Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lãng Mạn - Xuất Bản] Lý Trí Và Tình Cảm | Jane Austen (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 16-5-2013 09:22:27 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23

Tuy Elinor không mấy tin vào lời nói của Lucy, sau khi ngẫm nghĩ nghiêm túc cô thấy không thể nghi ngờ, khi không thể lý giải tính điên rồ nếu bịa đặt như thế. Vì vậy, Elinor không thể nghi ngờ và không còn dám nghi ngờ về những gì Lucy kể; nhất là lại có các chứng cứ cho mỗi tình huống mà không ai có thể phủ nhận ngoại trừ chính ước vọng của cô muốn phủ nhận. Cơ hội của hai người được quen nhau tại nhà ông Pratt là nguồn cội cho các chuyện về sau, chính đấy không thể phủ nhận và là tình huống đáng lo. Rồi chuyến thăm viếng của Edward gần Plymouth, trang thái u uẩn của anh, bất mãn về chính tương lai của anh, thái độ không dứt khoát với cô, sự hiểu biết mật thiết của các cô nhà Steele về Norland và các quan hệ gia tộc của họ vốn thường làm cô ngạc nhiên. Rồi đến bức tiểu họa, lá thư, chiếc nhẫn, tất cả chứng cứ giúp vượt qua mọi e ngại phải kết án anh một cách bất công, và xác định một sự kiện – mà lẽ công bằng không thể gạt bỏ – cho thấy anh đã đối xử với cô một cách tệ hại.

Trong một thời gian ngắn, trong cô chỉ có cảm nhận cho chính mình: oán giận vì hành vi như thế, phẫn nộ vì bị lừa dối. Chẳng bao lâu, những ý tưởng khác và những suy xét khác dấy lên. Có phải Edward đã cố tình dối gạt cô? Có phải anh giả tạo một tình cảm dành cho cô mà anh không rung động? Có phải anh hẹn ước với Lucy từ con tim? Không; hiện tại cô không thể tin, bất luận những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tình cảm của anh dành tất cả cho cô. Cô không thể bị lừa dối về điều này. Mẹ cô, hai em của cô, Fanny, tất cả đã nhận ra ý tình của anh hướng về cô lúc còn ở Norland; đây không phải là ảo tưởng do phù phiếm.

Chắc chắn là anh yêu cô. Thật là thanh thản trong tâm hồn khi ấp ủ tin yêu như thế! Và giúp cho cô dễ tha thứ cho anh! Anh đáng trách, rất đáng trách, vì đã lưu lại Norland sau lần đầu tiên anh cảm nhận ảnh hưởng của cô đối với anh mạnh hơn là bình thường.

Thật ra, không thể biện hộ cho anh; nhưng nếu anh làm cô bị tổn thương, liệu anh còn bị tổn thương hơn đến đâu? Nếu tình cảnh của cô là đáng thương, tình cảnh của anh là tuyệt vọng! Sự thiếu cẩn trọng của anh làm cô khổ sở một thời gian, nhưng dường như khiến cho anh mất đi mọi cơ hội để có một cuộc đời khác. Đến một lúc cô sẽ được an bình trở lại; nhưng về phần anh, anh trông mong được gì? Liệu anh có được hạnh phúc dù tương đối với Lucy Steele? Dù cho anh không yêu cô này, nhưng quá tính chính trực, cung cách tế nhị và đầu óc hiểu biết, liệu anh có thể hài lòng với một người vợ như cô ta – dốt nát, tinh ranh, và ích kỷ?

Tuổi mười chín bồng bột đương nhiên đã làm anh mù quáng với mọi thứ ngoại trừ sắc đẹp và vẻ hồn nhiên; nhưng bốn năm kế tiếp – những năm đáng lẽ mang lại thêm kiến thức nếu biết cách sống – đáng lẽ đã giúp anh được mở mắt về các khiếm khuyết trong giáo dục của cô này. Về phần cô này, cũng thời gian đó chỉ được dùng vào mấy mối giao hảo thấp kém, theo đuổi việc lông bông, có lẽ đã lấy đi vẻ giản đơn vốn có thời đã tạo nên tố chất cho sắc đẹp.

Nếu việc xúc tiến hôn nhân với chính cô có vẻ khó khăn từ phía bà mẹ, liệu khó khăn sẽ càng lớn hơn đến đâu khi so với chính cô, đối tượng của anh chắc chắn kém hơn về gia thế, có lẽ cũng kém hơn về sự sản! Thật ra, với con tim đã xa lánh Lucy, những khó khăn có thể không gây áp lực mà cố kiên nhẫn; nhưng anh lại u uẩn vì trông mong gia đình chống đối và tàn nhẫn để anh được nhẹ nhõm!

Các suy tưởng này tuần tự lướt qua đầu cô trong đau khổ. Cô khóc cho anh hơn là cho cô. Sau cú sốc đầu tiên, cô tin mình đã không làm gì để đáng bị gánh chịu khổ sở, tự an ủi rằng Edward đã không làm gì để đánh mất niềm tôn quý của cô, nên cô nghĩ mình nên tự kiềm chế để mẹ và hai em gái không nghi ngờ. Cô có thể giải đáp một cách thỏa đáng các kỳ vọng của riêng mình, đến nỗi khi cô cùng với họ ngồi vào bàn ăn chỉ hai giờ sau khi cô khổ sở vì mọi hy vọng đã tan biến, không ai có thể nhìn bề ngoài của hai chị em mà biết rằng Elinor đang thầm khóc thương cho các trở ngại muôn đời chia cắt cô và người cô yêu; và rằng Marianne đang mộng mơ về những sự toàn vẹn của một chàng trai có quả tim mà cô bé nghĩ mình đã chiếm trọn, và là người mà cô bé mong đợi được nhìn thấy trong mỗi cỗ xe chạy gần nhà.

Dù phải giấu diếm bà mẹ và Marianne về chuyện bí mật mà cô được tin tưởng nghe thổ lộ, Elinor không đau khổ thêm. Trái lại, cô nhẹ người vì không phải báo tin sự việc khiến họ buồn, cũng không phải nghe lời kết án Edward tuôn ra từ tình thương cường điệu của họ dành cho cô mà khó cho cô bào chữa hộ anh.

Cô biết hai người không thể nâng đỡ mình qua lời khuyên hoặc câu chuyện trò. Tình thương và nỗi buồn của họ sẽ làm cho cô khổ sở thêm, trong khi họ sẽ không khuyến khích hoặc khen ngợi tính tự kiềm chế của cô. Qua các tiếc nuối cay đắng và còn mới mẻ, cô một mình rắn rỏi thêm; và nhận thức đúng đắn của cô hỗ trợ tích cực cho cô, đến nỗi sự cứng cỏi được kiên định, vẻ tươi tỉnh bề ngoài được vững vàng.

Tuy cô khổ sở vì buổi trò chuyện đầu tiên với Lucy, chẳng bao lâu cô thiết tha muốn trao đổi thêm, do nhiều nguyên nhân. Cô muốn nghe lại các chi tiết về hẹn ước giữa hai người, cô muốn hiểu rõ hơn ý tình thật sự của Lucy dành cho Edward là như thế nào, và liệu cô này chân thành đến đâu khi bày tỏ tình cảm với anh. Đặc biệt, qua trò chuyện thêm và giữ bình tĩnh khi trò chuyện, cô muốn thuyết phục Lucy rằng cô không quan tâm đến việc gì khác hơn là qua tư cách một người bạn. Cô e khi mình bị xúc động trong buổi sáng, cô bạn ít nhất đã đặt nghi vấn. Rất có thể là Lucy dễ ghen tuông với cô: rõ ràng là Edward luôn ca ngợi cô, và đây không phải chỉ do Lucy xác nhận, mà còn vì chỉ trong thời gian ngắn sau khi quen biết, cô này đã tin cậy mà tiết lộ bí mật quan trọng.

Và ngay cả tin tức loan truyền qua cách giễu cợt của Ngài John cũng có một phần trọng lượng. Mà thật thế: trong khi thâm tâm Elinor vẫn vững tin là Edward yêu cô thật lòng, đương nhiên là Lucy sẽ ghen tuông; và nếu đúng thế, sự tin cậy của cô này là chứng cứ. Còn lý do nào khác biện minh khi cô này thổ lộ, ngoại trừ để Elinor được thông báo rằng Lucy đã chiếm trọn tình cảm của Edward, và rằng phải biết lánh mặt anh trong tương lai? Vì thế, không mấy khó cho cô để hiểu ý đồ của tình địch.

Trong khi cô nhất quyết hành động theo nguyên tắc danh dự và trung tín, chống chọi với tình cảm riêng của cô dành cho Edward và gặp anh càng ít càng tốt; cô vẫn muốn cố thuyết phục cho Lucy hiểu rằng con tim cô không bị thương tổn. Và vì bây giờ cô không có gì đau đớn để nghe về sự việc hơn là những gì đã được nghe, cô không hồ nghi khả năng của mình giữ bình tĩnh để nhắc lại các chi tiết.

Nhưng nhất thời cô không thể tạo ra cơ hội như thế tuy Lucy vẫn sẵn sàng như cô để tận dụng, vì thời tiết không cho phép họ cùng nhau đi dạo những nơi họ có thể dễ dàng xa lánh những người khác. Mặc dù hai người gặp nhau hai ngày một lần thường là tại nhà nghỉ mát nhưng cũng có khi tại Barton Park, họ không thể chuyện trò riêng tư với nhau. Ngài John hoặc Phu nhân Middleton không nhận ra ý nghĩ như thế, nên không tạo cơ hội cho họ chuyện trò, nhất là chuyện trò trong riêng tư. Hai cô chỉ gặp nhau để ăn uống và cười đùa với nhau, chơi bài, hoặc tham dự trò chơi ồn ào nào đấy.

Sau một, hai buổi gặp gỡ như thế được tổ chức mà không cho Elinor được riêng tư với Lucy, Ngài John thăm viếng nhà nghỉ mát một buổi sáng để nhân danh lòng từ bi mà kêu gọi các cô đến dùng bữa tối với Phu nhân Middleton vì ông bận tham dự câu lạc bộ ở Exeter và bà sẽ khá cô đơn vì chỉ có bà mẹ và hai cô nhà Steele. Elinor tiên đoán một cơ hội cho mục đích sẵn có trong đầu cô, được thong thả với Phu nhân Middleton ít nói và có gia giáo hơn là ông chồng thích tụ tập họ trong ồn ào, nên cô lập tức nhận lời mời. Margaret cũng nhận lời, qua sự chấp thuận của bà mẹ. Còn Marianne, tuy không hứng thú gia nhập, nhưng được bà mẹ thuyết phục vì không thể chịu được khi thấy cô tự giam mình xa lánh mọi dịp vui chơi, nên cô cũng đi.

Ba cô gái đến, và Phu nhân Middleton vui mừng được thoát khỏi cảnh đơn chiếc hãi hùng đã đe dọa bà. Buổi họp vô vị đúng như Elinor đã trù liệu, không hề có tư tưởng hoặc phát biểu nào mới lạ, không có gì nhàm chán hơn là mấy bài diễn thuyết kéo dài từ phòng ăn ra phòng gia đình nơi đám trẻ con nhập bọn, và trong khi tất cả ở đây, cô không thể nào bắt chuyện với Lucy. Đám trẻ chỉ đi ra khi đến lúc dọn dẹp bàn dùng trà. Họ bày bàn chơi bài ra, và Elinor bắt đầu tự hỏi làm thế nào để có thời gian chuyện trò. Họ đều đứng dậy để chuẩn bị cho ván bài.

Phu nhân Middleton nói với Lucy:

- Tôi mừng mà thấy cô không định làm nốt cái giỏ của con bé Annamaria tội nghiệp tối nay; vì tôi biết mắt cô sẽ mỏi khi làm việc với hoa văn vàng bạc bên ánh đèn nến. Chúng tôi sẽ tìm cách bù lại sự thất vọng của con bé ngày mai, và tôi hy vọng con nhỏ sẽ không phiền não.

Ẩn ý như thế là đủ. Lucy nhớ ra ngay và nói:

- Phu nhân Middleton, thật ra bà đã hiểu lầm. Tôi chỉ chờ xem liệu bà nhóm đủ tay bài mà không cần có tôi hay không, nếu được tôi có thể làm việc với hoa văn vàng bạc. Tôi không muốn cô thiên thần nhỏ thất vọng, và nếu bà cần tôi chơi bài, tôi định sẽ làm nốt cái giỏ sau bữa ăn nhẹ.

- Cô tử tế quá, tôi hy vọng cô sẽ không bị mỏi mắt – xin cô gọi chuông nhờ mang vài cây nến để làm việc được không? Tôi biết con bé đáng thương của tôi sẽ thất vọng não nề nếu ngày mai không làm xong cái giỏ, vì mặc dù tôi bảo con bé không thể làm xong, tôi biết chắc nó trông mong được làm xong.

Lucy tự mình kéo cái bàn đến gần, ngồi xuống với điệu bộ nhanh nhẩu và tươi tắn, như thể cho thấy không gì vui hơn là làm giúp đứa trẻ hư đốn một cái giỏ với hoa văn vàng bạc.

Phu nhân Middleton đề nghị họ chơi loại bài casino*. Không ai phản đối, nhưng Marianne với thái độ thiếu phép tắc thường thấy, kêu lên:

- Xin Phu nhân vui lòng cho tôi ngồi ngoài – bà đã biết tôi ghét chơi bài. Tôi sẽ chơi dương cần; tôi chưa từng chơi lại sau khi người ta đã chỉnh dây đàn lần rồi.

Và không có nghi thức nào thêm, cô quay người đi đến chiếc dương cầm.

Phu nhân Middleton lộ vẻ như thể bà cám ơn trời chính bà chưa từng ăn nói thô lỗ như thế.

Cố xoa dịu sự xúc phạm, Elinor nói:

- Phu nhân biết không, Marianne không thể xa rời lâu chiếc đàn này và tôi không lấy làm lạ, vì đây là chiếc đàn có âm thanh hay nhất mà tôi từng nghe.

Còn lại năm người ở bàn chơi bài.

Elinor tiếp:

- Nếu bỏ bớt được tôi, tôi có thể giúp cuốn giấy cho cô Lucy Steele. Vẫn còn nhiều việc phải làm cho cái giỏ đến nỗi tôi nghĩ cô ấy không thể hoàn tất tối nay. Tôi muốn giúp cho nhanh, nếu cô ấy cho phép tôi cùng làm.

Lucy kêu lên:

- Thật ra tôi muốn cô giúp, vì tôi thấy có nhiều việc phải làm hơn là tôi nghĩ ban đầu; và sẽ là chuyện gây sốc nếu ta gây thất vọng cho cô bé Annamaria yêu dấu.

Cô Steele nói:

- Ồ! Đấy thật là tệ. Tôi thương cô bé thế nào ấy!

Phu nhân Middleton nói với Elinor:

- Cô thật là tử tế, và vì cô thật lòng thích công việc này, có lẽ cô sẽ đợi đến hội bài sau, hoặc cô muốn thử thời vận bây giờ?

Elinor vui sướng nắm bắt lấy cơ hội đầu, và vì thế chỉ qua cách ăn nói khéo léo một chút mà Marianne không bao giờ thực hiện, cô đã đạt được mục đích của mình, cùng lúc khiến Phu nhân Middleton được hả dạ. Lucy chăm chút dọn chỗ cho cô ngồi, và thế là hai tình định xinh xắn ngồi kế bên nhau, qua mối thuận hòa tột cùng, giúp nhau cùng làm một công việc. Marianne chìm đắm trong âm nhạc của cô và tâm tư của riêng cô, quên bẵng sự hiện diện của các người khác trong phòng. Điều may là chiếc dương cầm được đặt gần hai người, nên bây giờ cô Daswood thấy được an toàn trong bức tường âm thanh để bắt đầu câu chuyện mà không phải lo bàn chơi bài nghe lỏm.

Chú thích:

* Casino: loại bài chơi phổ biến từ thế kỷ 17, gồm 2 hoặc 4 người chơi, dùng những lá bài có trên tay để thu lấy những lá bài đặt trên bàn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 16-5-2013 09:27:14 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24

Elinor bắt đầu qua một giọng chắc chắn dù thận trọng:

- Tôi không xứng đáng với lòng tin cậy mà cô đã đặt vào tôi, nếu tôi không thiết tha tiếp tục trao đổi, hoặc không tò mò gì thêm về sự việc. Vì thế, tôi sẽ không xin lỗi vì muốn bắt chuyện lần nữa.

Lucy nồng ấm:

- Cảm ơn cô vì đã xóa ta mọi e dè qua đó giúp tâm tư tôi được nhẹ nhàng, bởi vì không hiểu sao tôi lo sợ mình đã xúc phạm cô qua những gì tôi kể cho cô nghe ngày Thứ Hai vừa rồi.

Elinor nói qua lòng chân thành nhất:

- Xúc phạm tôi! Làm thế nào mà cô lại xúc phạm tôi được? Tin tôi đi, tôi không hề có ý nghĩ này về cô. Không phải cô đã có một động lực để tin tưởng, khiến tôi cảm thấy vinh hạnh và tự mãn, hay sao?

Đôi mắt sắc bén của Lucy mang đầy ẩn ý khi cô đáp:

- Tuy thế, tôi đoan chắc cùng cô, với tôi dường như cô đã lạnh nhạt và phật ý khiến tôi không an tâm. Tôi nghĩ cô giận tôi, từ lúc ấy tôi đã tự dằn vặt vì đã tùy tiện làm phiền cô với chuyện riêng của tôi. Nhưng tôi rất vui thấy rằng đây chỉ là do tôi tưởng tượng và rằng cô thật tình không trách móc tôi. Nếu cô biết tôi đã được an ủi như thế nào khi mở rộng tâm tư để nói với cô về những gì tôi luôn suy nghĩ trong mọi khoảnh khắc của đời tôi, thì tôi tin sự cảm thông của cô sẽ giúp cô bỏ qua mọi chuyện khác.

- Đúng thật, tôi có thể dễ dàng tin rằng cô sẽ được nhẹ nhõm rất nhiều khi trình bày hoàn cảnh của cô cho tôi nghe, và xin cô tin rằng cô sẽ không bao giờ có lý do để hối hận đã làm việc này. Trường hợp của cô thật là không may: đối với tôi dường như cô bị bao vây bởi nhiều khó khăn, và cô sẽ cần đến mọi niềm cảm thông hai chiều để hỗ trợ cô. Tôi tin rằng anh Ferrars hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ anh.

- Anh ấy chỉ có hai nghìn bảng làm của riêng. Kết hôn với tài sản như thế là chuyện điên rồ, mặc dù về phần mình, tôi có thể dễ dàng vứt bỏ hơn thế nữa mà không than thở. Tôi đã quen sống bằng lợi tức rất nhỏ, và vì anh, tôi có thể xoay xở trong mọi cảnh nghèo; nhưng vì tôi rất yêu anh, tôi không muốn ích kỷ để anh bị tướt đoạt mọi thứ mà mẹ anh đáng lẽ cho anh nếu anh kết hôn theo ý bà. Chúng tôi phải chờ đợi, có thể trong nhiều năm. Với hầu hết những người đàn ông khác trên thế gian, đây có thể là viễn cảnh đáng quan ngại; nhưng tôi biết mình vẫn có tình cảm trung kiên của Edward.

- Niềm tin này hẳn là tất cả đối với cô, và chắc hẳn anh ấy cũng được nâng đỡ bởi cùng niềm tin nơi cô. Nếu sức mạnh của tình cảm hai bên có suy yếu, như đã xảy ra giữa nhiều người khác và trong nhiều trường hợp hẹn ước kéo dài bốn năm, thì hoàn cảnh của cô sẽ thật là đáng thương.

Lucy nhìn lên, nhưng Elinor cẩn trọng giữ sắc mặt không thay đổi để khiến lời cô nói ra chiều đáng nghi.

Lucy nói:

- Tình yêu của Edward dành cho tôi đã được thử thách qua việc chúng tôi xa cách nhau trong thời gian lâu, rất lâu kể từ khi chúng tôi hẹn ước lần đầu; nên nếu bấy giờ tôi còn cả nghi thì là điều không thể tha thứ được. Tôi có thể tự tin mà nói rằng anh chưa hề khiến tôi phải lo âu một giây phút nào.

Elinor không biết nên mỉm cười hoặc thở dài với điều cả quyết này.

Lucy tiếp:

- Bản tính tôi thường hay ghen; và do những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời chúng tôi, do vị thế của anh trong giao tế xã hội hơn tôi nhiều, và do xa cách thường xuyên tôi cũng có xu hướng hồ nghi muốn tìm ra sự thật ngay, nếu khi chúng tôi gặp nhau anh có một chút thay đổi trong cử chỉ, hoặc biểu lộ sa sút tinh thần mà không có lý do chính đáng, hoặc nếu anh nói về một cô gái một cách đặc biệt hơn so với các cô khác, hoặc không còn cảm thấy hạnh phúc như ở Longstaple lúc trước. Tôi không có ý nói tôi hay rình mò hoặc tinh mắt, nhưng trong trường hợp như thế tôi tin chắc mình không thể bị lừa dối.

Elinor nghĩ: “Mọi thứ này đều hay ho gớm! Nhưng không thể áp đặt lên người nào trong hai chúng ta.” Sau khoảnh khắc im lặng, cô nói:

- Nhưng cô có ý định ra sao? Hoặc không làm gì cả mà chỉ chờ đến khi bà Ferrars qua đời, là bước đường cùng u buồn và gây sốc? Liệu anh con trai bà có quyết tâm cam chịu việc này, cam chịu nhiều năm buồn tẻ và hồi hộp mà cũng can dự đến cô, hơn là thử liều bị bà mẹ phật ý một thời gian vì biết sự thật?

- Nếu chúng tôi biết chắc chắn đấy chỉ là một thời gian! Nhưng bà Ferrars là một phụ nữ rất kiêu hãnh và kiên định; và trong cơn giận dữ khởi đầu ngay khi nghe sự thật, bà có thể chuyển mọi phần thừa kế cho Robert. Vì lo cho Edward, ý tưởng này làm tôi khiếp sợ mà không dám có hành động gì hấp tấp.

- Và cũng vì cô nữa, vì cô không có thói vụ lợi một cách vô lý.

Lucy lại nhìn qua Elinor, và im lặng.

Elinor hỏi:

- Cô có quen biết anh Robert Ferrars không?

- Tôi không quen biết gì. Tôi chưa từng gặp anh ấy, nhưng tôi tưởng tượng anh ấy không hề giống người anh – ngu xuẩn và là một công tử bột chính hiệu.

Tai cô Steele bắt lấy các lời này giữa đoạn ngắt quãng trong bản đàn của Marianne. Cô lặp lại:

- Một công tử bột chính hiệu! À, hai cô đang nói đến chàng trai trong mộng của họ, tôi biết mà.

Lucy kêu lên:

- Không phải chị ạ, chị đã nhầm ở đây, những chàng trai trong mộng của chúng em không phải là công tử bột.

Bà Jennings cười thỏa thuê:

- Tôi có thể trả lời rằng chàng trai của cô Daswood không phải như thế, vì anh ấy là một trong những anh trai trẻ khiêm tốn nhất, đẹp trai nhất mà tôi đã từng gặp; còn về Lucy, cái cô nhỏ này thật láu lỉnh, không thể biết cô ấy mến anh nào.

Cô Steele kêu lên, nhìn qua hai người đầy ẩn ý:

- Ồ, tôi dám chắc chàng trai của Lucy cũng khiêm tốn và đẹp trai nhưng chàng của cô Daswood.

Elinor đỏ mặt mà không thể giữ được tự nhiên. Còn Lucy cắn môi giận dữ nhìn qua người chị. Một khoảnh khắc im lặng, rồi Lucy hạ giọng dù lúc này Marianne đang cho họ một chở che chắc chắn bằng một đoạn concerto tuyệt diệu:

- Tôi sẽ trung thực kể cho cô một phương án mà cuối cùng tôi đã nghĩ ra, để giải quyết sự việc. Thật ra, tôi đã định cho cô biết bí mật này vì cô là bên có liên quan. Tôi biết cô đã gặp Edward thường nên hẳn đã rõ anh ấy thích làm việc với giáo hội hơn là làm những nghề khác. Bây giờ tôi có kế hoạch là anh ấy sẽ thụ phong càng sớm càng tốt, và rồi tôi biết vì cô sẵn lòng giúp anh qua tình bạn và cũng hy vọng cô thương đến tôi, cô có thể dùng ảnh hưởng của mình mà thuyết phục ông anh cô để cho Edward cai quản giáo xứ Norland. Tôi nghĩ chức vụ này sẽ cho lợi tức khá, và người đương nhiệm chắc không sống được lâu nữa. Việc này sẽ đủ cho chúng tôi dựa vào đấy mà kết hôn, rồi sẽ tùy thời gian và hoàn cảnh để chờ đợi những gì còn lại.

Elinor đáp:

- Tôi luôn thấy vui mà chứng tỏ lòng quý trọng và tình thân hữu dành cho anh Ferrars, nhưng cô có thấy ảnh hưởng của tôi trong việc này sẽ hoàn toàn không cần thiết không? Anh ấy là anh của chị John Daswood – thế là đủ để tiến cử với chồng chị ấy.

- Nhưng cô John Daswood sẽ không chấp thuận Edward gia nhập hàng giáo phẩm.

- Thế thì tôi nghĩ ảnh hưởng của tôi sẽ chẳng giúp được gì nhiều.

Hai người lại im lặng ít phút. Cuối cùng, Lucy thở dài:

- Tôi tin cách khôn ngoan nhất là lập tức chấm dứt tình cảnh này bằng cách cắt đứt mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi dường như bị các khó khăn từ mỗi bên quấy rối, đến nỗi mặc dù quyết định này sẽ làm cho chúng tôi đau khổ trong một thời gian, cuối cùng chúng tôi sẽ được hạnh phúc hơn. Nhưng, cô Daswood, cô có thể cho tôi lời khuyên được không?

Elinor mỉm cười, qua đấy che giấu những cảm xúc rất dao động:

- Không, về sự việc như thế này chắc chắn tôi sẽ không cho lời khuyên. Cô biết rất rõ rằng ý kiến của tôi sẽ không có trọng lượng nào đối với cô, ngoại trừ khi tôi nói theo ý muốn của cô.

Qua vẻ mặt thật nghiêm nghị, Lucy nói:

- Thật ra, cô đã hiểu lầm. Tôi không biết ai khác có óc suy xét chín chắn được tôi đánh giá cao như cô; và tôi thật tình tin rằng, nếu cô nói “Tôi khuyên cô nên tìm mọi cách chấm dứt mối quan hệ với Edward Ferrars vì hạnh phúc của hai người”, thì tôi nhất quyết sẽ làm theo lập tức.

Đỏ mặt vì cô vợ tương lai của Edward đã thiếu thành thật, Elinor trả lời:

- Lời khen này thật ra làm cho tôi sợ mà không dám đưa ra ý kiến nào, dù cho tôi đã có ý kiến trong đầu. Cô đã nâng ảnh hưởng của tôi lên quá cao. Chia cách hai người tha thiết cùng nhau gắn bó là điều quá đáng đối với một người bàng quan.

Với chút hờn dỗi, nhấn mạnh từng chữ, Lucy nói:

- Đấy chỉ vì cô là một người bàng quan, và tiếp: – nên óc phán đoán của cô có trọng lượng đối với tôi. Nếu cô có thiên vị do cảm nghĩ của riêng cô, thì ý kiến của cô không đáng để nghe theo.

Elinor nghĩ tốt nhất không nên trả lời, kẻo hai người có thể khiêu khích lẫn nhau khi trở nên quá thoải mái và cởi mở không hợp cách. Cô còn nhất quyết không bao giờ đề cập đến chuyện này nữa. Hai người lại chìm trong im lặng nhiều phút, và Lucy vẫn là người đầu tiên tiếp tục. Cô nói qua vẻ tự mãn cố hữu:

- Cô Daswood, mùa đông này cô sẽ đi thành phố chứ?

- Chắc chắn là không.

Đôi mắt cô kia sáng lên:

- Tôi lấy làm tiếc; tôi sẽ rất vui nếu được gặp lại cô ở đó. Nhưng tôi nghĩ dù có nói thế, cô sẽ đi. Chắc chắn là anh và chị cô sẽ mời cô đi với họ.

- Nếu có thế, tôi cũng không có quyền chấp nhận lời mời của họ.

- Thật là không may! Tôi đã tin sẽ gặp cô ở đó. Vào cuối Tháng Giêng, chị Anne và tôi sẽ đi thăm vài người thân vì trong mấy năm qua họ cứ mong chúng tôi đến! Nhưng tôi chỉ muốn đi gặp Edward. Anh sẽ ở đó vào Tháng Hai, nếu không tôi chẳng thấy London có gì vui thú cả. Tôi không hào hứng với thành phố này.

Chẳng bao lâu. Elinor được gọi đến chơi hội bài kế, và vì thế buổi trò chuyện riêng tư của hai cô phải chấm dứt mà không ai lưỡng lự, vì mỗi cô vẫn mang ác cảm với nhau như lần trước. Elinor ngồi xuống bàn chơi bài với nỗi u uẩn là Edward không những không yêu người sẽ làm vợ anh, mà còn không có cả cơ may để có hạnh phúc dù tương đối trong hôn nhân, dù do tình yêu chân thành của cô ta tạo ra. Chỉ vì ích kỷ mà một phụ nữ muốn giữ lấy người đàn ông trong hôn ước, trong khi dường như cô hiểu rất rõ rằng anh không còn hứng thú.

Từ lúc này trở đi, Elinor không bao giờ nhắc lại sự việc. Riêng Lucy ít khi bỏ lỡ cơ hội để khơi mào, nhất là khi cô báo tin mình sung sướng nhận được một lá thư của Edward. Elinor chỉ đón nhận qua thái độ bình thản và thận trọng, và lảng tránh một cách lịch sự, vì cô cảm thấy các cuộc trò chuyện như thế biểu hiện sự buông thả không đáng có đối với cô kia, mà cũng không hay cho mình.

Chuyến thăm viếng của hai cô nhà Steele tại Barton Park kéo dài hơn thời gian hàm ý trong lời mời đầu tiên. Hai cô được yêu mến; chủ nhân cần đến hai cô. Ngài John không muốn nghe việc hai cô phải ra đi; và mặc dù có nhiều công việc đã hẹn trước ở Exeter, mặc dù tối cần thiết phải trở về ngay mỗi tuần, hai cô được khẩn khoản lưu lại trong gần hai tháng, và để trợ giúp cho một lễ hội sắp đến vốn đòi hỏi nhiều buổi họp mặt và đại tiệc để phô diễn tầm quan trọng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 17-5-2013 18:09:51 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25

Mặc dù bà Jennings có thói quen sử dụng phần lớn thời gian trong năm tại nhà của các con và bạn bè, bà vẫn có nơi cư ngụ ổn định cho riêng mình. Kể từ cái chết của chồng bà, người đã làm ăn thành công ở một khu vực kém thanh lịch của thành phố, vào mỗi mùa đông bà đến ngụ tại một ngôi nhà ở Quảng trường Portman. Khi Tháng Giêng gần đến, ý nghĩ của bà là quay trở về ngôi nhà này, và do đó một ngày – rất thình lình và không hề rào đón – bà mời hai cô chị nhà Daswood đi theo mình.

Elinor không để ý thấy gương mặt em gái ửng hồng và vẻ sống động cho thấy sự hào hứng, lập tức từ chối cho cả hai chị em một cách khéo léo nhưng cương quyết, vì cô tin mình nói theo ý muốn của cả hai. Cô viện lý do là không thể xa rời bà mẹ vào mùa này trong năm.
Bà Jennings có phần ngạc nhiên, lập tức nhắc lại lời mời:

- Ôi, Chúa tôi! Tôi tin chắc mẹ hai cô có thể xa cô mà không có vấn đề gì, và tôi muốn van nài hai cô cho tôi một ân huệ làm bạn đồng hành với tôi, vì ý tôi đã quyết. Đừng tưởng tượng hai cô sẽ làm phiền tôi gì cả, vì tôi sẽ để các cô được tự do thong thả. Chỉ cần gửi Betty đi xe trạm, và tôi hy vọng có đủ tiền chi trả cho việc này. Ba chúng ta sẽ đi thoải mái trên cỗ xe của tôi; và khi chúng ta đến thành phố, nếu có nơi nào hai cô không muốn tháp tùng tôi, chẳng sao cả, lúc nào các cô cũng có thể đi cùng một trong hai con gái của tôi.

“Tôi chắc chắn mẹ hai cô sẽ không phản đối; vì tôi đã có may mắn gả chồng xong cho cả hai đứa con gái nên bà sẽ nghĩ tôi là người bảo mẫu thích hợp cho các cô; và nếu tôi không thể giúp các cô có hôn nhân tốt đẹp sau khi tôi đã xong việc, đấy sẽ không phải lỗi do tôi. Tôi sẽ nói tốt về các cô cho mọi anh trai trẻ; các cô cứ tin nơi tôi.”

Ngài John nói:

- Tôi có ý kiến là cô Marianne sẽ không phản đối kế hoạch như thế, nếu chị của cô cũng đi theo. Quả là không phải nếu cô không có một ít vui thú chỉ vì cô Daswood không muốn. Cho nên tôi khuyên bà và cô em cứ lên đường đi thành phố khi cảm thấy chán Barton, mà không cần phải nói gì với cô Daswood.

Bà Jennings thốt lên:

- Được. Tôi sẽ vui ghê gớm nếu có cô Marianne cùng đi bất luận cô Daswood đi hay không, chỉ có điều là càng đông càng vui, và tôi nghĩ có hai chị em đi cùng thì thuận tiện hơn; bởi vì nếu họ chán tôi, họ có thể trò chuyện cùng nhau và cười đùa sau lưng tôi về cung cách cổ lỗ của tôi. Nhưng tôi phải có một trong hai cô, nếu không được cả hai. Cảm ơn trời! Nghĩ xem làm thế nào tôi có thể sống đơn độc: tôi đã quen có Charlotte bên cạnh cho đến mùa đông này. Nào, cô Marianne, bắt tay đồng ý đi, và nếu cô Daswood dần dà thay đổi ý định thì càng hay.

Marianne nồng ấm nói:

- Tôi xin cảm ơn bà, thật lòng cảm ơn; lời mời của bà khiến tôi nhớ ơn mãi và cho tôi niềm vui – vâng, hầu như là niềm vui lớn nhất mà tôi có thể nhận được. Nhưng mẹ tôi – bà mẹ thân yêu và hiền dịu nhất – tôi thấy chị Elinor nói đúng, và nếu mẹ chúng tôi phải buồn và vất vả vì chúng tôi đi vắng… Ồ! Không, không có gì khuyến dụ tôi xa bà. Không nên có dằn co ở đây.

Bà Jennings lại trấn an rằng bà Daswood có thể cho hai cô đi mà không bị ảnh hưởng gì.

Elinor bây giờ đã hiểu ý em gái, thấy ngoài vẻ dửng dưng còn là sự nôn nóng muốn gặp lại Willoughby, nên cô không còn từ chối đi theo kế hoạch mà chỉ nói chờ bà mẹ quyết định, tuy không trông mong bà sẽ ủng hộ mình để từ chối chuyến đi mà chính cô không thể ưng thuận dùm Marianne và cô cũng có lý do riêng để né tránh. Mỗi khi Marianne muốn việc gì, bà mẹ đều sốt sắng hưởng ứng – cô không trông mong gây được ảnh hưởng cho bà về tính cẩn trọng trong chuyện tình cảm vì cô không bao giờ có thể truyền đạt đến bà sự hồ nghi; và cô không dám giải thích động lực khiến cho cô từ chối đi London.

Còn Marianne, tuy vốn khó chiều và đã quá quen với cung cách của bà Jennings mà cô thường chán ghét, bây giờ lại phớt lờ mọi phiền toái do bà đã gây ra và bất chấp những việc có thể làm cô chị thương tổn trong khi theo đuổi mục tiêu của mình. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy cô xem mục tiêu này quá quan trọng. Dù qua những gì đã xảy ra, Elinor vẫn không thể chuẩn bị tinh thần để đối phó.

Khi được biết về lời mời, bà Daswood tin rằng hai cô con gái sẽ có dịp vui thích và, qua lòng quan tâm tha thiết, thấy rõ tâm tư của Marianne đặt nặng vào chuyến đi như thế nào. Thế là bà không muốn nghe hai cô con gái từ chối viện lý do về bà, khăng khăng bảo họ nên nhận lời; và rồi qua niềm hân hoan cố hữu bà bắt đầu mường tượng một số lợi điểm cho hai cô từ cuộc xa cách này. Bà thốt lên:

- Mẹ rất thích kế hoạch này, đúng như ý mẹ mong mỏi. Margaret và mẹ sẽ được thuận lợi như hai con. Khi hai con và nhà Middleton đã đi, hai mẹ con ở nhà sẽ cùng nhau có thời gian thanh tịnh, vui thú cùng sách vở và âm nhạc! Khi hai con trở về, hai con sẽ thấy Margaret là một người khác hẳn! Mẹ cũng có một kế hoạch nho nhỏ sửa chữa phòng ngủ của hai con, bây giờ có thể tiến hành mà không làm phiền ai. Thật đúng là hai con nên đi thành phố; mẹ muốn mỗi con gái ở tuổi này làm quen với cung cách và thú vui ở London. Và bằng mọi cách nên gặp anh của hai con, cho dù anh hoặc vợ anh có lỗi gì, khi mẹ xét qua cha anh ấy là ai, mẹ không thể chịu được khi các con xa lìa nhau.

Elinor nói:

- Dù là với lo lắng thường xuyên cho hạnh phúc của các con, mẹ đã xóa bỏ mọi ngáng trở do chuyến đi này gây cho mẹ, nhưng vẫn còn một trở ngại mà con nghĩ không thể dễ dàng vượt qua.

Marianne sầm mặt xuống:

Bà Daswood hỏi:

- Elinor cẩn trọng thân thương của mẹ có ý nói gì? Con gái mẹ định mang đến trở ngại kinh khủng nào đây? Nói cho mẹ nghe chi phí của việc này.

- Ý con là, mặc dù con nhận rõ lòng tốt của bà Jennings, bà không phải thuộc tầng lớp hợp cho chúng con giao du, mà cũng không thể bảo vệ chúng con để tránh hậu quả.

Bà mẹ đáp:

- Con nói rất đúng, nhưng về tầng lớp của bà, cách biệt với những người khác, con sẽ không giao du nhiều với họ là bao, và hai con sẽ hầu như luôn luôn xuất hiện trong công chúng cùng với Phu nhân Middleton.

Marianne nói:

- Nếu chị Elinor ngại ngùng vì có ác cảm với bà Jennings, ít nhất điều này không nên ngăn cản con nhận lời mời của bà. Con không kỹ tính như thế, và con tin chắc con dễ dàng chịu đựng được mọi thứ phiền hà.

Elinor không thể nén nụ cười về biểu hiện dửng dưng với cung cách của một người mà cô vẫn thấy khó khăn thuyết phục Marianne nên xử sự qua lễ độ có chịu đựng. Cô quyết định nếu em gái mình nhất quyết muốn đi, cô cũng sẽ cùng đi. Cô nghĩ không phải phép nếu để đầu óc suy xét non nớt của Marianne dẫn dắt em gái, hoặc bà Jennings có thể bỏ mặc Marianne ra ngoài vui chơi để bà được thoải mái trong nhà bà. Cô cảm thấy dễ dàng chấp nhận ý định này hơn, khi nhớ lại Lucy cho cô hay rằng Edward Ferrars sẽ không đến thành phố trước Tháng Hai; và rằng chuyến đi của họ có thể chấm dứt trước khi anh đến mà không phải rút ngắn thời gian nhiều.

Bà Daswood nói:

- Mẹ muốn cả hai con đi, không có lý gì mà từ chối. Hai con sẽ có nhiều vui thú ở London đặc biệt là khi đi với nhau; và nếu Elinor có khi nào hạ mình để chuẩn bị vui chơi, con sẽ đi được nhiều nơi; con cũng có thể củng cố mối quan hệ với gia đình chị dâu của con.

Elinor đã thường hy vọng có cơ hội cho bà mẹ nhận ra không mong vào tình cảm giữa Edward và cô, để bà sẽ không bị sốc lắm khi cả sự thật được phơi bày. Bây giờ, dù gần như tuyệt vọng, cô cố tỏ ra trầm tĩnh:

- Con rất mến Edward Ferrars và luôn vui khi gặp anh; nhưng đối với những người khác trong gia đình anh, con đều hoàn toàn không màng đến, dù cho con đã từng quen biết họ hay chưa.

Bà Daswood chỉ mỉm cười mà không nói gì. Marianne nhướng mắt lên ngạc nhiên, còn Elinor ra dấu là em gái nên liệu giữ mồm giữ miệng.

Sau khi trò chuyện thêm đôi chút, cuối cùng họ đồng ý là nên toàn tâm nhận lời mời. Bà Jennings vui sướng tột độ khi nghe tin, với nhiều lời trấn an là hai cô sẽ được bà chăm sóc tử tế; và đây là niềm vui không chỉ dành cho bà. Ngài John cũng hài lòng; vì đối với một người đàn ông luôn bồn chồn khi ít có người bên cạnh, có hai người thêm vào những cư dân ở London là điều đặc biệt. Ngay cả Phu nhân Middleton cũng chịu khó tỏ ra hài lòng, khác với bản tính của bà. Về phần các cô nhà Steele, nhất là Lucy, khi nghe tin, họ chưa từng vui như thế bao giờ.

Elinor chấp nhận mọi sắp xếp đi ngược lại ý muốn của mình qua ít ngại ngần hơn là cô nghĩ lúc đầu. Về phần cô, bây giờ không còn vấn đề nên đi thành phố. Khi nhìn bà mẹ hoàn toàn hài lòng với kế hoạch và cô em sướng thỏa qua sắc diện, tiếng nói và cử chỉ trở lại sinh động như xưa và còn nâng lên quá mức sướng thỏa bình thường, cô không còn bất mãn với nguyên do và không muốn cho phép mình hồ nghi về hậu quả.

Niềm vui của Marianne hầu như vượt mức hạnh phúc, cũng lớn lao như nỗi xao động trong tâm tư và trạng thái bồn chồn được lên đường. Cô chỉ bình tâm lại khi bịn rịn với bà mẹ, và vào lúc chia tay nỗi buồn của cô trở nên quá đáng. Nỗi buồn của bà mẹ không hẳn kém, riêng Elinor là duy nhất trong ba người xem sự chia ly không đến nỗi như vĩnh biệt.

Họ khởi hành vào tuần lễ đầu Tháng Giêng. Gia đình Middleton sẽ đi sau khoảng một tuần. Các cô nhà Steele còn lưu lại Barton Park và chỉ lên đường với những người còn lại trong gia đình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 17-5-2013 19:01:10 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26

Khi bắt đầu chuyến đi dưới quyền bảo mẫu cùa bà Jennings mà cũng là khách của bà, ngồi chung cỗ xe với bà, Elinor nghĩ về mình mà ngạc nhiên về tình cảnh hiện giờ: chỉ qua thời gian ngắn quen biết với bà, hoàn toàn không hợp nhau về tuổi tác và tính khí, và quá nhiều chống đối lại kế hoạch này chỉ vài ngày trước! Nhưng qua hào khí trong hạnh phúc của tuổi trẻ mà Marianne và bà mẹ cùng chia sẻ, các chống đối này đã bị lấn át hoặc phớt lờ. Dù đôi lúc nghi ngờ sự chung thủy của Willoughby, Elinor chứng kiến sự bộc phát của ước vọng lấp đầy trong tâm hồn và tỏa ra trên đôi mắt của Marianne mà cảm thấy so với em gái, viễn cảnh của mình thật trống rỗng, tâm trạng của mình thật vô vị. Cô ước ao được ở trong hoàn cảnh của Marianne để có cùng mục đích sinh động trước mắt, ấp ủ cùng điều khả dĩ về hy vọng.

Tuy nhiên, bây giờ, trong một thời gian ngắn, rất ngắn, sẽ đủ để nhận ra những ý định của Willoughby là như thế nào; rất có thể anh đã đến thành phố. Thái độ nôn nóng của cô em về chuyến đi cho thấy cô trông mong được gặp lại anh ở đó. Elinor chủ định không những sẽ tìm hiểu những khía cạnh mới trong tính cách của anh so với những gì cô đã quan sát và nghe người khác nhận xét, mà còn để ý xem xét cử chỉ của anh đối với em gái, hầu nhận ra anh là người như thế nào và có ý định gì. Nếu điều cô quan sát không được khả quan, cô nhất quyết sẽ làm cho em gái sáng mắt ra. Còn nếu kết quả ngược lại, cô sẽ có phản ứng khác – lúc ấy cô sẽ gắng không có so sánh ích kỷ nào, dẹp bỏ mọi tiếc nuối có thể khiến cô kém vui với hạnh phúc của em gái.

Cuộc hành trình của họ kéo dài ba ngày. Thái độ của Marianne trong chuyến đi là ví dụ sinh động cho bà Jennings thấy những ngày sắp đến cô sẽ xuề xòa và dễ kết bạn như thế nào khi đi cùng với bà. Elinor im lặng gần suốt đường đi, đắm chìm trong các suy tưởng của riêng mình, ít khi tự bắt chuyện, ngoại trừ khi có phong cảnh đẹp trong tầm mắt khiến cô thốt lên lời ca ngợi chỉ nói với cô em.

Sau đấy, để chuộc lỗi cho thái độ này, Elinor lập tức nhận lấy vai trò lịch sự mà cô tự chỉ định cho mình, tỏ ra chăm sóc bà Jennings, trò chuyện với bà, cười đùa với bà, lắng nghe bà nói mỗi khi có thể được. Riêng bà Jennings đối xử thật tử tế với cả hai, luôn hỏi han xem hai cô có thoải mái và vui thích không; chỉ phiền hà khi không thể bảo họ tự chọn thức ăn ở quán trọ và cũng không được nghe họ thú nhận thích món cá hương hơn là cá thu, hoặc thịt gia cầm hơn là sườn cừu.

-o0o-

Họ đến thành phố vào lúc ba giờ chiều ngày thứ ba, vui mừng được giải thoát khỏi cỗ xe tù túng, sẵn sàng hưởng thụ mọi xa xỉ của một lò sưởi ấm cúng.

Ngôi nhà có kiến trúc đẹp, lại được trang bị nội thất đẹp; và hai cô gái trẻ lập tức được đưa vào một phòng ngủ thật thoải mái. Trước kia đây là phòng của Charlotte, và phía trên bệ lò sưởi vẫn còn treo bức tranh phong cảnh bằng lụa màu mà cô yêu thích, để làm bằng chứng là cô đi học ở một trường nổi tiếng trong thành phố.

Vì còn hai giờ mới đến bữa ăn, Elinor quyết định dùng thời giờ để biên thư cho bà mẹ, và cô ngồi xuống để bắt đầu. Trong chốc lát, Marianne cũng sửa soạn viết một lá thư.

Elinor nói:

- Marianne, chị đang viết thư về nhà; nếu em trì hoãn thư của em một, hai ngày có phải tốt hơn không?

- Em không viết cho mẹ.

Elinor không nói gì thêm. Cô chợt nghĩ ra rằng em gái muốn viết thư cho Willoughby. Kết luận theo ngay sau đấy là, dù hai người muốn giữ quan hệ của họ cho có vẻ bí ẩn, họ hẳn đã hẹn ước với nhau. Suy đoán này, dù không hoàn toàn thỏa đáng, cũng khiến cô hài lòng; và tiếp tục lá thư của mình bằng mọi sốt sắng. Marianne kết thúc chỉ trong vài phút; đấy không thể dài hơn lời nhắn tin. Cô gấp lá thư, dán phong bì, nhanh chóng ghi địa chỉ. Elinor nghĩ cô đã nhận ra một chữ “W” theo hướng ngòi bút; và ngay sau khi viết xong Marianne nhấn chuông, yêu cầu người hầu mang lá thư đi gửi ở bưu điện. Việc này xác định nghi vấn ngay lập tức.

Tinh thần cô em vẫn cao hứng; nhưng có phần kích động khiến ngăn cản mang niềm vui đến cho cô chị, và nỗi xao động này tăng lên khi chiều xuống. Cô không ăn uống được nhiều trong bữa tối, và sau đấy khi họ trở vào phòng gia đình, cô bồn chồn lắng nghe tiếng mỗi cỗ xe chạy qua.

Elinor vui mừng nhận ra bà Jennings không nhìn thấy nhiều những gì đang xảy ra vì bà mãi bận rộn trong phòng riêng. Trà được mang đến, và sau khi Marianne đã bị thất vọng vài lần bởi tiếng gõ cửa bên nhà lân cận, thình lình có một tiếng gõ lớn không thể nhầm với nhà nào khác. Elinor an tâm chờ báo tin Willoughby đến; còn Marianne đứng lên, đi đến cánh cửa. Mọi thứ đều yên lặng; việc này không thể kéo dài nhiều giây. Cô em mở cánh cửa, bước ít bước về phía cầu thang, và sau nửa phút lắng nghe, trở vào phòng với mọi phấn khích cho thấy chỉ có lý do duy nhất là nghe anh sắp đến. Trong giây phút cảm xúc tột cùng này, cô chẳng đặng đừng thốt lên “Ôi, chị Elinor, đấy là Willoughby, đúng thực là anh ấy!”; và dường như sẵn sàng ngả bổ vào vòng tay của anh, thì Đại tá Brandon xuất hiện.

Cô bị sốc quá mạnh nên không thể giữ điềm tĩnh, lập tức bước ra khỏi phòng. Elinor cũng thất vọng, nhưng cùng lúc sự tôn kính của cô dành cho Đại tá Brandon khiến cô chào hỏi ông. Cô cảm thấy có phần thương tổn rằng một người đã có lòng yêu mến em gái cô đến thế lại nhận ra rằng em cô đau khổ và thất vọng khi trông thấy ông. Cô thấy ngay là ông cũng nhận ra điều này, rằng ông đã quan sát khi em gái cô bước ra, quá ngạc nhiên và âu lo đến nỗi ông không còn nhớ ra phải giữ lịch sự với cô chị.

Ông hỏi:

- Em của cô không được khỏe à?

Elinor khổ sở trả lời rằng đúng như ông đoán, rồi nói về những chứng nhức đầu, tinh thần sa sút và những mỏi mệt – mọi thứ mà cô có thể gán cho cử chỉ của em gái.

Ông đặc biệt chú tâm lắng nghe cô, nhưng rồi dường như lấy lại tự chủ, không hỏi thêm gì, bắt đầu nói lên niềm vui của ông được gặp lại hai cô ở London, hỏi han theo thông lệ về chuyến đi của họ, về các người thân còn ở nhà.

Trong cách thức trầm tĩnh như thế mà mỗi bên không mấy tập trung tư tưởng, hai người tiếp tục trò chuyện, cả hai đều mất hào hứng; ý nghĩ của mỗi người bận rộn nơi khác. Elinor rất muốn hỏi liệu Willoughby đang có mặt trong thành phố hay không, nhưng cô e ông buồn vì câu hỏi về tình địch của ông. Cuối cùng, để tìm cách nói chuyện gì đấy, cô hỏi có phải ông đã lưu lại thành phố từ khi họ chia tay với nhau hay không.

Ông đáp:

- Vâng, hầu như từ lúc ấy; tôi đi Delaford một hoặc hai lần trong vài ngày, nhưng không có cơ hội trở lại Barton.

Chuyện này, và qua cách nói, khiến cô lập tức nhớ lại mọi tình huống khi ông rời nơi ấy làm cho bà Jennings hoang mang và thắc mắc, và cô e câu hỏi của cô đã hàm ý hiếu kỳ hơn là cô nghĩ trong thâm tâm.

Chẳng bao lâu, bà Jennings đi vào. Qua giọng vui vẻ ồn ào cố hữu, bà nói:

- Ố! Đại tá, tôi vui ghê gớm được gặp lại ông – rất tiếc tôi không thể đến sớm hơn – xin ông thứ lỗi, nhưng tôi phải lo ít việc cho mình, xem xét công việc nhà vì tôi đã đi vắng khá lâu, và ông biết đấy, người ta luôn có cả núi công việc không đâu sau khi vắng mặt; và rồi tôi phải làm việc với Cartwright để giải quyết mọi việc. Chúa tôi, tôi bị bận túi bụi từ lúc ăn chiều xong! Nhưng này, Đại tá, làm thế nào ông biết được tôi về thành phố hôm nay?

- Tôi may mắn được biết tin qua gia đình anh Palmer khi tôi đến ăn ở đó.

- À, thế sao; tất cả gia đình thế nào? Charlotte ra sao? Tôi đảm bảo với ông lúc này cơ thể con nhỏ đã khá nặng nề.

- Cô Palmer trông vẫn khỏe, và tôi được nhờ nhắn là chắc chắn bà sẽ gặp cô ấy ngày mai.

- Được, chắc thế rồi, tôi cũng nghĩ vậy. À, Đại tá, tôi đã dẫn về hai thiếu nữ trẻ, ông thấy … ý tôi nói, bây giờ ông chỉ thấy một cô, nhưng còn cô kia ở đâu đó. Còn có bạn của ông, cô Marianne nữa – mà ông sẽ hài lòng được nghe. Tôi không biết giữa ông và anh Willoughby sẽ tính toán ra sao về cô ấy. Tốt, còn trẻ và đẹp là một điều hay. À! Có thời tôi cũng còn trẻ, nhưng chưa bao giờ được đẹp – vô phúc nhất cho tôi. Tuy nhiên, tôi có một người chồng thật tốt, và tôi không biết một sắc đẹp xuất chúng nhất có thể được gì hơn. À! Tội nghiệp cho ông ấy! Đã qua đời được hơn tám năm. Nhưng Đại tá, ông đã đi đâu từ lúc chúng ta chia tay? Công việc của ông ra sao? Này, này, giữa bạn bè không nên có bí mật.

Ông trả lời mọi chất vấn của bà qua thái độ mềm mỏng cố hữu, nhưng không làm bà mãn nguyện về lời đáp nào. Bây giờ Elinor bắt đầu dọn trà, và Marianne bắt buộc phải xuất hiện trở lại.

Sau khi cô bước vào, Đại tá Bradon trở nên tư lự và im lặng hơn, và bà Jennings không thể mời ông lưu lại lâu hơn. Không có người khách nào khác buổi tối hôm ấy, và các phụ nữ nhất trí đi nghỉ sớm.

Marianne thức dậy sáng hôm sau với tinh thần hồi phục và dáng vẻ hạnh phúc. Nỗi thất vọng tối qua dường như đã sớm đi vào quên lãng đề chờ đón chuyện sẽ đến hôm nay. Khi vừa xong bữa ăn sáng, cỗ xe ngựa kéo to của cô vợ Palmer dừng trước cổng, và vài phút sau cô đi vào cười vang, vui mừng được gặp lại mọi người đến nỗi khó biết cô vui hơn vì mẹ cô hay vì hai cô nhà Daswood. Cô ngạc nhiên vì hai cô bạn đã đến thành phố tuy cô đã chờ đợi từ trước, giận dỗi vì hai cô nhận lời bà mẹ sau khi đã khước từ lời mời của mình, tuy cùng lúc cô sẽ không bao giờ tha thứ cho họ nếu họ không đến!

Cô nói:

- Anh Palmer sẽ rất vui được gặp lại hai cô. Khi anh ấy nghe tin hai cô đến cùng mẹ, hai cô có biết anh này nói thế nào không? Bây giờ tôi quên rồi, nhưng mà buồn cười lắm!

Sau một hoặc hai giờ trải qua việc mà bà mẹ gọi là chuyện phiếm thoải mái, hoặc nói cách khác, một loạt những câu hỏi từ phía bà Jennings về những người quen biết và những chuỗi cười không duyên cớ của cô Palmer, cô này đề nghị mọi người tháp tùng cô đi xem vài cửa hiệu nơi cô có ít công việc buổi sáng này. Bà Jennings và Elinor nhận lời ngay vì muốn mua ít món, và Marianne sau khi đã từ chối lúc đầu cũng được thuyết phục đi theo.

Mọi nơi họ đến, Marianne đều dòm ngó quanh quất. Nhất là ở Phố Bond nơi họ đến mua sắm, đôi mắt của cô luôn tìm kiếm. Trong mỗi cửa hàng khi họ đang bận bịu, đầu óc cô bị phân tán, không còn để ý đến những gì trước mặt mà mọi người khác đang chú mục và bận rộn. Bồn chồn và bất mãn mọi nơi, cô không đáp lại lời người chị hỏi ý kiến về bất cứ món hàng nào cho dù có liên quan đến cả hai. Cô không thấy thích thú gì cả, chỉ nôn nóng muốn trở về. Cô còn bực mình về cô Palmer đã quá ham mê bị bắt mắt với mọi thứ sang trọng, đắt tiền hoặc mới lạ; muốn mua mọi thứ nhưng không thể quyết định chọn món nào, bỏ thời gian đi la cà trong phấn khích và phân vân.

Họ về đến nhà lúc gần trưa. Ngay sau khi họ bước vào, Marianne hối hả nhảy các bậc cầu thang, và khi Elinor đi theo, cô thấy em mình bước đi khỏi bàn viết với nét mặt buồn thảm chứng tỏ Willoughby đã không có ở đó.

Cô hỏi người quản gia lúc ông này mang các gói hàng vào:

- Có lá thư nào để lại cho tôi từ lúc chúng tôi đi ra ngoài không?

Ông trả lời là không.

- Ông có chắc thế không? Ông có chắc gia nhân hoặc người khuân vác không để lại lá thư hoặc tin nhắn gì chứ?

Ông trả lời là không có gì.

Quay mặt về hướng cửa sổ trong nỗi thất vọng, cô nói nhỏ:

- Thật lạ lùng!

Lo lắng nhìn em gái, Elinor lặp lại trong tâm tư: “Đúng, lạ thật! Nếu con nhỏ không biết anh ấy đang ở thành phố nó sẽ không viết cho anh; đáng lẽ nó viết gửi đi Combe Magna; và nếu anh ấy đang ở thành phố, thật lạ lùng khi anh không đến thăm hoặc biên thư! Ôi! Mẹ thân thương của con ơi, bà đã sai lầm khi cho phép một đứa con gái còn trẻ như thế hẹn ước với một người đàn ông còn xa lạ như thế, theo cung cách thật đáng ngờ, bí ẩn! Con muốn tìm hiểu, nhưng làm thế nào sự can dự của con được chấp nhận?”

Sau khi suy nghĩ, cô quyết định là nếu mọi vẻ bề ngoài tiếp tục nhiều ngày như hiện giờ, cô sẽ cứng cỏi đề nghị với bà mẹ cần thiết phải dọ hỏi nghiêm túc về vụ việc.

Cô Palmer và hai bà bạn của bà Jennings được mời ăn tối với họ. Cô Palmer ra về sau khi dùng trà để lo nốt những việc còn lại, và Elinor phải phụ giúp bày cỗ bài uýt* cho những người khác. Marianne không giúp ích gì trong các dịp này vì không bao giờ muốn học chơi bài; nhưng mặc dù có thời giờ nhàn rỗi, cô không được vui thú trong buổi tối như Elinor khi cứ mãi lo lắng vì mong đợi và khổ sở vì thất vọng. Thỉnh thoảng cô gắng gượng đọc sách nhưng chỉ được một lúc lại để quyển sách qua một bên, bước qua bước lại quanh phòng, dừng lại một khoảnh khắc khi đi ngang cửa sổ, mong mỏi nhận ra một tiếng gõ cửa không thể nhầm lẫn nhưng lại phải chờ đợi đã lâu.

Chú thích:

* Bài uýt (Anh ngữ: Whist): loại bài đòi hỏi bốn người chơi chia ra làm hai cặp, mỗi cặp tìm cách thắng nhiều quân bài nhất.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 19-5-2013 16:39:18 | Chỉ xem của tác giả
Chương 27

Khi mọi người ngồi vào bàn ăn sáng ngày kế, bà Jennings nói:

- Nếu thời tiết ấm áp như thế này kéo dài thêm, Ngài John chỉ thích đi săn chứ không muốn rời Barton Park tuần tới. Kể cũng buồn cho các tay súng săn phải mất một ngày vận động ngoài trời. Tội nghiệp! Tôi luôn thương cảm họ, vì họ xem chuyện săn bắn là vô cùng hệ trọng.

Marianne bước đến cửa sổ để xem xét thời tiết rồi thốt lên:

- Đúng thế. Tôi đã không nghĩ ra điều này. Thời tiết như thế sẽ lôi cuốn nhiều người có tinh thần thể thao đi ra ngoài thiên nhiên.

Đây là hồi ức may mắn, vực dậy tinh thần cô khi cô ngồi xuống bàn ăn sáng với gương mặt hạnh phúc. Cô tiếp:

- Thời tiết thật là dễ thương cho họ. Họ sẽ vui thích lắm! Nhưng (qua một ít âu lo trở lại) không thể kéo dài. Vào mùa này trong năm và sau một đợt mưa như thế, chắc chắn chúng ta không còn thưởng thức được gì thêm. Chẳng bao lâu sẽ có sương giá, có thể khá nặng. Có lẽ trong một, hai ngày; thời tiết thật ấm như thế này không thể kéo dài lâu – không đâu, có lẽ đêm nay sẽ có băng giá.

Không muốn bà Jennings nhận ra ý nghĩ của em gái như mình, Elinor nói:

- Dù sao đi nữa, chắc chắn Ngài John và Phu nhân Middleton sẽ đến thành phố cuối tuần tới.

- Đúng, chị yêu, em chắc thế. Mary luôn luôn muốn theo ý mình.

Elinor thầm nghĩ: “Bây giờ con nhỏ sẽ gửi thư đến Combe qua đường phát nhanh.”

Như nếu cô em có thật sự viết, cô kín đáo viết và gửi đi lá thư, thoát khỏi sự dòm ngó của người chị để xác định sự thật. Bất luận sự thật có là thế nào và tuy Elinor không hẳn yên tâm, khi thấy Marianne phấn chấn tinh thần cô không lo lắng lắm. Và Marianne đúng là lên tinh thần: vui vì tiết trời ấm cúng, và còn vui hơn khi trông chờ băng giá.

Buổi sáng trôi qua trong việc để lại danh thiếp ở nhà những người quen biết của bà Jennings để thông báo là bà đã về thành phố. Marianne luôn bận rộn nhìn hướng gió, quan sát những biến dạng trên bầu trời và vọng tưởng có thay đổi trong không khí.

- Chị Elinor, chị có thấy sáng nay trời lạnh hơn trước không? Dường như em thấy có khác biệt rõ rệt. Em khó giữ hai bàn tay cho ấm ngay cả khi mang găng. Em nghĩ hôm qua không lạnh như thế. Có vẻ như trời bớt mây mù, mặt trời sẽ ló dạng trong phút chốc, và chúng ta sẽ có một buổi chiều quang đãng.

Elinor vừa bị phân tâm vừa khổ sở; nhưng Marianne vẫn dai dẳng, và thấy, mỗi buổi tối qua ánh sáng lửa lò sưởi và mỗi buổi sáng qua sắc màu của khung trời, vài dấu hiệu của đợt băng giá đang đến gần.

Hai cô nhà Daswood không có lý do quan trọng hơn để than phiền về lối sống của bà Jennings và những người quen biết của bà, so với thái độ của bà lúc nào cũng tử tế với hai cô. Mọi sắp xếp của gia đình đều tạo thoải mái. Ngoại trừ vài người bạn cũ ở thành phố mà Phu nhân Middleton rất tiếc không thể khất, bà không đi thăm viếng ai nếu thấy việc giới thiệu có thể khiến hai cô gái trẻ bối rối. Được nhẹ nhàng vì ở trong hoàn cảnh dễ chịu hơn là cô e ngại lúc đầu, Elinor đáp ứng với ý muốn được vui vẻ trong những lần họp mặt buổi tối ở nhà hoặc đi ra ngoài, chỉ để chơi bài, nhưng cô không thích thú gì.

Đại tá Brandon luôn được mời, đến gần như hàng ngày, thăm hỏi Marianne và trò chuyện với Elinor. Elinor thấy vui được trò chuyện với ông hơn là những chuyện khác xảy ra hàng ngày, nhưng cùng lúc âu lo thấy ông vẫn giữ tình cảm dành cho em gái cô. Cô e rằng tình cảm này càng sâu đậm hơn. Cô đau lòng thấy ông tha thiết với Marianne, và tinh thần ông chắc chắn xuống thấp hơn là khi ở Barton.

-o0o-

Khoảng một tuần sau khi họ đến thành phố, mọi người được biết chắc chắn Willoughby sẽ đến. Danh thiếp của anh nằm trên mặt bàn khi họ đi chơi trở về.

Marianne thốt lên:

- Trời ơi! Anh ấy đến đây khi chúng ta đi vắng.

Vui mừng vì được biết anh đang ở thành phố, Elinor nói:

- Em cứ tin đi, anh ấy sẽ đến lần nữa ngày mai.

Nhưng Marianne dường như không nghe rõ lời cô. Khi bà Jennings đi vào, cô lẩn tránh với tấm danh thiếp quý giá.

Sự kiện này vực dậy tinh thần Elinor và phục hồi tinh thần cô em, và trên tất cả, là nét sống động lúc trước. Từ lúc này, đầu óc cô em không bao giờ tĩnh lặng; mỗi giờ trong ngày cô trông chờ được gặp lại anh, cô không còn tâm tư làm việc gì khác. Cô nhất quyết muốn ở nhà vào sáng hôm sau, khi mọi người đi vắng.

Ý nghĩ của Elinor luôn hướng về những gì sắp xảy ra ở Phố Berkeley* trong khi họ vắng mặt; nhưng khi họ trở về, chỉ cần nhìn thoáng qua em gái, cô biết ngay là Willoughby đã không đến lần thứ hai. Lúc này gia nhân mang vào một phong thư đặt trên bàn.

Marianne vội vã bước đến:

- Của tôi!

- Không, thưa cô, của bà chủ tôi.

Nhưng Marianne không tin, cầm phong thư lên:

- Đúng là của bà Jennings. Thật là tức!

Elinor không còn giữ được im lặng:

- Thế thì em đang trông đợi một lá thư phải không?

- Vâng, chút ít thôi – không mong lắm.

Sau một ít ngập ngừng, cô chị nói:

- Marianne, em không cởi mở với chị.

- Không, chị Elinor, lời trách móc này lại là do chị nói ra thế sao? Chính chị không cởi mở với ai cả!

Elinor nhắc lại với chút hoang mang:

- Chị! Marianne, thật ra chị không có gì để kể.

Marianne có phần phấn khích:

- Em cũng thế, hoàn cảnh của chúng ta giống nhau. Chúng ta đều không có gì để kể: chị, do chị không muốn truyền đạt, và em, do em không giấu diếm gì.

Buồn vì lời kết án ngược lại mà cô không thể gạt bỏ, trong tình cảnh này Elinor không biết làm thế nào thúc ép Marianne được cởi mở hơn.

Bà Jennings đi đến, đọc lá thư được mang đến cho bà. Đây là thư của Phu nhân Middleton, báo tin đêm trước họ đã đến Phố Conduit, mời bà cùng các cô em họ đến. Vì Ngài John bận việc và bà bị cảm, họ không thể đến thăm Phố Berkeley. Họ nhận lời; nhưng khi gần đến giờ hẹn Elinor phải khó khăn mới thuyết phục được Marianne chấp thuận cùng đi, vì cả hai chị em phải giữ phép xã giao với bà Jennings mà tháp tùng bà trong chuyến thăm viếng như thế này. Tuy nhiên, vì chưa được gặp Willoughby, cô em không còn lòng dạ nào mà đi ra ngoài kẻo anh lại đến trong khi cô vắng mặt.

-o0o-

Khi buổi tối đã qua đi, Elinor thấy tính khí ấy không hề thay đổi bởi sự chuyển dịch nơi cư ngụ, vì tuy mới vừa đến thành phố, Ngài John đã xoay sở mời được hơn hai mươi người trẻ, và tổ chức khiêu vũ để tiếp đãi họ. Tuy nhiên, Phu nhân Middleton không tán đồng cách thức này. Ở vùng thôn dã, một buổi khiêu vũ không chuẩn bị trước là điều được chấp nhận; nhưng ở London nơi mà tiếng tăm về thanh lịch quan trọng hơn và khó gầy dựng hơn, nếu để lan truyền tin tức là Phu nhân Middleton đã tổ chức khiêu vũ cho tám hoặc chín cặp, chỉ với hai cây đàn vĩ cầm và bữa ăn nhẹ bày biện sơ sài, thì rủi ro thị phi sẽ quá lớn chỉ để nuông chiều vài cô gái trẻ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 19-5-2013 16:40:39 | Chỉ xem của tác giả
Chương 27
(tiếp theo)

Hai vợ chồng Palmer cũng có mặt. Vì muốn tránh ra vẻ bận tâm đến bà mẹ vợ, anh không bao giờ đến gần bà, nên khi bước vào họ không được anh chào đón đúng phép, dù họ chưa gặp lại anh từ lúc đến thành phố. Anh chỉ nhìn thoáng qua hai cô, ra vẻ như không biết họ là ai, và chỉ đứng ở cuối gian phòng gật đầu chào bà Jennings. Marianne đảo mắt một lượt quanh phòng khi vừa bước vào; thế là đủ – anh ấy không đến đây. Rồi cô ngồi xuống, không màng gì đến việc hòa đồng vui vẻ với người khác.

Sau khi họ đã tụ tập được khoảng một giờ, anh Palmer ung dung bước đến hai cô nhà Daswood để bày tỏ ngạc nhiên gặp lại họ trong thành phố, mặc dù Đại tá Brandon trước đây đã được báo tin ở nhà anh là hai cô sắp đến, và chính anh đã nói gì đấy rất khôi hài về việc này. Anh nói:

- Tôi nghĩ hai cô đang ở Devonshire.

Elinor đáp:

- Thật à?

- Khi nào hai cô trở về?

- Tôi không biết.

Thế là chấm dứt cuộc chuyện trò.

Chưa bao giờ trong đời Marianne chán nản khiêu vũ như thế, chưa bao giờ mệt mỏi như thế. Cô than vãn về điều này khi họ trở về Phố Berkeley.

- Này, này, chúng tôi biết nguyên cớ rất rõ; nếu có một người vô danh nào đó hiện diện, cô sẽ không mệt tý gì; và nói thật, anh ấy không phải phép chút nào khi được mời mà vẫn không đến gặp cô.

Marianne thốt lên:

- Được mời!

- Con gái của tôi bảo tôi thế, vì sáng nay dường như Ngài John đã gặp anh ở đâu đấy trên phố.

Marianne không nói gì thêm, nhưng lộ vẻ thương tổn nặng nề. Nôn nóng muốn làm việc gì đấy trong tình cảnh này để giúp em gái, sáng hôm sau Elinor quyết định biên thư cho bà mẹ và hy vọng giúp bà nhìn ra vấn đề mà quan ngại cho sức khỏe của Marianne, để chính bà hỏi han về sự việc thay vì lần lữa mãi. Ý định về biện pháp này càng cả quyết hơn khi sau bữa ăn sáng ngày sau, cô nhận ra Marianne lại biên thư cho Willoughby, vì cô không thể nghĩ em gái viết cho ai khác.

Vào giữa ngày, bà Jennings phải đi lo công việc, và cô bắt đầu viết lá thư trong khi Marianne quá bồn chồn không thể làm việc gì, quá lo lắng không thể chuyện trò, chỉ đi từ cửa sổ này qua cửa sổ khác, hoặc ngồi bên lò sưởi trong suy tưởng u uẩn. Elinor rất tha thiết trong cái lời khuyên cho bà mẹ, kể lại mọi chuyện đã xảy ra, những hồ nghi của cô về tính chung thủy của Willoughby, và theo mọi cách của bổn phận và tình thương, cô thúc dục bà đòi hỏi Marianne cho biết tình hình thật sự của em gái liên quan với anh.

Khi cô chưa kịp chấm dứt lá thư, một tiếng gõ cửa báo hiệu có khách, và gia nhân báo tin Đại tá Brandon đến. Marianne đã nhìn thấy ông qua cửa sổ, và đi ra khỏi căn phòng trước khi ông vào, vì cô chán ghét gặp gỡ bất cứ ai.

Ông trông nghiêm trọng hơn ngày thường, và mặc dù biểu lộ hài lòng thấy chỉ có một mình cô Daswood, như thể ông có chuyện đặc biệt muốn nói với cô, ông ngồi một hồi mà không nói lời nào. Tin rằng ông muốn nói chuyện liên quan đến em gái mình, Elinor kiên nhẫn chờ ông mở lời. Đây không phải là lần đầu tiên cô có cùng cảm nghĩ; vì đã hơn một lần, bắt đầu qua câu nhận xét “Hôm nay em cô trông không được khỏe”, hoặc “Em cô dường như xuống tinh thần”, ông đi đến chủ đề hoặc để báo tin, hoặc để hỏi han chi tiết gì đấy về em gái cô.

Sau vài phút im lặng, qua giọng xao xuyến ông hỏi bao giờ ông được chúc mừng cô về việc cô có em rể? Elinor đã không chuẩn bị cho câu hỏi như thế, và không sẵn có câu trả lời, nên đành phải dùng thủ thuật đơn giản và thông thường bằng cách hỏi ông có ý gì?

Ông gượng gạo mỉm cười khi trả lời:

- Việc em gái cô hẹn ước với anh Willoughby thì nhiều người đã biết.

Elinor đáp trả:

- Không phải nhiều người đã biết, vì chính gia đình nó không biết.

Ông tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Xin cô thứ lỗi, tôi e câu hỏi của tôi không được phải phép, nhưng tôi không nghĩ ra là đã có ý định giữ bí mật, vì hai người công khai trao đổi thư từ qua lại, và nhiều người đã bàn tán về hôn lễ của họ.

- Làm thế nào được? Ông đã nghe tin này qua ai?

- Qua nhiều người – vài người cô không hề quen biết, những người khác cô quen thân nhất – bà Jennings, cô Palmer, và gia đình Middleton. Nhưng tôi có thể vẫn không tin – vì có lẽ khi con tim không muốn tin, nó sẽ luôn tìm thấy điều gì đấy để mà hồ nghi – nếu khi ông gia nhân đón tôi vào hôm nay, tôi không tình cờ nhìn thấy một phong thư trên tay ông này, để gửi anh Willoughby với nét chữ của em gái cô.

- Tôi đến để hỏi thăm, nhưng tôi đã tin đấy là sự thật trước khi đặt câu hỏi. Có phải mọi việc đã được thu xếp xong xuôi rồi chăng? Có lẽ nào…? Nhưng tôi không có quyền, và tôi không thể có cơ may để nguyện ước được thành.

“Cô Daswood, xin cô thứ lỗi. Tôi tin mình đã sai trái khi nói quá nhiều, nhưng tôi không biết phải làm gì, và tôi tin vào tính cẩn trọng của cô. Cứ cho tôi biết rằng mọi việc đã được quyết định, rằng mọi nỗ lực… rằng giờ chỉ là chôn kín, nếu chôn kín được.”

Các lời này khiến Elinor thật cảm động, vì cô hiểu đây là lời ông trực tiếp bày tỏ tình yêu của ông dành cho em gái mình. Nhất thời cô không thể nói được gì, và ngay cả khi cô lấy lại tinh thần, cô phân vân một lúc để nghĩ cần trả lời như thế nào cho hợp cách. Cô biết rất ít về tình cảnh thật sự giữa Willoughby và em gái cô, đến nỗi nếu gượng gạo giải thích, cô chỉ có thể nói càng ít càng tốt. Nhưng vì cô tin rằng tình cảm của Marianne dành cho Willoughby không cho Đại tá Brandon hy vọng nào, bất luận diễn tiến của tình cảm này như thế nào, và cùng lúc cô không muốn tư cách của mình bị trách móc, sau chút ít suy xét cô nghĩ nên cẩn trọng và tử tế để nói nhiều hơn là cô thật sự biết hoặc tin. Vì thế, cô nhìn nhận rằng mặc dù họ không hề thổ lộ gì với cô về tình cảm giữa hai người, cô không hồ nghi việc hai người yêu nhau, và không ngạc nhiên khi nghe chuyện thư từ qua lại.

Ông im lặng lắng nghe cô, và khi cô dứt lời, đứng dậy, nói qua giọng đầy xúc động:

- Về phần em gái cô, tôi xin chúc mọi hạnh phúc có thể tưởng tượng được; còn về phần Willougbhy, tôi mong anh cố tỏ ra xứng đáng với cô ấy.

Rồi ông từ giã ra về.

Elinor không được thoải mái về cuộc trao đổi này để giảm nhẹ mối ưu tư trong tâm tưởng của cô về các khía cạnh khác. Ngược lại, cô vẫn vương vấn cảm nghĩ u uẩn về tình cảnh bất hạnh của Đại tá Brandon, và cô không thể ngay cả ước muốn xóa đi bất hạnh này trong khi cô đang bồn chồn trông đợi sự kiện xác nhận là ông bất hạnh.

Chú thích:

* Phố Berkeley: chỉ gia cư của bà Jennings
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 20-5-2013 07:48:06 | Chỉ xem của tác giả
Chương 28

Không có gì xảy ra trong ba hoặc bốn ngày kế để khiến Elinor hối tiếc việc biên thư thúc dục bà mẹ, vì Willoughby không đến thăm mà cũng không gửi thư.

Sau thời gian này, họ được mời đi cùng Phu nhân Middleton tham dự một buổi họp mặt mà không có bà Jennings đi cùng, vì cô con gái út của bà không được khỏe. Marianne chuẩn bị tham dự mà không phấn khởi: cẩu thả về hình thức bên ngoài, dường như cũng không màng việc đi ra ngoài hoặc ở nhà, không lộ vẻ hy vọng gì hoặc biểu lộ thích thú gì. Sau khi dùng trà, cô ngồi kế bên lò sưởi trong phòng gia đình để chờ Phu nhân Middleton đến, không hề cử động, nét mặt vô cảm, chìm đắm trong ưu tư, không nhận ra người chị kế bên. Khi hai người được thông báo Phu nhân Middleton đang chờ ở cửa chính, cô bước đi như thể đã quên rằng có người đang đợi.

Họ đến nơi đúng giờ, xuống xe, đi lên các bậc thang lầu, nghe tên họ xướng lên rõ ràng từ giữa thềm thang lầu đến thềm kế tiếp, rồi đi vào một gian phòng được chiếu sáng lộng lẫy, khá đông đúc, vô cùng nóng bức. Sau khi hai cô khẽ nhún gối thi lễ với nữ chủ nhân của tòa nhà, họ được phép hòa lẫn trong đám đông, cùng chia sẻ nóng bức và bất tiện mà họ cũng góp phần vào. Sau một chốc không nói năng nhiều và không làm gì, Phu nhân Middleton ngồi xuống bàn bài casino, và vì Marianne không thiết đi quanh quẩn, cô và Elinor may mắn tìm được hai ghế trống, ngồi gần bàn bài.

Hai cô chưa ngồi được lâu thì Elinor nhận ra Willoughby, đứng cách họ dăm mười bước, sôi nổi trò chuyện cùng một phụ nữ ăn mặc rất sang trọng. Chẳng bao lâu anh nhận ra cô chị, lập tức nghiêng người chào cô, nhưng không có ý bắt chuyện với cô hoặc tiến đến gặp Marianne, tuy anh không thể nào không nhìn thấy cô em; rồi anh tiếp tục trò chuyện cùng người phụ nữ kia. Bất chợt Elinor nhìn qua Marianne xem em gái có thấy anh không.

Vừa lúc cô em nhận ra anh, và cả gương mặt cô tươi tắn lên qua niềm vui bất ngờ; cô đã có thế đi đến anh ngay nếu không do chị cô giữ lại. Cô buột miệng:

- Trời ơi! Anh ấy ở đây – anh ở đây. Ôi! Tại sao anh ấy không nhìn đến em? Tại sao em không thể nói chuyện với anh?

Elinor kêu lên:

- Này, này, em phải bình tĩnh, đừng tỏ lộ cảm xúc cho mọi người thấy. Có lẽ anh ấy chưa trông thấy em.

Tuy nhiên, chính cơ không thể tin điều này; và bây giờ giữ bình tĩnh là nỗ lực quá mức đối với Marianne, cũng là quá mức mong mỏi của cô chị. Cô ngồi với vẻ đau khổ vì mất kiên nhẫn, bị xúc động cả toàn thân.

Cuối cùng, anh quay mặt lại lần nữa, nhìn cả hai; cô đứng dậy, kêu tên anh qua giọng trìu mến, giăng tay về phía anh. Anh tiến đến, mở lời với Elinor thay vì với Marianne, như thể tránh ánh mắt của cô em và chủ định không để ý gì đến thái độ của cô em, vội vã hỏi thăm bà Daswood, và hỏi hai người đã đến thành phố được bao lâu. Elinor hoàn toàn hoang mang với thái độ như thế, không thể nói lên lời nào.

Nhưng cảm nhận của em gái cô được phô bầy lập tức. Cả gương mặt cô đỏ bừng, và qua giọng tràn đầy xúc động nhất, cô thốt lên:

- Chúa tôi! Willoughby, như thế là nghĩa lý gì? Anh có nhận được mấy lá thư của tôi không? Anh không muốn bắt tay với tôi sao?

Anh không thể tránh né, nhưng khi cô chạm đến anh, trông anh dường như thật khổ sở, và anh giữ bàn tay của cô chỉ trong một tích tắc. Cả thời gian này, rõ ràng là anh cố tự trấn tĩnh. Elinor nhìn vẻ mặt anh và thấy anh dần trở lại thư thái.

Sau giây phút im lặng, anh từ tốn nói:

- Thứ Ba rồi, tôi có hân hạnh đến thăm Phố Berkeley, và rất tiếc tôi không được may mắn gặp hai cô và bà Jennings. Tôi hy vọng danh thiếp của tôi không bị thất lạc.

Marianne thốt lên trong xao xuyến cuồng nhiệt nhất:

- Nhưng anh có nhận được mấy tin nhắn của tôi không? Tôi tin có sơ suất – sơ suất kinh khiếp nào đấy. Có nghĩa gì thế? Willoughby, nói cho tôi biết; anh nói đi, có chuyện gì thế?

Anh không trả lời, mặt anh ửng đỏ, anh bối rối trở lại. Rồi khi bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ anh đã cùng chuyện trò lúc trước, như thể cần gắng gượng lập tức, anh tự trấn tĩnh, và nói:

- Vâng, tôi lấy làm vui nhận được tin tức mà cô đã tử tế gửi cho tôi nói cô đến thành phố.

Rồi anh vội vã khẽ cúi đầu chào từ giã và bước trở lại với bạn gái anh.

Marianne lúc này đã trắng bệch kinh khiếp và không thể đứng vững, ngồi phệt xuống ghế. Lo sợ sẽ nhìn thấy em mình ngất đi bất cứ lúc nào, Elinor cố ngồi che chắn không cho những người khác thấy, trong khi giúp em gái trấn tĩnh bằng nước hoa oải hương.

Ngay khi có thể nói được, Marianne kêu lên:

- Chị Elinor, đến tìm anh ấy và bắt anh đến đây với em. Bảo anh ấy em phải gặp anh – chị phải bảo anh ấy lập tức. Em không thể ngồi yên – em sẽ không có giây phút nào yên ổn nếu anh không giải thích – có hiểu lầm khủng khiếp hoặc là điều gì đấy. Ôi, chị hãy đến gặp anh ấy ngay bây giờ.

- Làm thế sao được? Không, em Marianne yêu à, em phải chờ. Đây không phải là chỗ để giải thích. Chờ cho đến ngày mai.

Tuy thế, khó khăn lắm cô mới có thể ngăn cản em gái tự đi đến anh. Cô cũng không thể thuyết phục em gái kiềm chế cảm xúc, để ít nhất giữ bình tĩnh cho đến lúc có thể nói chuyện kín đáo với anh cho ra lẽ. Marianne liên tục rên rỉ về nỗi thảm sầu trong tâm tư mình, than vãn về tình trạng bất hạnh của mình. Trong phút chốc Elinor thấy Willoughby rời gian phòng đi qua cánh cửa dẫn ra cầu thang. Cô cho Marianne biết anh đã ra về, bảo không thể nào nói chuyện với anh tối nay, nhắc em gái lần nữa phải giữ bình tĩnh. Cô van nài em giá xin Phu nhân Middleton đưa họ về nhà, vì cô em đã quá khổ sở không thể lưu lại thêm phút nào.

Dù đang ở giữa ván bài khi nghe nói Marianne không được khỏe, Phu nhân Middleton quá lịch sự nên không muốn ngăn cản ý định cô muốn ra về, giao tay bài cho một người bạn. Không ai nói lời nào trên đường trở về Phố Berkeley. Marianne chìm trong im lặng đau đớn, tinh thần quá nặng nề đến nỗi không thể khóc. May mắn là bà Jennings chưa trở về, họ đi thẳng vào phòng riêng, và bột sừng hươu* giúp cô em bình tâm lại phần nào. Marianne thay quần áo rồi lên giường, và vì ra chiều như muốn được một mình, chị cô đi ra, và trong khi chờ bà Jennings về, có thời giờ nghĩ về những gì đã xảy ra.

Elinor không hồ nghi về cách hẹn ước nào đấy giữa Willoughby và Marianne, và cũng thấy rõ ràng Willougby đã chán về việc này; vì dù cho Marianne vẫn còn ấp ủ các ước vọng của riêng mình, cô không thể gán thái độ như thế cho một cách nhầm lẫn hoặc ngộ nhận nào. Không điều gì khác lý giải được ngoài sự thay đổi sâu xa về tình cảm. Cô có thể phẫn nộ hơn lúc trước nếu không nhận ra vẻ bối rối dường như cho thấy anh đã nhận thức về hành vi sai trái của mình. Đồng thời cô cũng không tin anh là hạng người vô nguyên tắc đến nỗi đùa cợt trên tình cảm của em gái mình ngay từ lúc đầu mà không có toan tính cần được kiểm tra. Sự xa cách có lẽ đã khiến tình cảm anh bị phai nhạt, và một hoàn cảnh thuận tiện hẳn đã khiến anh mất tự chủ, nhưng cô chắc chắn là lúc trước tình cảm đã nảy nở giữa hai người.

Cô suy tưởng mà lo lắng sâu sắc cho Marianne, vì em gái đã hứng chịu những đau nhói sau cuộc gặp gỡ vô phúc đến thế, và sắp đến có thể bị nhức nhối nặng nề hơn trong hệ lụy của sự việc. So sánh với em gái, tình cảnh của cô còn khá hơn, vì cô vẫn có thể tôn quý Edward như ngày xưa bất luận hai người bị ngăn cách như thế nào trong tương lai, và tâm tư của cô sẽ luôn được nâng đỡ. Nhưng dường như mọi tình huống có thể tụ hội với nhau để làm cho Marianne khổ não thêm trong cuộc chia ly cuối cùng với Willoughby – chia ly trong tan vỡ tức thời và không gì hàn gắn được.

Chú thích:

* Bột sừng hươu: dược phẩm dạng bột, chế từ sừng hươu, thời xưa được dùng để giúp trấn tĩnh tinh thần.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 20-5-2013 07:54:12 | Chỉ xem của tác giả
Chương 29

Trước khi đến giờ gia nhân thắp đèn cho hai cô ngày kế, hoặc trước khi mặt trời có tia nắng nào le lói qua một buổi sáng lạnh lẽo và âm u của Tháng Hai, Marianne, chưa kịp thay y phục chỉnh tề, quỳ kế bệ cửa sổ để bắt lấy ít ánh sáng, đang viết nhanh giữa những dòng nước mắt. Tiếng sột soạt và các tiếng nấc của cô khiến Elinor thức giấc, nhận ra em gái; và sau khi quan sát một lúc trong nỗi lo lắng thầm lặng, hỏi qua giọng nhẹ nhàng ý tứ nhất:

- Marianne, chị có thể hỏi – ?

- Không, Elinor, chị đừng hỏi gì cả; chẳng bao lâu chị sẽ biết hết.

Cách thức trầm tĩnh vô vọng trong lời nói không kéo dài lâu, tiếp theo ngay sau đấy là cùng nỗi ưu phiền nặng nề như lúc trước. Phải mất vài phút cô mới có thể tiếp tục viết lá thư, và những đợt sầu khổ dâng trào từng lúc khiến cô phải cố giữ vững cây viết – đủ là các bằng chứng cho thấy cô đang viết lá thư cuối cùng cho Willoughby.

Elinor quan sát em gái trong im lặng và không ngáng trở. Cô đã có thể gắng gượng an ủi và xoa dịu thêm em gái, nếu Marianne đã không van nài cô bằng mọi vẻ thiết tha trong cáu kỉnh nhất là không được nói gì với mình. Trong các tình huống này, không nên gần bên nhau là điều tốt cho cả hai. Tâm tư bấn loạn của Marianne khiến cô không thể giam mình trong phòng sau khi thay đổi trang phục, nhưng bắt buộc cô tìm nơi vắng vẻ và luôn thay đổi chỗ, khiến cô đi quanh quẩn trong nhà cho đến giờ ăn sáng, tránh gặp mặt mọi người.

Tại bàn ăn, Marianne không ăn gì, và không cố ăn thức gì. Các chăm chút của Elinor không phải để khuyên nhủ, thương hại hoặc bày tỏ tình cảm với em gái, mà để cố bắt chuyện cho bà Jennings chỉ chú ý đến mình.

Vì có những món bà Jennings yêu thích, bữa ăn sáng kéo dài khá lâu, và sau đấy khi họ vừa mới chuyển sang bàn làm việc, một lá thư được gửi cho Marianne. Cô giật lấy phong thư từ tay ông gia nhân và, mặt trắng bệch như người chết, lập tức chạy ra khỏi phòng. Elinor đã thấy rõ mọi việc như thể đã nhận ra chiều hướng được vạch trước, biết đây là lá thư từ Willoughby. Cô có ngay cảm giác đau nhói trong tim khiến cô khó ngẩng đầu lên, rùng mình khi cô e khó thể tránh bị bà Jennings nhìn thấy.

Tuy nhiên, người phụ nữ tốt bụng này chỉ thấy Marianne đã nhận một lá thư từ Willoughby, vốn dĩ là đề tài cho bà cợt đùa, và thế là bà đùa cợt bằng cách cười lớn nói hy vọng cô sẽ đọc được những gì cô đang mong đợi. Bà đang bận đo chiều dài các cuộn len cho tấm thảm của bà nên không để ý đến Elinor đang khổ sở, vẫn bình thản tiếp tục nói ngay sau khi Marianne mất hút:

- Tôi đoan chắc, trong đời tôi chưa từng thấy một phụ nữ trẻ nào yêu đương một cách dữ dội như thế. Các con gái của tôi không là gì so với cô ấy, và tuy thế chúng nó có lúc khá ngu xuẩn; nhưng về phẩn cô Marianne, kể ra cô ấy quả là một người khác thường. Trong thâm tâm tôi mong anh ấy sẽ không bắt cô phải chờ đợi lâu, vì thật là xót xa khi thấy cô có vẻ bệnh hoạn và trơ trọi như thế. Xin cho biết, bao giờ hai người cưới nhau?

Dù Elinor chưa bao giờ muốn giữ im lặng như lúc này, nhưng cô đành phải đáp lời giễu cợt như thế, nên gắng gượng nở nụ cười, cô đáp:

- Thưa bà, thật sự bà muốn tự mở lời khuyến dụ em tôi hẹn ước với anh Willoughby phải không? Tôi đã nghĩ đây chỉ là lời bông đùa, nhưng câu hỏi nghiêm túc như thế dường như có thêm ẩn ý; và vì thế, tôi xin bà không nên tự giả vờ nữa. Tôi xin bà tin rằng không có gì khiến tôi ngạc nhiên hơn là nghe hai người sắp cưới nhau.

- Thật là xấu hổ, xấu hổ lắm, cô Daswood ạ! Làm sao cô lại nói như thế? Tất cả chúng ta đều biết rằng hai người xứng đôi với nhau, rằng hai người đã yêu nhau say đắm từ khi mới gặp nhau, đúng không? Có phải ở Devonshire tôi thấy hai người bên nhau hằng ngày và suốt cả ngày; và tôi không biết rằng em gái cô đi thành phố với tôi có mục đích mua áo cưới, hay sao? Này, này, chả ích gì. Vì cô cứ kín đáo như thế, cô nghĩ không ai nhận ra; nhưng không đúng thế, tôi có thể nói cho cô biết, vì cả thành phố đã biết chuyện này từ lâu. Tôi đã nói cho mọi người nghe và Charlotte cũng thế.

Elinor nói thật trang nghiêm:

- Thưa bà, thật ra bà đã nhầm lẫn. Thật thế, bà đang làm một việc không được tử tế lắm khi loan truyền tin này; và bà sẽ thấy đúng như lời tôi nói, dù bây giờ bà không tin tôi.

Bà Jennings lại cười, nhưng Elinor không còn tinh thần nào mà nói thêm. Nôn nóng muốn biết Willoughby đã viết những gì, cô vội vã trở về phòng hai người. Khi mở cánh cửa, cô thấy Marianne nằm dài trên giường, gần như nghẹn ngào vì đau khổ, một lá thư nắm trong tay, hai hoặc ba lá thư khác nằm kế bên. Elinor bước đến gần, nhưng không nói lời nào. Cô ngồi xuống giường, nắm lấy tay em, hôn em nồng thắm, rồi thả mình trong phun trào nước mắt, khởi đầu mãnh liệt không kém Marianne.

Cô em không thể nói năng được gì, dường như cảm nhận được mọi trìu mến, và sau một chốc cùng nhau trút ra mọi đau khổ như thế, cô đặt tất cả lá thư vào tay Elinor; rồi vùi mặt trong chiếc khăn tay, gần như gào thét trong thảm sầu.

Elinor hiểu rằng cần để yên cho nỗi khổ đau như thế tự tuôn trào sau khi đã gây sốc lúc đầu, nên cô không làm gì thêm để an ủi. Cô đợi cho đến khi em gái có phần dịu xuống, rồi quay qua đọc lá thư của Willoughby.

Phố Bond, Tháng Hai

THƯA CÔ – Tôi vừa có hân hạnh nhận được thư cô, và xin có lời cảm ơn chân thành về việc này. Tôi rất lấy làm quan ngạy nhận thấy trong cách cư xử của tôi tối qua có điều gì đấy không được cô tán thành; và mặc dù tôi khá bối rối khi tìm hiểu làm thế nào tôi đã có thể không may xúc phạm đến cô, tôi khẩn khoản xin cô thứ lỗi cho điều mà tôi mong cô tin rằng hoàn toàn không chủ động.

Tôi sẽ không bao giờ hồi tưởng về mối giao tình trước kia với gia đình cô ở Devonshire mà không cảm thấy niềm vui trân trọng, và tự bản thân tôi cảm thấy tự mãn khi mối giao tình này không bị sứt mẻ do bất kỳ nhầm lẫn hoặc hiểu lầm nào về các hành động của tôi. Lòng quý trọng của tôi dành cho toàn thể gia đình cô là rất chân thật; nhưng nếu tôi vô phúc làm dấy lên sự tin tưởng về những gì vượt quá lòng tôi cảm nhận, hoặc có ý tỏ lộ, tôi sẽ tự trách mình đã không cẩn trọng hơn khi tôi biểu lộ lòng quý trọng ấy.

Xin cô hiểu rằng tôi không thể nào có ý gì khác hơn, khi cô hiểu rằng tình cảm của tôi từ lâu đã được hẹn ước nơi khác, và tôi tin sẽ không còn nhiều tuần nữa, mối hẹn ước này sẽ được thỏa nguyện.

Qua tiếc nuối sâu sắc, tôi xin tuân theo lời cô sai khiến để hoàn trả các lá thư mà tôi đã có vinh dự được nhận từ cô, cùng lọn tóc mà cô đã sẵn lòng ban tặng cho tôi.

Vô cùng trân trọng,

JOHN WILLOUGHBY


Có thể hiểu được Elinor phẫn nộ đến thế nào với lá thư như thế. Mặc dù trước khi bắt đầu đọc, cô đã đoán anh sẽ thú thật mình thiếu trung kiên và xác nhận cuộc phân ly vĩnh viễn, cô đã không thể mường tượng ngôn từ như thế lại bị lạm dụng để thông báo các ý này! Cô cũng không thể nghĩ Willoughby lại có thể dứt ra khỏi biểu hiện về danh dự và cảm nghĩ tế nhị – hoàn toàn xa rời tính cách đoan chính của một con người quý phái – để gửi một lá thư tàn nhẫn và trâng tráo như thế: một lá thư thay vì mang ý nghĩa là anh mong muốn thổ lộ nuối tiếc, lại công nhận không có sứt mẻ về lòng tin, phủ nhận mọi tình cảm đặc biệt – một lá thư mà mỗi dòng đều gây xúc phạm, cho thấy người viết mang thói bất lương dày dạn.

Cô ngẫm nghĩ một lúc qua ngạc nhiên phẫn nộ, rồi đọc đi đọc lại lá thư; nhưng mỗi lần đọc chỉ khiến cô thêm ghê tởm người đàn ông, và thêm cay đắng với anh ta, đến nỗi cô không đủ tự tin để cất tiếng. Cô e mình làm Marianne thương tổn thêm khi cô xem sự đổ vỡ không phải là mất mát cái gì tốt đẹp, mà là giải thoát khỏi cái gì tệ hại nhất và cái độc địa nhất không thể cải hóa được, thoát khỏi mối quan hệ suốt đời với một người vô nguyên tắc, là một sự cứu nguy chân chính nhất, một phúc lành trọng đại nhất.

Trong khi suy tư bấn loạn về nội dung của lá thư, về đầu óc đồi bại đã viết nên lá thư này, và có lẽ, về một tâm tư rất khác lạ của một con người rất khác lạ vốn không có mối liên quan bất kỳ nào với cuộc tình ngoại trừ những gì con tim cô trao cho anh, Elinor đã không còn nhớ đến nỗi khổ sở của em gái, không còn nhớ là có ba lá thư khác mà cô chưa đọc, và không nhớ gì về thời gian cô ngồi trong phòng, đến nỗi khi nghe tiếng một cỗ xe chạy đến cửa, cô đi đến cửa sổ để nhìn xem ai đã không biết điều đến sớm như thế.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 20-5-2013 07:55:39 | Chỉ xem của tác giả
Chương 29
(tiếp theo)

Cô ngạc nhiên nhận ra cỗ xe của bà Jennnings. Với chủ định không muốn xa rời Marianne dù không mong giúp được gì vào lúc này, Elinor vội chạy đi xin khất với bà Jennings, với lý do em gái cô không được khỏe. Qua lòng quan tâm luôn vui vẻ về nguyên nhân gây ra tình trạng của cô em, bà Jennings chấp nhận ngay lời cô, và sau khi tiễn chân bà, cô quay lại cùng Marianne.

Cô thấy em gái đang gượng ngồi dậy trên giường, vừa kịp lúc đỡ cho cô em không bị lăn xuống sàn, bất tỉnh và choáng váng vì đã mất ngủ và bỏ ăn. Đã qua nhiều ngày cô bé không thiết ăn uống gì, và nhiều đêm không ngủ yên giấc. Bây giờ, khi tâm tư cô không còn được nâng đỡ bởi cơn sốt của hồi hộp, hệ lụy còn sót lại được nhận ra qua cái đầu váng vất, dạ dày trống rỗng, thần kinh gần như bất tỉnh.

Elinor mang đến một ly rượu vang giúp em gái dễ chịu hơn, và cuối cùng cô em có thể bày tỏ một ít tình thân thương.

- Chị Elinor tội nghiệp! Em đã làm chị khổ đến thế nào!

Cô chị đáp:

- Chị chỉ mong có thể làm bất kỳ việc gì để mang đến nhẹ nhàng cho em.

Điều này, cũng như bất kỳ những điều khác, là quá đáng đối với Marianne. Cô em chỉ có thể thốt lên từ nỗi thảm sầu trong tâm tư:

- Ôi! Chị Elinor, em thật là khổ!

Rồi câu nói của cô chìm giữa những tiếng nức nở.

Elinor không còn đủ can đảm chứng kiến trong im lặng nỗi thương đau không thể chống chọi này. Cô thốt lên:

- Em Marianne yêu, em phải tự nỗ lực, nếu không em sẽ tự giết em và giết cả những người thương em. Hãy nghĩ đến mẹ, nghĩ đến nỗi khổ của bà trong khi em đau khổ; vì mẹ mà em phải tự vực mình lên.

Marianne khóc:

- Em không thể, không thể được, chị mặc em, để mặc em một mình nếu em làm cho chị buồn; để mặc em, ghét em đi, quên em đi! Nhưng đừng tra tấn em như thế! Ôi! Quá dễ cho những người chính mình không biết khổ mà cứ khuyên người khác phải tự vực dậy! Elinor hạnh phúc, hạnh phúc quá, chị không thể hiểu được em khổ như thế nào.

- Marianne, em nói chị hạnh phúc hở? Hứ! Nếu em biết được! Và em tin chị được hạnh phúc khi thấy em khốn khổn như thế này hay sao?

Cô em vòng tay ôm cổ chị:

- Xin chị thứ lỗi, thứ lỗi cho em, em biết chị cảm thương em; em cũng biết con tim chị ra sao; nhưng dù thế chị đang… chị đúng là đang hạnh phúc; Edward yêu chị… cái gì, ờ nhỉ, cái gì có thể làm tan vỡ hạnh phúc như thế?

Elinor nghiêm trọng:

- Nhiều tình huống, rất nhiều.

- Không, không, không, anh ấy yêu chị, và chỉ yêu chị thôi. Không thể nào chị lại khổ.

- Chị không vui gì khi thấy em trong tình cảnh như thế này.

- Và chị sẽ chẳng bao giờ thấy em khác hơn thế này. Không có gì xua tan nỗi khổ của em.

- Marianne, em không được nói như thế. Em không có nguồn an ủi hay sao? Không có bạn bè hay sao? Sự mất mát của em không có gì để xoa dịu hay sao? Bất luận hiện giờ em khổ như thế nào, hãy nghĩ em còn khổ đến đâu nếu chỉ sau này em mới phát hiện được tư cách của anh ta – nếu hai người đã hẹn ước tháng này qua tháng nọ rồi anh ta quyết định chấm dứt. Về phần em, có thêm một ngày tin yêu bất an chỉ khiến kết cục thêm bi thảm.

Marianne thốt lên:

- Hẹn ước! Không có hẹn ước.

- Không hẹn ước?

- Không có, anh ấy không phải là thứ vô lại như chị nghĩ. Anh không phản bội lòng tin gì cả đối với em.

- Nhưng anh ta đã nói anh yêu em.

- Đúng thế… mà không… không bao giờ… tuyệt đối. Mỗi ngày đều có ẩn ý, nhưng chưa bao giờ thổ lộ. Đôi lúc em nghĩ anh ấy đã bày tỏ – nhưng thật ra chưa bao giờ.

- Thế mà em lại gửi thư cho anh ta?

- Vâng. Đây có phải là sai trái không sau những gì đã biểu hiện? Nhưng em không thể nói chuyện.

Elinor không nói gì thêm, quay lại với ba lá thư giờ khiến cô hiếu kỳ hơn lúc nào. Cô thoáng nhìn qua nội dung cả ba. Lá thư thứ nhất, được cô em gửi đi ngay sau khi đến thành phố, là như sau.

Phố Berkeley, Tháng Hai,

Anh Willoughby, anh hẳn sẽ ngạc nhiên thế nào khi nhận thư này, và tôi tin anh sẽ cảm thấy điều gì đấy hơn là ngạc nhiên, khi anh biết tôi đang ở thành phố. Một cơ hội đến tình cờ, dù với bà Jennings, là điều hấp dẫn mà chị tôi và tôi không thể cưỡng lại được. Tôi ước anh nhận thư này kịp cho tối nay, nhưng tôi không dám trông mong. Dù sao, tôi chờ anh ngày mai. Trong khi chờ đợi, tạm biệt.

M.D.


Lá thư thứ hai của cô, viết vào buổi sáng sau buổi khiêu vũ tại tư gia nhà Middleton, là như sau:

Tôi không thể diễn tả nỗi thất vọng của mình vì đã không được gặp anh ngày hôm kia, và ngạc nhiên vì không nhận được phúc đáp cho thư tôi gửi anh khoảng một tuần trước. Mỗi giờ trong ngày trôi qua, tôi đã trông mong tin anh, và trông mong nhất là được gặp anh. Xin anh đến càng sớm càng tốt, giải thích cho tôi rõ tại sao tôi phải trông chờ vô vọng như thế này. Lần sau anh nên đến vào giờ sớm hơn, bởi vì cả nhà thường đi vắng vào lúc một giờ. Tối qua, mọi người đến tư gia Phu nhân Middleton, nơi có dạ vũ. Tôi nghe nói anh được mời đến dự. Nhưng lẽ nào lại như thế? Hẳn anh đã thay đổi nhiều sau khi chúng ta chia tay, nên anh không đến dạ vũ. Nhưng tôi không tin anh có thể thay đổi, nên tôi mong sớm được chính anh xác nhận.

M.D.


Nội dung của lá thư cuối cùng viết cho anh là như sau:

Willoughby, tôi phải tưởng tượng ra sao về thái độ của anh tối qua? Một lần nữa, tôi muốn anh giải thích về chuyện này. Tôi đã chuẩn bị để gặp lại anh qua nỗi vui mừng vui mà sự xa cách của chúng ta đương nhiên sẽ mang lại, theo tình thân quen mà quan hệ mật thiết giữa chúng ta ở Barton dường như đã minh chứng. Tôi đã bị cự tuyệt thật sự! Tôi đã trải qua một đêm khốn khổ để gắng gượng tha thứ cho tư cách khó để gọi kém hơn là sự sỉ nhục; nhưng mặc dù tôi chưa thể hình dung ra lời xin lỗi hợp lý cho hành vi của anh, tôi hoàn toàn sẵn lòng nghe anh biện hộ cho chuyện này. Có lẽ anh đã ngộ nhận, hoặc cố tình bị lừa dối về chuyện nào đấy liên quan đến tôi khiến anh xem thường tôi. Hãy nói cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì, giải thích lý do về hành động của anh, rồi tôi sẽ được mãn nguyện bằng cách làm cho anh mãn nguyện.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
 Tác giả| Đăng lúc 20-5-2013 07:56:50 | Chỉ xem của tác giả
Chương 29
(tiếp theo)

Thật tình tôi lấy làm đau khổ phải nghĩ xấu về anh; nhưng nếu tôi có nghĩ thế, nếu tôi biết được rằng những gì tôi đã tin anh từ trước, rằng tình cảm anh dành cho tôi là giả tạo, rằng thái độ của anh chỉ có chủ ý lừa dối, thì cứ nói ra càng sớm càng tốt.

Tâm tư của tôi vào lúc này đang ở trong tình trạng bất định kinh khiếp; tôi muốn tha thứ cho anh, nhưng chắc chắn dù theo chiều hướng nào cũng sẽ là thanh thản so với điều tôi đang phải chịu khổ sở.

Nếu tâm tư của anh không còn như xưa, anh nên trả lại các lá thư của anh, cùng lọn tóc của tôi mà anh đang giữ.

M.D.

Vì Willoughby mà Elinor không muốn tin là các lá thư đầy tình cảm và tin tưởng như thế lại được phúc đáp như thế. Nhưng khi kết án anh, cô vẫn không quên rằng thư từ như thế cho một người con trai là không phải phép chút nào. Cô thầm lặng đau khổ vì đứa em gái khinh suất đã mạo hiểm tự nguyện đưa ra những bằng chứng về tình cảm mà trước đây chưa được xác minh qua những gì xảy ra, nhưng sau này lại bị kết án qua những sự kiện.

Khi Marianne thấy cô đã đọc xong, cô em giải thích với chị rằng các lá thư không viết gì đặc biệt ngoại trừ những gì bất cứ ai cũng viết trong hoàn cảnh tương tự. Cô thêm:

- Tự em cảm thấy đã được nghiêm chỉnh hẹn ước với anh, như thể luật pháp chặt chẽ nhất đã ràng buộc hai người với nhau.

Elinor nói:

- Chị có thể tin được điều này, nhưng không may là anh ấy không cảm nhận như thế.

- Chị Elinor, anh ấy có cảm nhận như thế – tuần này qua tuần khác anh đã cảm nhận. Em biết anh cảm nhận. Bất luận chuyện gì đấy khiến anh bây giờ thay đổi, (và không có gì khác ngoại trừ tiểu xảo đen tối chống lại em), có lúc em là thân thương với anh ấy giống như tâm tư em ước nguyện. Lọn tóc này, mà bây giờ anh ấy sẵn sàng từ bỏ, là do anh thiết tha xin em. Giá như chị thấy ánh mắt của anh, cử chỉ của anh, giá như chị nghe tiếng nói của anh vào lúc ấy! Chị còn nhớ không buổi tối cuối cùng em và anh ấy bên nhau ở Barton? Và buổi sáng mà anh chia tay với em nữa! Khi anh ấy nói có lẽ phải nhiều tuần mới gặp lại em – nét mặt đau khổ của anh – làm thế nào em quên được đau khổ của anh?

Trong một vài khoảnh khắc Marianne không thể nói thêm; nhưng khi cơn dao động đã qua, bằng một giọng vững chắc cô thêm:

- Chị Elinor, em đã bị lợi dụng một cách tàn nhẫn; nhưng không phải do Willoughby.

- Marianne thân yêu, do ai ngoại trừ chính anh ta? Anh có thể bị ai xúi bẩy chứ?

- Do cả thiên hạ, chứ không phải do con tim của anh. Em muốn tin rằng mọi người quen biết với em hợp sức nhau để hủy hoại em trong tâm tưởng của anh, hơn là tin rằng anh chủ định tàn nhẫn như thế. Người phụ nữ mà anh viết – bất kỳ cô là ai – hoặc nói tóm lại, bất cứ ai ngoại trừ chính chị thân yêu, mẹ và Edward, đều có thể dã man gây ấn tượng sai lầm về em. Không nói đến ba người thân thương, có ai khác trên đời mà em nghi ngờ ngoài Willoughby với tâm hồn em hiểu rất rõ?

Elinor không thể tranh cãi, chỉ nói:

- Em yêu à, bất kỳ ai có thể là kẻ thù của em một cách đáng ghét như thế, nên để mặc họ bị lừa dối về chiến thắng hiểm ác của họ, để họ nhận thấy rằng ý thức về sự vô tội của em và về thiện ý đã nâng đỡ một cách cao cả như thế nào cho tinh thần của em. Chính niềm tự hào đúng lý và đáng ca ngợi sẽ chống lại ác ý như thế.

Marianne thốt lên:

- Không, không, không có tự hào gì trong nỗi khổ em đang mang như thế này. Em không màng ai biết em đang khốn khổ. Chiến thắng được trông thấy em khổ có thể công khai cho cả thiên hạ. Elinor, chị Elinor ạ, những người ít khổ có thể hãnh diện và tự chủ như ý họ muốn – họ có thể chống lại sự sỉ nhục, hoặc đáp trả sự mất thể diện – nhưng em không thể làm thế. Em phải cảm xúc – em phải khốn khổ – và họ cứ tự do vui với ý thức rằng em đang khổ.

- Nhưng vì em và vì chị –

- Em sẽ vì chị và vì mẹ hơn là vì em. Nhưng phải tỏ ra hạnh phúc khi em đang khổ sở! Ôi! Ai lại có thể đòi hỏi như thế?

Cả hai lại im lặng. Elinor suy tư bước từ lò sưởi đến cửa sổ, rồi từ cửa sổ đến lò sưởi mà không nhận ra hơi nóng từ một nơi hoặc những hình ảnh rõ ràng từ nơi kia. Marianne ngồi kế chân giường, đầu tựa lên một cột giường, lại nhặt lá thư của Willoughby lên, và sau khi rùng mình qua mỗi câu, kêu lên:

- Quá đáng! Ôi, Willoughby, Willoughby, có thể đây là thư của anh hay sao? Độc ác, độc ác – không thể tha thứ được anh. Chị Elinor, không gì có thể tha thứ được. Bất luận anh ấy có nghe nói gì về em – đáng lẽ anh ấy không nên tin, phải không? Đáng lẽ anh ấy nói chuyện với em, để em có cơ hội giãi bày, phải không? (Cô đọc theo lá thư) “Lọn tóc mà cô đã sẵn lòng ban tặng cho tôi” – Không thể miễn thứ được. Willoughby, con tim anh ở đâu khi anh viết mấy dòng này? Ôi! Xấc xược một cách tàn nhẫn! Chị Elinor, có thể nào biện minh cho anh ấy không?

- Không, Marianne, không có cách nào biện minh.

- Và tuy thế người phụ nữ này – ai mà biết tiểu xảo của cô ta là gì! Cô ta đã âm mưu từ bao lâu và trù tính sâu xa đến đâu! Cô ta là ai? Cô ta có thể là ai? Em đã nghe anh ấy nói có ai là trẻ và hấp dẫn trong số các cô gái anh quen đâu? Ôi! Không ai, không có ai – anh ấy nói với em chỉ về em thôi.

Thêm một khoảnh khắc. Marianne bị dao động mạnh, nói:

- Chị Elinor ạ, em phải về nhà. Em phải trở về và an ủi mẹ. Chúng ta về ngày mai được không?

- Ngày mai hở Marianne?

- Vâng, tại sao em phải ở đây? Em đến đây chỉ vì Willoughby, và bây giờ ai màng đến em? Ai thương em?

- Không thể về ngày mai. Chúng ta hàm ơn bà Jennings nhiều hơn là phép lịch sự, và phép lịch sự thông thường nhất không cho phép ra về vội vã như thế.

- À, thế thì một hoặc hai ngày, có lẽ vậy; nhưng em không thể ở đây lâu, em không thể lưu lại để chịu đựng mấy lời hỏi han và nhận xét của những người này. Nhà Middleton và nhà Palmer – làm thế nào chịu đựng được họ thương hại em? Tình thương hại từ một phụ nữ như Phu nhân Middleton! Ôi, còn ông ấy sẽ nói đến chuyện này như thế nào!

Elinor khuyên cô em nên nằm xuống. Em gái cô vâng lời một lúc, nhưng không cách nào làm cho cô được thanh thản. Trong nỗi dao động của tinh thần và thể chất, cô luôn trở mình, vẫn thêm bứt rứt. Elinor thấy khó mà giữ em gái nghỉ ngơi trên giường, và có lúc e phải miễn cưỡng gọi bác sĩ. Nhưng vài giọt nước hoa oải hương mà cô chị khuyên bảo nên dùng tỏ ra có tác dụng. Từ lúc này cho đến khi bà Jennings trở về, cô em nằm thiêm thiếp trên giường.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách