàn Giang.
326. Hai bảy: 14 tuổi.
327. Hồ Việt nhất gia: người Hồ người Việt ở cùng một nhà. Nói: người xa thành người gần, tình sơ thành tình thân. Ðây chỉ tình thân hai gia đình.
329. Thang mây: do chữ Hán là vân thê, chữ có hai nghĩa:
1) Một khí cụ bằng gỗ, dưới như hình cái xe, trên đặt hai cái thang thật dài, khi chiến trận, dùng để nhòm vào trong thành giặc, vì nó cao như sát với mây, nên gọi là thang mây.
2) Chỉ sự thi đỗ bước lên con đường công danh, có địa vị cao.
330. Tơ hồng: do chữ Hán "xích thắng", dây xe duyên.
333. Băng chừng: "chừng" đồng nghĩa với "dặm". "Băng chừng" còn có nghĩa là lướt chân theo chừng dặm đường.
337. Non vầy: "vầy" là họp, như nghĩa "sum vầy" (sum họp).
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách