Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
Thu gọn cột thông tin

[Lãng Mạn - Xuất Bản] Lý Trí Và Tình Cảm | Jane Austen (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 13-5-2013 07:48:59 | Xem tất
Chương 17
(tiếp theo)

- Không, Edward à, tôi phải chi tiêu cho món gì khác.

- Thế thì, có lẽ cô sẽ dùng nó làm phần thưởng cho người đã viết bài bảo vệ hay nhất cho câu ngạn ngữ mà cô thích, tức là không ai được yêu hơn một lần trong đời – ý kiến kiên định của cô về điểm này, phải không?

- Chắc hẳn rồi. Vào tuổi này của tôi, những tư tưởng đã được ổn định theo cách chấp nhận được. Bây giờ không có khả năng tôi thấy hoặc nghe điều gì khiến tôi có thể thay đổi các tư tưởng này.

Elinor nói:

- Anh thấy không, Marianne vẫn trung kiên như từ trước đến giờ. Cô ấy sẽ không thay đổi gì cả.

- Cô ấy chỉ trang nghiêm hơn một ít so với lúc trước.

Marianne nói:

- Không, Edward à, anh không nên trách tôi. Chính anh không mấy hoạt náo.

Anh thở dài:

- Tại sao cô nghĩ thế? Nhưng hoạt náo chưa bao giờ là một phần trong cá tính của tôi.

Elinor nói:

- Tôi nghĩ đây cũng không phải là một phần trong cá tính của Marianne. Tôi khó có thể gọi Marianne là một cô gái sinh động; cô ấy rất nồng nhiệt, rất háo hức trong mọi việc cô làm – đôi lúc nói rất nhiều, luôn luôn sôi nổi – nhưng không hẳn cô ấy thường vui thật sự.

Anh đáp:

- Tôi tin cô nói đúng, tuy thế tôi luôn xem cô ấy là một thiếu nữ sinh động.

Elinor nói:

- Tôi thường tự xét thấy mình có khuyết điểm như thế, khi hoàn toàn hiểu lầm cá tính về phương diện này hoặc phương diện khác: tưởng tượng người ta là hoạt náo hơn hoặc trang nghiêm hơn, hoặc thông minh hay ngu xuẩn hơn so với thực chất của họ; và tôi không thể nói tại sao hoặc từ đâu có sự nhầm lẫn. Đôi lúc người ta bị dẫn dắt bởi những gì người ta tự nói ra, rất thường khi bởi điều người khác nói với họ, mà không chịu bỏ thời giờ để suy nghĩ và xét đoán.

Marianne nói:

- Chị Elinor, nhưng em nghĩ được những người khác dẫn dắt hoàn toàn là điều phải. Em thấy những phán đoán gán cho chúng ta chỉ quỵ lụy theo phán đoán của mấy người láng giềng của ta. Em biết chắc đấy luôn là bộ khung phép tắc của chị.

- Không, Marianne, không bao giờ. Khung phép tắc của chị không bao giờ nhắm đến chịu khuất phục về hiểu biết. Tất cả những gì chị đã cố gắng gây ảnh hưởng là về hành vi. Em không nên làm rối ý nghĩ của chị. Thú thật, chị thường mong em quan tâm đến những bằng hữu láng giềng của chúng ta hơn nữa; nhưng có khi nào chị khuyên em nên tiếp nhận cảm nghĩ của họ hoặc chiều theo suy xét của họ torng những sự việc nghiêm túc hay không?

Edward nói với Elinor:

- Cô đã không thể thuyết phục em gái cô chấp nhận bộ khung phép tắc của cô. Cô không đạt được gì cả phải không?

Elinor gửi một ánh mắt đầy ẩn ý đến Mairanne:

- Không được gì.

Anh đáp trả:

- Suy xét của tôi hoàn toàn theo phía cô, nhưng tôi e cách tôi thực hiện có phần giống em gái cô hơn. Tôi không bao giờ muốn xúc phạm, nhưng tôi nhút nhát một cách xuẩn ngốc, tôi thường lộ vẻ lơ là trong khi tôi chỉ bị vụng về do thiên bẩm. Tôi thường nghĩ rằng bản chất tự nhiên của tôi là thích tầng lớp thấp; tôi không mấy thoải mái khi ở giữa những người lạ trong giai cấp quý phái.

Elinor nói:

- Marianne không hề nhút nhát mà tha thứ cho sự thờ ơ của cô ấy.

Elinor đáp:

- Cô ấy biết giá trị của mình quá rõ nên không quy lỗi một cách sai lạc. Tính nhút nhát chỉ là kết quả của mặc cảm tự ti theo cách này hay cách khác. Nếu tôi có thể tự thuyết phục rằng tư cách của mình hoàn toàn thoải mái và phong nhã, tôi sẽ không cảm thấy nhút nhát.

Marianne nói:

- Nhưng anh cũng còn giữ kẽ, đấy lại là tệ hại hơn.

Edward ngạc nhiên:

- Giữ kẽ! Tôi có giữ kẽ thật à, Marianne?

- Vâng, rất giữ kẽ.

Anh đỏ mặt:

- Tôi không hiểu cô. Giữ kẽ! – như thế nào, theo cách nào? Tôi phải nói gì với cô đây? Cô mong tôi phải làm thế nào?

Elinor tỏ lộ ngạc nhiên thấy anh xúc động; nhưng cố cười cợt cho qua, nói với anh:

- Anh không biết cô ấy rõ để hiểu cô ấy có ý gì hay sao? Anh không biết bất kỳ ai không nói nhanh như cô ấy và không ngưỡng mộ cái mà cô ấy ngưỡng mộ đều bị cô gọi là giữ kẽ, hay sao?

Edward không trả lời. Anh trở lại nghiêm nghị và suy tư, ngồi một hồi lâu trong im lặng và thẫn thờ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 13-5-2013 18:32:10 | Xem tất
Chương 18

Elinor quan sát anh bạn cô xuống tinh thần mà cảm thấy bất an. Chuyến thăm viếng của anh chỉ khiến cô hài lòng chút ít, trong khi anh dường như không được vui trọn vẹn. Hiển nhiên là anh không được hạnh phúc; cô cũng mong hiển nhiên là anh vẫn còn đối xử với cô một cách đặc biệt hơn những người khác qua ý tình mà có lần cô chắc chắn đã nhận ra; nhưng cho đến giờ này dường như không chắc anh còn như xưa. Thái độ giữ kẽ của anh đối với cô trong một khoảnh khắc trở nên mâu thuẫn với những gì mà ánh mắt sinh động của anh đã thầm nói lên trước đấy.

Sáng hôm sau, anh gặp cô và Marianne trong phòng điểm tâm trước khi những người khác đi xuống. Marianne luôn sốt sắng thúc đẩy hạnh phúc của họ càng chóng thành càng tốt, nên cô muốn hai người được riêng tư với nhau. Nhưng trước khi cô bước lên được phân nửa thanh lầu cô nghe cánh cửa hành lang mở ra và , ngoái nhìn lại, cô ngạc nhiên thấy chính Edward đi ra ngoài.

Anh nói:

- Tôi đi đến làng để xem các con ngựa của tôi, vì gia đình chưa sẵn sàng dùng điểm tâm; tôi sẽ trở lại ngay.

-o0o-

Edward trở lại với thêm lời ca ngợi cảnh quan quanh vùng. Trên đường đi đến ngôi làng, anh đã thấy nhiều cảnh thung lũng đẹp. Ngôi làng ở trên vùng cao hơn nhà nghỉ mát, từ đây mở ra toàn quang cảnh khiến anh rất thích thú. Đây là đề tài thu hút sự chú ý của Marianne, và cô bắt đầu diễn tả ca ngợi của riêng cô về các cảnh quan này, hỏi han anh kỹ càng hơn về những gì làm anh thích nhất.

Edward ngắt lời cô:

- Marianne, cô không nên hỏi quá xa; xin nhớ tôi không có kiến thức về cảnh quan. Qua dốt nát và kém khiếu thẩm mỹ, tôi sẽ xúc phạm cô nếu ta bàn đến chi tiết. Tôi sẽ gọi các triền đồi là nghiêng thay vì dốc đứng hùng vĩ; mặt đất lạ lùng và hoang dại thay vì là nhấp nhô và lượn sóng; cảnh vật ngoài tầm mắt thay vì là xa mờ qua làn sương đục. Cô nên hài lòng với cách thưởng thức mà tôi diễn tả mộc mạc. Tôi gọi vùng đất này là đẹp: các đồi dốc, các khoảnh rừng có nhiều gỗ tốt, thung lũng trông thoải mái và ấm cúng, với các đồng cỏ phì nhiêu, đây đó vài nông trại ngăn nắp. Tất cả đều đúng như ý tưởng của tôi về một vùng đất đẹp, bởi vì nó hài hòa vẻ đẹp với chuyên dụng; và tôi tin chắc vùng này cũng nên thơ, bởi vì cô tán thưởng nó. Tôi có thể dễ dàng tin rằng cũng có đá sỏi và doi đất, rêu xám và lùm bụi, nhưng tôi không nhận ra. Tôi không biết gì về vẻ nên thơ.

Marianne nói:

- Tôi e anh nói đúng, nhưng tại sao anh lại khoe khoang như thế?

Elinor nói:

- Chị đoán là khi né tránh một tình cảm, Edward lại sa đà vào một tình cảm khác. Bởi vì anh ấy tin rằng nhiều người giả vờ ca ngợi những vẻ đẹp nhiều hơn là chính họ cảm nhận được. Anh khinh thường giả dối như thế, nên khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp anh muốn dửng dưng nhiều hơn và ít phân biệt hơn so với tâm hồn của anh. Anh kỹ tính và từ đó sẽ mang thói giả tạo.

Marianne nói:

- Đúng thật là việc chiêm ngưỡng cảnh quan đã biến thành đặc ngữ đơn thuần. Mọi người giả vờ cảm nhận và gắng gượng diễn tả qua khiếu thẩm mỹ và lịch lãm của người đầu tiên định nghĩa thế nào là phong cảnh nên thơ. Tôi có ác cảm với mọi loại đặc ngữ, đôi lúc tôi giữ lấy những cảm xúc cho riêng mình, vì tôi không thể tìm ngôn từ nào để diễn tả ngoại trừ theo mấy lối mòn nhàm chán về nhận thức và ý nghĩa.

Edward nói:

- Tôi tin cô thực sự cảm thấy mọi thích thú với một toàn cảnh tinh tế mà cô cho rằng mình đã cảm nhận được. Nhưng, để đáp lại, chị cô phải cho phép tôi không cảm thấy gì khác hơn là tôi diễn tả. Tôi thích toàn cảnh tinh tế, nhưng không dựa theo các nguyên tắc về vẻ nên thơ. Tôi không thích cây cối bị gãy khúc, vặn vẹo, xơ xác. Tôi say mê những cây cao hùng vĩ, vút thẳng, sum suê lá cành. Tôi không thích những ngôi nhà nghỉ hư hại, đổ nát. Tôi không yêu dây tầm gai, cây kẽ, hoặc thạch nam. Tôi yêu một nông tranh ấm cúng hơn là một tháp canh; những dãy làng ngăn nắp an bình hơn là những thảo khấu anh dũng nhất thế gian.

Marianne nhìn Edward với vẻ ngạc nhiên thú vị, và nhìn chị cô với lòng thương hại. Elinor chỉ cười.

Họ không bàn cãi thêm; và Marianne lại im lặng trong suy tư, cho đến khi cô đột nhiên chú ý đến một vật. Cô đang ngồi kế bên Edward, và trong khi đón nhận tách trà từ tay bà Daswood bàn tay anh đưa ngay trước mặt cô, cho thấy rõ ràng một chiếc nhẫn với một lọn tóc. Cô thốt lên:

- Edward, tôi chưa bao giờ thấy anh mang nhẫn. Có phải đây là tóc của Fanny không? Tôi nhớ nghe chị ấy hứa tặng anh ít tóc. Nhưng tôi nghĩ tóc chị ấy sẫm màu hơn.

Marianne nói ra điều cô nghĩ mà không đắn đo; nhưng khi cô thấy mình đã gây bối rối cho Edward đến thế, nỗi bứt rứt vì kém suy nghĩ không thể kém sự bối rối của anh.

Anh đỏ bừng mặt, rồi nhìn thoáng qua Elinor, đáp:

- Vâng, đây là tóc của em gái tôi. Khi đính lên nhẫn, tóc luôn có màu sẫm hơn, cô biết đấy.

Elinor đón nhận ánh mắt của anh, cũng lộ vẻ tỉnh táo như anh. Cũng như Marianne, cô an tâm rằng đây chính là tóc của em gái anh; riêng kết luận của hai người là khác biệt. Trong khi Marianne cho rằng đây là món quà của em gái anh, cô đoán là do lấy trộm hoặc một sự sắp đặt nào đấy mà cô không rõ. Tuy nhiên, cô không cảm thấy sỉ nhục. Ra vẻ không để ý đến những gì đã xảy ra, cô bắt ngay sang chuyện khác. Trong tâm tư cô tự nhủ từ bây giờ trở đi cô sẽ tranh thủ mọi cơ hội để nhìn qua lọn tóc và để xác nhận đúng là màu tóc của em gái anh.

Edward bối rối một hồi lâu, rồi trấn tĩnh lại trong trầm tư. Anh đặc biệt nghiêm nghị trong cả buổi sáng. Marianne tự trách móc thậm tệ về câu nói của mình; nhưng thói quen tự tha thứ có thể còn nhanh chóng hơn, vì cô không mường tượng được mình đã xúc phạm chị cô đến thế nào.

-o0o-

Trước buổi trưa, Ngài John và bà Jennings đến thăm họ để xem xét anh sau khi được tin có một người quý phái đến thăm viếng nhà nghỉ mát. Có bà mẹ vợ hỗ trợ, chẳng bao lâu Ngài John đã khám phá là tên của Ferrars bắt đầu bằng chữ F, và điều này tạo nên một cái mỏ để ông khai thác mà giễu cợt Elinor trong tương lại, nhưng ông chưa bắt đầu bây giờ vì họ chỉ mới quen biết Edward. Qua những ánh mắt đầy ẩn ý, cô chỉ nhận thấy là họ đã biết được bao nhiêu qua hướng dẫn của Margaret.

Ngài John không bao giờ thăm viếng gia đình Daswood mà không mời họ đến dùng bữa hôm sau, hoặc dùng trà vào tối hôm ấy. Vào dịp này, để anh khách được vui hơn và ông cũng vui vì có đóng góp, ông mời cả anh cùng đến. Ông nói:

- Anh phải đến dùng trà với chúng tôi tối nay vì chúng tôi khá quạnh hiu; và ngày mai nhất định anh phải đến dùng bữa tối với chúng tôi vì chúng tôi sẽ có đông người.

Bà Jennings nhấn mạnh việc cần thiết phải làm:

- Và ai biết được, anh sẽ khởi đầu một buổi khiêu vũ. Thế là hấp dẫn đối với cô đấy, Marianne.

Marianne thốt lên:

- Khiêu vũ! Không thể được! Ai sẽ khiêu vũ?

- Ai nữa! Chính các cô đấy, rồi còn nhà Carey và Whitaker, chắc hẳn rồi. Sao! Cô nghĩ không ai sẽ khiêu vũ bởi vì một người giấu tên nào đó đã ra đi!

Ngày John thốt lên:

- Với cả tâm tư, tôi ước mong Willoughby sẽ trở lại với chúng ta.

Câu này, cùng với gương mặt đỏ hồng của Marianne, làm Edward thắc mắc. Anh hỏi nhỏ cô Daswood lúc này ngồi kế anh:

- Willoughby là ai?

Cô đáp ngắn gọn. Vẻ mặt Marianne càng trở nên đầy ý nghĩa. Edward nhìn và không những đủ hiểu hàm ý của những người khác , mà còn đọc được cảm nghĩ của Marianne vốn đã từng khiến anh cảm thấy khó hiểu. Khi hai vị khách ra về, anh đi ngay đến cô, thì thầm:

- Tôi đã đoán được. Tôi có nên nói cho cô biết tôi đoán gì không?

- Anh có ý gì?

- Tôi có nên nói không?

- Được.

- Thế thì, tôi đoán anh Willoughby thích đi săn.

Marianne ngạc nhiên và ngượng ngùng, tuy thế cô không thể ngăn nụ cười với vẻ tinh nghịch trầm lặng của anh. Sau một khoảnh khắc im lặng, cô nói:

- Ồ, Edward! Làm thế nào anh đoán được? Nhưng sẽ đến lúc, tôi hy vọng … tôi tin anh sẽ mến anh ấy.

- Tôi chắc thế.

Anh ngạc nhiên thấy cô sôi nổi và nồng nàn; vì nếu anh không hiểu đấy là câu pha trò dựa trên chuyện gì đấy hoặc không có gì cả giữa anh Willoughby và cô, thì hẳn anh sẽ không nhắc đến tên người kia.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 18:08:06 | Xem tất
Chương 19

Edward lưu lại nhà nghỉ mát trong một tuần. Bà Daswood tha thiết nài ép anh ở lại lâu hơn; nhưng như thể tự hành xác, dường như anh nhất mực muốn ra đi khi cuộc vui với những người bạn của anh lên đến đỉnh điểm. Trong hai, ba ngày cuối, tinh thần anh có khá lên nhiều tuy vẫn còn dao động – càng ngày anh càng yêu mến ngôi nhà và khung cảnh – không bao giờ nói đến chia tay mà không thở dài – cho biết thời giờ của anh hoàn toàn không vướng bận – thậm chí không chắc sẽ đi đâu khi từ giã họ; nhưng dù sao anh vẫn phải đi.

Chưa bao giờ có tuần lễ nào trôi qua nhanh như thế; anh khó tin được thời gian sắp cạn. Anh nói đi nói lại điều này; anh cũng nói đến những chuyện khác, để che giấu tâm tư đảo lộn của anh và dối trá về các động thái của anh. Anh không có niềm vui nào ở Norland. Anh ghét ở lại thành phố; nhưng anh phải đi, hoặc ở Norland hoặc ở London. Anh đánh giá lòng tử tế của họ cao hơn bất kỳ điều gì khác; niềm hạnh phúc lớn lao nhất của anh là được gần bên họ. Tuy thế, anh phải từ giã họ vào cuối tuần, dù họ không muốn và anh không muốn, dù thời giờ của anh không có gì giới hạn.

Elinor cho rằng bà mẹ anh đã gây nên thái độ đáng ngạc nhiên của anh. May mắn cho cô là đã hiểu rất rõ bà mẹ anh, vốn là lý do cho mọi điều lạ kỳ về phần anh con trai. Dù cho thất vọng và bực bội, đôi khi khó chịu về thái độ mù mờ của anh, cô vẫn muốn nghĩ tốt về các động thái của anh. Tính vô tư và độ lượng như thế là do bà mẹ của cô đòi hỏi ở cô để bênh vực cho Willoughby. Tinh thần anh yếu đuối, lại không được cởi mở và nhất quán, phần lớn là vì anh thiếu khả năng tự lập, và anh biết rõ hơn mọi người về thái độ và ý định của bà Ferrars. Chuyến thăm viếng ngắn ngủi, lại khăng khăng đòi ra về, đều xuất phát từ cùng xu hướng cam chịu gông cùm, cần thiết để hoàn hoãn với bà mẹ anh. Lời phàn nàn lâu đời về bổn phận đi ngược với ý muốn, cha mẹ đi ngược với con cái, đều là nguyên nhân của tất cả. Cô sẽ vui mà được biết khi nào các khó khăn này chấm dứt, sự chống đối được nhượng bộ, – khi bà Ferrars được cải hóa và con trai bà được tự do mưu tìm hạnh phúc.

Nhưng từ các ước muốn vô vọng như thế, cô bắt buộc phải tìm an ủi trong việc phục hồi niềm tin yêu của cô về ý tình của Edward, trong hoài niệm về mỗi ánh mắt hoặc ngôn từ của anh khi lưu lại đây, và trên tất cả, trong chứng cứ của sự tôn vinh ấy mà anh thường đeo trên ngón tay anh.

-o0o-

Khi ngồi vào bàn điểm tâm sáng hôm sau, bà Daswood nói:

- Edward à, tôi nghĩ anh sẽ được hạnh phúc hơn nếu anh có một nghề nghiệp để dùng thời giờ và tâm trí vào những kế hoạch và công việc. Những người bạn của anh sẽ chịu thiệt thòi, vì anh không thể dành nhiều thời gian cho họ. Nhưng (bà mỉm cười) anh sẽ có thuận lợi cụ thể theo ít nhất một phương diện: anh biết sẽ đi về đâu khi từ giã họ.

Anh đáp:

- Xin bà tin rằng từ lâu tôi đã nghĩ về việc này. Từ trước, hiện nay và có lẽ mãi mãi sau này, tôi bị bất hạnh nặng nề nếu không có công ăn việc làm, không có nghề nghiệp để giúp tôi bận rộn, hoặc để tạo cái gì đấy cho tôi như là vị thế tự lập. Nhưng không may là tính tinh tế của tôi, và tính tinh tế của những thân quyến, đã tạo cho tôi thành con người bây giờ: nhàn rỗi, vô dụng. Chúng tôi không bao giờ đồng ý với nhau khi lựa chọn nghề nghiệp cho tôi. Tôi luôn thích làm việc cho giáo hội, và hiện giờ vẫn thích. Nhưng gia đình tôi nghĩ như thế là chưa được cao trọng. Họ khuyên tôi gia nhập quân ngũ. Nhưng việc này lại quá cao trong đối với tôi. Ngành luật tạo con người phong lưu vừa phải: nhiều anh trai trẻ đã thành đạt, có phong cách rất ấn tượng trong tầng lớp thượng lưu, chạy vòng thành phố trên xe độc mã hai bánh trông rất bảnh bao. Nhưng tôi không thiết tha với nghề luật ngay cả trong môn học không mấy khó khăn này, tuy gia đình tôi chấp nhận. Còn về hải quân, binh chủng này tạo phong cách, nhưng khi nghĩ đến thì tôi đã quá tuổi. Và, cuối cùng, tôi không bị bức xúc phải có nghề nghiệp gì cả. Không cần mặc áo choàng đỏ*, tôi vẫn có thể bảnh bao và phong lưu như người vô công rỗi nghề, và một trai trẻ tuổi mười tám không sốt sắng muốn bận rộn. Vì thế, tôi theo học đại học Oxford và vẫn rảnh rỗi từ ngày ấy.

Bà Daswood nói:

- Vì rảnh rỗi không tạo hạnh phúc cho anh, tôi đoán hậu quả của việc này là những người con trai của anh sẽ được giáo huấn để theo đuổi nhiều ngành nghề khác nhau, như là Columella**.

Anh nghiêm túc:

- Chúng nó sẽ được giáo huấn để càng khác với tôi càng tốt – khác về cảm nghĩ, về cách hành động, về điều kiện sống, về mọi thứ.

- Này, này, Edward, đây là lời bộc phát từ tinh thần yếu kém. Anh đang trong trạng thái u uẩn, tưởng tượng rằng người nào không giống anh hẳn được hạnh phúc. Nhưng anh nên nhớ ai cũng buồn như nhau khi chia xa bạn hữu, bất luận họ ở trình độ giáo dục nào hoặc khiếu thẩm mỹ nào. Anh cần nhận ra hạnh phúc của anh. Anh không thiếu gì cả ngoại trừ kiên nhẫn – hoặc gọi theo ngôn từ lôi cuốn hơn, là hy vọng. Sẽ đến lúc mẹ anh cho anh được tự lập như anh mong mỏi; đấy là bổn phận của bà, và nó sẽ là bổn phận; chẳng bao lâu bà sẽ vui khi thấy cả tuổi trẻ của anh không bị uổng phí trong bất mãn. Một vài tháng thì uổng phí bao nhiêu?

Edward đáp:

- Tôi nghĩ tôi có thể mất nhiều tháng để làm được cái gì đấy tốt cho tôi.

Tâm trạng chán nản như thế, dù bà Daswood không hiểu, khiến mọi người buồn thêm trong buổi tối chia tay đã đến gần; đặc biệt lưu lại trong cảm xúc của Elinor một ấn tượng bất an phải qua khó khăn và cần thời gian để trấn áp. Nhưng vì cô đã quyết tâm trấn áp và không muốn tỏ lộ nỗi buồn nặng nề hơn là gia đình đã sẵn buồn vì xa cách, cô không theo phương pháp mà Marianne áp dụng một cách khôn ranh trong trường hợp tương tự khi rút vào im lặng, cô đơn và nhàn rỗi. Cách thức của hai chị em khác biệt giống như mục tiêu của họ khác biệt, đều thích hợp để đạt mỗi mục tiêu.

-o0o-

Ngay sau khi anh ra khỏi nhà, Elinor ngồi vào bàn viết, tìm việc làm bận rộn cả ngày, không gợi ý cũng không né tránh ai nhắc đến tên anh, ra vẻ như chính mình chú tâm vào các công việc của gia đình. Nếu qua cách này cô không thể khuây khỏa nỗi buồn, ít nhất nỗi buồn không nặng thêm, nhờ thế bà mẹ và hai em gái không phải lo lắng về cô.

Đối với Marianne, tư cách này trái ngược hẳn với cô, có vẻ không đáng khen lắm cũng như tư cách của cô không khiếm khuyết lắm. Cô em xác định rất dễ dàng về tư cách tự kiềm chế: với tình cảm sâu đậm thì không đáng kiềm chế. Cô không chối cãi, nhưng đỏ mặt khi công nhận, là tình cảm của chị cô đúng là trầm tĩnh. Còn về nghị lực của riêng cô, cô cho thấy chứng cứ rõ ràng là cô vẫn yêu thương và tôn trọng chị mình.

Không đóng cửa tự cô lập khỏi gia đình, hoặc bước ra khỏi nhà trong đơn độc để trốn tránh họ, hoặc nằm thao thức cả đêm để suy tưởng, vào những thời khắc khác nhau của mỗi ngày Elinor đều có thể nhàn nhã nghĩ về Edward và về thái độ của Edward trong mọi trạng thái tinh thần khác nhau – trìu mến, thương cảm, chấp nhận, chê trách, nghi ngờ. Có nhiều khoảnh khắc, khi mà, nếu không do bà mẹ hoặc hai em gái vắng mặt thì ít nhất do họ bị bận rộn, không ai nói gì với nhau, cô được đơn độc để sống với chính mình. Đương nhiên là tâm tư cô được tự do; tư tưởng cô không bị ràng buộc nơi khác. Quá khứ và hiện tại phải ở trước mặt cô, phải bắt buộc cô để tâm đến, và chiếm lĩnh hoài niệm của cô, suy tư của cô, mộng tưởng của cô.

Từ mơ mòng như thế, khi ngồi ở bàn viết một buổi sáng, không lâu sau khi Edward rời xa họ, cô bị đánh thức bởi có khách đến nhà. Cô đang ngồi một mình trong phòng. Cô nghe tiếng cánh cổng sân vườn trước nhà, hướng tầm mắt qua khung cửa sổ, nhận ra một nhóm đông người đang đi đến cửa chính. Trong số đó là Ngài John, Phu nhân Middleton và bà Jennings, nhưng còn thêm hai người khác, một đàn ông và một phụ nữ mà cô chưa quen biết. Cô đang ngồi gần cửa sổ, và ngay khi Ngài John nhận ra cô, ông tách ra khỏi nhóm người đang làm nghi lễ gõ cửa để bước qua bãi cỏ, bắt buộc cô phải mở khung cửa sổ để nói chuyện với ông, tuy chỉ có khoảng cách ngắn giữa cửa sổ và cửa chính, nên họ khó nói chuyện với nhau mà những người khi không nghe được.

Ông nói:

- Này, chúng tôi dẫn đến vài người lạ. Cô thấy họ thế nào?

- Suỵt! Họ nghe được.

- Dù họ nghe được cũng không sao. Đấy là vợ chồng Palmer. Tôi có thể nói Charlotte xinh lắm. Cô có thể thấy cô ấy nếu nhìn hướng này.

Vì Elinor chắc chắn sẽ gặp cô này trong ít phút mà không phải sỗ sàng như thế, cô từ chối.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 18:15:18 | Xem tất
Chương 19
(tiếp theo)

- Marianne đâu? Cô ấy đã chạy trốn vì chúng tôi đến phải không? Tôi thấy chiếc đàn còn đang mở.

- Tôi đoán cô ấy đang đi dạo.

Bà Jennings đi đến, vì không đủ kiên nhẫn đợi cánh cửa mở để kể chuyện của bà. Bà kêu với đến cửa sổ:

- Có khỏe không, cháu yêu? Bà Daswood vẫn khỏe chứ? Còn các em gái cô đâu? Cái gì! Một mình! Cô sẽ lấy làm vui có một nhóm nhỏ ngồi cùng cô. Tôi dẫn anh con rể kia và con gái tôi đến gặp cô. Thử nghĩ họ thình lình đến đây! Tôi nghĩ tôi nghe tiếng xe ngựa đêm hôm qua, khi chúng tôi đang dùng trà, nhưng tôi không ngờ rằng họ đến. Tôi không nghĩ về gì khác ngoài việc Đại tá Brandon có thể đến; nên tôi nói với Ngài John, tôi chắc chắn nghe tiếng xe; có lẽ Đại tá Brandon đang đến .

Giữa câu chuyện của bà, Elinor bắt buộc phải quay đầu phía khác để chào đón những người kia trong đoàn. Phu nhân Middleton giới thiệu hai người lạ. Cùng lúc, bà Daswood và Margaret đi xuống thang lầu. Họ cùng ngồi xuống nhìn nhau, trong khi bà Jennings tiếp tục câu chuyện của bà khi đi vào hành lang, với Ngài John kế bên.

Cô vợ Palmer kém Phu nhân Middleton vài tuổi, và hoàn toàn khác về mọi phương diện. Cô thấp và béo, có khuôn mặt rất xinh, mọi nét đều lộ vẻ hài hước. Cử chỉ của cô không được phong nhã như bà chị, nhưng lôi cuốn hơn. Cô đi vào với nụ cười – mỉm cười suốt buổi thăm viếng ngoại trừ khi cất tiếng cười lớn, và mỉm cười khi ra về.

Anh chồng có nét nghiêm nghị ở tuổi hai mươi sáu hoặc hai mươi bảy, với tư thái theo thời thượng và có nhận thức hơn, nhưng không sẵn lòng lấy làm vui hoặc làm cho người khác vui. Anh bước vào phòng với vẻ tự cho mình là quan trọng, khẽ cúi đầu chào các phụ nữ mà không nói một lời, và sau khi quan sát họ cùng ngôi nhà, cầm lấy một tờ báo trên bàn và đọc liên tục suốt buổi.

Ngược lại, cô vợ Palmer có tố chất vừa lịch sự vừa vui vẻ, và ngay khi ngồi xuống cô đã buột miệng ca ngợi hành lang và mọi vật.

- Này! Quả là gian phòng thú vị! Tôi chưa từng thấy ở đâu quyến rũ đến thế! Mẹ ạ, nghĩ xem, nhà đã được làm đẹp như thế nào so với lúc con ở đây! Con luôn nghĩ đây là nơi ấm cúng, mẹ ạ (quay qua nhìn bà Daswood), nhưng bà đã biến nó thành quyến rũ! Chị ạ, (nói với Phu nhân Middleton) hãy xem, mọi thứ đều hay hay thế nào ấy! Làm thế nào mà chính em cũng thích ngôi nhà như thế này! Anh Palmer, anh có thích không?

Anh Palmer không trả lời cô, thậm chí không nhướng mắt khỏi trang báo.

Cô cười:

- Anh Palmer không nghe tôi nói, đôi lúc anh chẳng bao giờ nghe. Thật là lạ lùng.

Đây là điều khá mới lạ đối với bà Daswood; bà chưa quen chế giễu ai thiếu quan tâm, và không thể không lộ vẻ ngạc nhiên đối với cả hai.

Trong lúc này, bà Jennings nói oang oang, tiếp tục kể về nỗi ngạc nhiên của bà tối hôm trước khi vừa nhận ra khách đến, nói không dứt cho đến khi kể xong xuôi. Cô vợ Palmer cười thoải mái khi nghe nhắc đến sự ngạc nhiên của họ; và hai, ba lần mọi người đều đồng ý rằng đây là một ngạc nhiên vui sướng.

Nghiêng người về phía Elinor và trong giọng nói khẽ như thể không muốn cho ai khác nghe tuy họ đều ngồi quây quần trong phòng, bà Jennings thêm:

- Mọi người có thể tin chúng tôi vui như thế nào; nhưng, tuy thế, tôi không thể không mong họ đừng đánh xe quá nhanh như thế, hoặc đi quãng đường xa như thế, vì họ đi vòng qua London để lo ít công việc, vì mọi người biết đấy (gật đầu trịnh trọng và chỉ về cô con gái bà), không hợp với tình trạng con gái tôi. Tôi muốn cô ấy ở nhà nghỉ ngơi sáng nay, nhưng cô đòi đi theo chúng tôi; cô ấy thiết tha muốn gặp mọi người ở đây.

Cô vợ Palmer cười, bảo cô không hề gì.

Bà Jennings tiếp:

- Cô ấy sẽ phải ở cữ vào Tháng Hai.

Phu nhân Middleton không còn chịu đựng được cuộc trò chuyện như thế, vì bà cố hỏi han anh Palmer có tin gì mới trên báo hay không. Anh trả lời không có gì, rồi tiếp tục đọc.
Ngài John kêu lên:

- Này, Marianne đến rồi. Bây giờ, Palmer, anh sẽ thấy một thiếu nữ đẹp kinh khủng.

Ông lập tức đi ra hành lang, mở cánh cửa chính, đích thân đưa cô vào. Ngay khi cô bước vào phòng, bà Jennings hỏi có phải cô đã đi Allenham hay không; và cô vợ Palmer cười thật thỏa thích như thể chứng tỏ mình đã hiểu. Anh Palmer chỉ ngước lên kh cô đi vào, nhìn cô một khoảnh khắc, rồi trở lại với tờ báo. Đôi mắt cô Palmer giờ đang dán lên các bức tranh treo quanh phòng. Cô đứng dậy để xem kỹ hơn.

- Ồ! Những bức tranh này đẹp làm sao! Này! Trông thật thú vị! Mẹ ạ, nhìn xem, dễ thương làm sao! Con dám nói khá lôi cuốn; con có thể thưởng ngoạn mãi.

Rồi cô ngồi xuống, chẳng bao lâu quên ngay là có các bức tranh như thế treo trong phòng.

Khi Phu nhân Middleton đứng dậy để ra về, anh Palmer cũng đứng theo, buông tờ báo xuống, co dãn cơ thể và nhìn quanh mọi người.

Cô vợ anh cười:

- Anh yêu, anh đã ngủ gật phải không?

Anh yêu không trả lời; và sau khi xem qua căn phòng chỉ nhận xét là mái quá dốc, trần bị oằn cong. Rồi anh cúi người chào và ra đi cùng với các người khác.

Ngài John đã khẩn thiết mời mọi người đến Barton Park ngày hôm sau. Bà Daswood không muốn dùng bữa với họ thường xuyên hơn là họ dùng bữa tại nhà nghỉ mát, nên nhất quyết từ chối cho riêng mình; riêng ba cô con gái thì tùy ý họ. Nhưng các cô không hiếu kỳ muốn biết vợ chồng Palmer ăn uống ra sao, nên nghĩ không vui thú gì với họ. Vì thế, các cô cũng muốn từ chối; thời tiết thì thất thường, có vẻ không được tốt. Nhưng Ngài John không hài lòng; ông sẽ gửi xe ngựa đi đón và họ phải đến. Phu nhân Middleton cũng thế: dù không nài ép bà mẹ, bà nài ép ba cô con gái. Bà Jennings và cô Palmer cùng tham gia khẩn khoản, tất cả dường như muốn tránh một buổi họp mặt chỉ trong phạm vi gia đình; và ba cô gái trẻ phải nhận lời.

Ngay sau khi họ ra về, Marianne than van:

- Tại sao họ mời chúng ta? Tiền thuê nhà nghỉ mát này nói là thấp; nhưng ta thuê qua điều kiện ngặt nghèo nếu ta phải đi ăn với họ mỗi khi có bất kỳ ai đến chơi vơi họ, hoặc họ đến chơi với mình.

Elinor nói:

- Qua những lời mời thường xuyên này, họ không có ý kém lịch sự hoặc tử tế so với những lời mời vài tuần trước. Chính họ không thay đổi nếu những buổi họp mặt của họ trở nên nhọc nhằn và nhạt nhẽo. Ta phải tìm sự thay đổi nơi khác.

Chú thích:

* Áo choàng đỏ: quân phục đặc trưng nước Anh, nên được dùng để chỉ quân nhân Anh hoặc quân đội Anh

** Columella: điển tích này khiến ngay cả nhiều người đọc nguyên tác cũng thấy khó hiểu. Theo một giải thích, Columella là nhân vật trong một tác phẩm năm 1779 của Richard Graves, tin rằng những người con trai của ông phải có nhiều nghề để tránh nhàm chán như ông. Cũng có thể Jane Austen ám chỉ Lucius Moderatus Columella, sống vào thế kỷ 1 thuộc Tây Ban Nha bây giờ, tác giả 12 bộ sách về nhiều ngành nghề nông nghiệp: thổ nhưỡng, quản lý nước, cải tạo đất, trồng trọt, nuôi bò, ngựa, cừu, dê, gà vịt, nuôi cá, nuôi ong, quản lý trang trại…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 18:30:36 | Xem tất
Chương 20

Ngày hôm sau, khi các cô nhà Daswood đi vào phòng gia đình của Barton Park qua một cánh cửa, cô Palmer chạy vào từ cánh cửa kia, vẫn có vẻ khôi hài và tươi tắn như bao giờ. Cô nắm lấy tay ba người ra chiều thân thiết nhất, tỏ ý rất vui được gặp lại họ.

Ngồi giữa Elinor và Marianne, cô nói:

- Tôi rất vui được gặp các cô, vì ngày hôm nay sẽ vô vị nếu các cô không đến; đây sẽ là chuyện gây sốc, vì ngày mai chúng tôi ra về. Các cô biết không, chúng tôi phải về vì nhà Weston đến thăm chúng tôi. Chuyến đi đến đây là chuyện khá bất ngờ, và tôi không biết gì cho đến lúc cỗ xe chạy đến cổng, rồi anh Palmer hỏi tôi có muốn đi Barton cùng anh hay không. Anh ấy thật là buồn cười! Anh không bao giờ nói chuyện gì với tôi! Tôi lấy làm tiếc vợ chồng chúng tôi không thể lưu lại lâu hơn, tuy nhiên tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở thành phố.

Ba cô con gái bắt buộc phải chấm dứt kỳ vọng này.

Cô Palmer cười, thốt lên:

- Không đi thành phố! Tôi sẽ khá thất vọng nếu các cô không đi. Tôi sẽ tìm một ngôi nhà đẹp nhất trên trần gian cho các cô, kế nhà chúng tôi, ở Quảng trường Hanover. Các cô phải đến, thật đấy. Tôi tin chắc tôi sẽ rất vui làm giám hộ cho các cô bất kỳ lúc nào cho đến khi tôi phải nằm cữ, nếu bà Daswood không thích đi ra trước công chúng.

Ba cô có lời cảm ơn nhưng bắt buộc phải cưỡng lại mọi khẩn cầu.

Cô Palmer kêu đến anh chồng, lúc này vừa bước vào:

- Này, anh yêu, anh phải giúp em thuyết phục các cô nhà Daswood đi thành phố mùa đông năm nay.

Anh yêu của cô không trả lời, và sau khi khẽ cúi đầu chào các phụ nữ, bắt đầu than phiền thời tiết. Anh nói:

- Thật là đáng sợ! Thời tiết như thế này làm cho mọi thứ và mọi người kinh khiếp. Khi có mưa thì trong cũng như ngoài trời đều chán ngắt. Nó làm ta căm ghét mọi người quen biết. Ngài John có ý quái quỷ gì mà không có một phòng bi-a trong ngôi nhà của ông? Không có mấy người hiểu tiện nghi là gì! Ngài John cũng ngu xuẩn như thời tiết.

Những người còn lại chẳng bao lâu đã vào đến.

Ngài John nói:

- Cô Marianne, tôi e hôm nay cô không thể đi dạo đến Allenham như thường nhật.

Marianne lộ vẻ rất nghiêm nghị và không nói gì.

Cô Palmer nói:

- Này, cô không nên kín đáo với chúng tôi, vì chúng tôi đã biết cả rồi, nói cho cô an tâm; và tôi rất ngưỡng mộ khiếu thẩm mỹ của cô, vì tôi nghĩ anh ấy vô cùng đẹp trai. Cô biết không, chúng tôi ngụ không cách xa anh ấy lắm, – tôi có thể nói không quá mười dặm.

Anh chồng của cô nói:

- Gần đến ba mươi dặm.

- À, thế! Không khác biệt bao nhiêu. Tôi chưa từng đến nhà anh ấy, nhưng họ nói đây là nơi khá dễ thương.

Anh Palmer nói:

- Một nơi kinh tởm nhất chưa từng thấy.

Marianne hoàn toàn giữ im lặng, mặc dù vẻ mặt cô cho thấy cô chú ý lắng nghe câu chuyện của họ.

Cô Palmer tiếp:

- Nó thật sự xấu à? Thế thì tôi đoán phải có ngôi nhà nào khác đẹp đến thế.

Khi mọi người ngồi vào bàn ăn, Ngài John lấy làm tiếc mà nhận xét rằng tất cả chỉ có tám người. Ông nói với bà vợ:

- Em yêu, có ít người như thế này là điều rất khiêu khích. Tại sao em không mời nhà Gilbert đến hôm nay?

- Ngài John, có phải trước đây khi ngài hỏi về việc này, em đã nói rằng không thể được? Họ đã đến dùng bữa với chúng ta kỳ rồi.

Bà Jennings nói:

- Ngài John, ông và tôi, chúng ta không nên theo lễ nghi như thế.

Anh Palmer thốt lên:

- Thế thì bà không có gia giáo.

Cô vợ anh nói qua tiếng cười cố hữu:

- Anh yêu, anh mâu thuẫn với mọi người. Anh có biết anh khá thô lỗ không?

- Anh không biết anh đã mâu thuẫn với ai khi nói mẹ em là không có gia giáo.

Bà mẹ vợ dễ tính nói:

- Được, anh có thể sỉ nhục tôi tùy thích, anh đã cướp Charlotte từ tay tôi và không thể trả nó lại. Vì thế tôi được tay trên so với anh.

Charlotte cười sảng khoái khi nghĩ rằng anh chồng không thể tống khứ cô, đắc chí nói cô không màng anh cáu gắt với cô ra sao vì hai người phải sống với nhau. Khó có ai xuề xòa hoặc cứ muốn vui vẻ như cô vợ Palmer. Tính tình hờ hững, lầm lì và bất mãn của chồng cô không làm cô khổ sở; và khi anh trách mắng hoặc sỉ nhục cô, cô dễ đánh trống lảng.

Cô thì thầm cùng Elinor:

- Anh Palmer thật là kỳ hoặc! Anh không hề biết vui vẻ gì cả.

Sau một ít quan sát, Elinor không thấy anh thật sự xấu tính hoặc thiếu gia giáo như anh muốn tỏ ra thế. Cũng như nhiều đàn ông khác, tính khí của anh có lẽ trở nên cáu kỉnh đôi chút khi nhận ra mình là chồng của một phụ nữ rất ngu xuẩn sau khi đã bị sắc đẹp người vợ thu hút một cách khó hiểu; nhưng vợ anh biết rằng tư cách như thế là quá thông thường cho bất kỳ người đàn ông nhạy cảm nào nên không thấy bị tổn thương lâu. Cô tin đây chỉ làm một ước muống độc đáo khiến anh khinh bỉ mọi người, sỉ nhục mọi thứ trước mắt anh. Đây là lòng khát khao muốn tỏ ra vượt trội người khác. Động lực quá thông thường nên không cần phải lấy làm lạ; nhưng tư cách thiếu lịch sự như thế không làm ai, trừ cô vợ, gần gũi được anh.

Giây lát sau, cô Palmer nói:

- À, cô Daswood thân yêu, tôi muốn cô và em gái cô cho tôi một ân huệ. Giáng Sinh này hai cô có thể đến chơi Cleveland được không? Này, xin hai cô chấp nhận, – và đến chơi với chúng tôi cùng nhà Weston. Hai cô không thể biết tôi sẽ vui sướng thế nào! Sẽ vui lắm đấy!

Quay sang anh chồng, cô tiếp:

- Anh yêu, anh có muốn hai cô nhà Daswood đến Cleveland không?

Anh khụt khịt mũi:

- Chắc hẳn rồi. Anh đã đến Devonshire không ngoài ý gì khác.

Cô vợ anh nói:

- Này, hai cô thấy đấy, anh Palmer mong hai cô đến; nên hai cô không thể từ chối.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 18:35:35 | Xem tất
Chương 20
(tiếp theo)

Cả hai đều nhất quyết từ chối lời mời.

- Nhưng đúng ra hai cô phải đến và sẽ đến. Tôi chắc chắn hai cô sẽ thích mọi thứ. Nhà Weston sẽ ở chơi với chúng tôi, vui lắm. Hai cô không thể biết Cleveland là nơi dễ thương như thế nào, và lúc ấy chúng ta sẽ hoạt náo, vì anh Palmer luôn đi khắp nơi vận động chống bầu cử. Vì thế mà có nhiều người tôi chưa gặp bao giờ đến dùng bữa với chúng tôi, khá hào hứng! Nhưng, tội nghiệp! Anh ấy rất vất vả! Vì anh ấy bị bắt buộc phải làm cho mọi người mến anh.

Elinor không thể giữ nguyên sắc mặt khi cô đồng ý với bổn phận khổ nhọc như thế.

Charlotte nói:

- Khi anh ấy làm việc ở Nghị viện, nghe thật là hấp dẫn! Phải không? Tôi thấy nực cười thế nào ấy! Thật kỳ khôi khi thấy mọi thư từ gửi đến anh mang chữ “M.P.” – Nghị viên. Nhưng hai cô có biết không, anh ấy nói, anh sẽ không bao giờ thẳng thắn với tôi? Anh ấy tuyên bố như thế. Có phải không, anh Palmer?

Anh Palmer không để ý gì đến cô.

Cô tiếp:

- Anh ấy không chịu được phải viết lách, anh bảo việc này thật gây sốc.

Anh nói:

- Không, tôi chưa bao giờ nói chuyện gì vô lý như thế. Đừng tống mọi lạm dùng về ngôn ngữ đến tôi.

- Đấy, hai cô thấy anh ấy kỳ khôi như thế nào. Anh ấy luôn là thế! Đôi lúc anh không nói chuyện với tôi cả nửa ngày, rồi anh đi ra ngoài cùng cái gì đấy thật kỳ khôi – đủ mọi loại trên đời.

Khi họ trở ra phòng khách, cô hỏi Elinor có mến anh Palmer lắm không.

Elinor rất ngạc nhiên, đáp:

- Chắc hẳn rồi, anh trông rất dễ chịu.

- À, tôi vui vì thấy cô mến anh ấy. Tôi đã nghĩ như thế, anh ấy rất hiền. Tôi có thể nói cho cô biết, anh Palmer rất đẹp lòng với cô và hai em gái cô, và cô không thể hiểu được anh sẽ thất vọng như thế nào nếu các cô không đến Cleveland. Tôi không thể nghĩ ra tại sao cô lại từ chối.

Elinor lại bắt buộc phải khước từ lời mời, nói qua chuyện khác để chấm dứt mọi khẩn cầu. Cô nghĩ vì họ sống trong cùng một hạt, cô vợ Palmer có thể cho nhiều chi tiết về tư cách của Willoughby, hơn là thu thập từ nhà Middleton vốn chỉ quen sơ với anh; nên cô nôn nóng muốn bất kỳ ai xác nhận phẩm cách của anh nhằm xóa đi mọi e sợ của Marianne. Cô bắt đầu bằng câu hỏi họ có thường gặp anh ở Cleveland không, có quen thân với anh không.

Cô Palmer nói:

- À, có; tôi biết anh ấy rất rõ. Đúng vậy, không phải vì tôi đã tiếp chuyện với anh, nhưng tôi thường thấy anh ở thành phố. Vì lý do này khác, tôi chưa từng đến Barton trong cùng thời gian anh quay lại Allenham. Mẹ đã gặp anh ấy một lần ở đây, nhưng lúc ấy tôi đang đi thăm ông chú tại Weymouth. Tuy nhiên, tôi dám nói tôi ít gặp anh ở Somersetshire, chỉ vì không may là anh ấy và tôi không đến đây cùng một lúc. Tôi tin anh ít khi về Combe; nhưng ngay cả nếu anh có ở đây, tôi không nghĩ anh Palmer sẽ đến thăm, vì anh Willoughby ở bên phe đối lập, cô biết chứ, hơn nữa đường đi cũng xa. Tôi biết tại sao cô dọ hỏi về anh ấy, được lắm; em gái cô sẽ cưới anh. Tôi thấy vui kinh khủng về chuyện này, vì như thế tôi sẽ có cô ấy là láng giềng, cô biết đấy.

Elinor nói:

- Thật tình, cô biết về vụ việc rõ hơn tôi, nếu cô có lý do tin rằng sẽ có hôn nhân.

- Đừng giả vờ phủ nhận, bởi vì cô biết không, mọi người đã nói về chuyện này. Tôi cả quyết với cô tôi đã nghe qua chuyện này ở thành phố.

- Cô Palmer thân yêu!

- Tôi lấy danh dự đoan chắc với cô. Tôi gặp Đại tá Brandon sáng Thứ Hai trên Phố Bond, ngay trước khi tôi rời thành phố, và chính ông ấy cho tôi biết.

- Cô làm tôi ngạc nhiên hết sức. Đại tá Brandon nói cho cô biết! Hẳn là cô đã nhầm lẫn. Tôi không nghĩ người như Đại tá Brandon lại loan tin như thế cho một người không liên can, dù là tin chính xác.

- Nhưng tôi đảm bảo với cô mọi việc đúng như thế; để tôi nói cho cô nghe sự việc ra sao. Khi chúng tôi gặp ông ấy, ông quay lại và đi bộ cùng chúng tôi; thế là chúng tôi bắt đầu trò chuyện về ông anh và bà chị tôi, rồi chuyện này chuyện kia. Rồi tôi nói với ông: “Đại tá, thế là, tôi nghe nói có một gia đình mới dời đến nhà nghỉ Barton, và tôi nghe bà cụ tôi nói các cô này rất xinh, và một trong các cô sẽ cưới anh Willoughby ở Combe Magna. Có đúng thế không? Dĩ nhiên ông phải biết vì ông ghé qua Devonshire lúc gần đây”.

- Và Đại tá nói gì?

- À, ông ấy không nói gì nhiều; nhưng ra vẻ như ông đã biết đây là sự thật, nên từ lúc này tôi tin là chắc chắn. Tôi thấy vui đấy! Chừng nào hai người làm đám cưới?

- Ông Brandon vẫn khỏe chứ?

- À! Vâng, vẫn khỏe. Ông ấy khen cô lắm, chỉ nói tốt về cô thôi.

- Tôi thấy ngượng vì lời khen của ông ấy. Ông ấy có vẻ là người rất tốt; tôi nghĩ ông rất dễ mến.

- Tôi cũng nghĩ thế. Ông là người có sức thu hút mạnh, nên kể cũng tiếc ông lại nghiêm nghị và tẻ nhạt. Mẹ nói ông ấy cũng yêu em gái cô. Tôi đoan chắc với cô đây là điều nên tự hào, vì không mấy khi ông yêu ai.

- Anh Willoughby được biết đến nhiều ở Somersetshire không?

- À! Có, rất nhiều; – đấy là, tôi không tin nhiều người quen biết anh, vì Combe Magna ở khá xa; nhưng tôi đoan chắc với cô họ đều rất có cảm tình với anh. Ở mỗi nơi anh đến không ai được nhiều người mến như anh, và cô có thể nói với em gái cô như thế. Tôi lấy danh dự mà nói cô ấy may mắn ghê gớm có được anh, vì cô ấy rất đẹp và dễ thương nên cô xứng đáng được tất cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ cô ấy không đẹp hơn cô bao nhiêu, xin cô tin tôi; vì tôi nghĩ hai cô đều đẹp cực kỳ, và tôi chắc chắn anh Palmer cũng nghĩ thế, mặc dù tối qua tôi không thể bắt anh ấy nói ra.

Tin tức về cô Palmer quý trong Willoughby không đáng kể lắm, nhưng dù bất kỳ tin nhỏ nhặt nào thuận lợi về anh cũng đều làm cô vui.

Charlotte tiếp:

- Tôi rất vui cuối cùng chúng ta đã quen biết nhau. Bây giờ tôi hy vọng chúng ta mãi là bạn thân của nhau. Cô không biết đã bao lâu rồi tôi mong được gặp cô! Thật là thích khi cô được ở tại nhà nghỉ mát. Tôi chắc chắn không có gì bằng! Và tôi rất vui được biết em gái cô sắp kết hôn! Tôi hy vọng các cô sẽ yêu thích Combe Magna*. Đây là nơi dễ thương theo mọi phương diện.

- Cô đã quen Đại tá Brandon lâu rồi, phải không?

- Vâng, khá lâu; từ lúc chị tôi lấy chồng. Tôi tin ông ấy là bạn đặc biệt của Ngài John.
Rồi hạ thấp giọng, cô tiếp:

- Ông ấy hẳn đã rất đẹp lòng mà cưới tôi, nếu cưới được tôi. Cả Ngài John và Phu nhân Middleton đều rất mong muốn có cuộc hôn nhân này. Nhưng mẹ cho là ông không hợp với tôi, nếu không Ngài John đã đề cập với Đại tá, và chúng tôi đã có thể cưới nhau ngay lập tức.

- Đại tá Brandon có biết đến ý kiến của Ngài John đối với mẹ của cô trước đấy hay không? Ông ấy có yêu cô không?

- À, không; nhưng nếu mẹ không chống đối, tôi đoan chắc ông đã chấp nhận tất cả. Ông chỉ gặp tôi không quá hai lần, vì khi ấy tôi còn đang đi học. Tuy nhiên, giờ đây tôi được hạnh phúc hơn. Anh Palmer là mẫu người đàn ông mà tôi thích.

Chú thích:

* Combe Magna: như đoạn trước đã đề cập, chỉ nơi cư ngụ của anh Wiloughby
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 19:01:10 | Xem tất
Chương 21

Vợ chồng Palmer trở về Cleveland ngày hôm sau; hai gia đình ở Barton lại được giao hảo với nhau. Nhưng việc này không kéo dài lâu. Ngay sau khi Elinor mang các vị khách cuối cùng ra khỏi đầu óc cô, tự hỏi tại sao Charlotte hạnh phúc đến thế mà không có nguyên do nào, phân vân về anh Palmer hành xử mộc mạc đến thế qua mọi khả năng tài tình, và về hai vợ chồng không hợp nhau một cách kỳ lạ, thì vì lý do giao tiếp, Ngài John và bà Jennings lại nồng nhiệt giới thiệu hai người quen mới cho họ quan sát và nhận xét.

Trong buổi sáng đi chơi ở Exeter, họ đã gặp hai phụ nữ trẻ mà bà Jennings hài lòng biết ra là có quan hệ gia tộc với bà, thế là đủ để Ngài John mời hai cô đến Barton Park, ngay sau khi công việc của hai cô ở Exeter kết thúc. Các công việc của hai cô ở Exeter lập tức được gạt qua một bên do lời mời như thế, và Phu nhân Middleton hoảng hốt không ít khi Ngài John trở về, báo cho bà biết gia đình sẽ tiếp đón hai cô gái mà bà chưa hề gặp trong đời. Còn về tính cách thanh lịch của hai cô – ngay cả vị thế trâm anh có thể chấp nhận được ra sao – thì bà không có chứng cứ; vì lời đảm bảo của chồng bà và bà mẹ không đáng gì cả. Tư cách quan hệ họ hàng khiến lời đảm bảo lại trở nên tệ hại hơn. Vì thế, những cố gắng an ủi của bà Jennings không may là đúng lý, khi bà khuyên con gái không nên để ý đến trang phục của hai cô – chỉ vì là chị em với nhay nên họ phải đua đòi với nhau.

Tuy nhiên, vì không thể nào ngăn hai cô đến, Phu nhân Middleton đành phải chấp nhận bằng mọi triết lý sống đời của một phụ nữ có gia giáo, tự bằng lòng với việc trách móc ông chồng nhẹ nhàng năm, sáu lần mỗi ngày.

Hai cô gái trẻ đến; bề ngoài của họ không có vẻ gì kém quý phái hoặc không hợp thời trang. Các bộ áo của hai cô thật sang trọng, thái độ rất lịch sự, họ mến thích ngôi nhà, và trong khi khen ngợi nồng nhiệt các món nội thất, bỗng dưng hai cô tỏ ra yêu mến mê mẩn các đứa trẻ, đến nỗi không đầy một giờ sau khi họ đến, Phu nhân Middleton đã có ý nghĩ tốt đẹp về họ. Bà tuyên bố hai cô đúng là dễ mến; và đối với Phu nhân, cách nói này chỉ ra lòng cảm mến nồng nhiệt.

Qua lời khen ngợi sinh động này, Ngài John dấy thêm tự tin về khả năng phán đoán của ông; nên ông đi ngay đến nhà nghỉ mát để báo tin cho các cô nhà Daswood về chuyến thăm viếng của hai cô nhà Steele, đảm bảo với họ rằng hai cô này là những thiếu nữ dễ thương nhất trần đời. Tuy nhiên, lời khen tặng như thế không cho biết gì cả; Elinor hiểu rõ rằng những thiếu nữ dễ thương nhất trần đời thì ở Anh quốc đâu đâu cũng có, với mọi thể hình, khuôn mặt, tính khí và kiến thức khác nhau. Ngài John muốn cả nhà đi ngay đến Barton Park để xem mặt hai cô. Một con người hiền hòa, nhân từ! Ông cảm thấy khổ sở ngay cả khi giữ một cô cháu họ thứ ba cho riêng ông.

Ông bảo:

- Hãy đến ngay bây giờ, xin vui lòng đến – các cô phải đến – tôi nhất quyết các cô sẽ đến. Các cô không thể biết tôi mến họ như thế nào. Lucy đẹp ghê gớm, lại còn vui vẻ và dễ mến! Bọn trẻ đã vây lấy cô ấy như thể cô là người quen lâu ngày. Cả hai đều mong mỏi được gặp các cô, vì ở Exeter họ đã nghe nói các cô là những thiếu nữ đẹp nhất trần đời. Tôi bảo họ đây là sự thật, và còn nhiều nữa. Tôi chắc chắn các cô sẽ vui với họ. Họ đã mang một xe đầy đồ chơi cho các đứa trẻ. Các cô có bực mình gì đâu mà không đến? Các cô biết không, hai người là chị em họ của các cô đấy, theo cách hiểu thời thượng. Các cô có quan hệ gia tộc với tôi, hai người kia có quan hệ với vợ tôi, nên tất cả các cô có quan hệ với nhau.

Nhưng Ngài John không thắng thế. Ông chỉ nhận được lời họ hứa sẽ đến trong một, hai ngày kế; rồi ông từ giã, lạ lùng về thái độ dửng dưng của họ, đi trở về và khoe khoang về tình cảm của họ dành cho hai cô nhà Steele, cũng như ông đã khoe khoang về tình cảm của hai cô nhà Steele dành cho họ.

-o0o-

Qua chuyến thăm viếng Barton Park như đã hứa và tiếp theo là được giới thiệu với hai phụ nữ trẻ, các cô nhà Daswood tìm thấy nơi bề ngoài của cô chị, gần ba mươi, vẻ mặt giản dị và không được nhạy cảm, không có gì đáng chiêm ngưỡng. Nhưng với cô kia, không hơn hai mươi hai hoặc hai mươi ba, họ nhận ra vẻ đẹp đáng kể; các đường nét của cô đều rất xinh xắn, và cô có đôi mắt tinh anh, tư thái sang trọng, tuy không lộ vẻ phong nhã hoặc duyên dáng những cũng tạo mẫu người độc đáo. Cử chỉ hai người đều đặc biệt lịch sự, và chẳng bao lâu Elinor có ý khen họ về nhận thức, khi cô thấy họ tỏ ra dễ mến dưới mắt Phu nhân Middleton qua những chăm chút thường xuyên và tinh khôn. Đối với các đứa trẻ của Phu nhân, họ luôn phấn khích, ca ngợi nét dễ thương tuổi thơ, gây cho bọn chúng chú ý, bông đùa với những thói đỏng đảnh của chúng.

Thời gian còn lại là cho những yêu cầu thúc bách của phép lịch sự, hai cô dành ra để khen ngợi Phu nhân khi bất kỳ bà làm việc gì, hoặc để xin mẫu cắt may các kiểu áo sang trọng mà Phu nhân đã mặc ngày trước khiến cho họ không ngừng mê thích. May mắn cho những người muốn lấy lòng qua những điểm yếu này, một bà mẹ yêu quý con cái lại thường cả tin nhất, dù bà nằm trong số những người ham hố nhất khi theo đuổi lời khen ngợi cho đám trẻ của họ. Các đòi hỏi của bà đều quá đáng, nhưng bà sẽ chấp nhận bất cứ cái gì; vì thế Phu nhân Middleton không ngạc nhiên và hồ nghi về những trìu mến và chịu đựng vượt mức của chị em Steele đối với các con của bà. Qua lòng nuông chiều mẫu tử, bà nhìn những hành động xâm lấn sỗ sàng và những trò tác quái mà hai chị em họ phải chịu đựng. Bà nhìn các dải thắt lưng của hai cô bị mở tung ra, tóc họ bị kéo chung quanh vành tai, các túi của họ bị lục lọi, dao kéo của họ bị lén lấy đi, mà vẫn tin rằng đây là những trò vui cho tất cả các bên. Bà không thấy gì là đáng ngạc nhiên ngoài việc Elinor và Marianne ngồi trang nghiêm, không muốn tham dự vào những gì đang diễn ra.

Khi đứa con trai giật lấy chiếc khăn tay của cô Steele và ném ra ngoài cửa sổ, bà nói:

- Hôm nay John thật hiếu động! Nó làm đủ các trò khỉ.

Chẳng bao lâu sau, khi đứa trẻ thứ hai cấu véo mạnh một ngón tay bà, bà âu yếm nhận xét:

- Williams ham vui thế nào ấy!

Khi trìu mến vuốt ve một cô bé ba tuổi không làm ồn trong hai phút trước đấy, bà thêm:

- Và đây là con bé Annamaria hiền dịu. Con bé này luôn hiền hòa và trầm lặng – không bao giờ có đứa nào trầm lặng như thế.

Không may là trong khi ban tặng những ôm hôn này, một chiếc kim trên mái tóc Phu nhân khẽ cào sướt cổ đứa trẻ; từ sự cố hiền dịu gây nên những tiếng thét dữ dội, không hề kém sinh vật nào khác tự nhận là ồn ào. Bà mẹ lo lắng cực độ, nhưng không thể vượt quá thái độ cuống cuồng của hai chị em nhà Steele; và trong tình hình khẩn cấp gay cấn như thế, cả ba người làm đủ mọi cách nhằm xoa dịu cơn đau của nạn nhân nhỏ tuổi. Bà mẹ bế con bé ngồi trên lòng, bao trùm con bé bằng những nụ hôn; một cô nhà Steele quỳ trên sàn rửa vết thương cho bé bằng nước ướp hoa oải hương*; cô kia nhồi nhét mấy thỏi kẹo đường vào miệng của bé. Qua cách tưởng thưởng như thế do chảy nước mắt, con bé thừa thông minh để hiểu nên tiếp tục khóc lóc. Con bé vẫn la hét và rấm rứt một cách khát khao, đá hai đứa anh vì muốn sờ đến em gái. Mọi liên minh cộng tác làm xoa dịu đều vô hiệu cho đến khi Phu nhân Middleton may mắn nhớ ra rằng trong một cảnh thảm não tương tự tuần trước, mứt đào đã có công hiệu khi thoa trên thái dương bị bầm. Thế là phương án cứu chữa bằng mứt đào được sốt sắng đề nghị cho vết trầy xước bất hạnh này, và vài tiếng thét đứt đoạn của con bé khi nghe nói cho thấy dường như cô bé không phản đối phương án. Thế nên bé được vòng tay bà mẹ bế ra khỏi phòng để đi lùng liều thuốc, và vì hai đứa anh vẫn muốn đi theo dù bà mẹ khẩn khoản chúng ở lại, bốn cô gái trẻ được hưởng bầu không khí an bình không hề có suốt nhiều giờ trước.

Ngay sau khi họ đi ra, cô Steele nói:

- Tội nghiệp mấy đứa trẻ! Hẳn đây là một tai nạn rất đáng buồn.

Marianne thốt lên:

- Tôi không rõ lắm là đáng buồn ra sao, trừ khi tai nạn này nằm trong tình huống hoàn toàn khác biệt. Nhưng đây là cách thông thường để nâng cao mức báo động, khi mà trong thực tế không có gì đáng báo động cả.

Lucy Steele nói:

- Phu nhân Middleton thật là một phụ nữ hiền dịu làm sao!

Marianne im lặng. Cô không thể nói ra điều mà cô không cảm nhận, dù hoàn cảnh có là vụn vặt đến đâu. Thế là cả nhiệm vụ nói dối khi phép lịch sự đòi hỏi luôn đổ dồn lên Elinor. Cô chị cố gắng khi phải thi hành nhiệm vụ này, bằng cách nói về Phu nhân Middleton đến mức nồng nàn hơn là cô cảm nhận, dù vẫn còn kém xa cô Lucy.

Cô chị cả thốt lên:

- Và Ngài John cũng thế, quả thật là một người có sức lôi cuốn!

Ở đây cũng thế, lời khen của cô Daswood, chỉ giản dị và công minh, đưa ra mà không nhằm gây tiếng vang nào. Cô chỉ muốn nhận xét là ông rất vui tính và thân thiện.

- Và họ có một gia đình nhỏ đáng yêu làm sao! Tôi chưa từng thấy những đứa trẻ nào dễ thương như thế trên đời. Tôi thú nhận tôi đã mê chúng nó, đúng thật là tôi thương trẻ em một cách điên cuồng.

Elinor mỉm cười:

- Tôi có thể đoán được từ những gì tôi chứng kiến sáng nay.

Lucy nói:

- Tôi có ý nghĩ, cô cho rằng các đứa nhỏ nhà Middleton được nuông chiều thái quá; có lẽ chúng được cung phụng quá mức; đó là lẽ đương nhiên đối với Phu nhân Middleton. Còn về phần tôi, tôi thích thấy trẻ em đầy hiếu động và nhiệt náo; tôi không chịu được nếu chúng ngoan ngoãn và trầm lặng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 14-5-2013 19:02:35 | Xem tất
Chương 21
(tiếp theo)

Elinor đáp:

- Thú thật, trong khi tôi thăm viếng Barton Park, tôi không bao giờ ghét bỏ trẻ em ngoan ngoãn và trầm lặng.

Một khoảnh khắm im lặng tiếp theo, rồi được cô Steele ngắt ngang khi cô quá sẵn sàng tiếp tục câu chuyện, thình lình cất tiếng:

- Cô Daswood, cô có thích Devonshire không? Tôi đoán cô rất buồn phải lìa xa Sussex.

Có phần ngạc nhiên về câu hỏi quen thuộc, hoặc ít nhất về cách đặt câu hỏi, Elinor đáp đúng thế.

Cô Steele thêm:

- Norland là một vùng đẹp đẽ lạ thường, phải không?

Lucy dường như muốn tìm cách xin lỗi cho chị mình đã suồng sã:

- Chúng tôi nghe Ngài John ca ngợi nhiều về vùng đất này.

Elinor đáp:

- Tôi nghĩ ai đã thấy qua vùng này đều phải mến thích, tuy không phải ai như chúng tôi cũng nhận ra những vẻ đẹp.

- Và ở đó có nhiều trang công tử tuấn tú theo đuổi cô không? Tôi đoán ở nơi này cô không có nhiều người như thế; riêng nơi tôi ở, tôi nghĩ luôn có thêm nhiều anh.

Lucy lộ vẻ xấu hổ thay cho cô chị:

- Nhưng tại sao chị nghĩ ở Devonshire không có nhiều thanh niên quý phái như ở Sussex?

- Không, em yêu à, chị không hề giả vờ nói là không có. Chị chắc chắn không có nhiều trang công tử ở Exeter; nhưng em biết chứ, làm thế nào chị nói được có trang công tử tuấn tú nào ở Norland. Chị chỉ em các cô nhà Daswood có thể thấy nhàm chán ở Barton, nếu hai cô không gặp gỡ nhiều thanh niên như lúc trước. Nhưng có lẽ các cô trẻ không quan tâm đến thanh niên, tự nguyện sống mà không có đàn ông một cách thanh thản cũng như khi có họ.

“Về phần chị, chị nghĩ số đông họ dễ mến, miễn là họ ăn mặc bảnh bao và có tư thái lịch sự. Nhưng chị không thể chịu được khi họ dơ bẩn và thô tục. Em biết không, có anh Rose ở Exeter, một thanh niên phong lưu quý phái, khá đẹp trai, làm thư ký cho ông Simpson; nhưng nếu em chỉ gặp anh ta vào buổi sáng thì anh ta không xứng đáng để gặp.”

“Cô Daswood, tôi đoán anh của cô là trang công tử khá trước khi anh kết hôn, vì anh giầu có như thế, phải không?”

Elinor đáp:

- Thú thật, tôi không thể cho cô biết, vì tôi không hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ. Nhưng tôi có thể nói thế này: nếu anh ấy đã từng là trang công tử trước khi kết hôn, anh ấy vẫn là thế, vì anh không có thay đổi nào dù nhỏ nhặt nhất.

- Ôi! Trời ơi! Người ta không bao giờ nghĩ về những anh đã kết hôn là công tử – họ phải làm việc nào khác.

Cô em nói:

- Chúa tôi! Anne, chị không nói chuyện gì khác ngoài mấy công tử; chị sẽ khiến cô Daswood tin chị không nghĩ về việc gì khác.

Rồi để lái câu chuyện sang hướng khác, cô bắt đầu chiêm ngưỡng ngôi nhà và các món nội thất.

-o0o-

Việc phán xét hạng người như hai cô nhà Steele thế là đủ. Không ai khen ngợi thói suồng sã thô tục và ý nghĩ điên rồ của cô chị; và vì Elinor không mù quáng với sắc đẹp hoặc vẻ tinh anh của cô em để không nhận ra yếu kém về thanh lịch và thẩm mỹ chân chính, cô từ giã mà không muốn biết thêm về hai người.

Hai cô nhà Steele thì không như thế. Họ từ Exeter đến, được khen ngợi nồng nhiệt qua cách thức vận dụng Ngài John Middleton, gia đình ông và mọi mối quan hệ của ông. Phần khen ngợi cũng được ban bố rộng rãi cho các cô cháu họ xinh đẹp của ông, mà hai người nói rằng là những thiếu nữ đẹp nhất, phong nhã nhất, có giáo dục tốt nhất và dễ mến nhất họ từng gặp – cũng là những người họ đặc biệt thiết tha muốn quen thân thêm. Vì thế, chẳng bao lâu Elinor nhận ra số phận không tránh khỏi là phải quen thân thêm, vì Ngài John hoàn toàn đứng về phe hai cô nhà Steele; hai chị em có vị thế mạnh không thể trấn áp được. Thế là Elinor phải ép mình chấp nhận tình thân, có nghĩ là hầu như mỗi ngày phải ngồi bên nhau suốt một hoặc hai giờ.

Ngài John không thể làm gì hơn, nhưng ông không biết cần làm gì hơn: theo quan niệm của ông, thân tình có nghĩa là gặp gỡ. Trong khi cách thức giúp các cô liên tục gặp nhau tỏ ra có hiệu quả, ông cứ nghĩ chắc chắn họ là bạn thân với nhau.

Phải công tâm với ông, ông đã làm mọi việc trong quyền hạn của mình để khuyến khích các cô nhà Daswood bớt e dè, bằng cách tiết lộ với hai chị em nhà Steele bất cứ điều gì ông biết hoặc ức đoán về tình hình các cô cháu họ của ông, kèm theo các chi tiết tế nhị. Hậu quả là, chỉ sau khi Elinor gặp họ hai lần, cô chị nhà Steele đã chúc mừng em gái cô có may mắn chinh phục được một công tử thật lịch sự kể từ khi đến Barton.

Cô nói:

- Cũng là điều tốt khi cô ấy kết hôn ở tuổi còn trẻ như thế, và tôi nghe anh ấy quả là một công tử, đẹp trai lạ thường. Và tôi hy vọng chẳng bao lâu chính cô sẽ có may mắn như thế, – nhưng có lẽ cô đã lén lút có một người bạn ở đâu đấy rồi.

Elinor biết không nên trông mong, so với trường hợp của Marianne, Ngài John có thể tử tế hơn khi thông tin các hồ nghi của ông về ý tình của cô dành cho Edward. Đúng vậy, trong hai đề tài bông đùa, ông thích bông đùa Elinor hơn, vì có nhiều tình tiết mới hơn, nhiều ức đoán hơn. Sau chuyến thăm viếng của Edward, mỗi khi ngồi ăn với nhau ông đều nâng ly chúc cho hạnh phúc của cô qua đầy ẩn ý và nhiều cái gật đầu cùng nháy mắt, như thể để khuyến khích mọi người chú ý. Chữ F – luôn được mang ra bàn tán, tạo vô số chuyện bông đùa, đến nỗi từ lâu đã được gắn liền với Elinor.

Đương nhiên là hai cô nhà Steele giờ được thụ hưởng mọi chuyện bông đùa này. Cô chị tò mò muốn biết tên người quý phái được ám chỉ, tuy được nói đến một cách xấc xược nhưng là đề tài để cô dò hỏi sâu vào những chuyện trong gia đình họ. Nhưng Ngài John không muốn đùa cợt mãi với sự tò mò mà ông lấy làm vui được khởi động, vì ông cũng có niềm vui để nói ra cái tên.

Qua giọng thì thầm nghe rất rõ, ông nói:

- Anh này có họ Ferrars, nhưng cô đừng nói ra vì đây là một bí mật.

Cô Steele nhắc lại:

- Ferrars! Anh Ferrars quả là hạnh phúc, phải không? Cái gì! Anh trai của chị dâu cô, hở cô Daswood? Chắc chắn đây là một người dễ mến; tôi biết anh này rất rõ.

Luôn phải cải chính những lời phát biểu của chị mình, Lucy nói:

- Chị Anne, làm thế nào chị nói như thế được? Mặc dù chúng ta đã gặp anh ấy một đôi lần ở nhà ông chú, nói là biết anh ấy rất rõ là quá đáng.

Elinor nghe tất cả với chú tâm và ngạc nhiên. “Ông chú này là ai? Ông sống ở đâu? Làm thế nào họ có quen biết?” Dù không thích tham gia vào câu chuyện, cô rất muốn được nghe thêm; nhưng không ai nói gì hơn. Lần đầu tiên trong đời, cô nghĩ bà Jennings hoặc là thiếu óc hiếu kỳ hoặc không thích chuyện trò. Cử chỉ của cô Steela khi nói đến Edward khiến cô hiếu kỳ thêm; vì bất chợt cô xem ra có vẻ xấu tính, nghi ngờ cô này biết – hoặc giả vờ biết – một điều gì đấy bất lợi cho anh. Nhưng nỗi hiếu kỳ của cô không được thỏa mãn, vì cô Steele không nói thêm gì khi tên anh Ferrars được ám chỉ, hoặc ngay cả khi được Ngài John nhắc đến.

Chú thích:

* Oải hương (Anh ngữ: Lavender): loại cây thảo nhỏ, có lá hẹp, hoa nhỏ màu tím. Hoa được ép lấy dầu dùng làm nước hoa, cũng có công dụng gây an thần.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 15-5-2013 18:17:54 | Xem tất
Chương 22

Marianne vẫn không bao giờ chấp nhận những khuyết điểm như xấc xược, thô lỗ, thấp hèn, hoặc ngay cả khác biệt với cô về khiếu thẩm mỹ. Đặc biệt giờ đây, cô thêm ác cảm nên không thể lấy làm vui với hai cô nhà Steele, hoặc khuyến khích hai người cởi mở thêm. Elinor cho rằng mình được họ mến hơn do thái độ lạnh lùng cố hữu của em gái đối với họ khiến ngặn chặn mọi cố gắng làm thân của họ. Điều này sớm hiện rõ ở cả hai cô, nhưng đặc biệt là Lucy không bỏ lỡ cơ hội nào để bắt chuyện với cô, hoặc để củng cố tình thân qua cách trao đổi bình dị và thẳng thắn về tâm tư của mình.

Lucy có tố chất khôn khéo; các nhận xét của cô thường công tâm và vui vẻ. Sau nửa giờ chuyện trò, Elinor thường thấy cô dễ mến; nhưng các khả năng của cô không được nền giáo dục hỗ trợ. Cô kém hiểu biết và dốt nát; và sự yếu kém về thăng tiến tinh thần, việc thiếu kiến thức trong nhiều lĩnh vực thông thường đều không qua mắt được cô Daswood, bất luận mọi cố gắng để tỏ vẻ vượt trội. Elinor nhận ra – và thương hại cho cô này – về sự thiếu quan tâm đến những khả năng mà nền giáo dục có thể giúp cô được trọng vọng.

Nhưng qua cảm nghĩ ít thương mến hơn, Elinor cũng nhận ra các khuyết điểm thiếu tế nhị, thiếu chính trực, kém suy nghĩ như biểu hiện qua những chú mục, những vồn vã, những xu nịnh ở Barton Park. Cô không thể hài lòng lâu dài khi giao du với những người vừa thiếu chân thành vừa kém hiểu biết, người có cách cư xử với những người khác khiến cho mọi chăm chút và kính trọng đối với cô đều trở nên hoàn toàn vô giá trị.

-o0o-

Một ngày, khi cùng nhau đi dạo từ Barton Park đến nhà nghỉ mát, Lucy nói với cô:

- Tôi đoan chắc cô sẽ nghĩ câu hỏi của tôi là kỳ hoặc, nhưng tôi muốn hỏi, cô có quen biết với mẹ của chị dâu cô, bà Ferrars, hay không?

Elinor thật sự nghĩ câu hỏi rất kỳ hoặc. Nét mặt của cô diễn tả ý nghĩ này, khi cô trả lời rằng cô chưa từng gặp bà Ferrars.

Lucy đáp:

- Thật à! Tôi thắc mắc, vì tôi nghĩ cô hẳn đã thỉnh thoảng gặp bà ở Norland. Thế thì, có lẽ cô nói cho tôi biết bà người như thế nào được không?

Elinor cẩn thận không muốn cho ý kiến chân thật của cô về mẹ anh Edward, và không thiết thỏa mãn tính tò mò dường như vô phép tắc, nên cô chỉ nói:

- Không, tôi không biết gì về bà ấy.

Lucy nhìn cô chăm chú:

- Tôi chắc cô nghĩ tôi thật lạ kỳ khi hỏi về bà ấy theo cách như thế, nhưng hẳn là có lý do – tôi ước mình có thể tiết lộ, nhưng tôi mong cô sẽ công tâm với tôi để tin rằng tôi không có ý vô phép tắc.

Elinor trả lời theo phép lịch sự, và hai người tiếp tục bước đi trong im lặng.

Lucy do dự, rồi trở lại chuyện cũ:

- Tôi không thể chịu được để cô nghĩ tôi tò mò vô phép tắc. Tôi thà làm bất cứ việc gì trên đời hơn là bị một người có ý kiến đáng lắng nghe như cô nghĩ về tôi như thế. Tôi chắc chắn không nên ngại tin tưởng cô. Thật thế, tôi sẽ rất vui được nghe ý kiến phải làm thế nào trong trường hợp khó khăn của tôi; tuy nhiên, không có cơ hội để làm phiền cô. Tôi tiếc cô không quen biết bà Ferrars.

Elinor rất đỗi ngạc nhiên:

- Tôi tiếc tôi không quen biết, nếu điều này có thể giúp cô biết ý kiến của tôi về bà ấy. Nhưng thật tình tôi chưa từng biết cô có liên quan đến gia đình này, vì thế tôi thú nhận tôi có phần ngạc nhiên về câu hỏi nghiêm túc như thế đối với tư cách của bà.

- Tôi đoan chắc cô ngạc nhiên, và tôi không thắc mắc gì. Nhưng nếu tôi dám nói hết với cô, cô sẽ không ngạc nhiên như thế. Hiện giờ bà Ferrars không là gì với tôi – nhưng có thể đến lúc – đến lúc nào là tùy thuộc nhiều vào bà ấy, khi chúng tôi có thể quan hệ rất mật thiết với nhau.

Cô cúi gầm mặt, thẹn thùng một cách đáng yêu, nghiêng mặt nhìn người đồng hành để quan sát phản ứng.

Elinor thốt lên:

- Trời đất! Cô có ý nói gì! Cô có quan hệ với anh Robert Ferrars à? Có lẽ nào?

Và cô không hài lòng với ý tưởng có một người em dâu chồng như thế.

Lucy đáp:

- Không, không phải anh Robert Ferrars – tôi chưa từng gặp anh này trong đời, nhưng là (đăm đăm mắt nhìn Elinor) anh cả của anh này.

Lúc này Elinor cảm thấy thế nào? Ngạc nhiên tột độ, có thể là đau đớn, nếu ngay lập tức cô không bác bỏ lời tự thú của Lucy. Cô quay nhìn Lucy trong ngỡ ngàng, không thể ức đoán nguyên nhân hoặc mục đích của câu nói; và dù nét mặt cô có thay đổi, cô đứng im trong ngờ vực, không cảm thấy nguy cơ bị kích động cuồng loạn hoặc ngất xỉu.

Lucy tiếp:

- Cô có thể rất ngạc nhiên, vì trước đây hẳn cô không biết gì về chuyện này. Tôi biết chắc anh ấy không hề tỏ lộ tý gì cho cô hoặc cho bất kỳ ai trong gia đình cô biết bởi vì anh luôn muốn giữ bí mật tuyệt đối, còn tôi cũng giữ kín cho đến lúc này. Không một người thân nào của tôi biết ngoại trừ Anne, và đáng lẽ tôi không nói cho cô biết nếu tôi không tin tưởng cô sẽ giữ kín. Thật tình tôi nghĩ thái độ của tôi khi hỏi nhiều về bà Ferrars có vẻ kỳ hoặc, nên tôi phải giải thích. Và tôi nghĩ anh Ferrars sẽ không phật ý khi biết tôi tin tưởng cô, vì tôi biết anh có ý nghĩ tốt nhất trên đời về gia đình cô, xem cô cùng hai cô em nhà Daswood như là những em gái của anh.

Cô ngưng bặt.

Trong một khoảnh khắc, Elinor im lặng. Lúc đầu, cô quá ngạc nhiên không thể nói nên lời; nhưng cuối cùng cô bắt buộc phải nói, và nói một cách thận trọng, trầm tĩnh để che giấu ngạc nhiên và quan ngại:

- Tôi xin phép hỏi, hai người đã hẹn ước lâu chưa?

- Chúng tôi đã hẹn ước với nhau bốn năm nay.

- Bốn năm!

- Vâng.

Mặc dù cảm thấy bị sốc, Elinor vẫn không muốn tin:

- Trước đây tôi không được biết.

- Tuy thế, chúng tôi quen biết nhau đã được nhiều năm. Cô biết không, anh ấy được chú tôi dạy dỗ trong một thời gian khá dài.

- Chú của cô!

- Vâng, ông Pratt. Cô đã nghe anh ấy nói đến ông Pratt không?

Elinor cố đè nén cảm xúc dâng cao:

- Tôi nhớ đã có nghe.

- Anh ấy sống với ông chú tôi trong bốn năm, tại Longstaple, gần Plymouth. Hai chúng tôi bắt đầu quen nhau ở đây, vì mẹ tôi và tôi thường đến thăm chú tôi, và hai chúng tôi đã hẹn ước với nhau ở đây, gần một năm sau khi anh ấy thôi học; nhưng anh ấy hầu như luôn luôn đến ngụ với chúng tôi sau đấy. Như cô có thể đoán, tôi rất ngại hẹn ước với anh ấy khi mẹ anh không hay biết và không được cẩn trọng. Cô Daswood, dù cô không hiểu anh ấy rõ như tôi, hẳn cô đã biết anh ấy có tố chất khiến mộ phụ nữ thiết tha yêu anh chân thành.

Elinor đáp:

- Chắc hẳn vậy.

Cô không biết nói gì hơn; nhưng sau một khoảnh khắc ngẫm nghĩ, qua niềm tin sống lại về danh dự và tình yêu của Edward và về sai lầm của người bạn đồng hành, cô nói:

- Hẹn ước với anh Edward Ferrars! Phải thú thật tôi hoàn toàn ngạc nhiên về chuyện cô nói, nhưng thật ra … xin lỗi cô … nhưng chắc là có nhầm lẫn về người hoặc tên. Chúng ta hẳn không nói đến cùng một anh Ferrars.

Lucy thốt lên, mỉm cười:

- Chúng ta không thể nói đến ai khác. Anh Edward Ferrars, trưởng nam của bà Ferrars, ở Phố Park, là anh của chị dâu cô, bà John Daswood, chính là người mà tôi nói đến. Cô nên nghĩ rằng tôi không thể bị nhầm lẫn về tên của người quyết định cả hạnh phúc cuộc đời tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 15-5-2013 18:19:35 | Xem tất
Chương 22
(tiếp theo)

Trong nỗi hoang mang đau đớn nhất, Elinor nói:

- Điều lạ là tôi chưa từng nghe anh ấy nhắc đến ngay cả tên cô.

- Đúng. Xét qua tình cảnh của chúng tôi, điều này không lạ. Mối bận tâm trước nhất của chúng tôi là giữ kín vụ việc. Cô không biết gì về tôi, về gia đình của tôi, do đó cô không thể có cơ hội để nghe đến tên tôi. Và khi anh luôn e ngại em gái anh nghi ngờ, điều đó đủ là lý do tại sao anh không nói ra.

Cô im lặng. Cảm tưởng yên tâm của Elinor đã trĩu nặng, nhưng đầu óc tự chủ không trĩu theo. Qua giọng rõ ràng, cô nói:

- Hai người đã hẹn ước bốn năm.

- Vâng; và ai biết được chúng tôi sẽ chờ đến bao lâu. Tội nghiệp Edward! Chuyện này khiến cho anh héo hắt!

Rồi rút ra một bức tiểu họa từ túi áo, cô thêm:

- Để tránh nhầm lẫn, xin cô vui lòng xem gương mặt này. Bức họa vẽ không đẹp như người thật, nhưng tôi nghĩ cô không thể bị nhầm về người được vẽ. Tôi có bức họa này đã ba năm nay.

Cô đặt bức tiểu họa vào lòng bàn tay của Elinor. Dù còn một thoáng e sợ mình quyết định quá hấp tấp hoặc mong ước tìm ra sự lừa dối, cô không nghi ngờ gì đây là gương mặt của Edward. Cô trao lại bức tiểu họa hầu như lập tức, công nhận đúng là anh.

Lucy tiếp:

- Tôi chưa bao giờ có thể tặng anh ấy bức họa của tôi, và mãi bức rứt về việc này vì anh ấy luôn thiết tha muốn có! Nhưng tôi nhất quyết ngay khi có cơ hội sẽ ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ.

Elinor điềm tĩnh đáp:

- Cô nói đúng lắm.

Rồi họ tiếp tục bước trong im lặng. Lucy nói trước:

- Tôi biết chắc, tôi tin tưởng được cô giữ kín bí mật này, bởi vì cô hẳn biết điều quan trọng đối với chúng tôi như thế nào là không để cho mẹ anh ấy biết việc này; vì tôi biết bà sẽ không chấp thuận. Tôi sẽ không có gia sản khi kết hôn, và tôi đoán bà là một người cực kỳ kiêu hãnh.

Elinor nói:

- Thật tình tôi không muốn tìm hiểu chuyện riêng tư của cô, nhưng cô nghĩ tôi quá quan trọng khi tưởng tượng rằng tôi có thể giúp đỡ. Tôi sẽ giữ kín bí mật của cô, nhưng xin thứ lỗi nếu tôi biểu lộ ít ngạc nhiên về cuộc trao đổi không cần thiết này. Ít nhất cô nên nghĩ rằng dù tôi biết rõ chuyện của cô, thì cũng không phương hại đến bí mật của cô.

Khi nói thế, Elinor chăm chú nhìn Lucy, hy vọng tìm thấy điều gì đấy trên vẻ mặt cô này – có lẽ sự lừa dối trong lời nói. Nhưng vẻ mặt của Lucy không biểu hiện điều gì như thế.

Lucy nói:

- Tôi đã e sợ cô sẽ nghĩ tôi quá tự tiện với cô khi kể lể mọi chuyện này. Đúng thật là tôi chưa quen biết cô lâu, ít nhất theo phương diện cá nhân, nhưng tôi đã biết về cô và toàn gia đình cô qua lời kể; và ngay khi vừa gặp cô, tôi hầu như có cảm tưởng như thể cô là người quen thân.

“Ngoài chuyện này, tôi thật lòng nghĩ cần giải thích cho cô rõ sau khi đã dò hỏi về mẹ của Edward; và thật không may là không có ai giúp khuyên bảo tôi. Anne là người duy nhất biết chuyện này, và chị ấy không có óc phán đoán nào. Thật ra, chị ấy gây phiền toái cho tôi hơn là hỗ trợ, vì tôi luôn e sợ chị sẽ tiết lộ bí mật của tôi. Chị ấy không biết giữ mồm giữ miệng, như cô đã thấy. Một ngày nọ, tôi kinh hãi gần chết khi Ngài John nhắc đến tên Edward, e rằng chị ấy sẽ nói ra tất cả.”

“Cô không thể hiểu được những gì đã hành hạ tâm tư tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên là mình đã còn sống sau những khổ sở phải chịu đựng trong bốn năm qua chỉ vì nghĩ đến Edward. Mọi việc đều trong tình trạng hồi hộp và vô định, và ít gặp anh như thế – chúng tôi gặp nhau không quá hai lần mỗi năm. Tôi lấy làm lạ là tim tôi chưa đến nỗi tan vỡ.”

Đến đây cô rút ra chiếc khăn tay, nhưng Elinor không cảm thương cho cô lắm.

Sau khi lau đi đôi mắt, Lucy tiếp:

- Tôi không rõ có thể tốt hơn cho hai chúng tôi không nếu chấm dứt hẳn quan hệ tình cảm. (Khi cô nói thế, cô nhìn thẳng vào người đồng hành.) Nhưng rồi vào những lúc khác, tôi không đủ cương nghị để làm thế. Tôi không thể chịu đựng với ý nghĩ làm cho anh khổ, vì tôi biết chỉ cần nói thế anh sẽ khổ. Và đấy cũng do tôi – vì với tôi anh là tất cả - tôi nghĩ tôi không đủ sức chịu đựng nếu chấm dứt quan hệ. Cô Daswood, trong trường hợp này cô khuyên tôi phải làm sao? Nếu là cô, cô sẽ làm gì?

Ngạc nhiên vì câu hỏi, Elinor nói:

- Xin lỗi, nhưng tôi không thể khuyên cô trong tình huống như thế này. Tùy cô suy xét.
Trong ít phút cả hai đều im lặng, rồi Lucy tiếp:

- Chắc chắn một ngày nào đấy mẹ anh ấy sẽ chu cấp cho anh, nhưng Edward khốn khổ bị thất vọng bởi chuyện này! Cô có nghĩ anh ấy mất tinh thần kinh khiếp ở Barton không? Anh ấy thật khổ sở khi từ giã chúng tôi ở Longstaple để đi thăm cô, đến nỗi tôi e cô sẽ nghĩ anh ấy không được khỏe.

- Thế thì, anh ấy đi từ nhà ông chú cô rồi đến thăm chúng tôi, phải không?

- À, đúng. Anh ấy lưu lại nhà chúng tôi nửa tháng. Cô nghĩ anh ấy đi thẳng từ thành phố đến đây hay sao?

Elinor nhạy cảm với mọi tình huống mới chứng nhận tính trung thực của Lucy. Cô đáp:

- Không, tôi nhớ anh ấy bảo tôi rằng anh đã lưu lại gần Plymouth với vài người bạn của anh.

Cô cũng nhớ lúc ấy cô ngạc nhiên vì anh không nói gì thêm về các người bạn này, vì anh hoàn toàn im lặng ngay cả đối với tên của họ.

Lucy nhắc lại:

- Cô có nghĩ anh ấy mất tinh thần không?

- Đúng là chúng tôi có nghĩ như thế khi anh mới đến.

- Tôi van anh ấy phải giữ vững tinh thần kẻo cô nghi ngời có chuyện gì; nhưng chuyện này làm anh u uẩn, không thể lưu lại với chúng tôi hơn nửa tháng mà thấy tôi bị ảnh hưởng nặng như thế. Thật tội nghiệp cho anh chàng! Tôi e hiện giờ anh ấy vẫn thế, vì anh biên thư cho tôi trong tình trạng khổ não. Tôi được tin anh ấy ngay trước khi tôi rời Exeter.

Cô rút ra một lá thư từ túi áo, chỉ lung tung cho Elinor xem:

- Tôi nghĩ cô nhận ra nét chữ anh ấy, thật là dễ mến; nhưng thư này không được viết đẹp như bình thường. Tôi nghĩ anh ấy mệt mỏi, vì anh chỉ viết cho đầy trang giấy.

Elinor thấy đây đúng là nét chữ của anh, và cô không còn nghi ngờ. Bức họa ấy, cô tự cho phép mình tin rằng có lẽ do tình cờ mà có chứ không phải là kỷ vật của Edward; nhưng một lá thư chỉ có thể do hẹn ước, không thể do việc gì khác. Trong một khoảnh khắc, cô hầu như bị mất tự chủ – tim cô trĩu nặng và cô gần như đứng không vững. Nhưng cần thiết tuyệt đối phải gắng gượng, và cô nhất quyết chống chọi để tư tưởng không bị suy sụp, nên cô lấy lại tinh thần khá nhanh.

Lucy cho lá thư trở lại vào túi áo.

- Trong mấy lúc xa cách lâu dài như thế này, biên thư cho nhau là niềm an ủi duy nhất cho chúng tôi. Vâng, tôi có một an ủi khác nơi bức họa của anh, nhưng Edward tội nghiệp không được như thế. Chỉ cần có một bức họa của tôi, anh nói anh sẽ được thanh thản. Tôi tặng anh ấy một lọn tóc kết trên mặt một chiếc nhẫn khi anh ấy đến Longstaple kỳ rồi; và anh nói đây là một ít an ủi cho anh, nhưng không bằng một bức họa. Có lẽ cô đã để ý đến chiếc nhẫn khi cô gặp anh ấy phải không?

- Tôi có thấy.

Cô cố giữ giọng bình tĩnh, nhưng dưới bề ngoài bình tĩnh là đợt sóng ngầm xúc động và đau đớn hơn là những gì cô đã từng trải qua. Cô chết lặng, bị sốc, hoang mang.

May mắn cho cô, bây giờ hai người đã về đến nhà nghỉ, và cuộc chuyện trò không thể đi xa hơn. Sau ít phút ngồi với họ, cô Steele trở về Barton Park, và Elinor được một mình để suy ngẫm và khổ não.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách